Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:21:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê  (Đọc 28787 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:28:07 pm »


Câu hỏi 21: Cho biết những lý do gì khiến cho Phan Đình Phùng ở núi Vụ Quang phải lui quân về núi Đại Hàm?
Trả lời:


Tiếc thay cho Hoàng Cao Khải phí mất bao nhiêu tâm huyết để viết bức thư rất tài hoa thống thiết và cảm động để khuyên dỗ họ Phan, nhưng rốt cuộc chỉ là một tờ giấy bỏ, cụ Phan không chịu ra hàng.

Súng bắn chĩa vào, cụ Phan chẳng sợ; đào mồ mả lên để dọa, cụ cũng chẳng nao; huống chi một mảnh giấy, một lời văn của ông Hoàng Cao Khải làm sao chuyển động cái can trường như sắt đó.

Tuy không chịu bãi binh đầu hàng, nhưng tình thế bắt buộc cụ Phan phải lui, không ở núi Vụ Quang được nữa. Phải lui là bởi có hai lý do:

Một là, lúc đầu cụ mới khởi nghĩa cũng là lúc nghĩa sĩ bốn phương đều nổi lên. Ở Quảng Nam thì có ông Trần Văn Dự lập ra Nghĩa Hội, rồi mấy tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận kế theo; ở Quảng Trị thì có các ông Trương Đình Hội, ông Nguyễn Tự Như; ở Quảng Bình thì đảng ông Nguyễn Phạm Tuân, ông Lê Trực; ở Thanh Hoá thì có bọn ông Hà Văn Mao; ở Bắc thì có bọn ông Tạ Hiện, ông Nguyễn Thiện Thuật, thành ra Pháp phải chia binh đi ứng phó và đánh dẹp nhiều nơi, không thể chú toàn lực vào một nơi nào được. Về sau những ông này hoặc chết hoặc trốn, hoặc ra hàng, lần lượt tan nát hết, chỉ duy còn lại một mình cụ Phan là vẫn còn đứng vững, vẫn phản đối với cuộc bảo hộ, cho nên Pháp mới đem toàn lực mà nhằm vào mình cụ. Binh lính Pháp lần này tập trung vây bọc cả núi Vụ Quang, bị uy hiếp nghiêm trọng, khiến cho cụ không lui không được.

Hai là, trong các tướng, chưa có ông nào có tài xuất chúng, có thao lược đủ chống giữ với quân lính Pháp để cho cụ nể trọng như Cao Thắng. Cho nên sau khi ông Cao Thắng mất, cụ lại muốn giữ thế thủ, ổn định sinh lực ít lâu rồi ra đối chiến mới được, chứ không muốn bạo động hấp tấp vội vàng, sợ tổn hại đến thanh thế và nguyên khí của nghĩa binh và lại làm khổ dân sinh một cách vô ích. Tóm lại, cụ muốn kéo dài cuộc kháng chiến ra cho bền, cho lâu. Bởi vậy, phải tạm lui để giữ thế thủ trước, sẽ liệu thế đánh sau.

Có hai cớ ấy, khiến cho cụ phải lui quân sang đóng đồn ở núi Đại Hàm.

Núi Đại Hàm, cũng thuộc về hạt Hương Khê, là núi cũng có thế hiểm trở, thuận lợi cho việc nghĩa quân đứng chân. Từ lúc về đóng tại đồn mới này, trong đại trại chỉ để có 400 lính và 200 khẩu súng Tây, các tướng quân luôn giữ trong mình súng đạn và 100 đồng bạc, để phòng khi hoặc đánh, hoặc lui bất ngờ. Còn bao nhiêu quân lính khí giới đều phân phát cho các quân thứ hết. Thời gian đó là cuối năm Giáp Ngọ (1894).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:29:03 pm »


Câu hỏi 22: Dựa vào những lý do gì mà nghĩa quân đề xuất với Phan Đình Phùng quyết đánh lính bảo hộ khi chúng kéo đến đánh nghĩa quân tại núi Đại Hàm?
Trả lời:


Cuối năm Ngọ, quân lính bảo hộ biết cụ Phan đóng trên núi Đại Hàm mà lực lượng nghĩa quân chẳng có bao nhiêu, nghe chừng có thể tiến lên đánh phá được, bèn phân chia ra hai đội kéo tới Đại Hàm khiêu chiến.

Núi Đại Hàm thuộc về địa phận làng Tình Diệm, có một quân thứ mà cụ Phan đã bố trí ngày trước, gọi là Diệm thứ, do ông Cao Đạt làm chủ tướng.

Lúc hay tin quân lính bảo hộ sắp kéo tới đánh, cụ Phan tính kế lui binh trước để tránh đi thì hơn. Nhưng hai ông Cao Đạt và Nguyễn Mục lại đề xuất với cụ xin quyết chiến đánh địch.

Cụ Phan im lặng và cúi mặt nhìn xuống bản đồ. Lúc bấy giờ cụ Phan dụng binh có bản đồ những hình thế sông núi đường sá hẳn hoi, đó cũng là một sự nghiệp của Cao Thắng để lại. Cao Đạt và Nguyễn Mục đứng chờ hơi lâu, không nghe thấy cụ trả lời, tưởng cụ không chịu cho đánh, liền rút gươm ra đồng thanh hô lớn: "Xin nguyên soái chặt đầu hai anh em chúng tôi đi đã rồi sẽ lui binh". Cụ Phan ngước mắt lên hỏi: "Chúng ta lấy thế gì mà đánh với người ta bây giờ?".

Cao Đạt và Nguyễn Mục cùng thưa rồi tỏ bày sự thế lợi hại rõ thêm: Chúng ta lấy thế núi. Chắc hẳn quân Tây họ biết ít nhiều là nội tình ta giờ suy yếu, nhất là họ thám được binh lực ở đại đồn ta hiện nay chẳng có bao nhiêu, cho nên muốn thừa cơ đánh ào lên một trận để đạp nghĩa binh xuống núi. Nguyên soái không quyết đánh thì nghĩa quân tan tành tức thời. Chúng không đem sức lớn đánh mấy quân thứ kia mà đánh núi này, ý đồ của chúng ra sao, không nói chúng ta cũng đều biết. Cụ có lòng nhân, không muốn làm quá nhọc sức tướng sĩ, bởi phải lấy ít địch nhiều mà cụ lại định kế lui binh để tránh sức lớn của chúng ào ào đè tới. Lấy thế mà nói, thì quân ta không phải không có thể chống cự lại được ít nhiều, là vì quân ta chiếm được địa lợi của thế núi. Núi này vốn có hình thế quanh co, hiểm trở, quân Tây có kéo tới bao nhiêu đi nữa, chắc cũng chỉ vây bọc ở dưới mà thôi, chúng không dám mạo hiểm lên trên bởi chưa thuộc rõ đường đất tự nhiên sẽ sợ gặp mai phục, vả lại, trong quân ta hiện nay còn 400 người, kể ra lực lượng thì ít thật, nhưng đều là hạng tráng đinh dũng sĩ, ăn không ngồi nhà cũng buồn, chỉ cầu có giặc tới mà đánh, có chết cũng mát ruột. Còn về súng đạn tích trữ của ta cũng có thể đủ sức cầm cự nhau trong một đôi tháng, như thế thì sợ gì mà vội lui, không dám đánh lại. Không đánh lại bây giờ, tất nhiên quân Tây cho mình đây là khiếp nhược, rồi ngày đêm chúng càng xua đuổi dồn ép ta mãi. Vậy thì, bẩm cụ hãy xem xét lại, ta cứ quyết đánh nhau với chúng một phen, nếu nước cùng đường túng thế lắm, bấy giờ ta lui cũng không muộn. Phía sau ta vẫn còn có sẵn đường lui.

Cụ Phan trầm ngâm một lát, rồi kiếm lời an ủi ngợi khen hai ông Cao Đạt và Nguyễn Mục làm tướng cầm quân, mỗi khi gặp giặc quyết đánh như thế là anh hùng, là trượng phu lắm. Nhưng nay ta ở trước một cảnh như cờ bí nước, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, không biết rằng lòng tất cả các quân sĩ có muốn đánh hay không?

Nghe cụ Phan nói vậy, tức thì hai ông Cao Đạt và Nguyễn Mục vâng lệnh rồi ra lấy ống loa kêu gọi quân sĩ tập trung lại mà nói: Nay Tây đem đại binh tới vây đánh sơn trại ta. Tình thế anh em ta bây giờ chỉ có một đánh hoặc một chạy, nguyên soái muốn hỏi ý của anh em ưng cách nào?

Quân sĩ không ai bảo ai mà đồng thời tay múa, miệng hô: Ưng đánh! Ưng đánh! Nam quốc vạn tuế. Nhiều người tung cả gươm và súng lên trên không rồi bắt lại tung lên, tỏ ý vui mừng hớn hở. Cao Đạt và Nguyễn Mục thấy lòng quân hăng hái, bèn vào bẩm lại cụ Phan, để cụ quyết cho đánh địch.

Sau khi được cụ Phan đồng ý quyết đánh, Cao Đạt và Nguyễn Mục đi xem xét những địa thế nào có thể lập trận phục binh rồi sai quân lính đi chặt cây tre về chẻ ra, đan thật nhiều những giỏ lớn. Quân lính vâng theo tướng lệnh, bảo sao là làm vậy chứ cũng chưa hiểu ý đồ tướng quân ra sao.

Trận địa để đối chiến với địch chuẩn bị rất mau lẹ, chỉ có hơn nửa ngày là xong.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:29:36 pm »


Lúc bấy giờ trên sơn trại chỉ có 400 quân, còn khí giới hiện tại chỉ có 200 khẩu súng kiểu Tây và một ít đạn dược, còn lại đều là súng trường kiểu ta và đại đao đoản kiếm. Hai ông Cao Đạt, Nguyễn Mục bố trí: 200 tay súng để làm quân chiến, 200 tay đao thì làm quân phục. Các ngả lên núi, chỗ nào xung yếu thì phục binh chỗ đó, hễ thấy quân nghịch thò đầu lên thì xông ra mà chặt, không kể sống thác. Nhất định ban ngày mới ứng chiến, còn ban đêm thì nghi binh. Nghĩa là ban đêm, chính nơi đại đồn thì để tối tăm mù mịt, không thắp đèn đuốc gì hết, còn chỗ khác thì thắp đèn lửa lập loè lừa địch, khiến cho quân lính bảo hộ tưởng là đồn trại nghĩa binh ở đó, chúng sẽ nhằm ngay chỗ có ánh đèn mà bắn, mà súng của địch bắn ra dù đạn súng nhỏ hay súng đại bác cũng vậy hễ nhằm vật gì cứng mạnh dội lại thì nổ dữ. Nhưng trái lại, nếu nhằm mấy vật mềm nhẹ, nhất là bông gòn ướt và đất bùn là làm nó mất nổ. Bây giờ các quân sĩ mới biết hai ông sai chặt tre đan giỏ thật nhiều là nhằm mục đích đó.

Hồi vân thân Thanh Hóa chống cự với bảo hộ tại Ba Đình, đóng ở một làng giữa cánh đồng chiêm xung quanh có nước mênh mông, mà cầm cự được cả tháng, cũng bởi là nhờ mưu kế đó. Quân lính ở ngoài bắn vào như mưa, nhưng phần nhiều đạn không nổ là bởi văn thân đã khéo dùng những giỏ tre đựng bùn, đắp lên thành lũy, cản trở hiệu lực của đạn. Bây giờ Cao Đạt và Nguyễn Mục cũng dùng mưu kế ấy để đỡ đạn của súng thường, còn đối với đạn của súng đại bác thì đề phòng bằng cách mắc lưới võng từ cây nọ qua cây kia.

Mọi việc dự bị xong xuôi, chỉ đợi quân lính bảo hộ tới là đối chiến.

Quả nhiên, quân lính bảo hộ đến nơi chỉ ở dưới chĩa súng bắn lên chứ không dám mạo hiểm lên núi, bởi thấy thế núi nghiêng dốc, cây cối rậm rạp quá, sợ lên thế nào cũng bị phục binh thì nguy. Nghĩa binh có cái địa lợi là ở trên có chỗ ẩn núp trong nhũng khe đá hoặc bóng cây nhìn xuống là thấy rõ quân lính bảo hộ, còn lính bảo hộ nhìn lên thì không thấy các quân sĩ đâu mà chỉ thấy cây cối um tùm và khói đạn mù mịt mà thôi. Chính vì thế mà quân trên bắn xuống thường trúng hơn là quân dưới bắn lên, hơn nữa đạn của quân dưới bắn lên phần nhiều trúng vào những giỏ đựng bùn nên không nổ. Nghĩa quân lại lấy những vỏ đạn ấy, nhồi thuốc vào rồi bắn trả lại quân dưới.

Tối đến nghĩa quân nghỉ ăn cơm và dưỡng sức chứ không đánh. Ở dưới chân núi, quân lính bảo hộ nhìn lên thấy chỗ nào có bóng đèn đuốc lập loè thì cứ chĩa súng nhằm lên đó mà bắn. Nhưng mấy chỗ có lập loè đèn đuốc chỉ là chỗ đặt nghi binh mà thôi, chẳng có người nào hết.

Hai bên chống giữ nhau có đến nửa tháng như thế, trên không dám xuống đã đành, mà dưới cũng không dám leo lên. Chỉ nghe tiếng súng nổ hết ngày này qua ngày kia, luôn đêm này qua đêm khác, không khác gì một trận mưa sấm sét kéo dài, vang động cả một vùng núi non. Ai cũng tưởng chắc là nghĩa binh đã cháy ra tro hết rồi, nhưng thực ra chưa có một ai tử trận hay là bị trọng thương gì cả.

Quân lính bảo hộ nghĩ mình bắn phá dữ dội tới hai tuần như thế mà nghĩa binh không núng, không lui, bèn tập trung tất cả súng đại bác lại, định bắn phá tan, đốt cháy cả núi Đại Hàm làm cho nghĩa quân sẽ phải chết rụi hết, hoặc cho cháy hết không còn cây cối rậm rạp mà ẩn núp thì cũng sẽ phải ra đầu hàng. Nhưng đạn đại bác bắn lên phần nhiều mắc vào lưới võng của nghĩa quân đã giăng tứ tung, thành ra không hiệu quả.

Mấy ngày về sau, tuy là nghĩa binh còn khá nhiều đạn nhưng mà chỉ bắn một cách dè dặt, không dám bắn nhiều như trước nữa. Mỗi ngày giao chiến, cụ Phan đều ra tận chỗ mạo hiểm để chỉ bảo khuyến khích tướng sĩ, nhờ vậy nên lòng các quân sĩ càng phấn chấn bội phần. Cụ Phan muốn lập kế dụ quân lính bảo hộ lên núi để cho phục binh làm thịt, cụ bèn sai mấy quân sĩ lanh lẹ, lén theo đường tắt xuống núi, giả làm dân quê đi cày, khi gặp quân lính bảo hộ thì nói mình biết đường lên núi, xin chỉ đường để lãnh thưởng lập công. Hai viên quản cơ tưởng thật đã toan dẫn một toán lính tập đi liều, nhưng may cho chúng lúc ấy một viên thiếu úy cầm quân đã cản lại không cho, vì sợ mắc kế mai phục.

Bấy giờ, quân lính bảo hộ phân ra làm hai, một nửa vẫn ở mặt tiền, một nửa đạp gai lội suối, bọc ra mặt hậu để đánh phía sau lưng nghĩa binh, khiến cho trước sau đều bị địch tấn công, vì thế mà nghĩa binh ngày càng gặp khó khăn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:30:59 pm »


Câu hỏi 23: Cho biết những khó khăn của nghĩa quân trên núi Đại Hàm và chi tiết Phan Đình Phùng suýt bị bắt sống trong trường hợp nào? Ông cùng với nghĩa quân đã làm gì để tránh được điều đó?
Trả lời:


Quân lính bảo hộ dàn trận ở mặt trước núi Đại Hàm đánh ròng rã hai tuần, nghĩa binh thiệt thòi nhân mạng và đạn dược khá nhiều song vẫn cố sức cầm cự giằng co, không hề nao núng. Trên núi nghĩa binh chỉ có 400 thầy trò với 200 khẩu súng, mà ở dưới núi vừa lính tập, lính tuần và tráng đinh mấy làng phụ cận phải ra phục dịch quan quân cả thảy có tới ngàn người; nghĩa quân chỉ có lấy bóng cây khe đá làm mạnh; còn quân bảo hộ lấy ngươi đông, súng tốt làm mạnh, thế mà nghĩa binh cầm cự được gần nửa tháng cũng là lâu lắm rồi.

Trong một cuộc đối chiến không cân sức về lực lượng và vũ khí như vậy, bên nào ít và yếu sẽ bị thua cũng là lẽ tự nhiên.

Toán viện binh 150 lính ở Nghệ An kéo đến tiếp chiến, làm cho nghĩa binh thêm khó khăn hơn nữa. Sau đó, quân lính bảo hộ phân ra hai ngả mà đánh: một nửa cứ ở trước mặt núi trấn áp, một nửa kia thì luồn cây, lách đá ra phía sau núi để bất ngờ đánh úp lên sào huyệt của nghĩa binh. Mục đích nhà cầm quân dùng tới chiến lược này là bằng mọi cách nhất định phải bắt sống Phan Đình Phùng và tiêu diệt hết nghĩa quân.

Mười mấy ngày chỉ huy căng thẳng, hơn nữa nỗi ăn ở cực khổ, ai cũng biết cụ Phan rất mệt nhọc.

Chiều tối bữa thứ mười lăm, ăn một vài nắm cơm khô chấm muối xong, cụ Phan dặn dò hai tướng Cao Đạt, Nguyễn Mục những chỗ quân cơ chiến lược trong đêm nay, để mình yên tâm nằm ngủ được vài trống canh cho lại sức. Một thanh bảo kiếm cụ Phan luôn để bên mình và rút ra ngoài vỏ sẵn sàng mỗi khi nằm ngủ, 10 năm nay, đêm nào cũng thế. Cụ nói với người nhà: "Để phòng khi lâm nguy bất trắc, mình đem chém đầu kẻ nghịch hoặc là tự đâm họng mình cho kịp".

Đêm đó, khoảng 10 giờ hơn, cụ Phan đặt mình nằm xuống lâu rồi mà thao thức suy tính chứ chưa ngủ được bỗng thấy tinh thần hồi hộp, chập chờn, con mắt thì máy lia lịa và ruột nóng nảy như lửa đốt. Cụ giật mình suy nghĩ chắc là có chuyện gì nguy biến xảy đến nơi, cho nên thần hồn báo trước cho thần tính đây chăng? Tức thời cụ ngồi nhổm dậy, đánh thức người cháu gọi cụ bằng chú ruột mà nói: Quái lạ! Ta đang nằm trằn trọc chưa ngủ được, chợt nghe trong mình phát ra nóng ruột và con mắt cũng máy dữ, chắc là có điềm lạ gì đây. Cháu dậy thắp cây đèn lên, để chú bói thử một quẻ xem thế nào.

Tự nhiên mà thắp đèn ở sơn trại mà chính là nơi cụ ở là việc rất nguy hiểm, nên cụ phải dặn trước người cháu nhớ che đậy bóng sáng cho khéo, kẻo quân Tây ở dưới ngó lên thấy hơi sáng lập loè, nó sẽ bắn. Người cháu thắp đèn rồi che kỹ lại, cụ Phan lấy quyển kinh "Dịch" và mấy đồng tiền trinh ra gieo quẻ bói. Giữa lúc ấy còn là ngày "Dần" mà cụ bói được quẻ: Mão quỷ phát động. Trừng mắt thở dài ra vẻ kinh ngạc, cụ cho rằng sự thế nguy biến đến nơi rồi. Ngày mai chính là ngày "Mão" mà nay thần ứng ra quẻ này thì mai đây thế nào quân Tây cũng chắc chắn đánh phá đồn trại của ta. Tức thời, cụ sai lính vệ sĩ đi gọi Cao Đạt và Nguyễn Mục vào khẩn cấp.

Hai ông này tay gươm vai súng, lật đật vào hầu. Cụ kể lại cho nghe từ điềm lạ máy mắt sốt ruột cho tới ý nghĩa quẻ bói mà thần mới ứng cho, rồi nói rằng: Thế nào ngày mai quân địch cũng đánh phá tới sào huyệt ta, mà chúng sẽ lén ra phía sau mà lên núi, vì mặt tiền có quân ta cầm cự và mai phục rồi, hẳn chúng không tấn lên phía trước. Sự thế trước sau đều bị địch tấn công như vậy mà quân ta ít, súng ta ít, lại đạn dược gần kiệt rồi, nếu ta dồn binh về mặt sau thì mặt trước hỏng mất, mà giờ cứ cầm cự chống giữ lấy mặt trước thì mặt sau bỏ trống, để chúng thừa cơ tập kích lên được, thì chúng ta bị tù cả đám. Ta phải tức tốc lui binh, bỏ núi này đi mới được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:31:29 pm »


Cao Đạt, Nguyễn Mục muốn xin cụ Phan kéo binh đánh tràn xuống mặt trước núi, liều mạng phá tan vòng vây mà chạy. Vì hai ông suy tính quân Pháp đã định phân ra đánh ngả sau nghĩa binh, thì chắc là mặt trước để hư không. Nghĩa binh có thể liều chết phá vây được. Nhưng cụ Phan không nghe, cụ cho rằng làm cách đó là vạn tử nhất sinh sẽ rất nguy. Phải biết quân bảo hộ dùng binh cũng rất cẩn thận, cơ mưu, chứ không như chúng ta nghĩ. Chúng bao vây ta cả trước và sau, nên sẽ chia đều quân cho cả hai nơi, không khi nào chúng lại để hư không mặt trước. Ta kéo tràn đánh xuống khác gì đưa thịt vào miệng cọp. Bởi vậy, ta quyết định bỏ núi, lui về sau, chứ không để tổn thương vô ích. Quân ta vẫn cứ lui đi mặt trước, có điều là đi xuyên đường rừng, không nên lộ mặt cùng họ giao chiến làm gì nữa.

Tướng sĩ đều phục cái định kế ấy. Liền ngay lúc đó, cụ sai đi kêu gọi hết thảy quân lính ở các chỗ đang ứng chiến và mai phục bỏ trận địa tập trung kéo về đại trại, tổ chức nấu cơm và thu xếp khí giới vật dụng. Lệnh truyền đến 2 giờ khuya sẽ ăn cơm rồi nai nịt sẵn sàng để gà gáy lần thứ nhất thì nhổ trại lui binh. Nhiều quân sĩ còn đang hăng hái muốn đánh, nhưng tướng quân đã ra lệnh, không ai dám trái.

Không ngờ nghĩa quân chuẩn bị chưa kịp thì nghe tiếng gà ở sơn thôn đã gáy hai dạo. Quân lính bảo hộ đã tiến lên đến nơi. Trời mới sáng mờ mờ, một con chó Tây dùng trong việc quân, đánh hơi đưa đường, chạy sồng sộc vào tới trong sân đại trại. Nguyễn Mục ngó thấy đưa súng lên bắn con chó một phát, con chó chạy khỏi đại trại. Quân lính bảo hộ đang chen cây lách đá, nghe tiếng súng nổ liền nhằm hướng ấy và dõi theo vết chân con chó dẫn đường mà tới. Bởi đá núi lởm chởm gập ghềnh, cây cối gai góc rậm rạp, thành ra quân lính bảo hộ tiến lên rất khó và lâu. Tiếng súng của Nguyễn Mục bắn con chó thật là tai hại, nếu như không có tình thế hiểm trở của núi rừng làm chậm trễ sự tiến binh của quân lính bảo hộ, thì có lẽ cụ Phan bị bắt rồi.

Trong khi quân lính bảo hộ đang lần đường theo dấu ở phía sau, thì nghĩa quân đã đưa được cụ Phan đi ra cửa trước rồi xuyên theo đường lối trong rừng chạy thoát. Một lúc sau, quân lính bảo hộ tiến vào đến nơi, chỉ thấy doanh trại trống rỗng, đồ vật bỏ lại ngổn ngang và không còn một người nào. Họ cướp được đồn trại của nghĩa quân rồi thôi, không đuổi theo nữa. Cũng vì lý do cây cối rậm um tùm, đường lối chẳng thấy, nên chúng không biết nghĩa quân lui chạy đằng nào mà đuổi theo.

Tướng sĩ hộ vệ cụ Phan chạy đường rừng, bao nhiêu đồ vật và lương thực mất hết, không kịp đem theo một chút gì.

Thời gian này tình cảnh nghĩa quân rất lao đao vất vả, lại thêm nỗi đói khát và rét, nên quân sĩ chết ở giữa rừng rất nhiều. Lắm người đói lả đuối sức, chạy theo không kịp, phải nằm phục vị ở giữa rừng, đào rễ cây mà ăn, rồi đốt lá mà sưởi, vì mùa này khí hậu rừng núi lạnh lẽo hơn dưới đồng bằng. Chính người cháu ruột của cụ cũng nằm lả bên khe suối, may có mấy quân sĩ xúm lại vực dậy dìu đi.

Trong lúc mọi người ở nông thôn, thành thị ăn tết thì nghĩa binh lao đao đói khát ở giữa rừng sâu núi thẳm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:31:46 pm »


Đến mùng 6 tháng giêng, nghĩa binh mới kéo vế tới núi Quạt, đồn trú tại đó là quân thứ ở huyện Hương Khê. Kiểm tra binh sĩ, còn lại hơn hai trăm người mà ai nấy đều xanh xao gầy ốm, vì nỗi bôn ba cơ khổ ròng rã một tháng trời, cụ Phan và hai tướng Cao Đạt và Nguyễn Mục cũng vậy. Nội tình nghĩa quân rất căng thẳng vì nỗi lương thực thiếu thốn. Lúc nào dân làng cũng gánh gạo bắp heo gà lên núi cho nghĩa binh như là đi chợ, song mấy tháng này bị nhà chức trách cai trị địa phương canh phòng các ngả và hăm dọa gắt gao, thành ra họ không dám tiếp tế lương thực cho nghĩa quân như lúc trước nữa.

Kho tàng lúa bắp trên sơn trại càng ngày càng ít, mà sự tiếp tế mắc kẹt. Cụ Phan phải sai quân sĩ giả làm nông dân hay thương khách đi sang tỉnh Quảng Bình mua từng năm ba chục gánh gạo bắp, chở lén theo đường rừng, đem về cho quân sĩ ăn. Có nhiều khi lúa bắp đi mua chưa vận chuyển về kịp, quân sĩ phải nhịn đói đôi ba ngày chỉ uống nước lạnh trừ cơm là thường. Tuy vậy, không ai kêu la, than thở một tiếng nào; trái lại, họ vẫn vui vẻ thề nguyện kháng chiến đến chết mới thôi, cực khổ đã quen, đói rét chẳng kể. Thấy lòng quân khăng khít như thế, cụ thường cảm động khóc lóc một mình. Người cháu hầu hạ bên cạnh biết có lúc nửa đêm cụ thở dài và nói: Vì ta mà khổ sở tướng sĩ. Có dân tâm thê ấy mà nhân lực không có, thiên mạng không giúp, thảm biết bao nhiêu. Người anh hùng đến bước mạt lộ, đêm trường nằm than khóc một mình như thế, càng thảm hơn.

Đến tháng 5 năm ấy, Nguyễn Thân kéo đại quân ở kinh thành ra đến nơi, tình hình lương thực của nghĩa binh càng thêm cạn kiệt nguy khốn. Bao nhiêu lối hiểm đường quanh đều có lính tráng của Nguyễn Thân bủa giăng chặn nghẹt thành ra nghĩa quân trên núi tuyệt lương. Trước kia lương thực chỉ "thiếu" cũng đủ khốn khổ, bây giờ đến "tuyệt" thì quá nguy hiểm.

Nếu ở núi Quạt thì sớm muộn thầy trò cũng chết đói đến nơi, cụ Phan hạ lệnh nhổ trại kéo quân về nơi sào huyệt cũ là núi Vụ Quang. Tại đấy có địa lợi hơn, vì đã có đường rừng lại có đường thủy nữa, có lẽ công cuộc vận lương cũng dễ xoay trở. Khi nghĩa binh kéo đến mé sông Vụ Quang, cụ Phan cẩn thận sai 4 vệ sĩ qua sông dò thám trước thấy những đồn trại của nghĩa quân trên núi Vụ Quang hồi xưa đã bị quân lính Pháp chiếm giữ. Vì thế mà cụ Phan phải đem quân sang đóng trên một trái núi khác, cách không bao xa và cũng thuộc vào thung lũng của núi Vụ Quang. Nghĩa quân chặt cây cắt cỏ, cất lên doanh trại lụp xụp mà ở tạm. Cụ cũng biết rằng đóng binh ở đây thế nào nay mai quân lính bảo hộ cũng áp tới đánh, nên luôn phải tính cách chống cự sẵn sàng.

Chính vì thế mà sau này có trận huyết chiến Vụ Quang chính là một trận đánh để tháo thân, không ngờ lại là một trận đánh dữ dội và thắng lợi lớn nhất của nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:32:44 pm »


Câu hỏi 24: Khi ở núi Vụ Quang biết mình lâm vào cảnh đường cùng, nhân lực nghĩa quân không đủ, Phan Đình Phùng đã chỉ huy quyết đánh để mở đường thoát thân, nhưng không ngờ đó là trận đánh huyết chiến thắng lợi nhất. Cho biết diễn biến, kết quả của trận đánh trên?
Trả lời:


Khi cùng nghĩa quân từ núi Đại Hàm về núi Vụ Quang, lúc này cụ Phan tự biết rằng mình với cái ngày cuối cùng ngày càng gần nhau, chẳng còn xa cách bao nhiêu nữa. Nếu là người ham sống sợ chết thì bây giờ chỉ có việc treo lên một vuông cờ trắng, rồi đem quân gia khí giới ra đầu hàng, quy thuận bảo hộ sẽ được dung thứ trọng đãi ngay, mặc dù 10 năm qua cụ đã làm cho bảo hộ hao tốn rất nhiều quân lính và tiền bạc. Nếu chịu ra hàng, thế nào cũng được biệt đãi hơn những Đề đốc Lê Trực và Tấn sĩ Phan Trọng Mưu rất nhiều. Bởi vì cuộc bảo hộ mới lập xong đang ở thời kỳ đầu, người Pháp cần thâu phục nhân tâm hơn là ham muốn sát phạt, nghiêm khắc. Hơn nữa, đối với các lãnh tụ văn thân cứng cỏi, gan dạ như bậc Phan Đình Phùng, bảo hộ vì lẽ chính trị buộc phải đánh dẹp thì đánh dẹp, chứ trong thâm tâm của những người Pháp họ vẫn chuộng công lý nhân đạo, vẫn quý trọng ai là người biết yêu nước quên mình như thế.

Thời cơ rất thuận tiện cho cụ Phan quy hàng bảo hộ để được yên thân. Nhưng mà cụ lâm vào đường cùng cảnh khốn như lúc này mà vẫn giữ vững tâm trí thẳng như tên biết mình chết đến nơi mà cứ ung dung, cứ khẳng khái, cứ tự nhiên, thà chịu đói, chịu khổ, chịu đau đớn đủ thứ, rồi chịu chết bỏ xác giữa rừng, chứ không chịu quăng súng xuống, đưa tay lên để cầu sự yên ổn phú quý, như thế mới biết cụ kiên cường đến mức nào.

Phan Đình Phùng biết mình đã lâm vào cảnh cùng đường rồi, việc cứu quốc Cần Vương có lẽ cũng đã đến lúc hư hỏng tan tành. Trong bức thư trả lời Hoàng Cao Khải, cụ đã từng tự so sánh việc mình làm như kiểu con bọ ngựa nhỏ nhoi muốn giơ tay lên cản chiếc xe to lớn. Nhưng là vì khí tiết, vì danh nghĩa, vì phận sự làm tôi đối với vua, làm dân đối với nước, đã trót ra tay làm thì phải làm tới chết. Vì vậy mà còn có đôi chút sức lực nào cũng đem ra cho hết, để chết một cách oanh liệt, không cần phải dè dặt sức mình như mấy năm trước. Dám đóng quân ở trên một trái núi thuộc về thung lũng Vụ Quang, gần bên quân lính bảo hộ có nghĩa là cụ Phan đã không trốn tránh việc quyết đánh...

Phần vì buồn về công việc hỏng, phần vì mấy tháng nay gặp nhiều khó khăn, thành ra tuổi chưa cao nhưng cụ Phan đã suy yếu nhiều. Có lần cùng với mấy viên tùy tướng đi dạo chơi trong rừng phía trước doanh trại, cụ Phan nhìn lên thấy đám mây bạc ở xa xa, chợt nhớ đến những nơi vì mình mà đang bị tan hoang phiêu dạt; vì mình mà hương khói và xương cốt tổ tiên mình bị lạnh lùng bới móc lên, cụ rất đau đớn. Trông về phía bắc mịt mù, nhớ đến vua chúa cũng đau lòng; kể cả khi nghe tiếng chim kêu vượn hú, lá rụng cây reo cũng khiến cho cụ bùi ngùi. Cụ bật tiếng thở dài, nói với mấy viên tùy tướng: Trước kia ta nghe những tiếng này, trông thấy những cảnh này, lòng ta phấn khởi biết bao, tưởng chừng gặp kẻ đối địch chỗ nào ta cũng nhảy tới bóp cổ moi gan ra ăn được mới khoái. Nhưng bây giờ cũng trông thấy cảnh này, nghe những tiếng này, lòng ta tê tái rầu buồn hết sức. Người có chí làm việc lớn mà trời không cho làm được, ở đời còn có nỗi gì đau đớn hơn nữa. Rồi cụ chỉ tay ra phía xa mà nói: Nhìn non sông tươi đẹp thế kia mà không phải của mình làm chủ nữa, thật thảm!

Những người đi theo cụ Phan nghe mấy lời ấy đều ứa nước mắt. Nhìn chủ tướng, thấy hai gò má cũng điểm nhiều giọt lốm đốm như giọt sương mai từ cặp mắt đỏ hoe kia vừa mới nhỏ xuống. Thầy trò cùng khóc với nhau ở giữa rừng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:33:16 pm »


Nhưng cụ Phan đã quyết tâm còn chút hơi nào cũng đem ra chống chọi với thời cuộc cho hết, tới lúc xuôi tay nhắm mắt mới thôi. Bởi vậy không thể nào mà ngậm ngùi bi thương mãi được, cụ phải nghĩ cách chống cự với giặc, kẻo nghĩa quân tạm đóng trên núi này, thế nào sớm muộn nay mai quân lính bảo hộ cũng tới vây đánh, không sao tránh khỏi. Điều ấy chính cụ đã dự định từ trước rồi.

Nhìn xuống sông Vụ Quang quanh co một dải trắng phau, nước cuồn cuộn, cụ Phan đổi ngay sắc buồn, rồi vui mừng nói rằng: Nếu quân Pháp kéo tới đánh ta, thì con sông kia có thể cự địch được lắm.

Tướng sĩ ngẩn ngơ, không ai hiểu được là ý gì, trừ một mình Nguyễn Mục hình như hiểu thấu ý cụ Phan cho nên sau khi cụ Phan nói rồi, nghe ông ta ứng khẩu mà tiếp: Chắc họ được uống nước sông đó một bữa no nê.

Sau đó thầy trò lững thững trở về thảo trại thương lượng việc quân. Quả nhiên chỉ cách vài ngày sau, quân lính bảo hộ biết tin nghĩa binh đang đóng trên trái núi bên kia, liền thăm dò địa thế để kéo binh tới công kích.

Mỗi ngày nghĩa quân đều cử ra một vài người giả làm chú tiểu, xách búa qua núi Vụ Quang chặt củi, nhưng là để xem xét binh lính của bên đối địch. Lính tập nhìn thấy nhưng tưởng là dân núi đốn củi thật, không nghi ngờ gì. Mấy chú còn lân la nói chuyện và hút thuốc với họ. Nhờ vậy mà các hoạt động của lính tập ra sao, nghĩa quân biết cả.

Khi được tin báo về, cụ Phan họp các tướng lại để bàn cách chống cự. Lần này cụ có trận thế sắp đặt và chủ trương nhất định, cho nên không có ý lo ngại và tính kế lui binh như mấy lần trước. Nhưng các tướng lúc bấy giờ đều thấy lo, là vì hiện thời nghĩa binh chẳng những quân lương đã thiếu thốn cực khổ, mà ngay khí giới súng đạn cũng không còn sót lại được bao nhiêu, nếu phải cầm cự lâu ngày như ở Đại Hàm trước kia thì khó khăn. Họ lại suy nghĩ trái núi mình tạm trú đây không có địa hình thuận tiện, lấy gì mà chống giữ cho được. Còn sự trông mong ở các quân thứ kia đem binh tới cứu viện cũng không xong, vì là hồi này quân thứ nào cũng nguy như nhau. Hoặc đã vỡ lở, hoặc bị nghẹt đường, đến vận lương ăn còn không được, còn nói gì đến đem binh đi cứu viện thế nào được. Nhưng tới khi nghe cụ Phan nói rõ kế sách kháng địch, một mình Nguyễn Mục giữ vẻ tự nhiên, bởi ông ta đã đoán biết từ trước rồi, còn tướng sĩ đều có vẻ hớn hở vui mừng hiện trên nét mặt, nhưng chưa hiểu kế ấy như thế nào. Có lẽ vì tướng sĩ chưa chú ý đến câu nói của cụ Phan lúc trước: "Con sông kia có thể cự địch được". Bây giờ cụ nói rõ cho chủ tướng nghe là phải dùng kế "sa nang úng thủy" của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa mới được.

Nói xong cụ truyền lệnh cho quân sĩ tiến lên trên đầu nguồn, mượn lấy những khúc gỗ lim to lớn của bọn lái buôn cây đã chặt sẵn sàng để ở trên ấy và tự chặt thêm mấy trăm cây lớn nữa. Những cây ấy cụ Phan cho quân sĩ ghép liền lại với nhau thành từng bè lớn, vừa đóng suốt thân cây này qua cây kia cho chặt và lấy mây trong rừng cột lại thật cứng, rồi đặt ngay trên nguồn làm như hàng rào hay cánh cửa để chặn ngay đầu nguồn của sông Vụ Quang từ trên núi này chảy xuống. Nghĩa quân chặn đầu nguồn cho nước dưới sông cạn đi để dùng kế dụ địch cho quân lính bảo hộ qua sông. Đợi họ qua tới giữa sông thì bấy giờ trên đầu nguồn chặt dây cho nước đưa cây trôi xuống ào ào như thiên binh vạn mã, đồng thời ngay mé sông chỗ đó lại cho tướng sĩ phục sẵn, chắc chắn quân lính bảo hộ sẽ phải tử thương rất nhiều.

Quân sĩ y theo kế ấy quyết tâm làm gấp rút cho xong. Những người gác ở đầu nguồn cầm sẵn dao sắc, búa lớn trong tay đợi khi có ám hiệu phát lên thì đồng thời chặt dây mau lẹ cho cây trôi xuống phăng phăng cùng một lúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 09:33:40 pm »


Cái kế "Sa nang úng thủy" này của Hàn Tín đánh Sở ngày xưa là như vậy. Chỉ khác là Hàn Tín xưa dùng bao cát để chặn nước lại, thì bây giờ cụ Phan dùng cây gỗ.

Đúng như dự kiến, quân lính bảo hộ kéo đến đánh trái núi nơi có đồn nghĩa binh đóng quân vào lúc quá nửa đêm. Lính tập đến vây bọc trái núi có lấp ló đồn trại nghĩa quân ở trên, mấy phía đều chĩa súng lên đó mà bắn như mưa rào. Nhưng chúng bắn mãi mà không thấy nghĩa quân ở trên bắn trả một tiếng súng nào. Ban đầu tưởng là nghĩa binh nằm ẩn nấp quanh quất đâu đó, nhưng lúc sau bắn trúng vào những đồn trại bằng cây lá, phát lên cháy nghi ngút, cũng không thấy động tĩnh của nghĩa quân, bấy giờ lính bảo hộ đoán chắc là nghĩa binh đã sợ hãi bỏ chạy, đồn trại chỉ là đồn trại bỏ không. Viên tướng cầm quân liền hô quân xông lên núi xem thử hư thực thế nào. Lên đến nơi, thấy còn sót lại năm bảy cái nhà lợp tranh chưa cháy, lính tập tiến đến gần cũng chẳng thấy bóng người nào hết, trong mỗi nhà tranh chỉ có ít nhiều khí giới là dao cùn, gươm mẻ bỏ nằm ngổn ngang. Quân lính bảo hộ thấy vậy càng tin chắc nghĩa quân sợ thua đã bỏ trại, chứ không nghi chút nào là có mưu kế.

Trong khi lính tập đang sục sạo ở trong những đồn trại bỏ không như thế, thì bỗng dưới chân núi có một toán quân, độ hơn một trăm người, nổi trống phất cờ và hò hét nhau làm như muốn kéo lên núi mà đánh. Rồi tiếng súng nổ ra đùng đùng tứ phía khiêu chiến quân Pháp.

Quân Pháp thấy vậy, tức tốc đổ quân xuống núi để đánh và đuổi bắt. Hai bên ứng chiến xa bằng súng đạn một lúc, nghĩa quân vờ yếu thế vội vàng rút lui, lần theo những lùm cây và mô đất để tránh đạn. Lính tập thừa thế rượt theo và bắn dữ dội. Nhưng nghĩa quân chỉ chạy một khúc đường lại nằm phục xuống bắn trả lính tập một hồi rồi lại chạy. Cứ chạy lại bắn, bắn lại chạy, tới đôi ba lần như thế, lính tập càng cố rượt theo nhằm bắt sống cho kỳ được mới thôi.

Ra tới sông Vụ Quang, nghĩa quân cứ chạy dựa bên mé sông, đến một chỗ thấy nước hơi cạn, thì bỏ hết cả cờ trống và quân giới lại mé bờ, rồi tranh nhau lội qua sông để thoát thân cho mau. Quân Pháp vẫn đuổi riết ở phía sau, đến khi thấy quân kia đã sang sông thì cũng ùa xuống mà sang, bởi nước lúc đó chỉ ngập trên đầu gối.

Lúc quân Pháp lội ra đến giữa sông, bỗng dưng nghe trên núi cao có một tiếng lệnh nổi lên làm hiệu, tức thời quân sĩ canh trên đầu nguồn chặt cây, tháo hết bè cây ra, cho cây trôi xuống. Nước trên nguồn bị chặn lại tức đường bí lối đã lâu, nay cây tháo ra, tự nhiên nước có đường chảy xuống ào ào, cây theo nước từ trên cao trôi xuống phăng phăng rất mạnh. Quân lính bảo hộ bất ngờ, lại không may trời có sương mù, không nhìn thấy đằng xa, lại còn bị phục binh bắn xuống quyết liệt, nên chạy không kịp, bị những cây to xô ngã rồi trôi theo nước, chết đuối lềnh bềnh trên sông rất nhiều.

Trận này, phía quân bảo hộ chết ba viên quan võ Pháp, không kể lính tập. Nghĩa quân thu được rất nhiều chiến lợi phẩm và vũ khí đạn dược gồm bốn chục khẩu súng, có cả đồng hồ, thắt lưng bằng da và nhiều tiền bạc. Đúng là một trận đánh trong lúc nghĩa quân đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn chỉ cốt đánh là để thoát thân, nhưng không ngờ lại là một trận đại thắng lớn nhất từ trước đến nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:19:48 am »


Câu hỏi 25: Sau khi đại thắng trận huyết chiến ở núi Vụ Quang cũng là lúc nghĩa quân gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, vũ khí, di chuyển tìm địa bàn đóng quân... Cho biết cụ thể những khó khăn ấy?
Trả lời:


Sau khi thắng trận ở núi Vụ Quang, nghĩa quân thu quân và tụ họp ở bên khe núi. Sau đó tổ chức lặn mò ở sông Vụ Quang, con sông vừa xảy ra cuộc chiến đại thắng nhờ mưu kế "sa nang úng thủy" và đã tìm kiếm được bốn chục khẩu súng cùng một ít đạn. Phần nhiều súng đạn lính tập chìm sâu tận đáy sông hoặc là nước đánh trôi mất. Súng đạn, đồ dùng và lương thực thu được của lính tập được sắp xếp lại cẩn thận lại một chỗ.

Nghĩa quân hối hả bắc nồi nấu cơm ăn để lấy lại sức khoẻ sau khi chịu vất vả nhiều ngày đêm, rồi ngồi quần tụ trên những tảng đá bên khe, dưới bóng cây mát mẻ, ăn cơm rất vui vẻ ngon lành. Bữa ăn này có thêm vô số bánh mì, cá hộp và rượu chát vừa mới bắt được của quân bảo hộ, tướng sĩ chia cho nhau mỗi người một miếng, coi như sản phẩm ấy là bữa tiệc khao quân. Ai nấy lâu nay ăn đói mãi, bây giờ được một bữa tinh thần khoan khoái, cơm bánh tràn trề, lại thêm mấy món ăn lạ, hầu hết chưa được nếm qua bao giờ. Nhiều người có cái cảm giác như được dự bữa đại yến của vua ban.

Mặc dù bữa ăn này tướng sĩ được ăn nhiều thứ nhưng chủ soái là cụ Phan thì vẫn ăn mấy nắm cơm chấm muối như thường. Cụ nói những vật thực đã bắt được kia là công lao huyết hãn của tướng sĩ, giờ cụ khao thưởng hết cho binh sĩ. Xong bữa cụ Phan bàn với các tướng sĩ: Ban đầu quân ta cùng đường gấp nước, đóng đồn ở vùng núi này chỉ tạm thời mà thôi, ta đã nói trước rằng đây không phải là chỗ có thể trú chân trường cửu cho ta. Hồng phước non sông giúp ta đánh thắng được một trận như hôm nay là may mắn quá rồi, đừng nên tưởng rằng trận thắng này tức là có thể lưu lại ở đây yên ổn được. Chỉ nội chiều nay hay ngày mai, quân địch kéo đại đội binh mã tới báo thù quyết chiến với ta, thì ta làm sao? Cái diệu kế “Sa nang úng thủy" mới rồi chỉ dùng được một lần là hết, không ai để cho mình dùng được tới lần thứ hai. Lo đánh đã khó, mà lo ăn còn khó hơn. Thật khổ là việc lương thực bị nghẹt, không sao chuyển vận tiếp tế như mấy năm trước. Ví dụ quân Tây lại không cần đánh ta, chỉ vây bọc trái núi này độ mười ngày, cũng đủ làm cho quân ta chết đói. Bởi vậy, ta phải quyết kế lui chạy là hơn; mà phải lui chạy tức tốc mới được... Có mấy nơi quân ta có thể lui về đóng đồn, để ta đắn đo lựa chọn coi thử nơi nào hơn.

Sau khi nghe Nguyễn Mục đề xuất cho lui binh lên miền núi Khai Trướng, cụ thấy hợp với ý định của cụ nên nhất trí và tức thời cụ truyền lệnh cho tướng sĩ sắp đặt cho kịp đúng ngọ thì nhổ trại kéo quân đi, không được trì hoãn. Cụ dặn dò tướng sĩ bỏ lại hết những đồ vật gì kềnh càng, vô dụng, trừ khí giới phải mang đủ, mỗi người chỉ được đem theo y phục đủ dùng. Còn dư ít nhiều lương thực thì san bớt ra từng bao nhỏ, mỗi người đều đeo trên vai. Thế là ngoài khẩu súng để phòng đánh và túi gạo để phòng đói, quân sĩ không phải khiêng vác những quân nhu vật dụng nào khác, cụ Phan muốn cho quân sĩ nhẹ nhàng để đi cho mau, lên dốc xuống đèo cho dễ, lỡ đi giữa đường có gặp địch quân cũng dễ ẩn nấp hay đối phó.

Đúng ngọ, quân sĩ lên đường, nhằm phía Khai Trướng mà đi. Núi Khai Trướng còn gọi là núi Giăng Màn. Qua phía bên kia núi Giăng Màn là địa phận của dân Mường. Cụ Phan thấy rằng ở núi Giăng Màn cũng không yên được bởi vì khó mua lúa gạo cho quân sĩ ăn, thành ra lại phải bỏ núi Giăng Màn kéo quân sang nương náu ở đất Mường.

Nghĩa binh lúc này tuy có tiền, nhưng không thể mua được lúa gạo mà ăn bởi nơi đây là thượng du, lúa gạo không được dồi dào như trung châu và vì dân làng sợ lệnh của bảo hộ và Nguyễn Thân, dẫu lúa gạo dư dật có thể bán được, họ cũng chẳng dám bán cho nghĩa quân.

Ở đất Mường, nghĩa quân chỉ có thể mua khoai bắp để ăn trừ cơm. Sẵn có bắp nhiều, cụ Phan mua trữ để một nơi trong núi, trong ý muốn tích trữ lương thực và dưỡng sức quân sĩ ít lâu, rồi trở về chiến đấu một phen nữa. Tạm lánh ở đất Mường, muốn để thực hiện được hai việc đó, cụ đã phát lệnh tiễn và viết mật thư sai ông Tán dương Quân vụ Nguyễn Quýnh qua núi Quạt nhằm địa thế và dựng doanh trại sẵn sàng để nghĩa quân trở về. Chí khí thì như vậy nhưng hồi này thực lực của nghĩa quân rất kiệt quệ, cụ Phan thì vẫn bền lòng vững chí, không vì nhịn đói nhịn khát mà sinh ra chán nản.

Trong cơn bôn ba cực khổ, có khi Phan Đình Phùng với tướng sĩ ngồi bệt dưới đất chuyện vãn với nhau. Cụ thường nói đi nói lại về chuyện nhân lực thiên mạng và bày tỏ khí tiết của mình: nếu quả lòng trời quyết định rồi, không để cho ta xoay trở lại thời thế được nữa, thì chỉ có một nước là chết để báo đáp cái ơn tri ngộ phó thác của vua Hàm Nghi và tấm lòng tin yêu của anh em hương quốc mà thôi. Ngoài cái chết ra, không còn có thể làm cách gì khác. Trong lúc tình thế đã nguy, mà cụ Phan thường nói đến tiếng "chết", tướng sĩ nghi ngại và nói nhỏ với nhau cho đó có lẽ là điềm gở.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM