Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:33:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 26780 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:35:13 am »


        Đứng trước tình hình có nhiều diễn biến khó khăn phức tạp nên cần có sự điều chỉnh phân công lại một số cán bộ. Hai đồng chí Bắc Hợp, Tích Cao trở lại phụ trách các xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Linh Mai. Đồng chí Nông Văn Lạc trở lại phụ trách hai xã Tam Lọng, Kim Mã; đồng chí Đồng Sơn (tức Doanh Hằng) về phụ trách chung châu Ngân Sơn; hai đồng chí Hoàng và Thương phụ trách xã Hoa Thám; các đồng chí Hải Quỳnh, Minh vẫn đảm nhiệm vùng Phia Bioóc đến Bản Ti; Vũ Yến, Trần Hồ Trọng phụ trách phía nam Chợ Đồn.

        Cán bộ nói chung đều có ý thức cảnh giác cao. Mỗi đồng chí đều ý thức tự rèn luyện tác phong kiên quyết, nhạy cảm nhanh nhẹn, linh hoạt trước mọi sự việc diễn biến phức tạp hàng ngày. Địch đến xóm này ta lánh xóm khác hoặc lên rừng. Địch rút đi, ta kịp thời trở lại nắm sát tình hình tư tưởng, tinh thần quần chúng.

        Qua một thời gian thử thách khá quyết liệt, dù địch khủng bố gay gắt, các châu Nguyên Bình, Ngân Sơn nhìn chung vẫn giừ được phong trào. Tuy sự khủng bố có gây cho ta thiệt hại nhưng cơ bản chúng không dập tắt được ngọn lửa phong trào. Chúng vẫn không bắt được những cán bộ, đảng viên mà chúng định bắt. Ngược lại, càng khủng bố, chúng thấy ở nhiều địa phương số người đi hoạt động bí mật càng nhiều hơn.

        Tuy nhiên, bộ máy cai trị đàn áp của đế quốc vẫn điên cuồng, âm mưu chống phá càng xảo quyệt, hành động càng dã man, khốc liệt hơn. ông Trương Văn Ngưỡng xã Kỳ Chỉ bị chúng đưa từ nhà giam ra xử bắn tại châu lỵ Nguyên Bình. Chúng lại còn cắt đầu ông bêu chợ Páo Mặn. Hành vi độc ác ấy hòng làm nhụt nhuệ khí đấu tranh cách mạng của quần chúng. Anh Chu Văn Nình (như đã kể ở phần trên) một hội viên người Dao Tiền và anh Sáng người dân tộc Nùng cũng bị chúng đưa ra xử bắn tại đồn Phai Khắt. Chúng lại còn bêu đầu các anh ngay đầu xóm Phai Khắt, đầu đường đi về các thôn bản thuộc Tam Lọng, Kim Mã và Hoa Thám. Anh Nình bị bắn chỉ vì có kẻ đi báo nhà anh ủng hộ hội nghị tổng kết công tác Nam tiến một con lợn. Các gia đình có người đi hoạt động bí mật đều bị chúng dở hết nhà cửa đi dựng đồn bang tá và trại lính đồn Nà Bao. Không chỉ nhà cửa bị phá dỡ, mà ruộng đất cũng bị tịch thu. Ở Kim Mã, Tam Lọng, nhà cửa các anh Dương Văn Long, Vĩnh Hoa, Quốc Toàn... cũng không còn. Chúng phá dỡ đi làm đồn, trại lính ở Phai Khắt. Tháng 8 năm 1944, một tên chánh tổng phản động khét tiếng ở Kỳ Chỉ dẫn lính đến bao vây rừng bắn chết đồng chí Mệnh Tấn đang công tác ở địa phương. Tháng 10 năm ấy, ông Dương Mạc Quý đi liên lạc bị tai nạn ở Phiếng Sa. Chúng bắt tuần tổng Lộc giam ở nhà tù Cao Bằng, sau đó đưa về xử bắn tại xóm Đông Chiếm, Kỳ Chỉ. Dân chúng cả hơi xã này đều phải bỏ nhà cửa, bị chúng dồn đi tập trung ở một số làng khác. Chúng điều thêm lính về đồn Gỏi Chua chính giữa xã Gia Bằng. Tiếp theo có thay đổi lính mọi. cuối cùng là lính thuỷ đánh bộ. Lương thực hàng ngày của lính đều là thóc gạo của các nhà có người đi hoạt động bí mật; dĩ nhiên chúng cướp cả lợn, gà, rau cỏ. Ngày đêm chúng sục sạo tuần phòng liên tục khắp xóm làng. Lê Khắc Phổ, tri châu Nguyên Bình đích thân lên xin quan thầy nhận máy chém về dựng giữa phố chợ Nguyên Bình. Chúng chuẩn bị ráo riết cho những đợt khủng bố trắng khủng khiếp hơn.

        Nhưng, mọi âm mưu thâm độc của chúng càng bày đặt thêm thì tình hình thế giới và trong nước càng thay đổi. Tình hình đó đã báo hiệu ngày tận số của bọn chúng đã điểm.

        Về phía Bắc Cạn, sau vụ lính cơ bị ta bắn chết ở Đồng Phúc hồi tháng 4 năm 1944, Pháp tăng thêm lính các đồn Chợ Rã, Yến Thịnh và châu lỵ Chợ Đồn. Chúng lập thêm đồn bang tá ở tổng quận do tên bang tá Bức cầm đầu một trung đội khố xanh. Lập thêm đồn này chúng hòng chặn ngang đường phía nam châu Chợ Đồn.

        Sau vụ đồng chí Mỹ Thanh bị hy sinh ở Thiều Quang, phía Ngân Sơn bọn Pháp tăng thêm mức độ khủng bố. Trong các cuộc đi sục sạo có một vụ chúng điều lính từ các đồn Ngân Sơn, Bằng Khẩu và đồn Ben-le lên càn vây khu rừng Slùng Vành. Đó là khu rừng mạn bắc dãy Khau Giáng. Chúng bắt ép dân mỗi nhà ít nhất một người cùng đi với các toán lính. Chúng biết lùa dân đi cùng cũng chẳng công hiệu gì lớn về mặt quân sự. Nhưng càn vào rừng có người dẫn lối và sự trà trộn dân với lính cũng có tác dụng phần nào làm lá chắn cho chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:35:33 am »


        Tháng 8 năm 1944, mật vụ càn khá lớn vào rừng Khuổi Mãn rồi sang cả Khuổi Co. Đến đây, chúng phát hiện nơi mở lớp huấn luyện quân sự thứ ba của ta. Bọn chỉ huy phần nào bàng hoàng hoảng hốt. Chúng xua lính vào các lán trại và cả nơi nấu nướng dưới bờ suối. Có bếp lò vẫn còn ít than hồng. Chúng rất hoảng hốt khi thấy tấm da trâu vùi đất chôn kín bên khe. Nhưng bọn chúng thực sự khủng khiếp hơn cả là khi trông lên thấy trên cửa ra vào một cái lán rộng có biển đề "Trung đội thứ 12". Thế là bọn chúng lè lưỡi, ra hiệu cho nhau vội vàng lẳng lặng rút lui.

        Như vậy địa điểm này đã bị lộ. Những ngày sau đó, quản chiểu Sliệu tức chuẩn uý Chu Ứng Sliệu vừa được thăng chức càng tỏ ra hung hăng, trung thành với quan thầy gây thêm nhiều tội ác đối với đồng bào người Dao và xã Hoa Thám. Trung đội lính dõng của y cùng với toán lính đồn Bằng Khẩu nhiều lần càn đi càn lại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ông Bàn Văn Hoa là hội viên trung kiên bị chúng đưa ra bắn tại chỗ, lùa dân chúng cả xóm về châu lỵ Nguyên Bình sống dồn một chỗ. Trong số dân đó chúng bắt một số người còn trẻ có sức khoẻ về quản ở làng của Chu Ứng Sliệu. Họ bị quản thúc nhưng vẫn phải lao động cho nhà của y và đồng bọn. Vào cuối năm 1944, Hoa Thám là một trong số các xã có cuộc sống cực kỳ ngạt thở. Thế nhưng, các hội viên cũng như dân chúng vẫn trung thành với đoàn thể. Lính đến làng, hội viên cán bộ tránh lên rừng, địch đi rồi lại trở về nhà. Cứ như vậy, giằng co và chịu đựng. Tuy nhiên, cũng không ít cơ sở một vài hội viên có phần dao động bi quan tưởng rằng "thế là hết". Bởi số hội viên này khi được kết nạp kiểu "đánh trống ghi tên" thì có hiện tượng ấy, cũng không có gì lạ. Trước ngày địch mở những đợt khủng bố, chúng phản tuyên truyền đủ mọi luận điệu.

        Lượng thông tin từ đoàn thể cách mạng trong lúc khó khăn, lại hạn chế rất nhiều. Do vậy có không ít người hoang mang thậm chí mất lòng tin cũng là thường tình. Thực chất những người đó cũng chưa hẳn là xấu. Địch khủng bố quyết liệt. Chúng đã gây nhiều tổn thất về người, về của. Tình hình cách mạng khó khăn, bi quan đến đỉnh điểm. Có gia đình gần như không còn mở mắt, ngẩng đầu lên được nữa. Mất người, mất của, tài sản cơ nghiệp hầu như đổ sập, người thân đang bị giam trong nhà tù, tin tức liên lạc tạm thời đứt đoạn, có sự dao động cũng là dĩ nhiên.

        Tuy nhiên, ít nhiều, cơ sở nào cũng có số cán bộ đảng viên và hội viên làm trụ cột. Trong lúc sóng gió, số anh em này vẫn bằng mọi cách gặp gỡ riêng những đối tượng hội viên trung kiên để phân tích an ủi, động viên nhằm giữ được phong trào cơ sở của mình.

        Tháng 8 năm 1944, Ban liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng nhóm họp ở Lủng Sa. Hội nghị thảo luận phân tích tình hình diễn biến nhiều khó khăn, phức tạp, cuối cùng quyết định: cho khởi nghĩa từng phần. Cụ thể các địa phương sẽ chuẩn bị lương thực bằng cách dựng kho của giấu vào rừng; củng cố các đội tự vệ chiến đấu, cho mua sắm vũ khí... chờ khi có lệnh là nổi dậy phất cao ngọn cờ giải phóng, chia thành khu vực mà nổi dậy.

        Nhưng trong khi mọi người đang nô nức hăm hở thực hiện thì Bác Hồ trở về nước. Bác đến Cao Bằng nghe đồng chí Văn và các đồng chí trong Ban liên tỉnh báo cáo tình hình và quyết định của hội nghị Liên tỉnh ủy vừa họp xong.

        Bác cho ý kiến: "Phong trào lên, địch khủng bố là lẽ tất nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng". Phân tích tình hình thực tế, Bác nhận xét về nghị quyết của hội nghị Ban liên tỉnh: "Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước; mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Trong điều kiện bây giờ nếu phát động ngay, nhân dân nhất tề nổi lên đánh du kích theo quy mô và phương thức đã định trong nghị quyết, thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Có thể còn khó khăn hơn thời kỳ khủng bố vừa rồi. Bởi vì các địa phương khác trong toàn quốc tuy phong trào cách mạng đang lên cao, nhưng hiện chưa nơi nào có điều kiện vũ trang chiến đấu để sẵn sàng hưởng ứng. Tình hình khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai ra sao cũng chưa nắm được. Quân khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng đơn độc dấy lên, nhất định đế quốc sẽ mau chóng tập trung lực lượng đàn áp. Riêng về mặt quân sự thì cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt...".

        Vậy là các việc đang chuẩn bị được hoãn lại; đúng ra là dừng lại để chuyển hướng theo tinh thần chỉ chị của Bác; nghĩa là lúc này "chính trị vẫn còn trọng hơn quân sự".

        Từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1944, con đường Nam tiến đoạn từ Phía Bioóc đến châu Sơn Dương bị cắt nhiều chặng, mãi cho đến ngày đồng chí Xuân Trường bị hy sinh. Tuy nhiên, khi rút quân, đơn vị cũng chuyển được xác đồng chí ra ngoài mai táng. Đơn vị trở về đến Lũng Lừa mới dừng lại họp rút kinh nghiệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:36:01 am »


        Còn mãi dấu chân của Bác từ Pác Bó đến Tân Trào

        Ngày cách mạng ra công khai hoạt động sau Nhật đảo chính pháp (9-3-1945) khác nào một ánh sáng bừng lên xóa hết cảnh u uất tối tăm.

        Dấu chân của Bác đã in trên con đường này khi Bác từ Pác Bó về Tân Trào.

        Ngày 4 tháng 5 năm 1945, Bác cất bước từ Pác Bó. Cùng đi với Bác có một đoàn gồm cán bộ và chiến sĩ quân giải phóng bảo vệ. Đoàn có tất cả 25 người. Ngày ấy đồng bào các dân tộc ở khu căn cứ Việt Bắc mến gọi "Bộ đội ông Cụ". Trong đoàn có 10 học sinh mới ở hải ngoại về và có hai người Mỹ. Hành lý của đoàn quá đơn giản. Ngoài một vài thứ tư trang ít ỏi chỉ có một số phương tiện thông tin liên lạc cần thiết hàng ngày.

        Rời khỏi Pác Bó xã Trường Hà, Bác và bộ đội bảo vệ đi qua các xã Xuân Hòa, Đào Ngạn, Phau Ngọc thuộc châu Hà Quảng. Tiếp đó đoàn sang xã Nam Tuấn, Bình Long, Hồng Việt thuộc phủ Hòa An. Đến đây, Bác gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Đặng Văn Cáp, Lã... Bác nghe các đồng chí báo cáo tình hình triển khai các mặt ở địa phương và khu vực rồi Bác giao những nhiệm vụ khẩn thiết trước mắt.

        Ngày 9 tháng 5, đoàn tiếp tục lên đường từ dãy núi Lam Sơn hùng vĩ thuộc xã Hồng Việt đi sang Hoàng Tung, rồi qua xóm Thìn Tằng xã Bình Dương, xuống Khuổi Lầy, lên tổng Lèn (phía trong đồn Ben-le) tụt vào Khau Nam và đi xuống đèo Liềm Phường thuộc xã Thượng Ân. Chiều tối hôm ấy đoàn đến xóm Hoàng Phái xã Cốc Đán, và dừng chân nghỉ lại một đêm. Tối hôm đó Bác có buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân địa phương.

        Trước đó hai hôm, các đồng chí phụ trách xã Cốc Đán đã nhận tin mật: một đoàn bộ đội quan trọng sẽ đến và nghỉ lại một đêm tại địa phương. Số lượng khoảng ba chục người. Địa phương đã chuẩn bị gạo muối, thức ăn, chỗ nghỉ. Đặc biệt việc bố phòng canh gác tuần tra được tổ chức rất cẩn mật.

        Khi anh em trông thấy một đoàn người vào đến dưới Nà Vài thì ở Hoàng Phái đã nghe tiếng lợn kêu eng éc. Cho nên trong buổi nói chuyện, ông Cụ đã nhắc nhở khuyên nhủ cán bộ và quần chúng địa phương: "Nước ta còn nghèo. Ăn uống cần tiết kiệm, đừng xa phí. Công việc cách mạng và đời sống bà con còn phải chi dùng nhiều...".

        Lúc này cán bộ và quần chúng chưa ai biết Bác là Hồ Chí Minh mà chỉ biết "ông Cụ” này nhắc là "pỏ cốc" (ông Cụ gốc).

        Thấy Bác đã nhiều tuổi, đường dài, lại đi bộ thật vất vả, địa phương kiếm con ngựa để Bác đi đường đỡ mệt nhọc. Trước khi lên đường, Bác đưa các đồng chí địa phương một chiếc phong bì. Đoàn đi khỏi làng khá lâu anh em mới mở ra. Bác trả cho địa phương tiền cơm nước, đếm có bốn mươi đồng Đông Dương (lúc này ở địa phương 1 tạ thóc giá từ 1 đến 1, 2 đồng).

        Từ Hoàng Phái khởi hành, bộ đội ông Cụ đi vào Bản Pồm, đi xuống Khau Kẻ ra Nò Bán, Bản Và rồi qua sườn núi Toáng Bốm. Chiều tối đoàn đến nghỉ xóm Khuổi Mán thuộc xã Hà Hiệu, Chợ Rã. Ngày hôm sau đoàn đi tới thị trấn Chợ Rã. Dọc đường đi, Bác và đoàn dừng chân nghỉ ở Bản Hon, ăn trưa bằng cơm nắm. Các đồng chí phụ trách ở địa phương thu xếp để Bác vào xóm Pẻc Pén nghỉ, chứ không ở ngoài thị trấn.

        Xóm này vốn có một số gia đình là trí thức và quan lại cũ có một ít nhà rộng, khang trang nhưng các đồng chí lại thu xếp bác nghỉ ở nhà một nông dân thường, dĩ nhiên nhà cửa vẫn sạch sẽ thoáng mát.

        Hôm sau đoàn của Bác tiếp tục hành trình. Sáng sớm đoàn lên đường đi vào xóm Pác Phải rồi theo đường lên đèo Cáng Lò về phía tây nam dãy núi Phía Bioóc. Đi tới Pù Cút đoàn mới nghỉ trưa. Buổi chiều đoàn đi xuống Quảng Khê, Chợ Lùng rồi lên nghỉ ở xã Đồng Phúc.

        Hôm sau đoàn vượt đèo Đấu Hoàng, đến Bản Cải xã Phương Viên, châu Chợ Đồn. Khi đoàn vừa đến đây đã nhận được tin báo một toán quân Nhật từ thị xã Bắc Cạn vừa vào gần tới châu lỵ Chợ Đồn. Người địa phương bèn dẫn đoàn của Bác đi qua lối Bản Pút xã Bằng Viễn, vượt rừng Khuổi Luồng qua Kéo Báng rồi đi xuống Năm Cảng, Bản Lặc, Tủm Tó thuộc xã Bằng Lạng. Từ đấy đoàn sang Nà Kiên thuộc xã Nghĩa Tá. Bác và đoàn nghỉ lại đây hai hôm.

        Từ Nà Kiên đi về khu vực Tân Trào còn phải qua Bản Bảng (Nghĩa Tá), Bản Pình, Bản Pài - một nơi trong địa bàn giáp ba tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Cạn (cũ); tiếp đó còn đi qua đồn Cóc, các Làng Chụp, Làng Ngù thuộc châu Yên Sơn rồi mới đến xã Kim Quan Thượng và Kim Quan Hạ, Thanh La. Tới đây đoàn vượt đèo Chắn mới đến đình Hồng Thái thuộc châu Sơn Dương, ngày ấy gọi là châu Tự Do.

        Bác Hồ và đoàn cán bộ đến vùng Tân Trào vào ngày 21 tháng 5 năm 1945. Như vậy, dấu chân Bác in trên chặng đường mòn này thời gian là 20 ngày.

        Suốt chặng đường từ Pác Bó đến Tân Trào, đi tới đâu, nghỉ chân nơi nào, "Bộ đội ông Cụ” đều được quần chúng nhân dân địa phương hân hoan mừng đón. Nơi nào cũng vậy từ lúc đoàn đến tới khi đoàn đi khỏi đều để lại nhiều dấu ấn trong tâm tư tình cảm không bao giờ phai. Đã ngót 50 năm mỗi khi nhớ lại, cùng nhắc lại với nhau trong ký ức mỗi nét đều như mới hiện ra hôm qua! Hàng năm vào những dịp Tết hay ngày hội, các đám cưới hay kỳ yên, đồng bào vẫn muốn kể lại với nhau hàng chục, hàng trăm lần chuyện "Bộ đội ông Cụ” đến làng hay đi qua làng của mình. Người kể cũng như người nghe lúc nào cũng thấy câu chuyện xưa vẫn mới, dù đã qua nửa thế kỷ! Bởi những lời Bác nói, tình cảm quý mến cảm thông của Bác với các giới ở bất cứ địa phương nào đều được in sâu vào tâm khảm máu thịt đông đảo mọi người.

        Nhiều trạm Bác đến nghỉ chân địa phương sắm ngựa cho Bác đi đường đỡ mệt, nhưng cũng chẳng mấy quãng Bác đi ngựa. Phần lớn chặng đường Bác đi bộ cùng cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng.

        Các thế hệ con cháu của Bác trên mảnh đất này mãi mãi ghi nhớ và theo dấu chân của Bác đã đi từ Pác Bó đến Tân Trào một địa điểm mà lịch sử dân tộc ta sẽ ghi lại vĩnh viễn cho các thế hệ sau những sự kiện: thành lập khu giải phóng; Đại hội quốc dân cử ra Chính phủ lâm thời; phát lệnh Tổng khởi nghĩa dẫn tới sự thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:37:43 am »


NHIỆM VỤ CHỦ YÊU LÀ NAM TIẾN, TRƯỚC MẶT LÀ ĐÔNG TIẾN: HƯỚNG LẠNG SƠN!

LONG XUYÊN (Lão thành cách mạng) kể LÊ CHUNG ghi     

        Trở về Tổ quốc

        Rời thị trấn Đại Kiệt - nơi có Tây Nam huấn luyện ban của Trung Quốc mà chúng tôi theo học, cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1944, chúng tôi đã về đến Tổ quốc.

        Bốn năm trời xa Tổ quốc, xa quê hương Hòa An, xa đoàn thể, xa đồng chí (thời chiến tranh Trung - Nhật), nay được trở về chốn cũ quê xưa, chúng tôi bồi hồi xúc động. Bốn năm học tập ở đất Trung Hoa dưới chế độ quân phiệt Tưởng với biết bao gian nan khổ cực, chúng tôi vẫn một lòng trung thành với đoàn thể, với đồng chí, giữ vững tâm niệm lời thề:

                             “Nước Nam là nước Nam ta
                             Vì ai đến nỗi xót xa thế này
                             Vì giặc Nhật, vì giặc Tây

                             …

                             Muốn đánh Nhật, muốn đánh Tây
                             Thanh niên ta phải sang đây học hành
                             Một là học biết việc binh
                             Hai là học biết tính tình người ta
                             Thanh niên là chủ nước nhà
                             Phải cho oanh liệt mới là thanh niên...

        (Lời cấp trên dặn dò trước khi vào trường học)

        Cách đây bốn năm, chính trên địa điểm bí mật này, bạn bè đồng chí đã tiễn chúng tôi đi và giờ đây cũng tại nơi này, các anh lại chờ đón, gặp gỡ chúng tôi. Sau bao năm tháng xa nhau, giờ gặp lại, ai cũng mừng mừng tủi tủi. Gió núi heo hút rét thấu da thịt nhưng được sưởi ấm tình đồng chí thắm thiết chân thành, chúng tôi cảm thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Tất cả cứ lặng đi hồi lâu trong xúc động tình bạn bè, tình đồng chí. Đồng chí Hoàng Tôn nghẹn ngào: "Đã bốn năm qua, giờ đây các đồng chí đã trở về nước".

        Đêm hôm ấy đồng chí Hoàng Tô (Hoàng Tô - cán bộ lâu năm ở huyện Hà Quảng. Anh ruột đồng chí Đàm Quang Trung) cho chúng tôi biết "Mặc dù thằng Pháp, thằng Nhật và bọn mật thám phản động ráo riết khủng bố phong trào, nhưng phong trào Việt Minh vẫn đi lên mạnh mẽ, quần chúng vẫn tin tưởng lắm. Gần đây bọn mật thám phản động báo cho Tây, Nhật, bao vây lùng sục vào các khu rừng, hòng bắt các đồng chí của ta ở các lán bí mật. Nhưng được các cơ sở ta che giấu, chúng có mắt như mù.

        Trời về khuya nghe tiếng gà gáy từ các xóm làng xa xa vọng lại. Tình yêu quê hương, xóm làng, người thân và tình đồng chí sát cánh bên nhau, giúp chúng tôi thấy được nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề đang chờ đón phía trước.

        Đồng chí Hoàng Tô nói cụ thể "Các đồng chí ở Hà Quảng đi học hải ngoại về, dừng lại ở đây sẽ phân công công tác ngay. Còn các đồng chí ở Hòa An, đêm nay lên đường, vì các địa phương đang cần cán bộ quân sự".

        Tôi ở Hòa An, nên đêm đó lại tiếp tục lên đường. Trước khi đi, đồng chí phụ trách giao thông đưa đường dặn kỹ: Các đồng chí phải bám sát nhau. Vì trời tối, mà đường thì có nhiều đoạn rất khó đi, nếu bị lạc đường, thì cứ ngồi đấy, chúng tôi sẽ cho người đến tìm. Trên đường đi, xảy ra chuyện gì các đồng chí cứ bám sát theo tôi mà chạy, nếu bị thất lạc nên tìm chỗ ẩn nấp cho cẩn thận, chúng tôi sẽ cho người tìm (theo khẩu lệnh đã quy định).

        Chúng tôi đang đi trên con đường trở về Hòa An - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Vượt qua đèo, qua khe, qua suồl qua núi rồi qua những cánh đồng đã gặt hái xong, gần sáng khi đến địa phận Hòa An, tôi được phân vào lán bí mật do đồng chí Bắc Việt (Đồng chí Nông Công Dũng, nguyên cán bộ hậu cần Quân khu 1) phụ trách, các đồng chí đi cùng tôi được phân công đi đâu tôi không được biết, vì nguyên tắc bí mật. Đồng chí Bắc Việt, đón tiếp tôi với tất cả tấm lòng, đồng chí xúc động nghẹn ngào nói: "Chúng tôi mong đợi đồng chí đã bốn năm rồi, đồng chí có khoẻ không? Có thấy mệt lắm không?" Như hiểu được tâm trạng của tôi, đồng chí nói:

        - Đồng chí đi đường xa, chắc là mệt và buồn ngủ rồi, đồng chí lên lán ngủ đi. Sáng mai ta bàn công việc.

        Tôi bỏ đôi giày rơm ra, rửa chân và bước lên sàn lán. Trên đó có hai đồng chí nữ. Tôi còn nhớ đó là chị Ngọc và chị Kiều; chị Ngọc tức Triệu Dư là vợ đồng chí Vũ Lập thấy tôi liền hỏi:

        - Đồng chí đi học ở hải ngoại về đấy à?

        Tôi chưa kịp đáp; đồng chí Bắc Việt vội nhắc:

        - Này! Đồng chí Ngọc để đồng chí ấy nghỉ ngơi đã.

        Tôi ngả lưng ngủ thiếp đi lúc nào không biết, mãi đến trưa nghe tiếng hai đồng chí nữ gọi: "Đồng chí đi học hải ngoại về ơi,dậy ăn cơm thôi". Tôi mới giật mình tỉnh dậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:38:03 am »


        Tôi nhớ mãi bữa cơm đầu tiên ấy. Cơm ăn với muối và canh bương. Cơm xong tôi tiếp tục được nghỉ ngơi. Còn đồng chí Bắc Việt và hai đồng chỉ nữ thì khâu vá áo. Nắng lóa trên lũy tre xào xạc.

        Tôi thấy nhớ quê nhà và nhớ mẹ da diết... Về quê hương rồi mà không biết tình hình xóm làng, người thân ra sao! Lòng dạ tôi như thiêu như đốt. Nhiều lúc muốn hỏi đồng chí Bắc Việt, nhưng nhớ lại lời dặn dò của cấp trên:

        "Các đồng chí đến đâu, ở đâu, gặp ai, ai hỏi không được nói gì hết. Khi nào thượng cấp giao đi đâu, làm gì sẽ nói, tuyệt đối giữ bí mật, vì các đồng chí mới đi học ở hải ngoại về. Bọn mật thám phản động thăm dò dữ lắm! Nếu bị lộ sẽ gây nhiều khó khăn". Tôi không dám hỏi nữa.

        Gần tối đồng chí Bắc Việt gặp riêng tôi và bảo:

        - Đồng chí Long Xuyên, thượng cấp giao nhiệm vụ cho đồng chí đêm nay đi cùng đồng chí Hồng An (Tên thật là Hà Văn Sắt, cán bộ hoạt động bí mật, tiểu đội trưởng giải phóng quân) và đồng chí Ngọc vào địa phương đồng chí công tác và thăm mẹ đồng chí.

        Đồng chí Bắc Việt vừa nói xong, thì đồng chí Hồng An và đồng chí Ngọc cũng vừa đến. Đồng chí Bắc Việt giới thiệu cho tôi biết hai đồng chí trên, đồng thời giao nhiệm vụ cho chúng tôi luôn:

        - Các đồng chí đi vào địa phương công tác phải cẩn thận. Bọn phản động ở địa phương các đồng chí dạo này hay đi tuần đêm và phục ở các ngả đường. Nhất là lý trưởng (Sàng) và thằng Lang chủ nhà dây thép Cao Bằng làm mật thám cho Pháp, cả chánh Cửu nữa.

        Trước khi lên đường đồng chí Hồng An nói thêm:

        - Đồng chí Bắc Việt giao cho chúng ta vào địa phương công tác phải cẩn thận, hết sức đề phòng bọn phản động.

        Trời đã tối hẳn, chúng tôi bắt đầu lên đường. Lúc ấy vào khoảng đầu tháng 11, trời vẫn rét buốt. Đồng chí Hồng An dẫn chúng tôi đi qua con đường bí mật. Con đường này rất hẻo lánh, có đoạn xuyên đèo, xuyên qua núi rừng tránh các trạm phục gác tuần tra của bọn phản động. Giữa đêm khuya, chúng tôi đã đến cánh đồng quê nhà. Đồng chí Hồng An nhắc khẽ: "Sắp đến nhà Đông Hoan rồi? Chúng ta đi vòng ra đằng sau làng, tôi cùng đồng chí Ngọc xuống làng liên lạc với cơ sở".

        Đến rừng sau làng cũng vừa lúc gà gáy sang canh, đồng chí Hồng An nói: đồng chí Long Xuyên ở đây đợi chúng tôi".

        Nói xong, hai đồng chí lên đường. Tôi ngồi chờ để biết tình hình, rất sốt ruột. Khá lâu sau hai đồng chí mới về, nói lại với tôi:

        "Liên lạc được với cơ sở rồi, sớm mai khi mở cổng làng cho dân đi làm, cơ sở sẽ đưa cơm đến chỗ ta đã hẹn. Mẹ đồng chí Long Xuyên sẽ lên đây gặp đồng chí".

        Nghe nói, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp được gặp mẹ, lo vì... tính mẹ tôi thường dễ xúc động. Năm nay mẹ gần bảy mươi tuổi rồi.

        Đồng chí Hồng An và đồng chí Ngọc động viên tôi:

        "Đồng chí đừng lo, có gì còn hai chúng tôi".

        Trời đã sáng hẳn, có tiếng gõ mõ ở dưới làng nghe cốc cốc cốc… ba hồi, hòa cùng tiếng người đuổi trâu ra chuồng lẫn tiếng chó sủa. Tôi, đồng chí Hồng An và đồng chí Ngọc ngồi trên bãi lá cây đợi mẹ tôi. Thấy có tiếng người ho "khạc khạc”, tội vội vàng đứng dậy nói với hai đồng chí: "Mẹ tôi đến đấy! Tiếng ho ấy là tiếng ho của mẹ tôi". Tôi chăm chú nhìn theo con đường mòn, thấy hình bóng của mẹ tôi đang lom khom bước từng bước một đến chỗ chúng tôi.

        Tim tôi thắt lại, niềm xúc động trào dâng khôn tả. Tôi nhanh chân bước xuống đón mẹ.

        “Mẹ ơi! Con của mẹ đã về rồi, mẹ đừng lo".

        Mẹ ôm chầm lấy tôi, hai mẹ con ngồi xuống bên đường, mẹ nhìn tôi và hai đồng chí cùng đi, những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt nhăn nheo của mẹ. Mẹ nghẹn ngào nói: "Con ơi! Từ ngày con ra đi, bố mẹ, các anh, các chị và các em của con sống khổ nhục lắm.! Nhà ta ở xóm bên kia không còn nữa. Tây và bọn phản động bắt phá dỡ nhà, dồn làng. Nhà ta chúng nó bắt dồn sang làng Đông Hoan rồi. Hai anh và thằng em của con không còn nữa!".

        Dừng lại một lúc mẹ nói tiếp. "Các con ơi! Các con phải cẩn thận, thằng lý Sàng nó ác lắm, cả thằng chủ Lang, thằng chánh Cửu nữa. Nó báo Tây về bắt dân đi giam tù, bắn chết cán bộ cách mạng, chặt đầu, đem đi cắm ở đầu chợ Nước Hai (tên địa phương là chợ Háng Cáp). Các con phải cẩn thận các con nhé! Mẹ về đây ở lâu thằng thôn trưởng nó sẽ nghi".

        Dứt lời, mẹ tôi lại lom khom theo con đường mòn trở về nhà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:38:34 am »


        Tiêu diệt lý Sàng củng cố cơ sở

        Trưa và chiều hôm ấy, chúng tôi nghe cơ sở trao đổi về bọn phản động và tình hình địa phương. Ngày hôm sau, chúng tôi chuyển đến địa điểm khác, cơ sở báo cho chúng tôi biết: thôn trưởng tên là Nơm đã đi báo cáo với lý Sàng:

        “Có tên ở làng ta đi theo Cộng sản sang Tàu đã về". Chúng nó đi tuần đêm và hỏi dò bố mẹ, anh em có con em đi sang Tàu. Lúc ấy cơ sở đề nghị chúng tôi: "Các đồng chí phải nhanh chóng đem thằng Sàng đi gặp thượng cấp, nếu không trị nó ngay, chúng tôi khó liên lạc với các đồng chí. Mấy hôm nay chúng nó theo dõi chúng tôi ghê lắm!”.

        Cơ sở và dân làng đề nghị: phải giết thằng lý Sàng. Chúng tôi xin ý kiến thượng cấp. Ngay ngày hôm sau được thượng cấp đồng ý, cho phép chúng tôi giết thằng lý Sàng, nếu không phong trào không lên được.

        Chúng tôi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị cơ sở địa phương tăng cường cho chúng tôi hai đồng chí trung kiên, biết mặt lý trưởng, biết nó hay đi tuần vào buổi nào và phải đi con đường nào để phục.

        Chúng tôi tổ chức đón đường lý trưởng hay đi tuần qua. Gần tối, lý trưởng, cùng hai lính dõng và một kỳ mục đi tuần, chúng tôi nổ súng. Bọn chúng chạy tán loạn. Chúng tôi đuổi theo lý trưởng, nổ luôn hai phát nữa, nó ngã gục xuồng, van xin:

        -Các quan Việt Minh tha chết cho con.

        Chúng tôi không khoan nhượng. Bọn chân tay và anh em họ hàng của nó hô hào, gõ mõ để dân làng ra bắt Cộng sản.

        Trời lúc ấy vừa gió vừa rét, chúng tôi rút lên đỉnh núi cao sau làng để quan sát xem sáng hôm sau, tên đồn trưởng đồn Háng Hóa có đem lính về khủng bố dân làng không và chờ cơ sở lên để biết tình hình. Sáng hôm sau, có một đám người đứng xung quanh xác lý trưởng, một lúc sau lại thấy hai ba tên lính khố xanh đi đi lại lại, đứng lên ngồi xuống tỏ vẻ lo lắng. Đằng sau chúng, có khoảng gần hai tiểu đội lính khố xanh có súng. Cả bọn tiến dần đến xác chết rồi dửng lại. Có một thằng vào chỗ xác chết, ngó nghiêng một lúc rồi quay ra. Sau đó cả bọn lính khố xanh rút hết về đồn, không dám khủng bố dân.

        Sáng sớm, cơ sở ta lên chỗ chúng tôi cho biết: "Đêm hôm qua dân làng không ai ngủ được. Vừa lo vừa sợ. Sợ tên Sàng chạy thoát. Nhưng sáng sớm nay, thôn trưởng báo cho dân làng biết: "Bác Sàng đã bị Việt Minh Cộng sản bắn chết rồi, dân làng phải cẩn thận!". Cơ sở ta lúc ấy rất phấn khởi, dân cả xã rất mừng. Từ nay, cổng làng chẳng cần đóng nữa. Vài tên phản động run sợ tìm đến cơ sở ta để thú tội và nộp súng. Phong trào Việt Minh của toàn xã nhân thời cơ phát triển rầm rộ. Các đội tự vệ được thành lập đêm ngày luyện tập và canh gác. Các hội cứu quốc cũng được thành lập, nhất là các quỹ do thanh niên nam nữ và các bà, các cụ lập nên ủng hộ đoàn thể Việt Minh.

        Trên đà phấn khởi, quần chúng nhân dân đã cử đại diện đến chỗ chúng tôi ủng hộ gạo, thịt và quần áo.

        Khoảng trung tuần tháng 12 năm 1944, cấp trên gọi tôi lên bổ sung vào đội tuyên truyền giải phóng quân của tỉnh. Đồng chí Nam Tuấn làm phân đội trưởng, tôi phụ trách một tiểu đội. Cấp trên giao cho tiểu đội tôi giải quyết bọn phản động nợ máu với cách mạng, lập đội tự vệ và huấn luyện đội tự vệ. Thi hành lệnh của cấp trên, tiểu đội chia làm hai tổ. Tôi phụ trách một tổ, đồng chí Lực phụ trách một tổ. Lợi dụng đêm khuya và lúc gần sáng tiến theo hai bên bờ sông Kỳ Cùng, nhanh chóng bí mật đột nhập vào vài ba nhà phản động ở xóm Pác Cậy, bắt được vài ba tên; tiếp tục truy quét xã Ngói ở xóm Thắc Tháy, nó biết tin bỏ chạy, nhưng không thoát. Cơ sở ta bắt được đem ra cho dân xử.

        Trung tuần tháng 3 năm 1945, cấp trên cho chúng tôi biết: Nhật đã đảo chính Pháp. Thấy binh lính quan chức Pháp chạy vào làng xin dân làng giúp họ. Họ yêu cầu ta giúp gạo, thịt. Một mặt chúng ta kêu gọi họ về theo đoàn thể Việt Minh đánh Nhật. Nếu họ đồng ý ta tổ chức đón tiếp họ cẩn thận. Nếu họ chống lại thì ta kiên quyết bắt họ phải nộp súng, còn dân thì bao vây, không tiếp tế lương thực. Một số binh lính và quan chức Pháp đã theo đoàn thể Việt Minh, nộp súng cho ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:39:00 am »


        Trước mắt là đông tiến mở rộng cơ sở ở Lạng Sơn

        Phong trào cách mạng toàn huyện Hòa An phát triển mạnh mẽ... Địa phương nào cũng tổ chức mít tinh, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Các đội tự vệ đêm ngày luyện tập và canh gác. Bắt bọn phản động và phá các cơ sở tổ chức của Pháp, Nhật.

        Khoảng trung tuần tháng 3 năm 1945, phân đội tôi nhận được lệnh cấp trên nhanh chóng đến địa điểm Phổ Nuống (thuộc xã Nam Tuấn ngày nay) tập trung mít tinh toàn tỉnh và phân công công tác.

        Từ sáng sớm, phân đội chúng tôi đã đến địa điểm tập trung dự mít tinh. Sau cuộc mít tinh, tôi và đồng chí Liên Đoàn được cấp trên giao cho phụ trách một phân đội (Phân đội - tương đương một trung đội). Tôi phân đội trưởng, đồng chí Liên Đoàn chính trị viên phân đội, có đồng chí Diệp Lộc mà chúng tôi hay gọi là Ké Lộc giúp về quân sự.

        Phân đội tôi phụ trách gồm ba tiểu đội, tiểu đội 1 do đồng chí Quang Long là học sinh quân hải ngoại làm tiểu đội trưởng, chính trị viên là đồng chí Quân; tiểu đội trưởng tiểu đội 2 là Hồng An, chính trị viên là Đội Anh, học sinh quân hải ngoại; tiểu đội trưởng tiểu đội 3 là Bế Hiến Vinh, chính trị viên là Hồng Đạt. Vũ khí trang bị có một khẩu trung liên Pháp, còn lại toàn giúp 5, giúp 3; có hai khẩu súng ngắn: một poọc - học của Ké Lộc và một côn-bát của anh Viễn. Cả phân đội gồm 30 người, không kể Ké Lộc, trong đó mấy đồng chí nữ như Quế, Vân... Người cao tuổi nhất là đồng chí Hồng An 34 tuổi, người trẻ nhất là đồng chí Hòa 17 tuổi, còn đa số từ 20 đến 25 tuổi.

        Đồng chí Đàm Minh Viễn - Liên tỉnh ủy viên lãnh đạo trực tiếp thay mặt cấp trên giao nhiệm vụ cho phân đội: "Chủ yếu là Nam tiến, trước mắt là Đông tiến mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn. Phương châm hoạt động là lấy chính trị làm trọng, quân sự hỗ trợ cho chính trị. phân đội là một đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân, xuống Lạng Sơn cùng cán bộ chính trị, quân sự tỉnh Lạng Sơn xây dựng cơ sở quần chúng và đánh đồn địch. Trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh ở tỉnh Lạng Sơn. Ở Cao Bằng, ta đã thắng giòn giã Phai Khất, Nà Ngần. Đồng chí nói tiếp: “Phân đội ta cần thuộc bài hát, 10 điều kỷ luật Giải phóng quân và chấp hành thật nghiêm".

        Khoảng đầu tháng 4 năm 1945, toàn phân đội xuất phát từ địa phận huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng tiến xuống huyện Thạch An (Đông Khê). Toàn phân đội lúc ấy tiến theo các con đường mòn, qua các xã cách xa thị trấn và xa đồn Nhật. Tiến đến địa phương nào, anh em liên lạc với cơ sở ta ở địa phương đó, giúp địa phương xây dựng cơ sở, thành lập và huấn luyện đội tự vệ và lập các hội cứu quốc, đồng thời xử lý bọn phản động có nợ máu với cách mạng, giải tán các tổ chức cơ sở của Pháp và Nhật.

        Sau một ngày chuẩn bị lương thực và kiểm tra vũ khí đạn dược, đêm 18 tháng 3 năm 1945, phân đội chúng tôi xuất phát từ Phơ Muống đi theo đường mòn xuyên rừng tiến xuống xã Văn Trình, rồi xã Xuất Tính thuộc huyện Thạch An. Hai xã này giáp giới huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn. Xã Xuất Tính là quê anh Đàm Văn Ngụy, có một ít cơ sở do anh xây dựng. Chúng tôi dừng lại ở xã Xuất Tính một ngày đêm, chuẩn bỉ để vượt qua ranh giới giữa hai huyện Thạch An, Tràng Định. Theo truyền thống lực lượng vũ trang cách mạng thời ấy đi đến đâu đều tranh thủ huấn luyện cho tự vệ xã để góp phần củng cố cơ sở hoặc giúp phát triển cơ sở. Có một nữ tự vệ xã, cán bộ Việt Minh xin tình nguyện đi theo phân đội, đó là nữ đồng chí Ngọc Hoa. Ban Việt Minh xã Xuất Tính cử một giao thông tên là Cư, người Cao Bằng đi dẫn đường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:39:36 am »


        Trừng trị bảy tên phản động ở "hành lang” người Dao

        Ngày 24 tháng 4 năm 1945, toàn phân đội nhận được lệnh cấp trên giao cho bắt bảy tên phản động nợ máu với cách mạng ở một xóm hành lang người Mán (nay gọi là Dao) do Pháp tổ chức, chống lại cách mạng, chặn con đường giao thông liên lạc cách mạng giữa các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Đồng chí Đàm Minh Viễn giao cho phân đội "đêm nay toàn phân đội ta phải bắt được bảy tên phản động nợ máu với cách mạng, với nhân dân". Toàn phân đội gấp rút chuẩn bị, đề nghị cơ sở địa phương cho hai đồng chí có tinh thần dũng cảm thuộc đường, biết tên, biết mặt bảy tên phản động, biết xóm hành lang người Dao và cho một vài cán bộ chính trị địa phương biết tiếng Dao. Chiều 24 tháng 4 năm 1945, toàn phân đội chuẩn bị xong và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu đội. Cán bộ địa phương đi cùng cũng đã sẵn sàng. Cơm chiều xong, trời đổ mưa to. Chúng tôi động viên nhau toàn phân đội lợi dụng lúc mưa to bắt đầu lên đường, tiến theo con đường mòn, leo qua đèo vượt qua núi qua khe, khoảng ba giờ ngày 25 tháng 4 năm 1945 đến sát xóm hành lang người Dao. Lúc này trời vẫn mưa, toàn phân đội bị ướt hết quần áo, ba lô. Theo kế hoạch đã phân công, một tiểu đội nhanh chóng vòng lên chặn cổng phía sau xóm, một tiểu đội vào ngay cổng chính, vừa kêu gọi bà con vừa phá cổng vào luôn. Chúng tôi cho cán bộ địa phương kêu gọi bà con trong xóm: "cho quân Việt Minh vào xóm trú mưa, các bà con đừng chạy", tiếp đó kêu gọi bảy tên phản động ra đầu thú. Một tên liều mạng chạy ra cổng sau nhưng không thoát, còn sáu tên ra thú tội. Toàn phân đội thực hiện xong nhiệm vụ giao cho cán bộ địa phương phụ trách tổ chức quần chúng vào các hội Cứu quốc và xây dựng tự vệ.

        Chiếm kho muối Bản Trại chia cho dân

        Rạng sáng ngày 25 tháng 4 năm 1945, toàn phân đội tiếp tục tiến theo con đường mòn qua suối, vượt đèo rồi tạm dừng trên đỉnh đèo, giáp giới giữa hai huyện Tràng Định và Thạch An, ăn cơm nắm và uống nước. Nghỉ một lúc, toàn phân đội tiếp tục tiến theo con đường tắt, chiều ngày 25 tháng 4 năm 1945 đã có mặt ở xã Chí Minh, Kim Đồng gặp cán bộ chính trị, quân sự địa phương huyện Tràng Định. Toàn phân đội đồng chí nào cũng mệt và buồn ngủ. Nhưng được cán bộ, nhân dân đón tiếp với tình đồng chí, các cụ già, thanh niên nam nữ, đến ủy lao, động viên chúng tôi; đem bánh lương khô cho phân đội. Chiều và tối phân đội cùng đội vũ trang, tự vệ địa phương phân công nhau canh gác và tuần tra. Phân đội phân công cho hai đồng chí nữ tiếp xúc các chị em phụ nữ ở đây, dạy hát cho các chị em và nói chuyện với các cụ bà. Đồng chí Quân - chính trị viên tiểu đội, đồng chí Cao Minh tiếp xúc với các cụ ông và thanh niên nam giới.

        Chiều và tối ngày 26 tháng 4 năm 1945, chúng tôi cùng các đồng chí địa phương trao đổi tình hình về phong trào địa phương, tình hình các đồn Nhật đóng và bọn phản động, chuẩn bị lương thực cho phân đội. Các đồng chí địa phương đề nghị với phân đội chủ lực giải phóng quân, đánh phá lấy kho muối ăn của Nhật ở đầu cầu Bản Trại phân phát cho nhân dân, hiện nay muối ăn nhân dân rất khan hiếm; đồng thời đánh đồn bảo an Nhật đóng ở Pò Mã. Dạo này chúng hay đi khủng bố phong trào cách mạng xã Quốc Khánh. Chúng tôi được biết đồn Thất Khê có đến hai đại đội Nhật đóng giữ. Phân đội chúng tôi chưa đủ sức đánh chiếm được. Kho muối Bản Trại chỉ có một tiểu đội lính bảo an canh gác. Chúng tôi chấp nhận đề nghị của địa phương và hạ quyết tâm chiếm bằng được kho muối trước khi đánh đồn Pò Mã. Anh hưởng quân sự trận đánh này tuy nhỏ, nhưng ảnh hưởng chính trị rất lớn. Nó chứng tỏ quân giải phóng là của dân, chiến đấu vì lợi ích của dân. Toàn phân đội chuẩn bị đánh chiếm kho muối của Nhật, đề nghị địa phương cho hai cán bộ dũng cảm, biết đường vào kho muối và biết chỗ trữ muối. Tối ngày 26 và 27, phân đội cử cán bộ đi cùng hai cán bộ địa phương đi điều tra kho muối. Chiều ngày 27 tháng 4 năm 1945 kế hoạch đánh chiếm kho muối được định xong: một tổ bí mật bắt tên gác và bắt thủ kho; tổ thứ hai, do đồng chí Quân - chính trị viên tiểu đội trực tiếp chỉ huy. Khi tổ của đồng chí Hồng An bắt tên gác và tên thủ kho, thì toàn tổ nhanh chóng đột nhập nhà lính bảo an đang ngủ, bắt chúng đầu hàng và nộp súng cho ta.

        Tiểu đội đồng chí Quang Long làm dự bị.

        Tiểu đội đồng chí Hiển Vinh phối hợp cùng đội vũ trang địa phương, chặn các ngả đường và bảo vệ dân vào kho lấy muối.

        Vào khoảng 12 giờ đêm, tiểu đội đồng chí Hồng An đã bắt gọn bọn linh bảo an canh gác kho muối, đồng thời báo ngay cho cán bộ địa phương đưa dân vào kho lấy muối. Đến gần sáng, ta đã lấy được đầy hai thuyền muối mà muối trong kho vẫn chưa hết. Đáng tiếc là khi chở muối về, một thuyền muối bị đắm trên sông Kỳ Cùng. Nhật đóng ở đồn gần đấy không dám ra cứu. Toàn phân đội trước khi rút còn bắn một băng đạn súng máy để thị uy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:02 am »


        Đánh đồn Pò Mã

        Sáng ngày 28 tháng 4 năm 1945, toàn phân đội tiếp tục lên đường, chuẩn bị đánh đồn Pò Mã. Chiều tối ngày 28, toàn phân đội đã tiến đến Bản Tồn thuộc xã Quốc Khánh giáp xã Đội Cấn ngày nay (giáp biên giới Việt - Trung). Các đồng chí địa phương và nhân dân địa phương, nhất là dân xóm Bản Tồn, vui mừng đón tiếp phân đội. Các cụ già, thanh niên, em nhỏ cùng các đồng chí cán bộ địa phương ra đầu xóm phân đội tay nắm tay hỏi thăm sức khoẻ từng người.

        Trời gần tối, chúng tôi tranh thủ trao đổi cùng các đồng chí cán bộ và đội vũ trang tự vệ địa phương, phân công canh gác và tuần tra.

        Tối hôm ấy sau khi ăn cơm xong, chúng tôi thay nhau nghỉ ngơi, canh gác và tiếp xúc với các cụ già, thanh mền trong xóm. Trao đổi với các đồng chí cán bộ chính trị, quân sự địa phương (có mặt các đồng chí: Hải Cao, Bén, Ý và đồng chí Tuấn Phong) về tình hình phong trào đỉa phương, nhất là đồn Pò Mã, tình hình bọn phản động địa phương và khả năng cung cấp lương thực cho phân đội.

        Các đồng chí địa phương cho biết lính bảo an Nhật đóng ở Pò Mã có khoảng một trung đội, có tên quan bang (Hải) chỉ huy, có chánh tổng út phản động nhất vùng này cũng ở trong đồn sau khi Pháp bị Nhật quật đổ. Vũ khí của đồn Pò Mã chỉ có một khẩu súng máy, một khẩu súng bắn tờ- rông-lông V.B., còn lại là súng trường. Trong đồn có một nhà làm việc của tên bang tá, một nhà cho vợ con tên bang tá ở hài nhà linh bảo an, một lô cốt hai tầng. Đồn đóng ở trên đồi khá cao. Có tường xây xung quanh, cao quá đầu người. Có một cổng vào, hai cánh cửa được làm bằng gỗ nhiêu khá dày.

        Chiều và tối ngày 29 tháng 4 năm 1945, phân đội cử cán bộ đi cùng cán bộ địa phương trực tiếp điều tra đồn Pò Mã. Sau khi đi điều tra ngày 30 tháng 4 năm 1945 chúng tôi chuẩn bị phân công nhiệm vụ cho từng tiểu đội trong phân đội và phân công cho đội vũ trang địa phương (do đồng chí Tuấn phụ trách).

        Phân đội chủ lực giải phóng quân, tiểu đội đồng chí Quang Long vào phá cổng đồn, tiến vào trong đồn, đột nhập nhà bang tá, bắt bang tá và vợ con.

        Tiểu đội đồng chí Hồng An chặn phía sau đồn không cho bọn lính bảo an rút chạy.

        Tiểu đội đồng chí Hiển Vinh dự bị, bố trí sẵn sàng ở chân núi đá (gần chỗ chỉ huy của tôi).

        Vị trí chỉ huy ở đỉnh núi đá sau chợ, cách đồn khoảng 600 mét. Đội vũ trang địa phương do đồng chí Tuấn phụ trách phối hợp cùng dân quân tự vệ địa phương phục kích chặn đánh quân Nhật ở đèo Kéo Quân, không cho quân Nhật ở đồn Thất Khê tiến qua đèo ứng cứu đồn Pò Mã.

        Tối 30 tháng 4 năm 1945, toàn phân đội chủ lực và đội vũ trang địa phương xuất phát từ xóm Bản Tồn đến đồn Pò Mã. Khoảng 10 giờ, toàn phân đội đã tiến sát gần đồn, đơn vị dự bị cũng đến gần chỗ chỉ huy. Đến 12 giờ đêm, các tiểu đội đã vào vị trí chiến đấu, đồng thời đội vũ trang địa phương cũng bố trì phục kích xong ở đèo. Theo chủ trương của cấp trên "thuyết phục chính trị là chủ yếu”, tôi cho liên lạc đưa thư của cấp trên vào trao cho tên bang tá. Nếu nó trả lời theo ta và cho người ra điều đình thì ta sẵn sàng mở lượng khoan hồng. Nếu nó không trả lời, ta dùng loa gọi binh lính bảo an và vợ con quan bang về theo Việt Minh. Sáng sớm ngày 1 tháng 5 năm 1945, khi người của ta mang thư vào thì bị chúng bắt giữ, đe dọa. Ta cho loa gọi hàng thì chúng ở trong đồn bắn súng ra.

        Vào lúc 8 giờ sáng, ta bắn súng máy vào cổng đồn và bắn vào nhà tên bang tá làm việc. Đến 9 giờ sáng, ta dùng búa phá cổng và cho súng máy bắn yểm hộ.

        Khoảng 12 giờ, tiểu đội đồng chí Quang Long đột nhập vào trong đồn. Một giờ sau, toàn phân đội dồn địch vào lô cốt. Chúng chống lại một cách yếu ớt. Ta dùng loa kêu gọi vợ con bang tá và chồng ra hàng sẽ được bảo đảm tính mệnh. Khoảng 2 giờ chiều, chúng đầu hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí, đồng thời nhận được tin đội vũ trang địa phương đang chặn đánh địch ở đèo Kéo Quân, địch bị thương vài tên, không tiến qua đèo Kéo Quân được, phải rút về đồn Thất Khê. Tiếp đó, phân đội tổ chức một cuộc mít tinh ở trong đồn, đồng chí Đàm Minh Viễn tuyên bố chính sách khoan hồng của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân địa phương ủng hộ Việt Minh. Kêu gọi lính bảo an, ai muốn tự nguyện theo Quân giải phóng cho theo, ai muốn về địa phương với vợ con thì cấp giấy cho về, kêu gọi bang tá và vợ con y tự nguyện theo Mặt trận Việt Minh. Tiếp đó, đồng chí Đàm Minh Viễn lên án tội ác của tên chánh tổng nợ máu với nhân dân, tuyên bố xử bắn ngay tên chánh tổng này trong cuộc mít tinh. Đánh xong đồn Pò Mã, phân đội chúng tôi lên Bắc Sơn và căn cứ Vũ Lăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:26 am »


        Diệt phỉ, bảo vệ thị trấn Bình Gia

        Chúng tôi giúp huấn luyện đội du kích ở Vũ Lăng chưa được 10 hôm thì được tin quân Nhật rút khỏi Bình Gia và anh Đàm Minh Viễn đã đưa tiểu đội Hiển Vinh vào tiếp quản thị trấn. Anh Viễn lệnh cho tôi cùng Ké Lộc về ngay thị trấn Bình Gia. Chúng tôi chỉ đem theo mấy người thôi còn anh em ở lại giúp cơ sở. Khi chúng tôi về đến nơi, anh Viễn cho biết có một bọn thổ phỉ sắp vào cướp thị trấn Bình Gia. Chúng đã đến phố cũ cách thị trấn độ 500 mét. Tưởng quân ta chưa vào nên bọn phỉ định vào thị trấn. Chúng chỉ có hơn một tiểu đội. Chỉ huy bọn phỉ tên là Thùy, phó là Long, người Hoa ở phố Mỏ Nhài (Lạng Sơn). Chủ trương của ta là thuyết phục chúng không vào thị trấn. Theo lệnh anh Viễn, tôi có nhiệm vụ đi liên lạc với chúng trước, nói cho chúng biết “bộ đội Việt Minh cứu nước đã có mặt ở thị trấn rồi. Các anh không được vào cướp nhà, cần mua bán gì, chúng tôi giúp".

        Tôi xuống gác, trông ra phố đã thấy bọn phỉ đứng lố nhố. Chúng đều có vũ khí cả. Tên cầm đầu đeo khẩu sten băng ngang. Tôi tiến lại phía nó nói to:

        - Bộ đội Việt Minh đã vào đây lập chính quyền, đứng đầu là tôi trên tôi có người phụ trách nữa! Các anh vào đây làm gì?

        Tên cầm đầu hỏi:

        - Ông tên là gì?

        - Tên không cần biết. Tôi đại diện cho Việt Minh gặp ông! Cần gì cứ nói - Tôi đáp.

        Tôi không chờ trả lời mà tuyên bố thẳng:

        - Quân của tôi đã bố trí sẵn rồi. Ông cho quân hạ súng xuống!

        Tên chỉ huy lắc đầu:

        - Không. Chúng tôi không hạ súng.

        - Nếu không hạ súng, làm cho dân chúng sợ hãi, chúng tôi buộc phải nổ súng - Tôi đáp và nói thêm: muốn gặp cấp trên của tôi ông cũng phải bỏ súng ra, giao cho quân của ông giữ rồi phân tán quân ra thì mới nói chuyện được.

        Tên tướng phỉ làm đúng như lời tôi yêu cầu. Tôi nghĩ bụng: phải diệt thằng này trước, quân nó sẽ phải đầu hàng. Tôi dẫn nó đi theo vào nhà. Theo ám hiệu của tôi, đồng chí Hà đã được bố trí trước nổ súng tiêu diệt ngay tên trùm phỉ. Ké Lộc ở trên gác thổi kèn báo động. Bên ngoài, tên phó trùm phỉ và tay chân đều xin hàng.

        Ta thu được 12 khẩu giúp, 1 khẩu sten, 1 khẩu poọc-hoọc.

        Dân phố Bình Gia đổ ra hoan hô Việt Minh.

        "Không có Việt Minh thì bọn phỉ cướp bóc và giết hại đến dân".

        Mọi người dân địa phương đều nói như vậy khi gặp chúng tôi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM