Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:29:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 27021 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:11:45 pm »


        Để thực hiện nghị quyết Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, các chiến khu Hòa - Ninh - Thanh và Đông Triều cũng được thành lập có các đội du kích chống Nhật làm nòng cốt, trong đó có trung đội du kích tập trung đầu tiên của ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

        Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam Giải phóng quân đã làm tròn sứ mạng lịch sử của Đảng giao cho: cùng với nhân dân khởi nghĩa từng phần và tiến lên Tổng khởi nghĩa giành lấy chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cán bộ và chiến sĩ đội Việt Nam Giải phóng quân trở thành nòng cốt của các đội quân đàn em, thành lực lượng Vệ quốc đoàn, một phần Nam tiến, một phần Tây tiến, phần lớn ở lại miền Bắc sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến ba mươi năm bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà.

        Anh em Giải phóng quân chúng ta có nhiều đồng chí đã hy sinh trong mấy thập kỷ chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều đồng chí đã giữ cương vị chỉ huy lãnh đạo khác nhau trong quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên khắp các chiến trường, nhiều đồng chí trở thành các cán bộ tin cậy của Đảng và của Nhà nước. Đến nay hầu hết đã làm tròn nhiệm vụ và trở về với sinh hoạt đời thường, nhiều đồng chí đã hăng hái tham gia vào Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

        Thể theo nguyện vọng của nhiều đồng chí ban trù bị chúng tôi, tổ chức cuộc họp mặt các bạn chiến đấu trong các lực lượng vũ trang tiền khởi nghĩa để thăm hỏi nhau, biết tình hình các bạn, gặp mặt vui vẻ chuyện trò, động viên nhau giữ vừng phẩm chất của những chiến sĩ trong quân đội đàn anh, luôn luôn tin tưởng vào tiền đồ cách mạng, giữ vung tấm gương tin tưởng tất thắng, kiên cường bất khuất của Việt Nam Giải phóng quân.

        Được sự giúp đỡ hết lòng của Quân khu 1, Quân khu 2, của các đồng chí Bí thư và Tỉnh ủy Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang... cuộc họp mặt của chúng ta đã thực hiện thoả lòng mong ước bấy lâu nay của các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân đã từng hoạt động trong sáu tỉnh chiến khu Việt Bắc.

        Ban trù bị chúng tôi đã làm được một phần nhiệm vụ cho cuộc gặp mặt này, xin các đồng chí cử ra ban liên lạc của chúng ta để tiếp tục giữ mối hên hệ thường xuyên giữa chúng ta và chuẩn bị cho cuộc họp mặt sau nhân dịp 50 năm thành lập quân đội.

        Sau cuộc họp này, chúng ta tiến tới cuộc họp mặt các đồng chí Việt Nam Giải phóng quân tất cả các chiến khu miền Bắc được thành lập sau Hội nghị quán sự cách mạng Bắc Kỳ. Cố gắng chuẩn bị để có thể họp mặt vào cuối năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Chúng ta cũng còn phải đề đạt với đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và các đồng chí Bí thư các tỉnh chú ý giữ gìn, xây dựng tôn tạo các địa điểm di tích mà các đội Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Việt Nam Giải phóng quân, các đơn vị du kích và du kích tập trung của các chiến khu. Trường Quân chính kháng Nhật khóa I...

        Thay mặt cho Ban liên lạc lâm thời Việt Nam Giải phóng quân, trong cuộc họp mặt này rất vui mừng thấy các đồng chí tuy tuổi đã cao, sức đã giảm, mà chí khí cách mạng và tấm lòng vì dân,vì nước vẫn giữ được phong thái của những chiến sĩ của các đội quân đàn anh của Quân đội nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng ta.

        Xin kính chúc sức khoẻ các đồng chí, mong các đồng chí luôn giữ được sức khoẻ, vui vẻ động viên đồng bào, đồng chí, làng xóm, con cháu tích cực tham gia và công cuộc đổi mới của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lập lại trật tự kỷ cương trong Đảng và trong toàn xã hội để thiết thực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        Tôi xin mời các đồng chí phát biểu ý kiến.

        Một lần nữa xin cảm ơn Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và Quân khu 2, đồng chí Bí thư và Tỉnh ủy Bắc Thái, cùng với các đồng chí Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang... đã giúp cho cuộc họp mặt được thành công.

        Xin cảm tạ các đồng chí làm công tác thông tin báo chí, văn hóa văn nghệ đã giúp đỡ cho cuộc họp mặt của chúng tôi được thành công.

        Xin đa tạ các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí cán bộ, các đồng chí bác sĩ, y sĩ, y tá, các đồng chí lái xe, và toàn thể anh chị em cán bộ công nhân viên chức của nhà khách tỉnh, hội trường tỉnh, các cơ sở dịch vụ của tỉnh và quân khu đã giúp cho cuộc họp mặt của chúng tôi được thành công.

        Xin cảm ơn tất cả các đồng chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:12:43 pm »

         
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN NGÔ HAI - UỶ VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH UỶ BẮC THÁI - TẠI CUỘC HỌP MẶT BAN CHIẾN ĐẤU VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN
(Ngày 15-8-1992)

        Thưa các đồng chí,

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Tôi rất vui mừng và xúc động được đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung cho biết ngày hôm nay có cuộc họp mặt tình cảm các bạn chiến đấu của du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Quân giải phóng tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Bắc Thái và dành cho tôi vinh dự có mặt.

        Trước hết cho phép tôi thay mặt Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Đảng bộ, đồng bào các dân tộc và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh xin gửi đến các bác, các anh, các chị lời chào rất trân trọng và lời chúc sức khoẻ.

        Trong bài phát biểu vừa rồi của đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung đã khái quát đầy đủ quá trình hình thành, phát triển, trưởng thành và những chiến công oanh liệt của lực lượng vũ trang cách mạng trong hơn 50 năm qua và ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đang là lực lượng được tin cậy của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ.

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Bắc Thái, trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945) được Đảng, Bác Hồ chọn làm trung tâm căn cứ cách mạng Việt Bắc, trên địa bàn của tỉnh lúc đó, chẳng những là nơi ngày 15 tháng 9 năm 1941, Thường vụ Trung ương Đảng ta quyết định sự ra đời của trung đội Cứu quốc quân II mà phần lớn cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là con em các dân tộc trong tỉnh đã làm nên "Tám tháng du kích Tràng Xá oanh liệt" có tiếng vang trong cả nước và quân thù khiếp sợ; mà còn là nơi xuất phát của đội xung phong Bắc tiến và cũng là nơi hai đội xung phong Nam - Bắc tiến gặp nhau thắng lợi, nối liền hai trung tâm căn cứ Cao Bằng - Bắc Thái, đó là địa bàn hoạt động quan trọng của Cứu quốc quân III, của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trong cuộc phát động quần chúng khởi nghĩa từng phần trong Khu giải phóng; đó là nơi thực hiện Nghị quyết của Đảng, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng võ trang yêu nước khác thống nhất lại thành Việt Nam Giải phóng quân vào ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại Định Biên Thượng, huyện Định Hóa và chính lực lượng thống nhất này, ngày 20 tháng 8 năm 1945 đã nổ súng công kích vào những vị trí kiên cố, xung yếu của phát xít Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Người chỉ huy trận đánh là đồng chí Võ Nguyên Giáp, vị Tổng chỉ huy, Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội ta và cũng là vị chỉ huy đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tấn phong quân hàm Đại tướng tại bản doanh của Người ở Phú Đình, Định Hóa tháng 2 năm 1948. Đó là anh Văn của chúng ta.

        Trong vài ngày tới, nhân dân thành phố Thái Nguyên sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 47, ngày Quân giải phóng về giải phóng thị xã Thái Nguyên!

        Thưa các đồng chí.

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Trong cuộc kháng chiến toàn quốc lần thứ nhất bùng nổ, Bắc Thái trở thành trung tâm căn cứ địa, là Thủ đô của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh đã đặt đại bản doanh ở đây để lãnh đạo toàn dân kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

        Đối với các lực lượng vũ trang, Bắc Thái chẳng những là nơi ghi những chiến công oanh liệt trong chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947, trong các trận Phủ Thông, Đèo Giàng, mà còn là nơi ra đời của đại đoàn Quân Tiên phong - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; là nơi luyện quân lập công, nơi dừng chân, điểm xuất phát của các binh đoàn chủ lực vào các chiến trường trong nhiều chiến dịch lớn ở miền Bắc Đông Dương. Cũng chính từ nơi đây nhiều binh đoàn chủ lực đã xuất phát đi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

        Những năm tháng gian khổ và anh dũng đó. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Bắc Thái luôn luôn đoàn kết, gắn bó với Anh bộ đội Cụ Hồ thân thương của mình.

        Hơn năm mươi năm qua, những bước chân của đội du kích Bắc Sơn, của Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Quân giải phóng luôn luôn được các thế hệ bổ sung tiếp bước đã đi suốt chiều dài đất nước trong ba cuộc chiến tranh, cùng toàn Đảng, toàn dân giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

        Cũng như đồng bào trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bắc Thái mãi mãi đánh giá cao và trân trọng những cống hiến lớn lao của những chiến sĩ vũ trang cách mạng đã đem lại tự do, hạnh phúc cho mình và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

        Buổi gặp mặt tình cảm đồng đội chiến đấu hôm nay, nhiều người vì điều kiện tuổi tác, sức khoẻ không đến được và cũng rất nhiều người đã vì sự nghiệp lớn lao của đất nước, của dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả đã ngã xuống trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, trên đất bạn, không có mặt hôm nay.

        Thay mặt đồng bào và Đảng bộ Bắc Thái, tôi xin chân thành bày tỏ tình cảm kính trọng đối với các đồng chí vắng mặt trong buổi họp mặt này.

        Thưa các đồng chí,

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Trong số các bác, các anh, các chị có mặt tại đây hôm nay, có nhiều đồng chí vẫn thường xuyên gần gũi, theo dõi, động viên, giúp đỡ phong trào cách mạng Bắc Thái, nhưng cũng có những đồng chí, theo yêu cầu công tác của Đảng, của quân đội, nhiều năm nay mới có dịp lại thăm mảnh đất mình đã chiến đấu, công tác khi xưa, có thể các bác, các đồng chí thấy cảnh vật đã có nhiều đổi thay, nhưng tôi cam đoan rằng, tình cảm cách mạng giữa Đảng bộ và đồng bào đối với các bác, các đồng chí vẫn trong sáng, trọn vẹn như xưa.

        Thưa các đồng chí,

        Thưa các bác, các anh, các chị!

        Hơn 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Thái, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, liên tục tiến hành cách mạng, phấn đấu cho đường lối cách mạng của Đảng thắng lợi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mỗi bước đường, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng có những thắng lợi vẻ vang, đồng thời cũng có những vấp váp, thăng trầm.

        Những ngày vừa qua, Đảng bộ Bắc Thái vừa tổ chức cho cán bộ chủ chốt của tỉnh quán triệt Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 3, thảo luận, quyết định hành động của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh từ nay đến cuối năm 1993. Quyết tâm của Đảng bộ là quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng, đổi mới sự hoạt động của Đảng bộ; phấn đấu xây dựng Bắc Thái thành tỉnh giàu có, phồn vinh như Bác Hồ hằng mong muốn.

        Trên đường đi tới đó, chắc chắn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần được sự cổ vũ, động viên, giúp đỡ của các bác, các anh, các chị.

        Một lần nữa, xin kính chúc sức khoẻ các đồng chí, các bác, các anh, các chị và chúc buổi họp mặt này thu nhiều kết quả.

        Xin cảm ơn Thượng tướng Đàm Quang Trung, trong bài phát biểu của mình, đã dành những lời tốt đẹp động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

        Xin cảm ơn tất cả!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:14:12 pm »


CUỘC HỌP MẶT ĐẦU TIÊN CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN CƯ TRÚ TẠI HÀ NỘI
(12-10-1994, tại hội trường Quân khu Thủ Đô)

        Cuộc họp mặt cán bộ, chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân cư trú ở Hà Nội gồm các anh, các chị du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân I, II, III, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Trường Quân chính kháng Nhật khóa I ở Tân Trào, du kích Ba Tơ và các lực lượng vũ trang phát triển về sau. Có 98 đồng chí trong tổng số 105 đồng chí.

        Đặc biệt cuộc họp mặt này có chín nữ đồng chí và bốn người con trai của các liệt sĩ Việt Nam Giải phóng quân. Khách mời còn có nhạc sĩ Văn Cao tác giả bài "Tiến quân ca" - Quốc ca và chị Thu Băng, người bạn đời thân thiết của nhạc sĩ.

        Cuộc họp mặt là sự tụ hội những tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ đã đi suốt chiều dài lịch sử chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta. Nhìn "các cụ” tíu tít, mừng tủi nghẹn giọng gọi nhau bỗng tưởng như đây là một cánh rừng chiến khu năm nào trong buổi hội quân. Mỗi cụ - mỗi cây cổ thụ - đang lưu giữ biết bao sự tích anh hùng. Những "người lính già đầu bạc", người cao tuổi nhất đã 89 tuổi, có đồng chí con cháu phải dìu, có đồng chí phải ngồi xe lăn, gặp nhau vui mừng đến giàn giụa nước mắt. Tuổi già dễ bị xúc động. Cuộc gặp mặt đầu tiên không được đầy đủ theo dự kiến của Ban Tổ chức, vì có một số đồng chí quá yếu không đến dự được.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức, lãnh đạo và chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam, vẫn là anh Văn ngày nào, ôn tồn và khúc triết nói với anh em về bài học "toàn dân" của Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mà cốt lõi là phong trào vũ trang toàn dân, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân và từ đó làm nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân, nền Quốc phòng toàn dân.

        Bài học "toàn dân" còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay. Anh Văn còn nhắc nhở các cựu chiến binh Quân Giải phóng giữ gìn phẩm chất cách mạng, phát huy vai trò của mình vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

        Hội trường Quân khu Thủ Đô trong dịp kỷ niệm 50 năm này thành lập Quân đôi nhân dân Việt Nam tràn ngập không khí xúc động, tự hào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:34 pm »


BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TẠI LỄ KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM, NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN TẠI TỈNH CAO BẰNG
(Ngày 16 tháng 12 năm 1994)
        Thưa đoàn chủ tịch,

        Thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,

        Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng,

        Thưa các vị khách quý, các vị đại biểu,

        Thưa toàn thể đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ các lực 1ượng vũ trang.

        Hôm nay, tôi rất vui mừng được dự buổi lễ long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân do tỉnh Cao Bằng tổ chức.

        Sau 30 năm rời bến Nhà Rồng ở cực nam Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ mới lại đặt chân lên mảnh đất quê hương tại tỉnh Cao Bằng, nơi địa đầu phía Bắc để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Tôi có may mắn được sống và làm việc nhiều năm cùng Bác ở Cao Bằng trước Cách mạng tháng Tám; được bà con các dân tộc đùm bọc, cưu mang và giúp đỡ tận tình trong những ngày đấu tranh hào hùng và gian khổ. Tôi có những tình cảm sâu sắc và gắn bó với nhiều đồng chí và bà con các dân tộc, nhiều bản, nhiều làng. Cao Bằng từ lâu đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, nơi để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ phai trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Mỗi lần trở lại Cao Bằng, đối với tôi cũng là một niềm vui lớn.

        Lần này, về Cao Bằng nhân dịp quân và dân ta kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi vô cùng xúc động nhớ đến những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nhớ đến các đồng chí, đồng đội, các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

        Nhân dịp này, tôi xin gửi đến toàn thể đồng bào, đồng chí, đến các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đến các cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các đồng chí cựu chiến binh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt.

        Tôi xin gửi đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, các bà mẹ anh hùng tình cảm thân thiết nhất.

        Đồng bào có khoẻ không? Bại vỉ noọng mì rèng bầu?

        Đồng bào có vui không? Bại vỉ noọng hôn hỉ bâu?

        Thưa đồng bào và chiến sĩ,

        Thưa các vị đại biểu!

        Trở lại Cao Bằng lần này, thăm lại Pác Bó và Khuổi Nặm, tôi bồi hồi xúc động nhớ đến Bác Hồ, nhớ đến những năm tháng Bác đã sống và làm việc ở đây để lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc trong cả nước và xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng.

        Tại nơi đây, bên sườn núi Khuổi Nặm đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Bác chủ trì - một hội nghị lịch sử đánh dấu một bước ngoặt, một sự chuyển hướng chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Chính tại cuộc hội nghị ấy trên đất Cao Bằng đã ra đời Nghị quyết nổi tiếng đặt Vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, theo quan điểm và trên những nguyên lý trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin; đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh - mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi của toàn dân; đã đề ra chủ trương xây dựng Căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

        Theo chủ trương chiến lược đó, phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh mẽ, sôi động tại Cao Bằng với những “Xã hoàn toàn”, "Tổng hoàn toàn”, "Châu hoàn toàn”.

        Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào đường lối cách mạng của Đảng, tạo ra cục diện mới, mở ra những chân trời thắng lợi mới, chỉ trong vòng mấy năm đã đưa đến thành công của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

        Cũng tại nơi đây, 50 năm về trước, Bác Hồ đã trao cho tôi nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình), đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời với 34 đồng chí, gồm các chiến sĩ kiên quyết nhất của đội vũ trang Cao Bằng, của các đội vũ trang các châu, của đội quân Nam tiến và một số đồng chí trung kiên của Cứu quốc quân.

        Bản Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Bác là một văn kiện ngắn gọn, súc tích, một văn kiện "có tính chất cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng”. Bản Chỉ thị đã đề ra đường lối “kháng chiến toàn dân, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”, đề ra chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân, đề ra nghệ thuật đánh giặc của chiến tranh toàn dân.

        Bác nhiều lần căn dặn: dựa vào dân, có dân thì có tất cả, dựa chắc vào dân thì nhất định thắng; phải lấy chi bộ làm hạt nhân. Khi trao nhiệm vụ. Bác nói: "Thời cơ có thể đến sớm, trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu phải đánh thắng".

        Ngay sau khi thành lập, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lần đầu xuất quân, giữa ban ngày đã tiêu diệt đồn Phai Khắt và tiếp đó, tiêu diệt đồn Nà Ngần, bắt toàn bộ tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Trong hai trận đầu toàn thắng, lần đầu đội đã vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam là dũng cảm và mưu trí, bí mật và bất ngờ, táo bạo và thần tốc, nhằm vào lúc địch sơ hở nhất và nơi hiểm yếu nhất của địch mà tấn công, mở ra truyền thống hễ ra quân là đánh thắng, đánh nhanh diệt gọn, càng đánh càng mạnh. Chỉ mấy hôm sau, đội đã phát triển thành đại đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đại đội đầu tiên của quân đội ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:59 pm »


        Trong cao trào cứu nước của cả dân tộc, đội quân chủ lực đầu tiên đã lớn mạnh không ngừng, đã được thống nhất với Cứu quốc quân tại Hội nghị quân sự Bắc kỳ; cùng với các đội du kích của các chiến khu và các địa phương trong cả nước thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân theo nghị quyết của Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào tháng 8 năm 1945.

        Quân đội ta được Đảng lãnh đạo, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính chất nhân dân và tính chất dân tộc sâu sắc; là quân đội của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội ta đã phát triển vượt bậc, trở thành đội quân hùng mạnh làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh toàn dân. Trong suốt 30 năm quân đội ta đã giành được những thắng lợi ngày càng to lớn, lập nên những chiến công hiển hách với những đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng và đại thắng lịch sử mùa Xuân 1975.

        Ngày nay trong điều kiện hòa bình, nhân dân ta có hai nhiệm vụ chiến lược. Đi đôi với việc ra sức xây dựng đất nước, chúng ta coi trọng củng cố quốc phòng và an ninh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, giữ vững lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cùng với công an nhân dân, cùng với đông đảo cựu chiến binh và các đoàn thể nhân dân khác, chúng ta kiên quyết làm thất bại mọi mưu đồ và hành động "diễn biến hòa bình" giữ vững thành quả cách mạng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

        Thưa đồng bào và chiến sĩ,

        Thưa các vị đại biểu!

        Cao bằng là một tỉnh có truyền thống chống ngoại xâm. Trong thời kỳ cận hiện đại, kể từ năm 1930, Cao Bằng đã ghi nhiều nét son rực rỡ trong lịch sử cách mạng của Đảng và của dân tộc.

        Hơn 50 năm qua, với vai trò một căn cứ địa cách mạng, quân và dân các dân tộc Cao Bằng đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đóng góp sức người, sức của, góp phần cùng cả nước làm nên những kỳ tích trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cao Bằng đã từng được coi là “ngôi sao cách mạng" của Việt Bắc.

        Mấy năm nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã có nhiều cố gắng, đoàn kết phấn đấu, đạt được những tiến bộ nhất định trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng.

        Tuy nhiên, phải nói rằng tốc độ phát triển còn chậm. Chúng tôi những người quan tâm đến tình hình kinh tế, xã hội ở các vùng căn cứ địa cách mạng và kháng chiến, không khỏi băn khoăn khi thấy đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, đặc biệt là đồng bào ở vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, diện nghèo đói còn rộng; trình độ dân trí còn thấp; một số dịch bệnh và tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi; tình trạng du canh du cư chưa được khắc phục...

        Tôi nghĩ rằng, Trung ương và chính phủ luôn quan tâm đến công cuộc đổi mới ở các tỉnh miền núi nói chung, Cao Bằng nói riêng, đến nay đã có những nghị quyết quan trọng nhưng sự phấn đấu vươn lên của con người Cao Bằng, của cán bộ Cao Bằng, của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, của các đoàn thể, trước hết là của thế hệ thanh niên Cao Bằng hiện nay mới là nhân tố quyết định.

        Tôi mong rằng đồng bào các dân tộc ở tỉnh ta, gần Tày, gần Nùng, gần Keo, gần Mông, gần Dao, gần Lô Lô, Sán Chỉ và các dân tộc đai, họa căn sim tọc hưa căn họa căn pây thâng thắng lợi, rèo ăn tàng Bác Hồ. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (người Tày, người Nùng, người Kinh, người Dao, người Lô Lô, Sán Chỉ và các dân tộc khác, cùng nhau một lòng, cùng giành thắng lợi, đi theo con đường Bác Hồ - Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội).

        Tôi tha thiết mong rằng, Cao Bằng ra sức phát huy truyền thống vẻ vang của tỉnh, hết sức phấn đấu bằng trí tuệ và sức lực của mình đi đầu trong việc phát huy thế mạnh và tiềm năng hiện có, phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, làm tốt kinh tế gia đình, kinh tế vườn rừng, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, coi trọng công nghiệp chế biến; làm tốt hơn nữa công tác giáo dục và y tế đào tạo cán bộ địa phương, nhất là cán bộ ở vùng cao, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt.

        Tôi mong rằng, với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, với tinh thần tự lực, chủ động sáng tạo và đoàn kết giữa các dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng sẽ vươn lên, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng cao; và một ngày không xa nữa sẽ tiến kịp các tỉnh miền xuôi, trở thành một ngôi sao sáng trong sự nghiệp đổi mới.

        Tỉnh Cao Bằng hây oằn đú là đao đi cách mạng Việt Bắc, oằn này mẻn hòa căn oóc rèng xây dựng Cao Bằng vần “tỉnh gương mẫu”, vần đao đi rủng lai trong công cuộc tổi mới.

        Chúc các bá, các ví noọng, giài nhìng boong hây mì rèng lai, hất đo kin đo nủng, mọi gần đảy son sư mọi viểc đây viòi.

        (Tỉnh Cao Bằng ta trước đây là ngôi sao cách mạng Việt Bắc, ngày nay cần cùng nhau phấn đấu xây dựng Cao Bằng thành tỉnh gương mẫu, thành ngôi sao rất sáng trong công cuộc đổi mới. Chúc các cụ, các anh chị em gái trai chúng ta nhiều sức khoẻ, làm đủ ăn, đủ mặc, mọi người được học hành, mọi việc đều tốt đẹp).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:18:06 pm »

       
NHỮNG TƯ LIỆU QUÝ


HOAN NGHÊNH THANH NIÊN ĐI HỌC QUÂN SỰ

       (Đây là bài Bác Hồ viết khi ở Cao Bằng năm 1941, để hoan nghênh dặn dò số thanh niên được lựa chọn gửi đi học quân sự ở Trung Quốc. Trong số học sinh này có các đồng chí Đàm Quang Trung, Nam Long, Hoàng Minh Thảo.)

        
Nước ta mất đã lâu rồi
        Đồng bào cực khổ, suốt đời gian nan
        Suốt đời chịu kiếp lầm than
        Sưu cao thuế nặng cơ hàn xót xa
        Vì ai tan nát cửa nhà
        Chồng lìa vợ, con lìa cha tơi bời
        Vì ai non nước rã rời
        Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này  
        Vì giặc Nhật vì giặc Tây
        Thanh niên ta phải thế này gay go
        Học hành không được tự do
        Học cho mù tối, học cho mù hèn!
        Mấy năm cặm cụi sách đèn  
        Học rồi cũng bỏ tốn tiền như không
        Muốn làm cũng chẳng có công
        Ông tham Sale race, thầy thông Bou-zou!
        Những người không muốn si ngu
        Người giam Hà Nội kẻ tù Sơn La
        Nước Nam là nước Nam ta
        Vì ai đến nỗi xót xa thế này  
        Vì giặc Nhật, vì giặc Tây
        Thanh niên ta phải ra tay học hành
        Một là học việc nhà binh
        Hai là học biết tình hình nước ta
        Thanh niên là chủ nước nhà
        Phải cho oanh liệt mới là thanh niên
        Gan phải to chí phải bền
        Không sợ khổ, không sợ phiền mới nên
        Anh em đoàn kết vững bền
        Phải nghiêm kỷ luật, phải chuyên tập tành
        Đối đoàn thể, phải trung thành
        Phải dũng cảm phải hy sinh mới là
        Ở trong, phải rất thuận hoà
        Ra ngoài, phải nhớ mình là người Nam
        Phải siêng học, phải siêng làm
        Chớ cam thua bạn, không cam kém người!
        Người siêng một, mình siêng mười .
        Đừng cho thiên hạ chê cười thanh niên
        Mai sau học nghiệp vẹn tròn
        Đánh Tây, đánh Nhật giành quyền tự do.
        Sự nghiệp này là rất to.
        Thanh niên ta phải gắng lo mới thành,
        Việt Nam độc lập Đồng Minh
        Mấy lời thành thật hoan nghênh học trò.
        Việt Nam độc lập đồng Minh

Juillet 1941.        
       (Bài này được ghi lại từ mót bản đánh máy, giữ nguyên bản gốc về những chư, nhưng z: k, f, "kực", "Sa le race" (giống bẩn thỉu) và "bou-zou” (bú-dù) hoặc từ "Juillet" - Người cung cấp: đồng chí Lô Thanh quê ở Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Người sưu tầm: Kim Sơn.)
[/i]


CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN CỦA LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH

        1. Tên: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

        Vì cuộc kháng chiến của ta và cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

        2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

        3. Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.

        Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.

        Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.

Tháng 12 năm 1944        
Hồ Chí Minh            

        (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.III, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.337-338).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:38 pm »


LỄ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN

        Tại khu rừng Trần Hưng Đạo, núi Dền Sinh dãy Khâu Giáng thuộc xã Tam Kim và xã Hoa Thám, Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

        Được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, 17 giờ ngày 22 tháng 12 năm 1944, đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) đã chủ trì buổi lễ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, trước đội ngũ của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tập hợp chỉnh tề, đồng chí Văn tuyên đọc bản Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

        Đồng chí đọc diễn từ trao nhiệm vụ cho đội, có đoạn:

        "Nhiệm vụ mà Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề... Chúng ta sẽ vạch rõ cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy, Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc...

        Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu”.

        Đại diện của Ban liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, đại diện của các đội vũ trang địa phương, của các đoàn thể nhân dân và đồng bào các dân tộc đều có mặt và đọc lời chúc mừng.

        Đồng chí Văn tuyên đọc "Mười lời thề danh dự". Sau mỗi lời thề, toàn bộ cán bộ và đội viên giơ cao nắm tay, đồng thanh hô "Xin thề". 

        Buổi lễ kết thúc trong không khí phấn khởi và tin tưởng. Tiếp đó, là cuộc liên hoan bên cạnh ngọn lửa hồng, với bữa cơm nhạt, không rau, không muối, biểu thị quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.

        Chiều ngày 24 tháng 12, đội xuất quân; 17 giờ ngày 25 tháng 12, đã tiêu diệt đồn Phai Khắt; sáng 26 tháng 12, tiêu diệt đồn Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu. Đội đã phát triển thành đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đại đội đầu tiên của quân đội ta.


10 LỜI THỀ DANH DỰ CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN

        Chúng tôi, đội viên Đội Giải phóng quân Việt Nam xin lấy danh dự một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

        1. Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống xâm lược và bọn việt gian phản quốc để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập, dân chủ, tự do, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.

        2. Xin thề. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, khi nhận được một nhiệm vụ gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

        3. Xin thề. Bao giờ cũng kiên quyết phấn đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận mạc quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

        4. Xin thề. Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập, chiến đấu để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiền phong giết giặc, cứu nước.

        5. Xin thề. Tuyệt đối giữ bí mật cho mọi việc của đội như nội dung tổ chức, kế hoạch hành động cùng những người chỉ huy trong đội và giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

        6. Xin thề. Nếu trong lúc chiến đấu bị quân địch bắt được thì dù bị cực hình tàn khốc thế nào cũng quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cứu quốc, không bao giờ phản bội xưng khai.

        7. Xin thề. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu trong đội cũng như ái hộ bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

        8. Xin thề. Bao giờ cũng chủ trương giữ gìn vũ khí của đội quyết không để cho vũ khí hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù.

        9. Xin thề. Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng với ba điều nên: kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và ba điều răn: không dọa nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân để gây lòng tin cậy ái đối của dân chúng; thực hiện quân dân nhất trí, cứu nước diệt gian.

        10. Xin thề. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình và sửa chữa giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh của đội quân Giải phóng và hại đến quốc thể Việt Nam.

        (Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, t1, in lần thứ tư - Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1994, tr.85-86.)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:50:14 pm »


MỆNH LỆNH KHỞI NGHĨA CỦA UỶ BAN CHỈ HUY KHU GIẢI PHÓNG

        (Trích: Pác Bó - nguồn suối - Võ Nguyên Giáp Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội, 1990, tr.51-52.)

        Các đội trưởng, chính trị viên và đội viên giải phóng quân.

        Các đội tự vệ

        Các ủy ban nhân dân và toàn thể dân chúng

        Ngày 11 tháng 8 năm 1945, giặc Nhật đã hoàn toàn tan rã và đã xin đầu hàng quân Đồng Minh. Cuộc hội nghị Nga - Anh - Mỹ họp ở Mạc-tư-khoa đã chuẩn y việc đầu hàng của Nhật. Thế là cuộc chiến tranh Thái Bình Dương sắp kết liễu.

        Giờ phút khởi nghĩa đã tới, cuộc chiến đấu chúng ta đã đến lúc quyết liệt, các đồng chí hãy trấn tĩnh và kiên quyết thi hành những chỉ thị dưới đây:

        1 . Huy động bộ đội đánh vào các đô thị nếu đủ điều kiện thắng lợi.

        2. Bố trí đánh chặn những bộ đội rút lui của địch.

        3. Trước lúc hành động nên gửi tối hậu thư cho quân đội Nhật và lính bảo an nói họ không thi hành sẽ tiêu diệt.

        4. Đối với quân đội Nhật đã hàng theo, thì phải đối đãi tử tế, một phần lớn cho vào tập trung dinh, còn một phần thì tuyên truyền cho họ về các bộ đội Nhật ở các nơi. Binh lính người Việt thì tha về, sau khi tuyên truyền. 

        5. Khi đánh giặc được một trận thì lập tức bổ sung bộ đội với số vũ khí thu được. Trừ khi có mệnh lệnh đặc biệt còn thì một phần ba bộ đội lưu lại để ở địa phương, hai phần ba chuẩn bị sẵn sàng kéo đi nơi khác cần chiến đấu hay đóng chiếm.

        6. Sau khi chiếm các đô thị tất cả những quân nhu, lương thực không cần dùng đến ngay thì lập tức đưa vào các căn cứ của ta cất giữ.

        7. Trong giờ phút này sự liên lạc cần phải giữ cho chặt, bộ đội bao giờ cũng phải liên lạc với đại bản doanh, có tình hình mới phải lập tức báo cáo..

        8. Các ủy ban nhân dân và toàn thể dân chúng phải hết lòng hết sức phối hợp với bộ đội. Toàn thể quân và dân phải chuẩn bị cho đủ tinh thần để tiếp tục tranh đấu vì quyền hoàn toàn độc lập cho đất nước.

        9. Đối với bọn Pháp Đờ-gôn thì cứ theo thông báo cũ còn đối với người ngoại quốc khác thì sẽ có chỉ thị riêng.

        10. Lúc này là lúc quân sự hành động, kỷ luật phải nghiêm.

        Hỡi các đồng chí!

        Để bảo đảm sự thành công của cuộc khởi nghĩa, các đồng chí hãy thi hành mệnh lệnh này cho nhanh chóng, kiên quyết, anh dũng và thận trọng.

        Tiêu diệt phát xít Nhật!

        Việt Nam Giải phóng quân muôn năm!

        Uỷ ban dân tộc giải phóng muôn năm!

Ngày 12 tháng 8 năm 1945                 
UỶ BAN CHỈ HUY LÂM THỜI KHU GIẢI PHÓNG       
VĂN                                 



QUÂN LỆNH SỐ 1 CỦA UỶ BAN KHỞI NGHĨA

        Hỡi quân dân toàn quốc!

        12 giờ trưa ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục.

        Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!

        Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà.

        Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Uỷ ban khởi nghĩa thành lập.

        Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân giải phóng Việt Nam!

        Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch; đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng. Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến 

        Hỡi nhân dân toàn quốc!

        Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội; xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.

        Chúng ta phải hành động cho nhanh với tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!

        Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!

        Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, 11 giờ đêm         
UỶ BAN KHỞI NGHĨA                   

        (Văn kiện quân sự của Đảng – Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969. tr.301 - 302.)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:54:19 pm »

         
THƯ CỦA BÁC HỒ GỬI THIẾU TÁ TÔ-MÁT
(sĩ quan Mỹ trong lực lượng Đồng Minh ở Trung Quốc)

        Gửi thiếu tá Tô-mát (Allison Kent Thomas)

        Ngài thân mến!

        Tôi gửi ngài một chai rượu để uống cho ấm người. Tin rằng Ngài sẽ thích thú.

        Nếu ngài có thư cho Côn Minh, xin giao nó cho chiến sĩ này

        Kế hoạch của ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả rất tốt.

        Sẽ rất tốt nếu Ngài chuyển kế hoạch đó bằng điện tín cho đại uý Hô-lăng.

        Trong thời gian tôi đi vắng, nếu cần gì, xin Ngài nói với ông Văn (Võ Nguyên Giáp) hoặc ông Lê (Lê Giản).

Chào thân ái.
HỒ CHÍ MINH

THƯ CỦA GIÁO SƯ NGỤY NHƯ KON TUM GỬI LÃNH ĐẠO CHỈ HUY VIỆT MINH Ở KHU GIẢI PHÓNG

        Hà Nội ngày 21 - 8 - 1945

        Kính gửi các ông cao cấp Việt Minh ở chiến khu

        Hiện nay tình thế ở Hà Nội rất nguy kịch: đảng viên Việt Minh đã đánh đổ chính quyền Bắc Bộ khâm sai, mà Việt Nam thì cần có một chính phủ chính thức và hợp nhất ba kỳ để giao thiệp với phái bộ Đồng Minh sắp đến nay mai. Quốc dân lấy làm lo sợ và rất mong mỏi các ông cao cấp có đủ quyền hành về Hà Nội lập tức để giải quyết vấn đề quan hệ đến vận mệnh của nước nhà.

NGỤY NHƯ KON TUM            
Giám đốc Việt Nam học xá        



GẶP ĐỒNG CHÍ VĂN

                                     Ngày trước gặp nhau ở trong rừng
                                     Ống nứa làm cơm kết làm bạn.
                                     Lá chuối lập lên làm cung điện
                                     Mấy người bàn chuyện đánh Nhật, Tây
    
                                     Chỉ có súng hoả mai, súng kíp
                                     Cũng đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần
                                     Ngày nay có cả phản lực, tên lửa
                                     Đã đánh giặc trời rơi hơn ba nghìn

*

*        *

                                     Việt Nam bao đời bị nghèo khổ
                                     Ba tên đế quốc đến xâm lăng
                                     Ba tên đế quốc đến đọ sức
                                     Ba tên đế quốc phải thua ta

                                     Ba tên giặc ấy giàu nhất hạng
                                     Thế mà thua với ta nghèo nàn
                                     Ta chỉ nghèo tiền nghèo cơm áo
                                     Không phải nghèo chí nghèo tâm gan

                                     Lại có Bác Hồ, Đảng lao động
                                     Chỉ lối cho ta từng bước đi
                                    Gặp phải bao nhiêu điều gian khổ
                                     Thế mà đi đã đến ngày nay.

                                     Soi gương mới thấy ta cao lớn
                                     Ngoảnh đầu mới thấy quãng đường dài
                                     Hai mươi lăm năm đã trôi qua
                                     Hôm nay mới lại được gặp nhau

                                     Hôm nay gặp nhau ở Hà Nội
                                     Ở giữa thủ đô rộn tiếng cười
                                     Tiếng cười phấn khởi mừng thắng lợi
                                     Từ thủa tối tăm đến sáng ngời.

Ngày 22 tháng 11 năm 1969        
BÀN TÀI ĐOÀN                
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:22:24 am »


DANH SÁCH 34 CHIẾN SĨ DỰ BUỔI LỄ THÀNH LẬP ĐỘI VNTTGPQ NGÀY 22-12-1944
(Bản bổ sung, đính chính, xếp theo thứ tự A,B,C)



[/center]



CÁN BỘ ĐẠI ĐỘI VÀ TRUNG ĐỘI CỦA ĐẠI ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN ĐẦU TIÊN

        Cán bộ Đại đội

        Hoàng Sâm: đại đội trưởng
        Xích Thắng: chính trị viên
        Hoàng Văn Thái: tình báo và kế hoạch tác chiến
        Lâm Kính: công tác chính trị
        Văn Tiên: quản lý

        Trung đội 1

        Nam Tuấn: trung đội trưởng
        Vũ Lập: chính trị viên
        Bế Văn Sắt: trung đội phó

        Trung đội 2

        Đàm Quốc Chủng: trung đội trưởng
        Nam Long (lúc đầu): chính trị viên
        Mai Trung Lâm (về sau): chính trị viên 
        Bế Sơn Cương: trung đội phó

        Trung đội 3

        Đàm Quang Trung: trung đội trưởng
        Hoàng Thịnh: chính trị viên
        Mông Phúc Thơ (lúc đầu): trung đội phó
        Đào Mạnh Vy (về sau): trung đội phó

        Trung đội 4

        Lĩnh Thành: trung đội trưởng
        Nam Long: chính trị viên
        Nông Quốc Sùng: trung đội phó

       
DANH SÁCH ĐỘI DU KÍCH PÁC BÓ

        1. Lê Quảng Ba: đội trưởng
        2. Lê Đinh (Lê Thiết Hùng): chính trị viên
        3. Trần Sơn Hùng (Hoàng Sâm): đội phó
        4. Cường Tiến (Nguyễn Văn Cơ - Bằng Giang): đội viên
        5. Hải Tâm (Bế Sơn Cương): đội viên
        6. Đức Thanh: đội viên
        7. Thế An: đội viên
        8. Nông Văn Chủng (tức Phùng): đội viên
        9. Tống Dề (tức La): đội viên
        10. Nông Thị Trưng: đội viên
        11 Quang Hưng (Dương Mạc Hiếu): đội viên
        12. Sĩ Cương: đội viên .

       
DANH SÁCH TIỂU ĐỘI CẬN VỆ ĐẶC BIỆT

        1 Phạm Văn Quý: tiểu đội trưởng
        2. Lưu Minh Đức: báo vụ viên
        3. Phan Việt Bắc: báo vụ viên
        4. Đoàn Hồng Sơn: báo vụ viên
        5. Hoàng Việt Huy: báo vụ viên
        6. Kim Anh: đội viên
        7. Văn Lâm: đội viên
        8. Giang Lâm: đội viên
        9. Nông Ngọc Tuân: đội viên
        10. Đinh Đại Toàn: đội viên
        11. Trần Đình: đội viên
        12. Đội viên (Không còn nhớ tên.)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM