Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:01:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực  (Đọc 23046 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 08:58:44 am »


Không có tài liệu nào xác định rõ nghề nghiệp của Nguyễn Trung Trực, nhưng lại nói rằng ông rất giỏi võ, dùng võ bắt cướp Ba Cụm, dùng võ dạy cho nghĩa quân, dùng võ đánh Pháp... Đó chính là vốn "di truyền" của ông cha gốc người Bình Định, nơi "sáng tạo" ra võ nghệ cao cường nhất nước. Vì thế nên có hai câu thơ:

"Ai về Bình Định mà coi,
Con gái cưỡi ngựa, múa roi, đánh quyền".

Còn nói ông thành thạo về nghề chài lưới cũng đúng. Vì ông sinh ra ở vùng sông rạch Bến Lức (Long An), nơi mà đời sống kinh tế của người dân đều phụ thuộc vào nghề chài lưới và nghề nông. Ông lớn lên từ nơi đó, dù muốn hay không cũng chịu ảnh hưởng bởi những nghề nghiệp này, nhất là nghề chài lưới. Nên sau này người ta cũng thường gọi ông là: "Anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực".

Tra cứu hầu hết các tài liệu thì không thấy nơi nào nói dòng họ của ông có người đỗ đạt từ chương, khoa bảng hay làm một chức quan nhỏ nào trong chính quyền nhà Nguyễn (ngoại trừ ông). Cũng không nghe thấy ông học văn chương với ai và đã từng ngâm thơ vịnh phú với bất kỳ nhân sĩ nào. Thế mà trước khi bị hành quyết, ông ứng khẩu làm một bài thơ thất ngôn tứ cú tuyệt tác như sau:

      Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
      Yêu gian đảm khí hữu long tuyền.
      Anh hùng nhược ngộ vô dụng địa,
      Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.


Đông Hồ Lâm Tấn phát dịch:
      Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,
      Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
      Anh hùng gặp phải hồi không đất,
      Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Về điểm này đa số trong chúng ta đều phân vân, nghi ngờ... Nhưng mãi đến bây giờ chưa thấy ai phủ nhận hay tìm ra được nguồn gốc khác.

Cả hai tông chi Bình Nhựt và Tân Thuận đều ghi Nguyễn Trung Trực không có vợ con gì cả. Nhưng căn cứ nhiều tài liệu chính xác đã khẳng định ông có vợ và có một đứa con trai. Trước khi ông hy sinh thì vợ và con ông đều chết.

Về họ và tên vợ có hai ý kiến khác biệt nhau.

- Vợ tên là Điều:

Căn cứ theo một số truyền khẩu nói rằng vợ của Nguyễn Trung Trực tên là Điều. Bà đã từng tham gia trong đội nghĩa quân và cũng theo sát ông trong suốt thời gian chống Pháp ở Kiên Giang. Có lần bà Điều vâng lệnh Nguyễn Trung Trực đi do thám đồn Săn Đá - Kiên Giang bị chúng phát hiện rồi bắt bà. Tên chủ tỉnh định giở trò cưỡng hiếp, Nguyễn Trung Trực kịp đến giải vây cứu được bà. Và lần sau, bà bị bắt cùng một lượt với Quản Câu, xã Lý. Chúng đem nhốt tất cả vào khám lớn. Mãi cho đến khi Nguyễn Trung Trực đánh chiếm được đồn mới giải thoát cho họ.

Nếu vợ ông quả là bà Điều này thì tên họ thật của bà là Thi-ba-đo (theo dân tộc Khơ Me, người nữ thường lấy chữ Thi làm họ). Người ta thường gọi tắt là Ba Đô hay bà Đỏ. Về sau bà Đỏ có vai trò quan trọng trong đội nghĩa quân và cũng là người thân tình của Nguyễn Trung Trực. Do sợ kỵ húy nên người ta gọi bà Điều là bà Đỏ (Màu điều cũng là màu đỏ, nhưng sậm hơn có pha chút màu đen). Như vậy bà Đỏ hay bà Điều cũng chỉ là một người mà thôi (có tài liệu nói rằng bà Điều và bà Đỏ là hai chị em ruột chứ không phải là một người).

- Vợ tên là Định:

Trong suốt quá trình chống Pháp ở đất liền, chưa có tài liệu nào khẳng định Nguyễn Trung Trực có vợ và có con. Nhưng khi ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp cho đến ngày hy sinh, người ta mới biết ông có một người vợ và một đứa con trai, cả hai đều chết ở Phú Quốc. Hiện nay vẫn còn di tích.

Theo tài liệu của ông Lê Hoàng Nam (Phú Quốc) đã viết: "Một điều đáng chú ý là: Qua xác minh thì ở Cửa Cạn có mộ của vợ con cụ. Hàng năm nhân dân tổ chức cúng vào ngày 19 tháng 8 âm lịch rất lớn... Họ gọi bà là "Bà QUAN LỚN TƯỚNG". Hiện nay trên mộ bia có ghi rõ họ tên là LÊ KIM ĐỊNH". Đây là giả thuyết có cơ sở khoa học đáng tin cậy hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 08:59:31 am »


Về phần tên con của ông cũng có nhiều ý kiến khác nhau như sau:

Có ý kiến nói rằng "công tử" sinh ra được ba, bốn ngày thì chết nên không kịp đặt tên.

Có ý kiến nói rằng "công tử" sinh ra được hơn một tháng mới chết, cũng chưa có tên (theo tài liệu Lê Hoàng Nam - Phú Quốc).

Qua hai ý kiến trên, có thể nhận xét như sau:

- Việc sinh con được ba, bốn ngàv chưa đặt tên mà chết, đó là việc thông thường.

- Việc sinh con được hơn một tháng chết, mà chưa đặt tên, đó là sự cá biệt, rất hiếm có!

Theo thường tình, đôi vợ chồng lần đầu vợ mới mang thai thì chắc chắn hai vợ chồng sẽ trao đổi việc đặt tên con. Nếu con trai thì phải đặt tên gì cho hay, cho hùng... Nếu là gái thì phải đặt tên gì cho đẹp, cho duyên dáng. Đó là tâm lý chung, kể cả những người lao động, ít học. Thế mà Nguyễn Trung Trực là một người có chức tước ngang hàng chánh tứ phẩm của triều đình, chẳng lẽ ông không biết đến sự quan trọng của việc đặt tên cho con để sau này nối dõi tông đường hay sao?

Có một điều mà chúng ta cũng nên lưu ý là trong hai lần trao con: Lần đầu trao con cho người cận vệ nhờ len lỏi đem "công tử" xuống xóm tìm người cho bú hộ và lần sau ông tự bồng con đi vào rừng sâu tìm bọng cây to đặt con vào đó, rồi đi ngay xuống triền đồi để tiếp tục chỉ huy cuộc chiến.

Trong hai lần như vậy chắc hẳn ông cũng phải có chút hy vọng con mình sẽ sống sót để khi khôn lớn nó biết rõ tông tích hay người nhặt được nhìn bút tích biết đó là con của ông mà sẵn lòng đem về nuôi nấng hộ.

Vì vậy có thể khẳng định việc "công tử" sinh hơn một tháng chưa đặt tên là một điều khó thể có. Chỉ tiếc rằng các tài liệu hiện tại chưa đủ để xác định tên của con trai Nguyễn Trung Trực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:20:44 pm »


Câu hỏi 4: Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã nổ ra, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Nguyễn Trung Trực đã có liên hệ với nghĩa quân Trương Định như thế nào?
Trả lời:


Trong khi triều đình Huế nhường từng bước trước quân Pháp và sau đó là cắt đất cho Pháp, thì phong trào chống Pháp nổi dậy mạnh mẽ trong dân chúng. Có thể liệt kê ra một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như:

- Võ Duy Dương, Thủ khoa Huân và Đốc binh Kiều ở Đồng Tháp Mười.
- Trương Văn Uyển ở Vĩnh Long.
- Quản Hớn ở 18 thôn vườn trầu.
- Trần Văn Thành ở Rạch Giá.
- Nguyễn Xuân Phụng, Đoàn Công Sửu ở Trà Vinh.
- Trịnh Quang Nghị, Đức cố Quảng ở Châu Đốc.
- Phan Tôn, Phan Liêm (con trai Phan Thanh Giản) ở Bến Tre.
- Lê Tấn Kế, Trần Bình ở Ba Động, Trà Vinh.
- Quảng Sư ở Bà Rịa.
- Lê Cẩn, Nguyễn Giao ở Vũng Kiêm (Vĩnh Long).

Và tiêu biểu trong các cuộc khởi nghĩa ấy là cuộc khởi nghĩa của Trương Định (hay còn gọi là Trương Công Định) ở Gò Công.

Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Tư Cung, phủ Bình Sơn, trấn Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trong một gia đình quan chức yêu nước. Năm 1844, cha của ông là Trương Cầm vào tỉnh Gia Định nhận chức Lãnh binh. Ông được đi theo và sau đó kết hôn với Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở Gò Công. Năm 1854, nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, ông mộ dân lập đồn điền Gia Thuận (Gò Công) để khai hoang vùng đất này. Vì thế, ông được triều đình phong chức Phó quản cơ.

Năm 1859, quân Pháp hạ thành Gia Định. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã chỉ huy dân quân đồn điền đánh Pháp ở mặt trận Thuận Kiều và lập được nhiều chiến công, tiêu biểu là trận phục kích tiêu diệt tên đại úy thủy quân lục chiến Barbé tại chùa Khải Tường vào đầu tháng 12 năm 1860. Cuối tháng 2 năm 1861, đại đồn Chí Hòa bị quân Pháp chọc thủng; quân triều đình lui về giữ Biên Hòa còn ông rút về Gò Công, thành lập căn cứ kháng chiến Tân Hòa, tiếp tục công cuộc kháng chiến chống bọn thực dân xâm lược. Cũng trong thời gian này, ông kết hôn với Trần Thị Sanh và người vợ thứ hai này đã có sự đóng góp hậu cần rất quan trọng cho cuộc khởi nghĩa. Được biết, bà Trần Thị Sanh là em con cô con cậu với bà Thái hậu Từ Dũ, mẹ của vua Tự Đức.

Trên địa bàn Gò Công, Trương Định chiêu mộ được 6.000 nghĩa sĩ nên được triều đình phong chức Quản cơ rồi thăng lên Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Tại đây, ông ra sức củng cố căn cứ kháng chiến Tân Hòa. Mô tả căn cứ này, Palanca, viên sĩ quan chỉ huy quân Tây Ban Nha trong liên quân Pháp - Tây Ban Nha, cho biết: "Ở Gò Công, hai chiến lũy quan trọng nhất là rạch Gò Công và rạch Lá gồm các hầm hào tự nhiên, pháo đài và lũy, khắp nơi đều có cầu nối bắc qua hai bờ sông bùn lầy, cây cối rậm rạp".

Trên thực địa, căn cứ Tân Hòa bao gồm một hệ thống đồn lũy và pháo đài liên hoàn với nhau: về phía tây, lên đến giồng Ông Huê (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây ngày nay) nhằm cản đường tiến quân của địch từ Mỹ Tho xuống; về phía tây bắc có lũy Đồng Sơn nằm dọc theo rạch Lá (sông Tra) để kiểm soát con đường thủy từ Sài Gòn xuống qua sông Vàm Cỏ Tây; về phía đông nam, có các đồn lũy nằm dọc theo rạch Vàm Giồng, sông Cửa Tiểu, xóm Trại Cá Tăng Hòa và cù lao Lợi Quan nhằm đề phòng quân Pháp tấn công từ phía biển. Đại bản doanh của Trương Định được đặt tại giồng Sơn Quy. Ở đây, ông cho xây dựng chiến lũy Sơn Quy nằm dọc theo rạch Sơn Quy và chiến lũy Dung Giang nằm dọc theo rạch Gò Công. Ngoài ra, Trương Định còn cho xây dựng đồn trại ở Gia Thuận, vốn là đồn điền do ông lập ra năm 1854. Với việc Trương Định xây dựng căn cứ Tân Hòa, Gò Công đã trở thành trung tâm kháng chiến đầu tiên ở Nam Kỳ, quy tụ hầu hết các phong trào chống thực dân Pháp ở vùng đất này trong những năm 60 của thế kỷ XIX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:22:08 pm »


Cuộc khởi nghĩa Trương Định có sự liên kết chặt chẽ với nhiều cuộc khởi nghĩa khác, như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Trần Xuân Hòa, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân ở Ba Giồng, v.v... Thực tế này được Nguyễn Thông ghi lại như sau: Khi Trương Định đóng giữ Tân Hòa, hội mọi người để bàn định kế hoạch... hào kiệt kéo đến như mây. Lực lượng nghĩa quân rất đông đảo, bao gồm nhiều thành phần khác nhau: ngoài binh lính đồn điền và nông dân ứng nghĩa chiếm số đông, còn có trí thức khoa bảng ở Gò Công và các vùng lân cận, như các vị Cử nhân Bùi Tấn, Cù Khắc Kiệm, Lý Duy Phiên, Hà Mậu Đức, v.v...; các vị Tú tài Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Văn Đạt, Bùi Văn Lý, Mai Phương Mỹ, Nguyễn Duy Thận, v.v...; thân sĩ, như Hồ Huân Nghiệp,...; các vị nguyên là quan lại triều đình, như Đỗ Quang, Đỗ Trình Thoại, Lưu Tấn Thiện, Nguyễn Tánh Thiện, Lê Quang Quyền, Đặng Văn Duy, Phạm Tiến, v.v...

Cuộc khởi nghĩa còn có sự tham gia tích cực của nữ giới, như bà Viết, bà Lưu, nhất là bà Trần Thị Sanh - một người thuộc vào hàng Thích lý (bên ngoại) của nhà Nguyễn và là vợ thứ của Trương Định - đã có những đóng góp quan trọng về mặt hậu cần cho cuộc khởi nghĩa. Đặc biệt, Nguyễn Đình Chiểu - nhà trí thức lớn ở Nam Kỳ - đã có sự hợp tác chặt chẽ với Trương Định trong việc bàn bạc cơ mưu đánh giặc. Đó là sự phối hợp tuyệt đẹp giữa những vị anh hùng: người bút, người gươm trong cuộc chiến đấu cứu nước hào hùng của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định có lực lượng tham gia đông đảo là vì thế. Quả đúng là:

      Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo,
      Tom muôn dân gầy sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy.
      Văn thời Tham biện, Thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công,
      Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu).

Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã liên tục tấn công quân địch khiến bọn chúng phải rút khỏi Gò Công vào tháng 3 năm 1862. Đến tháng 6 năm 1862, sau khi ký hòa ước nhường đứt cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Biên Hòa và Định Tường, triều đình nhà Nguyễn phong ông làm Lãnh binh tỉnh An Giang; đồng thời, buộc ông phải giải tán nghĩa quân và chấm dứt cuộc chiến đấu ở Gò Công. Thế nhưng, ông đã cưỡng lại lệnh của nhà vua theo lòng dân, ở lại Gò Công, tự xưng là Bình Tây Đại tướng quân, tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến:

      "...Bởi lòng chúng chẳng nghe Thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền,
      Theo bụng dân phải chịu Tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại...”.


Từ căn cứ Gò Công, ông đã chỉ huy nghĩa quân tấn công địch ở khắp mọi nơi và thu được những thắng lợi vang dội, nổi bật là cuộc tổng công kích nổ ra rất mãnh liệt trong tháng 12 năm 1862, với các trận đánh vào đoàn tàu chiến của Pháp trên sông Vàm Cỏ (Trảng Bàng, Tây Ninh), các trận công đồn Rạch Tra, cách Sài Gòn 15km, đồn Phước Hòa, đồn Rạch Kiến, đồn Bến Lức (Long An), đồn Long Thành (Đồng Nai), trận đánh pháo thuyền Alarme và khu pháo binh ven rạch Gò Công (Tiền Giang), v.v... Trước tình hình đó, đầu tháng 2 năm 1863, thực dân Pháp đã huy động lực lượng hùng hậu tấn công căn cứ Gò Công. Đích thân đô đốc Bonard - tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Kỳ - xuống Gò Công vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp. Viên đô đốc này còn hứa thưởng 10.000 phờ-răng cho kẻ nào giết chết được Trương Định. Quyết chiến đấu đến cùng, ông đã bình tĩnh và mưu trí chỉ huy nghĩa quân kiên cường đánh trả các cuộc tấn công của địch, gây cho quân Pháp những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, do quân đông lại được liên tục bổ sung quân số và vũ khí, nên quân Pháp đã phá được căn cứ của nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:23:03 pm »


Để tiếp tục cuộc chiến đấu, ông cho rút quân qua Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), lập căn cứ mới. Tại đây, ông chia nghĩa quân thành nhiều toán nhỏ và rải ra hoạt động ở nhiều nơi nhằm cơ động đánh địch, phá kế hoạch phân tán lực lượng để giữ đất của bọn chúng; đồng thời, giải quyết nạn khó khăn về lương thực cho nghĩa quân; thông qua đó, tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến cũng như bảo toàn và gây dựng lại lực lượng nghĩa quân.

Nhận thấy hoạt động của nghĩa quân có chiều hướng ngày càng gia tăng, ngày 25 tháng 9 năm 1863, quân Pháp mở cuộc đột kích vào căn cứ Lý Nhơn. Nghĩa quân phá vòng vây, trở về vùng Gò Công và chọn khu vực đám lá tối trời ở hai làng Tân Phước và Kiểng Phước làm nơi ẩn náu, chờ thời cơ mới. Bất ngờ, ngày 20 tháng 8 năm 1864, do có chỉ điểm, tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp là Huỳnh Văn Tấn dẫn quân tấn công nơi ở của ông. Sau một trận giáp chiến quyết liệt, ông thoát được ra ngoài; nhưng bị địch bắn theo và hy sinh tại trận, hưởng dương 44 tuổi.

Theo tài liệu của P.Vial - một nhà sử học cho biết: Nguyễn Trung Trực (lúc ấy còn mang tên Nguyễn Văn Lịch) giũ chức đội trong đạo quân đồn điền do Trương Công Định chỉ huy.

Tổ chức đồn điền là tổ chức bán quân sự. Theo quy định cứ 50 người biên chế thành một đội, có một viên chánh đội trưởng suất đội và một ban biện suất đội chỉ huy. Đội được mang số thứ tự từ một đến mười. Mười đội, tức 500 người họp thành một cơ, do một quản cơ, phó quản cơ hiệp quản, điển ty và mười đội trưởng chỉ huy. Cơ đồn điền có phiên hiệu, theo từng tỉnh. Khi khai hoang thành khoảnh thì có thể chuyển từ cơ chế đồn điền sang cơ chế dân sự. Đồn điền trở thành làng, cơ trở thành tổng.

Song song với hình thức khai hoang lập đồn điền còn có hình thức khai hoang lập ấp. Đây là tổ chức dân sự, không bị nhiều câu thúc. Chỉ cần đủ 10 người dân hợp pháp để lập sổ đinh và bảo đảm sổ sưu thuế khoán của đơn vị họ, họ được tự do khai phá, cày cấy. Khi thành khoảnh thì một ấp hoặc vài ba ấp họp lại thành làng. Dân đồn điền sinh hoạt theo nội quy quân đội. Họ phải sống tập trung, Pallu de la Barriègre trong Histoire de Lexpédition de Cochinchine en 1861 đã mô tả khu doanh trại đồn điền như sau: "Ngôi nhà của viên quản đồn điền ở giữa, có một chiếc cổng, một chiếc trống, không có chiến lũy bao quanh... Có chiếc trống hiệu lệnh chứng tỏ rằng thời gian sinh hoạt của dân đồn điền chặt chẽ. Có thể họ ra đồng hoặc xong việc trở về nhà theo trống lệnh. Cũng có thể họ tập hợp để luyện tập võ nghệ, hoặc sinh hoạt khác theo các điệu trống khác nhau.

Ngoài thời gian đồng áng, những lúc rảnh rỗi người dân đồn điền phải luyện tập võ nghệ và canh gác. Điểm canh thường đặt ở các vàm sông rạch, nơi có ghe thuyền qua lại. Theo tài liệu điều tra của Pháp lúc chúng mới đặt chân đến Nam Kỳ thì đầu mỗi năm dân đồn điền phải tập hợp về tỉnh duyệt binh và ba năm có cuộc thi võ nghệ múa gươm và bắn súng để thăng cấp.

Mặc dù số lượng, chất lượng vũ khí cấp cho dân đồn điền không đáng kể lắm nhưng có quy chế bảo quản kỹ lưỡng, mỗi đội có một khẩu đại bác nhỏ. Khoảng 10 người được cấp súng, còn những người khác chỉ có giáo mác... Và chỉ có "viên quản cơ phân phát vũ khí". Nhưng họ được phép thay đổi vũ khí và được mang những súng nếu họ tự cấp được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:23:26 pm »


Quân đồn điền được cấp quân phục. Đó là loại áo trung khai (áo xẻ giữa bụng) màu đỏ, viền vàng, Quần cũng màu đỏ viền vàng. Họ đi chân trần, nhưng ông quần quấn xà cạp đến gối. Nón gô kết bằng tre sơn đỏ, trên có chóp thau, giống như chiếc nón lá nhưng nhỏ hơn. Y phục của các viên chỉ huy có khác đôi chút. Pallu de la Barriègre mô tả chân dung một người dân đồn điền như sau: "Họ đội loại nón nhỏ của quân lính An Nam, mặc áo xẻ vạt trước, quần tím hoặc hung đỏ. Những viên chỉ huy đeo một dây băng đen hay tím. Họ đeo huy hiệu trên ngực áo...".

Sự thật đó là loại lễ phục của dân đồn điền. Hằng ngày họ phải lao động và canh gác với hoàn cảnh kinh tế thời đó, họ cũng lam lũ thường dân. Ngay như Pallu de la Barriègre đã miêu tả cũng có điểm chứng tỏ quân đồn điền không được cấp đồng phục. Việc diễn tập quân sự hàng năm là việc làm tốn kém. Thế nên có năm thực hiện, có năm không còn. Việc canh gác và việc luyện tập quân sự hàng ngày là ích lợi thực tế, chắc chắn không bỏ sót được. Nhưng quy định này có ảnh hưởng đến lao động không? Không mấy ai đến Nam Bộ khai hoang lập ấp mà không biết chút ít võ nghệ phòng thân.

Nguyễn Trung Trực là người mưu trí, tinh thông võ nghệ nhờ truyền thống của quê hương Bình Định nên được dân chúng trong vùng cảm mến. Có lẽ vì thế trong đội quân đồn điền của Trương Định ông đã được giữ chức đội, tức là chỉ huy 50 người.

Ngày 25 tháng 2 năm 1861, quân Pháp công phá đại đồn Chí Hòa, gặp sự kháng cự quyết liệt của quân Nguyễn. Lúc này dưới quyền Trương Định, Nguyễn Trung Trực đã tham gia vào công cuộc giữ đại đồn Chí Hòa. Ông giữ chức Quyền sung Quản binh đạo (thế nên người ta còn gọi ông là Quản Lịch). Sau hai ngày chiến sự ác liệt, quân nhà Nguyễn bị tổn thất nặng. Nguyễn Tri Phương bị thương, còn em là Nguyễn Duy thì tử trận. Quân nhà Nguyễn phải bỏ đại đồn Chí Hòa, rút về Biên Hòa. Trương Định rút về Gò Công lập căn cứ Tân Hòa, còn Nguyễn Trung Trực chỉ huy một toán nghĩa quân hoạt động ở Tân An.

Suốt trong quãng thời gian từ 1861 đến 1864 (khi Trương Định hy sinh), nghĩa quân dưới quyền Nguyễn Trung Trực vẫn có liên hệ mật thiết với nghĩa quân Trương Định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:24:36 pm »


Câu hỏi 5: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa", câu thơ hào hùng này muốn nhắc tới một chiến công lẫy lừng của Nguyễn Trung Trực. Hãy cho biết đôi điều về chiến công đó?
Trả lời:


Quân Pháp xua quân đánh chiếm Gia Định (18-2-1859). Hai năm sau chúng lại đánh đại đồn Chí Hòa (25-2-1861) và thừa thắng chúng đánh lấy Định Tường - Mỹ Tho (12-4-1861). Quân triều đình phải rút lui về Vĩnh Long.

Lúc bấy giờ, quân Pháp có lợi thế về vũ khí như tàu chiến và đại bác hiện đại, lại thêm triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, chúng càng quyết chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trên bộ, nơi nào chiếm được thì lập ngay xã tề và xây dựng đồn bót. Dưới sông, chúng cho tàu thủy lớn nhỏ tuần tra thuyền ghe qua lại. Chúng lấy cớ là ngăn chặn nghĩa quân làm loạn. Nhưng đó là cái cớ để thu gom tiền bạc, lúa thóc của nhân dân.

Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Trung Trực rút quân về Tân An tiếp tục chiêu mộ nghĩa dũng, sắm sửa khí giới với mục đích chống Pháp lâu dài. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trong gần ba năm từ 1860 đến 1862 là vùng Tân An, Định Tường, Biên Hòa.

Trận đánh hỏa công đốt tàu chiến Pháp Espérance trên sông Nhật Tảo khiến đất trời cũng muốn nổ tung: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa". Trận Nhật Tảo có 2 ý kiến khác nhau: thứ nhất là Nguyễn Trung Trực cho giả làm thuyền buôn lúa để đánh chìm tàu; thứ hai Nguyễn Trung Trực cho giả làm thuyền đám cưới qua sông, thừa lúc áp sát tàu Espérance rồi đánh úp. Ý kiến sau được nhiều người chấp nhận, trong đó có sự đồng thuận của một số tác giả người Pháp như Paulin Vial, Alfred Schreiner. Tuy nhiên cả hai thuyết này đều có nhắc đến đóng góp của anh em Cai tổng Hồ Văn Minh.

Theo một nguồn sử liệu dân gian thì làng Nhật Tảo nằm trên một vùng đồng ruộng bao la, mới sáng tinh sương đã nhìn thấy ánh mặt trời nên được gọi là Nhật Tảo nghĩa là "mặt trời mọc sớm". Giữa thế kỷ thứ XIX, Nhật Tảo là vùng đất mới được ông Hồ Văn Chương đến khai phá lập nghiệp theo chương trình khai hoang của triều Nguyễn. Nhờ quy tụ được đông dân cư lập thành thôn ấp, ông Hồ Văn Chương được triều đình Nguyễn phong cho chức Suất đội trưởng, con cháu kế truyền làm "chủ chợ qua việc thu thuế chợ lấy tiến làm ngân sách địa phương". Dòng dõi họ Hồ thống lãnh cả vùng và đều là hương chức địa phương. Lúc bấy giờ, ông Hồ Quang Minh làm Cai tổng, tuy hợp tác với chính quyền Pháp ngoài mặt nhưng vẫn căm thù giặc. Cảm khái tấm lòng ái quốc của Nguyễn Trung Trực, gia đình ông Cai tổng đã mạnh dạn hợp tác với nghĩa quân, lập kế đồ đánh phá lực lượng quân Pháp.

Tại ngã ba, đầu sông Nhật Tảo và sông Vàm Cỏ Đông, Pháp đặt một chiếc tiểu hạm tên là Espérance (Hy vọng) nằm án ngữ nơi đó để đón ghe thuyền qua lại tra xét. Tiểu hạm Espérance là một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn. Đây là một trong những tàu thuộc hàng bậc nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ. Chỉ huy tàu này là trung úy hải quân tên Parfait, còn tên phó là một thiếu úy (không rõ tên). Dưới tàu có trang bị một khẩu đại bác với 25 quân lính Pháp và lê dương đầy đủ súng ống, đạn dược. Trên bờ sông có đóng một cái đồn với 20 lính mã tà canh gác bảo vệ tàu.

Chiến thuyền Espérance được coi như một "căn cứ nổi” rất lợi hại trên nhiều mặt: đóng vai trò một thành lũy bố phòng; một pháo đài để tấn công và yểm trợ; một phương tiện di động để điều động và vận chuyển binh lính, quân nhu, lại được sử dụng như một đơn vị "dưỡng quân" nữa. Chiến thuyền Espérance đã giữ vai trò "chiếm đóng" và "bình định" cả một vùng địa phương rộng lớn. Vì tầm quan trọng về mặt chiến thuật, chiến lược như vậy, cho nên Quản binh Lịch (Lúc bấy giờ ông chưa đổi tên thành Nguyễn Trung Trực, còn đang giữ chức Quyền sung Quản binh đạo, nên gọi tắt là Quản binh) bằng mọi cách quyết tiêu diệt con tàu này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:24:58 pm »


Giả thuyết thứ nhất về đám ghe buôn:

Qua nhiều ngày điều nghiên tình hình địch khá chính xác, ông liền chuẩn bị kế hoạch thực hiện, ông chia nghĩa quân ra làm 2 toán:

- Toán thứ nhất: 30 người nằm phục kích bao vây đồn mã tà trên bờ. Nếu nghe hiệu lệnh thì tấn công ngay không để chúng ra tiếp viện.

- Toán thứ hai: 59 người bố trí cho 5 ghe và nằm chờ sẵn trong khoang ghe có đầy đủ cúi rơm. Khi nghe tiếng lệnh thì phi nhanh qua tàu, phóng hỏa và tìm địch diệt.

Ngoài ra ông còn vận động một số dân chúng quanh vùng tham gia cuộc chiến, ông trang bị cho họ một số chiêng mõ, tù và để làm thành tiếng động, chọc tức quân pháp bắt buộc chúng phải chia lực lượng dưới tàu ra để nghĩa quân hành động dễ bề thắng lợi.

Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) ngày 10 tháng 12 năm 1861, Quản binh Lịch cho toán dân chúng đánh chiêng, mõ, thổi tù và làm vang động một góc trời. Tên trung úy dưới tàu nghe tiếng động, tức tối liền xua nửa toán lính dưới tàu xuống ca-nô tiến thẳng vào bờ, vừa đi vừa bắn loạn xạ để thị uy. Tuy vậy, đoàn người vẫn tiếp tục gây tiếng động, làm Parfait càng thêm tức giận xua lính truy đuổi theo mãi, càng lúc càng xa tàu.

Lúc này ngoài sông Vàm Cỏ xuất hiện 5 chiếc ghe buôn bập bềnh chèo trên mặt nước. Lính canh trên tàu thấy liền gọi lại để trình giấy. Năm chiếc ghe cặp sát hông tàu. Chiếc ghe đầu trình giấy. Tên thiếu úy với tay xuống lấy, bất thình lình bị Quản Lịch đâm chết. Sau đó ông phát lệnh tấn công: Sát! ... Sát! Tất cả nghĩa quân nằm trong mui ghe đều bật dậy, phóng nhanh qua tàu tìm địch diệt, đồng thời mang cúi rơm phóng hỏa đốt tàu. Bọn lính thấy tàu phát hỏa thì hoảng kinh hồn vía. Một số bị nghĩa quân giết tại chỗ, một số nhảy xuống sông lội vào bờ chạy thoát thân nhưng cũng bị dân chúng đón bắt giết. Còn tên trung uý Parfait thấy tàu bị đốt cũng kinh hoàng tìm đường trốn thoát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:25:37 pm »


Giả thuyết thứ hai về đám cưới giả:

Để lấy lòng tin của quân Pháp, Cai tổng Hồ Quang Minh tỏ sự "cúc cung tận tụy" ra mặt, tích cực cộng tác với Pháp. Được thuyền trưởng là trung úy Parfait tin cẩn, một ngày nọ Cai tổng Hồ Quang Minh cùng Hương lý Nhật Tảo đến "bái kiến" trung úy Parfait và "thăm" chiến thuyền. Ông nêu ý kiến, tàu quá lớn và cao, lại thêm bọc sắt, trời miền Nam quá nóng nực, dễ gây bệnh thời khí, nên làm mái lá dừa che cho mát. "Chúa tàu" khen phải, cho thực hiện công tác ngay. Cai tổng Hồ Quang Minh xin lãnh công việc này và giới thiệu "ông Năm thợ mộc" lên tàu dựng cột, lợp mái. Ông thợ mộc này chính là Nguyễn Trung Trực. Em trai ông Cai tổng là Hồ Quang Chiêu thì hợp tác cùng Nguyễn Trung Trực nghiên cứu kế hoạch và chuẩn bị trận đồ "chiếm và đốt" tàu. Nhờ những ngày đóng vai thợ mộc trên tàu, ông Năm đã am tường tình hình: quân số, vũ khí, cách bố phòng, thói quen của vị thuyền trưởng và các sĩ quan, cũng như giờ giấc đổi "ca" và đi "càn" (tảo thanh) các vùng phụ cận. Bọn quân Pháp rất thích thú với mái nhà lợp bằng lá dừa trên tàu, vừa "ngồ ngộ" lại vừa "khỏe người", ban ngày nắng chang chang khỏi phải xuống hầm tàu.

Giờ lịch sử đã điểm, sáng ngày 11 tháng 12 năm 1861 (tháng 11 năm Tân Dậu), một toán nghĩa quân làm kế nghi binh kéo về Kênh Hóng thuộc xã Bình Lăng, gióng trống, khua chiêng để nhử bọn thủy binh Pháp. Viên sĩ quan chỉ huy hôm đó quả mắc mưu, bèn cắt cử một bộ phận binh lính rời tàu để đi càn quét nghĩa quân gây loạn. Vào lúc gần trưa, lính Pháp trên tàu chỉ còn lại một số nhỏ. Phía nghĩa quân được điều động đi phá tàu dưới quyền chỉ huy của ông Nguyễn Trung Trực, cả nam lẫn nữ đi trên hai chiếc ghe giả danh và ngụy trang là "đám cưới quê đi rước dâu". Hai ghe ghé sát tàu xin pẹc-mi (giấy phép) di chuyển sang bên kia địa phương để rước dâu. Đóng vai chú rể là Nguyễn Trung Trực, trong người thủ sẵn một chiếc búa thầu nặng năm cân ta (khoảng 3kg). Nhân lúc bất ngờ, ông rút búa nện chết tên lính gác tàu mà "chú rể” vừa "múa tay, múa chân" năn nỉ xin giấy đi "cưới vợ". Bọn lính Pháp trở tay không kịp, không thể sử dụng súng để bắn trả nên bị tiêu diệt gần hết. Ông Hồ Quang Chiêu thì đã phục sẵn trên bờ với toán nghĩa quân và dân làng Nhật Tảo, diệt gần trọn bọn lính Pháp đóng trên vàm đối diện với chiến thuyền đậu thả neo.

Vừa chiếm xong tàu, ông Nguyễn Trung Trực hạ lệnh nổi lửa đốt tàu. Có nhiều bà con, gia đình nhà cửa cất gần nơi tàu thả neo đã tháo cả phên, vách lá làm "mồi lửa" đốt tàu cho mau. Hơn nữa, tàu lại có mái lá lợp "ngồ ngộ" do ông "Năm thợ mộc" cất sẵn đó, trời lại nóng bức nên lửa "bắt" rất bén! Chẳng mấy chốc toàn bộ lực lượng Pháp, tàu chiến Espérance đã bị "xóa sổ danh bộ!". Sử sách không cho biết thuyền trưởng Parfait ra sao?

Trận này nghĩa quân toàn thắng, dìm được tiểu hạm Espérance chìm sâu dưới lòng sông Vàm Cỏ, mang theo 17 tên giặc xâm lăng. Sau trận này quân Pháp lập tức mở cuộc càn quét để báo thù. Chúng cho đốt hết nhà cửa và giết sạch trẻ già, trai gái vùng này (hơn 600 người).

Tuy vậy, nghĩa quân vẫn không nao núng, thừa thắng xông lên đánh chiếm đồn Cần Giuộc, sông Tra, Cái Bè, Rạch Gầm... Về phía sông Bến Lức (Long An) và Tây Ninh, nghĩa quân của Quản binh Lịch chặn đánh các tuần tiểu hạm Lorcha, đốt cháy được tiểu hạm số 3 (16-12-1862) và sau đó phá hủy thêm một chiếc nữa.

Ngọn lửa Nhật Tảo nâng cao thanh danh của Quản binh Lịch trong cả nước, làm bừng sáng lòng yêu nước của nhân dân cũng như của những lãnh tụ cách mạng địa phương. Đồng thời cũng là động cơ thúc đẩy sức tiến công chống xâm lăng khắp mọi nơi ở miền Tây Nam Bộ. Sau chiến thắng Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực được triều đình Huế phong chức Quản cơ, năm đó ông mới 23 tuổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2017, 10:31:06 pm »


Câu hỏi 6: Nguyễn Trung Trực được triều đình Huế phong chức Lãnh binh và được cử giữ chức Thành thủ úy Hà Tiên trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:


Sau khi chiếm tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) ngày 12 tháng 4 năm 1861, Pháp xây dựng các đồn bót ở những nơi hiểm yếu và tổ chức việc cai trị. Chiếm đến đâu, Pháp tổ chức việc cai trị đến đó và bành trướng thế lực đến các tỉnh Biên Hòa và Vĩnh Long. Thế là đến tháng 3 năm 1862, ba tỉnh phía Đông Nam Kỳ đã lọt vào tay Pháp.

Phan Thanh Giản được triều đình Huế phái vào Gia Định để điều đình và ký với Pháp Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Hòa ước Nhâm Tuất là một hòa ước rất bất lợi và nhục nhã, nhân dân và nghĩa quân căm phẫn nổi lên đánh phá khắp các vùng Pháp đã chiếm.

Với thực dân Pháp thì Hòa ước Sài Gòn 1862 là một thắng lợi lớn lao vượt quá dự định của chúng. Paulin Vial viết: "Người ta ngạc nhiên về sự dễ dàng của người An Nam trước kia đã từng bác bỏ ý định giảng hòa của chúng ta với bao nhiêu bực tức, đột nhiên lại đến yêu cầu một hiệp ước mà điều kiện hình như đắt giá với họ".

Còn Tự Đức thì không hài lòng về văn kiện mà mình phải chịu nhiều thiệt thòi này, đã gay gắt kết tội Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp: "Hai người không chỉ là tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa"1. Và vẫn rất quyết tâm lấy lại ba tỉnh đã mất, bằng cách nhờ vào người mà nhà vua coi là thuyết khách giỏi nhất của mình nên cử Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long để tiện giao thiệp với Pháp; để sau đó (ngày 21-6-1863) cử ông cầm đầu phái đoàn sang Pháp xin chuộc lại các tỉnh đã mất.

“Việc nhượng đất bồi tiền như thế là không hợp, nhưng điều ước mới định mà cải nghị ngay vị tất họ chịu, vậy xin hai sứ thần (Phan, Lâm) đến ở gần, từ từ thương chước để chuộc lỗi trước, rồi sau sẽ sai sứ thông vấn, tùy cơ chước nghị”2.

Đối với lực lượng kháng chiến đang mặt đối mặt với kẻ thù thì đây là một hàng ước, một văn tự bán nước, một hành động phản bội không thể tha thứ được. Làn sóng căm phẫn nổi dậy khắp nơi. Thực dân Pháp ở Nam Kỳ bị tấn công đều khắp như một cuộc tấn công khởi nghĩa. Chính bọn thực dân đã thừa nhận:

"Trừ Khơ Me tương đối yên và trừ ngoại ô trực tiếp Sài Gòn thì đây là cuộc Tổng khởi nghĩa lan tràn khắp Nam Kỳ"3.

Những vị trí quân Pháp rút chạy hồi tháng 3 đã được nghĩa quân bố trí phòng thủ để đương đầu với sự trở lại của chúng.
__________________________________
1, 2. Phan Khoang, Việt Pháp bang giao sử, tr. 148, 149.
3. Thomazi (A) Laconquête de l’Indochine Payot Paris. 1934.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM