Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:00:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thư tình từ chiến hào  (Đọc 11525 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:49:26 pm »


        20 tháng 11 năm 1949

         Em yêu quý,


        Hôm nay viết thư cho em đây trong lúc anh thấy mình nhẹ nhõm, vui vẻ sau những ngày chạy thi với công việc, một cuộc chạy thi chật vật mà phấn khởi của những người lính Thủ Đô hăm hở với nhiệm vụ xây dựng trung đoàn.

        Đã mười lăm hôm nay rồi anh không biết đến những giấc ngủ ngon lành: ngủ gục trên mình ngựa, thiếp đi mươi phút cạnh đống lửa ở một quán vắng bên đường khi ngồi hong quần áo ướt, để rồi vội vã nhảy lên lưng ngựa ra roi chạy vượt chặng đường dài trước mặt dưới trời mưa như trút nước.

        Anh cũng tưởng sau một cuộc diễn tập thì sẽ quỵ mất, nhưng trái lại tim vẫn đập 70 lần/1 phút, máu vẫn theo đúng luật tuần hoàn và phổi thì có một lượt thiết giáp bọc ngoài. Bác sĩ Minh Tâm trong cuộc diễn tập này đi theo trung đoàn thấy bộ ba1 làm việc nhiều quá liền vác stéthoscape ra nghe và đã tuyên bố như vậy.

------------------
         1. Bộ ba: Vũ Lăng – Trung đoàn phó, Vũ yên – Trung đoàn trưởng và Hoàng Phương – Chính uỷ Trung đoàn.

         

        20 tháng 12 năm 1949

         Buồn quá. Ở chỗ các em thiếu sinh quân về lòng anh buồn vô hạn. Trong buổi tiệc liên hoan có những giọt lệ ngậm ngùi đọng trong khoé mắt mọi người. Những nụ cười gượng gạo của những người anh lớn, những tiếng hát đồng ca đượm nỗi buồn ly biệt của lũ em nhỏ rời khỏi gia đình Thủ Đô cứ ám ảnh anh trong suốt tối hôm nay.

         Những ý nghĩ định trả lời lá thư của em viết trong lúc tâm hồn không được bình tĩnh sẽ không đạt được hết nghĩa. Khất em đến thư sau nhé.

         Người ta bảo kháng chiến sẽ giết chết những tình cảm yếu đuối trong con người. Không đúng. Vũ Yên, con người lạnh lùng khô khan, tình cảm ít khi lộ ra nét mặt mà tối nay trong tiếng nói của anh ấy có một cái gì rạn vỡ, đôi môi cố mím lại để cho những giọt nước mắt khỏi trào ra. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác run tay không nắm nổi phím đàn, mắt đỏ hoe, nói được ba câu phải ngồi xuống. Còn anh, anh cũng đứng lên để lại ngồi xuống, mắt không ướt nhưng có cái gì mằn mặn trong cổ họng. Không ai dám nói to. Bên ngoài trời mưa bụi, gió lạnh lùa vào trong nhà gây thêm nỗi buồn tê tái cho một chiều tiễn biệt. Những bàn tay nắm chặt lấy nhau. Nghèo quá, những bộ quân phục đã phai màu cố vá víu cho lành lặn, nhưng tình thương yêu trao cho nhau trong những cái nắm tay siết chặt lại là cái gia tài phong phú nhất còn lại của người lính Hà Nội.

        …Quần áo mặc chung
        Vá mông, đầu gối, vá lưng
        Cho lành vậy
        Chúng ta thương nhau lắm...

         ( Ở lại nhé! của em Ngọc Sơn )

         Lời thơ đôi chút vụng về nhưng vang lên những niềm thương xót, trong cái nghèo chung và đùm bọc. Ba năm rồi những người còn sống sót thường điểm lại số đầu, ngậm ngùi mà thấy con số cứ hụt đi dần. Những cuộc tiễn đưa, ly biệt vẫn có nhưng thường là những cuộc tiễn đưa ở ngoài mặt trận của những kẻ còn ở lại với những kẻ nhắm mắt nghìn thu dưới đáy mồ. Cuộc tiễn đưa này tuy chỉ là tạm biệt, nhưng đoàn thiếu sinh quân ra đi là mang theo cả nguồn an ủi của những người anh lớn.

        Giữa đêm khuya
        Cười lên, lòng ly biệt.

         Trung đoàn Thủ Đô khác với đơn vị bạn ở chỗ đó. Thường bị phê bình là gia đình, là địa phương, nhưng đối với những người cách đây ba năm quấn chiếc khăn đỏ màu máu vào cổ và thề sống chết có nhau thì tưởng điều đó không phải là quá đáng, phải không em?

         Hôm qua 19 tháng 12, những chiếc khăn đỏ đã được moi lên ở dưới đáy bọc là để sắp sửa quấn vào cổ ngày 6 tháng 1 năm 1950 này. Ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương và cũng là ngày thành lập Trung đoàn Thủ Đô trong liên khu gạch ngói Hà Nội, giữa giai đoạn ác liệt nhất.

         …Anh mong rằng ngày đó sẽ nhận được lá thư đặc biệt của em - một lá thư " không điều kiện ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:51:38 pm »


        Đầu 1950. Đêm 30 Tết!

         Có tiếng nai giác, vang lên nghe như tiếng hú hồn trong khu rừng âm u này. Nghe rợn quá. Những hình ảnh chết chóc lại hiện lên: Điệp, Duân, Lanh ơi... Các em cứ yên nghỉ. Ngày mai, ngày kia các đoàn người còn lại này sẽ vì các em, vì dân tộc, vì nhân loại mà xông lên trước mũi súng giặc, cắm sâu giáo mác vào ngực chúng. . .

         Mồng 1 Tết: Những tiếng cười hồn nhiên sáng nay lại reo vang bên bờ suối - Những nỗi buồn thương, tang tóc đã vơi đi.

         Đời người lính tránh sao khỏi những lúc buồn. Nhưng chỉ buồn một lúc cho nhẹ lòng đi thôi. Còn công việc, còn nhiệm vụ, còn giặc còn chiến đấu nhiều nhiều. Trong đau khổ, trong nước mắt vẫn phải tìm thấy những nụ cười để cho đời lính vẫn cứ tươi.

         Quang cảnh trong doanh trại vẫn nhộn nhịp. Những anh lính Thủ Đô lại ca lô đội lệch, bộ quân phục đã bạc màu, vá víu nhưng vẫn có nề nếp phẳng phiu. Cái duyên dáng của người lính Thủ Đô không bao giờ hết.

         Loay hoay mãi không biết đãi khách bằng gì. Gạo còn phải đi lấy xa, sáng nay may ra còn một bữa cơm muối. Nhưng người Thủ Đô vẫn tìm được cách để chứng tỏ mình vẫn lịch sự.

        Các anh Ban chỉ huy tiểu đoàn đến. Những lời chúc Tết vang lên theo những nhịp cười. Cả một không khí vui trẻ, ngạo nghễ trước sự đạm bạc của ngày Tết . . .

         Tiễn khách xong, anh thơ thẩn đi dạo quanh vườn, nhớ đến em. Càng đi càng thấy hoang vắng. Dân chúng sợ Pháp, bỏ chạy vào các lán, còn trơ lại mấy chiếc nhà sàn xiêu vẹo với mấy mảnh vườn hoang. Bỗng anh ngạc nhiên đứng lại: một cây đào to ở góc vườn với những bông hoa tươi thắm đã mãn khai. Anh ngẩn người ra trìu mến ngắm những bông hoa đào cười trên những mầm lá xanh non, phô dưới ánh bình minh nhị vàng óng như tơ.

         Anh nghĩ ngay đến quà Tết gửi mừng em. Hái những bông hoa đào còn đượm phong sương của cái Tết miền biên giới để gửi kèm theo lá thư này.

         Tối mồng 1 Tết:

         Bây giờ anh kể em nghe sơ qua trận chiến oanh liệt ở Phố Lu .

         Trước hết Phố Lu không phải là một cái đồn như Phố Ràng, Đại Bục. Phố Lu là một thị trấn khá to có khu nhà ga, khu trường học, khu phố chính. Tất cả có ba mươi ba nóc nhà gạch vừa hai tầng, vừa một tầng khá kiên cố. Chung quanh có tường bao bọc dày 1m20, ghép gỗ, đại bác bắn không chuyển, những lô cốt là những pháo đài. . .

         Trung đoàn Thủ Đô quyết định phải chiếm được thị trấn này để mở màn cho chiến dịch Lê Hồng Phong.

         Trận đánh bắt đầu từ đêm 7 tháng 2 đến hết ngày 13 tháng 2 năm 50 (bảy đêm sáu ngày). Đêm 7 tháng 2 chiếm lĩnh trận địa, bao vây quanh thị trấn. Buổi sáng 8 tháng 2 địch ra bị dồn vào.  Máy bay địch lên khủng bố 6 đợt, mỗi đợt 40 phút. Buổi chiều máy bay địch vừa đi khỏi 5 phút, 17h05' đại bác 75 ly khai hỏa mở màn cho chiến dịch. Trận đánh kéo dài hai tiếng, ta bắn sụp mấy nhà gác, địch bị tiêu hao một số, liều chết cố thủ. Ta rút ra vây bao quanh thị trấn.

         Ngày 9 tháng 2 ta nghỉ. Máy bay địch lên oanh tạc trận địa của ta, chín đợt trong suốt một ngày, địch đã huy động hết ba mươi sáu khu trục, bốn vận tải để tiếp tế đạn dược, thả hai mươi lăm dù.

         Ở Lào Cai địch tiếp viện về bị đánh bật ra khỏi trận địa.

         Ngày 10 tháng 2 máy bay địch lại lên khủng bố suốt ngày, ta bắn bị thương một chiếc. Địch tiếp viện ở Lào Cai xuống lần thứ hai bị ta đánh chạy dài. Đúng 17h15' đại bác của ta lại bắn vào các khu phố khi phi cơ của địch vừa đi khỏi. Xung kích 54 chiếm khu nhà ga, khu trường học, dồn địch ở phố chính.

         Ngày 11 tháng 2 ta nghỉ. Địch tiếp viện ở Lào Cai xuống lại bỏ chạy. Máy bay địch lại khủng bố dữ dội suốt ngày, thả dù tiếp tế đạn dược. Một phi cơ bị bắn trúng bỏ chạy.

         Ngày 12 tháng 2 ta chuẩn bị để đánh đợt cuối cùng. Địch nhảy dù xuống Lào Cai để đánh vào sau lưng quân ta. Ta đánh bật ra khỏi trận địa và địch lại bị đuổi chạy dài. Phi cơ địch lên tiếp viện dữ dội, ta bắn cháy một Dakota chở một trung đội da đen để nhảy dù xuống tiếp viện cho Phố Lu. Chiếc này bị rơi ở Lào Cai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:38:27 pm »


         Anh lên cơn sốt, ngồi ở  dưới chiến hào nghe bom nổ  và đạn réo quanh trận địa, bắc ống nhòm quan sát phố chính và viết kế hoạch công kích đợt cuối cùng.

         Buổi tối, ta và địch giành nhau khu nhà ga, khu trường học, sau 20 phút ta dồn địch vào phố chính.

         Ngày 13 tháng 2 ta chuẩn bị công kích đợt cuối cùng. Toán tiếp viện lần thứ 8 lại bị đánh lui.

         Anh trình bày kế hoạch trận cuối cùng, giao 54 nhận nhiệm vụ chính.

        Sáng địch lại khủng bố - 15 giờ anh từ đài chỉ huy với xung kích 54. Đợt xung kích cuối cùng này cần phải quyết liệt. Một người trong Ban chỉ huy trung đoàn phải đi theo sát 54. Anh đã lãnh nhiệm vụ đó. Những chiếc khăn quàng màu máu được quấn lên cổ người lính Thủ Đô, tất cả đều quyết tâm, tin tưởng mãnh hệt vào đợt xung kích cuối cùng.

        Anh nhìn lại một lượt những người bạn chiến đấu.  Họ đều bình thản. Chốc nữa thây ai sẽ vắt trên hàng rào dây thép gai, xác ai sẽ gục trước những viên đạn ác liệt. Không, không ai tỏ vẻ ngại ngùng trước cái chết.

         Danh dự truyền thống của Trung đoàn Thủ Đô? Vinh dự được kết thúc trận đánh bằng đợt xung kích cuối cùng của người lính 54! Tất cả bốc men trong người họ.

         Trận đánh sớm hơn mọi ngày. Đúng 16h khi phi cơ của địch vừa khủng bố xong, ba khẩu đại bác ghếch vòi, dọn giọng bắn chập vào khu phố đâu. Xung kích ào lên như sóng. Địch chúi mũi xuống giao thông hào bắn ra như mưa. Moóc-chiê 81 của chúng vọt xuống xung kích như gió. Dây nói chỗ anh réo lên báo cáo những đội trưởng ngã trên trận địa. Mặc, người khác lên thay, xung kích cứ tiến. Còn 70 thước, còn 50 thước, kèn xung phong thét lên, xung kích ập vào chiếm dãy phố đầu, trong khi đại bác vẫn dồn dập bắn ra khu phố khác. Phút thứ 45 bám chắc được đầu phố, xung kích đánh tỏa ra hai bên, dồn địch vào một góc. Trận đánh trở nên ác hệt. Cướp nhau từng phố, tranh nhau từng căn buồng, đuổi nhau trên gác thượng, quần nhau trong những lô cốt, trong những hầm phòng thủ.

         Anh lính xung kích 541 đã biểu diễn một trận đánh trong phố tuyệt đẹp, cướp súng từ tay giặc, quay súng của giặc bắn vào đầu giặc.

         Trận đánh kết thúc lúc 19h30' sau ba tiếng đồng hồ kịch chiến.

         Viên trung úy Gauthier quyền đại úy, chỉ huy trưởng Phố Lu tử trận nằm giữa chiến hào. Y đã chết mù quáng vì danh dự quân nhân. Trong cuốn nhật ký y đã nhận ra rằng mình đang tiến hành một cuộc chiến tranh bẩn thỉu. Bọn đã lợi dụng được Gauthier chắc giờ này đang uống sâm banh và nhảy đầm ở Metropolo, Taveme Royale. Chúng đang uống sâm banh và nhảy đầm trên cái chết của Gauthier. Nhưng vị hôn hê trẻ tuổi của Gauthier ở bên kia bờ Đại Tây Dương hi được tin thảm này chắc sẽ khóc nhiều nhiều.

         Khi Phố Lu bị bao vây nguy khốn, Gauthier ánh điện cầu cứu tên Cug chỉ huy trưởng Lào Cai, tên Cug bất lực đã trả lời:

         "Tinez, seirez les dents!"

         Và Gauthier đã kiêu hãnh: "Merci, nous tenons!"

         Gauthier và bộ đội y đã nghiến răng lại mà giữ lấy Phố Lu, giữ lấy mảnh đất không phải là của chúng, giữ mướn cho bọn thực dân và đã mua khá đắt cái điều ngu muội đó. Trung đoàn Thủ Đô  đã nghiến răng lại mà đánh để giành lại được đất nước của mình, những người lính Thủ Đô đã dâng máu của mình cho Tổ quốc - đã lấy cái chết anh dũng để giành lại cái sống của dân tộc.

         Hai cái chết mới khác nhau làm  sao? Vậy thì những người thiếu phụ ở bên kia Đại Tây Dương cứ khóc đi, khóc mà căm thù bọn thực dân, khóc mà tủi cho người yêu của mình đã chết vô lý cho cuộc chiến tranh phi nghĩa của nước Pháp ...

         Lửa Phố Lu bốc cháy soi sáng dòng sông Hồng đỏ ngầu máu quân thù. Lửa Phố Lu bốc cháy tiêu hủy những tàn tích dơ bẩn của lũ giặc ở thị trấn tiền tiêu của cửa ải Lào Cai. Mai kia, lửa Lào Cai sẽ bốc cháy, đại úy Cug sẽ lại nghiến răng... mà chết như trung úy Gauthier. Những người lính Thủ Đô vừa vui cười khuân chiến lợi phẩm, vừa ngập ngừng khiêng xác bạn. Nhưng những đống chiến lợi phẩm chất cao như núi cũng làm hả dạ:

         200 súng trường
         9 trung liên
         3 đại liên
         2 moóc-chiê
         20 tiểu liên
         15 tấn đạn dược các cỡ
         200 dù đủ các màu
         3 máy vô tuyến điện
         Và rất nhiều quân dụng không kể xiết

         Một đại đội hơn 200 tên giặc đã bị tiêu diệt gần hết.

-------------------
       1. Xung kích 54: Là Tiểu đoàn 54 được thành lập sau khi Trung đoàn Thủ Đô rút ra khỏi Hà Nội. Trong chiến dịch Việt Bắc, Tiểu đoàn đã nghênh chiến với binh đoàn Bô-phờ-rê.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:41:56 pm »


         Ngày 12 tháng 1 năm 1950

         …Ngựa ra khỏi phố đi mau quá. Vó ngựa dập vang trên đường nhựa hòa âm với nhịp điệu vui đang rộn rã trong lòng. Cái cảm giác lâng lâng của một sớm mai thức dậy sau một giấc mộng đẹp, khiến anh quên hẳn đi những lo lắng âm thầm mà anh đã nói ra với em hôm qua, trên đồi chè lộng gió. Sương xuống trùm lạnh trên hai vai nhưng sao lòng anh ấm thế. Tới một chỗ đường quặt, anh ghìm ngựa lại, hướng về phía vừa lên ngựa. Phố Bờ Đậu đã khuất hẳn nhưng qua làn sương mờ anh đã thấy rõ hình ảnh em dịu hiền đưa tiễn anh dưới chân đồi sớm nay. Thôi nhé, hãy tạm biệt mái nhà tranh ấm cúng ven đồi, kỷ niệm những ngày vui đẹp của anh em ta: ngày quay lại chốn này có lẽ còn lâu lắm, nhưng chắc chắn rằng khi quay trở lại vẫn đủ hai người chúng ta, chứ không phải chỉ có một bóng người lẻ loi, âm thầm nhớ lại chuyện cũ.

        Vó câu lại rong ruổi trên đường thiên lý. Những hàng quán bên đường đã thức dậy, ánh lửa le lói, tiếng người ngủ dậy lao xao gọi nhau thức giấc giữa những tiếng rít của điếu cày trên bếp lửa. Ngựa vẫn kêu đều đều, lướt qua những bóng người mải miết gánh hàng đi chợ. Tiếng cười giòn giã hòa với tiếng chim hót buổi sáng…



        18 tháng 1 năm 1950

        Em,


         .. Anh bận quá. Mấy hôm nay làm việc nhiều. Thức đêm, chưa chắc anh đã vào quân y được trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên anh sẽ gắng dành chút ít thời gian rẽ vào thăm em khi đi ngang qua đó.

         Ngày 16 tháng 1 Tiểu đoàn 54 hạ được một máy bay Kinh Cobra - thích quá. Thế là được sáu chiếc máy bay rồi. Một truyền thống bắn máy bay, một kỷ lục của Trung đoàn Thủ Đô mà chưa đơn vị nào vượt được.  Chiến công đầu đã mở màn cho chiến dịch sắp tới.

         Em của anh mấy hôm nay ra sao? Có ăn ngủ được không? Sức khỏe đã tiến bộ được chút nào chưa?

         Lâu rồi bận công việc, nhớ em quá đi.

         Thôi nhé. Em anh vui mạnh, ăn ngủ được và chịu khó tiêm thuốc.

Yêu em                         
Vũ Lăng                       
17 tháng 3 năm 1950 - 22h45' .       



     

        Tại Mặt trận  Biên Giới

        Em của anh,

         Anh vừa ở mặt trận về đêm qua - 50km vừa đi vừa về, hai ngày đêm cuốc bộ. Trời mưa, đường trơn, leo dốc, vắt và máu. Hai đêm liền rồi trời mưa, ngồi trong chiếc lều dột, mưa ướt đầm mái đầu, đợi sáng và nghe gió gào trong thung lũng. Đời người lính chủ lực kể cũng khá vất vả.

         Thức gần sáng thảo luận kế hoạch xong, ngủ được bốn tiếng lại dậy làm việc. Tuy có mệt đôi chút nhưng sáng nay thấy khoan khoái vì công việc chạy. Điện thoại từ mặt trận gọi về. Xuống tổng đài nói chuyện xong, lúc trở về đi ngang qua văn thư, anh thấy mọi người đang xúm quanh mấy tập công văn, thư từ ở đại đoàn gửi lên. Anh nào cũng náo nức hỏi thư của mình. Anh rẽ vào đó, hơi hồi hộp nhưng cũng không hy vọng gì có thư em. Đã mấy chuyến thư như thế, mong mãi rồi có thấy gì đâu?

         Bỗng một anh reo lên: thư của anh Lăng? Anh mỉm cười, yên trí là anh ta nói giỡn, nhưng thoáng nhìn phong thư anh nhận ra ngay chữ của em. Đến lượt anh suýt reo lên. Cầm phong thư dày nặng mà lòng anh vui làm sao. Đọc mấy dòng chữ: Xin đừng gấp!  Anh mỉm cười, đoán là chắc có gì lạ ở trong, nhưng có điều hơi bực mình, phong thư không bị gấp, song đã bị bóc rồi. Thiên hạ kể cũng tò mò quá quắt lắm?

         Anh cất thư vào túi, không xem vội. Để đến chiều nay xong công việc, tâm hồn thư thái sống những phút của riêng mình, đọc thư em mới thấy những điều vui đặc biệt sau những ngày chờ mong mòn mỏi.

         Phong thư nằm trong túi đã mấy lần anh toan lấy ra đọc, đọc một đoạn thôi, nhưng rồi lại dằn lòng, cố để đến chiều. Kể anh cũng gan lắm chứ.

         Chiều tới (mà buổi chiều sao mà lâu đến thế) 16h30' xong công việc, anh khoác thêm chiếc áo dạ xuống đồi - Thung lũng chiều nay vang tiếng hát của các em thiếu sinh quân. Mọi người vẫn tấp nập kiến thiết khu phố để đón tiếp phái đoàn sắp tới thăm - Tháp Rùa đã dựng lên giữa khu phố, nổi bật bên những chiếc dù xanh đỏ.

         Mưa bụi nhẹ như sương rơi, buổi chiều xuân đầm ấm cũng như lòng anh ấm áp khi đọc những dòng chữ thân yêu ...

         …Em xin chúc anh đón xuân sang trên xác giặc, giữa những ngọn lửa đẹp sáng đang đốt cháy đồn địch. Điều đó đã thực hiện. Tuy không ác liệt bằng mùa xuân lịch sử năm xưa, máu quân Tôn Sĩ Nghị nhuộm thắm dòng sông Nhị. Mùa xuân chiến thắng năm nay máu quân Carpentier cũng đã nhuộm đỏ dòng sông Thao và ngọn lửa thiêu cháy thị trấn Phố Lu lại càng làm cho dòng sông đỏ rực hơn lên, đẹp hơn lên …

         23h30' có tin cấp báo một toán quân địch bỏ Bắc Hà đang vượt qua sông Chảy, tiến vào phòng tuyến của ta. Anh phải đi ngay đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 10:48:30 am »


        23 tháng 3 năm 1950

         Năm ngày năm đêm quần nhau với địch dưới trời mưa như trút nước, giành nhau từng ngọn núi một, đã có lúc rét quá anh thấy máu trong người như ngừng lại. Cơm ăn chan với nước mưa, nước trên đầu, trên mặt rơi xuống tưởng chừng như vừa ăn vừa khóc. Thế mà vẫn đuổi được giặc, đuổi cả đội quân nhảy dù cừ nhất của Pháp chạy toán loạn. Truy kích giặc trên những đèo, những dốc cao như Tam Đảo. Mệt thì có mệt nhưng khi đuổi giặc tinh thần phấn khởi hẳn lên, mọi người đều: "chân sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên cả" .

         Hàng ngàn cây số vuông đất đai đã thu lại được. Phòng tuyến của địch đã bị dồn hẹp lại. Người dân Tây Bắc được giải phóng đón anh bộ đội nước mắt rưng rưng.

         Chiều nay, sau khi nằm bên dốc đá nghe mấy chiếc "cổ ngỗng" hục hặc lồng lộn trên đầu, bắn 20 phút vào những ngọn núi vô tội, anh lên ngựa trở về doanh trại. Cưỡi ngựa ra mặt trận cách 800m mới bỏ ngựa, đứng chỉ huy là một hứng thú của anh trong trận này.

         Gần tới nhà, tiếng kèn clairon báo hiệu cơm chiều đã vang lên trong thung lũng. Ở đây tuy sát mặt trận, cuộc sống của đoàn bộ đã được bình thường hóa đi. Chỗ ở đã kiến thiết thành doanh trại hẳn hoi.  Làm việc, ăn ở, chơi đùa giải trí y hệt như hồi ở nhà, ở Gò Pháo. Chỉ có khác là thỉnh thoảng tiếng súng trận lại rền lên, mọi người  ngừng lại đôi chút, nghe ngóng rồi lại cúi xuống công việc. Tiếng súng truy kích của ta đấy, họ tán dóc với nhau, cười khanh khách. Họ không chủ quan đâu, từ hôm xuất trận Trung đoàn Thủ Đô chưa hề lùi trước giặc trận nào.

        Ngựa anh Vũ Yên và anh phi qua, không phải thi ngựa đâu, mọi người xô ra hoan hô, nắm lấy cương ngựa, hỏi tíu ta tíu tít. Ở ngoài mặt trận người ta mới thương nhau, mới thân nhau làm sao.

         Tin thắng trận làm cho họ hể hả cười đến vỡ núi. Tiếng hát lại nổi lên, cuộc đời lại tươi hơn...

         Về nhà riêng tắm rửa xong, tất cả mệt mỏi sau năm ngày liền chiến đấu biến đi hết. Anh nằm trên chiếc ghế tre dưới chiếc dù xanh dịu, hút thuốc lá thơm (của bạn bên Hồ Kiều gửi tặng), lòng anh thanh thản như vừa xem một cuốn phim hay về. Quên chưa tả cho em nghe về nhà riêng của bộ ba bọn anh:

        Một chiếc nhà xinh xắn lợp lá, dựng trên một quả đồi cây cối xanh um, chung quanh có lan can. Giữa nhà có một lò sưởi, chỗ làm việc riêng, buồng ăn riêng, buồng ngủ riêng, nghĩa là rất ngăn nắp. Ngoài sân có chỗ ngồi chơi, bàn ghế đầy đủ, phía trên căng một chiếc dù xanh dịu. Đường lên đồi thành bậc thang, hai bên có lan can rất đẹp. Đứng ở dưới chân đồi nhìn lên như một biệt thự. Chỉ còn thiếu có Hoa thôi...

        Dưới đồi là một thung lũng, ruộng cỏ xanh mượt như tấm thảm nhung. Chạy ven theo những dãy đồi là những khu phố đều đặn vuông vắn. Khu Đông Thành, Hoàn Kiếm, Đông Kinh, Đồng Xuân, đủ cả...

        Dưới chân đồi vọng lên tiếng đàn của chú Sơn: bản "Beau Danube Bleu”  của Strauss. Sao hồi này chú Sơn hay đánh bản này thế. Tiếng đàn trong hơi gió thoảng qua, thấm đượm như từ cõi xưa nào vọng lại.

         Anh nằm yên lắng nghe lòng xao xuyến. Gió nhẹ mơn man đượm hương thơm ngát của hoa bưởi rừng. Trong làn gió thoảng, anh tưởng chừng như nghe thấy tiếng em

         Ngày mai, ngày kia cứ để trời mưa đi, gió cứ lạnh đi, anh vẫn cứ hăng hái bước dưới trời mưa gió để làm tròn nhiệm vụ của một người lính. Gió mưa nào mà làm lạnh nổi lòng anh? ...

         …Tối ngồi viết nốt thư cho em .

         Em lại đã trở về với công tác cũ. Ngày đêm tiếng máy chữ lại chăm chỉ kêu giòn giã, đều đều trong khu rừng Yên Thông. Cái nghề đau tim ấy sao mà em yêu nó đến thế? Giá có một công tác nào không đau tim mà em cũng yêu như thế thì vẫn hơn. Anh mong thế.

         Em,

         Khuya lắm rồi mà anh vẫn gắng ngồi viết nốt cho xong thư này. Ngày mai tiếng súng lại nổ rền, bỏ dở thì không biết ngày nào mới viết tiếp được. Chiến dịch có lẽ còn kéo dài. Ngày về chưa biết đến bao giờ. Có thể sớm đầu mùa hạ mà cũng có thể muộn đến mùa thu.

         Hoa gạo mùa này đỏ rực hai bên bờ sông Chảy, báo hiệu mùa hè sắp sang. Mùa hè Tây Bắc với chiến dịch Sông Thao. Trông hoa rụng bên bờ sông mà nghĩ ngợi nhiều. Chỉ còn một tháng nữa là tới ngày 26 tháng 4. Trong tháng 4 có hai kỷ niệm: sinh nhật em và ngày đính ước của chúng ta ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:55:10 am »


        31 tháng 5 năm 1950

        Hoa của anh,

         Đêm nay sáng trăng đẹp  quá. Anh đứng trên ban công, lòng hướng  về phương  cũ mà nhớ tới em. Trong lúc này em của anh có dạo dưới trăng và có nhớ tới anh không? Nhớ anh, nhưng em có biết hiện giờ anh đang ở phương nào?

        Vầng trăng ẩn sau mái nhà cong cong cổ kính. Cây dương liễu độc nhất cuả anh binh phòng đứng rũ dưới ánh trăng, soi bóng trên những ánh nước bạc của trận mưa vừa ngớt. Xa xa vọng lại điệu nhạc trạm mạnh của cuốn phim Đại hội thanh niên Liên Xô đang chiếu ở  trường học. Bản nhạc tươi mạnh hợp tấu dưới tiếng hát của bộ đội dưới trăng đẹp. Nhớ đến đêm vừa qua. Trên màn ảnh nam nữ thanh niên Liên Xô hoan hô thống chế Staline khi người vừa tới khán đài. Tiếng hoan hô trên màn ảnh hoà lẫn với tiếng hoan hô của mấy ngàn thanh niên Việt Nam ngồi dưới bãi cỏ, trên đất lạ . Những nụ cười tươi trẻ quá. Cả một lớp người đang lên dưới ánh sao sáng ngời của điện Kremlin.

         Đã ba đêm nay khi tiếng kèn vừa dứt là anh bỏ bút đứng dậy ra ban công đứng, hướng về phương trời yêu dấu, gửi những ý nghĩ thầm kín của mình. Có lẽ rồi sẽ thành thói quen. Cả ngày làm việc không ngừng, viết không ngừng, mỗi tối bỏ ra 30 phút để sống một chút với tâm sự của riêng mình tưởng cũng không có gì là quá đáng lắm.

         Em của anh! Mới có ba đêm nay anh lại nghĩ đến em, xa cái ngày vội vã ký tên mình ở cuối trang thư để kịp gửi về cho em trước lúc lên đường. Ba đêm nay, hình ảnh em, nụ cười của em lại đến với anh, đã làm vợi đi đôi chút những nỗi khó nhọc nặng nề chồng chất trên đôi vai gầy của người lính chủ lực.

         Nhưng sao ba đêm nay anh tại nhớ tới em nhiềuthế này? Nhớ hơn bao giờ hết. Có phải vì ánh trăng đẹp và những mái nhà cong vút với những cành dương liễu la đà, khiến anh tưởng tượng đến một trầm hương các xa xôi nào mà sinh ra mơ mộng? Có phải vì ba hôm nay trời lạnh, hàn thử biểu tụt xuống 12 độ khiến anh nhớ tới một chiều lập đông bịn rịn, nắm tay em, từ biệt ra mặt trận? Có thể là tất cả mà cũng có thể là điều này.

         Sáng hôm kia vừa đi xa về, anh ngừng lại ngạc nhiên trước phòng làm việc. Căn phòng sáng hẳn lên vì bình hoa Hoàng Lan để trên bàn. Hoa đẹp quá, anh trìu mến ngắm những cánh hoa thon thon, nhẹ, đẹp như một nét vui. Màu vàng ngà của cánh hoa lại điểm thêm một chấm đỏ như viên ngọc bích. Anh em nói đùa: có người đẹp đến tặng hoa khi Vũ Lăng đi vắng đấy? Hôm nay ngắm nhìn hoa lại có người nhớ tới Hoa? Tên Hoa tự nhiên vang lên trong căn phòng. Hình ảnh em nhẹ nhàng đến đặt bình hoa trên bàn làm việc của anh. Anh đang ngắm em sửa lại những cành hoa cho cân đối. Giàu trí tưởng tượng quá? Anh lại nhớ câu này đã viết trêu em trong một lá thư đầu: Tên cô, nếu bỏ chữ Việt đi là tên một loài hoa đấy1?

         Vậy là bình Hoàng Lan hoa của mấy chị Nguyệt Ánh, Tú Hương nào đó tặng, anh bỏ hẳn chữ lan đi để gọi Hoàng Hoa thôi. Hoàng Hoa tên em của anh!

         Đêm nay anh thì thầm nhắc tới tên em, gửi qua làn gió về phương Nam tiếng vọng của lòng anh đang nhớ tới em nhiều.

         Trăng lạnh đêm nay có một cái gì đó huyền ảo quá ánh trăng bàng bạc, mái nhà cong, cành dương liễu khiến người ta nghĩ tới một cái gì rất xưa. Anh chú ý tới một điệu hát đang nổi lên nhè nhẹ. Bài Nông Tác Vũ2. Chắc mấy chị đang hồn nhiên biểu diễn mấy điệu múa cho anh em xem. Những điệu múa tươi trẻ trong y phục xanh trắng của các chị đêm nay, lại khiến anh nghĩ tới những điệu nghi thường mềm mại trong làn xiêm áo của những nàng cung nữ ngày xưa. Ở đây trong khung cảnh này dễ tưởng tượng như thế lắm.

        Lan man, anh nhớ tới một đêm rằm tháng 8 ở Sơn Mỹ, anh cưỡi ngựa đi ngang qua chỗ em ngồi bên bờ giếng mà em không hay. Anh không còn nhớ rõ vì sao anh buồn nhưng đêm đó thật có một tâm sự không được vui cho lắm. Mấy hôm sau được biết đêm hôm đó em cùng mấy chị nữa biểu diễn những điệu múa dưới trăng. Đêm nay dưới trăng hình như có bóng em đang nhẹ nhàng lướt theo nhịp điệu của bản Nông Tác Vũ.

         Gió từ phương Bắc thổi về, lướt nhẹ trên ban công. Tháng tư rồi mà ở đây trời lạnh thấu, mấy hôm trước lại còn có mưa đá, có lẽ mùa đông ở đây có nhiều tuyết. Anh về buồng khép kín cửa lại khêu đèn để gửi về mấy dòng này.

         Mấy bông Hoàng Hoa vẫn cười bên ánh đèn, anh cúi trên trang giấy nhớ đến đôi mắt, nụ cười của Hoàng Hoa, em của anh.

         Mấy trang ghi những cảm xúc này bao giờ sẽ vượt qua mấy ngàn dặm để tới tay em.

        Có lẽ chẳng bao giờ gửi cả vì ở đây thiếu con chim xanh. Ước gì con chim xanh của em cất cánh bay được thật!

-----------------
        1. Tên vợ Vũ Lăng là Hoàng Việt Hoa. Nếu bỏ chữ Việt đi thành Hoàng Hoa (tức hoa cúc vàng).

        2 . Nông Tác Vũ: Điệu múa của Trung Quốc, lúc đó được phổ biến rộng trong bộ đội.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:57:20 am »


        4 tháng 6 năm 1950

        Em,

        Sáng nay đang ngồi trong giảng đường, lúc giờ nghỉ bỗng thấy Thế Dũng vào cười rất nhiều, đòi hút thuốc lá rồi sẽ cho quà. Anh yên trí là sẽ được ăn đào hoặc mai như mấy chị thường tặng, không ngờ lại là thư của em.

         Anh cảm động quá. Thật là không ngờ Hoa ạ, anh không ngờ phong thư của em vượt bao nhiêu ngàn dặm để tới tay anh trong lúc anh không chờ đợi một chút nào. Anh đã tính rằng ít ra tới tháng 9 này may ra mới có dịp gửi thư cho em.

         Đút phong thư vào túi chờ để hết giờ về buồng riêng mới đọc. Trong giờ giảng của Chu Quân Trường hôm nay anh hút thuốc lá nhiều quá.

         Anh châm thuốc lá hút trước khi đọc thư em. Anh đọc hai trang đầu mà buồn cười. Bài báo Vui Sống anh đã đọc rồi.

         Đọc từ lâu rồi kia. Đọc để rồi cười cái anh chàng bác sĩ đã viết bài báo đó.

         Trong 100 bác sĩ thì có lẽ anh ta là người độc nhất không biết hút thuốc lá mà chỉ biết ăn kẹo. Nếu gọi những người hút thuốc lá là những ống khói thì anh chàng là cái tonneau đường. Cái tonneau đường chỉ biết chứa đường, những ống khói vừa nhả ra  những làn khói thơm vừa biết ăn kẹo. Hút thuốc lá + ăn kẹo = cảm hứng (inspinradin) . Và trong lúc buồn nó là một nguồn an ủi.

         Người ta buồn thường hút thuốc lá chứ không ai buồn mà đi ăn kẹo bao giờ. Trừ những em bé hay khóc vòi kẹo.

         Cho nên ở đây thuốc lá được gọi là tương tư thảo.

         Anh lại lấy thuốc lá ra hút đây. Em cứ cười đi. Hồi này anh là ống khói thực thụ rồi.

         Ở đây sẵn thuốc lá, lại là thuốc lá thơm. Mỗi tháng nhận được 15 bao. Vũ Yên không biết hút, Thế Dũng, Hoàng Phương và anh phải "hút hộ". Hút thuốc lá thơm, điểm thêm mấy quả mai, quả đào cho ngọt giọng thì ai mà chả thành ống khói hơn nữa ở đây có tác phong mới hút thuốc lá, không hút thì ấn vào tay, thành ra " bất đắc dĩ " phải hút  vậy. Trong những cuộc hội họp, liên hoan, phụ nữ cũng hút và đích thân đi mời. Mà các chị ấy đã mời thì khó mà từ chối được.

         Câu chuyện thuốc lá dài quá, bởi vì nó là câu chuyện thuốc lá.

         Bây giờ anh kể qua tình hình anh ở đây nhé:

         Từ hôm tới đây hơn một tháng rồi, anh vẫn khỏe, trừ mấy hôm đầu chưa quen khí hậu phải nằm một chút.

         …Ở đây rét nhiều hơn nóng. Nhưng khí hậu hay thay đổi bất chợt nên dễ ốm, đang 23-24 độ, mưa một trận, hàn biểu thử lại tụt xuống 12 độ, rét buốt cóng người. Hoa quả ở đây nhiều và to: mai, đào nhiều nhất và sắp tới mùa lê. Mùa này vẫn ăn đuợc bắp cải. Dân chúng ở đây quen khí hậu nên rất khỏe mạnh. Bộ đội thì trái lại.

         Cả ngày vùi đầu vào học tập, học ngày học đêm. Thỉnh thoảng cũng được giải trí: chiếu bóng (phim Liên Xô, Trung Quốc), tập thể dục, chơi thể thao tiêu khiển bằng máy truyền thanh, nghe radio.

         Anh vẫn nghĩ đến vấn đề học thêm của Hoa. Trong mấy thư vừa qua. Hoa nhắc nhiều tới việc đi học và riêng anh cũng tiếc rằng hoàn cảnh đã hạn chế sức học của Hoa nhiều quá. Anh đồng ý là Hoa sẽ học thêm về Anh văn, Pháp văn và Toán, nhưng Hoa văn thì chưa cần lắm. Mấy môn trên em đã bước đi khá vững, chỉ còn phát triển thêm sao em lại muốn quay lại con đường khác bằng những bước đi chập chững?

        Việc này chúng ta sẽ bàn tới khi nào anh trở về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:59:59 am »

       
         12 tháng 9 năm 1950

         Đêm nay mới lại viết nốt lá thư này. Vội quá. Ngày mai anh Lê Khắc ( Cục trưởng Công binh) lên đường về mà chiều nay anh mới biết. Bao nhiêu điều dự định viết cho em phải tóm tắt lại, bao nhiêu thư từ định viết cũng không viết được nữa.

        Khuya rồi, 23h30' mới làm xong công việc và bây giờ mới viết được mấy câu.

         Sáng nay ngồi dậy làm việc không nghỉ. Cả Vũ Yên cũng vậy, hai người nằm rán trên giường nhìn nhau thở dài lo vì công việc còn lại.

         Công việc tạm xong, anh gắng viết nốt mấy dòng để gửi anh Khắc cho kịp, nếu không thì tháng 9 mới lại gửi được. Mấy hôm nay đang viết dở phải bỏ bởi vì anh bị sốt. Trong khi viết trán anh vẫn còn hâm hấp sốt. Mấy ngày hôm nay anh đã bùi ngùi đưa ma năm người. Nhưng em đừng lo nhé. Anh vẫn chịu khó nằm màn và chăm tiêm thuốc lắm. Hôm nay anh đã ăn được cơm và tinh thần sảng khoái rồi, tuy rằng trán vẫn còn hơi nóng. Ngày mai chắc chắn là anh sẽ cưỡi được ngựa và sẽ phi vài vòng quanh thao trường. Anh rất đồng ý việc Hoa gọi đẻ bằng mẹ. Nhắc đến mẹ là nhắc đến điều gì đau xót lắm trong anh. Suốt đời anh không bao giờ quên người mẹ hiền mà anh chịu ảnh hưởng rất nhiều lúc thiếu thời. Mẹ mất ngày 4 tháng 6 (âm lịch) và đưa ma vào một bữa sớm trời mưa sùi sụt. Anh Thanh và anh chống gậy mỏi quá phải có người xốc nách đỡ đi, em Chinh phải bế.

        Nỗi đau xót của anh, anh đã nói với em nhiều. Hình như cả trong thư trước anh cũng có viết

         Hiểu rõ anh, em sẽ thấy vì sao anh chiều em mà không trách anh nữa.

         Ngày về của anh vẫn chưa xác định . Thư từ có lẽ  từ nay đến tháng 9 năm 50 có thể anh sẽ không gửi về được nữa. Em đọc thư anh thì biết vậy, không cần tìm hiểu xem anh ở đâu nhé.

         Trận sắp tới sẽ gay go, quyết liệt nhưng anh tin rằng sẽ thắng vì phải thắng.

         Trong hơn một năm qua anh đã được hưởng nhiều về đời sống tình cảm. Hạnh phúc không còn là một viễn cảnh. Anh vui lòng nhận nhiệm vụ nặng nề sắp tới.

        Em hãy đợi tin anh. Và bao giờ thì anh cũng vẫn tin em, em yêu của anh.

         Trong thư trước anh đã đoán chữ ký của em, có phải chữ HV không em?

        Hoàng Phương chưa về, sẽ cùng đi với anh chuyến này.

        Vũ Yên gửi lời thăm em.

        Cho anh gửi lời thăm tất cả.

        Ngày mai phong thư này sẽ vượt qua hàng ngàn dặm đường đèo núi để đến tay em và khi đến tay em cũng là lúc anh lên đường.

        Anh dừng bút tin tưởng ở ngày thắng lợi sắp tới và mỉm cười với hình ảnh em đang ở bên anh lúc này.

Yêu em        
Vũ Lăng        



        8 tháng 7 năm 1950

         2h30' sáng. anh vừa đi họp về, thức cho hết đêm nay để viết thư cho em. 5h sáng có phái đoàn trở về, phải viết cho kịp. Vả lại có đi ngủ cũng chẳng ngủ được, đến 6h đã phải phóng ngựa 10km để dự buổi diễn tập.

         ...Đời ở đây là ăn và tập. Sớm chiều núi đồi vang lên những tiếng hò hét xung phong. Bữa cơm ăn giữa thao trường dưới những bóng cây thông, cây trắc bách diệp. Vượt núi, vượt đồi, vượt chướng ngại vật lăn bò trên những đọt cỏ gianh sắc như dao, cứa đứt cả mặt mũi cũng mặc. Đạn thật bắn yểm hộ qua đầu, đại bác nổ cách mình có 20m, không cẩn thận là muốn vào nằm giải phẫu viện. Mồ hôi và máu cùng chảy, nhưng những ngày chiến đấu sắp tới sẽ vững biết bao nhiêu. Thật là những ngày khổ tập...

         Mấy hôm nay tiếng súng ở Triều Tiên nổ dữ. Bắc quân đã chiếm thành và đang tiếp tục hành quân về phía Nam. Chính phủ phản động Nam Triều Tiên đã bỏ thủ đô chạy thảm hại dưới trời mưa tầm tã, chồng chất trên những chiếc xe jeép như cá hộp .

         Tin thắng trận ở nước bạn đến giữa tiếng đại bác nổ trong cuộc diễn tập của Trung đoàn Thủ đô chính quy và trẻ tuổi. Tiếng đạn nổ như reo vui tin vui đó…

         Tất cả chỉ còn đợi một tiếng kèn xuất quân.

         Ngày mai sắp tới đây, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ truyền đi khắp thế giới trên hai luồng sóng điện 25 và 25,5m một tin thắng trận oanh liệt...

         Anh bận như thế mà vẫn viết thư đều là đáng khen đấy chứ. Một điều này em sẽ rõ anh bận chừng nào: Anh chuyển đến một căn nhà mới mà mãi một tuần lễ sau mới biết góc nhà có mấy bụi tường vi rất đẹp và quanh nhà có hoa hướng dương. Mà hằng ngày anh vẫn nhấm hạt hướng dương kia chứ!

         Em đã biết tin giặc chiếm đóng Phủ Lý rồi chứ? Thầy, anh chị Thanh và các cháu không biết ra sao. Còn ba nữa, ba có còn ở Phủ Lý nữa không? Anh thấy không yên tâm làm sao ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 01:05:07 am »


        2 tháng 11 năm 1950

         … Mấy hôm nay trời lạnh, thiếu chăn không ngủ được, lòng hướng về nơi cũ mà thao thức nhớ tới em. Gần một năm trời rồi xa em, cái ngày về mong đợi được nắm đôi tay thân yêu, tìm thấy đôi mắt dịu hiền của em để cho lòng êm ả lại sau những lúc tinh thần căng thẳng bên cái chết, chưa chắc đã có thể là cuối mùa đông này. Thời gian thấy đi mau, khi nhẩm lại ngày tháng đã qua, nhưng nếu cứ đứng ở biên giới này mà nhìn theo những bước chân trở về xuôi, thì thấy những ngày còn lại mới lê thê làm sao. Nhất là hôm nay, khi anh ngồi ghi lại những dòng này bên những anh bạn ở Cục đang nhộn nhịp trở lại nơi em, anh lại càng thấy chiều xuống chậm quá.

         Nhưng rồi ngày mai kia chẳng còn thì giờ mà mong ngày mau tối nữa. Trông theo những đám bụi mù trên các nẻo đường rút quân hỗn loạn của địch, bộ đội không kịp ngoảnh lại đường số 4 để điểm lại chiến công của mình. Cần phải vượt lên trên những đám bụi mù đó. Chưa phải lúc đứng lại, tự mãn, ngắm nghía cái việc mình đã làm được. Cái việc đã làm được không có nghĩa lý gì bên cạnh những việc còn chưa làm được.

         Chúng ta đều muốn rằng mùa hoa nở của năm sắp tới sẽ thật là tưng bừng phải không em? Chúng ta muốn rằng đầu năm 51 cả dân tộc sẽ tổng kết những thắng lợi vĩ đại về ngoại giao, quân sự và chính trị của năm 50, để chứng minh lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch: "Năm 50 là năm đại thắng lợi" ...

        ... Những tin tức thắng trận dồn dập trên đường số 4, Cao Bằng, Lạng Sơn được giải phóng, và giữa lúc anh đang viết thư này có tin địch ở Lào Cai đang sắp bỏ chạy, chắc Hoa cũng đã biết rồi. Trong chiến dịch có nhiều chuyện khá vui, nhưng có điều này khiến anh không ngờ: Anh chạm trán với tên Secretin, thiếu tá chỉ huy trận Hạ Bằng, mà lại do Tiểu đoàn 54 bắt sống được. Anh đến gặp Secretin, kể lại trận Hạ Bằng cho nhau nghe rồi cùng cười. Nhưng Secretin cũng chả cười được lâu, hôm sau thì hắn chết.

        Sau trận này anh rất khỏe. Chạy bộ đuổi theo địch đến tận Na Sầm. Em yên tâm chứ...



         13 tháng 11 năm 1950

         Anh vừa ở cuộc dạ hội về, mặt vẫn còn nóng hổi vì ánh lửa cháy rực làm ấm cả một khu rừng Đông Bắc lộng gió. Lửa cháy làm rạo rực lòng mọi người và trong giây phút người ta đã quên đi cảnh khói lửa chiến trường vừa mới hôm nao còn lăn lộn giết giặc. Lửa vươn ngút lên cùng tiếng hát dâng cao, soi sáng cả một thế hệ thanh niên vừa mới chiến thắng trên đường số 4, đè bẹp những đội quân tinh nhuệ nhất của giặc ...

         Cũng như thư trước anh đã viết, cuối mùa đông này chắc anh chưa về được. Người lính chủ lực còn phải thực hiện câu: " giặc chạy ta đuổi " của Mao Trạch Đông. Giặc chạy mau quá như tin điện của tên thiếu tá De la Baume đánh cho tụi chúng ở Nacham khi bắt đầu bỏ Thất Khê chạy "  Je me pue faire un marathon ".

         Ngày xưa anh lính Hy Lạp Marathon chạy hơn 40 cây số để mang tin cấp báo về cho bộ đội, khi về tới nơi thì lăn ra chết vì mệt quá. Lần này De la Baume chạy marathon có 37 cây số đã phải hy sinh 450 phi quân nhảy dù (đội quân nhảy dù BCCP tinh nhuệ nhất của Pháp) để chạy về tới đích - Rồi cứ thế kéo nhau lếch thếch chạy về Mon Cây. Vừa chạy vừa quay lại kêu: " Nous reviendrons ". Bộ đội Việt Nam lịch sự hơn đi tìm gặp các ông tướng chạy dài ấy cho xong chuyện chứ chẳng hơi đâu mà ngồi đợi các ông quay lại nữa.

         Và cũng vì vậy mà mùa xuân này chưa biết anh sẽ về ăn Tết ở rừng thẳm hay là trung du nữa. Nhưng chắc chắn là cái Tết không buồn như cái Tết Phố Lu .

         Hôm nay viết câu " Ngày về! "  anh cảm thấy nó xa xôi như khi mình hát bài  " Ngày về " của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đầu năm 48.

         Cóng tay quá, ở đây bốn phía là núi đá, đêm càng về khuya thì càng lạnh, anh dừng bút xoa tay cho đỡ cóng để viết hết câu chấm hết thư này.

         Em,

         Giờ này chắc em anh đang ngủ ngon giấc, anh gửi trên vầng trán em chiếc hôn mang ít nhiều ấm áp của nguồn sống đang dào dạt trong lòng anh đêm nay.

Yêu em       
Vũ Lăng       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:55:50 am »


         17 tháng 12 năm 1950

         Hôm nay, ở vùng tề ra, thu xếp xong công việc anh liền đạp một hơi gần 50km về nhà. Sau mấy ngày làm anh dân tề chăm chỉ với con trâu sào ruộng, anh về nhà sống mấy giờ êm ả bên ba má để quên đi giờ phút tinh thần bị căng thẳng vì những cuộc càn quét giết chóc của địch ngay bên nách mình.

         Lúc nắm tay má từ biệt, anh đã nói với má câu này: " Má ạ, con bị khổ đã nhiều nên ít dám nghĩ đến hạnh phúc như những người xung quanh. Nhưng nếu con còn quay trở lại đây, chắc rằng con sẽ sung sướng, con sẽ nắm giữ được hạnh phúc".

         Mươi hôm trưước đây anh đã nắm lấy tay em và nói một câu tương tự - Hôm nay lại nói với má, chẳng phải vì tinh thần bị căng thẳng) vì những cái gay go của chiến dịch sắp tới, nhưng có lẽ mấy hôm nay bị ám ảnh bởi cái chết của Tân Sắc, nghĩ đến nỗi đau khổ của người vợ goá với đứa con thơ. Tân Sắc rất thân với anh từ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, hôm đưa thư của em cho anh ở  Trịnh Tây, có yêu cầu anh cho đọc thư em để ghi những tình cảm của cán bộ làm đề tài cho quyển truyện đang xây dựng. Một đêm tâm sự với anh, kể lể những nỗi khổ sở về cuộc tình duyên của mình. Tân Sắc buột mồm: " Này Vũ Lăng, nếu bất hạnh mà mình chết, chắc là vợ mình sẽ bơ vơ, sẽ khổ lắm ". Bây giờ chắc là người quả phụ đang đau khổ, đang nước mắt ngắn dài. Anh lại nhớ đến bài thơ " La veuve " của Tân Sắc ghi trong sổ tay mà anh đã đọc và nhớ nhất đoạn này.

        Mai je ne vouderais pas que sa douce ai me me dessandat...
        " Comment va le chagrin de ton cocur ? "
        Can alors, conrme on ne peut pas mentiz aux morts
        Je repondrais: “  Il n'est pas gue'ri !!! "

         Cố nhiên không phải vì những câu chuyện "gở" trên mà Tân Sắc chết. Nhưng cái chết của Tân Sắc làm anh buồn vì anh là kẻ đã nghe tâm sự của Tân Sắc. Tình cảm của con người vốn phức tạp, trước cái chết của những người thân thương người ta hay nghĩ  ngợi. Nghĩ ngợi để can đảm mà nhìn rõ " sự có thể xảy ra " cho mình và cho người; và để sẽ can đảm hơn nếu " sự có thể xảy ra "  ấy nó đến thật.

         Trước mũi súng của địch, không ai nói đến số mệnh. Người đi cũng như người chờ đợi, đều có những niềm tin tưởng mãnh liệt. Ngày về nắm lấy tay nhau, không ai ngạc nhiên cả. " Sự có thể xảy ra " tại sao lại không xảy ra, giản đơn như đoạn kết của bài thơ của Simonov:

        Si la mort n 'a pu me prendure
        Qui dont le saurait
        Cést simple, tu as m'attendre
        Com me nul ne sait

         Câu anh đã nói với má là câu do phút bồng bột về tình cảm, câu nói của anh nghèo đột nhiên thấy mình giàu quá, đâm ra sợ vẩn vơ, nghi ngờ cả chính mình nữa.

         …Hôm nay từ biệt ba má, dắt xe ra ngõ anh thấy lòng nao nao. Má bế Huy ra ngõ trước, còn ba thì đi bên cạnh anh vừa ân cần dặn dò. Ra tới ngõ, bắt tay má, anh muốn nắm lấy bàn tay gầy lạnh lâu hơn. Anh muốn nói với má rằng: " Thế nào con cũng trở về má ạ ", bởi vì không có lý do gì mà con không trở về?  Những bước đi của con vẫn hăm hở nhưng má tin rằng con sẽ bước những bước đi vững hơn ...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM