Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:34:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26798 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:13:30 pm »


ĐÁNH NHẬT Ở TUYÊN QUANG

XUÂN PHONG         

        Đột kích trại hiến binh Nhật, đoạt súng máy tại thị xã Tuyên Quang

        Trung tuần tháng 4 năm 1945, đơn vị vũ trang công tác do tôi (Hoàng Văn Ngọ tức Ngọ Bầu, tức Xuân Phong) và đồng chí Trịnh Nam được các đồng chí Tạ Xuân Thu và Song Hào chấp thuận xúc tiến việc sưu tầm vũ khí để tự võ trang bằng đủ mọi cách.

        Một hôm đồng chí Chú làm cai coi phu của sở lục lộ (sở này hiến binh Nhật đóng) báo cho biết quân Nhật mới chuyển vũ khí về, trong đó có một khẩu súng hai chân và một đống đạn to bằng bắp chuối và gửi kèm theo một sơ đồ trại hiến binh, kho vũ khí.

        Chúng tôi nhóm họp có các đồng chí Trịnh Nam, Thế Vinh, Hoàng Giáp, Quý Sơn, Đào Hồng, Sung, Mùi, Lễ. Tất cả đều nhất trí là phải lấy ngay, nếu chậm trễ địch chuyển chỗ khác thì mất hết.

        Ngay sau đó tôi và hai đồng chí Hoàng Giáp, Thế Vinh chịu trách nhiệm đi trinh sát dịa hình và việc canh gác của bọn Nhật.

        Qua trinh sát chúng tôi nắm được:

        1. Lính Nhật đóng tại ngôi nhà ngay giáp nhà bà Nam Lai có khoảng một tiểu đội; nhà sĩ quan một tầng lầu, phán đoán chỉ có vài ba tên.

        2. Chỉ có vọng gác ở cổng chính do một tên Nhật thường trực và không có tốp canh.

        3. Các cửa sổ kho chỉ đóng bằng những tấm phên nứa cài suốt tre bên trong (cửa bị phá hồi 9-3-1945).

        4. Một cột đèn phòng thủ góc đường gần cổng chính cs chụp phòng không chỉ chiếu một quầng sáng độ 20 mét vuông quanh cột điện.

        5. Mặt sau trại có ba đường kẽm gai trên mặt tường, mặt bên hông đường vào phố Cầu Gù có một hàng kẽm, nhưng thường có người qua lại.

        6. Trừ đèn ở vọng gác và nhà lính, ngoài ra không có đèn khác, kể cả đèn bốn góc trại, địch không dùng nữa đề phòng máy bay Mỹ.

        Sau khi nắm vững tình hình, tôi quyết định tối hôm sau sẽ đánh kỳ tập, đánh bất ngờ trước giờ giới nghiêm.

        Hôm sau, khoảng gần 19 giờ, từ điểm tập kết (nhà số 84 phố Xuân Hoà) tôi và Hoàng Giáp, Thế Vinh tiến vào đường hẻm tiếp cận điểm đột phá đoạn đường rào giáp nhà bà Nam Lai). Từ nhà số 84 đến đây khoảng trên một ki-lô-mét. Anh Thế Vinh công kênh tôi lên kiểm tra thấy dây kẽm không mang điện, tôi dùng dao găm, cậy từng mảnh vữa có cắm mảnh chai trên bờ tường, đoạn dùng kìm chuyên dụng cắt ba sợi kẽm gai cuốn về một bên để lộ một khoảng trống chừng hai mét.

        Ngồi trên bờ tường, tôi bình tĩnh ném đá thăm dò từ hai đến ba lần, rồi buông mình xuống phía trong.

        Súng lên đạn, khóa an toàn, cầm dao, tôi men theo tường tiếp giáp nhà bà Nam Lai tiến về phía dãy nhà lính Nhật ở. Đến đầu căn nhà thứ nhất, tôi quan sát khá rõ khu vực nhà kho và định tiến về phía đó. Chợt, có hai tên Nhật đi từ nhà sĩ quan xuống nhà ngang. Tôi vội nép mình xuống rãnh giọt gianh của mái nhà, súng sẵn sàng, chờ chúng vào khuất trong nhà (vì chúng đi trong luồng sáng đèn từ nhà ngang hắt ra nên không thể phát hiện được tôi). Tôi lần theo tường nhà kho bỏ qua hai cửa, đến cửa thứ ba. Sau khi xem xét, tôi nâng cửa rút thanh tre cài cửa sổ một tay hé cửa lách vào (súng vào chốt an toàn giắt cạp quần). Luồn người qua cửa sổ bước vào trong, đẩy thêm thanh tre về phía trái rồi đặt xuống đất, tôi lần đi trong tư thế ngồi; cách xa cửa một đoạn để tránh ánh sáng hắt ra ngoài, tôi bật diêm và tắt ngay, đủ để nhận được đường đi. Tôi đi tiếp đến lần thứ ba bật diêm thì thấy đạn cối 81 lổn nhổn, gần đó là một khẩu FM của Pháp.

        Hồi hộp quá tôi trấn tĩnh lắp một băng đạn trong số băng nằm sẵn ở đó cụp chân chống, khóa kẹp chân dọc theo súng và khoác súng vào vai lần ra cửa.

        Lần này, tôi không lách được mà phải nâng phên cửa lên (lúc này tôi mới thấy chủ quan đã vào một mình). Rất bình tĩnh, tôi nâng cửa lên, nhẹ nhàng vắt từng chân qua cửa sổ đứng lên cái gờ tường xây phía ngoài, từ từ co chân cho người thấp xuống, một chân thõng xuống dưới, tay hạ dần liếp êm và buông ra (lúc này phên cửa được đỡ bởi cái loa che lửa của khẩu FM).

        Tôi buông người nhảy xuống đất, cánh phên cửa sập xuống phát ra một tiếng kêu khá to. Địch báo động và la thét ầm ĩ . Tôi phóng về điểm đột phá. Các anh Giáp và Thế Vinh vẫn chờ ở đó, một người ở trên bờ tường, một người đứng dưới phía ngoài hẻm. Tôi đưa súng cho Giáp và ra lệnh: "Sang trường con trai", còn tôi vọt lên mặt tường phóng xuống hẻm vượt tường phía sau trường học, bám theo đồng đội qua sân trường ra phía cổng trước cùng nhau vượt rào sang đường phố Măng-đa-ranh trước mặt là cổng trường con gái). Tôi dựa khẩu FM vào gốc cây phượng, tính là sẽ đóng vai thanh niên dạo chơi để xem xét động tĩnh. Nhưng chợt xem đồng hồ đã đến giờ giới nghiêm, tôi quay lại lấy súng và lệnh cho anh em sẵn sàng chiến đấu; chúng tôi men theo bờ rào nhà đốc học tây. Tôi đi trước, vai khoác FM, tay cầm súng ngắn, vì chỉ có tôi mới biết sử dụng FM thôi. Các đồng chí khác chỉ có dao găm và dụng cụ phá rào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:13:55 pm »


        Đến ngã tư nhà phó sứ trại giam, tôi băng qua đường, men theo tường rào nhà phó sứ tiến ra bờ sông. Sắp đến đường phố Xuân Hòa, bỗng nghe tiếng giày đinh của tụi tuần sát Nhật, tôi đứng lại trong bóng tối của cột điện do chụp đèn phòng không tạo nên, cách tụi Nhật một quãng, súng sẵn sàng.

        Chúng tiếp tục đi qua, tôi ép mình vào tường nhà cụ Phổ Tế Đường, nghe ngóng và tính toán nhiều tình huống. Chúng đi rất chậm, tôi dõi theo (lúc này tôi đã nghĩ nếu bị lộ sẽ mang theo khẩu FM bơi qua sông). Song không có gì xảy ra, địch đã đi qua.

        Tôi vọt về nhà số 84 Xuân Hòa, rút dao găm mở cửa, lọt vào nhà, cài then đàng hoàng và lên gác, cất súng FM trên gác thượng. Mọi người trong nhà vẫn ngủ yên, không ai hay biết. Chừng 10 giờ ngày hôm sau, lợi dụng tiếng ô tô qua lại ầm ĩ tôi lấy hai viên đạn, đập đầu ban ra, đổ bỏ thuốc đi lắp vào nòng súng và bóp cò để thử kíp, hai viên đều nổ. Tôi phân tán anh em đi tìm băng đạn. Anh em đã đem về năm băng. Để súng lại trên lầu thượng, chúng tôi về căn cứ đóng quân xã An Khang (chỉ cách thị xã ba ki-lô-mét), tôi bàn với các đồng chí kế hoạch đem súng về.

        Trước đây, tôi đã từng chuyển súng trường, tháo báng gỗ bỏ ra, thân nòng đút vào đòn ống nứa dại và chở bằng xe ngựa. Nhưng nay làm thế thì mạo hiểm quá, sơ suất một tý thì công toi mà mất mạng, vì phải đi qua trước trại Nhật đóng quân, qua liên lạc sở (trụ sở của mật thám Nhật), qua bốt gác cầu Chả, chưa kể đến việc chạm trán với bọn tuần sát.

        Cuối cùng, tôi quyết định đi bằng đường sông Lô. Tôi bảo đồng chí Lễ tìm một người nữa ở địa phương biết chèo thuyền và tin cẩn bảo đảm bí mật (nhà Lễ có thuyền và được bà trẻ Nam mẹ Lễ đồng ý). Đây là một vấn đề rất hệ trọng, đi với tôi có thể thuyền sẽ mất, Lễ có thể không trở về, thế mà bà đồng ý. Tấm lòng vì nước của bà thật cao cả. 

        Một ngày sau, vào lúc chiều tà, tôi, Lễ và một cháu nhỏ chừng 13 tuổi gọi là thằng cu con, bơi thuyền nan ngược dòng sông, đem theo một súng, đi lẫn vào những thuyền của dân qua trạm gác ghềnh Giềng (trạm bảo an binh có thuyền lưu động) theo luồng cái bên hữu ngạn sông Lô, qua miền Đồng Tiền. Tới bến Pha Lô chừng 22 giờ chúng tôi ép thuyền cạnh chân cột đo nước thấp nhất, giao cu con trông thuyền. Tôi và Lễ lên bờ. Tôi hướng dẫn Lễ cách đối phó với địch và sử dụng súng trường mút.

        Đứng trong công sự do Nhật đào sẵn hình tròn, Lễ dõi theo và yểm hộ tôi vượt qua bãi sông, vượt qua đường cái phố Xuân Hòa. Tới nhà 84, tôi rút dao găm mở cửa, lọt ào đóng cửa cài then rồi lên gác thượng, cả nhà vẫn ngủ yên.

        Trong bóng đèn ngủ, tôi lắp một băng đạn vào súng, giắt thêm một băng vào thắt lưng, khoác súng lần xuống cầu thang. Chợt bố tôi dậy đi tiểu bắt gặp ông kêu "mày giết tao". Tôi vội phân trần cho ông hiểu hoạt động vì cách mạng của tôi và nói: "Nếu bố để lộ, Nhật nó giết cả nhà". Bố tôi im lặng cài then cửa. Khi tôi quan sát dọc phố rồi băng qua đường cái ra bờ sông, bình tĩnh xuống thuyền và bơi sang phía Canh Nông, tả ngạn sông Lô. Tránh luồng cái bên hữu ngạn, e gặp bảo an binh thì phức tạp, tôi theo luồng con bên kia bãi soi, không có nhà cửa dân cư.

        Thuyền xuôi đến cuối bãi thì bị cạn, nước chỉ còn chừng một gang tay. Tôi hì hục kéo thuyền. Chừng một giờ sau hết cạn, chúng tôi lên thuyền, phổ biến cách đối phó: Lễ và cu con chèo thuyền, còn tôi sẽ nổ súng khi cần. Thuyền xuôi một lúc, vừa qua ghềnh Giềng bỗng có tiếng quát "thuyền nào dừng lại", tôi giục Lễ móc thuyền về bên bờ làng Chanh (tả ngạn sông ). Dứt tiếng quát thứ ba, tôi bóp cò khẩu FM hướng về phía tụi bảo an binh, súng không nổ. Sợ lỡ thời cơ, tôi buông FM, cầm khẩu mút-cơ-tông nổ liền ba phát còn gắm lại hai viên. Thuyền cập bên bờ làng Chanh, tôi chuẩn bị lại FM và súng trường, chuẩn bị cho đợt tác chiến tiếp, nhưng tụi lính đã sợ, chúng kêu "Việt Minh, Việt Minh" và lui thuyền chuồn xa dần.

        Chúng tôi xuống thuyền xuôi về An Khang, gặp lại các đồng chí trong đội. Niềm vui thắng lợi mở đầu cho những chiến công sau này; đánh bốt bảo an binh ki-lô-mét 4 trên đường số 2, từ Tuyên Quang đi Hà Nội và vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền huyện Yên Bình đêm 17 tháng 8 năm 1945 phối hợp với cuộc khởi nghĩa ở thị xã Tuyên Quang cùng ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:14:30 pm »


        Diệt bốt bảo an binh Nhật (ki-lô-mét 4 đường Tuyên Quang - Hà Nội)

        Tháng 5 năm 1945, sau Hội nghị quân sự Hiệp Hòa, cấp trên sắp thành lập Khu giải phóng, thống nhất đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Phân khu Hà - Tuyên - Thái (khu Nguyễn Huệ cũ) do đồng chí Song Hào làm bí thư, được phổ biến mọi mặt để đẩy mạnh nhiệm vụ trước mắt, củng cố phát triển lực lượng vũ trang. Chúng tôi đề ghị khảo sát và tiêu diệt các trạm kiểm soát của bảo an binh Nhật trong thị xã, đồng thời cho thành lập ban ám sát để trừng trị những tên ác ôn (nhưng điểm này đồng chí Song Hào không chấp thuận).

        Đầu tháng 5 năm 1945, được biết bốt gác đầu cầu Chả bến ô tô thị xã Tuyên Quang thường có 5 tay súng bảo an, bọn này hay tập trung đánh bạc trong bốt. Tôi lập kế hoạch kỳ tập; chuẩn bị chu đáo vũ khí, dụng cụ xong. Chừng 20 giờ ngày 12 tháng 5, chúng tôi tập kết tại phố Cô Đầu phổ biến kế hoạch, đứng ngay trên đường phố như đi chơi vậy.

        Nhưng khi chúng tôi tiến xuống đến cây si (cạnh nhà đồng chí Triệu) trinh sát lại thì thấy tên Thiện, một trong những tên bảo an mà tôi biết, bắc ghế nằm ngang trước cửa bốt. Nhớ lại có thể tên Thiện đã lướt qua chỗ chúng tôi tại phố Cô Đầu. Tôi tính nếu cứ đánh thì phải bắn thằng này (dù nó vô tình hay cố ý) và tôi quyết định rút quân, thứ tự từng người một. Đồng chí Giáp, đồng chí Thế Vinh, đồng chí Tân Bần lần lượt rút êm qua cầu Chả về căn cứ An khang nơi đóng quân.

        Tập hợp tất cả các đồng chí, tôi nhắc lại nhiệm vụ trước mắt, điểm lại lực lượng và trang bị có một trung liên, một tiểu liên, tám khẩu súng trường và một số gươm, lựu đạn, dao găm, ống nhòm; anh em đã từng luyện tập ít cũng 20 ngày, nay phải xuất quân đánh 1 trận. Mặt khác tên Thiện đã lướt qua chỗ chúng tôi đang lúc chúng tôi phổ biến kế hoạch ngay trên đường phố, tôi đoán có thể kế hoạch của chúng tôi đã bị lộ, mai mốt chúng sẽ tăng cường phòng bị hơn thì khó mà diệt; có nhiều khả năng là địch ở bốt số 4 sẽ rút để tránh bị tiêu diệt.

        Tôi để trung liên lại, có đồng chí Lễ ở nhà còn kéo quân đi toàn bộ; gồm tôi, đồng chí Trịnh Nam, đồng chí Hoàng Giáp, Thế Vinh, Tân Bần, Đào Hồng, Quý Sơn, Sung và Mùi, tất cả chín người. Đồng chí Sung đi trước theo đường bờ sông ngược lên đến cửa ngòi, đi tiếp theo đường bờ ngòi tiến vào cầu Móc Dăng (toàn đường to) rồi xuôi theo đường số 2. Dưới ánh trăng mờ chúng tôi hành quân theo đội hình hai hàng dọc hai bên vệ đường (như đã từng luyện tập)

        Vào khoảng 21 giờ chúng tôi đến dốc Đỏ, bỗng nghe những tiếng đập "phành phành" ở phía trước. Chúng tôi tản ra theo đội hình chiến thuật; nghe ngóng một lát, tôi bảo đồng chí Sung bỏ vũ khí lại tiến lên trinh sát. Lát sau Sung về kể lại, đó là một cái ô tô nhỏ bị hỏng lốp đang chữa. Tôi hỏi địch đóng ở đâu? Đồng chí ấy nói đi qua chỗ địch đóng rồi và tả lại căn nhà dưới chân đồi nhà chủ Thịnh (quản lý đồn điền Mông Ba Da).

        Nhóm hội ý thật nhanh, thống nhất kế hoạch và hành quân quay lại, đến cách ngôi nhà đó chừng 500 mét, chúng tôi sẽ xuống đồng (đất khô), thấy trong nhà đèn sáng choang và chúng đang sát phạt nhau. Chúng tôi bò qua đường. Tôi liền ra lệnh "xung phong" và vọt lên trước tiên, nhảy qua đầu tên lính vừa gác ngang cây súng lên bạo cửa. Tôi quát "Tất cả giơ tay lên", đồng thời lên cò tiểu hên. Xưng danh Quân giải phóng Việt Nam, tôi tuyên bố Quân giải phóng không có ý giết bọn họ. Ngay lập tức đồng đội cùng vào đã tước hoàn toàn 12 khẩu súng của bọn chúng, bố trí canh gác và cảnh giới ngoài đường cái. Tên cai Chẩn chỉ kịp xé toạc cái băng bảo an đeo nơi tay áo; có lẽ do quá sợ vì nó là chỉ huy.

        Tôi nói vắn tắt về chính sách khoan dung của Việt Minh và những điều tôi đã tiếp nhận của cấp trên để họ yên tâm. Họ pha nước mời uống; qua họ tôi biết được cái ô tô đó là của Trịnh Văn Văn ở Yên Bình sang (lái và phụ xe là cơ sở của tôi tại phủ Yên Bình) trên xe có tên lục sự có súng ngắn; hắn sang lĩnh lương và quần áo cho bảo an bên đó. Tôi rất tiếc vì trên xe đồng chí Văn và phó Năm có súng tiểu liên nhưng nghĩ họ đâu có dám giết tên lục sự và thoát được đi đâu trong khi không có liên lạc.

        Theo yêu cầu của bọn bảo an, tôi cấp tiền cho họ về quê và hứa sẽ bắn ít phát súng chỉ thiên cho có tiếng nổ làm cớ cho họ nói với tuần phủ Dương Quý Liên.

        Trừ anh Ấm xin theo, trở thành một đội viên của đơn vị, chúng tôi rút quân. Đến ki-lô-mét số 5 tôi cho mỗi đồng chí bắn ba phát chỉ thiên rồi theo đường đi Bình Ca trở về căn cứ chiến khu, lòng vui khôn tả vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:42 pm »


BỘ ĐỘI VIỆT - MỸ

NGỌC AN         

        Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, lợi dụng cơ hội Pháp thua Đức (6-1940), phát xít Nhật bắt đầu thực hiện kế hoạch xâm lấn Đông Dương. Tháng 9 năm 1940, quân đội Nhật từ miền Nam Trung Quốc vượt biên giới, xâm chiếm Đông Dương. Thực dân Pháp ở Đông Dương đầu hàng phát xít Nhật. Từ đó, máy bay Đồng Minh thỉnh thoảng bay trinh sát và ném bom xuống một vài thành phố, đô thị Việt Nam.

        Cuối năm 1944, một máy bay của không quân Mỹ bay trên bầu trời Cao Bằng bị hỏng máy. Người lái phải nhảy dù xuống một vùng núi gần tỉnh ly Cao Bằng và được Việt Minh cứu đưa về căn cứ cách mạng. Quân Nhật cấp tốc cho người đến chiếm chiếc máy bay rơi và ra sức lùng sục tìm bắt phi công Mỹ. Không tìm bắt được. Nhặt buộc tội Pháp để cho phi công trốn thoát.

        Từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Đảng ta coi phong trào cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới, đứng hẳn về phe chống phát xít xâm lược. Vì vậy, Đảng ta chủ trương giúp đỡ và cùng Đồng Minh đánh phát xít Nhật ở Đông Dương. Nhiều cán bộ của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã liên lạc được với tù binh Đồng Minh bị Nhật giam giữ ở Việt Nam. Nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên hai bên không thảo luận được với nhau, thành ra việc giúp đỡ số tù binh Đồng Minh này không tiến triển được. (Tù binh Đồng Minh bị Nhật bắt được ở các nơi khác đưa về giam giữ ở Sài Gòn, trong hai trại (trại Pô-ét (Poet) và trại 5E), gồm có: 2.314 người Anh, 1.756 người Hà Lan, 256 người Ốt-xtrây-li-a, 214 người Mỹ; ở Gia Lâm (Hà Nội) có 287 người, phần lớn là lính Ấn Độ. Theo Pát-ti (Patty) trong cuốn Tại sao Việt Nam? (Why Viet-nam?). Trường Đại học Caliphoócnia Béccơlây (California Berkley) Lốt Ănggiơlét - Luân Đôn (Los Angeles - Lon don) xuất bản. 1980, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng .)

        Riêng về trường hợp phi công Mỹ nhảy dù - trung uý Sô (Shaw), ta tổ chức đưa về Trung Quốc, vì Sô thuộc lực lượng không quân Mỹ đóng ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc).

        Nhật và Pháp rải quân bao vây chặt biên giới Việt - Trung hứa thưởng tiền và muối cho người nào bắt được và dọa trừng phạt nặng những người giúp đỡ người Mỹ này.

        Trước tình hình Nhật, Pháp vây bắt, lùng sục dữ như vậy để bảo đảm an toàn, các đồng chí của ta đã phải khá công phu mới đưa Sô đến được địa điểm quy định. Từ căn cứ cách mạng ở gần tỉnh lỵ Cao Bằng đến biên giới Việt - Trung, phải mất gần một tháng sau, Sô mới vượt được quãng đường gần 60 ki-lô-mét.

        Đến biên giới Việt - Trung, Sô được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau gần một tháng không chuyện trò được với ai, chỉ ra hiệu với những người giúp đỡ đưa đi, nên khi gặp Bác Hồ, Người biết nói tiếng Anh, Sô rất phấn khởi. Được gặp Bác Hồ, được nói chuyện với Người, Sô đã đề nghị Bác cùng đi đến Bộ tư lệnh không quân Mỹ ở Côn Minh.

        Lúc này, Bác cần gặp một số cán bộ của ta ở Côn Minh nên đã vui lòng nhận cùng đi. Hai người cùng đi với nhau năm ngày trên đất Trung Quốc. Sau đó thì chia tay nhau. Mười ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Côn Minh thì được biết Sô đã về Mỹ. (Sô được máy bay đón nên về Côn Minh trước).

        Những người Mỹ ở Côn Minh lúc này đang giúp Tưởng Giới Thạch chống Nhật. Họ đến gặp Bác để cám ơn đã giúp đỡ Sô và tặng những người cách mạng Việt Nam một số tiền và thuốc men. Bác nhận thuốc men nhưng không nhận tiền.

        Sau đó, Bác gặp tướng Sê-nôn (Chennault), tổng tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc. Tướng Sê-nôn hỏi Bác: Việt Minh có vui lòng giúp đỡ, tổ chức cứu những phi công Đồng Minh bị rơi ở Đông Dương không?

        Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Sê-nôn biết: Những người cách mạng Việt Nam giúp đỡ Đồng Minh để cùng nhau chống phát xít.

        Trung uý Phen (C.Fenn) được tướng Sê-nôn giao nhiệm vụ liên lạc với ta để tổ chức cứu giúp phi công Mỹ bị rơi ở Việt Nam. Về phía ta, Bác cũng đề nghị Đồng Minh giúp đỡ cách mạng Việt Nam đánh phát xít Nhật. Họ cũng đã nhận lời.

        Xuất phát từ chính sách thực dân kiểu mới, khi Đông Dương bị Nhật xâm lược, đế quốc Mỹ đã không giúp Pháp chống Nhật và dự định sau khi Đồng Minh chiến thắng sẽ biến Đông Dương thành một khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

        Vì vậy ít lâu sau, ngày 16 tháng 7 năm 1945, họ đã cho một nhóm sĩ quan tình báo nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc để tổ chức cứu giúp phi công Đồng Minh bị rơi và giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Toán đầu tiên, toán "Con nai” thuộc lực lượng OSS (office of stratégi Services (cơ quan tình báo Mỹ).) do thiếu tá Tô-mát (Thomas) chỉ huy, nhảy dù xuống địa phận xã Kim Lung cách Tuyên Quang 20 dặm về phía đông. Trong toán có hai binh nhất người Mỹ, một trung uý người Pháp là Mông-pho (Monfort) và hai hạ sĩ quan người Việt Nam trong quân đội Pháp. Trung úy Pháp và hai hạ sĩ quan người Việt Nam thuộc phái đoàn 5 (5e Mission) - một tổ chức tình báo của Pháp ở Côn Minh. Viên trung uý người Pháp và hai tên người Việt bị ta phát hiện và yêu cầu phía Mỹ trả họ về Trung Quốc.

        Sau khi nhảy dù trót lọt toán thứ nhất, tổ chức tình báo Mỹ đã cho nhảy dù toán thứ hai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:58 pm »


        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn người trong các đơn vị Giải phóng quân để tổ chức một đơn vị gọi là Bộ đội Việt Mỹ. Đại đội Việt - Mỹ do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy quân số khoảng gần 200 người. Đại đội không có chính trị viên. Thiếu tá Tô-mát, toán trưởng toán "Con nai" coi là tham mưu trưởng đại đội. Trong gần một tháng ở chiến. khu Việt Bắc vùng Tuyên Quang) đội tập trung vào việc huấn luyện quân sự. Những sĩ quan: Ê-li-xơn K.Tô-mát, Rê-nơ Đề Phuốc-nô, Uy-li-am Den-xki, Lâu-ren-xô Vốt, A. Rôn-xquai-ơ, Pôn Hô-ê-gô-lan, Hen-ri Pruy-ni-ê... đã huấn luyện về vũ khí mới và chiến thuật du kích cho các chiến sĩ ta. Máy bay Mỹ có thả dù tiếp tế cho bộ đội Việt Mỹ một số vũ khí.

        Hiện nay, chúng tôi chưa sưu tầm và thống kê được số lượng và chủng loại vũ khí Mỹ đã tiếp tế và trang bị cho bộ đội Việt Mỹ. Nhưng căn cứ vào số vũ khí, trang bị của đại đội Việt Mỹ trong trận đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên (20-8-1945), gồm có 1 đại liên, 2 súng cối 60 ly, 4 khẩu ba-dô-ca, 8 trung liên bren-nơ, 20 tiểu liên tôm-sơn, 60 các-bin, 4 súng trường gióp 8 tự động, 20 súng ngắn côn-bát và một số ống nhòm, thì có thể ước đoán số lượng và chủng loại vũ khí Mỹ thả dù tiếp tế cho ta lúc đó, có lẽ cũng chỉ có như thế, hoặc nhiều hơn một ít.

        Mùa hè năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai đã đi vào giai đoạn cuối. Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Rạng sáng ngày 9 tháng 8 năm 1945, cuộc tiến công của Hồng quân Liên Xô vào đạo quân Quan Đông - đạo quân chiến lược hùng hậu của phát xít Nhật bắt đầu.

        Trước thời cơ lịch sử, ngày 12 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban lâm thời Khu giải phóng lệnh cho các đơn vị Giải phóng quân tiến công các đô thị và trọng trấn của quân địch... Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

        14 giờ ngày 16 tháng 8 năm 1945, đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân xuất phát từ Tân Trào (Tuyên Quang), tiến đánh quân Nhật và tay sai ở thị xã Thái Nguyên, Đại đội Việt - Mỹ do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy cũng được lệnh hành quân về tham gia đánh địch ở Thái Nguyên. Những người Mỹ trong toán "Con nai" cũng tham gia trận đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

        Ngày 20 tháng 8 năm 1945, 400 binh lính bảo an do quản Khiêm chỉ huy đầu hàng quân cách mạng. Ta thu được 600 súng trường và một số súng máy.

        Với số súng đạn này, ta nhanh chóng tổ chức thêm một chi đội mới. Đại đội Việt - Mỹ được bổ sung thêm người, tổ chức thành chi đội 4 do đồng chí Đàm Quang Trung làm chi đội trưởng. Thiếu tá Tô-mát vẫn tự xem là tham mưu trưởng chi đội.

        Quân Nhật ở trong đồn vẫn tiếp tục chống cự. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 20 tháng 8 năm 1945, Bộ chỉ huy Quân giải phóng gửi tối hậu thư cho viên quan tư chỉ huy Nhật đòi chúng phải đầu hàng. Trong tối hậu thư có đoạn viết: Chúng tôi là đội Quân giải phóng Việt Nam và bộ đội Việt Mỹ do đoàn thể Việt Minh lãnh đạo, hôm nay đã đến đây và đã bao vây. Chúng tôi yêu cầu các anh em nhận những điều kiện này..." (Tối hậu thư ký tên Văn tức đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.).

        Để tăng thêm thanh thế của Quân giải phóng Việt Nam cùng Đồng Minh hiệp đồng chiến đấu, cũng có một tối hậu thư bằng tiếng Anh do thiếu tá Tô-mát ký, gửi quân Nhật yêu cầu đầu hàng.

        Chi đội 4 vừa thành lập xong thì được lệnh của đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa một trung đội quay lại Tân Trào đón Bác về Hà Nội, để lại một đại đội tiếp tục đánh Nhật ở Thái Nguyên, còn hai đại đội cấp tốc hành quân về Hà Nội. Những người Mỹ trong toán "Con nai" không cùng hành quân với chi đội 4 về Hà Nội. 

        Ngày 16 tháng 9 năm 1945, thiếu tá Tô-mát và những sĩ quan tình báo trong toán "Con nai" chấm dứt nhiệm vụ của họ ở Hà Nội. Và đến đây, bộ đội Việt - Mỹ cũng không tồn tại nữa. Chi đội 4 được bổ sung thêm 200 tự vệ chiến đấu Hà Nội là lực lượng nòng cốt, cùng với các chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu (Hà Nội), bảo vệ chính quyền cách mạng. 

        Như vậy, nếu tính từ cuối tháng 7 năm 1945 đến ngày 9 tháng 9 năm 1945 thì bộ đội Việt - Mỹ tồn tại trong khoảng 50 ngày.

        Những người Mỹ nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc ngày 16 tháng 7 năm 1945 là những sĩ quan tình báo của OSS. Họ đến chủ yếu là nhằm mục đích nắm tình hình quân Nhật ở Đông Dương và lực lượng cách mạng Việt Nam để phục vụ cho mưu đồ của Mỹ sau này.

        Về phía ta, việc giúp đỡ Đồng Minh là nhiệm vụ chung chống phát xít Nhật và cũng nhằm tranh thủ viện trợ vũ khí của Đồng Minh để đánh Nhật.

        Bộ đội Việt - Mỹ là như thế. Mối quan hệ Việt - Mỹ cũng chỉ giới hạn đến đó. Trong bộ phim Việt Nam, một thiên lịch sử truyền hình có nói đến bộ đội Việt - Mỹ. Song chưa nói sự giúp đỡ dè dặt của Mỹ với Việt Minh lúc bấy giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:07 pm »


NHŨNG THÁNG ĐẦU NĂM ẤT DẬU 1945

NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG         

        Từ sau cái đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật ở đâu kéo về lắm thế. Tỉnh lỵ Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, cầu Gia Bảy, dọc đường cái quan đâu cũng lố nhố những bộ đồng phục màu cứt ngựa, quần lửng quá gối, áo thùng hở nách, ống tay quá khuỷu, lủng lẳng bên hông thanh kiếm. Rất ít người đeo lon, chẳng rõ có phải lính cả không nhưng hết thảy đều trọc lóc, mặt cứ lầm lầm chỉ vẫy tay ra hiệu, buông thõng cụt lủn tiếng "giô-tô" hoặc "giô-tô nay" (Tiếng Nhật: "tốt", "không tốt").

        Họ đi lại hăng lắm, sục vào các xóm làng bên đường, sĩ quan gọi lý hương tụ họp dân nghe tuyên cáo, rồi căng lên khúc vải trắng hoặc đỏ viết dòng chữ Nhật ở dưới viết chữ quốc ngữ “Đại Đông Á Muôn Năm!". Tây đã hết tiệt. Riêng ở mỏ Y-von (mỏ sắt Trại Cau) vẫn còn tên chủ mỏ Rít-si-ê cùng tốp tây đen cai quản làm ăn. Hệ thống kè sông đào vẫn hoạt động. Nhật đã nắm lính khố xanh chốt ở các kè cống và hàng ngày đến kiểm tra ...

        Đây là những tin thu lượm được chuẩn bị để báo cáo "đoàn thể" khi tôi đang là nhân viên điện thoại đập Ta-cun. Vừa sẩm tối, giao "ca" trực máy xong, tôi định đến điểm hẹn theo quy ước thì ông Sáu "thầy thuốc" đeo túi bước vào hỏi to:

        - Cậu Nhàn có đây không?.

        - Dạ có. Tôi bước vội ra.

        Ra ngõ gặp gái mà lại may - ông Sáu cười khà khà. Cậu hết trực chưa? Trời tối quá, tính nhờ cậu chiếc đèn pin vào xóm một lúc.

        - Dạ được.

        - Cái nghề chữa bệnh nó thế. Phiền cậu nhé!

        Tôi hiểu ông Sáu đến lúc này chắc có chuyện, liền lẳng lặng lấy đèn ra đường. Ông Sáu bước theo. Đi được một quãng, ông khẽ giật tay tôi:

        - Đoàn thể chỉ thị phải nắm chắc sự đi lại của Nhật từ đây xuống mỏ Y-von vào giờ nào hàng ngày? Theo dõi liền một tuần.

        - Vâng. Tôi phải đến đâu báo cáo?

        - Cứ ở đây. Tôi sẽ đến gặp cậu.

        Từ khi Nhật cai quản, các kê phải chịu trách nhiệm về việc tàu thuyền đi lại trên sông đào, nhất là bến cảng mỏ sắt hàng ngày phải báo cáo về Ta-cun để tổng hợp trình lên quan binh Nhật. Cái lệnh khắc nghiệt ấy không ngờ lúc này lại trở thành thuận lợi cho nhiệm vụ "đoàn thể" giao cho tôi.

        Hơn tuần sau ông Sáu lại đến. Tôi báo cáo cặn kẽ mọi động tĩnh từng ngày của Nhật và lính khố xanh. Nghe xong, ông Sáu khẽ nói.

        - Ngày này tuần sau cậu kiếm cớ xin nghỉ, vào "C.K" (C.K: Chiến khu), gặp thượng cấp.

        - Đến đâu, anh? 

        - Xuống Đá Gân sẽ có người đón.

        Một tuần trôi chậm rì.

        Đúng ngày, tôi đến điểm hẹn. Bác Năm là cơ sở của ông Sáu. Vừa thấy tôi, bác liền kéo ngay vào bếp đã sẵn rổ khoai luộc với ấm chè tươi. Bác rỉ tai:

        - Cậu ngồi xuống, bóc khoai ăn đi. Bác chỉ tay lên ngôi nhà bên sườn đồi - tụi lính đang sát phạt nhau.

        Lúc sau, ông Sáu lách tấm liếp che cửa cùng một người dỏng cao vận quần áo như mấy bác phu kè bước vào. Bác Năm kéo khúc gỗ, hai người ngồi xuống quanh rổ khoai.

        Ông Sáu vỗ vỗ tay tôi, nói nhỏ:

        - Báo cáo đồng chí Cửu! Đây là cậu Nhàn cơ sở của ta ở Thác Huống về báo cáo tình hình.

        - Đồng chí nói rõ thêm hoạt động của địch mấy ngày gần đây.

        Tôi nói tỉ mỉ những điều mắt thấy, tai nghe qua các nguồn tin, rồi quả quyết:

        - Tôi theo dõi liên tục đều thấy những ngày thứ bảy, chủ nhật, tụi sĩ quan nghỉ ăn chơi, quân lính lo bảo vệ tỉnh lỵ nên chúng không xuống mỏ.

        - Nó có gọi điện xuống mỏ được không?

        - Được ạ. Trước kia đường dây điện thoại từ mỏ thông lên tỉnh đã bị hỏng trong cuộc Nhật đảo chính, nay phải nói qua tổng đài Ta-cun.

        Đồng chí Cửu suy nghĩ một lát rồi hỏi:

        - Làm chúng không thông với nhau được chứ? 

        - Được ạ.

        - Sao cho khỏi lộ?

        - Khi cần cắt dây ở xa, không thể phát hiện ngay được.

        - Còn ở đây? Đồng chí Cửu nhìn ông Sáu.

        - Bác Năm đã vỡ đất trồng sắn lấp đường mòn đi tắt và đến lúc đó sẽ cắt dây cho phà trôi khỏi bến mỏ. Hai mắt đồng chí Cửu nhấp nhánh lộ vẻ phấn khởi, nắm cánh tay tôi rung rung.

        - Đồng chí nắm tình hình tốt. Khi nào có tín hiệu thì hành động ngay.

        - Còn tôi?

        - Đã báo cáo thượng cấp rồi. Xong việc đồng chí đi luôn.

        Theo đúng kế hoạch ông Sáu giao, tôi làm xong mọi việc rồi đi một mạch vào mỏ sắt. Đến nơi, mảnh trăng non vừa nhô khỏi đầu núi.

        - Nhàn hử?

        - Vâng! - Tôi nhận ra Quý khẽ hỏi - ông Sáu đâu?

        - Cùng hai đồng chí Cao, Nùng xuống khu văn phòng mỏ rồi. 

        - Nhỡ lộ thì sao?

        - Lộ sao được. Trước kia ông Sáu là anh-phiếc-mê-sếp (lnfirmier chef: y tá trưởng.) của mỏ vẫn thường qua lại với đám cai ký, còn mấy anh người Trại Cau thường mang hàng ra mỏ bán. Người ta quen rồi.

        - Ông Sáu dặn tôi phải vào đây ngay. 

        - Đồng chí Cát Lượng (Anh Quốc Vinh (Cục trưởng Chính trị Quân khu 1, đã mất).) đang chờ đấy. Theo tôi.

        Qua đoạn đường rừng ngoằn ngoèo đến ngôi nhà khá to, tường đất bao quanh. Chính gian giữa, chiếc đèn ba dây toả sáng vàng rực. Quý để tôi đứng chờ, anh bước vào một chút rồi quay ra, vẫy gọi.   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:28 pm »


        Một người to đậm chắc nịch, vận quần áo chàm, thắt lưng to bản, đi ghệt da đứng trên thềm. Tôi vừa bước tới, người ấy đưa mạnh nắm tay phải lên mang tai. Tôi vội làm theo, bụng hồi hộp "Đồng chí này chắc là chỉ huy. Sao lại chào mình trước"'.

        - Đồng chí Nhàn à? Tôi là Cát Lượng.

        - Vâng ạ? Xin chào đồng chí!

        - Cách mạng đừng vâng dạ thế. Chuyện đó nói sau. Bây giờ đồng chí báo cáo mọi việc mới giao.

        - Báo cáo đồng chí! Tin chắc chắn ở Thái Nguyên, bọn quan tư lệnh Nhật về Hà Nội lo thu xếp lễ thành lập nội các Trần Trọng Kim. (17-4-1945)

        Mấy ngày nay chúng lo canh phòng tỉnh lỵ không có kế hoạch xuống mỏ. Các đội lính khố xanh ở các kè được dịp túm tụm uống rượu, đánh bạc.

        - Nếu bị đánh, tây mỏ có báo Nhật được không?

        - Điện thoại đã bị cắt, đường bộ phải qua sông, lúc này bác Năm tháo phà trôi xuống hạ lưu rồi.

        - Tốt! Cát Lượng ngúc mạnh - Ta hành động. Đồng chí biết cưỡi ngựa chứ? Đi với tôi cùng bốn đồng chí. Toàn đội đi tàu hoả, đồng chí Quý dẫn đột nhập bắt bọn cảnh sát và tay sai Nhật. Tên nào chống cự... Đôi lông mày anh xếch ngược - bắn ngay!

        Tôi hơi rợn người, nhưng da mặt cũng nóng lên như sắp xung trận. Chúng tôi ra sân. Sáu con ngựa đã sẵn yên cương. Nhờ được cưỡi con ngựa hiền, nước đại khá êm, tôi theo kịp đoàn, dẫn thẳng vào khu văn phòng mỏ.

        Ông Sáu với năm đồng chí xuống trước đóng giả con bạc sẵn trong sòng xóc đĩa tại nhà đám tây đen. Thoáng nghe vó ngựa dồn dập, các đồng chí bật dậy rút súng bắt tất cả ngồi im. Ông Sáu đón chúng tôi đến ngay nhà chủ mỏ. Vừa lúc đoàn tàu chở Quân giải phóng tới đích kéo hồi còi dài vang rền khắp bến cảng. Nguyễn Quý dẫn toàn đội toả ra chiếm giữ các điểm, bao vây nhà đội cảnh sát và toán lính do Nhật phái xuống.

        Sự việc diễn ra quá nhanh địch không kịp trở tay. Chỉ một tên mật vụ liều mạng vọt qua cửa sổ liền bị tổ phục kích phóng dao quật ngã.

        Viên chủ mỏ tây xanh mặt, giơ hai tay run rẩy, lắp bắp không thành lời.

        Đồng chí Cát Lượng dịu giọng (ông Sáu dịch):

        - Ông bỏ tay xuống, nghe đây. Quân cách mạng chỉ tước đoạt những thứ của đế quốc thực dân, không lấy gì của các ông, cũng không giết ông nếu thực hiện đúng các điều...

        Viên chủ mỏ gật lia lịa, xin phép gọi thư ký đến ghi những việc phải làm. Nửa giờ sau, chúng đã tập trung mọi thứ. Toàn bộ vũ khí, kíp mìn, tiền mặt của mỏ, bản khai số gạo tồn kho và năm con ngựa. Ta thu toàn bộ vũ khí và ngựa, còn gạo tiền phát hết cho công nhân viên chức.

        Cuộc mít tinh được triệu tập ngay. Dân vùng mỏ vốn đã nghe đồn về Mặt trận Việt Minh, ai cũng ngóng chờ một sự đổi đời. Họ đã cảm thấy chuyện gì đang xảy ra từ lúc nghe tiếng còi tàu hoả rúc bất thường, tiếng vó ngựa phi rầm rập. Lúc này vừa dứt tiếng loa, mọi gia đình đều lục tục kéo đến.

        Đồng chí Cát Lượng đứng trên chiếc bàn giữa bãi trống, cất giọng trầm vang chào đồng bào, chào anh chị em cùng giai cấp cần lao...

        Mấy trăm lồng ngực nén thở lặng đi, lần đầu tiên được nghe gọi mình là đồng bào. Tất cả đều ngước mắt chằm chằm vào gương mặt vuông vức của người đang nói rành rọt tội ác đế quốc Pháp, sự tàn bạo đến man rợ của phát xít Nhật... Ai cũng nuốt từng lời cách mạng kêu gọi đồng bào đứng lên ủng hộ Việt Minh đánh đuổi Nhật, giành độc lập tự do, mọi người đều bình đẳng thoát cuộc đời trâu ngựa, hết cảnh giàu nghèo khác biệt... Không còn các quan, các thầy lý, thầy chánh ăn cắp, ăn cướp, hà hiếp dân nữa.

        Trong đám đông bật lên tiếng hít hà:

        - Ôi! nghe mới sướng làm sao! Thật thế thì có chết cho cách mạng cũng không hận...".

        Nhưng đây đó cũng thảng thốt.

        - Giờ nói tốt vậy, biết đâu sau này?...". '

        - Sức vậy mà đánh đuổi Nhật được ư...".

        Tôi thì chẳng hoài nghi gì. Có lẽ tôi còn ngây thơ dễ sùng tín như ngày ở trường thắc thỏm nghe bốn tiếng "Quốc tế đệ tam" đã mừng run. Cũng có lẽ tôi vẫn nhớ câu “vận hội" của cha tôi với lời "sấm truyền"... Lẽ nào tôi vẫn tin, vì tôi đã mang trong mình lúc lên đường ngày sinh của mẹ cho. Bất giác tôi ngoảnh nhìn khẩu súng đeo vai vừa được phát và cười với mình "lại đúng năm Dậu nữa chứ?" (Tôi sinh năm 1921, Tân Dậu. Tôi thoát ly năm 1945 Ất Dậu.)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:18:12 pm »


ĐÊM CHUẨN BỊ CHO TỔNG KHỞI NGHĨA

DU PHONG         

        Ông Ké? Ông Ké đến? Ba nữ dân quân Tân Trào reo lên trong lúc chúng tôi đang say sưa cưa đục làm bàn ghế bằng tre, nứa và trang trí đình Tân Trào làm địa điểm họp Đại hội Quốc dân Đại biểu toàn quốc mà anh Văn giao nhiệm vụ cho tôi được phụ trách gồm: gian phải đình làm phòng họp, gian trái làm phòng ăn, uống nước; bệ cuối gian giữa dùng triển lãm, dựng thêm một gian bếp bằng tre nứa cạnh đình phía trái làm nơi đun nấu.

        Ông Ké bước vào đình, đi sau là anh Văn, lúc này khoảng 4 giờ chiều ngày 13 tháng 8 năm 1945. Sau khi đi xem một lượt, ông Ké dừng lại phòng họp nói: "Các cô chú dự kiến mấy người trong Chủ tịch đoàn? Ba thì rộng, năm thì chật, nên dùng một đoạn bương dài đẫy gian (chiều ngang) thì ba hay bảy ngồi vẫn thoải mái". Ông Ké sang phòng ăn nhắc nên bỏ hết ghế cho rộng, cần bàn thì đứng ăn hay uống đều tốt. Đến bệ bày triển lãm ông Ké lại chỉ dẫn: "Nên sắp xếp lại sách báo và vũ khí lấy được của địch theo từng chiến khu”.

        Thấy ông Ké đang ốm vẫn lo việc chuẩn bị nơi họp Đại hội, chúng tôi cũng bảo nhau làm cho tốt, cho nhanh. Ông Ké ngồi cạnh sàn đình trao đổi với anh Văn, luôn nở nụ cười tươi sáng, chúng tôi thầm đoán với nhau: đang có việc gì mới tốt đẹp lắm đấy.

        Một nữ dân quân nhanh tay lấy dao phạt khúc nứa ngộ tươi đổ nước vào, vò nắm lá vối vừa hái trên cây, bên bờ suối trước cửa đình đưa vào bếp, thoáng cái đã có bát nước vối nóng bưng lên đình mời ông Ké và anh Văn. Thấy ông Ké cầm bát nước vối nóng uống một hơi, chúng tôi cảm nhận như được ấm lòng vì thấy Cụ bớt mệt.

        Anh Văn quay lại hỏi tôi: Du Phong có muốn về Hà Nội không? Tôi xúc động mừng quá, chỉ kịp thưa: Có ạ? Thế Du Phong chuẩn bị về ngay.

        Tôi liền bàn giao những việc còn lại cho các nữ dân quân Tân Trào, tôi đưa ông Tô-mát về trường và mời anh Quang Trung về ngay gặp anh Văn. Cùng lúc hai đồng chí dân quân đã đến mời Cụ về lán. Cụ ngồi lên chiếc ghế có tựa lưng, dưới mặt ghế buộc hai ống tre đủ dài để khiêng.

        Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi cũng tự hào được vinh dự có mặt phục vụ trong lúc ông Ké đang ốm. ông Ké làm việc với anh Văn chỉ trong 20 - 30 phút tại đình Tân Trào để anh Văn chủ trì triển khai kế hoạch cho Tổng khởi nghĩa. Đêm hôm đó có thêm anh Trần Huy Liệu cùng làm việc với anh Văn.

        Tôi đánh máy từ đấy cho đến sáng, một đêm thức trắng vẫn tỉnh táo. Anh Văn và đồng chí Trần Huy Liệu soạn thảo đến đâu, báo cáo ông Ké thông qua, là đánh máy liền thành nhiều tập để phân phát cho các địa phương trong toàn quốc như Mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa, Quân lệnh số 1... (những bản này vẫn trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng) .

        Khoảng 3 giờ sáng ngày 14 tháng 8 năm 1945 anh Văn báo cho tôi là được đi theo làm Thư ký Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc mà anh là Chủ tịch. Tôi mừng quá nắm chặt tay anh Văn hỏi lại: "Anh ạ, bản đồ mang theo là những đâu?".

        Anh Văn cười nói: "Cứ sang cùng chị Chi (đồng chí Minh Châu) đang soạn từ Tân Trào về thị xã Thái Nguyên, về Hà Nội, vào Huế, Sài gòn, đến Cà Mau theo đường quốc lộ".

        Thế là tôi lưng đeo máy chữ, tập bản đồ, tay sách cặp tài liệu của anh Văn đứng trong hàng ngũ đoàn Giải phóng quân dự lễ xuất phát từ cây đa Tân Trào. Tôi được đồng chí Lý trao cho khẩu súng lục, nhận lại khẩu súng trường mà tôi vẫn giữ gìn để đứng gác hàng đêm ở cơ quan tại Tân Trào. Cùng lúc tôi được kiêm nhiệm giúp việc anh Lâm, anh Quang Trung về Văn phòng kế hoạch tham mưu.

        Thế là chúng tôi được tiến quân về giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:19:12 pm »


QUÂN GIẢI PHÓNG TIẾN VỀ THỦ ĐÔ HÀ NỘI

TRẦN CƯ         

        Gần đây, nghiên cứu thêm nhiều bài viết mà các tác giả Pháp, Mỹ, Trung Quốc ghi lại những tấm lòng của Bác Hồ gặp gỡ các sĩ quan và tổ chức Mỹ ở Trung Quốc trước Cách mạng tháng Tám, chúng tôi thấy nổi lên rất rõ sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ lúc bấy giờ về sách lược tranh thủ các lực lượng Đồng Minh để ủng hộ Việt Minh, đặc biệt là Mỹ, nhằm giúp cho Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi nhanh chóng.

        Tình hình vắn tắt những ngày đầu tháng 8 năm 1945 là cả hai lực lượng Đồng Minh được phân công vào giải giáp quân Nhật đã đầu hàng ở Việt Nam (phía Bắc vĩ tuyến 16 là quân Tưởng, phía Nam là quân Anh) đều đến Hà Nội chậm và rất cay cú vì Việt Minh đã nhanh tay làm Cách mạng tháng Tám, làm chủ Hà Nội mất rồi.

        Như vậy là Việt Minh đã cùng toàn thể nhân dân Việt Nam thực hiện xuất sắc nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng (họp ở Tân Trào ngày 13 - 15 tháng 8 năm 1945) chủ trương: Lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí Nhật trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai Nhật; đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng Minh vào giải ngũ quân Nhật trên đất Đông Dương".

        Để tìm hiểu vấn đề này, tôi đã gặp nói chuyện với đồng chí Đàm Quang Trung - người chỉ huy bộ đội Việt - Mỹ lúc bấy giờ.

        Sau đây là những điểm chính trong cuộc chuyện trò giữa chúng tôi về vấn đề ấy. Tôi hỏi:

        - Xin anh cho biết nguồn gốc của bộ đội Việt - Mỹ có từ bao giờ và đã hoạt động như thế nào ở chiến khu trước khi về Hà Nội.

        Đồng chí Quang Trung nói:

        - Do Bác Hồ đã bàn với tướng không quân Mỹ là Sen-nô ở Côn Minh trước đó ít lâu về việc Việt Minh và Mỹ sẽ giúp nhau trong công cuộc chống phát xít Nhật ở Việt Nam, Mỹ sẽ cho một số chuyên viên nhảy dù xuống chiến khu của ta. Tôi được lệnh chuẩn bị đón tiếp vào ngày 16 tháng 7 năm 1945. Địa điểm nhảy dù được chọn là một triền ruộng phẳng ngay xế cây đa Tân Trào lịch sử, cách độ 200 mét về phía Đông Nam. Trên một thửa ruộng có căng một chiếc dù đỏ để làm đích nhảy, anh Lê Giản còn hướng dẫn chúng tôi cả nghi thức đón tiếp cho long trọng. Đặc biệt, anh dạy chúng tôi hô cả mấy câu: "Híp, híp, hu-ra...aaa!" cho thật hùng dũng. Đơn vị tôi dàn thành hàng ngang để đón tiếp.

        Đến hơn 14 giờ, một chiếc máy bay xuất hiện lượn quanh cây đa một vòng và sáu cái dù tung ra lơ lửng rơi xuống. Có ba cái vướng vào cành đa. ĐÓ là Tô-mát với hai anh lính Mỹ bị treo lủng lẳng trên cành đa. Chúng tôi ra giúp cho họ xuống. Có một dù rơi trúng cánh đồng căng dù đỏ. Anh ta nhanh nhẹn cởi bỏ dù, rút luôn hai khẩu súng lục lăm lăm cầm tay, rồi tiến về phía chúng tôi.

        - Hip, hip, hu...ra...a! Hip, hip hu...ra...a!

        Nghe tiếng hô, anh ta liền cất súng vào bao rồi tiến về phía chỗ đồng chí Định đứng ở mãi đầu hàng quân, chứ không đi về phía ban chỉ huy đứng nghênh tiếp. Rồi anh ta bắt tay đồng chí Định. Tôi nghĩ bụng: "Thằng này láo, chẳng theo nghi thức gì cả?".

        Sau buổi tiếp đón, đồng chí Định báo cáo ngay rằng hắn không phải là người Mỹ, mà là người Pháp, tên hắn là Mông-pho, quan một, đại đội phó đại đội 7 ở Cao Bằng, đơn vị cũ của Định hồi anh mang lon cai dưới quyền hắn. Mông-pho là một tên thực dân cáo già, nói sõi tiếng Việt, cả tiếng Tàu, lại biết ăn cả mắm tôm nữa đấy. Đi theo Mông-pho còn có hai người Việt. Xuống đây hắn bất ngờ gặp Định, nên tranh thủ anh, phải chăng hắn định lợi dụng tình thầy trò cũ để giữ bí mật tung tích cho hắn?

        Tôi vội ngắt:

        - Thế thì gay! Ta hẹn hợp tác với Mỹ để cùng giúp nhau đánh phát xít Nhật, chứ có hợp tác với thực dân Pháp đâu mà họ lại cho nhảy dù cả tây Mông-pho xuống ngay căn cứ địa bí mật của mình. Địa điểm Tân Trào này là theo lệnh Bác mới chọn, vừa mới dọn từ Pác Bó về chưa được bao lâu để tiện sự chỉ đạo phong trào trong nước và liên lạc với ngoài nước. Nếu lộ thì...

        - Đúng thế, cho nên khi phát hiện ra Mông-pho ta đã yêu cầu phía Mỹ trả ngay họ về Trung Quốc.

        Đồng chí Quang Trung kể tiếp:

        - Sau lễ đón tiếp, Tô-mát được dẫn lên chào Bác Hồ. Từ đó Tô-mát nhận việc huấn luyện cho đơn vị. Tô-mát người cao lớn, chừng trên dưới 30 tuổi, có hiểu biết cơ bản về công tác tham mưu và làm công tác này giỏi. Anh tự coi là tham mưu của đơn vị. Cách làm việc của anh là thảo đề án, làm tờ trình, nếu tôi đồng ý, thì ký vào để thực hiện. Anh không ra lệnh gì hết, mà đều tôn trọng lệnh của tôi, người chỉ huy đơn vị. Hồi đó, tôi còn rất trẻ, kém anh ta đến ba, bốn tuổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:19:31 pm »


        Tô-mát huấn luyện cho anh em đơn vị sử dụng các loại súng côn-bát, tôm-sơn, các-bin, ba-dô-ca... Người phiên dịch là anh Thái Bạch. Nhưng vì anh Bạch không có chuyên môn về vũ khí, cho nên gặp khó khăn, anh đã nhờ tôi giúp vì tôi đã tốt nghiệp môn này tại lớp lục quân bổ túc trường Tây Ban Cán ở Trung Quốc trước đây.

        Lớp học được gần một tháng thì tôi được giao nhiệm vụ hành quân lên Bắc Cạn, vắng độ mười ngày.

        Nhưng tình hình cách mạng phát triển dồn dập, khẩn trương. Chúng tôi được lệnh luồn về Thái Nguyên. Kế hoạch đánh thị xã được vạch ra tóm tắt như sau: bao vây, gọi hàng, buộc địch trao chính quyền cho Việt Minh.

        Anh Đàm Quang Trung kể tiếp về việc Quân giải phóng tiến về Hà Nội trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945:

        - Bao vây đến ngày thứ tư thì anh Văn về Hà Nội. Anh cũng chẳng kịp bàn giao gì cho tôi chỉ viết mấy chữ để lại, bảo rằng tôi sẽ là phụ trách quân sự cao nhất ở đây. Anh đặc biệt dặn làm mấy việc:

        Một là lấy ra một trung đội Quân giải phóng tin cẩn, trở lại Tân Trào đón Bác về xuôi. Anh dặn kỹ: Bác đang ốm mệt, phải chuẩn bị sẵn cả cáng để Bác dùng nếu cần. Đưa Bác về xuôi thì sẽ cho ô tô lên đón.

        Tôi giao việc đó cho anh Mã Thành Kính.

        Hai là để lại một đại đội tiếp tục bao vây thị xã Thái Nguyên. Việc này giao cho anh Lê Trung Đình.

        Anh còn dặn tôi trên đường hành quân, nhớ tránh khiêu khích đụng độ với quân Nhật. Sau đó, tôi chỉ huy tất cả bộ đội kéo về Hà Nội. Ở Hà Nội, ta đã giành được chính quyền từ ngày 19 tháng 8 năm 1945.

        Hôm sau, có nữ đồng chí đi xe đạp lên đón. Đó là chị Liên cán bộ của Vĩnh Phú.

        Chúng tôi về đến Gia Lâm thì mấy lính Nhật gác cầu Long Biên không cho qua. Bộ đội nghỉ tạm tại huyện Gia Lâm. Tôi tách ra về Hà Nội trước tìm gặp anh Văn ở Bắc Bộ phủ. Ở đó tôi còn gặp cả các anh Nguyễn Khang, Nguyễn Quyết và Vương Thừa Vũ.

        Anh Quyết thấy tôi trang bị toàn đồ Mỹ, nào côn-bát, poa-nha, ống nhòm, đèn pin, mũ cát... bèn reo lên:

        - Ôi! Oách quá! Thế tất cả anh em ở chiến khu đều ăn mặc như cậu à?

        - Đâu có? Chỉ có một số ít thế này thôi!

        Các anh cho biết quân Nhật yêu cầu quân ta vào Hà Nội phải mặc đồng phục thống nhất, để phân biệt với "quân phiến loạn" 

        Thế là có người phản đối:

        - Quân cách mạng có gì mặc nấy, không hình thức! Chỉ cốt không gây sự với nó để nó cút về cho sớm thôi.

        - Đồng phục tất cả à? Lấy đâu ra?

        Có anh góp ý:

        - Ta mới chiếm trại bảo an. Đề nghị anh Quyết ra lệnh lấy quần áo đồng phục trong kho bảo an binh cho anh em mặc tạm.

        Thế là lập tức hơn năm trăm bộ quần áo, cả giày, mũ, bít tất được chở ngay sang Gia Lâm, phát cho Quân giải phóng. Cứ giao thế, chẳng cần giấy tờ sổ sách gì hết.

        Khi nhận quân trang vẫn có người lên tiếng:

        - Quân cách mạng có gì mặc nấy, lại càng không nên mặc quần áo lính khố xanh.

        Tôi phải đả thông.

        - Quân chính quy nước nào cũng phải mặc đồng phục. Nay cách mạng còn nghèo, ta chưa may được thì chiếm của địch dùng tạm vậy. Vậy bất kể khố xanh, khố đỏ, khố vàng, quần áo của nó có cái gì không hợp thì cắt đi. Quân cách mạng lấy tinh thần làm chính.

        Vậy là anh em tạm đồng ý!

        Riêng món giày xăng-đá cũng có một lời khuyên: phải để anh em chọn giày cho vừa chân, phải đi cả bít tất kẻo nó cọ vào, sưng chân, đau lắm.

        Quả vậy. Chỉ hôm sau, nhiều cậu chân to như bàn cuốc cả đời đi đất có được xỏ chân giày dép bao giờ đâu, cho nên lộp cộp được một buổi là khập khiễng, phải cởi ra, vứt xó!

        Lại có ý kiến sẽ cho cả đội kèn quân nhạc, do đồng chí “Quản" Liên mới lập, sang tận Gia Lâm đón bộ đội. Tôi nghĩ bụng. Nó có phải là kèn "mu-dích" không? Cái món đấy chúng mình có nghe bao giờ mà đón! Mới lại hình như còn phải tập mới đi đều theo kèn được chứ? Có lẽ cũng nên thôi? 

        Quân Nhật cứ nhùng nhằng mãi, rồi mới đồng ý là chiều tối để cho Quân giải phóng vào Hà Nội.

        Tôi hỏi:

        - Tại sao lại chiều tối?

        Có lẽ để hạn chế người đi xem bớt tưng bừng long trọng đi? Nhưng trước hết phải cảnh giác, đề phòng chúng trở mặt đánh úp bất thần.

        Cho nên chúng tôi không để bộ đội xếp hàng ba đi ở giữa đường cái, mà đi thành hai hàng, dọc theo hai bên lề dường, súng đeo vai mà không vác, đạn đã vào ổ nhưng chưa lên nòng.

        Đoàn Quân giải phóng, kèm theo danh hiệu bộ đội Việt - Mỹ đã tiến về thủ đô Hà Nội trong bối cảnh như thế đó.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM