Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:47:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê  (Đọc 28800 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 06:00:33 pm »


Hồi cụ làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh là năm Giáp Thân (1884). Đến tháng chạp năm ấy, bà cụ thân sinh mất, cụ xin nghỉ về để chịu tang. Thế nhưng mắt cụ để luôn đến thời cuộc: mấy tỉnh ở ngoài Bắc Kỳ mất; quân Pháp chiếm Mang Cá; cửa Thuận An mất; kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi chạy... cụ đều biết cả. Bao nhiêu cái tin thảm thiết, làm cho cụ bồn chồn và bảo với tả hữu rằng: "Thời thế không cho ta ngồi yên đây".

Vào khoảng tháng sáu tháng bảy năm 1885 cụ nghe tin vua Hàm Nghi chạy ra tới miền thượng du tỉnh Quảng Bình, liền phái một ông cử ở trong làng là Phan Cát Su đi lên miền thượng du tỉnh Hà Tĩnh để đón, dặn rằng khi nào vua tới nơi thì về báo tin cho biết. Khi vua Hàm Nghi đến nơi, cụ cùng các ông bạn đồng chí là Phan Quang Cư, Phan Khắc Hòa, Hoàng Xuân Phong, Ngụy Khắc Kiều, Phan Trọng Mưu tới hành tại bái yết, khóc và tâu rằng: "Để cho thành tan nước mất Thánh Thượng mông trần1 là tội ở lũ thần hạ. Xin Thánh Thượng yên lòng, lúc thần hạ nguyện hết sức Cần Vương cứu quốc, dẫu chết cũng không từ, miễn để Thánh Thượng sớm được hồi cung".

Vua Hàm Nghi phong cho cụ làm Tán lý Quân vụ, Thống tướng các đạo nghĩa binh. Cụ tạ ơn lui ra, cùng với ông Thuyết bàn đại sự nhà nước.

Ông Thuyết hỏi đến kế sách tiến hành, cụ Phan phân tích rằng: Không nói thì chắc tướng quân cũng biết, thời cuộc bây giờ khó khăn lắm rồi, vì trong thời cuộc này tướng quân đã trải lắm. Xứ Nam Kỳ là chân tay của nước nhà, nhân tâm đã khá, tiền của lại nhiều, nếu chân tay mất thì thân thể không cựa quậy được nữa. Từ ngày sáu tỉnh trong Nam Kỳ mất, thực lực của nước mình tổn hại lắm rồi, tôi đã biết rằng việc đời, đành để cho nó lấn tới hoài, không thể nào cưỡng nổi. Trước sau gì thì từ Khánh Hòa trở ra Bắc, người Tây cũng lấy cả, nhưng nếu trước kia ta đừng thất sách mà giết hại bọn giáo dân và đừng ngăn trở họ về việc thông thương để làm cái cớ gây hờn cho họ, thì họ chưa lấy có đâu dùng binh mà bức bách ta nguy vong sớm đến thế. Ta nhân thời giờ đó, có thể tự tỉnh tự cường được, đâu có đến nỗi mất Bắc Kỳ rồi mất đến cả kinh thành... Đến bây giờ, khắp trong nước đâu cũng có gót chân người Tây, họ kéo đi đâu như gió lướt ở trên, cỏ mọc ở dưới, làm cho lòng người phần thì sợ hãi, phần thì chán nản. Lại thêm những đứa tiểu nhân, dựa theo thế ngoài để ăn hiếp anh em cùng giống, khiến cho bọn dân vô cố chạy không có đường, kêu không có ngõ, thật là cực khổ. Phương chi trong nước bị nạn binh cách bao nhiêu năm nay, kho tàng sạch không, mùa màng mất mãi, quân lính bị thương vẫn chưa lành, khí giới không được lấy khẩu súng tốt, nếu có bao nhiêu người chí sĩ đi nữa, nhưng quân lương lấy vào đâu, hòng chống lại cường địch cho được. Tình thế ấy đủ chứng tỏ cho tướng quân hiểu rằng thời cuộc nước ta bây giờ khó khăn tới đâu. Nhưng ta may được một thứ khí giới còn mạnh, ấy là lòng người. Lòng người dầu sao cũng vẫn còn trông cậy được. Tôi nay mà nhận cái trách nhiệm nặng nhọc này, là trông cậy vào lòng người thôi... Lòng người đã đành là một thứ võ khí mạnh rồi, nhưng nếu người ta cứ đưa súng bền đạn tốt ra mà bắn mãi vào đầu mình thì mình lấy gì chống đỡ. Thế tất mình cũng phải có khí giới. Đồ súng đạn của ta làm sao địch lại được họ? Muốn địch lại được họ, tất cũng phải có một thứ súng đạn ngang với họ mới được, Nhưng hiện nay trong nước mình vật liệu không có, người làm chưa có, thì phải trù biện ở ngoại quốc về. Đã trù biện khí giới, lại phải cầu cứu cả viện binh nữa. Nhưng nước cứu viện cho mình không phải là nước Tàu, vì nước Tàu đang lo việc nhà họ cũng rối bét chưa xong, ta không thể tin cậy được. Cứ theo ý tôi xem ra, thì tất phải nước Xiêm. Tôi cũng không tin là nước Xiêm có thể địch nổi với Tây để cứu mình, nhưng mà nhờ họ mua khí giới và cho mượn binh, thì cũng giúp cho mình có được thanh thế. Vả chăng nước họ đối với mình là một nước sui gia2 thì họa may họ còn lấy chân tình mà giúp ta chăng? Còn tôi, thì rồi đây tôi cũng phải ra ngoài Bắc một lúc để hiệu triệu cho bọn chí sĩ ngoài ấy hưởng ứng, vậy mới gây dựng được thế lực to và may ra mới thành công lớn được. Muốn làm một việc lớn như thế này, phải có thiên thời, phải có địa lợi, phải có nhân hòa. Đất Hà Tĩnh tiếng có núi cao rừng sâu, nhưng không phải có địa lợi, vì bề ngoài không ra được biển mà bề trong thì là vào rừng, vào rừng là đường chết, nếu sau này bị bốn mặt bọc vây, ở giữa tuyệt lương thì nguy lắm. Song việc đó tôi đã tính rồi. Duy được có nhân hòa là quý hơn cả, tôi dám làm đại sự là chỉ trông cậy vào đó mà thôi, còn thiên thời thì tôi không dám nói đến.

Thuyết nghe cụ nói rất lấy làm kính phục, nói rằng: Thiên thời thì ai dám chắc. Song ngài cứ vì nước hết sức, việc cầu viện rồi có tôi lo.
________________________________________
1. Mông trần: nhuốm cát bụi, tỏ ý rằng vua chạy phải nhuốm cát bụi.
2. Ngày xưa vua Gia Long có một người chị lấy vua Xiêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 06:01:35 pm »


Cụ phụng mệnh trở về, liền phát tờ hịch đi khắp các nơi, kéo cờ khởi nghĩa ngay ở làng cụ là làng Đông Thái.

Trong hịch văn, đại ý nói cụ phụng mệnh vua cử nghĩa binh để chống với cường địch, cứu lại quốc gia, song việc đó là việc chung của mọi người làm dân, tự mình cụ không thể gánh vác nổi, vậy xin những bậc anh hùng chí sĩ, ở trong bốn biển chín châu, cùng ra tài ra sức cứu nước mới được, v.v...

Lời hịch văn đơn sơ mà thống thiết, khiến cho ai xem cũng phải động mối thương tâm, coi hình như là tờ hịch của ông Lạc tân vương ở đời nhà Đường ngày xưa đánh bà Võ hậu vậy. Nhân thế mà chỉ trong có một tuần, nghĩa sĩ ở các nơi hưởng ứng theo cụ có đến năm sáu ngàn người đều thề hết sức theo cụ chỉ huy, liều mình vì vua vì nước.

Cụ bèn lấy ngay nhà cụ ở làm “nghĩa sĩ đường" tụ họp nghĩa quân, làm lễ tuyên thệ, rồi chia binh ra từng đồn trại đóng khắp trong tổng Việt Yên. Đồn trại nào cũng đều có kỷ luật và có quân thám tử hẳn hoi, cách sắp đặt điều khiển rất nghiêm minh. Nơi địa đầu làng Đông Thái lập ra một cái xưởng lớn để đúc súng và chế thuốc đạn theo lối của ta và rèn gươm đao nữa. Trong xưởng này bao giờ cũng có một trăm người thợ làm việc suốt đêm ngày để nhanh có đủ khí giới cho quân dùng.

Vùng này, trước kia quang cảnh cũng như mọi chỗ khác, ban ngày trông thấy làng xóm rộng lớn, ruộng lúa, bờ tre man mác, kẻ đi chợ búa, người việc cày cấy; đến đêm thì bốn bề đen tối, tịch mịch một màu, thỉnh thoảng nghe có tiếng chó sủa cầm canh, gà đua gáy sáng. Thế mà nay thay đổi hẳn quang cảnh khác: cờ quạt rợp trời, chiêng trống dậy đất, gươm đao sáng quắc, đèn đuốc thâu đêm; người ta trông thấy hình như ai cũng nô nức tấm lòng. Những người nghe cụ khởi nghĩa mừng rỡ múa hát, nào kẻ thì dắt trâu gánh gạo đến để khao quân, nào kẻ thì nách thước tay đao đến để vào ngũ, làm cho đường sá đi lại tấp nập ngày đêm, biến hẳn quang cảnh nhà quê ủ rũ vắng vẻ kia, trở nên hùng tráng, khí phách vô cùng.

Lúc bấy giờ, anh hùng chí sĩ ở bốn phương về theo cụ rất đông; người trong làng có ông Tiến sĩ Phan Trọng Mưu1, ông cử Phan Cát Su, Phan Quang Cư, còn văn thân ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thì có Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng giáp Nguyễn Quý, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Văn Chất, Cử nhân Nguyễn Hanh, hai anh em ông Lê Ninh, ông Phó bảng Võ Nguyễn Hạnh, ông Củ nhân Thái Vĩnh Chính, Cao Đạt, v.v... Vì vậy mà thanh thế của cụ rất lớn, chính phủ bảo hộ và triều đình phải chú ý đến.
______________________________________
1. Ông Phan Trọng Mưu cùng với cụ Phan đều phụng mệnh khởi nghĩa binh, nhưng sau ông thất bại trước, chạy trốn ra Nam Định, rồi ông Hoàng Cao Khải đem ra thú với bảo hộ, được bảo hộ trọng đãi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:28 pm »


Câu hỏi 8: Tình hình lương - giáo hồi đó có nhiều vấn đề mâu thuẫn hết sức phức tạp, Phan Đình Phùng đã giải quyết việc đó ra sao?
Trả lời:


Tình hình lương - giáo hồi ấy rất phức tạp và đã xảy ra không ít mâu thuẫn. Bởi thế mà trận đầu tiên của cụ Phan Đình Phùng ra binh lại là đánh hai làng có đạo Thọ Tường và Thọ Ninh. Chúng ta không nên hiểu lầm việc Phan Đình Phùng đánh vào hai làng có đạo là theo chỉ dụ cấm đạo của triều đình và chủ trương “Bình Tây diệt tả” của một số phần tử quá khích trước đó, mà đánh là bởi lí do các cố đạo hai làng này đã kích động giáo dân làm nhiều điều trái đạo như đốt nhà, cướp của, hiếp đáp nhiều gia đình trong vùng...

Lúc Pháp - Việt đang giao thiệp với nhau, họ ỷ thế người Pháp bênh vực mà làm nhiều hành động cho người mình mâu thuẫn sinh thù, sinh ghét nhau. Có khi chính họ làm đà cho giáo dân làm bậy, rồi chuyện gì cũng đổ cho văn thân. Công sứ tỉnh Nghệ hồi đó là ông Du Ranton đã thuật lại việc lương giáo xung đột ở Huế đủ để làm chứng cớ: Các ông cố đạo gọi dân đến dụ dỗ, hễ ai chịu theo đạo thì được lĩnh sáu đồng bạc. Những người đã phải ngửa tay lấy tiền dụ dỗ đút lót đều là hạng người không ra gì, cơ bản là nhận thức kém và cũng là vì nghèo đói quá nên phải tìm một cách để kiếm ăn. Khi lĩnh tiền xong, họ đã về làng dọa nạt văn thân và dân lương rằng: Chúng bây liệu hồn, chúng tao đã có người Tây đỡ đầu, nếu chúng bây dám há miệng chửi tao một câu, hay là gây gổ với chúng tao một chút, là chúng tao nướng xác bây cháy ra tro và lấy hết của cải của chúng bây... Tưởng chỉ hăm dọa như vậy nhưng không ngờ họ làm thật. Đêm tối họ chụm lửa tự đốt những căn nhà tranh vách nát của họ đi, rồi la làng rằng bọn văn thân hay là dân lương đã đốt nhà và lấy hết cả của cải của họ, sau đó kiện lên chính quyền bảo hộ, được các cha cố đạo bênh vực bao che, họ được đền bù nhiều tiền bạc. Thế là họ lấy được tiền của nhà nước bồi thường cho, còn đám dân lương bị vu oan kia lại chịu tội.

Núp dưới sự bao che của chính quyền bảo hộ và các cố đạo, một số giáo dân ngày càng lộng hành, phá phách... cho nên khối đoàn kết giáo lương trong vùng luôn mất ổn định. Hơn nữa mấy ông cố đạo ở hai làng đó còn xúi giục giáo dân, định đến ám hại cụ Phan.

Vào một đêm, khoảng canh ba, quân thám tử của cụ đi tuần phòng quanh doanh trại bắt được người ở hai làng Thọ Tường và Thọ Ninh đang núp ép trong bụi tre, gần bên trường đúc khí giới. Nghĩa quân bắt được và khám xét, thấy người nào cũng có giắt vũ khí trong người, quân thám tử liền giải ba đứa về đồn nộp. Cụ Phan hội chúng tướng lại tra xét thì họ xưng rằng cố của họ xui tới lén đốt hết đồn trại nghĩa binh ở Đông Thái. Tức thời cụ hạ lệnh cho mấy toán nghĩa binh đang đêm kéo đến bao vây đánh phá hai làng Thọ Tường và Thọ Ninh. Lệnh truyền rất nghiêm: chỉ đánh phá nhà thờ, nhà cố, không được xâm phạm nhà dân.

Nghĩa quân đánh rất mạnh, mấy ông cố đạo phải sai người liều chết trốn ra khỏi vòng vây để đi báo quân Pháp đóng đồn gần đó về cứu viện. Khi quân Pháp về tới, nghĩa quân đón đầu giao chiến quyết liệt được hai giờ đồng hồ. Nhưng vì hầu hết nghĩa binh chỉ là hạng tráng đinh nhiệt huyết, vừa mới triệu tập, chưa được huấn luyện gì, cũng chưa quen việc đánh nhau, lại thêm súng đạn lúc này còn là kiểu súng của ta, cách bắn chậm chạp, không địch lại được với súng Pháp, thành ra ứng chiến được hai giờ là rất cố gắng, sau đó nghĩa quân phải thua chạy. Quân Pháp thừa thắng đánh tiến tới triệt phá trung tâm đồn trại của nghĩa quân ở làng Đông Thái.

Cụ Phan tập hợp quân lại, an ủi tướng sĩ rằng: Được thua là sự thường của binh gia, tướng sĩ ta đừng nên vì thế mà ngã lòng thối chí... Rồi cụ kéo quân tới đóng ở huyện Hương Sơn và Hương Khê, nay ở chỗ này mai dời chỗ khác, không ổn định ở chỗ nào, làm cho quân Pháp đi tiễu trừ rất vất vả tốn hao sinh lực. Chẳng những chưa dẹp được cánh quân cụ Phan, mà thanh thế cụ lại càng to va phong trào văn thân lại ngày càng phát triển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:23:14 pm »


Câu hỏi 9: Khi giặc bắt anh trai và dọa bắn giết, quân bảo hộ viết thư dụ Phan Đình Phùng ra hàng, cụ Phan đã trả lời chúng như thế nào?
Trả lời:


Sang đầu năm Bính Tuất (1886), Phan Đình Phùng đóng quân ở làng Phụng Công, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Còn anh trai là ông Phan Đình Thông thì đóng ở Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Không ngờ Phan Đình Thông bị tên thủ hạ là Nguyễn Sử làm phản; nó làm nội ứng, nửa đêm thừa lúc ông Phan Đình Thông đang ngủ, dẫn quân lính bảo hộ đến vây đồn, trong lúc thảng thốt ông bị bắt giải về tỉnh Nghệ An. Tổng đốc tỉnh Nghệ An hồi ấy là Nguyễn Chính, vẫn còn ghi nhớ chuyện cũ, thù hiểm cụ Phan hồi làm Ngự sử đã dâng sớ hạch tội y làm Kinh lược Bắc Kỳ không chăm lo việc dân việc nước giữa lúc gian nan. Vì sự hạch tội ấy, vua Tự Đức bãi chức Kinh lược của Nguyễn Chính. Sau nhờ bảo hộ phục chức, cho làm Tổng đốc Nghệ An.

Nay bắt được anh cụ Phan, Nguyễn Chính toan chém tức thời cho đã cơn giận và trả thù xưa. Nhưng rồi tấm lòng mưu lập đại công biểu đã ngừng tay lại, trong trí suy tính làm sao chiêu dụ được Phan Đình Phùng ra hàng, thì mình lập công lao với bảo hộ to lớn. Chừng nào chiêu dụ mà Phan Đình Phùng không chịu ra hàng thì bấy giờ sẽ giết Phan Đình Thông cũng chưa muộn. Nghĩ vậy rồi Nguyễn Chính một mặt sai kẻ tâm phúc đi dò tung tích cụ Phan ở miền Hương Sơn, Hương Khê để dỗ cụ ra quy thuận.

Hồi đó Tiễu phủ sứ Lê Kính Hạp, nguyên trước là anh em bạn thân với cụ, nhưng sau bảo hộ sai đem quân đi đánh cụ. Nhân dịp anh cụ bị bắt, Lê Kính Hạp muốn lấy lẽ cốt nhục tình thâm, bèn viết gửi cụ một bức thư chữ Hán cứng cáp gọn gàng, bức thư được dịch ra quốc văn như sau:

"Bác Phan,

Tôi với bác xa cách bấy lâu nay, tấm tình thương nhớ, chắc cũng bồi hồi như nhau, điều đó không cần phải nói.

Duy có điều phải nói là mấy lúc gần đây tôi đi qua làng Đông Thái ngó thấy đền thờ cùng là phần mộ các đứng tiên quân bác nghiêng ngả điêu tàn không ngờ; tôi sụt sùi nước mắt mà khóc.

Bác Phan! Ngày mai trong họ hàng làng xóm được an hay nguy, can hệ ở nơi bác, tính mạng ông anh bác mất hay còn, cũng chỉ can hệ ở nơi bác. Thôi thì tấc lòng trung của bày tôi đối với vua, tới đó bác cũng đủ chứng tỏ với quỷ thần rồi, không lo ai chê mình vào đâu được nữa1.

Còn HlẾU và ĐỄ cũng là cái gốc lớn của đời người ta, có lẽ nào bậc người khoa giáp như bác mà học chưa tới nơi hay sao?

Huống chi là ong nuôi tay áo, nọc ở trong mình2, tấm gương ấy không phải đâu xa, kỳ thật nó sờ sờ ở trước con mắt bác rồi đó.

Núi Hồng sông Lam3 có vô số là cảnh non nước tốt đẹp có thể làm nơi vắng vẻ thanh cao cho bác ở để tu dưỡng chí tiết của bác được4.

Thôi nên về đi thôi! Tôi xin nói thật”.


Cụ Phan nhận được thư này, cười mà nói rằng: Mấy anh đồ nho hèn nhát, động một chút là đem cửa nhà mồ mả ra để dọa nạt người ta. Cụ còn nói với chúng tướng rằng: Tôi từ khi cùng chư tướng khởi binh Cần Vương đã có chủ tâm là bỏ cả việc gia đình quê quán ra ngoài không nghĩ gì đến nữa. Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ đó là đất Việt Nam, tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị nguy vong đó là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang phần mộ của mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Nếu về để cứu vớt ông anh của mình, thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi... Nói vậy rồi cụ không thèm viết thư trả lời.

Nghe chuyện mọi người đều ứa nước mắt. Cụ không chịu bãi binh quy hàng, tức là ông Phan Đình Thông bị hại. Từ đấy cụ cùng tướng sĩ đóng đồn trong rừng, trên núi, thường dùng cách đánh du kích, vì chưa đủ sức đương trường đối chiến.

Bảo hộ phái quân lính truy lùng nhiều lần. Nghĩa binh cũng giao chiến nhiều trận, có trận được, trận thua, nhưng cái lui thì nhiều, mà tiến thì rất ít. Vì quân lính bảo hộ tới đâu cũng có kẻ truyền báo và trợ lực rất là nhanh nhẹn. Còn nghĩa quân thì đánh nhau chưa có kinh nghiệm, khí giới lại xấu, chỉ trông cậy ở lòng người mà thôi nên không địch được với quân bảo hộ.

Qua năm Đinh Hợi (1887), Phan Đình Phùng nghĩ mình cô lập sẽ không làm được gì, bèn quyết kế ra Bắc Kỳ để hiệu triệu đám văn thân chí sĩ ở ngoài ấy cùng nổi lên làm thanh viện. Khi đi, cụ dặn dò chúng tướng hãy khoan đứng lên bạo động, để đợi cụ về sẽ tính sau.
_______________________________________
1. Đoạn này nói ý là cụ Phan phụng mạng vua Hàm Nghi khởi binh Cần Vương, nay nhà thờ và phần mộ đến nỗi siêu tàn nghiêng ngả hương khói vắng tanh, mà ông anh ruột lại đang bị nạn lâm nguy, thôi thì cụ nên bãi binh về đi để cho yên mọi việc trong họ hàng làng xóm, khỏi mang tội với tổ tiên quê quán. Cụ cũng đã từng khởi nghĩa rồi, nhưng mà thời thế khó khăn, gia hương quạnh quẽ, thì nên về là phải, dẫu đối với quỷ thần cũng không thẹn, mà chẳng ai còn chê được mình, vì tấm lòng trung quân của cụ đến thế cũng là đủ rồi.
2. Đoạn này nói ý là ông anh cụ bị người nhà làm phản mà bị bắt, vậy cụ suy nghĩ kỹ đi, kẻo sau lại bị thủ hạ phản phúc đem cụ ra nộp cho Tây.
3. Núi Hồng sông Lam là hai phong cảnh hùng tráng nhất ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
4. Đoạn này nói ý rằng cụ cứ việc bãi binh mà về, không chịu ra làm quan với người Pháp thì thôi, nhưng mà núi Hồng sông Lam không thiếu chi chỗ non xanh nước biếc, vắng vẻ tốt tươi, cụ có thể ẩn cư để giữ nguyên vẹn trong sạch cái danh tiết quý báu của mình, không ai làm hại hay ép điều gì đâu mà lo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:24:27 pm »


Câu hỏi 10: Cao Thắng là một danh tướng nổi tiếng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất. Cho biết đôi nét về ông?
Trả lời:


Trong lịch sử họ Phan hoạt động cách mạng, Cao Thắng ở một địa vị rất quan trọng, cho nên muốn biết rõ Phan Đình Phùng, không thể không biết đến Cao Thắng.

Khi cụ Phan khởi nghĩa, hào kiệt bốn phương về theo, phần nhiều là người có võ nghệ và có tài năng, nhưng mà người có trí, có dũng, có ân, có oai, có cơ mưu, có thao lược, nói tóm lại đủ tài làm tướng thì không ai bằng Cao Thắng. Có thể nói Cao Thắng là chân tay, là hình ảnh của cụ Phan.

Thời kỳ đầu bị thất bại, cụ chạy ra Bắc để khuyến khích anh em ngoài ấy khởi nghĩa, bởi khi ấy các tướng đã chán nản, ba quân lìa tan, việc cách mạng như một đám lửa nguội tro tàn, cơ đồ gần như tắt lịm. Thế mà có người thổi được đống lửa nguội tro tàn ấy lại cháy bùng lên, ấy là Cao Thắng. Lúc cụ trở về, thanh thế lại mạnh, tướng sĩ đã đông, lương thực đã nhiều, súng đạn cũng đã sẵn, nhờ đó mà chống cự được với quân Pháp trong mấy năm trời nữa. Bởi thế cho nên người ta có thể nói được rằng: Ví như xây một bức tường, cụ Phan đắp nền móng, mà Cao Thắng thì chồng chất mãi gạch đá cho cao chót vót lên; hoặc ví như làm một ngôi nhà, cu Phan dựng cột còn Cao Thắng thì lợp ngói, quét vôi và treo tranh... Thế có nghĩa là trong Cần Vương cách mạng lúc bấy giờ cụ Phan vẽ kiểu, Cao Thắng là thợ.

Đúng vậy, sau khi cụ đã thất bại ra Bắc rồi, các tướng võ và quân sĩ tan lạc, việc Cần Vương đến đó coi như tan rã, không mong gì có cơ hội quật khởi. Chính cụ Phan ra Bắc nằm hơn một năm trời như là người đã ngã nhào muốn dậy mà chưa biết đến bao giờ dậy nổi. Ấy thế mà Cao Thắng nâng cụ dậy được, lại huyết chiến được bảy tám năm nữa. Cao Thắng thật là người có trí, có tài.

Cao Thắng là người ở xóm Nhà Nàng, làng Lê Đông huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con một nhà bình dân tầm thường, dáng người thấp nhỏ, ngón chân ngón tay đều ngắn, cho nên người ta bảo ông có tướng ngũ đoản (năm cái ngắn) sau sẽ là người huyết chiến sa trường, bất đắc kỳ tử.

Cao Thắng rất thông minh lanh lẹ, thuở nhỏ có đi học chữ, nhưng tính không ưa khua búa múa văn làm một nhà danh sĩ, mà chỉ muốn học võ nghệ và binh thư để sau làm một tay chiến tướng, cho nên cả ngày chỉ tập võ và thích đi săn bắn, lấy thế làm vui. Cao Thắng có người em tên là Cao Nữu cũng vậy.

Hồi năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, tỉnh Hà Tĩnh có giặc Cờ Vàng, tức là giặc Đội Lựu nổi lên, định tranh cướp thiên hạ với nhà Nguyễn, Cao Thắng lúc bấy giờ còn nhỏ tuổi quá nên đã tình nguyện đi theo. Chưa đầy một năm, Đội Lựu chết, giặc Cờ Vàng tan, triều đình sai quân đi nã bắt những dư đảng rất ngặt, Cao Thắng sợ nên phải trốn tránh rất khốn khổ.

Lúc đó, anh thứ hai của cụ Phan là ông Phan Đình Thuật mới đậu Cử nhân, thấy Cao Thắng mới 13 hay 14 tuổi đã đi theo giặc, đoán chắc vì có cảnh ngộ gì đó chứ không phải chủ tâm phản triều đình gì. Nay giặc bị đánh tan, một thằng nhỏ như thế cũng sợ bị quan làng tróc nã, đến nỗi phải trốn tránh cực khổ, làm cho ông Thuật động lòng thương hại, ông bèn tìm cách che chở cho Cao Thắng khỏi bị bắt và đem về nhà nuôi được 8 năm. Đến khi ông Phan Đình Thuật mất thì Cao Thắng lại về làng ở.

Khi về làng, Cao Thắng không lo đường sinh nghiệp gì cả, sẵn trong mình có nghề võ, nên cùng với em và một người bạn tâm huyết là Nguyễn Kiểu, tối ngày chỉ ham tập quyền múa kiếm làm vui. Nguyễn Kiểu tụ họp mấy chục tên thủ hạ đi ăn cướp, nay làng này mai làng khác làm cho những nhà giàu thật khổ sở. Họ muốn bắt các ông, nhưng không sao bắt được. Chính Cao Thắng không ăn cướp của ai, nhưng cũng mang tiếng là đầu đảng ăn cướp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:25:25 pm »


Cuối năm Ất Dậu (1885) cụ Phan khởi nghĩa, anh em Cao Thắng cùng với Nguyễn Kiểu đem 60 thủ hạ ra xin đi theo. Cụ phong cho làm chức Quản cơ và bảo sau sẽ trọng dụng, vì biết ông là người có tài. Quả thực Cao Thắng giúp cụ việc quân trong thời gian đầu đã tỏ ra là người có tài. Cụ Phan rất yêu mến. Năm ấy Cao Thắng mới 20 tuổi.

Sau khi cụ Phan đã ra Bắc, các tướng sĩ đều giải tán hết, duy còn Cao Thắng, cùng với mấy người anh em đồng chí là Cao Nữu, Cao Đạt và Nguyễn Niên, thu nhặt lấy ít nhiều tàn quân về ẩn phục ở trong rừng núi thuộc làng Lệ Động, là làng của ông để tìm cách khôi phục. Lúc này bạn thân của ông là Nguyễn Kiểu đã chết rồi.

Cao Thắng nghĩ rằng dùng binh mà không có tiền nhiều thì không làm gì được, cho nên trước hết ông nghĩ cách làm sao để lấy được nhiều tiền.

Thủ đoạn mà Cao Thắng lấy tiền khi ấy không khó gì, chỉ cần đem một vài chục người lân la xuống núi, xem làng xóm nào có nhà giàu thì xông vào đốt phá, cướp là lấy được tiền ngay, rồi lại đem quân vào rừng ẩn phục là sẽ không ai làm gì nổi. Nhưng ông không làm như thế. Một là biết rằng đóng ở rừng núi như vậy là trốn tránh qua thời mà thôi, chứ không phải là nơi dụng võ. Hai là, nếu dùng lối cướp bóc thì làm náo động dân gian, lỡ ra đến phải đốt nhà giết người thì mang tiếng cho đạo quân nhân nghĩa. Ba là, thời bấy giờ là thời loạn lạc, nhà nào có tiền cũng bỏ làng trôi dạt đi xa để trốn tránh, hoặc là chôn cất đi, mà chính ở vùng đó cũng không có mấy nhà giàu, thì lấy tiền ở đâu. Bởi thế ông dùng thủ đoạn để có tiền bằng một cách khác đó là cách bắt cóc. Ông cho thủ hạ đi dò la mãi và biết rằng hôm ấy có một chiếc thuyền chở mấy chục người hàng vải đi chợ Tràng (tức là chợ tỉnh Nghệ An bây giờ) bèn đem 20 người ra đón ở địa phận làng Triều Khẩu (thuộc phủ Hưng Nguyên, là phủ sở tại tỉnh Nghệ An) để bắt.

Khi thuyền đi ngang, ông chèo xuồng con ra đánh chìm và bắt sống cả bọn lái buôn đem về giam ở làng Nam Kim (thuộc huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An), đó chính là làng của vợ ông.

Khi dẫn họ về, ông bảo họ rằng: Ta bắt cóc các người cũng là một việc cực chẳng đã, vì hiện nay nghĩa binh thiếu tiền hoạt động, cần có các ngươi giúp đỡ nhiều ít. Vậy các ngươi viết thư về cho gia nhân, hạn trong một tháng đem tiền lại chuộc thì ta tha về.

Trong vòng một tháng, người nhà bọn kia đem tiền đến chuộc, ông tha cho về cả. Tiền thu được 6.000 đồng bạc.

Ông bắt cóc bọn hàng vải lấy được 6.000 đồng bạc là để lấy tiền để đúc súng. Vì thế, sau khi đã lấy được món tiền rồi thì ông đi tìm thợ. Tìm được thợ, nhưng bảo họ lên núi làm việc cho mình cũng là việc khó khăn, cho nên ông lại phải giở lối cũ ra là cách bắt cóc. Ông tự đem mấy chục người vào hai làng Trung Lương và Vân Trung (thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), là hai làng làm nghề thợ rèn, bắt rất nhiều thợ rèn trong làng ấy dẫn về Lệ Động - một khu rừng sâu để đúc súng. Đúc trong một tháng trời được 200 khẩu súng hạt nổ của ta, loại súng phải nhồi thuốc ở ống súng, rồi chỗ cò máy để hạt nổ, hễ nhận con cò máy có lửa bật ra, thì đạn mới chạy. Mục đích của ông đến đó ít nhiều đã đạt được.

Lúc bấy giờ, về quân giới ông đã có 200 khẩu súng mới đúc, tướng quân thì có các ông Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Niên, quân lính thì mới được 400 người. Trong 400 lính ấy, ông chia làm hai đoàn: một đoàn là lính súng; súng bao giờ cũng nạp đạn sẵn; nhưng hễ lúc lâm trận, thì 100 khẩu súng bắn một hiệp trước, xong rồi nạp đạn thì lại đến 100 khẩu khác bắn một hiệp sau, cứ luân phiên như thế, thành ra khi đánh trận, lúc nào cũng có tiếng súng nổ liên thanh, khiến cho quân địch không biết nghĩa binh nhiều súng hay ít, đó là mưu dùng binh của Cao Thắng.

Súng có, quân có, tướng có, là lúc thanh thế của Cao Thắng đã có uy tín, đi đến đâu cũng ít có người dám địch lại. Nếu chỉ là người tầm thường chỉ lo thân mình, thì khí giới ấy, binh lực ấy, nay đóng núi này, mai qua rừng khác nay cướp làng nọ, mai cướp làng kia, để lấy lương ăn, cứ như thế mãi cũng có thể tung hoành ở trong chốn núi Hồng sông Lam được trọn đời trọn kiếp, để làm một người anh hùng ai có muốn đánh dẹp cũng khó.

Nhưng chí khí của Cao Thắng rất lớn, ông nghĩ đến vua đến nước, đến anh em đồng loại, đến chủ tướng cũ là cụ Phan; nói tóm lại chí khí của ông là làm thế nào cho "Nước Nam của người Nam", cho nên ông không dừng lại ở khí giới đó, tướng sĩ đó, mà muốn cho khí giới còn mạnh hơn, tướng sĩ còn đông hơn nữa để phục vụ tốt cho cuộc khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:27:36 pm »


Câu hỏi 11: Cao Thắng đã tổ chức cướp súng của giặc để làm mẫu chế tạo súng cho nghĩa quân như thế nào? Việc đúc súng của nghĩa quân đã gặp những khó khăn gì và đã đạt được kết quả ra sao?
Trả lời:


Cao Thắng là một người biết lượng sức mình, lại có tính quả quyết. Ông tự biết rằng lực lượng quân của mình, trang bị súng đạn của mình còn yếu, nếu địch với quân Pháp sẽ gặp khó khăn, cho nên đêm ngày thường lo gây dựng thế nào cho thực lực của nghĩa binh lớn mạnh lên. Bấy giờ, vấn đề lương thực không phải lo nữa, là vì oai danh ông lúc ấy đã lớn, dân gian quanh miền đã khiếp sợ nể phục, ông muốn bao nhiêu gạo, bao nhiêu tiền, chỉ viết giấy đi các chủ nhà giàu, khiến họ tự phải đem tiền gạo lại nộp, không mấy khi phải dùng võ lực.

Song còn một việc khiến cho ông phải lo nghĩ nhất đó là vấn đề khí giới kiểu Tây. Ông đã từng bỏ ăn quên ngủ, nằm nghĩ đến một tháng trời, băn khoăn về vấn đề khó khăn này ông nghĩ rằng đã làm thì phải làm lớn, mà những kiểu súng của ta là kiểu súng ăn mày thế này chỉ riêng việc nạp thuốc cũng đã rất công phu và mất nhiều thời gian làm sao địch lại được với quân Pháp. Có muốn đánh với họ, thì phải có khí giới như họ mới được. Mặc dù mình không có tài sáng tạo, nhưng có tài bắt chước được nên làm theo như kiểu súng Tây cũng chẳng khó khăn gì. Cái khó khăn trước hết mà ông phải nghĩ mưu kế là làm sao để có được một khẩu súng Tây để ăn cắp mẫu phục vụ việc chế tạo súng.

Trong khi ông đang nghĩ quẩn nghĩ quanh, nghĩ đến cách mua, nghĩ đến cách cướp, nghĩ mãi chưa biết làm thế nào, thì chợt có lính vào bẩm rằng: có một người lạ mặt xin vào yết kiến để bẩm có việc cơ mật. Người lạ mặt bẩm rằng: Nghe nói có lệnh của tướng quân truyền ra, hễ ai lấy được một khẩu súng Tây đem nộp, thì sẽ được trọng thưởng 1.000 đồng bạc. Nếu bây giờ tôi lấy dâng cho tướng quân không những một khẩu súng Tây, mà tới 15 khẩu lận, thì tướng quân thưởng cho bao nhiêu? Cao Thắng mừng lắm nói rằng trong trại ta bao nhiêu tiền bạc sẽ cho hết. Hỏi ra mới biết người lạ mặt đó có một người bà con đi lính tập ở tỉnh Nghệ An mới viết thư về nhà nói rằng tới ngày mai đây có hai viên quan binh ở tỉnh thành Nghệ An dẫn 14 tên lính tập chở mấy hòm bạc lên đồn Phố (thuộc hạt Hương Sơn) để phát lương cho binh lính. Lẽ tự nhiên toán lính ấy có súng. Đó là một cơ hội trời giúp tướng quân. Vậy tướng quân nên sắp đặt cho nghĩa binh mai phục ở giữa đường, đánh toán lính tập mà cướp lấy súng của họ là được ngay.

Sau khi được mọi người hiến kế, Cao Thắng suy nghĩ: con đường từ tỉnh Nghệ An đi lên đồn Phố (chỗ đó là làng Phố Châu, chính là huyện lỵ Hương Sơn, bây giờ thuộc về tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều chặng phải đi xuyên qua núi rừng rậm rì, hiểm trở. Giữa đường có một hòn núi trọc chặn ngang, không có cây cối nào rậm và to, chỉ mọc toàn là lau sậy rất cao, chính giữa có một con đường độc đạo. Ông Cao Đạt hiến kế rằng chỉ nên lựa chọn mấy chục tráng sĩ, cầm đoản đao mai phục ở hai bên rừng lau sậy, chờ khi nào toán lính tập kia nghễu nghện đi qua, thì ta nổ một tiếng pháo làm hiệu, rồi hai bên tráng sĩ bất ngờ nhảy ra đánh chắc chắn sẽ thắng.

Cao Thắng y kế đó và muốn bản thân làm việc khó khăn này, cho nên tức khắc xếp đặt công việc để ngày mai chính ông thân dẫn cả Cao Đạt, Cao Nữu, Nguyễn Niên cùng hai mươi quân cảm tử, nai nịt gọn gàng, cầm đoản đao ra mai phục tại đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:28:03 pm »


Quả nhiên, xế chiếu hôm ấy, một toán gồm hai viên quan Pháp và 15 tên lính tập mang súng và khiêng hòm bạc, kéo nhau đi ngang qua rừng sậy đã nói trên. Bởi con đường độc đạo nhỏ hẹp, phải đi hàng một, lẻ tẻ từng người, không ngờ đâu rằng giữa bãi lau sậy này mà có sự bất trắc.

Tiếng giày đi cồm cộp đằng xa, đủ làm dấu hiệu để báo tin cho phục binh biết trước. Tới khi lính tập đi vào giữa khoảng nghĩa binh mai phục, Cao Thắng nổ pháo làm hiệu, tráng sĩ mai phục hai bên nhảy ra, miệng vừa hò hét, tay vừa khua đao, cứ mỗi người nhắm ngay một kẻ bên địch mà chém tung hoành. Tội nghiệp cả hai viên tiểu tướng Pháp và 15 chú lính tập đều bị chém ngã hết, không sót một người nào, không ai kịp trở tay. Hơn nữa đang đi đường mệt nhọc, lẻ loi, bỗng dưng bị chém một cách thình lình như thế, làm sao không chết.

Thế là Cao Thắng lấy được 17 khẩu súng, trong đó có hai khẩu súng kiểu hai nòng, 600 viên đạn và mấy ngàn đồng bạc nữa, mà phía mình không nhỏ một giọt máu, cũng không mất sức khỏe bao nhiêu.

Trở về sơn trại, ông mời người khách lạ mặt kia để trọng thưởng. Nhưng khách nói rằng: Thấy tướng quân làm việc nghĩa hiệp, tôi vẫn hâm mộ, trời bèn xui khiến tôi đem lại cơ hội giúp cho tướng quân được thành công đó thôi. Tôi nào có công cán gì mà thưởng, vả lại tôi có phải vì ham số tiền thưởng mà tới đây bao giờ; hôm qua tôi hỏi thưởng bao nhiêu là nói chơi vậy mà. Số tiền thưởng này tôi xin để lại tướng quân nuôi binh sĩ, đúc khí giới, thế là tôi mừng. Tôi có một bức thư kín, khi nào cụ Phan về, thì phiền tướng quân trình cụ giúp tôi, còn bây giờ không nên mở ra. Cao Thắng muốn hỏi tên họ, nhưng khách cũng không chịu nói, chỉ cười rồi đứng dậy vái dài một vái rồi đi.

Trước đó Cao Thắng chỉ ước mong có một khẩu súng Tây để làm mẫu, nay đã được thoả mãn. Cao Thắng gọi thêm rất nhiều thợ rèn, rồi kéo lên núi sâu, bắt đầu công việc chế tạo. Ông tự tháo một khẩu ra từng mảnh, để xem từ bộ phận thước tấc cho đến công dụng như thế nào, rồi đêm ngày ông ngồi một bên, đốc thúc bọn thợ rèn, cứ lấy từng mảnh ở súng Tây, theo đúng hình thức dài vắn rộng hẹp như thế mà rèn đúc. Mấy lần đầu còn hư hỏng lôi thôi. Nhưng hư hỏng thì ông lại bắt phá hết ra mà rèn đúc lại. Rèn đi đúc lại mãi mới được.

Công việc đúc súng này làm luôn trong mấy tháng ròng rã, được cả thảy 350 khẩu súng giống y súng Tây. Duy có thuốc đạn thì còn phải dùng thuốc ta.

Cao Thắng rèn đúc được 350 khẩu súng kiểu Tây, phải nói rằng rất khó khăn và công phu. Thật thế, lúc bấy giờ quân của ông như là một đám giặc cỏ, phải lẩn lút ở trong núi biếc rừng xanh, không dám lộ mặt, cho nên lấy đâu được sắt, lấy đâu được đồng, lấy đâu được máy mà đúc, lấy đâu được thuốc nổ để chế ra đạn. Thế mà ông làm được đủ cả, chính là nhờ ông có trí thông minh mưu mẹo và có nghị lực nhẫn nại. Lò xo trong súng thì ông dùng cây gọng dù uốn lại mà làm; sắt thì ông cho người đi khắp các chợ và các miền quê mua những móng lừa, móng ngựa, các thứ sắt vụn và những cày hư cuốc hỏng của các nhà nông, đem về đập ra mà rèn; còn bì đạn thì ông góp nhặt những mâm đồng, nồi đồng đạp giẹp ra thật mỏng rồi cuốn lại. Sợ thiếu những nguyên liệu cần dùng nên ông hạ lệnh cho các dân làng chung quanh chia bớt những đồ đồng trong nhà mình cho nghĩa binh và đem lên sơn trại nộp để làm quân giới. Cao Thắng chỉ nhờ có những nguyên liệu góp nhặt như thế mà rèn đúc được súng đạn, duy chỉ dùng sức người, không có máy móc gì.

Không những súng cũ và súng mới đã được hơn 500 khẩu, mà lượng tiền cũng dồi dào, số quân lính cũng tăng lên đến gần 1.000 người. Cao Thắng tự biết lúc này mình đã có gốc hơi vững, tức là có cơ sở để phát triển lên và có thể bắt đầu mưu tính việc lớn. Nhưng phải có người danh vong oai quyền để làm chủ cầm quân mới được. Người đó chẳng ai khác, đó chính là ông chủ tướng cũ hiện đang lưu lạc ẩn cư ngoài Bắc: Phan Đình Phùng.

Sau đó Cao Thắng bèn sai người ra Bắc Hà rước cụ Phan về. Phong trào khởi nghĩa ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã lắng xuống ít lâu, bây giờ phong trào đã có tổ chức, có khí giới, có kỷ luật lại nổi lên và kéo dài thêm được mấy năm nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:29:38 pm »


Câu hỏi 12: Tại sao Phan Đình Phùng lại phải chạy ra Bắc? Những lý do gì thôi thúc Phan Đình Phùng quyết tâm khởi nghĩa?
Trả lời:


Sau khi làng Đông Thái bị phá, Phan Đình Phùng phải kéo tàn quân lên đóng ở hai hạt Hương Sơn, Hương Khê và khi Hương Sơn, Hương Khê thất bại, cụ chạy ra ngoài Bắc, lúc ấy có nhiều người cho thế có lẽ là đã hỏng việc lớn!

Sự thật, trước khi bước chân lên đường ra Bắc Hà, cụ Phan có định sẵn hai chủ kiến, hai cơ mưu, thế nào rồi cũng thực hành được một: Hoặc là hiệu triệu anh em trai tráng chí sĩ ở Bắc Hà nổi lên để giảm bớt cái sinh lực của binh lính bảo hộ đi; hoặc là trông mong tin cậy một người tài được cụ tin tưởng là Cao Thắng tướng quân ở nhà có thể gom góp sức tàn, rồi lại đánh trống mở cờ, quật cường phen nữa.

Nếu có xét tình thế của Phan Đình Phùng hồi bấy giờ mới biết nếu giao chiến với giặc là cụ sẽ thua không thể thắng được, mà đã thua không thể không chạy, đã chạy không thể không ra Bắc.

Vậy tại sao về sau vì những lý do gì mà Phan Đình Phùng lại quyết tâm khởi nghĩa? Bởi vì có hai lý do: thứ nhất là vì vua, thứ hai là vì có lòng người.

Cái gốc luân lý dựng nước của ta ngày xưa, được Phan Đình Phùng nhận thức sâu sắc có ba điều cốt tử là: một là vua, hai là thầy, ba là cha. Ba điều cốt tử ấy có nặng nhẹ trên dưới khác nhau: vua rồi mới đến thầy, thầy rồi mới đến cha. Vua là một bậc chí đại chí tôn, thay quyền Trời để thống trị chúng sinh muôn vật. Đã biết có Trời tất phải biết có vua. Đối với vua, hễ ai là người làm dân cũng phải tôn sùng, vì cho rằng tấc cỏ ngọn rau, miếng cơm manh áo đều là ơn của vua ban cho, muốn báo đáp lại cái ơn ấy, tất phải tôn vua mới được. Bởi cái quan niệm ấy, thành ra vua bảo gì tôi cũng phải nghe. Ai vâng lệnh vua thì là nghĩa sĩ, là trung thần, mọi người đều phải kính; ai trái lệnh vua thì là loạn thần, là tặc tử, sẽ bị giết chết luôn. Sợi dây luân lý vô thượng đó trói những người gọi là "dân" đã chặt, mà trói những người gọi là "quan" lại càng chặt hơn.

Phan Đình Phùng còn nghĩ rằng, quan đối với vua còn mắc một cái ơn nặng hơn nữa là vua cho cơm, cho áo... Cái ơn ấy mang một món nợ rất lớn không thể nào trốn tránh mà không trả được. Đã được vào hạng mang nợ cơm áo của vua, thì sẽ phải hiểu cái nghĩa "Vua lo, tôi nhục; vua nhục, tôi chết" cho nên hễ vua bảo gì tôi cũng phải nghe, tức là để trả cái khoản nợ cơm ấy, áo ấy. Vào đúng lúc nền quân chủ nước nhà đang cao, đang thịnh, nhân dân ai cũng thờ luân lý tôn vua, cụ không thể không tôn; huống chi cụ lại là bậc người nặng hơn những người khác - bậc ngươi trải mấy đời chịu ơn cơm áo của vua, vậy vua bảo điều gì phải, cụ không thể không vâng. Ân tri nặng như vậy, lòng ủy thác to đến thế, khiến cụ lại càng phải vâng lệnh mà khởi nghĩa Cần Vương. Chính vì thế mà cái tư tưởng chủ hòa của cụ đã biến thành ra cái tư tưởng chủ đánh. Đánh thắng hay thua chưa biết thế nào, nhưng cũng là để chứng tỏ cho người ta biết rằng: dân tộc Việt Nam này có sức quyết chiến và quyết tranh đấu tới cùng. Nên khi vua truyền lệnh Cần Vương, cụ vâng lệnh và trong bụng đã có chủ trương sẵn, đã tìm ra sức mạnh để thực hiện được sự vâng lệnh ấy. Sức mạnh mà cụ tin tưởng để thực hiện được đó chính là lòng người.

Không những vua bảo cụ khởi nghĩa mà dân cũng mong cụ cứu quốc nữa. Lúc cụ truyền lệnh Cần Vương ra đã làm rung động lòng người, nghĩa sĩ bốn phương đem quân, đem lương, đem nhiệt huyết về theo rất nhiều. Những hào kiệt ở trong bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trước kia tản lạc ẩn núp ở quanh trong núi đỏ rừng xanh, không có ai tập hợp, mà cũng chưa biết quy phục ai, thì bây giờ đều dạ theo cái tiếng gọi của cụ Phan mà theo, để nghe cụ chỉ huy. Có cái thế mạnh như cuốn nước, như đổ mưa, làm cho mọi người như đang chìm trong giấc ngủ, nay giật mình tỉnh dậy rất khí thế, sôi nổi. Những người già nua yếu đuối, cho đến đàn bà, trẻ con không có sức làm gì được, thế mà nghe đến chữ Phan Đình Phùng là kính phục. Kể cả những bọn phò đời nịnh thế, chỉ biết mưu cuộc giàu sang vinh hiển, còn ra sống chết mặc ai, hễ thấy ai có bụng yêu nước thương loài, thì bảo là đồ ngu, đồ dại, sao dám đem sức châu chấu đá voi, lấy trứng chọi đá mà chết thì giờ cũng phải kính phục khen thầm trong bụng rằng cụ rất giỏi. Những hạng giàu có xưa nay bóp chẹt từng đồng, coi tiền lớn hơn tính mạng, thế mà bây giờ cũng rút ruột ra để giúp cụ làm quân lương... Cụ kéo cờ khởi nghĩa lên, gió bay tới đâu người theo tới đó, thế mới biết mọi người tin phục đến mức nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 09:30:08 pm »


Bao giờ cũng vậy, nước nào cũng vậy, anh hùng muốn làm được việc lớn, trước hết phải dò xét lòng người, lấy đó làm một thứ khí giới cốt tử. Khi đã có lòng người quy thuận rồi, thì làm gì mới có thể làm nổi. Cụ Phan Đình Phùng đã có lòng người tin phục như thế, là đã coi như cầm được một thứ khí giới mạnh trong tay. Hơn nữa cả vua và dân đều bảo cụ khởi nghĩa, cụ là người ở giữa, nếu trái lệnh vua là người bất trung, trái lòng dân là người đánh mất niềm tin phục của dân. Một người vốn trọng quân thần như cụ, không khi nào chịu làm người bất trung. Là người vốn nặng cái tư tưởng quốc gia như cụ, thì lệnh vua đến phải thực hiện, lòng dân tin phục lại càng không thể bỏ. Lệnh vua, lòng dân - như hai cái sức mạnh thiêng liêng, kéo đằng trước, đẩy đằng sau đã tiếp thêm sức mạnh cho cụ, cụ đã nói: “Tôi làm, dầu đến chết cũng cam tâm". Chính vì thế mà cụ quyết tâm khởi nghĩa.

Trước kia tư tưởng Phan Đình Phùng chủ hòa bao nhiêu, thì bây giờ lại chủ đánh bấy nhiêu. Sự thế lúc ban đầu bắt buộc cụ phải thua là bởi chưa có đất dụng võ. Hơn nữa khi thấy thành tan, vua chạy, nước mất, ba cái thảm ấy cùng dồn đến một lúc, khiến cho cụ rất nóng ruột, cho nên khởi binh là khởi binh, chứ chưa kịp tính đến thế giữ, mà cũng chưa kịp tính đến thế đánh. Một người có chí khí anh hùng như Phan Đình Phùng không phải không biết tới những điều đó. Sẽ bị thua, cụ cũng đã biết trước, vì cụ đã tự biết sức mình chưa có thể đánh, nhưng mà nhân được lúc lòng người đang khí thế thì phải chụp lấy thời cơ để làm ngay không thể bỏ qua. Mặc dù nhiều điểm yếu như vậy mà cụ gượng gạo cầm cự được với quân Pháp không phải là thời gian ngắn mà trong vòng hai năm trời, nghĩa là từ cuối năm 1885 đến năm 1887 mới thua và chạy ra Bắc, thế cũng đủ biết cái sức chống chọi của cụ cũng rất giỏi.

Như trên đã nói cụ Phan ra Bắc là để hiệu triệu chí sĩ ngoài Bắc nổi lên làm thanh thế cho mình. Hồi đó, phong trào văn thân ngoài Bắc cũng rất lớn, tràn khắp ra hầu hết các tỉnh như: Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, v.v..., tỉnh nào cũng có một vài ngươi xưng hùng. Nhưng trong đó phần nhiều là đánh giặc theo kiểu manh động, tự phát, cò con, hoặc là chỉ lấy tà thuật dụ dân, chứ không được mấy người làm cho ra việc lớn. Vả lại không hợp sức với nhau, cho nên súng Pháp chĩa tới đâu liền tan tới đó, thành ra không có một thế lực gì đáng kể. Cụ Phan ra Bắc thấy tình thế như vậy, lấy làm chán nản, biết rằng văn thân Bắc Hà không đủ để cho mình nương dựa được, bèn giả làm một ông tú tài nghèo khổ ở Nghệ ra, ngồi dạy học ở một nhà làm ruộng tại huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây.

Lúc bấy giờ Phan Đình Phùng thất bại mà đi, nhưng quân Pháp vẫn theo dõi ráo riết, cho nên cụ phải trốn tránh và đổi tên họ, thành ra ngay đến chủ nhà nuôi cụ ngồi dạy học có lẽ cũng không biết trong nhà mình lại có bậc đại anh hùng trú chân. Cụ ở Sơn Tây, nhưng vẫn thường có thư từ giao thiệp với anh em văn thân ở hạt Đông Triều tỉnh Hải Dương, hồi đó là cái gốc cách mạng ngoài Bắc, còn có thanh thế hơn mấy chỗ khác. Nội dung thư từ giao thiệp chỉ là việc cổ động cách mạng và được một người hào kiệt về sau cũng nổi lên huyết chiến với binh Pháp được đến mười mấy năm trời. Người ấy là ông Hoàng Hoa Thám, tức là ông Đề Thám. Lúc này, Hoàng Hoa Thám còn trẻ tuổi, nhưng rất anh hùng và có khí khái, nhân bấy lâu nghe đại danh cụ Phan, nay dò biết tin cụ ở Sơn Tây bèn tìm tới gặp. Cụ thấy Thám là người đảm lược chí khí nên rất đem lòng yêu mến và khuyến khích Thám nên nhanh chóng tổ chức khởi nghĩa ở Bắc Kỳ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM