Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:24:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê  (Đọc 28791 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:16 am »


Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


Ban biên soạn:
Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủbiên)
Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN


LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, theo dạng hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam" nói chung và cuốn sách "Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê” nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.

Trân trọng giới thiệu!

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:39 am »


Câu hỏi 1: Cho biết tình hình những năm đầu của phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh và quá trình hình thành cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng?
Trả lời:


Trong phong trào chống Pháp cứu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ thứ XIX, Nghệ Tĩnh đã là một trong những vùng kháng chiến mạnh. Cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn ở thời kỳ này đã kết tinh và trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến của Nghệ Tĩnh. Vì vậy việc nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng không thể tách rời việc tìm hiểu phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh.

Nghệ Tĩnh từ lâu đã có truyền thống đấu tranh anh hùng và bất khuất. Ngay trong những buổi đầu xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân Nghệ Tĩnh đã tỏ rõ lòng căm thù giặc sâu sắc. Võ Đức Khuê, người xã Phú Hậu (nay là xã Quỳnh Đôi) huyện Quỳnh Lưu, đã mộ quân sẵn sàng vào Nam giết giặc. Khi giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, triều đình Huế hèn nhát đầu hàng thì nhân dân Nghệ Tĩnh lại càng căm phẫn. Cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai năm 1874 đã nói lên ý chí mạnh mẽ, ngoan cường của nhân dân Nghệ Tĩnh trước kẻ thù ngoại xâm và bọn thống trị phản động trong nước.

Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương chống Pháp, phong trào cứu nước ở Nghệ Tĩnh lại càng sôi nổi. Phong trào kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân đã lôi kéo được cả những người giàu có và hào lý tham gia. Chính vì vậy có thể nói phong trào ở Nghệ Tĩnh phát triển đều, không một phủ huyện nào không nổi dậy.

Ở Nghệ An, phong trào khá sôi nổi. Trước hết phải nói đến phong trào của phủ Diễn Châu. Tại huyện Đông Thành, có đội quân của cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn. Cụ hiệu là Ngọc Đường, người xã Lương Điền. Cụ lập căn cứ ở Đồng Thông và khởi nghĩa chống Pháp. Cùng cộng tác với cụ có:

- Đinh Nhật Tân, người cùng thôn, nhà nghèo, năm 16 tuổi mồ côi cha mẹ, ông phải nương nhờ bà chị để có tiền ăn học. Năm 1878, ông đậu Cử nhân và làm quan đến chức Ngự sử.

- Trần Quang Diệm, ngươi cùng xã, xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo. Năm 28 tuổi, ông đậu Cử nhân và đã từng giữ chức Tri huyện Tùng Thiện (Sơn Tây cũ). Triều đình Huế đầu hàng, ông bỏ về quê và khi có chiếu Cần Vương ông đã đứng lên khởi nghĩa.

- Lê Trọng Vinh, quê ở Ngọc Lâm, huyện Diễn Châu, xuất thân từ một gia đình nông dân, ông được theo học một thời gian, nhưng sau ông bỏ học và chăm chú nghiệp võ. Ông đi lính và được giữ chức xuất đội. Ông khởi nghĩa chống Pháp cùng Nguyễn Xuân Ôn và được phong chức Đề đốc.

Bên cạnh đội quân của Nguyễn Xuân Ôn, còn phải kể đến đội quân của Nguyễn Ngợi, tức Lãnh Ngợi, hay cũng gọi là Tác Bẩy. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở Vân Tụ, huyện Yên Thành, ông nổi dậy và lập căn cứ ở vùng núi Tràng Sơn, chống Pháp rất dũng cảm. Sau một thời gian hoạt động, nghĩa quân của ông gia nhập vào đội quân của Nguyễn Xuân Ôn và đã có nhiều đóng góp to lớn.

Ngoài ra, còn có đội quân của Phan Bá Niên, người làng Tam Lệ, rất giỏi võ. Ông mộ quân chống Pháp rồi sau cũng về theo cụ nghè Ôn chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:19:06 am »


Ở phủ Anh Sơn, phong trào khá mạnh, nhất là ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương và Hưng Nguyên.

Tại Nam Đàn, có đội quân của Vương Thúc Mậu, người làng Hoàng Trù, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo. Sau khi đậu tú tài, ông ở nhà dạy học. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông đứng lên khởi nghĩa và lập căn cứ tại đình làng. Ở Nam Hoành có quân của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, nguyên làm Tuần phủ Hưng Yên, cáo quan về làng năm 1873. Đáng chú ý còn có đội quân của Lãnh Sĩ, người huyện Nam Đàn. Cũng như Nguyễn Ngợi, ông khởi nghĩa chống Pháp từ hai bàn tay trắng. Ông thường một mình phục kích những toán quân địch đi lẻ tẻ dăm ba tên để cướp súng. Dần dần ông đã xây dựng nên một đội quân mạnh. Phan Bội Châu trong "Việt Nam vong quốc sử" đã nhiệt liệt ca ngợi tinh thần chiến đấu của ông. Ngoài ra còn phải kể đến Quản Hoè, còn gọi là Học Báu, người xã Yên Lạc (nay là xã Nam Linh) xuất thân từ một gia đình nông dân, đã từng đi lính cho Pháp và giữ chức xuất đội. Được Đội Khuyên vận động, ông đã trở về hàng ngũ kháng chiến.

Tại Thanh Chương, cũng có nhiều đội nghĩa quân mạnh. Ở đây có đội quân của Nguyễn Hữu Chính, người làng Cổ Đan, huyện Nghi Lộc. Ông rất thạo máy móc, đã từng tự chế ra súng hỏa công để đánh giặc. Rồi đến đội quân của Nguyễn Mậu, ông thi đậu Phó bảng võ, khởi nghĩa chống Pháp được phong chức đề đốc nên nhân dân thường gọi là Đề Mậu. Đáng chú ý hơn cả là đội quân của Lê Doãn Nhạ, người làng Trường Thành (nay là xã Sơn Thành, huyện Yên Thành), thi đậu Phó bảng năm 1871 và được cử làm Sơn phòng Chánh sứ Nghệ An, có nhiệm vụ mộ dân khai khẩn đất hoang. Ông xây dựng được một cơ sở lớn ở đồn Vàng (huyện Anh Sơn). Khi có chiếu Cần Vương, ông đứng lên mộ quân đánh giặc và lập căn cứ ngay tại đồn điền, lương thực và quân nhu khá dồi dào. Trong hàng ngũ của ông có nhiều đồng bào miền núi tham gia. Ngoài ra ở đây còn có đội quân của Bản Bôn, Phó Trác...

Tại Hưng Nguyên, có đội quân của Nguyễn Hợp, người làng Triều Khẩu, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, đi lính cho Pháp và giữ chức đội trưởng, về sau, ông giác ngộ và đã đem hai mươi lính tập có súng ống về với kháng chiến.

Ở Đô Lương, có Nguyễn Nguyên Thành, hay Nguyễn Thành khởi nghĩa. Ông làm quan đến chức Hồng Lô dưới thời Tự Đức.

Tại miền núi Hà Tĩnh, có đội quân của quản Thông, quản Thụ, ở Kim Sơn (nay thuộc Hương Khê, Hà Tĩnh).

Tại Hà Tĩnh, phong trào lên đều và mạnh, sôi nổi nhất là ở phủ Đức Thọ. Ở đây có hai sĩ phu nổi tiếng là Lê Ninh, tức Ấm Ninh, ở Trung Lễ xã Cổ Ngu và Phan Đình Phùng ở Đông Thái. Lê Ninh là người đứng lên khởi nghĩa đầu tiên ở Hà Tĩnh. Ngoài ra, còn có Phan Cát Tựu, vào thi Hội đúng năm Ất Dậu (1885) và khi kinh thành có biến đã theo xa giá đến Sơn phòng Hà Tĩnh, rồi về chiêu mộ quân đánh giặc. Bên cạnh đó, còn có Nguyễn Cấp, hoạt động khá mạnh mẽ.

Ở Hương Sơn, phong trào đặc biệt sôi nổi. Theo Phan Đình Phùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa có Nguyễn Quỳnh và Nguyễn Huy Giao. Hai ông đã tập hợp được đông đảo nhân dân trong huyện. Đấy cũng là quê hương của Cao Thắng. Ông cùng anh họ là Nguyễn Đạt, em ruột là Cao Nữu và bạn là Nguyễn Kiểu, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Đình Phùng, khởi nghĩa và lập căn cứ ngay tại làng. Ngoài ra, còn có Thái Vĩnh Chinh, Cử nhân võ, người làng Hữu Bằng (nay là xã Sơn Bằng) cùng Lê Trinh theo Phan Đình Phùng mộ quân đánh giặc, về sau, Lê Trinh theo giặc, bị Lãnh Thái giết chết, ở Hương Sơn còn phải kể đến Đinh Nho Hành, người làng Gia Mỹ, thi đậu Phó bảng võ, làm quan đến chức Lãnh binh, ông khởi nghĩa ngay tại quê nhà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:19:26 am »


Phong trào còn khá mạnh ở các huyện Nghi Lộc, Can Lộc, Nghi Xuân và Hương Khê.

Ở Nghi Lộc, có Đinh Văn Chất, người xã Kim Khê (nay thuộc xã Nghi Hòa), thi đậu Tiến sĩ. Ông khởi nghĩa và lập căn cứ ngay tại làng mình. Ngoài ra, còn có đội quân của Nguyễn Hành, thi đậu cử nhân và làm quan đến chức Giám binh tỉnh Nam Định.

Ở Can Lộc, anh em Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh nổi dậy ở Gia Hanh, tức Trung Hanh (nay là xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc). Nguyễn Trạch còn gọi là Nguyễn Khương, Nguyễn Chanh còn gọi là Nguyễn Dật. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ, hưởng ứng chiếu Cần Vương từ hai bàn tay trắng nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm và mưu trí, hai ông đã xây dựng được một đội quân mạnh. Cùng tham gia với hai ông, còn có Nguyễn Tuyển, người làng Yên Trí (nay là xã Phúc Lộc). Ở Phù Lưu Thượng có Mai Thế Quán, con trai Tuần phủ Mai Thế Quý, ông học giỏi song không chịu ra làm quan, nhân dân thường gọi là "cậu chiêu Dênh". Khác với đội quân của anh em Nguyễn Trạch, đội quân này ngay từ đầu đã có tới năm sáu trăm người, thanh thế rất mạnh.

Ở Nghi Xuân có Thần Sơn Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ. Hà Văn Mỹ là một thư sinh ứng nghĩa, nhưng mưu trí và dũng cảm. Ông thường cải trang đột nhập đồn giặc lấy súng về trang bị cho nghĩa quân.

Ở Hương Khê, phong trào do Nguyễn Thoại cầm đầu, hoạt động của nghĩa quân có ảnh hưởng khá lớn.

Ở Cẩm Xuyên, có Huỳnh Bá Xuyên và Nguyễn Chiêu nổi dậy. Nguyễn Chiêu cũng là một nho sinh, do chiến đấu dũng cảm mà được phong chức Lãnh binh. Ngoài ra còn có Đề Dừ nổi dậy ở Hựu Quyền.

Ở phủ Hà Thanh, phong trào mạnh nhất ở Thạch Hà. Trước hết phải kể đến Nguyễn Cao Đôn, quê ở Thạch Bình. Ông thi đậu cử nhân song không chịu ra làm quan với triều đình, nhân dân quen gọi là ông cử Đôn. Là ngươi có danh vọng và uy tín trong vùng, ông được nhân dân hưởng ứng đi theo rất đông. Cùng với ông, còn có ba người con của cụ Bùi Thố là Bùi Hanh, Bùi Dương và Bùi Đê. Ba anh em đều học giỏi, nhưng không chịu đi thi, khi có chiếu Cần Vương thì đều nổi dậy khởi nghĩa. Đáng chú ý ở đây còn có đội quân của Bá hộ Thuận, tức Nguyễn Thuận, quê xã Thạch Xuân xuất thân từ gia đình nho học nhưng không đỗ đạt gì. Ông bỏ tiền mua chức bá hộ nên có tên gọi Bá hộ Thuận. Ông lập căn cứ ở Truông Xai, một nơi hiểm yếu thuộc huyện Thạch Xuân.

Ở phủ Hà Hoa, phong trào sôi nổi nhất ở Kỳ Anh. Bên cạnh, có đội quân của Lê Nhất Hoàn ở Mỹ Lự (nay là xã Kỳ Tân), đội quân của Trần Công Thưởng ở Long Trì (nay là xã Kỳ Phú), đội quân của Đội Xuyên ở Hữu Chế, đội quân của Đội Thoại ở Mỹ Xuyên. Ở phía bắc Kỳ Anh, có đội quân của Phan Khắc Hòa, người làng Phan Xá, huyện Nghi Xuân, ông đã về quê vợ mộ quân khởi nghĩa...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:19:53 am »


Qua một số tài liệu tập hợp tuy chưa được đầy đủ trên đây, chúng ta cũng đã thấy phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh khá sâu rộng, nhưng ở buổi đầu nó còn mang nặng tính chất tự phát, tính chất địa phương rõ rệt. Họ nổi dậy ngay tại làng, lấy đình làng làm nơi mộ quân. Họ phải tự lo liệu lấy lương thực và vũ khí. Nhiều đội quân quá nhỏ và thiếu tổ chức chặt chẽ. Người chỉ huy phần lớn lại là những nhà nho, tuy có nhiệt tình yêu nước nhưng vì không quen chiến đấu, ít hiểu biết về quân sự, nên khi phải đương đầu với một kẻ thù thiện chiến và trang bị vũ khí tối tân thì họ dễ dàng bị thất bại. Phong trào dần dần quy tụ vào những đội quân lớn, do các nhà khoa bảng thân hào hay thủ lĩnh nông dân có uy tín, có danh vọng chỉ huy.

Ở Đô Lương, quân Nguyễn Nguyên Thành hoạt động được một thời gian thì tan rã, số còn lại đi theo các đội khác chiến đấu. Ở Thanh Chương, quân của Nguyễn Hữu Chính hoạt động khá mạnh, nhưng căn cứ của ông ở vùng núi bị địch càn quét và tổn thất nặng, nhà của ông cũng bị giặc đốt phá, hai con trai bị chúng bắt giết, ông phải rút về Hà Tĩnh chiến đấu cùng Nguyễn Cao Đồng được ít lâu thì mất. Ở Nghi Lộc, quân của Đinh Văn Chất bị tan rã sớm vì thủ lĩnh bị giặc bắt giết ngay từ năm 1885. Nguyễn Hành cũng hoạt động khá mạnh, nhưng sau khi người con của ông bị hy sinh và ông bị giặc bắt ở Trung Cần thì nghĩa quân tan rã. Ở Nam Đàn, nghĩa quân quy tụ xung quanh Vương Thúc Mậu, nhưng đến giữa năm 1886 Vương Thúc Mậu bị địch bất ngờ bao vây, nghĩa quân bị tổn thất nặng và ông đã hy sinh. Như vậy vào giữa năm 1886, ở Nghệ An còn lại ba đội quân lớn: Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ và Nguyễn Mậu. Những thủ lĩnh xuất sắc ở Nam Đàn như Nguyễn Sĩ, Học Báu đều theo về với Nguyễn Xuân Ôn. Những đội còn lại này, tuy ít nhưng vì đã được rèn luyện trong chiến đấu, tích lũy được kinh nghiệm nên đã gây nhiều khó khăn cho địch. Tuy nhiên tình trạng phân tán vẫn là nhược điểm lớn của phong trào. Địch đã tập trung lực lượng để bình định từng vùng. Trước tiên, chúng tấn công ráo riết vào đội quân của Lê Doãn Nhạ. Bị truy kích, bị bao vây, thiếu lương thực và vũ khí, lâm vào tình thế cô lập, Lê Doãn Nhạ buộc phải giải tán nghĩa quân và đưa gia đình đi biệt tích. Quân của Nguyễn Xuân Ôn hoạt động mạnh nhất, song đến đầu năm 1887, trong lúc đang nằm dưỡng bệnh tại cơ sở, ông đã bị giặc vây bắt. Sau đó Đinh Nhật Tân bị ốm và qua đời, Trần Quang Diệm phải rút lên miền núi cầm cự được ít lâu thì tan rã.

Như vậy, phong trào chống Pháp ở Nghệ An vào năm 1888 bị giảm sút rõ rệt. Hoạt động của nghĩa quân tạm thời giảm bớt, nhưng phong trào vẫn tồn tại. Ở Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn, quân của Lê Trọng Vinh, Nguyễn Mậu, Nguyễn Ngợi, Lãnh Sĩ, Hiệp Tuấn vẫn hoạt động.

Tại Hà Tĩnh, trong buổi đầu, phong trào sôi nổi nhưng cũng rất phân tán. Đáng chú ý là hoạt động của Lê Ninh. Nghĩa quân đã tiến đánh thành Hà Tĩnh, bắt bố chánh Lê Đại và án sát Trịnh Bưu là bọn quan tỉnh đầu hàng giặc. Nhưng rồi địch quay lại đàn áp khốc liệt, làng Trung Lễ bị triệt hạ, Lê Ninh phải lui về Bạch Sơn, thuộc huyện Hương Sơn, rồi ốm chết năm 1887. Các con của ông là Lê Khai, Lê Phác, Lê Trực thay ông chỉ huy tiếp tục chiến đấu. Quân của Phan Cát Tựu hoạt động cũng mạnh, năm 1887 ông bị hy sinh trong trận đánh trên sông Ốc Giang. Nghĩa quân của ông và của Lê Ninh sau đó về với Phan Đình Phùng. Ở Thạch Hà, quân của Nguyễn Cao Đôn hoạt động một thời gian thì tan rã. Anh em Bùi Hanh bị hy sinh, ông thế cô, bị giặc lừa ra đầu thú, chúng ép ông phải cộng tác, nhưng ông không chịu và đã bị chúng bắn chết ở dọc đường. Riêng đội quân của Bá hộ Thuận vẫn giữ vững căn cứ Truông Xai, nhiều lần đột kích vào thị trấn Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh gây thiệt hại cho địch. Ở Hương Sơn, các toán dần dần quy tụ vào cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, lúc đó do Cao Thắng chỉ huy. Ở Kỳ Anh, Võ Pháp vẫn hoạt động khá mạnh. Ở Can Lộc, quân của anh em Nguyễn Trạch vẫn được duy trì và ngày càng trưởng thành, năm 1888 số lượng lên tới 600 người và được chia thành những cơ, đội, lập căn cứ ở đồn Cơn Khế. Địch nhiều lần càn quét, nhưng đều thất bại. Ảnh hưởng của hai ông khá rộng. Sau khi Mai Trọng Quán hy sinh trong trận đánh cuối năm 1885, nghĩa quân đã về theo Nguyễn Trạch. Ở Cẩm Xuyên, phong trào tập trung dưới sự chỉ huy của Huỳnh Bá Xuyên. Nhưng nghĩa quân gặp nhiều khó khăn. Lãnh binh Nguyễn Chuyên đóng ở một miền núi giáp Thạch Hà bị giặc đánh úp, ông bị bắt và đã cắn lưỡi tự tử ở dọc đường. Đế Dừ cũng bị bắt và hy sinh. Ở Nghi Xuân, Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ hoạt động được ít lâu thì đem quân về với Cao Thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:20:27 am »


Như vậy, ở Hà Tĩnh, trong thời gian từ 1885 đến 1888, phong trào có nhiều chuyển biến. Những đội quân lẻ tẻ, thiếu tổ chức không thể đứng vững nổi trước lực lượng quân thù mạnh và có vũ khí tối tân. Điểm lại, không kể quân của Phan Đình Phùng do Cao Thắng chỉ huy vẫn giữ vững và phát triển, ở Hà Tĩnh chúng ta chỉ thấy còn lại quân của Bá hộ Thuận ở Thạch Hà, quân của Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh ở Can Lộc, quân của Võ Pháp ở Kỳ Anh và quân của Huỳnh Bá Xuyên ở Cẩm Xuyên. Cũng như những đội quân còn lại ở Nghệ An, họ tuy được rèn luyện trưởng thành trong chiến đấu, nhưng vẫn ở tình trạng cô lập và phân tán và từ sau khi Hàm Nghi bị bắt, thì nghĩa quân không tránh khỏi có tư tưởng hoang mang dao động. Phong trào sụt xuống rõ rệt và đòi hỏi sự thống nhất lãnh đạo tập trung ở một số người có uy tín lớn rộng. Chỉ trên cơ sở đó cuộc kháng chiến ở Nghệ Tĩnh mới có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới. Giữa lúc này, cụ Phan ở ngoài Bắc về trực tiếp chỉ huy nghĩa quân và tập hợp lực lượng chống Pháp. Từ đấy, phong trào Nghệ Tĩnh bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới.

Nhận được chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng và nhiều nhà khoa bảng có danh vọng ở địa phương đã đứng ra ứng nghĩa. Phan Đình Phùng sớm biết rằng, muốn chiến thắng bọn tư bản phương Tây thì phải đoàn kết được rộng rãi nhân dân, thống nhất lực lượng trong Nam ngoài Bắc. Vì vậy, ngay sau đó, ông đã ra Bắc, giao quyền lại cho Cao Thắng và khuyên chưa nên sớm bộc lộ lực lượng. Thực hiện chỉ thị của ông, Cao Thắng đưa đại bản doanh về Hương Sơn, nơi có địa thế hiểm trở để xây dựng phong trào. Phải nói rằng, Cao Thắng vừa chiến đấu và chỉ huy giỏi, vừa là người có tài tổ chức. Từ một đội quân còn mỏng manh, ông đã xây dựng nên một đội ngũ có tổ chức hùng hậu. Ông biết gần gũi nghĩa quân, tin cậy và thương yêu họ. Vì thưởng phạt nghiêm minh nên họ giữ được kỷ luật chặt chẽ. Nghĩa quân ở các nơi dần dần theo về với Cao Thắng. Mặc dù xuất thân từ thành phần nông dân nghèo khổ, nhưng tính ông khảng khái, khiêm tốn, biết nhường nhịn, nên nhiều nhà khoa bảng, thân hào thành thật cộng tác với ông. Ông lại được nhiều người có tâm huyết, như Thái Vĩnh Chinh, Nguyễn Huy Giao, Nguyễn Quỳnh hết lòng giúp đỡ. Cao Thắng rất chú trọng đến vấn đề lương thực vũ khí. Ông thấy rằng muốn thắng địch phải tự sản xuất được vũ khí và ông quyết tâm thực hiện ý định này. Loại súng trường do Cao Thắng chế tạo ra, địch phải thừa nhận rằng không kém gì so với súng của Pháp sản xuất. Trong công việc sản xuất vũ khí, ông đã được sự giúp đỡ đắc lực của Đội Quyên và Lê Phát. Đội Quyên, biệt hiệu là Đại Đẩu, ở làng Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ. Năm 16 tuổi, ông đã là một thợ rèn giỏi ở Nguyệt Tỉnh, huyện Hưng Nguyên. Khi phong trào Cần Vương bùng nổ, ông theo Lê Ninh khởi nghĩa, sau đó theo Cao Thắng và được giao việc tổ chức chế tạo vũ khí. Lê Phát, lúc đầu theo Lê Ninh làm thư ký trong quân. Cuộc khởi nghĩa Lê Ninh thất bại, ông theo về với Cao Thắng. Ông rất thông minh, có tinh thần tìm tòi nghiên cứu. Súng ống hỏng của nghĩa quân đều do ông sửa chữa. Cao Thắng đã tin yêu và cử ông giữ chức kiểm biện. Cao Thắng đã cùng Đội Quyên, Lê Phát miệt mài tìm tòi và khắc phục khó khăn, chế tạo ra được những khẩu súng đầu tiên theo kiểu Tây phương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:20:45 am »


Về sau, rút kinh nghiệm của Cao Thắng, các quân thứ cũng đều tổ chức công binh xưởng chế súng. Theo các bô lão địa phương kể lại, quân thứ Can Lộc cũng lập công binh xưởng ở gần đồn Cơn Khế, giữa khu rừng rậm, kín đáo, xung quanh có nhiều thác nước chảy làm cho người đi ngay cạnh cũng không nghe thấy tiếng kéo bễ, búa đập. Việc sản xuất vũ khí của Cao Thắng đã có tiếng vang lớn, thanh thế nghĩa quân ngày càng rộng rãi. Năm 1888, cụ Phan trở về, hy vọng lấy phong trào Nghệ Tĩnh làm cơ sở để thống nhất lực lượng nghĩa quân trên toàn quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của cụ, các đội quân ở Nghệ Tĩnh đã cử người tìm đến Hương Sơn để xin gia nhập. Căn cứ vào tình hình cụ thể từng nơi, cụ đặt ra các quân thứ để phối hợp chiến đấu và mở rộng hoạt động chống Pháp.

Việc thành lập các quân thứ gắn liền với quá trình thống nhất lực lượng nghĩa quân Nghệ Tĩnh. Các quân thứ đều dựa vào cơ sở cũ, nơi nào yếu thì được bổ sung giúp đỡ phát triển. Các quân thứ chủ yếu được thành lập từ sau khi cụ Phan ở Bắc về. Phong trào Quảng Bình cũng được cụ chú ý. Trong thời gian này, nghĩa quân Quảng Bình đang gặp khó khăn, Tôn Thất Thiệp bị hy sinh trong lúc bảo vệ Hàm Nghi, Tôn Thất Đạm thoái chí tự tận, Lê Trực ra đầu thú. Phong trào sút xuống rõ rệt, nghĩa quân tan rã bỏ ra Hà Tĩnh tìm đến căn cứ Cao Thắng. Để duy trì và xây dựng lại phong trào Quảng Bình, Phan Đình Phùng lập hai quân thứ:

- Lệ thứ (Lệ Thủy) do Nguyễn Bí chỉ huy;

- Bình thứ (Quảng Bình) do Nguyễn Thụ chỉ huy.

Phan Đình Phùng còn mong muốn thống nhất phong trào chống Pháp trên toàn quốc. Theo tài liệu của địch, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã nhiều lần vượt đèo Ngang vào miền Nam Trung Bộ nhằm xây dựng lại phong trào. Còn ở ngoài Bắc, lấy danh nghĩa Đốc Thị Lưỡng Kỳ Quân vụ đại thần, ông đã cử Tống Duy Tân chỉ huy phong trào chống Pháp cùng với hai ông Nguyễn Đức Ngữ và Hoàng Văn Thúy (tức Đốc Ngữ và Đề Kiều). Năm 1892, Tống Duy Tân bị giặc bắt, Cầm Bá Thước vẫn tiếp tục chiến đấu và tham gia phong trào Phan Đình Phùng, ông được cử chỉ huy quân thứ Thanh Hoá (Thanh thứ).

Cuộc khởi nghĩa lớn ở Nghệ Tĩnh do Phan Đình Phùng lãnh đạo chính là kết tinh và trưởng thành từ phong trào chống Pháp rộng lớn của nhân dân Nghệ Tĩnh, Quảng Bình và Thanh Hóa. Điều đó nói lên rằng Phan Đình Phùng và Cao Thắng không những đã biết tổ chức và chiến đấu, mà còn lo đến việc thống nhất các lực lượng nghĩa quân. Điều đó cũng cắt nghĩa cho sự tồn tại và sức mạnh của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong những năm cuối thế kỷ thứ XIX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:48:24 pm »


Câu hỏi 2: Cho biết khái quát về thân thế, sự nghiệp Phan Đình Phùng với cuộc khởi nghĩa Hương Khê?
Trả lời:


Trong công cuộc đánh giặc cứu nước của các văn thân vào cuối thế kỷ XIX, Phan Đình Phùng - lãnh tụ nghĩa quân Hương Khê xuất hiện như một ngôi sao sáng nhất.

Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh năm 1847 tại làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ánh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, trọng đạo nghĩa, con cụ Phó bảng Phan Đình Tuyển; là em ruột các ông Tú tài Phan Đình Thông, Cử nhân Phan Đình Thuật và là anh ruột Phó bảng Phan Đình Vận.

Phan Đình Phùng thi đậu cử nhân năm 1876, năm sau, 1877, đậu Đình nguyên Tiến sĩ, nên nhân dân địa phương còn gọi là cụ Đình; được bổ Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), sau đó cụ được đổi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử Đô sát viện. Cụ Phan nổi tiếng về tính cương trực và thẳng thắn. Năm 1882, cụ dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chánh về tội "ứng binh bất biến" (cầm quân ngồi yên không đi tiếp viện) khi giặc Pháp tiến công thành Nam Định. Năm 1883, vì thấy Tôn Thất Thuyết làm việc phê Dục Đức lập Hiệp Hòa, cụ đứng lên phản đối và vì thế bị Tôn Thất Thuyết đuổi về làng.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp. Các anh hùng hào kiệt khắp bốn tỉnh miền Bắc Trung Kỳ tự nguyện liên kết lực lượng dưới quyền chỉ huy tối cao của cụ Đình. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (Vụ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Địa bàn hoạt động rất rộng, bao gồm vùng Nghệ Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ buổi đầu kháng chiến, cụ đã có nhận thức đúng đắn: cần có sức mạnh của toàn dân mới có thể chiến thắng được quân thù và cần có vũ khí hiện đại. Do đó, cụ đã giao cho Cao Thắng lãnh trách nhiệm tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ Tĩnh, còn cụ ra Bắc (1887) đặt quan hệ và vận động thống nhất các lực lượng chống Pháp ở cả hai miền. Cao Thắng, người tùy tướng tài ba lỗi lạc của cụ, sau mấy tháng trời lao động, ngày đêm tìm tòi đã cùng các đồng chí chế tạo được súng đạn đánh Pháp, đặc biệt là súng trường kiểu 1874, đồng thời còn chăm lo giáo dục nghĩa quân tinh thần hăng hái dũng cảm, quyết chiến và ý thức tổ chức kỷ luật...

Năm 1888, Phan Đình Phùng ở Bắc về, trực tiếp lãnh đạo phong trào; thanh thế của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Cụ chia nghĩa quân ra làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 nghĩa binh, có đề đốc hoặc lãnh binh chỉ huy, riêng đại đồn Vụ Quang lúc nào cũng có 500 quân trở lên.

Chiến thuật, chiến lược của cụ là dựa vào núi rừng hiểm yếu và công sự kiên cố để đánh giặc. Nhưng khác với lối đánh lập chiến tuyến cố định như của nghĩa quân Ba Đình (Thanh Hóa) trước đó, cụ biết dùng căn cứ vững chắc phối hợp với lối đánh du kích để tiêu diệt quân thù. Nghĩa quân có căn cứ địa nhưng không thủ hiểm, luôn luôn phân tán hoạt động đánh đồn diệt viện, chặn đường giao thông; không phá được đồn thì nhử địch ra ngoài để tiêu diệt; dùng hố chông, cạm bẫy để đánh địch, do đó đã làm cho quân địch nhiều phen khiếp sợ. Trận Vụ Quang tháng 10 năm 1894, áp dụng mưu kế "Sa nang úng thủy" của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa, đã làm cho bọn địch tổn thất nặng nề: 100 lính và ba sĩ quan địch bị tiêu diệt; nghĩa quân thu 50 súng và rất nhiều quân trang, quân dụng. Vì vậy, mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, cụ vẫn duy trì cuộc kháng chiến được mười năm, là thời gian dài nhất trong phong trào Cần Vương của nhân dân ta chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX.

Trong sự nghiệp mười năm "Cần Vương chống Pháp", Phan Đình Phùng luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, một lòng một dạ cứu nước, cụ đã chiếm được lòng tin yêu của nghĩa quân và lòng kính mến của nhân dân. Giặc đem danh lợi ra mua chuộc cụ, nhưng thất bại. Chúng dùng vũ lực đế uy hiếp tinh thần, cụ không sờn lòng. Chúng bắt thân nhân của cụ, khai quật mồ mả tổ tiên, cụ không nản chí. Câu trả lời khảng khái của cụ trước mặt tên Lê Kinh Hạp Tiễu phủ sứ - tay sai của giặc, khi hắn dọa bắn giết người anh ruột là Phan Đình Thông và đào mả tổ tiên, đã nói lên khí tiết của một vị anh hùng dân tộc: "Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình, thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?".

Phan Đình Phùng kiên quyết kháng chiến, một lòng một dạ vì nhân dân, vì đất nước. Đến cuối năm 1895, trong một trận giao chiến ác liệt, cụ bị thương và sau đó đã hy sinh tại quân doanh vào ngày 28 tháng 12 năm 1895. Từ đó, phong trào Cần Vương của nhân dân ta coi như kết thúc, chấm dứt cả một thời kỳ đấu tranh vũ trang oanh liệt do các nhà sĩ phu văn thân yêu nước lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo là bản hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đứng về giá trị truyền thống mà nói thì đây là một sự tiếp tục, một sợi dây nối liền với những chủ trương của các sĩ phu yêu nước tiến bộ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:49:08 pm »


Câu hỏi 3: Cho biết đôi nét về làng Đông Thái, Đức Thọ, Hà Tĩnh - nơi sinh của Phan Đình Phùng và những người thân trong gia đình ông?
Trả lời:


Đông Thái là một làng nổi tiếng nhất trong tỉnh Hà Tĩnh, được mọi người gọi là làng có nhiều mũ cánh chuồn, vì xưa nay có người đậu đạt lớn, làm quan to rất nhiều. Khởi lên từ đời nhà Lê, phát một ông Quận công, nhà giàu có, hay làm việc phúc đức, dân trong địa phương đều được nhờ cậy, cho nên người ta sùng bái lắm, tôn ông là "Kiều Quận công".

Đến đời gần đây, làng Đông Thái lại càng đại phát, thi đậu hay làm quan cũng vậy. Ví như Quận công Hoàng Cao Khải và hai tổng đốc Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu, ba cha con hiển hách một thời. Còn nhớ lúc ông quận Hoàng bày tiệc thọ bảy mươi, có người mừng câu liễn rất đúng, rất ý nghĩa: "Con cái một nhà hai tổng đốc, Pháp Nam hai nước một công thần”.

Đối với họ Phan, thì từ ông Phan Như Tính làm tổng đốc tỉnh Hải Dương hồi còn thuộc về Nam triều và chính là thầy học của cụ Phan Đình Phùng cho tới các ông Tiến sĩ Phan Đình Du, Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận, v.v... đều là người đồng hương đồng thời với cụ Phan.

Người ta thường bảo hai cái thái cực không gặp nhau. Đằng này chúng ta thấy hai cái thái cực cùng ở một làng Đông Thái: Họ Hoàng phò tá bảo hộ được vinh hiển đến tột bậc, họ Phan chống cự bảo hộ cũng quyết liệt tột bậc!

Họ Phan, từ thủy tổ ở đời Lê, truyền đến Đình Phùng là 12 đời, mà đời nào cũng có người thi đậu lớn, làm quan to, cho nên người ta thuở trước đã từng đặt tên cho xóm họ Phan ở là "Ô-y hạng", tỏ ý là một xóm toàn người đậu đạt cao sang.

Ông thân sinh ra Phan Đình Phùng là Phan Đình Tuyển, đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn (1844) về thời vua Thiệu Trị. Làm quan tới Phủ doãn phủ Thừa Thiên, sau vâng mệnh vua sai ra Bắc làm chức Tán lý Quân vụ dẹp giặc ở tỉnh Lạng Sơn, bị tử trận.

Phan Đình Phùng có năm anh em:

Anh cả là Phan Đình Thông, đậu Tú tài, làm Phó quản đốc một đội thuyền chiến; thứ hai là Phan Đình Thuật, đậu Cử nhân làm Giáo thọ; thứ ba là Phan Đình Tuấn mất sớm; cụ Phan là thứ tư; còn người em út là Phan Đình Vận, đậu Phó bảng làm Tri phủ. Cụ còn hai em khác mẹ nữa, nhưng không ai thành đạt.

Phu nhân Phan Đình Phùng là con gái một quan phủ ở làng Thọ Tường cũng thuộc về tổng Việt Yên, sinh ra được bốn người con trai, về sau, phu nhân và mấy người con trai lớn đều mất sớm về bệnh điên, nhằm lúc Phan đang cầm quân kháng cự binh Pháp ở núi Vụ Quang, cho nên cụ đã than thở: "Mình sinh gặp phải lúc gia biến, quốc biến, thê biến, tử biến".

Trong bốn người con trai của cụ, duy có người sót lại là Phan Đình Cừ có tiếng thông minh, can đảm.

Phan Đình Cừ còn gọi là Bá Ngọc, hồi nhỏ theo cụ ở luôn trong quân. Đến năm Bính Thân (1896), nghĩa là sau khi cụ mất một năm, thì trốn đi du học ở Nhật Bản. Nhiều người tưởng chắc mai sau Bá Ngọc có thể nối được chí lớn của cha. Nhưng về sau xoay đổi xu hướng, có lẽ suy nghĩ việc nước không thể cứu lại được nữa, dẫu có làm gì thì chẳng qua cũng như "dã tràng xe cát biển Đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chuyện gì", rồi người ta thấy Nguyễn Bá Trác về trước đưa Bá Ngọc về sau, quy thuận chính phủ bảo hộ làm những việc có hại cho phong trào cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Sau đó Bá Ngọc lại đi sang Tàu, song lần này đi một cách công khai. Không biết Bá Ngọc đi như thế có mục đích gì, chỉ biết cuối năm 1921, có tin ngoài báo về rằng một đêm Bá Ngọc đang chơi đèn, đốt pháo ở Hàng Châu (Trung Quốc) bất thình lình bị một thanh niên Việt Nam yêu nước cầm súng lục chĩa ngay vào Bá Ngọc mà bắn bảy phát, làm Bá Ngọc chết tươi, chấm dứt cuộc sống của một con người sớm bị khuất phục bởi lợi danh và đi ngược lại con đường cách mạng của cha mình.

Cụ Phan lại còn một bà vợ thứ nữa, tức là em ruột ông Lại bộ Tham tri Trần Trạm. Bà này về ở với cụ và sinh được một người con trai là Phan Đình Cam nhưng bị mất sớm; sau lại sinh hạ một người con trai nữa. Năm 1925-1926, còn thấy bà và cậu thứ nam đó ở làng Đông Thái. Sau đó, tin tức ra sao cũng chưa rõ.

Hồi cụ Phan cầm quân khởi nghĩa, những lúc lên ghềnh xuống thác, xông pha hòn đạn mũi gươm, sớm tối đều có bà truy tùy ở trong quân cho tới khi chung cuộc, nên người ta gọi bà là "cố nguếch rừng". Nguếch là một tiếng ở Nghệ Tĩnh dùng để chỉ người đàn bà nào đẻ con đầu lòng là gái; rừng là để chỉ rằng bà theo hầu cụ Phan ở trong rừng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 05:49:52 pm »


Câu hỏi 4: Trình bày tóm tắt diễn biến, kết quả một số trận đánh của nghĩa quân Hương Khê?
Trả lời:


Sau khi củng cố lực lượng, ổn định tổ chức, được sự cổ vũ của toàn dân, nghĩa quân bắt đầu tác chiến.

Năm 1889

Ngày 1 tháng 9 năm 1889, Đề Niên lập hai đồn tại Mỹ Hòa đánh thắng trận càn của đơn vị lính tập do tên Thiếu úy De Ninort chỉ huy. Nghĩa quân diệt được 16 tên lính khố xanh và một tên lãnh binh ngụy. Tuần phủ Hà Tĩnh và tên Giám binh Jacquet phải mang nhiều binh lính đến cứu nguy.

Ngày 15 và 16 tháng 12 năm 1889, nghĩa quân đột kích đồn Dương Liễu gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cuối tháng 12 năm 1889, nghĩa quân đánh đồn Hương Sơn do tên Thiếu úy Lambert và Roty chỉ huy đóng giữ.

Năm 1890

Tháng 3 năm 1890, đồn Hương Sơn bị tấn công một lần nữa, địch hoang mang lo sợ xin viện binh ứng cứu. Quân địch tăng cường càn qua huyện La Sơn và Hương Sơn. Đề Thắng và Phan Trọng Mưu anh dũng chống cự. Ở Hương Khê, các ông Bang Trúc và Hiệp quản Diệp tăng cường hoạt động, quân địch buộc phải rút lui.

Ngày 13 tháng 4 năm 1890, Đốc Chanh và Đốc Trạch phục kích giặc ở làng Hốt, nhiều lính khố xanh và lính dõng bị tiêu diệt.

Đêm 26 và 27 tháng 5 năm 1890, cai khố xanh tên là Hép ở đồn Trường Lưu ra hàng nghĩa quân, chỉ đường cho quân ta đánh đồn này. Đêm 28 tháng 5, nghĩa quân công đồn ráo riết, hai tên Thiếu úy Devogh và Trouve bỏ đồn chạy, quân ta rút về căn cứ. Ngày 29 tháng 5, chúng tăng viện chiếm lại đồn.

Đêm 31 tháng 5, đồn Trường Lưu lại bị ta tấn công, địch đóng cửa đồn không dám chống cự, nghĩa quân chuyển sang đánh đồn Hương Sơn.

Đêm 12 tháng 6 năm 1890, một toán lính khố xanh do Cai Lai chỉ huy từ Napé về Hà Trai bị Đề Đạt phục kích, tiêu diệt.

Đêm 13 tháng 6 năm 1890, nghĩa quân đánh đồn Hương Sơn và bao vây đồn Linh Cảm.

Ngày 14 tháng 6 năm 1890, Giám binh Lambert bị đánh bại khi đi càn quét ở phía trên Hương Sơn vội vàng rút chạy.

Ngày 26 tháng 6 năm 1890, hai thiếu úy khố xanh và Lambert bị chặn đánh tại Gia Định, Đông Tài và làng Hót. Địch rút chạy, nghĩa quân đánh đồn Trường Lưu lần thứ tư.

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 6 năm 1890, nghĩa quân đánh địch ở hai làng Trung Lễ và Thượng Ích, giặc thiệt hại nặng nề và rút chạy. Sau đó địch cho quân về đốt phá hai làng này.

Ngày 20 tháng 7 năm 1890, đồn Linh Cảm bị nghĩa quân tấn công, tên thượng tá ngụy đến tiếp cứu bị nghĩa quân phục kích chặn đánh tiêu diệt. Phía nghĩa quân, Đội Trạc và Cai Hẹp bị thương.

Đêm 21 tháng 7, nghĩa quân đánh đồn Quỳ Châu, do điều tra không kỹ, nghĩa quân thất bại. Lãnh Thiệt hy sinh. Giặc do thám biết tình hình nghĩa quân do Đề Mậu chỉ huy ở vùng Cây Chanh, Đồn Cốc. Công sứ Nghệ An là Luce tổ chức bao vây đánh Đề Mậu. Quân địch bao vây bốn mặt, Đề Mậu chỉ huy nghĩa quân vừa đánh, vừa theo đường bí mật rút lui.

Ngày 2 tháng 9 năm 1890, quân địch từ Hà Tĩnh về Kỳ Anh dồn lực lượng đi càn quét bị Đốc Chanh phục kích ở Cẩm Xuyên.

Ngày 14 tháng 9 năm 1890, nghĩa quân chặn đánh quân Lambert tại làng Xuân Liễu cách thị xã Hà Tĩnh 14km.

Tháng 10 năm 1890, nghĩa quân hai huyện Hương Khê và Hương Sơn hợp với quân của Đốc Chanh đánh đồn Nam Huân. Cuộc chiến đấu kéo dài năm ngày từ 20 đến 25 tháng 10 tại các làng Gia Hanh và làng Hốt cùng các vùng phụ cận.

Tháng 12 năm 1890, địch điều thêm quân đánh vùng Trại Tháp cách Nam Huân 6km. Nghĩa quân của Mai Văn Vinh đánh đồn Linh Cảm và chống trả quyết liệt cuộc càn quét của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại buộc chúng phải rút về căn cứ. Đây là giai đoạn nghĩa quân hoàn toàn chủ động chiến trường tại các huyện Thanh Chương, Hương Sơn, La Sơn, Hương Khê.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM