Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:06:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực  (Đọc 22878 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:50:20 am »


Lãnh binh Tấn khẩn khoản nài xin người Pháp ân xá Trực, ông tự xem như kẻ thuộc hạ về lòng can đảm cũng như về sự thông minh; ông bảo đảm rằng người đại đởm phản nghịch này sẽ trở nên một trong số người phục vụ hữu ích và tận tâm nhất.

Đô đốc Ohier không thể tha thứ người không kể gì đến quốc tế công pháp đã cướp một trong những đồn của ông và đã cho giết 30 người Lang Sa.

Đô đốc truyền lệnh đưa Nguyễn Trung Trực về Rạch Giá và phán xử theo án quyết, Nguyễn Trung Trực bị kết án tử hình và bị hành quyết công khai ngày 27 tháng 10 năm 1868.

Lời khai trên của Nguyễn Trung Trực chắc chắn nhiều chi tiết ông cố tình nói sai đi để đánh lạc hướng quân Pháp. Còn những chi tiết nêu lên sự yếu mềm do Pháp chủ tâm thêm vào. Thực dân Pháp thêu dệt những chi tiết như vậy để các thế hệ sau lầm rằng người anh hùng như Nguyễn Trung Trực cũng không giữ trọn lòng trung thành, tức là Việt Nam không có anh hùng.

Vì nếu nghiên cứu và phân tích kỹ các lời khai đó ta thấy nó mâu thuẫn một cách rõ rệt, như ở một chỗ: Tôi ngỡ rằng quân Lang Sa không mạnh như thực tế. Nếu tôi biết, có lẽ tôi sẽ cống hiến các chiến công của tôi.

Thật là khó tin vì người như cụ đã từng chạm trán với quân Pháp từ miền Đông sang đến miền Tây mà lại không rõ binh lực của Pháp.

Tại sao có câu: "Nếu tôi biết, có lẽ tôi sẽ công hiến các chiến công của tôi". Thì lần khác Nguyễn Trung Trực lại nói: "Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt".

Hoặc lời ông nói với viên thông ngôn Chomb: Anh có mặt ở đây để xác nhận rằng tôi cứu mạng anh, có thể anh có ảnh hưởng do địa vị thông ngôn của anh. Tôi chỉ yêu cầu anh dùng ảnh hưởng ấy để xin cho tôi được chết ngay.

Thật là mâu thuẫn, một người chiến đấu anh dũng như vậy, tận trung ái quốc như vậy, lại có thể tiếc rằng mình không biết trước sức mạnh của Pháp để theo Pháp!

Có người nghĩ rằng có lẽ lúc đó tinh thần của Nguyễn Trung Trực bị dao động, khủng hoảng chăng? Điều này hoàn toàn không đúng vì chính Piquet nhận xét trong lúc lấy khẩu cung Nguyễn Trung Trực: "Trực tỏ ra tự trọng và đầy khí phách". Hay viên thông ngôn cố ý dịch sai chăng?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 07:01:21 pm »


Câu hỏi 10: Dụ dỗ, thuyết phục không được, Pháp đem Nguyễn Trung Trực ra chém tại chợ Rạch Giá. Cái chết oanh liệt của ông có rất nhiều truyền thuyết. Hãy cho biết về những truyền thuyết này?
Trả lời:


Pháp trường là miếng đất trống có cây đa ở giữa. Miếng đất này nay là Bưu điện thành phố Rạch Giá, còn cây đa đã bị người Pháp chặt năm 1947.
Biết tin Pháp xử chém ông, dân chúng từ các nơi trong tỉnh, kẻ đi bộ, người đi xuồng đến xem buổi hành quyết Nguyễn Trung Trực rất đông, cũng là dịp để họ vĩnh biệt vị anh hùng tài đức mà họ vô cùng cảm mến.

Đao phủ là người Khơ Me tên Tưa, dân chúng thường gọi là bòn Tưa nghĩa là anh Tưa, làm nghề đao phủ độ thân, chém mỗi cái đầu được lĩnh một quan tiền.

Trước khi chém, bòn Tưa bỏ gươm xuống đất, quỳ lạy cụ Nguyễn tỏ lời xin lỗi. Cụ Nguyễn nghiêm mặt bảo: "Mày có tội gì mà xin lỗi, mày thi hành theo lệnh của Tây mà, nhưng nhớ chém tao một nhát cho thật tốt nếu không tao vặn họng mày!".

Bòn Tưa khúm núm nhặt gươm đứng lên, cụ Trực quắc mắt nhìn bọn lính Tây bồng súng gác quanh pháp trường khiến chúng nó rợn người. Các vị kỳ lão thuật lại rằng tướng tinh của cụ mạnh lắm và oai dũng lắm, vì vậy các bà có thai không ai dám đi xem.

Tương truyền rằng trước khi hành quyết cụ Nguyễn, Pháp hỏi cụ có cần gì không, cụ chỉ xin uống một trái dừa tươi. Uống xong cụ ngâm sang sảng bài thơ tuyệt mệnh sau đây:

      Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
      Yêu gian đảm khí hữu long tuyền,
      Anh hùng nhược ngộ vô dụng địa.
      Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.


Thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát dịch:
      Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,
      Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
      Anh hùng gặp phải hồi không đất,
      Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Hôm đó là ngày 27 tháng 10 năm 1868, dân chúng chứng kiến tất thảy đều rơi nước mắt, nhiêu cụ già quá xúc động ngã quỵ bất tỉnh.

Đất Kiên Giang sau ngày ấy, gió thảm mưa sầu suốt mấy ngày đêm, đất trời tang tóc, dân chúng ngậm ngùi mến tiếc vị tướng oai hùng bất khuất đến lúc chết.

Hay tin Nguyễn Trung Trực bị Pháp hành hình, Đức cố quản Trần Văn Thành đang dấy binh chống Pháp tại Bảy Thưa, Châu Đốc "bùi ngùi vô hạn, cố truyền cho binh sĩ phải lặng lẽ ba ngày để tưởng niệm vị anh hùng vừa quá cố, lại sai người làm riêng một linh vị, khắc tên họ cụ Nguyễn để lên thờ trên án tướng sĩ trận vong mà Cố đã cho đặt ra ở một bên quân doanh" (Đức Cố Quản của Nguyễn Văn Hầu).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 07:02:56 pm »


Ông Huỳnh Mẫn Đạt khóc cụ Nguyễn Trung Trực bằng một bài thơ chữ Hán:

      "Thắng phụ nhưng trường bất túc luân,
      Đồi ba để trợ ức ngư dân.
      Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
      Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
      Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa,
      Lưỡng toàn vô úy bào quân thân.
      Anh hùng cường cảnh phương danh thọ
      Tu sát đê đầu vị tử nhân".


Triệu Dương dịch nghĩa:
      "Thua được ở chiến trường không cần bàn đến,
      Chỉ nhớ người dân chài đã làm cột đá trong lúc sóng lở.
      Lửa đỏ Vàm Nhựt Tảo vang động trời đất,
      Gươm vung lên ở đồn Kiên Giang làm quỷ thần phải khóc.
      Một buổi sáng phi thường nêu cao tiết nghĩa,
      Không sợ báo đền vua và cha mẹ không vẹn toàn.
      Anh hùng cứng cổ tiếng thơm dài lâu.
      Làm cho bọn chưa chết chịu sống cúi đầu thẹn chết được".

Có người nói rằng giờ phút ra pháp trường của cụ Nguyễn Trung Trực còn oanh liệt hơn những chiến công của cụ. Lời phê bình đó có quá đáng không?

Tất nhiên không thể trả lời suông được mà phải bằng những luận chứng.

Trận Nhật Tảo đốt tàu Espérance và trận đột kích thành Rạch Giá ở Kiên Giang là hai chiến công lớn, giết chết nhiều lính Tây và thu nhiều chiến lợi phẩm. Giữa lúc mà các cuộc dấy binh của nghĩa quân khắp nơi bằng chiến thuật du kích chỉ giết lẻ tẻ vài tên xâm lược thì hai chiến công đó quả là lừng danh.

Nhưng hai chiến thắng trên thì đồng bào không mục kích tường tận vì không ai dám ra tận nơi đang lúc đạn lạc tên bay. Song giờ phút Nguyễn Trung Trực ra pháp trường thật là oai dũng, bất khuất, cảnh này đồng bào Kiên Giang có dịp chứng kiến và đã gây một ấn tượng sâu sắc với lòng cảm phục khôn cùng.

Nhiều vị kỳ lão kể lại: "Lúc ra pháp trường cụ Nguyễn Trung Trực vẫn hiên ngang kiêu dũng, tướng tinh của cụ rất mạnh vì vậy các bà có thai không dám đi xem và khi cụ quắc mắt nhìn bọn lính Tây canh gác quanh pháp trường chúng nó phải run người".

Dũng khí của Nguyễn Trung Trực oai hùng đến nỗi bòn Tưa, tên đao phủ chém thuê phải quỳ lạy và xin lỗi cụ vì nghèo hèn phải làm nghề chém thuê. Lịch sử từ cổ chí kim và từ Đông qua Tây chưa bao giờ thấy một đao phủ quỳ lạy một tử tội. Nhưng điều đó đã xảy ra ở Việt Nam với một Nguyễn Trung Trực.

Cảnh tượng đó làm cho dân chúng Kiên Giang không thể nào quên được và truyền miệng với lòng tôn kính và ngưỡng vọng như thần thánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 07:03:35 pm »


Về cái chết của Nguyễn Trung Trực có nhiều truyền thuyết nhưng trong đó nổi bật nhất là truyền thuyết về chữ Thọ trên tấm chiếu Tà Niên.

Làng Vĩnh Hòa Đông nổi tiếng bởi nghề dệt chiếu Tà Niên, nhất là loại chiếu dệt cải hoa thì càng sắc sảo. Trước năm 1880, chưa có kinh ông Hiển từ Rạch Giá đổ ra sông Cái Bé, hai bên rạch là những bãi bùn chạy dài vô tận, mọc đầy dẫy loại lát gon (cói). Rạch Tà Niên nằm bên hữu ngạn con sông Cái Bé nổi tiếng về nghề dệt chiếu. Người Khơ Me gọi Crò-tiêl. Crò-tiêl là chiếu dệt bằng lác (cói). Có phải từ Crò-tiêl người Kinh phát âm chệnh thành Tà Niên? Thời phong kiến triều Nguyễn, có một xóm gồm người Việt cùng người Khơ Me chuyên sống bằng nghề dệt chiếu, làm nổi danh "chiếu Tà Niên".

Tương truyền trước lúc Pháp đến đô hộ, chiếu ở đây chưa có cải hoa, chưa có nhuộm giang thành màu sắc như bây giờ. Chiếu dệt tuy sắc sảo những vẫn chỉ có một màu trắng ngà bởi màu cói khô mà thôi.

Truyền thuyết về chữ "THỌ" màu đỏ trên mặt chiếc chiếu Tà Niên được kể lại như sau: Vào buổi sáng ngày 27 tháng 10 năm 1868, nhân dân Tà Niên và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá. Vì bọn thực dân Pháp đem cụ Nguyễn Trung Trực ra hành quyết. Cụ yêu cầu chúng cởi trói và không bịt mắt để cụ nhìn đồng bào và quê hương trước phút "ra đi". Bô lão làng Tà Niên đến vĩnh biệt cụ, trải xuống đất một chiếc chiếu thật đẹp cho cụ bước đứng giữa. Cụ hiên ngang, dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và từ giã đồng bào. Đầu của cụ rụng xuống, hai tay cụ đưa lên đỡ lấy, người đứng vững như một trụ đồng. Máu từ cổ cụ phun ra thành vòi rơi xuống mặt chiếc chiếu Tà Niên tinh khiết thành hình một chữ THỌ lớn tựa mặt trời giữa áng mây. Dân Tà Niên mang chiếc chiếu kia về thờ và nghề dệt chiếu ở đây bắt đầu nhuộm giang lẫy hoa hình chữ Thọ như chiếu bông Tà Niên ngày nay.

Đã có một thời người ta tìm kiếm mộ Nguyễn Trung Trực và do đó đặt ra nhiều giả thuyết.

Có người bảo rằng sau khi hành quyết, Pháp đem chôn Nguyễn Trung Trực ở ấp Vĩnh Huy. Lúc bấy giờ nơi đây hoang vu, nhiều lau lách rậm rạp. Tối hôm Nguyễn Trung Trực thọ tử, những nghĩa quân trung thành của ông đã liều chết đào mộ, rồi không biết đưa thi hài ông về đâu.

Có người nói sau khi hành quyết, Pháp cho chôn mình Nguyễn Trung Trực sau dinh tỉnh trưởng, còn đầu ông thì đem bêu trước chợ Rạch Giá. Tối đến nghĩa quân đánh cắp thủ cấp rồi không biết đem chôn nơi nào!

Nhưng có một truyền thuyết đáng tin hơn cả: Sau khi hành quyết, Pháp cho khâm liệm tử tế rồi chôn sau dinh tỉnh trưởng nhưng không rõ chỗ nào. Có người còn kể: Pháp cho trồng lên mộ ông một cây đa. Qua nhiều năm tháng cây đa trở thành cổ thụ và nắm xương tàn đã vun bón cho cây nên người ta lập một cái miếu nhỏ dưới gốc cây đa để thờ. Lời thuật này rất sát với nhiều truyền thuyết về sự hiển linh của Nguyễn Trung Trực diễn ra ở đây, như:

Sau khi chôn, đêm nào Nguyễn Trung Trực cũng hiện về kéo binh gia rầm rộ, khua trống, hò hét vang dậy, bắn súng rền trời khiến bọn lính Tây phải báo động và canh phòng suốt đêm.

Hoặc Pháp cho xiềng xích sắt chung quanh mộ Nguyễn Trung Trực nhưng sáng hôm sau bao nhiêu xích sắt quanh mộ đều đứt tung. Cho làm lại thì cũng đứt như hôm trước (Thực ra ngôi mộ xây gạch theo kiểu Pháp có trang hoàng xích sắt chung quanh và cái mỏ neo sơn đen trước mộ là mả của một viên trung úy hải quân Pháp. Ngôi mộ này bị phá vỡ năm 1945, nay vẫn còn vết tích).

Nào là Pháp cho lính kèn đứng trước mộ cụ mà thổi nhưng khi về trại mấy tên lính này đều hộc máu chết hết.

Các truyền thuyết này thể hiện lòng tưởng nhớ của nhân dân với người anh hùng dân tộc và cũng chứng tỏ mộ thật của Nguyễn Trung Trực là ở sau dinh tỉnh trưởng cũ, bây giờ là Câu lạc bộ Thiếu nhi. Năm 1986 chính quyền tỉnh Kiên Giang đã tìm được hài cốt Nguyễn Trung Trực và di táng gần đền thờ ông tại thị xã Rạch Giá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 06:27:43 pm »


Câu hỏi 11: Tuy xuất thân là một dân chài nhưng Nguyễn Trung Trực đã chứng tỏ một tài năng quân sự xuất sắc. Ông đã thể hiện những tài năng ấy như thế nào?
Trả lời:


Trong hoạt động quân sự, Nguyễn Trung Trực sớm tỏ ra là một vị thủ lĩnh xuất sắc trong phong trào nghĩa quân kháng chiến chống Pháp.

Thuở ban đầu trai trẻ, ông thường giúp cha chài lưới ven sông nên người trong vùng thường gọi là chài Lịch. Lại vốn gốc quê Bình Định nên ông có võ nghệ cao cường. Trong quyển "Bốn anh hùng kháng chiến Miền Nam" của Thái Bạch, ở phần kể chuyện "Nguyễn Trung Trực anh hùng dân tộc kháng chiến ở Rạch Giá" có chép lời thuật của ông Cả Nhiêu ở làng Bình Trinh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An) như sau: "Hồi ấy, tôi còn nhỏ, tôi không biết rõ lắm về ông Nguyễn, vả lại ông Nguyễn đóng ở miệt này không lâu. Tuy vậy hồi ông già tôi còn sống, thỉnh thoảng trong khi nói chuyện với con cháu, ông lại nhắc đến ông Nguyễn. Theo tôi thì ông Nguyễn sau khi thất trận về đây có ở lại ấp tôi ít lâu. Ông người cao lớn khỏe mạnh, nước da bánh ít, gương mặt vuông, hai mắt to và sáng, ông giỏi nghề võ lắm. Lúc quân Pháp mới sang, tại làng này có nhiều kẻ bất lương nổi lên làm trộm cướp. Nhưng khi ông tới, bọn chúng đều tan hết. Ông có oai, nên quân sĩ kinh sợ nhiều lắm. Trong những ngày ông bí mật hoạt động ở đây, ông già tôi vì nhà cũng khá giả nên cũng giúp ông rất nhiều về tiền gạo để nuôi quân đánh giặc".

Đến tuổi tráng niên, Nguyễn Trung Trực tham gia vào phong trào mộ quân đồn điền của triều Nguyễn do Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương lãnh đạo và có lẽ do nhờ tài võ nghệ mà được thăng chức đội (Tài liệu của P.Vial - một nhà sử học cho biết: Nguyễn Văn Lịch giữ chức Đội trong đạo quân đồn điền do Trương Công Định chỉ huy). Pháp xâm lược Việt Nam, đem quân đánh đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Trung Trực đã hăng hái chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Chí Hòa thất thủ, ông lui quân về vùng Tân An hoạt động và nơi đây đã ghi dấu chiến công đốt tàu Hy Vọng trên vàm Nhật Tảo.

Dù hai truyền thuyết đánh tàu Espérance được kể lại khác nhau nhưng tựu trung đều nói lên mưu lược của Nguyễn Trung Trực và lòng dũng cảm của nghĩa quân.

Tàu Espérance là một tàu gỗ có chỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước, có thể ra vào những luồng lạch cạn. Dưới tàu có trang bị một khẩu đại bác với 25 quân lính Pháp và lê dương đầy đủ súng ống, đạn dược. Trong khi đó nghĩa quân chỉ có giáo mác, gậy gộc, vì vậy chỉ có thể nhân lúc địch bất ngờ mà tiêu diệt địch, không cho chúng kịp phản ứng. Tàu Espérance lại đậu ngang một cái đồn trên bờ có hơn 20 lính mã tà có thể hỗ trợ cho nhau vì thế phải làm thế nào để cách ly sự phối hợp tiếp ứng trên bờ và dưới nước.

Chiến thuật đột kích thần tốc đòi hỏi:

- Nắm vững tình hình địch, hiếu thực lực của ta (tương quan lực lượng). Để nắm vững về địch, ông đã đóng giả làm thợ mộc giúp chúng dựng mái che nắng nhằm có cơ hội tận mắt nhìn thấy lực lượng cũng như cách bố trí, quy luật hoạt động của chúng. Những điều này đã giúp ông vạch ra kế hoạch dùng con cúi bằng rơm để đốt tàu. Đồng thời Nguyễn Trung Trực đã huy động nhân dân trong vùng chờ đúng 12 giờ trưa (giờ Ngọ) ngày 10 tháng 12 năm 1861, đánh chiêng, mõ, thổi tù và làm vang rền trên bò sông để chọc tức địch. Tên trung úy Parfait, thuyền trưởng tàu Espérance nghe thấy, tức tối liền xua phân nửa số quân dưới tàu xuống ca-nô vào bờ cùng với đám lính mã tà truy đuổi. Đoàn người chiêng, mõ, tù và cứ tiếp tục gây tiếng động càng âm vang hơn và lùi dần sâu vào các kinh rạch. Parfait lại càng thêm nổi giận, cho lính rượt sâu vào nữa. Chỉ chờ có vậy, ngoài sông Vàm Cỏ, Nguyễn Trung Trực chỉ huy cuộc "hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa".

- Phải tạo yếu tố bất ngờ. Trận đánh diễn ra vào đúng 12 giờ trưa là thời gian bọn địch bị cái nóng hun đốt làm cho mệt mỏi, mất cảnh giác nhất. Nghĩa quân lại cải trang giả làm một đám ghe buôn (truyền thuyết thứ nhất) hay một đám rước dâu (truyền thuyết thứ hai) làm lính gác địch tò mò mà thiếu đề phòng. Nguyễn Trung Trực lại dùng kế hỏa công lấy con cúi rơm để đốt tàu địch, tàu chiến vốn là thứ chứa nhiều dầu máy lại lắm thuốc đạn nên gặp lửa thì không cách gì cứu được, dù địch có đem quân về cứu thì cũng không kịp.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Giêng, 2017, 06:59:12 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 06:28:16 pm »


Kết quả của trận hỏa công, nghĩa quân hạ sát 17 lính Pháp và hạ 20 lính mã tà chiếm giữ một cái đồn trên bờ sông ngang chỗ tàu Espérance bị đốt cũng bị diệt gọn. Chiến công đốt tàu Espérance tác động mạnh đến tinh thần chiến đấu của nghĩa quân vì từ nay nghĩa quân không còn xem tàu chiến của Pháp là bất khả xâm phạm nữa và tin tưởng tầm vông, mã tấu cũng là vũ khí tinh nhuệ nếu biết kết hợp với mưu lược và nghiên cứu tường tận địa hình địa vật.

Chiến thuật đột kích bất ngờ sau khi đã nghiên cứu kỹ về địch này được Nguyễn Trung Trực áp dụng thành công một lần nữa trong trận đánh thành Kiên Giang.

Có một số sách ghi lại các chi tiết như sau: Việc đánh thành Kiên Giang thật bất ngờ. Bất ngờ vì Pháp không biết trước hoặc biết trước mà không tin nghĩa quân đủ sức tấn công đồn.

- Ngày 17 tháng 6 năm 1868, trong chuyến kinh lý miền Tây, thiếu tướng hải quân Ohier khi đi qua Sóc Trăng hay tin Quản Nhơn nhóm nghĩa quân ở Sân Chim, định tập kích Rạch Giá. Đồn Rạch Giá được báo tin nhưng khốn thay đã trễ. Ngày hôm sau, 18 tháng 6, một điện tín gởi đi từ Vĩnh Long đến Mỹ Tho báo rằng Rạch Giá đã bị chiếm.

- Ông cai tổng người công giáo là Nguyễn Văn Ngươn mách tin cho người Pháp biết đồn Rạch Giá sẽ bị đánh nhưng họ không chú ý đến lời ông ta, ông và gia đình đi trốn trong bãi sậy cho đến khi quân Pháp trở lại.

- Theo ông Gilbert Chiếu Tri phủ danh dự ở Rạch Giá, viên thanh tra cũng đã được báo tin do ông cai tổng người Cao Miên. Ông này được viên thanh tra phái đi Tà Niên xem sự việc xảy ra ở đây nhưng ông ta không trở lại vì bị giết ngày hôm trước cuộc tấn công (theo Abrégé de l’histoire d'annam của Alfred Schreiner).

Nguyễn Trung Trực được bà Điều, bà Đỏ giúp sức ly gián thành lính Tây và đồn lính mã tà, nếu không thì nghĩa quân của ông phải bị phân tán lực lượng do đồn mã tà tiếp ứng cho đồn Rạch Giá.

Trong trận đánh này, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực chỉ dùng gươm giáo, tuy tương quan lực lượng rất chênh lệch về quân số và vũ khí nhưng nghĩa quân đã thắng nhờ biết tận dụng ưu thế bất ngờ, đây chính là chỗ thể hiện tài năng quân sự xuất sắc của Nguyễn Trung Trực.

Tuy nhiên, nếu việc xem xét tài năng quân sự của ông chỉ dừng lại ở các trận đánh sẽ là thiếu sót, phiến diện...

Những di tích, di vật hiện còn lại trên đất Kiên Giang hiện nay giúp chúng ta nhận ra Nguyễn Trung Trực, một tài năng quân sự xuất sắc, toàn diện trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Một trong những đặc trưng về tài năng quân sự nữa của Nguyễn Trung Trực, trước hết phải kể đến việc chọn lựa căn cứ địa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 06:55:12 pm »


Sau khi triều đình Tự Đức mất 3 tỉnh phía đông đất Nam Kỳ, Nguyễn Trung Trực đã sớm đưa nghĩa quân về Rạch Giá lập căn cứ. Việc lựa chọn căn cứ địa trên đất Rạch Giá trong hoàn cảnh lúc bấy giờ cho thấy ông có một cách nhìn xuyên suốt trên cơ sở quán xuyến toàn cục. Đó là một sự lý giải thông minh đầy sáng tạo, bởi lúc này ba tỉnh miền Tây chưa bị Pháp chiếm. Vào thời kỳ này, vùng đất từ bờ Tây sông Hậu còn rất hoang sơ. Cả khu vực này (tính từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến tận mũi Cà Mau) còn nằm chung trong một đơn vị hành chính là trấn Hà Tiên, dân số chưa đầy 160.000 người. Mối quan hệ xã hội của con người ở đây còn dựa vào lệ hơn là pháp luật, hiệu lực hành chính quốc gia còn rất đơn sơ.

Riêng về dân cư ở Kiên Giang chỉ mới hình thành 4 cụm chính: Là các cụm Hà Tiên - Hòn Chông, Rạch Giá - Tà Niên, Giồng Riềng - Bến Nhứt và cụm Sóc Ven - Gò Quao. Phía bên kia sông Cái Lớn mới manh nha hình thành cụm Ba Đình - Cái Nứa mà chủ yếu là người của Sóc Ven - Gò Quao lấn sang và một cụm khác từ bờ tây sông Hậu tràn lên. Các cụm dân cư này sống tương đối tách biệt nhau vì thời đó không có đường bộ, hơn nữa vùng này vốn nổi tiếng là khốn khó:

      U Minh khốn khó quá chừng
      Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha.


Tóm lại, vùng đất Kiên Giang lúc này thật sự là một căn cứ địa hội đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó là một vùng rừng núi bao la, địa hình hiếm trở rất thuận lợi cho nghĩa quân trong tình hình mà tương quan lực lượng quá thiếu cân xứng. Nơi đây các cụm dân cư vừa mới hình thành, giàu tiềm năng kinh tế, là nhân tố hậu phương quân đội khá ổn định. Chính hậu phương quân đội là điều kiện cần và đủ, có khả năng quyết định vận mạng của cuộc kháng chiến. Nếu xét toàn cục vào thời này, sự lựa chọn lập căn cứ để kháng chiến nơi đây của Nguyễn Trung Trực quả là một sự lựa chọn mang tính tuyệt đối.

Tài năng quân sự của Nguyễn Trung Trực còn bộc lộ qua phương châm tổ chức các cứ điểm trong hệ thống bố phòng. Mô hình các cứ điểm trong hệ thống này đều có chung các yếu tố cơ bản thường xuyên cấu tạo nên nhân tố hậu phương: dân cư, giao thông và địa hình.

Yếu tố dân cư trên tuyến bố phòng này được Nguyễn Trung Trực coi trọng vào bậc nhất. Chính vì vậy mà trong quân đội của ông có nhiều người Hoa, người Khơ Me, đặc biệt là có phụ nữ và quan lại của triều đình. Yếu tố giao thông (đường thủy) tại địa hình nhiều sông rạch ở Kiên Giang lúc này chính là yếu tố quyết định tính cơ động của đội ngũ.

Yếu tố địa hình trên hệ thống bố phòng của Nguyễn Trung Trực tỏ ra là một lợi thế tuyệt đối của nghĩa quân, nhất là trong lúc này người Pháp còn trong tình trạng chân ướt chân ráo. Địa hình ở đây có ý nghĩa là hậu phương của nghĩa quân, nơi binh sĩ vừa tăng gia sản xuất vừa đánh giặc.

Nhìn vào hệ thống bố phòng của Nguyễn Trung Trực, chúng ta dễ dàng nhận ra những điển hình đặc sắc của ông qua mỗi cứ điểm bất kỳ trên vùng đất Kiên Giang này.

Chẳng hạn, tại căn cứ bên bờ sông cửa Cạn ở đảo Phú Quốc, ông đặt một cụm quân ở Ba Trại Ngoài để bám biển, giữ vàm sông. Ba Trại Trong tựa lưng vào dãy núi Hàm Ninh. Đoạn giữa sông cửa Cạn là một xóm làng dân cư sung túc mà họ vốn là người nhà của nghĩa quân.

Ở bất cứ đâu trên đất này, ông cũng quan tâm đến câu thực túc binh cường. Những địa danh Rẫy Mới ở Hòn Chông, Xóm Rẫy ở đảo Phú Quốc, Ba Đình, Hốc Hỏa thuộc địa bàn huyện An Biên và Vĩnh Thuận ngày nay chính là những dấu vết, nơi mà xưa kia nghĩa quân phá rừng thực hành tự túc, tự cấp.

Qua việc khảo sát quan điểm về căn cứ địa, phương châm tổ chức quân đội cũng như việc tổ chức các trận đánh của Nguyễn Trung Trực, rõ ràng ông là một tài năng quân sự xuất sắc, toàn diện. Vì vậy, dù đứng ở góc độ nào để cảm thức lịch sử, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra bản lĩnh của con người Nguyễn Trung Trực.

Thời thế tạo anh hùng, trong trường hợp của Nguyễn Trung Trực, thời thế đã tạo ra ông nhưng tất yếu lịch sử đã đưa ông vào lịch sử ở ngôi vị một tài năng quân sự không gặp thời. Đành rằng con người làm nên lịch sử, song họ không thể cải tạo được tất yếu của nó. Tất yếu trong thời đại của Nguyễn Trung Trực đồng thời là bi kịch lịch sử của ông. Và dĩ nhiên, lịch sử ghi nhận ông như một biểu hiện của lòng trung can nghĩa khí, một tính cách anh hùng, một phẩm chất cao đẹp tỏa sáng cùng năm tháng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 07:00:49 pm »


Câu hỏi 12: Có thể nói Nguyễn Trung Trực là một người tài đức vẹn toàn. Hãy cho biết những tố chất nổi bật của ông?
Trả lời:

Có thể nói, Nguyễn Trung Trực là con người của thời đại mang màu sắc lịch sử đậm nét nhất trong thế kỷ XIX của dân tộc. Ông mạnh mẽ mở màn cho công cuộc chống Pháp đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ. Thực lực của ông không nhiều, không mạnh mà chiến thắng kẻ thù có đầy đủ vũ khí tối tân, quân đông, thế mạnh. Đó là tính cách đặc biệt của vị anh hùng trẻ tuổi này.

Nguyễn Trung Trực có thân hình vạm vỡ, sức lực cường tráng và khỏe mạnh. Lúc còn nhỏ, ông giỏi lặn hụp, bơi lội dưới sông nước. Ông thường đi vào mương đìa, kinh rạch lặn bắt cá. Lúc nào ông bắt cá cũng hơn mọi người, có khi thừa ăn còn bán để mua gạo. Tài võ nghệ của ông được nhiều người nể phục và có không ít truyền thuyết dân gian về điểm này:

Ông dạy võ cho nghĩa quân để đánh giặc ở các trường võ như Tà Niên, Hòn Chông, Sân Chim... Có một hôm ông đang dạy võ cho nghĩa quân ở Tà Niên, ông thấy đàn quạ đậu bên kia bờ rạch (rạch Tà Niên rộng hơn 10 thước), ông liền biểu diễn cho nghĩa quân xem bằng cách ông dùng roi chống bật người từ bờ rạch bên này sang bờ rạch bên kia, khi rơi xuống đất vẫn đứng vững, hai tay nắm hai con quạ, gương mặt không lộ vẻ gì mệt mỏi cả.

Đêm đánh đồn Kiên Giang, nghĩa quân nằm phục kích bên vách đồn chờ giờ hành động, thì có một con rắn mái gầm to từ xa bò đến, nó ngóc đầu toan mổ nghĩa quân. Từ xa nhìn thấy, ông liền phóng mình tới, một tay nắm đầu một tay nắm mình, ông bứt ra làm đôi rồi quăng đi.

Trong lúc đang tấn công đồn Tây Kiên Giang, có hai tên lính Pháp chĩa súng vào ông định bắn. Nhưng chưa kịp bóp cò thì ông phi thân đến, nắm đầu hai thằng đánh "cốp" vào nhau một cái, sọ chúng vỡ ra, giẫy giụa chết luôn.

Có một truyền thuyết khác nói: Khi ở Phú Quốc, nghĩa quân bị Pháp bao vây toàn đảo, cấm không cho ai giúp đỡ nghĩa quân. Nếu ai giúp đỡ hay liên hệ gì với nghĩa quân sẽ bị tù đày hoặc tử hình, bêu đầu giữa chợ... Lúc bấy giờ nghĩa quân lâm vào cảnh đói khát. Ông liền tổ chức nghĩa quân cùng ông đi ra biển bắt cá về ăn. Trong lúc thuyền đang rẽ sóng trên mặt biển, ông thấy bầy cá mập đang lội, ông liền cầm đao nhảy xuống biển rượt giết được cá quăng lên thuyền.

Lại còn một chuyện nữa cũng không kém phần sinh động, khi nghĩa quân cũng đang lâm vào tình trạng đói khát, ông lo lắng và tìm cách giải quyết thì có một nghĩa quân chạy đến báo với ông rằng hiện giờ có một bầy trâu rừng (Bà Nam Giao là người ở đất liền ra đảo Phú Quốc sinh sống, đem trâu theo nuôi, chúng sinh sản rất nhiều. Trước khi bà chết, bà bảo người nhà thả hết trâu lên rừng. Vì thế mà trở thành bầy trâu rừng) đang ăn cỏ ở sườn đồi. Ông liền cho nghĩa quân tổ chức vây bắt. Đàn trâu bị động chạy tuốt lên rừng chỉ còn hai con lọt xuống đìa, có một con cố vượt lên bờ, ông vội đuổi theo nắm được đuôi nó, nó lôi ông theo. Khi đến gần một cây to, ông liền quay đuôi nó vào thân cây và hai chân ông dang ra ngáng vào gốc cây. Con trâu đang chạy ngon trớn bỗng bị khựng lại, nó quay đầu húc ông. Thừa cơ hội đó, ông nắm hai sừng lôi nó xuống đìa nhận nước. Lúc đó nghĩa quân tràn đến giết được cả hai con trâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 07:01:39 pm »


Nghiên cứu qua nhiều tài liệu, chúng ta không tìm thấy Nguyễn Trung Trực gia nhập vào đội ngũ quân Dinh Điên của Khâm sai Tổng Quân vụ Nguyễn Tri Phương vào năm nào? Nhưng lại biết chắc rằng khi quân Pháp chiếm lấy Gia Định (18-2-1859) thì Nguyễn Trung Trực đã có mặt trong quân ngũ (dưới quyền chỉ huy của Quản cơ Trương Định) và đã giữ chức Quyền sung Quản binh đạo (lúc này ông mới 21 tuổi). Sau đó 2 năm, ông đã tham gia trận đánh đại đồn Chí Hòa (25-2-1861). Quản cơ Trương Định cho ông cai quản một đội nghĩa quân trấn giữ vùng Long An, kiểm soát khu rộng lớn vùng ba biên (Tây Ninh, Bến Lức, Gò Công). Cũng trong năm này ông mở một chiến công oanh liệt là đốt cháy tàu Espérance của Pháp tại vàm sông Nhật Tảo. Qua năm sau (1862), ông được vua Tự Đức sắc phong chức Quản cơ tỉnh Bình Thuận (Có tài liệu nói vua Tự Đức sắc phong cho ông chức Quản cơ Bình Thuận năm 1863 hoặc 1864).

Nhìn ngược lại thời gian để ước định sự nghiệp quân sự của Nguyễn Trung Trực thì ta có thể cho rằng: ông đầu quân sớm nhất cũng là vào lúc 17 hay 18 tuổi. Với số tuổi đó và chỉ có năm, sáu năm binh nghiệp mà thăng tiến rất nhanh, giữ nhiều chức vụ quan trọng để rồi sau này trở thành lãnh tụ kiêu hùng chống Pháp ở miền Nam và đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Vậy hẳn ông là người tài ba thao lược lắm thì mới đạt được những thành tích lớn lao ấy. Và rồi điều này còn được minh chứng thêm khi bảy năm sau ông lại tạo nên một thành tích vẻ vang nữa là đánh chiếm đồn Tây Kiên Giang (16-6-1868), đột kích ngay chỗ chúng có binh lực nhiều, phòng vệ nghiêm ngặt, giết chết tên chủ tỉnh Chánh Phèn và một số sĩ quan khác nữa.

Hai chiến tích "Nhật Tảo" và "Kiên Giang" đã làm tên tuổi Nguyễn Trung Trực vang lừng cả nước, chứng tỏ ông là người tuổi trẻ tài cao, am tường chiến thuật, chiến lược để đi đến thành công.

Về chữ TRUNG, chữ HIẾU của Nguyễn Trung Trực có rất nhiều tài liệu đã khẳng định ông là một con người thể hiện trung hiếu vẹn toàn:

Xét qua bối cảnh lịch sử thời Tự Đức, tình hình trong nước cực kỳ rối rắm bởi làn sóng xâm lược từ phương Tây ồ ạt tràn vào phương Đông chinh phục để tìm thuộc địa, nên nước ta bị ảnh hưởng nặng nề sự cai trị của thực dân Pháp.

Nguyễn Trung Trực sinh vào thời đại này. Lớn lên ông đã nhìn thấy cái nhục vong quốc trước mắt, ông không thể ngồi yên, đứng nhìn. Nên dù còn rất trẻ, ông xin mẹ đi đầu quân để góp phần cứu nước. Nhưng chí nguyện không thành bởi thế lực quân thù quá mạnh, phương tiện chiến tranh quá hiện đại nên áp đảo được các lực lượng chống pháp ở địa phương, bên cạnh đó còn do triều đình nhà Nguvễn quá nhu nhược sớm đầu hàng bọn Lang Sa (Lang Sa là cách gọi tắt chỉ chung bọn thực dân Pháp, phiên âm từ chữ France thành Phú Lang Sa), ký nhượng đất đai miền Nam để cho chúng có cơ hội thôn tính luôn toàn cõi đất nước.

Không thành công cũng thành nhân dù Nguyễn Trung Trực bị chúng hành quyết khi còn quá trẻ (30 tuổi). Ông chết nhưng gương trung dũng của ông sáng chói như sao Bắc Đẩu để cho hậu thế soi chung.

Hãy nghe những lời ông nói sau đây với bọn Pháp, đầy trung dũng, nghĩa khí:

Nói với Piquet: "Số mạng tôi đến đây đã đủ rồi, tôi muốn cứu nước tôi mà không thành công, tôi xin truất sự sống của tôi càng sớm càng tốt".

Quân Pháp biết ông có tài, có uy tín với nhân dân, chúng muốn lấy chức tước, tiền bạc để khuyên dụ. Nếu ông chịu làm việc cho Pháp thì chúng sẽ phong cho chức phó soái. Nguyễn Trung Trực cười và khảng khái nói: "Tụi bây kiếm cho tao chức nào mà chức đó tao chặt hết được đầu mấy thằng Tây thì tao mới làm, chứ chức phó soái tao không màng đâu".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 07:03:05 pm »


Khi Pháp bắt được ông đem nhốt vào khám lớn Sài Gòn, tên chánh soái Tây muốn biết tường tận ông là người như thế nào nên vào khám gặp ông. Trước tiên hắn dùng lời lẽ ngọt ngào khuyến dụ nhưng không được hắn mới xẵng giọng nói: "Ông Trực nè! Dù ông có sống hay chết thì binh lực của Pháp cũng đã tận diệt hết quân phiến loạn của xứ sở này rồi...".

Nguyễn Trung Trực mỉm cười, liền đưa tay chỉ ra ngoài sân cỏ và ôn tồn nói với viên chánh soái rằng: "Thưa Pháp soái: Chúng tôi tin chắc rằng, chừng nào ngài trừ hết cỏ trên mặt đất này thì chừng đó ngài mới mong trừ hết những người ái quốc của xứ sở này mà ngài giận dữ gọi họ là quân phiến loạn".

Tại pháp trường, chỉ còn vài giây phút nữa là tới giờ hành quyết, viên thanh tra Piquet hỏi:

- Ông Trực! Vào giờ phút cuối cùng, ông có muốn nói lời gì nữa không?

- Tôi muốn các ông xử tử tôi càng sớm càng tốt - Nguyễn Trung Trực khẳng khái trả lời.

Lúc ở Phú Quốc, khi trận chiến đấu đến hồi cực kỳ sôi động thì vợ Nguyễn Trung Trực đến ngày sinh nở. Lúc bà sinh không có ai săn sóc thuốc thang, vì cả trai lẫn gái đều phải ra sức chiến đấu với kẻ thù, nên sau khi sinh được bốn ngày bà kiệt sức rồi chết. Ông hay tin về lo chôn cất bà xong, liền mang con lên rừng tìm bọng cây to đặt con vào đó. Xong xuôi, ông trở ra để lo chỉ huy cuộc chiến. Đội cận vệ thấy ông vội hỏi:

- Thưa Chủ soái! "Công tử" ra sao rồi ạ?

- Mọi việc đã xong rồi. Các người có thương ta và con ta thì hãy đánh giặc cho thật giỏi, giết giặc cho thật nhiều đi... - Ông vội trả lời.

Lúc tình hình hết sức nguy ngập, quân Pháp càng lúc càng siết chặt vòng vây, chúng mong giết hay bắt sống được Nguyễn Trung Trực, ông liên họp nghĩa quân lại mà nói với họ rằng: "Gặp lúc gian nan này ta khó lòng địch nổi với quân xâm lược. Ta tổ chức mọi người đi đánh giặc. Bây giờ ta cho phép mọi người được tự do ra về với gia đình. Còn ta một mình quyết sống chết với quân thù một trận cuối cùng. Ta không thể vì lý do gì mà đầu hàng quân giặc. Ai cùng lòng với ta hãy xách gươm đứng dậy mà đi...

Sau đó ông gom hết lương thực còn lại liệng xuống sông và rút gươm chỉ thẳng lên trời nói lớn: "Ta thề cùng trời đất nếu không thắng trận này xin chết tại trận này. Trời đất hãy chứng giám cho"1.

Đọc qua những lời trích lược trên đây chúng ta đã thấy rõ lý tưởng cao cả của Nguyễn Trung Trực là suốt đời chỉ mong dâng hiến cho Tổ quốc, xả thân vì nước mà không thành công thì lấy cái chết đền bù để thành nhân.
____________________________________
1. Theo tham luận của ông Bùi Văn Thạnh, Giám đốc sở Văn hóa thông tin Kiên Giang, đăng trong Thân thế sự nghiệp Nguyễn Trung Trực, trang 157.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM