Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:15:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực  (Đọc 22888 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:34:43 pm »


Nhưng Hòa ước 1862 đã tạo cho quân Pháp một cơ sở pháp lý vững chắc. Để thi hành hòa ước, trước mắt Tự Đức hạ lệnh bãi binh trên ba tỉnh miền Đông, triệu Nguyễn Túc Trưng về kinh. Nguyễn Túc Trưng vâng lệnh triều đình vừa thăng chức Lãnh binh cho Trương Định vừa bắt Trương Định giải tán nghĩa quân rồi đi An Giang nhận chức. Lực lượng kháng chiến sẽ lâm vào tình trạng khó khăn và có nguy cơ bị triều đình bỏ rơi nếu không tuân lệnh giải giáp.

Yoshiharu Tsuboi, trong một tác phẩm của mình đã cho rằng Tự Đức quyết tâm lấy lại các tỉnh đã mất bằng chánh sách hai mặt, ông viết:

"Tự Đức đã dốc toàn lực để tìm cách lấy lại đất đã bị chiếm. Vua bí mật khuyến khích các quan trong vùng bị Pháp chiếm nổi dậy và vua tìm cách thương lượng với Pháp để chuộc lại các tỉnh ấy. Với mục đích đó vua cử một sứ bộ sang Pháp để thương lượng trực tiếp với hoàng đế Pháp, và Phan Thanh Giản một lần nữa được cử làm chánh sứ". Tsuboi cũng cho rằng Phan Thanh Giản đã hoàn thành sứ mạng của mình trong việc đi xin chuộc lại 3 tỉnh:

"Sứ mạng này là một thắng lợi ở chính quốc và ngày 15 tháng 7 năm 1864 kết thúc bằng một dự thảo mới về hòa ước, tiên liệu việc trả lại ba tỉnh"1.

Georges Taboulet cũng đã xác nhận sự thành công đó của sứ bộ Phan Thanh Giản.

Sau một thời gian lưu trú ngắn ở Madrid, các sứ thần trở về Sài Gòn ngày 18 tháng 3 năm 1864 và từ đó họ ra Huế ngay, vui mừng báo tin cho nhà vua của họ sự thành công của công cuộc thương lượng tế nhị đã qua2.

Nhưng, vì bọn thực dân chủ trương bành trướng ở hải ngoại (Bonard, Chasseloup Laubat, De Lagrandière...) ráo riết can thiệp vào vấn đề này (Tập san sử địa số 7-8, Sài Gòn 1967), bản dự thảo Hòa ước 1864 không được phê chuẩn. Cho nên thành công của phái bộ Phan Thanh Giản chỉ còn là làm chậm lại việc thi hành Hòa ước 1862 mà thôi.

Về việc Tự Đức ngấm ngầm khuyến khích trợ giúp lực lượng kháng chiến trong vùng Pháp chiếm đóng là một công tác vô cùng phức tạp diễn ra trong âm thầm bí mật, mặt khác bề ngoài triều đình phải chứng tỏ rằng đang thực hiện Hòa ước 1862 để đánh tan sự ngờ vực đương nhiên phải có về phía thực dân Pháp. Qua Phan Thanh Giản, người thay mặt vua Tự Đức cao nhất ở Nam Kỳ, các chiếu chỉ, sắc dụ công khai ra lệnh kêu gọi các lãnh tụ nghĩa quân giải giáp, rút quân rồi sau đó là lệnh tầm nã thậm chí yêu cầu "giặc Pháp bắt giúp"... Trong tình huống phức tạp đó, việc đánh giá thái độ của triều đình đối với lực lượng kháng chiến lúc này thật khó chính xác nếu thiếu thái độ bình tĩnh khách quan, có lý có tình sẽ dễ rơi vào tình trạng úp chụp ngộ nhận đáng tiếc.

Thật vậy, nếu chỉ dựa vào nội dung bức "mật văn" của Phan Thanh Giản gởi cho Bonard ngày 7 tháng 2 năm 1863 (Tập san Sử địa số 22 năm 1971) mà kết luận rằng Phan Thanh Giản là thỏa hiệp với giặc, là phản quốc thì thật là quá vội vàng, vì bình tĩnh xem kỹ lại thì bức mật văn đó thiếu mất chữ ký của Phan Thanh Giản.
________________________________________
1. Yoshiharu Tsuboi – Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Quốc.
2. G. Taboulet, La Geste Française en Indochine, Paris (1955-1956), tập 2, tr. 483.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:36:19 pm »


Trong văn thơ ngoại giao giữa đại diện nước này gửi cho đại diện một nước khác mà thiếu con dấu và chữ ký của người gửi, thiết tưởng cũng nên xét lại về mặt giá trị pháp lý của nó. Trong văn thư đề ngày 6 tháng 8 năm Tự Đức thứ 15 (tức 30-9-1862) cũng gởi cho Bonard, cuối thư Phan Thanh Giản viết: "Đo tân ấn vị phụng cấp đáo, nhưng dụng cựu quan phòng vi tín" tạm dịch là: do ấn mới chưa kịp mang đến, tạm dụng ấn cũ làm tin. Nhưng bên cạnh đó cũng không thấy đóng con dấu nào hết. Phan Thanh Giản quên hay cố tình không đóng dấu. Như vậy, văn bản đó có giá trị đến mức độ nào? Điều này cũng cho thấy được tư tưởng của Phan Thanh Giản. Theo quan niệm phong kiến, công văn không dấu là thái độ xem thường người đọc.

Chính Nguyễn Phan Quang, tác giả chủ trương chỉ trích gay gắt triều đình Tự Đức và Phan Thanh Giản cũng đã phải viết:

Nếu bảo rằng triều đình có chủ trương hai mặt và lệnh bãi binh cách chức chỉ là bề ngoài, thì thật khó giải thích vai trò và hoạt động của Phan Thanh Giản (chiêu dụ Trương Định quy thuận, thúc giục giặc Pháp tiêu diệt nghĩa quân, gửi mật thư cho tướng giặc yêu cầu bắt Trương Định "đền tội lỗi'’, v.v...). Hay là bản thân Phan Thanh Giản trong khi thực hiện "sách lược hai mặt" của triều đình đã lỡ trớn "đi quá giới hạn cho phép", đây cũng là một chi tiết cần được tìm hiểu thêm.

Còn nếu căn cứ vào tình trạng nghĩa quân bị cô lập trên địa bàn chiếm đóng của giặc sau Hòa ước 1862, vũ khí lương thực thiếu thốn nghiêm trọng, nghĩa quân hoàn toàn phải dựa vào dân để chiến đấu, liên hệ với người Hoa để mua súng đạn... mà cho rằng triều đình bỏ rơi kháng chiến thì e rằng chưa xác đáng lắm. Vì lúc bấy giờ triều đình đang gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung lực lượng dẹp cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng (tự xưng Lê Duy Phụng) ở Bắc Kỳ. Yoshiharu Tsuboi lý giải hành động đó như sau:

"Triều đình muốn có thì giờ để dẹp cuộc nổi loạn Lê Duy Phụng, cuộc nổi loạn này uy hiếp Bắc Kỳ đối với triều đình quan trọng hơn Nam Kỳ nhiều. Triều đình hy vọng sẽ lấy lại ba tỉnh ở Nam Kỳ đã mất một khi giải quyết xong số phận của nhóm nổi loạn ở miền Bắc"1.

Các tư liệu trình bày ở trên cho thấy rằng, sau Hòa ước Sài Gòn (1862), triều đình Huế đã có liên hệ với các nhóm nghĩa quân (trong đó có nghĩa quân Nguyễn Trung Trực), ngấm ngầm ủng hộ nghĩa quân đánh Pháp để giành lại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
______________________________________
1. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Quốc, tr. 262.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:36:48 pm »


Tuy nhiên, với bản chất bảo thủ, mềm yếu, thiếu quyết đoán của Tự Đức, lại thêm bản thân nhà vua có năng lực của một nhà thơ hơn là một nhà chính trị; trong khi đó, trong hàng ngũ quần thần lại không có sự nhất trí về một đối sách đối với bọn thực dân Pháp, không có người hiểu biết am tường về kẻ thù mới này, lại có một số quan lại muốn đầu hàng Pháp, nên chánh sách hòa hoãn với Pháp lúc đầu từng bước biến thành hành động đầu hàng nhục nhã... Chính sách hai mặt trong quá trình thực hiện dần dần nghiêng về một phía. Từ đó, dầu muốn dầu không dưới cái nhìn của quần chúng nhân dân, vua Tự Đức và một số quan lại như là những người phản bội.

Sau khi hòa ước được ký, về mặt công khai, để cho thực dân Pháp thấy rằng hòa ước được thi hành, triều đình Tự Đức điều các quan lại, lính chánh quy ra khỏi vùng giặc tạm chiếm, ra lệnh nghĩa quân giải giáp. Tuy nhiên, thực dân Pháp không chịu dừng lại ở đó, chúng còn muốn chiếm nốt ba tỉnh miền Tây trù phú, lại giáp với đất Khơ Me vốn đang là thuộc địa.

Triều đình Huế cũng thấy ý đồ của súy phủ Sài Gòn nên lại bổ nhiệm Phan Thanh Giản làm kinh lược sứ vào tỉnh Long Hồ (Vĩnh Long) để tìm kế giữ ba tỉnh còn lại.

"Sự sáp nhập 3 tỉnh miền Tây được sắp đặt một cách kín đáo. Hơn một năm trước đã được tuyển các nhà hành chính sẽ cai trị các lãnh thổ mới. Nhiều cuộc thám sát thường xuyên khắp mọi nơi đã được thực hiện bởi những nhân viên An-nam-mít trung tính" .

Quả nhiên chỉ trong 5 ngày Pháp thu xong 3 tỉnh phía Tây Nam Kỳ.

- Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp chiếm thành Vĩnh Long.
- Ngày 22 tháng 6 năm 1867, Pháp hạ thành Châu Đốc.
- Ngày 24 tháng 6 năm 1867, Pháp lấy thành Hà Tiên.

Vua Tự Đức truyền hịch kêu gọi toàn dân khởi nghĩa chống Pháp. Nhà vua hứa ban phẩm hàm cho những ai có công chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp hoặc đánh bại quân Pháp. Cuộc kháng chiến được hưởng ứng rất mau lẹ khắp nơi (tất nhiên không vì phẩm tước của triều đình).

Đó là các cuộc khởi nghĩa: của Trương Công Định, Phan Công Tòng, Phan Liêm và Phan Tôn (con của cụ Phan Thanh Giản) ở vùng Bến Tre; của Thiên hộ Dương (tức Võ Duy Dương) ở Đồng Tháp Mười (1866); của Phủ Cận ở Mỹ Tho, Tri huyện Thoại ở Gò Công; của Nguyễn Hữu Huân khởi nghĩa ở Mỹ Tho năm 1864; của Nguyễn Văn Chắt tại Vĩnh Long (1868); của Lê Công Thanh, Phạm Văn Đồng, Lâm Lễ, Âu Dương Lân các vùng Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ; của Đức cố Quản (Trần Văn Thành) ở Bảy Thưa (Châu Đốc).

Năm 1867, Nguyễn Trung Trực được thăng lên chức Lãnh binh tỉnh Gia Định, rồi triều đình Huế phong chức Thành thủ úy Hà Tiên để ông mộ binh chống giặc. Nhưng ông chưa kịp đến nơi thì Hà Tiên đã lọt vào tay quân Pháp ngày 24 tháng 6 năm 1867. Nguyễn Trung Trực rút quân về Sân Chim (ở tả ngạn sông Cái Lớn, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2017, 05:33:10 pm »


Câu hỏi 7: Thành Hà Tiên mất, Nguyễn Trung Trực đưa nghĩa quân về Rạch Giá hoạt động. Cho biết "kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần" muốn nhắc đến chiến công nào của ông?
Trả lời:


Từ Sân Chim, Nguyễn Trung Trực lại lui về Hòn Chông (cách Hà Tiên độ 20km) lập căn cứ chống Pháp. Ông liên hệ với các lãnh tụ nghĩa quân địa phương thành lập lực lượng kháng chiến lâu dài. Ở Minh Lương có Xã Lý, ở Phú Quốc có Quản Thứ, Tổng Điền, Xã Ngợi...

Lúc bấy giờ ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân do ông lãnh đạo rất rộng lớn từ Cà Mau đến Hà Tiên, Phú Quốc và vùng núi Sập (An Giang). Nghĩa quân có ba căn cứ chính là: Tà Niên (Rạch Giá), Hòn Chông (Hà Tiên) và Sân Chim (Cà Mau). Từ những căn cứ này, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực thường xuyên tiến hành du kích chiến khắp ba tỉnh. Nguyễn Trung Trực cũng thường đi khắp nơi như Cái Nước, Chắc Băng, Thầy Ngươn, Tân Hội, Vĩnh Trạch, v.v... để vận động những người có cùng chí hướng tham gia đánh đuổi quân xâm lăng, giành lại quê hương đất nước. Đến đâu ông cũng rất được nhân dân mến yêu và kính phục.

Còn thực dân Pháp, sau khi đã chiếm xong ba tỉnh miền Tây, chúng tăng cường đàn áp, truy lùng, bắt bớ nghĩa quân hòng tiêu diệt lực lượng của Nguyễn Trung Trực. Chúng thiết lập chính quyền xã tề và xây dựng đồn bót khắp nơi. Mặt biển ở Rạch Giá chúng thiết lập Ty Thương Chánh để thu gom tiền bạc của các thương thuyền ngoại quốc vào đây buôn bán. Trong sông rạch chúng cho pháo thuyền tuần tra ngang dọc đón ghe thuyền xét tra thu thuế và truy tầm tung tích nghĩa quân.

Một lần, Nguyễn Trung Trực theo đường biển đến chợ Rạch Giá, đưa mẹ ở tạm nhà ông Dương Công Thuyên, rồi ông mang thư giới thiệu của ông Dương Công Thuyên vào Tà Niên tìm gặp Lâm Văn Ky. Qua tiếp xúc, Nguyễn Trung Trực nhận thấy ông Lâm Văn Ky là một thanh niên khẳng khái và yêu nước, còn Lâm Văn Ky vô cùng cảm phục vị anh hùng Nhật Tảo mà ông đối diện. Hai tâm hồn đồng điệu yêu nước thương dân đã gặp nhau và cùng nuôi chí lớn đánh Pháp yên dân.

Ông Lâm Văn Ky còn tiến cử bốn người bạn thân thiết của mình cho cụ Nguyễn. Đó là các ông Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp, Hồng Văn Ngàn và Nguyễn Văn Miên.

Sau khi quan sát xong vùng Tà Niên (nay là xã Hòa Hiệp cách chợ Rạch Giá khoảng 10 cây số đường chim bay), Nguyễn Trung Trực quyết định chọn nơi này làm địa điểm xuất phát trận tấn công thành Kiên Giang.

Nguyễn Trung Trực ở nhà Lâm Văn Ky được năm hôm, ông đã dùng thời gian này để nghiên cứu kỹ địa hình và thực lực quân Pháp ở thành Kiên Giang. Ông còn đích thân cải trang thành dân thường ra tận chợ Rạch Giá để nắm tình hình. Đêm thứ năm, định sáng hôm sau trở về Sân Chim chuyển quân đến Tà Niên thì có chị em cô Điều và cô Đỏ đến thăm.

Bàn về việc tấn công thành Kiên Giang, hai bà nhận việc thuyết phục Quản Cầu chỉ huy đồn lính mã tà làm nội ứng. Nguyễn Trung Trực giao cho bốn vị Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp, Hồng Văn Ngàn và Nguyễn Văn Miên ở Tà Niên phụ giúp hai bà, tiền bạc tốn kém trong các hoạt động này hai bà đảm nhận cả. Gần đến ngày tấn công, Quản Cầu bằng lòng làm nội ứng cho nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2017, 05:33:59 pm »


Sau đó ít lâu, Nguyễn Trung Trực triệu tập các vị chỉ huy lại để bàn kế hoạch đánh đồn Kiên Giang. Nhưng thật đáng tiếc, trong nghĩa quân có những kẻ phản bội như Đội Lượm (Đội Lượm: có tài liệu nói là tên Lượng), Xã Ngươn ở Tân Hội ra đầu Pháp, báo cho tên chủ tỉnh biết. Tên chủ tỉnh liền ra lệnh bắt ngay Quản Cầu, Xã Lý và cô Ba Đỏ nhốt vào khám lớn. Làm như vậy, chúng tin rằng Nguyễn Trung Trực không còn có cơ hội đánh đồn được. Nhưng tương kế tựu kế, Nguyễn Trung Trực vẫn thực hiện. Trước khi tiến công 2 ngày, ông cho lực lượng nghĩa quân ở Hòn Chông kéo về Tà Niên để cùng phối hợp hành động.

Khoảng nửa đêm 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực cùng đoàn dũng sĩ dùng ghe xuất phát từ rạch Tà Niên theo bờ vịnh Rạch Giá đổ bộ lên bở rạch Láng Ông. Nghĩa quân ém quân xung quanh thành Kiên Giang chờ đến 4 giờ sáng thì hành động.

Trời tối đen, bỗng một trận mưa nhỏ trút xuống, không khí mát mẻ để lính trong thành ngủ say.

Đến 4 giờ, nghĩa quân bò sát thành bố trí, hai tên lính canh trốn mưa ngồi co ro trong chòi canh, Nguyễn Trung Trực bò lại gần chỉ loáng một nhát kiếm đầu một tên lìa khỏi cổ, tên thứ hai chưa kịp la lên, đầu đã lăn lốc trên đất.

Sau khẩu lệnh của ông, nghĩa quân bắt đầu công thành, kẻ phá cửa xông vào, người trèo lên thành thi nhau chém giết, quân Pháp không kịp phản ứng, bị giết ngay trên giường ngủ, vài tên tỉnh táo cầm súng bắn trả nhưng không kịp nạp đạn lần thứ hai. Trại lính mã tà do đã nhận làm nội ứng nên im lìm không nổ súng để mặc cho nghĩa quân tung hoành.

Tiếng gào thét, tiếng súng nổ, tiếng gươm giáo, tiếng rượt đuổi vang động trong đêm tối.

Có ba tên lính Pháp chạy thoát nhờ bóng đêm nhưng sáng bị đồng bào phát hiện hai tên trốn dưới đầm sen kéo lên đập chết. Tên thứ ba trốn vào nhà một người Miên, người này thương hại không nỡ đi tố cáo, giấu trong nhà và cho ăn, khi Pháp tái chiếm thành Kiên Giang, người này dẫn tên Pháp tị nạn ra nạp và được trọng thưởng. Tên lính này đúng là tên lính kèn Duplessis mà Benoist ghi trong hồi ký của ông.

Sáng ngày 17 tháng 6 năm 1868, ngọn cờ nghĩa quân bay phấp phới trên thành lính Tây, dân chúng hân hoan kéo đến chào mừng Nguyễn Trung Trực và thết đãi nghĩa quân.

Trận đánh thành Kiên Giang của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã hạ sát được tên Chánh Phèn (trung úy hải quân Pháp làm chánh tỉnh đầu tiên ở Rạch Giá. Hắn ta có bộ râu màu râu bắp nên dân địa phương đặt tên là Chánh Phèn. Trong Nam, màu vàng hoe như màu râu bắp thì gọi là phèn, như chó phèn, cá phèn, đường phèn...) và 5 võ quan, 67 lính Tây và Việt gian, 6 tên bị bắt sống, đoạt trên 100 khẩu súng và một kho đạn.

"Đài chiến sĩ" trước khuôn viên dinh tỉnh trưởng cũ có ghi: "Aux morts de la grande guerre 1914-1918" (tử sĩ trận thế chiến 1914-1918), "et la surprise de 1868" (tử sĩ trận đột kích 1868), thì đủ biết trận đánh thành Kiên Giang thật là ác liệt. Đây là lần đầu tiên lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhận tin chủ tỉnh Rạch Giá cùng viên trung úy Gamard bị giết ngay tại trận, George Dirwell gọi đây là một sự kiện bi thảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2017, 05:34:26 pm »


Khi đã làm chủ thành Kiên Giang, nghĩa quân bêu đầu những viên sĩ quan và lính Pháp cắm dọc theo kinh Rạch Giá - Long Xuyên để cảnh cáo. Nguyên con kinh này được đào vào năm Gia Long thứ 17 (1818) để các miền trên thông thương với Rạch Giá vừa làm thủy lộ chiến lược để đưa quân đánh Xiêm La.

Đề phòng quân Pháp trở lại tấn công, Nguyễn Trung Trực cho nghĩa quân hợp cùng dân chúng cắm cọc thả chà, đắp đập dọc theo con kinh trên từ Rạch Giá đến núi Sập. Có hai cái cảng lớn: một tại Tà Keo và một tại Lục Dục và bố trí những khẩu đại bác bắn đá tại đây.

Nguyễn Trung Trực giao cho Lâm Quang Ky ở lại giữ thành Kiên Giang còn mình đón quân giặc tại cảng Lục Dục (núi Sập).

Ngày 18 tháng 6 năm 1868, Bộ chỉ huy Pháp ở Mỹ Tho mới được tin thành Kiên Giang đã mất, lập tức cho quân phản công.

Quân Pháp do thiếu tá Ausart chỉ huy từ Vĩnh Long đưa qua Kiên Giang, dưới quyền có đại uý Dismuratin chỉ huy một phân đội lính thủy đánh bộ, trung úy Taradel chỉ huy phân đội lính mã tà và trung úy hải quân Richard đi ca-nô chạy bằng hơi nước, cùng theo có Trần Bá Lộc và tổng đốc Phương.

Qua nhiều trận kịch chiến gian nan, ngày 21 tháng 6 năm 1868 quân Pháp đến Sọc Suông (thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp). Nguyễn Trung Trực rút quân về cố thủ thành Kiên Giang, nhưng trước thế giặc quá mạnh ông cùng nghĩa quân lui về Hòn Chông (Hòn Chông là dãy núi đá vôi, tuy gọi là hòn song núi đá vôi này đã nằm yên trong đất liền từ lâu, gần bờ biển, núi có nhiều hang động, chung quanh núi là rừng và đầm lầy, địa thế hiểm trở), một số nghĩa quân theo không kịp, ở tản mác tại Rạch Giông (cách chợ Rạch Giá khoảng 3 cây số). Còn ông Lâm Quang Ky và một số nghĩa quân chạy về rạch Kim Quy (thuộc xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên).

Quân Pháp tái chiếm thành Kiên Giang, một số nghĩa quân hy sinh, một số bị bắt.

Mẹ Nguyễn Trung Trực vẫn ở nhà ông Dương Công Thuyên, nhiều người đến thăm hỏi và biếu lễ vật, sợ bị lộ, bà được nghĩa quân đưa về Hà Tiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2017, 05:36:32 pm »


Câu hỏi 8: Trước thế giặc mạnh, Nguyễn Trung Trực phải đưa quân về đảo Phú Quốc lập căn cứ. Ở đây đã diễn ra những trận đánh cuối cùng của ông. Hãy cho biết việc Nguyễn Trung Trực bị bắt và những giả thuyết về sự kiện này?
Trả lời:


Quân Pháp chặn các con đường tiếp tế dẫn đến Hòn Chông và siết chặt vòng vây, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân dùng ghe, xuồng ra đảo Phú Quốc, lập căn cứ kháng chiến cuối cùng.

Khi đến đảo, Nguyễn Trung Trực ra lệnh cho nghĩa quân đánh đắm tất cả số ghe này để ngăn cửa rạch. Nghĩa quân hợp lực cùng dân trên đảo lấy cọc gỗ đóng giữ chặt để làm chiến lũy.

Chiến hạm Goeland do Bouchet Rivière chỉ huy đến đảo, chúng dùng súng đại bác bắn vào chiến lũy này, tốn hao nhiều đạn mới phá vỡ. Khi quân Pháp đổ bộ lên đảo thì một trận kịch chiến diễn ra trên bãi Hàm Ninh gây thiệt hại nặng cho quân Pháp. Sau đó nghĩa quân rút lên núi.

Ngày 19 tháng 9 năm 1868, Bouchet Rivière trở về Hà Tiên chở thêm 125 lính mã tà ở Gò Công và cùng Huỳnh Công Tấn đến Phú Quốc.

Lúc này Nguyễn Trung Trực dùng chiến thuật du kích đánh tỉa quân Pháp. Trong những đêm tối trời nghĩa quân nương theo bóng đêm tấn công và đốt phá trại giặc.

Các cụ già ở Phú Quốc còn thuật lại giai thoại ông dùng kế nghi binh cho nghĩa quân đi loanh quanh trên núi. Quân Pháp trên tàu dùng viễn vọng kính theo dõi, tưởng nghĩa quân còn đông không dám tấn công lên núi.

Pháp phong tỏa đảo Phú Quốc, chặn tất cả các ghe xuồng qua lại vì nghi là tiếp tế gạo cho nghĩa quân. Huỳnh Công Tấn lại bày kế với Pháp bắt tất cả dân trên đảo tập trung vào một nơi phơi mưa nắng và không cho ăn uống, cùng truyền rao: Nếu Nguyễn Trung Trực không ra đầu hàng sẽ hành hạ dân trên đảo đến chết vì họ cố tình tiếp tay và che giấu cho nghĩa quân.

Mặt khác tại chợ Rạch Giá, Pháp treo giải thưởng:

- Ai bày mưu cho Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực được thưởng 200 quan tiền.

- Ai bắt sống hay hạ sát được Nguyễn Trung Trực, đem nộp thủ cấp sẽ được thưởng 500 quan tiền.

Lời rao truyền được loan đi khắp nơi trong tỉnh đến tận đảo Phú Quốc. Mấy ngày sau có một tên nghiện thuốc phiện đã lâu ngày thấy tiền thưởng to đến hiến kế cho Pháp.

Tên Việt gian này mách Pháp bắt mẹ Nguyễn Trung Trực ở Hà Tiên và truyền rao rằng nếu ông không chịu ra đầu hàng tất mẹ ông phải thế mạng. Thế nào Nguyễn Trung Trực cũng ra hàng vì ông là người rất có hiếu với mẹ.

Pháp nghe kế làm theo, cho bắt cụ bà và nài nỉ bà viết thơ khuyên dụ Nguyễn Trung Trực ra quy thuận, mẹ con được sum vầy, lại được ân thưởng bạc tiền cùng quyền cao chức trọng. Bà cụ không nghe, chúng bắt bà cụ hạ ngục. Nghe nói về sau khi nghe tin Nguyễn Trung Trực ra hàng, bà cụ tức giận thổ huyết chết trong ngục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2017, 05:37:10 pm »


Bấy giờ tình hình nghĩa quân rất bi đát: lương thực dần dần cạn, súng đạn cũng không còn. Dân chúng toàn đảo cũng bị ảnh hưởng vì chúng bao vây không cho đất liền cung cấp lương thực. Dân chúng phải chịu cảnh đói khát, nghèo khổ cùng cực. Giờ đây mẹ cũng bị chúng bắt giam cầm chốn lao tù!... Tình hình như vậy không thể kéo dài cuộc chiến. Qua nhiều đêm suv nghĩ, đắn đo, ray rứt... cuối cùng Nguyễn Trung Trực quyết định ra "hàng" để giải quyết mọi vấn đề cấp thiết. Trước khi ra hàng, ông viết thư cho Huỳnh Công Tấn biết, nêu muốn ông ra hàng phải chấp thuận 3 điều kiện:

- Một là, bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa toàn đảo.

- Hai là, phải thả hết nghĩa quân đã bị bắt, cho họ được trở về nguyên quán yên ổn và tự do làm ăn sinh sống.

- Ba là, phải thả ngay mẹ ông ra và đưa đến căn cứ để gặp ông.

Dĩ nhiên được tin ông chịu ra hàng, Pháp chấp thuận ngay nhưng chúng chỉ thực hiện hai điều kiện trên. Còn điều kiện thứ ba, chúng nói dối rằng bà đang bị bệnh nặng không thể đưa đến gặp ông được, khi nào ông ra hàng chúng sẽ cho gặp mặt (Có truyền thuyết nói rằng mẹ ông không bị Pháp bắt. Việc Pháp nói bắt bà là do bịa chuyện để buộc ông vì chữ hiếu mà ra hàng chúng. Sự thật khi chúng tấn công vào Hòn Chông tìm bắt Nguyễn Trung Trực thì bà đã đi lánh nạn ở đâu không rõ. Nhưng sau đó bà về Tân Thuận - Cà Mau rồi chết ở đó).

Tương truyền, trước khi ra hàng ông cho gọi tất cả nghĩa quân lại, đại ý khuyên dạy: "Khi tôi ra nộp mình cho quân Pháp, tất chúng sẽ rút khỏi đảo này để đồng bào được yên thân vì giặc chỉ muốn bắt cho được tôi thôi, vả lại nếu tôi không ra hàng thì quân Pháp kéo dài cuộc vây tỏa. Chúng ta sẽ lâm vào thế bế tắc vì cạn lương".

"Anh em trót đã theo tôi, có người từ vùng Nhật Tảo tới, có người từ Rạch Giá tới, nay vận nước đã đến hồi suy vi. Vậy anh em hãy trở về sum họp với gia đình, tìm phương kế làm ăn, chờ đợi thời cơ".

Nguyễn Trung Trực vừa dứt lời tất cả nghĩa quân đều khóc, có người quỳ xuống ôm lấy chân ông xin sống chết có nhau. Nguyễn Trung Trực khuyên mọi người đừng làm ông bịn rịn một khi ông đã quyết tâm. Nguyễn Trung Trực gọi một nghĩa quân đến trói tay mình nhưng không ai đành tâm làm việc này.

Đến ngày hẹn, Nguyễn Trung Trực ăn mặc đàng hoàng như một vị tướng ngoài trận địa: áo thắt lưng, quần chẽn ống, đầu chít khăn đen với dáng dấp hiên ngang, một mình đi ra gặp bọn Pháp (Có tài liệu nói rằng khi ra hàng, ông mượn một người nông dân lấy cọng rau muống biển trói tay giùm, rồi hiên ngang đi ra gặp Pháp). Chúng đón tiếp ông một cách rất kính trọng, rồi vội vàng đưa ông về Kiên Giang. Lãnh binh Tấn thấy Nguyễn Trung Trực ra hàng thì rất đỗi vui mừng, lấy tình cũ bạn xưa đối đãi rất ân cần, tử tế.

Trên con tàu đưa Nguyễn Trung Trực từ Phú Quốc về Hà Tiên, lãnh binh Tấn không ngớt lời khuyên dụ ông quy hàng sẽ được đối đãi trọng hậu. Nguyễn Trung Trực chỉ cười nhạt và nói: "Tôi với anh trước là đồng tâm đồng chí, nay anh theo Pháp còn tôi chống Pháp. Bây giờ tôi là kẻ thất thế, tôi chỉ muốn được chết. Nếu anh còn nghĩ tình xưa cũ xin anh nói bọn Pháp giết tôi càng sớm càng tốt".

Chiến hạm tới Hà Tiên, Pháp cho ghe bầu chở Nguyễn Trung Trực vào chợ Hà Tiên nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau đưa ông về Rạch Giá.

Dân trên đảo Phú Quốc thuật việc Nguyễn Trung Trực ra hàng như được kể ở trên. Nhưng có người lại cho rằng Nguyễn Trung Trực chiến đấu đến phút cuối cùng, bị thương và bị giặc bắt.

Thuyết đó có thể nêu cao được khí tiết của Nguyễn Trung Trực nhưng bóp méo sự kiện lịch sử.

Nguyễn Trung Trực ra hàng vì nhân dân trên đảo, vì số nghĩa quân còn lại, vì mẹ già là thứ yếu. Hơn nữa xếp giáp quy hàng cũng có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người quy hàng vì ham sống sợ chết, có người quy hàng vì muốn vinh thân phì gia, có người trá hàng để mưu đồ về sau... Riêng Nguyễn Trung Trực khi nộp mình, ông kiên quyết từ chối chức trọng quyền cao. Người ta nói "hàng thần lơ láo", nhưng Nguyễn Trung Trực lúc nào cũng hiên ngang. Đến cả tên thực dân Piquet khi lấy khẩu cung cụ Nguyễn Trung Trực cũng đã ghi nhận xét một cách trung thực rằng: "Trực rất tự trọng và đầy khí phách". Trong khi bị giam giữ ở Rạch Giá ông luôn miệng yêu cầu Pháp, sớm kết liễu đời mình.

Như vậy, việc Nguyễn Trung Trực ra hàng không phải là úy tử tham sinh, muốn hưởng bả vinh hoa, mất khí tiết. Cái khí tiết anh hùng là chết vinh hơn sống nhục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:44:31 am »


Câu hỏi 9: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây" là câu nói lưu danh thiên cổ của Nguyễn Trung Trực. Ông đã nói như vậy ở đâu, trong trường hợp nào?
Trả lời:


Thực dân Pháp thấy Nguyễn Trung Trực là người thủ lĩnh nghĩa quân nổi tiếng, lại càng muốn dụ ông quy thuận để lợi dụng vào công cuộc bình định nên đã cho các ông hương chức ở Rạch Giá khuyên dụ ông theo Pháp sẽ được phong chức phó soái. Nguyễn Trung Trực cả cười mà bảo: Tụi bây kiếm cho tao cái chức gì giết Tây được thì tao làm, còn chức phó soái thì tao không màng.

Biết không thể mua chuộc được ông, Pháp đưa Nguyễn Trung Trực lên Sài Gòn để lấy khẩu cung, viên thống soái Nam Kỳ muốn biết tường tận ông là người như thế nào nên vào khám gặp ông. Trước tiên hắn dùng lời lẽ ngọt ngào khuyến dụ nhưng không được hắn mới xẵng giọng nói: "Ông Trực nè! Dù ông có sống hay chết thì binh lực của Pháp cũng đã tận diệt hết quân phiến loạn của xứ sở này rồi...".

Nguyễn Trung Trực mỉm cười, liền đưa tay chỉ ra ngoài sân cỏ và ôn tồn nói với viên chánh soái rằng: "Thưa Pháp soái: Chúng tôi tin chắc rằng, chừng nào ngài trừ hết cỏ trên mặt đất này thì chừng đó ngài mới mong trừ hết những người ái quốc của xứ sở này mà ngài giận dữ gọi họ là quân phiến loạn". Với ý này có câu ngắn gọn hơn: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây".

Trong ngục thất Sài Gòn, ông đã bình thản trả lời khẩu cung của thực dân Pháp. Biên bản hỏi cung được Piquet ghi lại như sau:

Ngục thất trung ương Sài Gòn.

Lời khai của Nguyễn Trung Trực, 30 tuổi, sanh tại phủ Tân An.

Hỏi: Nguyên cớ nào thúc đẩy chú tấn công Rạch Giá?

Đáp: Tôi đã rút về Hòn Chông cùng với gia đình từ khi quân Lang Sa chiếm tỉnh Hà Tiên, nơi tôi nhậm chức Thành thủ úy. Trước khi tấn công Rạch Giá, một vị quan được triều đình Huế phái đến mang cho tôi lệnh nhóm nghĩa quân để dấy động tỉnh Hà Tiên. Tôi đã trả lời với vị quan đó rằng tôi không đủ sức để tấn công và tôi không tiết lộ lệnh đó cho ai biết.

Hỏi: Lệnh đó có đóng triện son của vua không?

Đáp: Không, đó là một bản sao tôi đã đánh mất tại Phú Quốc.

Hỏi: Ai đã quyết định tấn công đồn Rạch Giá?

Đáp: Ít ngày sau khi nhận lệnh do vị quan chuyển giao, tôi có tiếp tại Hòn Chông Xã Lý (xã trưởng Minh Lương, tên một làng Việt Nam ở Rạch Giá), Quản Cầu người cùng làng và người phụ nữ Thị Bà Đỏ. Ba người này nói với tôi rằng họ đã biết lệnh của triều đình Huế và họ tìm tôi để giục thúc tôi tấn công Rạch Giá, họ quả quyết nhiều lính mã tà sẽ theo về phía chúng tôi. Tôi khước từ quyết liệt, cảm thấy mình không đủ sức đối với một việc lớn lao như thế. Ba người bất bình từ biệt tôi, vừa đe dọa tôi là sẽ cho quân Lang Sa bắt tôi nếu tôi không nghe họ. Tại Hòn Chông, Quản Diêu cho tôi biết viên thanh tra Rạch Giá bắt Quản Cầu, Xã Lý và bà Đỏ. Tên Lượng nào đó lôi thôi với Xã Lý về tiền nợ mới tố giác cho viên thanh tra bắt họ. Quản Diêu nói với tôi rằng khi biết tôi ở Hòn Chông, viên thanh tra sẽ cho người bắt tôi và tôi chỉ còn một quyết định là điều khiển tức khắc cuộc công hãm đồn Rạch Giá. Tôi đi từ Hòn Chông đến Rạch Giá Tà Niên bằng ghe và tôi tập hợp dễ dàng khoảng 100 người, bốn mươi tám giờ sau khi tôi đến, tôi đổ bộ tại Rạch Giá lúc nửa đêm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:49:04 am »


Hỏi: Chú có thứ vũ khí gì?
Đáp: Tôi chỉ có giáo.

Hỏi: Chú có biết các sĩ quan Lang Sa được mách báo trước không?
Đáp: Tên Lượng đã mách báo. Dầu vậy, chúng tôi quả quyết rằng tất cả đều ngủ và không làm được một cuộc biểu dương nào. Lúc bấy giờ là 4 giờ sáng và trời tối đen dầy đặc.

Hỏi: Có lính gác Lang Sa nào canh đồn không?
Đáp: Có 2 lính canh ngủ bên cạnh súng của họ và họ bị hạ sát trước tiên.

Hỏi: Viên thanh tra và viên trưởng đồn bị giết cách nào?
Đáp: Tôi không thể cho biết một chi tiết nào rõ ràng về việc đó. Lệnh là phải giết tất cả người Lang Sa và chỉ sáng ra tôi mới biết được số người chết. Hai viên sĩ quan Lang Sa đã chết từ lâu, họ đã ngã gục ngay từ đầu.

Hỏi: Những lính Lang Sa khi lấy lại bình tĩnh, có họp lại tự vệ không?
Đáp: Có, khoảng 10 người tự vệ trong một giờ, nhưng chúng tôi vây bức quá khiến họ không nạp đạn được ba lần.

Hỏi: Làng có được báo tin về cuộc tấn công này không? Và như vậy trợ lực cho chú là lính mã tà?
Đáp: Chỉ vài dân làng biết, còn những lính mã tà theo hầu viên thanh tra thì không biết, tôi chắc về điều đó nếu họ có đạn để sử dụng không chắc tôi chiếm được đồn.

Hỏi: Ông huyện Hiên có hay biết không?
Đáp: Tôi không biết. Các viên chức làng đã cho tôi hay rằng tôi sẽ dễ dàng chiếm đồn và tôi không hỏi thêm điều gì nữa. Buổi sáng khi mọi người hay tôi thắng trận, tất cả dân chúng và huyện Hiên được dẫn đến do những người Cao Miên. Tôi bảo tập hợp tất cả những lính mã tà và tôi buộc họ theo tôi.

Hỏi: Có mấy người lính Lang Sa thoát khỏi đồn?
Đáp: Năm, bị bắt lại trong buổi sáng. Hai người trong nhóm muốn kháng cự, tôi cho hạ sát. Còn ba người kia bị giam tại nhà làng cùng với những viên chức và những viên thông ngôn trong tòa bố và số người Thiên Chúa giáo.

Hỏi: Tại sao chú ra lệnh giết họ?
Đáp: Không phải tôi và không bao giờ tôi muốn làm vậy. Khi tôi hay tin những đoàn lính Lang Sa tới tái chiếm đồn, tôi đi ra cản chỉ huy, tôi để ông Lâm Văn Ky, con của ông Cai tổng ở Rạch Giá thay tôi.
       Trong lúc đi vắng tôi đã không ra lệnh, ông đã chém đầu tất cả những người Thiên Chúa giáo và ba người Lang Sa (Lâm Văn Ky vừa bị bắt và bị bắn sau khi tái chiếm Rạch Giá).
       Khi tôi trở lại Rạch Giá trước sự đuổi theo của lính Lang Sa, cuộc hạ sát đã gần kết thúc và đến lượt viên thông ngôn Chomb. Tôi cho phóng thích và tôi lên ghe đi.
       Tới đây Nguyễn Trung Trực nhìn qua phía Chomb đang có mặt nói với hắn: "Anh có mặt ở đây để xác nhận rằng tôi đã cứu mạng anh, có thể anh có ảnh hưởng do địa vị thông ngôn của anh. Tôi chỉ yêu cầu anh dùng ảnh hưởng ấy để xin cho tôi được chết ngay".

Hỏi: Tại sao chú cho giết chết nhân viên của sở thâu thuế nha phiến?
Đáp: Hắn đã ra tay trước khi người ta chưa muốn tấn công hắn vì hắn đã giết ba hoặc bốn người Việt Nam, tôi không thể tha thứ cho hắn được.

Hỏi: Vì sao mang cấp bực cao chú lại nghe theo lời của những người có hành tích xấu như Quản Cầu, Xã Lý và bà Đỏ. Tôi không cần nhắc hành tích của 3 người đó, nhứt là bà Đỏ?
Đáp: Tôi không biết họ, tôi tưởng rằng họ được phái từ Huế hay Quảng Nam.

Hỏi: Chú còn nói thêm điều gì không?
Đáp: Tôi cho biết rõ rằng tôi đã tự ý quy thuận lãnh binh Tấn. Khi hắn đến đảo, hắn bảo viết thơ yêu cầu tôi quy hàng, vì chúng tôi bị bao vây trong núi không có gì để sống, tôi bảo một người dân trói tôi và dẫn tôi đến Tấn. Nếu tôi muốn tiếp tục chiến đấu, hắn không bắt tôi được dễ dàng như thế. Tôi luôn luôn nhiệt thành phụng sự đất nước tôi, tôi ngỡ quân Lang Sa không mạnh như thực tế. Nếu tôi biết, có lẽ tôi sẽ cống hiến các chiến công của tôi và tôi dám nói rằng tôi có thể trội hơn lãnh binh Tấn về chiến công. Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt và mong rằng người ta cho những đứa con của tôi lên Sài Gòn.

Hỏi: Chú ở đâu khi rời Rạch Giá?
Đáp: Ở Phú Quốc, tôi không đi đâu cho đến ngày tôi bị bắt. Tôi nói rằng Cai tổng Diêu (Cai tổng Phú Quốc) không tự ý theo tôi. Chính tôi bắt buộc ông ta theo và trao cho tôi tiền thuế mà ông chuẩn bị mang về Hà Tiên.

Hỏi: Xã Lý và bà Đỏ hiện giờ ra sao?
Đáp: Có khi trở vào núi và chắc họ sẽ chết đói.

Hỏi: Người Tàu nào bị bắt cùng với chú?
Đáp: Tôi không biết rõ, tôi chỉ biết ông ta theo phe của nhóm Quản Thứ và Xã Ngãi (xã trưởng Phú Quốc), nhóm này đã khởi nghĩa trước khi tôi tới.

Hỏi: Hồi năm 1861 người ta gọi chú là gì?
Đáp: Quản Lịch. Chính tôi làm nổ chiếc tàu đậu tại Nhật Tảo. Kế tôi ra Huế nơi tôi được bổ nhiệm chức Quản cơ và vài năm sau, tôi được phái đến Hà Tiên với chức Thành thủ úy. Lúc đó quân Lang Sa đã chiếm Hà Tiên, tôi và gia đình lui về Hòn Chông.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM