Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:53:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26782 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:33:45 pm »


        30-9 ta, 23 người đi vận tải về cả, đã mừng. Tăng gia sự canh phòng, làm lều cho anh Phố dưỡng bệnh.

        Cơm chiều, tuy cầm bát đũa rồi, em Học (Trọc?) về báo cáo có lính ở chân núi, chỗ nhà cũ, đến 10 thằng (trước bọn vận tải về có thấy một thằng lính và một mật thám từ trong rừng đi qua Ngọc Mỹ). Lập tức rút lui. Bọn đi trinh thám và 2 người gác không theo kịp, tất cả 5 người. Thương hại anh Phố quá, bị vật lên vật xuống đến mười mấy lần. Sau cùng để anh ở lại mà đi. Đời chiến sĩ, cơm gạo cũng bỏ giữa đường! Chiến đấu quân rất tinh thần!

        Có tiếng nổ liên thanh. Ra chúng đốt nhà. Có tiếng kèn thu quân? Hay "hổ xám"?

        Trinh thám vượt kịp báo thu quân, tập trung tới 50 lính và mật thám, có cả thằng đồn cưỡi ngựa.

        Mới yên lòng, cắt người về chăm nom anh Phố và lấy lương thực, đồ đạc. Ra đế quốc cáu vì bị anh Phố bắn chết hôm qua 1 thằng

        Cảm thấy rõ rệt đàn bà, con trẻ và những phần tử lừng chừng làm vướng chân chiến đấu quân quá lắm. Những chiến đấu quân một mình thì sinh hoạt đâu đến nỗi vất vả như vậy, mà còn chơi cho đế quốc được nhiều vố oanh liệt nữa.

        Vòng vây thắt chặt rồi? Phải hoả chỉnh võ lực (?), quyết định giải phóng cho bộ đội những cái đến bực mình. Tối đến, thực hiện ngay nghị quyết: một bộ phận 14 người gồm có đàn ông, đàn bà (vợ Châm, vợ Trụ Tôn, vợ Tín) và một công tác chính trị phát xuất Đ.T (?) lên đường.

        2-10 - Anh Phố đã đỡ và bò đi được rồi. Chóng khoẻ để rồi bắn tây, bắn mật thám.

        3-10 ta - Chó lùng riết. Bí mật nấp chung quanh nhà quần chúng. Phải bắn mới được. Có tin thằng án sát Thái Nguyên xuống kinh lý Tràng Xá. Notes: không gặp ZT (giao thông!), nhỡ rồi, mai phải di tìm vậy.

        4-10 ta - Không có gì lạ. Nhỡ rồi, không đi được.

        5-10 ta - Độ 12 giờ, có tin bọn chó săn tìm đường vào cơ quan. Phái 3 người ra đối phó. Có 2 tiếng súng nổ. Bộ đội rút lui! 3 anh đi đối phó chưa về. Notes: Thoát chết. Chui vào bẫy chuột của chó ở... Mình chạy nhanh thật. Thôi, thế là đồng chí công nhân bị rồi. Biết bao giờ lại đào tạo được con người đã trưởng thành trong tranh đấu tốt và tinh thần như vậy được Thương hại quá, thế nào cũng bị bắn thôi.

        Cần gì. Còn nhiều nữa để trả thù. Quét sạch đế quốc ra khỏi bờ cõi.

        6-10 ta - Sáng dậy đi tìm nước nấu ăn gặp 3 anh đi đối phó về báo cáo bắn chết một mật thám. Lại thắng một trận. Ghi công anh Xuân. Notes: Chạy xong cơ quan và gặp T.U ai cũng hú vía hộ mình.

        7-10 ta - 12 giờ, lính mò lên cơ quan. Rút lui vượt mấy quả gò (núi đất). Cõng anh Phố tới một chỗ an toàn hơn. Notes: Sửa soạn lên đón Cụ và mua bán thay những thứ đã mất. Tiếc nhất ống nhòm, địa bàn và quyển "quân sự".

        8-10 ta - Không có gì lạ. ăn no ngủ yên và phái công tác đội đi làm việc với quần chúng. (trên Suối bùn: 20-1-42 - lời chú thích về sau).

        Notes: Chán quá! Hấp tấp lên tới nơi thì Phi và Cụ về rồi, hẹn 10 lên. an ủi, tìm thấy số 2.

        9-10 ta - Chia nhau đi thám hiểm và nhận xét địa hình, địa thế và tối bị ngã. Anh Phố va chân vào cây. Thôi tha hồ là đen. Thế mà anh giữ tinh thần không kêu rên.

        Công tác đội về báo cáo, hàng ngày quân thù đi do thám các làng ở đèo Khế.

        Notes: Dân ấp vẫn có cảm tình đặc biệt với mình. Họ yêu mình quá.

        12-10 ta - Chỗ ăn, chỗ ở yên ổn. Bắt đầu thi hành kế hoạch tiến công tiễu trừ phản động. Tổ chức một bộ đội chiến đấu 17 người tiến đánh vây 2 nhà mật thám Nho Phượng và Nho Thuận. Lính vừa đi khỏi, không lại bắn nhầm to.

        6 giờ bộ đội tản khai vây nhà xông vào. Nho Thuận đạp đổ liếp chạy xuống. H (xóa tên) và L đuổi theo H, đâm một nhát ngập dao, phải tỳ chân vào người nó mới rút ra được. Dao quằn lại. Nó vừa chạy vừa kêu, lại bị L cho một nhát nữa. Thế là tiêu đời quân bán nước, phản dân?

        Bộ đội trói gia đình chúng lại. Kể tội và tịch thu được 2 lợn, 3 gà, 14 quần, 6 áo, 3 chăn dạ, 10 tấm vải, 7 thắt lưng trắng, 3 súng (nải), 3 thắt lưng nhiễu đỏ, 1 xanh, 1 cravate, 4 khăn mặt, 1 mũ phớt, 1 vòng bạc, 2 nồi bắp, 1 nồi gạo, (Một nồi gạo khoảng 3,5 ki-lô-gam.) 1 con dao, 1 đôi xà cạp, 1 tay nải, 1 chai rượu.

        Nho Phượng và Nho Thuận thoát chết. Bốn quần chúng chạy báo, một bị đạn bắn thủng ống tay áo. Công việc nhanh nhẹn độ 18 phút, bộ đội trật tự và tinh thần rút lui. Một bộ phận lên ngược làm "mục tiêu”, sau đường tối hôm sau mới về.

        Thôi thế là đỡ thiếu quần áo, lại có cả rượu thịt khao sự thắng trận.

        Notes: Gặp thảo luận biết tình hình KT và ĐT (?).

        13-10 ta: Không có gì lạ. Tha hồ ăn thịt lợn. Tối công tác đội đi vận động lương thực.

        Notes: Gặp số 2, cả nhà tốt quá. Có thể dùng cho 3 thay chỗ X và T rồi .

        14- 10 ta - Không có gì lạ (mờ 4 dòng). 

        15- I0 ta - ăn ngủ yên lành. Cơ quan tốt. Bộ đội sinh hoạt hơi mất trật tự. Họ say sưa vì thắng lợi và khinh thường địch nhân quá.

        Cự Độ Minh đi vắng. Được tin lính Hải Dương đổi lính TN lên thay. Quyết định làm biểu ngữ và thư kêu gọi sự đoàn kết với binh lính mới.

        Dao quay đi ô tô về chợ Th Chà, có súng cho một phát thì hay quá.

        16-10 ta - Làm xong 2 biểu ngữ chữ đỏ, xanh và 2 bức thư cho lính. Phái công tác đội đi cắm giữa lối đi và vận động quần chúng luôn thể. 

        Có nhiều tài năng phải chú ý dùng và phát triển mới được.

        17-10 ta - Phê bình nội bộ kém về trật tự, kỷ luật.

        Cư về báo cáo lạc quan.
    Tổ chức lại bộ đội.
        Trung đội trưởng: Kiên, Ngũ.
        Phó: Cư, Poọc.
        Chính trị: Vai, Độ, Poạc.
        Trung đội phó: Lữ, K.
        Phẩm, K
        Học: (Mạc N). Đặc vụ viên.

        1 đội: Mạnh, K, K, Huyền, Đê
        2 đội: Khánh 5, Chiêm H, Hoè K, Bang, Thắng
        3 đội: Dương 3, Hồng K, Soài K, Nam K
        4 đội: Xuân 1, Đoàn K, Thành, Quyết
        5 đội: Phổ 1, Lai K, Bộ K
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:34:56 pm »


CUỘC CHIẾN ĐẤU Ở HANG MỎ GÀ

TRẦN THỊ VŨ Uỷ viên ban lãnh đạo khu A. Chính trị viên Cứu quốc II.       

        Giữa năm 1944, phong trào cách mạng ở Võ Nhai và các vùng chung quanh đang được khôi phục và phát triển khá sôi nổi thì địch tìm mọi cách dập tắt.

        Từ tháng 6 năm 1944, chúng bắt đầu vây bắt lực lượng cách mạng ở Định Hóa sau khi bắt được một đồng chí trong ban lãnh đạo phân khu A. Việc địch ráo riết lùng sục bắt bớ hàng loạt cán bộ và quần chúng ở Mai Sơn, Phú Bình, Phổ Yên đã lan sang Đồng Hỷ, trực tiếp đe dọa phong trào cách mạng Võ Nhai.

        Giữa tháng 11 năm 1944, chúng bắt đầu khủng bố Võ Nhai, mật thám vây bắt hai hội viên Việt Minh ở Ngọc Mỹ (Tràng Xá), ít hôm sau chúng bắt năm cán bộ trong ban chấp hành Việt Minh xã này.

        Ban lãnh đạo phân khu, bí thư chi bộ kiêm chỉ huy trưởng Cứu quốc quân II đã có chủ trương:

        - Những cán bộ trong phân khu, trong ban chỉ huy Cứu quốc quân phải rút vào lán trong rừng.

        - Tất cả những cán bộ và hội viên quần chúng có tên trong danh sách truy lùng của địch (do một đồng chí đảng viên là phó lý trong đồn địch mật báo cho ta) phải khẩn trương lẩn tránh - ban ngày ra đồng làm việc có canh gác, ban đêm không được ngủ ở nhà.

        Tuy vậy, những cán bộ hội viên này, chỉ dăm ba ngày sau là không tuân thủ được lệnh trên, vì anh em dân tộc không quen ngủ xa nhà. Nhiều đồng chí đã thú thực: "Ngủ xa vợ khó lắm".

        Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, ban lãnh đạo phải cử người thay nhau về làng tập trung các đồng chí ra ngủ ở đình Na Phái và phải cùng ngủ ở đấy để kiểm soát.

        Về phía địch, ngoài 100 lính khố xanh, lính cơ, còn thêm một tiểu đội lực lượng cảnh sát đặc biệt - tổ chức lực lượng chỉ điểm người địa phương về tận các thôn xã để lùng sục bắt bớ.

        Ta chủ trương:

        - Diệt tổng đoàn Thiên, tay sai đắc lực nhất và có nhiều nợ máu với nhân dân.

        - Vận động nhân dân cho mượn súng.

        - Chặt cây làm chướng ngại vật, cắt đứt liên lạc giữa đồn Đình Cả và Tràng Xá.

        Địch khẩn trương tăng cường gần 1.000 lính khố đỏ thuộc trung đoàn thuộc địa số 9 do tiểu đoàn trưởng Mi-lơ (Mille) chỉ huy, sau đó lại đưa lên 1.000 lính lê dương (Âu-Phi) và những tên mật thám khét tiếng gian ác.

        Tình hình đã thay đổi. Ban lãnh đạo vẫn chủ trương dùng đấu tranh vũ trang chống lại cuộc khủng bố của địch.

        Hầu hết lực lượng thanh niên và tự vệ đều tự nguyện tham gia Cứu quốc quân. Quần chúng tự động phá bỏ nhà cửa, mang thóc gạo đến trong các hang, hoặc đào hang trên sườn núi đất gần nhà để giấu trâu bò, thực hiện "vườn không nhà trống". Họ đã có kinh nghiệm đối phó với những cuộc khủng bố càn quét của địch (ở Bắc Sơn - 1940, ở Võ Nhai - 1942). Không đi thì cũng bị địch tập trung dồn làng, đốt phá nhà cửa, cướp bóc, cưỡng hiếp. Họ kéo nhau lên núi.

        Nơi tập trung đông nhất là ở hang Mỏ Gà - một hang đá rộng lớn ở lưng chừng núi cách mặt đất khoảng 500 mét.

        Ta đã có nhiều kinh nghiệm đánh du kích vì lực lượng quá chênh lệch nên chủ trương: khi địch sơ hở, ta có địa thế thuận lợi thì bố trí đánh. Đánh để chặn địch lấy vũ khí của địch trang bị cho ta. Khi địch mạnh, ta bí mật rút lui, địch không tìm thấy ta, không tiêu diệt được ta. Trong nhiều trận đánh phục kích, ta vừa nổ súng vừa gọi loa: “Người Việt Nam không bắn người Việt Nam! Anh em binh lính hãy bỏ súng, chạy đi; chúng tôi chỉ bắn lính tây thôi.". Ta đã có cơ sở binh vận trong lòng địch, nên đã có người hô nhau bỏ súng cùng chạy. Có trường hợp nhân mối đã tìm mọi cách báo trước cho ta những cuộc hành quân của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:35:12 pm »


        Trong nhiều trận phục kích, tập kích rất dũng cảm mưu trí, ví dụ: trận phục kích ở Na Hóa, tên đồn trưởng bỏ chạy, ta thu được 8.000 viên đạn và một số súng. Tên tuần phủ Cung Đình Vận (Thái Nguyên) trực tiếp lên Đình Cả cũng bị Cứu quốc quân phục kích bắn bị thương phải quay trở lại.

        Một trận đánh mà dân ta ghi nhớ và tự hào còn địch cay cú và khâm phục. Đó là ngày 27 tháng 11 năm 1944, địch huy động 4.000 quân gồm lính khố đỏ, lính khố xanh và cả lính lê dương từ Lạng Sơn xuống, từ Thái Nguyên lên bao vây tấn công ta ở hang núi Mỏ Gà. Hang này hồi đầu nhân dân kéo lên đến hơn 1.500 người, qua mấy lần càn quét quanh hang nhân dân đã được Cứu quốc quân bảo vệ và rút lui, một số trở về làng, một số tản đi nơi khác, chỉ còn lại một số người già yếu, trẻ con và phụ nữ con mọn, sau khi đã được chuẩn bị các câu trả lời để tránh khủng bố.

        Quân ta được tin báo trước cuộc tấn công này nên ta đã dựa vào thế núi chuẩn bị đối địch. Vũ khí chỉ có mấy khẩu khai hậu (rơ-manh-tông), vài khẩu poọc-hoọc, có những quả bộc phá (lựu đạn tự sản xuất bằng những mảnh gang vụn chặt từ lưỡi cày với thuốc nổ gói trong nhiều lớp lá chuối khô, có ngòi nổ, dùng dây giật từ xa) còn lại hầu hết là giáo mác.

        Ta còn một loại vũ khí bí mật rất lợi hại mà địch chưa khám phá ra. Đó là những sàn đá. Mỗi sàn rộng bằng một mặt giường lớn, đan bằng những cây tre, gàu, gỗ, trên buộc những tảng đá lớn. Sàn đá buộc dây vào các cây to đặt liền nhau trên sườn dốc núi.

        Từ mờ sáng, địch đặt sơn pháo ở mặt đường phía trước núi bắn lên, rồi tổ chức nhiều đợt tấn công. Lúc đầu địch cho một số ít bò lên thăm dò, ta nổ súng bắn bật trở lại. Chúng cho là ta chỉ có mấy khẩu súng bắn lẻ tẻ nên chúng hô hàng loạt nhất tề ào lên, trong đó có nhiều tên lính lê dương. Chúng tưởng có thể dùng sức mạnh bao vây, diệt và bắt toàn bộ chỉ huy và Cứu quốc quân cùng lực lượng tự vệ của ta.

        Ta bình tĩnh đợi địch bò lên núi được 50 mét mới bắt đầu cắt dây cho các sàn đá đồng loạt lăn xuống. Nhiều tên lính lê dương hung hăng nhất đã bị đè chết tại chỗ, một số bị đá lăn hất xuống chân núi.

        Giữa khoảng trống của sàn đá, ta đã đặt những quả “lựu đạn gang cày". Lựu đạn nổ phối hợp với các phát súng bắn tỉa trở thành những vùng nổ bắn ra những mảnh vụn gang sát thương địch giống như sức công phá của một quả bom bi loại nhỏ.

        Địch hăng tiết thúc cho lính tiếp tục bò lên, chúng quyết tâm tiêu diệt ta. Những bộ mặt đen sì, những cặp mắt xanh lè, lớp này lăn xuống, lớp khác lại nhô lên.

        Có một đồng chí nữ làm cán bộ giao thông ở khu vực căng Bá Vân bị lộ nên được điều lên Võ Nhai làm công tác dân vận ngay trước mấy ngày địch khủng bố. Đồng chí này được phân công tiếp thức ăn, nước uống cho anh em chiến đấu. Đồng chí chưa quen, chưa tiếp cận địch, nên trước những bộ mặt đen sì, nâu, trắng với những cặp mắt xanh lè trắng dã, hết lớp này đến lớp khác ào ạt tiến lên, đồng chí đã bị hoảng loạn. Anh em phải đưa về tuyến sau để ổn định tinh thần.

        Ta cũng bắt rút từng nhóm nhỏ chỉ còn một tiểu đội gồm những tay súng bắn tỉa giỏi len lỏi trong các khe đá, lùm cây nhằm những tên chỉ huy và những tên lính hung hăng dẫn đầu xông lên, nổ từng phát súng đanh gọn. Tiểu đội thứ hai tiếp tục làm sàn đá và cắt dây thả sàn đá.

        Cuộc chiến đấu căng thẳng, súng đạn địch nổ ầm ầm. Với số quân lớn, lại có đầy đủ các loại súng, địch không chịu rút lui. Cuộc chiến đấu kéo dài từ mờ sáng đến 2 giờ chiều (14 giờ) địch mới chiếm được hang.

        Toàn bộ đơn vị Cứu quốc quân, kể cả 2 tiểu đội cuối cùng cũng đã rút an toàn về căn cứ.

        Trong hang chỉ còn một số người già yếu, trẻ con và phụ nữ có con mọn ở lại sau khi đã được chuẩn bị các câu trả lời để tránh địch khủng bố.

        Trận chiến đấu ở hang Mỏ Gà là một trận đánh tiêu biểu của Cứu quốc quân đã gây ra cho địch nhiều thiệt hại. Thực dân Pháp đã phải thừa nhận: "Cuộc hành quân ngày 27 vừa qua ở vùng Mỏ Gà do ông Mát-sây (Massei) chỉ huy đã gửi về 159 người dân (đàn ông, đàn bà và trẻ con, trong đó có một phiến loạn quan trọng - phó ty Mỏ Gà) (Tài liệu rút trong tập hồ sơ của Pháp hiện lưu trữ ở Phòng Bảo tàng Đình Cả ).

        “Phiến loạn vùng này ở trong những chiến luỹ nhỏ, đã gây được một số tổn thất cho ta, chúng chống lại ta bằng cách lăn đá tảng xuống đạo binh của ta...".

        “Binh lính Pháp thì đồn đại với nhau là: Cộng sản có phép tàng hình, mình đuổi chúng rồi ngay sau đó chúng lại đuổi mình. Dễ gì mà tiêu diệt hết được bọn họ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:36:01 pm »


QUÂN GIẢI PHÓNG - KHU GIẢI PHÓNG, MỐI QUAN HỆ CÁ - NƯỚC, MÁU - THỊT

TRẦN CƯ         

        Từ khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời khá nhiều sách báo đã nói xoay quanh lễ kỷ niệm ngày thành lập 22-12-1944 tại khu rùng Trần Hưng Đạo thiêng liêng. Nhưng, sau ngày đó trở đi, ngoài chiến công Phai Khắt, Nà Ngần lịch sử, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã hoạt động như thế nào, ở đâu, trong một bối cảnh thế nào, nhất là công lao của nó trong việc hình thành Khu giải phóng, một hình thức phôi thai của nhà nước Việt Nam mới, do đó thúc đẩy cho cuộc Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 thành công rực rỡ như thế nào, thì còn ít được chú ý.

        Tôi muốn nói thêm vào đó để thấy vì ngoài ý nghĩa kỷ niệm lịch sử long trọng, cần thấy rõ thêm nguyên lý cách mạng: quân đội cách mạng là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, trong mối quan hệ máu thịt giữa cá và nước, nước và cá tương hỗ tương sinh, đã được thực hiện một cách thật tài tình và sáng tạo.

        Để viết bài này, tôi đã đọc nhiều lần cuốn Từ nhân dân mà ra của đồng chí Võ Nguyên Giáp, nhất là với những tìm hiểu từ khi tôi được vinh dự ghi hồi ký này lần đầu tiên in trên báo Quân đội nhân dân từ 1960, nhân ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và 70 năm ngày sinh của Bác.

        Tôi còn đọc thêm khá nhiều sách, báo, hồi ký, trong đó đáng chú ý có cuốn Khu Thiện Thuật của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Việt Bắc (nxb Việt Bắc, xuất bản năm 1972), cuốn Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của đồng chí Hoàng Văn Thái do Chính trị Cục phát hành năm 1948 và nhất là được đọc lại cuốn Khu giải phóng của đồng chí Võ Nguyên Giáp do báo Cứu quốc xuất bản từ 1946. Cuốn này tôi đã đọc cách đây 47 năm trong tòa soạn báo Ánh sáng trên An toàn khu, sách in trên giấy bản sần sùi, nay có lẽ rất hiếm; tài liệu hiện nay tôi được đọc chỉ là bản sao đánh máy 33 trang đã nhàu nát, trong kho tư liệu của Thư viện Quân đội ở Hà Nội. Sách này, với độ lùi xa, cho biết thêm nhiều điểm cụ thể, xin kể lại để các bạn cùng nghe .

        Có thể chia hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra làm hai thời kỳ (xin phép không kể lại lễ thành lập vì đã nói nhiều).

        Thời kỳ thứ nhất: từ ngày thành lập (22-12-1944) đến trước ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945)

        Đặc điểm của thời kỳ này là đội phải hoạt động bí mật vì địch còn mạnh, ta còn yếu, lại bị bọn đế quốc Nhật - Pháp coi là "bất hợp pháp".

        Cho nên hoạt động của đội rất gian khổ và nguy hiểm. Sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, toàn đội đã phải hành quân cấp tốc ra ngoài vòng vây của địch, đi suốt hai đêm một ngày đến thung lũng hiểm yếu của Khu Thiện Thuật để tránh cuộc càn quét lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:36:27 pm »

         
        Mối tình cá nước ở Khu Thiện Thuật và bài thơ Lũng Dẻ

        Tại sao lại phải rút nhanh về đây. Khu Thiện Thuật ở đâu và nó thế nào? Trong sách Từ nhân dân mà ra, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết là "Vùng núi đá tổng Thiện Thuật", trước kia tôi hiểu từ tổng này như nghĩa một đơn vị tổ chức như làng, xã. Sách Khu Thiện Thuật cho biết đó là một căn cứ địa đu kích mà cách mạng đã tạo ra dần dần ở vùng đất địa phương gồm phần lớn người dân tộc Mông, thực chất là khoét dần vào giữa cơ thể xã hội của bọn thống trị Pháp - Nhật, hệt như kiểu các lõm sau này ở miền Nam, hay như thời chống Pháp, Na-va đứng trước bản đồ lên sởi, lốm đốm đỏ ở giữa vùng tạm chiếm vì lực lượng ta phát triển chưa đều, phải phát triển "nhảy cóc" sau đó các lực lượng cách mạng tích cực nối liền nó lại với nhau, tạo thành những vùng đất của mình, do mình làm chủ tương đối hay hoàn toàn.

        Khu Thiện Thuật là thành quả của công tác gây cơ sở như thế. Đội Việt Nam quyên truyền giải phóng quân rút nhanh về đó chẳng khác gì cá rút nhanh về cái vùng nước mà cách mạng đã tạo ra cho mình để có thể nghỉ ngơi an toàn.

        Căn cứ du kích Khu Thiện thuật có truyền thống cách mạng từ 1941 và ra đời từ ngày 25 tháng 9 năm 1943 (tức là trước ngày 22-12-1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập gồm những vùng dân tộc ít người ở phía tây Cao Bằng như: Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Bảo Lạc, Trà Lĩnh (Cao Bằng); Đồng Văn, Vị Xuyên (Hà Giang), Chợ Rã (Bắc Cạn) và Na Hang (Tuyên Quang) (Xem bản đồ của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng - Việt Bắc). Địa bàn này không liền mảnh gồm thiều lũng rộng hẹp khác nhau, nhưng chủ yếu là những lũng nhỏ nằm giữa ba bốn ngọn núi cao, mỗi lũng chỉ có bốn, năm nhà. Có một lũng dài tới năm ki-lô-mét như Đường Thượng, phó Cao, Mèo Vạc (huyện Đồng Văn) dân cư khá tập trung.

        Khu Thiện Thuật trùng điệp núi đá cao hiểm trở không gần đường quốc lộ, mà chỉ có những con đường nhỏ nối huyện này sang huyện khác và những đường mòn xuyên rừng, hẹp và dốc, đi lại khó khăn. Đặc biệt khu này lại có một số vùng ở kề biên giới Trung Quốc, nhân dân ở đây thường có quan hệ họ hàng bạn bè với nhân dân bên Trung Quốc từ lâu. Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã quyết định khai thông con đường Tây Tiến này để cách mạng liên lạc với Trung Quốc. Còn về mặt quân sự thì mấy trăm năm trước, nhà Mạc đã nương náu ở đây để chống cự với nhà Lê và quân Cờ đen cũng đã đóng ở đây thời đánh nhau với Pháp. Đồng bào địa phương gọi cái lũng rừng già âm u, đẩy tiếng chim hót này là Lũng Dẻ (nghĩa là Lũng Thành) và đã có lần lợi dụng bức thành thiên nhiên này để chống bọn thổ phỉ.

        Cho nên, lãnh đạo Việt Minh đã chọn khu căn cứ lịch sử vững chắc này để làm nôi, làm chỗ tạm trú an toàn, lấy nước để cho đàn cá quý báu đầu tiên còn non nớt mất bao nhiêu công sức mới sinh ra được nghỉ ngơi, khao quân và kiểm điểm sau trận đánh là rất xác đáng và cũng rất dễ hiểu như mẹ thương con và bảo vệ cho con vậy. Đó là việc trước mắt, nhưng về lâu dài sau này thì chính Khu Thiện Thuật và Khu Quang Trung (ở vùng dưới gồm Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã, Chi Sơn, Nghĩa Tá) lại là những hạt nhân căn cứ địa đầu tiên để mở rộng ra sáu tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên thành Khu giải phóng, chiếc nôi đầu tiên cho việc ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945.

        Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhớ lại buổi khao quân ấy của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: "Đồng bào các dân tộc trong khu nô nức cử đại biểu đem tặng phẩm đến chào mừng. Đồng bào đã được nghe tường tận những câu chuyện của các chiến sĩ cách mạng đánh đồn, hạ đồn một cách dũng cảm, lại được thấy tận mắt những chiến sĩ bình thường con em của mình trước đây bị sống trong tủi nhục, nay đã dám vùng lên đánh và đánh thắng bọn địch hung tàn.

        Chiến thắng vang dội khắp vùng cao. Đồng bào Tày, Nùng ở các vùng xen kẽ Đồng Mu, Nà Oan, Nà Mạ, Cốc Chia đã tìm ngay đến các hội viên Việt Minh Mông để nhờ giới thiệu với cán bộ cách mạng xin được gia nhập Hội Cứu quốc" (Võ Nguyên Giáp - Khu giải phóng, Sđd.).

        Rõ ràng là cá lại đẻ ra thêm những đàn "cá cách mạng" mới, nước đẻ ra cá, cá lại tạo ra nước, nước lại đẻ ra cá nữa mà lớn lên dần.

        Tôi bỗng cảm thấy chất hùng tráng pha chất thơ dân dã của cái "Lương Sơn Bạc" kiểu mới này. Nếu tôi được làm chính trị viên của đội thì trong đêm khao quân lịch sử đầu tiên ấy, tôi sẽ đọc bài thơ mà Bác Hồ đã viết về Lũng Dẻ này từ 1942, một cách thật tiên tri:

                                               Hai mươi tư tháng sáu
                                               Lên ngọn núi này chơi
                                               Ngẩng đầu; mặt trời đỏ
                                               Bên suối: một nhành mai.


        Nhớ lại trong khi rút nhanh về cái khu "nước căn cứ" này, toàn bộ 34 con cá chiến sĩ ấy chỉ ăn một bữa cơm nắm sơ sài. Vậy mà một cá đội viên người Dao đã thốt lên một câu thật hào hùng:

        “Đời chúng tôi là thế đấy! Cơm mỗi ngày một bữa, còn chiến đấu thì một đêm đánh hai trận".

        Nếu anh đội viên Dao này được biết thêm rằng chính ở cái Lũng Dẻ mà anh đang nghỉ sau hai trận đánh. “Ông Ké" đã đến làm việc ở đây và đã cảm hứng viết nên bốn câu thơ  tuyệt diệu nọ, tưởng như đã làm trước hai năm sẵn đó để ca ngợi các anh trong tư thế hiên ngang hết sức lạc quan:

                                               Ngẩng đầu: mặt trời đỏ
                                               Bên suối: một nhành mai.


        Thì đồng chí đội viên này còn tự hào hơn biết bao nhiêu?

        Trận Đồng Mu không thắng lợi như kế hoạch và phương châm hoạt động của đội do Bác Hồ đề ra

        Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được đồng chí Lã - Bí thư Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng thân đến thăm, đem theo thư chúc mừng của Liên tỉnh ủy và một số quà quý mấy tấm chăn len, mấy hộp sữa cho các đồng chí yếu mệt và nhất là một số đạn Mỹ vừa mới mua được.

        Ở địa phương, sau tin chiến thắng, nổi lên một phong trào rầm rộ trong hàng ngũ du kích xin “đi giải phóng”. Người nào được cấp trên chuẩn y đều coi đó là một vinh dự. Và chỉ trong một tuần các cán bộ và chiến sĩ được các châu tuyển lựa để bổ sung cho đội, tấp nập kéo về hình thành một đại đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:37:14 pm »


        Tết sắp đến.

        Anh em chủ trương nghỉ ngơi luyện tập một thời gian ngắn để rồi lại lên đường chiến đấu. Một chương trình hoạt động “Mùa Tết chiến đấu" được đề ra rồi lễ thành lập đại hội được tiến hành. Các đại diện các Hội Cứu quốc và nhân dân tới dự lễ rất đông. Cùng với lời hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới, để nhớ tới công ơn của Bác và Đảng, toàn thể đại đội đã quyết nghị kính tặng Bác thanh kiếm Nà Ngần, thanh kiếm đầu tiên đoạt được của giặc.

        Vài ngày sau đại đội lên đường đi về phía Bảo Lạc, tiến hành cuộc tập kích mới - tập kích đồn Đồng Mu.

        Đồn này so với đồn Phai Khắt, Nà Ngần "rắn" hơn, có nhiều lô cốt, tường trình dày với lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bọc quanh. Quân địch gồm hơn bốn chục lính khố đỏ do ba sĩ quan Pháp chỉ huy. Đồn lại đóng trên một ngọn đồi cao nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Vì ở đây giáp biên giới Việt Trung, thường bị thổ phỉ quấy rối nên phải xây dựng vững chắc.

        Cách đánh lần này không thể dùng cải trang để lọt vào đồn như trước, mà là bí mật đột nhập đồn trong đêm tối để tiêu diệt địch. Tin nhân mối cho biết, cách đây ít ngày, địch được tin sắp có bọn thổ phỉ bên Trung Quốc tràn qua, nên chúng báo động và đề phòng cẩn mật, nhưng sau đó, cơ sở của ta ở trong đồn lại báo cáo lại là địch đợi thổ phỉ một thời gian cho là hoang báo, nên việc canh phòng bắt đầu chểnh mảng. Ban chỉ huy đại đội liền quyết định đánh.

        Cuộc chiến đấu diễn ra từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Quân ta chiến đấu giáp lá cà quyết liệt với địch, vừa đánh vừa hát. Tiếng hát có tác dụng động viên khí thế và giúp cho việc bắt liên lạc dễ dàng, nhưng đồng thời cũng làm lộ các vị trí chiến đấu của ta, làm cho quân địch phát hiện được mục tiêu.

        Độ hai chục tên địch bị diệt, bọn còn lại vẫn dai dẳng chống cự. Nếu kéo dài cuộc chiến đấu sẽ không lợi, ban chỉ huy hạ lệnh rút trước khi trời sáng, mặc dầu nhiều chiến sĩ yêu cầu tiếp tục xung phong tiêu diệt toàn bộ quân địch.

        Trong trận chiến đấu rất anh dũng này, tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh. Còn đồng chí Quang Trung một mình đã dùng súng và dao diệt năm tên địch. Địch thiệt hại rất nặng, ta thu năm súng, một số đạn dược, bắt ba tù binh.

        Qua lời khai của tù binh mới biết vì sao ta gặp khó khăn: từ trưa hôm ta tập kích, tên đồn trưởng nhận được một lá thư của bọn thổ phỉ biên giới dọa tối hôm ấy sẽ hạ đồn. Do đó đêm ấy cả đồn đã đề phòng đối phó. Trường hợp bất ngờ đặc biệt này, cơ sở nội ứng không kịp báo cho quân ta biết.

        Sau đó đại đội đi về hướng nam hoạt động.

        Xin có một nhận xét sơ bộ:

        Như vậy rõ ràng đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được hoạt động trên một địa bàn mà cách mạng đã chuẩn bị công phu về cơ sở chính trị và quân sự. Và đã hình thành một quy luật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Minh đã gian khổ tạo dần ra nước cho cá (các địa phương có tổ chức các hội cứu quốc), rồi cá (các đội tự vệ và du kích địa phương chọn từ trong các hội viên cứu quốc) lại hoạt động tạo thêm những vùng nước mới cho cá hoạt động và lại đẻ thêm những đàn cá mới, cá lại hoạt động tạo ra nước mới nữa cho mình, cứ thế mà lớn mạnh lên, rộng ra.

        Công việc chuẩn bị này cực kỳ công phu và gian khổ, rất nguy hiểm, phải tuyệt đối giữ bí mật vì bọn thống trị tàn ác coi là bất hợp pháp nên ra sức đàn áp dã man. Nhưng các chiến sĩ Việt Minh gan dạ vẫn bền bỉ tiến hành suốt trong 3 năm rưỡi từ ngày có nghị quyết tổ chức Mặt trận Việt Minh ở Pác Bó của hội nghị Trung ương (19-5-1941) cho đến trước khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập (22-12-1944). Trước đó, đã làm thí điểm tổ chức Việt Minh ở châu Nguyên Bình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:37:48 pm »


        Người và tổ chức trước đã rồi mới đến súng

        Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ như thế trong cuốn Khu giải phóng, một nguyên lý đã thấm nhuần trước khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

        “Chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa chẳng phải bắt đầu bằng sự mua sắm hay chế tạo vũ trang mà bắt đầu bằng sự giác ngộ dân, bằng sự tổ chức quần chúng. Người trước đã, rồi mới đến súng".

        “Khắp miền trung du và thượng du có một triệu người, phần lớn là dân tộc thiểu số. Vấn đề là phải lay chuyển một triệu người ấy, lôi cuốn họ vào phong trào Cứu quốc, một việc không phải là dễ. Vì ngoài Cao Bằng, Bắc Sơn, Đình Cả và một vài vùng lẻ tẻ ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, thì hầu hết các địa phương đều đang sống trong quỹ đạo thống trị của đế quốc Pháp, chưa bao giờ tiếp xúc với tuyên truyền cách mạng".

        Muốn làm phải có cán bộ, cho nên sáu tháng trước khi về Pác Bó để thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941), Bác Hồ đã mở sớm một lớp huấn luyện từ tháng Chạp năm 1940, ở Nặm Quang (một làng người Nùng ở trên đất Trung Quốc giáp biên giới Việt - Trung) gồm 40 thanh niên Cao Bằng ra nước ngoài tránh địch khủng bố, tìm cách bắt liên lạc với cách mạng, được tập hợp lại để huấn luyện chương trình Việt Minh trong 40 ngày cho đến Tết; đây là lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên trong cả nước. Sau Tết, Bác phái họ về nước trước khi Bác về Pác Bó.

        40 cán bộ Việt Minh này là 40 con chim đầu đàn tung đi hoạt động, đem tin lành Việt Minh ra đời, tổ chức quần chúng vào các đoàn thể cứu quốc và đúng như Bác Hồ đã dự đoán: nội dung chương trình và hình thức tổ chức Việt Minh thích hợp vô cùng với nguyện vọng của dân chúng.

        Các cơ sở bí mật được củng cố lại, người ta bắt đầu tổ chức vài xã hoàn toàn ở biên giới (trong xã tất cả nam, phụ, lão, ấu đều vào tổ chức Việt Minh). Dần dần lan ra thành những tổng hoàn toàn, những châu hoàn toàn.

        Sang đến năm 1942, tức là hai năm trước khi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thì trong chín châu ở Cao Bằng, có ba châu đã hoàn toàn, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử cách mạng nước ta.

        Việt Minh phát triển rầm rộ, trong hoàn cảnh hết sức bí mật, nhưng chính trên cơ sở địa bàn đã được Việt Minh hóa ấy mà các đồng chí giao liên đi từ địa phương này sang địa phương khác để chuyển nghị quyết của đoàn thể tới các ban chấp hành. Rồi những cấp đi kiểm tra công tác thường xuyên, đại biểu Tổng bộ Việt Minh đi kinh lý và Uỷ ban Việt Minh bí mật dần dần làm hết các công việc của hào lý hay tri châu, tri huyện. Góp phần vào thành tích to lớn ấy là tờ báo bí mật Việt Nam độc lập (Việt Lập) tuy khuôn khổ nhỏ bé nhưng lại rất dễ hiểu. thiết thực, nên đã là người tổ chức, người chỉ đạo và người bạn của nhân dân.

        Công việc tổ chức cơ sở chính trị quan trọng cứ phát triển cho đến tháng 11 năm 1942 thì toàn tỉnh Cao Bằng đã tiến hành Đại hội đại biểu Việt Minh, bầu ra Ban Việt Minh tỉnh chính thức, rồi Ban Liên tỉnh ủy lâm thời Cao - Bắc - Lạng cũng xuất hiện.

        Nam tiến, một mục tiêu chiến lược

        Một vấn đề lớn lúc đó được đặt ra là vấn đề Nam tiến. Theo lời dạy của Bác Hồ: "việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi". Đó là một nguyên tắc không bao giờ được quên trong quá trình tranh đấu, cho nên ngoài những lối liên lạc thông thường ra phải cấp tốc tổ chức ngay những con đường quần chúng liên lạc với Đình Cả, Bắc Sơn và từ Cao Bằng về miền xuôi, để đến lúc bị đế quốc khủng bố mới có thể giữ vững được mối liên lạc, lúc hoạt động vũ trang, các đội du kích mới có thể vận động một cách dễ dàng.

        Đồng chí Võ Nguyên Giáp từ hai năm trước khi được Bác Hồ giao cho nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cũng đã được Ban Liên tỉnh ủy Việt Minh Cao - Bắc - Lạng chỉ định phụ trách công việc Nam tiến này, cùng với một số cán bộ khác. Phải dùng phương pháp tổ chức quần chúng mà đánh thông ba con đường từ Cao Bằng, Lạng Sơn xuống Thái Nguyên và về vùng xuôi.

        Hơn một trăm cán bộ thánh niên nam nữ đã được chuyên môn hóa đi công tác Nam tiến, tình nguyện thoát ly gia đình, tổ chức 19 ban xung phong, phối hợp cùng các cán bộ địa phương dùng lối vũ trang tuyên truyền, chia ra mấy đường cùng tiến, cứ lớp trước phát triển thì lớp sau đến củng cố. Họ đã vượt qua không biết bao nhiêu triền núi, cánh đồng, qua nhiều bản đồng bào Tày, Dao và các làng người Kinh. Cho đến tháng 8 năm 1943 thì các đội Nam tiến bắt mối được với các đội xung phong Bắc tiến từ Bắc Sơn lên.

        Đến tháng Chạp ta năm ấy (1943) đúng 30 Tết, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở lại Cao Bằng, mở hội ăn mừng cùng toàn thể các đội xung phong và long trọng thay mặt đoàn thể trao cho các cán bộ nam nữ lá cờ thêu chữ vàng “Xung phong Thắng lợi”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:38:43 pm »


*

*        *

        Đồng thời với việc chuẩn bị chính trị (để tạo ra nước cho cá bơi) thì công việc chuẩn bị quân sự vẫn tiến hành (để tạo ra những con cá ở địa phương như đội du kích Pác Bó. Do Bác Hồ đích thân tổ chức). Chính đội này đã tổ chức ra ba đội vũ trang châu và một số đội vũ trang tổng ở các châu Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình.

        Ngay trong năm 1941 (tức là trước khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập ba năm), một số giáo viên tự vệ đã đi khắp các địa phương có tổ chức rộng rãi để thành lập các đội tự vệ và giúp các nam nữ đội viên luyện tập. Dần dần, việc huấn luyện quân sự đã trở nên bắt buộc cho các đội tự vệ. Đến cuối 1942, các đội tự vệ chiên đấu đã được thành lập trên nền tảng quân sự phổ thông.

        Tiến lên một bước nữa, Việt Minh còn tổ chức Trường Cán bộ quân sự, mỗi kỳ học một tháng, bí mật ở trong rừng. Cơ sở tổ chức không kém vẻ đồ sộ. Khi trường học đến khóa thứ 3 ở trong rừng Phan Thanh thì bị lộ, quân địch vào phải kinh ngạc thấy mấy ngôi nhà lợp lá cọ chứa hàng trăm người, nào giảng đường, nào nơi ăn ngủ, giá để súng, sân tập, lại có cả những đường tam cấp cao đến 50, 60 bậc, chứng tỏ Việt Minh bí mật sống đàng hoàng làm sao và thật đáng lo ngại đối với chúng. Đến cuối năm 1943, lại có lúc trường tổ chức những cuộc duyệt binh ban ngày, giữa cánh đồng và có cả những cuộc tập trận giả huy động hàng 400 - 500 người trong phạm vi mấy tổng liền.

        Như vậy, trước khi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thì sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang địa phương đã bừng bừng như thế.

        Kinh nghiệm Bắc Sơn - Đình Cả và mối quan hệ chính trị - quân sự

        Lúc bấy giờ có hai trung tâm điểm của phong trào là Cao Bằng và Bắc Sơn, Đình Cả.

        Kế hoạch của tổ chức Việt Minh là chấn chỉnh cơ sở chính trị ở Cao Bằng, Bắc Sơn, Đình Cả, tổ chức sự liên lạc chặt chẽ giữa hai trung tâm ấy rồi từ đó đánh rộng ra, nhưng có một sự chuệch choạc không đồng bộ giữa hai trung tâm.

        Trong khi ở Cao - Bắc - Lạng, lực lượng cách mạng khá phát triển thì ở Đình Cả, Bắc Sơn lại chuyển hướng từ hình thức đấu tranh vũ trang qua vận động chính trị trong hoàn cảnh bị địch khủng bố ác liệt.

        Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đế quốc đàn áp tàn sát lực lượng cách mạng rất dã man. Tuy vậy cơ sở du kích vẫn giữ vững, rồi cuộc chiến đấu lan rộng sang Đình Cả, Võ Nhai. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Bây giờ phương châm hoạt động là quân sự và chính trị đi đôi: khu du kích cứ hết sức mở rộng, nhưng đồng thời phải nhằm mục đích vận động chính trị, duy trì cơ sở quần chúng”.

        Vào khoảng tháng 6 năm 1941, Tổng bộ Việt Minh quyết định phái một đơn vị do đồng chí Phùng Chí Kiên lãnh đạo vào Bắc Sơn, Đình Cả để tiếp viện cho khu du kích. Lực lượng ấy bị lộ ngay khi hành quân qua phố Bình Gia và từ đó bị quân lính đế quốc truy lùng ráo riết. Vào đến Bắc Sơn, lực lượng này mở trường huấn luyện, không bao lâu thì bị vây bọc liên tục, có lần một tuần lễ phải dời địa điểm năm lần.

        Đến cuối năm 1941, sau khi bàn giao lại công tác cho các cán bộ địa phương, đồng chí Phùng Chí Kiên đưa một bộ phận vũ trang qua Bắc Cạn để liên lạc với Cao Bằng. Lực lượng này hành quân vô cùng gian khổ, hơn 10 ngày chỉ ăn cơm khô và măng núi, khi đến Ngân Sơn thì bị địch phục kích. Đồng chí Phùng Chí Kiên và đồng chí Huy người phụ trách huấn luyện quân sự ở Bắc Sơn bị hy sinh. Thật là một cái tang đau đớn. Nhưng lực lượng còn lại cũng tiến về đến Cao Bằng. Cuộc hoạt động du kích này còn kéo dài mấy tháng ở Bắc Sơn, Đình Cả. Sau đó, một bộ phận được phân tán để vận động chính trị, một bộ phận tạm thời rút qua biên giới.

        Chỉ thị của đoàn thể lúc bấy giờ là chính trị trọng hơn quân sự, nên các trung đội du kích đều chia thành tổ 5 - 3 người đi gây cơ sở quần chúng ở khắp Thái Nguyên, Tuyên Quang. Một trong những nhiệm vụ công tác là đánh thông con đường với các miền lân cận, nhất là Cao Bằng.

        Các cán bộ của Bắc Sơn làm công tác này trong điều kiện bí mật, thiếu thốn vô cùng gian khổ, mỗi người chỉ có một túi lương khô, một ống muối rang; chân núi, bờ suối là giường, lá cọ là chiếu, trong tất cả các ngày sương nắng hay mưa to vẫn bền bỉ, tin tưởng đi gây từng các điểm nhỏ ở khắp tỉnh Thái Nguyên, ở chân núi Tam Đảo, ở các châu, huyện Tuyên Quang.

        Một đội công tác phụ trách tiến lên đón anh em Nam tiến. Mãi cho đến tháng 8 năm 1943 hai bên mới gặp nhau và đầu tháng chạp năm ấy, tổ chức cuộc hội nghị Bắc Sơn để trao đổi kinh nghiệm và khánh thành con đường Thái Nguyên - Bắc Cạn. Con đường vũ trang này xuyên qua rừng núi từ Thái Nguyên lên Cao Bằng, đi mất khoảng 20 ngày, có khi đi được cả ngày lẫn đêm. Đồng thời, việc liên lạc với toàn quốc, tức là với các bộ phận khác của Tổng bộ Việt Minh đều thực hiện.

        Nhưng đế quốc đâu có chịu khoanh tay: ngay lúc đó chúng mở một cuộc đại khủng bố trắng ở trung tâm Cao - Bắc - Lạng .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:26 pm »


        Bài học chống khủng bố Cao - Bắc - Lạng

        Cuối năm 1943, (lúc này Bác Hồ đang bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Trung Quốc), theo kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, nhân dân tích trữ lương thực trong núi, thực hiện vườn không nhà trống từng bộ phận. Hầu hết các xã đều có kho thóc du kích, đồng thời súng đạn cũng được chuẩn bị ráo riết. Nhưng việc làm ấy không thể giữ được hoàn toàn bí mật, nhất là lại thêm mở các cuộc duyệt binh, tập trận giả và triển lãm. Cho nên thực dân Pháp quyết định đàn áp phong trào trước khi khởi nghĩa bùng nổ. Chúng dùng hai phương pháp: dụ dỗ, đàn áp phá tan các cơ sở quần chúng, cắt đứt đường tiếp tế lương thực của các cán bộ bí mật, sau đó dùng quân sự tấn công tiêu diệt các cơ quan bí mật của Việt Minh.

        Tháng 10 năm 1943, chúng bắt đầu dụ dỗ bằng tuyên cáo, yết thị, mít tinh, hiểu dụ dân chúng nên yên phận làm ăn, "chớ dại đi theo bọn người Kinh Việt Minh", kêu gọi những người tham gia cách mạng ra đầu thú và bảo đảm cho được làm việc với chính phủ.

        Song hàng ngũ Việt Minh vẫn vững chắc vì đã được giải thích sâu rộng về âm mưu địch. Chỉ có một cán bộ bí mật ra thú, nhưng sau đó lại xin trở lại đoàn thể. Chính sách dụ dỗ của địch bị thất bại, chúng liền quay ra đàn áp, vây bắt các chiến sĩ cách mạng, bắt cả thân nhân, tịch thu tài sản. Người có tài liệu Việt Minh khi bị bắt liền bị bắn tại chỗ, bêu đầu ở châu hay ở tỉnh. Nhà bị tình nghi có liên đới với Việt Minh bị tịch thu. Có nơi bị triệt hạ cả làng. Nhiều đám cháy lớn ở các làng “làng đồng chí". Chúng còn treo giải thưởng, nộp một đầu người cách mạng được 1.000 đồng bạc Đông Dương và 100 đấu muối.

        Bọn chúng còn áp dụng biện pháp dồn làng, nhiều làng nhỏ tập trung với một số làng khác. Cảnh hoang vu điêu tàn lan tràn khắp Cao - Bắc - Lạng. Một làng mới bị tập trung, chúng bắt trồng ba lớp luỹ tre, đào hồ cắm chông xung quanh, ngày đêm phải canh gác, hàng ngày phải điểm mục. Cấm ngặt từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau không ai được ra khỏi làng. Mang một thúng thóc đi ngâm hay một bì gạo ra chợ, có thể bị bắn ngay tại chỗ, vì chúng cho là đi tiếp tế cho Việt Minh.

        Đồng thời chúng còn cài kẻ gian vào hàng ngũ cách mạng, gây hoài nghi chia rẽ kết hợp với việc không ngày nào không kéo lính về bắn phá, cướp đốt và bắt dân phải đầu thú hoặc làm tờ cam đoan không vào Việt Minh nữa.

        Trước tình hình đó, Việt Minh tổ chức ra các ban xung phong chống khủng bố gồm có nam nữ thanh niên đi khắp nơi tuyên truyền giải thích để giữ vững tinh thần cho đồng bào.

        Nhưng dần dần, trước những thủ đoạn quá tàn khốc của quân thù, một vài nơi tỏ ra nao núng. Việc đầu thú lan rộng. Có nơi quần chúng xin nghỉ việc hội. Có nơi thanh niên bỏ chạy vào rừng hàng bốn năm chục người.

        Ban Việt Minh liên tỉnh bên ra chỉ thị tổ chức cuộc rút lui có kế hoạch: cho phép và ra kế hoạch cho một bộ phận ít hội viên đầu thú; mặt khác, các cán bộ phải "chuẩn bị bí mật" tối không được ngủ nhà, đi đâu phải có bảo vệ, sắm sẵn lương thực hai ba tháng và liên lạc với các đồng chí bí mật để lúc động khỏi sa vào lưới địch.

        Đặc điểm của Cao - Bắc - Lạng là số đồng chí hoạt động bí mật lên rất đông nên “đầu năm 1944, có chỉ thị lập các tiểu tổ bí mật" để duy trì phong trào. Một tiểu tổ bí mật gồm các đồng chí hoạt động bí mật, trong một hoặc hai xã đã thoát ly gia đình trốn vào rừng núi. Mỗi tổ có một "cơ quan" là một túp lều ở trên đỉnh núi, trong ngàn sâu, có tích trữ lương thực trên dưới sáu tháng, cùng sống theo một quy tắc bí mật rất nghiêm, trong thời gian biểu bắt buộc có giờ làm công tác quần chúng và giờ nghiên cứu bọc tập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:59 pm »


        Nơi nào lập được tiểu tổ bí mật gồm cán bộ địa phương thì nơi ấy phong trào không thể bị dập tắt được. Bởi vì cứ hễ trời gần tối thì các "người bí mật" rời căn cứ, vượt ba bốn cây số rừng núi, suối khe đến chỗ hẹn nhau vào lúc tối, dùng dấu hiệu bí mật liên lạc, gặp và giải thích tình hình cho những hội viên trung kiên "ở dưới làng" đã không quản nguy hiểm đến tính mệnh, mang lương thực ra ủng hộ. Đêm khuya "người bí mật" tranh thủ ngủ một giấc trên bờ sông hay bờ ruộng, đến tảng sáng trở về "cơ quan" phải làm sao vào rừng trước lúc sương tan mới khỏi bị phê bình và không làm liên lụy đến địa phương.

        Nắm được hoạt động của Việt Minh, kẻ địch tiến hành những cách khủng bố tàn bạo hơn. Chúng bao vây từng dãy núi hiểm yếu, đẩy dân làng đi trước làm bình phong, quân lính chúng thúc theo sau, mở cuộc lùng rừng, săn lùng lực lượng cách mạng, hoặc cho một số tên đi phục kích ở các đầu suối, chúng cho lính đi dò những vết chân, dấu cỏ, trên các hòn đá có rêu, hay vết gậy chống của “người bí mật", để rồi đem quân đến bao vây tiêu diệt.

        Những khu rừng bị tình nghi đều bị chúng đốt cháy. Cán bộ bí mật lâm vào cảnh nguy ngập, tránh được khỏi bị chết thiêu là nhờ tìm được một nơi ẩn nấp bên cạnh một con suối. Cơ quan đồng chí Phạm Văn Đồng bị vây mấy lần, có lần bị tiến công bằng đại bác.

        Kẻ địch đặc biệt chú ý đến khu vực Bắc Cạn. Một lần đồng chí Võ Nguyên Giáp và hai đội viên bị vây ba ngày liền ở trên đỉnh núi gần Thế Rục, phải dùng ống nứa và nước dây rừng vắt ra để thổi cơm. Cứ mỗi lần tìm ra một cơ quan bí mật là kẻ địch triệt hạ tất cả mấy làng lân cận. Tổng Hoàng Hoa Thám là nơi có phong trào rất cao nhưng do kẻ địch khủng bố tàn khốc, hai phần ba dân chúng đã bỏ làng chạy vào núi.

        Phong trào sụt dần, có nơi trước có đến hàng vạn hội viên, nay chỉ còn vài chục. Dân chúng vẫn tốt nhưng một số tạm ngừng hoạt động Việt Minh. Họ nói rằng: đến ngày khởi nghĩa họ sẽ đứng dậy đánh quân thù, nhưng trước ngày khởi nghĩa, nếu đi gặp một đồng chí bí mật mà cả làng bị đốt thì họ lại không dám.

        Như vậy là cơ sở quần chúng không duy trì được. Tình hình đó ảnh hưởng xấu đến chủ trương khởi nghĩa từng phần. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh cơ sở quẩn chúng nhất định phải duy trì, chúng tôi biết vậy và giảng giải cho toàn thể cán bộ hiểu như vậy. Dù khó khăn đến đâu cán bộ cũng phải bám lấy quần chúng. Mặt khác, sự khủng bố tàn khốc của địch lại chính là cơ hội để chọn lọc các phần tử trung kiên, rèn luyện con người.

        Cán bộ lại chia nhau đi các địa phương làm theo kinh nghiệm Bắc Sơn: mỗi người một túi lương khô, một ống muối, tìm đủ mọi cách mà đón gặp các hội viên trung kiên, khi trên đường đi chợ, khi ngoài rẫy, để giảng giải cho họ biết tình hình chung (thời sự thế giới, phong trào dưới xuôi tình hình các trung tâm khác) để thấy mặc dù địch khủng bố tàn khốc vẫn không thắng được cách mạng. Cứ thế, đến kỳ khai hội sau, cùng nhau hội họp điểm mặt: rất có thể thiếu vài đồng chí hay nhiều hơn nữa. Thường thường nếu đến hẹn không về tức là đã bị hy sinh trong lúc đi công tác. Cũng thật lạ cho sức chịu đựng dẻo dai của anh em lúc đó: có vùng tới tám - chín tháng liền chỉ ăn bắp thay gạo xay với ruột chuối, có vùng phải đào củ rừng thay gạo nhưng ngọn lửa tin tưởng vẫn không tắt, vẫn sẵn sàng mạnh dạn, kiên quyết, tin tưởng làm công tác.

*

*        *


        Cuộc vũ trang tiến công của đế quốc tuy có làm phong trào thu hẹp, nhưng lại ăn sâu và lên cao. Lên cao vì phong trào tiến dần lên vũ trang tranh đấu. Các tiểu tổ bí mật được lệnh phải quân sự hóa, nghĩa là phải có súng, có đạn, phải luyện tập theo kỷ luật quân sự; phải du kích hóa nghĩa là bao giờ cũng phải sẵn sàng, khăn gói mang theo vai, có lệnh là có thể lập tức chuyển đi nơi khác. Ban Việt Minh liên tỉnh lại ra chỉ thị lập Những đội vũ trang chuyên môn, rồi lại cho phép những đội vũ trang ấy hành động để tiêu diệt những đội tuần tiễu lẻ tẻ của địch.

        Cuộc đấu tranh vũ trang sẽ đẩy phong trào đi tới. Cuộc đại khủng bố của địch đã rèn luyện cho cán bộ và quần chúng tinh thần hy sinh rất dũng mãnh, đó là một điều kiện tất yếu dẫn đến cuộc vũ trang khởi nghĩa sau này...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM