Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:10:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26803 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:34 pm »


        Vận động những người Pháp bị Nhật giam giữ ở Tam Đảo

        Đây là một loại công tác đặc biệt mới mẻ. Nhân khi ta đã vây chặt quân Nhật, một bộ phận Quân giải phóng gồm các đồng chí nói khá tiếng Pháp được rút ra làm nhiệm vụ tuyên truyền số người Pháp bị Nhật cầm tù ở đây về chủ trương của Việt Minh là giải phóng đất nước, không trả thù người Pháp và kêu gọi họ hợp tác với ta đánh phát xít Nhật.

        Lúc quân ta mới tiến vào thị trấn Tam Đảo, có một số người Pháp từ các cửa sổ thập thò nhìn theo Quân giải phóng vẻ lo lắng. Theo lệnh đội trưởng Thạch Sơn, một vài anh em biết tiếng Pháp nói vài câu ngắn gọn để làm yên lòng họ: "Chúng tôi là Việt Minh. Chúng tôi đánh Nhật. Người Pháp có thể hợp tác với chúng tôi trong mặt trận của Đồng Minh".

        Thực ra, chương trình Việt Minh và chủ trương kêu gọi người Pháp cùng hợp tác đánh Nhật cũng đã được tuyên truyền trong một bộ phận người Pháp bị Nhật cầm giữ ở đây qua một cơ sở rất tích cực của Quân giải phóng là vợ chồng giáo viên người Pháp tại trường trung học An-be Sa-rô là Mô-rít và Y-von Béc-na. Vì thế, trong trận ta tiến công Nhật ở Tam Đảo, người Pháp đã tỏ rõ thiện chí bằng cách giao cho ta một số súng đạn họ cất giấu được, tiếp tế thức ăn, thuốc men và tham gia băng bó các chiến sĩ bị thương.

        Trong lúc quân ta đang bao vây quân Nhật, đồng chí Thạch Sơn cũng trực tiếp gặp một số người Pháp theo nguyện vọng của họ. Hai vợ chồng giáo viên Béc-na được đồng chí Thạch Sơn gặp ngay ở nhà họ, rồi cả chánh sứ Rê-mô-vin... Lúc đầu, chánh sứ Rê-mô-vin chưa thật tin ta, sợ ta trả thù. Song qua tiếp xúc, được biết rõ sự độ lượng của ta, có một số người đã tự nguyện xin theo ta để được đưa đến biên giới Việt - Trung. Đồng chí đội trưởng hứa có thể tổ chức đưa họ tới với lực lượng Đồng Minh.

        Đợt xung phong tiêu diệt quân Nhật cố thủ trong đồn

        Đến gần trưa ngày 16 tháng 7 năm 1945, đội trưởng Thạch Sơn lần lượt đến từng tiểu đội nắm lại tình hình cả ta và địch. Một kế hoạch xung phong tiêu diệt quân địch cố thủ trong đồn được phổ biến cho toàn đơn vị.

        Đợt xung phong cuối cùng bắt đầu lúc trời vừa tối. Quân ta từ ba hướng áp sát đồn Nhật. Hướng Đông và Đông Nam có lực lượng bố trí để tiêu diệt khi địch rút chạy theo đường xuống Thác Bạc.

        Mở đầu đợt xung phong, chiến sĩ ta từ các hướng đồng loạt ném mìn tự tạo và bắn dữ dội vào ngôi thà Nhật đóng. Tiếng hô xung phong của chiến sĩ, tiếng hò reo vang dội của đồng bào làm náo động cả thị trấn. Địch điên cuồng đối phó với đợt xung phong này. Sau một loạt mìn tự tạo ném vào trong ngôi nhà Nhật đóng, các tiểu đội xông vào chiếm dồn địch. Quân ta thu được một số vũ khí, rồi lập tức toả ra truy tìm những tên chạy trốn sau khi chúng bỏ lại hơn chục xác chết trong nhà.

        Cuộc lùng sục truy bắt địch trong khách sạn Mê-tơ-rô-pôn và trên đường phố diễn ra suốt cả trong đêm. Đúng như ta dự kiến, quân Nhật kéo nhau rút chạy ra hướng Đông Nam. Tiểu đội 3 do đồng chí Hồng Tâm chỉ huy đã nổ súng tiêu diệt tổ súng máy của địch ở trước nhà bưu điện. Ở đây hai chiến sĩ của ta hy sinh. Đồng chí Hồng Tâm bị thương vì mảnh lựu đạn của địch, nhưng cũng đã kịp thời tiêu diệt tên này bằng một phát đạn súng trường.

        Trời về khuya, sương toả xuống phủ kín thị trấn Tam Đảo. Đồng chí Thạch Sơn ra lệnh cho các tiểu đội tiếp tục lùng sục, ngăn chặn quân địch trên các ngả đường, chờ trời sáng. Sáng ngày 17 tháng 7 năm 1945, nhân dân thị trấn tưng bừng đổ ra đường như ngày hội, cùng Quân giải phóng truy lùng bọn Nhật còn trốn trong các lùm cây. Đồng chí Thạch Sơn phát hiện một tên nằm trốn giữa vườn hoa, định bắt sống thì tên Nhật ném lựu đạn ra làm đồng chí bị thương nhẹ. Lùi lại, lợi dụng địa hình, Thạch Sơn nổ một loạt súng Sten, kết liễu đời tên này.

        Ở khu vực nhà đoan, một số người Pháp phát hiện ba tên Nhật đang lẩn trốn. Quân giải phóng đã phái ngay một tổ tới. Mấy tên Nhật bị vây chặt không chịu đầu hàng, ngoan cố chống lại đến cùng nên đã phải đền tội.

        Trận đánh kết thúc, bộ đội ta rút khỏi thị trấn theo con đường Tam Đảo - Quân Chu. Khi quân ta hoàn thành nhiệm vụ rời khỏi Tam Đảo, có 20 người Pháp xin theo ta, trong đó có vợ chồng và con cái giáo viên Béc-na, vợ chồng con cái chánh sứ Rê-mô-vin, con trai A-lếch-xăng-đơ-ri... Họ đã tận mắt thấy rõ lực lượng có tổ chức của chúng ta và sự giúp đỡ chân thành của chúng ta. Cảm động trước những điều mắt thấy tai nghe, họ đã viết cảm tưởng, tỏ lòng biết ơn và cùng ký tên chung. Riêng vợ chồng giáo viên Béc-na còn viết thư gửi những người Pháp ở Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:15 pm »


3. MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ TRẬN ĐÁNH NHẬT Ở TAM ĐẢO (Ngày 16 và 17-7-1945)

KIM SƠN sưu tầm       

        Trích ở một số báo, sách trong nước và nước ngoài nói về trận đánh Nhật ở Tam Đảo ngày 16 và ngày 17 tháng 7 năm 1945 của đơn vị Giải phóng quân Việt Nam mang tên Phạm Hồng Thái.

        1. Báo “Nước Nam mới” - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh tại Khu giải phóng - số 4, ngày 4 tháng 8 năm 1945 đã đăng: “Anh em binh lính phối hợp với Giải phóng quân đã hạ đồn Tam Đảo. Toàn số quân Nhật bị tiêu diệt"...

        2. Báo "Quân giải phóng" cơ quan tuyên truyền của Việt Nam Giải phóng quân, số 1 ngày 3 tháng 8 năm 1945.

        a. Bài "Phê bình các cuộc chiến đấu vừa qua"... "Còn những trận có lãi thì phần nhiều là những cuộc tập kích như trận Lục An Châu, Yên Bình, Tam Đảo.

        Tập kích là khó, nhưng ta tập kích lại có kết quả lớn. Đó là vì trong những trận quân địch bị ảnh hưởng chính trị mà đầu hàng thì nhiều, còn bị sức chiến đấu mãnh hệt của ta tiêu diệt như ở Tam Đảo thì ít..."

        b. Bài "Tinh thần anh em binh lính Tam Đảo muôn năm" "Tam Đảo. Hai chữ Tam Đảo sẽ lưu truyền đời đời trong lịch sử Cách mạng giải phóng của ta"... "Tại Tam Đảo anh em đội cai, binh lính đã theo lời kêu gọi của Việt Minh quay súng lại tiêu diệt giặc Nhật".

        “Một điều đáng ghi nhớ nữa là trên ngọn núi Tam Đảo binh lính và Giải phóng quân phối hợp cùng nhau chiến đấu mãnh liệt đã đưa đến các kết quả tiêu diệt toàn bộ quân giặc và thu toàn bộ khí giới của chúng".

        “Tinh thần Tam Đảo muôn năm".

        3. “Đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" - Tác giả Trần Dân Tiên viết: "Tam Đảo trước kia là nơi nghỉ mát của Pháp, bây giờ Nhật dùng làm trại tập trung giam cầm một trăm Pháp kiều. Một hôm, du kích Việt Minh tấn công Tam Đảo giải thoát những người bị tù. . .

        “Chỉ có 20 người liền nói. Hổ ăn thịt hoặc Việt Minh ăn thịt cũng thế cả. Chúng ta cứ theo những người du kích đến đâu thì đến"

        "Trong số này, có cả đàn bà, trẻ con và ông già, những công sứ, kỹ sư, giáo sư và sinh viên. Họ đến đâu cũng được tiếp đãi tử tế. Mặc dù vùng này nghèo, thứ gì cũng khó kiếm, nhưng họ được Việt Minh lo cho ăn uống đầy đủ không mất một xu”.

        “Họ rất cảm động và ngạc nhiên. Để tỏ lòng biết ơn một vài người như hai vợ chồng giáo sư Béc-na (Maurice Bernard và Yvonne Bernard) đã viết những bức thư nói rõ những điều họ đã tai nghe mắt thấy ở vùng Việt Minh....; "Vì thế thực dân Pháp cho họ là phản bội, bị Việt Minh mua chuộc và hai vợ chồng giáo sư này lập tức bị đưa về Pháp...".

        4. Sách "Quân giải phóng (1945 - 1947)" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Sang tháng 7 hạ đồn Tam Đảo, tiêu diệt toàn thể quân Nhật ở đây và giải phóng cho một số người Pháp bị Nhật cầm giữ...". .

        “Sau mỗi một cuộc chiến đấu đều có cuộc khai hội kiểm thảo, ban chỉ huy lại viết những cuốn sách con như trận Phai Khắt, Nà Ngần, trận Đồng Mu, trận đột kích Bắc Cạn, trận Đình Cả, trận Tam Đảo vân vân. . . để huấn luyện".

        5. Sách "Từ nhân dân mà ra" in lần thứ hai của đồng chí Võ Nguyên Giáp (Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 1969) viết: "Sang tháng 7, hạ đồn Tam Đảo, tiêu diệt quân Nhật đóng tại đó, giải phóng một số thường dân Pháp bị cầm giữ...".

        “Thời gian này tại cơ quan của Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã có máy chữ và những máy điện thoại chiến lợi phẩm thu được trong trận hạ đồn Tam Đảo.. (trang 209 - 210).

        6. Lịch sử Bộ đội thông tin liên lạc - Nxb Quân đội nhân dân Hà Nội, 1982, trang 30 - 31: "Ngày 16-7-1945"..."24 giờ ngày 15 tháng 7, trạm liên lạc của Quân giải phóng ở Tam Đảo được tin cấp báo của cơ sở Việt Minh trong nhà tù và trại lính bảo an cho biết hôm sau Nhật sẽ thu súng đạn của lính bảo an và có thể sẽ khủng bố trắng. Mấy đồng chí Giải phóng quân đang có mặt ở trạm vội cho liên lạc vượt đồi núi sang Quân Chu báo tin cho trung đội Phạm Hồng Thái...".

        7. Một số bài viết của các đồng chí Lê Thanh Nghị, Trần Huy Liệu, Lê Thiết Hùng, Hoàng Đạo Thuý... và một số sách, báo, tạp chí xuất bản trong nước cũng đã viết những cảm nghĩ hoặc bình luận, tường thuật về trận tiêu diệt phát xít Nhật ở Tam Đảo.

        8. Tác giả người Mỹ Bernard Fall viết: "Trận đánh duy nhất có tầm quan trọng ở Đông Dương mà người ta biết là trận đánh diễn ra ở nơi nghỉ mát Tam Đảo của 500 Việt Minh tiến công trại hiến binh Nhật do 40 tên chiếm đóng và tiêu diệt quân đội Nhật ở đó ngày 16 tháng 7 năm 1945, giải thoát cho một số người Pháp bị cầm giữ ở đó..." 1945 - 1952 (trang 19).

        9. Sách “Histoire du Việt Nam, 1940 - 1952" của Philippe Devillers (trang 133) viết: "Trận đột kích ngoạn mục vào đồn ở trên cao của Tam Đảo là một trận xung phong tiến hành khó khăn của 500 xung kích đánh đồn Nhật có 40 người - có 8 tên bị giết sau 24 giờ chiến đấu”.

        10 Sách “Guérilla” (Chiến tranh du kích) (tiếng Anh) của Walter Lauquere - Nxb Weidefeld Nicolson, 1977, viết: “Một hoạt động quân sự được ghi nhận là cuộc tấn công một đồn binh ở nơi nghỉ mát trên núi Tam Đảo ngày 17 tháng 7 năm 1945, trong đó có 8 tên hiến binh Nhật bị giết chết".

        11 . Sách "Tại sao Việt Nam " của Patty (Mỹ) - Nhà xuất bản Trường Đại học California viết: "31-7 Monfort và 2 người Việt Nam đã rời đi cùng với 20 người Pháp lánh nạn được tìm thấy ở một làng gần khu vực của AGAS hoạt động. Số người Pháp này đã được du kích Việt Minh giải thoát ngày 4 tháng 7 tại một trại tập trung dân thường của Nhật ở Tam Đảo...”.

        12. “Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam" ' Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, cũng ghi nhận sự kiện tiến công của Quân giải phóng vào đồn Nhật ở Tam Đảo...

        13. Nhật ký về những người Mỹ trong đội quân Việt - Mỹ của Allison K. Thomas năm 1945 cũng ghi cảm tưởng và điện báo với cấp trên về trận đánh Nhật ở Tam Đảo.

        14. Sách lịch sử Đảng tỉnh Vĩnh Phú, tỉnh Bắc Thái, sách căn cứ địa Việt Bắc... cũng đã ghi nhận về trận đánh Nhật ở Tam Đảo của thời kỳ tích cực chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

        15. Đài phát thanh Côn Minh - Trung Quốc, năm 1945 cũng đã phát tin Việt Minh tiến công tiêu diệt phát xít Nhật ở Tam Đảo.

        Cho tới nay mới được biết có trên 20 tác giả sách, báo viết nói tới trận tiêu diệt phát xít Nhật ở Tam Đảo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:33 pm »


ĐÁNH NHẬT VÀ TAY SAI, BẢO VỆ CHIẾN KHU

ĐÀM QUANG TRUNG (TRỌNG KHOÁT ghi)       

        Đảo chính hất cẳng thực dân Pháp đêm 9 tháng 3 năm 1945 xong, phát xít Nhật thành kẻ độc quyền thống trị Đông Dương. Chúng sử dụng thực dân Pháp đã đầu hàng làm tay sai cùng chống phá phong trào cách mạng Đông Dương. Dân tộc ta lại chịu hai tròng áp bức: Phát xít Nhật và thực dân Pháp. Giặc Nhật thấy cách mạng xuất hiện mạnh mẽ ở chiến khu Việt Bắc, nhất là ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, nên chúng coi khu vực này là địa bàn càn quét chủ yếu, hòng bao vây, tiêu diệt đầu não cách mạng ta đang lãnh đạo toàn dân sục sôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

        Giữa tháng 4 năm 1945, tôi được lệnh dẫn một đại đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân hoạt động trong vùng Phủ Thông thuộc huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Cạn.

        Mở đầu cho các hoạt động này, chúng tôi được chỉ thị của Trung ương Mặt trận, phải lấy cho được đồn Phủ Thông và phá kho thóc của Nhật chia cho dân, vừa để gây uy thế cho cách mạng, vừa phát triển căn cứ địa và mặt khác, tiêu hao lực lượng địch, tranh thủ được người và vũ khí về cho ta, có thêm sức đánh thắng địch, bảo vệ chiến khu.

        Đồn Phủ Thông, vẫn do lính khố xanh (trước đây là tay sai Pháp, sau đổi là bảo an binh làm tay sai cho Nhật) đóng. Chỉ huy đồn là cai Ngọ, người Bắc Cạn. Qua điều tra dân tình, thấy nhiều người nói về cai Ngọ rằng: ông này trước đảo chính làm lính khố xanh cho Pháp bảo vệ tuần phủ Hà Quảng. Tuy là cai đồn đấy, nhưng có vẻ hiền lành, đi đâu cũng ăn mặc bảnh bao, đẹp trai, không ức hiếp, nạt nộ ai bao giờ.

        Vậy là chúng tôi tin có thể thu phục được. Mặc dù Hoàng Văn Ngọ (tên thật của cai Ngọ) không biết rõ tôi là đại đội trưởng Việt Minh, mà cũng không chắc đã nhớ mặt tôi. Hồi đi học, tôi kém Ngọ bảy tuổi. Nhưng nhìn chung, trong số lính bảo an tay sai Nhật ở Cao Bằng thời kỳ này, đã có nhiều người tỏ xu hướng muốn bỏ hàng ngũ địch, đi theo Việt Minh, theo cách mạng hoặc sợ hãi bỏ ngũ về quê sinh sống. Trước đó mấy ngày, chúng tôi đã cho một cán bộ và vài anh em tìm cách liên lạc, báo cho cai Ngọ biết ý đồ muốn chiếm đồn, đoạt vũ khí và lôi kéo anh theo Việt Minh đánh Nhật.

        Thấy chỉ huy và binh lính trong đồn mấy ngày liền không động binh, chúng tôi đoán là họ sẵn sàng đầu hàng. Điều tra lại số lính, thấy trước đây có 15 tên. Nay thường chỉ có 9 đến 10 tên. Số còn lại chắc đã bỏ ngũ về quê rồi. Chúng tôi cho người đến hẹn giờ để bảo an binh mở sẵn cổng cho ta vào. Và vào nhập nhoạng tối hôm ấy, không nhớ rõ là 15 hay 17 tháng 4, tôi dẫn một trung đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào.

        Cai Ngọ đã cho mở cổng, cho lính ra ngoài hàng rào, đứng xếp hàng rất ngay ngắn. Thấy bộ đội cách mạng đến, súng ống hàng dãy, cai Ngọ đứng trước hàng quân hô to: Nghiêm Bồng súng chào?

        Cả tiểu đội lính khố xanh bồng súng chào. Cai Ngọ ngay ngắn bước đến trước mặt tôi, giơ tay chào theo kiểu "lính tây”- bàn tay phải sát vành mũ, lòng bàn tay ngửa ra ngoài.

        - Báo cáo quan đồng chí, chúng tôi là người Việt Nam, các quan đồng chí cũng là người Việt Nam, chỉ huy quân đội cách mạng. Chúng tôi cùng anh em xin theo quân đội cách mạng, vào Việt Minh, đánh Nhật, cứu nước.

        Tôi bảo cai Ngọ cho anh em đứng nghỉ, để tôi nói chuyện. Cai Ngọ cho người dẫn mấy chiến sĩ ta thu súng và vào kho lấy gạo phát cho dân. Anh em nộp súng xong, đứng vào hàng, cùng cai Ngọ nghe tôi nói.

        - Các anh em đều đã biết Việt Minh và Quân đội giải phóng đang trên đà chiến thắng. Phát xít Nhật nhất định sẽ thua. Cách mạng sẽ giải phóng cho toàn dân tộc Việt Nam ta, trong đó có bà con, gia đình và bản thân anh em. Vậy nếu anh em tự nguyện thì chúng tôi sẵn sàng thu nạp anh em vào lực lượng vũ trang cách mạng chiến đấu cho đất nước và quê hương, anh em trước đây đi lính cho Nhật, Pháp, thì có lương ăn, nuôi sống bản thân và vợ con, gia đình, song vẫn chỉ là tay sai của chúng. Còn nay, nếu theo cách mạng, vào Quân giải phóng thì người chỉ huy, người chiến sĩ đều như anh em một nhà, biết thương yêu giúp đỡ nhau. Theo cách mạng thì khổ đấy. Như đi công tác vất vả, lại phải chiến đấu hy sinh, anh em hãy suy nghĩ cho kỹ. Ai đồng lòng, quyết chí thì theo, nếu không anh em được tự do trở về quê chung sống làm ăn với gia đình, chỉ mong anh em giữ bí mật các hoạt động của đoàn thể và quân đội cách mạng. Còn nếu lại tiếp tục làm tay sai cho giặc, gây thiệt hại cho cách mạng thì sau này có tội to, bị trừng phạt rất nặng...

        Sau đó, tôi bảo anh em ai đồng lòng theo cách mạng thì giơ tay. Hầu hết hàng quân đều tự nguyện xin gia nhập bộ đội Việt Minh. Có vài người trình bày gia cảnh, xin về quê thu xếp việc nhà. Riêng với cai Ngọ, tôi gọi riêng ra bảo:

        - Vậy là anh đã giúp Cách mạng, giúp đỡ tôi lấy được đồn Phủ Thông. Chúng tôi đổi tên cho anh, từ nay gọi anh là đồng chí “Hoàng Triệu Minh". Anh nhớ chưa "Hoàng Triệu Minh" là bí danh mới của anh nhé. Và đoàn thể giao cho anh làm tiểu đội trưởng tiểu đội Phủ Thông, đóng quân luôn ở đây .

        Cai Ngọ đứng nghiêm:

        - Báo cáo đồng chí, tôi là Hoàng Triệu Minh, tiểu đội trưởng tiểu đội Phủ Thông xin tuân lệnh đồng chí, hứa hết lòng cùng anh em theo Việt Minh đánh đổ phát xít Nhật, cứu nước.

        Sau khi lấy xong đồn Phủ Thông, giữa tháng 5 năm 1945, theo Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.

        Lúc đó, được tin có một đoàn xe Nhật gần 30 chiếc hành quân từ Cao Bằng về Bắc Cạn. Tôi hạ lệnh cho tiểu đội do đồng chí Luận chỉ huy, đi phục kích chặn đánh ở bên đèo phía Cao Bằng. Anh em ra đến nơi bố trí đội hình đâu đấy, thì thấy xe Nhật đang nối tiếp nhau leo dốc từ phía Cao Bằng, lên gần tới mốc ranh giới giữa hai tỉnh.

        Trang bị của tiểu đội anh Luận có một súng trung liên bơ-ren. Ngoài ra, mỗi đội viên một mút-cơ-tông và một khai hậu. Các súng này đều do anh em đi chiến đấu chiếm được của địch, hoặc vận động, mua lại được của lính dõng ở địa phương. Tham gia trận này còn có thanh niên ở phố Thủ Thông như anh Hoàng Trường Minh (tên thật là Hoàng văn Nùn, lúc đi học còn gọi là Hoàng Khải Luận).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:55 pm »


        Chiếc xe đi đầu của Nhật đã lên đến tầm bắn của súng máy. Tôi ra lệnh nổ súng. Khẩu trung liên chấp chới nhả dạn. Chiếc xe đi đầu bị bắn nát đầu máy, nằm chềnh ềnh tại chỗ, các xe sau ùn lại. Các súng bộ binh khác cũng thi nhau nhả đạn. Các xe sau cũng đều bị bắn hỏng một số. Lính Nhật và tay sai trên các xe đứa thì gục tại chỗ, đứa bị thương giãy giụa ven đường, quanh xe. Không rõ là bao nhiêu. Nhưng cũng khá nhiều. Anh em chỉ quan sát qua chớp lửa đạn, thấy chúng lố nhố, xô đẩy nhau, rồi ngã gục, lăn quay ra khắp đường. Những chiếc xe không bị hỏng phía sau cọ cựa quay tới quay lui nhúc nhắc, ầm ì trong đêm tối.

        Khẩu trung liên đã bắn được trên 500 viên thì xạ thủ ngừng tay, quay đầu báo cáo sang sảng.

        - Báo cáo tiểu đội trưởng, trung liên hết đạn.

        Bọn Nhật trên xe còn lại, có việt gian đi cùng, nghe được câu đó biết là ta đã hết đạn, liên hô nhau nhảy xuống, xách tiểu liên và súng trường bắn đuổi. Quân ta, nhờ có thanh niên và nhân dân địa phương dẫn đường rút lui được về căn cứ an toàn. Bọn Nhật thấy ta im tiếng súng, cho xe co kéo nhau đi thêm một đoạn nữa. Nhưng vì thiệt hại quá nhiều, kéo nhau khó khăn hay sợ lại bị phục kích tiếp hay sao đó, chúng cho xe quay lại trở về phía Cao Bằng. Chúng thu nhặt xác chết, cấp cứu bọn bị thương, xe lành kéo xe hỏng lục đục mãi gần sáng mới xong.

        Có những anh em tự vệ chiến đấu là người Phủ Thông hàng ngày vẫn lên đèo Giàng đốn củi, chất lên xe bò đưa về, hôm nay trước chiến thắng của Giải phóng đánh bại đoàn xe Nhật, không nén nổi vui mừng, nô nức xin gia nhập Giải phóng quân. Họ reo lên:

        - Giặc Nhật chết đến nơi rồi, bà con dân bản ơi!

        Trận thứ hai đánh Nhật là trận bảo vệ căn cứ Chợ Chu ở ki-lô-mét 31 trên đường đi Thái Nguyên và Bắc Cạn.

        Phát xít Nhật đã thăm dò và đánh hơi thấy phong trào quần chúng xây dựng căn cứ địa và hoạt động vũ trang ta lên mạnh ở khu vực Định Hóa. Chúng cho một cánh quân từ Thái Nguyên về tăng cường cho lực lượng ở Định Hóa để tiến hành càn quét phá cơ sở của ta.

        Lúc này, tôi là đại đội trưởng đại đội 3 Giải phóng quân. Anh em vẫn hàng ngày chia nhau đi các mũi làm công tác vũ trang tuyên truyền trong dân. Tôi và anh Tạ Xuân Thu (chính trị viên đại đội) được tin báo có Nhật từ Chợ Chu lên. Người báo chỉ nói là "đông lắm", không biết rõ là bao nhiêu. Theo báo cáo thì chúng đã tiến qua Phố Ngữ một đoạn. Chúng tôi phán đoán là chúng sẽ tiến vào Chợ Chu, lúc này là căn cứ quan trọng của ta ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, do nhạy bén với tình hình, cơ quan lãnh đạo cách mạng của ta đã chuyển sang Tân Trào (Tuyên Quang) rất bí mật rồi nên giặc Nhật không biết.

        Tôi tập hợp đại đội, xốc lại súng ống, tiến quân ra chặn đánh. Cũng đã bàn nhau, nếu chiếm lĩnh trận địa được thì phục kích, nhưng rồi cuộc chiến lại diễn ra gần như tao ngộ. Chúng tôi ra gần đến Phố Ngữ, cách khoảng một ki-lô-mét, bố trí đội hình ven một con suối nhỏ để phục kích.

        Vũ khí toàn đội có một khẩu tiểu liên Sten với mười súng trường, còn nữa là khai hậu. Tôi có hai khẩu súng lục một khẩu là xanh-tê-chiên. Nhưng lợi hại nhất là khẩu tiểu liên đã giao cho một anh nguyên là đội của quân Pháp trước đây người Định Hóa giữ và sử dụng.

        Hồi đó, chỉ biết hễ gặp Nhật là xông lên bắn giết, chứ có được học hành chiến kỹ thuật cơ bản như bây giờ đâu. Chúng tôi vừa hành quân ra gần đường cái qua Phố Ngữ một đoạn thì hai trung đội đi đầu đụng ngay tốp lính Nhật đi trước. Chúng tiến quân dè dặt có vẻ thăm dò. Để giành thế chủ động, tôi hạ lệnh nổ súng luôn. Anh em lợi dụng địa hình cây cối và mô đất... cứ nhè những nơi Nhật ẩn núp mà bắn. Tiếng súng nổ dày, rung cả tán lá cây rừng, đất đá làm toé nước suối. Khí thế diệt địch hăng say và oai hùng lắm.

        Ở khoảng cách 150 mét, tôi cũng ngắm một tên giặc Nhật bắn mấy phát súng ngắn. Với khoảng cách này thì súng ngắn chắc chẳng trúng đâu. Nhưng đã ra chiến trận là phải có tiếng súng kèm theo mới động viên được khí thế. Còn anh em tiếp cận quân Nhật, thì nổ súng liên hồi, nhất là khẩu tiểu liên. Tiếng súng phá tan bầu không khí tĩnh lặng của khu rừng xưa nay ít người qua lại.

        Nghe tiếng súng to nổ bất thần, bọn Nhật kinh hoàng lắm. Một vài tên chết. Một số bị thương kêu la giãy giụa. Chúng cũng nổ súng, nhưng không quan sát được mục tiêu, bắn loạn xạ lên khắp dải đất ven suối. Chúng chững lại rồi ý ới hò hét, đứa lành cõng đứa bị thương, những tên chết cũng được lôi theo, rút lui thảm hại. Anh em ta giữ được lối vào Chợ Chu. Địch bỏ chạy, anh em ta rút về căn cứ an toàn.

        Tôi đi giữa đội hình, không quan sát được trên đầu, nhưng theo anh em báo cáo là đã tận mắt trông thấy có đến trên 30 tên lính Nhật và tay sai chết và bị thương. Nhưng điều thắng lợi lớn nhất là chúng phải bỏ dở cuộc hành quân tiến về Định Hóa để tăng cường cho vị trí mới chiếm đóng được của chúng. Cách mạng từ đó có cơ sở phát triển nhanh.

        Sau trận thứ hai đánh thắng phát xít Nhật này, bên ta không sứt mẻ gì, anh em rất phấn khởi, càng tự tin bao nhiêu, càng tin vào Cách mạng nhất định thắng bấy nhiêu, khẩu hiệu động viên nhau lúc này là: "Thời cơ đã đến. Hãy chớp lấy thời cơ!".

        Từ trận này cho đến ngày tôi trở về Tân Trào làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, tôi còn chỉ huy đơn vị đánh tiếp ba trận nữa. Hai trận đánh vào thị xã Cao Bằng, trong đó có trận đầu dùng bom nổ ở chân cầu thị xã làm hiệu lệnh tấn công, làm cho bọn tay sai Nhật trong thị xã khiếp đảm. Còn một trận nữa ở Hà Vị, chặn đường quân Nhật hành quân từ Bắc Cạn lên Cao Bằng. Tất cả đều đạt mục đích quấy rối tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ căn cứ an toàn và nhất là cổ vũ được tinh thần anh em ta, làm cho nhân dân vững tin vào cách mạng, trong tình hình địch tan rã, hoang mang tột độ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:09 pm »


CUỘC BIỂU TÌNH CỦA QUẦN CHÚNG VÀ CUỘC TIẾN CÔNG QUÂN NHẬT Ở THÁI NGUYÊN (8-1945)

HOÀNG THẾ THIỆN         

        Trong tập hồi ức “Những chặng đường lịch sử" Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chúng tôi tới Thịnh Đán thì được tin có đội tuyên truyền xung phong từ Võ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang. (Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.202.)

        Hồi ức của Đại tướng gợi cho tôi nhớ lại những tháng ngày hoạt động sôi nổi ấy.

        Sau tháng 5 năm 1945, Khu giải phóng Việt Bắc ngày càng củng cố và phát triển. Thanh thế Việt Minh và Giải phóng quân ngày càng lớn; thanh niên từ vùng xuôi lên xin gia nhập Quân giải phóng ngày một đông. Vào thời điểm đó, đội vũ trang tuyên truyền Võ Nhai chúng tôi nhận được chỉ thị phát triển xuống phía Nam, đến các xã thuộc huyện Đồng Hỷ và hướng vào thị xã Thái Nguyên.

        Một sáng cuối tháng 5, có một nhóm thanh niên thị xã đến gặp Việt Minh Võ Nhai. Tôi - đội trưởng và Đào An Thái - chính trị viên gặp họ ngay. Nhóm này có 15 người, đa số là học sinh vừa mới nghỉ học muốn lên chiến khu để xin gia nhập Quân giải phóng. Khi gặp dân quân xã, vì một sự hiểu lầm, dân quân đã nổ súng làm chết một người. Chúng tôi sớm ổn định tư tưởng cho anh em. Sau khi biết nguyện vọng của các anh, chúng tôi giải thích: Cách mạng ở đâu cũng quan trọng, thị xã Thái Nguyên là một vị trí có ý nghĩa rất lớn về quân sự và chính trị. Nếu các tổ chức cách mạng ở đây được xây dựng và phát triển thì có lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi muốn anh em quay về thị xã thành lập các tiểu tổ Việt Minh bí mật, sẵn sàng tổ chức ra các đoàn thể thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc...

        Anh em hiểu ra ngay và tự nguyện quay trở lại thị xã. Chúng tôi liền tổ chức một lớp huấn luyện cấp tốc ba ngày. Tôi và Đào An Thái phụ trách giảng dạy về chính trị. Đồng chí Bắc huấn luyện về quân sự. Khi kết thúc lớp huấn luyện, tôi trao đổi với anh em một số kinh nghiệm hoạt động bí mật của Việt Minh ở địa bàn đô thị. Chúng tôi tổ chức việc giữ liên lạc với các anh trong thị xã, qua cơ sở ở đồn điền Đồng Bẩm do anh Hoàng Công phụ trách. Hoàng Công là bí danh anh Cát, con thứ hai của nhà tư sản dân tộc Cát Hanh Long ở Hải Phòng, đã liên lạc và nhận nhiệm vụ của chúng tôi từ trước.

        Từ đó, chúng tôi đã có thêm cơ sở trong đồng bào thị xã. Theo báo cáo, lực lượng do chúng tôi huấn luyện đã nhanh chóng tổ chức được nhiều cơ sở Việt Minh bí mật trong thanh niên, phụ nữ và viên chức. Một cơ sở do anh Mực phụ trách (là nhân viên đoạn đường sắt Thái Nguyên - Phấn Mễ) đã gửi cho đội vũ trang tuyên truyền chúng tôi một máy chữ xách tay và giấy tờ cần thiết để làm công tác tuyên truyền.

        Chúng tôi đến các xã thuộc huyện Đồng Hỷ, họp dân tuyên bố xóa bỏ chính quyền của địch; tịch thu bằng, triện của các chánh tổng và lý trưởng, cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng. Ở vài xã chủ yếu là chúng tôi tước vũ khí của tân binh được địch trang bị, súng trường Mỹ hiệu rơ-manh-tông bắn phát một. Chúng tôi có gởi một thư đánh máy cho tri huyện Đồng Hỷ kêu gọi ông này ủng hộ Việt Minh. Công việc của đội vũ trang tuyên truyền tiến triển thuận lợi.

        Sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm 1945, chúng tôi nhận được thư của Hoàng Công từ Đồng Bẩm gởi đến. Trong thư anh báo tin: Mẹ anh từ Hà Nội lên cho biết Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim sắp đổ; anh em Việt Minh và nhân dân Hà Nội đã biến cuộc mít tinh tổng hội viên chức ủng hộ chính quyền bù nhìn ngày 17 tháng 8 năm 1945 thành một cuộc mít tinh lớn tại sân Nhà hát thành phố ủng hộ Việt Minh. Anh Công gởi cho chúng tôi tờ nhật báo Đông Pháp đã đổi tên là Đông Phát ra ngày 18 tháng 8 có đăng ảnh cuộc mít tinh lớn ấy của nhân dân Hà Nội. Anh cũng cho biết nhân dân thị xã Thái Nguyên cũng đang sục sôi khí thế cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:32 pm »


        Tôi cùng Thái hội ý cấp tốc và đi đến quyết định: Thái về ngay khu Võ Nhai báo cáo tình hình và xin chỉ thị cấp trên, tôi đưa đội vũ trang tuyên truyền về đồn điền Đồng Bẩm gặp Công và các anh trong nhóm thanh niên thị xã để hiểu thêm tình hình. Chúng tôi cũng thống nhất, khi chưa có chỉ thị của trên, tôi và đội vũ trang tuyên truyền căn cứ tình hình cụ thể mà quyết định hành động.

        Vào khoảng trưa ngày 19 tháng 8, chúng tôi về tới đồn điền Đồng Bẩm. Tại đây, anh Hoàng Công cho biết, khí thế cách mạng của quần chúng ở thị xã Thái Nguyên và các xã ven thị xã đang lên rất cao. Mọi người đang mong chờ Quân giải phóng. Các anh trong nhóm thanh niên đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh vào hai giờ chiều ở sân vận động thị xã. Tình hình rất khẩn trương và yêu cầu tôi xử trí. Tôi hỏi thêm về tin tức ở Hà Nội, anh Công nói chưa có.

        Tôi vội vàng cùng Công và đội vũ trang tuyên truyền đến sân vận động. Theo sau chúng tôi có hàng trăm đồng bào thuộc xã Đồng Bẩm mang theo gậy gộc, giáo mác và nhiều cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi tới nơi đã thấy hàng nghìn người đang tập hợp đông đủ và cả một rừng cờ đỏ sao vàng. Không khí cách mạng thật sôi nổi. Các anh trong nhóm thanh niên đang khẩn trương hướng dẫn đồng bào đứng vào hàng ngũ. Anh Vĩ, anh Xuyên, anh Khánh, anh Đích, anh Giai, anh Mực tức Phạm Nghiêm)... báo cáo tóm tắt tình hình thị xã.

        Quân Nhật đóng tại dinh công sứ và bảo an binh đóng tại trại lính tây cũ chưa tỏ rõ thái độ. Bọn tỉnh trưởng và tri huyện Đồng Hỷ đang hoang mang, nhân dân thị xã đang hướng về cách mạng nóng lòng chờ đón Quân giải phóng. Các anh đã thông báo truyền miệng sẽ tổ chức cuộc mít tinh tại đây vào lúc 2 giờ chiều. Đến lúc đó, đã có hơn 5.000 người trong thị xã và các xã ven như Đồng Bẩm, Túc - Duyên và nhiều xã khác thuộc huyện Đồng Hỷ đã đến, một số đồng bào đang tiếp tục đi tới.

        Chúng tôi trao đổi ý kiến và xác định mục đích cuộc biểu tình này là biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng, để thăm dò thái độ của quân Nhật và bọn bù nhìn trong thị xã. Hội ý xong đã gần 2 giờ chiều, nên tôi quyết định cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình. Khi vào đến trung tâm thị xã, cuộc biểu tình sẽ dừng lại, tôi sẽ lên diễn thuyết.

        Chúng tôi bố trí lực lượng đội vũ trang tuyên truyền như sau: Có bốn anh và một chị đi đầu. Đội viên nữ đi đầu là chị Thanh (sau này trở thành Trưởng ty Y tế tỉnh Bắc Thái) có sáu anh chị em đi hai bên và bốn anh đi sau hộ vệ đoàn biểu tình. Các anh chị mặc quần áo chàm, có thắt lưng da mang bao đạn, chân quấn xà cạp màu đen hoặc màu chàm, đa số đi chân đất và mang súng kíp. Chúng tôi cử một số thanh niên điều khiển hô khẩu hiệu.

        Cuộc biểu tình bắt đầu tiến vào thị xã. Các anh trong nhóm thanh niên dẫn đầu đi sau năm đội viên của chúng tôi. Anh Vĩ đi bên phải tay cầm một khẩu súng ngắn, các anh khác mang cờ, gậy gộc, có một người cầm cây đinh ba. Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng được đồng bào giương lên. Nhiều thanh niên phụ nữ thị xã, mặc áo dài, có nhiều quần áo nâu, áo trắng quần đen là những nông dân các xã ven thuộc Đồng Hỷ và Phú Yên, nhóm mặc quần áo chàm là dân xã Đồng Bẩm. 

        Đồng bào vừa đi vừa hô khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật, đả đảo bọn bù nhìn tay sai, ủng hộ Việt Minh. Không khí cách mạng hừng hực. Tôi đi bên trái quãng giữa đoàn biểu tình. Vào đến một phố trung tâm thị xã, đoàn biểu tình được lệnh dừng lại. Tôi chọn một cột điện leo lên và nói chuyện với đồng bào. Tôi báo tin quân Nhật thua trận đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim đang lung lay và kêu gọi đồng bào ủng hộ và tham gia Việt Minh, kêu gọi anh em bảo an binh quay súng về với cách mạng. Tôi còn báo tin Quân giải phóng đang tiến đánh quân Nhật ở Cao Bằng, Lạng Sơn và sẽ về đến Thái Nguyên, kêu gọi mọi người sẵn sàng hưởng ứng Quân giải phóng...

        Sau đó, các khẩu hiệu đả đảo phát xít Nhật ủng hộ Việt Minh lại vang lên và có thêm khẩu hiệu kêu gọi anh em bảo an binh quay về với cách mạng. Đoàn biểu tình lại rầm rộ kéo qua các phố, không khí phấn chấn rực lửa cách mạng tràn trề.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:51 pm »


        Tôi đi vòng xuống phía cuối đoàn biểu tình, thấy có bốn người mặc áo dài gấm, ngoài có áo the, ngực đeo thẻ bài, đầu đội nón dứa, đi giày da có cổ. Tôi nhận ra ngay là các quan lại. Tôi hỏi họ: Các ông là ai? Tại sao tham gia biểu tình? Một người tự xưng là án sát (hay bố chánh) nói: Chúng tôi trong dinh tỉnh trưởng và tri huyện Đồng Hỷ. Được tin các ông tổ chức mít tinh chúng tôi hỏi Hà Nội, Phủ Khâm sai bảo chúng tôi phải tham dự với Việt Minh, nên chúng tôi có mặt từ lúc đoàn biểu tình đi vào thị xã. (Sau này, tôi được biết: sau khi chiếm phủ Khâm sai, Việt Minh liền dùng điện thoại báo tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành được chính quyền và lệnh cho họ trao chính quyền cho Việt Minh.)

        Tôi nói: Hoan nghênh các ông đã đi biểu tình với nhân dân. Sáng mai sẽ có phái viên của Quân giải phóng trực tiếp đến gặp các ông. Đoàn biểu tình tiếp tục đi và giải tán có trật tự. Quân Nhật đóng ở thị xã "án binh bất động". Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều.

        Tôi cho đội vũ trang tuyên truyền quay về đồn điền Đồng Bẩm để ăn cơm và nghỉ ngơi, sẵn sàng chờ lệnh và chú ý cử người đón chính trị viên Đào An Thái. Tôi và anh Minh, một cán bộ của đội vũ trang tuyên truyền ở lại (anh Minh sau này là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái trong những năm sáu mươi). Khi đảo một vòng quanh thị xã nghe đồng bào râm ran nói chuyện với nhau về cuộc biểu tình. Có những toán nông dân cầm cờ đỏ sao vàng kéo nhau về các xã ngoại thành. Chúng tôi hẹn gặp lại Công và các anh trong nhóm thanh niên thị xã ở sở điện vào khoảng bảy giờ tối. Anh em cho biết sau cuộc biểu tình thị uy quân Nhật co lại và có ý nghe ngóng tình hình, bảo an binh hoang mang, có người đã nộp súng cho cách mạng. Anh em thanh niên đã nhận được năm khẩu súng kiểu Pháp. Tỉnh trưởng và tri huyện Đồng Hỷ rất lo sợ.

        Cũng trong thời gian đó, có đồng bào đã tự dộng đi bắt bọn việt gian thân Nhật về giam giữ tại một phòng trong nhà sở điện. Tôi đến gặp họ và khuyên họ biết ăn năn nhận lỗi, cách mạng sẽ khoan hồng. Trong số những người này, có anh Đô là phiên dịch tiếng Nhật, sau trở thành một người hoạt động tích cực cho Việt Minh tỉnh Thái Nguyên.

        Khoảng 10 giờ rưỡi tối, tôi tạm biệt Công và nhóm thanh niên. Tôi và anh Minh về đồn điền Đồng Bẩm để chờ tin tức của Thái. Trong khi chờ đợi Thái tôi tập trung suy nghĩ về việc phải làm vào sáng ngày mai. Có mấy tình huống: Đào An Thái về mang theo chỉ thị của cấp trên, có hoặc không có Quân giải phóng đi cùng; Đào An Thái chưa về. Trong các trường hợp đó, đội vũ trang tuyên truyền sẽ hành động ra sao? Tôi nhớ lại các bài học mà các bậc đàn anh truyền cho trong thời gian tôi bị giam ở nhà tù Hoả Lò và Sơn La về tình thế khởi nghĩa, kinh nghiệm của cách mạng Nga là quân khởi nghĩa phải chiếm ngay các vị trí đầu não của bọn cầm quyền, trong đó có nhà bưu điện và sở kho bạc...

        Cuối cùng, tôi tập trung suy nghĩ vào việc cần có hành động gì đối với tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh. Chúng tôi sẽ cử hai người đến gặp họ nói rõ quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim đang hoang mang sắp đổ, Việt Minh nổi dậy khắp nơi, Quân giải phóng sắp về đến Thái Nguyên, yêu cầu tỉnh trưởng trao quyền cho cách mạng, yêu cầu anh em bảo an binh quay về với cách mạng (theo cách mạng hoặc nộp súng cho cách mạng). Còn đối với quân Nhật, chúng tôi chờ xem thái độ của chúng mà quyết định sau.

        Tôi cũng thảo hai thư của cách mạng gởi tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh. Ngay trong đêm, tôi ngồi đánh máy hai bức thư. Tôi dự định sẽ bàn với nhóm thanh niên thị xã về việc sẽ cử người đi gặp tỉnh trưởng và đồn trưởng bảo an binh. Quá nửa đêm, tôi ngủ thiếp đi, vai vẫn mang túi dết và chân đi dép.

        Khoảng 4 giờ sáng, tôi được đánh thức, đồng chí gác cầu Gia Bảy vừa về tới báo tin đã bị Quân giải phóng chiếm trạm gác và tước khẩu súng. Đồng chí đưa tôi xem một giấy ký nhận có tước một khẩu súng của đồng chí gác cầu Gia Bảy. Dưới có ký tên đại đội trưởng Quân giải phóng - Quốc Chủng hoặc Thế An tôi không còn nhớ rõ.

        Tôi cùng đội vũ trang tuyên truyền đến ngay trạm gác. Ở đây, tôi gặp anh Quốc Chủng. Anh nói: hiện nay Quân giải phóng do anh Văn và Trần Đăng Ninh chỉ huy đang bao vây tấn công quân Nhật và đồn bảo an binh trong thị xã. Mọi việc ở đây từ lúc này đều do sở chỉ huy quyết định. Anh cho biết tôi cần về gặp anh Trần Đăng Ninh để nhận chỉ thị. Tôi tạm giao đội vũ trang tuyên truyền cho anh Quốc Chủng và một mình đến sở chỉ huy để gặp anh Trần Đăng Ninh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:19 pm »


        Khi đến nơi anh Trần Đăng Ninh đang lên cơn sốt rét nặng. Anh nằm trên một chiếc chiếu rải xuống sàn nhà, mình đắp hai ba chăn. Tôi mừng quá, vội ngồi sà xuống bên anh và nắm tay anh. Mặc dù đang mệt anh Ninh vẫn nói với tôi cụ thể từng công việc lúc đó? Quân giải phóng đang bao vây tấn công quân Nhật và bảo an binh... Về quân sự, mọi việc có anh Văn chỉ huy. Anh Ninh phụ trách công việc chính trị, tuyên tuyền vận động nhân dân trong thị xã tiếp tế đạn dược, lương thực cho bộ đội đang chiến đấu. Anh chỉ thị cho tôi quay về bàn giao đội vũ trang tuyên truyền cho Quốc Chủng và về ngay đây để nhận nhiệm vụ mới.

        Anh Trần Đăng Ninh là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, cùng bị tù với chúng tôi ở nhà giam Hoả Lò. Lúc chúng tôi ở Võ Nhai, đã có dịp gặp và cùng làm việc với anh, trong lúc anh và các đồng chí Trung ương lên dự cuộc họp thống nhất lực lượng Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân.

        Tôi quay về chỗ đại đội trưởng Quốc Chủng để giao đội vũ trang tuyên truyền. Tôi có yêu cầu xin vài đồng chí về công tác tại thị xã Thái Nguyên. Anh Quốc Chủng hứa sẽ đáp ứng yêu cầu. Tôi tạm biệt anh chị em trong đội với tâm trạng xúc động bồi hồi, luyến tiếc. Anh chị em là những người thuộc thành phần các dân tộc Kinh có, Tày có Dao có, tự nguyện đi theo cách mạng. Một số người có học, biết đọc, viết thông thạo, nhiều người còn chưa biết chở. Trong nhiều tháng chúng tôi đã gắn bó thân thiết, cùng ăn cùng ở cùng chịu đựng gian khổ và chia vui thắng lợi với nhau.

        Tôi quay đi thật nhanh và đến sở điện, được giới thiệu đi gặp các anh Trung Đình, Nhị Quý để nhận sự phân công. Tôi có nhiệm vụ một mặt vận động dân trong thị xã tổ chức tiếp tế ăn uống cho các toán quân ta đang bao vây đồn Nhật và đồn bảo an binh, một mặt tổ chức ngay các đoàn thể thanh niên, phụ nữ... của thị xã. Tôi cũng có nhiệm vụ huy động đồng bào đi dự cuộc mít tinh ở sân vận động để ra mắt Uỷ ban cách mạng tỉnh Thái Nguyên.

        Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đến gặp anh em trong nhóm thanh niên thị xã. Lúc này đã có thêm nhiều người tham gia, có nhiều viên chức cấp sở - tỉnh Thái Nguyên như anh Giai, anh Chung... và nhiều chị em, trong đó có các chị Tư Phòng (mẹ của đồng chí Nguyễn Khánh - Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay), chị Bạch Thị Tân là các chị nhiệt tình, hăng hái trong công tác tổ chức tiếp tế cho Quân giải phóng và vận động chị em phụ nữ tham gia Việt Minh.

        Chúng tôi làm việc với sự hăng hái không biết mệt - sự sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong những ngày đầu của Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

        Cuộc tiến công quân Nhật kéo dài trong nhiều ngày. Sự đầu hàng của tỉnh trưởng và đồn bảo an binh giao nộp vũ khí cho cách mạng... đã được trình bày trên một số bài báo của chúng ta. Tôi nhớ lại một vài chi tiết:

        Vào 8 giờ ngày 20 tháng 8, ta dùng loa nói cho quân Nhật biết sẽ có hai người mang theo thư của Bộ chỉ huy Quân giải phóng vào cho viên quan tư chỉ huy Nhật. Hai người đưa tối hậu thư là anh Quý đen phiên dịch tiếng Nhật và Bùi Huy Lượng - tỉnh trưởng Thái Nguyên vừa mới được Nhật cử thay Cung Đình Vận.

        Trong ngày 20 tháng 8 có các trung đội Quân giải phóng của Bắc Giang đến tăng cường cho cuộc tiến công quân Nhật. Các anh mặc quân phục, đội mũ bê rê may bằng vải ka ki vàng, người đi dép, người đi chân đất. Khi đến nơi anh em được bố trí ở một số góc đường, tiến công bọn lính Nhật đóng ở các điểm lẻ trong những ngôi nhà hoặc trên các mái nhà. Tôi đến thăm một trạm cứu thương, ở đây đã có một cáng thương binh vừa mới được đem tới. Anh bị thương ở cổ, viên đạn còn nằm bên trong cuống họng, mê man bất tỉnh. Theo người phụ trách trạm, thương binh đó là một trung đội trưởng của Quân giải phóng Bắc Giang. Tôi lại gần nhận ra đó là đồng chí Đề cùng bị tù với tôi ở nhà giam Hoả Lò, Hà Nội. Sau đó đồng chí Đề đã hy sinh.

        Trong một lần đi vận động đồng bào, tôi có ghé thăm một trạm gác của quân ta ở ngã ba đường Thái Nguyên đi Hà Nội. Đêm hôm trước ở tại đây, bộ đội ta đã bắt được một tù binh Nhật. Khi gặp tên tù binh này tôi ra hiệu bằng tay là Quân giải phóng đối xử tử tế với tù binh. Hắn cúi dầu và chắp tay trước ngực tỏ vẻ cảm phục và cảm ơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:38 pm »


        Ngày 23 tháng 8, khi anh Văn chuẩn bị về Hà Nội, tôi được dự cuộc họp anh Văn giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây tiến công quân Nhật do anh Đàm Quang Trung chỉ huy. Khi anh Văn nói xong và anh Đàm Quang Trung đã nhận nhiệm vụ, tôi có đưa ra một ống nhòm quân sự loại lớn, do một anh thanh niên đưa cho tôi lúc bước vào họp. Tôi đề nghị để anh Quang Trung dùng. Anh Văn gạt đi và nói rằng lúc này không để mất thì giờ vào những việc lặt vặt như thế. Tôi nhớ mãi bài học này.

        Ngày 26 tháng 8, phái viên của Tổng bộ Việt Minh có phái viên của bộ tư lệnh quân Nhật đi theo giải quyết ổn thoả vấn đề quân Nhật triệt thoái khỏi Thái Nguyên. Tôi được anh Lê Trung Đình phân công tổ chức một bữa tiệc đãi bọn sĩ quan chỉ huy quân Nhật ở Thái Nguyên, tiễn chúng về Hà Nội. Khi mấy phụ nữ đã bày xong bàn tiệc, phía quân Nhật có sáu sĩ quan đến dự. Chúng tôi thay mặt cho Việt Minh Thái Nguyên hoan nghênh quân Nhật đã giao nộp vũ khí và chúc họ bình an lên đường về Hà Nội, tôi cũng chúc họ sớm đoàn tụ với gia đình, có anh Quý đen làm phiên dịch. Viên chỉ huy quân Nhật cảm ơn Việt Minh đã giúp họ và hứa không làm gì có hại cho Việt Minh.

        Sau bữa tiệc, tôi được cấp trên gọi về Hà Nội báo cáo tình hình. Tôi đến Hà Nội ngay trong ngày và vào thẳng Bắc Bộ phủ để gặp anh Văn. Sau khi tôi báo cáo ngắn gọn, anh Văn giao nhiệm vụ cho tôi đưa một đồng chí lãnh đạo lên Thái Nguyên để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Anh cũng nhắc tôi chú ý đảm bảo an toàn và giữ bí mật. Anh đưa cho tôi một giấy công lệnh. Tôi đến phòng thường trực ở bên cạnh Bắc Bộ phủ để nhận một xe ô tô du lịch den, ở mũi xe có cắm một lá cờ đỏ sao vàng lớn.

        Tôi đến phòng làm việc của anh Nguyễn Văn Trân lúc đó là Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Bắc Bộ, thấy anh Lê Đức Thọ đã chờ sẵn. Anh Thọ là Đặc phái viên của Uỷ ban hành chính Bắc Bộ, có nhiệm vụ lên Thái Nguyên "kiểm tra tình hình". Tôi đưa anh Lê Đức Thọ ra xe và chạy lên Thái Nguyên.

        Xe của chúng tôi phải qua phà ở Phủ Lỗ vì đường bị ngập nước. Dọc đường xe chúng tôi nhiều lần bị ngăn lại. Có những dân quân trai và gái rất trẻ đứng ở bên đường, nét mặt rạng rỡ kiểm soát giấy tờ. Tôi đưa giấy chứng minh của anh Thọ cho họ xem và chỉ vào lá cờ đỏ sao vàng ở trước mũi xe. Các trạm gác đều cho đi qua, có người còn giơ tay chào.

        Tối hôm đó, chúng tôi về đến thị xã Thái Nguyên. Anh Lê Trung Đình và anh Nhị Quý cho biết anh Trần Đăng Ninh đã đưa Bác về Hà Nội rồi. Anh Thọ làm việc với chúng tôi ngay đêm và sáng hôm sau quay về Hà Nội.

        Sau khi Đào An Thái về đến Thái Nguyên, chúng tôi cùng nhau xếp đặt các công việc tổ chức các đoàn thể quần chúng, các cơ sở chính quyền nhân dân, v.v... của một thị xã có truyền thống cách mạng. Chúng tôi đặc biệt chăm lo việc lựa chọn và đào tạo những người dự kiến sẽ trở thành cán bộ cho cách mạng. . .

        Chúng tôi cũng được chỉ thị phải chuẩn bị đối phó với việc “Hoa quân nhập Việt" lúc này đã trở thành nhiệm vụ trước mắt khẩn cấp. Mọi công việc đều được tiến hành khẩn trương, thuận lợi. Theo tôi đó là nhờ có sự đoàn kết của toàn dân triệu người như một. Chúng tôi - những người cán bộ ít ỏi của Đảng lúc bấy giờ chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng biết dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với dân, mọi việc đều có dân đảm nhiệm và gánh vác.

        Tinh thần đoàn kết nhân dân sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám thật là cao đẹp. Tôi nhớ mãi câu nói của một cụ nhân sĩ trong hội nghị Việt Minh ở thị xã Thái Nguyên:

        "Việt Minh thật tài giỏi Việt Minh đã biến toàn dân thành những người trong một dòng họ, họ Đồng đệm Chí, đồng chí A, đồng chí B, đồng chí C, đồng chí X, đồng chí Y, đồng chí Z...

        Tất cả đều họ Đồng đệm Chí cả. Như vậy, công việc sao chẳng thành công".

        Làm được như vậy, bởi lẽ chúng tôi đã thấm nhuần sâu sắc chiến lược đoàn kết của Bác Hồ:

        Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

        Thành công, thành công, đại thành công.

        Năm mươi năm đã qua, song mỗi lần nghĩ về những ngày tháng Tám ở Thái Nguyên, tôi như thấy mình trẻ lại, bởi được sống trong hồi âm của bầu không khí Cách mạng tháng Tám "long trời lở đất" của dân tộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:32 pm »


TRẬN ĐÁNH NHẬT Ở THỊ XÃ THÁI NGUYÊN TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA

LÊ CHUNG         

        Thị xã Thái Nguyên là một thị xã ở phía nam Việt Bắc, giữa triền núi Tam Đảo và triền núi Đình Cả - Yên Thế, một cứ điểm có thể làm bàn đạp để tràn về miền trung châu Bắc Bộ. Trong lịch sử chiến đấu của Việt Nam Giải phóng quân, trận đánh Thái Nguyên có một ý nghĩa đặc biệt.

        Trước hết là vì thị xã Thái Nguyên là một thị xã quan trọng tiêu biểu cho tinh thần cách mạng từ trước. Phong trào cách mạng ở Thái Nguyên rất cao, đã có cuộc khởi nghĩa năm 1918 của binh lính người Việt đóng ở thị xã Thái Nguyên, và hoạt động của Cứu quốc quân năm 1941, 1942.

        Hai là vì quân số huy động cho trận đánh giải phóng thị xã Thái Nguyên lên đến hơn một chi đội, tương đương một tiểu đoàn, một cuộc tập trung lực lượng vũ trang cách mạng lớn chưa từng có.

        Ba là thế trận tập kích lúc đầu chuyển dần sang trận địa bao vây, phối hợp với các trận chiến đấu trên đường phố, kết hợp tiến công quân sự và địch vận.

        Bốn là sự tham gia rất tích cực của đông đảo nhân dân thị xã Thái Nguyên và nhân dân các vùng lân cận, nhất là lớp thanh niên nam nữ nổi dậy cướp chính quyền.

        Năm là vì trong trận Thái Nguyên, tiến công một đô thị có nhiều đồn trại, nhà ở kiên cố, lần đầu tiên Việt Nam Giải phóng quân dùng đến những vũ khí tinh xảo trong chiến tranh thế giới lần thứ hai như đại liên, súng cối 60 ly, súng ba-dô-ca, tơ rôm blông V.B., trung liên Bren, tiểu liên tôm-sơn, súng các-bin, súng ngắn côn-bát... của quân đội Đồng Minh chống phát xít gửi giúp cùng một số vũ khí chiến lợi phẩm ta chiếm được của Nhật trong trận Tam Đảo.

        Diễn biến trận đánh dưới đây chứng minh cho những đặc điểm ấy.

        Lễ tiễn Giải phóng quân lần đầu tiên xuất trận

        Ngày 12 tháng 8 năm 1945, ở Khu giải phóng đã được tin vô tuyến điện cho hay rằng Nhật sắp đầu hàng Đồng Minh. Ngay đêm hôm ấy, Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa (xem phần IV).

        "Huy động bộ đội đánh vào các đô thị nếu đủ điều kiện thắng lợi". Sáng ngày 15 tháng 8 năm 1945, được tin chính thức Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, một Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập.

        14 giờ 30 ngày 16 tháng 8 năm 1945, một đơn vị Giải phóng quân, trong đó có một bộ phận của bộ đội Việt - Mỹ hàng ngũ chỉnh tề tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng dưới bóng cây đa Tân Trào làm lễ xuất phát về hướng Nam.

        Trước toàn thể đại biểu về dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào và toàn thể bộ đội tập hợp dưới cờ, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt cho Uỷ ban khởi nghĩa tuyên đọc bản Quân lệnh số 1 (xem phần IV) cho Giải phóng quân; kế đến lời huấn thị của vị đại diện cho đoàn đại biểu về dự Đại hội. Bà cụ Nam và chị Ngân Giang, đại biểu Hà Nội chúc bộ đội Giải phóng lên đường đánh giặc thắng lợi, mang lá cờ đỏ sao vàng cắm vào Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

        Dự lễ tiễn đoàn quân giải phóng xuất trận, có một đoàn nhân sĩ đủ các giới, những chiến sĩ đã từng trải gian khổ trong các lao tù, những nhà văn, nghệ sĩ đã từng hoạt động ở Hà Nội, mấy vị nữ đại biểu với dáng điệu yêu kiều của nơi đô thị. Đối diện là bộ đội ăn mặc đủ các kiểu, sức vóc mạnh mẽ, đã từng chiến đấu kiên cường ở nhiều mặt trận miền rừng núi Việt Bắc. Đứng bên anh em bộ đội là mấy sĩ quan trong phái đoàn quân sự Mỹ đại biểu quân Đồng Minh.

        Đồng chí Đàm Quang Trung khi ấy là đại đội trưởng đại đội Việt - Mỹ (Đại đội Việt - Mỹ là đơn vị chủ công được trang bị vũ khí mạnh nhất) thay mặt đơn vị hứa hẹn quyết tâm chiến đấu lật đổ ách thống trị của giặc Nhật và lũ tay sai.

        Sau đó, từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên, bộ đội hành quân bộ tắt qua núi Hồng đến xóm Đồng Măng ra xã Văn Lãng ở chân đèo Khế.

        Đêm 16 tháng 8, bộ đội trú quân tại Đồng Măng. Tại đây đồng chí Nhị Quý (tên thật Ngô Ngọc Tín) khu ủy viên Khu giải phóng phụ trách mọi mặt công tác Việt Minh huyện Đại Từ cùng đồng chí Lê Trung Đình cũng là khu ủy viên đã được chỉ thị của đồng chí Võ Nguyên Giáp động viên nhân dân đón tiếp và tiếp tế lương thực, thực phẩm.

        Sáng hôm sau, bộ đội hành quân tiếp theo đường mòn về bản Ngoại, nghỉ đêm ở đó (ngày 17-8). Hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đàm Quang Trung đi nghiên cứu đồn Nhật trên đồi cao Đại Từ.

        Vì tình thế bây giờ rất khẩn trương, cần phải tranh thủ thời gian, các đồng chí quyết định không đánh đồn Đại Từ, đưa bộ đội hành quân theo đường tắt sang xã Thịnh Đán chỉ cách thị xã Thái Nguyên 7 ki-lô-mét về phía Tây. Đoạn này phải vượt qua nhiều suối lũ trời mưa tầm tã, bộ đội hành quân chậm, sẩm tối mới tới một xóm nhỏ giữa rừng, nhịn một bửa, ngủ lại một đêm (18-8). Sáng hôm sau tiếp tục hành quân, quá trưa mới tới Thịnh Đán. Đồng chí Lê Trung Đình chuẩn bị sẵn cơ sở ở Thịnh Đán, đón Giải phóng quân tập kết trước khi đánh vào thị xã.

        Cùng với thời gian này, đại đội Vi trú quân ở Đại Từ (Thái Nguyên) và đại đội Bát tức Đàm Quốc Chủng ở Chợ Chu đều được lệnh từ trước đã về đến gần thị xã Thái Nguyên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM