Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:18:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26802 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:57 am »


        Giải phóng Điềm He

        Sau cuộc mít tinh mừng thắng lợi, khoảng 3 giờ chiều, cơ sở ta ở biên giới Việt - Trung cho biết biệt động quân của Tưởng có khoảng một đại đội đang tiến theo con đường cái vào đồn Pò Mã để can thiệp. Toàn phân đội và đội vũ trang rút lên các cao điểm, dân ở phố chợ cũng cho sơ tán hết. Ta sẵn sàng đối phó. Gần 4 giờ chiều, bọn biệt động quân có khoảng gần một đại đội tiến theo con đường cái vào chợ không dám lên đồn, khoảng 15 phút sau, chúng lũ lượt kéo nhau về bên Tàu. Về sau mới biết bọn chúng vào một nhà đào vàng do chủ nhà người Hoa chạy sang Trung Quốc báo. Toàn phân đội sau khi thực hiện xong nhiệm vụ ở lại khoảng 3 đến 4 ngày, giúp địa phương quét bọn thổ phỉ và bọn phản động, củng cố các đội tự vệ và đội vũ trang địa phương.

        Ngày 14 tháng 5 năm 1945, toàn phân đội tiếp tục tiến xuống địa phận huyện Bình gia (bản Cù, bản Cảo) thuộc xã Hoa Thám ngày nay. Gặp các đồng chí cán bộ địa phương Bình Gia và Bắc Sơn, có các đồng chí Hà Tân Cương, Hà Khai Lạc, Giang Nam, Cự, Quốc Hưng (Quốc Hưng, Giang Nam là anh ruột Chu Văn Tấn). Các đồng chí trao đổi tình hình về phong trào địa phương và bọn Tây, Nhật, bọn phản động và đảng phái phục quốc. Các đồng chí cho biết:

        Quân Nhật kéo vào Bình Gia, Bắc Sơn nhưng bị các đội vũ trang hai huyện chặn đánh ở đèo Tam Canh. Nhật bỏ chạy, rút về tỉnh hết, hiện nay bang Pảo chạy từ Cao Bằng về nhà ở Văn Mịch. Đi theo nó có hai tên lính trang bị súng.

        Sau khi nghe xong tình hình địa phương hai huyện và đề nghị các đồng chí địa phương, trước mắt phải giải quyết bang Pảo (nhà ở Văn Mịch), chúng tôi cùng đội vũ trang địa phương nhanh chóng tiến xuống Văn Mịch, đưa thư cho bang Pảo, kêu gọi về theo Việt Minh, bang Pảo không trả lời, ta tiếp tục cử cán bộ đến gặp nó và kéo theo cả lực lượng vũ trang, cuối cùng thì bang Pảo và hai tên phản động cũng xin theo Việt Minh và nộp súng cho ta.

        Trong hai ngày 17 và 18 tháng 5 năm 1945, phân đội chia làm hai hướng, một hướng do đồng chí Liên Đoàn phụ trách, tiến qua địa phận huyện Văn Lãng vào Hội Hoan gặp đồng chí Gia Cát, tức Hoàng Văn Kiểu phối hợp với đội vũ trang địa phương tiến xuống huyện Điềm He chuẩn bị đánh đồn Điềm He.

        Một hướng tiến xuống Bình Gia vào thị trấn Bình Gia, rồi tiến qua huyện Bắc Sơn, truy quét bọn bảo an, do đồng chí Đàm Minh Viễn, đồng chí Diệp Lộc với tôi phụ trách. Khoảng ngày 6 tháng 7 năm 1945, hướng do đồng chí Liên Đoàn và đồng chí Hoàng Văn Kiểu chỉ huy phối hợp cùng đội vũ trang địa phương tiến công đồn Điềm He, ở huyện ly Điềm He. Nhưng tên tri châu đã bỏ chạy, còn lại tên đồn trưởng và 30 lính khố xanh. Khoảng tháng 5, bọn Nhật đưa thóc gạo và muối đến tích trữ ở đồn Điềm He. Trận đánh dự định vào cuối tháng 5. Đêm 21 tháng 5, bộ đội hành quân đến Điềm He nhưng do Lương Nhân, tên trưởng bạ phản động báo Việt Minh sắp đánh đồn nên tên đồn trưởng bỏ chạy, rút về tỉnh gần hết số lính khố xanh. Chỉ còn mấy tên lính gác ở lại bị ta bắt. Dân tự động bắt tên trưởng bạ Lương Nhân, nhưng sau khoan hồng tha cho tội chết. Ta huy động dân vào thu chiến lợi phẩm. Ba ngày ba đêm mới lấy hết thóc gạo và muối dự trữ ở đồn chia cho dân.

        Sau trận đánh thắng lợi, nhân dân càng tin tưởng Việt Minh. Bà con mổ lợn, mổ bò khao quân. Các cơ sở quần chúng quanh huyện lỵ Điềm He được xây dựng và phát triển rất nhanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:41:23 am »


        Thu phục lý Khoắn và thu nhận một bộ phận Phục quốc quân

        Khoảng đầu tháng 8 năm 1945, cấp trên cho biết: lý trưởng Khoắn (tức Nông Xuân Nhu) tổ chức bảo an theo Nhật ở địa phương (khu Yên Hùng), thuộc huyện Bình Gia (giáp huyện Na Rì) chống lại Việt Minh, không cho nhân dân tiếp xúc cán bộ Việt Minh. Cán bộ địa phương huyện Bình Gia yêu cầu chủ lực Giải phóng quân và các đội vũ trang hai huyện (Bắc Sơn, Bình Gia), dùng lực lượng vũ trang tiến vào để thị uy. Cán bộ chính trị địa phương vào thuyết phục lôi kéo lý Khoắn, nhưng nó không tiếp mà còn dùng lực lượng vũ trang chống lại.

        Theo lệnh cấp trên toàn phân đội chủ lực Giải phóng quân và các đội vũ trang hai huyện Bắc Sơn, Bình Gia tập trung đánh vào sào huyệt của lý Khoắn. Hai ngày đêm phân đội chủ lực đã tiến vào sào huyện của địch. Bọn chúng chạy tán loạn lên rừng, ta tiếp tục truy quét gần 15 ngày liên tục, cho cán bộ chính trị địa phương kêu gọi bọn bảo an về với cách mạng và tổ chức họp dân giải thích cho dân hiểu về chính sách Việt Minh, mặt khác kêu gọi tên cầm đầu ra thú tội sẽ được hưởng khoan hồng. Gần một tháng sau, lý Khoắn ra tự thú và chấp thuận theo ta. Cũng vào khoảng đầu tháng 8 năm 1945, tôi và Ké Lộc đang thu xếp hành trang trở lại Bắc Sơn huấn luyện tiểu đội Hà Tân Cương và tiểu đội của đội Bảo thành đơn vị chủ lực thì anh Đàm Minh Viễn cho gọi chúng tôi sang ngay gặp anh, có tình hình mới cần bàn.

        Cơ sở Na Sầm báo cho biết có một số anh em Phục quốc quân do Bồ Xuân Luật chỉ huy, độ hơn 100 người trang bị đầy đủ, có cả máy vô tuyến điện và máy quay tay (ra-gô-nô) để phát điện. Họ có tiền Đông Dương mua bán đàng hoàng. Họ có ý định vào lập căn cứ địa ở Bắc Sơn do một người ở Bắc Sơn tên là Tạo đưa đường.

        Hồi học ở Trung Quốc, anh Đàm Minh Viễn và tôi biết ở Lạng Sơn có một đội quân của Phục quốc quân bị chủ Nhật bỏ rơi và Pháp lợi dụng thời cơ trả thù, thẳng tay tàn sát nên phải chạy sang lánh nạn bên Trung Quốc. Tàu Tưởng có ý đồ lợi dụng số anh em này nên tổ chức thu dung họ. Anh em ta tiếp xúc tuyên truyền vận động được một số ít người hiểu rõ ý đồ của Tàu Tưởng đã bỏ hàng ngũ Phục quốc quân đi theo Mặt trận Việt Minh (trong số này về sau có người đã trở thành cán bộ cao cấp của quân đội ta).

        Anh Đàm Minh Viễn, Ké Lộc và tôi thống nhất chủ trương cứ để cho họ vào sâu, bắt liên lạc và thuyết phục họ hợp tác với Việt Minh đánh Nhật. Tuyệt đối không tổ chức đánh chặn dọc đường. Sau đó, họ đi theo con đường tắt từ biên giới Trung - Việt qua huyện Văn Lãng, huyện Bình Gia vào Bắc Sơn đi đến tận Mỏ Nhài. Đến Mỏ Nhài, lực lượng dân quân tự vệ ở đây ngăn chặn không cho họ đi tiếp nữa. Họ có tiền cũng không mua được gì. Họ tìm gặp Ké Lộc phụ trách hai tiểu đội du kích ở đó. Ké Lộc báo với tôi. Khi đó, anh Đàm Minh Viễn, Ké Lộc và tôi đã từ thị trấn Bình Gia sang Bắc Sơn trước. Biết tin Bồ Xuân Luật, người chỉ huy đội quân Phục quốc đó đề nghị gặp cấp trên của Việt Minh, anh Đàm Minh Viễn bảo: "Được, cho Bồ Xuân Luật đến gặp, đơn vị phải đóng ở Mỏ Nhài, không được kéo quân sang". Anh bảo tôi đem theo một tiểu đội phục kích ở chỗ đường hẻm nhất đề phòng họ tráo trở. Anh Viễn hẹn gặp vào buổi trưa nhưng họ không đến và đưa thư qua Ké Lộc hẹn ngày thứ hai mới sang gặp được. Anh Viễn trả lời "đồng ý" và bảo tôi rút quân về, không phục kích nữa. Ông Bồ Xuân Luật lại bắn tin sang: "Tôi sẵn sàng theo các ông Việt Minh đánh Nhật và trao cả người và cả vũ khí và máy V.T.Đ nữa, miễn là các ông bảo đảm an toàn cho tất cả chúng tôi".

        Anh Viễn trả lời "Rất hoan nghênh!". Buổi trưa hôm đó, ông Bồ Xuân Luật đến gặp đúng hẹn và giao cho ta cả vũ khí, máy V.T.Đ và ra-gô-nô. Chúng tôi mở tiệc chiêu đãi ông ta và mấy người cùng đi. Cùng dự tiệc, có anh Đàm Minh Viễn, Ké Lộc và tôi.

        Như vậy tổng kết lại từ thượng tuần tháng 3 năm 1945 đến trung tuần tháng 8 năm 1945, sau khoảng 5 tháng làm nhiệm vụ Đông tiến, phân đội Việt Nam Giải phóng quân chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Phân đội đã mở rộng căn cứ địa Cao Bằng sang các châu Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia, Bằng Mạc, Điềm He, Bắc Sơn của Lạng Sơn và đánh thông được con đường giao thông liên lạc giữa hai tỉnh. Chỉ riêng có phủ Cao Lộc là do các đồng chí Việt Minh ở đó chủ động phồl hợp với Quân giải phóng đấu tranh giành chính quyền, khi Quân giải phóng tiến vào phủ Cao Lộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:42:29 am »


NAM TIẾN TRÊN HƯỚNG PHÍA ĐÔNG CAO BẰNG

Trung tướng ĐÀM VĂN NGỤY         

        Từ năm 1940, cơ sở cách mạng đã được cắm sâu trong nhân dân các dân tộc thuộc các làng, bản: Tịnh Đà, Nội Chiếm, Lâm Xuyên, Đường âm thuộc miền Tây huyện Thạch An; nay gọi là xã Quang Trọng, Minh Khai, Canh Tân, Đức Thông. Lúc bấy giờ nơi này còn là một vùng rừng núi cao, hiểm trở, cũng là vùng sâu vùng xa và giáp giới của ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn.

        Khi phong trào Việt Minh lên cao, các hội quần chúng được ra đời: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc... rồi hình thành các Đội du kích, đội tự vệ mạnh. Xã nào cũng có vài chục du kích, tự vệ hoạt động bảo vệ phong trào, tiễu trừ bọn Việt gian, mật thám theo Pháp, Nhật. Trước tình hình đó thực dân Pháp lập một đồn ở Pò Bấu để đàn áp phong trào do một tên bang tá chỉ huy với 35 lính khố xanh. Đồn Pò Bấu nằm trong xã Quang Trọng, án ngữ cả một vùng giáp ranh ba tỉnh, hòng thực hiện âm mưu chống phá cách mạng và ngăn ngửa sự phát triển của phong trào lan rộng ra trong vùng.

        Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp ở thị xã Cao Bằng tháo chạy theo đường phía Nam qua đồn Pò Bẩu đi về hướng Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Cạn.

        Bọn ở đồn Pò Bẩu cũng chạy theo đường phía Nam với quân Pháp. Chớp thời cơ trăm năm có một, cơ sở cách mạng tại đây đã lãnh đạo du kích, tự vệ cùng nhân dân các xã nổi dậy Khởi nghĩa cướp chính quyền, phá đồn, tịch thu kho thóc phân phát cho dân đang trong cảnh thiếu đói. Trước khí thế bừng bừng cách mạng của nhân dân, bọn quan chức ngụy quyền, lính dõng cũng ra hàng phục và nộp súng đạn cho cách mạng. Địa bàn và công tác quần chúng ngày càng phát triển rộng. Có thêm lực lượng, có thêm vũ khí ta lại thành lập thêm những đơn vị Việt Nam Giải phóng quân mới trong các xã miền Tây Thạch An tỉnh Cao Bằng do đồng chí Đàm Minh Viễn với bí danh là kỹ sư lãnh đạo chung (đồng chí Đàm Minh Viễn là anh trai đồng chí Đàm Quang Trung và còn là ủy viên Ban Chấp hành Tổng Bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng). Đội này lúc đầu thành lập chỉ có 50 đội viên, sau đồng chí Tuần trực tiếp chỉ huy đơn vị này Đông tiến về xuôi theo ngả Cao Bằng qua Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn, phát động quần chúng toàn huyện Tràng Định bắt Châu đoàn đầu hàng quân giải phóng, nộp toàn bộ súng của linh dõng trong toàn châu. Quân giải phóng nhanh chóng làm chủ tất cả các xã trong châu Tràng Định từ thị trấn Thất Khê huyện lỵ ngày nay là quân Nhật đóng ta tiếp tục vận động tuyên truyền nhân dân tiến lên tiêu diệt phát xít Nhật, giải phóng thêm châu Thoát Lãng (là Na-sầm bây giờ) vận động được nhiều thanh niên nhập vào quân giải phóng, đưa lực lượng ta có quân số tới gần trăm người.

        Đến cuối tháng 4 năm 1945, trung đội nữa do đồng chí Hoàng Long Xuyên chỉ huy từ Cao Bằng cũng phát triển xuống tới vùng phía đông châu Tràng Định nhập vào đội đi trước, hình thành một lực lượng lên đến trên một trăm người, tập trung lại đánh chiếm đồn Pò Mã do một đơn vị bảo an binh dưới sự chỉ huy của Nhật chiếm đóng (đồn Pò Mã thuộc xã Quốc Khánh ngày nay). 5 giờ sáng ngày 1-5-1945, quân ta nổ súng, đến 12 giờ trưa ta chiếm xong đồn Pò Mã, giải phóng luôn mấy xã miền Đông châu Tràng Định.

        Đến giữa tháng 5 năm 1945, ta chia lực lượng thành 2 đội mỗi đội có trên 100 quân (đại đội) - Một đội tiến về hướng Châu Bình Gia, Bắc Sơn, Điềm He, Bằng Mạc, Cao Lộc... xoay quanh thị xã Lạng Sơn do đồng chí Đàm Minh Viễn chỉ huy; đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì vào giành chính quyền ở thị xã Lạng Sơn. Đội thứ 2 tiếp tục hoạt động ở châu Tràng Định, Thất Khê và Na Sầm, đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền và tước vũ khí của quân Nhật tại Thất Khê, Na Sầm, do đồng chí Lê Thiết Hùng chỉ huy.

        Đội do đồng chí Đàm Minh Viễn chỉ huy, sau khi giành được chính quyền ở Lạng Sơn, để lại một bộ phận nòng cốt làm nhiệm vụ quân quản; còn đại bộ phận tiến về hướng nam, để giải phóng thị xã Bắc Giang.

        Tôi đã có mặt ở lực lượng giải phóng quân trên cánh Đồng thì tháng 3 năm 1945. Sau khi tiêu diệt đồn Pò Mã, thành lập đơn vị mới, tôi được phái sang đơn vị này cùng đồng chí Lê Thiết Hùng chiến đấu ở Tràng Định, Thất Khê, Na Sầm, giành chính quyền và tước vũ khí quân Nhật rồi tiếp tục chiến đấu với quân Quốc dân đảng phản động ở biên giới Việt - Trung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:43:23 am »


MỪNG THẮNG LỢI, MỞ ĐƯỜNG NAM TIẾN

NÔNG VĂN LẠC (Lão thành cách mạng)       

        (Trích trong cuốn “Ánh sáng đây rồi"  của đồng chí Nông Văn Lạc, Nxb Văn học)

        Tháng cuối năm, công tác càng bộn rộn. Phấn khởi nhất là đã khai thông được đường Nam tiến, bắt liên lạc xuống tận dưới xuôi. Việc này có nhiều ý nghĩa quyết định đối với phong trào cách mạng cả nước.

        Đồng chí Văn cho biết thượng cấp có chủ trương cho chúng ta tổng kết việc khai thông đường Nam tiến và kinh nghiệm mở rộng cơ sở nhanh chóng ở các vùng dân tộc. Đồng chí nói: “Các đồng chí đã về đầy đủ, nên bàn ngay. Chiều mai tôi còn phải ra liên tỉnh, chắc có nhiều tình hình mới. Các đồng chí nhớ tranh thủ tắm giặt, khâu vá. Mượn được kéo thì giúp nhau cắt tóc, cho cái đầu nhẹ nhõm một tí". Đồng chí Trọng Khánh vừa cười vừa nói: "Cũng chịu đựng quen rồi. Nhiều lúc quần áo hôi hám, ngồi gần các hội viên, thấy xấu hổ. Nhưng các đồng chí cũng thông cảm chúng mình thôi". Đồng chí Kháng nói xen vào: “Nhưng hôm nay có điều kiện cho phép ta làm nhẹ nhõm con người, ta cứ làm". Đồng chí Hiền, giọng chậm rãi: "Tớ phải khâu lại cái quần xong mới tắm được. Loay hoay mở gói ra, còn một cái quần đã rách nhiều chỗ, chỉ khâu cũng chẳng còn, hỏi ai cũng không có. Tôi thấy đồng chí tước ít lạt giang làm chỉ. Vừa khâu, vừa nói: "Chúng mình chủ quan đấy, bằng này người mà không có ít chỉ để khâu vá". Có đồng chí nói: "Thiếu gì, ở trong rừng đâu chẳng có!".

        Người giặt, người khâu. Đồng chí cắt tóc kêu kéo cùn quá kéo này anh em để cắt bờm ngựa thôi. Đồng chí Ích Hậu đang hút điếu thuốc kêu rin rít vội đặt xuống, thở phào một cái rồi nói: "Kéo của vợ tớ đấy, để tớ liếc mấy cái cho, sẽ cắt được, ở nhà tớ thường làm thế".

        Chiều họp, đồng chí Văn nghe thêm các đồng chí báo cáo tình hình, sau đó bàn kỹ mục đích tổ chức hội nghị tổng kết phong trào và việc khai thông thắng lợi đường Nam tiến. Tôi được giao nhiệm vụ sang gặp các đồng chí phụ trách tổng Hoàng Hoa Thám và tổng Thể Rục bàn việc phục vụ như tìm địa điểm và lo vật chất cho hội nghị. Đồng chí Văn nhấn mạnh: kỳ này họp vào những ngày gần tết lo cho ý nghĩa ngày tết nữa nhé! Có giải quyết được không? - lánh, gạo, thịt, rượu không lo. Nhưng về tinh thần cần lo cái gì nhiều, đồng chí bảo cho biết".

        - Này nhé, mời đại biểu ban tổng, xã, đội nữ xung phong Minh Khai đến động viên hứa hẹn với nhau trong công tác, có quà kỷ niệm, chuẩn bị vài bài hát". Vừa nói, đồng chí Văn xem thư Liên tỉnh mới gửi vào. Liên tỉnh cho biết có tin Tây sắp cho lính về đóng thêm đồn dọc đường từ Cao Bằng vào Nguyên Bình, Cao Bằng đi Ngân Sơn. Những tin đồn ấy có thể có. Hàng năm, ngày gần Tết bọn chúng thường tăng cường canh phòng, lùng bắt cán bộ. Điều ấy ta không muốn, nhưng nếu xảy ra thật thì cũng là một dịp để rèn luyện tinh thần đấu tranh của quần chúng cách mạng. Kinh nghiệm năm 1942 đã chứng tỏ, tuy có khó khăn lúc đầu, sau phong trào lại lên gấp năm, gấp mười lần.

        Sáng hôm sau, tôi sang tổng Hoàng Hoa Thám. Trên đường đi, vào thăm kho thóc xã Đức Chính. Gần địa điểm đã nghe tiếng cười, tiếng hát động cả khu rừng. Đồng chí Liên vừa thấy, liền chạy ra báo cáo một cách say sưa: “Ban Việt Minh xã cho chúng tôi về làm thêm kho. Cả những người chưa vào hội, cũng đến xin ủng hộ đoàn thể hàng trăm cân thóc. Ta có nên lấy không?" - "Có thể nhận, nhưng mình chuyển lấy, không cho họ biết kho". Đồng chí Liên hai tay xoa lên đầu, nói: "Khó lắm! Mấy ngày qua, cả xã cho mấy chục người đi làm kho thóc, ai cũng biết mình làm kho ở hướng này". Tôi vào xem kho, nói chuyện một lúc, rồi đi gặp đồng chí Kháng - phụ trách khu Quang Trung, bàn kế hoạch chuẩn bị hội nghị. Chúng tôi đi xem địa điểm rồi quay về, vào nhà anh Ninh ở Trấn Bằng, mượn nhà này làm nơi liên lạc cho hội nghị. Anh Ninh hãi tay xách hai ống định ra lấy nước ngoài suối, vội đặt ống vào vách nhà, nói: "Sáng nay ở đây ăn cơm rồi đi đâu sẽ đi". Vợ và con gái ở gian trong ra chào và bắt tay. Đồng chí Kháng hỏi chuyện làm ăn, rồi hỏi: Đoàn thể định mượn nhà đồng chí làm nơi liên lạc, có được không? Anh nói: "Được. Còn lấy cái gì nứa nhà tôi có cũng giúp ngay. Nhà tôi nhờ đoàn thể Việt Minh mới mở mặt với anh em được đấy. Đứa con lúc nãy chào các đồng chí, năm nay lên chín tuổi, đã đọc được a b c rồi. Cháu hay hát Việt Minh Pia rạng sâu lắm".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:43:41 am »


        Anh Ninh ngừng lại, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói giọng buồn buồn: “Vợ chồng tôi khổ cực lắm. Tôi vốn là người Nùng, có hai anh em trai, bố mẹ chết sớm, họ hàng không có. Anh tôi đưa tôi đi lang thang xin ăn khắp nơi, lúc ấy anh tôi mười lăm tuổi, đi mãi, đi mãi, tối đâu ngủ đấy. Nhiều lúc nhịn đói. Một hôm, anh đưa tôi đến nhà bác On, người Dao Tiền ở xã Kim Mã, rồi anh tôi đi đâu không biết. Nghe chủ nhà nói đã cho anh tôi năm đồng, để tôi ở lại đấy. Ngày qua tháng lại chẳng thấy về, tôi tưởng anh đã chết. Mãi nhiều năm sau, anh về tìm tôi, anh cho biết anh đi ở với lý trưởng Vọng ở bản Um. Lúc này, tôi đã đi ở rể, làm khổ lắm, nhưng vợ và gia đình rất thương. Lấy nhau tám năm chưa có con, đi bói đâu họ cũng nói số hiếm con. Mãi năm kia mới đi tìm được một con nuôi, cháu ngoan lắm, biết thương bố mẹ". Đồng chí Kháng nói: "Đoàn thể Việt Minh khuyên bảo các dân tộc chúng ta đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau như anh em cùng một nhà. Cái nghèo khổ và khinh miệt dân tộc là do bọn đế quốc gây nên". "Đúng lắm, tôi cũng nghe nhiều cán bộ nói là không phân biệt dân tộc, sau này ai cũng có cơm ăn, việc làm, được học hành, tôi tin lắm. Hai năm nay vợ chồng tôi đỡ buồn, đỡ khổ, đi đâu mới dám ngửa mặt nhìn anh em, có tiếng nói, tiếng cười với các đồng chí. Nhiều lúc nước mắt cứ trào ra. Nhờ đoàn thể mới cởi được cái tủi nhục".

        Vợ bưng mâm cơm ra, tủm tỉm cười và nói: "Các đồng chí ăn bát cơm không với bố con Mùi". Đồng chí Kháng nhìn mâm cơm. "Có thịt mà sao đồng chí bảo chúng tôi ăn cơm không!". Chị cười rồi bước nhanh vào trong bếp, bưng thêm bát canh thịt gà nấu nấm hương tươi, thơm phức. Anh Ninh nói: "Năm nay rét sớm lại có mưa, nấm mọc nhiều lắm, tôi kiếm cũng đủ tiền muối, mỡ và sắp sửa vài thứ cho ngày Tết".

        Cơm xong, tôi cùng dộng chí Kháng đến nhà đồng chí chủ nhiệm Việt Minh xã bàn tìm thêm một địa điểm dự bị.

        Trở về đến cơ quan, thấy đồng chí Thiết Hùng và đồng chí Ngọc Đinh đang bàn tổ chức tập quân sự trong dịp Tết và việc canh phòng giữa các địa phương với nhau. Tôi hỏi: "Đồng chí Văn chưa về à?" - "Chưa thấy về". - "Việc chuẩn bị cho hội nghị thế nào?" - "Kết quả lắm". Nhưng quân sự không bàn được kỹ. Còn đương nói, có đồng chí nữ Xuân Dung lên báo tin chiều nay có lính cơ về bắt phu, hắn đã đi xã Phan Thanh. Đồng chí Thiết Hùng dặn đồng chí Xuân Dung về cho người đi theo dõi ngay, phải báo cho xã Đức Chính biết, nhưng đừng làm quá lộ. Nếu có gì, cho người về báo cáo. Xuân Dung nói: "Các đồng chí cứ yên trí, mọi công việc tôi đã bàn với đồng chí Quân và đồng chí Trọng rồi". Miệng nói tay mở cái túi, đưa ra mấy gói: "Hôm nay đi chợ Nguyên Bình mua cho các đồng chí ít thức ăn và giấy, mực. Chắc chắn hôm nay hết thức ăn rồi". Đồng chí Thiết Hùng nói: " Chúng tôi ở đây được các đồng chí giúp nhiều thế, thấy đầy đủ lắm, nhất là món chủ lực như mắm tôm và gừng không bao giờ thiếu. Hôm nay các đồng chí tiếp cho lại càng thêm dồi dào".

        Đồng chí Xuân Dung vừa về, tôi xem lại, thấy ngoài thức ăn và giấy mực còn có chuối, bánh rán.

        Chúng tôi còn bàn xem tên lính này về bắt phu hay làm gì. Sáng sớm, tôi đi gặp đồng chí Gia Thái và đồng chí Phấn Đấu ở Khuổi Linh nắm tình hình tên châu đoàn Nhâm. Đến chiều, đồng chí Phấn Đấu mới đến, cho biết châu đoàn đi ăn cưới mới về, say còn nằm thẳng cẳng ở nhà, quần áo lấm bết, giày cũng không biết tháo ra.

        Chúng tôi bàn nhau, bảo đồng chí Phấn Đấu theo dõi tiếp Còn đồng chí Gia Thái cần mở thông đường từ Nà Lừa lên Cốc Cổng, lên Thâm Dùng qua xã Năm Ty, bắt mối với tổng Trần Hưng Đạo.

        Tôi quay về cơ quan. Đồng chí Văn cũng vừa đến, thêm mấy cán bộ nữa. Đồng chí Văn nói: "Các đồng chí của ban liên tỉnh bổ sung cho Nam tiến đấy. Thượng cấp đánh giá rất cao phong trào và việc khai thông đường Nam tiến. Đây là phần thưởng chung cho tất cả chúng ta. Có phần thưởng riêng cho đội mũi nhọn, đội nhảy dù nữa" - "Tối nay ngủ hơi chật, có thể phải ngủ úp bát mới được". Ngọc Đinh lẩm bẩm: "Năm nay rét sớm, chắc được mùa ngô, mùa lúa. Che kín chỗ này và đốt thêm lửa mới ngủ được". Nhiều ý kiến không cho đốt lửa, rét cũng phải chịu, để giữ bí mật.

        Càng khuya rét càng dữ, sương mù dày đặc, rơi lả tả như mưa phùn.

        Tờ mờ sáng, tôi mò xuống gần làng, chờ gặp đồng chí Xuân Dung lấy thêm gạo và lương khô để các đồng chí đi công tác. Đến bờ sông, Xuân Dung cũng vừa lội qua suối. Tôi dừng lại, Xuân Dung bước tới, tôi hỏi ngay: "Có gì gấp không?" - "Chả có gì, tên lính chiều qua về rồi, nó định bắt hai xã này lấy 15 phu đi khiêng hàng vào đồn Bảo Lạc. Mới được 8 người. Nói đến phu tải hàng vào Bảo Lạc, người ta chạy hết, vì có bốn cái sợ: sợ bị đánh đập, sợ đi xa, sợ gánh nặng, sợ leo dốc cao".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:43:58 am »


        Tôi quay về, có đồng chí còn co ro trong chăn chưa dậy. Ngọc Đinh loay hoay nhóm bếp, đun nước rửa mặt. Có người nói ừ à dưới chăn: "Rét lắm, rét lắm. Nấu cơm ăn sớm cho ấm bụng mới làm việc". Nghe nói nấu cơm sớm, đồng chí Thiết Hùng biết đến lượt mình làm, cứ lủi thủi đi tìm nồi, hỏi ăn rau gì, nấu bao nhiêu gạo. Tuy có phân công, nhưng mọi người đều giúp một tay xong bữa cơm.

        Ánh nắng cũng xua tan dần những đám sương mù, tia nắng mặt trời rọi qua lùm cây, ai nấy mò ra gốc cây tìm Chỗ nắng ngồi sưởi. Có đồng chí nói: "Mới bắt đầu đi hoạt động bí mật, thấy rét cũng sợ, nhưng trải mấy năm nắng mưa, rét buốt, cái da cũng quen dần". Đang nói chuyện về rét và ăn uống, nghe tiếng đồng chí Văn gọi về họp. Đồng chí Văn nói về tình hình thế giới. Đồng chí nhấn mạnh tình thế có lợi cho cách mạng. Ta phải mau mở rộng cơ sở, củng cố các ban chấp hành, các đội tự vệ, tích cực lo sắm võ khí và quyên thóc. Củng cố đường Nam tiến và đánh thông nhiều đường về xuôi, những công tác cấp thiết cả.

        Tôi báo cáo kết quả việc chuẩn bị cho hội nghị tổng kết.

        Địa điểm, định lấy Khuổi Triền, nơi liên lạc là nhà anh Ninh ở Trấn Bằng. Chỗ này kín đáo, đường tiến lui cũng dễ. Ở đấy sẵn lá chuối và và, nứa làm nhà, rau rừng cũng sẵn. Việc tự vệ canh gác, đã bàn với đồng chí Kháng, lấy trung đội võ trang khu Quang Trung do đồng chí Hoàng phụ trách về canh gác. Có việc gì thì đánh cũng được và đưa đường cũng được. Thịt lợn có một con: bánh, rượu và các món khác đều đảm bảo chắc chắn.

        Đồng chí Trọng Khánh và đồng chí Quyền báo cáo về việc đánh thông đường Ngân Sơn đi châu Na Rì sang châu Bình Gia, sang Bắc Sơn, xuống Võ Nhai, theo con đường họ hàng, đồng canh trong đồng bào Dao mà đi.

        Đồng chí Văn tính đốt ngón tay và nói: "Còn khoảng nửa tháng ta họp. Đồng chí Trọng Khánh, đồng chí Quyền tiếp tục nhiệm vụ đã giao, đồng chí Thuật sang gặp đồng chí Kháng hỏi lại những việc đã bàn có gì trở ngại, tôi cũng đi cùng với. Hồi đồng chí đi tổng Trần Hưng Đạo, tổng Đội Cung1 (Bí danh của những địa phương thuộc huyện Nguyên Bình và huyện Ngân Sơn bây giờ) để gặp đồng chí Đắc, đồng chí Hồng Quân và đồng chí Hiển, đồng chí Thơ xem việc gây cơ sở tây bắc huyện Chợ Rã, tây nam huyện Nguyên Bình. Tình hình phía ấy nghe báo cáo phấn khởi lắm. Qua dãy núi Phia Giạ, giáp huyện Tuyên Quang - Hà Giang có thể chắp mối với khu Thiện Thuật, đồng chí Bình Dương và đồng chí Kim Dao đã phát triển xuống cơ sở nhà đồng chí Cao hay nhà đồng chí Xùng Á Lơ, người Mèo ở Mạ Khao, Phia Pảng. Vận động đến ngày 20 tháng 12 ta, các đồng chí về tập trung dự hội nghị tổng kết, mỗi khu vực được về hai đồng chí. Việc mở lớp huấn luyện quân sự cho các đồng chí đại đội, trung đội tự vệ chiến đấu cũng rất cần. Kỳ này ban liên tỉnh nhấn mạnh lắm. Đồng chí đi chú ý tìm địa điểm ở tổng Hoàng Hoa Thám hay tổng Trần Hưng Đạo1 (Bí danh của những địa phương thuộc huyện Nguyên Bình và huyện Ngân Sơn bây giờ). Số người lần này tập trung có thể khoảng một trăm, cả hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn. Nơi tập có thể bắn súng, hô to không lộ, tiếp tế thuận lợi và có cây làm nhà". Đồng chí Thiết Hùng nói, nếu chuẩn bị kịp thì mở vào dịp Tết.

        Tôi xuống làng chuẩn bị lương khô đi Khai Quang. Giao thông đưa đi xã Vạn Kiếp tìm đồng chí Thơ, đồng chí Đắc ở Bạch Đằng, đồng chí Hồng Quân xã Triệu Âu, giao nhiệm vụ cho đồng chí Văn giao. Đến hôm quay về đồng chí Hiển ở tổng Đội Cung, bàn việc mở cơ sở xuống vùng Tày và Dao, củng cố đường liên lạc giữa châu Kháng Pháp từ Khuổi Ngoại qua Lũng Huyền, Pia Chảng đi Khuổi Ha qua núi Cứu quốc2 (Núi Cứu quốc (Pha Bióoc) thuộc huyện Chợ Rã) sang Nà Lâm, Thâm Nựng đi châu Kháng Nhật và cho giao thông đi đón đồng chí Lý Công về hội nghị tổng kết. Xong xuôi, mới quay ra tổng Thế Rục kiểm tra việc chuẩn bị hội nghị.

        Về tới cơ quan, đồng chí Văn hỏi sao chậm thế, định cho thư "hoả tốc" đi gọi về.

        Hôm sau lại đi sớm, rét buốt cóng cả chân tay. Đến bản Nà Sang rẽ xuống Khuổi Triền. Những đám mây mù lơ lửng trên đồi khe suối cũng tan dần. Đến nhà anh Ninh, gặp đồng chí Anh, đồng chí Hoàng đang ăn cơm sáng trong nhà. Các đồng chí và anh Ninh thấy tôi đến vội ra mời và bảo con gái lấy nước nóng rửa chân tay rồi vào ăn cơm luôn. Cơm nếp nấu với bí đỏ chấm muối vừng. Đồng chí Hồng Binh ở trong địa điểm vừa ra đón, nói: "Trong đã làrn cơm cho mấy đồng chí rồi đấy". Cháu Mùi lại xới cơm nếp đầy ắp, đưa tận tay đồng chí Hồng Binh và nói "ăn cho đỡ rét".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:17 am »


        Cơm xong, Hồng Binh giục đi ngay. Lội qua khúc suối này đến khúc suối khác, tê buốt cả chân tay. ánh nắng loáng thoáng rọi qua tàu lá chuối, những hạt sương rơi lả tả như mưa. Tôi hỏi: "Còn xa lắm không? Hôm nọ tôi và đồng chí Kháng định làm ở khoảng này sao giờ lại đi xa thế - "À, phải rồi, còn vào trong nứa. Làm ở đây gần đường đi đồn Ben Le, nói to nó có thể nghe được".

        Tôi nhớ lại cách đây mấy năm, có lần cùng anh em phải đi phu khiêng cột gỗ nghiến cho bọn Tây làm nhà nghỉ mát, mỗi cây có sáu đến tám người khiêng, có người không may gầy chân, mà không được đền đồng xu nào còn bị chửi, ăn bạt tai. Hồng Binh nói, cứ nhả miếng nước giầu đỏ chói xuống nước chảy loang loáng cả chân. Bỗng nghe tiếng ồn ào phía trong vọng ra: "Đâm đi! Đâm đi!”. Tôi hỏi: "Đâm cái gì, các đồng chí?" - "Đâm cá đấy. Đêm qua rét quá, cá cũng co mình lờ đờ ở khe đá. Ra sớm kiếm ít con nấu với hoa chuối, ngon lắm! Rét thế này, các đồng chí ở đâu về sớm thế - Cứ đi thẳng vào lối này là đến nhà ở. Tôi cũng kiếm vài con cá nữa sẽ về sau”.

        Tôi đến lán, thấy đồng chí Tranh Đấu, đồng chí Tô Vũ đang vặt lông chim trĩ. Các đồng chí đặt chim xuống, hai tay xoa xoa vài cái vào quần rồi lấy ống nước đặt gần bếp, tay cầm thêm mấy cái bát làm bằng gốc tre, róc nước mời và nói: "Đêm qua rét lắm, đi soi chim trĩ, nhưng ánh sáng không tốt, nên chỉ được ba con. Làm cháo một con, còn hai con này làm quà cho các đồng chí". Đồng chí Tô Vũ đi vác thêm mấy khúc củi về đốt cho chúng tôi sưởi. Lửa mỗi lúc một đỏ, làm cho những lá chuối lợp lán khô dần. Đồng chí Thiết Hùng nhìn lên rồi nói: "Không khéo cháy nhà". - "Không lo, đây sẵn lá, chỉ nháy mắt là khối lá lợp". Đồng chí Hồng Binh xếp gọn đồ đạc rồi cũng chạy ra vác thêm vào mấy khúc, làm khói um cả nhà.

        Các bộ phận lần lượt báo cáo, nghe qua thấy khá chu đáo. Riêng củi và rơm để chống rét còn thấy ít, cần thêm.

        Đồng chí Văn hỏi: "Còn gạo, thịt, bánh và việc canh phòng phải đi kiểm tra lại. Tổ chức nắm tình hình những xã quanh đây, nhất là tên châu đoàn Nhâm và xã đoàn Thức, phải giao cho trung kiên bám cho chặt".

        Mọi công việc bàn xong, trời cũng vừa tối. Theo sự phân công sẵn, người nấu cơm, người kiếm thêm lá chuối về lợp lán, người kiếm hoa và nõn chuối về làm rau. Càng tối, sương mù càng nhiều. Thỉnh thoảng như có cơn mưa rào nhỏ. Có đồng chí cho là mưa xuân, có đồng chí cho là mưa này rét thêm, trâu bò già dễ chết.

        Đồng chí Văn bước vào bước ra xem đống rơm, đống củi rồi hỏi đồng chí Kháng: "Củi, rơm có đủ dùng không?” - "Củi đốt không lo, nhưng mưa này, đi kiếm rơm hơi khó. Ruộng ở đây ít, rơm lại xấu, rơm nương thì rặm lắm, không làm ổ ngủ được, phải đi xa kiếm mới được, nhưng mưa to nữa thì ướt, đem về rải nằm không được đâu. Lấy củi đốt là chính" - "Làm cách nào thì làm, đừng để anh em rét quá”.

        Đến lúc đi ngủ, ai cũng rủ người về nằm với nhau cho ấm. Đống lửa của đồng chí Kháng đang đỏ rực. Có đồng chí nói: "Lửa vừa đỏ lại có nhiều trâu chắc ấm lắm thì phải". Câu chuyện "con trâu” (con rận) thành chuyện vui của mọi người. Nhiều đồng chí đã ngủ, ngáy khí khò. Có đồng chí dậy thổi lửa rồi kêu rét hơn hôm qua, ngồi co ro sưởi và keo mảnh chăn mỏng của mình đắp cho đồng chí đang ngon giấc. Cả đêm thay nhau thức giấc vì cái rét quái quỷ này.

        Rồi đêm rét buốt dài đằng đẵng đã trôi qua. Mấy đồng chí nhăn nhó dậy vươn vai, trên người còn đầy tro tàn và rơm rạ. Có đồng chí vẫn nằm co quắp ngay bên đống lửa, quần áo đầy bụi tro trắng xóa. Đồng chí Tô Vũ đã dậy, nói lẩm bẩm: "Bên thì nóng như thiêu, bên thì lạnh như tiền. Một lúc phải quay mình ngay, không đảo nhanh thế thì chín mất" đồng chí nói chầm chậm, ai cũng phải bật cười. Có đồng chí nói: "Cái nằm của Tô Vũ kể cũng đặc biệt, mùa rét nằm sát đống lửa; mùa hè nằm trên cây". Anh em thường gọi là giường Tô Vũ chỉ cần ba cành: một ngáng dưới, hai cành buộc hai bên, là nằm.

        Trời tuy sáng đã khá lâu, nhưng sương còn che lấp cả khe sâu này, mọi người còn xúm gần lửa. Mấy đồng chí làm bếp mà cũng kêu cái vành tai sắp rụng. Lại bàn việc ăn, ở, đón khách, việc canh phòng, việc ăn tết. Việc đi công tác trong mấy ngày Tết cũng cần được chuẩn bị gấp. Còn hai ngày nữa đã đến hội nghị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:33 am »


        Các đại biểu đã tới trạm liên lạc ngoài nhà anh Ninh. Đồng chí nào cũng đeo lắm thứ: bao gạo, lương khô, ống nước, nắm rau, cái hoa chuối... nếp sống của cán bộ ở trong rừng đã thành thói quen. Anh em khắp nơi kéo về, nhưng đồng chí đội trưởng đội khai thông đường Nam tiến, đồng chí Lý Công1 (Đồng chí Nông Văn Quang hiện nay là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái) chưa đến.

        Bỗng có ánh sáng ở ngoài vào, nghe tiếng cười giòn lại có tiếng nói "lắp". Đồng chí Thơ vội dậy, nghe ngóng. Đúng rồi, giọng của Lý Công. Bước đi, nhìn thấy mặt, đúng Lý Công, đúng Lý Công. Tiếng reo, tiếng chào tíu tít. Đồng chí Văn ôm đồng chí Lý Công, chào thắng lợi, rồi kéo đồng chí ấy vào ngồi gần đống lửa đang cháy đỏ hừng hực, Lý Công cười thật to, đón bát nước anh em rót cho, vừa nhìn vừa hỏi các đội về đủ, anh em khoẻ cả chứ? Đồng chí Khánh hỏi đồng chí Lý Công có khoẻ không? - Khoẻ lắm, có cái chân mỏi một chút, cả mắt cũng mỏi. Mấy ngày mấy đêm nay đi luôn, nhưng qua trạm nào cũng được các đồng chí đưa đón tốt lắm. Sáng nay, đến xã Vạn Kiếp, vào nhà đồng chí An Biên, vợ đồng chí nấu cơm, có thịt nai khô xào nấm hương, ăn xong lại cố đi. Có mệt, nhưng gặp nhau, nói chuyện thế là hết mệt". Nhiều đồng chí hỏi xuống dưới có gặp nhiều đồng chí du kích Bắc Sơn không? - Có, nhưng bí mật, bí mật?".

        Có tiếng cười, tiếng hát ở ngoài vọng vào, mỗi lúc một gần. Đồng chí Kháng dòm ra rồi reo lên: Chủ nhiệm Việt Minh xã Hoa Thám, chủ nhiệm Việt Minh châu Lê Lợi2 (Một số xã thuộc vùng dân tộc Dao huyện Hòa An và huyện Nguyên Bình) và mấy đồng chí nữa, hai người khiêng một con lợn. Mọi người vội chạy ra đón và rồi hỏi sao về được sớm thế? Mang cái gì nhiều thế? - Quà các hội viên gửi biếu hội nghị.

        Ăn cơm xong, hút thuốc lào, thuốc lá "sừng bò". Tuy ngồi gần đống lửa; nhưng đồng chí nào cũng đem cái "tập-póc"1 (Bật lửa của người Dao làm bằng sừng trâu, gộc tre, đá trắng với sợi dây thép) ra thi nhau, cái của tôi nhạy, cái của anh đẹp, có đồng chí chỉ một hòn đá trắng nhỏ với khúc dây thép uốn lại cũng đem ra thi bật thử xem cái nào ra nhiều lửa và bén mồi nhanh hơn. Đồng chí Đắc khoe tài cái bật lửa của mình vừa đẹp vừa nhậy, bật cái nào bén mồi cái ấy.

        Đồng chí Văn ở ngoài vào, vừa đi vừa xem đồng hồ và nói gần tám giờ rồi, ta họp thôi. Cuộc họp nào cũng vậy, dù nhiều người hay ít người đều bầu chủ tịch, thư ký, giới thiệu đại biểu, rồi nói tình hình thế giới và trong nước.

        Mới gần ba năm, chúng ta làm nhiều việc quan trọng mà trước kia chưa dám nghĩ tới, cơ sở quần chúng có tổ chức đã rộng khắp, phát triển mạnh lại được củng cố, nhiều nơi gần được hoàn toàn như tổng Thế Rục, tổng Hoàng Hoa Thám, tổng Đội Cung, tổng Trần Hưng Đạo, tổng Chí Kiên... thuộc các châu Nguyên Bình, Hòa An, Bảo Lạc (Cao Bằng), Tân sơn, chợ Rã, chợ Đồn (Bắc Cạn). Lực lượng tự vệ cũng được tổ chức khắp các xã, hầu hết đã được huấn luyện, các đội tự vệ chiến đấu cũng được chọn lọc và trang bị bằng súng kíp, số lính dõng được tổ chức khá, khi cần có thể thêm súng khai hậu. Cán bộ đã được rèn luyện trong đấu tranh nhiều mặt. Các ban Việt Minh, Ban Chấp hành các giới được củng cố và các lớp huấn luyện về nhiệm vụ và công tác của các giới cũng mở rộng được nhiều. Đó là điều thắng lợi thứ nhất.

        Điều thắng lợi thứ hai là khai thông được con đường Nam tiến xuyên qua núi, cánh đồng từ châu Nguyên Bình qua các châu Ngân Sơn, Chợ Rã, Bạch Thông tới Chợ Đồn, chẳng những khai thông mà còn được mở rộng, nhiều nơi liền với nhau về cơ sở, đã bắt được liên lạc với dưới xuôi. Con đường Nam tiến có ý nghĩa thật quan trọng. Khai thông được đường này là nhờ có đường lối chính sách Việt Minh và sự chỉ đạo đúng đắn của thượng cấp và sự phấn đấu tích cực, gan dạ, chịu đựng gian khổ, không sợ nguy hiểm của tất cả chúng ta. Nhiều đội đáng học tập, như đội "Cóc nhảy", đội "Nhảy dù” của đồng chí Lý Công, rất dũng cảm, không sợ gian nguy, tin tưởng tuyệt đối vào quần chúng các dân tộc.

        Tiếng hoan hô không ngớt. Hai đồng chí ngồi gần, xốc đồng chí Lý Công đứng dậy để anh em nhìn và hoan nghênh vỗ tay. Đồng chí Thơ ngồi gần đống lửa, mặt đỏ hồng, cũng vùng dậy, dang hai tay ra và nói: "Hát bài Cùng nhau đi Hồng Binh, liều thân ta vì nước...". Đồng chí Lý Công có lẽ cảm động, thấy định nói gì, miệng mấp máy lâu chưa ra tiếng, một lúc nghe tiếng lắp, lắp: "Công, công này là công tất cả chúng ta góp lại, công lớn nhất là công của các hội viên, quần chúng đã hiểu chính sách Việt Minh, hăng hái đi tuyên truyền, tổ chức người vào hội, nhất là có anh em họ hàng, đồng canh xa mấy cũng đi, tuyên truyền cách làm này kết quả lắm".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:50 am »


        Đồng chí Văn đề nghị đồng chí Lý Công nói nhiều về kinh nghiệm để hội nghị nghe.

        Ngoài đội Lý Công, còn đội nữ xung phong Minh Khai, đội Đông tiến, Tây tiến, các đội củng cố hậu phương cũng có nhiều thành tích lớn. Các đội Nam tiến với các đội hậu phương gắn bó với nhau, cùng nhau góp phần khai thông đường Nam tiến.

        Về công tác tuyên truyền giáo dục đường lối cũng được bàn nhiều. Chính sách của Việt Minh, nâng cao hiểu biết về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc, đem đặt các tên bí mật của địa phương, của đồng chí nói cho dễ nhớ, dễ thuộc, thích hợp với sự hiểu biết từng dân tộc, từng lứa tuổi, từng đối tượng khác nhau, nhằm giáo dục động viên lòng yêu nước, đoàn kết các dân tộc như: Tổng Hoàng Hoa Thám, tổng Thế Rục, tổng Chí Kiên, tổng Trần Hưng Đạo, núi Cứu Quốc, rừng Phan Thanh, khu Quang Trung, châu Lê Lợi, châu Kháng Pháp, các đồng chí Đề Thám, Tán Thuật, Giao Thông, Bí Mật, Giúp Nhau, Việt Minh, Việt Nam, Quyết Tâm, Trưng Trắc, Trưng Nhị... Còn có những bài thơ, ca, lượn, hát, ngắn gọn để phổ biến, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và nhớ lâu Cán bộ cũng như hội viên, quần chúng các dân tộc đều ưa thích.

        Về trị an trong xã hội, bọn kỳ lý cũng phải công nhận: Từ khi có Việt Minh, trộm cắp, chửi nhau, kiện cáo về ruộng đất, cờ bạc, rượu chè, trai gái bớt rất nhiều; người Dao thân mật đi lại với người Tày nhiều hơn trước. Bọn kỳ lý chỉ đoán mò, nhưng có phần đúng. Mối thù giữa các dân tộc do đế quốc gây nên rất sâu sắc. Đồng chí Trọng Khánh ngồi cạnh đồng chí ăn, nói: "Nó đã đặt ra những câu rất đau: Sưa kin mèo, Keo kin Tày, Tày kin Sam pản, Sam pản kin đâu kin tôm" (Con cáo ăn con mèo, người Kinh ăn người Tày, người Tày ăn người Mán, người Mán thì ăn đất, ăn củ nâu). Nói thế độc lắm, đau lắm".

        - Chúng ta đều biết đấy là thủ đoạn chia rẽ dân tộc gây thù hằn, mất đoàn kết với nhau để bọn chúng ngồi trên lưng hí hửng cười ta. Vừa qua, các đồng chí ta làm tốt, tốt lắm, các đồng chí Kinh hay Tày Nùng, hay Mán đến công tác ở với dân tộc nào đều được quý trọng, bảo vệ, mọi công việc cán bộ giao quần chúng hội viên đều làm đầy đủ, không nề hà. Nếu biết cán bộ ốm, ở cách xa làng thế nào cũng vượt đèo lội suối về thăm, cho ống gạo ngon, cho quả trứng, nải chuối, ít mật ong. Những cử chỉ ấy động viên chúng ta rất nhiều. Đường Nam tiến được khai thông càng nhiều thuận lợi.

        Đồng chí Văn nói tiếp:

        - Thượng cấp đã đánh giá cao thành tích của hai đội xung kích khai thông được con đường mà nơi gặp nhau ở xã Nghĩa Tá thuộc châu Chợ Đồn, thượng cấp đã nhất trì đặt tên xã này là xã Thắng Lợi để kỷ niệm, để biểu dương thành tích tất cả chúng ta ở đây, cũng như các đồng chí ở Bắc Sơn.

        Tiếng hoan hô vang động. Đồng chí Thơ đứng dậy điều khiển bài hát Kết đoàn rồi nghỉ ăn cơm trưa.

        Buổi chiều, đồng chí Văn trình bày những thuận lợi, những khó khăn trong bước đường đi của cách mạng đối phó với âm mưu của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Phong trào lên mạnh, công việc cũng dễ sinh chủ quan, sơ hở, địch có thể khủng bố. Phương hướng công tác năm nay, theo chủ trương của liên tỉnh, là đẩy mạnh tốc độ phát triển, tích cực củng cố cơ sở quần chúng, đồng thời chấn chỉnh các đội tự vệ, nhất là tự vệ chiến đấu, chú ý rút kinh nghiệm về vận động quần chúng ủng hộ thóc gạo, tiền để sang năm có nhiều cuộc vận động mới.

        Cuộc trao đổi bắt đầu, đồng chí nào cũng muốn nói. Đồng chí Lý Công được phát biểu trước.

        Tiếng pháo tay hoan hô kéo dài. Chủ tịch hội nghị hô hào hát bài “Pí noọng ơi, ngắm nghị tỉnh boong rà”. (Anh em ơi! Ngẫm nghĩ tỉnh ta xem...). Nghe đồng chí Ích Hậu ở bếp cất tiếng: chào các đồng chí. Nhiều đồng chí nhìn ra. Đồng chí Trọng Khánh giới thiệu với hội nghị hai đoàn ớ  biểu của tổng và hai xã đến chào mừng, có mang quà cho nữa. Lại tiếng hoang hô vỗ tay. Đồng chí Hồng Quân đứng nói: “Chúng tôi đại biểu của tổng Thế Rục và của hai xã đại diện cho các giới và ban Việt Minh, có đồng chí nữ Tự Quyết, đội trưởng đội xung phong Minh Khai cũng đến chào mừng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:45:09 am »


        Hồng Quân được hội nghị hoan nghênh nhiệt liệt. Tiếp đến, đồng chí Tự Quyết vừa đại diện cho chấp hành phụ nữ xã vừa đội trưởng xung phong Minh Khai phát biểu: "Phụ nữ trước đây người dưới bếp, đúng như bài hát Đang mẻ nhinh rà, dú trong quốc gia, mí phích mò mạ (Thân phụ nữ ta, ở trong một nước, không bằng trâu ngựa). Đoàn thể Việt Minh đã đến cứu thoát cái tủi nhục, tối tăm ấy cho chị em chúng tôi. Hôm nay thay mặt chị em trong xã và đội xung phong Minh Khai đến chào mừng thắng lợi các đồng chí...".

        Trời vừa xâm xẩm tồi, tiếng hoan hô lẫn tiếng vỗ tay lái kéo dài. Đồng chí Văn xem đồng hồ rồi cho anh em nghỉ để chuẩn bị ăn cơm và tìm cách chống rét đêm nay.

        Hội nghị chưa kết thúc, không khí liên hoan thân mật tình đồng chí, tình cán bộ. Sống trong gian nguy, người Nam kẻ Bắc, hàng năm, nhiều đồng chí cũng chẳng được gặp nhau, hôm nay lại có các đồng chí đại biểu đến chào mừng hội nghị, càng thêm nhộn nhịp. Người lo cơm nước, người lo củi rơm.

        Đồng chí Ích Hậu cười khì khì rồi nói: "Có vài món ăn, không lo, chỉ cái đựng thiếu, biết như thế đi mượn ở xã dưới cũng được". Đồ đựng thức ăn đều bằng cây vầu, mâm bằng lá chuối. Đồng chí Đắc đứng đằng sau nghe rồi cười: “Thế cũng sạch sẽ, lại không phiền ai phải mang đi mang lại ăn xong của rừng trả rừng, đến đâu cần lại làm lấy, tiện nhất". Đồng chí Đắc vừa nói một tay chống lên háng, tay cầm điếu "can" hút thuốc lá phập phồng, phập phồng quay vào báo tin sắp được ăn rồi.

        Tiếng mõ kêu canh cách giục mọi người đi ăn cơm. Anh em đến đông đủ. Đồng chí Văn nói: "Hôm nay ăn liên hoan và ăn Tết chào mừng thắng lợi, khai thông đường Nam tiến mừng phong trào đang lên. Có thịt, có bánh, còn có “lẩu". Nhưng thiếu cái đựng, ai có cái đựng thì rót, nếu không cứ chuyển tay tu tuỳ sức từng người". Tiếng cười khúc khích với lời chúc nhau, vừa chuyển chai rượu tới tay.

        Đêm đến, đống lửa sưởi mỗi lúc một rực sáng đồng chí quản ca thổi còi gọi mọi người về góp vui. Đồng chí Thơ nói: "Tối liên hoan hôm nay, hát, lượn, thơ ca để góp vui, giải trí, nhưng cũng để cùng nhau ôn lại chủ trương, đường lối, chính sách của đoàn thể Việt Minh. Mở đầu bài Kết đoàn, bài Cùng nhau đi Hồng binh, bài đang Mẻ nhình rà, bài Vườn không nhà trống. Cuộc vui kéo dài đến khuya, càng rét nhưng vẫn sôi nổi. Ban tổ chức vẫn giục đi vác củi về bỏ vào đống lửa cháy đỏ. Bỗng nghe tiếng: "Á-lô, á-lô, đêm đã khuya, cái rét đêm nay ác hơn đêm qua nhiều, anh em phải chuẩn bị rơm để nằm, củi để sưởi".

        Lại một đêm rét buốt dài dằng dặc. Tiếng còi inh ỏi báo sáng, nhiều đồng chí đã nhốn nháo dậy, có đồng chí vẫn ngồi gật gù bên bếp, trên mình đầy tro và rơm rạ. Có đồng chí chạy ra ngoài, vươn vai uốn mình. Đồng chí Đắc, hai tay gạt đống rơm, ngẩng đầu lên rồi nói: "Còn tối om thế này đã còi?". Nhưng mọi người dậy rồi đồng chí cũng ngồi xổm bên đống lửa, tay sờ soạng cái túi lấy thuốc nạp vào điếu “can", châm lửa rồi ra ngoài, hai tay xách hai ống xuống suối lấy nước về, đặt vào bếp đun để rửa mặt và uống.

        Ăn bánh xong, nhiều đồng chí chưa được uống nước, chủ tịch hội nghị đã thổi còi gọi họp. Cố làm hôm nay cho xong để kịp lên đường, tranh thủ công tác trong mấy ngày Tết. Mọi đồng chí tiếp tục phát biểu những kinh nghiệm thực tế của mình.

        Các đồng chí đều hoan nghênh báo cáo của đồng chí Văn và kinh nghiệm của đồng chí Lý Công. Tất cả đã cho hội nghị nhìn thấy già trẻ gái trai các dân tộc vùng cao vùng thấp, nô nức vào hội. Không những thế, một số gia đình có trong thôn xã như thủ bạ, lý trưởng, phó lý, kỳ mục, xã đoàn, lính dõng cũng xin vào hội. Dân tộc Dao Tiền có người làm đến quan châu, chánh quản, động trưởng cũng vào Hội. Ai cũng nói rằng con trâu đêm ngủ trong rừng còn biết quay đít vào nhau, quay đầu ra ngoài để chống thú rừng. Con người mình không bằng con trâu, con ngựa a? Sao để đứa nước ngoài đến áp bức, bóc lột như thế?

        Đồng chí Trọng Khánh nói: Anh em càng nghĩ thấm thía càng hăng hái làm việc. Có lúc anh em lại sợ thằng Tây nhiều quân lính, nhiều súng, cả xe tăng. Tôi lấy bài hát Vườn không nhà trống ra phân tích thì ai cũng lại gật gù lại bảo khen cán bộ nói đúng. Thế thì nhất định Việt Minh sẽ đánh được Tây, đuổi được Nhật khỏi đất nước.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM