Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:03:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ một quyết tử quân  (Đọc 20411 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:21:22 am »


        Đỗ Văn Phúc

        Sau trận Bản Mo, tôi được anh Lăng cho một khẩu cầm (kèn harmoniea), còn anh Vũ Lăng được con chó béc-giê to lắm. Anh ấy đi đến đâu nó cũng quấn quít không rời. Lúc đó vào Thượng Lào thiếu gạo, lính đói lắm, không hiểu con chó béc-giê đem giết hay cho ai mất mà không thấy nữa.

        Ngoài ra trong quan hệ với anh Văn, anh Vũ Lăng có mấy kỷ niệm. Khi đánh Điện Biên Phủ, các đơn vị được pháo yểm hộ dữ lắm. Riêng Cl, Đại tướng hỏi:

        - Vũ Lăng cần gì không ?

        Anh Lăng đáp:

        - Bộ cho tý pháo thì tốt.

        Anh Văn cho ba mươi quả 105mm để bắn vào C1. Đại tướng lại hỏi:

        - Anh cần bao nhiêu thời gian đánh C1?

        - Xin anh bốn mươi lăm phút.

        Anh Văn cho sáu mươi phút.

        Có cái hay là lúc đánh C1, anh Lăng chỉ cần ba mươi phút đã lấy được C1.

        Tôi thấy anh Vũ Lăng không chỉ xuất sắc trong chỉ huy mà còn xuất sắc trong xây dựng đời sống tình cảm của bộ đội.

        Mạc Đăng  Nghị ( tức Khoát)

        Tôi cũng chỉ có vài kỷ niệm và nhận thấy anh Vũ Lăng là một con người xông xáo và là người chỉ huy giỏi.

        Sau thất bại Bắc Ninh chỉ một thời gian ngắn, anh Vũ Lăng đã về củng cố đơn vị. Trên đường đi Tây Bắc lên đến Phúc Trìu, được tin anh Vũ Lăng - một cán bộ chỉ huy giỏi của Đại đoàn 308 sang chỉ huy trung đoàn này. Anh Vũ Lăng và trung đoàn bộ đã đi trước, chỉ còn anh Phan Sính - Chính ủy đi với tôi. Ấn tượng sâu sắc của tôi là sau thất bại ở Bắc Ninh, anh Vũ Lăng đã củng cố được trung đoàn, đánh thắng hai trận liền: Bản Trại ngày 14 và Bản Mo ngày 17. Trên đường tiến sang Mộc Châu phải giải quyết đánh Ba Lai trước. Nó là đồn lẻ nhỏ, cao lắm. Ban đêm 2 đến 3 giờ sáng, lính mới đào xong công sự vừa chợp được mắt thì 'tao ngộ chiến" trả được món nợ Bắc Ninh. Đến Điện Biên Phủ ở Nà Sản nó tăng quân. Ta không đánh, về Suối Rút củng cố lực lượng. Đến trận thứ hai này, cái tài tình của anh Vũ Lăng là có sáng kiến bám thắt lưng địch mà đánh. Rút kinh nghiệm ở Thượng Lào, nó cho thả bom na-pan, nên ta sáng suốt bám sát địch mà đánh. Chính kinh nghiệm này sau đánh Mỹ ở miền Nam ta cũng áp dụng.

        Một kỷ niệm nữa tôi còn nhớ là đơn vị mình là bộ binh chuyên đi chân đất. Từ Vạn Mai - Thanh Hóa lên Tuần Giáo, anh Vũ Lăng thương lượng với anh Bằng Giang - Tư lệnh Quân khu Tây Bắc thế nào mà lại điều được xe cơ giới, thế là bộ binh chúng tôi được đi xe cơ giới đi Lai Châu. Bộ đội rất phấn khởi, sau đánh thắng mừng thắng lợi Lai Châu, anh Thư cắt khẩu hiệu mừng chiến thắng ấy. Anh Vũ Lăng ở chiến trường không có thời gian cạo râu, để râu xồm, cười rất vui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:24:39 am »

       
CÁN  BỘ QUÂN ĐOÀN 3 NÓI VỀ THỦ TRƯỞNG VŨ LĂNG

        Lữ đoàn trưởng NGUYỄN HỮU QUỲNH        

        Ông ấy gan cùng mình, tôi thấy ông tướng này lỳ lắm, mà giỏi lắm, miệng nói tay làm, làm đến nơi đến chốn chứ không phải chỉ ngồi nói. Có nhiều tướng rất giỏi nhưng mà chỉ giỏi trên bản đồ. Ông này bản đồ cũng giỏi mà thực tiễn cũng giỏi, cứ ba lô sau lưng, đói thì lấy cái gì đó trong ba lô ra ăn như anh em thôi, không biết trước là thành phần gì, mà tác phong đặc biệt như nông dân, mà phong thái con người ông ấy thì không phải là nông dân. Tôi còn nhớ ông Thiêng đặc công, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột rủ ông đi khắp nơi, khắp chốn. Tôi can ngăn:

        - Anh đi vậy lỡ chúng bắn lén thì sao.

        Ông cười:

        - Đạn nó tránh mình. Không sao đâu. Cứ đi, sợ chết thì ngồi đó cũng chết.

        Thế là đêm đó mấy người vô một khách sạn. Tầng dưới hai ba xác chết, tầng hai có một xác chết. Vô bên trong nữa thấy buồng tắm có vòi hoa sen, ông thích quá:

        - Bao lâu giờ mới được tắm hoa sen. Tắm đi tụi bay.

        Mọi người đều tắm thật mát mẻ, khoái trá. Tắm xong, ông nói:

        - Thôi tìm chỗ ngủ, mấy khi được ngủ khách sạn, ngủ đi cho sướng một đời.

        - Trời ơi! Ngủ đây sao anh?

        Chúng tôi chắp tay lạy anh, xin mời anh ra vườn cao su. Vừa đi ông vừa ca cẩm. Nói vậy thôi chứ ông cũng vui vẻ ra rừng cao su...

        Phải nói ông là người chu đáo. Đánh Buôn Ma Thuột, cái chỗ tăng pháo qua sông Sê-rê-pốc, ông ra vô mấy lần. Phải tới tận nơi, nhìn tận mắt, chạm tận tay ông mới yên tâm. Ông cẩn thận, tỷ mỷ lắm, bản đồ lơ mơ vẽ sai là chết với ông, ông gạt ngay bắt vẽ bằng đúng mới thôi. Ông giỏi sắp xếp chỗ này chỗ kia đâu ra đấy, việc nào trước, việc nào sau, rất khoa học.

        Cái bữa anh Hoàng Minh Thảo vô, có một số cán bộ đi cùng. Anh Lăng gọi tôi tới:

        - Bữa nay anh Hoàng vô mà không có gì đãi, chỗ cậu có gì không?

        - Lo gì anh, anh cần cái gì có ngay cái đó. Sẵn có rượu đó.

        - Anh Hoàng có uống rượu đâu?

        - Cần thịt thì có thịt. Để tôi bảo thằng Hinh vào rừng bắt là có ngay.

        Quả nhiên Hinh đi một lát xách về hai con chim, ông vỗ đùi khoái quá nói với tôi:

        - Để trên này một con. Dưới cậu làm một con, nhưng phải giữ được bộ lông để sau này làm tặng phẩm.

        Tôi về giao cho một cậu tiểu đội pháo làm thịt, lột da, chích phoóc-môn giữ được bộ lông thật đẹp.

        Phải nói anh Lăng là con người rất mẫu mực, rất nguyên tắc. Khi đó anh Hoàng Minh Thảo mới được phong Trung tướng, anh Lăng đang còn là Thiếu tướng. Một Trung tướng, một Thiếu tướng đối xử mẫu mực đâu ra đấy. Anh là người có kỷ luật, có đạo đức. Tôi thích tính anh ấy vui dễ gần, ông có quát tháo kệ ông, rồi đâu cũng vào đấy.

        Cái bữa đánh Buôn Ma Thuột, tôi là Trưởng ban pháo phụ trách một trăm bảy mươi tám khẩu pháo. Tuy giờ G mọi người đã biết, nhưng anh Lăng vẫn dặn tôi: "Trước khi hạ lệnh bắn, cậu phải nói để mình xin ý kiến anh Hoàng1, chứ cậu đừng có tự động hạ lệnh". Anh Lăng rất thận trọng. Đúng hai phút trước giờ G, anh Lăng lên báo cáo với anh Hoàng. Anh Hoàng bảo ra ngoài quan sát. Trời mây mù dày đặc, trên núi nhìn xuống mù mịt chẳng thấy phố xá. Đáng nhẽ 5 giờ nổ sủng, anh Hoàng lệnh chậm lại Bộ binh xe tăng sẵn sàng cả rồi, chỉ chờ pháo bắn mở đường. Đến 6 giờ, anh Lăng vào xin ý kiến. Anh Hoàng ra lệnh bắn. Anh Lăng ra lệnh bắn. Tôi ra lệnh tiếp: "Bắn".

        Lúc đó pháo mới nổ ran mở đầu trận đánh. Tôi cứ nhớ mãi.

------------------------
        1. Hoàng - Bí danh anh Hoàng Minh Thảo.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Giêng, 2017, 01:10:05 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 02:23:26 pm »


        Trung đoàn trưởng NGUYỄN TRỌNG KÍNH

        Đánh Đức Lập, tôi là Trung đoàn trưởng pháo Sư đoàn 10. Anh Vũ Lăng rất sâu sát đi cùng với anh Quỳnh xem từng khẩu pháo một. Khó nhất lúc đó là đánh vào Núi Lửa, chúng tôi đưa pháo vào sát tận nơi chỉ cách ba trăm mét. Anh Vũ Lăng khen đưa pháo vào gần thế là tốt, cách hai trăm mét mà dân vẫn không hề biết gì, bí mật tốt, nhưng bắn thế nào mới là quan trọng. Anh Lăng vỗ vai tôi bảo:

        - Cậu biết đây là dân gì không? Dân công giáo đấy.

        - Quê cậu ở đâu?

        - Tôi ở Nghi Lộc

        - Đây là dân Xã Đoài. Sau giải phóng nhớ xuống mà nhận đồng hương.

        Quả nhiên sau giải phóng người ta rầm rộ đến hỏi tôi.

        Thấy tôi người Nghi Lộc, bà con mừng lắm lui tới thăm hỏi tôi luôn.

        Anh Vũ Lăng là người rất lạc quan. Khi chưa vào chuẩn bị bắn thẳng vào Núi Lửa, anh hỏi một chiến sĩ:

        - Đưa súng đạn vào tới đây rồi thì bắn như thế nào?

        Chiến sĩ nhanh miệng đáp:

        - Thưa thủ trưởng, một viên đạn một quân thù.

        Anh Vũ Lăng cười to:

        - Chết rồi! Đạn pháo mà một viên đạn một quân thù thì rẻ quá. Mỗi viên đạn pháo phải mấy chục, mấy trăm quân thù mới xứng.

        Mọi người cùng phá lên cười. Chiến sĩ nhà ta thuộc lòng quen miệng mà.

        Hồi đó anh Vũ Lăng có dặn:

        - Đây là trận mở màn, trận khơi ngòi, nổ phát súng đầu tiên các cậu phải giữ lại khẩu pháo này để đưa vào viện bảo tàng lịch sử. Đây là khẩu pháo mở đầu cho năm mươi lăm ngày đêm mà.

        Nhưng bây giờ khẩu pháo này đang ở đâu không ai biết.

        Hồi đó anh Vũ Lăng là Tư lệnh. Anh Hồ Đệ là Sư trưởng Sư đoàn 10.

        Tác phong của anh Lăng rất tỷ mỷ, sâu sát, rất quan tâm đến đời sống của chiến sĩ.

        Sau hòa bình về chỗ Ninh Hòa, ở đèo Dã Tượng, tức đèo Bạch Mã mà hồi trước quân Nam Hàn đóng ở đó, anh Lăng giao nhiệm vụ đi lấy ống nước bắc nước từ Ninh Đông về cho bộ đội uống. Bốn cây số chứ ít đâu. Quân đoàn cấp cho tôi cái giấy vào Sài Gòn mua ống nước. Khi đó đang đánh "tư sản", kho tàng hàng hóa quản lý chặt lắm. Chúng tôi trình bày đây là lệnh của Quân đoàn trưởng, chúng tôi phải chấp hành, thế là được vào kho lấy hàng ra, trả tiền sòng phẳng. Công an đến cũng không làm gì được nhưng khi mang về đến nơi, ống nhỏ không ăn thua, anh Lăng bảo phải có ống to, đường kính ít phải ba mươi phân mới đủ đưa nước về cho bộ đội. Thế này thì còn có nước đi lấy ống dẫn dầu của 559 vứt lại từng đống ở Tây Nguyên. Tôi lại tổ chức một đoàn đi tập kích đem về, thành công tốt đẹp được anh Vũ Lăng phấn khởi biểu dương. Phải nói anh Lăng rất mạnh bạo, miễn là được việc. Anh rất quan tâm đến chiến sĩ từ miếng cơm, từ manh áo, từ hụm nước. Mỗi khi xuống thấy bộ đội khổ là anh quát luôn:

        - Sao lại để bộ đội khổ thế này?

        Gần anh học được rất nhiều điều.

       
        Đại tá NGUYỄN MINH KHANG

        Thời gian tôi trực tiếp ở với anh Vũ Lăng cũng không nhiều nhưng biết tiếng từ lâu rồi, tiếp xúc trực tiếp là từ khi vào Tây Nguyên. Tôi ở Sư đoàn 320, đến năm 1973 lên cơ quan chính trị B3 làm Phó chủ nhiệm chính trị, hàng ngày giao ban đều gặp. Anh là con người gây nhiều ấn tượng, gặp một lần không hề quên. Khi đánh Buôn Ma Thuột - chiến dịch mở đầu cho giải phóng miền Nam, anh Vũ Lăng là Tư lệnh của Tây Nguyên, anh Thảo làm phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh. Đến chiến dịch đánh Buôn Ma Thuột, anh Thảo là Tư lệnh, anh Lăng là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Anh Thảo là con người rất đức độ, rất điềm tĩnh. Anh Lăng là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng nên tất cả đầu mối đều thông qua anh Vũ Lăng. Khi anh em có ý kiến này nọ, anh Vũ Lăng gạt đi: "Ý kiến của anh Thảo là quyết định tối hậu, đừng có bàn cãi''. Anh ấy rất phục thiện, rất khiêm tốn. Về sau mọi người nói với tôi là anh Lăng là người khiêm tốn, biết điều, rất tôn trọng anh Hoàng Minh Thảo. Khía cạnh thứ hai, con người Vũ Lăng có mặt kiên quyết, có mặt lạnh lùng, nhờ đó tạo cho Vũ Lăng trở thành một vị tướng có tiếng tăm. Anh ấy là một con người rất tình nghĩa, rất khiêm tốn. Khía cạnh thứ ba, anh Vũ Lăng trong đời thường là con người rất tình cảm. Anh ấy có đặc điểm là rất quan tâm đến cán bộ. Cái thời kỳ Quân đoàn 3 về đây, chúng tôi đều là dân chủ lực cơ động mà. Trước đây, tôi là Chính ủy Trung đoàn ở Sư đoàn 312, sau được điều về làm Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 320, cứ đi lang thang không có nhà. Vào đây bán hết, "chổi cùn rế rách" đi mua nhà. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Lăng hỏi tình hình. Tôi có vợ ở miền Bắc. ông ấy bảo được rồi để xem thế nào. Chính anh Vũ Lăng cho xe đón tôi đi tìm nhà ở Nha Trang, đi hai lần hết ngõ nọ đến ngõ kia. Tôi bảo: "Thôi để tự tôi tìm được nơi nào mời anh đến cố vấn cho tôi". Tôi ở trong Đảng ủy Quân đoàn nên khi họp anh cũng biết tôi. ông ấy bảo thế cũng được. Sau tìm được cái nhà ở chùa Long Sơn, nhà hai tầng. Anh bảo: "Nào đưa tớ đi. Công việc ấy đối với ông là lớn. Nào đi!". Đến tận nơi, ông ấy bảo rằng được nhưng hơi buồn tý, gần chùa mà. Chứng tỏ anh Lăng là người tình cảm. Ở Nha Trang có thời kỳ đá bóng, Sư đoàn 10 đã có cậu trợ lý thể thao làm trọng tài, bắt thế nào mà cãi nhau ở sân, ông ấy bực quá vì có cả Tỉnh ủy dự, ông ấy gọi cái anh ấy lại hỏi:

        - Anh có biết chơi đá bóng không? Nếu không giải tán đi.

        Ông ấy rất là nghiêm. Cậu trợ lý thể thao hốt lắm.

        Đó là hai mặt của con người Vũ Lăng rất nghiêm mà cũng rất tình cảm.

        Anh Vũ Lăng còn là con người có tâm hồn lãng mạn, rất thích hoa phong lan, phủ đầy một nóc nhà vừa chơi vừa để ngụy trang luôn. Có hôm trời mưa, chống gậy đi qua suối chỉ khoe:

        - Mình tìm được dò phong lan hay lắm.

        - Nhà chúng tôi cũng nhiều phong lan treo đầy phi điệp tai trâu, đuôi chồn, vẩy rồng...

        - Không, tớ có cái lạ: hài vệ nữ.

        Ông ấy không phải là cái anh chỉ biết võ biền, rất là yêu văn hóa, yêu thiên nhiên. Ông ấy tâm sự với tôi mà tôi không phải ngang hàng, là cấp dưới. Ông ấy kể chuyện đi xem chùa Tây Phương có rất nhiều kỷ niệm, ông tả các pho tượng, một tượng gầy, một tượng béo rất sinh động - đúng là một di tích lịch sử hiếm có, ông quan tâm đến văn hóa rất là sâu.

        Thông qua anh Lê Hữu Đức, tôi biết anh Lăng là người tình cảm, có trình độ thẩm mỹ về văn hóa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 02:27:44 pm »


        Đại tá NGUYỄN QUANG LONG

        Hội nghị tổng kết chiến trường B3 đầu tháng 11 năm 1973 tại sở chỉ huy B3 Tây Nguyên gồm cán bộ sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và các trưởng ban ngành  khoảng hai trăm người do đồng chí Vũ Lăng chủ trì. Thời gian một tháng tổng kết chỉnh huấn quân sự, tập huấn chiến dịch chuẩn bị cho hai năm 1974 và năm 1975. Cũng là dịp bồi dưỡng vật chất, tăng sức khỏe cho cán bộ. Quân y lúc đó có đầy đủ cả sâm viên, sâm bột, polyvitalrlin, rau xanh. ăn ngon lắm, có nhiều chất bổ dưỡng: sữa, thịt, mỡ. Ăn mãi cũng chán vì nặng bụng.

        Một hôm để nhẹ bụng, tôi báo ăn cháo thịt. Đúng hôm đó tướng Vũ Lăng đi kiểm tra bếp, cùng đi có đồng chí Tỷ, bác sĩ quân y già tóc bạc và các sĩ quan tham mưu. Đồng chí Vũ Lăng thấy thức ăn nguội ngắt, không có lồng bàn che, có mấy con ruồi bay vo ve, tỏ ý không hài lòng. Thấy tôi đang ăn cháo, đồng chí hỏi:

        - Tại sao đồng chí ăn cháo?

        Bị hỏi bất ngờ, tôi lúng túng trả lời đại, nói dối là đau bụng.

        Đồng chí Vũ Lăng vốn tính nóng phê bình ngay nhà bếp:

        - Đấy thấy chưa? Không giữ vệ sinh đầy đủ, không có lồng bàn, ruồi nhặng thế kia làm sao tránh khỏi đau bụng.

        Giá như tôi không nói dối, thì nhà bếp có bị quở phạt cũng nhẹ nhàng hơn.

        Hôm sau nhà bếp liền khắc phục ngay, có lồng bàn đầy đủ và có người tới đủ mâm mới chia thức ăn để được nóng sốt.

        Chuyện nhỏ nhưng sau này tôi nhớ mãi và ân hận mãi.

        Tháng 2 năm 1975, chuẩn bị mở chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Vũ Lăng tuy tuổi đã cao, đích thân cùng cán bộ tham mưu, trinh sát trực tiếp đi quan sát trận địa. Xuyên rừng lội suối rất vất vả. 3 giờ 30 phút chiều mới tới địa điểm để quan sát quận lỵ Đức Lập. Mọi người đều mỏi  mệt, nghĩ rằng trời sắp tối, xin Tư lệnh cho nghỉ ngơi, sáng mai lên quan sát trận địa. Anh Lăng quyết định chỉ nghỉ giải lao mười lăm phút. Lúc đó mây kéo đến, che kín bầu trời, che lấp các ngọn núi, che lấp hết các mục tiêu. Mọi người rất lo lắng cho sức khỏe của Tư lệnh Vũ Lăng.

        Đồng chí vẫn bình tĩnh vui cười. Có người đề nghị:

        - Để đảm bảo sức khỏe cho thủ trưởng trước khi vào trận đánh, xin phép Tư lệnh cho phép công binh khiêng Tư lệnh lên núi.

        Đồng chí Vũ Lăng cười:

        - Tớ còn khỏe chán, có phải là thương binh đâu! Các cậu cứ cố gắng mà theo kịp tướng già này!

        Nói rồi đồng chí chống gậy, phăng phăng leo núi. Mọi người quên hết mệt nhọc leo theo. Đến đỉnh núi hơn 4 giờ chiều. Trời vẫn còn sáng. Gió đã thổi quang mây, nhìn xuống quận lỵ Đức Lập, các mục tiêu rõ mồn một. Tư lệnh và cán bộ tuỳ tùng rất phấn khởi. Căn cứ tình hình quan sát được Tư lệnh quyết định nơi đặt đài chỉ huy pháo binh, bố trí giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng đơn vị. Nắm chắc tình hình trong tay, chỉ huy và chiến sĩ đều tin tưởng chỉ ngày mai thôi, nổ súng là quản ta sẽ thắng to. Sự việc trên chứng tỏ đồng chí Vũ Lăng tuy tuổi đời không còn trẻ, vẫn rất minh mẫn, sáng suốt và xông xáo. Trận đánh quận lỵ Đức Lập thắng lợi giòn giã là tiếng kèn xung trận mở màn cho nhiều chiến dịch liên tiếp.


        Đại tá KIỀU TỐ

        Để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, anh Quách ở Hà Nội điện vào khu cánh Nam phải chuyển một tấn gạo sang Sê-rê-pốc.

        Khi đó anh Lăng chưa vào.

        Tôi là Tham mưu trưởng hậu cần vào trước để chuẩn bị chiến trường. Một hôm bất ngờ thấy có chiếc xe Bắc Kinh ở ngoài xuống thẳng chỉ huy sở hậu cần. Một người ló đầu ra hỏi:

        - Khu cánh Nam B3 phải không? (về sau mới biết là tướng Vũ Lăng). Tình hình chuẩn bị thế nào?

        - Báo cáo anh mỗi đêm hậu cần tiếp nhận hai trăm xe. Ông ấy đòi đi xem ngay hai nơi: kho vũ khí và kho thực phẩm.

        - Đường sá thế nào?

        - Dạ, chỗ nào xe không đi được thì đi bộ.

        - Nào ta đi!

        Tôi dẫn tới nơi, cây cối um tùm, không thấy cả đường xe đi vì lấp kín lá ngụy trang. Các kho đều nửa nổi nửa chìm, lá rừng phủ kín. Đồng chí Vũ Lăng hỏi:

        - Chuẩn bị chiến trường mất bao lâu?

        - Báo cáo, riêng trinh sát mất cỡ hai ba tháng. Sau đó Bộ Tư lệnh 559 đưa vào hai tiểu đoàn vận tải, một tiểu đoàn công binh nên tiến độ nhanh hơn.

        Anh Lăng vỗ vai tôi khen:

        - Tốt, cố gắng, tuyến sau phải góp sức cho tuyến trước.

        Chúng tôi mời anh uống nước và ăn sáng. Anh ấy là Tưlệnh, cấp trên nhưng rất sâu sát đối với hậu cần chiến dịch. Chúng tôi chỉ là cánh lẻ, bộ phận nhỏ mà anh cũng tới tận nơi hướng dẫn, khuyên răn, quan tâm đến sức khỏe anh em, tình hình xe cộ ...

        Sau khi chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi hoàn toàn, tôi ở lại thu dọn chiến trường rồi về dự tổng kết đại thắng ở Bình Dương.

        Anh Lăng gọi tôi lên hỏi:

        - Nhiệm vụ được phân công như vậy, cậu thấy sao?

        - Nhiệm vụ Đảng giao thì tôi xin nhận.

        Anh lại cười vỗ vai tôi:

        - Cố gắng lên, thời cơ lớn đã điểm rồi. Đất nước sẽ hoàn toàn thống nhất sạch bóng quân thù.

        Một ấn tượng sâu sắc nữa mà anh Lăng để lại trong lòng tôi là khi anh Thông - trợ lý quân nhu hậu cần không may bị tai nạn hy sinh. Anh Lăng chỉ thị phải lo tang lễ và chính sách chu đáo. Đích thân anh lên xe tiễn đưa anh Thông ra nghĩa trang Đức Lập. Anh là người luôn quan tâm đến cấp dưới, đến toàn đơn vị. Không chỉ lo hôm nay mà còn lo cho tương lai. Nhờ có anh Lăng mới có Nhà khách Học viện 36 Trần Phú, Nha Trang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 02:31:06 pm »


        Trung tá công binh NGUYÊN THÚY TRÌNH

        Tôi là lính, là cán bộ cấp dưới, cũng may mắn gặp được thủ trưởng Vũ Lăng nhiều lần kể từ năm 1965, lúc đó anh Vũ Lăng làm Tham mưu trưởng ở Krông Pút đi theo Sư đoàn 325c, có anh Kim Tuấn là Chính ủy. Anh Lăng là cố vấn chỉ đạo chiến đấu từ năm 1963, sau đó vào Thừa Thiên. Đời lính tôi không bao giờ quên, mình là cấp dưới phải luôn giữ bí mật quân sự. Thủ trưởng Vũ Lăng đang đi trên đường cùng với Chính ủy Kim Tuấn, gặp tôi hỏi:

        - Cậu đơn vị nào?

        Tôi báo cáo xong, lại hỏi:

        - Học ở trường nào?

        Tôi trả lời đầy đủ.

        Năm 1973 tôi từ trong chiến trường ra Bắc, có tới nhà riêng anh Vũ Lăng ở Lý Nam Đế, Hà Nội. Gần tết Trung thu, thủ trưởng Vũ Lăng vào chiến trường B3, tôi ở công binh thường được gặp, được giao nhiệm vụ cụ thể. Đồng chí Lê Huy Ngọ là Trưởng ban công binh, tôi là trợ lý. Mới vào hôm trước, hôm sau anh Lăng đã gọi:

        - Ban Công binh cho mượn cái bản đồ tác chiến của công binh, gồm các mạng đường sá của Tây Nguyên, bao gồm cả ba tỉnh.

        Trưởng ban cử tôi xách bản đồ lên. Tôi vừa đi vừa lo, sợ bị chất vấn không trả lời được. Nhưng rồi hỏi đâu tôi trả lời đó, cũng tương đối chính xác vì mạng đường sá ở Tây Nguyên từ Ba Bể, Gia Lai, Kon Tum đi đâu tôi cũng có bạn, cũng nắm được đường A, đường B, đường ngang, đường dọc, trình bày đầy đủ. Lúc đầu tuy có sợ nhưng thủ trưởng rất vui vẻ bắt tay hỏi

        - Cậu vô công binh khi nào? Đường sá làm từ bao giờ? Đường 128 làm ở đâu? Đường 90 làm năm nào? Đường 70...

        Trình bày được hết, thủ trưởng hài lòng:

        - Thôi được, cậu về đi!

        Trên đường về cứ nghĩ thì ra thủ trưởng cũng dễ gần và vui tính.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1975, giải phóng Buôn Ma Thuột. Tôi vinh dự được cử đi giao ban Bộ Tư lệnh. Bước vào trong một cái hầm thấy đông đủ trợ lý phòng ban. Lúc giao ban, tác chiến báo cáo trước rồi các đơn vị khác tiếp theo. Đến phần tôi, thủ trưởng hỏi:

        - Nhiệm vụ công binh bây giờ đi đến đâu, làm những gì?

        Tôi cũng lo nhưng may quá tôi vừa nhận được điện thoại dưới trung đoàn báo về, tiểu đoàn công binh phát triển từ Buôn Ma Thuột đang đi xuống sân bay Hòa Vĩnh, tôi nói lại.

        Thủ trưởng hỏi:

        - Có chắc không đấy?

        - Dạ chỉ huy sở trung đoàn báo cáo vậy.

        Thủ trưởng lại hỏi:

        - Công binh đi mang theo những gì?

        - Dạ ngoài súng cá nhân, toàn dụng cụ dao, xẻng, cuốc đầy đủ. Thủ trưởng gật đầu hài lòng. Tôi thấy thủ trưởng là con người có tác phong rất cụ thể, tỷ mỷ, sâu sát và kiên quyết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 10:35:44 am »

             
CUỘC GẶP MẶT CÁN BỘ Ở HỌC VIỆN LỤC QUÂN VỚI GIA ĐÌNH TƯỚNG VŨ LĂNG

        1. Trung tướng KHIẾU ANH LÂN

        Tôi biết tiếng anh Vũ Lăng từ lâu, từ thời kỳ anh làm Cục trưởng Cục Khoa học quân sự. Lúc đó tôi là giáo viên của học viện hay đi công tác ở Cục Thông tin và Cục Tuyên huấn nên được gặp anh luôn. Khi anh về làm Giám đốc học viện thì tôi lại đi chiến trường, ở bên anh không nhiều nhưng tôi có một kỷ niệm vui như sau:

        Trong chiến dịch Quảng Trị, tôi là Phó phòng tác chiến, trực ban chiến đấu, có nhiệm vụ tối tối phải báo cáo ra Cục Tác chiến về tình hình chiến sự ở trong này. Anh Vũ Lăng trực tiếp nghe báo cáo. Anh hỏi tôi:

        - Cậu có nói được tiếng Nga không? Báo cáo bằng tiếng Nga đi !

        Tôi trả lời:

        - Tiếng Nga tôi chỉ nghe lõm bõm được thôi, còn nói thì ú ớ lắm, không báo cáo bằng tiếng Nga được với anh đâu!

        - Vậy thì tình hình địch ra sao?

        Tôi nói:

        - Nó đánh không ra đánh, hoãn không ra hoãn gì cả. Các tướng lĩnh trong này đang bàn tán.

        Anh Lăng nói to:

        - Ấm a ấm ớ gì thế ?

        Biết anh nóng tính, tôi chỉ cười.

        Sau chiến dịch, đầu năm 1973, tôi về Hà Nội. Hai anh em gặp nhau, anh Lăng cười xòa dàn hòa:

        - Mình nóng vậy thôi, anh em với nhau không có gì đâu đừng giận nhé .

        Tính anh Lăng là vậy, nóng đấy, nhưng xong việc lại thân mật ngay.

        Khi tôi làm Tư lệnh 479 ở bên nước bạn, gặp chị Hoa, tôi có mời anh chị sang, lên 479 chơi tiện để thăm Ăng-ko luôn, nhưng không thấy anh chị sang.

        Sau tôi về Học viện Đà Lạt, anh Lăng có hỏi tôi:

        - Theo ý cậu, muốn đào tạo giáo viên cho học viện thì phải làm thế nào?

        Tôi đáp:

        - Anh nên chọn một số học viên khá, có triển vọng, cho đi thực tế chiến trường vài năm, kết hợp học với hành rồi rút về. Số này mình phải chấm, đừng để Cục Cán bộ điều đi.

        Anh gật gù:

        - Ừ hay đấy, cứ thế mà làm.

        Anh Vũ Lăng với tôi vừa là quan hệ thầy trò, vừa là anh em, mắng mỏ đấy nhưng rất thân tình. Anh nóng tính nhưng rất được anh em nể phục.

        Cuối thời kỳ ở 479.

        Anh Vũ Lăng hỏi tôi:

        - Cậu có về học viện nữa không? Nếu cậu về học viện thì tớ ở đấy vài năm nữa.

        Tôi trả lời:

        - Tôi ở học viện lâu rồi, đã thoát ra được không muốn trở lại.

        Không ngờ lúc đó, trong quy hoạch người thay thế, anh Vũ Lăng có hỏi ý kiến anh em và anh em "đề cử Khiếu Anh Lân".

        Khi đoàn cán bộ nhà trường sang công tác bên Cam- pu-chia, tôi hỏi một anh bạn cũ từ Khu 5, có chuyện dự định đưa tôi về trường không? Anh này nói trước kia có dự định nhưng sau thấy có ông Trần Bá Khuê lại thôi. Rồi bất ngờ năm 1991 lại có quyết định tôi về trường. Tôi ở Đà Lạt khí hậu không hợp với sức khỏe. Trước tôi là giáo viên cũ của học viện. Bây giờ về bạn bè cũ đi hết rồi, toàn giáo viên mới, nhưng rồi tôi cũng phải chấp hành điều động của tổ chức.

        Tôi xin kể mọi chuyện vui. Tôi bắt gặp anh Vũ Lăng với anh Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Quân huấn, cãi nhau chỉ vì một trận bóng đá Ru-ma-ni đá với ta, trọng tài ấm ớ để ta thua. Anh Vũ Lăng nói:

        - Ta thua, cậu là quân huấn, trọng tài trong tay cậu mà lại để thua - ông ấy nói thắng không úp mở gì cả.

        Hai ông lúc ấy là tướng cả rồi vẫn là "cậu, tớ" như thường.

        Tài năng anh Vũ Lăng rất nhiều vẻ, không chỉ trong chiến lược và chiến thuật, lĩnh vực nào anh có ý kiến là phát biểu tới cùng, cãi tới cùng.


        2. Đại tá HOÀNG MINH ĐĂNG

        Năm 1948, tôi ở Học viện Trung sơ cấp, một lần đi qua đèo Nhe gặp tiểu đoàn các anh ấy đi ngược chiều lại, thấy cả anh Vũ Yên, anh Vũ Lăng. Mới độ quãng 3 giờ chiều, các anh đã hạ trại bên cạnh đường, căng lưới để đánh bóng chuyền.

        Nghe một số anh nói chuyện các anh ấy đã đánh đồn Dóm, Phố Ràng và sau này một thị trấn của Tây Bắc. Năm 1965, anh Lăng về làm Phó Tư lệnh Quân khu 4. Chúng tôi với anh Lăng cùng một chi bộ. Lúc bấy giờ về mặt tác chiến là phải làm việc cẩn thận lắm, chứ mà lơ mơ anh ấy hỏi không báo cáo được tình hình thì gay, nên cứ phải suốt đêm chuẩn bị thật chu đáo để báo cáo.

        Năm 1965, anh được lệnh đi B, đi với Sư đoàn 325, ở đấy có anh Trân và một số các anh, tôi hỏi:

        - Bao giờ anh cho tôi đi với?

        Anh bảo:

        - Chờ một thời gian.

        Anh lấy anh Nam làm thư ký. Vào đến A Sầu, A Lưới thì đánh trận đầu tiên ở cao điểm đó. Sau đó Sư đoàn 325 đi vào còn anh Lăng thì quay lại, về quân khu. Năm 1966, chúng tôi đi vào mặt trận Quảng Trị, anh Lăng ở đấy một thời gian sau đó về Bộ. Lúc vào Thừa Thiên, trung đoàn tôi sau năm 1968 có đi ra nam Quảng Bình rồi sau đi tiếp vào Khu 5. Trên đường đi, đi đường nào, phân công ra sao, mọi việc báo cáo về Bộ đều gặp anh Vũ Lăng ở Cục Tác chiến. Lúc đó hai trung đoàn: Trung đoàn 3 Gio An, một trung đoàn của Quân khu 4 vào đến nơi, các anh quyết định Trung đoàn 3 Gio An đi về Khu 5, còn trung đoàn của Khu 4 lên Tây Nguyên. Cuối cùng đi đến nơi về đến chốn, anh Lăng có điện khen chúc may mắn, hoàn thành nhiệm vụ.

        Tôi về học viện năm 1974. Năm 1975, tôi lại ra chiến trường. Cuối năm 1975, về lại học viện. Một thời gian, các anh giao sang Phòng Hành chính. Năm 1978, đi đón anh Vũ Lăng. Anh hỏi:

        - Sao cậu ở tác chiến, ở quân huấn, mà lại sang hành chính?

        - Do yêu cầu tổ chức đặt đâu thì làm ở đấy.

        Những ngày tôi ở bên anh Vũ Lăng là như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 10:40:42 am »

          
       3. Đại tá NGUYỄN TÀO HỒNG

        Những lúc ngồi một mình, tôi hay suy nghĩ lại những ngày sống và làm việc với anh Lăng.

        Tôi cũng đã nghe tên và gặp anh ở Cục Tác chiến, lúc ấy anh ở Cục Nghiên cứu quân sự.

        Năm 1972, tôi cùng anh vào chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Năm 1978, tôi về Học viện Đà Lạt, lúc đó anh Võ Như Thiết, rồi sau đó anh Hoàng Minh Thảo về. Anh Vũ Lăng về học viện năm 1978.

        Năm 1973 tôi về học viện là cán bộ khoa trưởng. Anh Vũ Lăng về thì tôi lên Cục Huấn luyện ở Học viện Quân sự.

        Khi tôi về Học viện Đà Lạt thì được phân công phụ trách Phó cơ sở II Long Bình. Nghĩ lại thấy quan hệ trên dưới tốt đẹp, không có chuyện gì.

        Về anh Vũ Lăng có hai điểm tôi nhận thấy:

        Một là bề ngoài anh rất khắc khổ, có vẻ nghiêm khắc khó gần. Ông ấy đeo kính trễ sống mũi, cứ đưa mắt dòm dòm. Nói chung lính thường tránh không dám gặp, ít thấy anh ấy cười nên lính sợ cái uy của anh ấy, chứ thực tế nội tâm của anh ấy rất tốt. Chúng tôi phải học anh ấy cái gọi là "lệnh không lời". Chỉ cần nhìn thấy anh ấy là biết nhiệm vụ của mình cần phải làm gì. Nếu bản thân mình có gì chưa mẫu mực thì phải tự sửa.

        Anh là con người rất tình cảm, nhưng không phải là ai anh ấy cũng trao đổi đâu. Có hôm tối thứ bảy, anh điện thoại xuống bảo:

        - Tào Hồng có xem báo thì sang đây! Bà Hoa ở Hà Nội có gửi vào, cả rượu mơ chùa Hương nữa.

        Tôi rang một bơ lạc mang sang cùng với một chai "Lúa mới" của bạn ở Hà Nội gửi vào cho.

        Anh Lăng thấy tôi vui vẻ hẳn lên:

        - Vào đây! Vào đây! Chết rồi, quên không bảo rang lạc.

        Tôi đưa lạc ra. Hai anh em cười vui cùng nhau say sưa trao đổi chuyện đời. Cùng nhau uống chút chút cầm chừng, anh tâm sự hồi còn ở Bắc Ninh, thì ra tuổi thơ ấu của chúng tôi đều giống nhau và anh Lăng còn may mắn hơn. Chúng tôi hiểu nhau sâu hơn nên vào làm việc rất tình cảm.

        Anh Lăng là người cần kiệm liêm khiết thường bỏ tiền túi ra, anh em rất khâm phục.

        Anh Lăng lo lắng cho anh em, nhìn xa trông rộng: nào lập nông trường, nào phát triển chăn nuôi, thả cá. Anh thân tình động viên chúng tôi nên đưa gia đình vào Đà Lạt, có an cư mới lạc nghiệp. Anh bảo tôi:

        - Thiết gì cái nhà ở Thủ đô nhỏ xíu ấy?

        Nhưng hoàn cảnh gia đình tôi không ở Đà Lạt được.

        Nghe nói ở Quân đoàn 3, anh hét ra lửa. Nhưng ở học viện có lẽ là môi trường khác chăng, chưa thấy quát ai hay đập bàn đập ghế bao giờ. Có gì không vừa ý, anh chỉ xịu mặt ra thôi.

        Năm năm ở Học viện và bốn năm ở Long Bình, tôi thấy anh Vũ Lăng ở phong cách làm việc là người muốn giữ nguyên tắc và nền nếp của quân đội. Thời kỳ tôi ở Long Bình, lúc ấy cả nước khó khăn, không riêng gì học viện. Khi tổ chức trung đoàn huấn luyện, có anh em dao động. Anh Vũ Lăng nói với anh Trân và anh Hoàng Lê : "Trong lúc khó khăn càng phải chặt chẽ về giờ giấc, về ăn mặc, giữ gìn quân phong quân kỷ của bộ đội". Anh Vũ Lăng xuống kiểm tra thấy tốt, bắt tay và nói: "Cứ thế mà làm".

        Anh Lăng là nhà lý luận nhưng lại trực tiếp chiến đấu, nên anh luôn gắn lý luận với chiến trường. Những bài giảng, những tưởng định của anh đều lấy thực tế để chứng minh lý luận. Có buổi anh đến dự giờ nghe giảng "Trung đoàn tiến công", thấy giảng viên nói toàn lý thuyết, anh tỏ ý bực mình. Về sau, trung tá giảng viên phải giảng theo đúng ý anh, nghĩa là nhà trường phải gắn liền với thực tiễn.

        Anh có tác phong đi sâu đi sát trong công tác huấn luyện, trực tiếp dẫn học viên đi làm bài tập ở thao trường. Anh là người đi sâu đi sát vậy, mình làm sao ngồi bàn giấy được!

        Tôi rất đồng tình với anh về nhiều điểm, có lẽ do anh trưởng thành từ thấp lên cao nên anh kết hợp tốt lý luận với thực hành. Khi xây tưởng định, anh đề nghị phải cho giải trình. Rồi anh hỏi:

        - Ý kiến anh thế nào?

        Anh rất chịu nghe ý kiến cấp dưới.

        Có lần sau khi tập thể thảo luận, anh Vũ Lăng đúc kết có điểm tôi thấy chưa thỏa đáng, nhưng tôi không phát biểu ngay. Đến tối tôi mới sang xin gặp và trình bày rõ ý kiến của mình. Anh thấy phải, nghe ngay và hôm sau thông báo lại, hóa ra được việc.

        Khi tôi vào Đà Lạt, Cục Tổ chức nói chỉ vào vài năm thôi, rồi Bộ điều về. Bộ Tổng Tham mưu. Nhưng anh Vũ Lăng bảo:

        - Học viện đang rất cần anh, để tôi xin anh Hoàng Văn Thái ý kiến của anh thế nào?

        Tôi còn ý kiến thế nào được nữa. Anh Lăng giữ tôi lại vì công việc của học viện.

        Lần thứ hai tôi được điều ra học lớp bổ túc một năm, anh Lăng cũng giữ không cho đi. Anh bảo:

        - Cậu đã học Phrun-de1 (trường quân sự ở Liên Xô) rồi, cần học gì nữa.

        Tôi vì công việc và cũng muốn gần anh nên thôi.

        Tôi định năm 1988 về hưu vì có việc gia đình. Cục lại bố trí tôi lại làm việc đến năm 1990. Tôi gặp riêng anh Vũ Lăng trình bày hoàn cảnh gia đình sau bốn mươi ba năm phục vụ trong quân đội, tôi có nguyện vọng được về củng cố gia đình, củng cố hậu phương. Anh Lăng rất thông cảm đem ra bàn bạc trong Đảng ủy nên tháng 4 năm 1988, tôi được về hưu.

------------------------
        1 Phrun-de: tên đầy đủ là Mi-kha-in Va-xi-ê-vic Phrun-de (1885 - 1925), đảng viên Đảng Cộng sản Nga từ năm 1904, vị tướng và nhà lý luận lỗi lạc của quân đội Xô Viết trong những năm nội chiến. Một học viện quân sự của Liên Xô đã lấy tên ông đặt cho trường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2017, 10:46:39 am »

     
       4. Đại tá NGUYỄN HỮU ĐẠT

        Tôi đã trải qua làm việc với nhiều cán bộ, riêng với anh Vũ Lăng, tôi rất cảm phục.

        Anh là vị tướng giỏi cả chiến lược và chiến thuật. Anh chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo khoa ở Học viện Đà Lạt rất công phu, rất đầy đủ về binh chủng hợp thành, tưởng định chiến dịch, anh góp nhiều ý kiến sắc bén nên khiến anh em tâm phục khẩu phục.

        Anh làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm Anh lại tuổi cao nên đã lôi cuốn chúng tôi cả khoa giáo viên cũng lăn vào công việc như anh. Chính anh đã có đóng góp cho học viện tiến lên chính quy hiện đại.

        Thấy tôi và anh Hòe ăn mặc lôi thôi, anh bảo:

        - Các cậu cấp tá sao ăn mặc thế?

        Anh là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy bao quát từ nhỏ đến lớn. Anh cho thổi kèn La-vầy1 là một biểu hiện chính quy, chú ý rèn luyện bộ đội bỏ tác phong du kích. Anh sẵn sàng đưa ra Tòa án Lâm Đồng thẳng tay trừng trị tội ăn cắp của công nên có tác dụng giáo dục cao.


       5. Đại tá BẢO CƯỜNG

        Tôi học Võ bị về làm Bí thư riêng cho anh Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng. Một hôm, có dịp đi qua vùng tiểu đoàn anh Vũ Lăng đóng. Tôi cưỡi ngựa, anh Hoàng Văn Thái cũng cưỡi ngựa. Chợt anh Thái dừng lại kêu: "Vũ Lăng! Vũ Lăng", thấy một ông bé nhỏ mà râu quai nón. Đấy là lần đầu tiên tôi được gặp anh Vũ Lăng.

        Sang lần thứ hai, tôi biên soạn tài liệu "Trung đoàn tiến công". Chính anh Vũ Lăng đề nghị cho tôi được Bằng khen của Bộ.

        Lần thứ ba được gặp anh là ở Học viện cấp cao, anh Vũ Lăng gặp tôi bảo:

        - Mời anh vào Học viện Đà Lạt làm phó cho tôi.

        Tôi suy nghĩ rồi nói:

        - Cảm ơn anh, con tôi còn nhỏ, chưa học xong đại học.

        Rồi một hôm tôi đi xem phim ở trên đường Cửa Nam ra Cửa Bắc, phim của Tổng cục Chính trị, gặp anh Vũ Lăng, anh nói:

        - Bây giờ mình chỉ có đôi mắt xem phim mà cũng cấm.

        Sau tôi học ở Nga về làm Tham mưu phó Mặt trận B5. Anh Vũ Lăng về làm Phó Tư lệnh Quân khu 4. Mặt trận B5 lúc bấy giờ dưới quyền Quân khu 4, tôi thấy một số người xì xào thế thôi chứ không được rõ.

        Đến năm 1979 - 1980, lúc đó đang làm Tham mưu trưởng Quân đoàn, tôi về trao đổi với vợ tôi là sẽ vào Đà Lạt - không phải vì địa vị gì đâu - chỉ làm giáo viên mấy năm sau về. Lúc xin ý kiến, anh Lê Trọng Tấn không đồng ý. Sau anh Song - thư ký anh Lê Trọng Tấn trình bày rõ nguyện vọng của tôi nên tôi mới được vào Học viện Đà Lạt. Anh Lăng định bố trí tôi làm Khoa trưởng, tôi chỉ xin làm giáo viên. Năm 1983, quyết định tôi làm Khoa phó, rồi có lần anh Lăng ở hội trường nói với anh Hiếu, tôi nghe được là: "Viện mình cũng cần thêm một Viện phó", ý muốn cất nhắc tôi. Tôi cũng đã lo, vì làm Viện phó nhiều vấn đề lắm, tôi không muốn. Đó là lần thứ tư tôi ở bên anh Vũ Lăng.

        Một hôm tôi gặp anh Lăng hỏi:

        - Tại sao cố vấn Liên Xô Ka-den-ni-cốp không mang theo phiên dịch mà lại bắt tôi trình bày "Sư đoàn tiến công" bằng tiếng Nga. Tôi thấy vô lý.

        Anh Lăng bảo:

        - Anh ta thử anh, đồng thời gõ cả tôi nữa. Anh cứ trình bày bằng tiếng Nga đi!

        Thế là tôi trình bày toàn bộ bằng tiếng Nga.

        Rồi trong các cuộc diễn tập, tôi thấy phong cách anh Lăng rất đĩnh đạc nghiêm chỉnh . Anh góp ý phải nói là rất "uyên bác", không biết dùng từ này có quá không.

        Đấy là công việc. Việc riêng gia đình, khi tôi xin về hưu, anh Hoàng Văn Thái bảo:

        - Không được. Các cậu ở học viện, tuy đến tuổi vẫn có thể làm quá ba bốn năm nhất là các cậu có trình độ, có kiến thức.

        Về sau, anh Hoàng Văn Thái mới đồng ý. Tôi thật cảm động về nhận xét của anh Lăng với tôi toàn "màu hồng" và dặn tôi lưu ý bồi dưỡng cho thế hệ sau.

        Đặc biệt với tôi, anh Lăng chưa bao giờ xưng hô "tớ, cậu",  bao giờ cũng "anh, tôi" rất nghiêm chỉnh. Cả nhà tôi quý anh Lăng. Con tôi đến chơi với Vũ Anh nhiều. Tôi dọn nhà, cả nhà anh Lăng vợ chồng con cái đến hết, nhà tôi lúc đó mới dọn về đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có gì đâu, cháu  Mai sang bên này còn ngồi xuống đất. Bàn ghế giường tủ học viện phát cho, chính anh Lăng áp tải về cho mượn. 11 giờ đêm, công an khu vực đến hỏi. Anh Lăng nói: "Chuyên chở giúp cho anh Bảo Cường, không phải của gian".  May là có mấy cậu vệ binh, chứ mình vác lên cầu thang thế nào được.

        Tâm tình của tôi chưa thể nói hết được, nhất là một sự việc của một vị tướng, mà là Thượng tướng, cán bộ cấp cao trong quân đội. Tôi chỉ xin mạo muội có mấy lời cũng là tình cảm, theo tôi cũng là ý đẹp về một cán bộ cấp trên mà tôi đã có thời gian ngắn công tác bên anh. Anh để cho tôi một kỷ niệm đẹp. Toàn bộ nhận xét của anh ấy là đánh giá cuộc đời tốt đẹp lắm, không phải tôi khoe, hiện còn nằm trong lý lịch của tôi. Hôm nay trước vong linh của anh, tôi mạo muội, vậy có gì xin anh thứ cho. Mình xếp hàng thứ tự. Cụ gọi, mình lần lượt đi thôi.

---------------------
       2. La-vầy:  Đọc chệch tiếng Pháp: Réveil, là báo thức, đánh thức
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:01:06 am »


        6. Đồng chí TRÀ KÔNG - Chủ nhiệm Khoa Hóa học

        Lần đầu tiên tôi được thấy đồng chí Vũ Lăng ở Cục Tác chiến, đi với đồng chí Vũ Yên ở đường trước Cửa Bắc, hai ông đi bộ chậm rãi, nói với nhau những gì người khác không nghe thấy được. Đó là vào năm 1963 ở Hà Nội.

        Đến năm 1977, tôi dẫn đoàn cán bộ tốt nghiệp ở Liên Xô về công tác ở học viện được gặp đồng chí Vũ Lăng lần thứ hai.

        Trước hết tôi xin phát biểu ý nghĩ của tôi: Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng tất cả các vị tướng của quân đội ta đã chỉ huy đánh Mỹ như những vị tướng đời Trần ở thế kỷ XIII đánh bại quân Nguyên, vì thế kỷ XX dân tộc ta đánh bại đế quốc Mỹ là tên đế quốc lớn nhất trên thế giới này.

        Những tướng lĩnh đó so với Trần Khánh Dư, Trần Nguyên Hãn dưới thời nhà Trần của "Đại nguyên soái" Trần Hưng Đạo thì đều xứng đáng như thế cả. Cho nên hôm được phép vào ghi trong sổ tay của đồng chí Vũ Lăng, tôi đã viết một câu: "Đồng chí Vũ Lăng như vị tướng của đời Trần trong thế kỷ XX. Nhân đây tôi cũng đề nghị Nhà nước, Đảng ủy cũng nên đúc tượng đồng đối với những tướng lĩnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến kết thúc 30 tháng 4 năm 1975".

        Chỗ đặt ở đâu. Có thể khác nhau như người ta đã đúc tượng cho đồng chí Lê Trọng Tấn, như thế để lại cho hậu thế, như thế kỷ XIII đã lập những bàn thờ, những miếu thờ các vị có công với nước.

        Đồng chí Lăng ở Học viện Lục quân, công lao lớn nhất là đã xây dựng học viện với một phương hướng rất quan trọng để tiến kịp thời đại thế kỷ XXI là "tri thức". Sau khi về học viện nhận nhiệm vụ, đồng chí đã bắt đầu từ viết chuyên đề, viết luận văn để đào tạo một đội ngũ giáo viên từ chỗ chưa biết luận văn là thế nào, chuyên đề là thế nào. Vì ai sẽ làm cái việc đó trong quân đội này? - Chính phải là các giáo viên. Đồng chí là người đầu tiên học viện này đã bảo vệ luận văn luận án quốc gia lần đầu tiên trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng sau hòa bình và cuối thế kỷ XX này, để bước vào cái thế kỷ "tri thức" của thế giới và của ta. Công lao to lớn đó đã đưa lại một đội ngũ trí thức trong quân đội ở học viện mà ra. Cơ sở đó đã hình thành cả một hệ thống chương trình kế hoạch, cách điều hành, cách tổ chức. Công lao đó không phải ngẫu nhiên, không phải ngay từ đầu năm 1978 đã bắt đầu. Công lao lớn nhất của đồng chí ở hai việc chủ chốt của một học viện, là đội ngũ giáo viên và sách giáo khoa, là chương trình giáo án tưởng định, bài giảng, nghiên cứu khoa học, tất cả những cái ấy đồng chí đã tạo nên và đã được Nhà nước phong Giáo sư đầu tiên ở trong quân đội.


        7. Đồng chí  PHÒNG - quân y sĩ

        Những năm tháng được sống gần đồng chí Vũ Lăng như sống với người thân trong tình chú cháu, mặc dù đồng chí là cán bộ cấp cao, tôi chỉ là một cán bộ quân y, nhưng cảm thấy rất gần gũi và quý mến.

        Lúc đó tôi còn trẻ, chưa có gia đình, sau khi tìm hiểu, chúng tôi xin cưới. Đồng chí dặn dò tỷ mỷ như bậc cha chú.

        Một kỷ niệm mà suốt đời tôi không thể quên được là trước khi đi Liên Xô chữa bệnh, đồng chí yếu lắm rồi. Vậy mà đồng chí bảo đồng chí Trung - quân nhu:

        - Cho tớ nhận trước một ký rưỡi thịt tiêu chuẩn.

        Rồi đồng chí mang ký rưỡi đó lên cầu thang nhà tôi nói:

        - Mai chú đi xa chữa bệnh. Không có gì, chỉ có ký rưỡi thịt tiêu chuẩn này đem bồi dưỡng cho mẹ con cái Hồi ăn cho có sức. Vợ chồng phải bảo ban thương yêu nhau cùng xây dựng hạnh phúc.

        Chúng tôi rất cảm động trước những lời chân tình của bậc cha chú thương con cháu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2017, 10:03:34 am »


        8. Đại tá NGUYỄN TRỌNG BÍNH

        Tôi công tác ở học viện từ thời kỳ anh Hoàng Minh Thảo đến anh Vũ Lăng. .

        Anh Vũ Lăng rất nghiêm khắc nhưng cũng rất thương cán bộ. Tôi rất thương anh Lăng. Anh đi sớm quá, học viện cũng thiệt thòi. Không có anh Vũ Lăng, học viện thiếu về mặt khoa học. Anh Vũ Lăng là con người vừa có tầm nhìn chiến lược, chỉ huy chiến dịch, nhưng lại uyên bác nhất là học thuật và chiến thuật. Nói về chiến thuật từ cấp sư đoàn trở xuống, chưa có ai làm cả. Thời kỳ anh Vũ Lăng còn sống, tất cả tài liệu chiến thuật biên soạn ở học viện mà anh Vũ Lăng đã thông qua đều coi như là tài liệu học tập cho toàn quân. Anh là con người rất giỏi về học thuật. Học viện Lục quân đào tạo binh chủng hợp thành, sau đào tạo tất cả các binh chủng vừa chiến thuật vừa kỹ thuật, được một đội ngũ đến ba trăm giáo viên trong học viện. Cái đáng quý nhất mà anh để lại cho học viện là tri thức. Điều nữa, trong học viện chưa có đồng chí Viện trưởng nào xây dựng nên những cơ sở sản xuất lớn như anh Vũ Lăng đã làm: Ba cơ sở sản xuất Đà Lạt; Đức Trọng, Di Linh, Long Bình nuôi cá đẻ, nuôi trâu bò, nuôi heo, trồng lúa, trồng cà phê, trồng ngô, trồng mía, trồng đậu tương, đều có hết, rồi vườn hồng một ngàn cây rất tuyệt vời.

        Thời kỳ đó đời sống ở học viện rất khó khăn. Công tác hậu cần quá nặng, anh Vũ Lăng quan tâm việc sản xuất để cải thiện các bếp ăn, anh chỉ đạo rất chặt chẽ. Tôi nhớ khi anh giao cho tôi nhiệm vụ Chủ nhiệm hậu cần, anh biết tôi thích ở Khoa giáo viên chứ không thích sang hậu cần, trong cuộc họp anh bảo ai có ý kiến phát biểu, riêng đồng chí Bính không được phát biểu. Anh nói sẽ gặp tôi sau. Nhưng rồi có gặp đâu. Anh đã quyết định rồi là không thay đổi.

        Anh rất quan tâm hai cái bếp: bếp học viên và bếp giáo viên. Là người phụ trách cơ sở vật chất, tôi biết anh không bao giờ tơ hào một chút gì, rất trong sáng: không lấy một cân gạo, thịt bò, thịt heo gì hết; không nhận của ai một cái gì, tết nhất ai biếu gì cũng không nhận. Lúc đó ở học viện anh rất nghèo. Khi tôi xuống thăm chị Hoa, chị nói có gì thì bán từ từ để ăn. Cưới con gái, không có gạo. Nhân chuyến tôi đi Cần Thơ, anh nhờ mua cho năm chục cân gạo, thanh toán đàng hoàng.

        Đặc biệt anh có tài đối ngoại rất giỏi. Khi tiếp đoàn tùy viên quân sự tư bản tới thăm học viện, anh giao tôi phụ trách việc ăn uống. Khách có Pháp, có Ấn Độ, tôi lại xuất thân nông dân không biết Tây ăn thế nào. Anh Lăng chỉ đạo hướng dẫn tỷ mỷ chu đáo nấu món gì trước, món gì sau, rất thành thạo.

        Có lần đi thăm Tỉnh ủy, Ủy ban, Mặt trận, Tỉnh đội, đầu tiên đi Tỉnh ủy với Ủy ban xong, anh Sáng đưa đến Tỉnh đội, anh Vũ Lăng đòi đi Mặt trận Tổ quốc trước rồi Tỉnh đội sau. Mặc dù đến gần Tỉnh đội rồi vẫn phải quay xe về Mặt trận trước. Anh rất nghiêm túc, rất nguyên tắc. Làm không đúng là phải làm lại ngay.


        9. Đại tá VŨ CHUYỂN

        Tôi xin kể một vài kỷ niệm.

        Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm học viên, đồng chí Vũ Lăng đã nói trước lớp nào cứ ở yên lớp đó,  Đại tướng sẽ tới thăm từng lớp. Nhưng khi trực thăng đậu xuống sân khu B, học viên các lớp không kìm được lòng mến mộ Đại tướng đã ùa ra xem, gây một cảnh hỗn độn mất trật tự. Viện trưởng Vũ Lăng rất không hài lòng, yêu cầu danh sách những người đã không tuân kỷ luật. Thế là năm mươi ba người bị kỷ luật cảnh cáo. Viện trưởng Vũ Lăng thường đi kiểm tra các lớp học. Ai ăn mặc xộc xệch không nghiêm chỉnh là bị nhắc nhở ngay, vì không giữ tư thế quân nhân.

        Đại đội trưởng Phan Minh Sương, người đã tham gia giải phóng Đà Lạt cũng từng bị đuổi ra khỏi lớp. Vì vậy trên đường đi nhác thấy Viện trưởng Vũ Lăng, anh em thường né tránh. Đồng chí Vũ Lăng trông thấy cười nói:

        - Có anh chàng lại nấp kia kìa.

        Là bí thư của đồng chí Vũ Lăng, hàng trăm lần cùng đồng chí đi công tác từ Đà Lạt đến Long Bình -Sài Gòn, lần nào cũng cơm nắm muối vừng hoặc quả trứng, lạc rang. Không vào hàng quán bao giờ, cứ rẽ vào rừng cao su, thầy trò ăn cơm, mắc võng nghỉ trưa xong lại đi tiếp.

        Tôi còn nhớ có lần đi làm tưởng định ở Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - nơi đồi " ma " vẫn còn có bom mìn. Trời mưa gió. Trong rừng lá vẫn còn có bọn phản động ẩn núp. Vậy mà đồng chí Vũ Lăng vẫn cùng chiến sĩ diễn tập, còn mang theo người một ấm nước dừa cạn để chữa căn bệnh cao huyết áp. Thấy thủ trưởng có ấm nước, anh em đồ rằng chắc thủ trưởng uống nước sâm, bèn uống trộm thử một ngụm, liền phun ra ngay và nói:

        - Sâm gì mà nhạt thếch.

        Thực ra thủ trưởng Vũ Lăng cùng đồng cam cộng khổ với các chiến sĩ. Đồng chí Vũ Lăng là người rất giàu tình cảm, rất thương chiến sĩ. Anh Bằng lấy vợ đã lâu mà vẫn chưa có con. Khi vợ lên thăm, theo thông lệ mỗi cặp vợ chồng chỉ được ở nhà khách một số ngày theo quy định. Nhưng với trường hợp đồng chí Bằng, thủ trưởng Vũ Lăng nói:

        - Cho nó ở đến bao giờ có bầu mới thôi. Không giới hạn thời gian

        Nhiều trường hợp chiếu cố hoàn cảnh gia đình cán bộ dưới quyền, đồng chí đã hợp lý hóa cho thuyên chuyển công tác để có điều kiện gần gũi giúp đỡ gia đình như trường hợp đồng chí Thọ ở  Khoa Thông tin.

        Cuộc đời trận mạc, đồng chí Vũ Lăng thường xông pha nơi chiến địa rừng núi đêm khuya, nên đồng chí cũng thường hay uống rượu cho ấm nóng cơ thể, do đó tửu lượng của đồng chí cũng khá. Năm 1982, đồng chí Vũ Lăng đi tham gia diễn tập ở Quân khu 1, do đồng chí Đàm Quang Trung làm Tư lệnh. Dạo đó gần Cách mạng tháng Mười Nga. Trong khi chờ đợi Bộ chưa cho biết giờ G, tướng Đàm Quang Trung tổ chức chiêu đãi các đồng chí cố vấn Liên Xô và cán bộ cao cấp quân đội ta. Bữa tiệc khá đông, các tướng Liên Xô đã nghe nói đồng chí Vũ Lăng học ở trường Vô-rô-si-lốp. Họ hỏi:

        - Đồng chí khóa mấy?

        Đồng chí Vũ Lăng đáp:

        - Tôi học khóa 3.

        Vị tướng Liên Xô bèn nói:

        - Vậy thì đồng chí là bậc thầy, là đàn anh của chúng tôi.

        Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói tiếng Nga làu làu và chuốc nhau uống rượu thấy vui vẻ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM