Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:49:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26789 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:26:08 pm »


TIẾN QUÂN VÀO CHỢ RÃ

MAI TRUNG LÂM kể HOÀNG THẾ DŨNG ghi       

        Cuộc hành quân độc đáo của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

        Từ Hòa An đi Nguyên Bình, địch canh gác rất nghiêm mật. Cả đội hơn một trăm con người đều hành quân trên đường cái lớn thì rất dễ bị lộ, nên toàn phải đi theo đường mòn trên núi cao. Để đến khu vực an toàn ở vùng đồng bào Dao Tiền thuộc địa phận giữa châu Nguyên Bình (Cao Bằng) và châu Ngân Sơn (Bắc Cạn cũ, nay thuộc Cao Bằng, đội phải vượt qua con đường cái lớn nối liền tỉnh lỵ Cao Bằng với châu Nguyên Bình. Tin tức trinh sát cho biết chỉ có một đoạn từ Nà Bao đến Bó Ka là có thể qua được đường cái lớn.

        Nà Bao và Bó Ka cách nhau gần hai chục cây số, nằm dưới chân dãy núi đá tai mèo trải dài song song với con đường cái lớn. Đường này chạy qua một cánh đồng rất rộng. Ở gần Bó Ka cũng như gần Nà Bao có nhiều thung lũng có đường mòn từ trên núi xuống, xuyên ngang qua đường cái lớn. Vượt qua đường, đi bộ trên một cây số là đến khu vực có cơ sở của ta. Đi một ngày đường nữa thì đến địa phận châu Ngân Sơn.

        Nếu hành quân theo hai con đường mòn này thì rất dễ bị địch phát hiện. Trinh sát của đội tìm ra con đường mới chưa hề có dấu chân người, rất an toàn nhưng cực kỳ khó khăn hiểm trở. Ở khoảng giữa dãy núi đá từ Nà Bao đến Bó Ka có một đỉnh núi cao độ bốn, năm chục mét, cây cối um tùm. Nơi đây chưa hề có người qua lại. Một bên đá tai mèo lởm chởm từ chân lên đến đỉnh núi. Một bên trông xuống đường cái, cây cối phủ kín từ đỉnh xuống lưng chừng núi.

        Tiếp đó là một nản đá lớn (Tiếng Tày là vách đá.), chạy dài theo sườn núi ăn thẳng xuống tận chân núi, trông giống như một bức tường thành. Vách đá bị tán cây um tùm che lấp từng khoảnh. Những khoảnh lộ ra thì mặt phẳng lì. Sườn núi về phía có vách đá cao ấy không hề có đường lên xuống, chỉ có độc một cây dây rừng có ba nhánh bò từ mặt đất lên tới đỉnh núi toả ra thành nhiều nhánh bám chặt lấy các cành cây lớn như có người buộc. Loại cây này rất lạ. Thân to như bắp đùi, sù sì những mấu. Mùa xuân lá có màu đỏ tươi như màu hoa đào, mùa thu lá già lại xanh như những lá cây khác. Tiếng địa phương gọi là cây "khau đồng", nghĩa là cây dây đỏ.

        Do địa hình hiểm trở, lại không hề có đường mòn, nên địch hoàn toàn không chú ý đến đường này. Lợi dụng sơ hở đó của địch, anh Văn quyết định chọn con đường rất nguy hiểm nhưng cũng rất bất ngờ này đưa bộ đội ra khỏi khu vực mà địch chuẩn bị càn quét.

        Nơi trú quân của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là địa điểm bí mật của đồng chí Tê, người Mông. Anh em đặt tên địa điểm này là khu Thiện Thuật, nằm trong châu Xích Vân. Thực ra trên bản đồ hành chính do Pháp lập hồi đó, tỉnh Cao Bằng chẳng có châu nào gọi là châu Xích Vân cả. Đây chỉ là một bí danh do cách mạng đặt ra để chỉ một khu vực rừng núi rộng lớn, địa bàn cư trú của dân tộc Mông nằm giữa các châu Hòa An, Nguyên Bình và Bảo Lạc.

        Từ khu Thiện Thuật đến đỉnh núi có vách đá theo đường chim bay cũng không xa lắm, nhưng vì không có đường nên chúng tôi cứ nhằm đỉnh núi có vách đá mà đi tới, qua hết eo núi này đến eo núi khác. Khởi hành từ lúc 4 giờ chiều đến khi trời tối mịt, toàn đội mới tới chân núi, rồi leo lên đỉnh. Trước khi hành quân, chúng tôi được một cán bộ địa phương giới thiệu về địa hình và cách xuống núi. Cách xuống núi này quả là độc đáo và rất nguy hiểm, chỉ trượt tay hay đặt chân không đúng chỗ là rơi tuột xuống ngay.

        Trời tối như bưng, chúng tôi phải dùng tay thay mắt, lần từng mô đá bò lên tới đỉnh. Anh Văn nhắc nhở mọi người: đường xuống rất nguy hiểm, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối làm đúng theo lời người dẫn đường và chỉ dẫn cho người đi sau làm đúng như mình: tay người trước rời chỗ nào thì người đi sau đặt vào đấy; chân người trước vừa nhắc khỏi thì người sau thế chân vào, cứ thế chúng tôi nối đuôi nhau xuống. Tiểu đội trưởng xuống trước đội hình tiểu đội, trung đội trưởng trước đội hình trung đội, ban chỉ huy xen giữa đội hình của đội. Cả dây người trong bóng tối cứ thế âm thầm lặng lẽ nhích dần cho đến lúc đặt chân xuống được mặt đất.

        Hai chiến sĩ xuống đầu tiên, nhanh chóng triển khai canh giới ở hai đầu đường, phía Nguyên Bình lên và phía Cao Bằng xuống. Người thứ ba vượt qua đường, đi sâu vào độ 100 mét thăm dò. Người sau tới thì người trước lại vượt lên, cứ thế nối nhau vượt qua đường cái tiến sâu vào rừng. Đây là một cuộc hành quân độc đáo ít được biết đến mà đội trải qua trong thời kỳ hoạt động này.

        Bọn Pháp hoàn toàn không ngờ được chúng tôi đã vượt qua ngoài khu vực mà chúng đang chuẩn bị càn quét lớn. Băng qua con đường cái nối liền Cao Bằng với Nguyên Bình, chúng tôi đi sâu vào rừng độ năm, sáu trăm mét thì dừng lại điểm quân số, rồi tiếp tục theo người giao thông đến một cơ sở quần chúng, nghỉ ăn trưa và rút kinh nghiệm hành quân. Anh Văn biểu dương toàn đội, rồi ra lệnh tối đó tiếp tục hành quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:26:49 pm »


        Đường rừng tối đen như mực. Hết rừng, lại qua đèo, lội suối. Chúng tôi quyết tâm đi kỳ được đến vùng đồng bào Dao Tiền, nơi có nhiều xã Việt Minh hoàn toàn. Đi mãi, ai nấy đều mệt lử. Có người sốt ruột hỏi đồng chí giao thông đã đến nơi chưa thì đồng chí này bảo cứ đi một tí nữa là đến. Cứ tí này đến tí khác, vẫn chưa đến nơi. Dọc đường không nghe tiếng gà gáy, không trông thấy ánh lửa.

        Đến một chỗ bằng phẳng, anh Văn phải lệnh cho đơn vị nghỉ để lấy lại sức. Hết lên đồi, xuống dốc, lại lội suối, lần theo khu rừng thưa thì trời đã sắp sáng. Mọi người nghe thấy tiếng gà gáy khá gần. Tôi đã mừng thầm. Đi từ trong rừng ra, nhìn thấy một bản có dăm ngôi nhà, tôi càng mừng, nghĩ rằng "thoát nợ" đến nơi rồi. Nhưng thấy người giao thông có vẻ ngơ ngác, tôi đoán là anh ta bị lạc đường rồi. Anh em lo lắng thì thào, làm sao bây giờ? Thật là tiến thoái lưỡng nan? Trở lại rừng chăng, hay cứ đi tiếp? Mọi người sốt ruột chờ đợi.

        Đúng lúc đó, anh Văn ra lệnh cho toàn đội lùi vào trong rừng tạm nghỉ, rồi triệu tập các đồng chí Khang, Hoàng Sâm, Lâm Kính, Nam Long và tôi lại hội ý. Anh hỏi:

        - Tình hình đã như vậy các đồng chí có ý kiến gì?

        Có đồng chí nói:

        - Nên trở lại đường cũ thôi!

        Đồng chí khác lại bảo:

        - Lên núi cao tạm ẩn vì trời vừa mới sáng, dân chưa ra khỏi nhà, chờ đồng chí giao thông đi tìm đường.

        Anh Văn trầm ngâm suy nghĩ một lát, rồi nói:

        - Nếu trở lại đường cũ thì rất khó khăn. Lên núi ẩn cũng không ổn, nhất định lộ! Sớm muộn đồng bào cũng đi rừng săn bắn, hái măng, kiếm củi trông thấy. Ý kiến của tôi là cứ tiếp tục hành tiến. Phải tổ chức hành quân theo đội hình chiến đấu để phòng bất trắc. Cần bố trí một tiểu đội đi đầu cách xa đội một chút. Tiểu đội này cải trang đóng giả quân địch đi tuần. Nếu gặp dân thì yên tâm, gặp bọn lý dịch hay lính dõng, lên tiếng hỏi chúng trước và nói là các quan đi tuần tra. Như vậy có được không? 

        Anh em đồng thanh trả lời:

        - Được! Được ạ.

        Anh Văn hỏi lại:

        - Các đồng chí sẵn sàng cả chứ?

        Chúng tôi trả lời đã sẵn sàng, rồi vội vã trở về đơn vị.

        Cuộc hội ý chớp nhoáng này giúp tôi ý thức được vấn đề dân chủ quân sự. Người chỉ huy khi hành quân cũng như trong chiến đấu cần biết tranh thủ ý kiến của anh em dưới quyền. Ở đây, người chỉ huy đã có chủ định sẵn nhưng vẫn hội ý với cấp dưới để anh em trình bày hết ý kiến rồi mới nói chủ trương của mình. Làm như vậy anh em dễ tiếp nhận và có thêm cơ sở để quán triệt sâu sắc chủ trương của trên.

        Sau khi cải trang xong, tiểu đội đi đầu được lệnh tiến ra cánh đồng theo con đường mòn. Nhân đây xin nói thêm là đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân luôn có sẵn một số bộ binh phục thu được của địch trong các trận Phai Khắt, Nà Ngần để đóng giả quân địch khi cần. Lúc tiểu đội này sắp qua hết cánh đồng bỗng gặp hai người dân đi tới. Tiểu đội trưởng dõng dạc hỏi to:

        - Các người đi đâu về?

        Một người vội vàng chắp tay thưa:

        - Dạ? Thưa các quan, hai chúng con đi ăn giỗ ở làng bên quá chén phải ngủ lại, sáng nay mới về. Con là phó lý. Xin kính mời quan lớn và các thầy quyền vào làng nghỉ để chúng con được đón quan và các thầy ở lại xơi cơm. 

        Một đồng chí ta đóng giả đội khố đỏ lớn tiếng bảo:

        - Tốt lắm! Nhưng thôi, quan bận đi đến chỗ hẹn gặp các cơ khác, đã báo trước cho họ chuẩn bị cơm nước rồi.

        Hai người chắp tay vái lia lịa, rồi đi vào làng, vừa đi vừa ngoái lại nhìn theo. Toàn đội được lệnh ra khỏi rừng, tiếp tục hành quân. Sau khi đi hết cánh đồng, lên dốc, rồi qua một đoạn đường rừng, anh Văn mới hỏi đồng chí giao thông:

        - Đến đây, đồng chí đã nhớ ra đường đi chưa?

        Đồng chí giao thông tủm tỉm cười, trả lời:

        - Ồ! Mình nhớ ra rồi! Đáng lẽ đi qua cái lối này về cơ. Tại trời nó tối quá, mình không nhìn rõ lối cũ nên lạc đấy mà?

        Mấy anh em đi cạnh nghe thấy đều phì cười, thở phào nhẹ nhõm. Thế là sắp đến nơi an toàn được nghỉ ngơi rồi. Lúc này, ai nấy đều mệt và đói lử vì đã hành quân suốt đêm và không có một chút gì vào bụng. Đến một chỗ bằng phẳng, chúng tôi được lệnh nghỉ và ăn tạm lương khô. Mọi người đều phấn khởi, nhưng khốn nỗi ăn lương khô mà không có nước uống, thật là khó nuốt. May sao, có đồng chí nêu lên sáng kiến:

        - Nhặt rau má ăn độn với lương khô tốt lắm đấy? Vừa đỡ khát, vừa dễ ăn, các đồng chí ơi!

        Nhiều người ồ lên:

        - Phải rồi. Phải rồi.

        Từ xưa, người già đã nói chống đói, không có gạo thì chỉ có ăn rau má là tốt hơn cả, các thứ rau khác đều không thể thay được. Rau má tuy hơi đắng nhưng ăn độn với lương khô lại thấy ngon. Tôi liền nhặt một ít, dùng phần nước còn lại trong bình toong rửa qua, rồi vò nát đưa cho anh Văn. Anh vừa nhai, vừa cười, nói:

        - Ồ! Thế mà ngon thật. Dễ ăn hơn ăn lương khô không độn rau đấy.

        Tôi nhớ mãi bữa cơm lương khô độn rau má ấy. Có đồng chí còn đùa "nếu không đi lạc đường thì không có bữa ăn đặc biệt này đâu nhé!". Cái không khí vui nhộn trẻ trung ấy đã tiếp sức cho chúng tôi vượt qua khó khăn gian khổ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:27:22 pm »


        Diệt tên quản Chiểu

        Sau khi ăn xong, đội tiếp tục hành quân đến khu vực tiếp giáp giữa hai châu Nguyên Bình và Ngân Sơn. Vùng này phần đông là các làng đồng bào Dao Tiền, ngoài ra còn có một số làng Tày, Nùng thuộc châu Nguyên Bình. Phong trào ở các làng này không được như ở các bản Dao Tiền. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp địa phương mở rộng và củng cố phong trào, đồng thời tiễu trừ bọn phản động tay sai đầu sỏ đang chống phá cách mạng, kiềm chế phong trào quần chúng.

        Một hôm, chúng tôi được lệnh diệt một tên quản chiểu (Quản chiểu (tiếng Dao) chỉ chức vụ tương đương tri châu.) phản động cai trị đồng bào Dao trong vùng. Người kể không nhớ tên viên quản chiểu này. Ỷ vào quyền thế của một trung đội lính cúp-phăng trong tay, lại nổi tiếng giỏi võ, tên này xưng hùng xưng bá, lùng bắt cán bộ cách mạng, thẳng tay đàn áp những ai chống lại ra sức vơ vét của cải của dân để làm giàu. Phong trào quần chúng vì thế không thể phát triển được.

        Tôi cùng các đồng chí Bế Sơn Cương, Lâm Kính, Bế Văn Sắt và đồng chí Đắc cán bộ địa phương đặt kế hoạch đột nhập ban đêm diệt tên này tại nhà riêng của nó. Nhưng qua điều tra, thấy đánh ban đêm rất khó. Địch rào quanh làng hai lượt cây ở giữa cắm gai bùng nhùng rất khó vượt qua. Cổng vào làng kiên cố, không thể phá được. Hồi ấy không ai biết đến bộc phá.

        Chúng tôi đành quay về, bàn với nhau đánh vào lúc nhá nhem tối khi cổng làng chưa đóng. Ta sẽ đóng giả quân đi tuần tra đàng hoàng vào làng, đến thẳng nhà tên quản chiểu. Đồng chí Bế Sơn Cương mặc quân phục đội khố đỏ, tôi đóng vai quan bang tá, Lâm Kính đóng vai thầy thống phán. Mấy đồng chí khác đóng lính và một số giả làm thường dân bí mật mang vũ khí đi theo.

        Để đến được nhà tên phản động này phải vượt qua một ngọn núi cao, leo lên tụt xuống phải mất gần một ngày trời. Hành quân từ mờ sáng, đến chân núi thì trời đã ngả về chiều. Vừa đến đầu làng, chúng tôi gặp ngay một đám trẻ đang lùa trâu ra khỏi rừng. Tiếng mõ trâu kêu lộc cộc. Tôi lên tiếng hỏi:

        - Này các cháu, có phải đây là làng của ông quản chiểu?

        Một đứa đáp:

        - Phải ạ?

        Tôi lại hỏi:

        - Thế ông ấy có nhà không? Quan cần gặp.

        Một đứa khác chỉ về phía cửa rừng nói láu táu:

        - Úi! ông ấy đi săn đang về sau chúng cháu đấy?

        Đám trẻ tò mò xúm lại ngắm nghía những khẩu súng trong tay mấy anh em đóng giả lính. Đợi cho lũ trẻ lùa trâu vào làng hết, tôi dặn một số anh em đóng giả dân thường nấp kín vào các bụi rậm, còn cả toán thì đàng hoàng đứng đợi cách cổng làng độ hai chục mét. Lát sau, một người to, cao, mập mạp, mặt đỏ, lưng giắt dao, vai đeo súng từ trong rừng đi ra. Đến gần chúng tôi, y cúi đầu lễ phép nói:

        - Kính chào quan lớn ạ?

        Tôi gật đầu rồi hỏi:

        - Ông đi đâu về?

        - Dạ, con đi săn về.

        - Có phải ông quản chiểu không?

        - Dạ, bẩm phải ạ.

        Thấy đồng chí Đắc từ trong bụi rậm phía trước mặt thò tay ra vẫy làm ám hiệu, tôi liền đá một cú như trời giáng bất ngờ vào bụng dưới tên phản động. Nó qụy ngay xuống, không kịp chống cự. Bế Sơn Cương nhanh như cắt giật lấy súng và tước con dao trên người hắn. Lâm Kính và Bế Văn Sắt xông ra trói lại và giải nó đi ngay. Mấy nhà dân ở đầu làng nhốn nháo nhưng chẳng ai ra khỏi cổng. Bọn lính trong làng không kịp đối phó. Chúng tôi nhanh chóng rút vào rừng sau khi rải lại một số truyền đơn giải thích việc trừng trị tên phản động này và kêu gọi nhân dân đi theo Việt Minh chống Nhật - Pháp, cứu nước, cứu nhà. Sau vụ này, bọn phản động ở địa phương co lại không dám hung hăng săn tìm cán bộ ta như trước nữa. Cán bộ địa phương phấn khởi xốc lại phong trào.

        Công việc củng cố và phát triển phong trào ở huyện Nguyên Bình tạm ổn. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiếp tục hoạt động mở rộng phong trào ở địa bàn mới châu Ngân Sơn. Đội chúng tôi công tác ở đấy từ tháng 2 cho đến đầu tháng 3 năm 1945 thì anh Văn chỉ thị cho các anh Bế Sơn Cương và Thu Sơn xuống Na Rì hoạt động. Tiếp đó, một tiểu đội gồm các anh Thanh Phong, Đinh Trung Lương, Bế Văn Sắt, tôi và một số anh em nữa do anh Khang phụ trách, đi trước mở đường hướng về phía Hoa Sơn, tức núi Phía Bioóc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:27:49 pm »


        Gặp Ra-da-ri-ô, chủ mỏ Đầm Hồng - Bản Ty

        Chúng tôi xuất phát từ Nà Bưa, Vằng Pài thuộc châu Ngân Sơn, đi theo đường núi hướng về châu ly Chợ Rã để chuẩn bị chiến trường đánh chiếm châu lỵ này. Trên đường đến xã Hà Hiệu, đang xuống dốc, chúng tôi chợt nhìn thấy trên đường cái một đám đông lính khố đỏ, khố xanh súng ống ba lô đầy đủ nhưng mặt mũi phờ phạc, dáng đi uể oải không có vẻ gì là đi trận mạc cả. Anh Khang ra lệnh cho cả đội dừng lại, sẵn sàng đối phó. Anh nói với tôi:

        - Không hiểu bọn lính này đi đâu mà có cả một thằng tây xi vin đi cùng. Trông chúng như đội quân bại trận. Anh Lâm hô cho bọn chúng đứng lại.

        Tôi liền hô to bằng tiếng Pháp:

        - Halte là! Haut les mains (Đứng lại! Giơ tay lên! )

        Cả đám quân địch dừng lại và rẽ ra hai bên, nhường đường cho một người Pháp, hai tay giơ lên quá đầu đi về phía chúng tôi. Lúc này, anh Khang và anh Thanh Phong cũng đã đến bên tôi. Người Pháp ấy đến trước mặt chúng tôi nói to:

        - Chers camarades, je sui entrain de vous chercher (Các bạn thân mến, tôi đang đi tìm các bạn.).

        Tôi nói bằng tiếng Pháp bảo người ấy bỏ tay xuống và hỏi:

        - Ông là ai, đem lính đi đâu?

        Người Pháp ấy nói:

        - Tôi là Ra-da-ri-ô, chủ mỏ ở Đầm Hồng - Bản Ty. Giám binh Bắc Cạn, đại uý Đờ-pông-tích phái tôi đi gặp ông Văn (Hồi đó, trong các tối hậu thư gửi cho các đồn địch, đồng chí Võ Nguyên Giáp đều ký tên là Văn.) có việc khẩn cấp.

        Tôi hỏi:

        - Giám binh Đờ-pông-tích giờ ở đâu?

        Ra-da-ri-ô trả lời:

        - Đại uý giám binh Đờ-pông-tích đã rời Bắc Cạn, đưa quân lính chạy về đồn Ba Bể.

        Nghe Ra-da-ri-ô nói, tôi đoán Nhật đã đảo chính Pháp, nên giám binh Bắc Cạn mới bỏ thị xã đem lính chạy và nhờ chủ mỏ Ra-da-ri-ô đi tìm Việt Minh? Phải chăng vì sĩ diện, Ra-da-ri-ô đã không đả động gì đến việc Nhật đảo chính?

        Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, không ai nói nhưng đều hiểu như nhau. Anh em cán bộ chúng tôi hồi ấy đã được giải thích trước là hai tên đế quốc Nhật và Pháp như hai con hổ dữ nhốt chung một chuồng, sớm muộn rồi chúng sẽ tranh nhau miếng mồi và cắn xé lẫn nhau. Chúng tôi được biết chủ trương của Đảng là kêu gọi những người Pháp dân chủ ở Đông Dương hợp sức với Việt Minh cùng lập mặt trận thống nhất chống phát xít Nhật. Vì thế, khi bất chợt gặp Ra-da-ri-ô và bọn lính ủ rũ như một đám tàn quân ấy, tôi nghĩ ngay rằng bọn Nhật đã đảo chính Pháp.   

        Tôi chìa tay ra và nói bằng tiếng Pháp:

        - Maintenant, nous sommes amis (Bây giờ chúng ta là bạn.).

        Hai tay Ra-da-ri-ô nắm chặt bàn tay tôi, vẻ mặt phấn chấn. Tôi quay ra giới thiệu ông ta với anh Khang và anh Thanh Phong, rồi hướng về phía anh em binh lính người Việt kêu gọi họ đi theo Việt Minh, đánh đuổi phát xít Nhật để giải phóng đất nước. Hôm đó là ngày 11 tháng 3 năm 1945. Về sau, tôi mới biết Nhật đã đảo chính Pháp đêm mồng 9 tháng 3 và Pháp đã bị đánh bại rất nhanh.

        Sau khi tôi nói chuyện với binh lính, anh Khang bảo anh Thanh Phong đi cùng anh đưa Ra-da-ri-ô đến gặp anh Văn, dẫn theo cả đám lính khố đỏ, khố xanh. Tôi và anh Bế Văn Sắt được lệnh đi gặp ngay tên giám binh Đờ-pông-tích đem sẵn theo bức thư giới thiệu mà Ra-da-ri-ô đã viết và đưa cho tôi trước lúc ông ta đi. Đi theo chúng tôi còn có bốn lính khố xanh bảo vệ và đưa đường đi về phía Chợ Rã tìm tri châu Đồng Phúc Quận, yêu cầu y giúp phương tiện để đến được đồn Ba Bể sớm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:28:15 pm »


        Thuyết phục tri châu

        Chợ Rã Thị trấn Chợ Rã là châu lỵ của châu Chợ Rã, nằm giáp chân núi, chỉ có một đường phố duy nhất. Hai bên đường là hai dãy nhà, phần đông là nhà gỗ lợp ngói máng. Chỉ có một số nhà gạch một tầng của viên chức, quan lại về hưu. Đây là một thị trấn loại nhỏ ở miền thượng du. Ở đây có một lô cốt bằng gạch với 12 tên lính lệ bảo vệ. Ngoài ra châu lỵ Chợ Rã còn có một đồn binh gọi là đồn Chợ Rã. Đồn này thường có một trung đội lính khố xanh do một tên sĩ quan Pháp chỉ huy, nhưng chúng đã tháo chạy theo giám binh Đờ-pông-tích khi tên này chạy Nhật qua vùng này.

        Tôi và anh Sắc đi theo mấy người lính khố xanh vào phố. Dân chúng nhìn chúng tôi rất chăm chú, ánh mắt lộ vẻ lo ngại. Ở thị trấn này, người Hoa đông hơn người Kinh. Người Kinh chỉ có mấy nhà, trưởng phố là ông Nguyễn Đình Tài quê ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh, lên ngụ cư ở châu lỵ Chợ Rã, mở cửa hàng buôn bán đã trên chục năm. Thấy chúng tôi đi cùng mấy người lính, ông ta tỏ vẻ hoảng sợ. Khi tôi hỏi tin tức tri châu Đồng Phúc Quận, ông ta rụt rè đáp:

        - Thưa các ông không hiểu sao các quan tây, quan ta ở Chợ Rã chạy hết cả! Tôi không biết họ ở đâu.

        Tôi giải thích cho ông ta:

        - Nhật đã đảo chính Pháp, Pháp đã thua trận. Tôi đã gặp tên chủ mỏ Đầm Hồng - Bản Ty người Pháp, tên là Ra-da-ri-ô, cùng một số lính khố xanh, khố đỏ chạy Nhật đang đi tìm Việt Minh. Tôi cần gặp tri châu Đồng Phúc Quận ngay để thuyết phục ông ta theo Việt Minh.

        Bấy giờ ông Tài mới yên tâm, cho biết tri châu Đồng Phúc Quận không làm việc ở công đường dưới phố nữa, mà đã chuyển lên đồn binh sau ngày tây đồn đem lính chạy trốn ngày 10 tháng 3. Tôi bảo trưởng phố Tài đưa tôi đi gặp tri châu Quận, nhưng ông ta chỉ đưa đến chân núi rồi dừng lại. Hai chúng tôi và bốn người lính theo con đường to từ chân núi dẫn đến khu nhà trên đồn. Về sau trưởng phố Tài mới nói với tôi:

        - Sau khi ông lên đồn, ở phố dân chúng rất hoang mang, không biết là Nhật hay thổ phỉ đến.

        Hôm ấy, tôi đội chiếc mũ phớt của Trần Kiên - người trong đội mặc áo vét tông tít-xuy len và một ái quần tuýt - so màu nâu, tay cầm ba toong, súng lục giắt cạp quần. Anh Sắc mặc áo dạ nhà binh lấy được ở trận Phai Khắt, quần soóc, đi giày đinh săng đá, bít tất kéo gần đến đầu gối, khẩu poọc-hoọc báng gỗ lủng lẳng bên sườn. Hai anh em chúng tôi ăn mặc như thế thì cũng khó tránh khỏi đồng bào hiểu lầm.

        Chúng tôi lên đến cổng đồn, tên lính gác đứng nghiêm bồng súng chào. Có lẽ thấy tôi dáng điệu đàng hoàng, lại có người bảo vệ và bốn lính khố xanh đi theo nên lính gác tưởng là quan trên tỉnh xuống. Tôi chào lại theo kiểu nhà binh, rồi đi thẳng vào trong. Mấy người đã đứng tuổi đầu đội khăn xếp, mặc áo the dài, quần ống sớ, áng chừng là các chức sắc ở châu trông thấy tôi đều chắp tay vái chào. Tôi chào lại, rồi lên tiếng hỏi to:

        - Quan châu có nhà không, các ông?

        - Bẩm có ạ? - Họ đồng thanh trả lời.

        Có người nói to:

        - Thưa ông, quan châu đang làm việc ở công đường kia kìa.

        Hai chúng tôi đi thẳng đến ngôi nhà gạch một tầng ở giữa đồn, còn mấy người lính dừng lại ở sân. Đến trước căn phòng làm việc của tên tri châu, anh Sắt dừng lại phía ngoài, còn tôi đi thẳng vào. Tên tri châu ngồi ở sau cái bàn to thấy người vào đột ngột có vẻ hoảng sợ, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi bỏ mũ và lên tiếng:

        - Chào quan lớn

        Sau này, tôi báo cáo lại với anh Văn. Anh hỏi tôi:

        - Tại sao anh lại nói chào quan lớn?

        Nghe anh hỏi thế tôi biết ngay là mình đã xử sự sai rồi. Bọn thực dân Pháp đã bị Nhật lật đổ, chính quyền tay sai của chúng cũng sụp đổ theo, làm gì còn quan lớn với quan bé nữa.

        Lúc ấy, tên tri châu đứng dậy nói:

        - Xin thào ngài, ngài là ai, đến đây có việc gì?

        - Tôi là Mai Trung Lâm, đại diện đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Mặt trận Việt Minh. Tôi vừa nói, vừa nhìn thẳng vào mắt tri châu Đồng Phúc Quận.

        Mặt y tái đi, miệng lắp bắp:

        - Dạ, dạ

        - Tôi đến đây để hỏi ông một số điều và giao cho ông một việc ông hãy cố gắng làm tròn để lập công chuộc tội với nhân dân. Điều thứ nhất ông cho tôi biết hiện nay tên giám binh Đờ-pông-tích ở đâu? - Tôi hỏi để thử nó thế thôi vì điều này Ra-da-ri-ô đã cho tôi biết cả rồi và còn có cả bức thư của ông ta gửi cho Đờ-pông-tích nữa.

        Đồng Phúc Quận trả lời:

        - Sau khi Đờ-pông-tích và binh lính bỏ đồn Bắc Cạn, họ đã qua châu lỵ đi về hướng hồ Ba Bể, còn đi đến đâu tôi cũng không rõ.

        Nghe nói vậy tôi biết là y nói thật. Tôi liền nói tiếp:

        - Điều thứ hai, tôi cần sáu con ngựa tốt để đi đến hồ Ba Bể tìm gặp Đờ-pông-tích. Vậy ông cho chuẩn bị ngay đi.

        Ông ta sốt sắng đáp:

        - Dạ, xin có ngay ạ?

        Sau khi truyền lệnh cho người tuỳ phái đi chuẩn bị ngay, ông ta lấy ghế mời tôi ngồi, rồi khoanh tay đứng chờ. Tôi ra hiệu cho Đồng Phúc Quận ngồi xuống, rồi thong thả nói:

        - Bây giờ, tôi nói vắn tắt để ông hiểu rõ tình hình. Giặc Nhật đã quật ngã giặc Pháp. Chính quyền tay sai của Pháp đã sụp đổ theo. Giặc Nhật bây giờ là kẻ thù chính của dân tộc ta. Ai đi theo giặc Nhật là phản lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Theo lệnh trên, tôi giao cho ông nhiệm vụ quản lý châu Chợ Rã, đợi đến khi tôi gặp Đờ-pông-tích xong, sẽ có lệnh sau. Cách mạng đã khoan hồng và tin ông, vậy ông chớ có phụ lòng.

        Lúc này, Đồng Phúc Quận đứng dậy, nét mặt xúc động, tự tay tháo bài ngà đeo trước ngực ra đặt lên bàn, rồi rút khẩu súng uy-ních đeo ở cạnh sườn, hai tay nâng nộp cho tôi. Biết y còn hoang mang trước sự việc xảy ra quá đột ngột, tôi dùng tiếng Tày để nói chuyện với y, tranh thủ tình cảm người cùng dân tộc:

        - Ông cứ giữ khẩu súng này và làm tốt công việc chúng tôi giao. Khi đi qua làng Vằng Pài tôi đã vào nhà ông và đã gặp anh em, con cháu ông, ông cứ yên tâm! Anh em và con cháu của ông nhờ tôi nói lại với ông là ông phải đi theo Việt Minh, không được chạy đi đâu cả.

        Đồng Phúc Quận nét mặt vui hẳn lên, bảo người hầu đi gọi thừa Chiêu, lục Đóa, chánh tổng Vũ, châu Đạt và quản chiểu Nhất đến. Khi mọi người đến đủ, Đồng Phúc Quận nói:

        - Sở dĩ chiều nay tôi cho mời các thầy đến công đường là vì có một việc đặc biệt quan trọng có quan hệ tới tôi và các thầy. Ông Mai Trung Lâm đây là đại diện của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Mặt trận Việt Minh - ông ta vừa nói, vừa đưa tay về phía tôi.

        Mọi người cúi đầu chào. Tôi cũng chào lại. Viên tri châu nói tiếp: 

        - Thừa lệnh trên, ông đại diện Việt Minh đến đây để giao nhiệm vụ cho chúng ta cai quản châu Chợ Rã như mọi khi, cho đến lúc ông quay trở lại sẽ có lệnh của cấp trên sau. Vậy tôi thông báo để các thầy yên tâm và dốc lòng làm việc. Chiều nay tôi làm cơm mời ông Mai Trung Lâm và ông Việt Minh cùng đi với ông. Tôi nhờ các thầy thay mặt tôi tiếp thượng khách cho chu đáo, lý do thì các thầy đã biết.

        Đồng Phúc Quận quay về phía tôi cúi đầu chào và nói:

        - Tôi thành thật xin lỗi ông Mai Trung Lâm về sự vắng mặt của tôi. Mong ông bỏ qua cho vì hoàn cảnh đặc biệt của tôi. Gia đình đã dọn về làng cách đây ba cây số và có tin nhà tôi lại sắp trở dạ. Xin ông nguyên lượng.

        Tôi gật đầu, ông ta mới đi ra. Trong phòng chỉ còn lại mấy chức dịch và tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:29:13 pm »


        Lòng dân

        Buổi tối hôm ấy, tôi và anh Sắt đã dự một bữa tiệc thịnh soạn tại công đường của tri châu Chợ Rã. Thức ăn và rượu thừa thãi. Hai chúng tôi bảo nhau ăn thật no để lấy sức đi đến hồ Ba Bể sớm hôm sau. Còn cái khoản rượu thì quả thật rất thèm, nhưng lại phải từ chối vì kỷ luật quân đội nghiêm cấm.

        Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu có cái bầu rất to, chúng tôi cùng các chức dịch châu, tổng vừa ăn vừa trò chuyện. Vừa mới tiếp xúc với người của Việt Minh nên lúc đầu họ cũng dè dặt, nhưng càng về sau càng cởi mở. Lại thêm rượu vào lời càng ra. Họ nói với chúng tôi đủ thứ chuyện. Là những chức dịch của châu, tổng nên họ biết không ít chuyện, chuyện quan châu ăn của đút, quan lấy con gái một nhà giàu ở phố Hàng Bông, Hà Nội, chuyện chợ búa, giá cả, đời sống của dân. Tôi cũng muốn nhân cuộc gặp gỡ này tìm hiểu tình hình địa phương nên chú ý lắng nghe, đôi khi gợi hỏi thêm để biết rõ hơn.

        Cuối cùng, cơm nước xong, tôi nói về cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp và chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh. song cuộc nói chuyện đó cũng chỉ mới giải đáp được một phần những điều họ muốn biết, còn sự lo lắng nhất của họ nằm trong câu hỏi tiêu biểu của lục Đoá:

        - Bây giờ tây đi, Nhật chưa đến, các ông là Việt Minh đến. Nếu Nhật đánh Chợ Rã, ta chống lại như thế nào? Lấy gì mà đánh?

        Không trả lời lục Đóa, tôi hỏi:

        - Các ông có bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó thằng đế quốc Pháp sẽ bị sụp đổ không?

        Họ lắc đầu. Tôi cười to bảo họ:

        - Thế mà bây giờ các ông thấy thằng đế quốc Pháp đã sụp đổ rồi. Thằng Nhật chưa đánh đến mà giám binh Bắc Cạn Đờ-pông-tích và tây đốn Chợ Rã Đờ-đông đã đem cả vợ con và lính tráng chạy trốn mất. Việt Minh đã đoán trước tình hình đó. Sau khi quân phiệt Nhật chiếm Đông Dương và thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật, bọn Nhật - Pháp như hai con hổ sống chung một chuồng sớm muộn sẽ có ngày chúng cắn xé nhau để độc chiếm miếng mồi. Lúc đó là thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy. Không ngờ thằng Pháp thua trận nhanh như vậy? Hiện nay, cái trục Đức – Ý - Nhật đang tan vỡ. Mút-xô-li-ni đã bị nhân dân Ý treo cổ. Hít-le cũng đang giẫy chết. Hồng quân Liên Xô đang tiến sâu vào nước Đức nhằm tiêu diệt Hít-le ở thủ đô Béc-lin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức. Bọn quân phiệt Nhật đang bị sa lầy ở Trung Quốc. Quân Anh tiến công vào Miến Điện, còn quân Mỹ đã đánh thẳng vào nước Nhật. Vì vậy Nhật đã đảo chính Pháp để được rảnh tay đối phó. Nhưng rồi số phận của nó cũng giống như thực dân Pháp thôi. Còn nếu nó mò đến Chợ Rã ta thì sẽ đánh thôi".

        Tôi nói đến đây thì có người ngắt lời tôi xin phép hỏi:

        - Có điều này chúng tôi chưa hiểu, xin ông Mai Trung Lâm giải thích cho. Nhật có máy bay, tàu bò và đại bác. Chúng ta lấy gì mà chống lại?

        Đây là một câu hỏi thật tâm. Nhiều anh em trong đội vũ trang chúng tôi, lúc mới được tuyên truyền cách mạng, thường cũng có suy nghĩ băn khoăn như vậy. Tôi liền đem những điều dạy về cách đánh du kích của Quân giải phóng Trung Quốc, của du kích Nam Tư và của Hồng quân Liên Xô nói tóm tắt cho họ nghe. Rồi tôi kết luận tứ đại cường quốc Đồng Minh là Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc cùng hợp sức đánh Nhật thì chắc chắn Nhật phải thua thôi. Một khi quân Đồng Minh tiến công Nhật ở Đông Dương thì đó là thời cơ tốt nhất cho ta tổng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Nhật. 

        Lại có người hỏi:

        - Vậy cuộc kháng Nhật sẽ kéo dài đến bao giờ?

        Tôi đáp:

        - Mặt trận Việt Minh quyết tâm lãnh đạo nhân dân phối hợp với quân Đồng Minh chống Nhật cho tới khi nào giành được độc lập hoàn toàn. Cuộc kháng Nhật của dân tộc ta dài hay ngắn trước hết và chủ yếu là do sự cố gắng của toàn dân ta quyết định, không được ỷ lại, trông chờ quân Đồng Minh. Dân Việt Nam ta không còn con đường nào khác ngoài con đường chống Nhật đến cùng, phải không các vị?

        Họ đều nhất trí. Các nhà chức dịch châu Chợ Rã đều là những người ít nhiều có học. Tôi hỏi họ:

        - Vì sao thằng tây cai trị nước ta được non thế kỷ nay?

        Một người nói:

        - Tại người mình không biết đoàn kết, không biết cách đấu tranh, lại bị nó chia rẽ, mua chuộc; có nhiều người vì sinh kế phải đi làm cho nó, nhưng cũng có những người cam tâm làm tay sai cho nó.

        Một người khác nói:

        - Tại cái triều đình Huế khiếp nhược đầu hàng giặc để giữ lấy ngai vàng. Vì thế mà cả dân tộc ta bị lâm vào cuộc sống nô lệ, lầm than, tủi nhục.

        Thấy họ đã đề cập đến lịch sử nhưng trả lời chưa trúng câu hỏi của tôi, tôi nói:

        - Các ông đều hiểu dân tộc ta vì sao mất nước, nhưng chưa cắt nghĩa được tại sao dân ta lại cứ bị làm nô lệ mãi thế này? Theo tôi, kể từ khi Pháp cướp nước ta, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa chống Pháp nhưng tất cả đều bị dìm trong bể máu. Các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học sở dĩ đều bị thất bại chính là vì không có đường lối đúng đắn. Ngày nay, nhân dân ta đã có cụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam ta, có một đường lối cách mạng đúng đắn và Mặt trận Việt Minh hùng mạnh. Thực dân Pháp đã bị sụp đổ. Nhất định nhân dân ta sẽ đánh bại bọn quân phiệt Nhật Bản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là ủng hộ bộ đội cách mạng, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết toàn dân, kiên quyết chiến đấu giành độc lập hoàn toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:29:32 pm »


        Nói đến đấy, tôi dừng lại một lát đưa mắt nhìn mọi người. Ai nấy đều gật đầu đồng tình. Tôi nói tiếp:

        - Ngày trước cả tỉnh Bắc Cạn này có bao nhiêu thằng tây? Chúng không đến chục thằng. Cả tỉnh Bắc Cạn ta có hơn sáu vạn dân. Vậy mà phải cúi đầu làm nô lệ cho chúng? Chính là vì các dân tộc chưa biết đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung. Thực dân Pháp đã chết rồi! Lẽ nào ngày nay chúng ta còn cam chịu tiếp tục làm nô lệ cho Nhật? Nếu toàn dân ta quyết tâm chiến đấu thì nhất định dân ta sẽ làm chủ nước ta

        Họ ngồi lặng đi như đang suy nghĩ về những điều tôi vừa trình bày. Bỗng có người lên tiếng:

        - Ông đại diện Việt Minh dạy rất chí lý! Rất là hoan nghênh! Chúng tôi đi làm cho Pháp, tuy có được học hành đôi chút nhưng cũng không hiểu; nghe ông nói, xin ghi lòng tạc dạ!

        Tôi nói thêm:

        - Các ông chưa hiểu cũng đúng thôi bởi vì đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo, nhân dân mất chủ quyền, thậm chí cả vua cũng chỉ là bù nhìn; giặc lại thực hành chính sách ngu dân và chia rẽ các dân tộc. Nay ta đã rõ rồi, quyết không cam chịu làm nô lệ cho giặc Nhật!

        - Đúng thế! Đúng thế! - họ đồng thanh lên tiếng.

        Lúc đó đã quá nửa đêm. Lục Đóa và chánh Vũ mời tôi và anh Sắt sang nhà lục Đóa ngủ. Nhà viên lục sự này ở ngay bên phải ngôi nhà tri châu Đồng Phúc Quận dùng làm công đường. Trong lúc vừa ăn vừa nói chuyện, tôi đã chú ý đến viên lục sự này; anh ta là người có những câu hỏi sắc nhất. Sau này tôi mới biết lục Đóa là người có học nhất trong mấy viên chức dịch. Anh ta đã đỗ đíp-lôm và cùng cả gia đình ở dưới xuôi lên Chợ Rã sinh sống và hoạt động cách mạng trong lòng địch. Anh chủ động gặp tôi trình bày quá trình tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương anh và được tôi tin cậy cử đi họp hội nghị công chức ở thị xã Bắc Cạn. Anh còn cung cấp cho tôi nhiều tin về quân Nhật khi chúng kéo vào châu lỵ Chợ Rã. Về sau, anh tham gia bộ đội làm nhân viên cơ quan giao tế của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh rồi chuyển làm phiên dịch cho ta cùng với mấy đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Pháp sang phối hợp với ta làm công tác vận động binh lính Âu - Phi. Khi nghỉ hưu, anh mang quân hàm đại uý.

        Nhà lục Đóa có người bố là ông đồ nho. Khi tôi và anh Sắt vào nhà, ông cụ vẫn còn thức. Lục Đóa giới thiệu chúng tôi với ông cụ. Ông cụ chắp tay vái tôi. Tôi vội vàng đáp lễ chắp tay vái lại và nói:

        - Chết, cụ đừng làm thế! Tôi chỉ đáng tuổi con cháu cụ thôi.

        Ông cụ nói:

        - Hai ông là người cách mạng, hy sinh vì dân vì nước. Tôi rất khâm phục, khâm phục.

        Tôi cúi đầu đáp lại:

        - Không dám! Không dám!

        Lục Đóa mời anh Sắt vào đi tắm còn lại tôi ngồi với cụ. Cụ tự tay pha trà, rồi vừa uống nước vừa đàm đạo. Cụ nói:

        - Trước đây, tôi có đọc Tân Thư. Người xưa có dạy "Ngã quốc như thuỳ nhân" (Nước ta như người ngủ.) và cũng hiểu "Quốc sỉ ngã thân sỉ" (Nước nhục thân ta nhục. )tôi cũng có hiểu tình thế nhưng không biết làm gì được.

        Ông cụ nói chậm rãi và chăm chú nhìn tôi như thể muốn biết thái độ của tôi. Cảm động trước những lời lẽ chân thành của cụ, tôi liền nói:

        - Thưa cụ, cháu và đồng chí cùng đi với cháu là kẻ hậu sinh; chúng cháu may mắn được Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu dạy dỗ. Nay hiểu thế  nào, xin cụ cho phép cháu được trình bày như thế, có điều gì không đúng xin cụ chỉ giáo cho.

        Ông cụ đáp:

        - Không dám? Tôi có được nghe đồn về cụ Nguyễn Ái Quốc, lòng già kính phục lắm. Xin mời ông đại diện Việt Minh cứ cho nghe.

        - Thưa cụ! Tôi từ tốn nói - dân tộc ta không thiếu gì các sĩ phu ái quốc. Kể từ khi giặc Pháp xâm lược đất nước ta đến nay, biết bao văn thân, sĩ phu yêu nước, biết bao anh hùng, nghĩa sĩ nổi dậy chống giặc, cứu nước, nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Đó chỉ là vì không có đường lối cứu nước đúng đắn và không đoàn kết rộng rãi được toàn dân. Ngày nay, dân tộc ta đã có Mặt trận Việt Minh, có cụ Nguyễn Ái Quốc dẫn đường chỉ lối, nếu dân ta biết đoàn kết yêu thương nhau và quyết tâm tranh đấu thì chắc chắn sẽ đánh thắng được giặc Nhật, giành lại được độc lập tự do.

        Ông cụ đồ gật gù:

        - Phúc nhà đã đến!

        Cuộc nói chuyện đến đó thì anh lục Đóa vào mời tôi đi tắm, rồi còn ngủ để ngày mai lấy sức hoạt động. Vợ anh đã đun nước nóng và đưa quần áo của chồng cho tôi thay. Bà là một phụ nữ đẹp, sắc sảo và lanh lợi, trẻ hơn chồng mấy tuổi. Sau này, khi cả gia đình đã theo Việt Minh, bà mới thân tình nói chuyện với tôi:

        - Thật tôi không ngờ những người cách mạng các anh rất giỏi giang và thật tình cảm! Nghe đế quốc nói những người Cộng sản thì hung dữ và xấu xí lắm, nhưng khi gặp thì thấy khác hẳn. Ông cụ nhà tôi rất phục và quý các anh. Chồng tôi cũng vậy. Thế là cả nhà tôi cùng đi theo Việt Minh ...

        Rồi bà ta vừa cười vừa nói:

        - Ôi chao! Còn hai cái bộ quần áo của các anh hôm ấy sao mà lắm rận thế! Tôi luộc quần áo, chúng chết nổi lên bám vào thành chậu như kiến!

        Nói rồi, bà ta cười rộ lên. Tôi cũng cười theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:30:28 pm »


        Tuyên truyền vận động quần chúng ở Châu Chợ Rã

        Sau khi thu xếp xong việc cho binh lính về quê hương họ, tôi và anh Thanh Phong bàn với nhau kế hoạch công tác quần chúng trong châu. Anh Thanh Phong và ba anh em trong đội ở lại châu lỵ thường trực, có trách nhiệm chỉ đạo công việc hàng ngày còn tôi thì đi làm công tác quần chúng do biết nhiều tiếng của các dân tộc.

        Châu Chợ Rã gồm nhiều dân tộc Tày, Dao, Nùng, Mông, Ngái và Hoa. Tôi chọn tổng Phủ Thông làm điểm vì đã gặp được hai quần chúng tốt ở tổng đó lên Chợ Rã và hiểu được tình hình tổng này qua cán bộ đi điều tra. Đơn vị đi với tôi tiếng gọi là trung đội nhưng có đến năm chục người, không kể anh Thanh Phong và ba đồng chí ở lại châu lỵ. Tôi chia đơn vị làm nhiều tổ nhỏ, mỗi tổ độ bốn hoặc năm người. Tổ hoạt động vùng dân tộc nào thì có chiến sĩ người dân tộc đó hoặc biết tiếng dân tộc đó. Tôi đi cùng với một tổ để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

        Có thể nói mấy ngày đầu tiên anh em chúng tôi gặp không ít khó khăn trong công tác dân vận. Vùng này hồi đó chưa có cơ sở của ta. Trước đây có đồng chí Nguyễn Đức Xuân đến gây cơ sở, nhưng đã bị bọn phản động tay sai Pháp bắt và chặt đầu ngay ở Phủ Thông. Nhân dân ở đây bị địch khống chế và tuyên truyền đầu độc lâu ngày nên còn lạc hậu lắm. Họ chịu những ảnh hưởng độc hại đó không ít, nào Việt Minh cộng sản đi đến đâu cũng cướp bóc của dân, hãm hiếp phụ nữ, giết người không ghê tay, nào Cộng sản vô thần, vô Tổ quốc, vô gia đình, cộng vợ, cộng chồng... Bởi vậy, nhân dân sợ và xa lánh cách mạng.

        Có những chuyện mà bây giờ tôi kể lại chắc những lớp người sinh sau Cách mạng tháng Tám chẳng mấy ai tin. Nhưng quả đó là những chuyện có thực ở vùng Phủ Thông này cách đây trên bốn chục năm. Khi bộ đội ta đến, nhiều phụ nữ chưa có chồng vì sợ cộng vợ, cộng chồng mà hoang mang đến mức vội vàng đi lấy chồng, tổ chức đám cưới ban đêm hoặc chịu cưới làm vợ lẽ. Lễ cưới chỉ một con gà cúng tổ tiên là nên vợ nên chồng. Nam giới không cần phải mất hàng tạ thịt lợn, hàng tạ gạo và hàng chục coong (Vò đựng rượu khoảng 20 lít.) rượu như trước. Thế nhưng khi đơn vị chúng tôi đến hoạt động chỉ ít ngày nhân dân dần dần hiểu bộ đội hơn. Họ nhận rõ bộ đội ta khác hẳn bọn lính dõng, lính khố xanh, khố đỏ của tây. Bộ đội Việt Minh kỷ luật rất nghiêm, kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ, không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, đi rừng lấy củi giúp dân, giúp dân làm vệ sinh thôn xóm... Vì thế, thái độ của dân thay đổi rõ rệt, từ sợ sệt, xa lánh đến gần gũi, cởi mở thân thiết coi bộ đội như anh em, con cháu trong nhà.

        Công tác dân vận của bộ đội đã có sức mạnh đập tan những luận điệu xuyên tạc, dối trá, lừa bịp của địch về Việt Minh, về bộ đội Việt Minh. Bà con dân bản đều cho rằng: "Thì ra thằng tây, thằng Nhật đều nói láo cả”

        Sau khi giác ngộ quần chúng để họ có nhận thức đúng về Việt Minh, về bộ đội cách mạng, chúng tôi mới tiến hành tổ chức các hội cứu quốc từ xã đến tổng và cử ông Hoàng Văn Chung - cựu chánh tổng, một người có uy tín trong dân làm Chủ tịch Uỷ ban Việt Minh tổng Phủ Thông.

        Về sau, có thể nói những ngày đi vận động quần chúng ở các tổng, xã khác chẳng những là ngày hội của nhân dân mà của cả chúng tôi. Nhân dân tìm đến, đón chúng tôi về tổ chức các hội cứu quốc ở xã họ. Đồng bào mổ lợn ăn mừng. Chúng tôi can ngăn, nhưng đồng bào không nghe. Có người nói:

        - Không có gì sung sướng bằng hôm nay, dân ta làm chủ nước ta. Bộ đội phải cùng chúng tôi ăn mừng.

        Chính sách dân tộc là vấn đề quan trọng bậc nhất trong việc vận động nhân dân miền núi. Đội chúng tôi có thuận lợi rất lớn là có người của nhiều dân tộc tham gia. Ở các xã, dân tộc nào cũng thấy có người của dân tộc mình trong đội nên đồng bào các dân tộc đều tin.

        Thêm nữa, đồng bào các dân tộc thấy bộ đội Việt Minh có nhiều vũ khí thì rất tin tưởng. Nắm được tâm lý ấy, chúng tôi tìm lời lẽ dễ hiểu để nói cho đồng bào nhận rõ sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc là quan trọng nhất còn sức mạnh của vũ khí tuy cũng rất quan trọng song chỉ là sức mạnh hỗ trợ. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:30:47 pm »


        Để thực hiện chính sách đoàn kết các dân tộc, chúng tôi tìm hiểu và tìm mọi biện pháp hòa giải những hiềm khích giữa các dân tộc vốn rất sâu sắc do bọn đế quốc, phong kiến gây ra từ bao đời nay. Các tầng lớp trên ở miền núi thường có vai trò quan trọng đối với dân. Chúng tôi vận động được một số chức dịch châu, tổng như các ông chánh Vũ, lục Đóa, giáo Hoàng, châu đoàn Đạt, lý Quốc, lý Bèn đi cùng với các tổ và nói chuyện với dân. Những người này cũng thành thật nói lên được tâm tư tình cảm của họ. Vì miếng cơm manh áo, họ làm cho đế quốc, bị chúng sử dụng làm tay sai chia rẽ các dân tộc nên ít nhiều có tội với dân. Họ xin đồng bào thông cảm bỏ qua cho. Họ cũng giãi bày được cái nhục của họ, có người bị đế quốc nhục mạ, đánh đập vì không thu đủ thuế, bắt đủ lính cho chúng. Nay họ đã đi theo Việt Minh và kêu gọi đồng bào cùng với họ vào các hội cứu quốc của Việt Minh để đánh Nhật, cứu nước. Sự tham gia công tác tuyên truyền của những chức dịch ấy cũng có tác dụng nhất định trong dân chúng và có ảnh hưởng tích cực đối với tầng lớp trên.

        Trong công tác tranh thủ tầng lớp trên, tôi còn nhớ chuyện tri phủ Phùng về quê hương. Chủ trương đó đã có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trên ở Chợ Rã. Hồi đó, các anh ở Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng có biên thư xuống hỏi tôi có thể cho tri phủ Hoàng Văn Phùng về Chợ Rã quê hương Phùng được không? Việc cựu tri châu bỏ quân theo Nhật bị ta xử bắn đã làm cho những người thuộc tầng lớp trên ở vùng này hoang mang. Được Liên tỉnh ủy hỏi ý kiến, tôi đồng ý ngay. Việc cho tri phủ Hoàng Văn Phùng về quê hương sinh sống là một bằng chứng về chính sách nhân đạo của Việt Minh làm cho tầng lớp trên hiểu đúng và tin tưởng Việt Minh hơn. Bởi thế, tôi đề nghị cho tri phủ Phùng về ngay. Sau đó, tôi liền đến ngay nhà ông bố của Phùng là cụ phán Thống. Khi đến châu lỵ Chợ Rã này, tôi đã đến nhà ông cụ này một vài lần. Nhà làm ở cánh đồng gần núi Hoa Sơn. Tôi có nghe cơ sở báo cáo ông cụ là người tốt hiền lành, được mọi người mến, nhưng không ai biết ông cụ có con làm quan ở xa. Khi tôi đến lần đầu, cụ chắp tay cúi đầu lạy. Tôi vội đỡ cụ và nói:

        - Ấy chết! Xin cụ đừng làm thế. Tuổi tôi như con cháu cụ thôi.

        Ông cụ có vẻ cảm động xua tay nói:

        - Tôi không dám!

        Cụ mời tôi ngồi, tự tay pha trà, rồi cùng tôi uống nước, trò chuyện. Hôm ấy, cụ cũng không đả động gì đến chuyện có con đi làm quan. Lần này, tôi đến nhà và nói với cụ Thống ngay:

        - Cụ có muốn con trai cụ là phủ Phùng về nhà ở với cụ không?

        Ông cụ đứng dậy, người run bắn, nét mặt tái hẳn đi chắp tay vái tôi, giọng run run:

        - Nó sống hay chết thì do ông.

        Tôi liền bảo:

        - Sống thôi!

        Cả gia đình vợ con phủ Phùng cùng về. ông cụ lặng người đi, đưa mắt nhìn tôi, vẻ nửa tin, nửa ngờ:

        - Có thật thế không ông?

        Tôi an ủi cụ:

        - Cháu nói thật đấy, cụ ạ! Người cách mạng không lừa dối cụ đâu. Cụ cứ yên tâm. Nay mai cả gia đình phủ Phùng sẽ về.

        Tôi nói rồi chào cụ ra về. Ông cụ tiễn tôi ra tận cổng. Một tuần sau, phủ Phùng và gia đình được đưa về tận nhà. Phủ Phùng có ngựa cưỡi, có người mang giúp đồ đạc. Dân cả bản đổ ra xem. Người nhà phủ Phùng reo lên:

        - Đúng anh Phùng về rồi! Anh Phùng nhà ta được về rồi!

        Họ ùa ra đón. Đứa con trai của phủ Phùng độ bảy, tám tuổi tung tăng chạy trước vào nhà. Cô em út phủ Phùng thấy cháu la lên:

        - Ôi trời! Con anh Phùng đây rồi!

        Cô chạy ra bế xốc thằng bé lên hôn lấy hôn để. Cụ Thống ở trong nhà bước ra sân đứng nhìn. Phủ Phùng xuống ngựa, vội vàng đi vào trong sân đến trước bố chắp tay vái. Ông cụ ôm lấy con. Cái cảnh xúc động này tôi được cán bộ cơ sở phản ảnh cho biết. Về sau, chính cụ Thống đã nói với tôi:

        - Lúc ấy, ông nói cho con tôi về, tôi bàng hoàng cả người, nhưng vẫn nửa tin nửa ngờ. Sau thấy con tôi và vợ nó về thật, tôi như người chết sống lại.

        Việc Việt Minh cho phủ Phùng và vợ con về quê hương sinh sống làm chấn động dư luận nhân dân cả vùng này.

        Chính sách khoan dung của cách mạng đã cảm hóa được phủ Phùng. Ông ta đi đâu không những ca ngợi Việt Minh quang minh chính đại mà còn giải thích cho bà con họ hàng và nhân dân việc cách mạng phải xử tử tri châu Chợ Rã là do y không nghe lời khuyên của Việt Minh, lại dại dột nghe lời tuần phủ trốn theo Nhật.

        Về phần họ hàng của tên tri châu Chợ Rã, hầu hết đã đi theo Việt Minh. Họ tiếc y đã không nghe lời khuyên của họ hàng, không làm theo lệnh của Việt Minh mà lại nghe lời tên tuần phủ trốn đi theo Nhật khiến họ hàng phải xấu hổ với dân bản. Gia đình tri châu cũng được cán bộ giải thích cặn kẽ tội trạng của y. Về sau, vợ con y cũng được đoàn thể chú ý giúp đỡ, tạo điều kiện cho tham gia công việc ở địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 10:33:29 pm »


ĐỆ NHỊ TRUNG ĐỘI CỨU QUỐC QUÂN NHẬT KÝ

Đào Văn Trường         

        Dưới đây là toàn văn tiểu sử trung đội Cứu quốc quân II và một đoạn trích Nhật ký của đồng chí Đào Văn Trường nói về việc tiễu trừ bọn mật thám phản động -  Tư liệu lưu trữ tại BTQĐ-01 22-3-3407.

        Năm 1938, phong trào Cách mạng bắt đầu nhóm ở vùng Bắc Sơn và Võ Nhai, gồm có các dân tộc thiểu số Kinh, Tày, Nùng, Dao (M.T.D.C).

        27 tháng 5 ta năm 1939, Đảng ta lãnh đạo quần chúng tranh đấu kháng phu đắp đường Bắc Sơn, gồm có hơn 30 người đại biểu của dân chúng tổng Bản Thượng châu Võ Nhai.

        Tháng 8 ta, năm 1939, Đảng ta lại lãnh đạo quần chúng hơn 40 người đại biểu dân chúng tổng ấy kháng phu (Kháng phu là chống bắt phu (lao động đắp đường).) một lần thứ hai nữa.

        12 tháng 7 ta, giữa lúc Nhật uy hiếp "Đông Dương" (Đông Dương gồm 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Miên.), ném bom Thất Khê, Đảng ta lại lãnh đạo quần chúng tranh đấu kháng thuế gồm có 12 người đại biểu của toàn thể dân chúng Tràng Xá.   

        29 tháng 8 ta, tuy Pháp đã đầu hàng, nhưng Nhật chưa thoả mãn, cánh quân từ Nam Ninh vượt Nam Quan uy hiếp Lạng Sơn, dân chúng Bắc Sơn tự động hiệp lực với lính khố đỏ, lính dõng, tổng xã đoàn, nổi lên tiêu diệt giặc Pháp, mở đầu cuộc võ trang khởi nghĩa giải phóng dân tộc.

        Mồng 4 tháng 10 năm 1940, Pháp hàng Nhật, quay lại tiêu diệt Phục quốc quân của bọn phản quốc thân Nhật là Cường Để, đồng thời chúng đại khủng bố, đốt phá, bắn giết dân chúng Bắc Sơn, Vũ Lăng và Quảng Vũ, một lần nữa, tinh thần chiến đấu của dân chúng dưới quyền lãnh đạo của Đảng ta lại sôi nổi. Một số dân chúng khá đông (trước viết: độ 20 người) bắt sinh hoạt du kích, được dân chúng ủng hộ và thi hành chính sách tiễu trừ phản động.

        Đến 6 tháng 4 ta (21-5-41), Đệ nhất trung đội Cứu quốc quân thành lập, tiếp tục tiễu trừ phản động.

        Tháng 6 ta, Đệ nhất trung đội phân tán, phát triển lên miền biên giới. Một bộ phận ở lại bị bao vây ở dãy núi Lam Lấu (?) rút xuống Võ Nhai. Ròng rã hơn ba tháng trời, một mặt được dân chúng nhiệt liệt ủng hộ, bộ đội sinh hoạt du kích một cách khó khăn trong núi vẫn tiếp tục tiễu trừ phản động. Đế quốc tập trung lực lượng bao vây.

        Ngày 23 tháng 7 ta (19-8-41), Đệ nhị trung đội tuyên bố thành lập gồm có hơn 40 người, có đồng chí TW của Đảng ta dự lễ. Từ ngày ấy, Cứu quốc quân sinh hoạt đều đặn, học tập quân sự, chính trị và chiến đấu tiễu trừ phản động có nhiều thành tích oanh liệt.

        Không tiêu diệt nổi Cứu quốc quân, đế quốc gia tăng khủng bố trắng, đốt nhà, giết người, cướp của, dồn dân chúng ở tập trung như trại giam, thu vét lương thực, thi hành chính sách phong toả kinh tế và mua chuộc bọn chó săn chim mồi dẫn đường tiêu diệt Cứu quốc quân.

        Trong vòng vây của đế quốc, Cứu quốc quân không nao núng, chiến đấu rất oanh liệt, nhiều trận tiễu trừ mật thám phản quốc làm địch quân phải thán phục.

        Trong một cuộc gặp gỡ, đội viên C (Lữ) chẳng may bị hy sinh, để lại cho Cứu quốc quân một cái tang đau đớn. Hiện người anh hùng Cứu quốc quân ấy còn 2 người con vẫn hăng hái tham gia chiến đấu trong bộ đội.

        Viết ngày 29 tháng 9 ta.

        Cơ quan C (Lữ)

        27-9 ta (15-10-41), nhận được tin đội viên C (Lữ) bị tử trận. Tôi cải tổ lại trung đội gồm có 1 bán đội và 4 công tác chính trị đội. Làm lễ tuyên thệ.

        Cảm tưởng: Hơi buồn về tin trên. Bắt đầu được tín nhiệm hoàn toàn. Tin tưởng hơn lúc nào hết ở tự do. Lại thấy tinh thần chiến đấu và chịu khó. Yên lòng vì thấy chóng quen với đời sống du kích.

        28-9 ta (15-10-41) - Suốt ngày có tiếng súng hình như đại bác vọng từ phía Đông Nam, miền Phú Bình, Bắc Giang (không sao điều tra được).

        Tôi thuyên chuyển cơ quan sang cơ quan C. Nghị quyết tiến công tiễu trừ, cảnh cáo, thuyết phục.

        Cảm tưởng! Luồn rừng vất vả thực, nhưng không thấy anh em (mất hai chữ).

        29-9 ta - Suốt ngày tổ chức cơ quan.

        Làm lễ truy điệu đồng chí C (Lữ) dưới cờ và trước ngọn lửa đầu tiên sinh hoạt, nhiều người cảm động rơi nước mắt.

        Lúc ăn cơm có mặc niệm một phút và chia buồn cùng anh Long và ông cụ Co.

        12 giờ trưa có 8 phát súng. Có lẽ công tác đội K đã gặp mật thám chăng?

        Công tác đội báo cáo lương thực: mua được 6 nồi, giữ được mắm tôm, thịt, muối, còn mua được 14 nồi nữa.

        Quần chúng lại giúp cho 6 nồi và bán cho một gánh nữa vừa 2 nồi gạo.

        Đêm đến toàn đội đã lấy lương thực. Bán đội có 7 người, nhiều đàn bà (3). Hơi lo lắng. 9 giờ công tác chiến đấu đội trở về, mang anh Phố bị đạn bắn chim 3 phát sướt qua bắp chân. Một phát qua đùi, đạn chưa ra được.

        Anh Phố rất tinh thần, bắn ngã một mật thám, lúc về bị tập kích. Súng anh không nổ, bị bắn đằng sau. Anh chân bị thương, vượt qua mấy quả gò về chỗ gặp gỡ, quyết không vứt súng đạn.

        Rửa vết thương và bó cho anh, thấy cảm động, căm hờn đế quốc quá Anh cố không rên, nhưng lúc không giữ được, thấy anh kêu đau như nhắc nhở sự sống còn quyết liệt với đế quốc.

        Suốt đêm tăng gia sự canh phòng. Thế là 8 phát đạn ban trưa đã biết rõ nguyên nhân.

        Rút kinh nghiệm thấy: khinh thường địch nhân, súng kíp tồi và 2 người đi tiễu trừ địch nhân không thành, một chiến đấu bị đánh bể.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM