Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:13:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Việt Nam giải phóng quân - Nhớ lại bước khởi đầu  (Đọc 27009 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:28:59 am »


        Sau khi hỏi lại tình hình kỹ lưỡng, tôi nói cùng các đồng chí đưa tôi đến Khai Hạ.

        Nghe nói đường đi rất nhiều vắt, trước khi đi mỗi người chuẩn bị một ống vôi. Từ hồi về công tác tại Cao Bằng, đã làm quen với những nơi nhiều vắt, nhưng chưa bao giờ lại thấy ở đâu vắt nhiều như ở đây. Vắt ở dưới đất, vắt ở trên cây. Đụng tới đâu cũng là vắt. Loại vắt xanh ở trên cây nhỏ hơn vắt đen ở dưới đất, nhưng bám vào người rất chặt. Các đồng chí đi đường gọi vắt đen là Tây và vắt xanh là Nhật. Đi một quãng chúng tôi lại dừng để gỡ vắt. Kéo ống quần lên thì vắt đã bám đen đặc một khoảng, như một cái lá. Phải cầm ống vôi quét cho vắt rơi xuống đường. Ở những chỗ vắt cắn, máu cứ ri rỉ chảy mãi.

        Các đồng chí đưa tôi vào gia đình đã có đồng chí cán bộ "ghi tên" bữa trước. Chủ nhà đi vắng, trời mưa to. Chúng tôi ngồi tại nhà đợi khá lâu, anh mới về. Anh còn trẻ, quần áo ướt sũng. Đồng chí người Dao đi cùng tôi, giới thiệu với anh, tôi là cấp trên ở hội xuống. Thấy anh cứ mặc nguyên quần áo ướt, tôi hỏi tại sao không thay, mặc như vậy ngấm nước mưa, không tốt. Anh nói, những quần áo khác cũng đều ướt cả. Tôi lấy bộ quần áo chàm đem theo trong túi dết, đưa anh mặc tạm, rồi ngồi thăm hỏi tình hình gia đình, nói chuyện làm ăn. Khi nói đến việc hội, anh kể lại chuyện đồng chí cán bộ đã ghi tên mình vào giấy rồi nói:

        - Đã một bụng một dạ với nhau thì còn phải ghi tên làm gì?

        Tôi nói:

        - Vào hội là để đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống thu sưu, thu thuế, đánh Tây, đuổi Nhật, giành lấy độc lập, tự do những người có một lòng một dạ như thế mới được tổ chức vào hội. Biết đồng chí là người tốt, nên bữa trước mới có cán bộ đến đây để tổ chức đồng chí vào hội. Còn việc ghi tên thì không phải ghi tên thật, đã tin nhau thì ghi tên làm gì, đó chỉ là ghi cái tên bí danh, rồi sẽ đem đốt trước mặt nhau để ăn thề. Nếu đồng chí đã rõ, thì lần này chúng ta sẽ tổ chức ăn thề để cùng nhau vào hội.

        Được giải thích một lát, anh đồng ý và yêu cầu viết tên trên giấy bùa cúng ma. Tôi có một chiếc bút chì xanh đỏ, bèn lấy ra, ghi tất cả tên chúng tôi trên một lá bùa, rồi làm lễ ăn thề. Sau đó ít lâu, qua đồng chí mới tổ chức được cả bản này và những bản gần đó cùng vào hội. Con đường thông xuống tận Phía Bioóc.

        Tôi chuyển về một bản gần châu lị Ngân Sơn, chuẩn bị đi tiếp xuống phía Nam. Bản này ở trên đỉnh núi. Từ đó nhìn xuống thấy rõ châu lị với những đồn bốt của quân Pháp. Tình hình công tác phát triển thuận lợi. Đoàn quân chính trị đi tới đâu là phong trào cách mạng ở đó bốc lên. Anh em chúng tôi đều rất phấn khởi. Một hôm, có đồng chí liên lạc ở chỗ anh Đồng tới, đưa một lá thư hoả tốc. Mở thư ra, anh Đồng viết: "Anh về ngay cơ quan có việc cần bàn". Tôi vội vã quay trở lên Cao Bằng.

        Về tới cơ quan, được tin sét đánh. Anh Đồng và anh Vũ Anh cho biết: Bác đi Trung Quốc chuyến vừa rồi bị bọn Quốc dân Đảng bắt giam và đã mất trong ngục. Mọi người đau đớn vô hạn. Chúng tôi biên thư báo cáo về Trung ương, rồi bàn làm lễ truy điệu, phân công anh Đồng chuẩn bị điếu văn. Anh Cáp mang cái va-ly mây của Bác ra, chúng tôi cùng tìm xem còn những thứ gì có thể giữ lại làm kỷ niệm. Tuy nhiên, muốn biết một cách thật chắc chắn, chúng tôi vẫn định phái anh Cáp sang Trung Quốc lần nữa, để nghe lại tin này cho rõ ràng, và cũng để tìm xem phần mộ Bác ở đâu.

        Sau mấy ngày đau đớn, bối rối ấy, tôi lại quay xuống châu Ngân Sơn. Dọc đường, rẽ vào nghỉ tại cơ quan đồng chí Xích Thắng, người cứ thẫn thờ, nhưng phải cố sao để các đồng chí chung quanh không nhận thấy.

        Tại đây, có nữ đồng chí Sinh, biết chúng tôi là đoàn cán bộ xung phong Nam tiến, nhất định đòi đi theo để làm công tác. Thời gian này phong trào Nam tiến trong nam nữ thanh niên đang rất sôi nổi. Thấy đồng chí Sinh còn ít tuổi chúng tôi nói rõ, công tác này có nhiều khó khăn, hoạt động tại địa phương chưa bị lộ thì nên cứ ở lại địa phương hoạt động. Nhưng đồng chí Sinh nói: "Đoàn thể đã kêu gọi ai có tinh thần thì tham gia vào đội Nam tiến, nam giới đã được đi thì phụ nữ cũng phải được đi". Thấy chúng tôi không đồng ý, đồng chí Sinh ngồi khóc. Sớm hôm sau, chúng tôi dậy để lên đường, thì đồng chí Sinh về nhà đã lên, mang theo khăn gói quần áo, ngồi đợi đó để cùng đi. Thấy đồng chí Sinh sốt sắng, anh Xích Thắng cũng đồng ý để đồng chí đi. Đồng chí Sinh sau này công tác rất tích cực và trở thành một cán bộ tốt của Đảng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:29:23 am »


        Đêm hôm ấy, đồng chí giao thông đưa chúng tôi đi qua một chặng đường toàn đồi gianh. Mọi người rất vui. Riêng tôi vẫn nghĩ đến Bác. Nếu Bác mất, thì thật là một cái tang lớn, một sự tổn thất không gì bù đắp lại được cho Đảng ta và toàn thể nhân dân ta. Đi trong đêm vắng lặng và lạnh buốt, nhìn những triền đồi gianh man mác kéo dài vô tận, những ngôi sao sáng như đọng trên những ngọn cỏ gianh bơ xờ, một vài chấm lùa của những ngôi nhà ở cô đơn trên các ngọn núi, lòng cảm thấy bơ vơ, buồn vô hạn, hai hàng nước mắt cứ rưng rưng.                       

        Con đường Nam tiến kéo dài trên nhiều triền núi và cánh đồng qua các làng bản của đồng bào Thổ, Dao Tiền, Dao Đỏ... Tại nhiều nơi, quần chúng được tổ chức khá rộng rãi, tinh thần lên rất cao. Một không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi trên suốt dọc đường. Đồng bào các dân tộc đón tiếp cán bộ như những người ruột thịt đi xa lâu ngày trở về.

        Từ Ngân Sơn, chúng tôi đi chín, mười đêm ròng, tiến về Phủ Thông, qua cánh đồng Hà Vị, vượt những vách đá dựng đứng của dãy núi Phía Bioóc, qua những triền núi, những cánh đồng nối tiếp nhau qua Chợ Đồn, rồi đến xã Nghĩa Tá. Chúng tôi nghỉ lại nhà đồng chí Dương ở bản Bẳng, đợi anh Chu Văn Tấn cho người lên đón.

        Vài ngày sau, anh Tấn cử đồng chí giao thông lên. Anh Tấn chờ chúng tôi gần Chợ Chu.

        Chúng tôi đi khoảng hai, ba đêm qua những vùng đồng bào Dao Ô-gang sống rất nghèo khổ. Chặng đường đêm cuối cùng phải qua làng Cóc. Ở đây, địch đóng đồn ngay giáp đường. Chúng tôi bàn nhau đi vượt qua đồn ban đêm. Tối hôm đó, tôi đi cùng đồng chí Hiền và một đồng chí giao thông. Đến gần đồn, sắp qua chỗ đường ngoặt, chợt nghe phía trước có tiếng lách cách. Liền ngay đó, nhìn thấy ánh đuốc và nghe tiếng người. Tôi đoán là bọn lính đi tuần. Chúng đã đến gần quá. Tôi kéo áo đồng chí giao thông đi trước, cùng nhảy vào một bụi cây ven đường, nằm im. Đồng chí Hiền đi sau, cũng lao theo. Vừa khi đó, năm tên lính dõng đi tuần tới, theo sau là một số đồng bào cầm đóm, đuốc. Chỉ lo vì có đuốc sáng mà bọn dõng nhận ra chúng tôi. Ánh đuốc soi vào đỏ cả bụi cây. Nhưng bọn dõng ghếch mắt đi qua và đồng bào mải nói chuyện cưới xin không ai chú ý hai bên vệ đường.

        Anh Chu Văn Tấn và đồng chí Dục Tôn đợi chúng tôi tại một cái lán của đồng bào làm để canh lúa ở ven rừng. Sau đó; những đồng chí trong đội Nam tiến do đồng chí Quang phụ trách cũng tới. Gặp nhau giữa rừng sâu, mừng vô kế. Hai con đường cùng được đánh thông và bây giờ đã hợp lại thành một con đường quần chúng của Cách mạng ôm vòng lấy Cao - Bắc - Lạng, con đường đã được vạch ra sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8.

        Chúng tôi lấy những tàu lá cọ, rải trong rừng, ngồi họp mặt trao đói kinh nghiệm, kể chuyện đến khuya. Tôi giới thiệu những kinh nghiệm của Cao Bằng, Bắc Cạn. Anh Tấn kể lại tình hình phong trào đang lên mạnh ở Bắc Sơn, Thái Nguyên và miền xuôi; cơ sở của chúng ta tại Bắc Sơn, Vũ Nhai đã được củng cố và đang mở rộng sang Chợ Chu, Đại Từ. Địch vẫn tiếp tục chính sách khủng bố để hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng đã nhen nhóm khắp nơi. Anh Tấn cho tôi biết, đã bắt được liên lạc với Trung ương ở miên xuôi.

        Cách đó ít ngày, các đồng chí Cứu quốc quân đã bắn được một con nai. Anh Tấn vẫn để dành một chiếc chân nai chờ chúng tôi. Tối hôm đó, anh em thui lại chân nai để ninh làm tiệc liên hoan.

        Đêm khuya, cùng rải lá cọ nằm ngủ với nhau giữa rừng.

        Để kỷ niệm lần gặp gỡ đáng ghi nhớ ấy, chúng tôi đặt tên xã Nghĩa Tá là xã Thắng Lợi.

        Chúng tôi trở về Nghĩa Tá, ở lại một thời gian. Anh Tấn cho biết, đã báo cáo về Trung ương và sẽ có đồng chí ở Trung ương lên gặp. Tôi nán ở lại đợi. Trong thời gian này, tổ chức một lớp huấn luyện cho các đồng chí hội viên tại đây. Tôi tranh thủ thời giờ viết cuốn Kinh nghiệm Việt Minh tại Việt Bắc.

        Chờ khoảng nửa chừng vẫn chưa thấy đồng chí ở Trung ương lên. Để khỏi lỡ hẹn với các anh ở nhà, tôi biên thư cho anh Tấn biết, chúng tôi trở về Cao Bắng rồi sẽ quay xuống sau.

        Dọc đường đi lên, qua Đông Viên, Chợ Đồn, tình hình không có gì thay đổi. Tới Nà Lùm, tôi nhận được thư của đồng chí Đức Xuân. Đồng chí Đức Xuân là đội trưởng một đội tuyên truyền xung phong Nam tiến được giao nhiệm vụ tổ chức phong trào tại tổng Hà Vĩ, gần Phủ Thông. Đồng chí Đức Xuân báo cáo tình hình phong trào đang lên, đề nghị tôi xuống cánh đồng nói chuyện với một số đồng chí trung kiên và dự một cuộc mít tinh đã được chuẩn bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:30:00 am »


        Đi hết một cái dốc dài tám ki-lô-mét, xuống tới cánh đồng. Đã đến bữa ăn, chúng tôi vào nghỉ tại một nhì trong làng. Đang dở bữa thì có người đến báo, đồng chí Đức Xuân đã bị địch bắn chết, chúng chặt đầu đồng chí đem về treo tại Bắc Cạn. Chúng tôi biết tình hình bắt đầu thay đổi và trở nên xấu. Lúc đó, một tên chánh tổng vào nhà này chơi. Lát sau, lại có một người lạ mặt đến, chủ nhà giới thiệu là hội viên, nhưng một hội viên khác lại nói nhỏ để chúng tôi biết, người này chưa vào hội. Làng này ở gần Phủ Thông. Nhận thấy cần phải rút nhanh, mọi người ăn cho chóng xong. Chúng tôi nói chuyện với các hội viên về cách đối phó khi địch khủng bố, rồi quay trở lại Nà Lùm.

        Bà con tại Nà Lùm đã được tin đồng chí Đức Xuân bị hại, tỏ vẻ lo ngại. Một số đồng bào khuyên chúng tôi nên lánh vào rừng. Nà Lùm là một bản hẻo lánh ở trên triền núi Phía Boóc cao hơn mặt biển hàng ngàn thước. Nà Lùm theo tiếng địa phương là: ruộng bị bỏ quên. Chúng tôi rút lên rừng vầu, ở lại ít ngày, đợi điều tra rõ tin tức về đồng chí Đức Xuân. Đêm đến, trời lạnh cắt da chắt thịt. Quần áo, chăn màn thiếu thốn, đêm nằm như muôn vàn chiếc kim từ trên châm xuống, từ dưới châm lên.

        Sau vài ngày điều tra, biết đích xác đồng chí Đức Xuân đã bị địch hại, mọi người đều rất thương xót. Đồng chí Đức Xuân là một đảng viên rất tích cực, vận động quần chúng giỏi, có tài sáng tác những bài ca và bài hát lượn cách mạng, vui tính, được anh em quý mến. Chúng tôi tiếp tục trở về Cao Bằng. Để đề phòng sự bất trắc, chúng tôi không theo đường cũ, mà đi ngược theo dãy núi Phia Bioóc.

        Đồng chí Dao dẫn đường chiếu hướng Bắc, dùng dao phát cây mở lối đi dọc trên những đỉnh núi. Tiết trời đã về cuối đông, trên núi cao càng giá buốt. Nhiều lúc cả đoàn đang đi trong mưa mau, rét tê tái, nhìn xuống chân núi lại thấy nắng vàng rực trải ra trên những cánh đồng. Nghĩ đến một ngày mai tươi sáng được tự do đi lại trên những nẻo đường bằng phẳng của đất nước, cảm thấy người ấm lại.

        Ngày đi miết. Đêm tìm hốc đá nằm nghỉ. Có buổi sáng tỉnh dậy, sờ tay lên mặt thấy một con vắt tròn mọng bám ở mi mắt.

        Một buổi chiều, chúng tôi nghỉ lại ở một khu rừng đại ngàn âm u toàn cây cổ thụ già cỗi, rêu xanh phủ khắp nơi, có lẽ từ xưa đến nay chưa hề in dấu chân người. Tối hôm đó, nằm khó ngủ, nghĩ đến Bác. Tôi bỗng nhiên cảm thấy Bác chưa thể nào mất được, Bác vẫn ở đâu đây, rất gần với chúng tôi.

        Nửa đêm trời nổi mưa to gió lớn. Gió hú từng hồi trên các vòm cây. Thỉnh thoảng, gió lại làm đổ một cây cổ thụ đã chết khô mục nát từ lâu, khu rừng chuyển, tiếng động vang ầm.

        Cuối cùng, cả đoàn chúng tôi đã vượt qua hết dãy núi Phia Bioóc, đồng bào ở lũng Dao dưới chân núi đón đoàn cán bộ vừa đi xung phong Nam tiến về bằng một bữa cơm rất linh đình, mặc dầu ở các vùng xung quanh địch đang lùng sục ráo riết.

        Chúng tôi về tới nhà, thì ngày Tết cũng đã đến. Đúng tối ba mươi tháng chạp, phần lớn cán bộ của mười chín đội vũ trang xung phong Nam tiến đã đánh thông đường, đều về tập trung liên hoan mừng thắng lợi. Tổng bộ Việt Minh và Đảng bộ Cao - Bắc - Lạng trao tặng đoàn cán bộ Nam tiến lá cờ "Xung phong thắng lợi".

        Bữa ấy, tôi về cơ quan hội báo tình hình, thì thấy anh Đồng, anh Vũ Anh và anh Lã đang xúm xít quanh một tờ báo. Các anh chuyển tờ báo cho tôi và hỏi tíu tít:

        - Anh xem có đúng là chữ của Bác không? Đó là một tờ báo ở Trung Quốc mới gửi về, bên mép trắng có mấy hàng chữ Hán viết tay. Tôi nhận ra ngay đúng là chữ Bác. Bác viết:

        “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khoẻ và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”.

        Phía dưới có một bài thơ:

                                         Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân   
                                         Giang tâm như kính, tịnh vô trần
                                         Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh
                                         Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.


        Dịch nghĩa:

                                        Mây ôm dãy núi, núi ôm mây
                                         Lòng sông như gương, không chút bụi
                                         Một mình dạo bước trên núi Tây Phong trong dạ bồi hồi
                                         Nhìn về trời Nam xa xăm nhớ bạn cũ.


        Tôi xem xong hết sức ngạc nhiên. Chữ viết này, lời lẽ này, những câu thơ này, đúng là của Bác. Tờ báo này mới xuất bản.

        Mọi người khôn xiết vui mừng. Phải nói rằng trong màn đêm ảm đạm đợt khủng bố trắng vô cùng khốc liệt tại Cao - Bắc - Lạng, tin Bác bình yên về với chúng tôi như những tia nắng rực rỡ vừa xuất hiện ở chân trời, báo hiệu một ngày mai tươi sáng đến gần...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:31:22 am »


HỒI KÝ NAM TIẾN

NÔNG VĂN QUANG           
(Lão thành cách mạng)       

        Thí điểm tổ chức Mặt trận Việt Minh ở châu Nguyên Bình

        Tháng 3 năm 1941, nội dung công tác thí điểm bắt đầu được triển khai ở Gia Bằng, Kỳ Chỉ. Trước hết về tổ chức Đoàn Thanh niên phản đế được chuyển sang Thanh niên cứu quốc hội, đồng thời các giới khác cũng được xúc tiến tổ chức như phụ nữ cứu quốc hội, nông dân cứu quốc hội... Mỗi giới đều được bầu ra ban chấp hành để lãnh đạo sinh hoạt và hoạt động của các hội viên.

        Nơi được thí điểm đầu tiên là bản Thềm Phác, Giáp Giải, xóm nào có đảng viên thì đảng viên làm tổ trưởng các hội cứu quốc. Nơi chưa có đảng viên thì chọn cử hội viên tích cực có tín nhiệm với hội viên và nhân dân làm tổ trưởng. Thư ký ban chấp hành hội cứu quốc của các giới đều là đảng viên.

        Tháng 5 năm 1941, thực hiện chủ trương chấn chỉnh Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, đồng chí Vũ Anh đến chi bộ ghép xã Gia Bằng - Kỳ Chỉ - Linh Mai, thành lập Châu ủy châu Lâm Sơn (Nguyên Bình) gồm có các đồng chí Xích Thắng, Hồng My, Quang Hưng và Lý Công1 (Bí danh của đồng chí Nông Văn Quang), đồng chí Xích Thắng được cử làm Bí thư.

        Từ đấy Đảng bộ chuyển sang giai đoạn mới. Đồng chí Xích Thắng chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng bộ châu Lâm Sơn, sau đó là ủy viên Tỉnh bộ Việt Minh và là ủy viên Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí Quang Hưng làm Bí thư Châu ủy vì đồng chí Xích Thắng giữ chức Tỉnh ủy.

        Ban Việt Minh ở hai xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ được thành lập Đồng chí Xích Thắng được cử làm chủ nhiệm ban Việt Minh xã Gia Bằng và đồng chí Lượng làm chủ nhiệm Việt Minh ở xã Kỳ Chỉ.

        Công tác phát triển Hội tiếp tục được đẩy mạnh, mỗi hội viên đều có nhiệm vụ hoạt động như điều tra, tuyên truyền nhằm kết nạp thêm hội viên mới. Hướng và cách phát triển là thông qua các tổ chức: hội tương tế, đội bóng đá, anh em họ hàng nội ngoại thân thích và bạn đồng cảnh tốt. Nội dung tuyên truyền là 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Cụ thể là dựa vào những tư tưởng quan điểm chủ yếu sau: vào Hội là đoàn kết nhau lại mới có sức mạnh nhằm đánh đổ chế độ cai trị của Pháp và Nhật để giành tự do và độc lập cho đất nước Việt Nam; cách mạng sẽ xây dựng chế độ mới: các dân tộc đều bình đẳng, nam nữ bình quyền trong việc nước cũng như việc nhà; xóa bỏ các thứ thuế không hợp lý của thực dân Pháp, lập ra thứ thuế công bằng và hợp lý, tịch thu ruộng đất của địa chủ người Pháp và bọn địa chủ tay sai của Pháp chống phá cách mạng; thực hiện người cày có ruộng, công nhân ngày làm việc 8 giờ, có chế độ bảo hiểm xã hội...

        Khi tuyên truyền về mục đích, tôn chỉ và chương trình, chính sách của Hội Việt Minh, cũng có nhiều câu hỏi thắc mắc, băn khoăn của quần chúng hội viên như: Pháp, Nhật có quân đội, có súng ống mọi thứ. Ta còn đang hai bàn tay trắng làm sao đánh nổi?...

        Mọi thắc mắc của quần chúng và hội viên được giải thích từng bước, từng vấn đề. Đại thể là ai cũng muốn vào Hội nhưng còn nhiều điều chưa hiểu, chưa rõ là điều tất nhiên. Vậy muốn giải phóng cho bản thân, gia đình mình, cho đất nước, trước hết ta phải đánh đổ được chế độ cai trị của Pháp, Nhật. Như vậy phải có tổ chức, tức là mọi người cần tham gia vào Hội Việt Minh. Ta đoàn kết mới có sức mạnh. Khi có sức mạnh sẽ có được nhiều thứ mà ta đang cần. Hoạt động của Hội phải giữ được bí mật. Không có khai báo thì kẻ địch có tai cũng như điếc, có mắt cũng như mù. Đối với những kẻ làm mật thám tay sai của Pháp, ta cần theo dõi hoạt động của bọn chúng để biết đề phòng...

        Qua gần hai tháng thí điểm ở xã, đã có phong trào khá mạnh về nhiều mặt: Trước hết đồi với lớp tuổi trẻ, trai cũng như gái, khi có được sự hiểu biết, việc tham gia các hoạt động của Hội biểu lộ sự hăng hái sôi nổi. Bởi nhiều nội dung trong chương trình của Mặt trận phù hợp nguyện vọng đòi hỏi của họ. Bên cạnh số thanh niên, thì lớp trung niên trong các dân tộc Dao, Mông, Tày... cũng biểu hiện sự giác ngộ, tinh thần hăng hái, sẵn sàng hưởng ứng ủng hộ những yêu cầu do đoàn thể cách mạng nêu ra. Đặc biệt ở họ đều tỏ ra niềm tin cách mạng sẽ thắng lợi dù còn dài lâu và không ít gian nan nguy hiểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:31:45 am »


        Đầu tháng 5 năm 1941, một cuộc họp tổng kết về công tác thí điểm thực hiện chương trình của Mặt trận Việt Minh đã được tổ chức. Hội nghị được tổ chức tại xóm Góc. Đồng chí Vũ Anh thay mặt Trung ương chủ trì cuộc họp tổng kết.

        Kết quả về các mặt công tác thí điểm cả ba huyện Hòa An, Hà Quảng và Nguyên Bình được phân tích đánh giá trong báo cáo tổng kết. Báo cáo tổng kết này là một trong những nội dung trù bị cho hội nghị Trung ương 8. Trên cơ sở nội dung tổng kết công tác thí điểm, hội nghị Trung ương 8 đã thảo luận và chính thức ra nghị quyết thành lập một tổ chức mới: Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt Hội Việt Minh. Thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương, hội cứu quốc của các giới được tiếp tục đẩy mạnh phát triển và củng cố không chỉ riêng ở hai xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ nữa mà hướng dẫn thêm sang các xã Tế Môn, Lang Trà, Kim Mã, Tam Lọng. Đồng thời việc phát triển lực lượng vũ trang cũng được bắt đầu bằng cách tổ chức các đội tự vệ, tuyển chọn các hội viên tích cực trong Hội Cứu quốc các giới thanh niên và nông dân vào các đội tự vệ.

        Tháng 11 năm 1941, xã Lương Môn đã kết nạp thêm số hội viên mới như các anh Ngưu, Cốm, Măng, Hình và Vọng. Xã Lang Trà kết nạp thêm anh Cẩn... Các xã Kim Mã, Tam Lọng kết nạp các anh Dương Văn Đôi tức Trọng Khánh và anh Tọa bí danh Lý Thường Kiệt. Các anh này đều do Ma Văn Phái tức Mỹ Lợi đến tuyên truyền tổ chức vào Hội. Tháng 4 năm 1941, theo chỉ thị của Tỉnh ủy, Đảng bộ cử hai đồng chí Trương Văn Cù và Ma Văn Chúc đi học quân sự ở Điền Đông (Trung Quốc). Cuối năm 1941 tại mỏ thiếc Tĩnh Túc cũng lập ra tổ chức công nhân cứu quốc hội...

        Tại xã Trùng Khuôn, sau những đợt khủng bố cuối năm 1938, phong trào lúc này đã được phục hồi. Trong đợt khủng bố này, đồng chí Dương Kim Đao - một hội viên trung kiên, một cán bộ tiêu biểu của dân tộc Mông đã tránh thoát và bắt đầu đi hoạt động bí mật. Phần nhiều đồng chí hoạt động ở vùng Lũng Phẩy thuộc xã Hồng Việt, Hòa An. Cuối năm 1941, Tỉnh ủy quyết định cử đồng chí Bình Dương là người cũng đã thoát ly bí mật lên vùng này cùng cộng tác với đồng chí Dương Kim Đao.

        Thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, hai đồng chí đã từng bước chuyển hội đánh Tây sang tổ chức Mặt trận Việt Minh.

        Địa bàn hoạt động của hai đồng chí có mở rộng thêm chủ yếu các vùng dân tộc Mông và Dao Đỏ tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trà Lĩnh, huyện Quảng Uyên và Nguyên Bình. Cũng vào thời kỳ này, tại mỏ thiếc Tĩnh Túc và châu Nguyên Bình, chủ yếu ở vùng nông thôn, cơ sở phong trào phát triển mạnh ở các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Kinh.

        Sang năm 1942, phong trào cách mạng ở châu Nguyên Bình phát triển đã có bề sâu và cả bề rộng.

        Quanh dưới chân các triền núi, nhiều xóm làng Tày, Nùng đã có cơ sở cách mạng. Ở vùng cao từ các thung lũng đến các sườn núi, cơ sở cách mạng trong các dân tộc Mông, Dao cũng được phát triển thêm. Các cơ sở đã tạo ra những điều kiện "dựa vào nhau”. Mỗi khi địch khủng bố ở vùng thấp, các cán bộ hoạt động bí mật tránh lên vùng cao và ngược lại.

        Thực hiện nghị quyết Trung ương 8 năm 1941 và chỉ thị của Bác Hồ, Liên tỉnh ủy, tháng 1 năm 1942 hai đồng chí Văn và Đinh đến châu Nguyên Bình. Các đồng chí đã mở ngay lớp huấn luyện. Lớp huấn luyện đầu tiên được mở tại hang đá Kéo Quảng1 (Hang Kéo Quảng xã Gia Bằng mở bốn lớp huấn luyện.

        + Tháng 1 năm 1942, đồng chí Văn mở hai lớp xong thì đến Tết Nguyên Đán.

        + Tháng 4 năm 1942, mở lớp lịch sừ Đảng cho Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng và Châu uỷ Nguyên Bình.

        + Tháng 4 năm 1942, mở lớp Việt Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng là giảng viên) xã Gia Bằng; lớp gồm các hội viên trung kiên xã Gia Bằng. Lớp học thứ hai cũng được mở tiếp ở đây. Ngoài số anh em hội viên Gia Bằng, Kỳ Chỉ, lớp này có thêm một số hội viên các xã Kim Mã, Tam Lọng và mỏ thiếc Tĩnh Túc.

        Tháng 3 năm đó, hai đồng chí Văn và Đinh đến Kim Mã, Tam Lọng. Cũng như khi đến Gia Bằng, Kỳ Chỉ, công việc chính của các đồng chí là xúc tiến ngay việc mở lớp huấn luyện. Lớp này được tổ chức tại Sloỏng Bó thuộc xã Tam Lọng. Lớp học này có thể kể là lớp thứ ba của châu Nguyên Bình. Kết thúc lớp học, có phát động một phong trào phát triển Hội Việt Minh ở hai xã Kim Mã, Tam Lọng sang xã Thượng Ân, Cốc Đán thuộc huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Cạn, tạo điều kiện mở con đường Nam tiến theo chủ trương của Bác Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:09 am »


        Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga

        Gặt hái vụ mùa đã vãn. Sáng sớm cũng như chiều tối sương mù giăng xuống các ngọn núi. Đúng ngày 7 tháng 11 năm 1943, tức ngày 10 tháng mười năm Quý Mùi, một cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ 26 Cách mạng tháng Mười Nga được tổ chức tại đỉnh núi Pù Mần, đỉnh một ngọn núi cao phía sau xóm bản Khuổi Quáng thuộc xã Hoa Thám, châu Nguyên Bình.

        Vây quanh ngọn núi này bấy giờ còn là một khu rừng già. Từ nơi họp mít tinh, theo đường chim bay ước tính chừng hai nghìn mét mới có làng xóm... ở các xóm bản lẻ. tẻ đó hầu hết là bà con dân tộc Dao Tiền.

        Tới dự mít tinh có ngót năm trăm đại biểu của các dân tộc hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn. Nhiều đoàn đại biểu phải trèo đèo lội suối mấy ngày đêm mới tới địa điểm. Trong số đó hành trình của đoàn đại biểu các xã Thuần Mang, Thượng Quan có phần vất vả và nguy hiểm. Bởi họ phải vượt ngang quốc lộ 3 phụ, lại phải qua gần châu ly Ngân Sơn. Trong thời gian ấy, bọn tri châu, tây đồn hàng ngày thường đưa lính vào lùng sục các xóm làng đã bị lộ.

        Mục tiêu yêu cầu cuộc kỷ niệm nhằm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản - chủ nghĩa Mác - Lênin, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, ủng hộ Liên Xô chống phát xít Đức, Ý, Nhật thắng lợi.

        Chủ trì lễ kỷ niệm là đồng chí Văn cùng các đồng chí đại diện Ban liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng.

        Khai mạc cuộc mít tinh, đồng chí Văn nói về những nét chính thắng lợi Cách mạng tháng Mười Nga. Và cuối cùng, đồng chí đề ra những nhiệm vụ và những công tác cấp thiết trước mắt, đó là những công tác củng cố, phát triển cơ sở Hội Việt Minh và nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các mũi, các đội xung phong trong kế hoạch Nam tiến.

        Phần hai của cuộc mít tinh biểu thị mặt tổ chức của các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu. Về hình thức có biểu diễn một số động tác cơ bản và bắn bia. Những tiếng súng kíp các loại từ giữa khu rừng vắng vẻ đã vang xa qua những ngọn núi trập trùng.

        Một phòng triển lãm tranh, ảnh tuy số lượng chưa nhiều và còn đơn giản cũng là một hình thức góp thêm ý nghĩa thiêng liêng và nghiêm túc của lễ kỷ niệm.

        Và cuối cùng, nhân dịp có mặt đại biểu đông đủ các địa phương, đã giải quyết một số vấn đề về tổ chức.

        Trước hết, thành lập khu Quang Trung riêng cho các vùng dân tộc Dao; bầu Ban Chấp hành Việt Minh khu trên cơ sở ba châu Lê Lợi, Kháng Pháp và Kháng Nhật1 (Châu Lê Lợi gồm xã Hoa Thám... Châu Kháng Pháp có các xã Hưng Đạo. Đội Cung... Châu Kháng Nhật tức châu Chợ đồn). Bầu cử bằng bỏ phiếu kín kết quả bầu Ban Chấp hành khu Quang Trung gồm: đồng chí Thượng bí danh Tuyên Truyền làm chủ nhiệm. Đồng chí Bàn Văn Hoan có bí danh là Công Trình làm phó chủ nhiệm và đồng chí Thành Công ủy viên Ban Chấp hành khu. Trong ba người có đồng chí Bàn Văn Hoan là người dân tộc Dao Tiền đầu tiên được kết nạp đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

        Về các dân tộc Tày, Nùng, Kinh thì châu Ngân Sơn được đặt tên mới là Lương Ngọc Quyến. Dưới sự chủ tọa của đồng chí Văn, Ban Việt Minh châu được bầu ra gồm các đồng chí: An (tức Doanh Hằng) chủ nhiệm, Quốc Thanh (tức Phan Văn Long)1 (Anh Phan Văn Long bị giam ở nhà tù Bắc Sơn, bọn Pháp đem xử bắn ngày 15 tháng 5 năm 1944 cùng Bàn Văn Hoan và anh giáo Nông Văn Bọc) và Nhất Thống tức Đồng Quang Tuấn) làm ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh châu. Tiếp sau đó thành lập ban cán sự tỉnh Chu Trinh ở hội nghị tổng kết Nam tiến, đồng chí Bằng làm trưởng ban, Doanh Hằng làm ủy viên.

        Trong sinh hoạt ở cuộc mít tinh kỷ niệm, trước một bữa cơm trưa các đại biểu lại còn được xem một vở kịch cương. Nguyên do bởi một vạc cơm thổi muộn, đến giờ ăn mà chưa chín kỹ, phải chờ. Cố nhiên, nội dung kịch không phải đề tài chờ cơm.

        Để lấp chỗ trống thời gian chờ cơm chín, đồng chí Văn cùng mấy đồng chí khác đã diễn một màn kịch cương ngắn. Nội dung màn kịch đại thể: các dân tộc ta đều bị áp bức bóc lột. Thời cơ của lịch sử cách mạng ắt sẽ đến. Các dân tộc cần đoàn kết lại cùng đứng lên đánh đổ đế quốc pháp - Nhật để giành độc lập, tự do... Màn kịch do đồng chí Văn vừa là "tác giả" kiêm "đạo diễn" đồng thời cũng tự nhận một vai cùng thể hiện.

        Màn kịch cương kết thúc thì từ khu nhà bếp dưới bờ suối báo lên: vạc cơm đã chín.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:59 am »


        Lửa thử vàng gian nan thử sức

        Đầu năm 1944, phát xít Đức thua to ở mặt trận châu Âu. Ở Viễn Đông, phát xít Nhật cũng gặp sức cản bởi sự phản ứng mãnh liệt của các đạo quân Hồng quân Nga và Bát Nhất Trung Quốc.

        Nhưng càng gần đến ngày tận số, bọn thực dân Pháp được bọn quân phiệt Nhật Bản dung túng càng hung hăng dốc sức ra tay khủng bố phong trào cách mạng. Các cuộc lùng sục bắt bớ hàng ngày diễn ra liên tiếp.

        Riêng trên con đường Nam tiến, bọn thực dân Pháp đã mở đầu đợt khủng bố bằng vụ sát hại đồng chí Đức Xuân, đêm 8 tháng 1 năm 1944.

        Những hành vi thâm độc của chúng nhằm chặn đứng mũi Nam tiến của ta đã phát triển Hội đến các xã Cao Lộc, Quân Bình. Cùng lúc đó chúng bắt bớ một số hội viên đi giam cầm tra khảo nhằm lần tìm manh mối. Phong trào cách mạng ở tổng Hà Vị và cả vùng Phủ Thông ngừng lại. Một số hội viên tuy vẫn giữ lòng tin ở cách mạng nhưng cũng tạm thời nằm im cho tới sau ngày 9 tháng 3 năm 1945.

        Đầu tháng 2 năm 1944, Ban liên tỉnh ủy và Ban Việt Minh liên tỉnh mở lớp huấn luyện quân sự và chính trị khóa 3 ở Pạ Phá trong khu rừng Trần Hưng Đạo. Thời gian của lớp một tháng. Số người dự có tới ngót trăm. Thành phần đều là cán bộ phụ trách đội tự vệ và tự vệ chiến đấu. Đồng chí Văn và đồng chí Đinh trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn luyện tập. Trong học viên gồm nhiều dân tộc tại nhiều địa phương các huyện Nguyên Bình, Ngân Sơn và khu Quang Trung. Lớp huấn luyện mở vào dịp Tết Nguyên Đán năm Giáp Thân. Bọn mật thám ở địa phương phát hiện một số người vắng trong những ngày vui Tết. Sau khi bế giảng học viên trở về nhà, một số bị bắt liền. Bọn mật thám đã giăng bẫy từ lúc chúng phát hiện thấy vắng mặt những ngày Tết. Trong số hội viên bị bắt cũng có người không chịu nổi sự tra tấn đã khai ra một vài điểm về lớp học, chúng bắt dẫn tới nơi mở lớp. Dĩ nhiên ta không còn để lại bộ phận nào ở đấy khi biết tin một số người dự lớp về bị bắt. Nhưng dấu vết không thể nào xóa hết được.

        Cũng do vậy, khi chúng kéo đến chỉ trông thấy một vài dấu vết đã kiêng nể. Bọn chúng đã phải bàn tán với nhau: Năm kia (1942) ở Gia Bằng và Kỳ Chỉ đã bắt đi bỏ tù như thế tưởng bọn nó tan tác rồi, thế mà đến nay cộng sản càng tràn lan, khi chúng mình càng bóp chúng nó lại càng phình ra...".

        Thực ra bọn tay chân mật thám làm sao hiểu nổi quy luật phát triển của cách mạng, nhất là cách mạng giải phóng dân tộc!

        Phong trào cách mạng không chỉ "phình ra" ở Nguyên Bình mà còn lan rộng mọi miền khác trên con đường Nam tiến.

        Tuy nhiên, các cuộc khủng bố của Pháp vẫn diễn ra liên tiếp Cục diện chiến tranh thế giới thay đổi hàng tuần. Tình hình cách mạng trong nước cũng chịu sự tác động của các sự kiện đó.

        Lúc này phía ta cũng thấy cần thiết có một vài hành động để cảnh cáo bọn tay chân địch để phần nào bọn chúng biết thân phận mà giảm bớt sự hung hăng ôm chân quan thầy giữ chế độ thực dân.

        Sáng 8 tháng 1 năm 1944, một nhóm của ta chặn đường bắn tên C. Thượng Ân. Tên mật thám này đã từng gây thiệt hại phong trào địa phương. Tiếp đó, ngày 30-1-1944 một tổ tự vệ chiến đấu đi phục kích. Cả hai vụ chúng đều chết hụt. Đương nhiên chúng bèn tâu báo quan thầy. Nhiều gia đình có con em đi hoạt động bí mật đều bị bắt bớ. Có gia đình bị địch bắt cả hai bố con. Có người không chịu nổi sự tra khảo đã khai ra một vài cơ sở, thậm chí cá biệt có người ra đầu thú. Qua hai vụ diệt phản động càng làm cho bọn chúng biết thêm cơ sở phong trào phía bắc châu Ngân Sơn.

        Đang trên đường đi công tác, đồng chí Bàn Văn Hoan bị bắt ở Lũng Viền. Đồng chí bị sa lưới do hai tên phản bội đi báo quản chiểu Đ. đến vây bắt, đưa về giam tại nhà tù Bắc Cạn. Đồng chí bị Pháp xử bắn ngày 15 tháng 5 năm 1944 cùng anh Phan Văn Long tức Quốc Thanh quê xã Vân Tùng và anh giáo (hương sư) Nông Văn Bọc xã Tô Khê. Vụ xử bắn này tại ki-lô-mét số 7 đường Bắc Cạn - Chợ Đồn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:33:18 am »


        Đồng chí Mỹ Thanh bị ám hại ngày 24 tháng 2 năm 1944 ở Nà Khoang, xã Thiều Quang. Vụ này cũng do một hội viên phản bội báo cho địch đến bủa vây lán trên rừng vào lúc mờ sáng. Trong vụ này đồng chí Nông Văn Tú tránh thoát. Bọn mật thám còn lần theo vết gậy, nốt giày của đồng chí từ Thiều Quang đến xã Bằng Đức. Đồng chí Tú đã kịp thời ẩn vào nơi an toàn.

        Ngày 22 tháng 3 năm 1944, đồng chí Hồng Giang bị sát hại ở Cốc Chủ, xã Phúc Lộc, Chợ Rã. Vụ này chúng cũng dùng nội gián. Hôm sau, có hai người Dao khiêng đầu đồng chí đến trình nộp bề trên ở chợ Hà Hiệu. Hôm ấy có cả bọn tay chân tri châu Đinh Ngọc Hồ. Tên tri châu đang dịp xuống xã đốc phu đã cùng bè lũ chứng kiến ăn mừng (!). Lúc này một tốp lính kỵ mã đóng tại Pảo Giang - Hà Hiệu cũng thừa dịp "dây máu ăn phần”. Cũng ngay sáng hôm ấy nhiều toán lính khố đỏ - pháo thủ tập trận giả dọc đường Đèo Giàng - Hà Hiệu cũng vừa kéo đến đầu chợ. Bọn chúng tụ tập xúm quanh đầu của người chiến sĩ cách mạng. Không khí huyên náo. Bọn chỉ huy người Pháp cùng lũ tay chân tỏ ra hí hửng đắc thắng.

        Ngày 10 tháng 4 tức này 18 tháng 3 năm Giáp Thân, hai đồng chí Bằng và Thạch bị bọn lính khố xanh đồn Ngân Sơn đến vây bắt. Hai đồng chí đang làm việc ở xóm Nưa Tút bên cạnh thác Quan Làng. Xóm nằm giữa khu ruộng bậc thang. Vào lúc gần tối trời mưa nhẹ, khi nghe tiếng chó cắn ầm ầm thì địch đã vây bốn phía. Trong giây phút nguy kịch, hai đồng chí đành lao ra giữa những làn đạn. Khi đã ra khỏi nhà, cả hai chạy qua những bờ ruộng bậc thang tới bờ suối an toàn. Đồng chí Bằng vượt qua suối với ý định sẽ luồn lên chân núi Phia Jạ, nhưng đang lên nương ngô thì bị trúng đạn. Còn đồng chí Thạch lội theo dòng suối thoát được, đến nửa đêm mới về tới cơ sở xã Kim Mã thuộc Nguyên Bình.

        Cũng trong tháng 4 không ít khốc liệt này, đồng chí Thành Công - một cán bộ người Dao Tiền đi công tác bên Chợ Đồn trên đường trở về đến tổng Trần Hưng Đạo bị bọn châu uý Liệu, Vài Khao chặn bắt (lúc này quản chiểu Liệu vừa mới được thăng chức châu úy, nên rất hăng máu chống phá cách mạng trong các vùng dân tộc Dao Tiền, Dao Đỏ, Mông...).

        Từ ngày 9 tháng 1 đến tháng 4 năm 1944 là thời gian địch khủng bố liên tục ở nhiều địa phương; kể từ vụ chúng sát hại đồng chí Đức Xuân ở Hà Vị rồi liên tục lan đến nhiều xã ở Ngân Sơn, Chợ Rã.

        Ngày 1 tháng 4, một tổ cán bộ Nam tiến hoạt động vùng Phia Bioóc đang trên đường công tác chạm trán với một tốp lính cơ và kỳ hào địa phương. Trong một buổi tối đang đi sang Chợ Đồn, khi qua địa phận xã Đồng Phúc, hai bên đã chạm trán nhau dọc đường. Phía ta ra điều kiện cho họ đầu hàng. Họ kháng cự lại. Đang giữa đêm khuya. Trời lại đổ cơn mưa to, tình huống ấy buộc ta phải nổ súng. Phía họ chết hai. Viên lý trưởng thoát chết, chạy về báo viên tri châu Chợ Rã cùng một toán lính đang ở chợ làng. Sau sự cố này, tổ cán bộ Nam tiến tiếp tục lên dốc Đấu Hoàng. Tới Slam Kha tạt lên nhà ông Tào Cao nghỉ ngơi. Trời đã tảng sáng tổ cán bộ mời lên nhà còn chân trớt chân ráo, một toán dõng đã ập đến vây nhà. Giây phút đầy nguy kịch. Gia đình ông Tào Cao đã khôn khéo che giấu nên cả tổ thoát nạn (Tháng 10 nậm 1943, cơ sở dân tộc Dao, phát triển xuống các dân tộc Tày, Nùng ở xóm Nà Đồng xã Chu Hương. Anh Thanh Quang là cán bộ sang phái triển ông Giảng Tần xóm Bản Chán xã Đồng phúc, ông này đến tổ chức nhà Tả Cạo ở Slam Kha xã Bằng Phúc thuộc tổng Quảng Khê tháng 11 năm 1943). Thời kỳ này tại nhiều nơi như Thượng ân, Cốc Đán và những xã ở châu Nguyên Bình mức độ khủng bố của địch cũng quyết liệt.

        Ở vùng các dân tộc Dao trên dãy núi phía Bioóc cũng như nhiều vùng thấp Tày, Nùng, tình hình đều căng thẳng. Những nhà có người đi hoạt động bí mật và cả những nhà bị nghi vấn đều sống trong không khí nặng nề nghẹt thở. Người thân trong gia đình những đồng chí đi hoạt động bị bắt giam hoặc bắt dồn về "tập trung dinh" Pá-danh ki-lô-mét số 2 phía bắc thị xã Bắc Cạn.

        Những chòm xóm lẻ đều bị địch bắt dồn về một làng. Xung quanh làng chúng bắt phải rào bằng vầu già để nguyên cây. Hai lớp vầu cắm chéo mắt cáo, hình quả trám. Cả làng chỉ được mở một cổng ra vào. Đêm cũng như ngày chánh phó lý cắt cử tay chân thay phiên canh gác; có lòng chủ yếu lính dõng hoặc tuần đinh, tuần từng luân phiên đến gác cổng. Ở Báo Lành, vợ đồng chí Liêm Sơn (tức Bích) quẩy ống bương xuống sông gánh nước, khi ra cổng tên mật thám khét tiếng bắt đứng lại để hắn dốc ngược từng lóng bương. Chúng kiểm tra có mang gạo, ngô ra ngoài tiếp tế chéo chồng hay không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:33:42 am »


        Từ các đồn lẻ chúng đưa lính vào các làng lùng sục suốt ngày. Trong số cai, đội có những tên tìm mọi cách đe dọaa những nhà có người đi thoát ly. Từ các đồn Nà Bao xã Giao Bằng Kỳ Chỉ, Phai Khắt, Nà Ngần, Nguyên Bình cho đếnn Ngân Sơn, Bằng Khẩu, Kẻo Lẻng hầu như ngày nào chúng cũng đưa lính đi lùng sục.

        Châu Chợ Rã vùng giáp phía tây núi Phia Bioóc, các xóm lẻ đều bị bắt dồn xuống Bản Chán. Về phía đông dãy núi, các xóm Vằng Kheo, Nà Đồng đều bị dồn xuống. Bản Hậu, Đinh Phương. Vùng này chúng bắt dồi triệt để nhằmn chặn con đường Nam tiến của ta từ Vằng kheo sang Khâuu Ngoả thuộc tổng Quảng Khê.

        Một số hội viên người Dao bề ngoài đương chức đội trưởng hay chánh, phó quản cũng bị bị giam. Nhiều người bị tra khảo như chánh Mún Khèn, Nà Còi, Quảngg Khê, ông Tào Lường, Vằng Khèo bị bắt đi giam ở nhà tù Bắc Cạn. Các ông này vẫn giữ khí tiết cách mạng. Số gia đình bị tình nghi chứa chấp Việt Minh cũng bị chúng gây đủ tình tội.

        Song, nói chung những người bị bắt đều không chịu khai báo gì các tổ chức cơ sở ở địa phương. Nhiều gia đình chỉ chịu bán một phần tài sản như trâu bò, bạc trắng, vòng cổ, vòng tay đem tiền đi đút lót chuộc "tội", chứ không chịu khai báo làm hại phong trào. Đặc biệt nhiều vùng người Dao ở Chợ Đồn, những hội viên vốn là người lao động đến các chánh, phó quản người Dao khi bị lộ, chỉ chịu góp tiền, của đút lót bọn tay sai để bọn này làm ngơ hoặc "che chở". Trong lúc đang hỗn độn, có phần nguy hiểm, cán bộ ta nằm vùng vẫn được nhiều hội viên tận tình bảo vệ. Tuy nhiên, dọc tuyến đường Nam tiến cũng tạm thời bị cắt nhiều đoạn. Bởi nhiều chòm xóm là cơ sở liên lạc đã bị dồn đi tập trung vào xóm đông nhà. Các xóm Vằng Khiêu, Cốc Ngoã bị dồn xuống Bản Chán xã Đồng Phúc. Vừa thiếu ăn, vừa bệnh tật và hàng chục người bị chết vì che giấu cán bộ hoạt động ở xung quanh núi Phía Bioóc mà chúng ra tay khủng bố.

        Trước ngày chúng mở những cuộc khủng bố thì viên công sứ Bắc Cạn đã phái tay chân xuống dò la những vùng chúng nghi vấn. Tình hình và tài liệu mà địch nắm được đại thể là đến ngày 15 tháng 12 năm 1943, tỉnh Bắc Cạn đã có hai "trung tâm huấn luyện Cộng sản".

        Một là cùng dân tộc Mông xã Cao Thượng, châu Chợ Rã. Nơi đây có Lý A Nhì đứng lên xưng vua Mèo. Họ tập hợp dân chúng đến chầu chực và tụ hội ăn uống linh đình hàng mây ngày.

        Ngày 23 tháng 11 năm 1943, tri châu Đinh Ngọc Hồ đưa mấy tên tay sai mật thám, một số lính cơ, lính khố xanh vào vùng Cao Thượng. Họ lục soát các nhà người Mông. Bọn này đã thu được một số tờ báo Việt Nam độc lập (số báo ra ngày 10-9-1943) và một giấy hô hào lạc quyên của Ban liên tỉnh bộ Việt Minh. Bấy giờ đang có khoảng trăm người tụ tập tại đây, trong đó có một số hội viên của Việt minh. Chúng đã bắt tại chỗ mười bốn hội viên.

        Hai là trung tâm hoạt động tuyên truyền Cộng sản ở châu Ngân Sơn. Viên tây đồn Đờ-đông cùng tri châu Hoàng Mạnh Khui bày mưu tung lưới. Chúng cho một toán lính khố xanh, lính cơ và lính đoan vào khám nhà anh Phan Văn Đặng ở Nà Lắng xã Vân Tùng. Chúng lục soát thu được 13 tờ báo Việt Nanh độc lập (số báo ra ngày 10-10-1943). Anh Đặng bị bắt. Sau đó bọn chúng kéo sang Pao Ma, Bản Súng, vào khám nhà ông Phan Văn Châu. Chúng cũng đã thu được ở đây một cuốn sách nhỏ dày 24 trang. Bìa tập vở mỏng này có ghi: "Việt Minh kêu gọi binh lính đứng lên đánh Tây, đuổi Nhật". Anh Phan Văn Long tức Quốc Thanh con trai ông Châu bị chúng bắt luôn cùng anh Đặng.

        Sau mấy vụ truy lùng bắt bớ, viên công sứ Bắc Cạn đã bộc lộ sự hoảng hốt, lo lắng: "Tuyên truyền bí mật của Cộng sản vẫn mạnh, có sức hấp dẫn dân chúng khổ nghèo và đang lan rộng cả hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn". Do đó chúng bèn mở tiếp những cuộc khủng bố rộng hơn ở các châu Ngân Sơn, Chợ Rã và vùng phía bắc Bạch Thông.

        Đầu tháng 12 năm 1943, chúng dàn thành 5 toán. Toán đầu do Vi-ne, chánh mật thám người Pháp đích thân chỉ huy. Chúng kéo đến khám nhà anh Nông Văn Vận làng Đống Chót xã Bằng Đức. Liền đó chúng kéo vào Nà Pan khám xét nhà anh Đừng Văn Hàn tức Bằng xã Thượng Ân. Tiếp sau đó chúng kéo thẳng vào xã Tố Khế lục soát nhà anh giáo Nông Văn Bọc, nhưng không thu được tang vật gì mà chúng muốn. Nhà anh giáo Bọc tuy có những mấy giá sách nhưng đều là sách học với một lô sách bằng tiếng Pháp (số sách này do hai chủ mỏ ở Tài Xoảng và Bản Ơ biếu cho khi trở về Pháp) về địa chất khi khoáng.

        Nhưng cuối cùng bọn chúng tìm mọi cách bắt anh giáo Bọc đi giam ở nhà tù Bắc Cạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 12:34:18 am »


        Toán thứ hai do viên tri châu Nguyễn Công Phòng cùng châu đoàn Cao Sinh Phát đưa lính xuống xã Thuần Mang. Chúng đến khám một số nhà mà chúng đã nhận được nhiều mật báo của bọn tay chân phản động.

        Toán thứ ba do một viên đội khố xanh cầm đầu đưa lính xuống các xã Thiều Quang, Hại Quan, đến khám nhà anh Nông Văn Tạ ở Nà Phắc. Sau đó, chúng kéo vào Bản Và lục soát nhà ông Sẵn lý trưởng đương hành xã Bản Và.

        Trong thời kỳ này tại huyện Bạch Thông, một số gia đình người Dao ở Khú Dèn xã Đôn Phong cũng có một toán lính đột nhiên ập vào vây xóm và lục soát nhiều người. Nhờ có hội viên kịp thời báo tin, các đồng chí Duy Tiến, Tùng Văn đang hoạt động ở đây kịp trốn thoát.

        Còn phía châu Chợ Rã, tri châu Đinh Ngọc HỒ cũng cho lính phi ngựa lên đường Bản Hon, Bành Trạch. Chúng nói với các lý dịch là xuống "kinh lý", nhưng khi đến nơi đã đi ngay vào Khuổi Màn lục soát nhà ông Đoàn Ngọc Hải. Chúng đã nhận nhiều tin mật báo nhà này thường chứa chấp cộng sản đi lại nhiều lần.

        Hành động chống phá cách mạng của bọn Pháp không chỉ ở mức này. Cục diện khủng bố diễn ra liên tục suốt con đường Nam tiến. Từ vụ ám hại đồng chí Đức Xuân đến việc lộ nơi mở lớp huấn luyện quân sự thứ ba tại khu rừng Trần Hưng Đạo... không lúc nào chúng ngừng chống phá.

        Hai viên công sứ Cao Bằng, Bắc Cạn có chung một thủ đoạn ra tay chống phá ta từ căn cứ Cao Bằng suốt dọc đường dây Nam tiến. Việc dồn làng bản ở Nguyên Bình chúng bắt đầu thực hiện từ tháng 4 năm 1944. Cùng lúc chúng lập thêm đồn Nà Bao. Đồn này chỉ có viên bang tá với một toán lính chốt tại đó. Vùng Gia Bằng, Kỳ Chỉ chúng dựng đồn ngay giữa Phủ Choáng với một trung đội khố xanh. Chúng đều tăng lính cho các đồn, đặc biệt chúng đóng thêm các đồn Phai Khắt, Nà Ngần và tăng lính cho đồn Ben-le. Các đồn này đều có thể khống chế một phạm vi rộng khu rừng Trần Hưng Đạo; nghĩa là toàn bộ địa bàn suốt từ các xã Tam Lọng, Kim Mã và Hoa Thám. Trong đó quan trọng nhất là chặn con đường Nam tiến của ta phải qua đèo Khau Giáng và khống chế phần không nhỏ phía nam khu rừng Trần Hưng Đạo.

        Để thêm sức chống phá phong trào cách mạng vùng dân tộc Dao và đồng bào Mông, chúng thăng chức châu uý cho quản chiểu Chu Ứng Sliệu, Vài Khao, xã Nam Ti. Ngoài việc thăng chức cho y, bọn Pháp còn trả lương cho một trung đội hình dõng giao cho hắn cai quản điều hành. Đương nhiên thành phần đội dõng này đều là người Dao do đích thân y tuyển chọn để hình thành một tổ chức như lính nhà binh đủ sức trấn áp phong trào cách mạng trong vùng y đảm nhiệm.

        Phía Bắc Cạn bọn thực dân đặc biệt chú trọng châu Ngân Sơn. Ở đây cũng lập đồn Bang Tá ở Bằng Khẩu, cùng kèm đó có một đoàn lính khố xanh. Đồn này vốn đã có viên chuẩn uý Vi Bảo từ những năm 1940 - 1941, thời kỳ chúng sát hại đồng chí Phùng Chí Kiên. Cũng vào lúc này, Pháp cho lập lại đồn Kéo Lẻng trên đồi Cài Mò giữa hai xã Tố Khế và Cốc Đán với khoảng một tiểu đội khố xanh. Cụm đồn ải chúng rải ngang từ Bằng Khẩu vào Thượng ân, Cốc Đán nhằm chặn ngang làn sóng cách trạng từ Nguyên Bình sang Ngân Sơn, cắt đứt mối quan hệ giữa hai vùng. Vì đó có nhiều cơ sở cách mạng mà chúng đã biết được với đầy lo lắng, hoảng hốt.

        Thế nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn!

        Ban liên tỉnh đã kịp thời đề ra những chủ trương đối phó:

        "Quyết tâm chống khủng bố trắng. Không lùi bước trước những mất mát, gian khổ tạm thời. Giữ vững những cơ sở đã được củng cố.

        Đưa một số cán bộ là người dân tộc địa phương, có tín nhiệm với các tầng lớp quần chúng, đã từng trải qua thử thách, có kinh nghiệm trở lại địa phương nắm quần chúng giữ vững phong trào.

        Nắm vững cán bộ cốt cán trong các giới cứu quốc tại các địa phương, đề cao kỷ luật, giữ gìn bí mật sự liên tục hoạt động giữa các cơ sở, các vùng thực hiện triệt để ba không.

        Tổ chức việc bao vây, cô lập những tên tay sai phản động là người dân tộc địa phương. Các địa điểm liên lạc đều mang ký hiệu riêng. Việc đi lại đều phải xóa sạch dấu vết Theo dõi những cán bộ, đảng viên có người đi hoạt động xem có những biểu hiện gì đáng lưu ý, có hiện tượng khai báo gì không?".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM