Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:11:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44614 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:30:32 pm »


        Những diễn biến tại sở chỉ huy quân đoàn 2 của địch (Lược ghi theo: Phạm Huấn "Điện Biên Phủ 1954, Ban Mê Thuột 1975" (Sđd).) lúc này được kể lại như sau:

        Bốn giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, đúng 10 tiếng đồng hồ sau khi tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 và chiến trường Tây Nguyên rời Buôn Ma Thuột về nhiệm sở của ông ở Plâyku, thì Việt Cộng khởi sự tấn công vào thành phố này.

        Tại sở chỉ huy quân đoàn 2 ở Plâyku, người đầu tiên vào chiếc "bunker" chỉ huy đánh thức báo cáo cho tướng Phú biết là tham mưu trưởng quân đoàn 2 - đại tá Lê Khắc Lý.

        Tướng Phú ngồi bật dậy, ông vẫn mặc bộ đồ bay của phi công màu quân phục bộ binh, nên chỉ xỏ vội đôi giày vào rồi bước sang trung tâm hành quân quân đoàn ngay sát cạnh.

        Tướng Phú hỏi:

        - Ai vừa gọi lên tường trình tình hình Buôn Ma Thuột cho anh biết?

        Tham mưu trưởng quân đoàn 2:

        - Thưa Thiếu tướng, chính đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột

        Vừa bước vào trung tâm hành quân, tướng Phú đã cầm ngay lấy ống liên hợp của máy siêu tần số 106:

        - Gọi đại tá Quang, Buôn Ma Thuột?

        Lúc này Trung tâm hành quân, ngoài đại tá tham mưu trưởng quân đoàn, các sĩ quan trưởng phòng 2, phòng 3, phòng 6, cả 2 sĩ quan chánh văn phòng, thiếu tá Vinh và sĩ quan tuỳ viên, thiếu tá Hoá đều có mặt với quân phục tề chỉnh. Vinh và Hoá là 2 Sĩ quan đã theo tướng Phú từ lâu nên biết rõ phương thức làm việc và thói quen của ông. Hoá ngồi liền sát với máy truyền tin, còn Vinh cầm sẵn cuốn "agenda" và cây viết trên tay, chuẩn bị ghi chép những mệnh lệnh.

        Tiếng đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột vang trong chiếc loa nhỏ của máy siêu tần số 106:

        - Trình Mặt Trời (tư lệnh quân đoàn) địch vẫn đang, tiếp tục pháo vào thị xã? Mặt trời nghe tôi trình rõ không?

        Tướng Phú:

        - Tôi nghe anh 5/5. Tình hình nặng lắm không?

        - Dạ, rất nặng? Cộng quân sử dụng đại bác 130 ly, pháo chính xác nhiều nơi, như bộ tư lệnh Sư đoàn, sân bay L-19 và khu vực kho xăng, kho đạn từ 2 giờ sáng, và hiện đã tiến sát gần phi trường đầu thị xã.

        Tướng Phú:

        - Tối hôm qua anh có kiểm soát việc phân tán kho xăng, kho đạn không?

        Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột:

        - Dạ có, nhưng mới chỉ phân tán được 1/3 như dự định.

        Tướng Phú:

        - Anh ra lệnh cho các đơn vị trưởng phải sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Có thể địch tấn công ngay sau những trận mưa pháo.

        - Dạ, tôi nhận rõ.

        Tướng Phú:

        - Ráng chống đỡ, và ra lệnh sử dụng pháo binh phản pháo tối đa vào những địa điểm nghi ngờ có đại bác 130ly của địch. Chờ trời sáng, không quân sẽ ưu tiên yểm trợ cho anh.

        - Dạ ... trình Mặt Trời ...Tiếng máy xè xè làm câu trả lời của tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột bị ngắt quãng.

        Tướng Phú quay lại gắt:

        - Máy móc gì kỳ cục vậy?

        Rồi ông hét to:

        - Anh nghe tôi rõ không?

        Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột:

        - Trình Mặt trời rõ, xin tuân ... lệnh?

        Tướng Phú chấm dứt cuộc đàm thoại với tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột. Nhưng có một điều ông không thể ngờ rằng việc ông kỳ vọng và tin rằng vị tư lệnh chiến trường Buôn Ma Thuột sẽ tuân theo lệnh sử dụng pháo đội đại bác 155 ly mà ông đã ra lệnh tăng cường cho Buôn Ma Thuột tháng trước, đã không bao giờ xảy ra, vì hiện tại ở Buôn Ma Thuột, phía Quân lực Việt Nam Cộng hoà không có đại bác 155 ly. Lý do, vị tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh đã không cho điều động 1 pháo đội đại bác 155 ly về Buôn Ma Thuột trước đó, mà chỉ gởi 2 khẩu đại bác 105ly một pháo đội (thiếu), và trên đường từ Mặt trận nam Pleiku về Buôn Ma Thuột 2 tuần trước đó, đã bị Việt cộng phục kích chặn đánh và huỷ diệt. Tất cả quân nhân trong pháo đội (cùng với vũ khí) đều bị chết, bị thương hoặc bắt sống. Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh và tham mưu trưởng quân đoàn 2 đều biết rõ sự việc này xảy ra, nhưng không biết vì lý do gì họ đã không trình cho tướng Phú biết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:36:15 pm »


        Trên chiến trường Buôn Ma Thuột từ ngày khởi đầu 10 tháng 3 năm 1975, cho đến khi kết thúc, chỉ có những pháo đội đại bác 105 ly chống trả với Trung đoàn pháo nặng của Cộng sản Bắc Việt, gồm những đại bác 130 ly và đại bác 122 ly.

        07 giờ sáng, đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà từ Sài Gòn gọi lên Pleiku để ghi nhận tiếp về tình hình chiến trường Buôn Ma Thuột mà ông được trình trước đó, và cho phát triển những lệnh đặc biệt.

        Đại tướng Viên cũng chấp thuận yêu cầu, đề nghị của tướng Phú sẽ cho không quân yểm trợ chiến trường Buôn Ma Thuột.

        Khoảng gần 2 giờ sau đó, lúc 8 giờ 40, đại tướng Trần Thiên Khiêm, Thủ tướng chính phủ Việt Nam cộng hòa cũng từ Đà Lạt điện đàm nói chuyện với Tướng Phú. Cuộc điện đàm ngắn ngủi từ Đà Lạt gọi lên Pleiku sáng nay, đại tướng Khiêm đã khuyên tướng Phú phải hết sức cẩn trọng, đừng đổ quân quá nhiều vào Buôn Ma Thuột để bị kẹt, sa lầy. Có thể Cộng quân sẽ mở những Mặt trận lớn khác trên chiến trường Cao nguyên.

        Trong khoảng thời gian này, lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, các lực lượng đặc công Việt Cộng và một số chiến xa địch đã đột nhập vào trong thị xã, và những khu vực quân sự Buôn Ma Thuột; nhưng các chiến sĩ quân lực Việt Nam cộng hòa chiến đấu chống trả rất mãnh liệt.

        Sau khi nói chuyện với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tướng Phú chỉ thị cho các tư lệnh mặt trận nam Pleiku, Kon Tum (chuẩn tướng Lê Trung Tường và đại tá Phạm Duy Tất), ra lệnh cho các đơn vị chuẩn bị chiến đấu Chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh chỉ huy mặt trận nam Pleiku sẵn sàng gởi về một Trung đoàn với 100% quân số, tăng viện cho Buôn Ma Thuột. Tình hình mặt trận Buôn Ma Thuột vẫn được chính đại tá Vũ Thế Quang tư lệnh phó Sư đoàn 23 gọi lên báo cáo mọi diễn biến.

        Tướng Phú cũng đã thảo luận với trung tá Nguyễn Văn Giang, Giám đốc không trợ vùng 2, các sĩ quan trưởng phòng 2 và phòng 3 quân đoàn để lựa chọn các mục tiêu ưu tiên cho không quân đánh. Đó là các vị trí quanh Buôn Ma Thuột nghi ngờ có pháo nặng và phòng không của Cộng quân bố trí, những ngả đường Cộng quân sẽ di chuyển quân tới bằng xe, cũng như bằng bộ..v..v.

        Liên đoàn 21 biệt động quân mới được thả xuống Buôn Hồ chiều hôm trước được lệnh tức tốc di chuyển về Buôn Ma Thuột, mở một mũi từ phía bắc xuống, có nhiệm vụ bảo vệ Mặt trận đông thị xã và tiếp ứng cho những nơi bị nguy khốn.

        10 giờ 10 phút, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tổng tư lệnh tối cao quân lực Việt Nam cộng hoà từ Dinh Độc Lập Sài Gòn gọi lên. Tướng Phú trình bày tình hình:

        - Kính trình Tổng thống, Mặt trận Buôn Ma Thuột rất nặng, nhưng cho đến giờ phút này các đơn vị quân ta vẫn giữ vững tin thần, chiến đấu sinh tử với địch để bảo vệ Buôn Ma Thuột.

        Tổng thống Thiệu:

        - Anh trình về Tổng tham mưu là hiện có 2 Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt ở Buôn Ma Thuột?

        Tướng Phú:

        - Trình Tổng thống, chắc chắn 2 Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 của địch với chiến xa và pháo binh nặng đã vào trận địa, cùng đang đánh Buôn Ma Thuột?

        Tổng thống Thiệu:

        - Sao mới đây anh nói với tôi chỉ có 1 Trung đoàn của "thằng” Sư 10 (sư đoàn 10 Cộng sản Bắc Việt) từ Bắc Kon Tum về đánh Quảng Đức?

        Tướng Phú:

        - Thưa Tổng thống 5 ngày trước đó, lực lượng địch tại Quảng Đức chỉ có 1 Trung đoàn. Nhưng Cộng sản quân hiện tấn công Buôn Ma Thuột với pháo binh và chiến xa yểm trợ, nên tôi có thể đoán quyết rằng toàn bộ Sư đoàn 10 Cộng sản Bắc Việt đã từ Kon Tum kéo xuống. Vì đây là Sư đoàn cơ giới nặng của địch có các Trung đoàn pháo, chiến xa và đại bác phòng không.

        Tổng thống Thiệu:

        - Anh phải giải quyết chiến trường thật mau lẹ, đừng để bị kẹt như Phước Long (tỉnh Phước Long mất ngày 8 tháng 1 năm 1975).

        Tướng Phú:

        - Tôi xin tuân lệnh Tổng thống, và sẽ cố gắng hết sức vì tôi cũng rất lo ngại nếu không giải quyết mau lẹ, Sư đoàn 968 của địch từ Pleiku kéo xuống hoặc một Sư đoàn mới của Cộng quân vừa từ ngoài Bắc xâm nhập vào như nguồn tin tình báo cho biết, mở một Mặt trận lớn khác, tôi sẽ không đủ quân để chống đỡ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:39:35 pm »


        Tổng thống Thiệu:

        - Ông đại tướng Viên đã thảo luận với anh về tình hình Buôn Ma Thuột chưa?

        Tướng Phú:

        - Đại tướng Tổng tham mưu trưởng gọi ra lệnh cho tôi lúc sáng sớm. Tôi xin thêm quân, nhưng đại tướng cho biết các lực lượng tổng trừ bị đã sử dụng hết, chỉ có thể ưu tiên yểm trợ không quân cho Mặt trận Buôn Ma Thuột. Do đó, tôi đã ra lệnh cho chuẩn tướng Tường tư lệnh Mặt trận nam Pleiku sẵn sàng cùng với 1 Trung đoàn của Sư đoàn 23 bộ binh, nhảy xuống tăng viện cho Buôn Ma Thuột, nếu nội nhật ngày hôm nay chiến trường chưa giải quyết xong.

        Tổng thống Thiệu:

        - "Bon"! Ráng lên nghe ... Phú. Đừng để bị kẹt như Phước Long. Nếu tình hình nguy ngập phải gọi về trình thẳng cho tôi biết.

        Tướng Phú:

        - Thưa Tổng thống, tôi nhận rõ, và xin tuân lệnh Tổng thống”

        Tuy nhiên trận chiến Buôn Ma Thuột đã không thể giải quyết mau lẹ như các giới chức quân sự cao cấp mong muốn. Khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, những trận đánh bom tới tấp của không quân, và những trận giao tranh ác liệt, đã biến Buôn Ma Thuột thành một bãi chiến trường khủng khiếp. Khắp thị xã, từng góc phố, và những khu vực quân sự, chỗ nào cũng nghe súng nổ. Những cột bụi đất đỏ, những cột khói bốc cao ngất trời. Không quân đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngày đầu của Mặt trận Buôn Ma Thuột.

        Những trận giao tranh ác liệt giữa các đại đội địa phương quân khác như đại đội 702, 889 tại quanh bộ chỉ huy tiểu khu và phi trường L-19, vẫn tiếp tục kéo dài cho đến trưa ngày 10 tháng 3 năm 1975. Khoảng thời gian này, kho đạn chính của khu 23 chiến thuật trong trại Mai Hắc Đế bị đặc công đột nhập, sau khi những hầm đạn đại bác bị trúng pháo, nổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.

        12 giờ trưa, Cộng quân tràn ngập một số khu vực quan trọng trong thị xã và mất liên lạc hoàn toàn với bộ chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc.

        14 giờ, phi cơ quan sát phát hiện một đoàn xe chở quân Cộng sản Bắc Việt kéo dài hàng cây số phía tây bắc Buôn Ma Thuột khoảng 30 cây số. Oanh tạc cơ bay tới trút bom xuống đầu địch.

        14 giờ 15, một nguồn tin tình báo vô cùng quan trọng, sau khi phối kiểm được đại tá Tiếu, trưởng phòng nhì quân đoàn trình với tướng Phú làm cho ông bối rối, điên đầu. Đó là sự việc hệ thống kiểm thính bắt được tần số liên lạc của Cộng quân, phát hiện một đại đơn vị mới tinh Cộng sản Bắc Việt từ Buôn Ma Thuột đang di chuyển xuống. Đại đơn vị này có thể là Sư đoàn tổng trừ bị 316 của Bắc Việt từ Thanh Hoá vào. Ngoài ra, những bộ phận còn lại của các Trung đoàn pháo, đại bác phòng không của Sư đoàn nặng 10, cũng đã rời Mặt trận Quảng Đức kéo về Buôn Ma Thuột.

        Tướng Phú quyết định chớp nhoáng, ra lệnh cho không quân oanh tạc phá sập cầu 14, khoảng giữa đường Quảng Đức - Buôn Ma Thuột, để làm chậm bớt sức tiến công của Cộng quân.

        Những trận giao tranh ác liệt trong thành phố, sau đó kéo dài tới khuya quanh trụ sở bộ tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, và các khu vực quân sự phía đông nam Buôn Ma Thuột, gồm hậu cứ Trung đoàn 45 bộ binh, Hậu cứ các tiểu đoàn 232, 231 pháo binh, thiết đoàn 8 kỵ binh, đại đội 514 vận tải, trung tâm huấn luyện v.v...

        Một sự kiện vô cùng quan trọng khác được trình với tướng Phú làm cho ông rất lo ngại, Trại Mai Hắc Đế bị một đơn vị cảm tử Việt Cộng đột nhập lúc chiều tối. Trước đó những hầm đạn đại bác của kho đạn này bị trúng pháo Việt Cộng, nổ nhiều giờ liên tiếp, và đạn dược của các đơn vị đã gần cạn sau một ngày dài chiến đấu. Do đó, lúc 23 giờ đêm, tướng Phú đã ra một lệnh chót cho đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh chiến trường Buôn Ma Thuột, ngay khi liên đoàn 21 biệt động quân di chuyển tới, phải điều động bằng mọi cách tái chiếm bộ chỉ huy tiểu khu và kho đạn Mai Hắc Đế.

        Trận đánh lớn xảy ra lúc 5 giờ sáng ngày 10 tháng 3. Lực lượng địch được tăng viện thêm 1 Sư đoàn mới vừa xâm nhập từ miền Bắc vào. Đó là Sư đoàn 316 chủ lực quân Tổng trừ bị của Bắc Việt đóng tại Thanh Hoá; từ giữa tháng 2 năm 1975 đã di chuyển ngày đêm trên xa lộ đường Hồ Chí Minh, băng qua rừng núi để tới chiến trường Cao nguyên, và là một trong những đơn vị nòng cốt quan trọng trong cuộc tổng tấn công này. Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt tới trận địa Buôn Ma Thuột đêm 9 tháng 3 năm 1975, và ngay rạng sáng ngày 10 tháng 3 được lệnh dốc toàn lực lượng đánh thẳng vào bộ chỉ huy của Trung đoàn 53 Bộ binh. Toàn bộ Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt, với chiến xa, đại pháo đã mở những đợt tấn công vũ bão vào phòng tuyến của Trung đoàn 53 bộ binh,và các khu vực phía đông thị xã. Các chiến sĩ của Trung đoàn 53, dù bị thiệt hại nặng nề nhưng đã đẩy lui nhiều đợt xung phong biển người của Cộng quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2017, 04:42:00 pm »


        Khoảng gần 8 giờ sáng, những phi tuần phản lực A-37 xuất hiện trên vùng trời Buôn Ma Thuột, làm giảm bớt sức ép của Cộng quân tại phi trường Phụng Dực. Quân ta lợi dụng lúc này tổ chức lại phòng tuyến và lo việc tiếp tế đạn dược, băng bó thương binh giữa các phòng tuyến quanh phi trường.

        Cũng thời gian này, đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột gọi lên Pleiku tường trình với tướng Phú tình hình vô cùng khẩn trương, nguy ngập. Lực lượng bộ binh và chiến xa Cộng sản Bắc Việt đã vào sát hàng rào phòng thủ bộ tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh. 10 chiến xa T54 Bắc Việt đang bắn trực xạ vào hầm chỉ huy của tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột. Đại tá Vũ Thế Quang chấp nhận mọi rủi ro yêu cầu không quân đánh bom thẳng xuống chiến xa Cộng quân trước bộ tư lệnh Sư đoàn.

        7 giờ 55 phút, hai phản lực cơ A-37 lao thẳng xuống. Ba chiến xa Bắc Việt bốc cháy. Một phi tuần kế tiếp, trút bom ngay cạnh bộ tham mưu của tư lệnh chiến trường Buôn Ma Thuột. Nhưng rồi một rủi ro, đáng tiếc xảy ra sau đó. Một trái bom 500 cân Anh rơi trúng hầm chỉ huy của đại tá Vũ Thế Quang huỷ diệt hệ thống truyền tin liên lạc. Mất liên lạc với tư lệnh chiến trường Buôn Ma Thuột từ lúc đó.

        Trong giờ phút đau thương kinh hoàng này cũng là lúc đại tá Vũ Thế Quang và đại tá Nguyễn Hữu (nhầm “Trọng” – Sao Vang) Luật tiểu khu trưởng kiêm tỉnh trưởng Đắc Lắc và Bộ tham mưu mở đường máu thoát ra ngoài.

        Từ trung tâm hành quân quân đoàn 2 Pleiku, tướng Phạm Văn Phú nóng nẩy lồng lộn như con hổ dữ, ông ra lệnh cho đại tá tham mưu trưởng quân đoàn tổ chức, trang bị những máy móc truyền tin gấp rút cho hai chiếc máy bay C-47 và U- 17 được sử dụng như bộ chỉ huy hành quân trên không của quân đoàn để chỉ huy. Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, chuẩn tướng Tường được lệnh bay trực thăng chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột trước nhất. Sau đó các tướng lãnh, tham mưu trưởng quân đoàn và các sĩ quan trưởng phòng 2, phòng 3 luân phiên bay đến Buôn Ma Thuột chỉ huy. Ông cũng dự trù trường hợp bộ tư lệnh Sư đoàn 23 và tiểu khu Đăk Lắc bị mất hoàn toàn; các tư lệnh mặt trận và tiểu khu trưởng Đăk Lắc bị chết, sẽ thiết lập một bộ chỉ huy ngoài Buôn Ma Thuột với một tư lệnh chiến trường và một tỉnh trưởng mới được thả xuống trận địa.

        11 giờ, chuẩn tướng Tường bay chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột đợt đầu về trình tướng Phú:

        - Trình thiếu tướng, vẫn không có tin tức gì về Đại tá Quang và đại tá Luật.

        Tướng Phú hỏi:

        - Còn liên đoàn 21 biệt động quân tình trạng ra sao?

        Chuẩn tướng Tường:

        - Tôi được trung tá Dậu, liên đoàn trưởng báo cáo tình hình bi đát. Lính mất tinh thần, vì đạn dược đã gần cạn, và tất cả đều biết hành dinh của Bộ tư lệnh Sư đoàn và tiểu khu Đăk Lắc đã bị Cộng quân chiếm.

        Tướng Phú:

        - Anh có ra lệnh cho biệt động quân về chiếm lại tiểu khu và kho đạn Buôn Ma Thuột như tôi đã quyết định không?

        Chuẩn tướng Tường ấp úng:

        - Dạ... trình thiếu tướng có?

        Sự thật, thì liên đoàn 21 biệt động quân từ Buôn Ma Thuột di chuyển về theo lệnh của tướng Phú chiều hôm qua, 10 tháng 3 để tái chiếm bộ chỉ huy tiểu khu và kho đạn, chỉ mới bị thiệt hại nhẹ trong những cuộc giao tranh dọc đường, về tới gần thị xã, nhưng đã không được điều động, sử dụng vào mục đích trên. Lý do, vợ con chuẩn tướng Tường bị kẹt tại Buôn Ma Thuột, nên khi bay chỉ huy sáng nay, ông đã ra lệnh cho liên đoàn trưởng 21 biệt động quân, điều quân ngược lại phía trung tâm huấn luyện Sư đoàn để bảo vệ bãi đáp cho ông đáp trực thăng xuống cứu vợ con, gia đình?! Ngày hôm sau, khi trở về lại thị xã, Liên đoàn này bị Cộng quân chặn đánh tan tác và thiệt hại rất nặng nề.

        Tướng Phú lại hỏi chuẩn tướng Tường:

        - Trung đoàn 53 ở phi trường Phụng Dực sau trận đánh sáng nay, tinh thần anh em binh sĩ còn vững vàng không?

        Chuẩn tướng Tường:

        - Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng trình tôi tinh thần anh em vẫn còn rất cao, dù bị thiệt hại khá bộn.Trung tá Ân xin tiếp tế gấp đạn, kể cả đạn đại bác.

        Tướng Phú quay ra lệnh cho thiếu tá Hoá, sĩ quan tuỳ viên:

        - Nói đại tá tham mưu trưởng xin tổng cục tiếp vận Sài Gòn cho máy bay thả dù tiếp tế đạn và lương thực cho Trung đoàn 53 ngay.

        - Dạ...

        Chuẩn tướng Tường trình tiếp tướng Phú:

        - Trung tá Võ Ân trình tôi, đã khai thác 2 tù binh bắt được tại trận sáng nay, chúng đều khai thuộc Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt.

        Tướng Phú mặt hơi biến sắc hỏi dồn:

        - Sao,

        - Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt, trình Thiếu tướng!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:55:09 am »


        Tướng Phú lẩm bẩm:

        - Thêm Sư đoàn 316 vào trận địa? Sư đoàn 316 là Sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt.

        Chuẩn tướng Tường tưởng tướng Phú hỏi mình liền trình tiếp:

        - Dạ, trung tá Ân cho biết 2 tù binh khai, Sư đoàn 316 đóng ngoài Thanh Hoá mới di chuyển tới Buôn Ma Thuột hôm 10 tháng 3. Chúng tham dự trận đánh đầu tiên và bị bắt.

        Tướng Phú vừa nghe xong liền bỏ đi nơi khác. Đầu óc ông đang quay cuồng khi nghĩ đến các Sư đoàn 316, Sư đoàn 320 Cộng sản Bắc Việt. Đó là những Sư đoàn do Lê Quảng Ba chỉ huy đánh Điện Biên Phủ cách đây 21 năm. Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt đã tấn công những cứ điểm của trung tâm kháng cự Eliane những ngày sau cùng, khi ông còn là đại uý tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 nhảy dù Việt Nam, trấn giữ cứ điểm E-4 cùng với một đại đội, Điện Biên Phủ thất thủ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, tướng Phú (hồi đó còn là đại uý) bị thương trong đêm cuối cùng và ông sống sót cùng với 30 quân nhân khác.

        15 giờ 30, tham mưu trưởng quân đoàn bay C-47 cùng với sĩ quan trưởng phòng 3 về tường trình tình hình Buôn Ma Thuột vô cùng nguy ngập. Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuột và tiểu khu trưởng Đăk Lắc được ghi nhận mất tích.

        Cùng lúc đó, đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hoà gọi lên tướng Phú, tướng Phú tường trình với tướng Viên:

        - Trình đại tướng, cho đến giờ này tư lệnh chiến trường Buôn Ma Thuột và tỉnh trưởng được ghi nhận mất tích, bộ tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh và bộ chỉ huy tiểu khu trong thị xã do địch kiểm soát.

        Đại tướng Viên:

        - Anh sẽ xử trí thế nào với tình hình này?

        Tướng Phú:

        - Trình đại tướng tôi hiện chuẩn bị đổ quân tăng viện và thiết lập bộ tư lệnh Sư đoàn 23 hành quân ở Buôn Hồ, để chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột. Hiện tại từ sáng, 2 máy bay C-47 đã được trang bị máy móc truyền tin để sử dụng như những bộ chỉ huy hành quân trên không của quân đoàn.

        Đại tướng Viên:

        - “Bon", nhưng tôi muốn anh "bốc" Chuẩn tướng Tường về chỉ huy tại Buôn Ma Thuột, ông ta hiện ở đâu? Cứ ở trên Pleiku thì làm được cái gì?

        Tướng Phú:

        - Trình Đại tướng, chuẩn tướng Tường vừa mới bay chỉ huy mặt trận Buôn Ma Thuột sáng nay về. Tôi xin tuân lệnh đại tướng sẽ thả chuẩn tướng Tường xuống Buôn Hồ để chỉ huy.

        Đại tướng Viên:

        - Anh còn gì trình tôi thêm không?

        Tướng Phú:

        - Trình đại tướng nếu có thể được cho quân đoàn 2 xin thêm một lữ đoàn dù hay một liên đoàn biệt động quân nữa .

        Đại tướng Viên:

        - Tôi đã cho anh biết tất cả lực lượng tổng trừ bị đã được sử dụng, tôi không thể tăng quân thêm cho anh. Tôi chỉ có thể chấp thuận cho không quân ưu tiên yểm trợ, và nếu cần cho lập cầu không vận tiếp tế cho quân đoàn 2 mỗi ngày.

        Tướng Phú:

        - Trình đại tướng tôi nhận rõ.

        Đại tướng Viên:

        - Nếu tình hình biến chuyển đặc biệt anh phải gọi về cho tôi biết ngay.

        Tướng Phú:

        - Tôi nhận rõ, xin tuân lệnh Đại tướng.

        Khoảng 11 giờ đêm, lần lượt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Chính Phủ từ Sài Gòn gọi lên Pleiku để nghe tướng Phú tường trình tình hình.

        Một loạt những chỉ thị tướng Phú được trao cho toàn quyền quyết định và được khuyến cáo tránh đổ nhiều quân để bị sa lầy tại Buôn Ma Thuột. Nếu tình hình nguy ngập hơn nữa, có thể bỏ luôn Buôn Ma Thuột vì trên chiến trường Cao nguyên, Việt Cộng có khả năng mở đồng loạt 2 hoặc 3 Mặt trận lớn khác. Tổng thống Thiệu cũng rất thắc mắc về nguồn tin mà Sư đoàn 316 Tổng trừ bị của Cộng sản Bắc Việt đã rời Thanh Hoá vào Nam. Ông hỏi gặng tướng Phú nhiều lần và ra lệnh báo cáo đích xác về những đại đơn vị của Bắc Việt hiện đang tham chiến tại mặt trận Buôn Ma Thuột.

        Một đề nghị cuối cùng trong ngày của tướng Phú được Tổng thống Thiệu chấp thuận. Đó là việc bổ nhậm một tỉnh trưởng mới và thả xuống mặt trận để thành lập bộ chỉ huy hành quân Tiểu khu của tỉnh Đăk Lắc, chỉ huy những đơn vị của tỉnh này đang tập trung lại phía ngoài thị xã, sau khi Buôn Ma Thuột được ghi nhận đã nằm trong tay Cộng quân. Vị sĩ quan tình nguyện trong chức vụ này là đại tá Tiếu, trưởng phòng nhì quân đoàn 2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:57:39 am »


        Trở lại diễn biến ở Buôn Ma Thuật trong ngày 10 tháng 3. Đến cuối ngày, do những nỗ lực rất lớn của bộ đội chúng ta giành được nhiều thắng lợi trên các hướng tiến quân.

        Vào khoảng 16 giờ chiều, chúng tôi liên tiếp nhận được báo cáo là cán bộ thọc sâu tiến công từ hướng tây và sau đó là một mũi của Trung đoàn 174 do thiếu tá Trung đoàn phó Nguyễn Văn Minh dẫn đầu tiến công từ hướng tây nam đã phát triển đến mục tiêu cuối cùng, sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch. Đồng chí Đoàn Sinh Hưởng đại đội trưởng xe tăng của tiểu đoàn chọc sâu cũng báo cáo nhầm như thế.

        Trong khi đó, các thông tin về tình hình địch do phòng 2 quân báo cung cấp thì lại cho thấy chúng ta chưa đến được mục tiêu chủ yếu này. Lịch sử có lặp lại không đây? Tôi nhớ ngay tình huống tương tự xảy ra năm 1972, khi chúng ta đánh vào thị xã Kon Tum: Bộ đội báo cáo ta đã ở trong sở chỉ huy Sư đoàn 22 địch nhưng quân báo - lại vẫn là quân báo - thì lại khẳng định rằng đó không phải là sào huyệt của chúng, và quân báo đúng. Điều này không có gì lạ: chúng ta chưa quen đánh trong thành phố, việc nhận dạng các vị trí của địch thường có tính ước lệ và nếu có dựa vào bản đồ chiến thuật, ảnh chụp và các vật chuẩn thì những thứ ấy, do không được cập nhật, đã mất tính thời gian. Có sự nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là không để tình trạng mơ hồ kéo dài, tuyệt đối phải xác minh lập tức.

        Chỉ huy sở phía trước, do các Đại tá Nguyễn Năng và Phí Triệu Hàm chỉ huy, đã cử ngay Thượng tá Phó tham mưu trưởng Lê Minh và một tổ các sĩ quan tham mưu gồm nhiều thành phần dùng xe "gíp" tiến theo hướng của bộ đội thọc sâu ...

        Đúng như dự đoán, các chiến sĩ của chúng ta nhầm lẫn. Do hình thái cấu trúc tương tự bên ngoài, bộ đội đã tưởng vị trí của khu thông tin và tiểu đoàn quân y địch mà họ vừa tiến đến là sở chỉ huy Sư đoàn 23. Nhưng như vậy là cũng đã tiến sát mục tiêu cuối cùng.

        Và trên tất cả các hướng, chúng ta đã làm chủ đại bộ phận thị xã. Các dấu hiệu chứng tỏ kẻ địch tuyệt vọng, mặc dù chúng không ngừng phản kích.

        Chúng tôi lệnh cho Thượng tá Lê Minh bắt liên lạc trực tiếp với năm mũi tiến quân, cho bộ đội dừng lại ban đêm để củng cố, thống nhất các động tác hiệp đồng, chuẩn bị cho đòn tổng công kích ngày hôm sau.

        Ngày tiếp theo của trận đánh

        Ngày 11 tháng 3

        Từ 6 giờ đến 8 giờ, pháo binh ta bắn dồn dập vào sở chỉ huy Sư đoàn 23. Tiếp đó, bộ binh và xe tăng ta hình thành bốn mũi tiến công vào sở chỉ huy sư đoàn 23.

        Hướng đông bắc, từ tiểu khu bảo an, 1 đại đội của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95B và 2 xe tăng theo đường 429 tiến thẳng vào cổng chính, bắn cháy đánh đuổi thiết giáp địch và tiến thẳng vào trung tâm sở chỉ huy.

        Các chiến sĩ xe tăng Đoàn Sinh Hưởng, Bùi Mạnh Hồng, Phạm Hồng Vách và đồng chí Bưởi anh dũng cho xe tăng lao thẳng vào thiết giáp địch, mở đường cho bộ binh.

        Hướng tây, từ khu thông tin 1 đại đội của mũi thọc sâu và 2 xe tăng vượt qua khu "quân cụ biệt lập” phá rào tiến thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 23.

        Hướng nam, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 149 từ khu hành chính, vượt qua nhà thờ, qua khu đại đội tổng hành dinh cũng chọc thẳng vào sở chỉ huy địch.

        Cùng lúc đó, từ hướng bắc Trung đoàn 148 cũng phái một đại đội và 2 xe tăng tiến vào sở chỉ huy Sư đoàn 23, nhưng khi đơn vị đến nơi thì bộ đội bạn đã chiếm xong.

        Trước sức áp đảo của bộ đội tiến công, máy bay địch hốt hoảng ném bom tràn xuống khu vực sở chỉ huy. Bom rơi xuống gần khu hầm của Vũ Thế Quang. Trong khói đạn hỗn loạn, Vũ Thế Quang và Nguyễn Trọng Luật cùng bọn sĩ quan tham mưu bỏ sở chỉ huy, tháo chạy. Lúc đó là 8 giờ 15 phút. Quang và Luật chạy trốn ra rừng cà phê ngoài thị xã. Nhưng Luật đã bị các chiến sĩ Tiểu đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 bắt sống, còn tên Quang chạy xuống đến phía nam thị xã cũng bị các chiến sĩ Trung đoàn 174 tóm cổ tại buôn A Lê.

        Sau trận pháo như thác giội, bộ binh ào lên từ các hướng. Bộ đội ta tràn vào sở chỉ huy, tiêu diệt bọn tàn quân. Đến 9g05, chiếc xe tăng đầu tiên phá vỡ hầm chỉ huy địch.. Hầu như cùng một lúc các mũi tiến quân đã hội quân ở mục tiêu cuối cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 10:58:28 am »


        Đến 1 giờ trưa ngày 11 tháng 3, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được kéo lên trên cột cờ của sư bộ Sư đoàn 23. Và trận công kích cuối cùng vào căn cứ Sư đoàn 23 sáng ngày 11 tháng 3 đã diễn ra đúng như dự kiến, tuyệt đẹp nữa là khác, sở chỉ huy của chúng tôi lúc ấy đã giống như một ngày hội.

        Ngày 11 tháng 3, Quân uỷ Trung ương điện chỉ thị: "ở Buôn Ma Thuột cần nhanh chóng tiêu diệt địch còn lại, vừa phát triển ra xung quanh, vừa sẵn sàng đánh viện của địch, nhanh chóng phát triển về hướng Cheo Reo, hình thành thế bao vây Plâyku để tiến tới tiêu diệt Plâyku, cô lập Kon Tum, mở rộng phạm vi kiểm soát (đường – Sao Vang) số 19, thực hiện chia cắt chiến lược tiến tới tiêu diệt An Khê".

        Theo tinh thần Chỉ thị đó, Bộ Tư lệnh đã nhận định tình hình "Ta đã chiếm hết các mục tiêu quan trọng nhất, làm chủ được thị xã Buôn Ma Thuột, khống chế được sân bay Hoà Bình, nhưng một số căn cứ quan trọng ven thị xã địch vẫn còn chiếm giữ, chúng có thể đổ quân xuống các căn cứ đó để phản kích đánh chiếm lại thị xã.

        Từ tình hình trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch có quyết tâm: “Nhanh chóng phát triển thắng lợi tiêu diệt địch ở ngoại vi, phụ cận, trọng điểm là căn cứ các Trung đoàn 45 và 53 quét sạch tàn binh địch, củng cố vững chắc khu đã chiếm, sẵn sàng đánh lại phản kích địch".

        Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho Sư đoàn 10 (thiếu) nhanh chóng cơ động về đông bắc thị xã, sẵn sàng làm dự bị và chuẩn bị đánh địch phản kích lớn.

        Thực hiện quyết tâm trên, ngày 12 và 13 tháng 3 ta tiếp tục tiến công và truy quét tàn quân trong thị xã và các vị trí ở ven thị.

        Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95B đánh chiếm khu nhà lao, bắt hơn 100 địch, giải phóng số tù nhân còn lại.

        Từ 6 giờ 25 đến 8 giờ 25 phút ngày 12 tháng 3, Trung đoàn 24 và 1 đại đội xe tăng đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 45 và khu trung tâm huấn luyện Sư đoàn 23, diệt và bắt 350 tên địch, thu 400 súng.

        Chiều 12 tháng 3, Trung đoàn 174 tiến công cụm quân địch ở cầu Sê-rê-pốc bắt 300 tên địch.

        Ở phía bắc, Trung đoàn 9 Sư đoàn 320 đã đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ, điểm cao Chư Bao, ấp Đạt Lý. Cùng với tiến công quân sự, các đội công tác và cơ sở tại chỗ tiến hành phát động quần chúng nổi dậy giải tán bộ máy kìm kẹp của địch.

        Nhiều buôn làng đồng bào kéo nhau về lại làng cũ. Các cuộc mít tinh quần chúng mừng chiến thắng và ra mắt chính quyền cách mạng ở cơ sở, bước đầu ổn định đời sống cho dân, giữ gìn trật tự an ninh, kêu gọi bọn địch tan rã ra đầu thú.

        Ngày 12 tháng 3 Quân uỷ điện cho anh Văn Tiến Dũng, đồng gửi cho tôi và Thường vụ Đảng uỷ Chiến dịch Tây Nguyên có đoạn: " Địch đang có ý định dựa vào các lực lượng chưa bị tiêu diệt của chúng và các điểm phụ cận, tăng thêm lực lượng phối hợp với không quân tiến hành phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột...Vì vậy, việc cấp thiết nhất là nhanh chóng tập trung lực lượng hơn nữa, nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị và các căn cứ của địch ở chung quanh Buôn Ma Thuột, tiêu diệt viện binh của chúng. Tiêu diệt được bộ phận quan trọng sinh lực của đích chung quanh Buôn Ma Thuột sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của chiến dịch, Đồng thời chỉ đạo mọi công tác hoạt động trên các hướng phát triển đã dự định: Cheo Reo, Plâyku và đường 19, chú ý khai thác tù binh phục vụ cho tác chiến và binh vận. Chúc thắng to. Ký tên: Chiến".

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cũng gửi điện nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Tây Nguyên đã giành được thắng lợi to lớn ngay trong những ngày đầu của chiến dịch. Bộ Chính trị chỉ thị: "Cần nhanh chóng nắm lấy thời cơ thuận lợi giành thắng lợi to lớn hơn nữa".

        Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, biết thế nào địch cũng phản kích để định chiếm lại Buôn Ma Thuột, ta đã chủ động điều ngay Sư đoàn 10 (thiếu) về ngay đông bắc Buôn Ma Thuột để đánh địch phản kích, và gạn lọc tình huống đánh địch đi phản kích bằng máy bay lên thẳng. Vì đi phản kích là chữa cháy; phải đi rất nhanh. Mưu kế của địch sau khi mất Buôn Ma Thuột là một mặt đưa Sư đoàn 23 ra phản kích và mặt khác là đưa lữ đoàn 3 dù ra chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng để ngăn chặn ta tiến xuống Nha Trang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:58:52 am »

         
        Đánh hậu cứ Trung đoàn 53

        Bị mất Buôn Ma Thuột bọn tàn quân địch chạy về căn cứ 45, trường huấn luyện, căn cứ 53, một số tên chạy về ấp Châu Sơn, nhằm co cụm cố giữ những căn cứ còn lại làm bàn đạp chờ quân ở Bản Đôn, Chư Nga kéo về, quân tăng viện tới, hòng cùng nhau phối hợp thực hành phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột.

        Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổ chức ngay lực lượng, nhanh chóng phát triển tiến công đánh chiếm các mục tiêu còn lại ở ngoài thị xã và truy lùng tàn quân địch lẩn trốn, để ổn định tình hình trong thị xã để sẵn sàng đánh địch phản kích. Trong đó mục tiêu chủ yếu là căn cứ Trung đoàn 53.

        Căn cứ Trung đoàn 53 nguỵ nằm về đông nam sân bay Hoà Bình, cách trung tâm thị xã khoảng 10km. Căn cứ được thiết bị phòng ngự rất vững chắc. So với các căn cứ khác, căn cứ 53 được bố trí phòng ngự vững chắc hơn cả. Quanh căn cứ có 5 đến 7 lớp rào kẽm gai, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất hướng mũi súng ra ngoài. Hai hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng bằng bê tông xây chìm xuống đất. Trong căn cứ lúc này có Trung đoàn 53 (thiếu), 1 chi đội M113, do viên trung tá đoàn trưởng Võ Ân chỉ huy. Gọi là căn cứ Trung đoàn 53, nhưng đó là hậu cứ của 2 Trung đoàn 44 và 53. Dựa vào hầm ngầm chúng chống trả quyết liệt và làm thất bại các cuộc tiến công của ta.

        Khi vạch kế hoạch tác chiến, Bộ Tư lệnh chiến dịch rất quan tâm đến mục tiêu sân bay Hoà Bình và căn cứ Trung đoàn 53. Bởi kinh nghiệm từ năm 1972, khi quân ta đã bao vây thị xã Kon Tum, quân nguỵ chỉ còn một cửa ngõ duy nhất là sân bay Kon Tum. Vậy mà, từ sân bay còn giữ được này, quân nguỵ dùng làm bàn đạp đưa Sư đoàn 23 đến phản kích để giành giật lại được thị xã.

        Do vậy, việc đánh chiếm căn cứ Trung đoàn 53 và sân bay Hoà Bình lúc này là rất quan trọng, nhằm đập tan khu vực đầu cầu để phản kích của Sư đoàn 23 hòng chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột.

        Trước mắt việc đánh chiếm sân bay Hoà Bình (Phụng Dực) do Trung đoàn đặc công 198 đảm nhiệm. Trung đoàn đặc công 198 được trang bị súng phòng không12,7 mm và tên lửa phòng không vác vai A72 để có thể đủ khả năng trụ bám lại sau khi đánh chiếm được sân bay. Do bảo đảm tính bí mật, bất ngờ, nên Trung đoàn phải hành quân theo đường giao liên xuống Phú Yên rồi mới vòng trở lại. Đường đi mất 12 ngày, đến ngày thứ 9 lương thực đã cạn nên có đơn vị phải đào củ mài để ăn. Do hành quân liên tục, nên nhiều ngày Trung đoàn không giữ được liên lạc với sở chỉ huy chiến dịch.

        Tuy vậy, đúng theo hiệp đồng, 2 giờ 10 phút ngày 10 tháng 3 Trung đoàn 198 đã nổ súng và nhanh chóng đánh chiếm được sân bay Hoà Bình. Riêng đội đặc công đánh vào căn cứ 53 gặp nhiều trở ngại. Sau khi đột nhập vào căn cứ, các mũi đã nổ súng đánh được một số mục tiêu, nhưng sau đó lại bị địch đánh bật ra. Quân địch phát hiện được cửa mở xông ra bịt lại. Một số rút được ra ngoài, nhưng một số khác đã bị địch bắt và chúng đã đưa vào căn cứ tra tấn đánh đập, có đồng chí bị chúng thiêu chết rất dã man.

        Ngày 12 tháng 3, Phạm Văn Phú bay trực thăng đến vùng trời căn cứ 53. Phú đã cho trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53 biết quân tăng viện đang được đổ xuống Phước An để giải vây tái chiếm lại thị xã và toàn bộ Sư đoàn 23 đang rời Mặt trận Nam Plâyku, trở về Buôn Ma Thuột trong một cuộc hành quân trực thăng vận đại qui mô và động viên tên này cố chống cự đến cùng, chờ Sư đoàn 23 về phản kích đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột.

        Thực hiện ý định đó, Ân đã chỉ huy Trung đoàn 53 chống cự rất ngoan cố. Y đã ra lệnh cho binh lính: "Kẻ nào ra khỏi công sự sẽ bị bắn tại chỗ". Được cấp trên khích lệ, Võ Ân càng tỏ ra độc ác, hắn ra lệnh cho binh lính trong căn cứ tăng cường củng cố công sự. Mỗi gia đình binh lính bị lùa vào giữ một lô cốt, hoặc một côngtơnơ được đắp bao cát xung quanh; trong mỗi lô cốt có một khẩu đại liên và một bao lựu đạn to. Khi căn cứ bị tiến công, tên nào rời công sự lập tức bị bắn chết tại chỗ. Theo lệnh của Ân, các tên chỉ huy cấp dưới của hắn đã tàn sát dã man những người rời vị trí, có khi chỉ vì đi xin nước uống, xác chết chỉ được vùi lấp qua loa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 10:02:10 am »


        Do các nơi đều bị mất, nên tàn quân địch đợi đến đêm lén chạy trốn vào căn cứ, mặc dù đã bị quân ta vây bên ngoài bắn đuổi theo chúng vẫn cố lao vào căn cứ.

        Liên đoàn biệt động quân số 21 (thiếu) sau khi thấy Buôn Ma Thuột bị mất, cũng đã lần mò về phía đông căn cứ 53. Binh lính các nơi khác bị thua cũng đều dồn về căn cứ 53. Lúc này căn cứ 53 như cái túi chứa đủ mọi loại tàn quân của địch.

        Căn cứ 53 còn thì sân bay Hoà Bình có nguy cơ sẽ bị địch chiếm lại và đó sẽ là cửa ngõ để địch đưa quân phản kích giành lại thị xã. Do vậy, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 vào tiến công căn cứ 53.

        Ngày 14 tháng 3 khi tiến công Trung đoàn 149 đã đánh nhầm vào khu điều vận máy bay, vì không nhận rõ được mục tiêu; đến khi tiến sang căn cứ 53 thì đã bị địch biết và chặn lại.

        Ngày 15 tháng 3, Trung đoàn 149 tiến công lần thứ hai. Máy bay địch đến đánh vào đội hình gây thương vong nặng cho Trung đoàn, cuộc tiến công vào căn cứ 53 lần này vẫn bị thất bại.

        Tuy quân địch vẫn còn giữ được căn cứ 53, nhưng chúng đã hết lương thực, địch phải dùng máy bay thả dù xuống tiếp tế. Vì sợ pháo cao xạ của ta nên máy bay phải bay rất cao để thả dù và dù đã lọt vào tay quân ta. Tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước, người chết tăng lên mà không có chỗ chôn cộng với mùi khói đạn làm cho bầu không khí trong căn cứ hết sức căng thẳng và ghê rợn.

        Lúc này, Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 đã đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống đông bắc căn cứ 53, một đại đội trinh sát của Trung đoàn 45 đã tiến đến gần sát rào căn cứ này. Do vậy Trung đoàn 53 càng chống cự lại ta một cách điên cuồng.

        Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng Trung đoàn bộ binh 66 của Sư đoàn 10 vừa từ Đức Lập về, được tăng cường 1 đại đội xe tăng phối thuộc cho Sư đoàn 316 để tiêu diệt căn cứ 53.

        Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 3 dưới sự chi viện đắc lực của cụm pháo binh chiến dịch, Trung đoàn 66 đã từ hướng tây bắc và Trung đoàn 149 từ hướng tây nam đã đột phá vào căn cứ 53. Quân địch bị tiêu diệt phần lớn, số còn lại tháo chạy về phía đông.

        Căn cứ 53 bị tiêu diệt, bàn đạp triển khai phản kích của Sư đoàn 23 đã bị mất. Niềm hy vọng tái chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột của địch đã bị lung lay.

        Trong lúc này trên các hướng khác, bộ đội đã tiến công địch dồn dập.

        Ngày 19 tháng 3 Trung đoàn 271 đã chiếm ấp Nhân Cơ Nhơn Hải, áp sát vào sân bay Nhân Cơ.

        Trước đó trên các hướng phối hợp.

        Ngày 11 tháng 3, Trung đoàn 25 diệt một đoàn xe địch trên đường số 2 1 ở khu vực Chư Cúc và diệt một bộ phận địch từ Khánh Dương lên giải toả đường 21.

        Ngày 12 tháng 3, Trung đoàn 19 Sư đoàn 968 đã chiếm thêm 2 vị trí của địch ở nam Plâyku, áp sát vào quận lỵ Thanh Bình 2, uy hiếp Thanh An, tiếp tục bắn pháo vào Plâyku, Kon Tum.

        Ngày 13 tháng 3, Trung đoàn 95A tiêu diệt một cụm địch ở ngã ba Plâyku. Tiếp đó, đã tiêu diệt 2 chi đoàn thiết giáp, đánh bại phản kích của địch và phát triển xuống hướng đèo Mang Giang. Ở phía đông, sau khi tiêu diệt 9 chốt của địch, Sư đoàn 3 (thiếu) Quân khu 5 đã phát triển tiến công về hướng Vườn Xoài, đường số 19 vẫn tiếp tục bị cắt đứt hoàn toàn.

        Trên các chiến trường bạn, ngày 10 tháng 3 bộ đội Quảng Nam đã đánh chiếm quận lỵ Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp địch ở Tam Kỳ. Tiếp đó, đã đánh bại các đợt phản kích của Sư đoàn 2 nguỵ.

        Ở Thừa Thiên, ngày 10 tháng 3 Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 đã tiến công căn cứ 303 và nhiều căn cứ khác trên trục đường số 14 ở khu vực phía tây Truồi.

        Ở Nam Bộ, đã đánh mạnh ở Bình Long và Tây Ninh.

        Thời gian là lực lượng !

        Có điều gì khắc nghiệt mà dễ hiểu hơn chân lý đó của chiến tranh? Tranh thủ được một tiếng đồng hồ, lực lượng có thể tăng gấp đôi, tranh thủ được 24 tiếng đồng hồ, lực lượng có thể tăng gấp mười !

        Khi nhận thấy không còn cần thiết, Bộ Tư lệnh đã điều ngay tiểu đoàn làm dự bị Sư đoàn 10 về trong đội hình Trung đoàn 24 và cho lệnh điều tiếp Trung đoàn 66 khi Đức Lập đã chắc thắng, khẩn trương cơ động về vị trí sẵn sàng đánh địch phản kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 10:06:20 am »


        Để tranh lấy yếu tố thời gian, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động tất cả các phương tiện cơ giới có thể có được lúc đó để cơ động bộ đội. Vừa ra khỏi chiến đấu, đẫm mình hơi thuốc súng và bụi đất, nguyên cả âm vang của thắng lợi vừa qua và lòng hăm hở hướng tới, các chiến sĩ Sư đoàn 10 lại lao nhanh trên đường để bước tiếp vào trận chiến đấu mới. Dù kẻ địch có điều đến thêm lực lượng thì Sư đoàn dự bị chiến dịch đã sẵn sàng đối phó. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải tranh thủ được thời gian.

        Vừa cơ động đến nơi, từng đơn vị của Sư đoàn 10 đã lao ngay vào trận chiến đấu đánh địch trong hành tiến, và trận chiến đấu quyết định số phận Sư đoàn bộ binh 23, liên đoàn biệt động 21 và thậm chí cho cả chiến dịch nam Tây Nguyên đã đến.

        Sau khi ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, bọn chỉ huy địch đề ra một số tình huống xử trí như sau:

        - Ngăn chặn bước tiến của quân ta từ Buôn Ma Thuột theo đường số 21 về Ninh Hoà và Nha Trang.

        - Đối phó với cuộc tiến công của quân ta vào Plâyku

        - Có điều kiện thì phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột.

        Thế nhưng, trong thế trận lúc bấy giờ, đối với tình huống nào chúng cũng khó xử trí.

        Bản thân lực lượng quân đoàn 2 của địch ở Tây Nguyên chỉ có Sư đoàn 23 là đáng kể, còn các liên đoàn biệt động quân thì sức chiến đấu kém. Lực lượng tổng dự bị chiến lược thì bị phân tán ở nhiều nơi và cũng đang bị tiến công. Bọn chỉ huy quân đoàn 2 ngụy giờ đây sống chết phải tự mình lo liệu, không nhờ cậy được gì ở sự chi viện của bọn cầm đầu Mỹ - nguỵ.

        Vô cùng bối rối và cay đắng, bọn chúng chỉ có cách tung đứa con cưng là Sư đoàn 23 (thiếu) gồm Trung đoàn 44 và Trung đoàn 45 xuống phía đông Buôn Ma Thuột, trên đường số 21. Mọi đường bộ đều bị quân ta chiếm giữ và cắt đứt. Chúng không có cách nào hơn là đổ quân xuống bằng máy bay lên thẳng. Như vậy, số quân phản kích không thể mang theo xe tăng mà chỉ có một số khẩu pháo, rất ít đạn dược, xăng dầu và các thứ cơ sở vật chất khác.

        Rõ ràng, hai Trung đoàn bộ binh đổ bộ bằng máy bay lên thẳng dù có liều lĩnh cũng không thể đối địch được với một đối phương hùng mạnh, có đủ các binh chủng đang tràn đầy khí thế chiến thắng và đang ở trong cao trào của cuộc tiến công mãnh liệt. Mặc dầu có một số máy bay chi viện, song không có xe tăng và pháo binh thì bọn quân phản kích của địch khó có sức chiến đấu mạnh,

        Đây là vấn đề gạn lọc tình huống. Địch đi phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột có hai tình huống. Tình huống đi đường bộ và tình huống đi bằng máy bay lên thẳng. Ta cho Sư đoàn 320 ra cắt đường. Địch không có khả năng đi đường bộ. Vì đi phản kích như đi chữa cháy, phải đi bằng máy bay. Ta gạn lọc tình huống đi bằng đường bộ, buộc địch phải đi bằng máy bay ta đánh dễ hơn.

        Từ chiều ngày 12 tháng 3 đến hết ngày 13 tháng 3 năm 1975, với tổng số 145 lần chiếc máy bay lên thẳng và 81 lần chiếc các loại máy bay chiến đấu cường kích hoạt động yểm hộ, địch đã đổ Trung đoàn 45 và pháo đội 232 xuống đông Buôn Ma Thuột, từ điểm cao 581 và dọc theo đường số 21 đến Phước An.

        Trong ngày 12 tháng 3, ta được tin tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 nguỵ báo cho căn cứ 53 ở sân bay Phụng Dực (Hoà Bình) đang bị quân ta bao vây là: chúng sẽ có lực lượng xuống tăng viện, ứng cứu và sẽ thực hiện phản kích lấy lại thị xã Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch phản kích, chúng lấy khu vực từ căn cứ 45 đến căn cứ 53 và điểm cao 581 làm tuyến bàn đạp, các lực lượng tàn quân phải tập trung về đó, phối hợp với quân đến tăng viện để thực hành phản kích vào đông và đông – nam Buôn Ma Thuột.

        Kế hoạch tiêu diệt Sư đoàn 23 nguỵ đã được lập ra kế tiếp ngay sau với kế hoạch đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Bởi vì gần như điều tất yếu Buôn Ma Thuột bị tiến công thì đơn vị đầu tiên về ứng cứu sẽ là Sư đoàn 23. Mặt khác, hậu cứ của Sư đoàn này ở Buôn Ma Thuột, nên binh lính càng nóng lòng muốn về chốn cũ. Dự kiến đánh địch phản kích của ta rất chủ động. Ta đã bố trí lực lượng đánh phản kích trước khi địch đổ quân hướng đông bắc Buôn Ma Thuột.

        Trong kế hoạch đánh Sư đoàn 23 điều cốt lõi là dự kiến cho đúng thời gian, địa điểm và cách thức trở về của sư đoàn này để điều hành chuyến trở về của nó theo quyết định của ta. Từ việc gạn lọc tình huống ta đã dự kiến, Sư đoàn 23 có thể về sau khi Buôn Ma Thuột bị tiến công 2-3 ngày.

        Về địa điểm, ta dự kiến chúng có thể xuống đường số 14, hoặc đường số 21.

        Về cách thức đi về thì đường bộ đã bị ta cắt đứt, sân bay ta đã bị khống chế, nên chúng chỉ có thể trở về bằng máy bay lên thẳng, mà loại máy bay này trong biên chế của quân nguỵ chỉ đủ khả năng chở lần lượt từng Trung đoàn và không mang theo được xe tăng và những dàn pháo lớn đi cùng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM