Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:46:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26815 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:02:32 am »


        Tôi trả lời: được năm nam, một nữ. Trong số đó một chết, một ốm, còn ở đây có ba nữ đồng chí ở lại đơn vị. - Cậu thích khẩu súng này lắm à? Đây là khẩu súng trung liên bờ-ren, bọn mình lấy được ở Đăng Châu, bắn hay lắm! - Có nhiều đạn không? - Ối đạn, 27 băng 30 viên, thêm một túi 500 viên, đủ đánh ra trò 30 trận đấy. - Trời, mình mê quá, cứ như con ngựa chiến? - Thích thì tớ cho đấy - Tôi chưa biết bắn - Khó gì, dạy cho một tẹo là thạo ngay, trông cậu tinh nhanh đấy. Thế là chỉ một giờ sau, Việt đã truyền cho tôi cách bắn trung liên, anh lôi tôi ra ngoài ruộng, dạy đủ kiểu: nằm bắn, cắp nách bắn, nằm ngửa bắn lên ngọn lèn đá và bắn máy bay, gấp chân để súng nằm nghiêng mà bắn là là mặt đất khi địch xung phong đông; vác súng lên vai quay nòng lại phía sau bắn đoạn hậu cho đơn vị rút lui. Việt bảo tôi: Thằng lính ra trận là phải nhanh mắt nhanh tay, nhanh cả trí nữa, mà phải dè sẻn đạn, khẩu này nhấn cò một cái là đi ba viên rồi, cậu phải tập chỉ nhấn 3 đến 5 viên là cùng, mắt không rời đường ngắm, băng đạn cứ 5 viên lại có một viên xuyên, một viên vạch đường, đầu đen là xuyên, đầu đỏ là lửa, đầu xanh vạch đường. Nhìn khẩu súng của tôi, Việt hỏi: Cậu kiếm đâu được khẩu gióp 5 mới thế - Lấy trên lô cốt nhà tù đấy? Việt lại lôi tôi vào nhà, tháo tung súng ra dạy tôi tháo lắp, ba lần thì tôi thạo. Sau đó Việt lấy chiếc khăn vuông đen vẫn quàng ở cổ bịt mắt tôi lại rồi bảo tôi tháo lắp. Tôi hỏi: Cần gì phải làm thế này? - À đi đánh đêm, súng hóc, cậu thắp đèn lên để tháo súng hả? Tháo lắp súng là cốt để chữa hỏng hóc, nên phải làm được bất kỳ lúc nào, mà phải thật nhanh. Lại ba lần nữa tôi tháo lắp gọn gàng. Việt khen và cho tôi chiếc khăn vuông. Anh bảo khăn của mẹ mình gói cơm cho đi theo du kích Bắc Sơn, mình giữ nó 5 năm rồi, khi tháo súng là phải trải cái khăn ra trước mặt, trên nhà sàn thì không bị rơi, ở ngoài bãi thì đất cát không lấm, tháo bộ phận thứ nhất để ngay trước mặt rồi các bộ phận sau xếp dần sang tay phải, khi lắp lại lấy bộ phận từ tay phải lắp dồn vào, đã tháo súng ra rồi thì bom rơi đạn nổ cũng cứ cắm đầu mà làm, sơ suất một chút là mất bộ phận, hỏng toi khẩu súng, khẩu này nó bắn bằng cả trung đội bắn ấy. Đạn thì nhiều, nhưng cậu chỉ mang bốn băng, một băng ở súng, ba băng đeo túi trước ngực. Anh còn hướng dẫn cách mang băng đạn và tạm phân công ba người: Việt, tôi và Minh cùng giữ khẩu trung liên, Việt nói:

        - Ba đứa từ nay là sống chết có nhau, cậu Kỳ có sao, thì mình thay, mình có sao thì cậu giữ ngay lấy 10 băng đạn, cậu Minh cầm khẩu gióp, cậu Minh có sao thì mình mang luôn cả đạn.

        Chập tối hôm đó chúng tôi được lệnh di chiến đấu, đánh giải vây cho trung dội đồng chí Thơ. Tập hợp xong, bỗng đồng chí Khang đến và hỏi tôi: Đồng chí bắn súng máy đã lâu chưa? - Dạ, mới thôi ạ, trước tôi bắn mút - Được tôi ra cho đồng chí một bài tập: trước chúng ta ước 80 mét là một đoạn đường cong về tay trái, địch đang từ phía đó đi tới, đồng chí đặt súng đánh chặn? Tôi liếc sang phải, qua thửa ruộng nhỏ, là một mương nước, đầu bờ trái mương có cái ụ mồi, cây lúp xúp. Tôi xách súng hô nhỏ: Tổ súng máy theo tôi! Liền đó, tôi băng qua thửa ruộng phải vào mương nước. Mương chỉ sâu đến thắt lưng, tôi cúi xuống chạy đến sau ụ mối, giá súng xong có thể bắn dọc con đường hàng trăm mét cả dưới ruộng lẫn trên sườn đồi. - Chỗ này bố trí đẹp quá, Việt thì thào. Đúng sách đấy cậu ạ! Đồng chí Khang đến cạnh tôi nằm xuống ngắm thử và nói: Được! Súng máy về chỗ. Tôi đứng dậy hô nhỏ: Tổ súng máy theo tôi. Đồng chí Khang xem tổ súng máy bố trí chiến đấu tốt; đồng chí hỏi tôi quen khẩu súng này chưa? Việt nói luôn: - Báo cáo khá lắm ạ, bịt mắt tháo súng nhanh gọn rồi. Đồng chí Khang lại nói: Thế là tốt, người chiến sĩ phải sử dụng thành thạo vũ khí của mình.

        Đêm hành quân đầu tiên của trung đội Học sinh quân là đêm trăng rất sáng. Tôi đi cuối hàng quân. Trước tôi là những bóng người và nòng súng nhấp nhô, có đôi tiếng lưỡi lê đập vào đùi lách cách. Khi trăng lên giữa đỉnh đầu, đơn vị dừng lại. Đồng chí Khang dẫn tổ súng máy đến một ụ đất nhỏ và nói: phía cổng trước mặt ta là con đường vào làng, cây đa to kia chính là cạnh cổng làng, từ cây đa men về phía tay phải ta là luỹ tre cách chúng ta khoảng 120 đến 150 mét. Trung đội đồng chí Thơ bị vây trong làng đó. Quân Nhật có thể ở ngay cổng làng và dọc theo luỹ tre. Súng máy của đồng chí bắn địch từ gốc đa đến bụi tre phía tay phải có 3 ngọn tre cao, bắn theo chớp lửa đầu nòng súng giặc. Chỉ xong mục tiêu, đồng chí lệnh cho chúng tôi chuẩn bị đánh địch. Việt rất tinh mắt, chỉ một chút sau khi đặt súng, Việt đến nằm cạnh tôi; nói: trước mặt độ 30 mét có cái cầu chỉ có hai cây gỗ, tốt nhất là nhảy qua, dưới gốc đa có cái quán nhỏ, cánh cổng làng bằng tre, bờ luỹ tre, ngoài luỹ có một con đường nhỏ. Từ cổng làng có hai bóng người đi ra, tôi rê nòng súng theo, một người lớn còn một người nhỏ, có lẽ trẻ con. Có tiếng của đồng chí Khang: súng máy chờ lệnh, có thể là liên lạc của ta. Quả đúng vậy, một cụ già và một chú bé, hỏi tìm đồng chí Khang. Qua cụ già và em bé, chúng tôi biết trong làng không có người, hôm qua Nhật đến, không có đánh nhau và đã rút. Sau khi trung đội phó và hai chiến sĩ vào kiểm tra, trung đội đi sang hướng khác, bố trí chiến đấu, đến sáng lại rút đi. Đêm hôm sau chúng tôi lại đi phục kích, bố trí xong thì trời lất phất mưa. Chỉ nhoáng một cái Việt đã lôl về hai tàu lá cọ một tàu cắm như cái lọng che súng, một tàu cho tôi Minh lấy một lá khoai môn to che cho túi đạn. Việt nói đùa: chỉ cốt che cho súng, đạn và cậu Kỳ, mưa gió là dễ ốm lắm, cả ba cùng cười rúc rích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:03:00 am »


        Mấy hôm sau, trung đội Học sinh quân của chúng tôi được cấp trên rút bớt một tiểu đội nam, bổ sung một tiểu đội nữ. Đồng chí Trung Lương được cử làm trung đội trưởng. Nhiệm vụ mới của trung đội là làm công tác vũ trang, củng cố căn cứ địa. Hàng ngày một ông Việt Minh tổng dẫn chúng tôi đến một làng, nếu làng đó đã bị Nhật tràn qua, chúng tôi tổ chức thăm hỏi dân và nghe dân kể chuyện, rồi tổ chức lại các đoàn thể, nhất là thanh niên, phụ nữ và đội vũ trang, xem và bố trí lại việc canh gác, rút kinh nghiệm. động viên nhân dân yên tâm sản xuất và sẵn sàng đánh giặc giữ làng. Cũng có làng chưa có Việt Minh, phải tổ chức mới. Để tìm được người tin cẩn chúng tôi phải dựa vào dân, đặc biệt là lớp người có tuổi. Qua những người này, chúng tôi tìm ra các bác trung niên có tín nhiệm với dân, có khả năng công tác, rồi từ đó lập ra ban Việt Minh xã và các đoàn thể.

        Tiểu đội nữ là một thế mạnh đặc biệt của trung đội tôi. Các chị hát hay, đến đâu muốn tập họp dân, chỉ cần các chị "đồng ca" vài bài là đến các cụ già ốm cũng phải dậy, chỉ có hai cái khổ, mỗi khi các chị ra suối tắm, chúng tôi phải cho ba cậu gác, hai cậu hai đầu đường, một cậu bên kia bờ suối, được cái anh em rất quý mến các chị, lại kỷ luật và trung thực, nên không ai rời vọng gác. Khi có tin giặc đến, lại phải có một tổ đưa các chị rút lên rừng. Không phải các chị ngại chiến đấu, mà vì các chị mỗi người chỉ có một khẩu súng ngắn đủ loại! Brao-ning, sanh-tê-chiên, cầu khúc (Loại súng ngắn tự chế của Trung Quốc lúc đó, theo kiểu brao-ning, băng đạn 9 viên, bắn hay hóc), poọc thùng (Loại mô-de của Đức có băng đạn tới 30 viên, bao súng bằng gỗ, lắp vào thành báng. Súng bắn như tiểu liên), hơn nữa mỗi khẩu chỉ có 4 đến 5 viên đạn mà chưa chắc gì đã nổ. Cứ thế, chúng tôi đi củng cố khắp vùng Điềm Mặc, Định Biên Thượng, ra tận Quán Vuông, cũng vài lần có báo động, chúng tôi dàn quân chờ, nhưng quân Nhật lại không đến.

        Một buổi tối có một bác trung niên cầm cây đàn tính tìm gặp chúng tôi. Bác nói mới làm được bài hát, đến hát để Giải phóng nghe, nếu được thì bác sẽ đi hát cho dân nghe. Bài hát khá dài, tôi chỉ còn nhớ mấy câu cuối:

                                  Du kích đánh cả đêm ngày
                                  Quân Nhật đến lúc này càng cuống
                                  Quân Nga lại nhảy xuống như bi (Ý nói quân Nga nhảy dù xuống nhiều như vải bi)
                                  Quân Nhật không biết đi đằng nào
                                  Giải phóng liền ào ào bắn cho.
                                  Rồi về lấy ô tô đi chở.
                                  Đem quân Nhật đi đổ xuống sông
                                  Cách mạng đã thành công vạn tuế... Ới a! Ới a!


        Lời ca tuy ngây thơ mà chân thật, tiếng đàn và giọng hát của bác thật mê say và cuốn hút. Chúng tôi hoan hô nhiệt liệt.

        Bác cầm đàn đứng dậy: Cảm ơn, cảm ơn và hoan hô Giải phóng, một đời lầm than, bây giờ mới được làm Việt Minh, mình sẽ đi khắp nơi hát cho dân nghe mà đi theo cách mạng; hoan hô, cảm ơn!

        Chúng tôi hoan hô bác lần nữa. Quả thật giọng hát và tiếng đàn, bài ca này đến đâu mà chẳng làm say đắm lòng người.

        Ngày chờ đợi đã đến, chúng tôi được lệnh cấp tốc hành quân về trường, ai cũng vui, sẽ được về trường học. Không biết trường ốc sẽ như thế nào, nhưng ai cũng thấy tiếc, tiếc những buổi họp với dân, những lần có tin Nhật đến, nhanh chóng triển khai đón địch, tiếc những buổi họp với các đội vũ trang thanh niên nam nữ, nói chuyện rồi ca hát. Hành quân cấp tốc, nhưng cũng phải đến ngày thứ ba, mặt trời vừa đứng bóng chúng tôi mới tới một con đường rẽ xuống một dòng suối, cứ thế theo suối mà đi. Hai bên là rừng vầu rừng nứa, rừng chuối, cây đao. Leo qua mấy cái dốc chúng tôi đi vào một triền suối bằng phẳng, rộng thoáng hơn, rẽ lên một con đường nhỏ mới làm đất vàng sáng óng ánh. Vừa đi vào một khúc quanh mỏm núi, trước mắt chúng tôi bỗng hiện ra đột ngột một cổng chào ba cửa kết bằng lá đao xanh trắng. Trên bốn cột cổng là bốn bi hoa chuối đỏ tươi. Treo ngang cổng là băng chữ cắt to và đẹp "Hoan nghênh các đồng chí Học sinh quân". Tôi bỗng sừng lại trong người có một cái gì khó tả rất xúc động, rất tự hào, vui mừng và vô cùng tin tưởng. Tự nhiên chúng tôi cùng reo lên: đến trường rồi, anh em ơi, hoan hô!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:03:21 am »


        Đi độ một trăm mét, cả nhóm đến một khu bãi rộng, bên cạnh dòng suối mà chúng tôi đi vào. Dưới tán rừng cao, bốn nếp nhà mái lợp lá, vách thưng đều bằng nứa mới tinh. Đây là Khuổi Kịch, cách Tân Trào độ dăm sáu ki-lô-mét, đầu năm 1943, đội Cứu quốc quân III dược thành lập ở đây. Đơn vị tôi (trừ tiểu đội nữ) được ở một ngôi nhà sàn phía tay phải. Nhà có ba gian, mỗi tiểu đội ở một gian vừa đẹp, còn gian giữa để họp và tiếp khách. Vừa bỏ túi đeo xuống, nghỉ một lát, có lệnh dọn dẹp nhà cửa, chúng tôi phân công một tiểu đội dọn dẹp trên nhà và lên rừng lấy tre nứa về làm bàn học, một tiểu đội dọn gầm sàn và phát dọn quanh nhà. Cả đơn vị có lẽ trừ tôi ra còn đồng chí nào cũng có một con dao tông nhọn khá to và sắc; cắm cán vào nó là một ngọn giáo lợi hại, bỏ cán ra nó là một con dao pha, có thể chặt cây gỗ cỡ bắp chân, chẻ nan, vót đũa, mổ lợn... Thật là một con dao nhọn lý tưởng, tuy vậy mà rất khó kiếm vì chỉ có một số vùng rèn được. Lao động độ hai giờ, nhà cửa đã phong quang tươm tất. Bàn ghế tuy đơn sơ nhưng ngồi viết thoải mái. Ngày hôm sau, chúng tôi được lệnh đi lấy tre, nứa, gỗ về làm hội trường cũng là câu lạc bộ. Câu lạc bộ có bốn gian và một chái, ba gian làm ba dãy ghế ngồi, một gian làm sân khấu, còn một chái để làm buồng. Ngay trên cửa vào, một học viên khéo tay lấy cành cây ghép thành ba chứ "Câu lạc bộ" vừa ngộ nghĩnh, vừa duyên dáng mà cũng trang nghiêm. Rồi chúng tôi làm sân tập, đào gốc tre nứa, chặt gỗ gốc cây nhỏ, chỉ một buổi sáng đến trưa chúng tôi đã có một bãi tập, đủ cho cả đại đội tập họp, đi đều, chạy nhảy, lăn, lê, toài...

        Ngay buổi chiều vừa làm xong bãi tập, đồng chí Khang, lúc này làm đại đội trưởng, tập họp toàn đơn vị. Mọi người mang theo tất cả túi đeo và vũ khí. Đến lúc đó chúng tôi mới biết đại đội có gần một nửa là các đồng chí người miền xuôi. Anh em phần lớn mặc quần áo nâu, chẳng có súng ống gì, mỗi người tròng teng một cái khăn gói dó, y như mấy ông lái thuốc lào. Còn chúng tôi lại đều mặc quần áo chàm, đội mũ nồi may cũng bằng vải chàm, có quai thắt xuống cằm, đi giày vải hoặc hài sắc (Một loại dép có quai hậu đan bằng rơm, đi rất êm), chân quấn xà cạp, vai đeo thông (Một loại túi của đồng bào Tây, có quai đeo làm ba lô, đựng đồ rất tiện), lưng thắt bao đạn. Ai cũng có súng, đủ cả trung liên, tiểu liên, súng trường, súng ngắn. Chúng tôi tập họp thành năm tiểu đội, tiến ra sân trường. Thấy chúng tôi, các đồng chí miền xuôi reo hò, hoan hô nhiệt liệt: chào các đồng chí Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, chào các đồng chí Cứu quốc quân. Tôi nghe thoáng có tiếng nói: Voa là ác mê giuýt cô đăng (Voi là, armé jusqưau den. Trông kìa trang bị đến tận răng!).

        Toàn đại đội xếp thành bốn hàng ngang, hai hàng trước là các đồng chí người miền xuôi. Chúng tôi đứng ở hai hàng sau. Đồng chí Khang cho hai hàng trước tiến lên tám bước, đằng sau quay. Lúng túng một lúc rồi mọi người cũng thành hàng ngũ khá chỉnh tề. Khi có lệnh hô nghiêm, bồng súng chào; các đồng chí miền xuôi không có súng nhìn nhau, một số đồng chí nắm tay đưa lên ngang tai, các đồng chí khác làm theo. Còn chúng tôi có đủ súng lại đã quen chào cờ, nên bồng súng ngả súng đưa lưỡi lê chĩa ra phía trước. Đồng chí Khang cho thôi chào, nghỉ rồi giới thiệu các đồng chí miền xuôi ở một số tỉnh, đều là đoàn viên thanh niên Cứu quốc, trong đó nhiều đồng chí là người Hà Nội quê hương tôi. Một số là học sinh Trường Bưởi chúng tôi quen gọi là Ly Pro (Lycée Protectorat). Còn chúng tôi đều về từ các chiến khu: Bắc Sơn, Vũ Nhai, Đình Cả Cao Bằng, Bắc Cạn, Chiêm Hóa, Chợ Chu và đều ở trong các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân nay đã thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Sang tiết mục liên hoan văn nghệ, anh Khang bảo các đồng chí ở chiến khu hát trước. Được anh em "tiến cử" tôi hát hai bài "Chào cờ cứu quốc" và “Phất cờ Nam tiến". Tôi bắt nhịp hát vài câu và mọi người hát theo. Nói chung là hát tạm được tuy có hơi cảm động, nhưng không kém lắm so với mọi khi hát ở dưới làng lại nhờ có tiếng véo von của mấy đồng chí nữ nên cũng nổi và được các đồng chí miền xuôi hoan hô nhiệt liệt.

        Đến lượt các đồng chí miền xuôi lên, tôi thấy một người bước ra khỏi hàng, tự giới thiệu tên là Đông (Tức anh Hoàng Thế Dũng, trưởng đoàn học sinh ATK Bãi Sậy, chính trị viên trung đội Phạm Hồng Thái, đào tạo cán bộ chính trị, sau khóa học là đội trưởng đội tuyên truyền nước Nam mới). Anh hát bài thứ nhất: "Quảng Châu công xã”, bài thứ hai: "Thăng Long thành hoài cổ”. Nghe anh hát bài thứ hai, trong tôi như thức dậy những kỷ niệm một thời về Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:03:50 am »


        Tôi vốn là người Hà Nội, lưu lạc ra đi từ năm lên sáu tuổi, sau có vài năm trở về đi học, rồi lại ra đi, quên làm sao được các nhịp cầu Long Biên trập trùng như sóng, quên làm sao bãi cát Nhị Hà, bao giờ lại trở về Hà Nội... Đang miên man bởi những hồi niệm về Hà Nội, tôi nghe Đông nói xin mời các đồng chí nghe bài thứ ba: "Tiến quân ca" của một nhạc sĩ Hà Nội gửi tặng các học sinh Trường Quân chính kháng Nhật khóa I. Đông móc túi ngực lấy ra một tờ giấy học trò, trịnh trọng đọc to: Tiến quân ca. Nghe vậy chúng tôi đồng thanh hoan hô, sung sướng vì có một bài hát tặng cho trường mình...

        Sau vài lời giới thiệu, Đông xúc động và trang nghiêm hát trọn vẹn bài "Tiến quân ca”. Mới nghe một lần mà sao giai điệu cung như lời bài ca đã làm cho tất cả chúng tôi xúc động, rạo rực.

                                 …"Đoàn quân Việt Minh đi
                                  Sao vàng phấp phới
                                  Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than...".


        Lời bài ca gợi lại trong tôi bao cảnh cùng cực của một thời nô lệ. Tôi nghĩ đến những xác chết của những người thợ cần lao nơi mỏ than Tuyên Quang có bé Duyên mới 15 tuổi bởi đói khát, bệnh tật và roi nẹt chủ mỏ, nhớ đến mẹ tôi bao tháng ngày lam lũ nhổ lạc thuê, nhớ những tháng ngày bị địch cầm tù, hai tay bị trói quặt sau lưng, miệng bị "gang” bằng chiếc đũa cả, có dây buộc quàng sau gáy và gông cùm, xiềng xích... Tôi bỗng bật khóc nức nở và ngồi thụp xuống. Tôi khóc như ứa máu trong tim vì có phần lời ca như chính lời thề chấp nhận mọi sự hy sinh vì nghĩa lớn, chỉ có chiến đấu hy sinh mới rửa được nỗi nhục cho bản thân mình, cho đồng bào, đồng chí.

        Buổi liên hoan kết thúc, anh em trung đội lập tức cử tôi làm người chỉ huy ca hát và phải học ngay bài Tiến quân ca về dạy cho trung đội. Tôi đến tìm Đông và bảo: Các “ông" hát hay quá, bọn tôi mê tít thò lò, anh em cử tôi làm chỉ huy hát, đến xin "ông" dạy cho bài "Tiến quân ca". Đông vui vẻ nói: Vâng, vâng, rất hoan nghênh "ông bạn", nhưng mời đồng chí vào đây ta bàn tí chút, các ông mê bài hát của chúng tôi thì chúng tôi cũng mê súng của các ông lắm. Sao mà các ông nhiều súng thế! Chả trách Nhật và bảo an chết nhiều là phải. Các ông có cho anh em chúng tôi được xem loại súng của các ông không, sao mà lắm thứ thế, tôi cứ vừa hát vừa liếc súng của các ông đấy.

        Tôi đáp: A súng thì nhiều kiểu lắm, nguyên súng trường đã có mút-cơ-tông, anh-đô-si-noa, rơ-manh-tông, suất cẩu, lại có giộp 5, giộp 3, còn đâu là tiểu liên, trung liên, phóng lựu lại còn bao nhiêu thứ súng ngắn nữa... Nhưng làm sao mà xem được, hay các ông kéo sang tôi.

        - Cũng hay, nhưng e lộn xộn, nhỡ súng, nhỡ đạn thì chết.    

        - Ừ nhỉ, hay là thế này, chúng tôi đem súng bày ra sân rồi mời các ông xem. Tôi còn có khẩu trung liên "chúa" lắm.

        - Hay đấy ta làm cuộc trưng bày vũ khí, chúng ta lên báo cáo xin ý kiến anh Khang.

        Thế là ngày hôm sau, anh em sắp một dãy bàn và đem các loại súng ra bày trên bàn; mỗi loại vài ba khẩu, có hai ba người giới thiệu. Có lẽ đây là cuộc trưng bày vũ khí đầu tiên của quân đội ta! Anh em đến xem, ai cũng muốn cầm lấy súng. Sau khi anh Khang nói: trung đội sẽ tặng anh em một số súng, lúc đó mọi người mới yên tâm, nhưng còn khẩu bờ-ren của tôi thì đem ra giữa sân, anh em thay nhau mỗi lần sáu người ngồi xung quanh nghe tôi và Việt giới thiệu, rồi mỗi anh vuốt ve một tý, có anh còn gọi nó là "mẹ ớ đây”. Có cậu vỗ vào lưng tôi: Sao mà cậu sướng thế một mình một khẩu súng to bắn bằng cả một trung đội!

        Câu lạc bộ, bãi tập, nhà bếp đều làm xong, các đơn vị được biên chế lại. Tôi ở trung đội Trần Quốc Tuấn, trung đội huấn luyện cán bộ quân sự. Trung đội Phạm Hồng Thái đào tạo cán bộ chính trị. Trung đội Hoàng Văn Thụ đào tạo cán bộ hành chính. Trước khi khai giảng, có một việc quan trọng là phải có một bài ca chào cờ chính thức của nhà trường. Từ khi lên chiến khu, chúng tôi vẫn hát bài “... Xếp hàng chào cờ Cứu quốc "theo điệu” Aurevoir Scout", (gặp lại! Hướng Đạo Sinh) hoặc "Chaut d'adieư” (Lời ca từ biệt) nay thì phải thay bằng lời bài hát khác. Chúng tôi được lệnh học hai bài "Tiến quân ca " và "Cờ hồng sao năm cánh". Bài "Tiến quân ca" chỉ một ngày là trung đội tôi hát đều răm rắp, ai cũng mê. Còn bài "Cờ hồng sao năm cánh” phải nói là khó hát lắm. Mấy đồng chí người Tày và cả cậu Việt nói: "Chịu kỷ luật thôi, không học được đâu, hát như làm tào1 (Tào, cúng ma, ông thầy hát ề à suốt đêm). Cả trung đội chỉ có Đông, tôi và vài đồng chí nữa hát tàm tạm được. Ngày chọn bài hát chào cờ đã đến, chúng tôi tập hợp toàn bộ đại đội lần lượt hát cả hai bài, hát bài “Cờ hồng sao năm cánh" trước. Mọi người hát được đều cố gắng. Tôi vươn cổ "gào” thật to để làm trọn nhiệm vụ của người quản ca. Đến bài "Tiến quân ca" cả đại đội hát rất đều, âm vang đến đầu rừng ngọn suối. Đoạn hai của bài thực tình tôi vừa hát vừa khóc. Lấy biểu quyết: bài Cờ hồng chỉ có hai "phiếu” của người sáng tác và người chỉ huy bài hát; bài Tiến quân ca được tất cả giơ tay, kể cả hai đồng chí đã biểu quyết cho bài "Cờ hồng". Chúng tôi hoan hô nhiệt liệt bài ca chính thức của nhà trường.

        Lễ chào cờ đã được chuẩn bị, một lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được phụ nữ châu Tự Do khâu cho, cột cờ là một cây vầu to cao vút, hai Học sinh quân một nam, một nữ được cử ra kéo cờ. Đông được cử ra chỉ huy toàn trường hát. Hết lời ca thứ nhất, lá cờ đỏ sao vàng kéo lên đỉnh cột phấp phới bay trong nắng ban mai. Chúng tôi hát tiếp lời hai "... Sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than"... ý chí của trên một trăm nam nữ thanh niên... từ bao lâu nuốt căm hờn, vũ trang đây lên đường... đã đem bài ca đó đến khắp toàn quân, khắp từ Nam chí Bắc đi khắp nước Việt Nam. Điều xúc động nhất là khi Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định lấy bài “Tiến quân ca" làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:04:46 am »


        Ngày khai giảng đã đến, sáng hôm đó tôi được ra gác ở cổng chính. Cổng chào được làm mới, to và đẹp hơn. Mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn cây trên sườn núi trước mặt thì đoàn khách cấp trên đã đến. Tôi giật mõ báo tin, rồi chỉnh đốn lại tư thế đón khách. Đi đầu là một ông khách tôi đã quen tử hồi đi "vũ trang củng cố". Không những quen mà tôi còn nói chuyện với ông đến hơn một giờ, có khi còn lâu hơn, thời gian đủ nấu chín bữa cơm kia mà, tôi tuyên truyền giải thích nhiều lắm, cố làm cho ông tin là chúng tôi cùng với nhân dân sẽ đánh thắng Nhật, làm cán bộ đoàn thể thì phải chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn... Thế mà bây giờ ông lại là thượng cấp đến dự lễ khai mạc. ông vẫn mặc bộ đồ trô-pi-can, đội chiếc mũ phớt như xưa, nhưng lần này ông cưỡi ngựa. Đi theo ông là một đoàn người. Có hai anh đi ngay sau lưng, đeo khẩu súng lạ trước ngực. Sau này tôi biết đó là súng các-bin. Sau hai bảo vệ là đồng chí Khang đại đội trưởng của tôi, ông Việt Minh tổng và mấy người nữa. Tôi tự nhủ dù sao cũng phải bình tĩnh. Khách đến cách năm bước, tôi đứng nghiêm lại bồng súng chào (anh em vẫn khen tôi có cái chào súng rất gọn, đẹp mà hùng dũng nữa). Ông khách xuống ngựa nói: đồng chí nghỉ, rồi ông tiến đến nắm tay tôi: đồng chí Hồng Kỳ cũng kịp về học à, cố gắng học, công tác tốt, bảo vệ tốt cho đoàn thể! Tôi rút chân lại đứng nghiêm nói to: rõ.

        Chiều hôm đó sau khi đổi gác tôi được lên lớp nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch Uỷ ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng nói chuyện. Chết thật, thế mà không ngờ lại tuyên truyền giải thích cho ông thượng cấp to thế này, nhưng chắc là mình không nói sai, cũng không huênh hoang lên mặt thuyết giáo chính trị, cái đó là chắc rồi... Đến chỗ nói về người chiến sĩ Giải phóng quân phải vừa là người chiến sĩ chiến đấu vừa phải là người chiến sĩ tuyên truyền giải thích chính sách của đoàn thể cho dân, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ vào chỗ tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai nói: đồng chí Hồng Kỳ hôm nọ nói chuyện với tôi lâu lắm, tuyên truyền nhiều vấn đề đều đúng cả, như vậy là tốt; các đồng chí cũng nên làm như vậy. Lạy trời, sao đất không nứt ra để tôi tụt xuống. Mấy cậu bên cạnh hích khuỷu tay vào tôi nói: Cậu giỏi thật, dám tuyên truyền cả Chủ tịch Uỷ ban Khu giải phóng.

        Một vinh dự lớn cho Trường Quân chính kháng Nhật khóa I là sau hai tuần học quân sự, chính trị, chúng tôi được nhận nhiệm vụ đi phục kích đánh chặn một toán phỉ khá đông xâm nhập căn cứ địa. Trong trận phục kích, chúng tôi tiêu diệt được gần hết số quân đó, số còn lại gồm cả tên đầu sỏ lại chạy vào trường chúng tôi xin cho ăn và ngủ nhờ. Mưu trí và mau lẹ, chúng tôi phân tán số này về các trung đội, đêm đó chúng tôi thanh toán nốt, chỉ còn hai tên chạy thoát lên rừng. Về sau dân quân vùng Tân Trào cũng bắt được. Hôm trưng bày chiến lợi phẩm thu được của bọn phỉ, có rất nhiều súng, nhưng cái đáng chú ý là hàng đống quần áo phụ nữ, trẻ em, nhiều hoa tai, dây chuyền, vòng xuyến bằng vàng mà chúng đã giết dân để cướp đoạt. Nếu chúng tôi không tiêu diệt, để mấy trăm tên này hoành hành trong dân thêm một thời gian nữa thì không biết bao nhiêu người dân lương thiện còn bị tàn sát. Bên ta hy sinh hai đồng chí. Đồng chí Đường hy sinh trong khi dẫn đường đưa quân phỉ vào ổ phục kích, đồng chí Lâm hy sinh trong khi tác chiến.

        Thấm thoát hơn một tháng trôi qua, chúng tôi đã biết thế nào là tình hình thế giới và trong nước, lịch sử của Cứu quốc quân và đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, và hai lực lượng quân sự này thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Chúng tôi cũng học công tác chính trị trong quân đội, công tác tuyên truyền giải thích chính sách đoàn thể trong nhân dân; học tập quân sự, học sơ qua về đội ngũ, học tập cá nhân chiến đấu và chiến thuật tiểu đội chiến đấu, trung đội chiến đấu. Chúng tôi còn được rèn luyện tinh thần kỷ luật và tư cách của một người quân nhân cách mạng, khẩn trương hoạt bát, khắc khổ nhẫn nại; chúng tôi biết, đã là một cán bộ của đội quân chủ lực của cách mạng thì đi đến đâu cũng cần xây dựng đơn vị mình chiến đấu tốt, công tác tốt, có quan hệ quân với dân như cá với nước.

        Ngày bế mạc đã đến, 120 học sinh Quân chính kháng Nhật khóa I là 120 "cánh chim" bay về khắp các miền trên đất Bắc, tích cực cùng toàn dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, nhiều đại đội, tiểu đoàn Việt Nam Giải phóng quân thành lập các chi đội Nam tiến với tên gọi là "Vệ quốc đoàn” thực hiện lời tiên đoán của Bác Hồ đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:05:46 am »


TÔI ĐÃ GÓP PHẦN XÂY DỰNG SÂN BAY LŨNG CÒ - SÂN BAY ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

LÊ GIẢN Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an       

        Ngày nay có mấy ai biết rằng Việt Nam ta đã có một sân bay đích thực là của ta, do ta tự lực thiết kế và xây dựng, đáp ứng nhu cầu bức xúc của tình hình lúc đó, phải giữ quan hệ vừa đúng đắn, vừa nhanh chóng với bên ngoài. Đó là sân bay Lũng Cò.

        Gọi là sân bay Lũng Cò vì nó nằm trên một thung lũng thuộc xóm Lũng Cò, chỉ cách khu dân cư người Tày chửng vài trăm mét, qua con suối Lê và một vạt ruộng.

        Lũng Cò là một xóm khá đông dân cư ở gần như giữa đường từ huyện lỵ Sơn Dương thuộc tỉnh Tuyên Quang đi vào xã Tân Trào lịch sử.

        Ai quan tâm nghiên cứu lịch sử cận đại của Việt Nam đều biết rằng đầu năm 1948, nhân dân xã quê hương của đồng chí Hồng Kỳ, cách thị xã Cao Bằng khoảng bốn ki-lô-mét đã cứu được một trung uý phi công Mỹ nhảy dù xuống để thoát nạn máy bay bị trúng đạn súng phòng không của Nhật bốc cháy.

        Đã có kinh nghiệm cứu giúp những người nhảy dù lâm nạn, như tôi và Hoàng Đình Giong trước đấy ít tháng bị sa lầy trong những thửa ruộng bậc thang, thụt bùn và ngập nước, cán bộ và nhân dân trong vùng đã nhanh chóng đưa viên trung uý phi công vào ẩn nấp trong rừng núi heo hút.

        Viên trung uý rất sung sướng thoát nạn làm tù binh của phát xít Nhật; nhưng mỗi khi nghe tiếng súng nổ gần gần thì anh lại cuống quít run sợ xin được sớm đưa về căn cứ của quân đội Mỹ đóng ở phía bên kia biên giới Trung - Việt, dù rằng đi đến đâu ta cũng tổ chức mít tinh, đón tiếp rất nồng hậu. Địa phương báo cáo sự việc lên cấp trên và được ông Ké - tức Bác Hồ, theo tên gọi của dân địa phương thời kỳ đó - chỉ thị là bảo vệ an toàn và đưa y qua biên giới trao lại cho quân đội Mỹ.

        Nhận lại đồng đội bị nạn, trở về an toàn và vui khoẻ lại được nghe anh báo cáo về sự cứu trợ đầy nhiệt tình của nhân dân và quân du kích Việt Nam. Tướng Tư lệnh không quân Mỹ ở Chiến trường Trung Quốc ngỏ ý muốn được tiếp kiến ông lãnh tụ du kích Việt Nam để tạ ơn đáp nghĩa. Bác Hồ đã nhận lời, và hai bên đã có một cuộc gặp gỡ hữu nghị đi đến một mật ước: phía Việt Nam sẽ tăng cường lực lượng du kích, phát triển căn cứ du kích ở khắp các vùng trong lòng địch, phía Mỹ lãnh trách nhiệm đưa các phái đoàn quân sự sang giúp huấn luyện về quân sự, đồng thời giúp trang bị vũ khí, điện đài và các thứ quân trang, quân dụng khác.

        Việc xây dựng một sân bay bảo đảm quan hệ liên lạc giữa hai bên Việt - Mỹ cũng được đặt ra từ đấy. Do đó, sau khi Bác Hồ về ở căn cứ Tân Trào và các phái đoàn quân sự Mỹ nhảy dù theo, thì Bác cũng chỉ thị phải xây dựng sân bay. Đồng chí Đàm Quang Trung được giao nhiệm vụ này. Bản thân chưa bao giờ được qua lại trong một sân bay nào, cũng chưa từng mắt thấy một máy bay cất cánh hoặc hạ cánh trong sân bay, mặt khác, tuy có một thiếu tá trong phái đoàn Mỹ làm cố vấn, nhưng ngôn ngữ bất đồng anh không giao dịch được bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nên đồng chí Quang Trung cảm thấy công việc trước mắt quá mới mẻ, quá khó khăn. Anh đề nghị xin cho thêm người giúp đỡ.

        Rất thông cảm với anh, Bác hỏi: Thế chú có dự kiến đề nghị ai không? Anh trả lời ngay: Cháu nghĩ rằng chỉ có anh Lê (tức là tôi, Lê Giản) có thể đáp ứng được yêu cầu. Vì anh đã từng đáp máy bay dân sự, quân sự, qua lại nhiều trường bay dân sự và quân sự, lớn có, nhỏ có, anh lại giao dịch được bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, hơn nữa anh rất am hiểu địa hình vùng này, chỉ có điều anh cũng đang rất bận rộn vậy xin Bác xem xét và quyết định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:06:15 am »


        Nghe anh Quang Trung nói xong, Bác gật đầu, tỏ vẻ đồng tình với suy nghĩ của anh và nói: Được, được để tôi viết thơ cho chú cầm đi gặp chú Lê bàn định công tác. Gặp anh Quang Trung đến đưa thư của Bác và trình bày nhiệm vu mới được Bác giao, tôi vô cùng phấn khởi. Tôi và anh Quang Trung mấy tháng trước đây, đã từng chia vui, sẻ buồn trong cuộc chống chọi với quân Nhật từ Thái Nguyên lên chiếm đóng Chợ Chu, huyện ly huyện Định Hóa, nên đã trở thành đôi bạn tâm đắc. Nay lại có dịp công tác xây dựng sân bay đầu tiên của Tổ quốc thì còn gì lý thú hơn nữa, nên chúng tôi đã siết chặt tay nhau, biểu thị quyết tâm và khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ Bác giao.

        Về địa điểm, tôi nghĩ ngay đến thung lũng Lũng Cò, một vạt đất phẳng phiu trước kia đồng bào vẫn giồng ngô, khoai, sắn, nhưng bỏ hoang từ ngày có chiến tranh. Tôi giới thiệu ngay với anh Quang Trung để mời thiếu tá cố vấn đi xem xét. Khi ba chúng tôi đến địa điểm khảo sát thì thiếu tá cố vấn tỏ ra rất hoan hỉ nói rằng: chúng ta sẽ xây dựng nơi đây một sân bay dã chiến lý tưởng. Thung lũng phẳng phiu này sẽ là đường máy bay sà xuống bay là là trên mặt đất cho đến con đường dốc thoai thoải kia băng qua giữa hai dãy đồi thì hạ cánh và từ từ đỗ lại dưới bóng hai hàng cây vừa râm mát lại vừa kín đáo thật là tuyệt vời!

        Và ngày hôm sau thì anh Quang Trung đã huy động bộ đội và thanh niên nam nữ dân công trong vùng hàng trăm người đến san bằng và nén đập, nhổ sạch những bụi cỏ gianh, chặt sạch những bụi cây mua, cây sim. Chỉ khoảng hơn một tuần lễ, chúng tôi đã làm lễ khánh thành sân bay, mở một cuộc mít tỉnh đón mừng chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh an toàn xuống sân bay đầu tiên của Tổ quốc Việt Nam. Máy bay đã chở đến hai sĩ quan tăng cường cho phái đoàn liên hữu cùng một số hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc men và thư từ cho đoàn.

        Lần lượt tôi, anh Quang Trung và ông thiếu tá cố vấn phát biểu, biểu dương tinh thần cao cả, công lao to lớn của anh chị em dân quân và bộ đội đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần chiến thắng quân thù, phát xít bạo tàn, chúc tình đoàn kết chiến đấu Việt - Mỹ ngày càng bền chặt vững mạnh.

        Sau đó còn nhiều chuyến máy bay qua lại, tất cả đều an toàn, vô sự cho đến khi phát xít Nhật phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và cuộc chiến tranh chống phát xít thực sự kết thúc.

        Chiến tranh kết thúc. Hòa bình được lập lại. Trên đưa anh trung uý O.S.S (tình báo chiến lược) (Người đến ta đầu tiên và về nước sau cùng tôi nhớ có thể là không chính xác lắm anh tên là Keent và được tin anh hiện còn sống ở Mỹ.) đáp chuyến máy bay cuối cùng về nước, tôi chúc anh đã có công đóng góp trong chiến đấu ác liệt với quân thù phát xít đến thắng lợi huy hoàng hôm nay, sẽ được trở lại cuộc sống yên vui, hạnh phúc với gia đình.

        Trong lời đáp của anh hôm đó, một ý đã gây ấn tượng sâu sắc trong tôi, anh nói: Vâng, chiến tranh nay đối với chúng tôi là kết thúc, nhưng đối với các ông một cuộc chiến tranh mới vô cùng gian khổ, xin chúc các ông cũng sẽ giành được thắng lợi huy hoàng...

        Cách đây mấy năm tôi có dịp đi thăm lại xóm Lũng Cò và sân bay mang tên xóm. Những người quen biết cũ đã khuất núi mất nhiều nhưng hình nét sân bay vẫn còn nguyên vẹn. Thung Lũng còn đó, đường băng dài thoai thoải nằm giữa hai dãy đồi cũng còn đó. Đây đó những trùm cỏ, những bụi cây đã mọc lại, xanh um có thể khiến cho du khách không ngờ từ 50 năm trước đây, đó là một sân bay đã từng đưa đón nhiều chuyến bay từ nước ngoài tới và từ nội địa ra, tuy nhiên đối với người quen biết cũ thì hình ảnh sân bay vẫn chẳng bị xóa nhòa.

        Phải chăng sân bay Lũng Cò, sân bay đầu tiên của Việt Nam do chính Bác Hồ chỉ đạo xây dựng lại chẳng là một di tích lịch sử đáng được dựng một tấm bia để đời đời con cháu sau này tưởng niệm. Thiết nghĩ dựng một tấm bia kỷ niệm tổn phí chẳng đáng bao nhưng tác dụng của nó sẽ lớn lao đáng kể, mong rằng vấn đề sẽ được ban nghiên cứu lịch sử quan tâm.

Hà Nội tháng 8 năm 1995         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:07:16 am »

         
TIỂU ĐỘI CẬN VỆ ĐẶC BIỆT

Lưu Minh Đức (Lão thành cách mạng)        

        Trong lịch sử Việt Nam Giải phóng quân, có một đơn vị nhỏ mà Bác Hồ đặt tên là "Tiểu đội cận vệ đặc biệt" ít được biết đến. Tiểu đội này đã bảo vệ Bác đi từ Pác Bó về đến Tân Trào. Xuất phát khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 4 tháng 5 năm 1945 đến 16 giờ ngày 21 tháng 5 năm 1945, Bác cùng đoàn tuỳ tùng và tiểu đội này mới về đến đình Tân Trào. Tiểu đội cận vệ đặc biệt gồm có 12 người. Tiểu đội trưởng là đồng chí Phạm Văn Quý, Kim Anh - tiểu đội phó, Đội viên là các anh: Giang Lâm, bảo vệ Bác ở Pác Bó (1941), Nông Ngọc Tuấn bảo vệ Bác ở Pác Bó (1941), Đinh Đại Toàn - đội viên đặc cách nấu ăn cho Bác, tôi (Lưu Minh Đức) đội viên kiêm báo vụ thông tin, Đỗ Văn - học sinh quân sự hải ngoại, Văn Lâm - học sinh quân sự hải ngoại của ông Bồ Xuân Luật, Trần Đình - đội viên, còn ba người không ai nhớ tên.

        Trước ngày lên đường hơn một tuần, tiểu đội chúng tôi được hướng dẫn diễn tập quân sự truy kích, phục kích; toàn đội chia đôi, bên địch bên ta dàn quân ở ngoài các mảnh ruộng bậc thang cạnh dòng Khui Nậm. Bác lên  phía trên lán tiểu đội ở, gọi ông Méc xuống và nói: "Hôm nay có chú Nguyễn, hướng dẫn cho các chú diễn tập quân sự một tuần".

        Ở với Bác Hồ lúc ấy, có hai người Mỹ, gốc Hoa, một ông tên là Méc (Méc - Nguyễn là bí danh của Mac. C-shin) nhưng Bác thường gọi là Nguyễn, còn có một ông họ Đàm (Đàm - Phờ-réng-khi là bí danh của Frand Tan) người Quảng Đông lấy tên Mỹ là Phờ-réng-khì. ông Méc là báo vụ viên thông tin, còn ông kia là cơ yếu.

        Dưới sự hướng dẫn của ông Méc, chúng tôi luyện tập quân sự một tuần. Lúc sơ kết, ai khá được phát súng các-bin, ai kém phát súng tôm-sơn. Các anh Phạm Văn Quý, Kim Anh, Giang Lâm, Nông Ngọc Tuấn được phát súng các-bin và mỗi người hai quả lựu đạn. Các anh Trần Đình và Văn Lâm được phát tôm-sơn và mỗi người hai quả lựu đạn. Riêng anh Đinh Đại Toàn được phát một côn-bát của Mỹ.

        Hai ông này là người của Mỹ phái đi theo Bác, sau lần Bác sang Côn Minh (Vân Nam) gặp trung tướng không quân Mỹ Sen-nô. Trưởng đoàn không quân Hoa Kỳ (phi đội cọp bay) ký giao kèo với Bác và quy ước thông tin liên lạc để thông tin liên lạc với Côn Minh. Trung tướng Sen-nô được phép chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Minh máy vô tuyến điện và vũ khí cùng đánh quân phiệt Nhật.

        Chuẩn bị từ lúc 7 giờ 30 nhưng đến 8 giờ sáng mới lên đường được vì còn mất thời gian vào việc phân công mang vác hành lý của đoàn. Bác thổi còi tập hợp đội lên trên bãi cỏ bằng. Bác tuyên bố. "Hôm nay di chuyển đi về xuôi?". Tiếp đó, Bác đi vào lán ổ rơm của hai ông cơ yếu và báo vụ người Mỹ gốc Hoa, xách va-ly rồi ra ngoài và đặt xuống đất.

        Bác nói: "Đây là điện đài đã biết ở Đông Hưng - tình báo Mỹ đã dùng ở Quân cảnh Đốc sát xứ". Bác vào lán xách ra hai túi nặng: đó là máy phát điện (ra-gô-not). Bác lại xách một chiếc chăn ra.

        Bác bảo: - "Chú nào xung phong mang thứ này?". Có anh xung phong nhận. Để giải quyết cho nhanh, Bác chỉ định từng người vào lán mang một thứ cụ thể phù hợp với sức vóc người đó.

        Riêng tôi đang đứng ngước nhìn trời mây. Biết ý tôi ngại mang vác nặng. Bác bước nhanh lại chỗ tôi và quàng luôn chiếc chăn vào vai tôi. Cái chăn ấy lạ lắm? Nó bằng vải ngoại rất dầy giống như một cái ống kín hai đầu đựng gì bên trong không biết. Bác bảo: - Chú mang thứ này". Có mấy dân công khoẻ mạnh vào gánh máy phát điện và điện đài.

        Công việc phân công mang vác vật dụng đã xong. Bác bảo chúng tôi xuống tập hợp với đủ hành lý. Bác hô: - "Nghiêm? Bên phải thẳng - thôi!". Hành động của Bác đúng như một nhà quân sự thực thụ. Bác đứng ở bờ suối đối diện với tiểu đội chúng tôi. Bên tay trái Bác là anh Đinh Đại Toàn, hai ông Méc và Phờ- réng-khì. Bác quy định hiệu lệnh đi đường, nói bằng tiếng Anh với hai ông và giải thích cho chúng tôi. "Three short" là ba hồi còi ngắn báo động có địch, phân tán. "Two long" là hai hồi còi dài báo yên, tiếp tục hành quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:07:59 am »


        Sau đó Bác tuyên bố. "Hôm nay, các chú vinh dự là đội viên tiểu đội cận vệ đặc biệt?". Rồi Bác hô: - "Bên phải, quay?", "Bước đều bước". Chân tôi bước theo người đi trước nhưng thầm nghĩ Bác bảo đặc biệt là đặc biệt chỗ nào? Chỉ có Bác và lũ trẻ này thôi? Đặc biệt ở chỗ nào cơ?

        Mãi về sau, qua thực tế tôi mới thấm thía được cái ý nghĩa đặc biệt của tiểu đội. Trách nhiệm nặng nề và cao quý của chúng tôi là được bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh của Đảng và cả dân tộc; hai là phải duy trì bằng được mối liên hệ qua điện đài với Côn Minh tức là đài Sở Công tác chiến lược OSS của Mỹ do ông Patty, thiếu tá phụ trách. Sở này thuộc đơn vị không quân phi đội cọp bay số 14 dưới quyền trung tướng Chai Sen-nô, trưởng đoàn không quân Hoa Kỳ, người đang thực hiện nhiệm vụ chính phủ Hoa Kỳ giao là viện trợ cho Việt Nam máy vô tuyến điện và vũ khí để cùng đánh quân Nhật.

        Cuộc di chuyển lịch sử này trải qua 14 ngày leo đèo, vượt núi, lội suối, băng rừng thật là gian khổ. Các anh Nông Văn Quất, Đặng Văn Cáp, Hoàng Minh Lý và Nông Văn Lạc thay nhau đưa đường từng chặng từ Pác Bó đến Tân Trào. Dọc đường, chúng tôi bổ sung được mấy người.

        Anh Phan Việt Bắc duỗi kịp đoàn và nhập vào đoàn khi đoàn nghỉ đêm ở làng Pác Cam, cách đồn Nước Hai theo đường chim bay hai ki-lô-mét. Anh Việt Huy và Hồng Sơn đuổi kịp đoàn ở Khui Sao. Cả ba anh cùng học lớp báo vụ cùng tôi ở Trung Quốc. Anh Văn điều đơn vị giải phóng đón Bác ở Kiến Lập, Tủm Tó; anh cùng ăn cơm trưa ở đây với Bác. Ở đây, tôi gặp anh Thanh Phong học sinh quân sự hải ngoại về trước tôi.

        Sau đó, Bác cùng anh Văn và đoàn đi đến làng Bản Chạp. Đoàn của anh Tống tức anh Phạm Văn Đồng cũng đến bản này cùng lúc và gặp Bác Hồ ở đây. Anh Tống trao đổi với Bác hồi lâu, rồi đi về Trường Quân chính kháng Nhật. Anh Việt Huy và anh Hồng Sơn đi theo đoàn anh Tống.

        Ngày 10 tháng 5 năm 1945, đoàn của Bác ăn cơm tối ở Bản Chạp. Sáng hôm sau, ăn cơm sáng ở đó, đến 11 giờ đi về làng Tân Trào, đến Tân Trào vào lúc 4 giờ chiều. Anh Văn đi trước vào làng Cả, Tân Trào báo cán bộ cơ sở tổ chức mít tinh đón đoàn vào lúc 6 giờ tối. Khi bắt đầu cuộc mít tinh, tiểu đội cận vệ đặc biệt bồng súng chào nhân dân, còn Bác cùng một số cán bộ nắm tay trái đưa lên ngang tai chào nhân dân; đây là kiểu chào thời Mặt trận Bình Dân.

        Sau mít tinh Bác Hồ nói: "Chờ tôi một lát; các chú tạm nghỉ ở gốc cây đa, tôi trở lại sẽ ngay". Một lát sau, Bác trở lại bảo tiểu đội và hai ông Mét và Phờ-réng-khì phân tán lên nhà dân; hai hôm sau, lại chuyển tất cả lên lán Nà Lừa cửa suối Đèo De đầu cánh đồng Tân Trà. Lối lên lán, phải qua một khe suối. Chúng tôi sẽ nghỉ tại đây. Bên phải là nhà bếp của tiểu đội. Leo lên dốc đã cuốc thành bậc thang, rẽ phải là lán Bác Hồ làm việc. Cách 15 mét là lán điện đài của chúng tôi. Phía chân dốc dưới lán Bác ở có lán học sinh của anh Kim Hùng, 10 người. Về sau, anh Văn đưa thêm bốn người nữa đến ở.

        Có anh Tuyên cao tuổi hơn cả, chừng 27 tuổi, còn bọn chúng tôi hầu hết đang độ tuổi 19 - 20. Chính tại lán Nà Lừa này, tôi lại càng thấm thía hơn về nhiệm vụ của tiểu đội cận vệ đặc biệt. Tiểu đội được tách ra năm người làm báo vụ thông tin vô tuyến điện. Ngoài tôi, còn có các anh Phan Việt Bắc, Phạm Văn Quý, Đoàn Hồng Sơn, Hoàng Việt Huy. Chúng tôi ở lán chung với Bác.

        Đoàn học sinh Kim Hùng, 14 người ở lán một mái dưới chân dốc phía dưới lán của Bác. Đây vừa là nơi ngủ, vừa là lớp học. Giáo viên là tôi và anh Phan Việt Bắc. Ông Mét coi chung tất cả là hiệu trưởng. Ở cái lán điện đài cách lán Bác ở độ 15 mét, ban đêm anh Văn Lâm và Trần Đình đến ngủ; ban ngày tôi và hai ông người Mỹ gốc Hoa cùng làm việc. Hai ông kèm cặp giúp tôi nâng cao tay nghề để có thể tự mình đảm bảo việc thông tin điện đài ở Côn Minh sau khi hai ông về Trung Quốc.

        Được ít hôm, anh Phạm Văn Quý ốm, xuống làng nằm trạm xá; rồi đến anh Đoàn Hồng Sơn, lại đến anh Hoàng Việt Huy. Có anh ốm thật, nhưng có anh tránh gác đêm nên vừa ốm đã bảo ốm nặng. Tôi còn nhớ một buổi sáng, anh Hoàng Việt Huy ốm nằm trạm xá nhưng lại lên lán. Bác trông thấy liền hỏi:

        - Tối qua chú có gác không?

        - Dạ, không ạ.

        - Bác hỏi: Vì sao?

        - Dạ, cháu ốm ạ.

        - Ốm có ăn được cơm không?

        - Dạ, ăn được ạ.

        - Chú ăn được bao nhiêu bát?

        - Dạ, ăn được ba bát ạ.

        Bác cười hỏi: Vậy chú đòi ăn bao nhiêu bát nữa?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:08:37 am »


        Câu hỏi này thì Việt Huy không trả lời được. Đứng sau Bác, thấy Việt Huy im lặng, dáng vẻ lúng túng ngượng nghịu, tôi bỗng bật cười và thầm nghĩ: sao anh này lại trả lời Bác như vậy mà bây giờ im như thóc. Sao không trả lời ăn cháo loãng nửa bát, có được không!

        Thấy anh Huy im lặng, Bác quay lại hỏi tôi:

        - Sao chú Minh Đức chưa ốm?

        - Dạ, cháu cũng có thể ốm, Bác ạ.

        - Chú ốm xuống làng nằm trạm xá để tôi ở lại một mình?".

        Hôm đó, tôi thấy Bác quét gầm lán. Giang Lâm ở chung với phái đoàn Méc và Phờ-réng-khì. Tôi không bao giờ quên được cái cảnh Bác sống và làm việc ở cái lán tại chân núi Nà Lừa này. Lán của Bác là lán sàn cao hơn 1 mét không có vách liếp, không có ngăn đôi hai gian; sàn không rải dát, không có trải thảm hay chiếu. Dát sàn chỉ là những cây nứa ken khít nhau theo chiều dọc. Bác ngủ theo chiều dọc các cây nứa, có tấm chiếu cá nhân rách và một chiếc màn một. Tôi nằm cùng sàn, phía dưới chân Bác, theo chiều ngang của sàn ghép nứa. Với sàn nứa này, nằm ngủ cũng khá đau lưng, nhưng với tuổi 19 - 20 của tôi, hễ ngả lưng xuống là ngủ ngay, nên cảm giác khó chịu, đau lưng chỉ là khi mới nằm hoặc khi tỉnh giấc.

        Mỗi đêm tôi thường thức gác hai giờ, gác ngay cạnh lán. Tiểu đội cảnh vệ gác vị trí khác, cách lán chừng năm sáu mét. Khi về lán Nà Lừa, tiểu đội được tăng cường anh Hoàng Hữu Kháng. Anh làm quản lý nhà ăn, nên khi đó gọi là anh Lý. Về sau, anh Lý được điều đi làm quản lý Trường Quân chính kháng Nhật khóa I. Trong kháng chiến chống Pháp, anh làm Cục trưởng Cục Bảo vệ Nội vụ với tên chính thức là Kháng.

        Đầu tháng 6 năm 1945, Bác Hồ ốm rất nặng, bệnh đậu phát ban. Tiếng Tàu gọi là bệnh píu sề (phát ban). Hàng tuần Bác không ăn uống được gì, luôn mê sảng. Hiểu căn bệnh của Bác khá hiểm nghèo, chúng tôi vô cùng ái ngại. Anh Văn lo lắng lắm. Ngày ngày, sáng - trưa - chiều - tối, anh đều lên thăm, theo dõi sức khoẻ, bệnh tình của Bác. Biết Bác không ăn được cơm, anh bảo tôi tìm khoai lang luộc để Bác ăn, nhưng Bác cũng không ăn được. Anh còn bảo tôi lấy củ ráy giã nhỏ bọc lá chuối vùi trong gio bếp nóng sau đó lấy vải bọc để lau chân, tay cho Bác.

        Những ngày tháng ấy, chúng tôi thấy sự sống của Bác thật mong manh. Mỗi lần thấy Bác nằm mê man, tôi không cầm được nước mắt. Trước tình cảnh đó, anh Văn nghĩ ngay đến việc báo cho cán bộ địa phương tìm ông, bà lang nào giỏi đến chữa bệnh cho Bác.

        Mấy hôm sau, tôi thấy anh Văn đưa một bà trạc 55 tuổi, đi nhanh lên lán Bác. Bà mặc áo nâu váy đen, lưng đeo túi lưới đựng đầy lá thuốc nam và loại thuốc cao thực vật. Đây là bà lang người Trại đến chữa bệnh cho Bác. Sau một lúc sờ trán và chân, tay của Bác, bà quay ra nói với anh Văn: "ông Ké bị ốm quá mức rồi? Bây giờ, phải hòa ngay thuốc này cho ông Ké uống". Vừa nói, bà cụ vừa lấy trong túi lưới một gói thuốc đem hòa vào một bát nước. Rồi bà cụ và anh Văn đỡ Bác ngồi dậy để Bác uống hết bát thuốc. Khi bà cụ về, tôi còn xin một ít thuốc giải nhiệt. Bà vui vẻ đưa cho tôi một miếng cao thực vật và dặn hòa với nước để uống.

        Chiều hôm đó, Bác có đỡ và tự ngồi được, nhưng mới chỉ uống ít nước cháo loãng. Dần dần bệnh Bác thuyên giảm. Mấy hôm sau sức khoẻ Bác tạm hồi phục. Tôi mừng vô hạn. Thế là Bác đã qua khỏi một căn bệnh rất hiểm nghèo. Sau khi Bác khỏi bệnh, tôi được chuyển hẳn sang làm công tác chuyên môn mà tôi được đào tạo là công tác báo vụ thông tin. Đây là một chặng đường hoạt động mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM