Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:37:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê  (Đọc 28806 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:50:13 pm »


Năm 1891

Ngày 2 tháng 2 năm 1891, Bang Biện ở Vinh đánh úp đơn vị lính tập di chuyển từ Nam Huân về Nghệ An. Địch bị thiệt hại nặng nề.

Từ ngày 2 đến ngày 9 tháng 3 năm 1891, Giám binh Boudon chỉ huy càn quét từ Tri Bản đến Quỳ Hợp và kéo vào Hương Sơn. Nghĩa quân bí mật phục kích ở Thiều Thôn đánh địch giải thoát được đoàn tù binh của ta do Thiếu úy Hugnit áp giải từ Nam Huân về Linh Cảm.

Trận đánh kéo dài bốn giờ đồng hồ. Hugnit thoát chết, còn Boudon từ Truông Vắt, Trại Tháp về đến Linh Cảm thì bị tấn công. (Trong khi đó, ngày 2 đến ngày 5 tháng 3, Đốc Đốp và Bá hộ Thuận tấn công quân của Lambert ngay gần tỉnh lỵ Hà Tĩnh).

Ngày 28 tháng 3 năm 1890, Đề Thanh đánh quân của Thiếu úy Robert tại Thượng Bổn.

Đầu và cuối tháng 4, nghĩa quân tiêu diệt được một toán lính khố xanh khi chúng kéo đến càn quét và nghĩa quân bao vây đồn Đức Thọ.

Tháng 6 năm 1891, Boudon bị nghĩa quân đánh úp phải bỏ đơn vị chạy tháo thân.

Ngày 15 tháng 7 năm 1891, Lãnh binh Dương Lê đánh nhau với quân Thiếu úy Duravisean. Trước các hoạt động lẻ tẻ nhưng liên tiếp của nghĩa quân, địch đã cho Giám binh Boudon, Hugnit, Bourgeois, Focher, Magistris, Margnet và Robert là những sĩ quan trấn đóng các vùng Linh Cảm, Chợ Bộng, Tri Bản (Hà Tĩnh) mở cuộc càn quét rộng lớn từ ngày 1 tháng 9 năm 1891 ở khắp nơi nhưng nghĩa quân vẫn đủ sức cơ động chống trả làm tiêu hao nhiều sinh lực của địch.

Ngày 19 tháng 11, Duravisean, Magistris và Montignean đem quân đến Tràng Sim bị nghĩa quân đánh kịch liệt hàng giờ đồng hồ, gây cho địch nhiều thiệt hại rồi nghĩa quân chủ động rút an toàn về Vụ Quang.

Ngày 19 tháng 12, Đề Thắng đem quân đi đánh địch ở Lương Điền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:50:48 pm »


Năm 1892

Đầu tháng 3 năm 1892, nghĩa quân do Bá hộ Thuận chỉ huy đánh đồn Trung Lễ bắt được hai tên bá hộ phản động giam tại Lạc Hà, đánh úp đồn huyện Thạch Hà bắt sống viên tri huyện.

Cũng trong thời gian này, Cao Thắng cho quân đóng giả lính khố xanh bắt Tuần phủ Đinh Nho Quang lúc này giữ chức Tiễu phủ Quân vụ huyện Hương Sơn tại nhà riêng vì Đinh Nho Quang đã viết thư tố cáo và nói xấu Phan Đình Phùng với Pháp. Nhưng Phan Đình Phùng không sát hại mà bắt nộp cho nghĩa quân sáu ngàn đồng bạc rồi giữ lại bản Đồn. Việc bắt Đinh Nho Quang đã làm cho bọn Việt gian hoảng sợ, hoang mang.

Mấy tháng đầu năm 1892, tên Công sứ Damade được lệnh mở cuộc càn quét lớn vào khu Tràng Sim là căn cứ nghĩa quân Đề Thắng. Lính khố xanh Hà Tĩnh được huy động tối đa kéo vào vùng giữa Ngàn Phố và sông Cả rồi tiến vào rừng Tràng Sim.

Nghĩa quân chia lực lượng làm hai phần: một phần ở lại chống càn quét, một phần luồn về hoạt động gần tỉnh lỵ Hà Tĩnh và các phủ huyện lân cận.

Ngày 2 tháng 3 năm 1892, địch đánh vào Tràng Sim, Đinh Nho Quang và Cử Nhan được giải thoát, nghĩa quân lập kế cho người báo với viên chỉ huy Hugnit chỗ ở của Bá hộ Thuận tại Kỳ Anh và Nam Huân. Hugnit lập tức đem quân đến vây bắt. Khi đến nơi thì chỉ thấy đồn không nhà trống. Tràng Sim được an toàn. Hugnit lọt vào vòng vây của nghĩa quân. Tên Thiếu úy Briscout vội đem quân từ Kỳ Anh đến cứu cũng bị nghĩa quân phục kích đánh chặn. Sau hai giờ kịch chiến, địch thiệt hại nặng nể, Briscout chạy tháo thân về đồn Kỳ Anh. Còn Hugnit mãi sau mở được vòng vây chạy về đồn Voi lại bị chặn đánh, sau nhờ viện binh cứu thoát.

Như vậy là chiến dịch càn quét của đạo quân Damade sau hai tháng tưởng sẽ nhấn chìm được nghĩa quân nhưng chúng đã bị nhiều tổn thất, đến cuối tháng 4 năm 1892 phải kéo quân về căn cứ.

Ngày 8 tháng 6, lính khố xanh và lính dõng đến chợ Hương Sơn cách đồn Ngụy Giang chừng 1km thì bị phục kích.

Nghĩa quân lại bí mật về làng Trung Lễ, Đông Khê và Văn Lâm trừng trị một số Việt gian ác ôn, giết tên Hiệp quản ngụy tại đồn Đông Khê. Trưởng đồn Linh Cảm đem quân đến cứu bị phục kích ở Văn Lâm. Quân địch ở Nam Huân và Tri Bản đến tăng viện cho Linh Cảm cũng bị nghĩa quân chặn đánh cho tan tác dọc đường.

Tối 18 tháng 6, toán quân vận lương của nghĩa quân ở Hà Tĩnh đánh nhau với địch, trưởng đồn Robert đưa quân đến trợ chiến tại Truông Vắt thì nghĩa quân lại tiến đến bao vây đồn Nam Huân làm cho tên chỉ huy De Soulages, Robert và Hugnit mất thế chủ động phải xin gấp viện binh.

Như vậy, trong các năm 1889, 1890, 1891, 1892, nghĩa quân liên tiếp chủ động tấn công địch trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Địch tổ chức nhiều cuộc càn quét nhưng vẫn không ngăn nổi hoạt động của nghĩa quân. Chúng cho bọn Việt gian, thám báo thường xuyên đi sâu vào các vùng nghĩa quân đóng giữ. Có nguồn tin cung cấp cho địch là Phan Đình Phùng với nhiều tướng lĩnh và quân sĩ đang đóng tại căn cứ Hội Trung, Cao Đạt đóng tại La Sơn, Bá hộ Thuận đóng ở Trại Chè, Đốc Chanh đóng ở Thiều Thôn.

Ngay lập tức chúng lập kế hoạch tiến đánh Trại Chè của Bá hộ Thuận để đánh lạc hướng nghĩa quân rồi bất ngờ mang đại quân đánh thẳng vào Hội Trung tiêu diệt nghĩa quân ở Hữu ngạn Ngân Sơn nhằm bắt sống Phan Đình Phùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:51:04 pm »


Từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 8 năm 1892, các tên chỉ huy Hugnit, Bourgeois, Le Pare và Lãnh binh Trọng chỉ huy quân càn quét từ Hà Tĩnh đến Trại Chè theo ba mũi:

- Thiếu úy Hugnit và Focher đưa 80 lính khố xanh đến Hương Khê.

- Robert và Bourgeois đưa 60 lính tập đến Trạc Cuội Hương Sơn.

- Lambert cùng Thiếu úy Crénon và Antariani đem 50 lính theo đường vòng đến Hương Khê.

Cả ba mũi quân tạo thành một gọng kìm, lấy giờ G là 21 giờ đêm 12 tháng 8 năm 1892 đồng loạt tấn công. Nhưng do địa bàn hiểm trở và sự cảnh giác cơ động của nghĩa quân, công tác điều tra, trinh sát của địch không chính xác, lực lượng huy động cho cuộc hành quân ít, đội hình bị kéo dài tạo điều kiện cho nghĩa quân phục kích đánh chặn. Thực ra, lực lượng nghĩa quân lúc này đã có mặt tại các phủ huyện, liên lạc giữa các đơn vị với nhau hết sức chặt chẽ. Ngoài việc chống càn quét, nghĩa quân còn có thể chuyển nhanh từ thế thủ ra thế công. Chủ tướng Phan Đình Phùng thường xuyên theo dõi, nghiên cứu nắm được mọi tính toán của kẻ địch.

Đúng giờ G, 21 giờ đêm 12 tháng 8, Robert đánh vào tiền đồn của nghĩa quân, đến sáng 13 tháng 8 thì tiến sâu vào rừng để lùng sục nhưng không gặp lực lượng nào. Bất ngờ, 20 giờ đêm 13 tháng 8 nghĩa quân phản công mãnh liệt, tiêu diệt 16 lính địch, đánh bị thương 15 tên, một số tên sa vào hố chông và bẫy chặt. Bọn địch phải vội vàng rút quân về căn cứ.

Đặc biệt là trong lúc địch đang dàn quân càn quét căn cứ nghĩa quân Khê Thượng, Hương Khê, Hương Sơn thì đêm 23 tháng 8 năm 1892, Bá hộ Thuận được lệnh của Phan Đình Phùng bí mật đem quân đến sát thị xã Hà Tĩnh, một toán quân nghi binh đánh vào phố xá gây náo động, thu hút sự chú ý của địch, để cho hai cánh quân lớn tấn công ráo riết vào trại khố xanh và nhà lao Hà Tĩnh gây cho địch nhiều tổn thất và giải phóng được 70 nghĩa quân đang bị chúng giam giữ.

Bọn địch nghe tin nghĩa quân tấn công thị xã Hà Tĩnh vội vàng thu quân đang càn quét các nơi rút nhanh về giữ các căn cứ ở đồng bằng. Nghĩa quân ung dung vận tải lương thực, chiến lợi phẩm về khu căn cứ an toàn.

Từ đó đến ngày 15 tháng 12 năm 1892 mới có cuộc đánh nhau giữa nghĩa quân với bọn Robert và Bourgeois ở núi Quạt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:51:28 pm »


Năm 1893

Tháng 1 năm 1893, quân Pháp lại mang lính khố xanh và lính dõng đi càn quét dãy núi Ngàn Trươi (Vụ Quang) và Truông Vắt. Chỉ huy các đạo quân là bọn Lambert, Maricini, Hugnit. Theo kế hoạch của chúng, ngày 7 tháng 1 năm 1893, De Soulages đã đem quân về phía Bắc, xuất phát từ Khiêm Ích nhưng ở đây chúng chỉ toàn gặp lều trại trống vắng. Hugnit từ Tràng Sim đi về phía Nam đến Khê Thượng bị quân ta chặn đánh, không làm sao ra khỏi địa điểm này đành phải mở vòng vây quay về Hòa Duyệt. Ngày 23, Lambert tiến vào Khe Ngọt bị nghĩa quân phục kích chặn đánh bị thương phải ngưng lại. Còn tên chỉ huy Bourgeois mãi đến ngày 21 vẫn không tiến nổi, vội liên lạc với Hugnit và ngày 6 tháng 2 năm 1893 chúng bị nghĩa quân tấn công tiêu diệt 20 tên và nhiều tên khác bị thương. Chúng phải rút lui.

Ngày 29 tháng 3 năm 1893, Đề Thắng đánh thiệt hại quân của Bourgeois ở Mỹ Đức rồi rút an toàn về Trại Chè.

Đầu tháng 4, Đề Thắng đem quân đánh nhau với Robert và Bourgeois ở Mỹ Duệ một lần nữa.

Cuối tháng 4, tên Hugnit được thăng Giám binh giữ chức chỉ huy trưởng vùng Hương Khê, Hương Sơn bèn xuất quân đánh vào Trại Chè thì Phan Đình Phùng cho nghĩa quân luồn về đồng bằng tấn công các đồn Trung Lương, Kim Chúc ở Can Lộc, đồn Hương Khê và nhiều căn cứ trong huyện Nghi Xuân - Hugnit vội rút quân về bảo vệ các căn cứ đang bị uy hiếp.

Từ tháng 5 đến tháng 7, Đề Nam, Đốc Trạch quấy phá địch dữ dội theo chiến thuật "địch đi ta đến, địch đến ta đi”, tức là tránh gặp địch để đánh địch những lúc sơ hở và bất ngờ làm cho địch hoang mang, bối rối.

Như vậy cuộc khởi nghĩa Hương Khê khởi đầu từ cuối năm 1885 đến 1893 đã 8 năm. Trải qua bao gian nan, vất vả, vừa đánh, vừa xây dựng lực lượng, khi thuận lợi, khi khó khăn, nghĩa quân đã trưởng thành nhiều mặt. Liên tiếp những năm 1889-1890-1891-1892-1893, các tướng sĩ đã nắm vững yếu tố nhân hòa, địa lợi để chống các cuộc càn quét lớn của địch và lợi dụng tình thế nghĩa quân đã chuyển nhanh từ thế thủ sang thế công, chủ động tấn công địch hàng trăm trận, có trận thắng lợi rất vẻ vang. Nhưng lúc này do triều đình phong kiến đầu hàng, thoả hiệp, thực dân Pháp đã đặt được bộ máy thống trị khắp cả nước, một hệ thống đồn bốt áp sát vào các căn cứ nghĩa quân. Còn nghĩa quân thì vẫn cơ động đánh địch, chống trả quyết liệt các cuộc càn quét nhưng địa bàn càng ngày càng bị thu hẹp và lùi sâu vào trong rừng. Việc tiếp tế lương thực ngày càng gặp khó khăn. Các quân thứ ở Quảng Bình, Thanh Hóa mất dần liên lạc, việc ứng cứu nhau kém dần hiệu quả.

Cao Thắng nghĩ đến tương lai của cuộc khởi nghĩa, đề xuất với Phan Đình Phùng phải có những trận đánh lớn về đồng bằng, mở rộng địa bàn đất đai và dân cư, nếu không nghĩa quân ngày càng hao mòn thu hẹp, lương thực khó khăn sẽ và tự bị tiêu diệt. Phan Đình Phùng từ lâu cũng đã nhận thấy cứ quanh quẩn trong rừng núi của bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình mà không ra được đồng bằng cũng là tự thất bại rồi, nếu tồn tại thì lâu dài cũng trở thành đội quân "lục lâm thảo khấu" mà không đạt được mục đích sự nghiệp. Sau khi phân tích, nhận rõ tình thế, Phan Đình Phùng chấp nhận kế hoạch cho Cao Thắng đem quân chủ lực đánh vào thành Nghệ An. Quân thứ các tỉnh nhất tề hoạt động để phân tán lực lượng địch. Thu giữ được thành Nghệ An thì các quân thứ khác cũng có điều kiện thu giữ các sở lỵ nơi mình đang hoạt động. Có thể coi đây là cuộc tổng phản công địch của nghĩa quân Hương Khê. Trận đánh quyết định sống hay là chết để mở ra một tương lai xán lạn hay là để tự diệt một cách vẻ vang.

Cao Thắng từ căn cứ Vụ Quang (Ngàn Trươi) đem 1.000 binh chia làm hai đạo tiến ra Nghệ An. Cao Thắng và Nguyễn Niên chỉ huy một đạo 500 quân làm nhiệm vụ tiên phong. Cao Nữu chỉ huy một đạo 500 quân làm nhiệm vụ hậu tập. Trên đường hành quân Cao Thắng đã đánh thắng và thu hồi được mấy đồn. Một số đồn nghe tin Cao Thắng chỉ huy tấn công đã tự động rút chạy. Đến đồn Nỏ Thanh Chương, Cao Thắng chia lực lượng tấn công. Trong trận đánh này Cao Thắng bị quân của Thiếu úy Phiến bắn bị thương. Và cuối cùng do vết thương quá nặng Cao Thắng hy sinh tại trận tuyến. Thế là kế hoạch tiến về đồng bằng tan vỡ. Tin Cao Thắng hy sinh đã làm cho Phan Đình Phùng chết lặng người và từ đó ông tiên lượng sự khó khăn của cuộc khởi nghĩa trong những năm tiếp theo.

Sau khi Cao Thắng hy sinh, lực lượng nghĩa quân ngày càng hao mòn, lương thực ngày càng thiếu thốn, địa bàn hoạt động ngày càng bị thu hẹp. Việc thông tin liên lạc và ứng cứu cho nhau giữa các quân thứ khó khăn dần, có quân thứ đã bị mất liên lạc hoàn toàn. Địch dùng chính sách chiêu hàng, phái Khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải vốn là bạn học cùng quê hương với Phan Đình Phùng thực hiện chính sách này.

Hoàng Cao Khải dùng đủ mọi lý lẽ tình cảm viết thư khuyên Phan Đình Phùng hạ khí giới trở về với triều đình sẽ được giữ nguyên quan tước bổng lộc. Nhưng Phan Đình Phùng đã kiên quyết thà chết không hàng địch, từ chối thẳng bức thư của Hoàng Cao Khải. Kế hoạch dụ hàng thất bại, bọn Pháp lại dùng chính sách quân sự tập trung lực lượng đánh mạnh vào lực lượng nghĩa quân. Nhưng nghĩa quân vẫn chủ động tấn công quân địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:51:47 pm »


Năm 1894

Ngày 1 tháng 3 năm 1894, nghĩa quân đánh vào đồn Chợ Phố và hai hôm sau nhử địch đến một làng ở gần đó để phân tán lực lượng tạo điều kiện cho đơn vị bạn tấn công.

Ngày 4 tháng 3 năm 1894, nghĩa quân lại tấn công địch, cùng ngày tên chỉ huy Brisout bị nghĩa quân chặn đánh trên đường hành quân.

Ngày 29 tháng 3 năm 1894, Đốc Bình và Nguyễn Bảo tấn công đồn Nỏ giết được Thiếu úy Phiến - tên Việt gian đã chỉ huy quân ngụy bắn chết Cao Thắng.

Ngày 31 tháng 3 năm 1894, Bá hộ Thuận mở cuộc tập kích vào thị xã Hà Tĩnh, một lần nữa nhằm thực hiện lại kế hoạch cũ của Cao Thắng nhưng kết quả thu được không nhiều.

Trong ba tháng 4, 5, 6 năm 1894, nhiều cuộc giao chiến diễn ra giữa các tướng lĩnh nghĩa quân là Phan Duy Cầm, Đốc Cơ, Đốc Trạch với toán quân De Soulages, Philippe của Pháp.

Ngày 25 tháng 6 và đêm 12 tháng 7 năm 1894, đồn Pháp ở Quỳ Hợp bị nghĩa quân tập kích.

Ngày 14 tháng 7 năm 1894, tên chỉ huy Pháp Rallier du Paty tấn công Bá hộ Thuận. Nghĩa quân chống trả quyết liệt, nhiều lính địch rơi vào hầm chông, trúng đạn, bị chết và bị thương cuối cùng phải rút lui.

Cùng ngày tên Samaran mang quân đi càn quét ở phủ Diễn Châu và huyện Anh Sơn, khi về gần tỉnh lỵ Vinh chúng đã bị nghĩa quân chặn đánh.

Ngày 27 tháng 7 năm 1894, tên chỉ huy Soulages bị đánh tại Đại Hàm, y bị thương tháo chạy.

Tháng 8 năm 1894 có nhiều trận đánh tại Ngàn Cỏ và núi Mò Ho giữa quân bảo hộ do các tên Pháp Samaran, De Soulages, Gruault, Rallier du Paty, Focher cùng các tướng lĩnh nghĩa quân.

Cuối năm 1894, nghĩa quân phải di chuyển tổng hành dinh sang Đại Hàm. Lực lượng nghĩa quân bây giờ đã yếu, giặc đánh thẳng vào đại đồn. Hai bên giằng co nhau rất kịch liệt. Phan Đình Phùng đóng quân trên núi. Địch bao vây dưới chân. Núi này thuộc làng Tình Diệm là quân Diệm thứ ở vùng núi Đại Hàm do tướng Cao Đạt chỉ huy. Nghĩa quân có hơn 400 người, vũ khí có trên 200 khẩu súng, lương thực đang bị thiếu thốn.

Địch có hàng ngàn quân vừa lính vừa dân phu phục dịch chiến trường. Địch vây chặt, tấn công ráo riết. Các đường tiến thoái của nghĩa quân bị bịt kín, Phan Đình Phùng trưng cầu ý kiến tướng sĩ. Cao Đạt và Nguyễn Mục cùng các nghĩa sĩ kiên quyết xin đánh. Phan Đình Phùng ra lệnh nổ súng vào đám quân đầu tiên của địch. Hai bên đánh nhau luôn 15 ngày liền. Nghĩa quân ở trên núi có thế đánh rất lợi. Địch tiến lên bao nhiêu bị ngã gục bấy nhiêu. Quân địch bị tổn thất nặng nề phải gọi viện binh, Phan Đình Phùng cho quân nghi binh rút khỏi Đại Hàm trở lại núi Quạt an toàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:52:10 pm »


Năm 1895

Tháng 1 năm 1895, nghĩa quân lại từ núi Quạt rút về Vụ Quang định lập căn cứ tại một đỉnh núi hiểm trở. Nhưng đỉnh núi này đã bị địch chiếm đóng. Phan Đình Phùng chọn một địa điểm tương đối hiểm trở ở thung lũng Vụ Quang đóng quân. Trước trại nghĩa quân có con sông Vụ Quang nước chảy rất xiết. Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh dự kiến thế nào địch cũng dò la và tấn công nên đã có phương án chủ động đề phòng trước.

Phan Đình Phùng cùng các tướng lĩnh bàn phương án tác chiến, dùng kế "Sa nang úng thủy" của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa bên Tàu để lừa địch. Trận này ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm và vũ khí đạn dược. Đây là trận thắng oanh liệt giữa lúc nghĩa quân đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.

Ngày 5 tháng 1 năm 1895, Đề Đạt đánh tan một đơn vị khố xanh đang trên đường càn quét.

Nghĩa quân Hương Khê thắng luôn mấy trận liền nhưng vẫn không cải thiện được tình thế, không làm chủ được chiến trường, vẫn bị quân địch bao vây kiêm tỏa.

Ngày 20 tháng 1 năm 1895, Haguet cho ngụy phó quản Di đem một đội khố xanh đến đánh nghĩa quân ở làng Trại thuộc huyện Nghi Xuân. Từ đấy đến tháng 5 năm 1895 nghĩa quân vẫn phải cơ động để bảo toàn lực lượng, cuộc sống của nghĩa quân càng ngày càng khó khăn.

Ngày 10 tháng 5 năm 1895, Margnet tấn công nghĩa quân của Phan Đình Nghinh ở Truông Vắt bị nghĩa quân đánh trả quyết liệt.

Ngày 12 tháng 5 năm 1895, Lý Võ cho quân tập kích đơn vị của Thiếu úy Daufès. Tháng 6 năm 1895, có nhiều trận đánh giữa nghĩa quân Phan Đình Nghinh và Đề Đạt với quân của bọn chỉ huy Pháp Haguet, Fonre, De Soulages, Franit, Hugnit tại Truông Vắt và Công Khê. Tuy có tổ chức được các cuộc giao chiến chống càn quét và tấn công trực tiếp vào các đồn địch nhưng nghĩa quân mỗi ngày lại bị lún sâu vào thế bị động. Ngược lại, bọn Pháp lúc này đã đặt được ách bảo hộ khắp toàn quốc do triều đình Huế đã đầu hàng thỏa hiệp hoàn toàn nên có điều kiện tăng cường lực lượng bao vây, ép chặt nghĩa quân vào rừng sâu, núi hiểm.

Tháng 7 năm 1895, tên Nguyễn Thân lãnh chức Khâm mạng Đại thần đại diện cho bọn phong kiến Nam triều ra đánh dẹp nghĩa quân bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Duvillier, Công sứ Nghệ An làm tư lệnh ngụy quân bốn tỉnh, đốc suất 15 tên giám binh và 3.000 lính khố xanh mở cuộc tấn công vào Hương Khê nhằm mục đích xóa sổ cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

Trong lúc này quân chủ lực Hương Khê cũng như các quân thứ bị chia cắt, rời rạc, các phương tiện giao thông, liên lạc bị gián đoạn, lương thực, vũ khí và quân số bị thiếu hụt không bù đắp được. Các đường tiếp tế bị phong tỏa, các địa phương trước đây thường xuyên cung cấp lương thực cho nghĩa quân bị vây ráp, khủng bố, có làng bị triệt hạ. Nhân dân hết đường tiếp tế lương thực cho nghĩa quân.

Mỗi lần bị địch tấn công, nghĩa quân chỉ cơ động để bảo toàn lực lượng trong rừng núi từ dãy Giăng Màn sang núi Quạt rồi về lại Vụ Quang. Trong hoàn cảnh cấp bách này, Phan Đình Phùng do quá gian khổ, vất vả, thiếu ăn, mất ngủ, lo đại sự không thành đã lâm bệnh kiết lỵ nặng.

Ngày 12 tháng 7 năm 1895, một toán quân dân mang cá khô và muối gạo cho nghĩa quân bị tên De Soulages phục kích đánh cướp.

Ngày 19 tháng 7 năm 1895, Phó lãnh binh Hồ Lai bị bắt.

Đề Mậu, Đề Vinh đóng quân ở Quỳ Châu, Diễn Châu và Anh Sơn định tìm về đồng bằng nhưng không nổi, họ bị vây đánh gắt gao. Stenger, Allier tập trung quân đội tại Thổ Hoàng để bắt Phan Đình Phùng vì giặc cho rằng lúc đó Phan Đình Phùng đang ở Vụ Quang. Khi chúng tràn đến thì nghĩa quân đã rút hết.

Ngày 28 tháng 12 năm 1895, Phan Đình Phùng do bệnh quá nặng đã trút hơi thở cuối cùng tại căn cứ núi Quạt, thọ 49 tuổi.

Sau đó một số tướng lĩnh của nghĩa quân đã ra hàng như Đốc Phương, Đốc Trạch, Nguyễn Duyệt, Đề Mậu, Phan Đình Nghinh, Phan Đình Phong, Phan Đình Cẩn, Phan Đình Trinh.

Riêng Tôn Thất Hoàng, Hiệp Tuân, Phan Đình Thoại, Tôn Thất Định chiến đấu cho đến khi bị bắt, còn Đề Đạt, Nguyễn Mậu và một số khác rút sang Xiêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:52:47 pm »


Câu hỏi 5: Xuất phát từ những nguyên nhân nào làm cho Phan Đình Phùng từ một cậu học sinh dốt, lười học mà có quyết tâm phấn đấu để trở thành tiến sĩ?
Trả lời:


Những người được gần cụ Phan đều nói cụ tướng mạo rất xấu, nếu cứ lấy hình thức bên ngoài mà xét người thì không có ai ngờ về sau cụ lại trở thành anh hùng. Nhà tướng số nói cụ chỉ khác người được một quý tướng, là khi nằm ngủ thì mình mẩy ửng đỏ hồng hào lên, đó là một tướng rất lạ.

Thuở còn nhỏ, Phùng học rất dốt, đến nỗi học trước quên sau. Khi thấy thầy dạy học nói mai sau Phùng không làm được gì nên thân, hơn nữa thấy anh em mình ai cũng thông minh học giỏi, Phan Đình Phùng lấy làm phẫn uất vô cùng, cố gắng học để bằng anh bằng em.

Chính vì thế mà ròng rã trong bốn năm năm, trong tay không rời quyển sách, chân không bước ra đường, chỉ mài miệt nơi ánh sách ngọn đèn, quyết chí lập được công danh sự nghiệp. Phan thường nói với bạn đồng học: "Ta cố học để mai sau chiếm bằng được khôi nguyên".

Cụ Phan sinh ra vào đúng hoàn cảnh nước ta kén chọn nhân tài chỉ có từ chương khoa cử. Ai không ở trong vòng đó bước ra thì không thể là nhân tài, mà cũng khó có ngõ nào để xuất thân cho được.

Sau khi vua Gia Long vừa thống nhất trong nước xong, tức thời gươm giáo xếp xó, thơ phú lên đàn. Vua quan làm gương và khuyến khích dân: luôn mấy triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, toàn là Thiên tử thi phú; bầy tôi danh vọng như Hà Tôn Quyền, Doãn Uẩn toàn là quần thần từ chương. Vua tôi tưởng trong nước có bờ cõi, có nhân dân, thế là trời Nam định phận, không biết bên ngoài có cường lân, có địch quốc thường để mắt đến. Mọi việc khư khư chẳng chịu cải cách, cửa bể đóng chặt, thời thế chẳng hiểu... Kén người thì khinh võ bị mà lại trọng văn chương. Dạy dân thì bỏ thực học mà chuộng khoa cử.

Giữa lúc thiên hạ kẻ thì đang ra tay chinh phục đất xa, người thì biết lo thân tự cường cải cách, thế mà ở nước mình, vua quan vẫn kiềm chế giữ nhân dân ở chặt trong vòng học cũ thói xưa. Người ta lo mở mang những thương mãi, những công nghệ, những cơ khí, những khoa học, còn mình chỉ lo có một việc từ chương khoa cử.

Chính vì nhà vua giữ mãi chế độ từ chương khoa cử, buộc dân phải theo, ai đến "khoa hoạn” mới là tới mục đích nhân sinh, hễ ai đi trái con đường ấy, thì không ngõ xuất thân nào khác. Cho nên những người dưới cái chế độ đó, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu chí khí, đều quanh quẩn ở trong bốn chữ; bốn chữ ấy chia ra làm hai đoạn đó là: thi đậu và làm quan.

Cụ Phan sinh ra vào đúng hoàn cảnh như thế, thì cách lập chí xuất thân của cụ trừ khoa cử ra không còn có đường nào hơn, vậy nên thấy cụ có chí "học quyết khoa" không lấy gì làm lạ.

Vì quyết chí mai sau phải chiếm được giải khôi nguyên để khỏi phụ lời mình đã nói cứng cáp, đến nỗi có một phen Phan Đình Phùng đã liều chết.

Năm 21 tuổi cùng em là Phan Đình Vận, thọ nghiệp với ông bác là Phan Đình Tuân, đậu Tú tài, gặp giữa năm ấy có khoa thi, Phùng năn nỉ bà thân mẫu đến xin bác cho mình được cùng em đi thi. Ông bác nói: "Phùng học hãy còn kém sút, nó chưa đi thi khoa này được, hãy đợi khóa sau".

Cậu năn nỉ xin đi thi không được, đâm ra bực mình phẫn chí, lén sai đầy tớ ra chợ mua một lượng hương nhu là vị thuốc độc về, viện cớ mua để thử chế thuốc pháo, nhưng kỳ thật là đem trộn vào ly rượu, rồi gọi em là Phan Đình Vận tới bảo rằng: "Sinh ra làm trai, cốt được học, học cốt đi thi, học mà không được đi thi thì còn sống làm gì. Phen này anh liều chết cho rồi đời". Em sợ quá, kiếm lời an ủi can ngăn mãi song anh không nghe, một hai đòi uống thuốc độc tự tử mà thôi. Cực chẳng đã, Phan Đình Vận phải chạy mau tìm kiếm bà thân mẫu để nói cho bà nghe rằng anh Phùng đang uống rượu độc tự tử. Trong khi ông Vận đi kêu mẹ, thì Phùng đã uống thuốc độc mà mê man bất tỉnh rồi. Sau bà thân mẫu tới, hô hoán người nhà hàng xóm lại cấp cứu. Họ lấy nước đậu xanh và cam thảo cạy miệng ra mà đổ, một lúc lâu Phùng mới tỉnh. Ấy là lúc nhỏ, vì chút khoa danh mà Phan đã có can đảm khinh sinh liều chết đến thế, thảo nào sau ra làm quan, mắng Tôn Thất Thuyết giữa triều đình, cùng là khởi nghĩa trong mười năm trời, lấy sức châu chấu đá voi, tỏ ra một người can đảm đầy mình, làm việc gì cũng không sợ, coi chết như không.

Đến mãi khoa thi Bính Tý (1876) là năm cụ 39 tuổi, mới đậu Cử nhân. Qua năm sau (1877) vô kinh thi hội, đậu Đình nguyên Tiến sĩ. Lời thề "thế nào cũng chiếm giải khôi nguyên" ngày xưa, bây giờ đã được toại nguyện.

Cụ Phan lấy đức thuần phác trung hậu làm gốc sự học, cho nên khi viết văn cũng vậy. Lại thêm một tính cách thật thà mạnh dạn hơn người, đó là điều gì biết thì nói biết, điều gì không biết thì nói ngay không biết, không có lấp liếm che giấu. Đến nỗi khoa đi thi đình, đầu bài chính tay vua ra, có vấn đề nào cụ chưa học tới, chưa từng nghiên cứu, thì trong bài làm, tới chỗ đó, cũng viết ngay rằng: "Sĩ vị tằng đọc, bất cảm mạo tấu”, nghĩa là: "Chỗ này tôi chưa học, tôi không dám tâu càn". Chính vì thế mà biết được trong sự học của cụ có đức thận trọng và tự khiêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:55:06 pm »


Câu hỏi 6: Khi ra làm quan, Phan Đình Phùng rất cương quyết, dám nói, dám làm, dám xử lý nghiêm những chuyện sai trái. Cho biết một số chi tiết về nội dung trên?
Trả lời:


Thời ấy, ai cũng phải khẳng định cụ Phan có hai tính cách đặc biệt là: thẳng và gan.

Khi còn là học trò ở quê, một làng bên cạnh đắp con đường đi xuyên thẳng qua làng Đông Thái, theo lẽ mê tín phong thủy của ta ngày xưa, thì việc mở con đường này tất nhiên có hại cho cuộc lạc nghiệp an cư của dân Đông Thái; nhưng không ai dám đứng lên cản trở. Cậu học trò Phùng ngang tàng đảm nhận việc ấy. Cậu xách gươm ra, ngồi lỳ ở bên đường, nói rằng hễ ai đi qua đường này thì chém chết. Thế mà con đường ấy từ đó về sau phải bỏ rêu phong cỏ mọc không ai dám lai vãng đi qua nữa.

Chính vì có tính khảng khái dũng cảm như vậy, cho nên lúc ra làm quan gặp việc gì ngang tai trái mắt, mà thiên lương bảo phải làm để sửa lại, là cụ Phan mạnh dạn bảo ngay, dẫu biết rằng làm việc đó sẽ có hại đến tước lộc hay nguy đến tính mệnh mình cũng mặc.

Cụ làm quan, không như những kẻ tham quyền cố vị khác là hễ gặp việc gì khó khăn thì lại co đầu thụt cổ lại không dám mở miệng ra để nói ra lẽ phải. Bởi họ lo sợ nếu như việc phải đó mà mình làm ra hay nói ra, e thiệt hại cho vợ con mình, thân danh mình, sẽ mất cả áo ấm cơm no, không còn được lên xe xuống võng. Họ nghĩ thà cứ chiều đời ngậm miệng cho được vinh thân là hơn. Trái lại, cụ Phan không phải là hạng làm quan như thế. Bởi vậy mà khi làm Tri phủ Yên Khánh ở Ninh Bình, thấy một ông cố đạo bản xứ hay ỷ thế tôn giáo, hà hiếp lương dân, cụ Phan không kiêng nể ngần ngại gì, cụ hô lính đè cổ giáo sĩ đó xuống hỏi tội và đánh thẳng tay.

Giáo sĩ bị trận đòn ấy là cụ Trần Lục, người ta còn gọi là cụ Sáu, nhờ thế lực Pháp mà được triều đình phong làm Tuyên phủ sứ có oai quyền lừng lẫy một vùng Phát Diệm Ninh Bình, ai cũng phải sợ. Người ta nói ông có cái đức giết người như rạ, không kém gì Tôn Thất Thuyết. Chính vì thế mà việc cụ Phan cho đánh một ông cố đạo là đánh kẻ có tội hà hiếp người, chớ không phải bầy tỏ thâm ý ghét đạo Thiên chúa.

Đám văn thân ta lúc đó cùng có một ý nghĩ chung, cùng ôm một mối thù chung; gặp đâu có nhà thờ là đốt phá, gặp đâu có ông "mặc áo dài thâm" là vặt râu, gọt đầu, bắt bước qua cây thánh giá, thích chữ vào mặt, rồi giết chết. Bởi các ông văn thân lầm tưởng rằng những người theo đạo Thiên chúa đều là quân nội công của người Pháp. Trước đó, từ vua đến quan, từ quan đến dân đều tin tưởng như thế cho nên đã gây nên không biết bao nhiêu chuyện rắc rối giữa lương và giáo; không ít những cảnh đánh giết nhau xảy ra.

Nhưng với cụ Phan thì lại suy nghĩ khác. Với kẻ thân tín, cụ vẫn thường nói: “Đạo Thiên chúa lấy Gia Tô làm Trời, cũng như Thích Ca Mâu Ni là Trời của đạo Phật hay Khổng Phu Tử là Trời của nhà nho. Hễ ai đã tín ngưỡng điều gì, thì điều ấy là Trời của mình. Mình muốn người ta đừng xâm phạm đến sự tín ngưỡng của mình, thì mình đừng xâm phạm đến sự tín ngưỡng của người ta. Thiên chúa cũng là một thứ tôn giáo, mặc ai tin thì theo”. Còn như thuở ấy nếu người ta bảo giáo dân là quân nội công của người Pháp, thì cụ lại nói: "ấy là tại nước mình hèn yếu, không có nhân tài, không có tàu bền, súng lớn, quân mạnh tướng giỏi, chớ lỗi chi ở giáo dân. Chồn mượn oai hùm, dê đeo dạ cọp, ấy là thường tình của con người ta, có lấy chi làm lạ. Xứ nào mà không có hạng người hèn ấy".

Giữa lúc nhà nho đều cố chấp mà cụ Phan có tư tưởng rộng lượng như thế, quả thật cụ rất xứng đáng làm quan.

Có người nói cụ có tư tưởng rộng lượng như thế, bởi cụ đã có dịp gặp gỡ đàm luận về vấn đề ấy với Nguyễn Trường Tộ, một danh sĩ ở Nghệ theo đạo Gia Tô.

Mặc dù vậy, nhưng nếu mà có một giáo sĩ cậy thế làm xằng và hiếp người bên lương thì cụ làm phận sự chăn dân vẫn nọc kẻ ấy ra mà đánh, không tha.

Sự thật ở đời bấy giờ, ngoài những người chuyên tâm giảng đạo, bất can thế sự ra, thật cũng có ít nhiều giáo sĩ quá ỷ thế lực người Pháp hùng cường sẵn lòng bênh vực rồi được trớn làm quá giới hạn. Họ ỷ vào thế lực đó để giữ gìn quyền lợi của nhà chung và tự do truyền giáo. Giáo dân lại cũng ỷ thế mấy ông cố, ông cha mình để bắt nạt anh em đồng loại bên lương. Do đó mà đôi bên sinh ra lắm sự đánh giết, nghịch thù lẫn nhau. Tình hình tồi tệ như vậy, khiến cho phận sự làm quan phụ mẫu địa phương, bảo cụ phải trừ tệ an dân, dù một ông cố đạo có lỗi cũng không dung thứ. Chính vì thế cho nên chuyện cụ đánh một ông cố đạo chỉ là một kẻ "ỷ thế hiếp người", không phải có ác cảm với tất cả mọi người theo đạo Thiên chúa.

Về sau cụ khởi nghĩa, có lúc kéo cờ đề chữ "Bình Tây diệt tả" là vâng theo huấn lệnh của triều đình lúc bấy giờ thường hạ chiếu khuyến khích bọn văn thân đánh phá chém giết giáo dân. Nhưng sau cụ suy nghĩ thế là không nên, vì giáo dân cũng là đồng bào, có thù nghịch gì với mình đâu, cho nên khi đóng đại binh ở núi Vụ Quang, cụ vẫn hiểu dụ bọn giáo dân rằng: "Lương dân hay giáo dân đều là xích tử của triều đình, chớ nên vì lẽ gì mà hại lẫn nhau". Như vậy, cụ Phan thật không có lòng ghét đạo Thiên chúa, chỉ ghét những giáo sĩ hay giáo dân nào ỷ thế toà làm càn.

Song ở thời ấy, đánh một ông cố đạo là một việc khó xử, khó cho triều đình trong việc giao thiệp với nước Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:55:29 pm »


Một nguyên nhân mà nước Pháp và nước Nam có cuộc giao binh, sau thành ra cuộc bảo hộ là tự triều đình ta làm ngăn trở việc truyền giáo, bao nhiêu năm hạ chiếu thúc giục quân dân phải ngược sát giáo dân. Triều đình thấy trong mọi việc Pháp - Việt giao thiệp đều có giáo dân làm duyên có ở trong thì cho rằng quân này "rước voi về giầy mồ", bèn ra tay cấm, giết đạo. Đến khi thấy vì cấm đạo giết đạo quá lố, mà việc giao thiệp hai nước càng thêm nguy hiểm khó khăn cho mình thì triều đình bèn trở lại trị tội những quan, những dân nào đã xâm phạm đến người đạo. Triều đình muốn làm vậy để chiều lòng người Pháp. Thế là, khi nào nước Pháp nhịn thì triều đình ta làm tới, khi nào nước Pháp giận thì triều đình ta rút lui, còn để tự triều đình thì không có chủ trương quyết định gì cả.

Bởi thế, cụ Phan Đình Phùng, Tri phủ Yên Khánh, vì lỗi đã đánh một ông cố đạo mà bị triều đình trị tội phải triệu về kinh, sung vào viện Đô sát làm Ngự sử. Năm ấy là năm Tự Đức thứ 31.

Cụ được về kinh sung vào chức này, rất thích hợp với tính cương trực của cụ. Lúc bấy giờ việc nước lôi thôi, chính sự rối bét bởi vua thì nằm cao ở chốn thâm cung, giặc thì tung hoành khắp trong bờ cõi, thế nước hồ nguy, tình dân khổ sở, thế mà các quan đại thần, tiểu thần, trong triều, ngoài quận, trên đã không giúp được vua yên nước, dưới lại không có lòng thương dân. Tóm lại các ông ấy chỉ biết lo có bản thân và làm toàn những việc dối trên hiếp dưới, không còn có kỷ cương phép tắc gì nữa. Làm Ngự sử về thời trị đã khó khăn, vì thấy nhiều ông Ngự sử khiếp sợ oai quyền, biết rõ vua sai, quan lỗi mà không dám nói, huống chi làm Ngự sử thời loạn, khôn sống mống chết, cho nên Ngự sử là chức không phải giản đơn.

Cụ Phan thật là xứng đáng một quan Ngự sử ở thời loạn, vì gặp việc sai lầm, cụ đều dám nói.

Hồi ấy, nhà vua có lập ra một sở tập bắn ở cửa biển Thuận An, cách xa kinh thành 14 cây số, bắt buộc tất cả các quan văn võ đại thần ở kinh đều phải ra đó tập bắn. Cái bản ý của nhà vua lập ra trường tập bắn cho các quan, chắc vì lúc ấy trong nước đang có binh đao, nhà vua muốn rằng bất cứ quan dân, ai cũng có thể làm quân lính được cả, cho nên định luyện tập lấy một đội quân "các quan" để rồi ra hộ vệ kinh thành, chống cự binh Pháp.

Ai cũng đủ biết trong chốn triều miếu kinh đô, ai làm nên đến bậc đại thần là vào hạng "các cụ" rồi thì có oai quyền to, thanh thế lớn, không muốn ai sợ hãi cũng có người sợ hãi; nhân vậy mà có thiếu gì kẻ bưng bợ oai quyền và khúm núm ton hót ở đằng sau các cụ. Các cụ hỏi câu gì, dẫu là dở cũng là nói gang thép, các cụ làm việc gì dẫu cho bậy bạ cũng là việc làm hơn người.

Nhưng đối với cụ Phan, những việc làm sai trái đều được cụ thẳng thắn phanh phui. Ví dụ như việc tập bắn ở Thuận An.

Nhà vua đã định lệ, hễ cụ này bắn trúng mấy phát, cụ kia bắn trúng mấy phát, thì viên chấp sự trông nom việc tập bắn phải ghi vào sổ hẳn hoi để tâu vua xem. Các cụ đã quen áo dài vai rộng, võng lọng ngựa xe, đời nào mó tay đến khẩu súng tập bắn. Không may gặp lúc trong nước có nạn đao binh, nhà vua bắt buộc quan lớn cũng phải xắn tay áo lên, tập tành cái nghề của tên lính, thì hình như việc cực chẳng đã cho các cụ; các cụ chỉ làm cho xong chuyện, khỏi trái lệnh vua thì thôi. Có khi các cụ bắn mười phát đều lên mây xanh, không có được một phát trúng đích, thế mà viên chấp sự cũng ghi vào sổ cho nhiều, làm như là các cụ đều bắn giỏi cả.

Việc tập bắn man trá như vậy, các ông Ngự sử ở Đô sát viện đều thừa biết, nhưng ai cũng kiêng nể sợ hãi các cụ. Duy đến cụ Phan không thèm kiêng nể sợ hãi ai, vì cụ suy nghĩ: họ làm như thế là dối vua, bèn làm sớ tâu vua Tự Đức ngự giá ra cửa Thuận An, để xem các quan tập bắn cho rõ hư thực. Vua Tự Đức ngự ra xem, quả thấy trước kia sổ sách biên chép tâu lên đều là láo cả, trong bá quan tập bắn, mười phần chỉ có một hai phần bắn trúng mà thôi. Bởi vậy phê rằng: "thử sự cửu bất phát, phùng Phùng nãi phát" (việc này lâu không có ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát), rồi thăng chức cho cụ làm Hinh khoa Chưởng ấn. Cả triều đình bấy giờ, ông quan nào cũng phải kiêng nể cụ về tính cương trực cảm ngôn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:58:10 pm »


Câu hỏi 7: Trình bày những chi tiết mà Phan Đình Phùng đã làm cho Tôn Thất Thuyết nể phục? Khi vua Hàm Nghi phong cho cụ làm Tán lý Quân vụ, thống tướng các đạo nghĩa binh, cụ đã kéo cờ khởi nghĩa và đã tập hợp được lực lượng nghĩa quân lớn mạnh như thế nào?
Trả lời:


Có thể nói thời thế đã đào tạo cụ Phan trở nên một người anh hùng, cho nên ở vào hoàn cảnh nào, từ khi sinh ra cho đến lúc ra làm quan, lúc về làm ruộng ở nhà đều là những cơ hội xui khiến cụ phải ra để làm một việc của nhân tâm thời thế trao cho. Những cơ hội ấy có thể nói thời thế đã sắp đặt tạo điều kiện cho Phan Đình Phùng.

Khi vua Hàm Nghi tới Hàm Thao, định từ đấy đi lên Sơn phòng Hà Tĩnh nên mới hạ chiếu cho văn thân Hà Tĩnh tiếp giá, nhưng nghe quân Pháp đuổi gần tới nơi, Tôn Thất Thuyết phải lật đật đem ngài lánh đi chỗ khác. Nay đây mai đó, mãi tới tháng 10, ngài mới lui về đến miền thượng du tỉnh Quảng Bình.

Năm ấy ngài mới có 15 tuổi, đối với thời cuộc cũng chưa có cảm giác gì mấy; chỉ biết nhà tan nước mất là thương, thân mình dãi gió dầm sương, bơ vơ lưu lạc là khổ, chứ không biết chủ trương ứng phó với cảnh ngộ ra sao. Cho nên bị đuổi rất nguy, mà nên chạy đi đâu, nên làm thế nào, nhất thiết ngài đều theo Thuyết chủ trương; ngài chỉ như một chiếc thuyền con lênh đênh trên mặt sóng, mà Thuyết là người cầm chèo bẻ lái.

Sự thế đến cùng rồi, Thuyết nghĩ bây giờ chỉ còn trông cậy có dân, nghĩa là muốn lấy dân khí dân tâm chống với tàu bền súng lớn, đó là khí giới cuối cùng của Thuyết định chống với người Pháp. Nhưng mà dân lúc đó khác nào như lá rụng ở trong rừng ban đêm, phải ai có sức thu thập lại cho thành đông, thì mới chụm lửa mà đốt lên cho sáng được. Thuyết bèn nghĩ ngay đến người mà hồi xưa ở trong triều mắng mình mà mình đã định cho chém đó là Phan Đình Phùng.

Tôn Thất Thuyết có thể gọi là một bậc người "ở đời trị thì làm năng thần1, ở đời loạn thì làm gian hùng" được. Ví như việc đối với Phan Đình Phùng thì đủ biết. Lúc còn quyền cao chức trọng ở trong triều, Thuyết đã bỏ tù một viên án sát ở ngoài Bắc là Tôn Thất Bá, vì ông này dám nói là thế lực của người Pháp 8 phần thì mình chỉ có 2, làm sao chống nổi. Thuyết đã từng giết cả một viên quan ở bộ Binh là ông Chuyên, vì ông này đi đâu cũng nói rằng: "Khiêm khùng Thuyết ngu"2. Thuyết còn giết đến cả ông Thượng thư Trần Tiễn Thành, vì ông này ngăn cản không cho ông chống cự với người Pháp. Đó đều là những người có thế lực to và danh vọng lớn cả, mà Thuyết còn không tha, hễ ai phạm đến Thuyết thì sẽ mất mạng. Phan Đình Phùng hồi ấy không có bè đảng gì to, khiến cho Thuyết chẳng có gì là sợ, thì Thuyết muốn giết lúc nào mà chẳng được. Thế mà vì việc giết vua nọ, bỏ vua kia, cụ Phan mắng Thuyết giữa triều đình có mặt đông đủ các quan văn võ là kẻ phản thần mà Thuyết không giết. Phản ứng tức thời và kịch liệt của Thuyết là thét quân lính đưa Phan Đình Phùng ra chém, nhưng ngay sau đó lại cho giam vào ngục rồi cách chức đuổi về quê. Chắc hẳn Thuyết đã có chủ kiến. Thuyết biết rằng: cụ Phan Đình Phùng có cái tư tưởng hợp với Thuyết, đó là tư tưởng chống người Pháp tới cùng, dẫu biết rằng sức mình không thắng nổi. Thuyết không giết một người bạn đồng chí chắc hẳn biết trước rằng thời thế sau này sẽ cần dùng đến người như thế.

Còn cụ Phan cũng biết rằng Thuyết đối với mình có chỗ dụng tâm sâu sắc là thế nào, cho nên dẫu bị cách chức mà không oán. Đối với việc triều đình, Thuyết đã làm ngang tàng quá thì cụ khinh, nhưng đối với việc cứu nước của Thuyết tính làm thì cụ vẫn trọng. Sau khi cụ về quê làm ruộng được ít lâu, Thuyết đem ngay một trách nhiệm nặng nề trao cho đó là cử cụ làm Tham biện Sơn phòng tỉnh Hà Tĩnh, tức là bảo cụ dự bị sẵn sàng để chống cự giặc nay mai, điều đó cụ biết Thuyết và cụ là bạn tri kỷ là vậy.
____________________________________
1. Năng thần: Bày tôi có tài giỏi giang.
2. Khiêm là Ông Ích Khiêm người Quảng Nam, văn võ kiêm toàn, vốn là một người tay chân của ông Thuyết ở trong triều hồi bấy giờ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM