Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:28:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thư tình từ chiến hào  (Đọc 11529 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:38:29 pm »

        
        - Tên sách: Thư tình từ chiến hào
        - Tác giả: Thượng tướng Vũ Lăng
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2006
        - Số hoá: ptlinh, phonglan


       Hai cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đê' quốc Mỹ đã sản sinh ra những vị tướng vừa có phẩm chất vừa có tài năng, trưởng thành từ cơ sở. Vũ Lăng từng đảm nhận cấp tiểu đoàn ngay từ những ngày đầu thủ đô Hà Nội đứng lên kháng chiến. Tiếp theo đó đã từng là trung đoàn rồi sư đoàn, trung đoàn ở Điện Biên Phủ sau là sư đoàn rồi Phó Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh B3 Tây Nguyên, Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên. Cuối cùng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ông là Quân đoàn trưởng Quân đoàn 3 - một quân đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn.

        Vũ Lăng không những là một vị tướng quân sự giỏi mà còn là một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã từng đảm nhận trách nhiệm Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, và đã có thời gian là Cục trưởng Cục Tác chiến, cục quan trọng nhất trong Bộ Tổng tham mưu và cuối cùng là Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt trong một thời gian dài.

        Như vậy là đã lập được chiến công trên mặt trận trong hầu hết các chiến dịch từ Biên Giới đến Điện Biên Phủ cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong nghiên cứu khoa học quân sư, làm tác chiến, ông đã có những đề xuất, những ý kiên sắc sảo, tỏ ra có trí tuệ sáng tạo tốt

        Vũ Lăng lúc làm việc có quyết tâm cao, bất cứ trong hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cho nên được các bạn đồng đội, các bạn chỉ huy rất mến phục, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân rất tốt...

        Tôi nhớ mãi những năm tháng làm việc với Vũ Lăng, tôi làm việc gần như thường xuyên. Vũ Lăng là một trong những cán bộ mà khi giúp việc thì tin là nhiệm vụ được hoàn thành. Vũ Lăng là con người như thế. Vũ Lăng mất đi nhưng đã đế lại một tấm gương sáng cho cán bộ trong toàn quân, cho các cán bộ lực lượng vũ trang.


        (Trích lời phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim tài liệu " Thượng tướng Vũ Lăng" 2001)
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:56:28 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:42:05 pm »



Vũ Lăng (1956)


THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG
(1921 - 1988)

        Thượng tướng Vũ Lăng tên thật là Đỗ Đức Liêm, sinh ngày 4 tháng 8 năm 1921 trong một gia đình lao động nghèo tại xã Ngũ Hiệp huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội.

        Vũ Lăng đã sớm giác ngộ cách mạng từ đầu 1945, tham gia cướp kho thóc và cướp chính quyền ở Phủ Lý trước ngày 19 tháng 8 năm 1945.

        Sau ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông được cử đi học trường Quân chính khóa 5 tại Việt Nam học xá và Nam tiến khi quân Pháp đánh chiếm Nam Bộ.

        Từ Ninh Hòa ra, ông được cử làm Đại đội phó Đại đội bảo vệ Bắc Bộ Phủ.

        Kháng chiến bùng nổ. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 Vũ Lăng được cử làm ủy viên tác chiến khu Đông Kinh Nghĩa Thục, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103.

        Ông cùng đồng đội và nhân dân Hà Nội chiến đấu kiên cường suốt hai tháng trời trong vòng vây của Pháp Ở Hà Nội. Cuộc chiến đấu không cân sức cùng với những khẩu hiệu " Hà Nội - Sta-lin-grát của Việt Nam", "Hà Nội - mồ chôn giặc Pháp", Hà Nội khi đó đã được coi là chiến trường chính trong cuộc giao chiến đầu tiên với người Pháp.

        Ngày 14 tháng 1 năm 1947 tại rạp " Tố Như " (tức rạp Chuông Vàng trên phố Hàng Bạc ngày nay), Vũ Lăng là người đại diện cho những người lính tình nguyện làm lễ tuyên thệ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" .

        Những ngày Hà Nội trong vòng vây của giặc Pháp, trận đánh Nhà Xô Va và Tr¬ường Ke đã tỏ rõ khả năng quân sự, tư duy sắc sảo của Vũ Lăng - ủy viên tác chiến khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Đó là hai vị trí nằm  ở gần sông Hồng, kiểm soát con đường duy nhất nối liền Hà Nội với bên ngoài. Sau gần hai tháng chiến đấu, Vũ Lăng đã đưa ba nghìn đồng bào ra vùng tự do và sau đó quay về cắm  cờ tại Tháp Rùa và Nhà Hát lớn.

        Ngày 17 tháng 2 năm 1947 Trung đoàn Thủ Đô đã rút ra khỏi Hà Nội lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến.

        Thu Đông 1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn và đồng thời cho quân đổ bộ tiến đánh Việt Bắc, nơi có cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trực tiếp ra lệnh cho Tiểu đoàn trưởng 54 Vũ Lăng "Không cho địch vào Quảng Nạp. Bất kể tình huống nào cũng phải nổ súng chặn địch". Với mười hai ngày đêm hành quân đuổi và chặn đánh binh đoàn Bô-phờ-rê, Tiểu đoàn 54 của Vũ Lăng đã đánh bảy trận và hoàn thành xuất sắc mệnh lệnh của Tổng chỉ huy toàn quân Võ Nguyên Giáp giao phó, góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc lịch sử, báo chí bắt đầu nhắc nhiều đến tên ông. Khi các nhà báo phỏng vấn, Vũ Lăng đã trả lời. "Thật vinh dự cho chúng tôi được nghênh chiến với binh đoàn Bô-phờ-rê. Đánh kẻ thù mà phải học kẻ thù ”.

        Sau đó ông liên tục tham gia các trận đánh oai hùng Bồng Lai, Sông Lô, Đại Bục . . . các chiến dịch Tây Bắc, Lê Hồng Phong, Hà Nam Ninh, Sông Thao, Biên Giới, Trung Du...

        Trong tâm trí các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô năm xưa luôn ghi nhớ hình ảnh một người chỉ huy vóc hình nhỏ bé, đẹp trai, râu quai nón, mắt sáng quắc. Bình thường ông hay cưỡi con ngựa Đờ-gôn bất kham, áo quần bảnh bao, đầu tóc chải chuốt, miệng ngậm píp, rất sành rượu Tây như  một chàng công tử Hà Nội, hào hoa phong nhã. Ông vui tính và có kiến thức rất rộng. Khi rảnh rỗi ông thích làm thơ, viết truyện ngắn, viết thư cho vợ và viết nhật ký. Nhưng thời thế đã tạo nên con đường binh nghiệp cho ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:12:29 am »


        Khi lăn lộn trận mạc ông gầy hẳn đi, râu ria mọc ra tua tủa không kịp cạo. Ông trở thành người dữ tướng. "Ông Lăng râu xồm" các chiến sĩ thường gọi ông như vậy. Đôi mắt rực lửa, Vũ Lăng hò hét lúc giáp trận và rất nóng nảy. Quyết đoán, chính xác và kỷ luật nghiêm là những đặc tính của ông trên chiến trường.

        Chiến sĩ đồn đại về tài chỉ huy của ông. Có lúc giáp chiến, ông vẫn ngậm tẩu thuốc lá và cầm batoong chỉ trỏ hướng tiến quân. Với tư thế đĩnh đạc, với bộ râu quai nón, có lúc đội quân phía Pháp tưởng là chỉ huy của chúng nên đã không bắn và ngược lại có lúc quân ta tưởng ông là quân địch nên suýt bắn nhầm.

        Từ chiến dịch Điện Biên Phủ, Vũ Lăng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 - Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh đồi C1 , một vị trí rất mạnh trên năm ngọn đồi sống còn của quân Pháp, phía đông tập đoàn cứ điểm. Trận chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt trong suốt ba mươi mốt ngày đêm và đã chiến thắng giòn giã. Người ta lại nhắc nhiều tới tên ông - là Trung đoàn trưởng, nhưng cũng với một cây tiểu liên, ông đã lên tận cứ điểm quần nhau với địch cùng với các chiến sĩ.

        Từ tháng 4 năm 1956 đến tháng 6 năm 1959, Vũ Lăng được cử đi học tại Học viện Quân sự  Bộ Tổng tham mưu Liên Xô. Về nước, ông là Viện phó Viện Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng Việt Nam.

        Từ năm 1965, Vũ Lăng đợc đề bạt đại tá và được điều làm Tư lệnh phó Quân khu 4. Ông đã tham gia các chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào. Sau đó ông được điều làm Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến, một cục quan trọng nhất của Bộ Tổng tham mưu.

        Cuối năm 1973, Vũ Lăng được phong quân hàm Thiếu tướng và là Tư lệnh trưởng chiến trường Tây Nguyên (B3), chiến trường trọng điểm của cuộc tiến công và nổi dậy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau đó ông được cử làm Phó tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên. Với kinh nghiệm dày dạn về công tác tham mưu, đánh hiệp đồng binh chủng, Vũ Lăng đã cùng với Bộ  chỉ huy B3 đề xuất thiết kế trận đánh Buôn Ma Thuột - trận mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Tháng 3 năm 1975, Vũ Lăng làm Tư lệnh trưởng Quân đoàn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 do ông làm Tư lệnh có vinh dự lớn nhận mũi đột kích chủ yếu theo hướng tây bắc, đường 22 (bây giờ là đường số 1), đồng thời thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và tiếp chiếm Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn.

        Năm 1977, Vũ Lăng được cử làm Viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt suốt 11 năm cho đến ngày ông ra đi. Ông đã xây dựng một đội ngũ giáo viên có trình độ lý luận khoa học quân sự.

        Ông được phong Trung tướng năm 1980, Thượng tướng năm 1986, đồng thời phong học hàm Giáo sư (1986). Là một trong sáu giáo sư đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Năm 1988, Vũ Lăng lâm bạo bệnh và ra đi ở một bệnh viện cấp cao Liên Xô.

*

*       *

        Nếu không có quá khứ thì sẽ chẳng có tương lai. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hơn nửa thế kỷ. Đọc lại những bức thư của Thượng tướng Vũ Lăng gửi cho người yêu, người vợ từ những ngày còn yêu nhau cho đến trước và sau mỗi cuộc chiến đấu, mỗi cuộc hành quân vào chiến dịch qua suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lần này cũng vậy tôi không sao ngăn được ý muốn là tìm lại ảnh ông và nhìn ngắm thật lâu, thật lâu . . .

        Cuối năm 1948, Vũ Lăng gặp cô nữ sinh Hà Nội mười bảy tuổi - Hoàng Việt Hoa đang công tác tại một bộ phận văn phòng Bộ Tổng tư lệnh, khi đó chàng trai ba mươi tuổi đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54, làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não.

        Qua những cuộc tiếp xúc, trò chuyện, qua những lá thư hai người đã yêu nhau và cùng đính ước vào ngày 26 tháng 4 năm 1949 tại Xóm Chòi huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, trước khi ông lên đường ra mặt trận. Hai năm sau, lễ thành hôn của họ được tổ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 1951 (mồng 6 Tết âm lịch) tại Phục Linh huyện Đại Từ trong sự mừng vui của bạn bè và đồng đội. Sau này bà Hoàng Việt Hoa là dược sĩ - trung tá quân đội. Hai ông bà sống rất hạnh phúc và đã có với nhau bốn người con (ba trai, một gái).

        Ngoài mối tình nồng nàn, sâu sắc với người vợ - bà Hoàng Việt Hoa kéo dài từ năm 1948 cho tới khi ông ra đi, trong cuộc đời ông còn có một mối tình đầu bi kịch. Một cô gái Hà Nội khi chia tay người yêu đã tặng chàng quyển sổ nhật ký gần hai trăm trang, còn Vũ Lăng tặng lại cô khẩu súng ngắn, chiến lợi phẩm để cô tiếp tục chiến đấu và bảo vệ mình. Khi nhận tin đồn người yêu tử trận trong trận chiến với binh đoàn Bô-phờ-rê và sau đó cô cũng có nhiều khúc mắc  trong cuộc sống riêng nên cô đã dùng chính khẩu súng ngắn đó để tự kết liễu đời mình.

        Khi chưa được biết ông, tôi thường hình dung những vị tướng trận mạc là những con người khô khan và khắc khổ. Nhưng khi tìm hiểu để hoàn thành bộ phim tài liệu dài bốn mươi phút về chân dung ông, tôi đã gặp nhiều điều bất ngờ và thú vị: ông là vị tướng mà khi nhắc đến tên ông nhiều vị tướng khác đã phải khóc. Vợ  ông, bà đã khóc khi kể lại tình yêu của ông dành cho bà. Còn tôi, tôi cũng đã khóc khi được đọc hàng trăm bức thư tình của ông viết, được động chạm đến những tâm tư tình cảm sâu kín nhất, những góc ẩn khuất của tâm hồn một người lính, một người tình, một người chồng, một người đàn ông trong thời chiến – Cái  thời mà khi thế hệ chúng tôi lớn lên đã may mắn không phải trải qua.

        Tôi hiểu, nhân cách của một vị tướng, một người chỉ huy và nhân cách của một người đàn ông bình thường trong ông đã làm cho tôi và mọi người phải ngưỡng mộ.

        Có  lẽ gia tài Vũ Lăng để lại cho người vợ yêu dấu của mình mà bà Việt Hoa trân trọng gìn giữ nhất lại là một va ly đầy thư đó. Tình yêu của ông bà là tình yêu của một thế hệ Việt Nam trong thời chiến. Cho dù cuộc tình của họ chỉ là một mảnh nhỏ, một góc hẹp, nhưng qua những lá thư và những trangnhật ký của Vũ Lăng từ 1949 đến 1954 trong cuốn sách này chúng ta cũng vẫn thấy hiển hiện cuộc đời thực thật sống động của những người lính Việt Nam. Hơn hết nó còn thể hiện sâu thẳm cả một cuộc chiến tranh khốc liệt của nhân dân Việt Nam và những người lính Pháp đã phải trải qua. Nó sẽ mãi là một kho tư liệu quý giá cho những ai quan tâm và cần tìm hiểu về cuộc chiến tranh của người Pháp ở  Việt Nam.

Biên kịch và đạo diễn        
Nguyễn Hải Anh          
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:17:31 am »


THƯ TỪ 1949  ĐẾN  1954



         Trên Đèo Khế 13g30' ngày 27 tháng 4 năm 1949

         Việt Hoa thân mến,


         Tôi viết thư này cho Hoa khi ngựa dừng bước ở trên Đèo Khế. Suốt từ sáng tới trưa ngựa phi không hề biết mỏi, bây giờ ngồi dưới bóng cây mát trên đèo, ngoảnh nhìn về phương cũ, lòng người đi cũng thấy đôi chút bâng khuâng.

        Nhớ lại lần trước ra đi cô đơn thì lần này thấy tâm hồn đã hết lẻ loi rồi. Hai chuyến đi cách nay có năm tháng trời mà thấy cách nhau xa, giờ là một đêm trăng cũng như đêm trăng trước thì hẳn đêm trăng này không còn thấy lạnh nữa.

        Trong lúc tỳ lên một tảng đá mà viết mấy dòng này tôi lại nhớ lại cái phút rung cảm của ngày 26 tháng 4 năm 1949 hồi 12 giờ (Hoa thấy tôi nhớ chưa) . Tất cả những cảm giác nặng nề của mấy ngày hôm trước tan đi hết, tôi đã thấy hiểu Hoa hơn, lúc nắm lấy tay Hoa thấy lòng mình rung động mạnh, tôi đã nhận thêm một nhiệm vụ mới, nặng nề và thiêng liêng và đã nắm chặt trong tay nhiệm vụ đó. Giờ đây phải bắt tay vào việc để làm tròn nhiệm vụ, làm tròn lời hứa, song một mình thì khó làm nổi, Hoa còn phải giúp đỡ tôi nhiều. Hoa hãy hứa với tôi thế nhé .

        . . Tôi mong Hoa sẽ viết thư cho tôi, viết dài vào kể cho tôi nghe rõ những cảm xúc của Hoa hôm ấy ( 26 tháng 4 năm 1949 hồi 12 giờ ). Chắc là Hoa sẽ không ngại ngần gì mà không viết cho tôi những cảm xúc, những ý nghĩ của mình. Và mong rằng tôi sẽ được đọc những lời dịu dàng và thân mật hơn tất cả những thư trước. Thân mật đúng với ý nghĩa của nó Hoa nhé.

         Đáng lẽ thư này tôi phải tả cho Hoa rõ những niềm vui đẹp của lòng mình từ sau hôm ở Xóm Chòi ra về mà thấy không tả nổi. Đọc lại những cái viết ở trên thấy chưa được bằng lòng. Cần phải thay một chữ ở trong thư này đi và chữ đó, thư sau Hoa sẽ nhắc tôi nhé.

         Viết tới đây tôi mỉm cười và khi ngẩng lên bất chợt mấy nười bộ hành đi ngang qua cũng nhìn tôi mỉm cười. Họ cũng cảm thông được những niềm vui đang rộn lên trong lòng tôi lúc này chăng?

         Tôi trông về phương cũ, về cái khu bình yên đã bắt nguồn cho những niềm vui thì tầm mắt đã bị rừng núi âm u án ngữ mất rồi. Tầm mắt bị án ngữ nhưng hình ảnh của cái Xóm Chòi1 bên này triền núi Tam Đảo vẫn cứ hiện ra, rõ ràng và tươi đẹp như ngày 26 tháng 4 năm 1949. Nhưng ngày về sẽ còn tươi đẹp gấp bội, sẽ còn vui nhiều hơn ngày 26 tháng 4 Hoa ạ

Thân mến       
Vũ Lăng


        Tái bút: Tôi chợt tìm thấy một chiếc ảnh còn sót lại ở cuốn sổ tay. Gửi tặng Hoa để làm kỷ niệm ngày 26 tháng 4 năm 1949 hồi 12 giờ 6 phút.

-----------------------
        1. Xóm Chòi: Thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên là nơi cơ quan Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh nơi bà Việt Hoa công tác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:20:05 am »


        Mặt trận Tây Bắc ngày 6 tháng 6 năm 1949

        Việt Hoa thân mến,


        Vừa ở mặt trận về tới đêm qua, hôm nay tôi ngồi viết thư cho Hoa đây.

        Đã năm đêm nay thức liền lăn lộn trên rừng núi âm u của Tây Bắc, hôm nay kéo quân về tạm nghỉ, dừng bước bên bờ sông Thao mới để ra được dăm phút để ngồi viết mấy dòng thăm Hoa. Đời người lính Cụ Hồ vất vả quá Hoa ạ. Từ đầu tháng 5 tới  nay tôi cha được nghỉ phút nào là của riêng mình, đánh ba trận rồi mà trận nào cũng là trận mưa thép và lửa. Hai lá thư của Hoa đến giữa hai chặng đường hành quân lên mặt trận, phải đọc vội đọc vàng trên mình ngựa. Cuốn nhật ký mới ghi được mươi dòng cũng đành phải bỏ dở. Hôm nay tạm dừng bước bên bờ sông Thao tôi cũng không ngờ rằng lại còn để ra được mấy phút để nghĩ tới Hoa kia đấy.

        Bộ đội tôi vừa thắng một trận khá lớn. Mà điều sung sướng nhất cho một người lính Cụ Hồ là trận đánh đó đúng ngày 19 tháng 5, là ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch. Tiểu đoàn 54 đã viết mấy dòng chữ lớn sau đây lên cứ điểm bị san phẳng của địch:

        "Nhân dịp sinh nhật của Hồ Chủ tịch
        Tiểu đoàn 54 kính dâng Người chiến công Đại Bục"

        Đại Bục là tên cứ điểm của địch bị san phẳng trên bờ sông Thao.

        Trận đánh đẹp quá! Trong có 45 phút đã tiêu diệt hết những tên giặc còn sống sót trong cứ điểm. Tôi chưa dự trận nào đẹp và hiên ngang như trận này. Lửa cháy nghi ngút trời, đánh đai lấy cứ điểm và trong vòng lửa hồng đó, những người lính xung kích xung phong giữa những làn đạn réo liên thanh, mặt gân guốc, mắt sáng ngời như ánh lửa, những lưỡi gươm vung lên, những mũi mác đâm phập vào thân giặc như cắm vào cây chuối. Rồi bài ca chiến thắng vang lên trong khi lá cờ giải phóng Tây Bắc bay phấp phới hiên ngang trên cứ điểm Đại Bục.

        Không phải tiểu thuyết đâu Hoa ạ. Sự thật còn đẹp hơn thế nhiều. Ảnh chụp được rất nhiều và rất sống, hôm về tôi sẽ đưa Hoa coi.

        Trong vòng mấy trăm cây số vuông, người dân Tây Bắc đã vùng trỗi dậy, ném những niềm u uất phải chịu đựng trong hơn hai năm trời vào đống lửa hồng và nắm chặt những bàn tay của người lính Cụ Hồ mừng mừng tủi tủi.

        Cùng một lúc với trận thắng Đại Bục của Tiểu đoàn 54. Tiểu đoàn 11 (Phủ Thông) cũng thiêu hủy hoàn toàn cứ điểm Đại Phác cách đấy ba cây số. Hai cứ điểm thi nhau cháy từ 17 giờ 30 ngày 19 tháng 5 đến hết ngày hôm sau. Xác giặc bị thiêu khét lẹt cả một vùng.

        Hai trận thắng trên đây đã mở đầu cho chiến dịch Tây Bắc. Và ngày mai, ngày mai trên bờ sông Thao lửa còn cháy to hơn thế nữa Hoa ạ. Sau trận đánh trên đây, tôi lại cùng với bộ đội đánh hai trận nửa trên hữu ngạn sông Thao. Tuy những thắng lợi không được bằng những trận trước, nhưng ảnh hưởng không phải là nhỏ. Hành quân liên miên, leo đèo đến hoa cả mắt chỉ uống nước suối mà không cần ăn cơm, những người lính Cụ Hồ không nề hà bất cứ một gian lao vất vả nào cả.

         Chà tôi chưa kể Hoa nghe cái nắng ở trên này, cái nắng Tây Bắc kinh khủng. Hoa hãy tưởng tượng đến một cuộc hành quân, trên một con đường đá nhọn xa tắp: trên đầu là lửa thiêu của mặt trời Tây Bắc, dưới chân là những hòn than hồng, hai bên là hơi lửa chạm vào mặt vào người. Lửa và lửa: Tây Bắc đấy!  Chân người nào cũng bị bỏng lột da thịt, người nào cũng như chín rừ và khát cháy cổ. Trên đường cây số 9 giữa Trái Hút, Lào Cai tôi đã dừng lại một phút để cắm một chiếc biểu ngữ có mấy chữ to: " Đây là Tây Bắc "

        Mấy hôm nay chân tôi bị bỏng rộp nên cũng khá đau. Hôm đánh trận Đại Bục lúc xung phong đôi giày bị rách và thấy vướng chân, tôi liền tụt ra và ném xuống suối, yên trí là thế nào cũng kiếm được đôi giày tốt ở trong đồn địch. Không ngờ không kiếm được giày, vì chân Tây to quá, mấy trận sau đành phải đi đất. Trong những lúc hành quân mặt nhăn như bị, thật là bi đát. Muốn làm bài thơ khóc đôi giày như Tự Đức khóc Bằng Phi. Tôi đã chế tạo được nhiều kiểu giày, giày bẹ chuối, giày mo cau, v.v. nhưng giày nào cũng chỉ đi được một lúc rồi rách nát, lại ngồi ôm chân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:22:42 am »


        Đại khái chuyện mặt trận Tây Bắc là như vậy. Chưa bị ốm mới váng vất sơ sơ, còn chịu đựng được. Quên chưa kể chuyện ngã ngựa hôm 30 tháng 4 từ Đoan Hùng đi về Yên Bái với một đoàn cán bộ. Giữa trưa đoàn ngựa phi như bay trên con đường đá. Bất thình lình con ngựa của tôi lao mạnh quá bị trượt, vó tung lên và quất tôi ngã xuống đất. Tôi chỉ kịp nhận thấy là nguy hiểm đến tính mạng và không biết gì nữa. Ngã mau quá. Một lúc sau thấy mình nằm bên lề đường, đầu gối trên ba lô, mấy người quỳ bên cạnh đang lay gọi vẻ mặt lo âu. Thì ra tôi bị ngất đi hơn 10 phút. Kết quả: nửa người bên trái bị toạc da, vai bị sái, đầu bị thủng ở thái dương (nhỏ thôi), cánh tay bị sai khớp.

        Từ hôm sau vào Yên Bái người quấn đầy băng gặp mấy chị ở thủ đô xúm lại hỏi thăm và nhất định mình là thương binh ở Tây Bắc vừa về. Thế là hết chuyện Tây Bắc của giai đoạn thứ nhất trong chiến dịch Tây bắc.

        Tôi vừa nhận được thư chị Lợi sáng nay. Thấy nói Hoa bị mệt. Thư viết từ ngày 12 tháng 5 tới nay đã ngót một tháng trời. Tôi mong và tin rằng Hoa sẽ bình phục rồi. Ở nơi xa xôi chỉ có mong và tin như vậy.

        Hồi này ở Xóm Chòi có chuyện gì lạ không? Chắc là mọi người vẫn mạnh và vui khỏe. Chị Tường Vân hồi này thế nào, có vui không?

        Tôi đọc lại hai lá thư của Hoa có một đoạn cần phải hỏi lại. Để khi về.

        Hoa phê bình tôi ba lần lá thư của tôi mờ quá. Thư tôi viết đã lâu rồi, bây giờ không thể nhớ được tôi đã mơ mộng những gì trong lá thư đó.

        Có  lẽ Hoa đã nhận xét qua màu sắc của lá thư và lời văn đã viết. Tính tôi vẫn ưa viết thư cho người  thân trên những trang giấy đẹp. Màu xanh sáng dịu vẫn là màu mà tôi ưa thích xưa nay. Vả lại màu xanh đó có phải là màu mơ mộng đâu. Xưa kia, tôi vẫn thường viết cho các bạn tôi trên những trang giấy như vậy và bây giờ chúng ta dùng cả những màu xanh đẹp đó trong những công văn giấy tờ.

        Viết cho Hoa tôi nghĩ thế nào thì viết thế chứ không cầu kỳ, uốn nắn, nhưng có lẽ với lời viết riêng của tôi, Hoa cho rằng mơ chăng?

        Tư tưởng của chúng ta theo tiến hóa của sự vật đã thay đổi đi nhiều. Trong sự gột rửa tư tưởng theo đường lối tiến hóa chung, không phải mỗi lúc mà gội rửa sạch trơn, nó vẫn còn sót lại những cái gì không sai lầm lắm và vẫn có cái đẹp. Vả lại chúng ta đều hiểu rằng đường lối tiến hóa của sự vật là quanh co, thì cái quanh co tiến hóa trong quá trình thay đổi của người thanh niên trước 1945 đến sau 1945 nó còn nhiều phức tạp nữa. Những người như tôi tình cảm thường súc tích ở trong người. Cuộc sống trong khuôn khổ của bộ đội, tình cảm cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

        Những mơ mộng hão huyền không thực tế đã biến chất đi, nhưng tình cảm riêng biệt của tâm hồn thì không vì thế mà bị bó lại trong một khuôn khổ nhất định. Nó vẫn có một chỗ tế nhị của nó và vẫn ung dung trước cái đẹp, trước sự đau thương.

        Hoa vẫn không muốn nhắc tôi nên đổi một chữ trong thư, lần này tôi lại nhắc Hoa để Hoa "quyết định" lại. Chữ "tôi" chúng ta dùng trong thư Hoa có thấy cứng nhắc không?

        Chắc Hoa sẽ cho tôi là tham lam đòi hỏi quá  nhiều, nhưng tôi cũng mong rằng trong thư sau chúng ta sẽ bỏ được cái chữ cứng nhắc đó.

        Và thư sau mong Hoa sẽ viết nhiều nhiều vào một chút. Chắc Hoa chưa quên câu này trong thư trước. " Nếu nhận thư của anh gửi mà không phải trả lời ngay thì có lẽ còn nhiều cái muốn nói và anh sẽ vừa lòng " .

        Cố nhiên là tôi sẽ vừa lòng, nếu Hoa viết dài và viết những điều muốn nói.

        Hoa cứ gửi cho Trừng để Trừng chuyển cho tôi. Chừng 13 tháng 6 sẽ có người lên chỗ tôi, tôi mong sẽ được đọc thư Hoa giữa hai trận chiến thắng sắp tới.

        Ngày về cũng không còn bao xa. Hoa sắp sẵn quà đi nhé. Hoa cho tôi gửi lời thăm các anh chị trong đó. Trong thư nào Hoa cũng khuyên tôi nên giữ gìn sức khỏe, vậy thì lần này tôi cũng khuyên Hoa như vậy. Bệnh Dysanterie (tháo dạ) nếu không chữa cẩn thận dễ thành đau gan lắm đấy.

        Mong Hoa đã bình phục. Chúc Hoa vui mạnh và đợi thư Hoa.

Thân         
Vũ Lăng       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 05:07:21 am »


        Mặt trận Tây Bắc

        Việt Hoa thân yêu,

         Trong thư trước gửi cho Hoa, tôi có mong rằng sẽ được đọc thư Hoa giữa hai đợt xung phong. Thư của Hoa đã đến giữa lúc trận đánh Ngòi Mác Khe Pe gay go nhất, tiếng đại bác gầm vang, tiếng liên thanh réo hỗn loạn rung chuyển cả khu rừng. Không biết bộ quân phục ở người có đượm mùi thuốc súng hay không, song khí trời quanh tôi là cả một mùi thuốc súng khét lẹt, nhưng mà say sưa hơn cả men rượu mạnh. Anh Hùng ở Đại Tử lên, mang thư của Hoa đến bên tôi lúc nào tôi không hay, đang lúc tôi xung phong vào đồn địch, chiếm hoàn toàn cứ điểm, anh ấy cũng không biết là thư của Hoa.

         Giận anh ấy quá đi thôi. Chà nếu lúc ấy đứng trên chiếc lô cốt đã bị sụp đổ vì đại bác, giữa những ngọn lửa chiến thắng cháy ngụt trời mà được đọc những dòng thư thân yêu từ một phương trời gửi đến thì đẹp biết bao.

        Tôi lại mơ rồi, nhưng mà mơ theo nghĩa Hoa hiểu kia đấy nhé.

        Hôm sau tôi và Lê Thọ có việc phải về trước, thả mảng trôi xuôi dòng sông Chảy, nước lũ trên ngàn sau mấy ngày mưa dồn về cuốn chiếc mảng băng băng qua những thác nước réo ầm, vọng vào những vách núi đá sừng sững hai bên bờ sông thành những tiếng vang nghe hoang vu quá. Lê Thọ buồn ngâm thơ. Tôi thấy lòng mình cũng theo nhịp nước vang vang mà rộn lên những niềm nghĩ ngợi xa xôi.  Có mấy ý nghĩ chợt tới, lấy sổ ra ghi và mỉm cười với những ý nghĩ hay hay. Nhưng tai hại làm sao, chiếc mảng bị dòng suối xoay bỗng xô vào chiếc cồn giữa sông, người bị mất thăng bằng, quyển sổ đặt trên gối bị văng xuống dòng thác. Đành ngẩn người ra nhìn quyển sổ trôi băng băng trên dòng sông Chảy mang theo những ý nghĩ thầm kín của mình kể từ ngày vượt qua Đèo Khế.

        Từ sông Chảy vào sông Lô, từ sông Lô sang sông Nhị rồi từ sông Nhị ra biển Đông, những ý nghĩ thầm kín của tôi giữa muôn dặm trùng dương không biết có vang lên theo nhịp biển vang vang nhưng mà ai sẽ nghe thấy cơ chứ, những ý nghĩ thầm kín kia nào có phải để gửi cho biển Đông. Tiếc và giận cái dòng thác sông Chảy quá. Về tới chỗ nghỉ, mãi ngày hôm sau anh Hùng mới đưa thư Hoa cho coi. Tinh thần mấy hôm bị căng thẳng vì chiến trận mệt mỏi vô cùng, nhưng lúc cầm phong thư thân yêu cũng thấy lòng yên ả lại.

        Phong thư dày và nặng, chưa mở ra đọc mà tôi đã thấy vui  vui. Ít nhiều nó cũng mang lại một chút gì của người viết: những ý nghĩ thân mật dịu dàng theo rồi bóng người đi xa, những nụ cười làm tươi tắn những trang thư mong đợi. Mở thư ra, tôi có ngạc nhiên đôi chút: những mười trang giấy? A cô "em gái" của tôi lần này không hà tiện lời viết nữa, tâm sự có lẽ sẽ dồi dào và thắm thiết hơn những lá thư trước, không bao giờ dài quá bốn trang!

         Qua mười trang thư tôi đã tìm thấy những nụ cười thân yêu pha trộn với những ý nghĩ bâng khuâng (của tôi) Giữa chúng ta hình như vẫn còn một cái gì thỉnh thoảng lại ám ảnh cái đà tình cảm đang ăn nhịp với câu chuyện của ngày 26 tháng 4. Những điều nghi ngại thắc mắc hãy còn vấn vương trong niềm tin tưởng ở nhau. Tôi không buồn về chỗ đó lắm và thấy rằng nó lại càng giúp chúng ta hiểu nhau hơn. Phải không cô "em gái" của tôi?

         Với Hoa, tôi không hề dè dặt. Lá thư trước Hoa cảm thấy như vậy có lẽ là vì nó đã chịu ảnh hưởng của thời tiết Ở trên này chăng? Tôi đã thấy nó khô khan thì đúng hơn, vì khi người ta lý luận dài dòng thì tư tưởng trở nên cứng nhắc và tư tưởng cứng nhắc thì lời văn thiếu một chút gì của tâm hồn, trở nên khô khan ngay. Đọc một bài thơ hay người ta vẫn thích hơn là đọc một bài xã thuyết. Hoa đã thấy chưa, tôi lại lý luận rồi đó.

         Không biết rằng mấy dòng trên đây có đủ gỡ vơi đi những niềm sầu đang quấn rối trên vầng trán trong sáng của cô em gái thân yêu không? Hoa trả lời cho tôi biết nhé.

         Viết hết mấy dòng trên đây, tôi dừng bút nghỉ một chút cho đỡ mệt. Sau cái tai nạn ngã ngựa ngày 30 tháng 4 khi nghĩ nhiều đến một điều gì đầu óc tôi thường bị nặng và hơi mệt.

         Đêm đã về khuya, mọi người đã ngủ cả. Trong vắng lặng của đêm khuya, tiếng thác nước đổ ầm ầm ở đằng xa vọng lại nghe như một chuyến tàu đêm chuyển trên đường sắt. Lúc ban chiều trời mưa nên về đêm hơi lạnh, lòng tôi cũng dịu lại sau khi đặt bút xuống bên bàn. Tình thương yêu nhau đượm ở trong lòng bấy lâu, đêm nay lắng xuống. Hình ảnh những ngày gần gũi thân mật ở Lục Ba Xóm Chòi hiện lên rõ rệt.

         Tôi nhớ từ buổi ban đầu gặp cô bé tóc còn xoã ngang vai ở nhà cụ Bá Bình Thuận trong một cái nhìn thoáng qua. Rồi đến lần thứ hai ngồi cùng ăn cơm với Lê Thọ ở Xóm Chòi. Tôi ngạc nhiên thấy cô bé gặp buổi ban đầu không phải là cô bé nữa nhưng ngạc nhiên hơn hết là lần gặp trong bữa cơm thân mật ở Kỳ Phú được nói chuyện nhiều. Không, không phải là cô bé tóc xõa ngang vai, đứng đùa cợt nghe chuyện người lớn nữa, mà là một cô thiếu nữ hẳn hoi, một thiếu nữ thông minh, có những tư tuởng ý nghĩ không phải ở tuổi 16.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 05:08:07 am »


         Cảm tính của tôi nhóm lên từ bữa đó, cùng với những buổi nói chuyện với anh Quý 1 và anh Đắc2 có những nhận xét về Hoa. Rồi đến lá thư mở đầu mặt trận Sơn Tây hôm mồng 1 Tết khi nhớ đến cái gia đình mới quen ở Xóm Chòi qua những thư trao đổi, những buổi nói chuyện, tình thương yêu càng ngày càng nhóm đượm ở trong lòng, ngay thẳng và chân thực.

         Đêm nay nhớ đến hình ảnh cô “ em gái ” thân yêu tôi ghi lại Ở đây một vài ý nghĩ, một vài nhận xét đã ghi rõ ràng trong mấy trang nhật ký ( đã trải ra biển Đông mất rồi, hỡi ơi! ) cũng là để trả lời câu hỏi “ tinh ranh" của Hoa trong mười trang thư vừa đọc.

         Sau lời hứa ngày 26 tháng 4 tôi cũng thấy rằng Hoa không thể nào tránh khỏi những niềm lo nghĩ băn khoăn. Tương lai đặt cả vào một lời hứa? Cái tuổi hồn nhiên bỡ ngỡ bước vào cuộc đời, đã sớm phải lo lắng cái tương lai hạnh phúc của mình, vả lại cuộc sống chung quanh, Hoa đã nhìn rõ nó quanh co phức tạp như thế nào, thì cố nhiên khi bước chân vào cuộc sống đó Hoa lại càng phải thận trọng để bước chân vững chắc. Nhưng với sự nhận định thông minh của Hoa, thêm vào đó những nhận định đúng đắn của những người xung quanh Hoa tôi tin rằng Hoa sẽ vững dạ mà đặt lòng tin vào người đã phải bảo đảm một phần lớn hạnh phúc của Hoa. Tôi thấy nhớ lại một câu của Hoa đã viết trong một lá thư trước.

        “ Chúng ta tin ở lòng chúng ta. Thế là đủ “.

         Ba má ở xa có lẽ cũng không ngờ Hoa đã lớn như vậy đấy nhỉ. Hơn hai năm trời kháng chiến đi mau quá chắc ba má vẫn yên trí là Hoa không lớn hơn bao nhiêu. Cái cô bé ngây thơ, hay nũng nịu vòi kẹo năm xưa mà nay đã dám nói chuyện hôn nhân của chính mình. Chà các cụ sẽ sửng sốt biết bao khi nhận được thư Hoa. Hình ảnh cô bé tóc còn xõa ngang vai chắc vẫn còn ám ảnh các cụ. Không biết ba má cho là một câu chuyện đúng đắn hay là một chuyện đùa nghịch của Hoa?

         Nếu tôi có cô em gái như Hoa thì tôi vẫn để tất nhiên chứ. Đường nào rồi cũng đi đến thành La Mã miễn là cô em gái của tôi có những ý nghĩ đúng đắn về cuộc đời Tôi sẽ giúp cô em gái nhận định thêm về vị hôn phu, cũng như chị L, chị Tường Vân và các anh các chị trong Liên chi đã giúp Hoa nhưng mà tôi không kiểm duyệt thư từ đâu đấy nhé.

         Kinh nghiệm Hoa đã thâu rút được những gì mà Hoa định " phổ biến " cho các em Hà, Thu, Khiêm sau này? Có kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào đâu nhất là trong vấn đề khá quanh co phức tạp này. Hoa hãy kể cho tôi nghe một vài kinh nghiệm nhé. Các anh các chị ở Liên chi phê bình Hoa cũng khá đúng đấy chứ. Ốm quá mà vẫn tham việc thức khuya, là phí phạm sức khỏe đứt đi rồi. Còn bướng bỉnh, không biết Hoa có bướng bỉnh hay không nhưng có điều này mà Hoa vẫn khăng khăng nói ý định của mình: Trong thư vừa rồi của Hoa vẫn giữ chữ Tôi cứng nhắc. Hoa vẫn nhất định dùng chữ ấy mãi ?

         Lại còn câu chuyện chất chua. Tôi hồi này vẫn hay dùng nhiều chất chua lắm Hoa ạ. Suốt trong chiến dịch này, y sĩ Khôi đã bắt tôi phải dùng chất chua thật nhiều. Nếu không dùng chất chua, thì phải dùng sulfate de magnesie. Tôi đã chọn chất chua, vì chất chua được dùng với đường uống vẫn thích hơn là uống sulfate de magnesie vừa chát vừa mặn. Vì vậy mà anh liên lạc đi theo tôi trong ba lô lúc nào cũng nặng những chanh và đường.

         Thế là Hoa và tôi đồng bệnh đấy nhé. Chất chua của chanh có nhiều sinh tố C cần cho sức khỏe, lại uống với đường thì thích biết mấy. Chỉ có chất chua theo từ điển mới, mới là chất chua đáng sợ. Uống vào sẽ đau gan hoặc đau dạ dày.

         Vài hôm nữa bộ đội lại đánh một trận quyết liệt nữa. Trận vừa qua đánh hai đồn một lúc, người lính Cụ Hồ đã phải ba đêm liền gối đầu trên báng súng, vầng trán nóng bừng vì lên cơn sốt nhưng vẫn mặc cho mưa lạnh gội trên mái tóc, để đợi giờ xung phong. Sốt và mệt mỏi như vậy nhưng đến lúc ra lệnh cho đại bác nổ quả đầu tiên vào đồn địch lại thấy khỏe hơn lúc thường, nguồn sinh lực lại rào rào trong mạch máu, tinh thần hăng hái bốc lên như men rượu mạnh. Lúc xung phong vào đồn, giẫm chân lên xác địch mà cười ha hả với nhau, những người lính Cụ Hồ thấy cuộc sống của mình chỉ có nghĩa lý trong những phút đó.

         Sau trận đánh sắp tới này, có lẽ sẽ kết thúc chiến dịch Thanh Cù. Thủ đô của Tây Bắc đã được chọn làm nơi duyệt binh của binh đoàn chủ lực. Ở đấy có nhiều người Hà Nội. Người thủ đô lại gặp người thủ đô hẳn là sẽ có nhiều chuyện vui bất ngờ. Cứ tưởng tượng đến ngày chiến thắng lòng người lính Cụ Hồ lại rộn lên những niềm vui sướng. Thế là chẳng còn bao lâu nữa, tôi sẽ dừng ngựa trên Đèo Khế để lắng nghe những rung động đẹp đẽ của ngày về khi hướng về dãy núi Tam Đảo.

         Chiến lợi phẩm đã có để tặng Hoa. Không quý giá lắm nhưng chắc là Hoa sẽ thích. Hoa thử đoán xem là gì nhé. Có  hai cái một anh Khánh (đại đoàn phó) lấy để tặng bà Phạm Văn Đồng còn một tôi dành để tặng Hoa đấy. Khi Hoa dùng thứ đó người ta thấy nhớ đến dáng điệu quen thuộc đáng yêu của những cô nữ sinh Đồng Khánh Huế thuở xưa khi mà hoa phượng nở.

         Còn quà để tặng tôi Hoa đã sắp sẵn chưa? Giá  gần nhà ba má thì ngày về chắc chắn là tôi sẽ được dự một bữa cơm gia đình thân mật đấy nhỉ. Ba má ở xa thì gia đình Liên chi cũng sẽ mời tôi chứ phải không Hoa?

         Tôi mong rằng khi lá thư này tới nơi thì sức khỏe của Hoa đã hồi phục lại như xưa, hơn xưa nữa và  Hoa sẽ đọc thư với những nụ cười tươi tắn. Thư trả lời của Hoa may ra tôi sẽ được đọc giữa những ngày lễ chiến thắng như vậy thì vui biết chừng nào.

---------------------
        1 . Ông Quý: Tên bí danh của ông Nguyễn Cơ Thạch - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Hồi đó ông là  Bí thư cơ quan Đảng bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh.

        2. Ông Đắc: Ông Lê Tất Đắc - Phó bí thư cơ quan Đảng bộ Bộ Quốc phòng. Sau ông sau trở thành Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 02:51:08 pm »


         Việt Hoa thân yêu,

         Đêm nay thức một đêm ròng để viết thư cho Hoa, lòng tôi êm dịu từ lúc cầm bút cho đến lúc sắp ngừng ở mấy dòng sau đây. Tôi đã mạnh dạn dùng những chữ mà từ trước tới nay chúng ta vẫn dè dặt.Tình thân giữa chúng ta càng ngày càng lắng sâu vào trong tâm tư thì cớ sao chúng ta lại ngại ngùng mà không dùng những chữ đúng với nghĩa của nó.

        Từ muôn thuở những chữ đó vẫn còn tồn tại cho tới nay và người sau này vẫn sẽ còn dùng thì những chữ đó có phải là khách sáo đâu. Chỉ trừ phi Hoa quan niệm cái tình thân của chúng ta theo một nghĩa khác thì chúng ta mới ngại rằng dùng những chữ đó không đúng chỗ. Tôi không tin như thế. Một câu ở  trong thư của Hoa làm tôi rung động, nhưng thấy rằng Hoa vẫn tránh dùng cái chữ mà Hoa cho là sáo chăng?

         Lá thư dài này ít ra nó cũng tỏ rõ cái tình thân yêu của tôi với Hoa như thế nào, nhưng hiểu rõ hay không, cái đó còn tuỳ ở  Hoa đấy Hoa ạ!

         Đêm nay, đêm mai tôi lại cùng bộ đội ngược dòng sông Thao để tiến sâu vào lòng địch. Hình ảnh Hoa trong lúc này gần tôi hơn bao giờ hết.

        Câu chuyện của chúng ta bắt đầu với mùa "Hồng Việt Bắc" năm ngoái, năm nay biết đâu không kết thúc cũng vào lúc "Hồng Việt Bắc" chín mùi. Tôi dừng bút giữa những tiếng thác nước réo ầm, nhớ nhiều đến em gái thân yêu, đêm nay.

Vũ Lăng           
Đêm 28 tháng 6       

        TB: Gửi Hoa chiếc ảnh chụp trước khi xuất trận đang nghiên cứu kế hoạch trên bàn cát. Thư gửi cho tôi Hoa nhờ Trừng chuyển hộ.



         Em Việt Hoa,

         Anh đã về đây hồi 2 giờ ngày 27 tháng 7 sau mấy ngày hành quân cấp tốc rời khỏi mặt trận Tây Bắc. Thế là ngày hội chiến thắng, dự định mở ở Thanh Cù thật rầm rộ để đón rước binh đoàn chủ lực đã giải phóng cho đồng bào của Tây Bắc phải bỏ vì tình hình chiến sự ở Bắc Bắc.

        Trong đêm tối bộ đội tiến vào phố Đại Từ lặng lẽ và âm thầm quá. Lòng thấy se buồn và thiếu một chút gì đó ấm áp. Cả đêm hôm ấy thức cho tới sáng, ngồi thui thủi một mình, viết báo cáo lại càng thấy cô đơn hơn. Sau những ngày gian  khổ ở mặt trận người ta thèm muốn một không khí chầm bập vui vẻ, ồn một chút và rất sợ sự tẻ lạnh của xung quanh.

         Thiếu những cánh tay mở rộng để đón người về Hoa ạ.

         Trong khi viết báo cáo nhớ đến hình ảnh Hoa có lẽ lúc này đang mơ một giấc mơ nhè nhẹ. Cách Hoa có mấy cây số ngàn nhưng đã chắc gì được gặp, bộ đội chưa được lệnh nghỉ hẳn ở cái địa phương an toàn này, sớm hôm sau chưa biết chừng nào sẽ tiến gấp sang Bắc Bắc. Đời người lính chủ lực có bao giờ hết những sự tình đột ngột ?

         Cả sáng ngày hôm qua, có lúc đã muốn lên ngựa vào Xóm Chòi thăm Hoa nhưng nghĩ đến đời sống khép kín trong khuôn khổ của bộ đội lại thấy ngại ngùng. Điều mong muốn đẹp với riêng mình, nhưng có thể là không đẹp lắm với những người xung quanh.

         Đã đọc lá thư mỏng của Hoa do chị L đưa. Vắn tắt quá Anh vẫn thích đọc những trang thư dài hơn. Mấy hôm hành quân từ Tây Bắc về, dọc đ ường mong thư của Hoa quá. Giá khi tới đỉnh Đèo Khế mà nhận được thư của Hoa thì vui biết chừng nào.

         Thư của Hoa gửi ngày 7 tháng 7 cũng không nhận được Thế là hai phong thư biệt tích. Tiếc làm sao?

         Nghe chị L nói lúc này Hoa xanh và gầy đi. Vẫn tham công việc. Vậy mà Hoa vẫn khuyên anh nên giữ gìn sức khỏe, trong khi Hoa phí phạm sức khỏe của mình. Về mà trông thấy Hoa xanh yếu chắc là anh sẽ không vui lắm. Chiều mai sẽ vào thăm Hoa. Cứ nghĩ rằng sắp sửa được gặp Hoa sau hai mươi tiếng đồng hồ nữa, thì cũng thấy lòng tươi thắm lắm rồi.

         Chiến lợi phẩm gửi tặng Hoa anh vẫn còn giữ bí mật. Hoa khó mà đoán nổi thứ gì. Anh cũng không quên kẹo của Hoa. Kẹo Tây thả dù xuống để nhờ anh biếu Hoa đấy.

         Còn quà của em Hoa anh đã đoán biết được là thứ gì rồi. Hoa sắp sẵn ra nhé.

         Cho anh gửi lời chào các anh các chị trong đó.

         Chiều mai.

Thân                 
28 tháng 7 - 22 giờ         
Vũ Lăng               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 02:53:16 pm »


        8 tháng 8 năm 1949

        Em yêu của anh!

         Anh đã lên gần tới mặt trận. Mạnh khỏe hơn bao giờ hết. Nhớ em nhiều. Anh vừa sửa soạn xong để sáng mai tiến sát vào phòng tuyến địch. Xong việc, thấy nhớ đến em liền lấy giấy ra viết dưới ngọn đèn dầu tù mù.

         Ngoài kia trăng sáng quá làm anh càng nhớ đến em vào cái đêm anh ra đi, khi anh nắm lấy đôi tay yêu run rẩy. Nói sao được tình yêu trong sạch tràn ngập trong lòng anh lúc ấy. Khi ra đi, anh thấy mình thật kiêu hãnh vì đã tìm thấy một tình yêu lành mạnh và đẹp chứ không hèn yếu chút nào . . . Cuộc kháng chiến này đã làm mất đi trong lòng chúng ta những gì hời hợt, nông nổi và yếu đuối. Tình yêu không còn là những sợi tơ ràng buộc hai con người ích kỷ, đi tìm cái tuyệt đích của một đời sống riêng lẻ nữa.

         Xưa kia lúc chia tay, người ở lại luôn muốn vẩy nước mắt thành mưa để giữ chân người yêu trở lại. Em của anh bây giờ không thường tình như thế. Em vui vẻ chúc anh lên đường. . .

        Anh đã đọc thư viết ngày 4 tháng 8 của em trong lúc ngồi trên mình ngựa ngược đường Ba Giăng, thỉnh thoảng lại ngưng lại và hướng về phía có em ở qua những dãy đồi xanh thấp . . . trong lúc lững thững hành quân người ta có quyền mơ một chút để vơi đi nỗi mệt nhọc phải không em? Anh tự cho phép anh làm như vậy.

         Em yêu của anh.

        Anh nói sao cho hết nỗi rung động trong lòng anh khi anh đọc đến câu: "... Hoa đợi anh mãi và mãi mãi. Anh vẫn có thể đi và Hoa vẫn đợi anh...".

         Đó là lời hứa muôn thuở. Nó có sức mạnh làm tươi thắm những niềm hy vọng ở trong anh . . . Đã từ lâu rồi anh đi tìm, anh chờ đợi những lời như thế để làm dịu đi những tình cảm lúc nào cũng sôi nổi ở trong anh. Cả một thiếu thời anh đã sống khô khan quá vì những người xung quanh. Người bộ hành lạc lõng nơi sa mạc đã tìm thấy một lạch nước trong.

         Yêu và tin, và hy vọng. Chúng ta gặp nhau ở chỗ đó . Người ra đi tin ở tình yêu bất diệt. Người ở lại kiên tâm chờ đợi và nâng đỡ niềm hy vọng của người ra đi.

         Vậy thì em yêu của anh, em sẽ đợi anh về giữa một mùa chiến thắng.

22 giờ         
Thân yêu       
Vũ Lăng       

         Tái bút: Thư viết dưới ngọn đèn tù mù khó xem, em chịu khó đọc nhé.



         19 tháng 8 năm 1949

         Hoa yêu quý,

        Anh ở Bắc Cạn về đã được ba hôm nay. Giặc chạy hết cả. Đánh hụt. Tiếc quá. Mỗi ngày phải đi 45 cây số nên mệt quá. Đi bộ. Hôm nay tiểu đoàn làm lễ kỷ niệm 19 tháng 8. Có tranh ảnh về chiến dịch Sông Thao (buổi sáng) và mít tinh (buổi chiều) . Tưởng anh không về và bộ đội phải đi ngay nên tổ chức không được huy hoàng cho lắm. Và cũng vì thế nên không mời ai cả.

        Sẽ vào thăm em sáng hoặc chiều mai.

Anh: Vũ Lăng       
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM