Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:21:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26781 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:52:40 pm »


PHẦN THỨ BA

GIẢI PHÓNG QUÂN CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ KHU GIẢI PHÓNG VÀ TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM - 1945


RA ĐƠN VỊ CHIẾN ĐẤU

PHÙNG THẾ TÀI                                   
(Trích trong “Bác Hồ -  Những kỷ niệm không quên”)       

        Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Bác từ Côn Minh trở về nước an toàn, tôi đề đạt nguyện vọng được chuyển ra đơn vị chiến đấu. Tôi tâm sự với đồng chí Vũ Anh:

        - Em biết được phục vụ Bác là một vinh dự lớn, nhưng anh biết em rồi, em chỉ thích trực diện đánh nhau với địch, còn bảo vệ Bác, anh giao cho người khác. Sau này dù công tác gì, em hứa sẽ luôn luôn xứng đáng với sự dìu dắt, giúp đỡ của anh.

        Như phần trên tôi đã nói, công ơn đồng chí Vũ Anh đối với tôi vô cùng to lớn. Nếu như cha mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất, thì đồng chí Vũ Anh đã sinh ra tôi lần thứ hai. Đồng chí Vũ Anh là người kết nạp tôi vào Đảng và là người đầu tiên giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ cho tôi và tôi trở thành người đầu tiên được vinh dự làm nhiệm vụ quan trọng đó.

        Lúc đầu Bác chưa hoàn toàn nhất trí cho tôi chuyển công tác. May nhờ có anh Hoàng Hữu Nam nói thêm vào, cuối cùng Bác mới đồng ý. Đồng chí Hoàng Hữu Nam nói: "Xem tướng cậu ấy, cứ cho ra trận là thích hợp nhất".

        Đêm trước hôm tôi lên đường, Bác cho gọi lên dạy bảo:

        - Chú đòi được ra chiến đấu, Bác cũng không ngăn. Nhưng Bác chỉ phân vân hai điều: một là, tính chú nóng quá. Bây giờ chú là lính. Cách mạng phát triển, quân đội phát triển, mai sau chú cố gắng, sẽ là quan; là tướng. Tướng mà nóng tính thì hỏng việc; hai là, tính chú liều quá. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này ra "hùng cứ một phương", chú sẽ còn làm nhiều điều sai trái, ai ngăn được chú? Hoặc như việc chú tiêm ký ninh vào ven cho Bác cũng là một việc liều. Bác chưa thấy ai tiêm ký ninh vào ven như chú cả.

        Nói đến đây, Bác cười độ lượng:

        - Nhưng thôi! Bác còn sống là may rồi! Phải nói chuyến đi vừa qua, chú có nhiều ưu điểm: chú thông minh, tháo vát vừa bảo vệ vừa nấu ăn, vừa là thầy thuốc, lại kiêm cả “nhà ngoại giao" nữa. Vậy lần này ra chiến đấu, chú nhớ phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, cố gắng học tập, rèn luyện mọi mặt để luôn tiến bộ.

        Trước khi ra về Bác hỏi tôi:

        - Chú có hứa với Bác là sẽ khắc phục khuyết điểm để mau chóng tiến bộ không nào?

        - Thưa Bác cháu xin hứa.

        Bác bắt tay tôi.

        - Bây giờ chú sang chỗ đồng chí Vũ Anh để nhận nhiệm vụ.

        Lúc này phong trào ở các tỉnh biên giới phía Bắc đang phát triển mạnh, cần có lực lượng vũ trang để hỗ trợ phong trào. Đồng chí Vũ Anh giao cho tôi phụ trách một tiểu đội đi về hướng Đông Khê, Thất Khê (Lạng Sơn), có nhiệm vụ vừa xây dựng cơ sở, vừa phát triển lực lượng.

        Một hôm tiểu đội của tôi đang hoạt động ở vùng Mỏ Sắt thì thấy một đoàn quân khá đông từ triền núi bên kia đi về phía mình. Thoạt đầu tôi hơi chột dạ vì lực lượng mình quá ít chỉ có sáu người, so với năm, sáu chục người của họ quần áo đồng phục, súng ống đàng hoàng. Rõ ràng là cả một trung đội lính khố đỏ đang đi hành quân. Lại còn có cả năm, sáu thằng Tây và một con đầm.

        Thế là rõ. Bọn Pháp bị Nhật đảo chính tìm đường chạy sang Trung Quốc đây. Tôi nghiến chặt răng lại nghĩ bụng: Cho chúng mày chết. Mấy chục năm trời áp bức nhân dân Việt Nam, bóc lột tận xương, tận tuỷ đồng bào tao. Gia đình tao vì quá nghèo khổ mà phải tha phương cầu thực, không biết bố mẹ tao bây giờ phiêu bạt nơi đâu? Đối với nhân dân Việt Nam thì bọn mày tàn ác như thú dữ. Còn đối với bọn phát xít Nhật, thì chúng mày chỉ mới nghe tiếng súng đã kéo nhau chạy trốn.

        Tôi cho quân ẩn nấp, đợi khi thằng đội đi đầu đến gần (sau này biết tên nó là đội Oanh), tôi nhảy ra chĩa súng vào người nó quát:

        - Các anh đi đâu? Việt Minh cướp chính quyền khắp nơi rồi, cứ đi cả đàn cả lũ thế này mà chết cả nút hả?

        Cả đoàn quân dừng lại bất ngờ, ngơ ngác... Tên đội Oanh khúm núm thưa:

        - Có vợ chồng tên chánh mật thám Bắc Cạn và năm thằng Pháp muốn chạy sang Trung Quốc, nhờ các ông giúp đỡ...

        Tôi kéo đội Oanh lại trấn áp:

        - Mày làm tay sai cho bọn cướp nước bao nhiêu năm còn chưa đủ hả? Còn định bám chúng cho đến bao giờ? Đây là dịp lập công chuộc tội, trở về với cách mạng.

        Đội Oanh tỏ ra sợ hãi. Tôi bàn với đội Oanh kế hoạch diệt bọn Pháp.

        Giải quyết xong bọn mật thám Pháp, tôi tập trung anh em lính khố đỏ lại tuyên bố. Ai muốn đi theo cách mạng đứng ra một bên, ai muốn về nhà đứng ra một bên.

        Những người xin về quê, tôi viết cho mỗi người mấy chữ vào một tờ giấy, ký tên loằng ngoằng, rồi phát cho một chục đồng bạc Đông Dương làm tiền ăn đường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:53:22 pm »


        Khoảng hơn chục người xin ở lại. Tôi tuyển thêm một số du kích địa phương thành lập hẳn một trung đội du kích hoàn toàn mới. Sáu anh em trong tiểu đội cũ được tôi phong làm cán bộ tiểu đội hết và tôi nghiễm nhiên trở thành trung đội trưởng...

        Thấy súng còn nhiều, tôi bàn với du kích địa phương lập thêm một trung đội nữa. Và tôi trở thành đại đội trưởng...

        Về chiến lợi phẩm còn có thêm 6 khẩu súng ngắn, 6 cái đồng hồ và mấy vạn đồng Đông Dương tìm thấy trong túi của hai thằng chánh, phó mật thám.

        Tôi thấy đây là một số tiền khá lớn, vả lại cũng bắt đầu thấy ngợp vì đội quân mình chỉ huy đông quá nên tôi quyết định kéo về báo cáo với đồng chí Vũ Anh.

        Tôi cứ ngỡ là mình sẽ được khen, nào ngờ sau khi nghe tôi báo cáo xong, sắc mặt đồng chí Vũ Anh cứ tái đi và cuối cùng đồng chí thốt lên lo lắng:

        - Việc này tôi báo cáo với Bác ra sao? Lẽ nào chú không biết một tý gì chính sách đoàn kết của mặt trận Việt Minh trong giai đoạn hiện nay hay sao?

        Nghe đồng chí Vũ Anh nói vậy tôi vô cùng ân hận về việc làm của mình. Đúng tôi là một thằng đại ngu... Bác đang kêu gọi đoàn kết, cả người Pháp ở chính quốc lẫn người Pháp ở Đông Dương cùng đứng chung trong mặt trận chống phát xít. Thế mà tôi thấy địch chỉ biết đánh chứ không biết vận dụng chính sách đoàn kết khoan hồng. Không biết tội này nếu Bác biết được rồi sẽ ra sao? Ro ràng Bác đã lường trước được tính tôi nên khi đồng Ý cho tôi chuyển công tác, Bác đã dặn tôi là không được liều.

        Tôi vô cùng ân hận trước khuyết điểm của mình, năn nỉ đồng chí Vũ Anh cố làm sao để Bác thông cảm và tha thứ cho tôi, rồi lấy cớ là phong trào khắp nơi đang phát triển mạnh tôi đề nghị đồng chí Vũ Anh cho tôi lên đường ngay.

        Lần này đi, đồng chí Vũ Anh chỉ cho tôi mang theo một tổ ba người chứ không phải sáu người như lần trước và dặn nhiệm vụ chính là võ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở không được nổ súng tràn lan, nếu cần thì phải trao đổi xin ý kiến với cấp ủy địa phương.

        Tôi đi về hướng Phục Hòa, Đông Khê, Thất Khê. Ở các địa phương này, tin Nhật đầu hàng đang làm dấy lên một cao trào cách mạng đặc biệt sôi nổi mà sau này ta gọi là không khí tiền khởi nghĩa. Tôi nghĩ phải nhân lúc kẻ địch đang hoang mang lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền là thuận lợi nhất. Tôi tìm vào những cơ sở cách mạng cũ mà tôi đã góp phần xây dựng từ năm 1943 - 1944, cùng với họ phát triển lực lượng vũ trang. Thiếu vũ khí, tôi đề xuất, muốn có nhiều vũ khí thì nên đánh đồn địch, chúng nó đang hoang mang ta sẽ thu được nhiều súng...

        Trước hết tôi chủ trương làm thử ở Thất Khê.

        Thấy anh em còn do dự, tôi bảo cứ tập hợp quần chúng lại, tôi đã có cách. Tôi chọn ra khoảng 100 du kích, trang bị chủ yếu là gậy và mã tấu. Cũng có một vài khẩu súng kíp. Tôi huấn luyện cho mấy ngày, đi đứng, nghiêm nghỉ. Hồi còn bé ở Côn Minh tôi đã có dịp đứng hàng giờ xem sư đoàn bảo vệ Long Vân luyện tập nên có biết đôi chút về quân sự. Tôi lại người to, tiếng to, có tác phong oai vệ nên chỉ mấy hôm cả trăm người như một, giá như có quân trang đồng phục mặc vào chắc chắn ai cũng phải nhầm đây là một đội quân chính quy. Hàng ngày vào lúc chập choạng buổi chiều, tranh tối tranh sáng, tôi cho đoàn quân đi rầm rập qua phố Thất Khê để uy hiếp tinh thần bọn lính trong đồn.

        Chiều 15 tháng 8 năm 1945, tôi mặc quần áo Nùng, đầu đội mũ vải, nhưng thắt chẽn, đeo súng đàng hoàng, cùng với hai du kích vào gặp tuần phủ Thất Khê. Tôi dọa phủ Thư:

        - Tôi là người của Việt Minh. Nhật đã đầu hàng. Các nơi đã khởi nghĩa cướp chính quyền. Các anh hãy nộp vũ khí và cả dấu của phủ cho chúng tôi thì sẽ được yên thân.

        Thấy tôi nói dứt khoát, oai phong, lại nghĩ đến mấy lần trước có những đoàn quân đi rầm rập ngoài phố, bọn lính về cấp báo quân Việt Minh đông và mạnh lắm, nên hôm nay, tuần phủ ngoan ngoãn chấp hành lệnh.

        Đã có kế hoạch chuẩn bị trước, quân ta ào vào khẩn trương khuân vũ khí và các đồ quân trang, quân dụng ở đồn khố đỏ và đồn khố xanh vào rừng bên kia sông.

        Giữa lúc đó thì một tình huống không dự kiến xảy ra. Có quân cấp báo đội quân tiên phong của Trương Phát Khuê đã vượt biên giới tràn vào.

        Suốt đêm tôi đốc thúc chuyển hết kho tàng, vũ khí vào rừng. Một mặt đôn đốc việc thành lập chính quyền ở các địa phương. Xong đâu đấy mới thấy quân của các anh Hoàng Minh Thảo, Lê Thiết Hùng từ hướng Pò Mã kéo về. Các anh khen tôi làm gọn cái Thất Khê thế là tốt...

        Tôi bảo: .

        - Bây giờ các anh ở đây lo đối phó với bọn Tưởng, tôi đi làm nốt cái Na Sầm.

        Anh Lê Thiết Hùng vội ngăn:

        - Ấy! Cậu phải có kế hoạch.

        - Anh cứ yên chí! Tôi sẽ làm gọn trong một buổi.

        Na Sầm chỉ cách Thất Khê có 30 ki-lô-mét. Đã có tin cơ sở báo cho tôi biết, sau khi ta hốt gọn cái Thất Khê, thằng Na Sầm đang hoang mang cực độ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:53:50 pm »


        Tôi chỉ mang theo một trung đội nhưng rất nhiều súng. Sau khi cho quân vây xung quanh, tôi đĩnh đạc bước vào giơ súng dọa bọn chỉ huy:

        - Các anh phải đầu hàng. Tất cả Lạng Sơn về tay Việt Minh hết rồi. Ai chống cự sẽ phải đền tội

        Bọn chúng lạy van rối rít?

        - Chúng em xin theo các anh.

        Ta lại thu được một số lượng lớn súng ống ở đây. Sau khi lo việc cất giấu vũ khí thiết lập chính quyền mới, tôi trở về Thất Khê. Anh Lê Thiết Hùng bảo tôi: “Bây giờ quân đông, súng nhiều, ta phải tổ chức một khóa huấn luyện cấp tốc, đào tạo cán bộ cho địa phương. Rồi anh Lê Thiết Hùng nói vui: Cậu sẽ làm "giám đốc" trường quân chính này".

        Lớp đầu tiên tôi triệu tập khoảng 150 học viên. Được địa phương và được các anh đồng ý, tôi chọn anh Đàm Văn Ngụy làm phó cho tôi. Là một thanh niên dân tộc thiểu số địa phương, Đàm Văn Ngụy được giác ngộ và trưởng thành nhanh chóng trong phong trào cách mạng. Năng nổ và nhiệt tình, lại thêm tháo vát, quen thuộc địa bàn, chính Đàm Văn Ngụy đã góp phần rất lớn cho sự tồn tại của trường quân chính" tạm thời này... Hầu như suốt ngày đêm anh phải đi lo chạy gạo cho hàng trăm học viên có đủ cái ăn mà học tập.

        Thời gian này xảy ra một câu chuyện đáng ghi nhớ. Số là một trung đoàn Quốc dân đảng đóng ở Thất Khê, thường xuyên gây nhiều phiền toái cho địa phương quanh vùng. Điển hình là việc cho quân thay nhau đi cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng. Đồng bào căm lắm. Tôi nghĩ bụng phải trị cho bọn này một trận mới được và bàn kế hoạch với đồng chí Y cán bộ huyện Thất Khê. Dịp đó đã đến. Nhân một trung đội của chúng đến cướp bóc ở gần cầu Bản Trại, tôi cho phục kích diệt gọn 30 tên. Bọn lính thì hết sức kinh hoàng, nhưng bọn chỉ huy, được mấy tên Việt Nam Quốc dân đảng gièm pha định làm to chuyện. Nó chính thức gửi công văn đòi bắt Phùng Thế Tài đổi mạng. Tôi bỗng chột dạ. Chuyến này mà bọn chúng làm to đến tai Bác thì gay, không biết tôi phải ăn nói với Bác ra sao? Công bằng mà nói việc tôi làm là đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng. Đồng bào và các dân tộc nghe tin quân ta đánh bọn Tưởng một trận nhớ đời đều hả lòng, hả dạ. Còn bọn Tưởng thì sau vụ này chúng bớt hung hăng, không dám làm càn như trước.

        Tôi phải đến nhà cụ Liên, một nhân sĩ có tiếng trong vùng, giỏi chữ Hán, biết tiếng Trung Quốc, có uy tín với bọn Tưởng nhờ can thiệp giúp.

        Cụ Liên vào gặp tên chỉ huy, nói từ tốn: "Chúng tôi được lệnh từ trên Trung ương là Việt Nam phải có nhiệm vụ ủng hộ Hoa quân nhập Việt. Mấy lần mọi việc đều tốt đẹp, không may vừa rồi lại xảy ra chuyện đáng tiếc, chúng tôi thành thật có lời xin lỗi... Còn về Phùng Thế Tài, chúng tôi đã bắt ông ấy làm kiểm điểm, ông ấy có trình bày là hôm ấy một số quân của quý quốc đã quá thẳng tay sát phạt dân lành nên quân của ông ta hơi quá tay, ông ta ngăn không kịp..."

        Nghe Cụ Liên nói, bọn chúng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Và khi nghe cụ Liên nói tiếp; "Nhân dịp đến thăm bản doanh, chúng tôi xin ủng hộ quân đội quý quốc 10 tấn gạo" thì bọn chúng lập tức cho qua sự việc vừa rồi. Nhưng còn vớt vát:

        - Nếu sắp tới xảy ra một trường hợp tương tự, nhất định chúng tôi sẽ không cho qua.

        Cuộc thương thuyết của cụ Liên thế là thắng lợi. Tôi thật sự cảm ơn cụ đã giải toả cho tôi một tình huống hết sức phức tạp.

        Sau này tôi mới biết, chính trong thời gian đó, ở Hà Nội Bác cũng đã phải đứng trước hàng trăm chuyện lôi thôi như chuyện của tôi gây ra.

        Không biết trong sổ tay của Bác có ghi chuyện Phùng Thế Tài tổ chức diệt 30 tên lính Tưởng ở cầu Bản Trại, Thất Khê hay không?

        Tất cả những sự việc trên đây nói ra thì có vẻ dài dòng như vậy nhưng thực ra chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày sôi động của Cách mạng tháng Tám ở vùng đất Đông Bắc Tổ quốc. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy tự hào là mình có những đóng góp ít ỏi nhưng xứng đáng vào thắng lợi quan trọng của nhân dân miền biên giới.

        Lúc này tôi đã bước sang tuổi 25. Nghĩ lại, mới ngày nào còn là một đứa trẻ cầu bất, cầu bơ, nay có thể độc lập công tác ở một mũi, một địa phương, tuy vẫn còn để phạm những thiếu sót nhưng cơ bản đã hoàn thành được nhiệm vụ đúng thời điểm lịch sử đòi hỏi.

        Có được điều này, tôi không thể nào quên sự quan tâm dìu dắt của Bác, của đồng chí Vũ Anh, trong đó "lớp học trên đường" từ Pác Bó đến Côn Minh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Tôi còn nhớ như in khi giảng về Cách mạng tháng Mười Nga, Bác thuật lại cho chúng tôi nghe chỉ thị của Lê-nin đêm 6 tháng 11 năm 1917: "Cách mạng phải nổ ra đêm nay, chứ nhất định không để đến ngày mai, để đến ngày mai là có tội đối với Tổ quốc, với nhân dân".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:54:21 pm »


        Khi quyết định giải phóng Thất Khê và sau đó là Na Sầm, tôi cũng nghĩ là phải nhanh lên, làm ngay bây giờ thì chắc chắn là thắng, chứ để đến mai thì chưa biết sẽ ra sao; rằng nếu để đến mai, bọn Tưởng tràn vào thì khó có thể thành công ...

        Cũng phải nói thêm rằng, trong những năm tiền khởi nghĩa tôi vừa có nhiệm vụ bảo vệ Bác, vừa lăn lộn với phong trào ở vùng căn cứ địa, nên tôi nắm rất vững con người ở đây, thuộc lòng đường đi lối lại, các cơ sở coi tôi như người nhà. Có thể nói đó là sự tích luỹ suốt bốn, năm năm trời hoạt động tại một địa bàn, lớn dần lên trong phong trào quần chúng, để khi có thời cơ vụt trưởng thành nhanh chóng.

        Sau Thất Khê, Na Sầm, đêm 23 tháng 8, anh Lê Thiết Hùng, ké Lộc và tôi băng về Lạng Sơn, cùng tham gia giành chính quyền ở thị xã vào ngày hôm sau. Và ở đây một sự kiện mới nữa đã đến với tôi - tôi trở thành phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn.

        Sau đó, anh Lê Thiết Hùng được đồng chí Vũ Anh gọi về Hà Nội.

        Tình hình ở Lạng Sơn lúc này khá phức tạp. Bọn Phục quốc quân chiếm toàn bộ khu phố Kỳ Lừa, do Nông Quốc Long làm thủ lĩnh. Phía bên kia cầu, Quốc dân đảng và Việt Minh chia nhau chiếm giữ, không lực lượng nào chịu lực lượng nào. 

        Thực chất đây là một chính quyền liên hiệp được thoả thuận giữa các bên do Nông Quốc Long làm chủ tịch, Phùng Thế Tài làm phó chủ tịch. Trụ sở ủy ban cùng treo hai lá cờ song song: một lá cờ ba sọc và một lá cờ đỏ sao vàng. Cờ ba sọc gồm ba sọc trắng, ba sọc xanh, trên có ngôi sao. Những ngày sau đó trong thành Lạng Sơn có thêm một sư đoàn quân của Trương Phát Khuê đóng, làm chỗ dựa cho bọn tay sai.

        Tình hình phức tạp đến mức tôi không biết xoay xở ra sao? Phải thú thật là tôi còn thiếu cái vốn hiểu biết toàn diện để tự mình phân tích được một cách khoa học mọi tình hình đang diễn ra trước mắt. Tôi thuộc loại người có sức mạnh, có bản lĩnh, có quyết tâm cao thực hiện mọi việc nhưng phải có Đảng vạch đường, chỉ lối, còn ở cái tỉnh Lạng Sơn ở miền biên giới xa xôi này thì Nông Quốc Long, chủ tịch Phục quốc lại đang làm chủ tịch, còn tôi thì làm phó ... Lúc này Bác Hồ thì ở tận Hà Nội, còn đồng chí Vũ Anh cũng ở tận đâu đâu dưới ấy, hình như làm ủy viên quân sự toàn quốc. Do đó mỗi khi xuất hiện một vấn đề gay cấn tôi chẳng biết hỏi ai. Cho đến khi bước vào chuẩn bị bầu cử quốc hội thì rất lúng túng. Tôi thấy trong danh sách hầu hết là bọn phản động.

        Thế là tôi về Hà Nội, tìm gặp đồng chí Vũ Anh. Nghe tôi báo cáo tình hình, đồng chí Vũ Anh cũng thấy phức tạp, tại sao lại để cho Nông Quốc Long làm chủ tịch tỉnh, bộ mặt phản động của chúng, ai mà chẳng biết. Có lẽ phải tìm cách loại bỏ Long đi mới ổn. Nhưng đồng chí Vũ Anh bảo tôi hãy khoan bàn vấn đề này. Trước mắt anh dẫn tôi đi gặp Bác. Đồng chí Vũ Anh dẫn tôi đến Bắc Bộ Phủ.

        Kể từ ngày chia tay Bác ở Pác Bó đến nay, đã gần một năm tôi mới gặp lại Bác. Bác cho tôi ăn cơm và ngủ lại một đêm để nói chuyện. Hầu như Bác dành cả một buổi tối để nghe tôi kể chuyện tình hình những ngày đầu cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn... Nhân dân khắp nơi vùng lên lập chính quyền mới như những ngày hội. Nhưng từ khi quân Tưởng sang thì tình hình trở nên phức tạp, khó khăn.

        Tôi nói với Bác bọn Tưởng là giặc chứ không phải là quân Đồng Minh gì đâu. Nếu Chính phủ không sớm có chủ trương đối phó thì nó sẽ phá hết thành quả cách mạng của ta. Rồi quên khuấy mất lời dặn của đồng chí Vũ Anh, tôi báo cáo luôn với Bác tình hình phức tạp của Lạng Sơn và khẳng định nếu để Nông Quốc Long làm chủ tịch thì thế nào ta cũng mất Lạng Sơn.

        Nghe đến đây Bác mỉm cười vỗ vai tôi:

        - Có Phùng Thế Tài làm phó chủ tịch mà lại để mất Lạng Sơn à?

        Mấy hôm sau, tôi được tin Nông Quốc Long không còn làm chủ tịch Lạng Sơn nữa. Hình như Long bị một phe phái nào đó loại bỏ. Còn tôi cũng không trở về Lạng Sơn mà đi nhận một nhiệm vụ khác. Mọi công việc tôi bàn giao cho đồng chí Huyền ở trong ủy ban.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:55:03 pm »


VÀI SUY NGHĨ VỀ CHIẾN THẮNG PHAI KHẮT - NÀ NGẦN

HỒNG KỲ         

        Thấm thoắt trận tiêu diệt hai đồn Phai Khắt - Nà Ngần đến nay đã hơn 50 năm. Trong lịch sử chiến thắng để tồn tại của dân tộc Việt Nam lưu lại những võ công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Như Nguyệt, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Xuân Giang, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tuy quy mô tầm vóc của các trận Phai Khắt, Nà Ngần khiêm tốn, nhỏ nhoi, nhưng ý nghĩa của nó lại rất lớn.

        Trận tiêu diệt đồn Phai Khắt diễn ra chiều ngày 25 tháng 12 năm 1944, ba ngày sau khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Trong trận này nhờ có nhân dân đùm bọc tiếp tế và giúp đỡ, Giải phóng quân đã nắm chặc thời cơ, lúc lính địch đang ăn cơm chiều, khôn khéo cải trang thành một toán lính dõng từ trên châu Nguyên Bình đi tuần xuống, đột nhập vào đồn.

        Do điều tra nắm chắc được vị trí địch, tiểu đội trưởng Thu Sơn đóng giả "đội xếp” mượn tiếng "đón quan châu” tập hợp được binh lính rồi cùng anh em bắt hàng toàn bộ quân sĩ trong đồn. Viên đồn trưởng người Pháp đi xa, được báo, quay về, đáng lẽ chỉ bị bắt nhưng vì chống cự nên bị một đội viên bắn chết cả người lẫn ngựa. Anh em nhanh chóng tước súng địch, tịch thu kho vũ khí.

        Trận đánh diễn ra chỉ trong vòng mười lăm phút. Chỉ nửa tiếng sau đã hoàn toàn thu dọn chiến trường. Hơn hai chục lính khố xanh, người thì giác ngộ đi theo cách mạng, kẻ được tha về quê quán làm ăn.

        14 giờ sau chiến thắng Phai Khắt, Giải phóng quân đánh tiếp trận Nà Ngần. Sáng ngày 26 tháng 12 năm 1944, đợi trời tan sương bộ đội ta đã cải trang thành lính địch (nhờ có quần áo của chúng thu được trong trận trước) vừa đi vừa hô hoán reo la như vừa bắt được mấy người dân tộc Dao "làm Cộng sản", (thực ra là lão đồng chí Toàn và hai đội viên Cứu quốc khác đóng giả) ung dung tiến vào đồn. Lính địch trong đồn chưa kịp ăn sáng, đã bị gọi tập hợp, tiếp đó bị vây bắt, dụ hàng. Tên Quản chỉ huy cùng bốn lính cố tình chống cự đã bị bắn chết. Trận đánh diễn ra từ năm đến sáu phút.

        Hai trận đánh nhỏ, vì quân sĩ mỗi bên chỉ khoảng ba mươi đến bốn mươi người, song lại là trận đánh có ý nghĩa chính trị, lịch sử quan trọng.

        Đối với kẻ địch, đây là trận đánh đàng hoàng của đội quân chủ lực của một dân tộc đối thủ mà từ 60 năm nay cứ mỗi lần vùng dậy là một lần bị nhấn chìm trong biển máu; một trận đánh có tổ chức, có kế hoạch, có công tác tham mưu, công tác chính trị và công tác hậu cần. Đó là trận tiêu diệt nhanh gọn trong 14 giờ hai cứ điểm cách nhau 15 ki-lô-mét, một trận đánh trí tuệ, táo bạo và thần tốc đáng gờm, trận đánh như một ngọn roi lửa của nhân dân Cao - Bắc - Lạng quất vào mặt quân thù. Sau một năm bị khủng bố trắng đẫm máu, trận đánh chứng tỏ sức sống kiên cường, bất khuất của cách mạng Việt Nam, báo trước một tương lai thảm họa cho bọn thực dân xâm lược.

        Đối với cách mạng Việt Nam, Phai Khắt, Nà Ngần là hai trận đầu xuất trận của đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là trận đánh "tuyên truyền giải phóng" chính thức ra mắt toàn dân biết. Cách mạng "đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự". Đó là trận đánh báo hiệu cho toàn dân tiến lên con đường vũ trang tranh đấu đầy máu lửa, hy sinh để tích cực chuẩn bị cho thời kỳ toàn dân khởi nghĩa giành lấy chính quyền.

        Trận đánh đó báo cho toàn quốc đồng bào, nhất là với thanh niên, đây không còn là lúc:

                         “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
                         Chọn một dòng. . . "

        Sau Phai Khắt, Nà Ngần, con đường chiến đấu đã mở ra. Sự lựa chọn dùng bạo lực cách mạng để tự giải phóng dân tộc bị áp bức ra khỏi vòng nô lệ từ những năm ba mươi đã được thực hiện đúng thời cơ, kiên quyết, sáng tạo. Đây là lúc “những chàng trai quý gái yêu” hãy vững bước theo Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân tiến lên con đường vũ trang tranh đấu.

        Đối với quân ta, các trận Phai Khắt, Nà Ngần đã tạo một tiền lệ của truyền thống "ăn mỗi ngày một bữa, thắng mỗi ngày hai trận", "khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng", đánh chắc thắng và mở đầu truyền thống anh hùng "trận đầu đánh thắng".

        Sau Nam tiến lần thứ nhất (1941 - 1943) thắng lợi là sự ra đời của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Sau các trận thắng rực rỡ Phai Khắt, Nà Ngần là rộ lên phong trào yêu cầu được đi "giải phóng" của thanh niên Cao - Bắc - Lạng, phát triển phong trào vũ trang toàn dân, hình thành ba thứ quân lan về Thái Nguyên, Tuyên Quang, chuẩn bị lực lượng, chớp thời cơ "Nhật - Pháp bắn nhau..." để hành động và chỉ vài tháng sau Nhật đảo chính Pháp, sáu tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên đã thành lập Khu giải phóng bước sang thời kỳ tiền khởi nghĩa sôi nổi trong cả nước.

        Khi có quân lệnh số 1 ban ra cho toàn dân khởi nghĩa thì Việt Nam Giải phóng quân - lực lượng vũ trang thống nhất của Đảng gồm đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đơn vị mang truyền thống Phai Khắt Nà Ngần cùng với Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác, dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân, Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng cùng với toàn dân nổi dậy suốt từ Bắc chí Nam, chỉ trong một tuần từ 19 đến 25 tháng 8 năm 1945 đã giành được chính quyền trong cả nước, giải phóng dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng nô lệ, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần, bừng sáng lên trong đêm dài nô lệ một vì sao báo hiệu sự đổi đời!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:56:30 pm »


TRẬN ĐÁNH QUÂN NHẬT Ở TAM ĐẢO

1. TRẬN ĐÁNH TAM ĐẢO

LÊ HỒNG TÂM       

        “Tam đảo! Hai chữ Tam Đảo sẽ được lưu truyền đời đời trong lịch sử cách mạng của ta". Đó là câu mở đầu của một bài đăng trên báo Quân giải phóng - cơ quan của Giải phóng quân Việt Nam, số 1 ra ngày 3-8-1945, ghi nhận một chiến công xuất sắc của Quân giải phóng ở chiến khu trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Số báo này hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội.)

        Báo chí cách mạng trong thời kỳ bí mật như “Nước Nam mới" và sau này như báo Quân đội nhân dân, tạp chí Lịch sử quân sự đều đã có những bài viết về trận Tam đảo. (Báo Quân đội nhân dân, số 8679 (29-7-1985) và số 8680 (30-7-1985).)

        Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám, chúng ta cùng nhau nhớ lại chiến công này.   

        Tam Đảo vốn là một khu nghỉ mát do thực dân Pháp xây dựng trên một đỉnh cao của dãy núi Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) có quy mô dáng dấp như một thị trấn miền núi ở nước Pháp với hơn 100 biệt thự kiểu dáng kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại, bao quanh bởi vườn hoa và thảm cỏ. Cùng với các biệt thự, Tam Đảo còn có các nhà thờ đạo Thiên chúa với dáng tháp cao xây bằng đá tảng và khách sạn nhiều tầng; có trường học, bệnh xá và nhà bưu điện, có cửa hàng bách hóa và nhà câu lạc bộ, có sân vận động, các bể bơi cho người lớn và trẻ em, có điện nước đầy đủ và đường ô tô trải nhựa nối với quốc lộ số 2, qua thị xã Vĩnh Yên về Hà Nội. Cho tới năm 1945, khu nghỉ mát Tam Đảo là nơi cư trú thường xuyên của hơn 100 gia đình quan chức cao cấp người Pháp.

        Ở Tam Đảo ngoài khu nghỉ mát của người Pháp mà nhân dân ta khi ấy gọi là "làng Tây", còn có một xóm nhỏ của các gia đình người Việt Nam được gọi là "làng ta" với những nhà tranh vách đất tồi tàn của những người lao động thuộc vùng đồng bằng lên đây sinh sống bằng các nghề phục vụ việc xây dựng và tu sửa, trông coi các biệt thự của khu nghỉ mát.

        Để bảo vệ Tam Đảo, thực dân Pháp đã thiết lập tại đây một đồn cảnh sát do sĩ quan người Pháp chỉ huy, một đồn lính khố xanh có một trung đội được trang bị đầy đủ súng đạn. Lực lượng này còn trông coi một trại giam hàng trăm người tù Việt Nam bị đưa từ các nơi đến để làm lao công tạp dịch phục vụ khu nghỉ mát.

        Từ đầu những năm 40, việc bảo vệ Tam Đảo được tăng cường một đại đội lính lê dương người Âu vì lúc này Mặt trận Việt Minh và Cứu quốc quân đã có những hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có nơi chỉ cách Tam Đảo không quá ba giờ đi theo đường mòn trong rừng già của dãy núi Tam Đảo.

        Sau này phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (9-3-1945), đơn vị lính lê dương bỏ chạy, một trung đội quân Nhật chiếm đóng Tam Đảo, lập đồn trại trong hai biệt thự kiên cố cạnh tháp chuông nhà thờ. Chúng nắm quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát và lính khố xanh được đổi tên thành bảo an binh, khống chế người Pháp cư trú ở Tam Đảo, tổ chức mật vụ để nắm tình hình và tăng cường tuần tra canh gác các ngả đường mòn dẫn tới chiến khu Việt Bắc. Bởi lẽ các hoạt động của Việt Minh đã xuất hiện ở Tam Đảo và quân Nhật ở đấy đã nằm trong sự đe dọa bị tấn công bởi Giải phóng quân mà chúng tuyên truyền xuyên tạc là “giặc cỏ".

        Từ cuối năm 1944, để thực hiện chủ trương Nam tiến, Tam Đảo đã là một địa bàn mở rộng hoạt động của trung đội Phạm Hồng Thái do đồng chí Thạch Sơn chỉ huy. Trung đội này vốn là một đơn vị Cứu quốc quân đã xây dựng được căn cứ bí mật trong đồng bào dân tộc người Dao ở xã Quân Chu và hoạt động vũ trang tuyên truyền mở rộng Khu giải phóng ở các xã phía Nam thuộc huyện Đại Từ và huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

        Hoạt động của trung đội Phạm Hồng Thái khi ấy có thuận lợi vì trong đơn vị có một số cán bộ và chiến sĩ vốn là con em các gia đình lao động cư trú ở Tam Đảo và tinh thần cách mạng của đông đảo nhân dân đã được khơi dậy mạnh mẽ bởi những tin tức về thắng lợi của Việt Minh ở chiến khu và các nơi khác đã lan truyền tới đấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:56:46 pm »


        Cho đến trước ngày xảy ra trận đánh (16-7-1945) thì chương trình Việt Minh đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ở Tam Đảo. Nhiều tổ chức cách mạng đã được xây dựng trong nhân dân ở "làng ta", trong hạ sĩ quan, binh lính của đồn bảo an binh và trong những người tù ở trại giam.

        Chương trình Việt Minh và chủ trương kêu gọi người Pháp cùng hợp tác để đánh đuổi phát xít Nhật cũng đã được phổ biến trong cộng đồng người Pháp bị Nhật cầm giữ ở đây qua một cơ sở rất tích cực của Quân giải phóng là vợ chồng giáo sư sử học người Pháp tên là Béc-na.

        Kế hoạch đánh Tam Đảo được cấp trên dự kiến thì một tổ công tác của Quân giải phóng đã có thể cắm chốt tại đây để nghiên cứu kỹ càng vị trí đóng quân, theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân Nhật, bí mật huấn luyện chiến đấu cho những người tù hăng hái nhất bằng chính vũ khí của bảo an binh và chuẩn bị kế hoạch phối hợp tác chiến của Giải phóng quân với các tổ chức cách mạng.

        Gần tới ngày xảy ra trận đánh, đội trưởng Thạch Sơn đã đưa đồng chí Lê Trung Đình - một cán bộ cấp trên chỉ đạo phong trào cách mạng ở Thái Nguyên bí mật đột nhập Tam Đảo để xem xét tại chỗ mọi mặt công tác chuẩn bị. Trên đường trở về Tân Trào, sau khi dự Hội nghị quân sự Bắc Kỳ tháng 4 năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nghe đội trưởng Thạch Sơn báo cáo và cho những ý kiến chỉ đạo sâu sát, cổ vũ mạnh mẽ ý chí chiến đấu của các chiến sĩ Giải phóng quân.

        Trận Tam Đảo bắt đầu từ nửa đêm về sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945. Những binh lính bảo an và người tù được giác ngộ cách mạng đã nổi dậy phối hợp với Giải phóng quân chiến đấu dưới quyền chỉ huy của đội trưởng Thạch Sơn. Quân ta bao vây chặt quân Nhật trong đồn trại, bắn tỉa để tiêu hao lực lượng, uy hiếp tinh thần của chúng và tập kích, xung phong chiếm được đồn lúc trời vừa sẩm tối. Kết quả là quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn, ta thu được toàn bộ súng đạn và đồ quân dụng, trong đó có những thứ khi ấy rất quý hiếm như trung liên, súng phóng lựu đạn, máy thông tin...

        Thành tích chiến đấu này đã được nhấn mạnh trong bài “Phê bình các cuộc chiến đấu vừa qua" đăng trên báo Quân giải phóng (số 1 ngày 3-8-1945), trong đó có đoạn viết "trong lúc này Giải phóng quân chiến đấu là để mở rộng ảnh hưởng chính trị và tăng gia lực lượng quân sự của ta. Về mặt quân sự thì các cuộc chiến đấu có kết quả khác nhau. Có cuộc thì kết quả là đem lại cho ta một số súng đạn của địch giúp bộ đội ta phát triển thêm. Còn có cuộc thì kết quả là giết chết một số quân địch, còn súng đạn thì ta chỉ có mất chứ không có được! Mà những cuộc lỗ vốn này phần nhiều là những cuộc phục kích (...) còn những cuộc có lãi thì phần nhiều là những cuộc tập kích như trận Lục An Châu, Yên Bình, Tam Đảo. Tập kích là khó, nhưng ta tập kích lại có kết quả lớn. Đó là vì trong những trận tập kích vừa rồi, quân địch bị ảnh hưởng chính trị mà đầu hàng thì nhiều, còn bị sức chiến đấu mãnh liệt của ta tiêu diệt như ở Tam Đảo thì ít...".

        Trong trận Tam Đảo, việc bảo an binh nổi dậy phối hợp chiến đấu với Quân giải phóng đã là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi.

        Sự kiện này là kết quả nổi bật của công tác binh vận và đã có ảnh hưởng rộng lớn trong lính bảo an dưới quyền chỉ huy của phát xít Nhật. Để phát huy ảnh hưởng này, ngay sau trận đánh, báo “Nước Nam mới" đã đưa tin "Anh em binh lính phối hợp với Giải phóng quân đã hạ đồn Tam Đảo toàn bộ quân Nhật bị tiêu diệt...". Báo Quân giải phóng thì viết "Tại Tam Đảo, anh em đội, cai, binh lính đã theo lời kêu gọi của Việt Minh, quay súng lại tiêu diệt giặc Nhật! Anh em binh lính nổi dậy diệt trừ giặc Nhật lần này là lần đầu tiên. Cái gương nghĩa khí ấy, toàn thể binh lính Việt Nam sẽ noi theo, toàn thể quốc dân Việt Nam sẽ ghi nhớ...".

        Do kết quả của công tác vận động quần chúng, trong khi trận đánh diễn ra ác liệt, đồng bào ta đã nấu cơm, giết lợn, đưa đồ ăn, nước uống đến tận vị trí chiến đấu của các chiến sĩ ở sát đồn địch, đã lớn tiếng hò reo để động viên quân ta và áp đảo tinh thần quân địch khi các chiến sĩ xung phong chiếm đồn. Sau đó đồng bào còn tham gia thu dọn chiến trường, vận chuyển thương binh, chiến lợi phẩm và một số thanh niên Tam Đảo đã xin gia nhập ngay Giải phóng quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:57:29 pm »


        Vì đã được tuyên truyền và có liên lạc từ trước với Giải phóng quân, nên trong trận đánh, người Pháp đã tỏ rõ thiện chí bằng cách giao cho quân ta một số súng đạn họ cất giấu được, tiếp tế thức ăn, thuốc men và tham gia băng bó, chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Tin tưởng vào chính sách của Việt Minh, đã có 20 người Pháp đề nghị được theo quân ta về Khu giải phóng trong đó có vợ chồng Béc-na giáo viên trường trung học An-be Sa-rô (Albert Sarraut), gia đình công sứ Vĩnh Yên và một số quan chức cao cấp khác. Những người này đã được chăm sóc, bảo vệ chu đáo trong những ngày ở Khu giải phóng.

        Thay mặt cho họ vợ chồng giáo viên Béc-na đã viết "Thư gửi các bạn ở Hà Nội". Những dòng đầu thư này viết: "Việt Minh! Tôi muốn nói với các bạn về họ! Một là để thoả mãn trí tò mò da diết của tôi cũng như của các bạn, hai là để xóa bỏ những hiểu lầm và thành kiến mà số đông chúng ta mắc phải. Việt Minh không phải là kẻ cướp, cũng không phải là người ghét người Pháp mà chỉ là những người ghét chủ nghĩa phát xít và mong muốn giải phóng đất nước họ khỏi ách Nhật Bản. Đó là bộ phận sống động nhất, chân chính nhất của một đất nước đang sôi động và đầy sức mạnh...".

        Sau khi nói về thái độ ưu ái và sự bảo vệ an toàn của quân dân ta dành cho người Pháp ở Khu giải phóng, bức thư đó có đoạn viết “Không bao giờ tôi quên được buổi tối đó khi được ông Văn (Võ Nguyên Giáp), một vị chỉ huy mà theo chúng tôi là người có quyền hành nhất và kinh nghiệm phong phú nhất - nói cho chúng tôi nghe, với những lời giản dị, mạnh mẽ về những cố gắng bền bỉ nhưng không kết quả của Việt Minh nhằm tiếp xúc với người Pháp và làm cho người Pháp hiểu. Bất hạnh thay họ đã nói chuyện với một chính quyền đế quốc. Chính quyền này đã trả lời họ bằng cách tăng cường các cuộc đàn áp (...), chúng tôi thấy cần phải thực hiện một nhiệm vụ cấp bách là thường xuyên kêu gọi những người Pháp còn lại ở Hà Nội hoặc ở nơi khác tại Đông Dương chưa được giải phóng hãy thức tỉnh trước thực tế đó. Với tất cả tấm lòng, chúng tôi mong ước rằng vào lúc xảy ra những cuộc chiến đấu cuối cùng, những người Pháp này đừng có hoạt động gì làm hoen ố lịch sử quan hệ Pháp - Việt Nam".

        Những dòng cuối cùng của bức thư là "Chúng tôi khẳng định rằng Việt Nam quyết tâm phát triển các quan hệ bạn bè, đẩy mạnh trao đổi buôn bán, kỹ thuật văn hóa với nước chúng ta sao cho việc giải phóng Đông Dương là bình minh của một tình hữu nghị mới, thật sự nhân đạo, tài sản quý báu nhất đối với những người có thiện chí của tất cả các nước". Ký tên Mô-rít (Maurice) và Y-von Béc-na (Yvonne Bernard), cựu giáo viên trường trung học An-be Sa-rô. (Thư này viết bằng chữ Pháp đã được in và bí mật tán phát rộng rãi ở Hà Nội).

        Chiến thắng Tam Đảo cùng với việc một số người Pháp theo về Khu giải phóng và lá thư của họ đã có tác dụng phủ định sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù về Việt Minh, chứng minh cụ thể chính nghĩa và sức mạnh của phong trào cách mạng do Việt Mình lãnh đạo. Thế giới cũng đã biết được tin chiến thắng Tam Đảo qua làn sóng điện của đài phát thanh Côn Minh (Trung Quốc) nhờ nguồn tin của tổ công tác liên lạc của quân Đồng Minh do thiếu tá người Mỹ tên là Tô-mát chỉ huy, khi ấy cũng có mặt ở Tân Trào.

*

*      *

        Ở vào thời điểm phong trào cách mạng sôi sục chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phát xít Nhật còn ngoan cố chưa chịu đầu hàng và quân Đồng Minh chuẩn bị đổ bộ vào Đông Dương thì chiến thắng Tam Đảo đã là một chiến công đặc biệt. Tin chiến thắng nhanh chóng lan truyền về Hà Nội và các địa phương đã cổ vũ mạnh mẽ các hoạt động quân sự đánh Nhật, cướp vũ khí xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng va công tác binh vận.

        Tin chiến thắng về đến Tân Trào trong những ngày chuẩn bị họp Quốc dân Đại hội đã đem thêm những niềm vui hân hoan, tin tưởng tới các đại biểu của mọi miền đất nước về dự Đại hội. Chiến thắng Tam Đảo được đài phát thanh Côn Minh chuyển đi, thế giới có thêm hiểu biết đúng đắn về sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta do Việt Minh lãnh đạo.

        Sau trận Tam Đảo, cán bộ và chiến sĩ trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái cùng anh em binh lính và người tù giác ngộ cách mạng đã tham gia chiến đấu đều trở thành cốt cán của các đơn vị Giải phóng quân được phát triển lớn mạnh trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chiến thắng Tam Đảo đã được ghi vào lịch sử quân đội nhân dân quang vinh của chúng ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:21 pm »


2. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH NHẬT Ở TAM ĐẢO

KIM SƠN         

        Một tình huống bất ngờ

        Từ hội nghị miền Bắc Đông Dương trở về Tân Trào, tại làng Cát Nê, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao nhiệm vụ cho trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái phải tiến công quân Nhật, mở rộng khu căn cứ sang Vĩnh Yên.

        Hạ tuần tháng 5 năm 1945, một kế hoạch hoạt động quân sự lớn được dự định và khẩn trương chuẩn bị. Đồng chí Lê Trung Đình là một cán bộ cấp trên trực tiếp của trung đội Phạm Hồng Thái đã cùng đồng chí Thạch Sơn, trung đội trưởng vượt sang Tam Đảo nắm lại tình hình cơ sở đã có ở đây và đi nghiên cứu địa hình chuẩn bị cho những hoạt động phối hợp với quân Đồng Minh.

        Theo dự định trong trường hợp máy bay Đồng Minh ném bom cầu Việt Trì thì Quân giải phóng sẽ thừa cơ tiến đánh các căn cứ huấn luyện và hậu cần của Nhật đóng ở Bảo Sơn, Đình Âm (Vĩnh Yên). Kế hoạch hoạt động sẽ phải thực hiện bằng trận đánh mở đầu diệt quân Nhật đóng giữ thị trấn Tam Đảo bằng nội công ngoại kích. Cơ sở và nhân mối của ta lúc bấy giờ đã có trong anh em binh lính và cả dân thường bị bắt giam ở Tam Đảo.

        Nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra. Có một nhân mối trong số lính bảo an phản bội, báo cho Nhật biết anh em tù, nhân dân và binh lính, cảnh sát người Việt ở Tam Đảo đã theo Việt Minh. Bọn Nhật ở Vĩnh Yên quyết định ngày 16 tháng 7 năm 1945 sẽ tước vũ khí của binh lính người Việt và sẽ có những biện pháp đối phó tiếp theo.

        Một kế hoạch táo bạo đánh úp quân Nhật

        Được tin trên, nửa đêm 15 tháng 7 năm 1945, cơ sở của ta đã kịp báo tin cho các đồng chí Trường Liên, Ngân Sơn và tôi lúc đó là liên lạc, được phân công bám sát cơ sở ở đây. Tình hình rất khẩn cấp, không cho phép do dự. Cần phải có ngay một kế hoạch đối phó, không thể báo cáo và xin chỉ thị của trên kịp được.

        Sau khi bàn bạc với anh đội Bồng, đại diện cho anh em lính bảo an và anh Phan, đại diện cho anh em tù, mọi người đã cùng nhau thống nhất chủ trương đối phó, quyết định không để cho Nhật tước vũ khí mà phải chủ động tiến công địch trước.

        Một kế hoạch đánh úp táo bạo được khẩn trương vạch ra: trong đêm 15 tháng 7 năm 1945 rạng sáng 16 tháng 7 năm 1945, các anh đội Bồng và Phan cùng những anh em lính và tù hăng hái tự nguyện bí mật bao vây chờ Quân giải phóng đến sẽ tấn công quân Nhật trước lúc tảng sáng. Tôi được giao nhiệm vụ giữ liên lạc chặt chẽ giữa bộ phận này với Quân giải phóng.

        Anh Ngân Sơn nhanh chóng xuống ngay làng An Nam" cùng anh Trần Cường và cơ sở của ta ở đó, cắt đường điện thoại Tam Đảo - Vĩnh Yên, tìm cách liên lạc với các đồng chí Việt Minh ở các làng Mạ, Nhân Lý... tiến ra phá cầu Lính (Quân Pháp gọi cầu này là Pont des linh, dân ta quen gọi là cầu Lính.) và ngả cây to làm vật chướng ngại từ ki-lô-mét 13 đến ki-lô-mét 18 Vĩnh Yên - Tam Đảo, rồi tổ chức trận địa ngăn chặn địch ở bình độ 300 mét (dốc đứng). Anh Trường Liên gấp rút đi báo tin ngay sau khi có kế hoạch cho trung đội phạm Hồng Thái ở làng Quân Chu để kịp đưa lực lượng lên tăng cường làm nòng cốt cho trận đánh. Mọi việc được triển khai theo kế hoạch đã định.

        Đêm hôm ấy, anh em binh lính mai phục xung quanh đồn Nhật. Anh em tù đã nhiều người bám sát hàng rào khu đồn và bí mật tiến sát tới chân tường nhà quân Nhật. Cuộc bao vây đã dần đần hình thành. Song lệnh nổ súng chưa ban ra, còn phải chờ Quân giải phóng tới, nhưng đáng tiếc trong anh em lính, có người sợ trời sáng sẽ bị lộ nên đã tự động nổ súng. Giặc Nhật ở trong đồn bắn ra xối xả. Thế là cuộc bắn nhau giữa anh em binh linh theo cách mạng và quân Nhật nổ ra vang dội cả thị trấn Tam Đảo. Anh em tù nghe súng nổ theo đúng kế hoạch liền xung phong vào đồn cận chiến với quân Nhật. Bọn Nhật chống cự kịch liệt, sử dụng cả lựu đạn, súng máy, phóng lựu. Anh em tù phải lùi ra. Binh lính cũng chưa quen chiến trận bị vấp phải lựu đạn có phần hoảng hốt. Trận đánh đã diễn ra không đúng kế hoạch, lực lượng Quân giải phóng chưa đến kịp. Binh lính và anh em tù rút khỏi thị trấn do tôi dẫn đường về phía căn cứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:54 pm »


        Một kế hoạch mới: bao vây và tiêu hao địch

        Quá nửa đêm, rạng sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945, anh Trường Liên mới về đến căn cứ đề nghị điều trung đội Phạm Hồng Thái lên hỗ trợ cho lính bảo an và anh em tù tiến công quân Nhật.

        Lúc này, trung đội lại đang phân tán. Một tiểu đội đang đi củng cố cơ sở và mở thông đường từ Phúc Thuận về dưới xuôi. Một bộ phận khác được lựa chọn đi học trường Quân chính kháng Nhật ở Tân Trào. Lực lượng còn lại chẳng được bao nhiêu. Tuy vậy trung đội trưởng Thạch Sơn hạ quyết tâm phải cấp tốc đến Tam Đảo cùng anh em binh lính và tù nhân tham gia trận đánh Nhật, giành thắng lợi. Liên lạc được phái đi để tìm cách báo cáo với đồng chí Lê Trung Đình đang hoạt động gần thị xã Thái Nguyên để qua đồng chí Lê Trung Đình báo cáo lên cấp trên.

        Trung đội Giải phóng quân chỉ còn lại có 12 người và 8 khẩu súng: 1 Sten, 5 khẩu súng trường vừa gióp 5 vừa gióp 3, hai khẩu súng săn, 2 thủ pháo tự tạo và một ít kíp mìn, thuốc nổ... Lực lượng tuy không đông, trang bị không mạnh nhưng quyết tâm, khí thế và niềm tin vào thắng lợi của anh em rất cao.

        Đêm tối, đường dốc, đá gập ghềnh; trời lại vừa mưa, đường trơn như đổ mỡ; có người trượt chân lăn xuống khe sâu lại lóp ngóp bám gốc cây leo lên theo sát đội hình hành quân. Tiếng súng từ trên đỉnh Tam Đảo vọng xuống khiến anh em càng sốt ruột. Trời đã tảng sáng, nhưng trong rừng đường đi vẫn tối như ban đêm. Đội trưởng và anh em đều chung một ý nghĩ: cần phải tăng tốc độ hành quân hơn nữa. Những đôi chân đất bất kể đá nhọn, đường trơn vượt những đoạn dốc đứng để tới kịp hỗ trợ cho anh em binh lính và tù.

        Cách Tam Đảo khoảng hơn hai ki-lô-mét, mọi người bỗng nghe tiếng nói lao xao. Đề phòng gặp địch, đội trưởng Thạch Sơn ra lệnh cho đơn vị hành quân theo đội hình chiến đấu, súng cầm tay. Liền sau đó, đồng chí vượt đội hình lên phía trước vừa đi vừa quan sát. Anh Phan, anh đội Bồng và tôi từ trên dốc đi xuống thấy quân ta đều reo lên: "Giải phóng quân đến rồi".

        Nơi gặp gỡ của hai cánh quân có một tảng đá rất lớn, mặt bằng tuy gồ ghề nhưng khá rộng. Cả hai đoàn quân bổ tới, tay bắt mặt mừng, ân cần hỏi thăm nhau, đặc biệt là đối với những anh em bị thương máu loang đỏ trên những bộ quần áo tù nhân. Đồng chí Thạch Sơn nói với các anh em binh lính và tù vừa từ trên núi xuống:

        - “Thay mặt đoàn thể Việt Minh, chúng tôi - đơn vị Giải phóng quân Phạm Hồng Thái nhiệt liệt hoan nghênh anh em binh lính đã đoàn kết với anh em tù theo lời kêu gọi của Việt Minh quay súng bắn vào giặc Nhật. Bây giờ, chúng ta cần phải kiên quyết tiêu diệt giặc Nhật để bảo vệ cơ sở bảo vệ đồng bào. Giải phóng quân cần sự tình nguyện của các anh em. Ai muốn cầm súng quay lại diệt giặc Nhật xin giơ tay".

        Mọi người gần như nhất loạt giơ tay hưởng ứng. Hơn 40 anh em binh lính và tù đã được lựa chọn trong số đó và được tổ chức thành bốn tiểu đội. Anh em binh lính và tù đề nghị để chiến sĩ Giải phóng quân chỉ huy các tiểu đội, làm nòng cốt cho mỗi tiểu đội. Số còn lại trao súng đạn cho những người đi chiến đấu và được hướng dẫn về căn cứ.

        Sau một cuộc trao đổi chớp nhoáng với đội Bồng cùng anh em binh lính, một kế hoạch bao vây, tiêu hao tiến tới tiêu diệt quân Nhật được vạch ra và nhanh chóng phổ biến cho toàn đội. Trung đội bây giờ được trang bị đầy đủ vũ khí đạn dược do anh em lính bảo an mang theo bổ sung, tiến vào trung tâm thị trấn Tam Đảo theo hai hướng.

        Hướng thứ nhất có hai tiểu đội đi theo hướng Bắc, tiểu đội 1 vào chiếm lĩnh các biệt thự từ tây bắc đến tây nam đồn Nhật.

        Hướng thứ hai có hai tiểu đội theo hướng Đông xuống Đông Nam; tiểu đội 3 vào chiếm giữ nhà bưu điện và nam bể bơi, tiểu đội 4 tiến xuống làng "An Nam" cùng với cơ sở tiếp tục phá cầu, ngả cây làm vật chướng ngại và chặn địch ở bình độ 300.

        Đoàn quân tiến vào thị trấn, đồng bào từ những nơi ẩn nấp đang lo sợ sau khi anh em binh lính và tù nổi dậy khởi nghĩa đã rút đi, nay thấy Quân giải phóng người đeo kín ngụy trang tay cầm vũ khí tiến vào thị trấn, ai nấy đều vui mừng, niềm tin hiện rõ trên mặt. Vượt qua nhiều ngôi nhà trong thị trấn, hai cánh quân đã đến sát một biệt thự có tầng hầm kiên cố và rào bốn mặt mà lính Nhật đóng.

        Vào lúc 7 giờ sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945, toàn trung đội đã hình thành thế bao vây quân Nhật cách chúng không quá 100 mét. Các chiến sĩ chăm chú theo dõi hoạt động của địch. Hai tên Nhật từ trong đồn lom khom chạy vọt ra. Ngay lập tức chúng bị quân ta từ các phía bắn vào. Địch ở trong nhà bắn ra yểm hộ cho hai tên này rút vào đồn. Thấp thoáng có những chiếc mũ sắt thò lên ở các cửa sổ. Tiếng súng của Quân giải phóng lại rộ lên. Những chiếc mũ lại thụt xuống.

        Nhưng âm mưu đánh lừa của chúng để quân ta tiêu hao đạn dược đã bị quân ta kịp thời phát hiện. Chúng ta chuyển sang cách đánh mới: từng người bắn tỉa và bắn kiềm chế không cho địch ló đầu ra khỏi đồn. Bà con ở gần đấy đem gối, đệm bông lấy từ các biệt thự đến cho chiến sĩ ta làm bệ tì. Một tên Nhật vụt xuống bếp thì một phát đạn của đồng chí Ngân Sơn từ phía nhà thống sứ bắn sang trúng bếp, tro bụi tung lên, tên Nhật đó hoảng sợ bỏ chạy vào đồn. Từ đó, quân Nhật không dám ra khỏi nhà. Ta tiếp tục bao vây đánh tiêu hao địch, chờ thời cơ xung phong tiêu diệt chúng. Từ bốn phía, các tay súng của ta nhằm cửa sổ, cửa ra vào của đồn Nhật mà bắn cầm canh.

        Trong trận Tam Đảo, đồng bào ta sau bao năm tủi nhục dưới ách đế quốc đã đến với các chiến sĩ giải phóng. Ai cũng tặng một chút quà, từ nắm cơm, bánh kẹo đến trái cây vườn nhà cho Quân giải phóng. Trong đó có cả một số người Pháp.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM