Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:09:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44612 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 03:07:28 pm »

        
        - Tên sách: Chiến đấu ở Tây Nguyên
        - Tác giả: Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo Người thể hiện: Phạm Vũ Quỳnh
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản: 2004
        - Số hóa: Đánh đông dẹp bắc



LỜI CẢM ƠN

        Để hoàn thành cuốn hối ký này, tôi đã nhận được sự giúp đờ nhiệt tình và quí báu của:

        - Nhà xuất bản Quản đội nhân dân, Tổng công ty Sách Viêt Nam, báo Văn nghê Trẻ.

        - Bài viết của đống chí Nguyễn Văn Hùng và Tiến sĩ Vũ Cao Phan.

        - Các ý kiến đóng góp của nhiêu bạn hữu cùng với các tài liệu tham khảo trích dẫn.

        Vậy tôi xin có lời chăn thành cảm ơn.

        Tuy nhiên, cuốn sách vẫn không tránh khỏi còn nhiêu thiếu sót.

        Rất mong sự góp ỷ của bạn đọc.


Hà Nội, ngày 29-11-2004
Thượng tướng Giáo sư
Hoàng Minh Thảo


LỜI NÓI ĐẦU

        Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, sinh năm 1921 tại làng Cao, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình thợ may, cha là Tạ Quang Khai, mẹ là bà Nguyễn Thị Tành.

        Cũng như bao nhiêu thanh niên Việt Nam giác ngộ thời đó, ông rời quê hương đi tham gia cách mạng từ năm 1937, hoạt đông ở Lạng Sơn. Từ năm 1941 đến năm 1944 ông được Bác Hồ cử đi học quân sự tại trường Tây Cán Bang ở Liễu Châu, Trung Quốc. Trở về nước tham gia Cách mạng Tháng Tám rồi trở thành Tư lệnh Chiến khu 3 (1945-1946), Tư lệnh Chiến khu 4 (1948-1950). Năm 1950, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, năm 1954 ông được bổ nhiêm làm Hiệu trưởng Trường Quân chính.

        Ông là người đam mê đánh giặc bằng mưu kế, thế trận điển hình là chiến dịch Đắc Tô 1 (1967) chiến dịch Đắc Xiêng (1970), chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh (1972), chiến dịch Tây Nguyên mà ông đều làm tư lệnh là đỉnh cao về nghệ thuật đánh giặc bằng mưu kế của ông. Và, ông luôn tạo ra được niềm tin cho những sĩ quan và chiến sĩ của mình.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng viết: "Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là một thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất và có khả năng phát triển xuống đồng bằng. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân, thiếu nước".

        Sau giải phóng miền Nam, năm 1976 ông về làm Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, năm 1977 ông làm Giám đốc Học viên Quốc phòng cho tới năm 1990... Với những đóng góp của ông, năm 1984 ông được phong quân hàm Thượng tướng, năm 1986, ông được phong hàm Giáo sư và năm 1989, ông được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

        Cuốn sách Chiến đấu ở Tây Nguyên là tập hồi ký của Thương tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, giới thiêu khái lược cuộc đời từ khi tham gia cách mạng đến mùa Xuân 1975 của ông, chủ yếu ở chiến trường Tây Nguyên. Bằng lối viết giản dị, dễ hiểu cuốn sách cho người đọc thấy được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở chiến trường Tây Nguyên, ta đã thắng địch bằng mưu, bằng kế, như thế nào. Thắng địch bằng mưu bằng kế cho đến nay luận điểm này vẫn giữ nguyên giá trị.

        Xin trân trong giới thiệu với các đồng chí và đông đảo bạn đọc.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:57:20 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:24:50 am »


LỜI GIỚI THIỆU

        Thượng tướng Hoàng Minh Thảo thuộc thế hệ những tướng lĩnh đã có mặt và góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam ngay từ những ngày mới hình thành.

        Khi nói về thế hệ này, tôi luôn nhớ đến câu hỏi mà rất nhiều người trong đó có các đồng nghiệp sử học nước ngoài hỏi về người Anh Cả của quân đội ta là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là câu hỏi: Vị Tổng tư lệnh của hai cuộc chiến tranh vệ quốc đánh thắng "hai đế quốc to" được đào tạo từ đâu?

        Câu trả lời không chỉ đến từ một thầy giáo sư trẻ tuổi của Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội mà đến từ mọi người thuộc thế hệ những tướng lĩnh đầu tiên, trong đó có một người "con của một tiểu chủ yêu nước, sau khi bị bọn Pháp lùng bắt đã buộc phải bỏ miền đông Bắc bộ để lên vùng rừng núi Tràng Định - Thất Khê (Lạng Sơn) kiếm kế sinh nhai bằng nghề thợ may" là Hoàng Minh Thảo. Họ là thế hệ chứa chất trong lòng nỗi nhục mất nước, khao khát Tổ quốc được độc lập, tự do và cùng tình nguyện tụ nghĩa dưới ngọn cờ lãnh đạo của người Anh hùng Cứu quốc Hồ Chí Minh. Đó là câu trả lời chung và mỗi người trong số họ tùy theo hoàn cảnh và tài năng đã cống hiến và trưởng thành trong thực tiễn thử thách của Cách mạng.

        Hoàng Minh Thảo đừng là một học trò - hiểu đúng nghĩa đen của chữ - của thày giáo Võ Nguyên Giáp trên ghế Trường Thăng Long (Hà Nội) nổi tiếng, ông tham gia cách mang từ không khí sôi nổi của phong trào Mặt trận Bình dân vào cuối thập kỷ 30, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cùng một số đồng chí trẻ tuổi vượt biên giới qua Trung Quốc đào tạo quân sự để kháng Nhật từ năm đầu thập kỷ 40; rồi được điều về tăng cường cho chiến khu 3; rồi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng tại Hải Phòng trước khi Toàn quốc Kháng chiến:..

        Và khi cuộc kháng chiến chống Pháp sắp kết thúc thắng lợi, ông được giao một trọng trách gắn bó lâu dài với cuộc đời binh nghiệp của mình, đó là tham gia công tác đào tạo của lực lượng vũ trang, bắt đầu từ cương vị hiệu trưởng Trường Quân chính trung cấp trên chiến khu Bắc Sơn lịch sử... cho đến khi được phong quân hàm Thượng tướng, học hàm Giáo sư và vinh danh Nhà giáo Nhân dân gắn với hệ thống đào tạo cao cấp nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

        Nhưng, cuộc đời của ông không chỉ đứng trên bục giảng mà uy tín học thuật của ông còn được đúc kết từ thực tiễn ác liệt của chiến trường, mà Tây Nguyên là địa danh đã gắn liền với cuộc đời binh nghiệp, ông đã dành tên sách "Chiến đấu ở Tây Nguyên" và hai phân ba số trang hồi ký để viết về chiến trường mang tầm vóc chiến lược này, vừa như một kỷ niệm chinh chiến của một vị tướng cầm quân, vừa là một bản tổng kết nghệ thuật quân sự của một vị tướng - giáo sư cầm bút.

        Đó là phần đóng góp mà ông cho là tâm đắc nhất của đời mình đối với Quân đội và Tổ quốc. Đọc những trang viết của ông, người đọc thấy toát lên tư chất của một của một con người góp phần làm nên lịch sử, hiểu theo cả nghĩa bóng là người chiến sĩ cách mạng và theo cả nghĩa đen là một nhà sử học thực thụ.

        Đến nay, số đông trong họ đã hoàn thành nhiêm vụ và giờ đây một trong những việc làm có ý nghĩa nhất đối với các vị tướng lĩnh thuộc thế hệ "khai quốc” là viết hồi ký. Mỗi cuốn hồi ký của ho là một thiên tiểu thuyết về cuộc đời một con người. Nhưng mỗi cuốn hồi ký ấy cũng là một phần của lịch sử. Lịch sử của một thời đã qua nhưng nó mãi mãi có ý nghĩa với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của mọi thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau. Hội Khoa học Lịch sử coi đó là một phương thức để bảo tồn ký ức của một "thế hệ vàng" đã làm nên một thời đại của những chiến công hùng vĩ, viết tiếp những trang sử vẻ vang của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... của tổ tiên.

        Ở nước ta, việc dựng tượng đồng các tướng lĩnh chưa thành một tập quán phổ biến như nhiều quốc gia khác, thì mỗi cuốn hồi ký là một bức tượng gắn vào ký ức các thế hệ hình ảnh những gương mặt cụ thể làm cho lịch sử trở nên không vô nhân xưng và làm cho lịch sử là một tấm gương không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để noi theo.

        Vì lẽ đó tôi trân trọng giới thiệu cuốn hồi ký của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo, người mà giới sử học luôn coi là một đồng nghiệp lão thành đáng kính.


10 – 2004                 
Dương Trung Quốc           
Tổng thư ký Hội KHLSVN       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:29 am »


PHẦN 1

ĐI THEO CÁCH MẠNG

        Vào năm 1956, nhận lời mời của Đảng ta, hai ông Nông Kỳ Chấn và Phan Toàn Chân từ biên giới Long Châu, Trung Quốc về thăm Hà Nội. Tại một ngôi nhà nằm trên phố Hoàng Diệu, tôi cùng với một vài đồng chí cán bộ khác đã dự bữa cơm thân mật với họ. Trước năm 1945, ông Nông Kỳ Chấn vốn là một lãnh tụ du kích Cộng sản Trung Quốc ở Hạ Đống (Long Châu) Trung Quốc, giáp ranh huyện Tràng Định Lạng Sơn, lại vừa là hương trưởng (Lý trưởng) của chính phủ Tưởng Giới Thạch. Bọn thổ phỉ vì khiếp sợ và khâm phục đã phong cho ông biệt hiệu "Đầu To” (Tài Thầu). Uy danh của ông lừng lẫy một thời. Còn ông Phan Toàn Chân cũng là một lãnh tụ du kích Trung Quốc có uy tín, một cơ sở để anh em Việt Minh ăn ở và hoạt động gây dựng phong trào Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám ở vùng biên giới. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Rong cũng quan hệ với khu vực này.

        Một vinh dự đến với chúng tôi là được Bác Hồ đến thăm, Bác không ăn cơm mà chỉ trò chuyện với chúng tôi một lát rồi ra về. Bác Hồ đã từng biết tiếng "Tướng Đầu To". Vì thế mà Bác đến chơi. Trong buổi gặp ấy, Bác nói một câu rất vui với Tài Thầu:

        - Tôi muốn xem đầu chú to như thế nào?

        Bữa cơm hôm ấy diễn ra rất thân mật, gợi lại trong tôi kỷ niệm cuộc đời, của thời thanh niên trong những ngày đầu đi theo cách mạng, những kỷ niệm đó cứ hiện về rất rõ. . .

        Tôi lớn lên ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Cha tôi một tiểu chủ yêu nước, sau khi bị bọn Pháp lùng bắt đã buộc phải rời bỏ miền đồng bằng Bắc Bộ để lên vùng rừng núi Tràng Định - Thất Khê (Lạng Sơn) kiếm kế sinh nhai bằng nghề thợ may.

        Bước ngoặt cuộc đời tôi cũng bắt đầu từ đây. Năm 1935 tôi hoàn thành năm học thứ 6 – năm học cuối cùng (lớp nhất) của trường tiểu học ở thị trấn Thất Khê.

        Ngay từ những năm 1935 - 1936, tôi đã được các đồng chí đảng viên địa phương tuyên truyền giác ngộ về lòng yêu nước. Năm 1937 tôi về Hà Nội theo học tại trường tư thục Thăng Long.

        Lúc bấy giờ ông Hoàng Minh Giám là hiệu trưởng, các thầy dạy học là anh Phạm Văn Đồng, anh Võ Nguyên Giáp, nhà phê bình văn học thầy giáo Đặng Thai Mai. . .

        Ở trường, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính để giảng dạy và học tập. Điều này khiến cho những người Việt Nam yêu nước, trong đó có nhiều học sinh và ngay cả một số thầy giáo cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Tuy vậy, qua sách báo thời bấy giờ, tiếng Pháp cũng là "chiếc chìa khoá" để mở rộng tầm nhìn ra thế giới.

        Sau thắng lợi của Mặt trận Bình Dân Pháp, phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. Những thông tin về tình hình chính trị trên thế giới lan nhanh sang thuộc địa Đông Dương - An Nam qua con đường sách báo có tác dụng tích cực trong việc truyền bá những tư tưởng cách mạng tiến bộ từ đây đã kích thích chủ nghĩa yêu nước và ý thức giải phóng dân tộc trong những người yêu nước Việt Nam.

        Thực dân Pháp thấy được nguy cơ này đã ra sức hạn chế lượng sách báo, tài liệu lan tràn trên thị trường. Những chuyện lục soát bắt bớ người đọc "sách cấm" xảy ra như cơm bữa. Khi đó tôi có cho một người bạn mượn cuốn "Sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản" của Nhà xuất bản Xã hội Pháp. Người bạn này bị cảnh sát Pháp bắt và đã khai ra chủ nhân của cuốn sách, và tôi cũng bị bắt ngay sau đó. Tôi nhớ là đã bị tạm giam tại một nhà giam trên phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Lúc đầu bọn Pháp giở trò tra khảo, doạ nạt tôi, nhưng tôi không sợ mà cứ đàng hoàng nói:

        - Tôi thấy sách hay và rẻ thì tôi mua, sách bán đầy ngoài phố ai mua mà chẳng được. Sao các ông không bắt người bán sách mà lại bắt tôi.

        Tên chánh mật thám Pháp thấy tôi nói có lý bèn ghi vào biên bản "Mua sách vì tò mò" giam mấy ngày ăn cơm hẩm và tra khảo qua rồi sau đó phải thả tôi ra. Lần bị Pháp bắt trở thành bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi.

        Vì thế, khi tôi về nghỉ hè ở Thất Khê bọn tri phủ ở đây đã gọi tôi lên để cảnh cáo đe nẹt tôi vì đã từng tạm giam ở Hà Nội với tội danh "Tham gia hoạt động chống đối”. Bố tôi thấy vậy liền giữ tôi ở nhà không cho xuống Hà Nội học nữa. Tuy vậy tôi vẫn không từ bỏ con đường cách mạng của mình, mà tiếp tục tham gia các hoạt động của Đảng bộ huyện Tràng Định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:52 am »


        Năm 1940, Nhật đánh vào Lạng Sơn, tôi cùng một số anh em thanh niên ở địa phương dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng tham gia phong trào chống ảnh hưởng của Cường Để (tay sai của Nhật). Lúc này, có nhiều người lầm tưởng việc Nhật vào nước ta là để giúp dân ta thoát khỏi ách áp bức của thực dân Pháp, giành lại quyền độc lập cho dân tộc, nên họ đã ủng hộ Cường Để, tham gia các tổ chức Phục quốc đi theo Nhật. Đảng bộ địa phương đã kịp thời tổ chức lực lượng quần chúng, lãnh đạo một số cuộc mít tinh để chống lại Cường Để. Lần đầu tiên, một thanh niên yêu nước như tôi được tham gia cuộc mít tinh mang tính chính trị như vậy. Hoạt động thực tiễn đã giác ngộ chúng tôi rất nhiều về lý tưởng cách mạng, bước đường cách mạng. Đó là con đường thật không bằng phẳng; nhiều chông gai, nhưng chỉ có đấu tranh cách mạng mới đem lại tự do hạnh phúc, cơm no, áo ấm cho nhân dân.

        Được hoà vào dòng người đông đảo của những cuộc mít tinh lần ấy, trong trái tim tôi dòng máu cách mạng như được tiếp thêm không bao giờ cạn để chảy mãi chảy mãi cho đến hôm nay. Chính từ nhận thức đó, mà sau các cuộc mít tinh, số lớn anh em thanh niên yêu nước, căm ghét chủ nghĩa thực dân càng quyết tâm đi theo cách mạng. Khi Nhật điều đình lại với Pháp và thực dân Pháp trở lại khủng bố phong trào cách mạng nước ta, một số anh em phục quốc thì đi theo Hoàng Lương - lãnh tụ của tổ chức Phục Quốc thân Nhật sang Trung Quốc, còn một số anh em chúng tôi đi theo đường cơ sở của Đảng ta sang vùng Hạ Đống (Long Châu - Trung Quốc) để dựa vào cơ sở cách mạng ở biên giới tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia phong trào chống Nhật và Pháp.

        Năm 1941, Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu nên phải nhanh chóng hình thành các tổ chức Việt Minh để đẩy phong trào cách mạng ở trong nước lên cao. Đồng thời với chủ trương đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn một số anh em thanh niên yêu nước đưa sang Trung Quốc để học tập quân sự nhằm đào tạo những cán bộ chỉ huy quân sự sau này và tham gia chống Nhật. Chủ trương đó phù hợp với quyền lợi của quốc dân Đảng Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch cầm đầu. Với ý đồ vừa hợp tác vừa lợi dụng lực lượng Việt Nam để đánh Nhật nên chúng tiếp nhận chúng tôi vào học ở trường quân sự và tham gia đánh Nhật. Lúc đó, Tưởng tổ chức 2 trường: một trường dành riêng cho số anh em theo tổ chức Phục Quốc, một trường dành cho anh em Việt Minh. Tuy nhiên, trong trường của chúng tôi học cũng có cả một số ít anh em Phục Quốc và cả một số người Hoa Kiều ở Đông Nam Á. Điều đó không phải là vô cớ, mà chính là quân Tưởng đã cài người của họ vào hàng ngũ của ta để theo dõi, giám sát và cung cấp các tin tức cho chúng. Chúng tôi được huấn luyện cả quân sự, chính trị và tình báo. Thời gian đầu vì chúng tôi chưa thạo tiếng Trung Quốc nên họ đã cử một số người Việt Nam đi làm phiên dịch và tuyên truyền đường lối của Tưởng. Trong số họ tôi còn nhớ có tên Trần Báo.

        Cùng học với tôi lúc bấy giờ có anh Hoàng Văn Thái, anh Đàm Quang Trung, anh Vũ Nam Long, anh Thanh Phong, anh Vũ Lập và một số anh em khác. Lúc này ở Trung Quốc ta chưa có tổ chức Đảng, nên anh em chúng tôi thường sinh hoạt riêng, gọi là "sinh hoạt Việt Minh". Có một điều thật lý thú, anh em chúng tôi sống và ở chung với kẻ thù, bên ngoài thì tỏ ra bình thường và có vẻ cùng chung một mục đích còn bên trong thì hoàn toàn khác. Ban đêm, khi anh em chúng tôi sinh hoạt Việt Minh thì nhà trường đưa cả người của họ trà trộn vào, chúng tôi rất cảnh giác nên phát hiện được và đã tìm mọi biện pháp để giữ vững lập trường quan điểm lãnh đạo của Đảng ta, đánh lạc hướng chúng, giữ bí mật nội dung sinh hoạt. Có lúc thì chúng tôi thay đổi địa điểm sinh hoạt, có lúc thì chúng tôi thay đổi nội dung sinh hoạt (chủ yếu sinh hoạt theo nội dung học tập).

        Thật khó cắt nghĩa được đâu là trận tuyến đâu là ranh giới khác biệt. Chúng tôi hoàn toàn "độc lập tác chiến”, vừa học vừa rèn luyện ngay trong lòng người bạn hờ. Tạm thời hoà hoãn với nhau để đạt mục đích riêng của mình, ta và bạn hờ đều có chung ý định như vậy. Thực chất đó chỉ là sự hoà hoãn tạm thời với nhau về chiến thuật. Sau một thời gian huấn luyện ở Điền Đông Quảng Tây chúng tôi lại được chuyển về Liễu Châu để tiếp tục học chương trình quân sự, sau đó lại chuyển về Nam Ninh (Quảng Tây) theo học lớp chiến thuật và kỹ thuật biệt động quân. Có một điều đặc biệt là lớp này do sĩ quan Mỹ trực tiếp huấn luyện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:33:27 am »


        Những năm tháng học tập ở nước ngoài, chúng tôi học được rất nhiều điều bổ ích và lý thú. Đó không chỉ là những kiến thức quân sự, mà chính là từ những thanh niên mới lớn, bồng bột, trẻ trung, vô tư, sôi nổi, năm tháng ấy đã giúp chúng tôi giác ngộ được nhận thức của mình, ý thức được mình là người dân mất nước, ý thức được cuộc đời cách mạng với những khó khăn hy sinh không sao lường trước. Tất cả anh em chúng tôi chỉ mong đem những kiến thức đã học được để về phục vụ Tổ quốc, đấu tranh giải phóng dân tộc.

        Trong thời kỳ học tập ở Trung Quốc, chúng tôi phải đối phó với nhiều lực lượng khác nhau, như Quốc dân Đảng Trung Quốc, Hoa Kiều, Phục quốc ngoài ra còn phải đối phó với cả quốc dân Đảng Việt Nam. Đoàn học sinh Việt Minh lúc đó có khoảng 30 người. Đảng ta đã cử anh Hoàng Văn Thái làm lãnh đạo. Ban lãnh đạo lúc ấy gồm có anh Hoàng Văn Thái, anh Thanh Phong và một vài cán bộ khác. Nội dung học tập của chúng tôi chủ yếu là học tập quân sự, bên cạnh đó có học một số bài chính trị. Nhà trường vẫn thường xuyên chú ý theo dõi anh em Việt Minh chúng tôi bằng cách dùng người Hoa kiều nắm tình hình học sinh Việt Minh rồi báo cáo với ban lãnh đạo nhà trường. Mặc dù phải học tập trong hoàn cảnh phức tạp như thế nhưng anh em Việt Minh vẫn tìm mọi biện pháp linh hoạt để giữ vững sinh hoạt Việt Minh, giữ vững đoàn kết, tranh thủ những anh em tốt trong tổ chức Phục quốc.

        Đối với tổ chức quốc dân Đảng Việt Nam do Vũ Hồng Khanh lãnh đạo, chúng tôi cũng chỉ tạo mối quan hệ xã giao, nhưng thực chất là kiên quyết không hợp tác. Khi thành lập tổ chức cách mạng Đồng minh hội do quốc dân Đảng Việt Nam lãnh đạo, cụ Nguyễn Hải Thần lúc bấy giờ được bầu làm chủ tịch, nhưng thực chất chỉ làm bung xung, quyền bính đều nằm trong tay Vũ Hồng Khanh. Cụ Nguyễn Hải Thần là một người không có bản lĩnh. Tuy nhiên đối với anh em Việt Minh, Cụ đối đãi không có gì ác cảm lắm, nên anh em chúng tôi vẫn thường ủng hộ vật chất mỗi khi hoàn cảnh gia đình cụ gặp nhiều khó khăn cũng có lẽ chính vì thế mà có lần Việt Minh mời cụ đi gặp Đại tướng Trương Phát Khuê ở đại bản doanh của Đệ tứ chiến khu thì Cụ cũng đi. Do có cụ đi cùng mà những kiến nghị của chúng tôi về một số vấn đề đối với tướng Khuê có thể được giải quyết thuận lợi hơn.

        Như vậy, đối với Cụ Nguyễn Hải Thần, ngoài hạn chế, còn có ít nhiều thế mạnh, mà chúng ta đã kịp thời phát hiện và tranh thủ, cốt sao có lợi cho cách mạng là được. Cái khôn khéo của người làm cách mạng là phải biết tận dụng mọi khả năng cả khách quan và chủ quan, cả của ta và phía địch để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động thực tiễn.

        Tổ chức quốc dân Đảng cũng không chịu ngồi yên, khi tham gia tổ chức Cách mạng đồng minh hội, họ đã tổ chức vận động tuyên truyền anh em Việt Minh đi theo họ. Song mọi biện pháp của họ đều không thành, vì một phần chủ yếu là chúng tôi đã được giác ngộ cách mạng, có quan điểm lập trường Việt Minh vững vàng. Hơn nữa, những lần chúng đến, Ban lãnh đạo đã chủ trương cho anh em Việt Minh toả đi chơi ở nhiều nơi khác nhau, không đồng ý tập trung anh em Việt Minh để cho quốc dân Đảng tuyên truyền.

        Hoạt động thực tiễn phải rất linh hoạt, nhạy bén, cần phải tránh tư tưởng cứng nhắc. Chúng tôi đã hiểu được điều đó, nên để giữ được mối quan hệ bình thường với nhà trường và Đệ tứ chiến khu, khi anh em chúng tôi còn đang học, tránh được những mâu thuẫn không cần thiết, tránh những khó khăn khách quan nên chúng tôi có cử anh Nguyễn Thanh Đồng, đại diện cho anh em Việt Minh tham gia tổ chức cách mạng đồng minh Hội. Đặc biệt ở trong nước, Đảng ta cũng cử đồng chí Phạm Việt Tử ra hoạt động ở Trung Quốc và tham gia tổ chức này, anh Việt Tử nắm vững quan điểm Việt Minh, có trình độ lý luận vì thế anh thường tranh luận một cách sôi nổi, với những người trong tổ chức Quốc dân Đảng và Đồng minh Hội, sau cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, anh được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách công tác hậu cần của Bộ Quốc phòng. Mục đích của đồng chí Việt Tử tham gia chính là để nắm vững nội dung hoạt động và hạn chế những hoạt động mang tính chất phản động của họ. Anh Việt Tử là một cán bộ rất hăng hái hoạt động, và hoạt động có hiệu quả.

        Như trên đã nói, mặc dù chủ tịch Hội là Nguyễn Hải Thần, nhưng thực chất cách mạng đồng minh Hội là do Vũ Hồng Khanh nắm quyền lãnh đạo.

        Vũ Hồng Khanh là lãnh tụ quốc dân Đảng Việt Nam ở Hải ngoại Trung Quốc. Hắn có vẻ mặt kiên nghị, nhưng rất nham hiểm, ăn mặc cũng xuềnh xoàng. Trái lại, Nghiêm Kế Tổ, cấp phó của Vũ Hồng Khanh lại là con người trình độ chính trị non yếu nhưng lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao và khoác bên ngoài một dáng vẻ ăn chơi. Chẳng thế mà nếu có tổ chức cuộc tiếp xúc gì với anh em Việt Minh thì Nghiêm Kế Tổ chỉ nói được vài câu là Khanh đã phải xen vào nói đỡ cho hắn, kẻo lại bị nói hớ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:51:31 am »


        Chỉ cần thông qua một vài nhân vật chính trong tổ chức quốc dân Đảng và cách mạng đồng minh Hội, cũng đủ phác hoạ được diện mạo chân dung và đánh giá được vai trò, uy tín, ảnh hưởng của các tổ chức này đối với quần chúng nhân dân như thế nào rồi.

        Mặc dù, lúc bấy giờ, trong hoàn cảnh phải đối phó với nhiều lực lượng như thế, song anh em Việt Minh không những vẫn vững vàng, giữ vững đội ngũ đấu tranh, mà còn tuyên truyền, giác ngộ, vận động được một số anh em Phục Quốc đi theo mình nữa.

        Mọi hoạt động của chúng tôi có đúng chủ trương của Đảng, của cách mạng hay không chính là nhờ sự chỉ đạo của trong nước thông qua đường dây liên lạc bí mật. Khi còn đang học ở nước ngoài, anh em Việt Minh vẫn thường xuyên liên lạc với một số cán bộ trong nước được phái ra nước ngoài hoạt động, liên lạc với anh em ở trong trường học.

        Có một hôm, tôi được thi trước, sau khi thi xong, tôi xin phép được ra ngoài phố và mục đích là để bắt liên lạc với anh em ta. Tôi vừa gặp và bắt được liên lạc với một đồng chí của ta xong thì bỗng lúc đó chúng tôi phát hiện được từ đằng xa có ông Tổng đội phó, ông này vốn là người đã từng giảng cho anh em Việt Minh chúng tôi một số bài về kỹ thuật tình báo. Tôi và anh bạn thấy cạnh đường có một quán nước, chúng tôi vội rẽ nhanh vào quán nước tránh mặt ở đó, để tránh sự nghi ngờ và theo dõi của ông Tổng đội phó này. Cứ mỗi lần như thế, chúng tôi lại tích luỹ được thêm rất nhiều kinh nghiệm bổ ích và lý thú trong hoạt động cách mạng.

        Thời học sinh của chúng tôi qua đi rất nhanh, nhưng những kỷ niệm của năm tháng đó chẳng hề phai mờ trong tôi. Nói cho thật công bằng thì trong số anh em Phục Quốc lúc bấy giờ cũng có người xấu và người tốt. Bằng hành động và những hiểu biết của mình, chúng tôi đã tuyên truyền được đến họ những tình cảm cách mạng, lòng yêu nước chân chính, ý thức phân biệt bạn thù, vì thế trong số anh em Phục Quốc đó lúc bấy giờ có anh Hán Văn Phục và một số anh chị em khác, được giác ngộ đã đi theo Việt Minh làm cách mạng, đã từng mang cấp quân hàm trung tá, cán bộ của quân đội ta, nay anh đang nghỉ hưu tại Hà Nội. Anh Hán Văn Phục đã chọn cho mình một con đường chân chính như thế đấy. Song cũng có những kẻ thì bám gót tay sai đến cùng.

        Cùng chung một ngôn ngữ trong lớp học, cùng chịu ảnh hưởng chính trị chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên và dưới quyền kiểm soát khống chế của Tưởng, nhưng anh em Việt Minh chúng tôi được sự dìu dắt của các đồng chí đảng viên như anh Hoàng Văn Thái nên vẫn giữ vững tư tưởng cách mạng của Đảng ta. Lúc ấy, nỗi khao khát nhất của chúng tôi là được hoạt động thực tiễn, được cầm súng mặt đối mặt với quân thù, tình cảm luôn luôn hướng về Tổ quốc thân yêu của mình.

        Và điều đó đã đến, năm 1943, bọn Tưởng cử một số anh em chúng tôi về hoạt động ở biên giới Long Châu, Bằng Tường giáp với Văn Lãng, Na Sầm, Tràng Định, Thất Khê. Đó là vùng Hạ Đống (Long Châu) giáp với Tràng Định, Thất Khê, Lạng Sơn của ta. Nơi đây, cơ sở du kích của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động rất mạnh. Từ đây, các đồng chí đảng viên của ta đã in truyền đơn để đem về trong nước. Như con chim được sổ lồng, chúng tôi tham gia hoạt động cách mạng rất sôi nổi, hăng hái. Có điều rất thuận lợi là tôi được gặp anh Hoàng Sâm và anh Bằng Giang, anh em Việt Minh chúng tôi ăn ở với các anh như trong cơ sở du kích của mình. Anh Hoàng Sâm có dáng người oai phong, đi đâu cũng có khẩu súng Pạc hoọc kè kè bên hông. Do tác phong sinh hoạt giản dị và chịu khó bám dân của mình, cuộc sống của anh sớm hoà nhập với cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng biên giới Trung Quốc, anh đã từng ngồi uống rượu và nói chuyện với bọn thổ phỉ..., vì thế tuy là người gốc Quảng Bình mà anh Hoàng Sâm lại là người Việt Nam uy tín nhất vùng này. Anh là một người trung thực, hăng hái, dũng cảm, anh em ai cũng quý mến. Chúng tôi đi đến những nơi nào mà đã được anh giới thiệu trước thì được người Trung Quốc tiếp đãi rất tốt. Có một lần chúng tôi hành quân từ Tịnh Tây về Cót Mà (một bản ở biên giới Trung Quốc vừa là cơ sở của du kích cộng sản Trung Quốc, vừa là cơ sở Việt Minh, cách Pắc Bó chừng 1km). Từ huyện Tịnh Tây về Cót Mà (biên giới Trung Quốc giáp với Pắc Bó ) phải đi qua một phố nhỏ mang tên Dùng lầu. Đến cơ sở của anh Hoàng Sâm và anh Lê Quảng Ba, tôi tự xưng là em các ông thế là được gia đình người Trung Quốc đó đối đãi rất niềm nở. Nhân đây cũng phải nói thêm về phong tục người Trung Quốc, khi có khách đến nhà buổi chiều, thì chủ nhà cho con bê ra một chậu nước nóng để khách rửa mặt, sau đó khi khách dùng xong họ lại trút số nước đó sang một chiếc chậu gỗ để khách ngâm chân. Nếu ai được tiếp đón như vậy mới thật là khách quý. Chúng tôi thầm nghĩ anh Hoàng Sâm thật sự có uy tín không chỉ đối với đồng bào ta mà đối với cả đồng bào Trung Quốc. Do một vài sơ suất của anh em ta, có nhiều lần bọn thổ phỉ gây rắc rối cho anh em Việt Minh, anh Hoàng Sâm nghe tin đem thư của Tài Thầu đến là mọi việc đều được giải quyết ổn thoả. Bọn thổ phỉ đã phải khiếp sợ và kính nể đặt cho anh cái tên là con "gấu núi" Trần Sơn Hùng. Việc đi lại và hoạt động của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi. Khi hoạt động ở những địa bàn phức tạp hay thành phố thị trấn, chúng tôi thường mặc quân phục và mang vũ khí như quân Tưởng, trên ngực có đeo phù hiệu biệt động quân, thế là chẳng mấy ai dám hỏi và mấy anh em Việt Minh đi ở biên giới mà thổ phỉ không làm gì, vẫn an toàn. Khi về tới khu du kích, vào sinh hoạt trong dân thì chúng tôi lại ăn mặc thường dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:53:29 am »


        Ở vùng này có 3 người nổi tiếng mà tôi đã có lần nhắc đến. Chúng tôi đã được làm quen và sau này là bạn thân, đó là ông Nông Kỳ Chấn với cái tên Tài Thầu (đầu to) như chuyện kể vào năm 1956 lần gặp Bác, ông vừa là Lý trưởng cho Tưởng vừa là lãnh tụ du kích ở địa phương. Tài Thầu dáng người to lớn, mặt mũi phương phi, quắc thước, tính tình ngổ ngáo, ngang tàng. Đó là một con người vừa có uy, vừa có danh, nổi tiếng khắp vùng mà cả bọn Tưởng và bọn thổ phỉ đều phải kính nể. Nhờ có mối thiện cảm với chúng tôi, đi đâu, làm gì, nếu cần là chúng tôi chỉ cần tự giới thiệu: tao là em Tài Thầu, Phan Toàn Chân đây thì ai cũng phải kiêng sợ, và bọn thổ phỉ không dám quấy rầy. Tài Thầu và Phan Toàn Chân cũng có gia đình vợ con ở ngay trong vùng, quan hệ của chúng tôi với hai ông rất thân thiết, tự nhiên như anh em trong nhà.

        Chúng tôi đi lại hoạt động nhiều khi đói thì lại đến nhà Tài Thầu và Phan Toàn Chân để lục xem có gì ăn được thì ăn, tôi vẫn thường gọi vợ các ông là thím. Ở con người Tài Thầu nổi lên mấy điểm mạnh mà chúng tôi đều tận dụng được, vừa là lãnh tụ địa phương vừa là chỉ huy du kích. Uy và quyền đều thống nhất trong con người ấy ở một vùng biên giới rộng lớn. Xét cả hai góc độ, về xã hội học: phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo và quyền lực hành chính: cai quản một hương (xã) đều có thể thấy con người này có đầy đủ khả năng để giúp anh em Việt Minh tạo địa bàn xây dựng phong trào Việt Minh. Chính nhà ông là một trong những cơ sở để anh em Việt Minh in ấn truyền đơn chuyển về trong nước.

        Một người nữa là ông Hẻn Máy với đôi mắt gần loà mà tấm lòng rất trong sáng, ông có người em trai là tướng cướp. Do có cảm tình với anh em Việt Minh chúng tôi mà nhiều lần đến gặp ông chúng tôi đã đòi lại được tài sản cho dân bị em ông cướp bóc. Sau cách mạng tháng Tám thành công, anh em ở Tràng Định đã đưa ông Hẻn Máy sang đất ta cưới vợ cho ông để rồi sinh sống luôn ở đó. Những người bạn mà chúng tôi còn nhớ mãi như ông Chu Chỉ Hồng, ông Phan Toàn Chân cũng là những người có tiếng trong vùng này, họ đối đãi với anh em Việt Minh rất tốt. Khác với ông Tài Thầu, Phan Toàn Chân có dáng người thấp bé, béo mập, ít nói mà tính rất hiền, ông là lão thành cách mạng đã từng tham gia khởi nghĩa ở Long Châu. Bằng đạo đức của mình ông đã thu phục được nhân tâm, ai ai cũng quý mến ông.

        Thật là có lỗi nếu quên không nhắc đến cụ Bùi Ngọc Thành - người có gốc Nghệ Tĩnh. Cụ là trạm liên lạc của ta với ông Tài Thầu và Phan Toàn Chân ở biên giới Hạ Đông. Cụ là một người rất tận tuỵ với công việc cách mạng. Việc gì của Việt Minh dù khó khăn đến mấy, cụ đều không quản tuổi cao, sức yếu, đều nhiệt tình đi giúp đỡ. Với nghề thợ may kiếm sống thanh bạch giúp đỡ nhân dân địa phương, hai ông Tài Thầu và Phan Toàn Chân rất quý mến, thương yêu và giúp đỡ Cụ trong cuộc sống. Sau cách mạng tháng 8 chính quyền ta đón cụ về Hà Nội, bố trí cho Cụ sinh sống tại khu tập thể ở Học viện Nguyễn Ái Quốc.

        Nhờ có phương pháp hoạt động Việt Minh thích hợp, được sự che chở và đùm bọc của nhân dân, có chỗ dựa đáng tin cậy ngay trong cơ sở cách mạng nên chúng tôi ở và hoạt động trong vùng khá thuận lợi. Ở biên giới Trung Quốc, bọn Tưởng bỏ ngỏ, thỉnh thoảng tổ chức các cuộc càn quét cỡ đại đội. Ở biên giới Việt Nam, bọn Pháp cũng phải bỏ ngỏ, thỉnh thoảng tổ chức càn quét cấp đại đội, những cuộc càn quét đó tuy đông người nhưng rồi sau đó chúng lại rút lui chứ không dám đóng giữ. Từ đó, nơi đây trở thành bàn đạp để ta xây dựng cơ sở du kích, cơ sở cách mạng rất tốt để rồi phát triển rộng rãi các nơi khác. Thời kỳ này hoạt động của chúng tôi nằm giữa nhiều thế lực. Ở bên đất Trung Quốc có 3 thế lực Tưởng, thổ phỉ và du kích cộng sản Trung Quốc. Còn ở trong nước và nhân dân, lính dõng và Pháp. Như vậy ở 2 bên biên giới hình thành 3 lực lượng chủ yếu tự do hoạt động: du kích Trung Quốc, thổ phỉ và Việt Minh mà bọn Pháp và bọn Tưởng không sao kiểm soát nổi. Trong những năm 1943 - 1944 ở biên giới hình thành 2 chính quyền song song cùng tồn tại nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Pháp còn các vùng nông thôn cách thị trấn 2-3km thì lại nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Việt Minh. Ta quy định những vùng nào có cơ sở Việt Minh thì bọn thổ phỉ không được cướp phá, tuy nhiên cũng có lần chúng vẫn cướp bóc nhưng ta lại sang biên giới Trung Quốc đòi lại được. Hoàn cảnh trên đã cắt nghĩa cho những khó khăn và thuận lợi mà trong quá trình hoạt động chúng tôi gặp phải. Hoạt động cách mạng đã giúp cho chúng tôi có được những bài học hết sức thấm thía, đó là tính sáng tạo trong việc phân hoá hàng ngũ kẻ thù, triệt để lợi dụng mâu thuẫn của chúng để cô lập chúng giành thuận lợi về mình. Vì thế, trong suốt thời kỳ này hoạt động Việt Minh phát triển rất nhanh chóng và gặp nhiều thuận lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 12:54:04 am »


        Tuy nhiên thời kỳ này mới chỉ là thời kỳ hoạt động mang tính chất tự vệ, gây dựng cơ sở chính trị là trọng tâm, vũ trang chỉ là hỗ trợ, xây dựng lực lượng quần chúng nhằm chống lại bọn thổ phỉ và lính dõng, uy hiếp bọn lý trưởng, chánh tổng bảo vệ nhân dân. Thử thách lớn nhất đối với anh em Việt Minh chúng tôi lúc này là phải xây dựng được cơ sở cách mạng trong nhân dân, mở rộng uy tín và ảnh hưởng của phong trào Việt Minh, tranh thủ lính dõng và làm công tác binh vận trong lính khố xanh, khố đỏ giác ngộ nhân dân ý thức đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc. Đó chỉ là những bước đi chập chững đầu tiên của những thanh niên yêu nước đang tìm đến với cách mạng, ấp ủ những hoài bão của tuổi trẻ trong một bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp nhưng cũng rất nhiều thuận lợi rất hào hùng của cách mạng nước ta.

        Giữa lý luận và thực tiễn có một khoảng cách rất khắc nghiệt, có hoạt động thực tiễn chúng tôi mới thấu hiểu điều đó. Nhân dân nhìn chung là tốt nhưng không phải là tất cả, nên rất cần đến sự giác ngộ của Đảng và Việt Minh. Nhân dân thiểu số là những người có tính vị tha, tính cộng đồng cao, vô tư không tư lợi, trung thực rất thuần phác nên cách mạng bén rễ trong họ rất nhanh và xây dựng sức mạnh trong nhân dân cũng rất nhanh. Họ là những người có bản chất rất tốt, rất ủng hộ cách mạng, đi theo cách mạng đến cùng, vì thế họ có tinh thần chiến đấu rất cao, chiến đấu rất dũng cảm chống kẻ thù thực dân xâm lược Pháp, họ một lòng tin tưởng vào Việt Minh đi theo Việt Minh, tham gia Việt Minh, tham gia du kích. Nhờ nhận thức rõ được thế mạnh đó mà chúng tôi đã phát triển được phong trào Việt Minh ở vùng các dân tộc thiểu số. Chẳng thế mà, tổng đoàn trưởng Choảng ở bản Nà Phiềng đã từng là nơi chúng tôi mở lớp huấn luyện Việt Minh ngay ở nhà ông và đông đảo anh em lính dõng sau này cũng đi theo Việt Minh.

        Dân tộc Choang (Trung Quốc) và dân tộc Việt, Tày ở hai bên biên giới lúc đó là có quan hệ huyết thống, nên cuộc sống của họ rất thân thuộc và đoàn kết. Họ am hiểu nhau tường tận về cả phong tục, tập quán và ngôn ngữ. Hai dân tộc đi lại với nhau rất chân tình tốt đẹp. Vì thế nếu có chuyện gì từ ma chay, cưới xin hay giỗ tết, thì trong những ngày vui buồn đó, anh em Việt Minh, du kích được tin lại xách súng sang đất Trung Quốc để dự với họ.

        Phải có dân tốt, phải có chỗ dựa tin cậy thì phong trào cách mạng mới nhen nhóm, tồn tại và phát triển được. Đã một ai trong số chúng tôi lúc bấy giờ dám nghĩ rằng mình đang là những người bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng dòng máu nóng của trái tim mình nhen nhóm ngọn lửa phong trào cách mạng ở một vùng rừng núi biên giới xa xôi hẻo lánh của Tổ quốc.

        Và lẽ đương nhiên là chúng tôi đã đến với cách mạng từ buổi ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:23:19 pm »

         
PHẦN 2

NHỚ NGÀY GẶP BÁC HỒ Ở TRUNG QUỐC

        Nếu ai đó trong chúng ta đã được gặp Bác Hồ, dù ít hay nhiều đều đọng lại trong mình một sự hiểu biết mới, một kỷ niệm sâu sắc nhất. Trong đời mình, thật may mắn tôi cũng đã từng được gặp Bác Hồ, khi Người đang ở Trung Quốc, đó là một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.

        Vào mùa Hè năm 1944, sau tốt nghiệp trường quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc), đại bộ phận đoàn học sinh quân sự Việt Minh chúng tôi được chuyển về Nam Ninh dự một lớp bổ túc về kỹ thuật và chiến thuật biệt động quân do chuyên gia Mỹ huấn luyện (Trung Quốc và Mỹ thuộc phe Đồng Minh trong chiến tranh thế giới thứ hai). Trong đó có tôi cùng các anh Hoàng Văn Thái, Thanh Phong, Đàm Quang Trung, Nam Long, Hán Ninh và một số đồng chí khác. Một số khác học về thông tin như anh Đông Tùng, Lưu Minh Đức được Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu (Trung Quốc) cử về trong tổ vô tuyến điện ở Bằng Tường. Chỉ có anh Thanh Đồng và Hoàng Điền còn ở lại Liễu Châu để giữ mối liên hệ với Bác Hồ. Lúc bấy giờ, Bác Hồ bị giam giữ trong doanh trại của Tướng Trương Phát Khuê. Cụ vẫn được phép đi tắm ở một cái hồ trong khu vực doanh trại. Và mỗi lần đi qua nơi ở của tướng Khuê, tướng Khuê vẫn rất kính trọng chào cụ. Trong thời gian học ở đó, tôi cũng có lần đến đó, nhưng chỉ có anh Hoàng Điền là có dịp gặp cụ. Sau khi mới ra khỏi nhà tù Liễu Châu (khoảng giữa năm 1943) được ít lâu, trước những biến động của tình hình thế giới, Bác chủ trương về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

        Tướng Trương Phát Khuê Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu nhất trí để Bác về Việt Nam. Trên đường về nước, Bác qua Nam Ninh, nơi chúng tôi đang học tập và Bác có gặp gỡ anh em chúng tôi.

        Trong buổi gặp đó, Bác nói chuyện với anh em chúng tôi về tình hình thế giới, Bác chỉ cho chúng tôi thấy rằng: Hồng quân Liên Xô đang thắng lớn, quân Đồng minh cũng đang thắng ở cả chiến trường Châu Âu và Thái Bình Dương. Vì vậy mà tình thế cách mạng ở nước ta cũng đang chuyển biến mạnh. Đó là thời cơ cách mạng, cần phải nhanh chóng đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, tích cực mở rộng đấu tranh vũ trang bằng các hoạt động du kích ở trong nước. Bác động viên anh em chúng tôi chuẩn bị tinh thần, tư tưởng để về nước tham gia hoạt động vũ trang. Bác dặn dò chúng tôi phải hết sức chú ý vấn đề đoàn kết thương yêu gắn bó với nhau, và chịu khó học tập để đem kiến thức về phục vụ Tổ quốc. Phải tuân thủ kỷ luật quân đội của Trung Quốc và đoàn kết với nhân dân Trung Quốc.

        Sau đó, Bác còn cho chúng tôi biết: khi ở Liễu Châu, Bác đã gặp và trao đổi với tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu về việc cho anh em học sinh quân sự Việt Minh về nước để tham gia chiến đấu chống Nhật. Ý kiến của Bác phù hợp với chủ trương của Trung Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) là lợi dụng lực lượng cách mạng Việt Nam để hợp tác đánh Nhật nên được tướng Khuê chấp nhận. Nhờ đó một số anh em học sinh quân sự Việt Minh của ta gửi vào huấn luyện đang đi chiến đấu chống Nhật ở Trung Quốc cũng được rút về tập trung ở Liễu Châu để chuẩn bị về nước, trong số đó có anh Vũ Trường Khê.

        Còn ở Nam Ninh, nơi mà anh em học sinh quân sự Việt Minh đang học, nằm trong biên chế tổ chức của tướng Từ Quang Anh - chỉ huy trưởng biệt động quân. Vì vậy nhân chuyến đi này Bác muốn gặp để tác động thêm tướng Từ Quang Anh, như thế sẽ thuận lợi hơn cho việc về nước sớm của anh em chúng tôi. Bác bảo: "Bây giờ Bác cần một đồng chí dẫn Bác đi gặp tướng Từ Quang Anh". Vinh dự đó may mắn đến với tôi khi đoàn học sinh quân sự Việt Minh cử tôi đưa Bác đi. Trên đường đến sở chỉ huy của tướng Từ, lúc đó tôi và Bác cũng đã đói, tôi nảy ra ý định nhân dịp này muốn "bồi dưỡng” Bác một bữa "khá khá". Hồi đó tuy là học sinh nhưng cũng có phụ cấp do về dự lớp huấn luyện Trung Mỹ, nên tôi ngỏ lời mời Bác vào tiệm ăn món mỳ vằn thắn, sau đó sẽ tráng miệng bằng món rượu nếp đường trứng gà (tiếng Quảng Tây gọi là: thìm chẩu cáy tàn). Bởi thấy Bác vừa phải trải qua chặng đường dài hành quân từ Liễu Châu về Nam Ninh, trông người Bác còn gầy và hơi xanh. Bác ngăn tôi và bảo rằng: "Bây giờ ta phải tiết kiệm, dùng thế thì sang quá. Thôi được Bác cháu ta sẽ đi ăn cháo bình dân vậy". Tôi cùng Bác vào tiệm bình dân gần đó gọi món cháo quẩy. Thấy Bác ăn ngon miệng và vui vẻ tôi rất mừng, nhưng cũng vẫn băn khoăn vì thấy nó đạm bạc quá. Càng băn khoăn hơn nữa là sau đó chính Bác lại thanh toán với nhà hàng cho tôi. Kỷ niệm sâu sắc này mỗi khi nhớ đến Bác như nhớ đến một người cha hiền từ, độ lượng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 05:23:53 pm »


        Dù chỉ là câu chuyện về bữa ăn, đơn giản vậy thôi mà tôi cũng đã học được ở Bác một đức tính cao quý - ý thức tiết kiệm và tác phong sinh hoạt giản dị của người cán bộ cách mạng, và còn hiểu thêm được tính chủ động, tự chủ không để ai điều khiển được Bác.

        Trên đường về, Bác có hỏi thêm tôi về tình hình biên giới Trung Việt để chuẩn bị tiếp cho những chặng đường về nước sắp tới của Bác. Cũng may là tôi lại thông thạo vùng này. Tôi báo cáo với Bác có hai tuyến đường đi từ Nam Ninh để về tới cơ sở cách mạng ở trong nước: Một đường đi tới Long Châu, ở đó là cơ sở cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Sâm, Hồ Đức Thành. Đó là gia đình ông Nông Kỳ Chấn (Tài Thầu). Ông Nông Kỳ Chấn vốn là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc bề ngoài thì làm hương trưởng cho Tưởng nhưng bên trong có trong tay hàng trăm du kích vũ trang thường xuyên giúp đỡ, cưu mang cho cán bộ cách mạng Việt Nam. Một con đường nữa đi qua Tịnh Tây qua Dùng Lầu đến Cót Mà là căn cứ cách mạng của anh Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Từ Cót Mà đến Pắc Bó chừng vài km, tới đây như đã về nhà. (sau này tôi mới được biết Bác đã đi theo đường Long Châu, qua cơ sở ông Nông Kỳ Chấn và có lưu lại đó ít ngày).

        Tôi còn được thấy Bác là người rất thông thạo giao tiếp và có quyết tâm thực hiện ý định của mình. Nên đến đâu Bác cũng có thể gặp các nhà chức trách và tướng lĩnh Trung Quốc để thuyết phục họ.

        Xong công việc, Bác về nước trước chúng tôi, trước khi ra đi Bác ân cần dặn dò chúng tôi: " Các đồng chí phải tích cực vận động tất cả các anh em Việt Minh và tất cả anh em Phục quốc nữa về nước để tham gia phong trào cách mạng”. Chúng tôi hứa với Bác ở lại chuẩn bị và hết sức làm theo lời Bác dặn.

        Từ Nam Ninh, Bác đi canô về biên giới. Chúng tôi định đi tiễn Bác, nhưng Bác không cho cả đoàn mà chỉ cho mấy người đi tiễn. Khi tôi và mấy anh em xuống canô theo Bác thì mới biết Bác đã thuê một căn buồng nhỏ, đơn sơ ở tầng dưới nhưng kín đáo. Việc làm của Bác cho chúng tôi thêm hiểu một điều rất sâu sắc: đó là ý thức giữ bí mật và kỷ luật trong hoạt động cách mạng. Về nước cùng Bác lúc ấy ngoài một số cán bộ ở Liễu Châu còn có một vài anh chỉ em trong tổ chức Phục quốc.

        Sau lần gặp Bác, chúng tôi thật thấm thía những lời Bác nói và những việc Bác làm. Bác đã nhận định rất sáng suốt về tình hình trong nước và quốc tế. Bác đã sớm phát hiện được thời cơ và đón thời cơ cách mạng. Thời cơ chủ trương đưa anh em học sinh quân sự cách mạng về nước tiến hành chiến tranh du kích, đấu tranh vũ trang là rất chính xác. Nhờ đó, việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay là rất kịp thời cơ để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị mở rộng phong trào cách mạng, căn cứ cách mạng, lực lượng cách mạng tiến tới cùng cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng tám thắng lợi.

        Đến cuối năm 1944, chúng tôi về nước bước vào cuộc chiến đấu mới trong khí thế cách mạng cả nước đang ngày càng dâng cao. Sau buổi gặp Bác lần ấy, tôi còn được nghe Bác nói chuyện, lên lớp và gặp gỡ một số lần nữa. Dõi theo và làm việc theo sự lãnh đạo, chỉ đường dẫn bước của Bác tôi càng thêm kính phục tầm nhìn xa trông rộng của Người.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM