Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:55:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44384 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 03:05:11 pm »


        Để loại trừ khả năng địch xuống đường 14, ta phải quét sạch địch trên con đường này và chiếm lĩnh ngay các địa hình mà chúng có thể lợi dụng để triển khai phản đột kích vào thị xã. Giải quyết được việc đó thì địch chỉ còn một địa điểm đổ quân là đường số 21 và ở đó còn có sự kháng cự của Trung đoàn 53.

        Từ dự kiến trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 10 (từ Đức Lập mới về) chuẩn bị tiêu diệt Sư đoàn 23 trên đường số 21.

        (Xin lưu ý cùng bạn đọc. Vì các trận được kể ra ở đây có lúc diễn ra gối đầu nhau, nên về mặt thời gian đôi khi phải lặp lại. Mong bạn đọc chú ý theo dõi. Cảm ơn ).

        Quân nguỵ thực hành phản kích hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột. Diễn biến này được kể lại như sau:

        "Cuộc đổ quân tăng viện cho Mặt trận Buôn Ma Thuột trong 2 ngày 12 và 13 tháng 3 năm 1975 được coi là cuộc đổ quân tăng viện bằng trực thăng vĩ đại nhất kể từ khi Hiệp định Pa ri 1973 được ký kết, và cũng là cuối cùng trên chiến trường Cao nguyên.

        Những phi đoàn trực thăng của các Sư đoàn 1 và 4 không quân từ Đà Nẵng, Cần Thơ cùng với một số trực thăng cơ hữu của Sư đoàn không quân (Plâyku), với hơn 100 trực thăng đủ loại kể cả những Chinook khổng lồ, đều được tập trung để sử dụng cho cuộc đổ quân tăng viện này.

        Từ 8 giờ sáng ngày 12 tháng 3, tại căn cứ Hàm Rồng, bản doanh Bộ Tư lệnh hành quân của Tư lệnh Mặt trận Nam Plâyku, và bộ chỉ huy các Trung đoàn 45 và 44 thuộc Sư đoàn 23, trực thăng bay rợp trời. Những sĩ quan điều khiển và chỉ huy cuộc hành quân này là các Trung đoàn trưởng, trưởng phòng 3 hành quân của quân đoàn 2 và Sư đoàn 23, phi đoàn trưởng phi đoàn trực thăng Sư đoàn 6 không quân.

        Đợt bay đầu tiên, đại đội trinh sát của Sư đoàn 23 và 2 tiểu đoàn tác chiến của Trung đoàn 45 được bốc đi trước nhất.

        Tiếp đó, những Chinook khổng lồ móc theo những khẩu đại bác 105 ly thả xuống trận địa, Quận lỵ Phước An phía đông Buôn Ma Thuột là địa điểm mà đoàn quân tăng viện nhảy xuống”.

        Cũng theo lời kể:

        "13 giờ trưa ngày 12 tháng 3, tướng Phạm Văn Phú rời Plâyku bay chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột trên chiếc phi cơ nhỏ U- 17. Tới Buôn Ma Thuột khoảng 14 giờ 30, tướng Phú đã bay trên trận địa chỉ huy các cánh quân gần 1 giờ liền. Lần lượt tướng Phú đã liên lạc ra lệnh cho tất cả đơn vị trưởng các đơn vị đang chiến đấu phía dưới, như Trung đoàn bộ binh 53, liên đoàn 21 biệt động quân, các tiểu đoàn địa phương quân Đăk Lắc.

        Vẫn không có tin tức gì về đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó Sư đoàn 23 và đại tá tỉnh trưởng Buôn Ma Thuột, ngoài nguồn tin của các đài phát thanh Việt Cộng loan báo họ đã bắt sống.

        Buổi trưa ngày 12 tháng 3, trời trong sáng. Từ trên cao, qua khung cửa sổ nhỏ của chiếc U-17 cả một vùng trời và thị xã Buôn Ma Thuột hiện ra rất rõ. Những phản lực cơ A -37 và khu trục cơ vẫn tiếp tục bay tới đánh bom yểm trợ cho những cánh quân bạn dưới đất. Từng cột khói, và những đám cháy bốc cao. Dân chúng kéo nhau lũ lượt băng rừng chạy về phía Phước An, Khánh Dương.

        Tướng Phú trở về Plâyku được tin Tổng thống Thiệu gọi lên lúc 14 giờ, khi ông đang bay thanh sát mặt trận Buôn Ma Thuột, ông đã liên lạc với Sài Gòn và trình Tổng thống Thiệu tình hình sau cùng của trận chiến Buôn Ma Thuột. Cả Tổng thống Thiệu và tướng Phú đều lo ngại về sự cung khai của hai tù binh Bắc Việt do Trung đoàn bộ binh 53 bắt được về nguồn gốc đại đơn vị của chúng: Sư đoàn 316 tổng trù bị Cộng sản Bắc Việt, mà theo tin tức tình báo còn ở ngoài Thanh Hoá tháng trước. Tổng thống Thiệu cũng đã ra lệnh cho tướng Phú phải thâu thập mọi tin tức địch tình chính xác tại Mặt trận Buôn Ma Thuột, và đặc biệt về Sư đoàn 316, đệ trình lại ông trong một buổi họp quan trọng sắp tới mà tướng Phú sẽ được thông báo sau .

        Chiều ngày 12 tháng 3, Việt Cộng từ những đỉnh cao phía tây bắc Plâyku quân ta nã hoả tiễn vào phi trường quân sự Cù Hanh, và bộ tư lệnh quân đoàn. Một quân nhân tài xế bị trúng đạn tử thương ngay gần cột cờ trước bộ tư lệnh làm cho tướng Phú nổi cơn thịnh nộ. Người sĩ quan chỉ huy lực lượng thám kích quân đoàn 2, thiếu tá Ngọ được lệnh bằng mọi cách không để cho một hoả tiễn, hay một viên đạn súng cối nào của địch bay tới Bộ Tư lệnh quân đoàn nữa (!) đứng đó chịu trận, và thấy trước mặt những cơn thịnh nộ khác của vị tư lệnh quân đoàn còn tiếp tục đến với ông ta. Bởi vì với núi đồi trùng điệp với đêm tối chỉ cần một vài đặc công cảm tử của Việt Cộng sau khi thoát được những ổ phục kích của lực lượng thám kích quân đoàn 2, đeo ống phóng bò tới gần cho những hoả tiễn bay khỏi nòng rồi bỏ chạy, thì chẳng có cách nào có thể tìm ra tung tích của chúng. Nhưng, trong quân đội, "lệnh là lệnh !".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 03:09:27 pm »


        Tướng Phú đi trực thăng vào vùng trời Buôn Ma Thuột lần này là để chọn đường về cho Sư đoàn 23. Ý tưởng đó được hình thành ngay sau khi biết tin xe tăng của Việt Cộng đã cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột. Nhưng về bằng con đường nào? và triển khai ở đâu? Tình hình biến chuyển quá nhanh.

        Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột bị mất, đại tá Quang và đại tá Luật bị bắt. Phần lớn các căn cứ chung quanh Buôn Ma Thuột đã bị đánh chiếm. Hiện chỉ còn căn cứ 53 và quận ly Phước An là những nơi có thể dựa được. Phú quyết định chọn khu vực này để đưa Sư đoàn 23 về đứng chân. Muốn vậy phải giữ được căn cứ 53 bằng mọi giá. Phú bay trên vùng trời căn cứ 53 động viên Võ Ân cố gắng giữ vừng căn cứ và hứa sẽ đưa Sư đoàn 23 về ngay.

        Do con đường số 14, con đường bộ duy nhất nối Plâyku với Buôn Ma Thuột đã bị Sư đoàn 320 cắt đứt, nên cách duy nhất để đưa được cả Sư đoàn 23 về là sử dụng máy bay trực thăng chở quân. Tuy vậy, dù có cố gắng đến mấy thì mỗi ngày cũng chỉ đổ quân được một Trung đoàn. Và như vậy phải mất hai, ba ngày mới xong.

        Về phía ta, thấy trước âm mưu và khả năng phản kích của địch vào thị xã, ngay sau khi trận Đức Lập vừa kết thúc, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã điều Sư đoàn 10 tới phía đông Buôn Ma Thuột sẵn sàng đánh quân địch phản kích. Như đã dự kiến từ trước về tình huống này, nhằm đánh bại âm mưu dùng các căn cứ còn lại làm bàn đạp đổ quân phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Ngay trong đêm 11 tháng 3, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 10 tổ chức tiêu diệt căn cứ 45 và cứ điểm Chư Nga, Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 và Trung đoàn đặc công 198 tiêu diệt căn cứ B50.

        5 giờ sáng ngày 12 tháng 3 cùng thời gian với các đơn vị đánh căn cứ B50, được sự chi viện của pháo binh Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 cùng xe tăng chia thành hai mũi đột kích, thọc thẳng vào trung tâm căn cứ 45.

        Thật rủi ro cho quân địch tăng viện. Hồi 9 giờ 30 phút ngày 12 tháng 3, quân ta đã chiếm mất căn cứ 45 rồi. Thế là Trung đoàn 45 và pháo đội 232 của địch không còn chỗ đứng chân ở căn cứ 45 nữa, và chúng cũng chẳng liên lạc được với căn cứ 53. Cuối cùng chúng buộc phải đổ xuống các toạ độ không được xác định trước ở khu vực Nông Trại - Phước An. Bọn tàn quân của liên đoàn biệt động quân số 21 đang tháo chạy tan tác vội xô nhau tới nhờ bọn mới đổ bộ tăng viện che chở.

        Nhưng, như ta biết: trong phương án tác chiến chiến dịch, quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng đánh quân địch tăng viện bằng đường không. Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ta đã di chuyển các trận địa pháo binh và pháo cao xạ ra phía đông thị xã này. Sau khi tiêu diệt địch và hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đức Lập, Sư đoàn bộ binh 10 dự bị của chiến dịch, 1 sư đoàn tinh nhuệ do đại tá Hồ Đệ chỉ huy; người có nhiều kinh nghiệm tác chiến binh chủng hợp thành đã tổ chức lực lượng, khẩn trương chuyển đến khu vực tác chiến dự kiến.

        Từ ngày 10 tháng 3, các lực lượng của Sư đoàn đã lần lượt hành quân bằng cơ giới qua hơn 100 ki-lô-mét đường quân sự làm gấp tới đông Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 24 là đơn vị đầu tiên triển khai lực lượng sẵn ngay tại chỗ. Trung đoàn 45 địch vừa đổ quân xuống, liền bị Trung đoàn 24 của ta đánh luôn một trận phủ đầu và lập tức bị ngăn chặn không liên hệ được với Trung đoàn 53 nguỵ đang bị quân ta bao vây tiến công uy hiếp ở sân bay Phụng Dực. Quân ta liên tục bám đánh và bao vây cô lập quân viện, tạo thế cho các lực lượng của Sư đoàn tiếp sau triển khai đội hình tiến công.

        Mưu kế của địch là Trung đoàn 53 cố giữ vững trận địa, đợi Trung đoàn 45 tới cùng hiệp lực để đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột.

        Chiều ngày 12 đến sáng 13 tháng 3, phát hiện địch cho Trung đoàn 45 của Sư đoàn 23 đổ quân xuống vùng cao điểm 581, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 10 tiến công Trung đoàn 45 nguỵ.

        Quân địch từ chỗ tăng viện để phản kích của quân ta, giờ đã trở thành kẻ bị bao vây. Chúng hiểu được nguy cơ đó nên chúng rất tích cực đào công sự, rất tích cực "gào" máy bay, pháo binh bắn phá oanh tạc ngăn chặn quân ta.

        Suốt đêm 13 tháng 3, địch cho máy bay C.130 liên tục thay nhau thả pháo sáng, bắn đạn 201y quanh cao điểm 581 và dọc đường 21 để trấn an tinh thần bọn lính vừa được đổ xuống. Song địch ngăn sao nổi dòng thác tiến công của quân ta ập tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 03:13:47 pm »


        Ngay trong đêm 13 tháng 3, Trung đoàn 24 và các đơn vị tăng cường của quân ta đã vượt mọi địa hình sình lầy, gai góc, đường khúc khuỷu, quanh co dưới làn pháo đạn địch để tiến vào vị trí xuất phát tiến công. Vì gặp khó khăn nên các hướng quân ta không thực hiện được kế hoạch hiệp đồng theo giờ "G" nổ súng vào lúc trời mờ sáng.

        Tới 7 giờ ngày 14 tháng 3, pháo binh ta mới bắt đầu bắn được, Trung đoàn 24 cùng xe tăng của Trung đoàn 273 chia thành 2 mũi đột thẳng lên cao điểm 581. Khi thấy bộ binh ta và xe tăng tiến đến gần, nhiều tên địch khiếp sợ xin hàng hoặc bỏ chạy. Bị truy ép từ phía sau, lại rơi đúng vào trận địa đón lõng của ta ở phía trước, các lực lượng của tiểu đoàn 2 nguỵ nhanh chóng bị tiêu diệt và tan rã. Thừa thắng các chiến sĩ Trung đoàn 24 cùng xe tăng đánh thẳng ra đường 21.

        Mặc dù lực lượng ít, các chiến sĩ ta vẫn táo bạo lao vào giữa đội hình dày đặc của tiểu đoàn 1 nguỵ, dùng hoả lực diệt chúng và tiếp tục phát triển về phía đông. Trên đường tiến công, một chiếc cầu bị đại đội bảo an cho nổ bộc phá rồi bỏ chạy. Các chiến sĩ công binh nhanh chóng làm ngầm cho xe tăng tiếp tục truy kích và phải mất gần hai giờ chiến đấu với địch, bộ binh và xe tăng ta mới làm chủ hoàn toàn được trận địa tới phân chi khu Phước Bình.

        Đến 12 giờ ngày 14 tháng 3 Trung đoàn 24 đã tiêu diệt, làm tan rã tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 45 và tiểu đoàn bảo an địch đóng tại khu vực, chiếm điểm cao 581, giải phóng đoạn đường số 21 dài 12 ki-lô-mét. Quân địch còn lại tháo chạy, chiều 14 tháng 3 chúng co cụm vào được khu Nông Trại. Quân ta lập tức tung ngay trinh sát bám sát chúng, đồng thời tổ chức các lực lượng phát triển tiếp theo.

        Mưu kế của địch vẫn không thay đổi, chúng chuẩn bị cho Trung đoàn 44 xuống tiếp để cứu Trung đoàn 45 và chi viện cho Trung đoàn 53.

        Mưu kế đối phó của ta khi một tiểu đoàn của Sư đoàn 316 và một đội đặc công không đánh được Trung đoàn 53 địch ở căn cứ 53, ta điều Trung đoàn 66, Sư 10 vào tác chiến để phá tan bàn đạp căn cứ 53. Trung đoàn 66 vào tác chiến là ta tiêu diệt được Trung đoàn 53.

        Tình thế chiến trường ở khu vực đường số 21 lúc này chuyển biến rất nhanh, một hình thái mới đã xuất hiện: Quân địch tuy vẫn còn khả năng đưa thêm quân đến tăng viện, nhưng bàn đạp để chúng triển khai thực hành phản kích vào Buôn Ma Thuột đã bị đẩy ra xa... Xét các yếu tố tinh thần, vật chất của địch, trước mắt chúng không đủ sức phản kích và thời cơ phản kích trực tiếp vào Buôn Ma Thuột cũng không còn nữa.

        Qua ngày 15 tháng 3, theo các tin tức trinh sát, kỹ thuật và các phân đội bám sát địch báo cáo về thì quân địch đến tăng viện bị đánh phủ đầu thua chạy đang thực sự co vào phòng ngự ngăn chặn quân ta phát triển tiến công. Quân tăng viện của địch cũng đã đến thêm, có Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23) đang đổ quân xuống phía bên trong tuyến co cụm Phước An, riêng sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 di chuyển xuống ở luôn khu vực Nông Trại với tàn quân của Trung đoàn 45. Kể cả số quân ở các nơi bị đánh tan tác chạy về, từ khu vực Nông Trại đến Phước An tổng cộng có khoảng 5.600 tên và từ đông Phước An đến Chư Cúc có khoảng 3 tiểu đoàn bảo an chiếm giữ.

        Quân ta đang từ thế trận đánh quân địch phản kích đã nhanh chóng hình thành thế trận tiến công trong hành tiến và phát triển sâu vào hướng Phước An – Chư Cúc. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên lập tức chỉ thị cho Sư đoàn bộ binh 10 điều Trung đoàn 28 dùng xe cơ giới hành quân ngay trong đêm 15 tháng 3 để tăng cường nhanh sức chiến đấu, cùng Trung đoàn 24 đánh tiếp các lực lượng của Sư đoàn 23 địch, trước mắt tiêu diệt nốt lực lượng còn lại của Trung đoàn 45 nguy, đánh chiếm bằng được ngã ba Nông Trại và quận lỵ Phước An càng sớm càng tốt, tạo điều kiện cho quân ta phát triển tiến công tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 23 nguỵ và các đơn vị nguỵ khác ở trong khu vực, giải phóng Phước An, Chư Cúc.

        Chấp hành ý định của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Sư đoàn bộ binh 10 đã nhạy bén phát hiện ra chỗ yếu của địch là ít pháo, lại không có xe tăng và đối phó lúng túng. Căn cứ vào phát hiện đó, quân ta đã vận dụng nhiều hình thức đánh địch rất phong phú. Ít hơn địch về số lượng, quân ta đã khẩn trương tổ chức trận đánh theo một kế hoạch tập trung, thống nhất hành động và có chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt đánh quân địch ở trạng thái thua chạy, co vào tuyến phòng thủ ngăn chặn cùng với quân bảo an và tàn quân ô hợp các nơi kéo về, quân ta đã dùng hình thức vận động bao vây tiến công liên tục, tiến công địch trong hành tiến, vây rồi mới đánh, vừa đánh vừa vây, địch chạy thì truy kích sát gót, làm cho chúng không kịp trở tay đối phó, và từ đó đẩy chúng vào thế bị động hoàn toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 11:08:57 am »


        7 giờ 15 phút ngày 16 tháng 3, pháo binh ta lại tiếp tục bắn vào Nông Trại, trúng ngay sở chỉ huy Trung đoàn 45 nguỵ. Sau đó 25 phút, xe tăng - xe bọc thép chở bộ binh một tiểu đoàn của Trung đoàn 66 được phối thuộc cho Trung đoàn 24 và Trung đoàn 24 từ tuyến xuất phát tiến công các tiền duyên địch 300 mét tiến lên đột phá vào trận địa địch. Dọc đường, bộ đội ta gặp một bộ phận địch xảo quyệt phục kích hai bên đường, dùng súng chống tăng và trung liên ngăn chặn, kết hợp với pháo binh trong Nông Trại bắn ra và máy bay A.37 lao tới phóng hoả tiễn vào xe tăng ta. Nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn, quân ta táo bạo triển khai ngay xe tăng, dùng hoả lực yểm hộ cho bộ binh xông tới đánh trả quyết liệt và dùng toàn bộ hoả lực cao xạ trong đội hình tập trung bắn máy bay. Cùng lúc, pháo binh ta cũng tập trung bắn dồn dập vào quân địch ở tuyến một.

        Quân phục kích của địch bị phản phục kích một trận đau: một số bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Quân ta thừa thắng cho xe tăng – xe bọc thép chở bộ binh tiếp tục xông thẳng vào trận địa địch. Một mũi xe tăng - xe bọc thép đánh vào sở chỉ huy địch, một mũi bộ binh đột phá từ hướng bắc xuống và một mũi bộ binh khác được xe tăng yểm hộ từ phía tây – nam đánh vào. Từng bước phát triển, quân ta tận dụng mọi thứ trang bị, phát huy uy lực của súng B.40, B.41 để tiêu diệt các hoả điểm, công sự và sinh lực địch. Mỗi mũi tiến công của quân ta như một mũi dao nhọn, tiến đến đâu quân địch gục ngã đến đó.

        Đúng 8 giờ 15 phút ngày 16 tháng 3, quân ta làm chủ Nông Trại, tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng còn lại của Trung đoàn 45 nguy. Sở chỉ huy dã chiến Sư đoàn 23 nguỵ trốn chạy bằng máy bay lên thẳng. Ta chiếm được một chiếc máy bay lên thẳng còn đang nổ máy và 4 khẩu pháo 105 ly. Số tàn quân địch chạy về hướng ngã ba Phước An lại bị bộ phận khoá sẵn phía sau của ta tóm gọn.

        Chiều ngày 16 tháng 3, Trung đoàn pháo binh 40, bắn pháo dồn dập vào cụm quân của Trung đoàn 44 nguỵ ở Nông Trại. Đồng thời, trong đêm 16 tháng 3, Trung đoàn 66 (thiếu) cùng 1 đại đội xe tăng và 2 khẩu pháo 85ly phối hợp chiến đấu với Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 đánh dứt điểm căn cứ 53 làm cho quân địch không còn chỗ dựa để phản kích vào Buôn Ma Thuột.

        Tại Phước An, có khoảng bốn ngàn quân địch dựa vào công sự, hình thành một cụm quân rất mạnh.

        Trong khi Trung đoàn 24 truy kích quân địch chạy về hướng quận lỵ Phước An, Trung đoàn 28 đã cử trinh sát bám địch để chuẩn bị đón Trung đoàn cơ động sang đánh Phước An, theo kế hoạch. Nhưng quân địch phòng giữ quận lỵ Phước An đã rút chạy và trên hướng đông-bắc quận lỵ chỉ còn 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 44 nguỵ đổ bộ xuống từ chiều 16 tháng 3. Tiểu đoàn này đứng ở đây đón bọn tàn binh của Trung đoàn 53 nguỵ ở sân bay Phụng Dực bị các Trung đoàn 66 và 149 tiến công quyết liệt vào căn cứ, đang tan tác chạy tới.

        Trung đoàn 24 liền triển khai lực lượng chiếm ngay khu vực Phước An, truy lùng bọn địch lẩn trốn, đón đánh bọn tàn binh Trung đoàn 53 nguỵ, đồng thời chấn chỉnh lực lượng để sẵn sàng cơ động. Còn Trung đoàn 28 thì cơ động lực lượng, phối hợp với xe tăng - xe bọc thép, pháo binh và cao xạ đánh theo trục đường số 21, diệt các lực lượng của Trung đoàn 44 nguỵ, tiến công Chư Cúc và phát triển về hướng đông.

        Ngày 17 tháng 3 quân ta phát hiện thấy Trung đoàn 44 nguỵ đang giấu quân lẩn tránh ở khu vực từ bản Ea Phê đến tây nam đường vòng bản Croong Búc, có một bộ phận ở Chư Cúc bảo vệ cơ quan sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 nguỵ còn lại. Ngoài ra, còn 3 tiểu đoàn bảo an địa phương và các nơi chạy về cũng tụ lại ở khu vực này.

        6 giờ 30 sáng 18 tháng 3, mặc dầu kém địch nhiều về số lượng, song nắm thời cơ địch đang nao núng, Trung đoàn 28 cùng xe tăng của Trung đoàn xe tăng 273 đã hạ quyết tâm nhanh chóng tập trung lực lượng đột phá theo trục đường số 21 trong hành tiến, dùng các lực lượng nhỏ nhanh chóng vượt qua đội hình địch lên chặn ở các đoạn phía tây và phía đông Chư Cúc, hình thành thế bao vây chặt để hiệp đồng với lực lượng đột phá trước mặt tiêu diệt gọn quân địch.

        Khí thế tiến công và cách đánh linh hoạt đó đã tạo cho lực lượng đột kích của ta một sức mạnh hơn hẳn địch, giáng đòn bất ngờ vào Trung đoàn 44 nguỵ. Chúng bị tiêu diệt nhanh chóng, số còn lại chạy tán loạn. Trước tình thế nguy ngập, địch dùng pháo bắn ngăn chặn và dùng máy bay oanh tạc sập cầu số 13 để cản bước tiến quân ta. Lợi dụng lúc quân ta tạm dừng chờ công binh lên bắc cầu, địch co lại tập trung thành một cụm lớn trên đoạn đường số 21 từ cầu số 15 đến cầu số 20. Nhưng đến 11 giờ 30 phút, vừa bắc cầu xong là quân ta lập tức tiến lên xung phong như vũ bão, đập tan cụm quân địch ở đoạn đường nói trên và phát triển ngay về phía Chư Cúc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 11:11:21 am »


        Nhận được tin báo Sư đoàn 10 của đối phương đang tiến về Chư Cúc, chuẩn tướng Lê Trung Tường- Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 nguỵ đang chỉ huy vội vã gọi trực thăng đến cứu hắn thoát thân. Chiếc máy bay lên thẳng liều mạng sà xuống định "bốc" Tường, nhưng cả hắn và chiếc máy bay đều bị đạn pháo cao xạ của Trung đoàn 4 pháo binh bắn trúng.

        Đúng 12 giờ, quân ta hoàn toàn làm chủ thị trấn này và tổ chức ngay các lực lượng truy lùng tàn quân địch lẩn trốn. Số địch tan chạy về phía đông cũng không thoát, vì vấp phải Trung đoàn 25 quân ta đang chuẩn bị đánh Khánh Dương thấy chúng chạy đến đã chủ động đón đánh, diệt và bắt sống 500 tên, chỉ còn một số lọt lưới chạy vào rừng.

        Toàn bộ lực lượng cuối cùng của Sư đoàn 23 và liên đoàn 21 biệt động quân bị tiêu diệt và tan rã. Như vậy từ ngày 14 đến 18 tháng 3, bằng bốn trận đánh liên tiếp, trên một đoạn đường dài 50 km ở đường số 21, Sư đoàn 10 (thiếu) và Trung đoàn 25 cùng với Trung đoàn xe tăng 273 đã cơ bản tiêu diệt Sư đoàn 23 nguỵ.

        Trận đánh quân tăng viện phản kích ở khu vực Phước An - Chư Cúc đến đây là kết thúc. Quân ta đã đập tan ý đồ phản kích của địch chiếm lại Buôn Ma Thuột và ngăn chặn tốc độ tiến công của quân ta về hướng đồng bằng, không những xoá sổ Sư đoàn 23, “những thiên thần lịch sử" của quân nguỵ, mà còn quét sạch luôn cả các lực lượng bảo an dân vệ địa phương và tàn quân các nơi chạy về giải phóng thêm hai quận Phước An và Chư Cúc.

        Giữa lúc bọn quân phản kích đang bị đánh tơi bời thì những tên cầm đầu nguỵ quân, vì quá hốt hoảng trước sức uy hiếp của quân ta về hướng đồng bằng ven biển, vội vàng ra lệnh cho bọn chỉ huy Quân khu 2 rút bỏ Tây Nguyên (sẽ nói ở những phần sau). Mưu kế phản kích để định chiếm lại Buôn Ma Thuột bị phá sản.

        Mưu kế lớn của địch lúc này là liều lĩnh cố phòng giữ Đà Nẵng và rút một lữ đoàn dù phòng giữ phía tây Đà Nẵng ra đem đến phòng giữ vòng ngoài cho Nha Trang để nếu không giữ được Nha Trang và Cam Ranh, đồng thời bỏ Tây Nguyên rút về đồng bằng để giữ đồng bằng từ Nha Trang vào phía Nam.

        Thắng lợi đập tan cuộc phản kích, xoá sổ Sư đoàn 23 nguỵ - đòn then chốt thứ hai của chiến dịch, cùng với thắng lợi Buôn Ma Thuột - đòn then chốt mở màn chiến dịch, là những thắng lợi rực rỡ và hoàn chỉnh trong một thế trận, đã tạo ra đà phát triển tiến công nhanh chóng của quân ta xuống các tỉnh ven biển miền Trung, đồng thời thúc đẩy thêm sự suy sụp, tan rã ngày càng nhanh của đoàn quân địch đang tháo chạy trên đường số 7.

        Nhớ đến biên bản về cuộc thẩm vấn các sĩ quan nguỵ mà tôi đã nói ở trên. Chúng tôi đã đặt ra với họ câu hỏi này theo lối trắc nghiệm: "Trận tiêu diệt quân đoàn 2 tháo chạy trên đường 7 đã có ý nghĩa then chốt quyết định chiến dịch Tây Nguyên? Hay trận tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột rồi sau đó tiêu diệt Sư đoàn 23?" Hai trong số các ý kiến trả lời xác định trận truy kích trên đường số 7, còn tất cả 80% xác định trận Buôn Ma Thuột. Và trận đánh bại phản kích của Trung đoàn 45, sư 23. Có thể nói thêm điều gì nữa? Hai trận then chốt Buôn Ma Thuột và Sư đoàn 23 là một trận then chốt quyết định đánh bại quân đoàn 2 của địch. Đòn điểm trúng huyệt? Nhìn lại trận đánh ấy từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy điều đó đúng với cả ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch lẫn chiến lược.

        Như vậy đòn phản kích tiếp liền sau đó do bộ chỉ huy Quân khu 2 địch tung ra đã tiêu nốt những lực lượng còn lại của Sư đoàn 23, khiến Sư đoàn này hoàn toàn bị xoá sổ (Khi xảy ra trận đánh Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 23 chỉ có sở chỉ huy hành quân Sư đoàn và một Trung đoàn bộ binh trong tổng số hơn 8.000 tên địch trong thị xã. Hai Trung đoàn khác của nó lúc ấy ở Plâyku)

        Điểm lại ta thấy ngay sau khi cơ động lực lượng từ Đức Lập sang phía đông thị xã, từ ngày 11 tháng 3, những đơn vị đến trước của Sư đoàn 10 đã tiến công ngay các căn cứ ngoại vi còn lại rồi bước vào đánh địch phản kích. Từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 3, bằng vận động bao vây tiến công liên tục đánh địch trong hành tiến - một hình thức tác chiến mới mẻ có trình độ đánh tiêu diệt cao các Trung đoàn 24 và 28 của Sư đoàn bộ binh 10 và Trung đoàn bộ binh độc lập 25, đã lần lượt tiêu diệt cả Trung đoàn 45, 44, 21 và các đơn vị tăng phái đổ bộ xuống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 11:14:17 am »


        Còn cần phải nhắc đến ở đây trận tiêu diệt Trung đoàn 53 địch ở sân bay Phượng Dực (đông thị xã Buôn Ma Thuột), ngày 17 tháng 3, một trận đánh góp phần xoá sổ Sư đoàn 23 và cắt đứt bàn đạp mà địch hy vọng sử dụng để phản kích đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột. Nhiệm vụ thực hiện trận đánh này, theo quyết tâm, được giao cho Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316. Nhưng do Trung đoàn một phần thấm mệt vì trận tấn công vào thị xã trước đó, và chủ yếu là vì nắm địch chưa chắc, nên trận đánh đã qua ba ngày mà vẫn chưa ngã ngũ. Một tình huống như thế bao giờ cũng cho thấy phải tăng cường lực lượng. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đưa thêm vào Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10.

        Chúng ta hẳn còn nhớ hình ảnh đồng chí chiến sĩ cảnh vệ ốm yếu gày gò sau một cơn sốt rét ác tính vẫn nằng nặc không chịu về tuyến sau trong năm Mậu Thân? Bây giờ, đồng chí ấy đây, Thiếu tá trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Đình Kiệp người chỉ huy gan dạ dũng cảm. Nhận được lệnh, đồng chí lập tức dẫn ngay các cán bộ của mình vượt lên trước để nhận nhiệm vụ hiệp đồng. Không gặp người chỉ huy Sư đoàn tại toạ độ xác định, các đồng chí đã chủ động đi tìm suốt một đêm ròng với lòng nôn nóng được lao vào trận đánh.

        8g 00 sáng hôm sau gặp được chỉ huy, lập tức quay ra đưa bộ đội vào chiếm lĩnh. 14g 00 giao nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn tại trận địa. 17g 00 nổ súng tấn công. 8g 00 sáng ngày 17 tháng 3, cùng với Trung đoàn 149, các đồng chí cắm cờ chiến thắng lên vị trí địch. Chúng tôi rất cần những chiến sĩ, những cán bộ như thế trong chiến đấu và nhận thấy rằng quân đội của chúng ta đã không bao giờ thiếu.

        Sư đoàn 23 bị tiêu diệt. Trong những ngày đó, chúng tôi không thể hiểu được kẻ địch lại có thể tổ chức phản kích ốm yếu đến như vậy. Thứ nhất, Sư đoàn 23 được tung vào trận không hề đúng lúc. Nếu chúng đưa lực lượng đến trong ngày 10 hay thậm chí trong ngày 11 tháng 3 thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, trận đánh chiếm thị xã có thể kéo dài hơn và như vậy các tình huống tiếp theo sẽ khác. Nhưng chúng lại đến sau khi ta đã rảnh tay, được gì? Thứ hai, các lối ném lần lượt từng Trung đoàn xuống..., chúng ta đã lần lượt tập trung tiêu diệt. Tại sao chúng làm như thế? Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể thấy rõ hơn. Đúng là chúng đã chỉ huy tồi trước đòn choáng Buôn Ma Thuột. Vào lúc ấy, mất hết hy vọng Thiệu đã quyết định bỏ Plâyku, Kon Tum, thực hiện một cuộc rút lui chiến lược của quân đoàn 2 về đồng bằng ven biển miền Trung để mong tìm kiếm một hy vọng mới bằng co cụm chiến lược.

        Trong trận đánh địch định phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột, ta có gạn lọc tình huống từ trước và rất chủ động. Ta cho Sư đoàn 320 ra đánh cắt đường bộ, chiếm lĩnh các đoạn đèo hiểm trở ở Plâyku, đi Buôn Ma Thuột. Vì đi phản kích định chiếm lại Buôn Ma Thuột là đi như chữa cháy, địch phải đi rất nhanh, buộc phải đi bằng máy bay lên thẳng. Như thế là ta đã gạn lọc được tình huống địch đi đường bộ. Tiếp đến ta rất chủ động chờ đánh địch phản kích. Khi địch đổ quân xuống, chưa kịp triển khai phản kích thì đã bị Sư đoàn 10 của ta bố trí sẵn đón đánh ngay.

        Trong khi các sư đoàn giải phóng Buôn Ma Thuột thì bộ đội địa phương tỉnh giải phóng thị trấn Lác trên hồ Lắc.

        Ngày 18 tháng 3, Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y BLốc Êban, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Đắc Lăk đã ra mắt nhân dân và trực tiếp quản lý hành chính trong thị xã, tổ chức ra chính quyền ở các cơ sở, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.

        Chỉ trong thời gian ngắn, anh em công nhân đã khôi phục lại điện và nước trong thị xã. Uỷ ban Quân quản mở kho thóc để cấp phát lương thực cho dân.

        Cùng với nhân dân lao động, những người tri thức yêu nước, những nhà tu hành, các nhà giáo và ngay một số nhân viên nguỵ quyền cũ cũng nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống mới. Nhiều người tình nguyện giúp chính quyền mới nắm bắt tình hình và điều hành công tác trong thị xã.

        Bị thất bại nặng nề nhưng địch còn phản ứng điên cuồng, ngày 19 tháng 3 máy bay địch ném bom vào các khu đông dân cư trong thị xã làm chết và bị thương trên 200 đồng bào. Uỷ ban Quân quản thị xã và các lực lượng ta tổ chức lo chôn cất những người chết, cứu chữa những người bị thương, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại. BộTư lệnh chiến dịch phối hợp với Uỷ ban Quân quản đặt kế hoạch đề phòng địch tiếp tục phản kích vào thị xã và phối hợp với các đội công tác ở vùng ven phát động quần chúng các ấp các buôn làng, các đồn điền xung quanh thị xã, nổi dậy phá tề, trừ gian, thành lập chính quyền cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 11:22:19 am »


PHẦN 13

TIÊU DIỆT TẬP ĐOÀN RÚT CHẠY KHỎI TÂY NGUYÊN TIẾN XUỐNG ĐỒNG BẰNG

        Đánh địch rút chạy. Kon Tum - Plâyku không đánh mà thắng.

        Nói trở lại tình hình địch vào những ngày 14 và 15 tháng 3 về trước. Lúc bấy giờ, tuy các đơn vị phản kích của địch chưa bị ta tiêu diệt hết, song tình thế chung của quân địch ở Tây Nguyên và Quân khu 2 đã lâm vào chỗ hết sức hiểm nghèo.

        Mưu kế của địch trong lúc này. Địch đành cắn răng rút lữ đoàn dù 3 ở Đà Nẵng về bố trí ngăn chặn ta từ Buôn Ma Thuột tiến về Nha Trang và rút quân từ Plâyku, Kon Tum co về để giữ đồng bằng. Với hai hành động này, địch hy vọng giữ được Nha Trang và Cam Ranh. Nhưng ta đều phá được mưu kế này của địch.

        Sư đoàn 10 tiếp tục tiến công sau khi đã tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy. Sư đoàn 320 truy kích tiêu diệt quân rút chạy đến tận thị xã Tuy Hoà; làm cho địch không còn quân để co về giữ Nha Trang. Sư đoàn 10 sau khi tiêu diệt sư đoàn 23 đến phản kích để định chiếm lại Buôn Ma Thuột, liền trong khí thế chiến thắng tiêu diệt luôn lữ đoàn dù này và tiến thẳng xuống chiếm Nha Trang và Cam Ranh. Mưu kế của địch định co về giữ đồng bằng và ngăn chặn ta xuống đồng bằng đã bị phá tan. Ta đã cao tay hơn địch; không để cho địch co cụm và ngăn chặn.

        Buôn Ma Thuột bị ta chiếm. Sư đoàn 23 bộ binh không còn sức chiến đấu vì có 3 Trung đoàn thì 2 Trung đoàn đã bị diệt (Trung đoàn 53 và Trung đoàn 45), Trung đoàn 44 và bộ chỉ huy Sư đoàn đang bị vây và có nguy cơ bị tiêu diệt nốt. Sư đoàn 22 bộ binh giải toả đường số 19 ở đèo Thượng An, tây Bình Khê, đông An Khê cũng đã bị tiêu diệt một bộ phận và đang bị bao vây.

        Một nửa số biệt động quân bị tiêu diệt, bị đánh thiệt hại nặng hoặc bị giam chân (liên đoàn 21 bị diệt, liên đoàn 6 và liên đoàn 25 bị đánh thiệt hại nặng, liên đoàn 23 bị mắc kẹt ở Quảng Đức). Một Trung đoàn xe tăng - xe bọc thép, một số tiểu đoàn và đại đội pháo binh bị tiêu diệt. Các đường chiến lược bị ta chiếm lĩnh và cắt đứt hoàn toàn. Sân bay duy nhất là Cù Hanh thì đang bị khống chế.

        Tóm lại, ở chiến trường này, chúng đã bị tiêu diệt và tiêu hao một lực lượng chủ lực quan trọng, số còn lại đang bị vây hãm và bị tiến công ở Plâyku - Kon Tum và đường số 19. Đội quân bị trói chặt ở địa bàn này không phát huy được tác dụng gì đối với toàn chiến trường Quân khu 2 mà còn đang suy yếu và có nguy cơ bị tiêu diệt. Vùng đất Quân khu 2 từ nam đường 19 trở vào tới Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Lạt, Lâm Đồng chỉ có lực lượng bảo an phòng giữ và cũng đang bị đánh.

        Trong khi đó, quân ta một mặt đang chuẩn bị tiến công vào tập đoàn địch ở Plâyku - Kon Tum, mặt khác lại sắp đánh vỡ trận địa cuối cùng của Sư đoàn 23 nguỵ ở Phước An và từ đó tiến công về hướng Nha Trang – Cam Ranh đang bị bỏ ngỏ. Mũi tiến công về hướng Nha Trang, Cam Ranh quả rất đáng sợ, vì mất địa bàn này thì coi như mất Quân khu 2 về cơ bản, mất vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ tức là miền Nam Việt Nam bị cắt làm đôi ở một khúc rất quan trọng. Quân khu 3 và Sài Gòn sẽ bị uy hiếp từ phía đông, nơi có khu căn cứ hậu cần trung ương, vùng yết hầu liên lạc với thế giới bên ngoài bằng đường biển. Quân khu 1 sẽ bị cô lập không liên lạc được với Sài Gòn bằng đường bộ và rồi cũng sẽ mất theo cả vùng đồng bằng ven biển của nó.

        Ở các chiến trường khác, bấy giờ quân ta đều hoạt động mạnh để phối hợp với Tây Nguyên một cách hết sức nhịp nhàng. Từ Trị - Thiên đến Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Biên Hoà, Bình Dương, Dầu Tiếng, Tây Ninh, đồng bằng sông Cửu Long... nhiều cứ điểm địch bị ta đánh chiếm, nhiều quận ly và thị trấn được giải phóng. Quân địch phải đối phó với ta ở khắp nơi và nơi nào cũng lâm vào tình trạng khó khăn nguy ngập. Vì thế bọn cầm đầu Mỹ - nguỵ không thể điều quân từ chiến trường này đi cứu chiến trường khác được.

        Hậu phương là một nhân tố thường xuyên có tác dụng quyết định thắng lợi của chiến tranh. Đối với quân đội Mỹ - nguỵ thì điều đó lại càng vô cùng quan trọng, càng có ý nghĩa sinh tử. Vì chúng không thể chiến đấu trong điều kiện gian khổ kéo dài, không đủ sức chịu đựng những vất vả thiếu thốn liên tục. Trong tình thế thất bại và so sánh lực lượng đã thay đổi đến mức nghiêm trọng, nguy cơ hậu phương bị mất đã hiện ra trước mắt, bọn cầm đầu Mỹ - nguỵ không thể không buộc phải thay đổi chủ trương chiến lược: rút hẹp phòng tuyến lại, co về giữ hậu phương; bỏ vùng rừng núi, co về giữ vùng đồng bằng ven biển, các đô thị lớn, các đầu mối giao thông quan trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 11:24:25 am »


        Đúng như lời tiên đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi chia tay tôi vào chiến trường, ở Hà Nội đã nói: Nếu địch bị thua đau ở Tây Nguyên, chúng sẽ về co cụm ở các tỉnh ven biển miền Trung. Quả nhiên, điều này khi đang diễn ra cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiên liệu ngay trước một ngày mà bọn đầu sỏ nguỵ họp bàn về việc rút bỏ Tây Nguyên.

        Ngày 13 tháng 3 Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện cho anh Văn Tiến Dũng có nhận định: "...Trường hợp địch bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, mất thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều quận lỵ, việc chia cắt chiến lược đường số 19 thực hiện tốt thì có khả năng chúng tập trung các lực lượng còn lại ở Kon Tum, Plâyku, cũng nên nghĩ đến khả năng chúng buộc phải thực hiện rút lui chiến lược. Vì vây, cần bao vây ngay Plâyku bằng các thứ hoả lực, kể cả các loại pháo cao xạ, triệt đường tiếp tế của địch trong cả hai tình huống: địch co cụm ở Plâyku, hoặc rút chạy khỏi Tây Nguyên...Ký tên: Văn."

        Thì ngày 14 tháng 3 năm 1975, bọn đầu sỏ nguỵ quyền nguỵ quân gồm Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên hốt hoảng kéo nhau ra Cam Ranh gặp Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân khu 2, để bàn bạc và đi tới một quyết định cay đắng và gấp gáp: rút bỏ Tây Nguyên? Cụ thể là rút toàn bộ lực lượng quân đoàn 2 còn lại ở Kon Tum - Plâyku nhằm tránh bị quân ta tiêu diệt, co về giữ đồng bằng, củng cố một thời gian rồi tập trung lực lượng chờ thời cơ phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên.

        Nội dung các cuộc họp quan trọng của cấp cao nguỵ theo một số tư liệu nước ngoài được miêu tả như sau:

        Để đối phó với tình hình nguy ngập của chiến trường Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với cương vị Tổng tư lệnh tối cao quân lực Việt Nam cộng hòa, đã triệu tập và chủ toạ một phiên họp có tính cách lịch sử tại Cam Ranh ngày 14 tháng 3 năm 1975. Thành phần tham dự gồm những tướng lãnh đang giữ những chức vụ cao cấp quan trọng nhất: đại tướng Trần Thiện Khiêm - Thủ tướng chính phủ, đại tướng Cao Văn Viên- tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, trung tướng Đặng Văn Quang - Phụ tá an ninh quân sự của Tổng thống và Thiếu tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh quân đoàn 2

        Phiên họp diễn ra từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30. Sau khi nghe tướng Phú báo cáo tình hình diễn biến trên chiến trường Cao Nguyên, Tổng thống Thiệu quay sang hỏi đại tướng Viên:

        - Còn lực lượng chi viện cho Quân khu 2 không?

        - Không còn ạ.

        Tổng thống quay sang tướng Phú:

        - Nếu không có quân tăng viện, anh có khả năng giữ được bao lâu ?

        - Nếu được Tổng thống và tướng Viên yểm trợ không quân tối đa, tôi sẽ giữ được một tháng. Vùng 2 chiến thuật không xin tăng viện mà chỉ xin quân số bổ sung để bù đủ tổn thất nặng nề sau trận Buôn Ma Thuột. Với trách nhiệm là tư lệnh Vùng chiến thuật tôi sẽ ở lại Plâyku và sẽ tử thủ ở đấy. .

        Tổng thống Thiệu lắc đầu nói:

        - Phải rút khỏi Kon Tum và Plâyku để bảo toàn lực lượng, lấy quân về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn.

        Tuy hỏi như vậy, nhưng mọi việc đã được ông quyết định từ buổi họp hôm trước ngày 13 tháng 3, khi ông triệu tập hội đồng an ninh quốc gia và công bố quyết định chiến lược "nặng ở đáy, nhẹ ở đầu » điều đó có nghĩa là: Không có quân tăng viện và cũng không có thêm trang bị...Không có cách nào để phòng thủ Plâyku và Kon Tum. Chỉ còn cách là bỏ cả hai tỉnh (Kon Tum và Plâyku), và sử dụng lực lượng đó để tăng cường cho vùng bờ biển và tăng cường cho một cuộc phản kích vào Buôn Ma Thuột. Khi kết thúc cuộc họp này ông còn ra lệnh không được nói việc đó cho ai, kể cả người Mỹ).

        Tiếp đó Tổng thống lại hỏi đại tướng Viên:

        - Rút theo đường 19 có được không?

        - Trong lịch sử chiến tranh ở Đông Dương, chưa có lực lượng nào rút theo đường số 19 mà không bị tiêu diệt, cả đường số 14 nữa đều không thể sử dụng được. Chỉ còn đường 7 chạy qua tỉnh Phú Yên. Nếu rút theo đường này có hai cái lợi: Một là không có địch, hai là Cộng Sản không dự kiến có một sự chuyển quân nào trên đường đó, theo tôi là như vậy.

        Cuối cùng tổng thống Thiệu quyết định rút theo đường số 7b bất chấp sự phản đối của tướng Phú và còn doạ: Nếu không chấp hành sẽ bị ngồi tù, hoặc cách chức. Khi cuộc họp sắp chấm dứt, tướng Phú hỏi bao giờ thì bắt đầu rút quân? Tổng thống Thiệu nói điều đó tuỳ tướng Phú quyết định, chỉ yêu cầu là phải tuyệt đối giữ bí mật kể cả với người Mỹ, không cho các lực lượng địa phương và người Thượng ở Kon Tum và Plâyku biết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:20:39 am »


        Buổi sáng sớm khi bay về Cam Ranh, và sau đó được chỉ thị từ Sài Gòn của Tổng thống Thiệu, tướng Phú đã ra lệnh cho chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, tư lệnh Sư đoàn 2 không quân tại Nha Trang cùng với 2 trực thăng nữa bay lên Cam Ranh. Tướng Phú yên trí thế nào các Tướng : Thiệu, Khiêm, Viên cũng xuống mặt trận PhướcAn, nên ông thật hứng khởi lúc bay trên đầu những cánh quân tăng viện vừa đổ xuống hai ngày trước đó; ông đã liên lạc ra lệnh cho chuẩn tướng Lê Trung Tường tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh và những đơn vị trưởng khác chỉ huy các cánh quân tại mặt trận này. Nhưng khi Tổng thống Thiệu và các tướng Khiêm, Viên khi họp xong đã về thẳng Sài Gòn. Do đó, ngay sau khi đưa tiễn phái đoàn Tướng lãnh, tướng Phú cũng đã ra lệnh bay về Nha Trang, trước khi lên lại Plâyku.

        Khi tướng Phú trở về Plâyku thì trời đã tối.

        Sáng 14 tháng 3 khi chuẩn tướng Phạm Duy Tất phụ tá của tướng Phú, kiêm tư lệnh biệt động quân đang đi kiểm tra tình hình ở phía đông thì được gọi cấp tốc về sở chỉ huy quân đoàn để bàn bạc tình hình. Tướng Phú ra lệnh triệu tập ngay một cuộc họp với các viên chỉ huy thuộc cấp để thông báo cho họ biết tình hình và nhiệm vụ mới.

        Vào cuộc họp tướng Phú nói:

        - Cuộc họp bàn vận mệnh quốc gia (ở Cam Ranh) hoàn toàn bí mật chỉ có 5 người tham dự: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đại tướng Trần Thiên Khiêm, đại tướng Cao Văn Viên, trung tướng Đặng Văn Quang và tôi đã bàn về việc rút khỏi Cao Nguyên.

        Sau khi tướng Phú chỉ định chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy quân biệt động, làm người phối hợp và điều hành việc rút lui.

        Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm người được giao phụ trách lập kế hoạch rút lui muốn hỏi rõ một số vấn đề:

        - Ta có thông báo cho các tỉnh trưởng và cơ quan hành chính cấp tỉnh cùng lực lượng bảo an, dân vệ và dân chúng địa phương không? Ta có đảm nhiệm tổ chức cho họ rút khỏi chiến trường không?

        Tướng Phú nói:

        - Theo lệnh của Tổng thống không được thông báo cho các tỉnh trưởng, cứ để họ tiếp tục chống cự. Khi ta rút xong, ai biết thì chạy theo. Địa phương quân toàn là người Thượng, trả họ lại cho Cao Nguyên. Còn dân thì để họ tuỳ nghi di tản. Cũng không được báo cho người Mỹ biết.

        Như vậy tuy Nguyễn Văn Thiệu cấm không báo cho người Mỹ biết, nhưng chỉ một giờ sau khi Thiệu họp ở Cam Ranh, một thành viên CIA trong bộ tham mưu của Phú đã báo cho viên sĩ quan chỉ huy mình biết. Viên sĩ quan đó không tin và gửi một bức điện khẩn về Nha Trang và yêu cầu Lãnh sự quán giải thích. Polgar thành viên chủ chốt của CIA trong sứ quán Mỹ, khi nghe tin này đã nhảy lên và chạy xuống phòng đại sứ để báo tin cho Lehmann, nhưng đi vắng. Polgar gọi điện cho Spear, Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở Nha Trang yêu cầu xác nhận nguồn tin trên: Đến trưa, Polgar đã ra lệnh rút tất cả các nhân viên CIA ở Plâyku bằng máy bay của Air America và kiến nghị với Lehmann, đóng cửa ngay lập tức tất cả các hoạt động của Mỹ ở Tây Nguyên.

        Ngày 15 tháng 3, Phạm Văn Phú vội vàng cho sở chỉ huy quân đoàn 2 ở Plâyku chuồn trước bằng máy bay lên thẳng về Nha Trang. Tiếp đó đến cuộc tháo chạy lớn bằng đường bộ. Đường số 19 và đường số 14 đã bị quân ta cắt đứt. Chúng chỉ còn cách đánh liều chạy theo con đường số 7 từ Plâyku qua thị trấn Phú Thiện, thị xã Cheo Reo (Phú Bổn) về Củng Sơn - Tuy Hoà. Đây là con đường cũ, hẹp đã bỏ hoang lâu ngày vì du kích của ta hoạt động mạnh.

        Lực lượng rút chạy của địch gồm có: 6 tiểu đoàn biệt động quân; lữ kỵ binh 2 có 3 thiết đoàn 19, 21 và 3; 6 tiểu đoàn pháo binh (có 1 tiểu đoàn pháo 175 ly); 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 44; tiểu đoàn 89 thuộc liên đoàn 21; liên đoàn 20 công binh; liên đoàn 66 truyền tin, cơ quan quân đoàn 2; bộ phận sĩ quan của Sư đoàn 6 không quân; 2 liên đoàn bảo an của tỉnh Kon Tum - Gia Lai và tàn quân ở các nơi chạy về, tổng cộng 27 đầu mối đơn vị. Ngoài ra, trên đường rút chạy còn có các lực lượng bảo an, biệt kích, dân vệ đồn trú trong các căn cứ thị trấn, thị xã từ Phú Thiện đến Củng Sơn.

        Theo lệnh của Thiệu, bọn chỉ huy Quân khu 2 không thông báo cho các lực lượng địa phương biết, "cứ để cho chúng chống giữ, khi chủ lực rút xong ai biết thì biết". Còn "địa phương quân là người Thượng thì trả chúng về với Tây Nguyên".

        Theo kế hoạch chúng định rút từ Plâyku về Cheo Reo trong ba ngày: 15 tháng 3, rải quân chốt bảo vệ và sửa đường; ngày 16 tháng 3, rút Kon Tum và ngày 17 tháng 3 rút Plâyku, đến lượt bộ phận nào rút thì bộ phận ấy biết. Sau đấy sẽ vừa sửa đường vừa rút, sửa xong đường đến đâu rút đến đó. Để chống lại du kích ta và sửa săm đoạn đường từ phía nam Củng Sơn đến Tuy Hoà, chúng phải điều lực lượng ở đồng bằng lên hỗ trợ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:33:40 am »


        Thế nhưng, bắt nguồn từ sự choáng váng và rối loạn về chiến lược dẫn đến sai lầm về chiến lược sau đòn hiểm Buôn Ma Thuột, cuộc rút bỏ Tây Nguyên đã diễn ra hoàn toàn ngược lại với mong muốn của bọn chỉ huy địch. Đó không phải là một cuộc rút lui "có tổ chức, có chỉ huy và tuyệt đối bí mật" như kế hoạch chúng đã đề ra, mà chỉ là một cuộc tháo chạy hỗn loạn của một đoàn quân bại trận thảm hại.

        Khó khăn rất lớn chúng không sao khắc phục được là: lực lượng đông, binh khí kỹ thuật nhiều, thời gian rất gấp, bảo đảm đường cơ động và hậu cần rất phức tạp. Dù có cố gắng dựa vào các căn cứ thị trấn, thị xã trên dọc đường rút chạy mà thiết lập các khu chỉ huy, các bàn đạp để vừa chuẩn bị vừa rút, chúng cũng không thể tránh được tình trạng rối loạn đội hình, rối loạn tổ chức chỉ huy và bảo đảm. Hơn nữa, bên cạnh đoàn quân vốn đã ô hợp do tinh thần dao động lại còn kèm thêm cả một đoàn người "di tản".

        Vì, sau khi thấy Phạm Văn Phú chuồn trước cùng sở chỉ huy của hắn về Nha Trang, tiếp đến những đơn vị chuyên môn rút về Cheo Reo mang theo cả gia đình, thì bọn sĩ quan, binh lính cũng khiếp sợ, gia đình chúng ùn ùn kéo vào sân bay, tranh nhau lên máy bay, gây nên sự hỗn loạn. Kẻ nào không vào được sân bay thì dùng đủ các loại xe để chạy về Cheo Reo.

        Đường sá tắc nghẽn vì chật ních xe tăng, xe kéo pháo, xe vận tải, xe buýt, xe lam... chật ních binh lính và vợ con chúng.

        Quân đè dân, kẻ khoẻ đè kẻ yếu, xe to đè xe con, chúng chửi bới, đánh nhau ầm ĩ, tranh nhau mà đi. Cuộc tháo chạy hỗn loạn dẫn đến một bước ngoặt, một đột biến về tinh thần tư tưởng. Mất hết lòng tin ở cuộc chiến, chúng chỉ còn lo giữ lấy cái mạng của bản thân và gia đình chúng mà thôi. Tóm lại, đó là một cuộc tháo chạy vô định và tuyệt vọng.

        Về phía ta, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã sớm dự kiến một cuộc rút lui chiến lược của địch ở Tây Nguyên. Vì vậy, khi cài thế chiến dịch trước ngày nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, chúng ta đã tính đến việc không cho địch tăng cường lên cứu Tây Nguyên cũng như không cho địch rút chạy khỏi Tây Nguyên một cách dễ dàng, hơn nữa với thế trận hợp lý nên có thể sẵn sàng đối phó kịp thời với mọi tình huống.

        Qua những tin tức thu được trong những ngày 13, 14 và 15 tháng 3 năm 1975, Bộ Tổng tư lệnh, sở chỉ huy tiền phương và Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu rút chạy của địch. Qua những dấu hiệu đó, chúng ta ngày càng đi đến nhận định dứt khoát rằng, đây không phải là một cuộc rút chạy trong phạm vi chiến dịch nữa mà đã lên tới tầm chiến lược rồi.

        Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, trong phạm vi chiến dịch, một quân đoàn địch được trang bị hiện đại đã phải bỏ địa bàn chiến lược quan trọng rút chạy. Sự kiện này chứng tỏ rằng, đòn đánh trúng huyệt Buôn Ma Thuột đã bắt đầu ngấm và làm cho địch choáng váng, đi tới phạm sai lầm rất lớn về chiến lược. Nó sẽ dẫn đến nhiều sự kiện quan trọng khác, có thể dẫn đến việc ta kết thúc thắng lợi nhanh chóng trong cuộc chiến tranh.

        Rõ ràng thời cơ lớn đã đến với chúng ta! Vậy thì, muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân dịch rút chạy, phải diệt chúng ngay trên chiến trường Tây Nguyên, không cho chúng thoát về đồng bằng. Phải diệt cho nhanh, cho gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh.

        Chiều 15, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã gọi điện trực tiếp cho tôi nói rằng địch có khả năng rút chạy khỏi Plâyku, Kon 'Tum. Nhận định ấy đến khá đột ngột vì chúng tôi chưa dự kiến tình huống lại có thể chuyển biến nhanh chóng đến như thế.

        Nhưng sau khi triển khai nắm lại các tin tức, quả nhiên có những hiện tượng để phán đoán khả năng ấy. Đúng là cơ quan chiến lược nắm tình hình chắc hơn cơ quan chiến dịch. Đêm 15, chúng tôi điện báo cáo về Bộ Tổng tư lệnh, đề cập đến chiều hướng địch rút chạy. Cùng ngày, tôi đã đề nghị với Thượng tướng Chu Huy Mân cho lực lượng Quân khu 5 và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên sẵn sàng đón đánh địch ở Củng Sơn.

        Trong khi chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị các phương án đánh địch trên cơ sở những tin tức được sáng tỏ dần, vào lúc 20g 00 ngày 16, khi cả Bộ Tư lệnh chiến dịch lẫn các sĩ quan tham mưu đang có mặt bên tấm bản đồ chỉ huy thì chuông điện thoại réo vang. Tôi nhấc tổ hợp lên, và tiếng nói rành rọt của Đại tướng Văn Tiến Dũng vang từ đầu dây bên kia, cả hầm chỉ huy đều nghe rõ:

        - Truy kích ngay Địch đã rút chạy theo đường 7.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM