Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:16:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26786 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:43 pm »


        Sau Cách mạng tháng Tám, du kích Ba Tơ đổi tên là "Quân giải phóng" để thống nhất với toàn quốc cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, thì mang tên là "Vệ quốc đoàn". Chúng tôi xin giới thiệu tiếp dưới đây hoạt động của đội du kích Ba Tơ trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (Du kích Ba Tơ, Nxb Quân đội nhân dân. Hà nội. 1950.).

        Hoạt động của đội du kích Ba Tơ trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

        Cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi bùng nổ vào khoảng 3 giờ chiều 13 tháng 8 năm 1945. Cùng ngày hôm ấy, hai chiến khu đều nhận được mệnh lệnh: 

        Bộ đội du kích chiến khu Bắc và Nam phải lập tức lấy các đồn thượng du, xong về tập trung gần thành phố chờ lệnh mới.

        Nhiệm vụ của đại đội Phan Đình Phùng đánh chiếm đồn Gi Lăng, Trà Bồng, Sơn Hà, chiếm đóng các phủ Bình Sơn, Sơn Tịnh rồi về tập trung gần tỉnh lỵ.

        Nhiệm vụ của đại đội Hoàng Hoa Thám: đánh chiếm các đồn Ba Tơ, Minh Long, các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, rồi về đóng gần tỉnh lỵ" .

        Đường tiến của đội quân chiến khu Bắc

        Đại đội Phan Đình Phùng gồm có năm trung đội phân phối như sau:

        Hai trung đội do đồng chí Nguyễn Chánh và Phạm Kiệt kéo lên lấy đồn Gi Lăng.

        Một trung đội do các đồng chí Tạ Phương và Phan Phong chỉ huy kéo lên đánh Sơn Hà.

        Còn hai trung đội do đồng chí Võ Thứ kéo lên lấy Trà Bồng rồi kéo xuống Châu Ô (Bình Sơn).

        Chiếm đồn Gi Lăng:Đồn Gi Lăng là một đồn sơn phòng của đế quốc Pháp, đồng thời cũng là nơi chúng an trí chính trị phạm như đồn Ba Tơ. Địa thế rất hiểm trở. Phòng thủ rất kiên cố. Đồn này do quản Trân, một tên việt gian lợi hại coi giữ với 20 lính và 37 khẩu súng. Vì thế nên phải tập trung hai trung đội và phải do đồng chí Nguyễn Chánh và Phạm Kiệt chỉ huy.

        Bộ đội tạm nghỉ trong rừng, cách đồn Gi Lăng độ 5 ki-lô-mét. Hai đồng chí Nguyễn Chánh và Phạm Kiệt đi quan sát đồn. Đến khoảng 5 giờ chiều thì bắt được liên lạc với Quân và Liên là hai người lính trong đồn ở trong tổ chức của ta. Khi tình hình đã rõ, kế hoạch lấy đồn được vạch ra như sau:

        “Đồng chí Phạm Kiệt đem quân bao vây đồn, sẵn sàng tấn công, còn đồng chí Nguyễn Chánh thì đi bắt tên quản Trân ở ngoài đồn. Vì nếu nó lọt được vào trong đồn chỉ huy, sẽ thêm nhiều khó khăn cho ta.

        Sau bữa cơm chiều, Quân (bồi của quản Trân) đã tìm cách giữ Trân ở lại nhà mình. Tối đến, đồng chí Nguyễn Chánh cùng với ba người có súng đến nhà Quân và gặp Trân ở đó. Thấy đồng chí Nguyễn Chánh, Trân hỏi: .

        - Ai đó?

        Đồng chí Nguyễn Chánh rút súng ra chỉ vào mặt Trân hô:

        - "Giơ tay lên, ngồi im".

        Bị tấn công bất ngờ, quản Trân đành phải giơ tay chịu trói và đi mở cửa đồn để giao cho quân cách mạng.

        Theo lệnh của đồng chí Phạm Kiệt, anh em du kích đã tiến sát đồn, mai phục xung quanh chỉ chờ lệnh là xung phong. Quản Trân vừa gọi mở cửa thì du kích cũng được lệnh bắn mạnh vào đồn. Bên trong nghe tiếng quản Trân gọi cửa, binh lính dao động hoang mang. Đến lúc có tiếng súng, lại thêm cơ sở của ta ở trong đồn kêu gọi đầu hàng nên bọn lính chỉ bắn ra mấy phát rồi im hẳn. Anh em hô xung phong rồi chạy vào chiếm đồn. Thế là đồn Gi Lăng được giải quyết gọn. Đội quân cách mạng lại thu thêm được 37 khẩu súng trường, 1 súng lục và một số đạn dược.

        Chưa được nghỉ ngơi thì có tin Nhật tấn công Xuân Phổ, đồng chí Phạm Kiệt được chỉ định ở lại với một tiểu đội để sáng hôm sau triệu tập đồng bào làm mít tinh và thành lập ủy ban nhân dân cách mạng, còn đồng chí Nguyễn Chánh kéo quân về Hà Thành. Đến nơi trời vừa sáng.

        Chiếm đồn Sơn Hà: Sơn Hà là một thị trấn nhỏ ở miền Thượng, tương đối đông dân hơn các nơi khác. Trước đây tỉnh đã có dự định chiếm Sơn Hà để khuếch trương thanh thế.

        Một giờ trưa ngày 14 tháng 8 năm 1945, các đồng chí Tạ Phương và Phan Phong cho quân mai phục quanh đồn Sơn Hà. Đến 2 giờ chiều, một chiến sĩ của ta lén bò vào trong đồn. Bị lộ, viên kiểm lý ở trong đồn cho lính bắn ra tới tấp. Nhưng ở ngoài anh em vẫn can đảm bò trườn vào. Tiếng súng trong đồn vừa dứt thì súng ở ngoài bắt đầu nổ. Bọn trong đồn hoảng hốt, hoang mang xin đầu hàng. Ta bắt trói chúng lại, thu 36 khẩu súng và hai thùng đạn. Đến nửa đêm ta kéo xuống Hà Thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:54:55 pm »

       

Đội du kích Ba tơ

        Chiếm Trà Bồng tiền đề Bình Sơn: Cánh quân do đồng chí Võ Thứ chỉ huy chiếm Trà Bồng không gặp gì khó khăn vì tên kiểm lý ở đây xin đầu hàng ngay. Từ Trà Bồng, một trung đội được điều động về tỉnh lỵ, còn một trung đội thì kéo xuống Châu Ô là huyện lỵ huyện Bình Sơn.

        Ở đây có một toán quân Nhật đóng trong một cái nhà ở đầu phía bắc cầu Châu Ô. Các đồng chí chỉ huy bèn bố trí 3 mặt tấn công vào: một tiểu đội đi theo tả ngạn sông Trà Bồng đánh dọc sau lưng, một tiểu đội đi theo hữu ngạn lập phòng tuyến bắn vào phía trước, còn một tiểu đội sẽ đi thuyền xuôi theo dòng nước. Lúc đến gần, tiểu đội này sẽ xung phong lên chiếm đồn. Không ngờ nước chảy mạnh quá thuyền vừa trôi đến thì một tên Nhật gác ở đầu cầu trông thấy, bắn tới. Một trung đội trưởng và hai du kích của ta bị hy sinh. Những người còn lại nhảy xuống nước bơi thoát được. Nhờ có tiểu đội bên hữu ngạn bắn yểm hộ, nên địch không dám đuổi theo.

        Kết quả trận này: ta bị hy sinh 3, địch chết 2. Sáng hôm sau địch bỏ đồn đi.

        Đường tiến của đội quân chiến khu Nam

        Chiều 13 tháng 8 năm 1945, đại đội Hoàng Hoa Thám cũng nhận được mệnh lệnh và chia quân làm ba đội:

        - Một trung đội kéo lên lấy Ba Tơ;

        - Một trung đội đi đánh Minh Long;

        - Còn 3 trung đội đi lấy Nghĩa Hành, xuống Mộ đức, ra sông Vệ rồi kéo về tỉnh lỵ.

        Chiếm đồn Ba Tơ và Minh Long: Được lệnh khởi nghĩa, sáng 14 tháng 8 năm 1945, các tiểu đội du kích của các làng ở xung quanh đồn Ba Tơ và Minh Long bên cùng đi với lính bảo an (đã ngả về cách mạng) chiếm được đồn. Vì thế hai cánh quân này lên đến nơi thì mọi việc đều đã xong xuôi nên lại kéo về sông Vệ.

        Chiếm huyện lỵ Nghĩa Hành: Chiều 14 tháng 8 năm 1945, cánh quân gồm có 3 trung đội do đồng chí Nguyễn Đôn và Trần Công Khanh chỉ huy đã về đóng gần huyện lỵ Nghĩa Hành. Tối hôm ấy sau khi bố trí quân mai phục xung quanh, đồng chí Trần Công Khanh mang súng máy bò vào huyện. Thấy bọn lính, đồng chí Trần Công Khanh hô: "Giơ tay lên đầu hàng!". Bọn lính bên trong thấy súng máy, hoảng sợ, không dám chống cự.

        Sau khi tịch thu súng đạn và bổ sung thêm quân số, cánh quân này chia làm hai:

        Một bộ phận kéo xuống sông Vệ chuẩn bị tiến về tỉnh lỵ do đồng chí Nguyễn Đôn chỉ huy.

        Một bộ phận kéo về Lâm Điền (Mộ Đức) chặn đánh quân Nhật, do đồng chí Trần Công Khanh chỉ huy. Chính bộ phận này đã đón đánh Nhật tại Mỏ Cày. Còn bộ phận đóng ở sông Vệ bị Nhật đánh úp và bị một số thiệt hại.

        Những trận đánh Nhật

        Những trận đánh Xuân Phổ. Trưa 14 tháng 8 năm 1945, tại Xuân Phổ, tự vệ đã chặn đánh, tiêu diệt một hiến binh, bốn lính Nhật và một Việt gian. Trưa hôm sau, theo tin từ thị xã Quảng Ngãi cho biết, có độ 40 tên Nhật có đủ súng liên thanh kéo lên trả thù. Vì trước đó mấy phút, được tin báo có Nhật đổ bộ ở gần bến đò Hà Tây nên đồng chí Nguyễn Chánh cùng đi với một phần lớn bộ đội ra đó, chỉ để lại Nghĩa Lâm 9 chiến sĩ và 7 khẩu súng. Tiểu đội này được tin trên, cấp tốc hành quân tới Xuân Phổ phục kích trong đồng lúa chờ địch trên quãng đường từ An Hội ra Xuân Phổ.

        Trời sắp tối thì Nhật đến. Ta nổ súng. Chúng bắn lung tung vì không biết rõ lực lượng ta ở đâu. Một tên bị đạn ngã. Tiếng hô xung phong của chiến sĩ ta vang lên. Cùng một lúc tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và, tiếng thanh la... khắp thôn xóm cùng hưởng ứng trợ lực cho cuộc chiến đấu của bộ đội. Nhật chết thêm mấy đứa, bỏ chạy. Đồng chí trung đội trưởng Phan Diệt đi đầu truy kích, quân Nhật quay lại bắn để tháo thân. Đồng chí Phan Diệt không may bị trúng đạn hy sinh. Bộ đội ta vẫn tiếp tục xung phong, truy kích.

        Trước sức tấn công bất ngờ của quân ta, trước tiếng trống, mõ, tù và, thanh la rúc lên khắp bốn phía, quân Nhật hoảng sợ chạy bán sống bán chết để lại xác một sĩ quan và mang theo ngót 10 tử thương. Từ đó quân Nhật không dám kéo quân lên Xuân Phổ nữa.

        Bắn xe Nhật ở Phi Phổ Nhi: Sáng 16 tháng 8 năm 1945, toán quân do đồng chí Trần Công Khanh chỉ huy về đến ga Lâm Điền, phá huỷ đường sắt, đào hầm hố bố trí, chờ quân Nhật tiến lên thì đánh. Chờ mãi không thấy địch. Đến trưa bộ đội kéo xuống Phi Phổ Nhi, liền được tin có hai xe Nhật đang chạy vào. Anh em bèn bố trí mai phục sẵn sàng. Đến trưa, xe Nhật chạy qua. Ta nổ súng. Ba tên Nhật gục trên xe. Hoảng hốt, chúng cho xe mở hết tốc lực cắm đầu chạy.

        Trận Mỏ Cày: Chiều 16 tháng 8 năm 1945, bộ phận do đồng chí Trần Công Khanh chỉ huy đào công sự, lập phòng tuyến dọc theo đường quốc lộ tại Mỏ Cày và mai phục chờ xe Nhật vào Mỏ Cày (cách thị xã Quảng Ngãi 16 ki-lô-mét về phía Nam, thuộc huyện Mộ Đức).

        Mãi đến quá nửa đêm, không thấy gì, đã định kéo quân ra sông Vệ nhập với cánh quân của đồng chí Nguyễn Đôn. Bỗng có ánh đèn chiếu sáng dần. Bốn chiếc xe cam nhông nổ máy ầm ầm ngang nhiên kéo vào. Tiểu liên của ta nhả một loạt đạn vào chiếc xe đầu. Đèn xe tắt phụt. Mấy chiếc xe dừng lại ngay. Chiếc xe đầu bị phá huỷ. Từng loạt súng của ta lại tiếp tục nổ.

        Xung quanh cùng một lúc, tiếng tù và, trống, mõ, chiêng nổi lên.

        Quân Nhật sợ hãi toả cả xuống đường. Chúng bắn lại rất dữ dội. Thấy tình hình phát triển có chiều hướng không lợi cho ta, các đồng chí chỉ huy bèn ra lệnh lui quân. Đồng thời cùng một lúc tiếng mõ, trống, chiêng cũng im bặt. Giặc Nhật hoang mang ngơ ngác và cũng bắn những phát súng cuối cùng. Trời sáng dần, tiếng súng tắt hẳn. Hai bên đường không một bóng người. Quân Nhật lượm xác chết lên xe, chạy vào trong, về phía tỉnh Bình Định.

*

*       *

        Quân Nhật bị du kích Ba Tơ đánh liên tiếp nên chúng cố trả thù. Chúng xông vào các làng mạc hai bên đường để đốt phá nhà cửa, tìm đánh cơ sở du kích. Nhưng mỗi lần chúng rời khỏi lề đường số 1 thì những tiếng trống, mõ, tù và lại nổi lên báo động khắp nơi làm chúng phải dừng lại không dám tiến nữa.

        Cuộc bao vây và uy hiếp quân Nhật ngày càng phát triển. Đồng thời, các chỗ yết hầu của chúng cũng đều bị du kích Ba Tơ đập tan, như sở thương chính Cử Luỹ, như các bốt ở đầu cầu và các cứ điểm lẻ của chúng. Mỗi ngày vòng vây càng siết chặt. Chúng chỉ còn đi lại được trên đường số 1, nhưng cũng hay bị quân du kích đánh bất ngờ. Vì thế, sau khi ta chiếm được tỉnh lỵ Quảng Ngãi ít hôm, chúng cũng kéo đi, không còn một tên nào trên đất Quảng Ngãi nữa.

        Tính đến ngày lập xong chính quyền cách mạng trên toàn tỉnh, ta đã tiêu diệt và bắt trên 100 tên địch, đốt cháy và phá huỷ ba xe cam nhông, thu nhiều khí giới, đạn dược.

        Đồng thời lúc này, lực lượng của đội du kích Ba Tơ đã lớn mạnh và được điều đi phòng thủ khắp nơi trong tỉnh. Quân số đã có đến hàng vạn người, số súng đã lên tới 400 khẩu. Đội du kích trong tỉnh và ở các tỉnh Nam Trung Bộ được đưa đi Thuận Hóa và Quảng Nam để tăng cường cho bộ đội ở đây.

        Sau Cách mạng tháng Tám, đội đổi tên là "Quân giải phóng" cho thống nhất với toàn quốc và sau đó đổi là "Vệ quốc đoàn" .
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:06:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:56:33 pm »


HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO VỤ THÔNG TIN TRƯỚC VÀ TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM
(Đến tháng 5 năm 1946)

LƯU MINH ĐỨC         

        Hoạt động báo vụ thông tin là hoạt động âm thầm ít được nói đến. Đây là hoạt động chuyên môn kỹ thuật cao với các phương tiện kỹ thuật thông tin điện đài hiện đại của cách mạng Việt Nam ta thời kỳ tiền khởi nghĩa và sau Cách mạng tháng Tám ít lâu.

        Đội báo vụ thông tin của chúng tôi chỉ có năm người tách ra từ tiểu đội cận vệ đặc biệt. Ngoài tôi, còn có các anh Phạm Văn Quý, Phan Việt Bắc, Đoàn Hồng Sơn và Hoàng Việt Huy. Chúng tôi nhận được lệnh của anh Văn chuẩn bị và liên lạc với đài Côn Minh của trung tướng Clai Sen-nô, tư lệnh trưởng không quân Hoa Kỳ. Ông Clai Sen-nô đã được chính phủ Hoa Kỳ giao cho trách nhiệm viện trợ điện đài và vũ khí cho Việt Minh để cùng đánh Nhật. Công việc chuẩn bị sẽ được nói rõ dưới đây.

        Một buổi sáng của một ngày đầu tháng 7 năm 1945, anh Văn lên lán xin chỉ thị của Bác về kế hoạch chuẩn bị đón dù vũ khí và điện đài do chính phủ Mỹ viện trợ. Làm việc với Bác xong, anh đến lớp học sinh báo vụ chọn các anh Kim Hùng, Tuấn Khanh, Đàm Thế Truyền đi làm nhiệm vụ này. Các anh được lệnh đem củi khô chất đống lên đỉnh núi, ngủ đêm trên ấy và sáng hôm sau, hễ nghe thấy bốn phát súng trường thì đốt để lấy khói làm mục tiêu cho máy bay Đồng Minh biết địa điểm thả dù. Anh giao cho một anh khác phụ trách bắn súng khi người phụ trách điện đài ra lệnh bắn.

        Anh Phan Việt Bắc ốm vài hôm thì khỏi, trở lại lán điện đài làm ca kíp thường trực suốt đêm với hai ông Méc và Phờ-réng-khì. Tối anh Bắc ngủ ở lán của Bác để sáng hôm sau làm liên lạc vô tuyến chính thức với đài Côn Minh của Đồng Minh. Ở dưới làng, nhân dân treo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh và số học sinh báo vụ còn lại làm băng khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn quân Đồng Minh".

        Sáng hôm đó, anh Văn lên lán của Bác rất sớm và bảo tôi: "Minh Đức ở lại làm đài trưởng liên lạc vô tuyến chính thức, còn anh Việt Bắc xuống làng với hai ông Méc và Phờ-réng-khì".

        Trước khi đi theo anh Văn, ông Méc giao lại cho tôi hai bức điện bằng số, ghi chữ Hán. ông dặn khi máy bay đến thì đánh bức này "phây chi tao lẻo" dịch sang âm Hán - Việt là "phi cơ đáo liễu” nghĩa là "phi cơ đến rồi" theo tiếng Việt. Khi máy bay thả dù xong và bay đi thì đánh bức điện kia. Tôi nhìn thấy có mấy chữ Hán "phây chi xuy lẻo" tức là "phi cơ khứ liễu” nghĩa là "phi cơ đi rồi" theo tiếng Việt. Khi đánh thì đánh bằng số. Ông còn dặn thêm: "Tên đài Tân Trào là K.A.S; tên đài Côn Minh của Đồng Minh là K.Y.P”.

        Sáng hôm đó, tôi bắt tay vào việc; ca đối thoại đầu tiên K.Y.P de K.A S Z Hu K, nghĩa là "quý đài có nghe không? Tình hình thế nào?".

        Họ đáp: K.A.S de K.Y.P rok. WS or LS ZHC K? Nghĩa là nghe rồi. Sương mù hay quang mây, trả lời".

        Tân Trào đáp: K.Y.P de K.A.S rok. Now hr WS as 5 Munist ZHC K" Nghĩa là:

        Côn Minh đáp: K.A.S de K.Y.P rok tks you as, nghĩa là "nghe rồi, đồng ý nghỉ năm phút".

        Anh phụ trách bắn súng sốt ruột hỏi: "Được bắn chưa?". Tôi đáp: "Chưa được. Sương mù”.

        Một lúc sau, tôi lại lên máy gọi: "Quang mây rồi!" Côn Minh đáp: "Cảm ơn". Tôi lại gọi: "Đây có điện phát. Xin trả lời” Côn Minh đáp: "Nghe rồi. Xin cảm ơn".

        Anh phụ trách bắn súng giục: "Trời đã quang mây rồi?".

        Nhân danh đài trưởng, tôi ra lệnh bắn bốn phát súng trường như trên quy định để tổ anh Kim Hùng nghe hiệu lệnh đốt lửa. Nhìn cột khói bốc lên cao, tôi mừng thầm. Khoảng gần một tiếng sau, một chiếc máy bay hai động cơ đầu bằng bay từ phía Thái Nguyên sang ngọn núi Nà Lừa, qua Làng Cả, qua huyện Sơn Dương, rồi qua trước mặt lán Nà Lừa. Bác Hồ xuống thang qua lán điện đài lấy chiếc khăn trắng trên vai Bác vẫy chào chiếc máy bay đang lừ lừ quay vào cánh đồng Làng Cả thả dù. Những chiếc dù mang những cái hòm từ từ rơi xuống đúng cánh đồng Làng Cả trông thấy rõ mấy chiếc dù có người rơi lạng về phía cây đa ở Tân Trào. Máy bay thả dù xong bay đi. Nhiệm vụ báo vụ thông tin đã hoàn thành tốt đẹp. Tôi vui sướng lên máy báo cho đài Côn Minh bằng chỉ số bốn nhóm: "phây chi xuy lẻo". Côn Minh đáp: "Đã nhận bức diện số 2 bốn nhóm rồi, cho bằng chứng QSL yes ok ZMQ, có nghĩa là đồng ý nghỉ, tới ca khác". Tôi xong ca làm việc, anh quay máy ra-gô-nô hỏi :

        - Xong chưa, đài trưởng?

        Tôi bảo:   

        - Xong rồi

        - Có thể đi ra được không?

        - Đi được

        Anh quay máy phát điện đi ra phía sau lán của Bác, bỗng hốt hoảng chạy về báo có con hổ to lắm đang mò lên phía sau lán và hỏi có được bắn không? Tôi ra lệnh Bắn, còn chờ gì nữa?". Anh xách khẩu gióp 3 đi. Một lát sau đạn nổ ầm vang cả khu rừng. Tôi hỏi "Có trúng không?". Anh lắc đầu. Tôi bảo: "Anh bắn tồi quá? Xa bao nhiêu mét?".

        - Chừng ba chục mét. 

        - Chắc anh quá sợ nên run tay chứ gì?

        Tôi nghĩ bụng "Cũng thật là may". Nếu hôm ấy không có anh quay máy phát điện bất ngờ phát hiện được con hổ và bắn đuổi nó đi, để nó mò được đến lán của Bác thì thật nguy hiểm biết chừng nào. Không biết tiểu đội cận vệ gác xách thế nào mà để con ác thú mò lên lán Bác ở.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:57:20 pm »


        Khoảng hơn một giờ sau, anh em học sinh Trường Quân chính kháng Nhật khiêng các hòm điện đài, vũ khí lên lán điện đài và lán của hai ông người Mỹ gốc Hoa. Có một người Mỹ đi theo. ông ta cao lớn tên là Hô-lăng. Các anh Việt Huy, Hồng Sơn, Văn Quý ốm đã khỏi cùng đón dù ở Làng Cả lên lán điện đài. ông Mét phân cho 5 báo vụ chúng tôi, mỗi người một va-ly điện đài và hai máy phát điện ra-gô-nô ở trong hòm. Còn cả bông băng y tế, thuốc chống muỗi, ông phân phát xong lại mở hòm súng phát cho mỗi trạm thông tin sáu khẩu côn-bát, hai các-bin, một tôm-sơn, một khẩu súng pháo hiệu và sáu quả lựu đạn. Chỉ có hai cái màn, ông đưa cho Việt Bắc và Quý.

        Một bản khai lý lịch quá thật.

        Ngay chiều hôm máy bay Đồng Minh thả dù, Bác Hồ giao cho tôi, anh Bắc, anh Quý mỗi người một tờ giấy trắng. Bác chỉ nói gọn: "Các chú khai lý lịch" và không nói thêm gì hơn. Ba chúng tôi ở lán điện đài cùng viết lý lịch. Anh Bắc ngó xem tôi viết và nói: "ông này cán bộ già cơ, lâu năm cơ, Việt Minh già cơ?". Anh ấy chẳng mách nước viết thế nào mà lại còn trêu trọc mình. Tôi tự nhủ: Mình tự khai thôi. Cụ đã bảo khai thì khai thật. Gia đình tôi có sáu anh em. Anh cả là Lưu Văn Lân, tham gia cách mệnh hồi phong trào Đông Dương đại hội bị lộ và bị địch bắt chặt đầu (10-1942)... Còn tôi là Lưu Minh Đức hoạt động trong phong trào Đông Dương đại hội tháng 6 năm 1941. Đoàn thể cử tôi sang Trung Quốc học quân sự và thông tin kỹ thuật vô tuyến điện. Nay về theo Bác làm công tác báo vụ thông tin tại Tân Trào. Ký tên: Lưu Minh Đức, tháng 7 năm 1945. 

        Viết xong, tôi yên trí mang nộp ngay cho Bác, trưa hôm sau, Bác gọi tôi đến bảo: "Sao chú nói thật thế". Bị Bác quở, tôi toát mồ hôi không hiểu sao mình khai đúng thế lại bị chê là dốt. Về sau, tôi mới hiểu ra và thấy mình quá thật thà. Theo yêu cầu của Đồng Minh chọn báo vụ thông tin người Việt gia nhập làm đội viên báo vụ thông tin của quân đội Đồng Minh, có chế độ lương của Đồng Minh đãi ngộ. Thế mà tôi lại khai tuốt tuột các anh em ruột thịt của mình là cộng sản. Tôi cứ tưởng khai cho Bác biết thêm thôi, ai ngờ... Giá Bác nói rõ cho tôi biết trước.

        Người của đoàn thể hay người của Đồng Minh?.

        Đến buổi chiều hôm ấy, Bác giao cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy Bác tự tay đánh máy và bảo chúng tôi: "Các đồng chí đọc kỹ đi và làm cho đúng". Đây là một bản Bác ghi đầy đủ nhiệm vụ cụ thể của trạm thông tin, gồm năm điều: .

        1. Tổ chức trạm thông tin 11 người gồm 1 trạm trưởng, 1 cơ yếu 9 quay viên kiêm bảo vệ.

        2. Thông tin thời tiết địa phương mình ở cho căn cứ không quân Côn Minh biết ngày 2 lần.

        3. Báo tin quân Nhật đóng ở đâu cho căn cứ không quân Đồng Minh để cho máy bay Đồng Minh ném bom giặc Nhật.

        4. Cứu phi công quân đội Đồng Minh khi máy bay Đồng Minh thi hành nhiệm vụ bay qua vùng trời ta; đèn xanh đỏ chớp liên tục đó là tín hiệu báo máy bay đang bị nạn; bắn pháo hiệu lên cho phi công nhảy dù; lập tức đi tìm, tay trái cầm dao phay to, tay phải cầm cờ Việt Minh và miệng hô Việt Minh, Việt Minh; tìm thấy họ cho họ về trạm mặc quần áo ta và báo cho khu biết. 

        5. Tìm địa điểm máy bay có thể lượn vòng thả dù vũ khí cho ta ở mặt trận mình phụ trách.

        Tháng 7 năm 1945. Bản nhiệm vụ không ký tên. 

        Bác phân công anh Quý đi Hà Giang, anh Việt Bắc đi Cao Bằng, tôi đi Lạng Sơn. Hôm ấy Bác Hồ đã bình phục nhưng còn mệt. Anh Lê Giản lên thăm cùng lúc tôi được gọi đến đọc lại bản ghi nhiệm vụ cho Bác nghe lại. Nhưng trình độ văn hóa tôi thấp, máy chữ lại không có dấu mà Bác lại nằm nghe nhưng mắt nhìn chằm chằm vào tôi nên tôi đọc không được, cứ lúng ta lúng túng. Anh Lê Giản cầm lấy đọc hộ tôi. Anh đọc xong, Bác hỏi lại tôi: "Chú hiểu chưa?".

        - Dạ cháu hiểu rồi ạ?

        - Chú xuống làng gặp chú Văn, sẽ phân công cụ thể

        Tôi cùng đồng đội xuống làng gặp anh Văn, ông Méc. Ngoài anh Văn, có cả hai ông Méc, Phờ-réng-khì, anh Văn Quý, Việt Bắc và tôi. Mỗi người nửa con gà cầm tay xé ăn với cơm, ông Hô-lăng nhìn Méc và hỏi:

        - What do you Minh Duc to go? (cho Minh Đức đi đâu?).

        - Minh Duc to Lang Son (Minh Đức đi Lạng Sơn).

        Ông ta nhìn tôi gật đầu cười. Chào các ông xong, tôi cùng anh em đi qua cạnh lán Bác để xuống làng. Bác nói vọng ra.

        - Súng tôm-sơn để lại cho Quân giải phóng còn dù chú lấy mấy cái?

        - Dạ, hai cái ạ.

        Xuống đến Làng Cả tôi bảo anh em đợi bên ngoài còn tôi leo lên thang vào trong nhà sàn anh Văn thường ở đấy. Bầy chó ở làng này dữ thật. Chúng đuổi theo, sủa vang và nhe những hàm răng sắc đe doạ. Chủ nhà phải quát to chúng mới thôi sủa và xuống thang. Gặp anh Văn, tôi nhận được sáu nghìn đồng Đông Dương mới cứng. Anh hỏi tôi:

        - Đồng chí bây giờ là người của đoàn thể hay người của Đồng Minh?

        Tôi đáp:

        - Dạ thưa anh, là người của đoàn thể cử làm công tác cho Đồng Minh, thực chất là làm cho đoàn thể.

        - Đồng chí nói đúng, chú uống bát ô tô rượu mật ong này cho hết? Chúc khín tàng mi rèng (chúc lên đường mạnh khoẻ); chu xiang lù phình ón (chúc lên đường bình an); chúc anh đi an toàn.

        Anh dùng cả ba chữ tiếng Tày, Trung Quốc và Kinh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:07 pm »


        Trước khi tạm biệt tôi, anh còn dặn:

        - Nếu Đồng Minh điện hỏi có thiếu thốn gì, hãy trả lời là đến đâu và ở đâu nhân dân cũng ủng hộ rất đầy đủ .

        Anh còn viết mấy dòng vào một tờ giấy nhỏ bảo tôi cầm đến anh Song Hào ở xã Tự Do chỉ huy đại đội. Thư anh viết:

        “Gửi anh Song Hào. Tiểu đội Lưu Minh Đức còn thiếu quân số. Anh bổ sung chiến sĩ của đơn vị theo Minh Đức cho đầy đủ. Ký tên: Văn".

        Tôi đi theo anh Bắc cùng hai tiểu đội ở đơn vị anh Song Hào. Hôm sau, anh Song Hào bổ sung cho hai người. Còn thiếu bốn người. Thôi được. Đi đến đâu, mình sẽ tự tuyển quân. Tôi tự lấy thêm hai cháu Thuỳ và Bắc. Vẫn còn thiếu hai. Đội chúng tôi đi lên Cao Bằng rồi xuống Lạng Sơn, đi vòng quá xa, mất hơn 10 ngày. Đi đến Tà Lừa, Lạng Sơn gặp Ban liên tỉnh, có anh Nam và chị Lệ Ngọc. Tôi lại gặp cả anh Hoàng Hữu Nam tức anh Phan Bôi. Sao ở đây anh cũng có dù và điện đài loại ARU và có ra-gô-nô. Hỏi ra mới biết anh bị Pháp đày ở đảo Ma-đa-gát-ca. Quân Anh giải phóng đảo này và đưa các anh về Ấn Độ, rồi cho nhảy dù về nước. Máy thu phát của tôi ký hiệu SST và SSH US Army là của quân đội Mỹ, máy sản xuất ở Si-ca-gô.

        Từ Tà Lừa, đội chúng tôi đi đến Bình Gia. Các anh Đàm Minh Viễn, Phan Mạnh Cư và chị Vân vợ anh Viễn cưỡi ngựa đuổi kịp đội của tôi và cùng đi vào ban châu Bình Gia ở nhà của một ông phủ về hưu đã tham gia cách mạng. Ngôi nhà to hai tầng là nơi làm trụ sở của ban châu. Đội tôi ở đây hai hôm, chờ anh Đàm Minh Viễn tìm người biết tiếng Anh theo tôi làm cơ yếu. Anh cho biết có chị Nông Thị Sơn mới đi với Quân giải phóng đánh bọn Lý Khoắn phản động vừa mới về nghỉ. Song chị Sơn thì biết tiếng Pháp.

        Anh Viễn lại cho cán bộ cố tìm người biết tiếng Anh. Đó là anh Lào (vì anh này ở Lào về nên đặt tên là Lào). Anh đi theo đội nhưng tiếng Anh không hơn gì tôi nên chuyển anh sang làm quay viên kiêm bảo vệ, do đó tôi phải tự làm lấy cả.

        Ở Bình Gia, một hôm anh Đàm Minh Viễn có hỏi tôi:

        - Có thể gọi không quân Đồng Minh đến ném bom bọn Lý Khoắn được không? Vì quân ta đánh bọn Lý Khoắn rất khó, chúng ở trên núi cao, hầm hào rất kiên cố lại có cả dàn đá. Anh viết điện báo là quân Nhật đóng ở núi Yên Hùng.

        Tôi trả lời anh Viễn:

        - Tôi có tấm bản đồ quân sự Mỹ, xem rồi nhưng không thấy có ghi tên núi Yên Hùng, lại không biết tọa độ thì khó báo cho không quân. Sáng nay có buổi làm việc. Côn Minh đã thông báo ZNN - ZMQ Next time, nghĩa là "không việc, hẹn thời gian tới". Đội tôi lại tiếp tục đi đến Bằng Mạc, chợ Bãi. Anh Bảo An tức Tuấn Sơn điều ngựa từ Ba Xã ra đón đội báo vụ thông tin chúng tôi. Cuộc hành quân chiều hôm đó tôi được cưỡi ngựa lần đầu tiên trong đời. Cưỡi ngựa khác với cưỡi trâu nhiều và thú vị. Đêm hôm đó, đội tôi ngủ lại một làng ở chân núi để sáng hôm sau vượt núi sang Ba Xã. Đêm hôm đó, anh Đàm Minh Viễn và Phan Mạnh Cư cũng đi ngựa từ Bình Gia đến.

        Sáng hôm sau, đội chúng tôi cùng các anh Tuấn Sơn, Minh Viễn, Mạnh Cư vượt núi sang Ba Xã đến nhà anh Tân - cán bộ cơ sở, bắt đầu triển khai máy vô tuyến điện liên lại với Côn Minh và Khu giải phóng để thông tin đều đặn thời tiết ngày hai lần và tin tình báo quân sự về bọn Nhật.

        Thời gian này tôi có điện báo được tin quân Nhật rút từ Thất Khê về đóng ở chân núi đá Mai Pha phía bắc thị xã Lạng Sơn, cách thị xã từ ba đến bốn ki-lô-mét. Song chính anh Đàm Minh Viễn là lãnh đạo cấp cao nhất ở vùng này đã cung cấp tin về hoạt động quân sự của Nhật nhiều hơn và luôn luôn theo dõi tình hình qua điện đài; anh còn báo cho tôi biết việc anh sẽ chuẩn bị lá cờ Việt Minh to để rải giữa cánh đồng làm mục tiêu cho không quân Đồng Minh đến thả dù vũ khí và đã chuẩn bị cả băng cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu hoan nghênh Đồng Minh.

        Anh có ý định đón quân Đồng Minh thả dù xuống đây khoảng 8.000 khẩu súng hiện đại cùng đạn dược và cả người của quân đội Đồng Minh nhảy dù xuống tham gia đội Việt - Mỹ. Nhưng ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh.

        Sáng ngày 16 tháng 8 năm 1945, khi tôi liên lạc với Côn Minh, họ phát cho một bức điện khá dài, chỉ dịch được phần cuối, họ đánh công khai bằng tiếng Việt: "Lần thông tin này giữa ngài với chúng tôi là lần cuối cùng. Mời ngài trở lại Tổng bộ Việt Minh".

        Sáng 17 tháng 8 năm 1945, tôi lên máy liên lạc gọi; họ đã bỏ liên lạc với đài Tân Trào của tôi. Thế là ý định của anh Viễn không thực hiện được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:43 pm »


        Sáng 16 tháng 8 năm 1945, ở Tân Trào cũng phát cho một bức điện mật. Không biết anh chàng nào mới tập nên đánh khó nghe quá và đài bị nhiễu nữa, nên thu sai nhiều, chỉ dịch được phần cuối là lện tổ kh... nghĩ... Tôi không hiểu là gì cả. Anh Đàm Minh Viễn đến đài hỏi: “Có điện không?".

        “Có ở khu đánh cho bức điện này, dịch không ra hết. Tôi nói tối ngày 15 tháng 8 năm 1945, tôi có báo cho anh tôi nghe đài Hoa Kỳ nói tiếng Việt loan tin Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh".

        Anh cầm bức điện xem, rồi vui mừng nói "Đúng rồi? Đây là lệnh tổng khởi nghĩa!". Nói rồi, anh cầm lấy bức điện đi ngay. Tôi nghe anh nói lòng mừng vô hạn. Nhật đầu hàng Đồng Minh. Lệnh Tổng khởi nghĩa. Thế mà mình nghĩ chẳng ra.

        Ngay hôm đó, đơn vị Giải phóng quân của anh Bảo An và anh Đàm Minh Viễn đi ra Bình Gia. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, tôi cùng anh em tổ điện đài cũng đi ra Bình Gia, vì trách nhiệm liên lạc với đài Côn Minh đã hoàn thành, cần phải trở về xin chỉ thị của Bác. Lúc này, Bình Gia trở thành nơi trung tâm gặp gỡ giữa quân Giải phóng và bộ đội Việt - Mỹ có điện đài và người Mỹ làm báo vụ.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945, đội báo vụ thông tin chúng tôi mới đến Bình Gia. Tôi đi ra chợ Bãi, nào ngờ lại gặp đám đại diện Phục quốc quân, gặp cả tên trung tá Quốc dân đảng Trung Quốc làm chỉ đạo viên đám đại biểu Phục quốc lần tôi gặp bọn này ở Bách Sắc, Trung Quốc. Bọn này biết tôi thường tháp tùng Bác Hồ. Tên đặc phái viên gặp tôi nói: "tôi là đặc phái viên của Việt Minh Cách mạng Đồng Minh hội cầm công văn của ông Bồ Xuân Luật để tìm gặp Cụ Hồ Chí Minh mời Cụ trở lại hội cùng nhau bàn bạc". Tên trung tá người Trung Hoa cũng nói thêm: "Phục quốc quân và Việt Minh cũng là người Việt nên hợp nhất lại". Bọn chúng có chừng 10 tên.

        Tôi nghĩ bụng Việt Minh đã tiến hành Tổng khởi nghĩa rồi, lúc này còn gì mà bàn, nên tôi không trả lời chúng mà lẩn vào đám đông trong chợ tránh bọn này.

        Hôm sau trên đường về đến Bắc Sơn, tôi gặp anh Vũ Anh tức Trịnh Đông Hải chỉ huy đại đội đi đánh quân Phục quốc ở Lạng Sơn. Anh hỏi xin súng của đội báo vụ thông tin. Tôi không cho và nói: "Đội chúng tôi do Bác Hồ giao nhiệm vụ đặc biệt, tôi không có quyền, tôi phải gặp Bác Hồ xin ý kiến đã. Thôi, xin chào anh". Nói rồi, tôi cùng anh em trong đội đi về châu La Hiên.

        Anh Thái - Chủ tịch Uỷ ban giải phóng châu nói:

        - Anh thuộc đơn vị đặc biệt, lại có điện đài và súng Mỹ. Tôi cho người đưa đội anh vào làng Cúc Đường là nơi hẻo lánh nhất vì quân Trung Hoa của Tưởng đang kéo vào Lạng Sơn đông lắm.

        Tôi đáp:

        - Nhưng tôi có việc gấp, phải gặp Bác Hồ xin ý kiến.

        Anh Thái bảo:

        - Anh viết ngay thư cho Cụ, chúng tôi chuyển cho.

        Tôi đồng ý và bảo cả đội dừng lại nghỉ chân để tôi viết mấy chữ xin ý kiến Bác. Tôi viết:

        “Kính gửi Bác Hồ tôn kính, Công tác Bác giao cho, cháu đã hoàn thành. Đội của cháu đã về đến châu La Hiên (Võ Nhai). Xin Bác chỉ thị cho cháu sẽ về đâu công tác. Kính mong Bác chỉ thị cho biết. Kính mong Bác trả lời và chỉ thị. Chúc sức khoẻ của Bác tốt nhất.

        Cháu Lưu Minh Đức, trạm trưởng thông tin Lạng Sơn.”

        Ở La Hiên, tôi gặp lại anh Hiền họp Đại hội quốc dân Tân Trào về đến làng Chương (La Hiên). Anh nói; "tôi cầm Nghị quyết Đại hội và Quân lệnh của Uỷ ban giải phóng đây. Anh ở lại công tác với tôi, được không?".

        - Không được, anh ạ? Tôi cần về Hà Nội gặp Bác Hồ. Bác về Hà Nội đã thành lập Chính phủ lâm thời rồi. Tôi đã ghé vào Uỷ ban châu xem tờ báo Cứu quốc đã thấy trang đầu đăng:

        “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, Trần Huy Liệu - Phó chủ tịch kiêm Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền".

        Nói xong, tôi chào anh và cùng đội đi về Hà Nội. Sau ngày 2 tháng 9, tôi nhận được lệnh cấp trên vào Nam Bộ phụ trách đài V.T.Đ của Trung ương cục. Đến Phan Thiết chúng tôi phải dừng lại vì chiến tranh lan rộng. Tôi tìm đường vào Buôn Ma Thuột (Tây Nguyên), đến Thuận Lợi, Quân khu 8 ở lại với anh Hoàng Đình Dong là Tư lệnh trưởng quân khu. Anh Dong sau đổi đi Khu 9; tôi lại ở với anh Đàm Minh Viễn và anh Nam Thi - Tư lệnh phó Quân khu 7. Các anh giao tôi nhiệm vụ tổng chỉ huy huấn luyện dân quân xung quanh quân khu thời gian một tháng vì biết tôi có học quân sự và kỹ thuật bên Trung Quốc. Sau đó, anh Nguyễn Bình lên thay anh Vũ Văn Đức (bí danh của anh Hoàng Đình Dong hồi đó). Anh Nguyễn Bình giao cho tôi phụ trách Trường Quân chính miền Nam và giao cả 15 anh "Việt Nam mới" (tên gọi những người Nhật đi theo Việt Minh) làm trợ lý giúp việc cho tôi.

        Tháng 12 năm 1945, anh Nguyễn Bình giao cho tôi nhiệm vụ cùng anh Tụng và anh Quỹ mang ra Bắc nộp số vàng cho Bộ Quốc phòng. Anh Tụng và anh Quỹ là hai thư ký của anh Nguyễn Bình. Tháng 12 năm 1945, tôi và nữ đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân đã tổ chức lễ cưới và đã báo cáo với các anh Đàm Minh Viễn, Nguyễn Bình. Tôi đang chuẩn bị ra Bắc thì một chị bạn của vợ tôi đến báo: "Chị Xuân đã đến Tân Tịnh rồi và cho em vào báo cho anh biết". Tôi mừng quá bảo chị chờ tôi viết vài dòng báo cho vợ tôi biết là tôi có nhiệm vụ ra Bắc một tháng sẽ trở lại. Nhưng ra Bắc rồi không trở vào được. Tôi lại nhận được nhiệm vụ ở Văn phòng Trung ương Đảng làm báo vụ thông tin vô tuyến điện phục vụ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:45 pm »


TÌM HIỂU QUÁ TRÌNH VIỆT HÓA CÁC KHẨU LỆNH QUÂN SỰ TỪ HÁN - VIỆT CỦA QUÂN ĐỘI TA

HOÀNG THẾ DŨNG         

        Ông cha chúng ta thời xưa đã từng đánh thắng nhiều lần các đạo quân xâm lược hùng mạnh của bọn phong kiến phương Bắc. Chúng ta không biết các cụ đã đặt ra những khẩu lệnh quân sự gì và đã sử dụng chúng như thế nào? Người viết bài này lại mù tịt về chữ Hán và chữ Nôm nên không dám mơ tưởng nghiên cứu vấn đề này của thời xưa.

        Qua kinh nghiệm bản thân đã được cử đi học một lớp du kích 10 ngày ở A.T.K Bãi Sậy, qua Trường Quân chính kháng Nhật, khóa I, lại trải qua hơn một năm (1986 - 1987) làm việc với anh Lê Quảng Ba lấy tư liệu thể hiện tập hồi ký "Bác Hồ và đội du kích Pác Bó" của anh, trong đó có tư liệu về việc Việt hóa các khẩu lệnh quân sự từ Hán - Việt, tôi nảy ra ý định tìm hiểu việc Việt hóa khẩu lệnh quân sự từ Hán - Việt trước Cách mạng tháng Tám.

        Hồi còn học tiểu học ở trường Ben-dích (Belgique) tại Hải Phòng, hàng ngày đi học, tôi phải đi qua trước bãi tập của binh lính người Việt, thấy họ tập cũng ngồ ngộ nên tò mò ngồi xem. Binh lính đều phải hô những khẩu hiệu quân sự của người Pháp. Nào "A gối, gối", "A đoái, đoái", “ăng-na-văng-mác!", "Rát-săm-bơ-lơ-măng!", "Rom-pê-lê-răng!" (“A gauche, gauche”, “A droite, droite”, “En avant, marche”, “Rassemblement”, “Rempes les rang”),... nghĩa là "Bên trái, quay!", "Bên phải, quay!", "Đi đều bước", "Tập hợp", "Giải tán".

        Thuở ấy, học sinh tiểu học đã phải học bằng tiếng Pháp là chính, đâu có được học bằng tiếng mẹ đẻ của mình như các em ngày nay học từ tiểu học đến đại học và sau đại học nữa. Vì vậy nghe họ hô, tôi và một số bạn học cũng hiểu được những khẩu lệnh đó. Nhưng có khẩu lệnh họ hô, chúng tôi thấy lạ quá, không sao hiểu nổi: "ách tà là, chi biu?" và "ăm-si-la-pôn". Tôi đánh bạo hỏi một người lính trẻ lúc giải lao. Anh ta áng chừng là dân nghèo thành phố cũng có học ít nhiều chẳng biết vì lẽ gì cũng bị bắt lính. Hồi ấy những học trò nhỏ chúng tôi tuy chưa hiểu biết gì nhiều nhưng đều không thích những người Việt mình lại đi lính cho tây. Anh lính trẻ ấy nhỏ nhẹ giải thích cho chúng tôi: đó là khẩu lệnh tiếng Pháp "Halte là, qui vive!" - có nghĩa là "Muốn sống, đứng lại?". Ác-mơ-suya-lê-pôn (Armé sur l'épaule) - có nghĩa là “súng lên vai".

        Thế rồi hơn một chục năm sau, năm 1943, sau gần một năm tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc của Việt Nam độc lập đồng minh hội, tôi lại được đi dự một lớp học du kích 10 ngày ở thôn Thư Thị bên đường 39, nối liền ngã tư Phố Nối với thị xã Hưng Yên. Cái thôn nhỏ bé này chỉ cách huyện lỵ huyện Yên Mỹ (cũ) khoảng bốn hay năm ki-lô-mét. Gọi là lớp nhưng chỉ có hơn chục học viên và một giáo viên. Súng ống để tập cũng chẳng có. Chỉ có mấy cái gậy tre có dán cái "củ tỏi" bằng giấy làm giả quy-lát để học cách đưa đạn lên nòng hay tháo đạn ra. Tất cả đều chỉ là học theo tưởng tượng thôi. Làm gì có súng đạn thật như ngày nay mà tập. Ấy thế mà lớp học cũng hấp dẫn đáo để.

        Lần đầu tiên, chúng tôi được học những khẩu lệnh quân sự bằng tiếng Hán - Việt: "Lập chính!" (Đứng thẳng!), "Hưu tức" (Nghỉ), "Hướng tả, chuyển!" (Bên trái. quay!), “Hướng hữu, chuyển!" (Bên phải, quay), “Khai bội" (Nguyên khẩu lệnh từ Hán - Việt là: Khai bộ, chẩu.), bước, "Tản khai", "Đình bắn", "Xạ kích"… Đến khi lên Trường Quân kháng Nhật khóa I học, tôi lại được học những khẩu lệnh quân sự hoàn toàn bằng tiếng Việt: “Nghiêm, nghỉ!", "Bên phải, quay", "Bên trái, quay", 'Đằng sau, quay", "Đi đều, bước", "Một, hai", "Một, hai", Đứng, bắn!", "Quỳ bắn", "Nằm, bắn", "Tiến lên"', "Đứng lại”, "Tản ra!", "Lắp lưỡi lê", "Xung phong!"...

        Ở trường anh em chúng tôi được hô to, không phải hô khe khẽ như hồi học ở lớp du kích. Điều đó làm cho anh em học sinh chúng tôi khoan khoái vô cùng. Khẩu lệnh quân sự thực ra đã xuất hiện cùng với Tự vệ đỏ từ thời Xô viết Nghệ Tĩnh để đối phó với cuộc khủng bố dã man của đế quốc Pháp cho nên ta chú trọng tạo ra các khẩu lệnh chiến đấu nhiều hơn.

        Bấy giờ thì bồng súng chào chưa cấp thiết. Về sau, khi có đội du kích Pác Bó và đội Cứu quốc quân II, ta mới tạo thêm các khẩu lệnh đội ngũ. Những cán bộ quân sự của ta học ở trường quân sự của Trung Quốc về nước dạy quân sự không phát âm theo tiếng Trung Quốc mà đã dùng tiếng Hán - Việt để hô. Đó là điều dễ hiểu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:05 pm »


        Nhưng ai đã sửa những khẩu lệnh quân sự từ Hán - Việt ấy thành những khẩu lệnh quân sự hoàn toàn Việt Nam? Câu hỏi này cho mãi đến khi về hưu làm việc với anh Lê Quảng Ba và tham dự cuộc họp mặt Việt Nam Giải phóng quân lần thứ nhất gặp anh Đào Văn Trường, nguyên là chỉ huy trưởng đệ nhị trung đội Cứu quốc quân, tôi mới giải đáp được cho mình.

        Thì ra chính đội du kích Pác Bó và đội Cứu quốc quân II đã trực tiếp làm các việc Việt hóa đầy ý nghĩa độc lập, tự chủ ấy. Hai tập thể cán bộ, chiến sĩ của hai đơn vị trên làm việc đó ở những địa điểm và thời gian khác nhau. Đến khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, lại một lần nữa các khẩu lệnh quân sự tiếng Việt được khẳng định và dễ thống nhất bởi vì đội có bốn thành viên là người của Cứu quốc quân và sáu người của đội du kích Pác Bó đều đã tham gia thời kỳ tiến hành Việt hóa các khẩu lệnh quân sự ở đội mình.

        Để hiểu thêm vấn đề này, xin mời bạn đọc hãy đọc đoạn trích dưới đây trong hồi ký của anh Lê Quảng Ba “Bác Hồ và đội du kích Pác Bó”.

        "Hôm nay, mở đầu chúng ta hãy ôn lại các động tác cơ bản cho thống nhất. Các khẩu lệnh thì ta dùng tiếng Việt thay cho từ Hán - Việt đang dùng. Mỗi chúng ta vừa là học viên, vừa là giáo viên. Chúng tôi đã chuẩn bị một số từ để anh em lựa chọn, dự kiến thay khẩu lệnh "lập chính" bằng từ "im?" hay "đứng im!", "nghiêm" hay "đứng nghiêm". Đề nghị các đồng chí góp ý.

        Định đề nghị anh em ôn tập mấy động tác cơ bản một buổi sáng cho xong, chúng tôi cũng không ngờ rằng vấn đề Việt hóa khẩu lệnh quân sự lại phức tạp đến thế. Buổi tập đầu tiên đã vấp ngay vấn đề hắc búa này. Chúng tôi đã phải tranh luận.và tập hô thử nhiều lần để lựa chọn "im" hay "đứng im!", "nghiêm" hay "đứng nghiêm". Chúng tôi nghĩ khẩu lệnh quân sự hô lên phải vừa oai, vừa dứt khoát, mạnh mẽ. Chúng tôi thay nhau hô từng khẩu lệnh một và rồi đều nhất trí bỏ khẩu lệnh "đứng im!" vì hô lên nghe thấy nó cụt lủn quá; sau đó bỏ cả khẩu lệnh "im" vì nó trầm. Chỉ còn hai từ "nghiêm" và "đứng nghiêm" nhưng việc lựa chọn vẫn chưa ngã ngũ, đành tạm gác lại để chuyển sang chọn những khẩu lệnh khác.

        Chúng tôi nhanh chóng thống nhất được việc thay đổi khẩu lệnh “hướng hữu, chuyển" bằng "bên phải, quay", "hướng tả, chuyển" bằng "bên trái, quay". Những khẩu lệnh bằng tiếng Việt mình sao mà dễ hiểu và thú vị thế! Khi anh em hô "bên phải, quay” tôi thấy vừa oai, vừa dứt khoát, mạnh mẽ hơn khẩu lệnh từ Hán - Việt "hướng hữu, chuyển?".

        Cả buổi sáng hôm ấy, tiếng hô khẩu lệnh vang cả thung lũng. Chúng tôi tập hô khẩu lệnh rát cả cổ nhưng cũng chỉ thống nhất được một số khẩu lệnh, vẫn chưa dứt khoát được nên chọn "nghiêm” hay “đứng nghiêm". Đến trưa hôm ấy lúc trở về lán, chúng tôi vẫn tiếp tục bàn cãi, bàn cãi rất hăng và vẫn còn có ý kiến khác nhau.

        Lúc bấy giờ, Bác ở lán 2, anh em ở lán 1. Bác và anh em cùng ăn cơm ở lán 1. Gần đến giờ ăn, Bác đến. Nghe anh em trao đổi, Bác tham gia ý kiến:

        - Từ đúng thì ta dùng, còn bây giờ nghe chưa thấy oai, sau này nghe quen rồi sẽ thấy oai.

        Cuối cùng, anh em chúng tôi nhất trí chọn từ "nghiêm". Quả nhiên, về sau dùng quen, chúng tôi càng thấy thích thú cái khẩu lệnh "nghiêm?" đó.

        Những buổi sáng tiếp sau, chúng tôi vẫn tiếp tục ra bãi tập và thảo luận Việt hóa các khẩu lệnh từ Hán - Việt, thay đổi nhau hô thử kết hợp làm động tác. Có khẩu lệnh chọn dùng được ngay, nhưng cũng có khẩu lệnh phải bàn kéo dài. Đặc biệt với động tác vác súng thì không những phải bàn bạc về khẩu lệnh mà ngay cả động tác cũng có vấn đề phải tranh cãi. Chẳng hạn về khẩu lệnh: "vác súng, vác” hay "vác súng lên vai, vác!" theo kiểu hô của Pháp “ác mơ-suya-lê-pôn" (armé sur l'épaule) hay chỉ hô vác súng là đủ. Cuối cùng qua thực hành, thấy có dự lệnh vẫn hơn vì khi tập, nếu chỉ có động lệnh không thôi, anh em vác súng lên vai thường chuệch choạc, chúng tôi đã chọn khẩu lệnh "vác súng, vác" có đủ dự lệnh và động lệnh.

        Nhưng về động tác vác súng, cũng đẻ ra vấn đề vác thế nào? Lúc tập, chúng tôi cảm thấy vác theo kiểu tây có vẻ oai hơn, kiểu khác không hay lắm. Làm đi làm lại động tác rút cục thấy rằng do cấu tạo riêng, khẩu súng mút-cơ-tông hay anh-đô-si-noa của Pháp có thể vác thẳng, còn các loại súng khác thì phải vác nghiêng mới hợp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:28 pm »


        Ngay cả vấn đề chào có súng và chào không có súng, từ động tác đến khẩu lệnh cũng phải bàn cãi. Có đồng chí bảo chào có súng theo kiểu tây là oai nhất. Khẩu lệnh chào có súng chỉ cần động lệnh thôi hay cũng cần có dự lệnh. Tranh cãi và tập nhiều ở thao trường mà mới chỉ nhất trí cần có dự lệnh thì động tác chào mới đều, song vẫn chưa nhất trí cần có dự lệnh thì động tác chào mới đều, song vẫn chưa nhất trí kiểu chào.

        Lúc ăn cơm trưa ở lán xong, biết việc đó, Bác lại cho ý kiến và Bác làm động tác mẫu. Người cầm lấy cây gậy dựng ở vách, ướm đặt bên thắt lưng, bàn tay trái đỡ "súng”, "mũi súng" chếch về phía trước, bàn tay phải nâng "báng súng" áp vào thắt lưng, đường thẳng của "súng” và người tạo thành một góc nhọn làm thành chữ V. Nhìn động tác chào có súng của Bác, một người trong chúng tôi reo lên:

        - A! Chào theo kiểu chữ V! Chào theo kiểu Việt Minh. Tất cả phá ra cười. Bác cũng mỉm cười.

        Thế là từ đó, chúng tôi thống nhất được kiểu chào có súng; còn kiểu chào tay không thì không phải là kiểu chào đưa bàn tay thẳng năm ngón khít lên vành mũ, lòng bàn tay hơi úp vào trong như ngày nay mà bàn tay phải nắm lại giơ lên ngang đầu theo kiểu chào trong Đảng. Có khác kiểu chào trong Đảng là chào tay trái. Sau này có đồng chí bảo rằng kiểu chào tay phải là kiểu chào thời Mặt trận Bình Dân. Ngày nay, vấn đề khẩu lệnh và động tác cơ bản của quân đội ta đã được thống nhất và thành nền nếp, nhưng cách đây gần năm mươi năm, trong bước khởi đầu, anh em du kích chúng tôi đã phải mò mẫm, khó khăn như vậy".

        Ở đội du kích Pác Bó, các đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba đã tiến hành việc Việt hóa các khẩu lệnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác nhằm hoàn chỉnh các khẩu lệnh quân sự bằng tiếng Việt.

        Ở đội cứu quốc quân, tình hình diễn ra cũng như vậy. Theo anh Đào Văn Trường cho biết, hồi ấy, Thường vụ Xứ ủy triệu tập hội nghị mở rộng thông báo tình hình Bắc Sơn khởi nghĩa. Lúc đó anh là Bí thư liên tỉnh B cũng được gọi về họp (Liên tỉnh B gồm có Hưng Yên (từ nam Bần Yên Nhân trở xuống), Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Kiến An (đến bến đò Khum), Uông Bí. Hòn Gai. Móng Cái.). Hội nghị họp ở làng Vân gần chợ Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) quyết định phải trực tiếp lãnh đạo Bắc Sơn khởi nghĩa, mở rộng đấu tranh vũ trang tổ chức du kích Bắc Sơn. Đồng thời phát động phong trào sâu rộng hưởng ứng và ủng hộ Bắc Sơn khởi nghĩa. 

        Khó khăn lúc này là không tìm ra được một cán bộ quân sự để đưa lên Bắc Sơn chỉ huy phong trào. Anh Hoàng Văn Thự - Bí thư Xứ ủy biết có anh Phùng Chí Kiên từng học Trường quân sự ở Hoàng Phố, có tham gia Xô viết Quảng Châu, nhưng lại ở bên kia biên giới không sao về kịp.

        Cuối cùng, anh Hoàng Văn Thụ, anh Hoàng Quốc Việt và anh Trường Chinh ở Liên tỉnh C (Liên tỉnh C gồm Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và Trường Chinh mới thành lập Trung ương lâm thời.) về quyết định cử hai đồng chí trong Thường vụ Xứ ủy là đồng chí Trần Đăng Ninh lên phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Thành Diên lên phụ trách quân sự không phải vì anh Diên biết quân sự mà do anh biết võ Tàu (nhu quyền).

        Ngay sau đó, Nam kỳ khởi nghĩa và Đô Lương binh biến nổ ra và đều thất bại. Vấn đề cấp thiết phải đào tạo cán bộ quân sự của Đảng được đặt ra. Trung ương lâm thời quyết định tổ chức hai lớp đào tạo cán bộ quân sự ngắn kỳ ở Soi Mít, bãi ven sông Cầu thuộc địa phận làng Vân, nơi Trung ương di chuyển từ Đình Bảng, Từ Sơn lên. Lúc ấy vào khoảng tháng 11, 12 năm 1940.

        Phụ trách lớp là đồng chí Lương Văn Chi (tức Huy còm), người cùng quê với đồng chí Hoàng Văn Thụ, từng học quân sự ở Nam Ninh học hiệu (Trung Quốc) đã làm tới dinh trưởng (tiểu đoàn trưởng) trong quân đội Tưởng. Đồng chí là cán bộ xứ, công tác trong bộ phận xây dựng địa bàn dự phòng cho Xứ ủy ở Cát Trù, Phú Thọ do đồng chí Lương Khánh Thiện, Uỷ viên Thường vụ Xứ ủy phụ trách. Đồng chí Thiện là bí thư Xứ ủy năm 1936 - 1939. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:52 pm »


        Lúc này, đồng chí Huy còm là "giáo quan". Là bí thư Liên tỉnh B được điều về, anh Đào Văn Trường vừa là học viên, vừa là chính trị chỉ đạo viên, kiêm bí thư chi bộ lớp. Lớp thứ hai, anh Hoàng Văn Thụ làm bí thư chi bộ. Ở lớp thứ hai này, anh Đào Văn Trường là "phó giáo quan" kiêm chính trị chỉ đạo viên. Mỗi lớp khoảng 20 người. Thời gian học chừng một tháng. Chương trình học từ cá nhân chiến đấu tổ tam tam, đến tiểu đội chiến đấu là chính, có học qua trung đội chiến đấu.

        Vũ khí vẻ vẹn có hai khẩu súng mút-cơ-tông gióp 3 (ba viên đạn) và gióp 5 (năm viên đạn), một khẩu súng khai hậu, 3 khẩu súng kíp đều lấy ở Bắc Sơn về. Còn toàn là súng gỗ.”

        Để hiểu sâu hơn vấn đề Việt hóa khẩu lệnh quân sự từ Hán - Việt xin mời bạn đọc hãy đọc tiếp đoạn trích dưới đây trong phụ lục "Nhật ký chiến đấu Đệ nhị trung đội Cứu quốc quân (7-1941 - 2-1942).

        “…Tuy vậy, suốt ngày chúng tôi cũng hò hét bò, lăn, lê, toài học tháo lắp súng, học tiến công phòng ngự theo địa hình, địa vật trong đội hình chiến đấu của quân đội nhỏ v.v... (nay gọi là phân đội nhỏ H.T.D).

        Nhưng rõ ràng là trong học tập, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì ông thầy ở Tàu về, người Tày, nói tiếng Kinh chưa được thạo lắm; một phần vì khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam từng có truyền thống anh dũng chống ngoại xâm, có những chiến công vang dội trong lịch sử dựng nước và giữ nước thực sự và tạm thời đã bị mai một sau ngót 100 năm Pháp thuộc!

        Đã thế, lịch sử đã sang trang. Thời đại mới có những yêu cầu mới. Không thể tổ chức, huấn luyện và chiến đấu hoàn toàn như thời xa xưa. Cũng không thể dập khuôn theo kinh nghiệm của bọn quân phiệt Tàu Tưởng mà ông thầy của chúng tôi đi học bệ nguyên xi về.

        Thực tình mà nói, đồng chí Huy còm cũng hiểu biết đôi chút về Hồng quân Trung Quốc, Hồng quân Liên Xô, cũng có cố gắng cải biên, nhất là về mặt chính trị - tư tưởng đưa tình đồng chí, tình bạn chiến đấu của người cách mạng vào trong quan hệ quan lính để hiện rõ ràng trong quan hệ giữa cán bộ và học viên ở lớp.

        Cũng vì vậy mà có hiện tượng "lai căng" ngay từ trong những khẩu lệnh huấn luyện và chỉ huy chiến đấu. Quân Tàu hô "Li châng" thì ta hô “Lập chính" theo âm Hán - Việt hoá; họ hô "Xiêu xí" thì ta hô "Hưu tức"; họ hô "khai bộ, chẩu!" thì ta lại hô biến dạng "Khai bộ, bước!". Họ hô “Xiền chinh" thì ta lại hô "Tiền tiến". Họ hô "Tán khai", Xung phong", thì ta cũng hô "Tán khai", "Xung phong", họ hô "I...ơ..", "I...ơ", thì ta không hô theo lính tập "ắc-ê", “ắc ê" mà Việt Nam hóa sớm, hô "một...hai", "một...hai" hay "một, hai...một".

        Những ảnh hưởng có hại đó còn thấm sâu vào trong quan hệ "quan lính" (quan hệ cán bộ học viên) trên bãi tập: rất quân phiệt, nhất là khi thi hành kỷ luật nhục hình đối với người mắc sai phạm trong canh gác, trong hành quân ban đêm, trong trực nhật, trực tinh v.v. . .

        Anh Huy còm quan niệm rõ rệt dạy anh em phải học quân sự cho ra học, như vậy thì mới về tổ chức, huấn luyện và chỉ huy chiến đấu được ở đơn vị, ở địa phương. Tôi và anh Hoàng Văn Thái đều thấy có gì đó không "ổn" thường nói với nhau những suy nghĩ thầm kín trong lòng. Nhưng vì “i tờ” về mặt quân sự, lại cho rằng có lẽ trong chiến đấu “một mất, một còn" phải có "kỷ luật thép" như vậy hơn cả kỷ luật sắt" của Đảng mới hoàn thành được "nhiệm vụ tác chiến" nên càng cố gắng gương mẫu và ra sức làm tròn nhiệm vụ học viên của mình

        Một hôm, anh Hoàng Văn Thụ - Uỷ viên Trung ương của Đảng phụ trách quân sự, chị Hoàng Ngân - cán bộ binh vận cùng ra thao trường theo dõi từ đầu đến cuối buổi tập của chúng tôi. Chị Hoàng Ngân cứ bưng miệng nín cười. Anh Hoàng Văn Thụ tỏ ra hết sức băn khoăn lo ngại, nhiều lúc muốn nói ngay lại thôi?

        Tối hôm đó, anh Thụ gọi chúng tôi - anh Huy còm, tôi và anh Hoàng Văn Thái - về gặp anh ở làng Vân, cơ quan của trung ương. Chị Hoàng Ngân từng làm công tác binh vận ở Phả Lại, Đông Triều, Núi Đèo (Thuỷ Nguyên) thẳng thắn nêu lên thắc mắc của mình: "thấy các anh tập tôi cứ nghĩ tới những buổi tập của lính khố đỏ. Chúng cũng "A đoái", A gối", "ăng-na-văng, mác" "ách tà là chi biu" vân vân và vân vân nên không sao nhịn được cười.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM