Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:12:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thư tình từ chiến hào  (Đọc 11528 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:46:53 am »


         6 tháng 3 năm 1953

         Anh đã nhận được của em hai lá thư, gante và các thứ quà kỷ niệm. Lá thư viết ngày 1 tháng 1 anh nhận được giữa ngày 6 Tết!  Ngày hoa đào nở đẹp ở  Tây Bắc với một mùa xuân ấm áp của biên giới, giữa những cái vui tưng bừng phấn khởi của nhân dân vừa thoát khỏi ách nô lệ của một kiếp người ngót 90 năm! Trong niềm vui phấn khởi chung, thư em đến càng làm cho anh thấm thía cái hạnh phúc của mình, cái hạnh phúc nằm trong cái hạnh phúc chung của nhân dân và chỉ có trong đấu tranh bền bỉ và quyết liệt. Thư lại đến giữa một ngày êm đẹp và đáng ghi nhớ của chúng ta trong hai năm đã xa rồi, nhưng không bao giờ có thể phai lạt được

         Mới chỉ có hai lá thư trong bảy tháng trời vắng bặt tin tức, so với thời gian và sự đòi hỏi của anh thì còn quá ít, nhưng đến vừa lúc đã nói được tất cả những điều anh mong muốn. Anh nói chung thì vẫn khỏe, riêng một tháng nay vì làm việc nhiều nên có hơi váng vất. Vẫn chịu khó uống Paludinel1[/ sup] và vẫn ăn được .

         Vết thương của anh đã khỏi hẳn rồi. Đó là một vết thương không có gì đáng kể, chỉ vì mảnh đạn vào gân nên có bị tê ít lâu. Một vết thương làm duyên như các anh ấy nói. Anh không đánh giá Hoa thấp đâu và cũng không hề có ý nghĩ giấu em. Những lá thư sau anh không nhắc đến vì nó là vết thương nhẹ. Vả lại anh vẫn viết thư được cho em tức là không việc gì. Em yên tâm nhé...



        17 tháng 6 năm 1953

         Em
,

         Anh đã nhận được của em hai thư. Thư ngày 15 tháng 4 em viết sau ngày đơn vị anh chiến thắng trận đầu tiên của chiến dịch một ngày ( trận Nà Noọng ngày 14 tháng 4) và đến tay anh sau trận chiến thắng Mường Khoa 12 tiếng ( trận Mường Khoa đêm 17 rạng ngày 18 tháng 5 ) . Còn lá thư sau không đề ngày (có lẽ em viết đầu tháng 5) anh nhận được khi về tới nơi trú quân (8 tháng 6). Cả hai thư đến vừa đúng lúc. Anh vui nhiều khi đọc được những dòng chữ thân yêu ở nơi xa xôi này. Trong cái vui phấn khởi chung của đơn vị chiến thắng, có cái vui về tình cảm mình, anh thấy mình cũng đã được hưởng hạnh phúc hơn các bạn xung quanh nhiều.

         Hôm nay viết thư cho em trên dọc đường hành quân khi dừng lại nghỉ ở  một bản trên đường. Trong mùi thơm ngát của hoa cau buổi sớm, nhớ đến nụ cười, đôi mắt, tiếng nói thân yêu của những ngày nào tháng 6 năm ngoái ở Chợ Chu. Nhớ căn nhà lá xinh xinh bên dòng suối trong mát, những buổi cơm rau dền, những đêm ánh trăng chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ... Nhớ tất cả …

         Thế là cả trong tháng 5, anh không viết được cho em một dòng nào, chắc em mong nhiều. Chả phải là anh lười viết, chắc em cũng nghĩ như thế, anh không viết được là vì anh không có phút nào rỗi rảnh nghĩ đến chuyện riêng của mình. Trong tháng 4 cũng thế, nên anh không tranh thủ viết vài dòng cho em giữa hai cuộc họp thì cũng chả có lúc nào viết được cho em nữa …

         Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 35 - 45 cây số có ngày tới 62 cây số, leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước, gặp dòng nước chảy li ti vui mừng như người lạc giữa sa mạc gặp một lạch nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo bữa cơm, hoặc là bụng rỗng không, cán bộ chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa bao giờ thấy thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em giây lát mà lương tâm không nghẹn ngùng hổ thẹn.

----------------
         1. Paludine: Thuốc chữa sốt rét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:48:38 am »


         Qua những phút gian khổ, tâm lý con người chúng ta thường muốn được những phút êm đềm sung sướng đền bù lại. Anh đã đôi lúc nghĩ đến ngày về, nghĩ đến lúc được gặp em. Nhưng nghĩ lại đơn vị và hoàn cảnh trong lúc này, nghĩ đến nhiệm vụ nặng nề của một người thủ trưởng, của một người cán bộ, của một đảng viên, anh thấy sự đòi hỏi của tình cảm chưa thể nào thỏa mãn được. Đặt vấn đề với trên tất nhiên rồi cũng được giúp đỡ nhưng thật ra cũng khó giải quyết. Vừa đi vừa về cũng đã mất một tháng trời rồi, chưa kể những ngày ở lại!  Thời gian đó có bao nhiêu công việc cần phải giải quyết, làm được bao nhiêu công việc để xây dựng đơn vị? Thỏa mãn được tình cảm cá nhân thì bao nhiêu công việc của đoàn thể bị đọng lại, quyền lợi của cá nhân không phù hợp với quyền lợi của đoàn thể mà mình cứ đòi hỏi thì thật là hổ thẹn. Vả lại có riêng gì anh mới có đòi hỏi về tình cảm? Bao nhiêu cán bộ, bao nhiêu chiến sĩ trong đơn vị cũng có tâm lý như mình nũa chứ? Chỉ nghĩ đến riêng mình, không nghĩ đến những người xung quanh thì lãnh đạo mọi người đồng tâm nhất trí thế nào được. Cho nên tự mình phải giải quyết lấy tư tưởng mình... Qua bốn năm trời yêu nhau, chúng ta đã được thử thách và rèn luyện trong đấu tranh. Lần này xa nhau là lần tương đối lâu nhất, nhưng chúng ta lại đã được rèn luyện rồi cho nên chúng ta lại càng vững vàng tin tưởng ở nhau. Thế là đủ!  Em của anh chắc là lại mỉm cười  với câu kết luận của anh. Giản dị nhưng mà nó biểu hiện lòng tin mãnh liệt nhất của chúng ta, phải không em ?

         Trong suốt chiến dịch anh vẫn khỏe, trừ đôi lúc mệt mỏi, gây gây sốt sau mỗi trận đánh. Gian khổ tuy nhiều nhưng được anh em săn sóc nên sức khỏe cũng không sút bao nhiêu. Từ hôm về tới nay phải thức đêm làm việc nhiều, ăn không được mấy, khí hậu lại oi bức hơn ở xuôi nên sức khỏe đã bị ảnh hưởng. Mấy hôm nay đau bụng, anh lo bệnh cũ trở lại. Anh đã bắt đầu uống thuốc, mấy hôm nữa sẽ tiêm . Nếu cần thiết anh sẽ nghỉ một thời gian ngắn cho khỏe hẳn (nghỉ tại chỗ) . Thuốc chỉ có ít tác dụng, sức khỏe để chống lại bệnh mới là căn bản.

         Tuy sức khỏe của anh có sút đôi chút song không đến nỗi gầy đi như em của anh sau trận ốm vừa qua? Cầm tấm ảnh của em chụp sau trận ốm anh ngạc nhiên và bùi ngùi. Ngạc nhiên là anh không nhận ra em lúc đầu mới xem, bùi ngùi là em anh gầy quá, chưa bao giờ anh thấy em gầy như vậy. Hai gò má cao hẳn lên, vầng trán lại càng cao hơn. Chỉ có đôi mắt, đôi mắt hay cười xưa kia, dịu hiền nhưng thỉnh thoảng ánh lên nhưng ý nghĩ tinh nghịch.

         Anh nhắc em về vấn đề xây dựng quyết tâm để chỉnh sửa tư tưởng sai lầm. Anh lấy anh làm ví dụ: Trong trận đầu tiên truy kích địch ở  Sầm Nưa, anh và đơn vị quyết tâm đuổi địch đến cùng để tiêu diệt - quyết tâm lúc đầu thật là cao, nhưng có một số không tin là đuổi kịp vì giặc chạy trước những một ngày. Số người không tin tưởng đó bị rớt lại sau khi chạy được 20km. Còn đại bộ phận quyết tâm đuổi thì đến 8h sáng hôm sau đuổi kịp giặc, đánh một trận tan hai tiểu đoàn. Đánh được một trận như vậy thì thỏa mãn với thắng lợi nhỏ, mệt mỏi muốn nghỉ, do đó quyết tâm đuổi giặc đến cùng không còn nữa, để giặc chạy thoát một số lớn, các đơn vị khác lại phải đuổi hơn 200km nữa mới tiêu diệt được. Bài học là: Quyết tâm phải xây dựng trên cơ sở thực tế khách quan tuyệt đối không để tình cảm chi phối, không để khó khăn gian khổ lung lay, không tự mãn với thắng lợi nhỏ. Đã quyết tâm là phải tin tưởng làm được, quyết tâm không trìu tượng, song quyết tâm phải giáo dục và xây dựng thường xuyên, phải xây dựng trong mọi hành động và tư tưởng hằng ngày …

         ..Em thường phê bình anh nóng tính, cả mọi người xung quanh cũng phê bình anh như vậy. Anh đã cố gắng và tích cực sửa chữa, song quyết tâm chưa đủ nên đôi lúc lại để cho tư tưởng quân phiệt chi phối mình, khiến mọi người không muốn gần, khi phải gặp anh là một điều bất đắc dĩ !  Anh nhiều lúc rất khổ tâm thấy anh em xa mình, coi mình như không có tình cảm!  Sau khi nhận được bài học quyết tâm trong trận truy kích địch, anh đã hứa kiên quyết xây dựng một quyết tâm vững chắc, bắt đầu ngay từ quyết tâm sửa chữa tác phong quân phiệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:51:58 am »

       
        22 tháng 10 năm 1953

         Em,


         Anh đã nhận được bốn thư của em tháng trước và tháng này: một do anh Súc chuyển và ba do anh Hiếu chuyển. Anh cũng không gặp Hiếu, vì anh không về dự hội nghị, còn phải bận tác chiến ở mặt trận khác.

         Hôm nay có anh Thành Công về Tổng cục anh vội viết ít dòng gửi em. Chắc là không viết được dài vì chỉ còn một vài giờ nữa anh sẽ lại đi... Ngày mai, ngày kia, cục diện sẽ thay đổi, bộ đội và anh tin tưởng mãnh liệt vào cuộc chiến đấu gay go ác liệt sắp tới này, cái niềm tin tất thắng dựa trên một cơ sở thực tế giữa chúng ta và kẻ thù làm cho mọi người phấn khởi vô cùng. Viết cho em lúc này anh có cảm tưởng như lá thư của một chiến sĩ viết trước giờ phút xung phong để một mất một còn với kẻ thù, giành lại hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho Tổ quốc và cho cả nhân loại. Trong một truyện ngắn của Liên Xô ( Gô-ba-tốp viết đăng trên báo Quân đội nhân dân ) tâm sự của anh cũng như tâm tư của người chiến sĩ trong truyện (em đọc lại truyện đó nhé). Có  gay go, có khó khăn nhưng nhất định kẻ thù phải bị tiêu diệt. Trước mắt anh hằng ngày những cánh đồng bốc khói, làng mạc bị tàn phá, thóc lúa bị thiêu hủy, đồng bào bị tàn sát giết chóc. Bao nhiêu cảnh tượng thê thảm hằng ngày diễn ra trên cánh đồng phì nhiêu có suối trong, có bản đẹp dưới những rặng me, rặng muỗng mà đồng bào Tây Bắc trước đây ít lâu còn sống yên vui, tích cực tăng gia sản xuất để góp phần vào kháng chiến sau những ngày được giải phóng từ đông xuân năm ngoái, năm nay. Ngày hôm vừa qua mấy băng đạn súng máy của quân thù lại vượt qua đầu anh và mấy đồng chí nữa! Căm thù chúng nó cao vút như đỉnh núi Pusan mà đơn vị anh và chúng nó đã quần nhau trong trận đầu tiên, dưới sức mạnh phi pháo của chúng mà chúng vẫn phải chạy dài.

         Nghĩa là trận sắp tới này phải một mất một còn với kẻ thù mà kẻ thù chắc chắn là sẽ bị tiêu diệt hẳn ở đây. Có gay go, có quyết liệt nhưng mà tất thắng và vinh quang.

         Anh mấy ngày hôm nay lại bù đầu vào công việc chuẩn bị - bốn đêm nay trắng trời, chợp mắt được một - hai tiếng lại họp, lại bàn, lại chuẩn bị. Sức khỏe có sút đôi chút, bệnh nhức đầu lại tăng nhưng vẫn đủ sức để chiến thắng kẻ thù. ít lâu nay toàn ở  trên cao, trời lạnh, có đêm không ngủ được. Chiếc mũ len em gửi cho anh đến vừa đúng lúc. Đêm ngủ trùm chiếc mũ vào thấy má, tai mình ấm áp - nhớ những đêm nao - chiếc túi bút máy hơi chật. Sợi len của em gửi ra vẫn chưa nhờ ai mạng hộ áo được. Do đó áo len đã rách phải cất đi và cũng đã được phát một chiếc áo khác đủ ấm. Nói tóm lại về anh: sức khỏe có hơi sút nhưng vẫn đủ sức làm việc liên tục, chiến đấu liên tục, vật chất tương đối đầy đủ, tinh thần vững, tin tưởng và phấn khởi.

         Trong thư em gửi anh Súc có nhắc đến mấy khuyết điểm của anh. Anh cũng đã làm kế hoạch thi đua để sửa chữa trong suốt chiến dịch này. Nhưng có một điều làm anh ngạc nhiên, em đã viết: "... Anh đã có một phần nào tự mãn chủ quan như đã tự động điện về TQU báo cáo...". Anh không hiểu sao lại có vấn đề này? Anh không hề trực tiếp báo cáo với TQU bao giờ vì nó không phải là quyền hạn của anh, mà anh cũng không có liên lạc - còn báo cáo trực tiếp với Bộ thì anh vẫn báo cáo như nếp thường xuyên những khi đi xa mà Bộ trực tiếp chỉ đạo. Vả lại anh cũng đã kiểm điểm lại, các báo cáo với Bộ, anh cũng không có gì tỏ vẻ tự mãn cả. Không biết em đã nghe chuyện này ở đâu? Còn tự mãn chủ quan trong trận Nà Noọng thì anh đã tự kiểm điểm nghiêm khắc như đã viết cho em...

         ... Hai tấm ảnh gửi cho anh, anh có một nhận xét thế này:

         - Tấm ảnh một mình cười ngượng là vì lo anh sẽ thấy rõ cái cổ cao và gầy. Nó sẽ mâu thuẫn với những báo cáo hùng hồn về sức khỏe của em hiện tại.

         - Ảnh chụp với chị Tăng Phú có cười hồn nhiên hơn nhưng là lây cái cười của chị Tăng Phú, không che nổi cái cổ vẫn gầy lại cao.

         Thôi nhé - Em vui mạnh - Đợi anh về!

         Anh đi đây!

        (Tự  nhiên anh viết một câu chấm dứt cũng như câu chấm dứt của đồng chí chiến sĩ trong truyện ngắn của Gô-ba-tốp: Tôi đi đây? Câu nói vang lên cái ý chí dũng mãnh quyết liệt khi hạ bút để cầm súng xông lên trước kẻ thù ) .

Vũ Lăng        



         Em,

         Anh gửi theo đây một chiếc túi da có fermeture trong đựng các thứ để khâu vá (kéo, đê, kim, chỉ ). Vợ  một anh bạn ở  Khu 4 cho để anh vá quần áo. Anh gửi để em dùng. Túi đi mưa bị ướt nên kim chỉ đã bị gỉ cả.

         Thư này gửi đi có lẽ lâu lắm anh mới lại có thì giờ viết cho em. Nếu lâu chưa nhận được thư anh, cũng đừng nóng ruột em nhé …

         Chiếc áo laine em đan lại cho anh năm nay bị rách và tuột sợi ở cổ tay. Giá gần em thì áo không đến nỗi rách thế em nhỉ. Gante hơi chật - nhưng năm nay anh vẫn đủ áo ấm. Có  cả giường cao su hơi để nằm, em không lo anh rét đâu. Đồng hồ của em hồi này vẫn chạy hay lại hỏng rồi? Nếu hỏng, có anh nào rành em hãy gửi đi chữa, đừng gửi bừa như trước nhé.

         Em chỉ lo cho anh mà ít nghĩ đến em. Áo rét của em năm nay thế là thiếu. Áo len không có, áo trấn thủ liệu có chịu được không? Nếu anh Khoa đưa tiền em cứ mua len đan áo nhé. Lấy tấm vải nanelle của anh lên mà may. Để đấy phí đi. Anh lo mất rồi đó. Bao nhiêu lần giục em may rồi.

         Thôi nhé - Vài hôm nữa anh lại đi xa. Thu đông năm nay nhất định đánh mạnh hơn mọi năm.

Anh yêu em - hôn em         
Vũ Lăng                 

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:42:39 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:48:00 am »

           
NHẬT KÝ

         30 tháng 1 năm 1952

         Từ giã bộ phận hậu cần đi mình thấy nao nao. Mình có linh cảm rằng sẽ không trở về 102 nữa. Buồn dâng lên khóe mắt. Nhớ đến hôm 27 tháng 1 vừa qua rời mặt trận, bắt tay Thế Dũng, Vũ Yên nước mắt chảy quanh. Nếu dửng lại thêm một phút nữa thì nước mắt tuôn ra mất. Vừa đúng năm năm  trời ở Trung đoàn qua bao nhiêu cái thăng trầm của đơn vị. Mình trưởng thành với cái chiến đấu ở Trung đoàn, với những hy sinh không đòi hỏi của bao nhiêu tuổi 20 "một đi không trở về ", "mắt nhắm miệng vẫn còn tươi". Tâm hồn mình ở Trung đoàn với tất cả những gì tha thiết nhất.

        Được tin đi học mình không thoải mái chút nào. Nhất là trong lúc này ở mặt trận mình chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Qua hai trận đánh không thành công, mọi người đều bứt rứt  vấp đau như thế. "Trận đánh không thành công có phải vì kỹ thuật của bộ đội kém không? Không phải. Có phải vì các chiến sĩ và cán bộ của Trung đoàn kém phần anh dũng không? Cũng không phải. Chỉ vì các đồng chí trong Ban chỉ huy ỷ vào cái tài năng cá nhân của mình chủ quan thiếu tỉ mỉ ..." .

         Lời phê bình của đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn vang lên trong đầu óc mình. Mấy hôm ở mặt trận mình không buồn, trái lại hăng hái vì những lời phê bình đó. Cái trách nhiệm của mình, của những thằng cán bộ trước Đảng, trước nhân dân, trước bộ đội về sự thất bại vừa qua của Trung đoàn. Cái trách nhiệm đó mình không trốn tránh.

         Phải đánh thắng để xây dựng lại đơn vị. Phải làm cho đơn vị phấn khởi lên! Những lúc bộ đội đi bố trí, những khi tiếng đại bác nổ rền trên trận địa, mình đều nghiến răng lại mà tự nhủ như thế. Nghĩ đến Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh1 và tất cả anh em khác đã ngã từ đầu chiến dịch tới giờ đầu mình nóng bừng lên. Những lúc ấy mà có thằng Pháp trước mặt mình, chắc là tay mình không để yên. Mấy hôm bố trí mình cứ phải động viên giải thích anh em phải kiên nhẫn đợi nhưng thật ra trong bụng mình sốt ruột tợn. Đứng trên ngọn núi 370 nhìn lên Hoà Bình thấy bọn giặc đi lại, bố trí mà sôi tiết " Trước hay sau thì chúng mày cũng chết, chi bằng cứ đi trước cho nó được việc sớm có hơn không?". Nó không đi vội, thi gan với mình mà đã mấy đêm rồi mình không ngủ, vùng dậy khoác chăn ngồi bên đống lửa, nghĩ đến nó, đến Phúc Ánh. Hôm qua chúng nó chuyển sang Hòa Bình nhiều. Toán quân đến đón chúng nó bị chặn đánh ở Đồi Giũ không tiến được, phân tích phán đoán xem bao giờ chúng nó sẽ rút. Nghĩ đến lúc đơn vị mình sẽ xuất kích cứ lần rật cả người, hình dung cả những cảnh địch chạy rối loạn, tan nát giữa trận địa hỏa lực của mình như vũ bão đập nát chúng nó từ Pheo đến Bến Ngọc...

         Thế mà mình phải rời mặt trận này để đi học! Tin điện tới làm cho mình phải lặng đi ngơ ngác. Nghĩa là mình chạy trước lũ giặc đang ngắc ngoải, nghĩa là mình không được trút căm thù lên đầu chúng một cách cụ thể, nghĩa là mình phải rời bỏ đơn vị thân yêu này, nghĩa là ...

         Trong đầu mình cứ ngổn ngang như thế, đến nỗi ông Khánh nhận thấy ngay thái độ của mình. Cả một ngày mình ngẩn ngơ. Buổi sáng mồng 1 Tết ăn cái bánh chưng, ngậm ngùi nghĩ đến lúc ra đi, nghĩ tới cái Tết Phố Lu 50 tang tóc ... Cái tết này cũng thế, nhưng còn đau đớn gấp bội. Phúc Ánh ơi!

         Hôm nay đi ngược lại con đường Trung đoàn đã hành quân qua. Ngày ấy lũ người chúng ta cười với nhau trong đêm lạnh, ôm nhau ngủ giữa hai chặng đường hành quân, thắm cái tình đồng chí, thương nhau qua những ngày đói rét của bao chiến dịch Thu Đông. Tiếng chân rầm rập rung chuyển bờ sông Đà. Chúng ta hớn hở đợi ngày nổ súng lên đầu giặc.

         Con đường cũ hãy còn in vết giày cũ của chúng ta từ đầu mùa hạ năm ngoái, ít ngày nữa  khi vị quay trở về, sẽ vắng hàng bao nhiêu người không còn in lại vết giày? Mình chầm chậm đạp xe. Hoà Bình xa quá rồi Tu Vũ, Chẽ lùi lại đằng sau xơ xác. Những vết giày đinh của giặc chạy loạn lên sau một trận thất điên bát đảo hãy còn hằn trên bãi cát. Những cây thập tự gỗ trên những nấm đất bên đường. Mùi hôi thối chết chóc còn vương trên lá cây ngọn cỏ. Tất cả gợi cho mình sự tan vỡ suy sụp của giặc. Nhưng sao mình vẫn không thấy hả dạ chút nào? Mình vẫn thèm cái trận sắp tới. Chính mình được đập vào đầu chúng nó ở Hòa Bình, giày mình được giẫm lên xác chúng nó nằm ngổn ngang trên đường số 6 trong một trận truy kích. Có một cái gì đó tức tối khó thở khiến mình nghĩ đến đường số 6? A Pheo! Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh, Đáng, Lưu ơi2 !  Chúng nó sắp chạy rồi. Chúng nó bỏ Hòa Bình, bỏ Pheo đến nơi, liệu chúng mình - những người ở lại có đánh được dập đầu chúng nó ra, có lia, có quật chúng nó, hất chúng nó ngã xuống những giao thông hào, đắp cho chúng nó những nấm mồ khổng lồ như trên biên giới? Mình thấy lo cho đơn vị không còn được mạnh như trước, mai kia địch chạy liệu có làm tròn nhiệm vụ?

--------------------
        1 . Khánh: ông Cao Văn Khánh - Đại đoàn phó Đại đoàn 308.

        2 . Phúc Ánh, Việt Dũng, Đáng, Lưu là tên những đại đội trưởng, trung đội trưởng đã hy sinh.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:54:00 am »


         Nỗi lo lắng nhớ thương ám ảnh mình ghê quá. Giá có một người bạn đồng hành thì cũng đỡ buồn. Nếu còn Thuận1? Ô hay, mình không đạp xe được nữa. Đỗ xe lại nghỉ bên đường vẫn nghĩ đến cái chết của Thuận. Cái chết nhanh quá, dễ quá. Ôm Thuận trong tay, mình bàng hoàng cả người. Máu Thuận rỏ cả trên lưng mình. Không kịp nói câu nào. Thuận chỉ còn sặc lên mấy cái vì máu dồn lên mũi và mồm. Mình không kịp đau đớn vì cái chết của một đồng chí đã bảo vệ cho mình. Tiếng đạn vẫn nổ rền bên tai, đại bác nổ liên hồi như ngũ liên, phi cơ rít trên đầu. Những bóng người lướt qua chỗ mình rất nhanh. Những chiếc cáng, những tiếng rên. Sương mù tan dần. Đường số 6 hằn lên vết xe tăng, hai bên bờ lau bị đốt trụi còn trơ lại những thân cây nửa đen nửa trắng như những đốt xương. Trái phá cày hai bên bờ đường. Máu vương trên rìa cỏ.

         Đại bác lại nổ liên hồi từng chập một. Những bóng người vẫn lướt qua...

         " Ra hết chưa? ".

         Tiếng mình quát lên giữa những tràng liên thanh bắn theo. Quang Long đây rồi: anh em đã ra được cả.

        " Rút lui phải bảo đảm mang hết thương binh tử sĩ, mang hết vũ khí ra! ".

         Lệnh của đại đoàn vang lên, vang lên hai bên tai mình. Mình cúi đầu đi hai vai nặng trĩu. Những bóng người vẫn lướt qua mình rất nhanh.

         Liệu có thật là đã mang được hết không?

        Quang Long mới xuống đơn vị có hoang mang trước tình thế gay go mà trả lời sai chăng?

         Mình bỗng như có một cái gì đó phản ứng, quay phắt đầu lại. Sương đã tan hết. Đồn Pheo vẫn sừng sững. Đạn liên thanh từ những ụ súng bên đồn cao vẫn toé ra loạn xạ. Căm chưa? Phải đập tan nó đi. Mình nghiến răng lại muốn gầm lên. Thành chạy tới trước mặt mình hổn hển: "Anh em ra hết rồi đang tiếp tục đi sau !".

         Đôi vai mình nhẹ đi một chút. Vượt qua một núi lửa đại bác. Chúng nó bắn theo mình, khá chật vật gặp Dạ Bình, C213 vẫn chưa ra!

         Tiếng đại bác lại réo lên dồn dập. Tiếng hô của giặc, tiếng quát của ta. Rõ ràng Đại đội C213 vướng lại rồi.

         Tiếng Bình nói khẽ:

         " Vẫn C213 Chùa Cao đấy anh ạ! ".

         Mình rướn người lên. Ra lệnh cho Dụ. Một trung đội vượt qua trước mặt mình tiến về phía súng nổ. Bóng Dụ khuất hẳn. Không bao giờ mình được trông thấy Dụ nữa.

         Viết Phương, Dụ, Phúc Ánh, Cẩm Giang, bốn đại đội trưởng cùng với mình trong chiến dịch Sông Thao 49, chỉ còn lại Cẩm Giang bên Trung Quốc. Và mình hôm nay, trơ trọi lủi thủi trên con đường này mà tất cả đã cùng đi qua. Mình muốn chửi tục một câu Sao lúc này mình lại đi! Sao không ở lại mặt trận cùng với đơn vị, xông lên, xông lên, báng súng đập nát đầu chúng nó ra, lưỡi lê đâm xổ ruột chúng nó ra!

         17 giờ. Hút chết vì phi cơ chúng nó quần. Thôi được. Tao hãy còn đây.

         Chiều xuống. Một chiều mồng 4 Tết. Cũng chả nên buồn mãi, ảnh hưởng đến vấn đề học tập sau này. Chuyển hướng nghĩ đến chuyện khác vui một chút. Ừ, chiều hôm nay gợi nhớ đến những gì nào? Những mồng 4 Tết năm xưa, ăn thang cuốn. Xa quá rồi! Mồng 4 Tết năm ngoái, phải rồi lòng mình dịu đi! Em của anh! Mấy hôm nữa gặp nhau chắc em sẽ an ủi được anh nhiều. Đêm mồng 4 Tết năm ngoái, lo lắng đi suốt đêm. Sáng mồng 5 về tới nơi em, mệt rã rời mà không dám nói vì sao. Đêm nay cố gắng đi. Mồng 6 sẽ gặp em. Kỷ niệm đêm tân hôn ...

-------------------
        1 . Thuận: Tên người bảo vệ của ông Vũ Lăng. Thuận đã hy sinh khi nằm che chắn trên người thủ trưởng để bảo vệ ông tránh khỏi những làn đạn của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 02:33:59 pm »


         Vượt qua sông Thao, đèn xe hỏng, 19h30 rồi. Nếu không chữa được đèn thì hết đi đêm nay. Đành dắt xe vào thị xã Phú Thọ. Đêm lạnh, đói chưa biết ăn ở đâu. Vừa đi vừa tính toán chặng đường đi đêm nay. Cố vượt qua Bình Ca về Tự Do ngủ. Sáng sau leo qua Đèo Khế. Buổi trưa về tới nhà thì ung dung chán. Nhưng mà về Bờ Đậu1 hay lên Chợ Chu2 ?

         Phân vân tệ. Tới Phú Minh rẽ vào Chợ Chu thì chỉ cần 14h mình đã tới Tổng cục Cung cấp. Nhưng nhỡ Tết em mình về với má thì sao? Em đã nói với mình là Tết sẽ không về nhà nhưng biết đâu đấy. Thôi cứ về  Bờ Đậu thăm má nhân thể.

         Gió từ sông Thao lùa vào trong phố, mình kéo cổ áo lên cho đỡ lạnh. Nghĩ đến đêm này năm ngoái đang đạp xe để chuẩn bị cho ngày mồng 6 Tết ( 11 tháng 2). Bao nhiêu lo lắng mà không dám cho em biết. Một năm qua. Hạnh phúc. Đêm nay lại đạp xe, cũng đi suốt đêm để sống lại ngày mồng 6 Tết năm ngoái. Em làm gì đêm nay? Bên đống lửa có ngờ rằng anh sẽ về bên em giữa một ngày xuân đẹp nhất của đời chúng ta.  

         Phố vắng, mấy hàng cơm phở còn chong đèn,  khách ăn cũng không đông lắm. Tiếng lách cách của cùi dìa quấy kem trứng. Mình không nghĩ đến ăn vội Chữa đèn đã. Chả có hiệu nào có bóng đèn cả. Dắt xe lên phố trên, gặp một bóng người đi bên hè, mình hỏi thăm hiệu xe. Anh niềm nở chỉ hiệu xe cho mình và bắt chuyện. Mình đi theo anh ta, thấy anh chàng cũng dễ thương. Trao đổi dăm câu. Thấy mình chưa cơm nước gì anh ta kêu:

         " 8 giờ tối rồi! Thế thì đói chết. Phố trên này không có hàng cơm đâu. Đồng chí phải quay lại phố dưới thôi! "

         Mình ngỏ ý chữa xe đạp trước, trong khi chữa xe kiếm chút gì ăn tạm cũng được. Mình còn phải đi suốt đêm nay. Anh ta chép miệng.

         " Đời cán bộ vất vả thật. Tôi biết vì trước kia tôi cũng đi công tác " .

         Đi đến một câu chuyện cảm động: Anh ta là một công chức xung phong xin giảm biên chế về tăng gia để đỡ gánh nặng cho Chính phủ (anh nhắc lại câu xung phong, rất tự hào) . Gia đình anh có hai vợ chồng và sáu đứa con. Từ Hà Giang dắt díu nhau về với một chút vốn nhỏ đã dành dụm được, chưa kịp làm ăn gì thì cả gia đình cứ thay phiên nhau ốm. Không hôm nào trong nhà không có ba người đắp chăn rên. Chút vốn cứ vơi dần. May có hai đứa con gái đã lớn chịu khó chợ búa nên lần hồi rau cháo cũng được bữa đói, bữa no.

         Giọng anh cất cao lên: " Bây giờ mới là lúc thử lửa ", Cụ Hồ bảo: " Trường kỳ kháng chiến nhưng nhất định thắng lợi " nên mình cũng tin lắm. Cái đói khổ của mình có thấm vào đâu với bộ đội. Tôi nhất định không ngã lòng. Mấy hôm nay cuốc đất khỏe lắm. Rồi anh cười khẽ hạ thấp giọng xuống. "Thế mà mấy hôm Tết mình cũng bị giày vò ghê quá. Lũ trẻ nheo nhóc, khạp gạo vét trơ cả đáy ra rồi. Vợ ốm nằm liệt giường. Đêm đêm hai đứa con gái lớn vẫn phải vượt sông Thao để đi buôn chuối ở Hưng Hóa. Thấy nhà hàng xóm có bánh chưng mấy đứa trẻ thèm mà không dám nói, nhưng trong mắt chúng nó lấp lánh nhìn những tấm lá dong ướt còn dính ít hạt nếp xanh trong, vứt ở đầu hè thì biết!

         Hôm qua tôi gặp thằng bạn thân cũ ở gần đây. Cậu này trước kia tôi cũng giúp đỡ ít nhiều. Cậu ấy mời chiều nay ăn cơm. Tôi nể vả lại cũng muốn gặp bạn để tâm sự cho khuây khỏa, nên chiều nay mới đi ăn. Đợi sẫm tối mới dám đi vì mình rách rưới quá. Lâu không gặp cậu ấy không biết cậu ấy hồi này thế nào nên mình cũng sợ ngượng. ăn cơm cũng không vui mấy, nghĩ đến vợ con Ở nhà nheo nhóc. Câu chuyện cũng chiếu lệ, tình bạn cũng đã phai rồi, cậu ấy lại có vợ buôn bán khá giả nữa. Cơm xong cậu ấy ấn vào mình cái bánh chưng bảo mang về cho con. Mình đã toan không nhận. Một chiếc bánh chưng? Đời mình đã có bao giờ nhận quà Tết như thế đâu. Ngày xưa, ừ mà ngày xưa với những thằng bạn nghèo, có bao giờ mình sỗ sàng như thế, mình giúp đỡ một cách kín đáo, chỉ sợ chúng nó tủi. Hôm nay mình cũng thấy tủi thật, nhưng cũng cứ nhận. Kháng chiến cũng thay đổi tình cảm của con người ít nhiều. Mình ấn cái tự ái vào trong nhưng kể thì cũng buồn, lũ trẻ thấy tấm bánh chưng này chắc là thích lắm nhưng có hiểu đâu nỗi buồn của bố!

--------------------
        1 . Bờ Đậu (Thái Nguyên): Nơi ở của gia đình vợ Vũ Lăng.

        2. Chợ Chu (Phú Minh): Nơi đóng quân của Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cẩn) là nơi vợ ông Vũ Lăng đang công tác.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Giêng, 2017, 02:44:38 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 02:46:32 pm »


         Ra đến đường thì gặp đồng chí đấy! Đồng chí tha lỗi cho nhé, tự dưng lôi câu chuyện buồn của mình ra! Uống có một chút rượu con vào mà ba hoa thế đấy ".

         Mình cảm động an ủi anh ta mấy câu. Lời nói của mình nồng nhiệt không hời hợt. Trong khi nói mình nghĩ đến anh Thanh, mình đau đớn vì câu chuyện của anh Thanh. Nếu anh mình cũng chịu đựng được như thế. Cũng đông con, đời sống cũng chật vật, cũng ăn bữa hôm lo bữa mai, nhưng mà anh ta đã ở lại, sẵn sàng chịu đựng những thử thách.

         Nhân, Lục, Hương, Tú, Lân1 năm nay chắc không thiếu bánh. Nhưng bánh ăn trong tù ngục của lũ kẻ cướp ấy ngon sao bằng bánh ăn Ở ngoài vùng tự do này. Thà rằng mình thấy chúng nó thèm thuồng nhìn những chiếc lá dong còn dính ít hạt nếp xanh như lũ trẻ của anh bạn này, còn hơn là chúng nó ở trong ấy đầy đủ, nhưng đầu cúi xuống lấm lét khi nghe tiếng giày đinh của lũ giặc hỗn xược đạp trên đường phố...

         Gần tới phố trên anh ta dừng lại, chỉ vào một mái tranh nhỏ khuất trong đám cây: " Nhà tôi ở trong kia không rộng lắm, nhưng thêm một người nữa cũng không chật là bao. Nếu đồng chí không sửa được xe, xin mời đồng chí đến chỗ tôi. Cứ tự nhiên đập cửa lúc nào cũng được. Rồi anh ta rút trong túi áo ra tấm bánh chưng: " Đồng chí cầm tạm cái bánh này ăn cho đỡ đói. Tối nay chưa chắc có nhà nào dọn hàng, quay xuống phố dưới thì xa mà lại mệt. Đây là lòng thành của tôi Đồng chí vui lòng nhận cho ".

        Mình từ chối mãi mới được. Anh ta ấn chiếc bánh vào túi không được vui cho lắm. Mình nói rõ sự cảm động của mình về cử chỉ của anh ta, cử chỉ của đồng bào hậu phương thương yêu chăm sóc bộ đội. Anh ta cười bắt tay mình.

         " Đồng chí hãy còn khách sáo đấy. Thôi, đồng chí đi vậy nhé. Nếu cần cứ quay lại, tôi cứ dọn dẹp sẵn một chỗ đấy ! " .

         Mình dắt xe đi tưởng tượng đến mấy đứa trẻ con anh ta (có lẽ cũng chỉ bằng tuổi Nhân, Lục ) mắt sáng lên khi thấy bố giở chiếc bánh chưng ra.

         Cái Tết của chúng nó đấy. Giản dị biết chừng nào, cái hạnh phúc của lũ trẻ nhà nghèo. Và những thằng lính chúng mình lại càng thấy rõ nhiệm vụ. Nhớ đến một bức tượng ở Tiệp dựng lên để kỷ niệm Hồng quân Liên Xô. Một hồng quân một tay bế một thiếu nhi, một tay cầm một thanh gươm biểu hiện ý chí cương quyết thiết tha của một đồng chí Cộng Sản thiết tha bảo vệ tương lai, bảo vệ hòa bình cho nhân loại.

        Chả một hiệu xe nào có bóng đèn cả. Đêm nay có lẽ mình phải ở lại đây mất. Vị tất đã thực hiện được chương trình. Tìm được một hàng quà còn bún riêu, ăn được hai bát lại lên xe đạp hy vọng có một xe nào về Bình Ca. Mới có 9h tối mà đường đã vắng tanh chả có một bóng ma nào cả. Đường gập ghềnh không có đèn khó đi quá. Đến chỗ rẽ vào ấp Khải Xuân hỏi một hiệu xe, nó đòi 2 vạn một chiếc bóng. Tụi con buôn bóc lột thật, mình lại nhớ đến anh công chức nghèo kia.

        Đợi một lúc cũng không thấy chiếc xe nào đi theo để bám. Phải tính đến chuyện ngủ lại. Nếu quay lại thị xã thì xa quá. Định đi thẳng về Phú Hộ thì chợt nhớ đến Phúc Sinh, nghe nói cậu ấy ở Khải Xuân. Có lẽ cũng không xa lắm. Lâu không gặp cũng nên nhân dịp này rẽ vào thăm.

         Mất hơn một tiếng đồng hồ mới vào tới nơi. Gặp nhau hai thằng khoái quá. Nhớ đến những ngày Hà Nội trong vòng vây của giặc. Phúc Sinh bảo con đi rán bánh chưng và lại lấy thức ăn để uống rượu, lấy nước nóng cho mình rửa mặt, không khí ấm áp quá.

         Ngồi uống rượu với bánh chưng rán, lạp xường, thịt quay mình lại nhớ đến lũ trẻ con anh công chức.Cuộc đời vẫn còn chênh lệch quá. Ngày mai tươi sáng của chúng nó còn phải trải qua nhiều gian khổ. Hai anh em trò chuyện tíu tít. Nhắc đến Liên2, Phúc Sinh phàn nàn cho mình. Mình không muốn nghĩ đến nữa, lảng sang chuyện khác. Uống nhiều. Một giờ sáng mới đi nằm. Chúi vào chăn bông ấm cúng nhớ đến em. Ngủ thiếp đi vì mệt và hơi say.

--------------------
        1. Nhân, Lục, Hương, Tú, Lân: Tên năm người con của ông Thanh (anh ruột Vũ Lăng).

        2. Liên: Tên một nữ quyết tử quân - người yêu đầu của ông Vũ Lăng
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 10:56:26 am »

         
         31 tháng 1 năm 1952

         Sáng dậy hơi muộn, Phúc Sinh đã dậy từ sớm để bảo con sửa soạn cơm nước. Cả nhà tấp nập. Rửa mặt xong chị Phúc Sinh lên chào. Trông chị già đi nhiều. Lũ cháu cũng lên chào chú. Mình đỏ mặt khi giới thiệu cháu Hảo 21 tuổi, hơn vợ mình 2 tuổi, càng đỏ mặt hơn nữa khi phải đưa ảnh của Hoa ra, mọi người đều kêu là "thím" trẻ hơn cháu. Tình bạn đã đi đến chỗ thân hơn, mình gọi là anh chị và cả nhà gọi mình là chú. Đi trên con đường mịn sạch giữa hai rặng chè, mình thấy nhớ đến em làm sao. Hôm nay mồng 5, không biết ngày mai về có kịp với em không để dành cho em một sự bất ngờ? Phong cảnh ở đây đẹp hơn Bờ Đậu nhiều. Giá có bao giờ hai đứa sánh vai nhau đi dưới rặng lệ chi này, như hôm nay thì tuyệt.

         Cháu Hùng gọi về ăn cơm. Cơm thịnh soạn quá Mình mệt không dám uống rượu nữa. Còn phải để sức đạp xe suốt ngày và đêm nay cho kịp. Anh chị chăm sóc mình chu đáo, gói thuốc lá cho mình, hẹn viết thư. Bắt tay chị và các cháu đi. Anh Phúc Sinh đòi tiễn mình ra tận ngoài đường, chia tay nhau ở ngã ba, anh lại hẹn thế nào cũng viết thư cho vợ mình.

         Qua Phú Hội, Phố Chảy, Cầu Hai, Vân Mông mình lại thấy nhớ chúng nó tợn, Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh. Chỗ đường dốc này mình và Địch Sơn ngồi nghỉ dưới ánh trăng trong cuộc hành quân, Việt Dũng đi qua thấy hai thằng đang thủ thỉ nhếch mép cười. Qua khu rừng kia là hội trường, mình với Phúc Ánh, Khánh mấy hôm nằm lên vật xuống giúp nhau đấu tranh với một kẻ thù chung là tư tưởng phi vô sản. Có lẽ ngày hôm nay lại nhắc nhở, ám ảnh mình như ngày hôm qua chăng?

         Gần tới Đoan Hùng gặp Bồng và Hùng rủ nhau cùng đi. Vượt qua sông Chảy cách cây số 5, 10km gặp Trọng Chung vừa đi Phú Thọ thăm bà Minh về. Cu cậu có vẻ khoái vì mới được làm bố. Bao giờ thì bõ bố. Mình vượt lên trước để rẽ vào Tuyên Quang làm nhiệm vụ con chim xanh cho Vũ Yên. Giá gặp Nhung thì cũng hay đấy. Mình sẽ trêu một chút xem mặt đỏ đến độ nào?

        Không gặp Quý. Con cô Xuân kháu quá. Mình lại thấy thèm.

         Ra phố mua được bóng đèn, lại đạp một mạch về bến Bình Ca lại gặp Trọng Chung. Vượt qua sông Lô lúc sẫm tối, thấy cũng khá mệt. ăn bưởi Đoan Hùng rồi nảy ra tư tưởng đi  ôtô cho chóng. Mình cũng đã sợ Molotoba nhưng mình muốn vô tới nhà chóng nên cũng liều một chuyến nữa. Xe của các ông tướng kia cũng không tốt nên không cậu nào dám theo mình đi suốt đêm. Trong khi đợi ôtô, Trọng Chung và mình mua bánh chưng ăn. Nhà hàng còn lại một chiếc bánh Tết rán lên cùng với đôi lạp xường của mình mang theo. Ưu điểm quá.

         Ôtô đến. Xe chỉ đi đến Tự Do. Tới Tự Do may ra có xe về tận Thái. Xe xóc ghê quá nhưng mình được đưa lên chỗ lái ngồi dễ chịu hơn. Cậu tài xế nhận ra mình đã đánh trận Hạ Bằng. Thì ra trước kia cậu ấy ở địa phương quân Sơn Tây. Nhớ lại Hạ Bằng lại nhớ đến lá thư bên triền núi Ba Vì, lá thư đầu tiên gửi người em yêu với những rung động thầm kín chưa cởi mở.

         Đến cách Tự Do 3 cây số, xe dừng lại. Không có xe về Thái đêm nay. Mình rủ tụi Trọng Chung1 và Hoàng đạp thẳng về Thái nhưng không cậu nào dám theo. Mình đành phải ở lại, ngủ lại một đêm ở Chi Cục Vận tải, ngày mai không biết có về kịp không? Nếu rẽ lối Phú Minh thì chiều tới nơi. Nhưng nhỡ em về Bờ Đậu thì sao? Lúc nhắm mắt ngủ vẫn chưa dứt khoát.

         Sáng nay mồng 6 ta. Mình đi rửa mặt nhớ đến sáng hôm ấy Ở Phục Linh. Hoa tự ái ngồi làm họa. Mình định rủ Hoa đi chơi, nhưng bận tíu lên vì chuẩn bị hội trường. Một năm qua chóng quá Hoa ạ. Nếu gặp em hôm nay chắc là nhiều chuyện lắm. Và em nhỉ chúng ta ...

         Ăn cơm sáng ở Tự Do 3 thằng tính toán mãi để ăn thế nào cho vừa phải, nghĩa là cho vừa túi tiền. ông Chung mắt cứ méo xệch đi. Phải cho cậu ấy vay một vạn để trả tiền ăn và chữa xe.

         Đợi cậu ấy mất hai tiếng đồng hồ. Mình cũng hay cả nể thật. Cứ lóng ngóng đợi mãi mà cậu Chung cũng không biết điều: "Thì giờ là vàng ngọc" mà mãi đến 10h mình và cậu Hoàng mới dứt ông ấy ra được. Đến Cao Vân dừng lại sửa xe, Hoàng vượt lên trước. Tưởng chỉ mất 15 phút không ngờ mất hơn hai tiếng.

         Gần tới Phú Minh lại gặp máy bay. Mình vứt xe nằm ở bên đường, 2 khu trục vòng lại chỗ mình soi một lượt rồi đi thẳng. Mình đã tưởng nó trông thấy. Cũng cáu.

         Tới ngã ba Phúc Minh nhất quyết đi thẳng về Bờ Đậu qua Đại Từ vẫn thấy xơ xác. Dừng lại nhà bà Vinh ăn bát bún lại đi. Giá có thì giờ thăm lại Đại Từ, thăm lại những chốn cũ cũng hay.

         Bờ Đậu đây rồi. Hoa đào năm ngoái còn cười với gió đông không đấy? Giá hôm nay em ở nhà, sáng mai chúng ta sẽ cùng đi thăm cây đào cũ, bên nhau, âu yếm, nhớ đến những lần đầu tiên, tự nhiên dẫn nhau đi chơi nhưng vẫn còn e lệ .....

------------------------
        1 . Trọng Chung: Tức ông Trần Trọng Chung sau này là Đại tá Viện Lịch sử quân sự
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 11:02:25 am »


         3 tháng 2

         Sáng dậy sớm. Má pha nước cho uống rồi sửa soạn đi. Mình muốn mang cái màn đi nhưng lại sợ má hiểu lầm lại thôi.

         Bắt tay má, chị Tường Vân chúc mình gặp Hoa vui vẻ, mình lại càng cảm thông với nỗi buồn của chị. Chiều nay, trên con đường trở về địa phương công tác, dắt xe xuống đến đường, mình vẫn thấy ái ngại làm sao ấy. Đến Phấn Mễ dừng lại ăn bát bún riêu. Trưa nay chắc là phải ăn quà dọc đường rồi. Ăn tạm bát bún riêu rồi đến đâu sẽ hay. Vừa đạp xe vừa ngẫm nghĩ. Hôm nay chủ nhật chắc em nghỉ, không biết em ở nhà hay lại đi chơi. Mình đến, chắc em ngạc nhiên lắm, và nếu vắng người sẽ ôm chầm lấy anh. Có tin mình tử trận không biết em đã biết chưa?

         Thôi nguy rồi. Hôm lên Bộ gặp em quên không hỏi vị trí Tổng cục Cung cấp. Bây giờ biết lối nào mà tìm. Nếu đến trạm liên lạc 51A thì lại mất hôm nữa. Nghĩ ngay đến bác Ba San, tới Phố Ngữ ngồi chơi  một chút hỏi Tổng cục Cung cấp chắc bác ấy biết! Trời hôm nay tạnh ráo, lạnh, nhưng ít gió. Xe cứ bon bon đường số 3 Hợp Thành, phố Trào, Cây số 31 rồi Phố Ngữ. Bao nhiêu kỷ niệm cũ...

         Bác Ba San1 đang làm vườn. Người nhà chạy đi gọi về tiếp mình. Ngồi uống nước nói chuyện, mình cứ định hỏi chỗ em, rồi lại ngập ngừng. Mất gần một tiếng đồng hồ, mình mới mạnh dạn hỏi, té ra bác ấy cũng không biết nốt. Cũng thay có anh Ở quân nhu vừa đi ngang qua đó. Bác cho người đi tìm về đến hỏi hộ. Lại chờ mất nửa tiếng nữa.

         Bác gói cà chua và khoai cho mình, để chiều nay em  làm cơm cho mình ăn. Mình cũng chả hiểu chế độ ăn uống ở đó ra sao, nhưng cũng không dám từ chối. Nếu Ở nhà thì mình còn lấy thêm nữa chứ.

         Biết chỗ rồi, ung dung đi. Gần tới Quán Vuông nhớ đến căn nhà bên đường đêm 18 tháng 11 mình ngó vào, nhà đã có người ở. Bụng đã thấm đói. 13h30 rồi còn gì. Từ sáng mới ăn có bát bún riêu. Thôi để lên Chợ Chu ăn luôn thể.

         Qua đường rẽ vào Cắm Xiểng mình đứng lại ngắm hướng xem có đúng với lời chỉ dẫn không? Con đường cách đây ngót bốn năm mình đã từng phóng ngựa qua, bây giờ lạ hẳn đi. Con đường mà Lê Thọ đã làm thơ khi thấy hoa mới nở đẹp:

                                 Vó ngựa phăng phăng đường lớp lớp
                                 Ngàn sau hoa trắng thấy sương rơi ...


         Hoa mai đã " có chủ " rồi, chàng thì đang đi theo cơn gió lốc của cuộc viễn chinh, hàng năm chẳng còn đâu "vó câu lưu luyến" để hứa với ngựa "Thanh bình xin để vó ngựa hồi " nữa.

         Hôm nay trên con đường cũ này, mình ngâm khẽ mấy câu thơ của Lê Thọ, nhớ đến những ngày chúng ta cùng cưỡi ngựa lướt qua những rặng mai trắng bên đường.

         Mồng 8 Tết rồi mà thiên hạ ở Kim Sơn vẫn chưa dọn hàng. Hàng phở còn đóng cửa. Mình đang ngơ ngác thì gặp anh Nam. Anh Nam hỏi mình liền:

        "Có phải mới bôn về đây không?".  Mình cười. Anh cho biết là anh có biết Hoa mấy hôm nay khi vào Tổng cục, và hiện nay anh vẫn ở Tổng cục. May quá. Thế là mình có người dẫn đường rồi. Đi ăn vội chiếc bánh chưng rồi cùng anh Nam quay ra Cằm Xiểng. Gửi xe ở 24C2 xách ba lô đi bộ vào. Nặng trĩu tay. 3 cây số mà sao mình thấy xa thế. Gần tới nơi rồi, chưa thấy bóng em đâu. Giá em chạy ra xách ba lô cho mình nhỉ? Có dám ôm lấy anh không? Em của anh!

         Qua nhà ăn nghe thấy tiếng hát và tiếng chân nhảy. Chắc là em ở đây rồi. Gần tới nhà khách, mình đang mải nhìn chỗ khác, bỗng anh Nam bảo mình: "Kìa, chị ấy kia ! ". Em đang cùng các bạn tập nhảy. Đến gần mọi người cười lên:

         - "A, anh Vũ Lăng! ". Khi mình gật đầu chào họ.

         Em quay lại ngạc nhiên rồi cười:

         - " Ô! Anh! " - ngượng nghịu đỏ mặt.

         Mình vội bảo: " Hoa cứ tập đi ! ".

         Chính mình cũng thấy mất tự nhiên, vì nhiều người chú ý nhìn mình. Những ý nghĩ mạnh dạn biến đâu mất cả. Cất ba lô ngồi nói chuyện với anh Nam, ý nghĩ ở bên em. Nếu hôm nay ở nhà, em nhỉ. Chúng mình sẽ tự nhiên hơn bao nhiêu. Gặp nhau ở cơ quan phiền toái thật. Các anh ở cơ quan đến nói chuyện. Lại chuyện Hòa Bình. Các ông ấy đã dọa bóc lột mình rồi.

         Em tươi cười bước vào. Đã tự nhiên hơn lúc đầu. Em anh không được khỏe lắm. Mình dịu lòng lại khi gặp đôi mắt em. Ồ anh muốn hôn lên đôi mắt quá, đôi mắt của anh.

         Các anh ở cơ quan đối với mình cũng tốt, chú ý giúp đỡ, săn sóc đến hạnh phúc riêng của chúng mình. Chu đáo đối với rể của Tổng cục quá. Có lẽ đấy cũng là một tác phong riêng của cơ quan chăng.

         Ăn cơm với anh Nam và một số anh ở Tổng cục và em. Mình thèm bữa ăn cơm riêng quá. Lẽ ra hôm nay chỉ có anh và em cùng ăn cơm, em nhỉ? Chúng ta sẽ được tự nhiên cởi mở hơn.

         Buổi tối nói chuyện Hòa Bình bên đống lửa. Mình mong muốn nằm nghỉ. Các anh cũng biết điều đấy. Cùng với em về buồng riêng. Những cử chỉ dịu hiền của em, của một người vợ. Đêm nay sống lại những phút rung động, say sưa của những ngày hạnh phúc đẹp như mùa xuân năm ngoái. Em !

--------------------
        1. Ba San: Vợ ông Phạm Ngọc San - Chánh văn phòng Tổng cục Cung cấp nơi bà Việt Hoa công tác.

        2. 24C: Tên trạm liên lạc của Tổng cục Cung cấp.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:12:25 am »


         Ngày 4, 5, 6, 7, 8 tháng 2

         Anh biết nói gì với em đây?

         Những ngày bên em, bên người vợ hiền?

         Chiều nay chia tay em để vào trường, lòng bịn rịn, nhìn theo bước em đi, bóng em nhỏ bé khuất sau những rặng cây. Có phải vì chiều nay lạnh mà lòng anh tê tái đi chăng, hay là cuộc chia tay lại nhằm vào lúc hoàng hôn xuống anh nhớ đến một chiều mùa đông năm ngoái, em tiễn chân anh cũng vào lúc hoàng hôn xuống và sau đó có những hạt lệ nhỏ vào lòng mẹ già.

         Không! Chiều hôm nay không buồn như thế phải không em? Cái buồn dịu của một cuộc chia tay vào lúc hoàng hôn, nhớ nhau, bỗng dưng thấy mình lẻ loi mà mình không hề nghĩ đến trong những ngày quấn quít bên nhau.

         Hoa em, ngọn đồi Chợ Chu còn đó, có bao giờ quên được em nhỉ, những giờ phút đã qua ...

         Anh biết nói gì với em đây?

         Những ngày bên em là những ngày tươi đẹp nhất của cuộc đời tình cảm chúng ta. Những ngày em đã cố gắng nhiều và những ngày anh đã được chiều chuộng hơn tất cả bao giờ. Những ngày của người vợ hiền thương yêu chồng. Những ngày đầy đủ. Nói thế là đủ phải không? Em?

         Đêm 8 tháng 2. Đêm nay ngủ lại Bãi Á. Một đêm trăng lạnh. Con đường dài hẳn lên dưới ánh trăng, chạy thẳng tắp về phía chân đồi Chợ Chu, con đường em và anh đã sánh vai nhau đi. Mà trước đây ngót bốn năm không bao giờ anh nghĩ đến những hình ảnh êm đẹp ấy.

         Gặp Hải, biết rằng có thể vào trường chậm hơn ít ngày cung được. Mình tiếc quá, giá biết sớm một chút, thì mình đã có thể ở lại với em hết ngày 11 tháng 2, để kỷ niệm ngày 11 tháng 2 năm ngoái, ngày của chúng ta, ngày của hai cuộc đời cộng lại làm một.

         Quay lại chăng? Mình sợ ngượng. Sáng nay vừa mới chào mọi người xong bây giờ lại quay lại thì họ cười chết, nhất là chỗ ngủ họ lại phải thu xếp cho mình thì cũng phiền. Nếu ở nhà mình thì còn nói gì nữa.

         Mình biết là tự ái tiểu tư sản nhưng vẫn cứ chịu thua nó đấy. Thao thức không ngủ được, nhớ đến em đêm nay không biết có trằn trọc như anh. Nhớ đến cả câu chuyện mình đã trêu em. Quái ác, chắc em cũng giận mình nhưng ngoài mặt cũng làm ra bộ vững lắm. Thôi em nhé, anh xin lỗi, lần sau không thế nữa.
         
         Nhớ đến cả buổi chiều trên đồi Chợ Chu em đã chiều anh... Em của anh? Có bao giờ chúng ta quên được nhỉ. Gần sáng thiếp đi.

         Còn cả buổi sáng hôm nay không biết làm gì. Viết thư cho em vậy. Hoa mai gợi nhớ đến những cánh hoa đào ghê.

         Ngày mai vào trường phải tập trung tư tưởng để học tập, chắc là không có thì giờ viết thư cho em nữa. Viết nốt những ý nghĩ của mình cho em. Chả biết lần này có kết quả không? Hình ảnh Lương kháu khỉnh thỉnh thoảng lại ám ảnh anh. Trong mình vẫn có những mâu thuẫn mà chưa thống nhất được. Vừa thích vừa lo. Cái lo tương lai nó chưa cụ thể mới cảm thấy những khó khăn có thể cho mình và cho em, nhất là cho em. Cái thích hiện tại nó thôi thúc mình, chỉ mới nhìn thấy cái chiều đẹp của nó. Do ý thích mà không phân tích những khó khăn sau này cho em. Mình thấy mình ích kỷ và kém thực tế nữa. Em biết mình mong muốn nên mấy hôm ở bên mình rất cố gắng. Mình thấy rõ rệt như thế nên thấy càng thương yêu em và càng ghét bỏ cái con người ích kỷ của mình.

         Mình lại nghĩ tới thái độ của mình hôm 6 tháng 2, em đi tập kịch về - cũng ích kỷ - cá nhân chủ nghĩa ghê quá. Hay là mình... Thôi mình không dám nghĩ đến điều đó, mà sao lại có thể như thế được. Hôm nào mp em mình cũng lại nói cho em rõ những ý nghĩ của mình. Chúng ta sẽ cùng kiểm điểm lại thái độ. ít lâu nay tính tình mình lại thay đổi nhiều rồi chăng?

         Ăn cơm sáng với tụi cậu Hoàng xong rồi cho Tiếp quay trở lại 24C.

         Dắt xe đạp đi sửa chữa. Còn nhiều thì giờ mình lại leo lên đồi cũ. Chỗ này, chỗ kia bóng em cứ quấn quít bên mình. Nhớ quá! Bao giờ trở lại? Chữa xe ở Kim Sơn. Mấy người chợ Chu cũ nhận ra mình, nhắc đến hiệu phở bà Tần mình lại nhớ đèn "petit báteau", đến những cái tinh nghịch.

         Tiếp1 ở 24C ra. Thư đưa rồi, thêm yên trí. Em đang bận họp, chắc lại kịch! Mình lại nghĩ đến chiều hôm qua, trên đồi. Bỗng dưng thấy lo, lo em mình ốm. Và từ lúc này thấy giận mình quá. Liều lĩnh.

         Cùng với Tiếp vào trạm liên lạc của nhà trường. Mình đã gặp Hường. Hôm sau lại mời tụi Hường uống cafê ở Chợ Chu. Nhắc lại nhưng ngày gặp Hường ở Việt Nam đến thư cục ở Trường Tiền. Thái độ của mình hôm ấy cứ "galăng " khiến Lê Thọ cứ cười tủm. Nếu hồi ấy cứ gặp Hường luôn thì cũng lôi thôi đấy. Nhớ đến câu chuyện của mình tối hôm ấy cố sắp xếp cho nó " duyên dáng tế nhị ".

         Gặp một chị người dân tộc Thổ, mình hỏi thăm vào trạm trú xá. Chị ta trỏ về phía trước mặt: Khắc đi khắc đến!

         Mình bật cười nhớ đến câu nói của em năm 49. Hai năm trời mới tới đích đấy. Cứ khắc đi khắc đến như thế thì mệt.

         Cũng may đến trạm trú xá ngay, không loanh quanh như câu chuyện của mình. Ăn cơm chiều xong lại đi ngay. Đồng chí Giao Thông dọa mình phải vượt qua cái suối to, sâu đến bụng. Hai hướng Quán Vuông, Tổng Quận chưa biết đi hướng nào. Nếu Tổng Quận? Tới Chợ Chu rẽ về phía nhà máy giấy, mình hoang mang không biết đi đâu nữa. Hơn năm cây số đi đường ruộng nhưng cũng dễ đi. Lội qua một suối nhưng chỉ mới đến lưng ống chân thôi. Đến nơi leo qua một dãy đồi, rồi lại phải leo ngược lại, mình đã thấy bực cái ông Giao Thông này, cũng ác thật, không thương anh em phải vác xe đạp. Tốn sức lao động quá.

         Leo một đồi cao nữa: Nhà đây rồi, mọi người reo lên thở phào khoan khoái, những ngôi nhà sáng sủa cao ráo dưới ánh trăng chiếu qua những vòm lá đen thẫm trông như những biệt thự của một nơi nghỉ mát. Phòng khách, buồng ngủ, lò sưởi đủ cả. Trần nhà quét vôi trắng, tường bằng vữa màu hồng, cửa sổ mở rộng đón gió và ánh trăng lùa vào, chỗ terasse ngồi uống "apero", nhà nghe âm nhạc, những cây đèn "reverbere" bằng sắt sơn xanh trồng ở bên đường đi. Đồi Đoan Hùng, đồi Bông Lau, sông Tiên Du, cầu Giáng Tiên. Các anh cán bộ nhà trường tới thăm. Hỏi ra mới biết là giao tế xứ làm để đón phái đoàn Đông âu tới thăm hồi 50 (nhưng sau lại không tới ) Khá tốn kém, 30 triệu và mấy... án tù.

         Ăn bánh chưng với kẹo vừng (mua mang theo) rồi mắc màn đi ngủ. Từ hôm nay bắt đầu sống cuộc đời học sinh rồi đây. Giống cái internat ngày xưa quá. Nhớ đến em đêm nay. Ngày mai phải tập trung tư tưởng, viết nhật ký chắc cũng không có thì giờ nữa. Xa em hơn mười cây số chắc cũng không có thì giờ đến thăm, kỷ luật nhà trường chắc nghiêm lắm đấy.

---------------------
         1. Tiếp: Tên người bảo vệ mới của ông Vũ Lăng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM