Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:06:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu ở Tây Nguyên  (Đọc 44386 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:52:55 pm »


        Nhiệm vụ của lữ đoàn dù 173 Mỹ còn đánh vào hậu phương ta, cắt đứt liên hệ giữa tuyến trước với tuyến sau của ta, hòng bao vây và tiêu diệt các lực lượng phía trước của ta và giải tỏa cho Tân Cảnh.

        Lữ đoàn dù 173 dùng hai cánh làm hai mũi tiến công vào hậu phương ta. Mũi đổ bộ trực thăng đánh vào cao điểm 875, điểm khống chế và dùng đường bộ từ căn cứ PLây Cần đánh vào sườn bắc cao điểm 875; đồng thời chúng còn sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá ác liệt suốt ngày đêm vào khu vực tây nam Đắc Tô.

        Phản kích trực tiếp, đánh chính diện không thành công, quân Mỹ liền sử dụng một bộ phận của thê đội hai mở một mũi đánh vào sườn sau trận địa tuyến một của ta ở vùng núi Ngọc Dơ Lang, phía sau Ngọc Rinh Rua và Ngọc Bơ Biêng. bộ chỉ huy của ta đánh giá được khả năng cơ động và nắm được "sở trường” này của quân Mỹ. Do đó mũi vu hồi gần của chúng được tung ra lại sa ngay vào thế trận trong một trận đồ hiểm hóc đã được bày sẵn của ta. Mũi vu hồi đó liền bị đánh cho tơi tả. Kết quả là nó không hoàn thành được nhiệm vụ phản kích, buộc phải co lại thành từng điểm và chuyển vào thế phòng ngự.

        Thê đội một chiến dịch không hoàn thành được nhiệm vụ phản kích, quân Mỹ phải sử dụng lực lượng cơ động dã chiến, tức là lực lượng dự bị của Quân khu (quân đoàn) tiến vào làm thê đội hai chiến dịch. Lực lượng này là lữ đoàn dù độc lập số 173, một trong những đơn vị sừng sỏ của quân viễn chinh Mỹ. Nó vào Việt Nam tương đối sớm nên đã có nhiều kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường Việt Nam. Thê đội hai chiến dịch là một đơn vị quân dù có máu mặt nên bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng nó tương đối tích cực và táo bạo. Lữ dù 173 không được sử dụng vào tuyến thứ hai mà được sử dụng vào tuyến thứ ba của chiến dịch phản công này. Đây là một hành động chiến dịch rất lợi hại, là một thủ đoạn chiến dịch hiểm hóc. Đánh vào hậu phương của đối phương, đánh sâu, đánh xa vào phía sau tuyến tác chiến của đối phương là một cách đánh rất chủ động và tích cực, vì nó làm rối loạn đội hình của đối phương, làm đảo lộn thế trận của đối phương.

        Quân đội các nước công nghiệp tiên tiến, có đủ điều kiện và khả năng về binh lực, hoả lực và cơ động, mới tạo ra được sức đột kích mạnh và tốc độ tiến công cao, có chiều sâu để áp dụng cách đánh trên.

        Đảm nhiệm nhiệm vụ chiến dịch quan trọng và hóc hiểm đó, lữ đoàn 173 tiến vào cánh phải của đội hình chiến dịch và chiếm lĩnh vị trí xuất phát ở PLây Cần, nhằm đánh vào sườn trái và tuyến sau cùng của đội hình chiến dịch của ta. Đây tuy là nơi hiểm yếu, nhưng cũng chưa phải là nơi hiểm nhất.

        Với một lữ đoàn, tuyến xuất phát lại ở PLây Cần, quân địch không thể đánh vào toàn bộ tuyến sau cùng hoặc đánh lan rộng sang tới sườn phải của tuyến sau cùng trong đội hình chiến dịch của ta. Hoặc có thể: bước thứ nhất, lữ đoàn dù 173 đánh chiếm sườn trái rồi chúng mới đánh sang sườn phải vào toàn bộ tuyến sau cùng trong đội hình chiến dịch của ta.

        Về mặt chiến dịch, tuyến tác chiến thứ ba phía sau có ý nghĩa là chỗ dựa cho tuyến thứ hai và tuyến thứ nhất.

        Về mặt địa hình, ở đây là một dải địa hình rất quan trọng, có nhiều điểm cao lợi hại, khống chế chiến dịch với tuyến thứ hai của ta. Nếu quân địch chiếm được tuyến này thì các đơn vị của ta tác chiến ở tuyến thứ hai sẽ bị chia cắt và bị cô lập. Nếu giữ được tuyến này thì các đơn vị tác chiến ở tuyến thứ hai mới có chỗ dựa vững chắc và mới có được sự chi viện từ hậu phương chiến dịch.

        Ta cho rằng ở trên tuyến này có thể sẽ diễn ra các trận chiến đấu quyết liệt giữa hai bên và dự kiến khu quyết chiến có thể sẽ hình thành ở trên tuyến thứ ba hoặc ở giữa tuyến thứ hai và tuyến thứ ba, nơi có dải địa hình có nhiều điểm cao khống chế quan trọng, trong đó có điểm cao 875, nằm ở giữa trung tâm, là một trong những điểm khống chế quan trọng nhất. Xác định được tính chất quan trọng của tuyến thứ ba với dải địa hình hiểm yếu đó, ta đã không tung lực lượng chủ yếu ra tác chiến ở trên tuyến thứ hai. Phần lớn lực lượng của ta được bố trí ở trên tuyến thứ ba, vừa để giữ tuyến đó, vừa làm lực lượng dự bị.

        Trong bước một của chiến dịch, ta chỉ sử dụng một phần lực lượng để tác chiến ở tuyến một và tuyến hai. Bước này vừa có mục đích tiêu diệt vừa có mục đích thăm dò, tạo ra thế trận và thời cơ. Khi đã tạo ra được thế trận có lợi và thời cơ có lợi, ta mới tung chủ lực ra đánh những trận then chốt để đạt được trận đánh tiêu diệt quyết định.

        Khi bố trí cụm quân chủ yếu ở trên tuyến thứ ba, ta xác định điểm cao 875 là một cái nút then chốt, đã bố trí một lực lượng tương đối mạnh chiếm lĩnh và tổ chức xây đắp trận địa, công sự tương đối vững chắc. Và vận dụng chiến thuật chốt kết hợp với vận động tiến công ở hai bên sườn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:53:19 pm »


        Trong khi đó, các trận đánh giữa quân ta và quân Mỹ vẫn tiếp diễn ở tuyến thứ nhất và tuyến thứ hai. Lữ đoàn dù 173 sau khi chiếm lĩnh tuyến xuất phát ở Plây Cần, liền tung một cánh quân gồm 2 tiểu đoàn, mở một mũi tiến công hạ cánh trực thăng xuống chân cao điểm 875 và một mũi tiến từ PLây Cần từ cao điểm 823 - Ngọc Cam Liệt vào cao điểm 875 để hỗ trợ và phối hợp với mũi trực thăng và đánh chiếm điểm cao 875. Cánh quân này tiến vào tới sườn trái tuyến thứ ba thì liền bị đánh ngay và bị thiệt hại nặng nề. Một tiểu đoàn bị tiêu diệt và một tiểu đoàn bị đánh thiệt hại nặng. Chúng không hoàn toàn chiếm lĩnh được sườn trái, nhưng còn bám giữ được một số đoạn.

        Để cứu nguy cho cánh quân này, đồng thời để thực hiện ý đồ chủ quan và tham lam đã sẵn có, lữ dù 173 liền tung hết đội dự bị của chúng ra để đánh chiếm điểm cao 875. Thật không may mắn chút nào, chúng đã nhảy ngay vào cái lưới được giăng sẵn, vào ngay thế trận quyết chiến của ta. Một tiểu đoàn dù đã bị tiêu diệt. Để cứu nguy cho một số ít tàn quân còn sống sót chạy thoát, để lấy thương binh và lấy xác, bộ tư lệnh dã chiến 1 quân Mỹ phải cấp tốc điều động thêm lực lượng cơ động chiến lược là Sư đoàn ngựa bay (kỵ binh bay) được máy bay lên thẳng đưa tới trận địa nóng bỏng này. Chịu thiệt hại nặng nề, bọn lính ngựa bay cùng với một bộ phận lính dù 173 mới tạm đặt chân được lên điểm cao 875. Nhưng sau đó quân ta liền mở trận đánh giành giật với địch và cuối cùng đã chiếm lại được điểm cao này.

        Trong khi đó, ở phía sau lưng trận địa địch, một bộ phận chủ lực cùng bộ đội địa phương và du kích của ta cũng mở các mũi tiến công vào sườn đông và đông bắc Đắc Tô - Tân Cảnh. Quân Mỹ phải rải một số đơn vị nguỵ là lữ đoàn dù nguỵ và một đơn vị của Sư đoàn kỵ binh bay để đối phó. Lực lượng địch trở thành phân tán không tập trung được vào khu quyết chiến ở phía tây Đắc Tô - Tân Cảnh.

        Cuộc phản kích của địch bằng các lực lượng tinh nhuệ của chiến trường đã bị đánh bại. Lữ đoàn dù 173 đã bị đánh thiệt hại nặng. Các lữ đoàn của Sư đoàn 4 cũng bị đánh tiêu hao nặng. Quân địch buộc phải rút lui về tuyến phòng ngự cũ.

        Sau trận này, viên tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 4 của Mỹ phải rầu rĩ thốt ra những câu tuyên bố là sau này hắn sẽ không cho quân đánh sâu vào hậu phương của đối phương nữa.

        Qua ba lần thất bại, viên chỉ huy Sư đoàn 4 Mỹ cũng như đồng bọn hẳn không thể không rút ra những bài học cho mình.

        Chiến thuật phòng ngự cơ động có chiều sâu, thủ đoạn phản kích ngăn chặn từ xa có nhiều bậc thang của quân Mỹ đã bị giáng một đòn nặng nề.

        Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 24 ở bộ phận khêu ngòi tiếp tục giữ vững trận địa và Trung đoàn 320 Sư đoàn 1 tiếp tục vây đánh bộ phận đổ bộ đường không ở khu chiến trung gian. Trung đoàn 174 đánh địch ở cao điểm 875 và Trung đoàn 66 đánh địch vu hồi ở cao điểm 823. Nổi bật là trận đánh "chốt kết hợp vận động tiến công” xuất sắc của Trung đoàn 66 ở cao điểm 823 đã đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mỹ đã mở đầu bước phát triển mới về trình độ tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực Tây Nguyên.

        Hai lần tiến công trên hai hướng tiến công của lữ dù 173 Mỹ bị đánh thiệt hại nặng; qua 2 ngày chiến đấu, chúng chỉ chiếm được một phần cao điểm 875. Đến ngày 19 tháng 11 năm 1967, trong lúc địch bị kìm chặt ở cao điểm 875, từ các hướng, Trung đoàn 174 vận động tới liên tiếp tấn công vào các cụm quân Mỹ và đánh bại tiểu đoàn 2 - lữ đoàn dù 173 của Mỹ. Đây là trận quân Mỹ phải bỏ xác lại trận địa nhiều nhất.

        Trong khi đó các ngày 12, 15, 16 tháng 3 pháo binh của ta bố trí trên dãy Ngọc Bờ Biêng bắn phá sân bay Đắc Tô và căn cứ Tân Cảnh. Với cách đánh táo bạo đưa pháo lên cao, vào gần bắn thẳng ta đã làm tê liệt sân bay, phá huỷ 3 máy bay vận tải C130 chở đầy lính, gây thiệt hại nặng cho sở chỉ huy dã chiến Sư đoàn bộ binh số 4 Mỹ, bắn cháy 2 kho xăng, 1 kho đạn làm cho chỉ huy địch bị rối loạn, tiếp tế hậu cần bị gián đoạn, đến nỗi bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn phải hốt hoảng kêu lên: "Đây là cơn bão lửa kinh khủng nhất...Việt Cộng bắn cả ngày lẫn đêm rất chính xác, gây thiệt hại cho quân đồng minh".

        Còn Trung đoàn 24 cùng đặc công, bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh Kon Tum cài xen kẽ với địch; đánh vào phía sau của địch ở phía đông Tân Cảnh, phân tán sự đối phó của chúng. Địch bị thương vong lớn, chúng phải điều một tiểu đoàn của sư không vận ở An Khê lên để hỗ trợ lữ dù 173 lấy xác địch ở chân cao điểm 875 và rút chạy vào ngày 20 tháng 11 năm 1967.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:53:37 pm »


        Như thế là mưu kế dụ địch từng bước vào thế trận của ta đã thành công.

        Lực lượng của ta có Sư đoàn 1 (thiếu), Trung đoàn 174, Trung đoàn 320, một tiểu đoàn của Trung đoàn 24, Trung đoàn pháo 40 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum phối hợp chiến đấu, nhử địch vào khu quyết chiến chiến dịch ở dãy cao điểm Ngọc Dơ Lang, Ngọc Cam Liệt, Ngọc Rinh Rua...

        Mặc dù Mỹ - nguỵ tăng cường mọi sức mạnh sẵn có, sử dụng trung bình mỗi ngày 700 lần chiếc máy bay, có cả B52 tham gia ném bom yểm trợ nhưng vẫn không cản phá được các trận tiến công rộng lớn của ta đánh tập trung, đánh bại từng tiểu đoàn địch bằng vận động tiến công kết hợp chốt.

        Kết quả chiến dịch Đắc Tô 1, sau 17 ngày đêm liên tục chiến đấu, ta đã đánh quỵ 1 lữ đoàn Mỹ, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn và 2 đại đội Mỹ, đánh tiêu hao nặng 4 tiểu đoàn Mỹ, 2 tiểu đoàn nguy, loại khỏi vòng chiến đấu 4092 tên, phá huỷ 15 khẩu pháo, 32 xe quân sự, bắn rơi 38 máy bay.

        Chiến dịch Đắc Tô 1 là chiến dịch đánh quân Mỹ có hiệu xuất cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Qua chiến dịch này, bộ đội Tây Nguyên đã sáng tạo và hoàn thiện chiến thuật "Vận động tiến công kết hợp với chốt" để bộ đội ta có thể đánh liên tục dài ngày dưới phi pháo ác liệt của địch giành thắng lợi, mở ra khả năng đánh tiêu diệt những đơn vị quân Mỹ, ngụy từ cấp tiểu đoàn trở lên trên chiến trường và sáng tạo những nét phát triển mới về Nghệ thuật chiến dịch.

        Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, ta đã dùng mưu lừa được 2 lữ đoàn Mỹ và 1 lữ đoàn thiếu quân Ngụy ra nơi ta chọn sẵn, để đánh bại chiến lược "tìm diệt" của Mỹ và ta đã đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn cơ động chiến lược của Mỹ, làm cho quân Mỹ từ đó rất e ngại tiến sâu vào khu căn cứ của ta.

        Cùng với cả nước, Hà Nội bắn rơi chiếc máy bay thứ 200, miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 2680, miền Nam trên thế tiến công, chiến thắng Đắc Tô mùa Đông 1967 là một trong những chiến thắng lớn, mở đầu tạo đà cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968, đều là những bông hoa đẹp dâng lên Bác Hồ kính yêu, thực hiện ý nguyện và thơ chúc tết của Người mùa Xuân năm 1967.

        Đầu năm 1970, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương mở chiến dịch Đắc Xiêng, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bao vây, tiến lên dứt điểm giải phóng một khu vực. Qua tác chiến nhằm nâng cao trình độ của bộ đội chủ lực ta, đánh bại chiến thuật của địch, thu hút, giam chân quân địch tạo điều kiện cho việc phá ấp giành dân và phối hợp với chiến trường toàn Miền, đánh bại thêm một bước âm mưu "Việt Nam hoá chiến tranh" tạo điều kiện cho chiến dịch sau giành thắng lợi to lớn hơn.

        Đánh Đắc Xiêng để gọi địch ở Tân Cảnh ra cứu, rồi tiêu diệt quân cứu viện. Mưu kế của ta là đánh cứ điểm Đắc Xiêng để Trung đoàn 42 của địch ở Tân Cảnh ra cứu; ta sẽ đánh quân cứu viện.

        Để yểm hộ cho Trung đoàn 28 của ta bao vây tiến công Đắc Xiêng, ta cho một đơn vị thuộc Trung đoàn này chiếm lĩnh một vài cao điểm trên dãy núi Et. Địch từ Tân Cảnh tiến lên phía nam Đắc Xiêng. Bị quân ta đánh chặn lại, địch lại cho đổ bộ trực thăng xuống phía tây Đắc Xiêng và đánh lên núi Et. Ý định của địch là đánh quân ta ở núi Et trước, sau đó mới giải toả cho Đắc Xiêng. Bị đơn vị của Trung đoàn 28 đánh bật khỏi núi Et, địch co cụm lại dưới chân núi Et. Ta liền cho Trung đoàn 66 ở nam Đắc Xiêng cơ động lên bao vây quân địch ở phía tây Đắc Xiêng, dưới chân núi Et. Trận quyết chiến diễn ra.

        Ta quyết tâm bao vây chặt bốn mặt quân địch và tiêu diệt chúng ở đây. Rút kinh nghiệm một số trận trước để địch thoát vây, lần này ta quyết tâm áp sát, siết chặt vòng vây, không để cho địch chạy thoát. Vòng vây siết chặt đến đâu, công sự siết chặt đến đó. Có công sự tốt, phi pháo của địch ít tác dụng.

        Sau hai ngày đêm chiến đấu liên tục, một Trung đoàn của ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 42 của địch; bắt sống tù binh, trong đó có cả chỉ huy và thu toàn bộ vũ khí. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 đi trên máy bay lên thẳng nhìn thấy cảnh đó cũng đành chịu bó tay. Đó là chiến thuật đánh điểm diệt viện. Viện bằng đường bộ và viện bằng đường không.

        Trong trận Đắc Xiêng ta vây tròn, vây chặt cả bốn mặt, nên địch không chạy được, không thoát vây được, nên bị tiêu diệt hoàn toàn. Từ trận này mà hình thành chiến thuật "vận động bao vây tiến công liên tục", ở chiến trường lúc đó ta gọi là "bao vây công kích". Đây là một hình thức chiến thuật mới được hoàn thiện trong chiến dịch này: bao vây chặt quân địch, sau đó liên tục công kích cho đến khi dứt điểm làm chủ trận địa.

        Trận Đắc Xiêng ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, bắt tù binh, thu vũ khí, hạ nhiều máy bay, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch, đã vây ép giam chân địch, thu hút và kéo địch ra để tiêu diệt, hoạt động quân sự đã phối hợp và hỗ trợ tốt cho phong trào quần chúng nổi dậy phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ nhiều nơi, góp phần phá âm mưu "Việt Nam hoá chiến tranh".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 09:00:59 pm »


PHẦN 10

CHIẾN THẮNG ĐẮC TÔ - TÂN CẢNH

        Năm 1972 là một năm bản lề trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Những chiến thắng trong năm này có ý nghĩa to lớn bước đầu dẫn đến mục tiêu chiến lược: "Đánh cho Mỹ cút" mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra.

        Sau thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương trên chiến trường trong năm 1971, đã mở ra triển vọng đánh bại "Học thuyết Ních Xơn" và hỗ trợ mạnh mẽ cho thế tiến công về ngoại giao của ta tại Hội nghị Pa ri dồn đế quốc Mỹ vào tình thế ngày càng bị động.

        Tuy nhiên ngay trên chiến trường miền Nam, ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa tạo được những chuyển biến lớn về chiến lược. Trước tình hình đó Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ cách mạng là kịp thời nắm lấy thời cơ, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh quân sự chính trị ngoại giao và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972".

        Từ đó Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tích cực chỉ đạo hướng tiến công chiến lược chính là Trị Thiên. Hai hướng tiến công chiến lược phối hợp là miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cuộc tiến công chiến lược này nhằm đẩy mạnh đánh phá "bình định” của địch ở nông thôn, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, giành thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam giải phóng một số địa bàn, mở rộng căn cứ địa của ta, tạo ra một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên thay đổi cục diện chiến tranh.

        Nhiệm vụ chiến lược của chiến trường Tây Nguyên lúc này là: Với lực lượng Sư đoàn 2 - Quân khu 5 và Sư đoàn 320 cùng các Trung đoàn 28, 66, 95, 40 và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật Trung đoàn 24B, Trung đoàn Công binh 7, Trung đoàn pháo binh 675, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly, và đại đội pháo cao xạ tự hành 57 ly, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn ô tô vận tải, 1 tiểu đoàn thông tin. Thực hành tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực quân đoàn 2 và tổng dự bị nguỵ, giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh, sau đó giải phóng thị xã Kon Tum, có điều kiện thì phát triển xuống Plâyku.

        Tây Nguyên vốn là khu vực quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược của địch, nên mặc dù trong năm 1971 nhiều vị trí phòng ngự trên cao nguyên của Vùng 2 chiến thuật bị ta đánh nhiều lần; nhưng chúng vẫn ngoan cố phản kích chiếm lại.

        Bước vào năm 1972, Mỹ ngụy phán đoán rằng ta sẽ mở chiến dịch lớn ở Tây Nguyên nên ra sức đề phòng... Chúng dùng B52 đánh phá tập trung vào các tuyến đường, các khu vực kho tàng của ta. Chúng tập trung lực lượng vùng 2 chiến thuật gồm Sư đoàn 22 (Đắc Tô - Tân Cảnh), Sư đoàn 23 (Kon Tum), hai liên đoàn biệt động quân số 2 và số 6, Sư đoàn dù (thiếu) là lực lượng tổng dự bị chiến lược tất cả gồm 44 tiểu đoàn bộ binh. Về binh chủng có 10 chi đoàn thiết giáp của 4 Trung đoàn, 7 tiểu đoàn pháo binh khoảng 160 khẩu pháo từ 105 ly đến 175 ly. Khi tác chiến chúng được Sư đoàn không quân số 6 và các đơn vị không quân khác khoảng 214 máy bay các loại chi viện. Ngoài ra, địch còn có 14 tiểu đoàn và 14 liên đoàn bảo an. Tổng số quân địch tập trung ở khu vực chủ yếu của chiến dịch là 27 nghìn quân chủ lực và hàng chục nghìn quân địa phương.

        Lúc này địch hình thành ở Đắc Tô - Tân Cảnh một cụm phòng ngự dày đặc gồm có Sư đoàn 22 (thiếu), Trung đoàn thiết giáp số 14 và - tiểu đoàn biệt động biên phòng. Đồng thời hình thành tuyến ngăn chặn ở bờ tây sông PôCô từ Ngọc Bờ Biêng đến Chư Cô Tông do Lữ đoàn dù 2 đảm nhiệm án ngữ, bảo vệ đường 14 và thị xã Kon Tum. Tăng cường cho tuyến phòng ngự cơ bản ở khu vực bắc Kon Tum trên đường 14 và 19 địch dùng Sư đoàn 22 và 2 liên đoàn biệt động làm lực lượng dự bị bố trí ở Plâyku và Buôn Ma Thuột.

        Sau những năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên ta và địch đều đã hiểu nhau phần nào. Những người chỉ huy quân đội Mỹ là những người biết nghiên cứu và biết rút kinh nghiệm nhanh. Nhưng họ có cách đánh giá theo luận điểm của kẻ đi xâm lược, ỷ vào sức mạnh của vũ khí và phương tiện hiện đại. Còn ta chiến đấu vì chính nghĩa, có sức mạnh của chiến tranh nhân dân, có tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, vì vậy việc vận dụng mưu kế lừa địch phải coi là một nghệ thuật vận dụng vào chiến dịch với những sáng tạo và những điều kiện cụ thể, tình huống cụ thể.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 11:02:40 am »


        Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh được mở ra từ 31 tháng 3 năm 1972 nhằm giáng đòn phủ đầu vào chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và kế hoạch "bình định" của địch ta trên chiến trường Tây Nguyên; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chiến trường Trị Thiên và chiến trường miền Đông Nam Bộ. Không gian chiến dịch gần trùng hợp với chiến dịch Đắc Tô I - năm 1967 nhưng đối tượng tác chiến lần này là quân nguỵ có sự chi viện tối đa của hoả lực Mỹ.

        Kế thừa chiến dịch Sa Thầy, mùa Đông năm 1966 của Tướng Chu Huy Mân, và trong chiến dịch Đắc Tô 1, ta đã lừa được các tiểu đoàn của lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 4 Mỹ và lữ đoàn dù 173 Mỹ hạ cánh trực thăng vào hai khu chiến ta đã dự kiến để đánh thiệt hại một số tiểu đoàn Mỹ và đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 173 Mỹ ở đồi 875 nổi tiếng phía tây bắc Kon Tum. Nguyễn Trãi nói: “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tránh chỗ thực, đánh chỗ hư, thì sức dùng một nửa mà công được gấp đôi".

        Ở chiến trường Tây Nguyên, cuộc tiến công của ta đã diễn ra mạnh mẽ. Địch cho rằng đòn tiến công chiến lược chủ yếu, hướng tiến công chủ yếu của ta đã diễn ra ở đây. Chúng vội vã điều một lữ đoàn dù, rồi đến hai lữ đoàn dù lên tăng cường cho quân đoàn 2 ở chiến trường Tây Nguyên.

        Để kịp thời đối phó, hòng chặn đứng cuộc tiến công của ta, lữ đoàn dù đã cập rập tiến ra phía trước để tổ chức tuyến phòng ngự ngăn chặn từ xa. Quân đoàn 2 có Sư đoàn bộ binh số 23 và Sư đoàn bộ binh số 22 thiếu, cùng liên đoàn 2 quân biệt động - lực lượng cơ động của quân đoàn. Ngoài ra chúng còn một chục tiểu đoàn biệt động biên phòng - lực lượng biệt kích "mũ nồi xanh" của quân Mỹ, cùng một số lượng đại đội, tiểu đoàn, liên đội quân bảo an tương đối đông. Về binh chủng, chúng có hơn 3 Trung đoàn bọc thép, 10 tiểu đoàn pháo binh và 1 Trung đoàn không quân.

        Binh lực của chúng được bố trí như sau: Sư đoàn 23 và liên đoàn 2 quân biệt động phụ trách phòng ngự từ thị xã Plâyku, đường số 19, đường số 14 cho đến thị xã Kon Tum. Sư đoàn 22 thiếu phụ trách phòng ngự ở khu vực thị trấn Tân Cảnh và sân bay Đắc Tô. Lữ đoàn dù số 2 phụ trách phòng ngự trên dãy điểm cao phía tây sông Pô Cô từ điểm cao 1015 đến điểm cao 966, đoạn giữa điểm cao Ngọc Bơ Biêng và cứ điểm Kleng.

        Quân địch cho rằng hướng tiến công chủ yếu của ta sẽ từ phía tây đánh vào Đắc Tô - Tân Cảnh, đường 14 và thị xã Kon Tum. Do đó địch đã tổ chức một tuyến phòng ngự vòng ngoài ở phía tây đường 14, tây Đắc Tô – Tân Cảnh, tây thị xã Kon Tum từ PLây Cần - đến điểm cao Ngọc Rinh Rua? Ngọc Bơ Biêng, điểm cao 1015, điểm cao 1049, 966 đến cứ điểm Kleng.

        Quân địch triển khai thế trận phòng ngự về cơ bản đúng như phán đoán của ta. Nắm được thủ đoạn và quy luật tác chiến của địch, biết được tính nết của chúng là chủ quan, hám ăn, rất dễ bắt mồi và dễ bị sai khiến, nên quân ta đã nhử được chúng ra vòng ngoài tuyến phòng ngự của chúng để tiêu diệt. Đồng thời ta còn tiến hành chia cắt, vây hãm các cụm phòng ngự trong tập đoàn phòng ngự của địch, rồi tiến công đột phá vào các cụm phòng ngự đó để tiêu diệt và phá vỡ thế trận phòng ngự của địch.

        Từ thị xã Plâyku qua thị xã Kon Tum đến thị trấn Tân Cảnh, thế trận của địch là một thế trận chiều dọc có một chiều sâu mỏng hoặc không có chiều sâu. Ở từng khu vực trọng điểm như trung tâm phòng ngự Kon Tum, địch tổ chức một vài tuyến phòng ngự vòng ngoài, có chiều ngang và chiều sâu mỏng. Riêng ở thị trấn Tân Cảnh, một trung tâm phòng ngự mạnh thì tổ chức phòng ngự của địch có sâu, dày và vững chắc hơn. Từ phía nam thị xã Kon Tum đến phía bắc thị xã Plâyku, tuyến phòng ngự cơ bản của địch không được che chở.

        Quân địch chỉ tổ chức tuyến phòng ngự vòng ngoài ở phía tây đường 14 từ thị trấn Tân Cảnh đến thị xã Plâyku, bảo đảm cho trận địa phòng ngự của địch có chiều sâu ở trên khu vực đó. Như thế là hợp với lô gích quân sự tư sản. Cũng với quan điểm quân sự tư sản, chúng không thể phân tích được cách đánh cách mạng độc đáo của ta, do đó tuyến phòng ngự cơ bản của chúng bị bỏ hở, không được che chở ở phía đông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:43 am »


        Trong khi nghiên cứu, phân tích thế trận và cách đánh của địch, ta đã phát hiện ra chỗ sơ hở, chỗ yếu nguy hiểm dó của chúng. Về hình thái thế trận của địch, ta đã đứng ở góc độ các chiều của thế trận mà nghiên cứu, phân tích tìm ra các đường tuyến cấu thành thế trận của địch và đường tuyến nào là đường tuyến cơ bản của thế trận. Ta đánh vào đường tuyến nào, đảo lộn được góc cạnh nào, cắt được cái nút nào thì toàn bộ thế trận của địch sẽ bị xiêu vẹo, lung lay và đổ vỡ. Ta đã tìm ra chiều ngang và chiều dọc trong thế trận của địch và thấy rằng chiều dọc thế trận của địch là cái rường cột cho toàn bộ thế trận của địch, cũng là một sự bắt buộc đối với địch vì chúng phải chịu sự tác động của quy luật chiến tranh nhân dân của ta. Thế trận chiều dọc bị đánh nhão, bị đập nát thì toàn bộ thế trận của địch sẽ bị lung lay hoặc bị phá vỡ.

        Mưu kế chiến dịch của ta là thu hút đội dự bị chiến lược của địch về phía Kon Tum để sơ hở ở hướng Tân Cảnh. Muốn thu hút hai lữ đoàn dù về phía Kon Tum, ta làm giả hai con đường cơ giới ở phía tây bắc thị xã Kon Tum khoảng 20-30 km buộc sư dù (thiếu) phải ra ngăn chặn và ta bố trí Sư đoàn 320 để đánh sư dù đó. Quả nhiên, một lữ đoàn dù ra ngăn chặn, phá ta làm đường. Trung đoàn 64 Sư 320 đánh ngay và Sư 320 của ta cùng sư dù (thiếu) nguỵ cùng liên đoàn biệt động quân nguỵ số 22 chọi nhau ở đó. Thế là địch mắc mưu của ta.

        Lúc này, Sư đoàn 2 (thiếu), Quân khu 5, do anh Nguyễn Chơn làm Sư đoàn trưởng, Trung đoàn 66 và tiểu đoàn đặc công B3 cùng các binh chủng pháo binh, pháo cao xạ (đặc biệt có pháo cao xạ tự hành 57 mm) và xe tăng yên ổn tiến vào phía đông Tân Cảnh. Địch chú ý phía tây Tân Cảnh, ta lại bất ngờ cơ động vào phía đông Tân Cảnh, nơi địch ít đề phòng mà mở mũi tiến công chủ yếu.

        Mưu kế của ta là lừa địch, đánh vào chỗ sơ hở, địch ít đề phòng. Lừa địch ở Kon Tum. Làm đường để địch đối  phó ở Kon Tum. Địch đề phòng phía tây Tân Cảnh, ta lại đánh vào phía đông Tân Cảnh. Do đó chỉ trong một ngày ta đã giải phóng Tân Cảnh.

        Phải nói rằng đến chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh mưu kế chiến dịch của ta lại có thay đổi. Mưu kế đánh địch ở đâu và lừa địch ở đâu rồi đến vấn đề lập thế trận đã được bàn rất kỹ trong Bộ Tư lệnh Mặt trận. Bộ chỉ huy trực tiếp đánh trận Đắc Tô-Tân Cảnh là anh Nguyễn Mạnh Quân Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên làm Chỉ huy trưởng, anh Đặng Vũ Hiệp Phó chính ủy Mặt trận Tây Nguyên làm Chính ủy.

        Ý định chiến dịch của ta là bước đầu giải phóng thị trấn Đắc Tô - Tân Cảnh, sau đó mới đánh xuống thị xã Kon Tum. Kế hoạch tiến công của quân ta đã sẵn sàng, quân địch phải bị động rải Sư đoàn 23 ra đối phó với quân ta trong giai đoạn đánh nhỏ, giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch ở trên đường 14 và đường 19. Chúng ném lữ đoàn dù 2 ra tổ chức tuyến phòng ngự ngăn chặn vòng ngoài ở dãy điểm cao 1015 đến 1049 và 966, vào đúng thế trận của quân ta. Thế là thời cơ tiêu diệt lữ đoàn này đã tới.

        Tiếp đó, địch điều thêm lữ đoàn dù số 3, từ Sài Gòn ra Võ Định làm lực lượng dự bị, điều liên đoàn 6 quân biệt động từ Nam Bộ ra tăng cường phòng giữ thị xã Kon Tum.

        Hai bên ta, địch đều đã triển khai lực lượng, bố trí thế trận và sẵn sàng vào cuộc chiến đấu quyết liệt.

        Cùng ngày giờ với cuộc tiến công đồng loạt trên toàn chiến trường, ở Mặt trận Tây Nguyên ta cũng mở đầu cuộc tiến công đánh vào tiểu đoàn dù số 7 chiếm giữ điểm cao 1049. Tiểu đoàn này bị đánh thiệt hại nặng. Kế tiếp sau đó, mũi tiến công của ta chuyển sang đánh vào tiểu đoàn dù số 11 chiếm giữ điểm cao 1015. Tiểu đoàn này bị tiêu diệt, bộ chỉ huy quân địch liền tung lực lượng dự bị và lữ đoàn dù 3 ra phản kích. Một tiểu đoàn của lữ đoàn dù này bị đánh thiệt hại nặng và sở chỉ huy lữ đoàn ở Võ Định cũng bị đánh những đòn đau. Số tàn quân của hai lữ đoàn dù phải rút bỏ một số điểm cao còn lại, tháo chạy khỏi bờ tây sông Pô Cô, lui về giữ tuyến phòng ngự cơ bản trên đường số 14, từ Võ Định về đến thị xã Kon Tum.

        Quân ta đã hoàn thành trận then chốt thứ nhất của chiến dịch. Tuyến phòng ngự ngăn chặn vòng ngoài ở phía tây bắc thị xã Kon Tum của địch đã bị phá vỡ. Cánh cửa chiến dịch phía tây đường 14 đã được mở toang. Quân dù, lực lượng tinh nhuệ, mạnh nhất của địch đã bị đánh sụn xương sống. Thế trận của địch đã bị lung lay mạnh và đã có phần bị rối loạn. Thời cơ tiến đánh vào tuyến phòng ngự cơ bản của địch, tiến công các khu trung tâm phòng ngự của địch, tiêu diệt các cụm phòng ngự trong tập đoàn phòng ngự của địch, thời cơ của những trận quyết chiến, chiến dịch đã đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:04 am »


        Quân ta nhằm vào cụm phía bắc của tập đoàn Kon Tum để mở đòn tiến công thứ nhất. Cụm này do Sư đoàn 22 thiếu được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 Trung đoàn thiết giáp và 3 tiểu đoàn pháo binh tổ chức thành, phòng ngự ở thị trấn Tân Cảnh và sân bay Đắc Tô 2. Đây là một cụm đột xuất, bị cô lập, dễ bị bao vây, chia cắt, dễ bị vây hãm.

        Để vây hãm chặt Sư đoàn 22 ở Đắc Tô - Tân Cảnh, bảo đảm cho quân ta tự do hành động, bảo đảm cho cuộc tiến công được thuận lợi, ta đã tiến hành hai tầng chia cắt. Tầng thứ nhất cắt đứt đường 14 từ Võ Định đến Tân Cảnh. Tầng thứ hai cắt đứt đường 14 từ bắc thị xã Plâyku đến nam thị xã Kon Tum. Ngoài ra, bộ đội địa phương và dân quân du kích còn tổ chức một tuyến đánh ngăn chặn, tiêu hao trên đường số 19 từ phía tây thị xã Quy Nhơn đến phía đông thị xã Plâyku.

        Bộ chỉ huy quân địch đã mất sáng suốt. Chúng không phán đoán được mũi tiến công chủ yếu của đối phương sẽ nhằm vào mục tiêu nào? Thị trấn Tân Cảnh hay thị xã Kon Tum? Mà dù có biết thì đến giờ phút này chúng cũng chẳng nhúc nhích gì được nữa. Vì thế trận của quân ta đã mở ra và cài chặt vào thế trận của chúng rồi. Chúng đành phải ở đâu nằm đó, bị động chờ các đòn tiến công của quân ta sẽ ập lên đầu chúng.

        Trong nghệ thuật chỉ huy, lâm vào cảnh bị động và do dự không điều động, cơ động được lực lượng là một điều vô cùng thất sách. Tuy quân địch có máy bay lên thẳng, có thể cơ động bằng hạ cánh đường không nhưng vì hai mục tiêu đều phải giữ, đều bị vây hãm, hơn nữa máy bay lên thẳng cũng không phải là vạn năng, chỉ một mình nó cũng không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề về chiến dịch và chiến thuật.

        Để thực hiện nghi binh lừa địch, làm cho địch tập trung lực lượng vào thị xã Kon Tum mà để sơ hở Đắc Tô - Tân Cảnh, bằng cách ta cho mở một con đường cơ giới phía tây thị xã Kon Tum. Đây là con đường làm giả nhằm thu hút địch về phía đó. Quả nhiên địch cho hai lữ đoàn dù và liên đoàn biệt động số 22 ra đối phó định ngăn chặn, phá việc làm đường của ta. Ta đã sử dụng Sư đoàn 320 cùng các binh chủng ra đối chọi đánh địch nống ra ở đây.

        Trong lúc lực lượng chủ chốt của địch tập trung vào khu vực thị xã Kon Tum đã để sơ hở thị trấn Đắc Tô – Tân Cảnh. Lợi dụng sự sơ hở đó ta làm một con đường quân sự gấp nối vào đường 14 để đưa lực lượng chủ chốt của ta gồm Sư đoàn 2 Quân khu 5 cùng Trung đoàn 66, một tiểu đoàn đặc công của B3 cùng pháo binh, pháo cao xạ, tên lửa chống tăng và xe tăng vòng về phía đông Đắc Tô - Tân Cảnh.

        Đã tạo ra được thế trận và thời cơ, quân ta liền tập trung lực lượng đột phá cụm Tân Cảnh và siết chặt vòng vây vây hãm cụm thị xã Kon Tum.

        Quân ta thực hành đột phá cụm Tân Cảnh từ phía đông và phía bắc, mũi đột kích chủ yếu là từ phía đông. Bộ đội xe tăng từ tuyến xuất phát ở phía tây Tân Cảnh đã cơ động theo đường quân sự làm gấp, vu hồi sang phía đông tham gia đột phá trong đội hình binh chủng hợp thành ở hướng đột kích chủ yếu. Một bộ phận nhỏ xe tăng cũng tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành ở hướng bắc Tân Cảnh.

        Hướng đột kích chủ yếu của ta ở hướng đông, cùng với hành động vu hồi của bộ đội xe tăng của quân ta sang phía đông là một sự bất ngờ hoàn toàn, làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch và thế trận phòng ngự của quân địch.

        Hướng phòng ngự chủ yếu của địch là ở phía tây và tây bắc Tân Cảnh. Các đơn vị xe tăng chủ yếu của chúng đều chiếm lĩnh trận địa chiến đấu ở phía tây căn cứ Tân Cảnh và hướng phản kích chủ yếu của cụm xe tăng này là hướng tây và tây - bắc căn cứ Tân Cảnh. Vì thế, khi bộ đội xe tăng của ta xuất hiện ở phía đông căn cứ Tân Cảnh thì cụm xe tăng này - lực lượng phản kích chủ yếu của địch - đã trở thành vô dụng. Cho nên, khi bộ binh của quân ta đã bao vây căn cứ Tân Cảnh và khi bộ đội xe tăng của ta đã tiến tới quận lỵ Đắc Tô thì tên sư trưởng Sư đoàn 22 Lê Đức Đạt chỉ còn cách báo cáo lên tư lệnh quân đoàn 2 Ngô Du xin rút chạy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:55 am »


        Trước tình cảnh hiểm nghèo đó Ngô Du cũng chẳng còn phép gì lạ để cứu cho Sư đoàn 22, nên đã phải chấp nhận. Nhưng khốn thay, quyết định cuối cùng không phải là do các sĩ quan và tướng lĩnh nguỵ Sài Gòn. Chúng do Mỹ nuôi và Mỹ dắt cho đi đứng, nên quyết định cuối cùng vẫn phải do người Mỹ. Giôn PônVan, cố vấn trưởng quân đoàn 2, đã bác bỏ quyết định của Ngô Du và Lê Đức Đạt.

        Vậy tên cố vấn Mỹ hợm hĩnh đó có phép màu gì để cứu sống Sư đoàn 22? B.52 và F.4 đã chẳng bất lực đó rồi sao? B.52 và F.4 đã không thể nào ngăn được quân ta, nào bộ binh, nào pháo binh, nào xe tăng, từ phía tây cơ động sang phía đông và đã tiến sát tới hàng rào của căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh đó sao? Rốt cuộc, với những "bảo bối" quen thuộc đó, Giôn Pôn Van đã chẳng cứu nổi được Sư đoàn 22 mà ngay chính bản thân hắn cũng toi mạng trong một chiếc máy bay lên thẳng bị quân ta bắn rơi.

        Trước cuộc đột kích, pháo binh của ta thực hành pháo kích vào căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh theo đúng kế hoạch. Căn cứ bị phá huỷ từng phần, sinh lực địch bị tiêu hao một số, hệ thống chỉ huy của địch bị xộc xệch và tinh thần quân lính địch bị sa sút nghiêm trọng.

        Dưới sự chi viện và yểm hộ đắc lực của pháo binh, sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, bộ binh và xe tăng của ta nhanh chóng đột phá thắng lợi vào sở chỉ huy Sư đoàn 22 ở căn cứ Tân Cảnh. Tiếp đó, một cánh mai phục của ta cũng đột phá thành công vào căn cứ Trung đoàn 47 ở sân bay Đắc Tô 2, hiệp đồng chặt chẽ với cánh quân đang tiến công ở đó, cùng bộ binh đánh bại đợt phản kích của xe tăng địch. Trung đoàn 47 địch đã bị cánh quân này tiêu diệt. Một chiếc xe tăng 377 anh hùng của ta đã đánh gục 5 xe tăng của địch ngay trên đường băng sân bay. Bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum cùng phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chiếm quận ly Đắc Tô.

        Trải qua hơn mười tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt quân ta đã hoàn toàn tiêu diệt Sư đoàn 22 thiếu, gồm sở chỉ huy Sư đoàn, Trung đoàn 42, Trung đoàn 47, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 41, tiểu đoàn dù số 9 thuộc lữ đoàn dù số 3, 1 Trung đoàn thiết giáp và hơn 2 tiểu đoàn pháo binh, cùng các đại đội bảo an và cơ quan hành chính quận Đắc Tô, quận Đắc Sút lưu vong. Quân ta đã bắt sống hơn một nghìn tên, trong đó có tên sư phó Vi Văn Bình cùng với cơ quan tham mưu của Sư đoàn. Tên sư trưởng Lê Đức Đạt bị bắn chết.

        Cụm phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh của địch được bố trí rất mạnh và dày đặc, nhưng hướng phòng ngự chủ yếu của chúng là về phía tây. Nên khi lực lượng của ta lợi dụng sơ hở ít phòng bị của địch, đã áp sát bất ngờ đánh vào căn cứ quân sự 42, trong khi xe tăng và pháo binh của địch lại bố trí ở phía tây căn cứ hòng đối phó với ta ở phía tây. Khi cuộc chiến giữa ta và địch đang diễn ra quyết liệt xung quanh thị xã Kon Tum thì căn cứ 42 bất ngờ bị ta tiến công ở phía đông, nơi mỏng yếu và ít đề phòng của địch không kịp trở tay. Địch rất hoang mang hãi hùng vì bị tên lửa chống tăng của ta bắn phá vào chòi canh gác trên cao. Sư dù thì mắc ở Kon Tum không đi cứu được thị trấn Đắc Tô - Tân Cảnh, thêm vào đó Trung đoàn 28 của ta đã ra cắt đường 14 từ Kon Tum đi Đắc Tô - Tân Cảnh không cho địch đi ứng cứu nên Trung đoàn ở thị trấn Đắc Tô - Tân Cảnh cùng bộ chỉ huy nhẹ Sư đoàn 22 bị tiêu diệt và bị bắt sống chỉ trong gần một ngày và những tên có chạy thoát thì cũng bị quân ta bắt sống trên đường chạy trên đường 14.

        Sau gần một tháng mở chiến dịch, cuộc chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra rất quyết liệt, bị trói chân ở Kon Tum địch không còn lực lượng đi phản kích, mục tiêu ban đầu của ta đã giành được thắng lợi. Toàn bộ quân địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh đã bị tiêu diệt, cụm phòng ngự phía bắc tỉnh Kon Tum sụp đổ nhanh chóng. Quân nguỵ ở các căn cứ dải phòng ngự phía tây Sông Pô Cô trên các trục đường 14, 19 từ Diên Bình, Công Hơ Rinh, quận lỵ Đắc Tô, Đắc Mót phải rút chạy tán loạn.

        Đắc Tô - Tân Cảnh là một cụm phòng ngự lớn của địch, có tính chất một tập đoàn phòng ngự trên tuyến phòng ngự cơ bản, do một Sư đoàn (thiếu) chiếm giữ. Diệt được nó một cách nhanh chóng là do ta đã có thế trận hay, có cách đánh chiến dịch hiệp đồng binh chủng. Quân ta đã làm cho địch bị động, kéo địch ra ngoài trận địa của chúng để tiêu diệt, khiến lực lượng của chúng bị tiêu hao một bước, lực lượng dự bị của chúng bị suy yếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:20 am »


        Trong khi đó, quân ta tiến hành bao vây, chia cắt quân địch ra làm nhiều mảnh trên tuyến phòng ngự cơ bản của chúng và vây hãm, tiêu hao các cụm phòng ngự chủ yếu. Thừa lúc quân địch đã bị tiêu hao, mệt mỏi, rối loạn, mê muội và bị bất ngờ, quân ta liền tập trung lực lượng tiêu diệt, giải quyết từng cụm một. Thế trận ở đây là sự kết hợp giữa thế chính và thế kỳ, thế nổi và thế chìm cũng như giữa vây hãm và đột phá, giữa chính diện và vu hồi. Thế trận đó lại vận động uyển chuyển và biến hoá linh hoạt.

        Sau khi tiêu diệt Sư đoàn 22 và giải phóng vùng Đắc Tô - Tân Cảnh, quân ta liền tiến xuống phía đông Kon Tum, hiệp đồng với cánh quân đang bao vây địch ở đây, cùng tiến công vào thị xã Kon Tum, do Sư đoàn quân nguỵ số 23 phòng giữ. Ở đây, tuy đã bị vây hãm nhưng địch vẫn còn dự trữ về vật chất, hơn nữa chúng lại có ưu thế về máy bay lên thẳng, do đó sức chống cự của chúng còn mạnh.

        Quân ta tiến công tiêu diệt được một bộ phận địch ở các tuyến phòng ngự vòng ngoài, sau đó đánh vào tiêu diệt một bộ phận quân địch và chiếm được một số khu vực trong thị xã và cũng không thành công trong việc đánh vào thị xã Kon Tum.

        Ở Tây Nguyên lần đầu tiên ta mở chiến dịch tiến công vào tuyến phòng ngự cơ bản mạnh nhất của địch và cũng là lần đầu tiên, bộ đội Tây Nguyên đánh thiệt hại nặng một Sư đoàn, nhiều Trung đoàn, thiết đoàn trong một cụm phòng ngự kiên cố và dày đặc của địch, giải phóng thị trấn Đắc Tô và một nửa phía Bắc tỉnh Kon Tum, đồng thời đã đánh bại liên tiếp các đợt phản kích của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Do mùa mưa đến sớm, tiếp tế hậu cần của ta gặp khó khăn, cũng do nghệ thuật sử dụng lực lượng dự bị cơ động của ta còn phân tán và tác chiến phòng không của ta còn kém nên chưa giải phóng được thị xã Kon Tum. Chiến dịch kết thúc vào 5 tháng 6 năm 1972.

        Chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh là chiến thắng bằng mưu kế. Có thế ta mới thắng nhanh và ít thương vong.

        Cùng thời gian này ở Trị Thiên, quân và dân ta đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở đây, đánh chiếm và làm chủ các căn cứ từ Ái Tử, La Vang, Đông Hà đến thành cổ Quảng Trị, giải phóng Quảng Trị và trực tiếp uy hiếp Thừa Thiên - Huế.

        Ở miền Đông Nam Bộquân và dân ta đã phá vỡ tuyến phòng ngự biên giới của địch, giải phóng ba huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Thiện Ngôn, mở ra một khu vực giải phóng rộng lớn và hoàn chỉnh ở miền Đông Nam Bộ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long.

        Chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ là những đòn tiêu diệt chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng nó đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và "Học thuyết Ních Xơn" ở Đông Dương.

        Cùng với Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 ở Hà Nội, Hải Phòng phối hợp với quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52, đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa ri, rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc ra khỏi miền Nam nước ta.

        Chiến thắng năm 1972 có ý nghĩa chiến lược, đưa chiến tranh bước sang một giai đoạn mới, buộc địch chuyển vào thế phòng ngự chiến lược.

        Trong cuốn sách "Việt Nam - những trận đánh quyết định" của J.Pimlott " NXB Mac Millan – Newyork 1990 khi nhận xét về trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh có đoạn viết:

        "Từ ngày 12-4, quân Bắc Việt Nam để lộ ý đồ đối với khu vực này bằng cuộc tiến công đồi "Rocket Ridge" nhìn xuống Đắc Tô. Cuộc tiến công kéo dài đến ngày 23 và kết thúc bằng cuộc tiến công quy mô lớn vào các tiền đồn đơn độc của Sư đoàn 22 Việt Nam cộng hòa ở Tân Cảnh, Đắc Tô 2 và Bến Hét. Chỉ huy lực lượng Việt Nam cộng hòa, đại tá Lê Đức Đạt, bị bất ngờ. Hậu quả là các tiền đồn nhanh chóng bị đè bẹp bất chấp có mặt của Paul Vann, con người nhiều kinh nghiệm và là cố vấn trưởng quân đoàn II Việt Nam cộng hòa. Khi số quân Việt Nam cộng hòa sống sót rút về Kon Tum, Vann (sau đó chết trong chiếc trực thăng rơi) đích thân tổ chức phòng thủ thị xã, điều động lực lượng Biệt động quân và các đơn vị của Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa từ các nơi khác trong Quân khu II. Đến đầu tháng 5, Kon Tum bị bao vây, sự sống của nó chỉ còn trông cậy vào yểm trợ đường không của Mỹ".

        Những tư liệu trên có tính chất để bạn đọc tham khảo chút ít về những đánh giá từ phía các nhà nghiên cứu quân sự Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:12:09 am »


QUYẾT TÂM CHIẾN ĐẤU

        Tôi từ Tây Nguyên về công tác ở Quân khu 5 chưa được bao lâu, chỉ vừa mới đủ thời gian để làm quen với mọi việc thì cuối tháng 8, khi tiếng súng vẫn đang nổ giòn giã từ Thượng Đức đến Quế Sơn, có điện triệu tập tôi ra Hà Nội. Lại lên đường.

        Đến Thủ đô vào một ngày nắng dịu, phố xá tràn đầy cờ, hoa và người, xe trong không khí ngày hội. Mồng 2 tháng 9 năm 1974. Bất giác, ký ức và những sự liên tưởng dâng trào, xáo trộn, chảy êm đềm rồi cuồn cuộn trôi khiến tôi không thể hình dung được ngay là mình đang xúc động bởi những gì.

        Vâng, bạn đọc đã cùng tôi đi suốt những năm tháng chiến tranh hẳn sẽ nhắc để tôi nhớ rằng đúng ngày này cách đây 8 năm, tôi đã rời Hà Nội vào chiến trường - Tám năm tròn. Bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu nẻo đường, bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu chiến thắng và hy sinh.... Chỉ biết rằng chúng ta đã tới gần, chúng ta đã tới gần.... Tự nhiên, cứ vang ngân mãi trong lòng tôi một giai điệu hành khúc từ những xúc cảm dạt dào.

        Trong thời gian này đã diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng có tính chất quyết định đến vận mệnh của cả một dân tộc.

        Ngày 30 tháng 9 Bộ Chính trị họp Hội nghị xem xét Kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm 1975-1976 dự thảo lần thứ bảy do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị. Hội nghị đã đề ra phương hướng chiến lược là phải chuẩn bị cả trên hai hướng:

        - Tây Nguyên, trọng điểm là Nam Tây Nguyên, là hướng chiến lược rất quan trọng.

        - Miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng.

        Sau đó Bộ Chính trị thấy cần có thêm thời gian đánh giá tình hình kỹ hơn, xây dựng kế hoạch đầy đủ hơn, để đi tới hạ quyết tâm chiến lược có cơ sở khoa học, bảo đảm chắc thắng.

        Ở Tây Nguyên lúc này có một nhiệm vụ hết sức cần thiết là phải mở thông đường chiến lược Hồ Chí Minh, để đưa lực lượng và phương tiện, trong đó có đường ống dẫn dầu từ Tây Nguyên tiến vào Đông Nam Bộ.

        Bởi vậy, ta đã cho Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Chư Nghé (Lệ Minh) và mở một con đường 200 từ Võ Định qua Kon Rẫy vươn dài tới bắc đèo Măng Giang, An Khê. Đây là con đường vu hồi hết sức quan trọng về chiến lược đối với chiến trường.

        Lúc này tỉnh Kon Tum chỉ còn lại 3 căn cứ địch nằm sâu trong vùng giải phóng của ta là Đắc Pét, Măng Đen, Măng Buk án ngữ trên đường 14 sát biên giới Việt - Lào. Ta cũng cho Trung đoàn 66 và một Trung đoàn của Sư đoàn 324 Quân đoàn 2 tiêu diệt căn cứ Đắc Pét; sử dụng bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum bao vây bức rút quận lỵ Măng Đen, Măng Buk. Do đó đến tháng 10 năm 1974, ở Tây Nguyên địch bị dồn gọn lại trong các thị xã và một số vị trí quan trọng trên các trục đường giao thông huyết mạch như đường 14, 19, 21.

        Vùng giải phóng Tây Nguyên được mở rộng và nối liền thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh từ Bắc Kon Tum đến Bắc Đắc Lắc. Hành lang chiến lược từ miền Bắc có thể vào đến tận chiến trường Nam Bộ, theo đó là đường ống dẫn dầu, lực lượng, binh khí kỹ thuật sẽ được đưa vào. Điều này đã mở ra những thuận lợi cơ bản để Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đưa ra những quyết định quan trọng cho việc Hạ quyết tâm chiến lược.

        Đến ngày 18 tháng 12 năm 1974, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để thông qua quyết tâm lần cuối. Giữa lúc đó, tin chiến thắng Phước Long đã đến với Hội nghị. Ngày 6 tháng 1 năm 1975 toàn bộ thị xã Phước Long được giải phóng.

        Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng. Lần đầu tiên ở miền Nam, một tỉnh ở gần ngay Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng mà địch không có phản kích để chiếm lại. Vùng căn cứ trọng yếu của ta ở miền Đông Nam Bộ được mở rộng. Điều này cho thấy khả năng lớn mạnh của quân ta, đồng thời nó cũng đánh dấu một bước suy sụp mới của quân ngụy khi chúng đã không còn khả năng giải toả qui mô lớn để chiếm lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng bị đánh chiếm ngay cả trên tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt nó còn chứng tỏ Mỹ không có khả năng trở lại can thiệp bằng quân sự ở miền Nam, khi người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố. "Tổng thống Pho không có ý định vi phạm những điều cấm chỉ (của Quốc hội ) về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam".

        Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với yêu cầu cao hơn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM