Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:33:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26988 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:20:30 pm »

         
GIẢI PHÓNG HÀ GIANG

HOÀNG LÊ DÂN        

        Tình hình Hà Giang những ngày đầu và chủ trương của Đảng sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám

        Sự kiện giải phóng tỉnh Hà Giang là cả một quá trình đấu tranh đầy mưu trí của quân và dân ta trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, các đội vũ trang của ta ở Tuyên Quang, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đã nhạy bén nắm thời cơ vũ trang khởi nghĩa, nổ súng đánh thị xã Tuyên Quang ngày 17 tháng 8 năm 1945, làm chủ hầu hết các vị trí, như trại lính Nhật trên núi Thổ Sơn ở giữa lòng thị xã. Ở đây, quân Nhật chống cự quyết liệt, không chịu giao súng. Cuộc Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ở Hà Nội thắng lợi rực rỡ đã tạo điều kiện khách quan cho cuộc vũ trang khởi nghĩa ở các địa phương. Ngày 21 tháng 8 năm 1945, quân Nhật giao lại toàn bộ súng đạn của Pháp cho ta và rút quân về Hà Nội. Lần đầu tiên sau trên sáu thập kỷ bị đế quốc Pháp rồi phát xít Nhật thống trị, đất Tuyên Quang sạch bóng quân thù.

        Trong khi đó, ở Hà Giang, một tỉnh ở miền núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, do chưa có cơ sở quần chúng mạnh và chưa có lực lượng vũ trang, địa phương đã bỏ lỡ thời cơ không giải phóng được thị xã Hà Giang.

        Cuối tháng 9 năm 1945, quân đoàn 52 của Tưởng Giới Thạch do Triệu Công Vũ, quân đoàn trưởng chỉ huy, nhân danh Đồng Minh, tiến vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Bọn Việt Nam Quốc dân đảng phản động tay sai của Tàu Tưởng do Hoàng Quốc Chính, ủy viên Trung ương Việt Nam Quốc dân đảng cầm đầu bám gót vào theo quân đoàn 52.

        Dựa vào thế lực Tàu Tưởng, bọn Hoàng Quốc Chính lôi kéo sử dụng nhiều người cầm đầu các cơ quan của chính quyền bù nhìn thân Nhật, tổ chức ngụy quyền tỉnh Hà Giang. Chúng ra sức tuyên truyền cho cái gọi là "Cương lĩnh cách mạng quốc gia" giả hiệu của chúng, đề cao chúng là những "nhà ái quốc" hải ngoại về “giành độc lập", "giải phóng dân tộc" để lừa bịp và lôi kéo đồng bào ta. Chúng bày ra các trò "dựng cờ Nam tiến", "lễ tế cờ" và mít tinh" ủng hộ chúng. Chúng lập ra "thanh niên chiến đấu đội", mở "quán thanh niên", "hội chợ" do Vũ Quang Phẩm, xứ ủy viên Việt Nam Quốc dân đảng phụ trách, để lôi kéo thanh niên phục vụ ý đồ chính trị của chúng.

        Về quân sự, bọn Hoàng Quốc Chính tập hợp những tên lưu manh, côn đồ, du đãng, một số thanh niên thích phiêu lưu mạo hiểm và những dân nghèo thất nghiệp, tổ chức thành một đội quân khoảng 200 người do Bùi Nguyên Phách trung tá tham mưu trưởng chỉ huy.

        Ngoài lực lượng vũ trang của Hoàng Quốc Chính chiếm giữ thị xã Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, một phần huyện Bắc Quang và Quản Bạ, còn có nhiều loại lực lượng vũ trang khác hoạt động theo kiểu thổ phỉ ở tỉnh Hà Giang. Ở Đồng Văn, có thổ ty Vương Chí Sình (Tên chữ Hán - Việt là Vương Chí Thành, ta quen gọi là Vương Chí Sình. Ở địa phương. người Hoa gọi là Woòng Chấy Sình.) đứng đầu người dân tộc Mông, có một lực lượng vũ trang lợi hại quen đánh ở rừng núi. Vương Chí Sình được Triệu Công Vũ, quân đoàn trưởng quân đoàn 52 phong cho chức Hà Giang đốc biện khu xứ sư trưởng với quân hàm trung tá. Đó là hai lực lượng vũ trang đáng kể nhất.

        Ngoài ra, bọn Việt cách lưu vong, do hai người là Bùi Thế Cường và Hoàng Xuân Long cầm đầu, từ Trung Quốc về cấu kết với thổ ty Dương Trung Nhân, quấy rối vùng này. Bọn Việt cách lưu vong sau cũng hợp tác với bọn Việt quốc Hoàng Quốc Chính.

        Ở Đồng Văn, lại thêm 500 quân của Vũ Phụng Tường cấu kết với thổ ty Nguyễn Châu cướp bóc dân chúng.

        Tại Niên Sơn, Mèo Vạc, có bọn biệt động quân của Trương Phát Khuê do Mã Duy Nhạc cầm đầu và gần 200 thổ phỉ của tướng phỉ Lầu Pát Dì từ Trung Quốc tràn sang quấy rối vùng biên giới ta.

        Tình hình ở vùng biên giới này vô cùng phức tạp. Chưa bao giờ ở cái tỉnh miền núi nhỏ bé này lại có nhiều lực lượng vũ trang cả nước ngoài lẫn trong nước, tung hoành tự do đến thế. Nhân dân lầm than khổ cực trăm bề, nghèo đói thiếu ăn. Bệnh tật, mù chữ và mê tín dị đoan đè nặng lên cuộc sống người dân. Nhân dân còn phải cung cấp lương thực thực phẩm cho cái đội quân Tàu Tưởng, còn bị thổ phỉ cướp bóc nhũng nhiễu; bị bọn Việt quốc trắng trợn tước đoạt bạc hoa xoè, vải vóc, các tấm da thuộc, bắt may quần áo, đóng giày không công cho lực lượng vũ trang của chúng.

        Không những thế, bọn Việt quốc còn ngăn cấm dân tự do đi lại, buôn bán, làm ăn, cắt đứt liên hệ kinh tế với vùng Chính phủ ta quản lý. Do đó, nhân dân bị lạc hậu với thời cuộc, chưa hiểu rõ Mặt trận Việt Minh và Chính phủ ta.

        Cơ sở cách mạng còn ít và chậm phát triển. Toàn tỉnh chưa hình thành đảng bộ, chưa có tỉnh ủy. Ở tỉnh, chỉ có hai vùng có cơ sở cách mạng là Bắc Mê ở phía Bắc tỉnh và Bắc Quang ở phía Nam, nhưng cả hai nơi này chưa có liên lạc với nhau. Ở Bắc Mê, có đồng chí Việt Hưng là cán bộ địa phương phụ trách xây dựng cơ sở.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:20:53 pm »


        Ở Bắc Quang, có một trung đội vũ trang do đồng chí Lê Quảng Ba đưa từ tỉnh Cao Bằng sang gây dựng cơ sở hồi tháng 6 năm 1945. Đơn vị này, do đồng chí Nam Long làm trung đội trưởng, đồng chí Bế Triều làm chính trị viên, đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở tổng Bằng Hành - Cố Đạo và thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng tổng từ trước ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ít lâu. (Sở dĩ chỉ có mấy tháng mà phong trào quần chúng ở tổng Bằng Hành - Cố Đạo phát triển nhanh như vậy là vì ở đây đã có cơ sở cách mạng rộng rãi từ năm 1936 do đồng chí Phạm Trung Ngu, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương xây dựng. Do bị lộ ở Hòa An, đồng chí được Tỉnh uỷ Cao Bằng phái đi theo hướng Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang gây cơ sở với danh nghĩa công khai là người đi dạy học. Bọn tổng lý lại dùng đồng chí làm thư ký giúp việc sổ sách và được tin cậy. Đồng chí hoạt động được hơn một năm thì bị lộ phải rút về Cao Bằng.)

        Việc giải phóng Hà Giang nằm trong bối cảnh lịch sử và so sánh lực lượng địch - ta cụ thể như vậy. Trung ương giao cho Liên tỉnh Hà - Tuyên - Thái (Gồm ba tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên hồi ấy.) và đồng chí Song Hào - Xứ ủy viên kiêm Bí thư chiến khu Nguyễn Huệ (Trong thời kỳ ấy, đã có nghị quyết thảnh lập khu giải phóng gồm sáu tỉnh Cao Bằng. Bắc Cạn, Lạng Sơn. Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, song cấp dưới chưa kịp thực hiện. Do đó, thực tế vẫn tồn tại chiến khu Nguyễn Huệ ở tả ngạn sông Cầu và chiến khu Trần Hưng Đạo ở hữu ngạn sông Cầu.) trực tiếp chỉ đạo việc giải phóng Hà Giang.

        Trên còn tăng cường cho hai cán bộ. Các đồng chí Thanh Phong khi ấy là Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật khóa II, đồng chí Mai Trung Lâm và đồng chí Mã Thành Kính - giáo viên được trên cử sang Tuyên Quang nhận nhiệm vụ: trực tiếp chỉ huy việc giải phóng tỉnh Hà Giang. Anh Thanh Phong phụ trách chung, anh Mai Trung Lâm là Chỉ huy phó ở tại Trường Canh Nông ở thị xã Tuyên Quang, đã gặp được các đồng chí Song Hào, Tạ Xuân Thu là hai đồng chí phụ trách liên tỉnh Hà - Tuyên - Thái cùng đồng chí Nguyễn Công Bình tức Chì - Phó bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang kiêm Chủ tịch tỉnh, đồng chí Nguyễn Công Thành - Thường vụ tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh.

        Trong cuộc gặp mặt đầu tiên này, đồng chí Song Hào thông báo tình hình cho các anh em mới đến: Tuyên Quang nổ súng khởi nghĩa từ sáng 17 tháng 8 và ngày 21 tháng 8 được giải phóng. Các ủy ban hành chính xã, huyện và tỉnh đã được thành lập. Nhân dân rất phấn khởi, nhiệt liệt ủng hộ Việt Minh và chính quyền cách mạng. Song bọn Việt Nam Quốc dân đảng, dựa vào Tàu Tưởng, đã chiếm hai tỉnh lỵ Yên Bái và Hà Giang uy hiếp Tuyên Quang từ hai hướng. Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Liên tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ việc giải phóng Hà Giang, song tỉnh hiện đang thiếu rất nhiều cán bộ, cần phải cấp tốc mở lớp đào tạo ngắn hạn.

        Lớp học mở mới được một tuần thì có tin hoả tốc báo bọn Việt quốc từ châu lỵ Bắc Quang đã chiếm đóng các xã Chính Tường, Ngô Khê, Vĩnh Tuy và đang xuống làng Hè Giáp huyện Bắc Mục. Bộ đội ta không chặn được chúng vì không đủ lực lượng. Ban chỉ đạo Liên tỉnh quyết định điều hai đồng chí Thanh Phong và Mai Trung Lâm cấp tốc lên ngay với trung đội vũ trang đang hoạt động ở tổng Bằng Hành - Cố Đạo để trực tiếp đối phó và giao lớp học lại cho đồng chí Mã Thành Kính phụ trách.

        Việc giải phóng tỉnh Hà Giang sẽ là một quá trình đầy khó khăn. Hiện nay, quân Tàu Tưởng đang đóng tại thị xã, nếu lực lượng vũ trang ta tiến công bọn Hoàng Quốc Chính ở thị xã, bọn Tàu Tưởng không thể không bảo vệ bọn tay sai. Chúng sẽ lu loa "Việt Minh chống lại quân đội Đồng Minh" và vin cớ đó đàn áp. Nhưng ngoài thị xã ra, ở những nơi không có quân Tưởng đóng, ta phải chiếm lại những điểm mà bọn Việt quốc đã lấn chiếm, không để chúng phát triển rộng ra.

        Nhiệm vụ trước mắt trên giao là đánh chiếm lại châu Bắc Quang, rồi châu Hoàng Su Phì; sau đó phát triển phong trào, áp sát và bao vây bọn Việt quốc trong thị xã. Đồng chí Thanh Phong đề nghị đồng chí Song Hào cử anh Chu Phóng, một cán bộ của đội Cứu quốc quân đã tham gia cướp chính quyền ở thị xã Tuyên Quang đi theo và tăng cường cho mặt trận Hà Giang một trung đội vũ trang đầy đủ vũ khí do đồng chí Chu Thái Long, vừa tốt nghiệp Trường Quân chính kháng Nhật khóa I về làm trung đội trưởng.

        Như vậy, lực lượng tham gia giải phóng tỉnh Hà Giang chỉ vẻn vẹn có hai cán bộ trực tiếp chỉ đạo và hơn hai trung đội vũ trang được thành lập và hoạt động trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám một thời gian ngắn. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:31 pm »


        Giải phóng châu Bắc Quang

        Căn cứ vào thực tế diễn biến của cuộc đấu tranh nhằm giải phóng tỉnh Hà Giang, có thể thấy rõ đó là một quá trình gồm hai giai đoạn.

        Giai đoạn thứ nhất đã diễn biến như sau: sau khi trung đội của Chu Thái Long hành quân lên tổng Bằng Hành - Cố Đạo tập trung với trung đội của Hà Lĩnh Thành, có một cuộc họp tại doanh trại ở Thác Vệ, nơi có trụ sở của Uỷ ban dân tộc giải phóng tổng. (Sau khi đưa bộ đội đến tổng Bằng Hành - Cố Đạo. đồng chí Lê Quảng Ba lại về Cao Bằng ngay và ít ngày sau đồng chí Nam Long - Trung đội trưởng được lệnh trên đi nhận công tác khác, đồng chí Hà Lĩnh Thành lên thay.)

        Ngoài các anh Thanh Phong, Mai Trung Lâm và Chu Phóng còn có Trần Thiên Tân và Chu Đức Tung - hai cán bộ dân vận cùng các trung đội trưởng. Cuộc họp đầu tiên này quyết định hai vấn đề lớn: thành lập Uỷ ban hành chính châu Bắc Quang để khi giải phóng được châu lỵ, có bộ máy hành chính hoạt động ngay và đánh chiếm đồn Bắc Quang, giải phóng thị trấn Bắc Quang.

        Hội nghị phân công đồng chí Thanh Phong ngoài trách nhiệm chỉ huy chung, lo việc lựa chọn người để đưa vào ủy ban châu, mở lớp đào tạo cán bộ và chỉ đạo việc phát triển cơ sở. Đồng chí Mai Trung Lâm phụ trách về quân sự; giúp việc có anh Trần Thiên Tân - một cán bộ rất thông thạo địa hình và dân tình.

        Nhiệm vụ quân sự trước mắt là đánh chiếm đồn Bắc Quang và thị trấn Bắc Quang. Lực lượng có hai trung đội trừ một tiểu đội ở lại Thác Vệ bảo vệ cơ quan. Giữa hai đồng chí chỉ huy, có quy ước hễ hành quân đến đâu thấy địch sơ hở có thể đánh thắng thì chủ động đánh để dần dần bao vây cô lập châu lỵ, mở rộng địa bàn xây dựng cơ sở.

        Châu lỵ Bắc Quang, trung tâm hành chính quân sự của châu là một thị trấn nhỏ.

        Quân đoàn 52 của Tưởng Giới Thạch từ thị xã Hà Giang đi qua châu để về Hà Nội. Trung đội của ta giữ châu lỵ phải rút ra ngoài đề phòng quân Tưởng tước vũ khí. Bọn Việt quốc bám gót quân Tàu chiếm châu lỵ. Chúng đổi tên châu là huyện và cử tri châu cũ là Bế Cao Bảo làm huyện trưởng.

        Về quân sự, chúng cử một quản khố đỏ tên là Xiêm chỉ huy quân sự toàn châu, trực tiếp làm đồn trưởng và phong cho y làm thiếu tá. Binh lính thường gọi y là Tư Xiêm. Bên cạnh đó, bọn Việt quốc cử một đảng viên tên là Hành làm chủ nhiệm chính trị, chỉ đạo chung cả bộ máy hành chính và quân sự. Lực lượng vũ trang của địch ở châu có khoảng một tiểu đoàn kể cả số quân giữ đồn. Giữa châu lỵ Bắc Quang và thị xã Hà Giang có một trạm liên lạc; binh lính Quốc dân đảng từ thị xã xuống hoặc từ châu lỵ lên đều nghỉ đêm ở đó. Trạm có một máy điện thoại và bảy, tám lính người địa phương canh giữ. Đồn binh ở châu lỵ Bắc Quang xây dựng từ thời Pháp có tên gọi là đồn Đại Lý. (Thực dân Pháp gọi đồn Bắc Quang là Poste délégué.)

        Đồn này ở trên bờ ngòi Quang là một đồn kiên cố, có tường dày, hoả lực nhiều, quân đông. Đối với trình độ bộ đội ta hồi ấy - một bộ đội hoàn toàn du kích, binh lực sử dụng chỉ có gần hai trung đội trang bị kém, ít kinh nghiệm chiến đấu nên đánh đồn bốt và thị trấn Bắc Quang quả là trên sức mình, so sánh lực lượng không cho phép dùng quân sự trực diện tiến công đồn.

        Do đó, kế hoạch giải phóng châu lỵ Bắc Quang được đặt ra là: trước hết chiếm trạm làng Vạt để chặn quân địch từ thị xã Hà Giang xuống; tiếp đó, bí mật đột nhập chiếm lô cốt đầu phố, chiếm lĩnh thị trấn và bao vây đồn; thuyết phục tri huyện Bế Cao Bảo sang đồn mời bọn chỉ huy sang để thuyết phục họ quy thuận theo Chính phủ. Nếu họ không chịu quy thuận thì bắt giữ người của họ làm con tin và bao vây chặt, triệt lương, buộc họ đầu hàng

        Kết quả ta chiếm được trạm làng Vạt, lô cốt đầu phố, bao vây đồn, nhưng tên Bế Cao Bảo lại lánh mặt, một thương gia người Việt ta định nhờ làm môi giới cũng đi vắng. Sau ta phải nhờ người Hoa ở phố đứng làm trung gian mời bọn Xiêm, Hành sang cửa hiệu Diệp Phúc Ký của người Hoa này để gặp cán bộ ta.

        Nhưng lịch sử lại có những ngẫu nhiên khiến kế hoạch "dụ hàng kết hợp với áp lực quân sự" lại trở thành một cuộc đàm phán không có ý định trước giữa ta và bọn Việt quốc chỉ huy đồn. Số là trong cuộc tiếp xúc với nhà buôn người Hoa, anh Trần Thiên Tân bỗng nhiên giới thiệu đồng chí Mai Trung Lâm là "đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà". Trần Thiên Tân vốn là một bang tá thời trước đi theo cách mạng, quen biết nhiều nhân vật có tiếng tăm ở địa phương nên lời giới thiệu của anh được nhà buôn Diệp Phúc Ký tin ngay. Thế là từ đó, đồng chí Mai Trung Lâm mặc nhiên hoạt động với danh nghĩa "đại diện Chính phủ”.

        Cuộc đàm phán đưa tới kết quả giữ nguyên hiện trạng, quân đội hai bên không đánh lẫn nhau, binh lính Quốc dân đảng sang thị trấn chơi hay mua bán không được mang vũ khí, chỉ huy đồn báo cáo lên cấp trên của họ về đề nghị "đoàn kết thống nhất chính quyền và quân đội" mà cán bộ ta nêu lên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:47 pm »


        Chỉ huy đồn còn tập hợp binh lính để chào mừng và nghe đại diện "Chính phủ nới chuyện. Họ đã tạo cho ta một cơ hội tốt để tuyên truyền vận động binh sĩ Quốc dân đảng. Về sau, ta mới được biết tin Hành đã làm báo cáo và lấy chữ ký của tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan gửi lên cấp trên. Việc đó cho thấy tâm lý của binh sĩ Quốc dân đảng ở đây cũng không muốn đánh nhau, không muốn chia rẽ, muốn được sống yên ổn, khác với bọn cầm đầu chóp bu đầy rẫy tham vọng cá nhân.

        Cuộc đàm phán ở Bắc Quang còn dẫn đến cuộc đàm phán giữa cán bộ ta và bọn cầm đầu Việt Nam Quốc dân đảng tỉnh Hà Giang.

        Song Xiêm, Hành đã không chịu giữ nguyên hiện trạng trong khi vị "đại diện" Chính phủ và một số đại biểu nhân dân tỉnh Bắc Quang đi lên thị xã Hà Giang đàm phán. Nhận được tin của đồng đảng ở Hà Nội báo cho biết không có đại diện nào của Chính phủ cử lên Hà Giang cả, chúng rắp tâm đánh úp bộ đội ta ở châu lỵ Bắc Quang. Song ông Lý Kinh - cơ sở của ta trong hàng ngũ địch mang nộp cho ta mật thư của Xiêm, Hành gửi cho các đồn Chính Tường, Vĩnh Tuy và Yên Bình Xã.

        Biết trước được âm mưu của địch tập trung quân về châu lỵ đánh úp, ta đã dùng kế "điệu hổ ly sơn" chủ động mời Xiêm, Hành sang trụ sở ta nói là để bàn công việc vì có lệnh Chính phủ gọi ông Thanh Phong về Hà Nội báo cáo. Cả hai tên sang ngay. Trước bức mật thư, bằng chứng không thể chối cãi được, chúng phải cúi đầu nhận tội và buộc phải viết lệnh cho đơn vị nộp vũ khí đầu hàng. Quân ta vào chiếm đồn ngay đêm ấy (4-11-1945).

        Ngày hôm sau, ta buộc Xiêm, Hành viết lệnh cho bọn cầm đầu các đồn khác trong châu nộp vũ khí đầu hàng quân đội Chính phủ. Đề phòng bọn địch chống lại, ta huy động lực lượng đến bao vây đồn Chính Tường trước tiên, rồi đưa lệnh nộp vũ khí đầu hàng cho tên chỉ huy. Y răm rắp chấp hành lệnh. Ta thu hết vũ khí và giải tán đơn vị này.

        Sự kiện bộ đội ta chiếm hai đồn Bắc Quang và Chính Tường không tốn một viên đạn và chính sách khoan hồng của ta đối với binh sĩ Quốc dân đảng đã có tác động mạnh mẽ đến tinh thần binh sĩ địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tước vũ khí và giải tán các đơn vị địch đóng ở các đồn Vĩnh Tuy, Tiên Yên và Yên Bình Xã, châu Bắc Quang được hoàn toàn giải phóng.

        Chiến thắng vang dội đó đã tác động mạnh đến những người cầm đầu châu Hoàng Su Phì. Sau khi Bắc Quang giải phóng, thổ ty Vương Văn Thịnh - cựu tri châu Hoàng Su Phì đã gửi thư cho ta, cử con rể là Vũ Ngọc Huyên đem sáu khẩu súng nộp để làm tin, nhờ Trần Thiên Tân làm môi giới và mời ta vào Hoàng Su Phì.

        Ngày 13 tháng 11, bộ đội ta tiến vào châu lỵ Hoàng Su Phì trong niềm vui hân hoan nồng nhiệt của nhân dân. Tiếp đó, ngày 14 tháng 11, ta giải phóng Cốc Pài và bản Mây. Châu Hoàng Su Phì, hồi đó bao gồm cả huyện Xỉn Mần, hoàn toàn giải phóng. Tại Quản Bạ, được cán bộ Việt Minh giác ngộ, ngày 25 tháng 11, binh lính Quốc dân đảng làm binh biến, bắt hai tên chỉ huy nộp cho cách mạng. Tổng Quản Bạ (nay gọi là huyện Quản Bạ) được giải phóng. Bọn Hoàng Quốc Chính ở thị xã càng lâm vào thế cô lập Những nhiệm vụ chính của giai đoạn thứ nhất được thực hiện hoàn toàn thắng lợi. Giải phóng được hai châu mới chỉ là thắng lợi bước đầu.

        Giải phóng thị xã Hà Giang và các châu huyện còn lại là nhiệm vụ hết sức khó khăn nặng nề. Đặc biệt trong tình hình so sánh lực lượng ta lại yếu hơn địch.

        Lực lượng vũ trang của bọn Việt quốc nhiều hơn ta, lại được quân Tàu Tưởng làm hậu thuẫn. Bọn Hoàng Quốc Chính còn lôi kéo được lực lượng vũ trang của thổ ty Vương Chí Sình. Dân chúng thì lạc hậu, bị địch bưng bít lừa bịp, chưa hiểu gì về cách mạng, về Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Nhiều nơi, ta chưa có cơ sở cách mạng.

        Những người lãnh đạo công cuộc giải phóng Hà Giang không thể chủ trương giải phóng Hà Giang bằng đấu tranh vũ trang mà phải bằng đấu tranh chính trị là chủ yếu. Phải bằng mọi cách phân hóa lực lượng địch, làm suy yếu lực lượng của bọn Việt quốc, phải chuẩn bị sẵn sàng để khi có thời cơ là lập tức hành động, lật đổ ngụy quyền, xây dựng chính quyền cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:31 pm »


        Cuộc đàm phán ở thị xã Hà Giang

        Sau khi Hoàng Quốc Chính trả lời sẵn sàng đón tiếp “đại diện" Chính phủ bất kể ngày nào, đồng chí Mai Trung Lâm và một đoàn đại biểu nhân dân Bắc Quang lên đường. Chuyến đi thị xã lần này là để tìm hiểu tình hình và thăm dò thái độ bọn Hoàng Quốc Chính. Các anh dự kiến kết quả đàm phán, nhiều lắm, chỉ có thể đạt được tạm hòa hoãn như ở Bắc Quang và chờ sự thương lượng, dàn xếp ở cấp Trung ương. Vì vậy, việc lập đoàn đại biểu nhân dân Bắc Quang cùng đi với "đại diện" là để chứng tỏ sự ủng hộ của nhân dân địa phương đối với Chính phủ; mặt khác, để tranh thủ thời cơ tuyên truyền rộng rãi chủ trương "đoàn kết thống nhất" và "tự do đi lại, buôn bán làm ăn..." trong nhân dân thị xã.

        Theo thuật ngữ hiện đại, chuyến đi này thực chất là một "cuộc tiến công chính trị" nhằm phân hóa hàng ngũ đối phương và tranh thủ nhân dân. Đóng vai trò “đại diện" Chính phủ, với đường lối chính sách hợp lòng dân, cán bộ ta có cái thế mạnh so với bọn Việt quốc.

        Song Hoàng Quốc Chính quả là một tên nham hiểm, xảo quyệt và lợi hại. Y giở nhiều thủ đoạn từ cách tiếp đón lúc đầu, đến việc sắp xếp vị trí ngồi nơi họp, chỉ tiếp "đại diện", còn bố trí đoàn đại biểu nhân dân ở nơi khác, không mời đoàn đại biểu dự họp... nhằm làm giảm uy thế của "đại diện" Chính phủ. Nhưng cán bộ ta biết "tuỳ cơ ứng biến", tỉnh táo mưu trí đối phó. Các đại biểu nhân dân đều phân tán đi thăm hỏi tìm hiểu dân tình qua bà con quen biết, tranh thủ giải thích đường lối chính sách của Chính phủ.

        Trong cuộc họp đầu tiên, Hoàng Quốc Chính nhân danh Chủ nhiệm Việt Nam Quốc dân đảng tỉnh chính thức giới thiệu "đại diện" của Chính phủ. Sau đó, y còn nói thêm có lẽ với hàm ý tự khẳng định: "ông Mai Trung Lâm là một thanh niên Việt Nam ái quốc đã cùng với chúng tôi lăn lộn nhiều năm nơi đất khách quê người để tìm đường cứu nước. Ông về nước trước và đã tham gia chính phủ". Tất cả mọi người nhất loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghênh rầm rộ.

        Uy tín của Chính phủ cách mạng thật là lớn. Song một điều bất ngờ đã xảy ra. Tên thiếu tướng Quốc dân đảng Trung Quốc đột nhiên đứng lên chất vấn "đại diện" đòi xem "Uỷ nhiệm thư" của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây quả là một đòn ác hiểm và thật bất ngờ vì vị "đại diện" ta không lường đến việc tên Chính lại "muối mặt" mời quan thầy đến và thầy nó lại giở cái trò thọc gậy bánh xe này. Tên tướng của Tưởng Giới Thạch muốn dựa vào thủ tục lễ tân ngoại giao để kiểm tra tư cách "đại diện"; song chỗ yếu của nó ở đây là đã can thiệp vào công việc nội bộ của một nước độc lập. Cán bộ ta đã nhanh trí đánh vào chỗ yếu đó bằng lời lẽ đĩnh đạc: "Tôi đâu có phải là người ngoại quốc từ nơi khác đến mà phải cần ủy nhiệm thư. Đất nước tôi mới giành được độc lập, có rất nhiều việc phải làm cho nên việc giấy tờ đối với nội bộ chúng tôi cũng chưa phải là việc cấp thiết nhất. Vả lại, tôi và Hoàng Chủ nhiệm đây là đã biết nhau từ khi ở Trung Quốc. Bây giờ chúng tôi gặp nhau còn gì đáng tin cậy hơn. Giấy tờ này sao có giá trị bằng lời giới thiệu vừa rồi của Hoàng Chủ nhiệm? Có phải không các vị?".

        Người phiên dịch là Tôn Kỳ Nguyên, dân Quảng Đông, giáo viên dạy ở trường Hoa Văn thị xã, không thạo tiếng Bắc Kinh, dịch ấp a ấp úng. Tên thiếu tướng cứ hỏi đi hỏi lại bằng tiếng Bắc Kinh, vẻ mặt cau có. Vị "đại diện" Chính phủ đứng lên nói lại bằng tiếng Bắc Kinh. Tên tướng của Tưởng Giới Thạch lộ vẻ ngạc nhiên. Khi "đại diện" nói xong, Hoàng Đức Chính giới thiệu thêm:

        - “Ông Mai Trung Lâm đây đã tốt nghiệp quân sự học hiệu Hoàng Phố, phân hiệu II".

        Tên thiếu tướng đứng dậy ngượng ngùng nói:

        - “Xin lỗi! Xin lỗi! Vì trách nhiệm của tôi!".

        Nhìn vào mặt tên thiếu tướng đang ỉu xìu, "đại diện" ta vạch rõ trách nhiệm của y nhưng không đả kích trực tiếp việc y can thiệp công việc nội bộ của ta. Đại ý cách mạng Trung Quốc có trách nhiệm phù trợ các nước khác làm cách mạng thành công; điều đó cũng có lợi cho nhân dân Trung Quốc. Hoa quân nhập Việt ngày nay cũng phải làm đúng theo di huấn của Tôn tiên sinh. Tên thiếu tướng ngồi nghe chỉ gật gật đầu, không đối đáp lại.

        Tranh thủ những người ngồi nghe, "đại diện" ta nhắc lại bằng tiếng Việt những điều vừa nói. Phòng họp vang lên tiếng vỗ tay thán phục.

        Trong phiên họp đầu tiên này, những thủ tục khai mạc, giới thiệu và đặc biệt là cuộc đối đáp giữa "đại diện" ta và tên thiếu tướng Quốc dân đảng Trung Quốc đã choán mất nhiều thời gian. Vị "đại diện" chỉ còn khoảng nửa giờ để đề xuất vắn tắt những vấn đề cần trao đổi.

        Phiên họp thứ hai vào buổi chiều, tập trung bàn về chính sách đoàn kết thống nhất quốc gia mà trước mắt là vấn đề thống nhất tổ chức chính quyền. Bàn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đoàn kết thống nhất quốc gia, hầu hết họ đều tán thành. Đó là các viên chức đầu ngành kể cả tỉnh trưởng Chu Văn Sáng, là những đảng viên Đảng Phục quốc mới về hợp tác với Việt quốc... Không có ai ra mặt chống lại chính sách đại nghĩa đó, tuy nhiên có một số ngồi im lặng.

        Khi bàn về việc thống nhất tổ chức chính quyền, họ bàn cãi khá sôi nổi; có những ý kiến khác nhau biểu lộ sự bất đồng trong hàng ngũ của họ.

        Suốt cuộc họp đó Hoàng Quốc Chính và Vũ Quang Phẩm chỉ ngồi nghe, để Bùi Nguyên Phách và mấy tên Việt quốc đàn em nêu nhiều lý do, khó khăn, phức tạp trong việc thống nhất tổ chức chính quyền. Thực chất là bọn chúng chống lại chính sách đoàn kết thống nhất quốc gia bởi vì tán thành đoàn kết phản đối thống nhất tổ chức chính quyền thì chỉ là nói suông.

        Phiên họp chiều kết thúc không thống nhất được ý kiến. Buổi tối hôm đó, các đại biểu đi dự chiêu đãi do đồng bào người Kinh ở thị xã tổ chức để chào mừng "đại diện" Chính phủ, lòng dân hướng về Chính phủ và mong mỏi sự đoàn kết thống nhất, tự do đi lại, buôn bán làm ăn... biểu lộ rõ qua bữa tiệc tổ chức tại khách sạn Len-nê đêm ấy.

        Phiên họp thứ ba vào sáng hôm sau tiếp tục thảo luận vấn đề thống nhất tổ chức chính quyền. Qua một giờ, tình hình vẫn nhùng nhằng như hôm trước. Lý lẽ không có gì mới. Cuộc thảo luận có kéo dài hết buổi cũng không ngã ngũ được vì ý đồ định sẵn của đối phương. "Đại diện" ta chủ động đề nghị để báo cáo lên trên tất cả những ý kiến đã nêu lên ở hội nghị và chuyển sang vấn đề thống nhất lực lượng vũ trang.

        Cuộc thảo luận buổi sáng hôm ấy và cả phiên họp thứ tư vào buổi chiều cho đến giờ cuối vẫn chưa đi đến nhất trí. Vấn đề thống nhất tổ chức chính quyền đã bế tắc. Vấn đề thống nhất lực lượng vũ trang càng bế tắc hơn. Các đại biểu công chức đầu ngành không ai nói gì. Có thể do họ không hiểu được sâu sắc vấn đề quân sự; có thể họ cũng dè dặt.

        Có lẽ những người phục quốc nhận thức được bản chất và vai trò lực lượng vũ trang nên họ phát biểu nhiều hơn và công khai tỏ rõ quan điểm: một chính phủ chỉ có một lực lượng vũ trang, nhưng đây là một vấn đề dặc biệt khó giải quyết.

        Bọn cầm đầu Việt quốc đều im lặng. Chính vẫn để cho mấy tên đàn em tuyên bố dứt khoát lập trường quan điểm chưa thể thống nhất lực lượng vũ trang được vì đây là hai hệ thống tổ chức quân sự khác hẳn nhau dựa trên hai hệ tư tưởng - chính trị đối lập nhau.

        Buổi tối hôm đó, đồng bào người Hoa ở thị xã tổ chức chiêu đãi "đại diện" Chính phủ. Trong lúc đi chuốc rượu từng người, "đại diện" ta bất ngờ gặp ông Vương Chí Sình và bà vợ cùng dự chiêu đãi. Thì ra ông ta cũng có mặt trong suốt bốn phiên họp nhưng tên Chính không giới thiệu. Có lẽ y cố tình không muốn có sự tiếp xúc giữa "đại diện" Chính phủ và thổ ty họ Vương. Giữa nơi đông người không tiện trao đổi để bọn Chính khỏi chú ý, "đại diện" ta chỉ chạm cốc, chúc sức khoẻ vợ chồng ông Vương và tỏ ý mong được gặp lại. Cuộc gặp ngẫu nhiên này ngay sớm hôm sau đã đưa đến một cuộc gặp gỡ trao đổi ý kiến giữa cán bộ ta và vợ chồng ông Vương, làm cho vợ chồng ông hiểu rõ đường lối chính sách của Chính phủ, thêm tin tưởng và quyết tâm theo Chính phủ Cụ Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:24:14 pm »


        Thuyết phục ông Vương Chí Sình

        Vương Chí Sình là một thổ ty có cỡ, đứng đầu dân tộc Mông có ảnh hưởng không chỉ đối với dân tộc mình mà cả đối với các dân tộc ít người khác ở tỉnh Hà Giang. Vương Chí Sình thừa hưởng uy thế của người bố là Vương Chính Đức được thực dân Pháp phong làm bang tá vì ở Đồng Văn đã có một tri châu người Tày. Họ Vương tuy giữ chức bang tá nhưng có toàn quyền; thực dân Pháp phải nhượng bộ coi Đồng Văn nói chung và đất Ngũ Xá nói riêng thuộc quyền quản lý của Vương Chính Đức. Họ Vương được quyền thu thuế thuốc phiện còn thực dân Pháp mua thuốc phiện phải trả tiền. Tri châu có việc phải đến nhà bang tá. Nhưng đến đời Vương Chí Sình, người thổ ty này chỉ còn cai quản người Mông ở đất Ngũ Xá và dưới quyền của tri châu Đồng Văn - Nông Ích Toại.

        Sau khi Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp ở Hà Giang bỏ chạy sang Trung Quốc, Nhật chiếm tỉnh lỵ Hà Giang, rồi đưa quân đi chiếm các châu, huyện. Đội du kích Quản Bạ phục kích tại Hố Lồ, bắn chết một tên sĩ quan Nhật, thu được ngựa và súng ngắn; tại Bắc Mê thu một số vũ khí và lương thực. Sau đó, đội du kích của ta liên tục phục kích đánh quân Nhật ở Pắc Miu (Bắc Mê), Tráng Kìm, Cán Tỷ, Quyết Tiến, Nà Làng (Quản Bạ). Đặc biệt trận phục kích ở đầu cầu Cán Tỷ, đêm 30 tháng 4 diệt được 60 tên Nhật. Song đến tháng 5 năm 1945, do ta mất cảnh giác, bọn phản động nổi dậy giết hại một số cán bộ và cốt cán. Cơ sở cách mạng ở Bắc Mê tan vỡ, mãi sau mới dần dần khôi phục được.

        Khi Nhật đưa quân lên Phố Bảng, Vương Chí Sình đem quân chống lại. Sau Vương thoả hiệp với quan Nhật, nhận chức tri châu Đồng Văn. Khi ta trừng trị bọn phản động đầu sỏ ở Đường Thượng, bọn này báo Vương Chí Sình có thổ phỉ đến cướp bóc. Vương Chí Sình sai Hầu Vạn Quả dẫn 200 quân, có 6 khẩu trọng liên tiến về Đường Thượng. Đồng chí Việt Hưng, cán bộ địa phương trực tiếp gặp họ, giải thích chương trình cứu nước của Việt Minh, chính sách đánh Nhật và nhờ Hầu Vạn Quả chuyển thư của Việt Minh cho Vương. Hầu Vạn Quả nhận thư, rút quân về và hẹn ngày đến gặp Vương.

        Ngày 25 tháng 5 năm 1945, đồng chí Việt Hưng lên Sà Phin gặp Vương nhưng ông ta lại đi vắng. Anh đã thuyết phục những người dưới quyền thay mặt Vương, nói cho họ hiểu rõ chính sách cứu nước quang minh chính đại của Mặt trận Việt Minh và tranh thủ sự đồng tình của họ nói lại với Vương về việc hợp sức đánh Nhật; do đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta sau này thuyết phục Vương Chí Sình đi theo Chính phủ.

        Khi đế quốc Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh và quân đội của Quốc dân đảng Trung Quốc vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật Bản, Vương Chí Sình thoả hiệp với quân Tưởng và vẫn cai trị châu Đồng Văn. Tên Triệu Công Vũ, quân đoàn trưởng quân đoàn 52, phong cho Vương làm "Hà Giang đốc biện khu xứ sư trưởng" với quân hàm trung tá. Bọn Hoàng Quốc Chính cũng tranh thủ Vương Chí Sình, mời ông lên thị xã ở và hợp tác với chúng làm phó chỉ huy.

        Vương có một lực lượng vũ trang, khi cần có thể động viên tới ba, bốn trăm quân. Nếu bọn Việt quốc lôi kéo được thổ ty này thì phong trào cách mạng phát triển lên huyện Đồng Văn (bọn Việt quốc đổi tên châu thành huyện) và phía Bắc tỉnh cũng như việc giải phóng thị xã sẽ gặp trở ngại lớn.

        Thái độ của Vương Chí Sình đối với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh ra sao, ta chưa rõ. Giữa lúc đó, cuộc gặp bất ngờ trong buổi tối chiêu đãi của đồng bào người Hoa đã tạo điều kiện cho ta tiếp xúc với họ Vương. Ngay tối hôm đó, tiệc tan, ông ta cho người cầm thư đến ngỏ ý muốn được gặp ngay, "có nhiều việc cần trình bày". Việc tiếp xúc với Vương Chí Sình cần được tiến hành gấp và kín đáo

        Cuộc gặp hai vợ chồng Vương tại nhà ông ta kéo dài gần hai giờ đã giúp ta hiểu rõ tâm trạng và thái độ của Vương Chí Sình. Ông đã biết có Mặt trận Việt Minh hoạt động và có Chính phủ Hồ Chí Minh nên muốn đi Hà Nội bái yết Cụ Hồ, nhưng Hoàng Quốc Chính ngăn cản. Ông nêu lên những thắc mắc của mình về bọn Việt quốc: sao lại cấm dân đi Tuyên Quang buôn bán, làm ăn, cướp của dân chúng dưới hình thức quyên góp, vay mượn bạc hoa xoè, vải vóc da thuộc, lương thực, thực phẩm; cưỡng bức các hiệu may, hiệu giày ở thị xã may quân phục, đóng giày không trả tiền, dùng quân đội chống lại Việt Minh? Hoàng Quốc Chính mời ông làm phó chỉ huy nhưng ông không nhận. Ông cho biết cuộc họp trao đổi về chính sách đoàn kết thống nhất tổ chức chính quyền và lực lượng vũ trang hai bên đã giúp ông hiểu rõ tình hình và tỏ ý thiết tha mong muốn về được Hà Nội bái yết Cụ Hồ Chí Minh mà ông rất ngưỡng mộ, nhưng ngại Hoàng Quốc Chính ngăn cản.

        Ông Vương Chí Sình chủ động liên lạc với "đại diện" Chính phủ ngay sau bữa tiệc và mong muốn được về thủ đô Hà Nội đã tỏ rõ thái độ của ông. "Đại diện" ta hiến kế cho ông vượt qua mặt Hoàng Quốc Chính, trực tiếp đến gặp tên thiếu tướng Tàu Tưởng xin về gặp tướng Lư Hán ở Hà Nội để đề nghị giảm bớt mức cung cấp lương thực, thực phẩm quá nặng, nhân dân ca thán nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:24:36 pm »


        Ý kiến ấy được vợ chồng ông Vương chấp nhận ngay. Sau khi bàn với ông Vương kế hoạch cụ thể đi Hà Nội, cán bộ ta về tới nơi ở vừa kịp giờ điểm tâm. Việc tranh thủ ông Vương Chí Sình coi như đã xong.

        Đã đến lúc phải kịp thời rút khỏi thị xã, ở lại thêm sẽ càng nguy hiểm, việc mạo danh nghĩa "đại diện" Chính phủ càng có nguy cơ bị lộ, còn đội quân chính quy mà trong phiên họp cuối cùng, tên Chính khoe sắp đón về nước thì đang trên đường hành quân.

        Gặp bọn Chính lúc điểm tâm, anh Mai Trung Lâm lấy cớ có điện gọi phải về báo cáo Chính phủ ngay nên phải tạm ngừng cuộc họp. Bọn Chính trao đổi với nhau và nhất trí vì việc hoãn họp, gỡ thế bí cho chúng. Họ còn tổ chức bữa cơm tiễn và gửi một số cán bộ đi theo nhờ giúp đi Phú Thọ và Yên Bái.

        Trước khi rời thị xã, anh Lâm bố trí để anh Hoàng Văn Võ một cán bộ tin cậy ở lại thị xã với gia đình và làm công tác binh vận. Các đại biểu nhân dân Bắc Quang cũng đã đi từ chiều hôm trước.

        Buổi chiều, anh ung dung cùng với đồng chí Dị đi chơi phố cùng với anh Võ. Tình cờ, chạm trán tỉnh trưởng Chu Văn Sáng và người em họ của anh, tên là Canh, đang ở trong đội quân của Việt Nam Quốc dân đảng. Canh lại là học sinh trường Pơ-lô-tông A (Trường đào tạo hạ sĩ quan ở Sơn Tây.) ở Tông. Hai thầy trò đều nhận ra nhau. Anh Lâm dặn Võ thuyết phục người lính này.

        Sáng hôm sau, anh cùng đồng chí Dị đàng hoàng rời thị xã. Về đến trạm làng Vạt, anh được tin chỉ huy trưởng đã chủ động trừng trị bọn Xiêm, Hành âm mưu đánh úp ta. Sau khi dặn trung đội trưởng Hà Lĩnh Thành thu xếp chỗ nghỉ tạm và lo cơm nước cho những tên Việt quốc đi theo, anh Lâm gọi dây nói về Bắc Quang báo cáo vắn tắt với chỉ huy trưởng về cuộc đàm phán và xin chỉ thị xử lý bọn Việt quốc đi theo. Sáng hôm sau theo kế hoạch đã định, anh Lâm đưa nhóm Việt quốc ấy lên đường về Bắc Quang để anh em phục kích ngang đường bắt gọn.

        Hai hôm sau Vương Chí Sình và vợ, cùng hai người bạn gái của bà đi ô tô xuống huyện lỵ Bắc Quang, được hai đồng chí chỉ huy đón tiếp ân cần niềm nở và cử cán bộ đi cùng xuống tỉnh lỵ Tuyên Quang, nhờ một số đồng chí ở đây giúp đỡ đi về Hà Nội.

        Bọn Chính biết tin, căm tức, lồng lộn. Chúng cho người lên Đồng Văn báo cho bố Vương Chí Sình biết có người tên là Mai Trung Lâm lên Hà Giang tự xưng là đại diện Chính phủ nhưng chính là người của Việt Minh đã rủ hai vợ chồng Vương đi theo về Hà Nội và đã giết cả hai ở cầu Ngần, thả xác trôi sông. Chúng yêu cầu ông cho quân đi cùng với quân của chúng đánh Việt Minh trả thù cho con.

        Cái tin bịa đặt trắng trợn đến tai bà Síu, mẹ vợ Vương Chí Sình. Bà này theo các bô lão địa phương, trước đây theo hội Tam điểm của Trung Quốc, bảo vệ Tôn Trung Sơn khi còn hoạt động bí mật sang Việt Nam tránh triều đình Mãn Thanh truy nã. Bà là một trong những người Hoa ở Hà Nội đã bảo vệ Tôn Trung Sơn. Đến khi cách mạng Tân Hợi thành công, những người Hoa này sang Trung Quốc thăm Tôn Trung Sơn. Khi họ trở lại Hà Nội, đế quốc Pháp sợ họ ảnh hưởng đến dân Việt Nam nên trục xuất số người Hoa ấy, trong đó có bà Síu. Song bà không về Trung Quốc mà lên ở Đồng Văn buôn bán, mở quán cà phê và gả người con gái độc nhất mới lớn cho Vương Chí Sình làm vợ ba để lấy chỗ dựa. Pháp cũng không trục xuất nữa.

        Dần dần, bà hầu như trở thành cố vấn đắc lực và tin cậy của Vương. Bọn mã phái, tổng giáp và binh đầu - những chức sắc dưới trướng Vương Chí Sình đều vị nể bà. Nghe tin con gái, con rể bị giết, bà Síu phẫn uất và cưỡi ngựa vào ngay Sà Phin gặp thông gia Vương Chính Đức, yêu cầu tập trung dân binh các bản Mông đi đánh Việt Minh trả thù cho con trai và con dâu. Ông thông gia không nói gì vì đã nhận được thư của Vương Chí Sình báo tin đang ở Bắc Quang và sẽ đi Hà Nội yết kiến Cụ Hồ Chí Minh. Bà ta nhiếc thông gia:

        - Cái ông này không biết thương con trai, con dâu mình, không biết quý giọt máu của mình.

        Ông cụ đáp lại:

        - Việc này là của đàn ông. Không can gì đến đàn bà. Bà nên im đi.

        Rồi ông ta nói với những người dân Mông:

        - Chúng mày muốn đánh nhau làm gì? Việc gì đã xảy ra sau sẽ biết.

        Người thổ ty Mông cao tuổi này tin vào đứa con của mình và hoàn toàn giữ bí mật hành động của con.

        Vương Chí Sình về với Chính phủ ta là cả dòng họ người Mông họ Vương, cả dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang về với Chính phủ. Bọn Việt quốc mất một hậu thuẫn quan trọng. Cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh Hà Giang tiến thêm một bước mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:28 pm »


        Đội quân Ba Viên và cuộc binh biên ở thị xã Hà Giang

        Đội quân chính quy ở Mông Tự mà bọn cầm đầu Việt quốc khoe sắp đón được là đội quân nào, người chỉ huy là ai, thái độ chính trị của người đó và của binh sĩ ra sao, trình độ huấn luyện và trang bị vũ khí thế nào? Những câu hỏi dần dần được giải đáp nhờ tin tức anh Võ ở lại thị xã báo về. Thì ra Hoàng Văn Võ là bạn thân của Nguyễn Duy Viên, người chỉ huy đội quân đó, thời kỳ cùng ở trong quân đội Pháp. Cả hai cùng dạy trường Pơ-lô-tông A ở Tông; anh Võ đóng đội còn Nguyễn Duy Viên là thiếu uý. Về sau anh được thăng làm phó quản một đại đội và đổi lên Đồng Văn thì Nguyễn Duy Viên lên cấp trung uý và đổi lên Hà Giang chỉ huy đơn vị ở thị xã. Khi Nhật đảo chính Pháp, anh Võ bỏ về quê hương và được ta giác ngộ thì Nguyễn Duy Viên chạy theo quân Pháp sang Trung Quốc, rồi được Pháp phong đại uý. Binh sĩ thường gọi Nguyễn Duy Viên là ông Ba Viên. Mối quan hệ thân thiết xưa là một thuận lợi lớn cho công tác binh vận của ta.

        Đội quân của Pháp chạy sang Trung Quốc khá đông. Tưởng Giới Thạch cho đội quân bại trận đó đóng ở Mông Tự, tỉnh Vân Nam. Theo ý đồ của thực dân Pháp đội quân này ở Mông Tự huấn luyện để chờ ngày quân đội Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương thì trở về khôi phục lại thuộc địa cũ. Đế quốc Mỹ cử cố vấn giúp đỡ huấn luyện và cung cấp vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.

        Song tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng. Phát xít Đức bị tiêu diệt tận hang ổ. Quân phiệt Nhật đầu hàng không điều kiện. Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập trước khi quân đội Đồng Minh vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật theo sự phân công của Đồng Minh. Quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật ở miền Nam, còn quân đội của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. Đội quân bại trận của Pháp đồn trú ở Mông Tự không còn có cơ sở pháp lý để trở lại Đông Dương nữa. Thực dân Pháp phải chờ quân Tưởng lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam xong mới kéo quân vào; mặt khác bọn Tưởng cũng có ý đồ riêng của chúng muốn dựng lên một chính quyền bù nhìn ở miền Bắc Việt Nam. Vì thế, bọn Pháp vẫn phải bó gối thụ động ngồi chờ ở Mông Tự trong khi ở miền Nam Việt Nam, bọn thực dân Pháp được quân đội Anh che chở đã nổ súng gây hấn.

        Trong thời gian ấy, bọn Hoàng Quốc Chính ở Vân Nam cử người nhân danh Việt Nam Cách mạng Đồng Minh hội, bí mật gặp gỡ Ba Viên, gợi ý ông rời bỏ Pháp, đem quân về nước để ủng hộ Chính phủ, bảo vệ Tổ quốc, chống Pháp xám lược. Chúng giữ kín việc chúng đã tổ chức chính quyền riêng ở Hà Giang.

        Ở Mông Tự, Ba Viên và một số sĩ quan thân tín, qua đài phát thanh đã biết tin cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ông hưởng ứng gợi ý của họ và đem vấn đề về nước bàn với một sĩ quan thân tín. Tất cả đều thống nhất chủ trương rời bỏ hàng ngũ Pháp, về nước. Theo một kế hoạch chung, cả ba đại đội khố đỏ bí mật rút khỏi trại vào một buổi tối và hành quân đến địa điểm đã hẹn với bọn Chính. Ở một nơi tạm nghỉ chân, cả mấy đơn vị hợp nhất thành một tiểu đoàn, cử Ba Viên làm chỉ huy trưởng và thiếu uý Hải tức Một Hải làm chỉ huy phó.

        Đầu tháng 11 năm 1945, đội quân này về đến thị xã Hà Giang. Bọn Chính tổ chức lễ đón tiếp rất long trọng, huy động đông đảo nhân dân thị xã ra đón. Tỉnh lỵ Hà Giang thời trước là một thị xã sạch đẹp, nay đầy rác rưởi bẩn thỉu. Người chỉ huy đội quân này cho binh lính ra phố ăn mặc đẹp, giữ kỷ luật, lại có tiền chi tiêu sòng phẳng nên nhân dân có thiện cảm gọi là đội quân Ba Viên. Mấy ngày sau, bọn Chính tổ chức cho đội quân này làm lễ tuyên thệ và tổ chức làm lễ khao quân linh đình để lấy lòng sĩ quan và binh lính. Sau đó, Chính ngỏ ý cử Ba Viên làm phó chỉ huy, nhưng ông ta không nhận. Ông yêu cầu cứ để mình chỉ huy tiểu đoàn và hứa giúp huấn luyện các đơn vị của Chính.

        Ở thị xã Hà Giang được mấy ngày, đi dạo thăm phố xá, nơi đóng quân cũ, ông gặp được quản Võ, cùng một vài bạn cũ người Việt và người Hoa. Qua họ, ông mới biết rõ Hoàng Quốc Chính không phải là người của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà; chúng chống lại việc hợp nhất chính quyền và quân đội do đại diện Chính phủ lâm thời đề xuất dựa vào thế lực Tàu Tưởng chiếm đóng tỉnh Hà Giang, không cho dân tự do đi lại, buôn bán, làm ăn...

        Qua trao đổi với bạn bè cũ, nhất là với quản Võ, ông lại càng hiểu tại sao Hoàng Quốc Chính khất lần đề nghị của ông đem quân về Hà Nội để đi đánh Pháp xâm lược ở miền Nam bằng câu trả lời có tính chất lần lữa: "Rồi sẽ đi thôi, giờ chưa có cơ hội", tại sao tên Chính bảo ông đem quân đi đánh Việt Minh ở Bắc Quang, tại sao con thư ký Phượng lúc nào cũng bám sát ông như hình với bóng và có lần nó đã lấy súng ngắn của ông, mà ông đã cảnh giác, bí mật tháo đạn trước, chĩa vào đầu ông bóp cò? Ông về trại đem những suy nghĩ thầm kín của mình trao đổi với mấy sĩ quan thân cận dưới quyền. Tất cả đều thống nhất nhận định là đã bị bọn Chính lừa gạt và cần phải đi tìm gặp Việt Minh ngay
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:52 pm »


        Để đánh lạc hướng, ông đề nghị với Chính cho Một Hải đi Quản Bạ, ông đi Bắc Quang để trực tiếp điều tra sự bố phòng của Việt Minh và quan sát địa hình, tìm hướng tiến công. Tên Chính suy nghĩ một lát rồi chấp nhận. Nhờ sự giúp đỡ của cơ sở ta ở thị xã, đại uý Nguyễn Duy Viên đi an toàn đến thị trấn Bắc Quang gặp được hai đồng chí chỉ huy. Cùng đi với ông có xếp Thư, một người thân tín và nữ thư ký Phượng. Cuộc tiếp xúc riêng giữa đồng chí chỉ huy phó được phân công và đại uý Nguyễn Duy Viên ngày càng thân mật.

        Sau khi nhận xét về bọn Chính, ông bày tỏ quyết tâm của bản thân và các sĩ quan dưới quyền về với Chính phủ và đề nghị giúp ông đi về Hà Nội bái yết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trực tiếp đàm đạo với đại uý Nguyễn Duy Viên, qua thái độ, nét mặt, cử chỉ, ánh mắt của ông, cán bộ ta thấy những nhận xét của cơ sở về người sĩ quan này khá chính xác. Đó là một người có học thức, có tâm huyết, tinh thần yêu nước được thời thế thức tỉnh, đã nhận ra sự thật và quyết tâm đi tìm con đường chính nghĩa phục vụ đất nước. Đúng là một con người có thể tin cậy. Nếu Ba Viên và lực lượng quân sự của ông ngả về phía cách mạng thì so sánh lực lượng giữa ta và bọn Việt quốc thay đổi, có lợi cho ta. Có thể phối hợp giữa lực lượng vũ trang của ta từ ngoài đánh vào với một cuộc binh biến của tiểu đoàn Ba Viên để giành chính quyền. Đây chính là thời cơ mà những người lãnh đạo công cuộc giải phóng Hà Giang đang chờ đợi.

        Việc tuyên truyền vận động đội quân Ba Viên không thành vấn đề nữa. Nhưng một vấn đề mới nảy sinh: bọn Việt quốc sẽ đối phó với đơn vị của ông - một lực lượng vũ trang chính quy đặc biệt quan trọng đối với chúng, hiện còn ở thị xã ra sao? Cán bộ ta bàn với Ba Viên. ông khẳng định sự vững vàng của các sĩ quan dưới quyền ông. Cán bộ ta gợi ý với ông dù sao cũng phải có chủ trương thông báo ngay cho đơn vị còn ở thị xã biết để đề cao cảnh giác và chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với bọn Chính.

        Ba Viên ngồi im lặng, vẻ suy nghĩ. Đề xuất vấn đề sử dụng đội quân Ba Viên phối hợp với bộ đội ta quả là một vấn đề khó, lại rất tế nhị. Cán bộ ta khéo léo gợi ý với ông "nên có một món quà dâng Chính phủ" khi ông ra mắt. Lúc đầu ông chưa hiểu ý. Quà dâng Chính phủ ắt không phải vật bình thường. Ông bây giờ tay không. Cán bộ ta nói rõ thêm: "việc ông theo về Chính phủ tức là Hà Giang theo về Chính phủ". Ông chợt hiểu và khẳng định: "Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, một món quà rất xứng đáng để dâng Chính phủ”.

        Thấy Ba Viên đã nhìn nhận vấn đề, cán bộ ta liền nói rõ ý định của mình, dùng bộ đội ta từ ngoài đánh vào phối hợp với lực lượng của ông ở trong làm nội ứng. Ông ta do dự, sợ mang tiếng "phản trắc". Cán bộ ta nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trừng trị bọn phản động Việt quốc không chỉ có quan hệ đến vận mệnh tỉnh Hà Giang mà còn liên quan đến tình hình chung cả nước đang phải đối phó với cuộc xâm lược của Pháp ở miền Nam; đồng thời vạch rõ việc bọn Việt quốc lừa dối ông, âm mưu lợi dụng ông và đơn vị chống lại Chính phủ, mượn tay con Phượng định ám sát ông.

        Lập luận sắc bén của cán bộ ta đã có sức thuyết phục. ông vui vẻ tán thành và khẳng định bọn chúng chỉ là một đám quân “ô hợp". Rồi ông viết ngay mật lệnh và giao cho xếp Thư đem gấp lên cho Một Hải chỉ huy phó. ông ra lệnh cho Một Hải khẩn cấp thi hành ngay sau khi nhận được mật lệnh.

        Kế hoạch của ông như sau: lợi dụng lúc sơ hở nhất của địch vào bữa ăn trưa (chỉ có mấy tên đầu sỏ và các sĩ quan mang theo súng lục, súng ống của binh lính đều gác vào giá khóa cả) trói hai người lính và giải họ đến báo cáo với bọn Chính, hai người này ăn cắp súng cho Việt Minh; rồi bất ngờ chĩa súng vào bọn đầu sỏ và các sĩ quan, bắt giơ tay và tước vũ khí. Đồng thời binh sĩ chặn tất cả các cửa nhà ăn, chĩa súng vào trong, bắt tất cả đầu hàng. Nếu chúng chống cự mới nổ súng. Cán bộ ta rất tán thành kế hoạch của ông, đồng thời cũng viết lệnh cho Hà Lĩnh Thành điều quân áp sát tỉnh lỵ và sẵn sàng phối hợp khi cần. Ngay trong đêm người của ta đã bảo vệ để xếp Thư mang mật lệnh của Ba Viên về thị xã.

        Sau đó, ông chuẩn bị hành lý để lên đường về Hà Nội. Nữ thư ký Phượng lúc nào cũng bám sát ông.

        Sau khi ông Ba Viên và nữ thư ký Phượng đi được một ngày thì ngay buổi tối hôm đó, có người của Một Hải về Bắc Quang báo cáo mật lệnh đã được thực hiện thắng lợi hoàn toàn trưa ngày 8 tháng 12 năm 1945. Cuộc binh biến diễn ra theo đúng kế hoạch. Không phải nổ một phát súng. Bọn Chính bị bắt gọn. Tất cả các đơn vị vũ trang Việt quốc đều bị tước vũ khí và bị giữ tập trung trong doanh trại. Quân Tàu Tưởng không hề biết gì. Lực lượng vũ trang của ta đã vào thị xã.

        Sáng sớm hôm sau, khi cử người xuống thị xã Tuyên Quang báo cáo với đồng chí Song Hào và yêu cầu tăng cường thêm cán bộ, hai đồng chí chỉ huy cùng một số cán bộ đi lên thị xã Hà Giang để thu xếp tổ chức bộ máy chính quyền và các đoàn thể quẩn chúng, tổ chức việc phòng thủ và giữ gìn an ninh trật tự, duy trì sinh hoạt bình thường của nhân dân.

        Ngày 25 tháng 12 năm 1945, Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh ra đời, kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh Hà Giang, đánh dấu một bước ngoặt mới của lịch sử Hà Giang. Giải phóng được tỉnh Hà Giang là một thắng lợi có ý nghĩa lớn trong thời kỳ đầu của Cách mạng tháng Tám của chúng ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:14 pm »

 
ĐỘI DU KÍCH BA TƠ TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM 1945

        Ngày 11 tháng 3 năm 1945, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi, mở đầu một cao trào cách mạng rầm rộ, góp phần trực tiếp chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công mau chóng ở Nam Trung bộ.

        Đó là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ do các chiến sĩ cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương bị địch giam giữ ở đây lãnh đạo. Sau khi đội du kích Ba Tơ cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền và thiết lập Uỷ ban cách mạng, ngày 14 tháng 3 năm 1945, được tin có 81 tên Nhật và một số lính khố xanh, trong đó có tên quản Trân và đội Bá là những tên việt gian lợi hại kéo lên khủng bố. Xét thấy lực lượng mình chưa đủ sức chống lại quân thù nên ban chỉ huy quyết định chuyển ngay lực lượng về chiến khu dựa vào nơi núi rừng hiểm trở để hoạt động.

        Tinh thần anh dũng của bộ đội có thừa, tinh thần ủng hộ của nhân dân trong vùng rất cao, nhưng đồng bào ở thưa thớt, lại rất nghèo. Bộ đội vì thế bị thiếu thốn về lương thực, quần áo, thuốc men, ăn uống thất thường, lại thêm địa phương này là nơi rừng thiêng nước độc đầy muỗi, vắt, rắn, rết nên bộ đội ốm đau gần hết.

        Sau một tháng gian lao cực độ, 26 người không đủ sức để mang 24 khẩu súng trường và mấy chục ki-lô-gam đạn. Một số đồng chí quá ốm yếu phải xin giải ngũ về quê. Toàn đội chỉ còn lại trên dưới 15 người. Thực tiễn cho thấy chủ trương rút về khu núi rừng hiểm trở, dân cư thưa thớt, nghèo nàn, không có đủ điều kiện phát triển là không phù hợp.

        Trước tình hình đó, vào thượng tuần tháng 5, ban chỉ huy cử đồng chí Nguyễn Chánh về trung châu báo cáo với tỉnh để xin chủ trương mới. Theo nhận định của tỉnh và ý kiến của đại biểu Tổng bộ Việt Minh thì hoạt động của đội có phần cô lập và bị động, thiếu điều kiện để phát triển. Vì thế, tỉnh quyết định đưa đội về trung châu để liên lạc mật thiết với quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh. 

        Đầu tháng 5 năm 1945 trên dưới 15 đồng chí rút về trung châu sau hai tháng anh dũng chiến đấu chống giặc ở vùng rừng núi. Quả nhiên chủ trương đúng tất đưa đến kết quả tốt đẹp. Sau hơn một tháng hoạt động ở trung châu, anh em du kích đi lưu động nhiều nơi vũ trang tuyên truyền gây cơ sở chính trị, tham gia hoặc biểu diễn văn nghệ và nhất là huấn luyện các tiểu đội du kích và tự vệ ở các làng, chẳng khác gì hoạt động của đội du kích Pác Bó và đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ở Cao - Bắc - Lạng. Nhờ đó quân dân được liên hệ mật thiết với nhau, ý thức vũ trang được ăn sâu và lan rộng trong quần chúng. Nhờ đó, các đoàn thể quần chúng cũng như lực lượng vũ trang phát triển rất nhanh chóng.

        Sau hơn một tháng hoạt động ở trung châu, đội thành lập được hai chiến khu:

        Chiến khu bắc Quảng Ngãi ở Vĩnh - Sơn (Vĩnh Tuy - Sơn Tịnh) do các đồng chí Phạm Kiệt, Phan Phong, Võ Thứ, Tạ Phương chỉ huy, có đại đội Phan Đình Phùng và một trung đội dự bị.

        Chiến khu nam Quảng Ngãi ở Núi Lớn (rừng Dầu Rái ở Mộ Đức) do các đồng chí Nguyễn Đôn, Lê Đức, Nguyễn Khoách, Trần Công Khanh chỉ huy, có đại đội Hoàng Hoa Thám. Mỗi chiến khu lúc đó đã có lực lượng vũ trang hơn 100 người. Phụ trách chung là đồng chí Nguyễn Chánh.

        Cuộc khởi nghĩa Quảng Ngãi bùng nổ vào khoảng 3 giờ chiều 13 tháng 8 năm 1945. Cùng ngày hôm ấy, cả hai chiến khu đều được lệnh đánh chiếm các đồn của địch trong phạm vi chiến khu và sau đó đều tập trung về gần tỉnh lỵ.

        Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội du kích Ba Tơ dã cùng nhân dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi trong Cách mạng tháng Tám và đã trở thành nòng cốt của bộ đội chủ lực Liên khu 5. Du kích Ba Tơ tiêu biểu cho truyền thống bất khuất của nhân dân Liên khu 5 và đã góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM