Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:23:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ một quyết tử quân  (Đọc 20406 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:04:49 am »


NHỮNG DÒNG GHI CHÉP
Trích Nhật ký của Vũ Lăng

        30 tháng 1 năm 1952

        Từ giã bộ phận hậu cần đi mình thấy nao nao. Mình có linh cảm rằng sẽ không trở về 102 nữa. Buồn dâng lên khóe mắt. Nhớ đến hôm 27 tháng 1 vừa qua rời mặt trận, bắt tay Thế Dũng, Vũ Yên nước mắt chảy quanh. Nếu dửng lại thêm một phút nữa thì nước mắt tuôn ra mất. Vừa đúng năm năm  trời ở Trung đoàn qua bao nhiêu cái thăng trầm của đơn vị. Mình trưởng thành với cái chiến đấu ở Trung đoàn, với những hy sinh không đòi hỏi của bao nhiêu tuổi 20 "một đi không trở về ", "mắt nhắm miệng vẫn còn tươi". Tâm hồn mình ở Trung đoàn với tất cả những gì tha thiết nhất.

        Được tin đi học mình không thoải mái chút nào. Nhất là trong lúc này ở mặt trận mình chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Qua hai trận đánh không thành công, mọi người đều bứt rứt  vấp đau như thế. "Trận đánh không thành công có phải vì kỹ thuật của bộ đội kém không? Không phải. Có phải vì các chiến sĩ và cán bộ của Trung đoàn kém phần anh dũng không? Cũng không phải. Chỉ vì các đồng chí trong Ban chỉ huy ỷ vào cái tài năng cá nhân của mình chủ quan thiếu tỉ mỉ ..." .

        Lời phê bình của đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn vang lên trong đầu óc mình. Mấy hôm ở mặt trận mình không buồn, trái lại hăng hái vì những lời phê bình đó. Cái trách nhiệm của mình, của những thằng cán bộ trước Đảng, trước nhân dân, trước bộ đội về sự thất bại vừa qua của Trung đoàn. Cái trách nhiệm đó mình không trốn tránh.

        Phải đánh thắng để xây dựng lại đơn vị. Phải làm cho đơn vị phấn khởi lên! Những lúc bộ đội đi bố trí, những khi tiếng đại bác nổ rền trên trận địa, mình đều nghiến răng lại mà tự nhủ như thế. Nghĩ đến Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh và tất cả anh em khác đã ngã từ đầu chiến dịch tới giờ đầu mình nóng bừng lên. Những lúc ấy mà có thằng Pháp trước mặt mình, chắc là tay mình không để yên. Mấy hôm bố trí mình cứ phải động viên giải thích anh em phải kiên nhẫn đợi nhưng thật ra trong bụng mình sốt ruột tợn. Đứng trên ngọn núi 370 nhìn lên Hoà Bình thấy bọn giặc đi lại, bố trí mà sôi tiết " Trước hay sau thì chúng mày cũng chết, chi bằng cứ đi trước cho nó được việc sớm có hơn không?". Nó không đi vội, thi gan với mình mà đã mấy đêm rồi mình không ngủ, vùng dậy khoác chăn ngồi bên đống lửa, nghĩ đến nó, đến Phúc Ánh. Hôm qua chúng nó chuyển sang Hòa Bình nhiều. Toán quân đến đón chúng nó bị chặn đánh ở Đồi Giũ không tiến được, phân tích phán đoán xem bao giờ chúng nó sẽ rút. Nghĩ đến lúc đơn vị mình sẽ xuất kích cứ lần rật cả người, hình dung cả những cảnh địch chạy rối loạn, tan nát giữa trận địa hỏa lực của mình như vũ bão đập nát chúng nó từ Pheo đến Bến Ngọc...

        Thế mà mình phải rời mặt trận này để đi học! Tin điện tới làm cho mình phải lặng đi ngơ ngác. Nghĩa là mình chạy trước lũ giặc đang ngắc ngoải, nghĩa là mình không được trút căm thù lên đầu chúng một cách cụ thể, nghĩa là mình phải rời bỏ đơn vị thân yêu này, nghĩa là ...

        Trong đầu mình cứ ngổn ngang như thế, đến nỗi ông Khánh nhận thấy ngay thái độ của mình. Cả một ngày mình ngẩn ngơ. Buổi sáng mồng 1 Tết ăn cái bánh chưng, ngậm ngùi nghĩ đến lúc ra đi, nghĩ tới cái Tết Phố Lu 50 tang tóc ... Cái tết này cũng thế, nhưng còn đau đớn gấp bội. Phúc Ánh ơi!

        Hôm nay đi ngược lại con đường Trung đoàn đã hành quân qua. Ngày ấy lũ người chúng ta cười với nhau trong đêm lạnh, ôm nhau ngủ giữa hai chặng đường hành quân, thắm cái tình đồng chí, thương nhau qua những ngày đói rét của bao chiến dịch Thu Đông. Tiếng chân rầm rập rung chuyển bờ sông Đà. Chúng ta hớn hở đợi ngày nổ súng lên đầu giặc.

        Con đường cũ hãy còn in vết giày cũ của chúng ta từ đầu mùa hạ năm ngoái, ít ngày nữa  khi vị quay trở về, sẽ vắng hàng bao nhiêu người không còn in lại vết giầy?

        Mình chầm chậm đạp xe. Hoà Bình xa quá rồi Tu Vũ, Chẽ lùi lại đằng sau xơ xác. Những vết giày đinh của giặc chạy loạn lên sau một trận thất điên bát đảo hãy còn hằn trên bãi cát. Những cây thập tự gỗ trên những nấm đất bên đường. Mùi hôi thối chết chóc còn vương trên lá cây ngọn cỏ. Tất cả gợi cho mình sự tan vỡ suy sụp của giặc. Nhưng sao mình vẫn không thấy hả dạ chút nào? Mình vẫn thèm cái trận sắp tới. Chính mình được đập vào đầu chúng nó ở Hòa Bình, giày mình được giẫm lên xác chúng nó nằm ngổn ngang trên đường số 6 trong một trận truy kích. Có một cái gì đó tức tối khó thở khiến mình nghĩ đến đường số 6? A Pheo! Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh, Đáng, Lưu ơi !  Chúng nó sắp chạy rồi. Chúng nó bỏ Hòa Bình, bỏ Pheo đến nơi, liệu chúng mình - những người ở lại có đánh được dập đầu chúng nó ra, có lia, có quật chúng nó, hất chúng nó ngã xuống những giao thông hào, đắp cho chúng nó những nấm mồ khổng lồ như trên biên giới? Mình thấy lo cho đơn vị không còn được mạnh như trước, mai kia địch chạy liệu có làm tròn nhiệm vụ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:26:48 pm »


        Nỗi lo lắng nhớ thương ám ảnh mình ghê quá. Giá có một người bạn đồng hành thì cũng đỡ buồn. Nếu còn Thuận? Ô hay, mình không đạp xe được nữa. Đỗ xe lại nghỉ bên đường vẫn nghĩ đến cái chết của Thuận. Cái chết nhanh quá, dễ quá. Ôm Thuận trong tay, mình bàng hoàng cả người. Máu Thuận rỏ cả trên lưng mình. Không kịp nói câu nào. Thuận chỉ còn sặc lên mấy cái vì máu dồn lên mũi và mồm. Mình không kịp đau đớn vì cái chết của một đồng chí đã bảo vệ cho mình. Tiếng đạn vẫn nổ rền bên tai, đại bác nổ liên hồi như ngũ liên, phi cơ rít trên đầu. Những bóng người lướt qua chỗ mình rất nhanh. Những chiếc cáng, những tiếng rên. Sương mù tan dần. Đường số 6 hằn lên vết xe tăng, hai bên bờ lau bị đốt trụi còn trơ lại những thân cây nửa đen nửa trắng như những đốt xương. Trái phá cày hai bên bờ đường. Máu vương trên rìa cỏ.

        Đại bác lại nổ liên hồi từng chập một. Những bóng người vẫn lướt qua...

        " Ra hết chưa? ".

        Tiếng mình quát lên giữa những tràng liên thanh bắn theo. Quang Long đây rồi: anh em đã ra được cả.

        " Rút lui phải bảo đảm mang hết thương binh tử sĩ, mang hết vũ khí ra! ".

        Lệnh của đại đoàn vang lên, vang lên hai bên tai mình. Mình cúi đầu đi hai vai nặng trĩu. Những bóng người vẫn lướt qua mình rất nhanh.

        Liệu có thật là đã mang được hết không?

        Quang Long mới xuống đơn vị có hoang mang trước tình thế gay go mà trả lời sai chăng?

        Mình bỗng như có một cái gì đó phản ứng, quay phắt đầu lại. Sương đã tan hết. Đồn Pheo vẫn sừng sững. Đạn liên thanh từ những ụ súng bên đồn cao vẫn toé ra loạn xạ. Căm chưa? Phải đập tan nó đi. Mình nghiến răng lại muốn gầm lên. Thành chạy tới trước mặt mình hổn hển: "Anh em ra hết rồi đang tiếp tục đi sau !".

        Đôi vai mình nhẹ đi một chút. Vượt qua một núi lửa đại bác. Chúng nó bắn theo mình, khá chật vật gặp Dạ Bình, C213 vẫn chưa ra!

        Tiếng đại bác lại réo lên dồn dập. Tiếng hô của giặc, tiếng quát của ta. Rõ ràng Đại đội C213 vướng lại rồi.

        Tiếng Bình nói khẽ:

        " Vẫn C213 Chùa Cao đấy anh ạ! ".

        Mình rướn người lên. Ra lệnh cho Dụ. Một trung đội vượt qua trước mặt mình tiến về phía súng nổ. Bóng Dụ khuất hẳn. Không bao giờ mình được trông thấy Dụ nữa.

        Viết Phương, Dụ, Phúc Ánh, Cẩm Giang, bốn đại đội trưởng cùng với mình trong chiến dịch Sông Thao 49, chỉ còn lại Cẩm Giang bên Trung Quốc. Và mình hôm nay, trơ trọi lủi thủi trên con đường này mà tất cả đã cùng đi qua. Mình muốn chửi tục một câu Sao lúc này mình lại đi! Sao không Ở lại mặt trận cùng với đơn vị, xông lên, xông lên, báng súng đập nát đầu chúng nó ra, lưỡi lê đâm xổ ruột chúng nó ra!

        17 giờ. Hút chết vì phi cơ chúng nó quần. Thôi được. Tao hãy còn đây.

        Chiều xuống. Một chiều mồng bốn Tết.

        Cũng chả nên buồn mãi, ảnh hưởng đến vấn đề học tập sau này. Chuyển hướng nghĩ đến chuyện khác vui một chút. Ừ, chiều hôm nay gợi nhớ đến những gì nào? Những mồng bốn Tết năm xưa, ăn thang cuốn. Xa quá rồi! Mồng bốn Tết năm ngoái … phải rồi …lòng mình dịu đi! Em của anh! Mấy hôm nữa gặp nhau chắc em sẽ an ủi được anh nhiều. Mồng sáu sẽ gặp em.

        Vượt qua sông Thao, đèn xe hỏng, 19h30 rồi. Nếu không chữa được đèn thì hết đi đêm nay. Đành dắt xe vào thị xã Phú Thọ. Đêm lạnh, đói chưa biết ăn ở đâu. Vừa đi vừa tính toán chặng đường đi đêm nay. Cố vượt qua Bình Ca về Tự Do ngủ. Sáng sau leo qua Đèo Khế. Buổi trưa về tới nhà thì ung dung chán. Nhưng mà về Bờ Đậu hay lên Chợ Chu ?

        Phân vân tệ. Tới Phú Minh rẽ vào Chợ Chu thì chỉ cần 14h mình đã tới TC3. Nhưng nhỡ Tết em mình về với má thì sao? Em đã nói với mình là Tết sẽ không về nhà nhưng biết đâu đấy. Thôi cứ về  Bờ Đậu thăm Má nhân thể.

        Gió từ sông Thao lùa vào trong phố, mình kéo cổ áo lên cho đỡ lạnh. Nghĩ đến đêm này năm ngoái đang đạp xe để chuẩn bị cho ngày mồng 6 Tết ( 11 tháng 2). Bao nhiêu lo lắng mà không dám cho em biết. Một năm qua. Hạnh phúc. Đêm nay lại đạp xe, cũng đi suốt đêm để sống lại ngày mồng 6 Tết năm ngoái. Em làm gì đêm nay? Bên đống lửa có ngờ rằng anh sẽ về bên em giữa một ngày xuân đẹp nhất của đời chúng ta. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:27:13 pm »


        Phố vắng, mấy hàng cơm phở còn chong đèn,  khách ăn cũng không đông lắm. Tiếng lách cách của "cùi dìa" quấy kem trứng. Mình không nghĩ đến ăn vội. Chữa đèn đã. Chả có hiệu nào có bóng đèn cả. Dắt xe lên phố trên, gặp một bóng người đi bên hè, mình hỏi thăm hiệu xe. Anh niềm nở chỉ hiệu xe cho mình và bắt chuyện. Mình đi theo anh ta, thấy anh chàng cũng dễ thương. Trao đổi dăm câu. Thấy mình chưa cơm nước gì anh ta kêu:

        " 8 giờ tối rồi! Thế thì đói chết. Phố trên này không có hàng cơm đâu. Đồng chí phải quay lại phố dưới thôi! "

        Mình ngỏ ý chữa xe đạp trước, trong khi chữa xe kiếm chút gì ăn tạm cũng được. Mình còn phải đi suốt đêm nay. Anh ta chép miệng.

        " Đời cán bộ vất vả thật. Tôi biết vì trước kia tôi cũng đi công tác " .

        Đi đến một câu chuyện cảm động:

        Anh ta là một công chức xung phong xin giảm biên chế về tăng gia để đỡ gánh nặng cho Chính phủ (anh nhắc lại câu xung phong, rất tự hào) . Gia đình anh có hai vợ chồng và sáu đứa con. Từ Hà Giang dắt díu nhau về với một chút vốn nhỏ đã dành dụm được, chưa kịp làm ăn gì thì cả gia đình cứ thay phiên nhau ốm. Không hôm nào trong nhà không có ba người đắp chăn rên. Chút vốn cứ vơi dần. May có hai đứa con gái đã lớn chịu khó chợ búa nên lần hồi rau cháo cũng được bữa đói, bữa no.

        Giọng anh cất cao lên: " Bây giờ mới là lúc thử lửa ", Cụ Hồ bảo: " Trường kỳ kháng chiến nhưng nhất định thắng lợi " nên mình cũng tin lắm. Cái đói khổ của mình có thấm vào đâu với bộ đội. Tôi nhất định không ngã lòng. Mấy hôm nay cuốc đất khỏe lắm. Rồi anh cười khẽ hạ thấp giọng xuống. "Thế mà mấy hôm Tết mình cũng bị giày vò ghê quá. Lũ trẻ nheo nhóc, khạp gạo vét trơ cả đáy ra rồi. Vợ ốm nằm liệt giường. Đêm đêm hai đứa con gái lớn vẫn phải vượt sông Thao để đi buôn chuối ở Hưng Hóa. Thấy nhà hàng xóm có bánh chưng mấy đứa trẻ thèm mà không dám nói, nhưng trong mắt chúng nó lấp lánh nhìn những tấm lá dong ướt còn dính ít hạt nếp xanh trong, vứt ở đầu hè thì biết… Hôm qua tôi gặp thằng bạn thân cũ ở gần đây. Cậu này trước kia tôi cũng giúp đỡ ít nhiều. Cậu ấy mời chiều nay ăn cơm. Tôi nể vả lại cũng muốn gặp bạn để tâm sự cho khuây khỏa, nên chiều nay mới đi ăn. Đợi sẫm tối mới dám đi vì mình rách rưới quá. Lâu không gặp cậu ấy không biết cậu ấy hồi này thế nào nên mình cũng sợ ngượng. Ăn cơm cũng không vui mấy, nghĩ đến vợ con ở nhà nheo nhóc. Câu chuyện cũng chiếu lệ, tình bạn cũng đã phai rồi, cậu ấy lại có vợ buôn bán khá giả nữa. Cơm xong cậu ấy ấn vào mình cái bánh chưng bảo mang về cho con. Mình đã toan không nhận. Một chiếc bánh chưng? Đời mình đã có bao giờ nhận quà Tết như thế đâu. Ngày xưa, ừ mà ngày xưa với những thằng bạn nghèo, có bao giờ mình sỗ sàng như thế, mình giúp đỡ một cách kín đáo, chỉ sợ chúng nó tủi. Hôm nay mình cũng thấy tủi thật, nhưng cũng cứ nhận. Kháng chiến cũng thay đổi tình cảm của con người ít nhiều. Mình ấn cái tự ái vào trong nhưng kể thì cũng buồn, lũ trẻ thấy tấm bánh chưng này chắc là thích lắm nhưng có hiểu đâu nỗi buồn của bố… Ra đến đường thì gặp đồng chí đấy! Đồng chí tha lỗi cho nhé, tự dưng lôi câu chuyện buồn của mình ra! Uống có một chút rượu con vào mà ba hoa thế đấy ".

        Mình cảm động an ủi anh ta mấy câu. Lời nói của mình nồng nhiệt không hời hợt.

        Nhân, Lục, Hương, Tú, Lân năm nay chắc không thiếu bánh. Nhưng bánh ăn trong tù ngục của lũ kẻ cướp ấy ngon sao bằng bánh ăn Ở ngoài vùng tự do này. Thà rằng mình thấy chúng nó thèm thuồng nhìn những chiếc lá dong còn dính ít hạt nếp xanh như lũ trẻ của anh bạn này, còn hơn là chúng nó ở trong ấy đầy đủ, nhưng đầu cúi xuống lấm lét khi nghe tiếng giày đinh của lũ giặc hỗn xược đạp trên đường phố...

        Gần tới phố trên anh ta dừng lại, chỉ vào một mái tranh nhỏ khuất trong đám cây:

        " Nhà tôi ở trong kia không rộng lắm, nhưng thêm một người nữa cũng không chật là bao. Nếu đồng chí không sửa được xe, xin mời đồng chí đến chỗ tôi. Cứ tự nhiên đập cửa lúc nào cũng được.

        Rồi anh ta rút trong túi áo ra tấm bánh chưng:

        " Đồng chí cầm tạm cái bánh này ăn cho đỡ đói. Tối nay chưa chắc có nhà nào dọn hàng, quay xuống phố dưới thì xa mà lại mệt. Đây là lòng thành của tôi Đồng chí vui lòng nhận cho ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2017, 03:29:43 pm »


        Mình từ chối mãi mới được. Anh ta ấn chiếc bánh vào túi không được vui cho lắm. Mình nói rõ sự cảm động của mình về cử chỉ của anh ta, cử chỉ của đồng bào hậu phương thương yêu chăm sóc bộ đội. Anh ta cười bắt tay mình:

        " Đồng chí hãy còn khách sáo đấy. Thôi, đồng chí đi vậy nhé. Nếu cần cứ quay lại, tôi cứ dọn dẹp sẵn một chỗ đấy! " .

        Mình dắt xe đi tưởng tượng đến mấy đứa trẻ con anh ta (có lẽ cũng chỉ bằng tuổi Nhân, Lục ) mắt sáng lên khi thấy bố giở chiếc bánh chưng ra.

        Cái Tết của chúng nó đấy. Giản dị biết chừng nào, cái hạnh phúc của lũ trẻ nhà nghèo. Và những thằng lính chúng mình lại càng thấy rõ nhiệm vụ. Nhớ đến một bức tượng ở Tiệp dựng lên để kỷ niệm Hồng quân Liên Xô. Một hồng quân một tay bế một thiếu nhi, một tay cầm một thanh gươm biểu hiện ý chí cương quyết thiết tha của một đồng chí Cộng Sản thiết tha bảo vệ tương lai, bảo vệ hòa bình cho nhân loại.

        Chả một hiệu xe nào có bóng đèn cả. Đêm nay có lẽ mình phải ở lại đây mất. Vị tất đã thực hiện được chương trình. Tìm được một hàng quà còn bún riêu, ăn được hai bát lại lên xe đạp hy vọng có một xe nào về Bình Ca. Mới có 9h tối mà đường đã vắng tanh chả có một bóng ma nào cả. Đường gập ghềnh không có đèn khó đi quá. Đến chỗ rẽ vào ấp Khải Xuân hỏi một hiệu xe, nó đòi 2 vạn một chiếc bóng. Tụi con buôn bóc lột thật, mình lại nhớ đến anh công chức nghèo kia.

        Đợi một lúc cũng không thấy chiếc xe nào đi theo để bám. Phải tính đến chuyện ngủ lại. Nếu quay lại thị xã thì xa quá. Định đi thẳng về Phú Hộ thì chợt nhớ đến Phúc Sinh, nghe nói cậu ấy ở Khải Xuân. Có lẽ cũng không xa lắm: Lâu không gặp cũng nên nhân dịp này ghé vào thăm.

        Mất hơn một tiếng đồng hồ mới vào tới nơi. Gặp nhau hai thằng khoái quá. Nhớ đến những ngày Hà Nội trong vòng vây của lũ giặc.

        Phúc Sinh bảo con đi rán bánh chưng và lại lấy thức ăn để uống rượu, lấy nước nóng cho mình rửa mặt, không khí ấm cúng quá.

        Ngồi uống rượu với bánh chưng rán, lạp xường, thịt quay mình lại nhớ đến lũ trẻ con anh công chức.Cuộc đời vẫn còn chênh lệch quá. Ngày mai tươi sáng của chúng nó vẫn còn phải trải qua nhiều gian khổ.

        Hai anh em trò chuyện tíu tít. Nhắc đến Liên, Phúc Sinh phàn nàn cho mình. Mình không muốn nghĩ đến nữa, lảng sang chuyện khác. Uống nhiều. Một giờ sáng mới đi nằm. Chui vào chăn bông ấm áp, nghĩ đến em. Lo không thực hiện được chương trình. Ngủ thiếp đi vì mệt và hơi say...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:28:26 am »

       
        Đêm 30 tháng 1 năm 1954 ( hai mươi bảy tháng chạp Điện Biên )

        Vừa chuyển quân đến vị trí mới. Xong công việc ngồi viết thư cho em để mai Vinh về Bộ họp chuyển hộ tận tay. Đêm nay ngồi nhớ lại những tình cảm cũ của Phố Lu.

        Ngày 11 tháng 2 năm 1951 - tháng 2 năm 1952, chợ Chu - Tây Bắc 53, tâm sự của một người lính trước một trận gay go quyết liệt sắp tới gửi người vợ yêu ở hậu phương xa xôi. Nhiệm vụ vinh quang trong chiến dịch lịch sử này. Từ chợ Chu - Tây Bắc 53, trước mỗi cuộc chiến đấu mình đều có kiểm điểm động cơ và đã thấy rõ:

        "Chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, của giai cấp và cả của bản thân mình."

        Trong cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù lần này gay go quyết liệt hơn, cái bản chất cá nhân anh hùng của mình nhất định sẽ không còn nữa, cá nhân anh hùng lúc thì liều mạng (Thủ đô, Hạ Bằng, Sông Thao), lúc thì tính toán do dự (Pheo).

        Hôm nay nhận nhiệm vụ A3 mình cũng đã tranh đấu tư tưởng nhưng rút cục đã thắng. Không phải vì danh dự cá nhân đã thấy rõ ràng nhiệm vụ chung. Cụ thể là mình đã gương mẫu lãnh đạo cán bộ kiên quyết làm tròn nhiệm vụ khi đi vào chuẩn bị A3, mặc dầu gặp khó khăn nguy hiểm. Mình cũng nghĩ đến cái ác liệt đang chờ sẵn, đến số mệnh của mình, nhưng mình không nghĩ đến riêng mình. Mình nghĩ đến các đồng chí đã hy sinh anh dũng. Không đòi hỏi, không tính toán cho cách mạng, cho kháng chiến. Có các đồng chí đó mình mới có ngày nay. Sống cho ra sống hoặc chết vinh quang.

        Nhớ đến câu này của một đồng chí Liên Xô trước giờ chiến đấu: "Tôi yêu cuộc sống quá. Tôi chỉ nghĩ đến đi chiến đấu vì muốn sống. Sống cho ra sống chứ không phải sống làm trâu chó. Chiến đấu vì Tổ quốc và hạnh phúc của toàn thể nhân dân, của con tôi, của tôi. Tôi thương tiếc đời tôi, nhưng tôi cũng không sợ chết. Người quân nhân đáng sống phải là người quân nhân chiến đấu để sống. Tôi hiểu lẽ sống là như vậy".

        Mình cũng tha thiết với cuộc sống. Nhưng không có Đảng, không có Cách mạng, liệu cuộc sống của mình trước đây có phải là cuộc sống của con người không? Hay là cuộc sống của loài trâu chó và cái chết vinh quang, mình chọn lấy cái nào? Trước đây, vì chưa giác ngộ, mình có thể cúi đầu nhận lấy cái sống nhục nhã đó. Bây giờ mình đã là người, lại là một quân nhân, là đảng viên, mình không thể sống như thế được, mình không thèm sống như thế. Cái ranh giới giữa kẻ thù và mình đã rõ rệt. Chính chúng nó mới là loài trâu chó và  chỉ chúng nó mới muốn sống làm trâu chó khi cái chết đe doạ. Mình cảm thông rất nhiều câu của đồng chí Liên Xô và cũng hiểu lẽ sống như vậy...

        Gió lạnh lùa vào trong lều che kín, làm ngọn nến bạt đi muốn tắt. Mình dừng bút lại xoa tay cho đỡ cóng, hé bạt nhìn ra ngoài trời. Tiếng động cơ máy bay của địch vẫn rền rĩ trên không. Vòm trời sáng vằng vặc như trăng rằm vì pháo dù sáng của địch. Thỉnh thoảng đại bác của địch lại hốt hoảng vang lên từng loạt. Thật là lũ chó sủa càn: Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhân dân mình trong vùng tạm chiến, của nhân dân Pháp, lũ giặc đã đem tiêu phí vào đây, ăn không ngon, ngủ không yên, cả ngày cả đêm chúng nó phải bắn trút đi hàng chục tấn đạn, hàng vạn tấn bom để trấn tĩnh tinh thần lo sợ hoang mang hốt hoảng của chúng từ ngày sa lầy ở Điện Biên?

        Xung quanh mình, đồng đội vẫn ngáy đều đều, say sưa với giấc ngủ ngon. Không một ai thức giấc vì tiếng súng bắn càn của giặc. Quen quá rồi với những cái giật mình hoảng hốt của chúng nó, chúng ta vẫn chuẩn bị bình tĩnh đợi ngày xuất kích. Số mệnh của chúng nó là ở trong tay chúng ta, treo ở đầu lưỡi lê của  chúng ta. Rồi chúng nó sẽ tha hồ được chúng ta dành cho cái kiếp trâu chó.

        Viết nốt thư cho em. Hẹn một ngày về xa xôi. Tin chắc chắn sẽ về. Qua chợ Chu, chúng ta đều hẹn nhau tuy đã lỡ cả song chúng ta không một ai sốt ruột, vì mỗi người chúng ta đều thấy rõ ràng cái nhiệm vụ vinh quang của mình trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Có cách mạng mới có chúng ta ngày nay, chúng ta mới được sống cho ra sống. Chính vì thế mà từ ngày yêu nhau, chúng ta không hề làm vướng chân nhau, chúng ta lại luôn luôn khuyến khích nhau làm tròn nhiệm vụ để xứng đáng với công ơn của Cách mạng, của Đảng.

        Gửi em cả mấy bông hoa và búp lá đào hái Ở một bản vắng một chiều hành quân. Dân bản đã sơ tán vào rừng để tránh bom đạn của lũ giặc hung ác. Bản vắng bóng người trở lên xơ xác hiu quạnh, những bếp tro tàn còn trơ lại mấy gốc củi cháy dở càng gợi thêm cái lạnh lẽo của một chiều rét mướt cuối năm. Mấy chiếc nhà xiêu vẹo tung mái vì đại bác của địch để lộ lại mấy cái cột đen, những mồ hóng như chọc thủng mái nhà nhô lên vẫn cố đứng vững trước những cơn gió thổi mạnh, những chiếc chõ ninh sôi rơi lỏng chỏng dưới gầm sàn, một chiếc nôi trẻ bị bắn vướng vào khung cửa dốc ngược lên treo lủng lẳng. Tất cả cái yên ấm, cái an cư lạc nghiệp của dân bản bị đổ nát vì bom đạn của giặc tàn phá. Từ ngày giặc lên đây, bao nhiêu bản quanh vùng đã bị lũ giặc tàn ác gieo rắc thảm họa như vậy! Địch đẩy người dân vào cái cảnh đói rét bần cùng!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:30:00 am »


        Trong những ngày bám sát đánh địch thọc ra quanh  Điện Biên, không ai không nghiến răng căm giận lũ giặc vì chính mắt mọi người nhìn thấy hoặc nghe đồng bào chạy thoát khỏi nanh vuốt của chúng kể lại, cái cảnh tàn sát giết chóc, phá hại của lũ chó dại điên cuồng. Những cây thóc xung quanh thường cháy nghi ngút, hết ngày này sang ngày khác. Hàng đàn trâu bị chúng bắn chết, chỉ lấy những miếng ngon nhất để ăn, còn vứt lại đầy đồng cho hôi thối, cấm dân không được ăn. Thanh niên tình nghi có cảm tình với Chính phủ bị chọc tiết, phụ nữ bị chúng nó hay nhau hãm hiếp, đổ bệnh. Chúng biến Điện Biên thành địa ngục: những ngọn đồi, những khu phố, những khu bản trước đẹp là như thế, nay chằng chịt dây thép gai công sự lở loét. Không ai có thể nhận ra Điện Biên trước đây nữa. Tất cả chỉ còn lại một cái ung thư đang bị loét lở của giặc và bọ đang chui rúc để đục ruỗng.

        Cạnh cái cảnh tàn phá đó, sức sống của dân tộc vẫn vươn lên mạnh mẽ không cùng! Trong cái hoang vắng hiu quạnh của những bản đã xơ xác, lắng nghe vẫn thấy tiếng chày giã gạo rầm rập ở những lũng quanh bản làng lên,vọng lên như lẫn cả những tiếng đại bác của quân địch. Dân bỏ bản sơ tán, bỏ cả những mái nhà ấm cúng, bỏ cả nơi thờ tự tổ tiên, nhưng cái cối giã gạo không bỏ. Những chiếc cối giã gạo đã được đem vào lán như những cái gì quý giá nhất còn lại. Gắn liền với những chiếc cối giã gạo là quyết tâm của người dân theo Chính phủ, theo Cụ Hồ đến cùng, ra sức làm gạo để nuôi bộ đội đánh giặc. Và hằng ngày, tiếng chày giã gạo vang lên với tiếng cười đùa của trẻ thơ, tiếng ơi ới gọi lợn, gọi gà về ăn của phụ nữ,tiếng mõ trâu lốc cốc... Lòng người lính ấm lẳn lên, rộn hẳn lên trong chiều lạnh! Tiếng chày giã gạo với tiếng trẻ thơ, tiếng gọi lợn, gọi gà, tiếng mõ trâu là biểu hiện sức sống của dân tộc vươn lên giữa cái tàn phế xơ xác! Tiếng chày giã gạo đều đều thật là bình thản, lấn hẳn tiếng đại bác rít điên cuồng của lũ giặc! Đó là sức đấu tranh bền bỉ kiên nhẫn tin tưởng vào thắng lợi nhất định bên nỗi lo hoang mang của lũ giặc trong bước đường cùng. Trước những tàn phá ghê gớm của bom đạn, người dân vẫn không nhụt ý chí đấu tranh với kẻ thù. Tiếng chày giã gạo vọng về Chính phủ, về Cụ Hồ lòng tin tưởng vô biên.

        Tiếng chày giã gạo hòa theo bước chân bộ đội đang tiến về phía kẻ thù, đánh thành vòng đai sắt quanh chúng nó. Chính những tiếng chày giã gạo đó đã thúc giục anh bộ đội tranh thủ chuẩn bị đầy đủ nhưng nhanh chóng để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Điện Biên cho chày cối lại được trở về với bản cùng với lo âu yên vui của nhân dân. Chính những tiếng chày đó đã tiếp sức sống cho anh bộ đội!

        Bên những hố đại bác, hố bom của địch cày lên, bên cạnh những cái đổ vỡ, nhũng vườn rau cải vẫn xanh tươi. Ngồng rau cải vẫn vươn lên với cụm hoa vàng bên những hoa thuốc phiện màu tím dịu dàng mà trắng trong. Một cây đào ở góc bản đang trổ hoa, những bông hoa hàm tiếu màu hồng tươi rói hớn hở cười trước gió đông đón mùa Xuân ấm cúng sắp trở về, đón một mùa Xuân đại thắng lợi. Bom đạn của kẻ thù không thể làm gì nổi chúng ta, không thể ngăn cản mỗi con đường đi lên của chúng ta. Ngay cả cây cỏ của đất nước ta, bom đạn của chúng nó cũng không làm gì nổi. Đến mùa hoa vẫn nở, cải vẫn xanh tươi. Trên con đường đấu tranh của dân tộc cây cỏ vẫn vươn lên cùng với những thắng lợi, hoa vẫn nở đẹp đón mừng thắng lợi. Ngoài này là thế giới tươi sáng, là mùa Xuân hoa nở. Trong Điện Biên hiện tại là tù ngục tăm tối của lũ giặc. Chính chúng nó đã tạo ra cái cảnh tù ngục u tỳ đó để tự giam hãm chúng nó vào. Cây cỏ vì chúng nó mà không mọc được, hoa vì chúng nó mà không nở, nhưng mai kia cây cỏ lại mọc lên xanh tốt, hoa sẽ lại nở đẹp vì ngoài này trong ấy sẽ lại là một. Điện Biên lại tươi sáng, mùa Xuân lại về. Khi cánh hoa đào bắt đầu rụng để kết thành quả thì kiếp chúng nó ở Điện Biên cũng rụng như cánh hoa, xác chúng nó, máu chúng nó sẽ bón cho cây cỏ tươi tốt để đền lại tội ác của chúng nó với nhân dân, với cây cỏ.

        Thấy hoa đào nở, nhớ đến Tết, người lính nghĩ rất ít đến bánh chưng xanh, mà nghĩ rất nhiều đến chiến đấu nghĩ đến cờ đỏ sao vàng, nghĩ đến lá cờ quyết chiến quyết thắng của Bác sẽ phấp phới tung bay ở Điện Biên. Mùa xuân này phải là một mùa xuân đại thắng lợi, nó là một tất nhiên như mùa đông rét mướt qua đi thì mùa xuân ấm áp lại tới

        Gửi em mấy bông hoa đào là gửi theo những ý nghĩ ở trên, đồng thời là gửi theo tình cảm không bao giờ tàn phai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2017, 12:31:25 am »


        Ngày 1-2 tháng 2

        Cả hai ngày hôm nay lo lắng về vấn đề làm con đường thắng lợi.

        - Một vạn tám nghìn thước khối.

        - Ngót năm mươi cây số phải chặt.

        - Bốn con đường phải cắt vào núi và hạ thấp dốc.

        - Mấy quãng đá gay.

        - Năm chiếc cầu phải đặt tới hàng ngàn cây gỗ to nhỏ.

        - Vấn đề ngụy trang để bảo vệ bí mật….

        Suốt buổi sáng đi xem đường, nghe công binh trình bày những yêu cầu của con đường mà thấy phát sốt.

        Tính trên một vạn rưỡi nhân công. Nhẩm lại quân số của đơn vị lo quá. Mỗi ngày được hơn một ngàn nhân công. Làm trong tám ngày mới được tám ngàn nhân công, nghĩa là mới được nửa nhân công theo yêu cầu.

        Công việc phải đi sâu vào kế hoạch cụ thể. Phải tính toán từng ly, từng tý để không có một nhân công thừa mà kinh nghiệm làm đường lại chưa có.

        Tính đi tính lại: khó khăn vẫn nhiều, nhưng tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng có thể khắc phục được. Có  kế hoạch cụ thể phân công hợp lý động viên thi đua đầy đủ, kinh nghiệm chưa có thì đột phá một đơn vị để rút kinh nghiệm, nếu làm được như vậy thì có thể hoàn thành được nhiệm vụ đúng kỳ hạn. Căn bản vẫn là cán bộ đi sát, gương mẫu lặn lội với chiến sĩ, lấy kinh nghiệm, sáng kiến của quần chúng để giải quyết khó khăn, coi công tác làm được cũng như một cuộc chiến đấu gay go phức tạp. Từ sáng đến chiều đã thấy có nhiều triển vọng, kinh nghiệm cộng sáng kiến của của quần chúng được động viên thấy rõ ràng nhiệm vụ đã phát huy được nhiều, năng suất bắt đầu tăng. Tạm gác súng lại cầm xẻng cuốc để mở đường, người lính chỉ bở ngỡ lúc đầu, sau một thời gian ngắn đã trở thành chuyên môn. Rõ  ràng là  khả năng của người lính cách mạng chúng ta rất nhiều và người lính cách mạng làm gì cũng được.

        Mình cả buổi sáng và chiều leo đèo, vượt qua cả 1206 mới lại quay trở lại, trời nắng gắt mồ hôi ướt đầy áo, rất mệt nhưng thấy anh em tíu tít cuốc đất chặt cây, bẩy đá, một cách thi đua sôi nổi phấn khởi quên cả mệt. Vả lại anh em làm suốt ngày, mệt hơn mình biết bao nhiêu ấy chứ.

        Hội ý với cán bộ, anh em thấy phấn khởi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tin tưởng.

        Chiều xuống, sắp trở về gặp văn công đại đoàn xuống đơn vị phục vụ, trông thấy Nga, Phi, Ly đeo ba lô mồ hôi đọng trên trán, mình thương chúng nó quá. Chúng mình chiến đấu cũng là để xây dựng tương lai cho chúng nó, cần phải tích cực cố gắng hơn nữa, chúng nó mới sớm được sung sướng.

        Đi bên Nga mình khẽ hỏi: "Chiều nay ba mươi Tết rồi, Nga có nhớ nhà không?". Mắt Nga chớp mấy cái nhưng trả lời rất tỉnh táo: "Em chỉ nhớ ít thôi, thương các anh nhiều hơn. Đi với các anh, em thấy nhớ ở nhà, vui hơn nữa" .Câu nói của một em gái mười bốn tuổi thật là khôn ngoan. Lẽ ra cái tuổi này đang được cắp sách đến trường học tập. Chúng nó vượt hàng ngàn cây số, leo qua bao nhiêu đèo cao, lội qua bao nhiêu suối giá buốt, đi theo các anh lớn ra mặt trận, giữa bom đạn của địch vẫn ca hát nhảy múa để động viên các anh quên hết gian khổ mệt nhọc và chịu đựng gian khổ cũng không kém gì các anh. Mình nắm chặt lấy bàn tay, bàn tay nhỏ bé của Nga, muốn truyền sang Nga tất cả tình thương yêu của mình. Phi, Ly đi sau trong cái cười của hai đứa trẻ này vẫn đượm một cái buồn lạnh lẽo. Chúng nghĩ đến gia đình trong vùng địch chăng? Nghĩ đến người bố đã bỏ chúng lại để níu lấy một cuộc sống nhục nhã ích kỷ?

        Mình ước gì chiều nay có một chút quà gì để "mừng tuổi" chúng nó, một bữa cơm có rau và một chút thịt để quây quần với nhau bên đống lửa, gây một chút không khí gia đình, đón năm mới đến, nhưng chiều nay bữa ăn vẫn chỉ có muối măng khô.

        Dọc đường đi gặp văn công ở các đơn vị về mượn địa điểm tập trung để ăn Tết. Gặp bộ đội cười nói tíu tít chúc tụng. Cái tết ở trong lòng mọi người, ở tiếng cười câu nói của mọi người...

V.L       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 11:48:18 am »

       
BÀI NÓI CHUYỆN VỚI THANH NIÊN THỦ ĐÔ
(của Thiếu tướng Vũ Lăng trong buổi sinh hoạt truyền thống của các bạn trẻ Thủ đô mừng Kỷ niệm lần thứ 20 giải phóng Thủ đô - 1974)

        Lúc đó, tháng 12 năm 1946, trí thức có, công nhân viên chức có, tất cả những người lao động ở trong thành phố Hà Nội còn lại, nam nữ, cụ già, trẻ em khi bị vây ở lại Hà Nội trong hai tháng trời, từ ngày 19 tháng 12 đến ngày 17 tháng 12 năm 1947. Chúng tôi đã đánh nhau với địch và rút lui một cách toàn vẹn, thắng lợi ra khỏi vòng vây của địch ở Hà Nội. Lúc đó, các bạn nhớ rằng cầu Long Biên này địch đã chiếm, Hòa Mã địch ở rồi, Yên Phụ địch ở  rồi, vòng vây cứ thắt chặt lại. Nếu ở Điện Biên Phủ chúng ta vây chặt địch thì nghĩa đó nó khác. Có thể nói sông Hồng là cái chỗ chúng ta không thể vượt ra được, xuôi phía nam thì phố Tây nhiều, rút lui về phía đó khó rút được, chỉ còn một lối là rút qua cầu Long Biên mà thôi.

        Nhưng mà địch cứ thắt chặt bốn năm vòng vây và yên trí rằng Việt Minh là con cá nằm trên chốc thớt rồi, giải quyết lực lượng Việt Minh nằm lại trong thành phố Hà Nội là tính giờ tính ngày thôi. Thế mà rút cục Trung đoàn Thủ đô con em của người Hà Nội lại rút ra một cách toàn thắng và hơn bảy năm sau, Trung đoàn Thủ đô lại rầm rập kéo về tiếp quản Thủ đô. Ra đi hãy còn trẻ lắm, lúc về thì cũng vào loại trung niên rồi. Đấy là cái mốc mà chúng ta thấy rằng trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ của cách mạng, thanh niên chúng ta không nề hà cái gì, mà vấn đề quan trọng nhất lúc này là phục vụ, bảo vệ được Tổ quốc giữ gìn được Độc lập, Tự do. Thời kỳ đó hiểu về lý luận kém các bạn bây giờ nhiều lắm. Chỉ có lý tưởng là đi theo cách mạng, giải phóng đất nước, có Độc lập, có Tự do, còn hiểu sâu như bây giờ thì chưa hiểu được. Về khoa học kỹ thuật lúc đó chúng tôi hiểu như thế nào? Tôi là tiểu đoàn phó, khi đánh nhau trên đường Hà Nội, cướp được khẩu 12,7mm, chưa biết bắn. Bom ba càng thì một anh đào một cái hố ở dọc đường, một anh ngồi nấp ở trong cái hố đó, cầm quả bom ba càng, sẵn có ba cái chạc như thế này. Xe tăng địch đến thì anh xông ra, xung phong đâm quả bom, điểm hỏa vào xe tăng, xe tăng địch lúc đó mới nổ; anh đâm trượt, anh chết.

        Xe tăng địch trong Hà Nội không làm gì nổi Trung đoàn Thủ Đô. Rút cục xe tăng địch cũng không giải quyết được vấn đề.  Máy bay địch cũng không đánh nổi chúng tôi, mặc dầu về mặt kỹ thuật súng ống chúng tôi lúc đó rất thô sơ. Tôi phải trực tiếp chỉ huy một khẩu trung liên. Bắn một băng mấy viên đạn là do tôi ra lệnh. Thời kỳ đó chúng ta khó khăn như thế nào, nhưng lý tưởng là vẫn giữ được lý luận không phải không cao siêu, nhưng mà cái phục thù, cái hy sinh cho Tổ quốc, tuổi thanh niên lúc đó không có những tính toán vụn vặt.

        Cái mốc thứ hai là mười hai ngày đêm B52 của năm 1972, ở Hà Nội - Thủ đô chúng ta. Nếu chúng ta nói lại những lời khen của các nước thì cũng bằng thừa. Rõ ràng chúng ta nói lại những thành tích rất lớn. Kít-xinh-giơ nói rằng là đã bị mấy cái bất ngờ: bất ngờ ở Cam-pu-chia, bất ngờ ở Đường 9 - Nam Lào, còn cái nữa là B52. B52 bị rụng là bất ngờ lắm. Mỹ tưởng B52 vào là san bằng Hà Nội, đánh Khâm Thiên hòng làm tinh thần của chúng ta sụt hẳn, nhưng chúng ta đã hạ được nhiều B52. Trong ba mươi tư B52 bị hạ thì Hà Nội hai mươi bảy chiếc, có một chiếc rơi tại chỗ. Trong những ngày đánh B52 năm 1972, không khí của Hà Nội chúng ta quyết chiến quyết thắng cao lắm. Nhiều người đã nói đây là Điện Biên Phủ trên không. Chúng ta đổ ra đường phố xem bộ đội đánh B52, thanh niên chúng ta vẫn đi lại vững vàng. Chúng tôi nói với nhau thế này:

        " Mình gặp lại những con người cũ của chúng mình, mình gặp lại bóng dáng của những chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên khi về Hà Nội. Mình gặp lại những lính của Trung đoàn Thủ đô ".

        Tôi nêu hình tượng như vậy để các bạn thấy rằng thanh niên chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đất nước có khó khăn thì chúng ta vẫn chiến đấu giữ vững vị trí của chúng ta trong đấu tranh cách mạng vì Độc Lập, Tự do.

        Tình hình hiện nay ngoài Bắc có hòa bình tương đối, nhưng ở trong Nam, địch không thi hành hiệp định. Cuộc chiến đấu ở trong Nam vẫn tiếp tục tuy ở mức độ khác với trước, quy mô khác với trước, nhưng chưa hề có ngừng bắn. Cho nên vấn đề sẵn sàng bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng đi chiến đấu là nhiệm vụ của thanh niên chúng ta. Muốn chi viện cho miền Nam, bảo vệ miền Bắc thì có vấn đề dao động, vấn đề sản xuất, vấn đề xây dựng miền Bắc của chúng ta như thế nào. Tôi nghĩ rằng thanh niên chúng ta trong cuộc chiến đấu gay go ác liệt chúng ta đều đứng hàng đầu thì trong lao động sản xuất, trong vấn đề xây dựng miền Bắc vững mạnh, nhất định chúng ta sẽ đứng vững vị trí chúng ta cũng như khi chúng ta chiến đấu.

VŨ LĂNG                
Theo Bản tin TTXVN        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 11:55:39 am »


THANH KIẾM VÀ CÂY ĐÀN

        Anh Vũ Lăng cũng như nhiều vị tướng của dân tộc ta đều có "thanh kiếm bên cạnh cây đàn; thơ và súng ". Tâm hồn " thi sĩ " của anh cũng chen lách vào được cuộc đời anh trong trận mạc, binh nghiệp. Anh làm thơ không nhiều chủ yếu để cho mình, tâm sự.

        Chúng tôi xin giới thiệu hai trong những bài viết của anh.

B.B.T       

1.NHỚ HÀ NỘI

                                        Đêm nay sương gió gội
                                        Gối đầu trên báng súng
                                        Gió lùa mái tóc xanh
                                        Lũ ta nhớ Hà Nội!
                                        Hồ Gươm nhớ ta chăng?
                                        Nước xanh có chau mặt?
                                        Tháp Rùa buồn tang thương
                                        Liễu buồn có hiu hắt?
                                        Lũ ta nhớ Hà Nội!
                                        Thù giặc cao vời vợi,
                                        Khí giận trùm tinh đẩu
                                        Giết giặc chôn rừng sâu.




2. TA LẠI RA ĐI

                                        Tám chục tuổi vẫn còn lên ngựa,
                                        Múa gươm xung trận giữa ba quân.
                                        Tướng quân Thường Kiệt tên lừng lẫy,
                                        Giặc kia nghe thấy chạy thục thân.
                                        Ta, năm nay mới năm mươi lẻ,
                                        Tóc dẫu pha sương, lòng còn trẻ.
                                        Miền Nam, tiếng súng, còn chưa ngớt
                                        Luống thẹn mình nghe chuyện người xưa.
                                        Ba lô, gậy cũ lại lên đồng
                                        Vai  vác ba lô lòng trẻ lại
                                        Đầu xanh, đầu bạc kề vai bước
                                        Lại thấy trong ta tuổi đôi mươi.


Viết năm 1974, khi vào Tây Nguyên       
V. L                             

     

TIỄN ANH

HOÀNG VIỆT HOA       

                                        Mỗi buổi hành quân đưa tiễn anh
                                        Tiễn anh chỉ có chút thân tình
                                        Chiều nay gió lạnh sương nhiều  lắm
                                        Mặc áo thêm vào cho ấm, Anh!
                                        Ba lô vội vã khoác lên vai
                                        Mắt anh tươi vui miệng nở cười
                                        Súng giặc xa, dồn chân chiến sĩ
                                        Anh lại gần em, nắm tay em.
                                        Anh đi, Hoa ở lại đừng buồn
                                        Ngoài trận rồi anh gửi thư luôn.
                                        Đừng quên lời dặn, Hoa em nhé
                                        Giữ gìn sức khỏe đợi chờ anh.
                                        Nghẹn lời không biết nói năng chi
                                        Em buồn vì chẳng được cùng đi
                                        Để săn sóc anh khi chiến đấu.
                                        Yêu mến anh khuyên chớ nản gì.


(Trích nhật ký)       
H.V.H - 1952       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2017, 11:57:45 am »


NHỮNG LỜI VĨNH BIỆT

        LỜI ĐIẾU1

        Thưa các đồng chí đại diện cho Đảng bộ và chính quyền địa phương!

        Thưa các đồng chí, các bạn, gia đình và thân quyến đồng chí Vũ Lăng!

        Trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta họp mặt tại đây để tiễn đưa người đồng chí, người bạn chiến đấu lâu năm, người thân của chúng ta - Đồng chí Vũ Lăng - về nơi an nghỉ cuối cùng.

        Đồng chí Thượng tướng Vũ Lăng ( tức Đỗ Đức Liêm ), sinh ngày 4 tháng 8 năm 1921, quê ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Quốc phòng, nguyên Viện trưởng Học viện Lục quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; sau một thời gian lâm bệnh, đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội và gia đình tận tình chăm sóc, các giáo sư bác sĩ của ta và Bạn hết lòng cứu chữa; song vì bệnh quá hiểm nghèo, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 45 phút ngày 23 tháng 10 năm 1988 tại Liên Xô, thọ 67 tuổi.

        Sinh trưởng trong một gia đình lao động, sống dưới chế độ thực dân phong kiến, 16 tuổi đồng chí đi làm thợ, rồi làm y tá tại bệnh viện Phủ Lý. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được cử đi học ở Trường Quân chính Việt Nam ( khóa 5 ). Tháng 11 năm 1945, đồng chí tham gia đoàn quân Nam tiến, là chỉ đạo viên trung đội, sau đó là Phó ban huấn luyện Khu 6, rồi Phó ủy viên quân sự Ninh Hòa. Tháng 2 năm 1947, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ( nay là Đảng Cộng sản Việt Nam ).

        Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã giữ các chức vụ: đại đội tiểu đoàn, Trung đoàn phó Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đảng ủy viên trung đoàn; tháng 9 năm 1954, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316.

        Đồng chí đã tham dự nhiều chiến dịch như: Việt Bắc, Sông Thao, Biên Giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trên nhiều chiến trường, với nhiều cương vị khác nhau; ở đâu đồng chí cũng đều thể hiện được tinh thần dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, kiên quyết trong chỉ huy, góp phần vào thắng lợi của nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Năm 1965, đồng chí được cử đi học ở Học viện Bộ Tổng Tham mưu (Liên Xô) mang tên Vô-rô-xi-lốp. Từ năm 1960 đến năm 1976, đồng chí lần lượt được giao giữ các chức vụ: Cục phó Cục Khoa học quân sự, Cục phó rồi cục trưởng cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tư lệnh Quân khu 4 - ủy viên Đảng ủy Quân khu, Tư lệnh và ủy viên Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, Tư lệnh và ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 3.

        Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trên các cương vị công tác, ở cơ quan tham mưu chiến lược hoặc ở các bộ tư lệnh chiến trường, đồng chí là một cán bộ có năng lực tổ chức chỉ huy tốt và tính quyết đoán cao. Là Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và Tư lệnh Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh đồng chí đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

        Năm 1977, với cương vị là Viện trưởng và Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân, đồng chí cùng Đảng ủy và Ban Giám hiệu Học viện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng học viện đi vào nền nếp và ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Với kinh nghiệm đã tích lũy được ở đơn vị và cơ quan, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã góp phần tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ trung đoàn, sư đoàn của quân đội. Năm 1985, đồng chí đã được Nhà nước phong chức vị khoa học: Giáo sư cấp 2 khoa học quân sự.

        Qua hơn 40 năm liên tục chiến đấu và công tác, trên nhiều cương vị khác nhau, khi làm nhiệm vụ dân tộc cũng như lúc làm nhiệm vụ quốc tế, trải qua nhiều khó khăn gian khổ đồng chí Vũ Lăng đã thể hiện tốt phẩm chất cao quý của người đảng viên cộng sản, người cán bộ quân đội cách mạng, luôn luôn trung thành với Đảng, với nhân dân, dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy trong công tác, được cán bộ và chiến sĩ yêu mến.

        Do những cống hiến xuất sắc của đồng chí, đồng chí Vũ Lăng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:

        - Huân chương Độc lập hạng nhất

        - Ba Huân chương Quân công (2 hạng nhất, 1 hạng ba)

        - Huân chương Chiến thắng hạng nhất

        - Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

        - Ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng nhất, hạng nhì hạng ba)

        - Huy chương Quân kỳ Quyết thắng

        - Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

        Đồng chí còn được quân đội một số nước anh em tặng thưởng những huân chương, huy chương cao quý khác. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn cho quân đội, một mất mát không gì bù đắp cho gia đình và thân quyến.

        Thưa đồng chí Vũ Lăng thân mến!

        Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi nguyện tiếp tục hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân mà đồng chí đã cống hiến trọn đời mình.

        Đồng chí không còn nữa, nhưng tình cảm thân thương sẽ còn lại mãi trong chúng tôi, trong những Người thân yêu của đồng chí.

        Xin vĩnh biệt đồng chí!

-----------------------------
        1. Lời điếu: Do Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê - Trưởng ban Lễ tang đọc tại lễ truy điệu Thượng tướng Vũ Lăng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM