Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:36:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê  (Đọc 28986 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:20:11 am »


Kể từ lúc cụ Phan bắt đầu khởi binh năm 1885 đến năm 1895, trước sau 10 năm, mấy trăm nghĩa binh luôn bên mình cụ, trừ một số người đã chết ở sa trường, chết vì bệnh hoạn, còn lại bao nhiêu vẫn ngậm cay nuốt đắng mà theo, một bước không rời. Cụ khéo đối đãi và huấn luyện tướng sĩ, chẳng những rèn đúc họ cũng can đảm nhẫn nại như mình mà còn cảm hóa được tinh thần họ nữa. Ai nấy đều có chí mạnh, gan to, coi thường tính mạng. Nếu có thời vận và đủ lực lượng, thì tướng ấy, quân ấy có thể tung hoành chưa biết đến thế nào, đâu có tới nỗi phải lâm vào cảnh ngộ cùng khốn mà chết giữa rừng.

Phan Đình Phùng và nghĩa quân sang trú túc ở đất Mường Cô Ta vào hồi tháng 8 năm Ất Mùi (1895). Tưởng rằng cụ sang ở đất Mường xa xôi hiểm trở sẽ yên ổn tấm thân, nhưng quân bảo hộ dò biết tin tức nghĩa binh nương náu chỗ nào là lính tập tiến đánh ở chỗ đó. Thành ra nghĩa quân ở đâu cũng lo sợ, không thể yên thân được, lúc nào cũng để sẵn khí giới và hành lý bên mình, bất cứ trưa nắng hay đêm khuya, hễ nghe hơi động một chút là phải di chuyển. Đi, không có nghĩa là tướng sĩ sợ chiến đấu mà họ muốn tránh sự rủi ro bất ngờ xảy ra với cụ Phan hơn là tính mạng của mình.

Đang ở Cô Ta, nghe động chạy sang Cá Tang; đang ở Cá Tang, nghe động lại phải chạy qua Ban Bức. Nghĩa quân đổi dời quanh quẩn trong ba nơi ấy luôn mấy tháng trời rất vất vả, cực khổ, không nơi nào dám ở yên một tuần, mà từ nơi này chạy qua nơi kia rất xa, thường là mất khoảng 36 giờ đồng hồ, đường đi hết sức gồ ghề, hiểm hóc. Tướng sĩ đã khéo biến báo, bứt các thứ dây trong rừng kết lại thành như giày dép để mang vào chân mà đi, thế mà có nhiều người còn đổ máu chân, đủ biết đường sá gian nan đến thế nào.

Thấy tướng sĩ như vậy, cụ Phan thương tâm quá mà khóc lớn, vừa khóc vừa nói: Vì ta mà các ngươi phải khổ sở đau đớn trăm bề. Hay là các ngươi đem ta ra mà nạp cho Tây, rồi ai nấy trở về quê hương an nghiệp làm ăn, kẻo để các người chịu khổ sở đói khát mãi như vậy, lòng ta lấy làm bất nhẫn lắm. Nghe cụ nói vậy, tướng sĩ xúm lại khuyên giải và chỉ tay lên trời mà thề rằng: Chúng tôi vui lòng theo cụ đến chết, cực khổ thế này có thấm gì đâu. Đến chết còn vui lòng, huống chi cực khổ mức này gì mà không chịu được!

Tình cảnh còn nguy kịch hơn nữa khi nghĩa quân lo nghĩ vất vả quá, rất nhiều tướng sĩ lâm bệnh, nguy hiểm nhất là bệnh lỵ. Trong mấy tháng nương náu ở đất Mường, chính cụ Phan cũng mắc phải bệnh lỵ đến nỗi không ăn, không uống gì được, đúng ra mà nói thì không có gì mà ăn; thuốc men bổ dưỡng cũng chẳng có, thành ra mọi người gầy còm suy nhược rất nhanh. Người cụ bây giờ xanh xao ốm yếu, mà hai vành con mắt lúc nào cũng rơm rớm những giọt lệ. Cụ Phan thương cảm non sông, thương cảm cho thân thế mình, thương cảm những tướng sĩ theo mình; nhất là thương cảm việc đại sự hỏng, cảnh ngộ long đong... Quân sĩ thấy ông chủ tướng bệnh hoạn ốm yếu như thế, ai nấy đều cảm động ứa lệ.

Có mấy người cảm kích quá sức, đến nỗi rút gươm ra gào lớn: "Ta không mặt mũi nào ra hàng để cầu yên thân, cũng không nỡ lòng nào trông thấy cảnh tượng đau đớn mãi được, thà chết trước đi còn hơn", thế rồi tự đâm cổ mà chết.

Thế mới biết cụ Phan cố kết được lòng người rất giỏi, tiếc rằng vận số nước non đến lúc đường cùng và ý trời muốn tuyệt thì không biết làm thế nào.

Đã đói khát, bệnh tật trong mình, lại không được ở chỗ nào yên thân, nghĩa quân đến lúc này rất khổ cực. Quân lính bảo hộ dò theo tung tích mà dồn đuổi mãi sau lưng không cho tướng sĩ được nghỉ ngơi trọn một ngày nào. Chắc bảo hộ đoán biết nghĩa quân sắp tàn cuộc, cho nên càng phải dõi theo liên tục, vì nếu để cho nghĩa quân yên nghỉ lâu lâu dễ lại có thể phục hưng tái khởi. Chính vì quân bảo hộ luôn theo sát, cụ Phan bèn quyết kế đêm đi ngày ẩn, lén ở lại để trở về núi Quạt.

Lúc bấy giờ, các quân thứ đều rã rời tan tác, không thể nào ứng cứu hoặc liên lạc gì với nhau được, bởi bảo hộ sai quân lùng sục khắp nơi. Bao nhiêu quân thứ do cụ Phan sắp đặt khi trước, bây giờ thứ nào bị đánh tan rồi cũng không rõ, nếu có còn thì mỗi người mỗi nơi, không có chỗ nào dung thân. Khi nghe tin cụ Phan trở về núi Quạt, họ bèn lục đục kéo cả về đây nương náu. Những lúc chỉ có đôi ba trăm người còn rất đói khổ, bây giờ quân số lên đến 2.700 người ở một chỗ lại càng nguy kịch hơn.

Tình cảnh tuyệt lương như bây giờ, cụ Phan lo 2.700 quân sĩ phải làm thế nào. Tuy có mua lén được ít nhiều lúa gạo, nhưng đến nấu cháo lỏng mà húp mỗi người đôi ba thìa cũng không đủ, chứ chưa nói gì đến cơm. Đói quá, quân sĩ phải đào những củ nâu và những rễ này rễ kia trong rừng mà ăn đỡ lòng, nhưng nhạt quá, ăn không chịu được, họ lại phải nhổ mấy cây lau sậy, đốt ra thành than thay muối, để chấm mà ăn với củ nâu cho đỡ nhạt.

Đến mùa lạnh, trên rừng núi lạnh hơn rất nhiều so với dưới đồng bằng. Nghĩa quân không có đủ doanh trại che sương che gió, có người phải ra nằm phơi người giữa rừng, họ lấy cây lá phủ lên trên cho ấm. Có người đói rét đến mê man, đêm nằm giữa rừng, bị cọp beo tới ăn lúc nào không hay.

Mặc dù chịu đựng đói rét, khổ cực như vậy, nhưng chí khí của các tướng sĩ vẫn vững vàng, một lòng một dạ trung thành với chủ tướng Phan Đình Phùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:12 am »


Câu hỏi 26: Cho biết những chi tiết cảm động về những ngày tháng cuối cùng của Phan Đình Phùng. Ông đã dặn dò các quân sĩ như thế nào trước khi hy sinh?
Trả lời:


Cụ Phan và nghĩa quân về tới núi Quạt vào ngày 12 tháng 10 năm Ất Mùi (1895). Tình cảnh đói, rét, ốm đau, khổ cực... đã làm cho cụ Phan và 2.700 quân sĩ kiệt sức. Lúc này cụ Phan bị bệnh lỵ rất trầm trọng. Ai nấy đều rầu buồn lo ngại, cùng nhau hầu hạ thuốc men ở bên cụ suốt ngày đêm. Các tướng thân cận có ba ông là Nguyễn Mục, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Khai; còn gia nhân thì có phu nhân, cả hai người con trai là Phan Bá Ngọc và Phan Đình Cam, lúc này cũng ở bên giường bệnh phụ thân và cả một người cháu kêu cụ bằng chú ruột nữa.

Một ngày cụ Phan đi lỵ không biết mấy chục lần, người càng gầy, mắt càng hõm, sức càng đuối. Mệt quá, cụ nằm nhắm mắt thiếp đi. Bệnh tình ngày một nặng thêm, cụ cũng biết mình đã lâm vào cảnh thập tử nhất sinh rồi, thuốc men nhân lực không sao cứu vãn lại được nữa. Cho nên hễ thấy lúc nào trong mình hơi khỏe lại được giây lát, cụ lại gọi ông Nguyễn Quỳnh và hai ông kia ngồi gần kề bên giường để dặn dò việc quân. Cụ vừa thở hổn hển vừa nói: Tôi với các ông đồng cùng nhau khởi nghĩa đã mười năm nay, đến giờ công việc chắc không thành, mà người lại vội phải chia lìa xa cách nhau, thật đau buồn. Nhưng mà cổ nhân đã nói không sai: "Mưu việc ở người, nên việc ở trời", việc trời đã sắp đặt lỡ rồi, sức người không làm sao đổi xoay chống chọi được nữa. Nay mai tôi chết, trong đám các ông, ai liệu có thể chạy ra ngoại quốc để vừa lánh mình, vừa cầu học được càng hay. Nếu không thì sớm lo giải tán binh sĩ đi, cho họ về nhà cày cấy làm ăn, còn các ông thì sắp đặt mà ra đầu hàng bên nghịch cho xong, chớ có vọng động can qua nữa, đã không cưỡng nổi với mạng trời, lại kéo dài cảnh khổ liên lụy cho sinh dân, vô ích...

Các tướng đều bưng mặt khóc nức nở, không ai nói được câu gì. Cụ lại gọi phu nhân lại ngồi bên giường và con cháu đứng sắp hàng trước mặt mà nói: Bấy lâu tôi lo việc nước đã không xong, mà cảnh quê nỗi nhà cũng phải biến họa tơi bời, nay giữa đường lỡ dở, tôi phải bỏ mà đi, biết bao mối di hận ôm ấp trong lòng, nói càng thêm đau mà nói cũng chẳng hết. Chỉ biết là số trời đã định sao thì mình phải chịu vậy, không chống nổi mà cũng không tránh được bao giờ. Thôi thì sau này giờ nào tôi nhắm mắt rồi, mấy mẹ con cứ ra hàng phục cho được an toàn; ta biết thế nào bên nghịch cũng có lương tâm quý trọng nghĩa khí của ta, chắc không nỡ hại vợ con ta đâu mà sợ.

Phu nhân ngồi nghe, nước mắt chảy xuống ròng ròng. Bây giờ mới gạt lệ và nói: Xin ông tịnh dưỡng, may được bình phục để cho mẹ con tôi được theo hầu mãi ở trong chỗ gian nan cơ khổ tôi vẫn vui, chứ ông bỏ đi một mình, tôi còn sung sướng gì ở đời nữa...

Rồi cụ bảo người cháu tới bên dặn dò: Hễ chú nhắm mắt thì cháu dẫn thím và hai em cứ ra trước đồn Tây mà tự thú. Cháu có học, chắc biết "Chí thành chỉ đạo khả dĩ cảm nhân" (Giữ đạo rất mực thành thiệt, tất nhiên có thể cảm được lòng người), ta tin rằng người Tây không xử tàn nhẫn đâu mà lo.

Nói vừa dứt lời, cụ truyền đem bút mực lại và bảo người cháu đứng đó chép lời cụ đọc. Ai cũng nghĩ rằng cụ đọc một tờ chúc thư hay là viết thư để lại cho chính phủ bảo hộ ký thác cho vợ con. Mọi người phỏng đoán đều sai hết. Cụ đọc cho chép một bài thơ cảm khái. Bài thơ như sau:

      Nhung trường phục mạng thập canh đông,
      Võ lược y nhiên vị tấu công,
      Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
      Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong,
      Cửu trùng xa giá quan san ngoại,
      Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung,
      Trách vọng dũ long ưu dũ đại,
      Tướng môn thâm tự quý anh hùng.


Dịch nôm:
      Nhung trường vâng mạng đã mười đông,
      Việc võ lôi thôi vẫn chẳng xong,
      Dân đói kêu trời vang ổ nhạn,
      Quân gian dậy đất rộn đàn ong,
      Chín trùng lận đận miền quan tái.
      Trăm họ phôi pha đám lửa nồng,
      Trách vọng càng to càng mệt nhọc,
      Tướng môn riêng hổ tiếng anh hùng.

Từ hôm đó trở đi, bệnh tình của cụ ngày càng thêm trầm trọng; thuốc men thay đổi nhiều cũng vô hiệu. Một vị danh y trong miền nghe tin cụ đau phải mạo hiểm, vất vả lắm mới lên được núi Quạt để trị bệnh cho cụ mà cũng không giảm chút nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:45 am »


Đến 8 giờ sáng ngày 28 tháng 12 năm 1895, cụ Phan mất. Trước giây phút trút hơi thở cuối cùng, cụ mở mắt nhìn quanh các tướng sĩ, hình như muốn nói điều gì nữa, nhưng hết hơi rồi không nói được, chỉ thấy hai bên khoé mắt ứa lệ, rồi nhắm nghiền. Năm ấy cụ 49 tuổi.

Các tướng sĩ như con mất cha mẹ, kêu gào khóc lóc vang dậy cả núi non. Ngày trước Cao Thắng chết, họ thương khóc một, bây giờ họ khóc thương cụ Phan tới mười. Vì cái chết của Cao Thắng đau đớn cho nghĩa binh thật, nhưng còn có hy vọng ở cụ Phan, bây giờ cụ Phan mất, nghĩa binh tuyệt vọng hẳn.

Nhiều binh sĩ cả tháng nhịn đói nằm sương, mòn hơi hết sức, cũng không cầm được nỗi đau, đến nỗi thương quá, khóc nhiều quá rồi chết luôn. Có mấy chục người thân binh tự đâm cổ chết theo chủ tướng.

Ông Nguyễn Quỳnh lo xếp đặt việc tang, không dám để chậm trễ, vì e có sự bất trắc thình lình xảy ra. Gia nhân và tướng sĩ cùng chọn ngày 16 là ngày an táng.

Tang lễ cử hành, tất nhiên là rất đơn sơ và giản dị. Duy có việc tâm liệm di thể của cụ là các tướng sĩ làm rất cẩn thận. Thay vì phải dùng quan tài như thường, tướng sĩ chặt cây gỗ vàng tâm thật lớn ở trong rừng, đem về khoét rỗng thân cây, đặt di thể trong đó, trên đậy nắp gắn lại chắc chắn.

Đúng ngày an táng, tướng sĩ sắp hàng làm lễ cử và lạy trước linh cữu, rồi rước linh cữu xuống an táng dưới chân núi Quạt. Lúc linh cữu hạ huyệt rồi, trên chỉ đắp đất bằng phẳng, chứ không đắp cao lên thành mồ. Tướng sĩ có ý định chôn cất như thế là đề phòng sợ mai sau có kẻ chỉ điểm mà mộ cụ bị khai quật lên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:27 am »


Câu hỏi 27: Trình bày tóm tắt về địa bàn hoạt động của nghĩa quân?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở vùng Hương Khê (Hà Tĩnh), nhưng địa bàn hoạt động của nghĩa quân lan rộng trong cả 4 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và Thanh Hóa.

Sau nhiều cuộc khởi nghĩa thất bại ở Trung Kỳ, một số văn thân và nghĩa quân lại tập hợp dưới sự chỉ huy của Phan Đình Phùng. Họ đóng quân từng địa phương để kháng chiến. Tại các miền thượng du đều rải rác có đồn trại nghĩa quân. Đồn lớn do một đề đốc, đồn nhỏ do một lãnh binh chỉ huy. Địa bàn chính của nghĩa quân là Nghệ An và Hà Tĩnh. Đó là một vùng núi non hiểm trở. Đời Trần đã dùng vùng này chống quân Nguyên cũng như Lê Lợi đã thủ hiểm ở đây 6 năm, sau tiến đánh quân Minh thắng lợi. Phía đông là dãy núi Thiên Nhận, phía bắc là những núi non vùng Thanh Hóa, phía nam là dãy Trương Vật chạy đến dãy Hoành Sơn, phía tây là dãy Trường Sơn còn gọi là Giăng Màn. Lưu vực sông Lam cùng các phụ lưu sông Lam chạy dài từ bắc đến nam là vùng Ngàn Phố (Hương Sơn) và Ngàn Sâu (Hương Khê). Đi về phía nam là Tuyên Hoá (Quảng Bình) rồi vào mãi Quảng Trị, Thừa Thiên. Phía bắc thông với Thanh Hoá và Hòa Bình.

Khu Ngàn Trươi có dãy núi Vụ Quang ở Hương Khê là khu trung tâm của nghĩa quân. Đó là một vùng rừng núi thật quanh co, hiểm trở. Ba con đường độc đạo, khúc khuỷu có thể từ Ngàn Trươi ra tỉnh Hà Tĩnh, thông sang Lào, sang Xiêm và đến dãy núi Đại Hàm. Những con đường này cũng rất quanh co khúc khuỷu, khi thì leo lên núi cao, có khi men theo những khu rừng lầy lội, thậm chí nếu không biết đường đi sẽ lạc vào những khu rừng lầy lội có bùn sâu tới bụng và nếu không thông thạo địa hình khi vào rồi lại không biết đường ra. Đại đồn nghĩa quân đóng trên núi Vụ Quang. Từ Vụ Quang đến dãy núi Trùng Khê, Trí Khê dài gần một trăm dặm, đồn trại kiên cố của nghĩa quân dựng lên liên tiếp. Đồn trại đều dựa theo thế núi và đặt gần sông hay suối để vừa tiện chiến đấu vừa tiện ăn uống, chuyển vận.

Có núi cao, rừng rậm, sông ngòi, khe suối che chở, nghĩa quân có thêm điều kiện chiến đấu, lúc ẩn lúc hiện; lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh. Chính vì thế mà cuộc khởi nghĩa duy trì được thời gian dài và làm cho quân Pháp nhiều phen thua đậm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:24:26 am »


Câu hỏi 28: Cho biết đôi nét về xưởng vũ khí của nghĩa quân Hương Khê?
Trả lời:


Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh nhận thấy rằng muốn đương đầu và chiến thắng quân thù không những cần lòng hy sinh dũng cảm giết giặc mà còn phải có những lực lượng vật chất khả quan, có lương thực và nhất là vũ khí. Trong việc trang bị kỹ thuật cho nghĩa quân của các phong trào kháng Pháp hồi cuối thế kỷ XIX thì cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã có những đóng góp lớn lao. Đó là việc chế tạo được súng trường kiểu 1874 của Pháp.

Đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa được đặt ở Vụ Quang và bao gồm nhiều khu căn cứ. Khu căn cứ Vụ Quang - Ngàn Trươi gồm nhiều đồn lũy. Khu đồn Cồn Bội cách thành 18km về phía Đông Bắc với các lò rèn vũ khí, hầm chứa vũ khí, lương thực. Khu căn cứ Thượng Bồng, Hạ Bồng gồm một hệ thống đồn lũy, trong đó có rú Cồi (Khôi Sơn), rú Cọng (Điếm Sơn). Tại đây có một số lò rèn vũ khí do ông Phó Bích làm hiệp quản chỉ huy. Các lò rèn đều bố trí gần các khe suối để bảo đảm bí mật, như ở các khe Nhà Trận, rú Sui, rú Công, rú Cồi, v.v..., quân số làm việc rèn này lên đến hàng trăm người. Lò rèn Xá Lễ là một khu lò rèn lớn cung cấp vũ khí cho nghĩa quân. Theo các cụ phụ lão địa phương cho biết thì hồi nghĩa quân dựng lò rèn tại đây, khu vực này còn rất rậm rạp, tại chỗ có lúc tập trung từ 200 đến 300 thợ, có đến 30 gian lán trại dựng dọc theo các khe suối quanh vùng và các hiệp thợ thay phiên nhau làm việc từ tờ mờ sáng cho đến tối. Khu căn cứ Trùng Khê, Trí Khê cũng có cả một hệ thống đồn trại, bãi tập, xưởng vũ khí.

Đồng thời với việc xây dựng và phát triển các khu căn cứ, nghĩa quân thấy trước hết là phải làm thế nào có súng mẫu để theo đó mà chế súng mới, mua thì chắc chắn Pháp không bán, cho nên phải tổ chức cướp súng. Được tin có một toán lính đi từ Nghệ An lên đồn Phố Châu gồm hai sĩ quan Pháp và 15 lính tập mang theo tiền lương và có súng, con đường này lại xuyên qua nhiều khu rừng rậm rất thuận tiện cho việc phục kích, Cao Thắng đã trực tiếp chỉ huy một toán nghĩa quân phục kích cướp được 17 khẩu súng, hai hòm đạn và tiền bạc. Đây là loại súng mới với cỡ nòng 11mm, bắn bằng thuốc đạn không khói. Cao Thắng lên vùng Thượng Bồng mời Lê Phác (tức Kiểm Phất, người xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ) và Lê Quyên (tức Đội Quyên, người làng Yên Hồ, huyện Đức Thọ) và một số thợ rèn giỏi của vùng Nghệ Tĩnh cùng nghiên cứu khẩu súng của giặc để chế tạo. Những người thợ thủ công đã phát huy hết trí sáng tạo của mình lấy phương tiện thô sơ để làm ra vũ khí hiện đại. Để chế tạo bộ máy cò phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao, người ta tháo một khẩu súng Pháp ra từng bộ phận và rèn theo mẫu đó, xong lắp vào súng bắn thử, nếu được thì cứ theo mẫu mà làm, chưa được thì phải nghiên cứu sửa chữa lại bằng được mới thôi. Nòng súng là một bộ phận yêu cầu hợp kim cao, người ta có sáng kiến là uốn bằng sắt và củng cố thêm bằng nhiều vòng sắt ở bầu nòng cho chắc thêm và để khi bắn khỏi bị vỡ. Lò xo kim hỏa cần thép cứng và dẻo đã được nghĩa quân thay bằng loại gọng ô. Mọi bộ phận nghiên cứu xong, Cao Thắng đưa lên vùng Lệ Động hơn 300 thợ rèn của hai làng Trung Lương và Vân Chàng, 30 thợ gỗ và thợ mộc ở làng Xa Lang để làm báng súng và một số thợ bạc để làm vỏ đạn, một số thợ đúc đồng để đúc đạn. Cao Thắng tổ chức sản xuất theo lối dây chuyền và chuyên môn hóa. Về nguyên liệu, ông cho người đi khắp các làng quê, mua hoặc quyên tất cả những thứ như nồi đồng, mâm đồng, sắt cũ, sắt vụn, cày cuốc hư hỏng của nhân dân đem về căn cứ đúc súng. Đồng bào lương và giáo đã nhiệt liệt hưởng ứng, có người bớt cả đồ đồng đang dùng mang đến cho nghĩa quân...

Ngoài việc sản xuất súng, ông còn nghĩ cách chế thuốc súng theo kiểu thủ công, gồm than xoan tán nhỏ và diêm tiêu để nhồi vào đạn hoặc vượt rừng núi qua đường Lào sang tận Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) mua thuốc súng. Sau nhiều tháng trời lao động quên mình vì nghĩa lớn, Cao Thắng và những người thợ rèn ở vùng Nghệ Tĩnh đã tự chế được gần 350 khẩu súng kiểu 1874, kỹ thuật không khác gì nhiều so với của địch. Thành công này đã làm cho nghĩa quân phấn khởi và tin tưởng ở thắng lợi của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:04 am »


Theo nguồn tài liệu của thực dân Pháp cho thấy thực dân Pháp cũng rất quan tâm chú ý đến trang thiết bị quân sự của nghĩa quân Hương Khê, nên ngay từ đầu thế kỷ XX, Đại úy Ch. Gosselin trong quyển sách L’Empire d'Annam (Đế quốc An Nam) đã viết về thành tựu này như sau: "Ông (tức Phan Đình Phùng) đã biết đào tạo các chiến binh của mình theo cung cách kỷ luật và hàng binh theo kiểu châu Âu, đó là điều mà chúng ta chưa bao giờ nhận thấy từ trước cho đến lúc đó, trang phục cho quân lính bằng những bộ quần áo tương tự như những binh lính người bản xứ và cuối cùng là trang bị cho các chiến binh bằng các khẩu súng kiểu 1874, những khẩu súng này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, những khẩu súng này giống về tất cả mọi phương diện với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất và đã làm cho các sĩ quan pháo binh mà tôi đưa cho họ xem phải hết sức ngạc nhiên. Những khẩu súng này chỉ khác với những khẩu súng của chúng ta về hai điểm đó là lò xo xoáy ốc tôi chưa đủ và nòng súng không có xẻ rãnh, cho nên đạn đi không xa. Tuy nhiên những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ".

Gần đây trong luận án tiến sĩ quốc gia nhan đề "Les contacts Française - Vietnamiens en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896” (Những sự tiếp xúc Pháp - Việt ở Trung và Bắc Kỳ từ 1885 tới 1896), Ch. Fourniau đã cho công bố nhiều bản báo cáo đương thời của bọn thực dân Pháp đã tham gia đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Thực dân Pháp có mô tả một số doanh trại của nghĩa quân mà chúng chiếm được: "Doanh trại của Phan Đình Phùng bao gồm nhiều dãy nhà bằng gỗ được xây dựng rất tốt (những chỗ ở cho các tướng lãnh và trại lính chưa đến 300 người) và một xưởng vũ khí khá rộng có thể chứa đến 30 công nhân". Cũng toán lính này phát hiện ở một chỗ không xa một doanh trại khá, gồm 12 căn nhà, chứa được từ 150 đến 200 người. Người ta tìm thấy nhiều lò rèn và những dụng cụ để làm vỏ đạn và 4.000 khẩu phần gạo mà nghĩa quân bỏ lại khi rút lui.

Báo cáo của Le Normand ngày 11 tháng 5 năm 1895 cho biết, thời gian đầu, cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng giống như các cuộc khởi nghĩa khác trong nước về mặt trang bị kỹ thuật, vũ khí của nghĩa quân là bạch khí, nghĩa là chỉ gồm gươm, giáo mác, mã tấu, v.v... chưa có vũ khí hiện đại. Từ 1890, nghĩa quân đã tổ chức được một cuộc phục kích thành công, thu được một tá súng trường. Phấn khởi trước thành tích, sau đó nghĩa quân đã liên tiếp tổ chức nhiều cuộc phục kích nữa để cướp súng, những trận sau đó Đề Mậu và Đề Niên chỉ huy. Theo báo cáo của Công sứ Nghệ Tĩnh Duvillier, ngày 17 tháng 12 năm 1895 những người thợ làm những công đoạn khó khăn trong việc chế tạo súng đã được nghĩa quân trả công cao hơn rất nhiều so với mức bình thường ở ngoài xã hội.

Về những người thợ thủ công này, báo cáo của Le Normand viết tiếp: "Phan Đình Phùng đã sử dụng những người quê ở La Sơn đã từng là người làm vũ khí ở trên các pháo hạm hoặc trong các xưởng của hải quân, hoặc là thợ máy tại các hãng Daniel Chatmont... Những người này lại tuyển mộ ở Hà Nội những người làm vũ khí khác người bản xứ. Sau đó Phan Đình Phùng mới trưng dụng những người thợ rèn, thợ bạc, thợ mộc và thợ gỗ để làm ra súng. Việc sản xuất này được thúc đẩy nhanh chóng và chẳng bao lâu các toán quân đều được trang bị những vũ khí lợi hại. Những xưởng sản xuất được thiết lập trong những kho tại dãy núi Ngàn Trươi và Ngàn Phố; những người làm vũ khí và thợ bạc đã chế ra những quy lát từ chất thép được nấu theo phương pháp Catalane - một phương pháp nấu thép từ quặng sắt mà không phải trải qua giai đoạn gang. Họ cũng sản xuất các bộ phận bằng đồng và những vỏ đạn bằng đồng do họ trưng dụng được từ các mâm và nồi đồng ở các làng quê. Nòng súng được đúc trong núi, hoặc tại các làng thợ rèn, chẳng hạn như ở Vân Chàng. Báng súng được chuẩn bị ở mỗi nơi một ít và ở khắp mọi nơi".

Qua những nguồn tài liệu trên, chúng ta thấy điểm nổi bật trong thành tựu mà nghĩa quân Hương Khê đã đạt được là chế tạo thành công được súng trường kiểu 1874, về mặt chất lượng gần đạt tiêu chuẩn quốc tế và về mặt số lượng lên đến hàng ngàn khẩu, một số lượng lớn lao mà không một cuộc khởi nghĩa nào khác vào thế kỷ XIX cũng như sau này đạt được. Điều này đã khiến cho nghĩa quân Hương Khê không ngừng lớn mạnh và đủ sức đánh giặc lâu dài. Người ta cũng thấy mặc dù chưa có chính quyền trong tay, phương tiện vật chất thiếu thốn nghèo nàn hầu như không có gì, trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật hiện đại lại thấp nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn xả thân vì nghĩa lớn, nghĩa quân Hương Khê đã dám lao vào tấn công một trận tuyến mới, đó là lãnh vực khoa học kỹ thuật tiên tiến và đã thu được một số thành tựu rất đáng tự hào và khâm phục. Đặc biệt là Cao Thắng đã nêu một tấm gương về tinh thần sáng tạo kỹ thuật, biết dùng và đối xử đúng đắn với thợ giỏi, khắc phục khó khăn, tổ chức dây chuyền sản xuất theo kiểu hiện đại. Tất nhiên lúc đó chưa thể có được những thành tựu ngang với kẻ địch. Nhưng dù sao điều này cũng đã nói lên tài trí thông minh sáng tạo, vượt khó khăn của nghĩa quân Hương Khê cũng như của dân tộc Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:26:02 am »


Câu hỏi 29: Trình bày đôi nét về chiến lược và chiến thuật của Phan Đình Phùng được áp dụng trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê?
Trả lời:


Phan Đình Phùng là văn thân, trí thức yêu nước. Tài năng của ông được kết tinh bởi: Ý chí quyết tâm chống giặc cứu nước; đức độ trong đời thường cùng nghệ thuât tập hợp đoàn kết lực lượng; kế dùng người và cách đánh giặc khôn ngoan, mưu lược...

Phan Đình Phùng xác định muốn kháng chiến phải có căn cứ địa làm chỗ đứng chân để triệu tập binh mã, huấn luyện quân sĩ, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực. Phan Đình Phùng đã chọn dãy núi Vụ Quang làm căn cứ đóng đại đồn. Núi Vụ Quang còn gọi là Ngàn Trươi, là nơi hiểm hóc, địa thế tiện lợi cho việc dùng binh, mặt trước nhìn ra tỉnh thành Hà Tĩnh, mặt sau là rừng núi, có đường qua Lào, Xiêm; hơn thế lại có đường thông với dãy núi hiểm hóc Đại Hàm. Các đồn trú của nghĩa binh rất tiện cho việc chống giữ và chuyên chở lương thực của bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đời Trần, Lê đã từng chọn nơi đây thủ hiểm để chống quân Nguyên, Minh. Dưới quyền Phan Đình Phùng, người trực tiếp thay ông chỉ huy nghĩa quân là Cao Thắng - vừa giỏi võ nghệ vừa lắm cơ mưu. Sự nghiệp chống Pháp của cụ Phan được rạng rỡ, một phần không nhỏ là nhờ Cao Thắng, người không chỉ tài chỉ huy mà còn giỏi chế tạo vũ khí.

Phan Đình Phùng rất chú trọng việc xây dựng căn cứ để thực hành kháng chiến lâu dài, vì thế ông đã chọn căn cứ ở những vùng rừng núi hiểm trở, địch khó bao vây và tiến công quân ta, nhưng quân ta vẫn có thể tổ chức được lực lượng chiến đấu lâu dài, thực hiện được cả hai việc tiến, thoái. Về mặt quân sự mà nói thì núi Đại Hàm là một rặng núi hiểm hóc: sơn mạch liên tiếp nhau và đột ngột, khuất khúc, cứ mỗi trái núi có một khe suối, hai bên bờ khe nào cũng có lau sậy mọc lên cao quá đầu người. Đường lối đi vào rất khó khăn hiểm hóc, nếu ai không thuộc thì không tìm được đường vào, hay vào rồi mà không thuộc địa thế cũng không biết đường ra. Căn cứ kháng chiến Phan Đình Phùng không đơn độc ở một khu vực mà là sự liên kết của nhiều vùng thuộc bốn tỉnh miền Trung, ít nhiều đều có tác động qua lại với phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Từ Vụ Quang đến Trùng Khê, Trí Khê dài đến gần một trăm dặm đều có đồn trại của nghĩa quân liên tiếp dựng lên. Đồn trại dựng toàn bằng cây bền chắc, lấy ngay ở trong rừng, dựa theo thế núi, thế nước mà đóng để tiện chống giữ, việc ăn uống cũng như việc chuyên chở binh gia, lương thực đi lại. Rộng ra đến bốn tỉnh miền Trung là miền thượng du sơn cước đều rải rác có đồn trại nghĩa binh. Đồn lớn thì bố trí đề đốc đóng, còn đồn nhỏ thì một lãnh binh.

Phan Đình Phùng chia nghĩa quân thông thuộc tay mình ra 15 quân thứ, mỗi quân thứ một vùng, nhiều hay ít quân tùy thuộc vào địa thế trong mưu đồ chiến lược chung. Mỗi quân thứ tuy là căn cứ riêng của các văn thân võ tướng nhưng đều dưới quyền chỉ huy của cụ Phan tại núi Vụ Quang - đó là chiến khu trung tâm chỉ huy cuộc kháng chiến, lực lượng quân sự chủ yếu tập trung ở chiến khu này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:23 am »


Vấn đề lương thực của nghĩa quân được Phan Đình Phùng rất coi trọng. Cụ Phan đã huy động không chỉ đủ mà còn tổ chức dự trữ lương thực với quy mô lớn, tỉ mỉ, khoa học. Với chính sách gần dân, thương dân, công tác dân vận thuyết phục, thu thuế, nộp lương thực có hạn độ theo hoàn cảnh, chính vì thế mà nhân dân bốn tỉnh đã tích cực ủng hộ quân khởi nghĩa với mức cao nhất. Việc hoạch định chiến lược trong xây dựng căn cứ lòng dân đã không chỉ bảo toàn lực lượng mà còn đoàn kết lực lượng khởi nghĩa trên toàn quốc, không chỉ miền Trung mà còn vươn ra Bắc, vào Nam... chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Phan Đình Phùng rất rộng và sâu xa. Nếu như tư tưởng ấy, mong muốn ấy của cụ Phan được thực hiện bằng sự liên kết thống nhất sức mạnh của phong trào kháng Pháp trong cả nước thì có thể hiệu quả của phong trào Cần Vương còn lớn hơn rất nhiều.

Qua các tài liệu lịch sử để lại, tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để chứng minh cho cách dùng binh - tổ chức chiến đấu của cụ Phan. Chiến tranh du kích, đánh vận động, phục kích, nhỏ lẻ, đánh ban đêm quần nhau liên tục nhằm tiêu hao lực lượng quân Pháp, chờ thời cơ tổ chức đánh lớn vẫn là những hình thức chiến thuật phổ biến được cụ Phan vận dụng. Đó là một trong những cách đánh khá độc đáo mang tính truyền thống và hiện đại của quân ít đánh quân đông, quân yếu đánh quân mạnh, nhằm bảo toàn lực lượng, khoét sâu điểm yếu của quân Pháp hòng đưa khởi nghĩa đi tới thắng lợi. Ở đâu hoặc đến đâu nghĩa quân đều dựa vào dân tổ chức kháng chiến ở đó. Nhờ chiến thuật liên tục cơ động, đánh vận động mà nghĩa quân đã bảo toàn được lực lượng trong thời gian khá dài trước sự bao vây và tiến công liên tục với quy mô lớn của thực dân Pháp. Căn cứ kháng chiến được trải dài, rộng trên một địa bàn lãnh thổ rộng lớn, việc tổ chức từng quân thứ có thể độc lập chủ động tác chiến, kiên quyết kháng chiến để hỗ trợ nhau, phối hợp với nhau cùng kháng chiến làm cho quân thù không thể tập trung tiêu diệt nghĩa quân một cách nhanh chóng đã được khẳng định ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. "Từ ngày 1 tháng 1 năm 1896 đến 14 tháng 5 năm 1896, mặc dầu chúng đã buộc được 144 tướng sĩ nghĩa quân phải ra hàng và bắt giết một số khác, nhưng một điều rõ ràng mà chúng phải công nhận là chúng vẫn không tiêu diệt nổi ý chí tiếp tục đề kháng của nghĩa quân Hương Khê"1.

Sự tồn tại của phong trào khởi nghĩa Phan Đình Phùng hơn 10 năm trời dựa vào nghệ thuật xây dựng căn cứ, tích trữ lương thực, phối hợp tác chiến trong nước, thậm chí cả ngoài nước đã khẳng định tư tưởng kháng chiến trường kỳ, dựa vào địa hình hiểm trở của đất nước, lòng yêu nước, quyết tâm kháng chiến của nhân dân là chính xác và phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan lúc đó. Cũng như lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa đương thời, chúng ta có thể tìm thấy tri thức quân sự ở Phan Đình Phùng rất dồi dào, sâu sắc, trình độ mưu lược cao. Có lẽ do vậy mà so với các cuộc khởi nghĩa khác, quy mô tầm vóc của khởi nghĩa Phan Đình Phùng cũng có phần nổi trội, thanh thế ảnh hưởng của nghĩa quân Phan Đình Phùng khá lớn, thuyết phục được nhiều lãnh binh khác về tụ hội dưới ngọn cờ khởi nghĩa của cụ Phan.
_____________________________________
1. Mai Hanh, Nghiên cứu lịch sử, số 85, tháng 4 năm 1966.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:28:27 am »


Câu hỏi 30: Hãy phân tích, nhận xét đánh giá về căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo được nhiều người biết đến và được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự quan tâm. Sự quan tâm đặc biệt ấy không phải chỉ vì cuộc khởi nghĩa do một sĩ phu có tên tuổi lãnh đạo hay là cuộc khởi nghĩa kéo dài nhất (10 năm từ 1885 đến 1895) trong phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX mà còn là bởi nó để lại một bài học vô giá. Đó là vấn đề chọn và xây dựng căn cứ kháng chiến.

Khi đã tập hợp được lực lượng và trang bị vũ khí của nghĩa quân lớn mạnh, Phan Đình Phùng cùng với bộ tham mưu của mình đã chọn vùng thượng du hai huyện Hương Sơn và Hương Khê làm căn cứ kháng chiến và vùng thượng du Nghệ An - Hà Tĩnh làm địa bàn hoạt động chính bao quanh khu căn cứ. Đặc biệt là khu Ngàn Trươi có dãy núi Vụ Quang là khu trung tâm của nghĩa quân, có địa hình rất thuận lợi kể cả trong tiến công cũng như phòng ngự; đồng thời tổ chức cho các quân thứ xây dựng căn cứ kháng chiến, tiếp nhận lương thực, mua sắm và tự tạo vũ khí... sẵn sàng đối phó với địch trong mọi tình huống.

Từ những đặc điểm trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét, đánh giá căn cứ của nghĩa quân Hương Khê như sau:

- Việc hình thành vùng căn cứ địa miền tây Hà Tĩnh là bước phát triển tất yếu của cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo nổ ra năm 1885 không phải tại Hương Khê mà tại làng Đông Thái huyện La Sơn (nay là xã Tùng Anh, huyện Đức Thọ). Lúc đầu chỉ có vài trăm nghĩa quân đứng chân tại làng. Đầu năm 1886, mặc dù hợp thêm nghĩa quân của Lê Ninh tại Bạch Sơn (thuộc dãy Đại Hàm), nhưng lực lương nghĩa quân vẫn chưa được là bao, nên khi cụ Phan ra Bắc, Cao Thắng đã đưa nghĩa quân về làng để dựa vào dân phát triển lực lượng. Như vậy thời gian đầu do lực lượng quá nhỏ, địch chưa để ý đến, nghĩa quân còn có thể dựa vào dân làng để phát triển được lực lượng, xây dựng thực lực. Nhưng sau hai năm xây dựng và phát triển, lực lượng nghĩa quân đã khá mạnh, thanh thế nghĩa quân đã khá lớn và lại càng lớn mạnh khi cụ Phan từ Bắc trở về quy tụ được các cuộc khởi nghĩa trong vùng. Một mặt thì kẻ thù đã để mắt và tìm cách đàn áp, một mặt nghĩa quân cần có chỗ đứng để tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài nếu không sớm muộn cũng bị địch tiêu diệt, vì vậy sự ra đời của căn cứ địa là đòi hỏi khách quan và tất yếu của cuộc khởi nghĩa.

- Chúng ta đều biết trong khởi nghĩa vũ trang nói riêng và trong chiến tranh giải phóng nói chung, căn cứ địa có tầm quan trọng mang tính chiến lược. Nó trở thành điều kiện sống còn khi cuộc khởi nghĩa mới nổ ra và cả khi tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch còn quá chênh lệch nghiêng hẳn về phía địch. Bởi vậy mà căn cứ địa là chỗ đứng chân của nghĩa quân để tập hợp, phát triển lực lượng tiến hành chiến tranh, về mặt này nó còn là nơi dự trữ cung cấp hậu cần cho nghĩa quân, đồng thời căn cứ địa cũng là nơi bảo toàn lực lượng là bàn đạp để tấn công kẻ thù. Không có căn cứ địa vững chắc thì không thể tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài để cuối cùng giành thắng lợi. Lênin đã từng nói: "Trong chiến tranh ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, ai có nhiều nguồn lực lượng hơn, ai kiên trì đi sâu vào quần chúng nhân dân hơn thì người đó thu được thắng lợi".

Một căn cứ địa vững chắc ít nhất phải đạt được hai yêu cầu cơ bản là địa lợi và nhân hòa. Địa lợi tức là nơi có vị trí, địa hình có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Nhân hòa tức là nơi mà đại đa số nhân dân được giác ngộ, không sợ hy sinh, hết lòng ủng hộ và tham gia kháng chiến. Trong khởi nghĩa vũ trang thông thường ở giai đoạn đầu bao giờ lực lượng của nghĩa quân cũng yếu hơn địch rất nhiều. Trong điều kiện hoàn cảnh như vậy, kinh nghiệm của ông cha ta là chọn những nơi hiểm yếu, nơi rừng núi hiểm trở làm căn cứ địa và khởi nghĩa vũ trang ở Việt Nam đã chứng minh rằng rừng núi bao giờ cũng là căn cứ địa tốt nhất.

Là một nhà khoa bảng yêu nước như Phan Đình Phùng, một nhà quân sự tài giỏi như Cao Thắng, các ông hiểu rõ dân tộc ta, cha ông ta đã lợi dụng rừng núi như thế nào để đánh giặc. Hơn nữa những kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa như Ba Đình, Hùng Lĩnh, Bãi Sậy và đặc biệt là những cuộc khởi nghĩa ngay chính trên quê hương đã giúp các ông nhận ra rằng với một kẻ thù mạnh, vũ khí tối tân như thực dân Pháp thì tốt hơn hết là áp dụng chiến thuật thủ hiểm ở rừng núi để bảo toàn, phát triển lực lượng, thực hiện chiến tranh du kích, phòng ngự kết hợp với tấn công tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch. Và các ông cũng nhanh chóng nhận ra rằng: vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê với địa hình hiểm trở sẽ là chỗ đứng chân có lợi cho nghĩa quân, hạn chế thế mạnh của địch, hơn nữa nhân dân ở đây vốn giàu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Hiện thời vùng này đang là trung tâm sôi động nhất của phong trào kháng Pháp. Nếu làm chủ được nó nghĩa quân sẽ dễ dàng phát triển lực lượng không những xuống vùng đồng bằng Nghệ Tĩnh, liên kết phong trào khởi nghĩa trong vùng mà còn có thể phát triển ra địa bàn Thanh Hóa, Ninh Bình, vào Quảng Bình, Quảng Trị... Và trong trường hợp nguy cấp có thể rút qua Lào bảo toàn lực lượng. Có lẽ từ sự nhìn xa trông rộng ấy mà các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã quyết định chọn vùng này làm căn cứ của nghĩa quân. Từ nhận xét ấy chúng ta có thể tạm đi đến kết luận: Việc xây dựng căn cứ địa ở vùng rừng núi Hương Khê, Hương Sơn là sự kết hợp giữa nghệ thuật quân sự dân tộc với tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê. Thực tế đã chứng minh rằng: căn cứ địa đã trở thành tấm lá chắn che chở bảo vệ nghĩa quân, ngăn bước tiến của giặc Pháp trong suốt gần 10 năm kháng chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:28:56 am »


- Xây dựng càn cứ địa không những hiểu theo nghĩa thông thường là dựa vào thế hiểm yếu để phòng thủ mà còn phải xây dựng cho mình một hệ thống công sự vững chắc khoa học để việc phòng thủ có hiệu quả hơn. Trong khu căn cứ của mình, nghĩa quân Hương Khê đã xây dựng được một hệ thống đồn trại, công sự khá vững chắc và kiên cố theo kiểu phòng tuyến nhưng lại triệt để lợi dụng địa vật như rừng, núi, sông, suối để vừa tiện sinh hoạt vừa phù hợp với cách đánh phục kích, khi vận động chiến linh hoạt của mình. Trong thực tế chiến đấu và ngay cả những trận chống càn ở khu căn cứ chúng ta rất ít thấy nghĩa quân cố thủ trong công sự để chống trả mà thường lợi dụng địa hình địa vật để cơ động tiêu diệt địch. Chính vì vậy mà qua nhiều đợt càn quét mặc dù bị thiệt hại nặng nề giặc Pháp vẫn không thể tiêu diệt được nghĩa quân. Trong căn cứ từ khu đại bản doanh Ngàn Trươi - Vụ Quang, lực lượng nghĩa quân được bố trí trên một diện tích rộng khiến địch không thể tập trung lực lượng để tiêu diệt, mà trái lại khi cần có thể hỗ trợ cho nhau. Trái lại khu đại bản doanh lại được xây dựng như một cụm cứ điểm liên hoàn mạnh để bảo vệ cơ quan đầu não cuộc khởi nghĩa, bảo vệ khu hậu cần. Tại khu này ngoài những đồn trại ở các phòng tuyến xung quanh, riêng đại đồn Vụ Quang lúc nào cũng có từ 500 quân trở lên luôn sẵn sàng chiến đấu. Đây vừa là lực lượng mạnh để bảo vệ trung tâm, vừa là lực lượng cơ động chiến đấu. Những điều trên có thể cho phép chúng ta khẳng định việc xây dựng căn cứ địa và bố trí ở căn cứ thể hiện rõ tư tưởng chủ động tiến công của nghĩa quân Hương Khê, nếu ở một khía cạnh nào đó mang tính chất phòng ngự thì cũng không phải là phòng ngự bị động đơn thuần, tiêu cực mà là phòng ngự trên thế tiến công. Đây là sự thể hiện sinh động của đường lối nghệ thuật quân sự chủ động, tấn công của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

- Cuộc chiến tranh giải phóng là cuộc chiến tranh trường kỳ, đòi hỏi phải có căn cứ địa vững chắc, nghĩa là ngoài địa hình thuận lợi còn phải có sự tiếp tế thường xuyên về nhân tài vật lực. Muốn vậy phải có nhân dân nhiệt tình ủng hộ và phải có đường tiếp tế thuận lợi. Căn cứ của nghĩa quân Hương Khê không những được nhân dân Hương Khê, Hương Sơn mà cả nhân dân Thanh - Nghệ - Tĩnh hết lòng ủng hộ. Họ tự nguyện đóng thuế cho nghĩa quân (1 đồng bạc một mẫu) trong lúc đang khốn khổ vì phải chịu chế độ sưu thuế nặng nề của thực dân Pháp. Họ đem cả mâm thau, nồi đồng để giúp nghĩa quân chế đạn, đúc súng.

Những người không có của cải thì lên sơn trại giúp nghĩa quân xay thóc giã gạo. Hàng trăm thợ rèn từ khắp nơi kéo về giúp nghĩa quân chế tạo vũ khí. Ngay cả những lúc giặc Pháp đàn áp, khủng bố dã man, những người ủng hộ hoặc bị chúng nghi là ủng hộ nghĩa quân họ vẫn không nản lòng, nhiều gia đình vẫn dám cho nghĩa quân trú tại nhà mình, che chở cho nghĩa quân mỗi khi bị càn quét. Vừa được nhân dân hết lòng ủng hộ, vừa trải dài trên diện rộng thuận tiện cho việc tiếp tế, chính vì vậy mà trại căn cứ nghĩa quân không những có đầy đủ lương ăn, áo mặc, vũ khí mà còn dự trữ để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài mặc dầu có lúc nghĩa quân lên đến hàng ngàn người, trong khi đó thực dân Pháp đã dựng hàng chục đồn bốt để ngăn chặn. Một điểm đáng lưu ý là không những thuận lợi cho việc tiếp tế mà căn cứ nghĩa quân còn đường thông sang Lào từ đó qua Xiêm, điều này đã giúp nghĩa quân rất nhiều trong việc mua sắm vũ khí. Chính nhờ vào sự giúp đỡ của nhân dân, vào căn cứ địa mà nghĩa quân mới có thể duy trì cuộc chiến đấu kéo dài suốt hơn mười năm trời. Vì vậy căn cứ địa của nghĩa quân Hương Khê không những là sự thể hiện tư tưởng dựa vào dân để chiến đấu của các lãnh tụ nghĩa quân mà còn là sự thể hiện cao độ của tinh thần yêu nước, của truyền thống anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Hương Sơn, Hương Khê nói riêng và Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung.

- Điều khác biệt với nhiều cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX là nghĩa quân Hương Khê không chỉ xây dựng cho mình một căn cứ địa duy nhất (như vậy rất dễ rơi vào thế cô lập) mà đồng thời với việc xây dựng căn cứ chính ở núi rừng Hương Sơn, Hương Khê, nghĩa quân còn xây dựng nhiều căn cứ địa tại chỗ, mỗi quân thứ có một căn cứ của mình. Những căn cứ này được liên lạc thường xuyên với căn cứ chính qua những nghĩa quân làm nhiệm vụ liên lạc tại đại bản doanh. Nhờ vậy mà hoạt động của toàn bộ nghĩa quân luôn có sự thống nhất hỗ trợ cho nhau, phân tán lực lượng của địch, khiến cho nhiều trận càn lớn của địch phải bỏ dở. Đây là nét độc đáo, sáng tạo của nghĩa quân trong nghệ thuật xây dựng căn cứ địa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM