Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:51:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ một quyết tử quân  (Đọc 20407 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:09 pm »


        Học viện Lục quân là đơn vị đầu tiên trong quân đội tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh, làm và bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học quân sự. Tranh thủ sự giúp đỡ của cố vấn, anh kiên quyết kiên trì thực hiện công việc này, vì lúc bấy giờ (1984), việc tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học quân sự vẫn chưa được mọi người đồng tình ủng hộ.

        Từ năm 1984, anh đã đề nghị trang bị máy tính để nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy và quản lý. Đã nhiều làn, anh cùng chúng tôi xem xét, tìm hiểu ở Viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự (phân viện phía Nam). Hàng năm, anh cho mời cán bộ, nhân viên của Trung tâm Điện toán Viện Khoa học quân sự lên học viện nghiên cứu, sử dụng máy tính trong diễn tập chiến thuật. Tiếc rằng,  ở thời điểm đó, do ngân sách hạn hẹp, chúng tôi chưa thực hiện được theo ý nguyện của anh.

        Ngoài nhiệm vụ giáo dục huấn luyện, nghiên cứu khoa học, anh rất chú ý xây dựng học viện trên các mặt: công tác đảng, công tác chính trị, hậu cần, kỹ thuật, sản xuất, đời sống.

        Trong sinh hoạt Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy, anh luôn luôn tôn trọng ý kiến tập thể, phân rõ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, giữa lãnh đạo với chỉ huy. Anh rất quyết đoán nhưng cũng rất dân chủ, lắng nghe. Là đảng viên, anh chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sinh hoạt củ a chi bộ, nghị quyết chi bộ.

        Học viện có nếp làm việc rất khoa học chính quy. Được vậy là do công sức của tập thể, của những người đi trước. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của anh.

        Là một học viện lớn, với hàng mấy trăm cán bộ giáo viên, hàng ngàn học viên, thực hiện chương trình kế hoạch, tiến trình huấn luyện cho nhiều học viên khác nhau. Quản lý điều hành mọi hoạt động nói chung và quản lý nói riêng nhất thiết phải tuân theo các quy định, chế độ nhất định làm việc phải có kế hoạch, nếu không sẽ rối, sẽ bị động. Anh chủ động biên soạn các quy định chế độ, chức trách chung và chức trách cụ thể cho từng cơ quan, các khoa giáo viên, các hệ quản lý học viên và yêu cầu thực hiện nghiêm túc.

        Anh yêu cầu làm việc có kế hoạch, có chuẩn bị, dù việc nhỏ nhất, tự anh cũng nghiêm túc thực hiện...

        Đi kiểm tra huấn luyện, nếu không có gì đột xuất, không bao giờ anh về trước, hoặc dự lớp này vài tiết, sang lớp khác vài tiết. Kiểm tra xong, nhất thiết phải có nhận xét rút kinh nghiệm.

        Các bài nói chuyện hoặc kết thúc hội nghị thường do cơ quan hoặc thư ký soạn thảo. Xem trước, nếu cần, anh tự thêm bớt, bổ sung. Khi làm việc, anh trình bày theo tài liệu đã chuẩn bị. Ai cũng thừa nhận: trong các buổi lễ, anh đọc diễn văn rất hay, rất trân trọng, vì không bao giờ anh nói thêm, giải thích dài dòng, ngoài văn bản.

        Anh là một chỉ huy giỏi, một viện trưởng có tài. Tài năng toàn diện của anh là sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tư duy lý luận sắc sảo và phương pháp công tác khoa học.

        Anh quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.

        Lúc bấy giờ, đời sống sinh hoạt quá khó khăn. Anh chủ trương hàng tháng tăng thêm lượng thịt và đậu phụ cho mỗi người trong học viện, bằng cách đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi. Không dễ dàng gì khi hàng tháng chỉ cấp thêm cho mỗi người mấy lạng thịt, mấy lạng đậu với hàng mấy ngàn người từ cán bộ đến chiến sĩ.

        Anh là người đầu tiên khởi xướng việc cấp cho cán bộ, công nhân viên mỗi năm hai tháng lương cơ bản, trong dịp lễ thành lập học viện (mùng 7 tháng 7) và Tết Nguyên đán; cho đến nay vẫn được duy trì thực hiện. Thời bao cấp, thực hiện được chủ trương này là một cố gắng lớn.

        Những lần họp Thường vụ Đảng ủy về công tác cán bộ, anh rất thận trọng trong việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc xử lý kỷ luật. Tôi còn nhớ, có trường hợp đã kết luận rồi, sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau anh đề nghị xem xét lại việc hoãn đề bạt hai cán bộ. Sau khi thảo luận, phân tích kỹ, Thường vụ nhất trí theo đề nghị đề bạt của anh.

        Nghiêm túc trong xử lý kỷ luật nhưng cũng khoan dung độ lượng, anh tìm cách mở cho người có lỗi có lối thoát, cơ hội để tiến bộ , không bao giờ có ý trù dập. Không ít cán bộ vi phạm kỷ luật được anh cứu vớt đã vươn lên được.

        Anh có nhược điểm rất nóng tính, thấy ai sai là nổi nóng ngay. Nhưng xong đi rồi thôi, không để bụng, định kiến. Anh nóng nhưng không bao giờ xúc phạm, làm tổn thương đến nhân cách người khác. Có lần anh H, Phó Viện trưởng rỉ tai tôi: "Ông Lăng chỉ giơ cao, đánh khẽ thôi....". Ngược lại cũng nhiều lần, tôi để ý thấy trước sai sót của cấp dưới, anh vẫn bình tĩnh, không nóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2016, 11:41:55 am »


        Tôi thường theo anh đi kiểm tra huấn luyện. Mỗi lần giáo viên có sai sót trong nội dung giảng dạy, anh phát hiện được ngay, khẽ trao đổi với tôi rồi tiếp tục theo dõi. Khi nghỉ giải lao, anh cho triệu tập giáo viên chủ nhiệm khoa để kịp thời đính chính lại. Chưa bao giờ anh nổi nóng hoặc lên trực tiếp giải thích, anh không muốn làm mất uy tín của giáo viên trước học viên.

        Tôi thường viết các tài liệu, văn bản để anh làm việc. Khi xem xét phê duyệt, nếu không đồng ý hoặc cần bổ sung thêm, anh trao đổi với tôi hoặc ghi rõ ý kiến của mình bên lề trang viết, không gạch xóa bừa bãi; anh tôn trọng cấp dưới của anh.

        Nghiêm túc chặt chẽ trong sử dụng công quỹ, anh không đòi hỏi sách nhiễu, không lạm dụng chức vụ quyền hạn để thu vén cá nhân.

        Mỗi lần chỉ huy học viện cần chiêu đãi khách, anh yêu cầu Chủ nhiệm hậu cần báo cáo cụ thể: thành phần, số lượng khách và chủ (với chủ: ai không cần thiết, không liên quan thì không dự, kể cả chỉ huy học viện), thực đơn, quyết toán thành tiền. Anh yêu cầu lịch sự nhưng tiết kiệm, không lãng phí, không sử dụng công quỹ vô tội vạ. Cuối cùng, bao giờ cũng nhắc không được quên nhân viên phục vụ, lái xe...

        Không bao giờ anh sử dụng công quỹ huấn luyện để quà cáp, biếu xén.

        Phòng Huấn luyện có nhiều kho vật tư, hàng hóa đa dạng nhiều chủng loại, trong đó nhiều thứ sử dụng tốt cho sinh hoạt cá nhân và gia đình. Định kỳ chúng tôi đi kiểm tra nên anh biết những điều đó. Chưa bao giờ anh tỏ ý cần cái gì, thích cái gì, bởi vì chỉ cần một gợi ý của anh là cấp dưới sẵn sàng phục vụ. Tôi biết cũng có cán bộ, sau khi đi kiểm tra, sai công vụ xuống kho lấy hoặc mượn những thứ mình thích, mượn xong thường quên trả, cấp dưới cũng khó đòi.

        Anh sử dụng xe Méc-xê-đét làm phương tiện đi lại. Nhìn bên ngoài, ai cũng bảo xe này sang lắm. Thực ra nó đã quá cũ quá nát, chỉ di chuyển loanh quanh trong phạm vi thành phố Đà Lạt, về sau có sửa chữa lại nhưng cũng ít dám đi xa.

        Khi anh được phong quân hàm Thượng tướng, đồng chí Trưởng phòng kỹ thuật học viện có gửi công văn đề nghị Bộ cấp cho anh một xe Von-ga, vì được biết cấp Thượng tướng có tiêu chuẩn sử dụng xe này. Chờ mãi, cơ quan Bộ không trả lời, cơ quan báo cáo với anh, tuyệt nhiên anh không có ý kiến gì, tuổi cao, sức yếu, đi công tác xa, kể cả sang Cam-pu-chia anh cũng chỉ dùng xe U-át1. Một lần sang Cam-pu-chia công tác (cuối năm 1986), cháu Mai con gái anh muốn kết hợp xin đi tham quan Phnôm Pênh. Tôi đề nghị, anh bảo để anh suy nghĩ. Song hôm sau, trước khi đi anh trả lời: "Mình đi công tác, không nên để cháu đi, còn nhiều dịp khác, đi như thế mang tiếng". Lúc đầu, tôi không đồng tình, sau nghĩ lại, thấy anh xử lý đúng, ở cương vị anh, cần phải như thế.

        Anh có phong thái ung dung, đĩnh đạc, lịch sự trong giao tiếp, tuỳ đối tượng anh có cách ứng xử thích hợp. Với cấp trên, kính trọng nhưng không khúm núm. Với cấp dưới, tôn trọng thân tình. Với khách nước ngoài, lịch sự tinh tế và luôn luôn chủ động.

        Những lần mời dự đám cưới con anh, một chi tiết nhỏ làm tôi nhớ mãi: Thiệp mời tự anh viết mời chúng tôi, không để người khác viết, không nhờ người khác chuyển. Anh tinh tế và tôn trọng chúng tôi.

        Trước kẻ thù, trong lửa đạn chiến tranh, anh có ý chí sắt thép. Nhưng trước những đau thương mất mát của đồng chí đồng đội, trong những buổi lễ tang, anh thường xúc động, mủi lòng: anh khóc, anh đau xót chia buồn cùng tang quyến. Trong anh, cứng cỏi và yếu mềm xen lẫn, xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu.

        Anh sống sâu lắng, kín đáo, ít bộc lộ. Một vài khuyết điểm đôi khi làm ta khó nhận biết và hiểu hết, nhưng xét cho cùng: anh là người đức độ, sống có nghĩa có tình.

        Là con người như mọi người, ai cũng có khuyết điểm, nhược điểm. Nhưng nếu không vì những định kiến, những hiểu lầm tầm thường, thì phải nhận rằng: Anh có tài năng đức độ anh có trí tuệ lại có cả tấm lòng. Anh là cấp trên, người Thầy và là người Bạn của chúng tôi.

        Nhà nước phong anh học hàm Giáo sư. Vâng, đích thực anh là một giáo sư.

N.B.H       

------------------------------
        1.Tiếng Nga có nghĩa: nhà máy Ôtô mang tên U-li-anốp (Lê-nin) viết tắt là "YA3" đọc chệch ra tiếng Việt là U-át.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 01:03:45 am »


MỘT VỊ TƯỚNG TÀI

Thiếu tướng HOÀNG LÊ1         

        Anh Vũ Lăng là một vị tướng chỉ huy chiến đấu từ cấp đại đội tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn cho đến quân đoàn, quân khu, là một vị tướng của cơ quan tham mưu chiến lược của cấp chỉ huy chiến dịch chiến lược, của cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự và học viện, nhà trường. Có thể nói, anh là vị tướng tài tương đối toàn diện.

        Tiếc rằng tôi không được chiến đấu nhiều dưới quyền chỉ huy của anh. Thời gian tôi làm cấp dưới của anh chủ yếu là ở Cục Nghiên cứu khoa học quân sự Bộ Tổng Tham mưu và Học viện Quân sự, sau là Học viện Lục quân.

        Lần đầu tiên tôi được gặp anh là trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm Mường Khoa ở Thượng Lào năm 1958. Lúc đó tôi là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 910 Trung đoàn 148, được tăng cường cho Trung đoàn 98 do anh làm Trung đoàn trưởng để đánh cứ điểm trên. Đơn vị chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm đánh công kiên. Anh đã cử đồng chí Hồ Hải Nam - đại đội trưởng chủ công của anh giúp chúng tôi chuẩn bị chiến đấu, đặc biệt là phổ biến kinh nghiệm đánh bộc phá mở cửa và đánh tung thâm trong một cứ điểm kiên cố. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Trung đoàn 98 diệt đồn cao trước. Tiểu đoàn 910 đánh đồn thấp gặp khó khăn vì địch rút vào hầm ngầm cố thủ. Anh đã kịp thời nắm tình hình chi viện hỏa lực và tăng cường bộc phá khối cho chúng tôi đánh dứt điểm. Sau trận đánh, anh còn đi thăm tử sĩ, thương binh và động viên chúng tôi nhanh chóng rút kinh nghiệm chuẩn bị cho trận đánh sau. Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên của tôi đối với anh là một người chỉ huy sâu sát, kiên quyết, tạo mọi điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ và rất thương yêu cán bộ chiến sĩ.

        Từ năm 1960 đến năm 1964, anh là Cục trưởng Cục Nghiên cứu khoa học quân sự Bộ Tổng Tham mưu, tôi được làm việc dưới quyền chỉ huy của anh với cương vị là Phó phòng điều lệnh - chiến thuật. Trong thời kỳ này, quân đội ta tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu học thuật quân sự và diễn tập thực nghiệm bằng thực binh. Có cuộc diễn tập quy mô lớn đã huy động hầu như tất cả các vũ khí trang bị hiện đại mà ta có lúc đó nhằm tìm ra phương hướng xây dựng một quân đội cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại phù hợp với đặc điểm mọi mặt của Việt Nam, đáp ứng mọi yêu cầu của tình huống chiến tranh.

        Những cuộc nghiên cứu và thực hiện diễn tập này thường do anh Lê Trọng Tấn và Vương Thừa Vũ trực tiếp chỉ đạo, huy động hầu hết các tướng lĩnh có kinh nghiệm trong quân đội tham gia. Là Cục trưởng Cục Nghiên cứu khoa học quân sự, anh Vũ Lăng thường giữ vai trò chủ trì trong việc đề xuất các vấn đề nghiên cứu, tổ chức thực hiện các cuộc thảo luận, lý luận và diễn tập thực nghiệm và chuẩn bị cho thủ trưởng Bộ kết luận những kết quả nghiên cứu. Có thể nói anh đã có phần công sức không nhỏ cho kết quả các cuộc nghiên cứu và thực nghiệm đó. Có những kết luận rút ra là không phù hợp với đặc điểm tình hình Việt Nam, không thể thực hiện được, nhưng nhìn chung kết quả của các cuộc nghiên cứu đó đã phần nào làm cơ sở tốt cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu vận dụng vào việc chỉ đạo xây dựng các lực lượng vũ trang và việc chỉ đạo tác chiến các chiến dịch lớn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ sau này và cũng là cơ sở tốt để các tướng lĩnh, sĩ quan ta vận dụng vào việc chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong các trận đánh Mỹ ngụy trên các chiến trường.

        Thời kỳ thứ ba, tôi làm việc dưới quyền chỉ huy của anh Vũ Lăng là từ năm 1980 đến năm 1988 tại Học Viện Quân sự, sau là Học viện Lục quân. Anh là Giám đốc Học viện, còn tôi là Cục trưởng huấn luyện, sau đó làm Phó Giám đốc, trợ thủ của anh.

------------------
        1. Thiếu tướng Hoàng Lê: Nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 01:04:14 am »


        Ở học viện, đào tạo một đội ngũ sĩ quan chỉ huy, tham mưu cấp trung đoàn, lữ đoàn (có lúc cả cấp sư đoàn) cho tám binh chủng và chuyên ngành của lục quân: binh chủng hợp thành, xe tăng thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh, thông tin, hóa học, trinh sát và về sau đào tạo cả một bộ chỉ huy quân sự địa phương - đó là một công việc vô cùng nặng nề đòi hỏi người lãnh đạo phải hiểu biết một khối lượng kiến thức thật lớn rộng và sâu, một trình độ tổ chức vô cùng khoa học.

        Anh Vũ Lăng luôn luôn đòi hỏi cán bộ cơ quan và giáo viên phải có trình độ lý luận tương đối toàn diện về lĩnh vực mình phụ trách để giáo dục huấn luyện cho học viên có hiểu biết chuyên sáu về chuyên ngành của mình, đồng thời có kiến thức rộng về các ngành có liên quan để có khả năng chỉ đạo xây dựng và chỉ huy đơn vị chiến dấu hiệp đồng binh chủng, phối hợp ba thứ quân trong điều kiện tác chiến hiện đại.

        Anh rất coi trọng rèn luyện cho học viên có tác phong chỉ huy và công tác sâu sát, tỷ mỷ cụ thể. Khi chuẩn bị chiến đấu phải có kế hoạch toàn diện. Đi trinh sát thực địa phải thực hiện: “ Ý đến, chân đến, mắt thấy, tay sờ". Khi đã nổ súng phải trực tiếp quan sát được chiến trường, phải có mặt ở nơi then chốt vào những thời điểm quan trọng nhất.

        Anh còn luôn rèn luyện cho giáo viên và học viên có phương pháp tư duy chiến thuật biện chứng, khoa học. Hạ quyết tâm và xử trí tình huống chiến đấu phải có cơ sở vững chắc, phân tích sâu sắc những điều kiện khách quan và chủ quan, biện pháp thực hiện phải thật cụ thể, phải dự kiến được các tình huống có thể phát sinh trong chiến đấu để chủ động ứng phó. Khi sử dụng lực lượng phải nắm lực lượng nào là then chốt quyết định, hướng sự nỗ lực của tất cả các binh chủng, các lực lượng vào việc hoàn thành nhiệm vụ.

        Ở học viện chúng tôi thường có những cuộc thảo luận học thuật lý luận sôi nổi, đôi khi gay gắt nảy lửa. Nhưng, kết luận của anh bao giờ cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn, có tính thuyết phục cao, được mọi người chấp nhận một cách thoải mái và có lòng tin vững chắc, có thể làm được. Nhờ vậy công tác đào tạo ở học viện mỗi năm đều được nâng cao hơn. Các sĩ quan đã qua học tập ở học việc đều vững tin là mình có thể hoàn thành nhiệm vụ trên các cương vị được phân công.

        Anh Vũ Lăng có tính nóng nảy, nhiều cán bộ chiến sĩ rất sợ anh. Nhưng anh cũng là một người rất tình cảm, chân tình, thương yêu cấp dưới. Anh hay tâm sự với chúng tôi cả những chuyện riêng tư và không ít lần tôi thấy anh rút khăn tay khi anh nhận ra mình la mắng một cán bộ cấp dưới, hoặc tỏ ra rất xúc động khi thấy một gia đình giáo viên, học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống và tự mình tìm ra mọi biện pháp giúp đỡ. Anh còn rất quan tâm đến từng bừa ăn, giấc ngủ chiến sĩ các phân đội cảnh vệ, phục vụ trong học viện.

        Riêng bản thân, nhờ có sự giáo dục giúp đỡ của anh, tôi đã trưởng thành rất nhiều về mọi mặt trong thời gian làm việc dưới quyền chỉ huy của anh. Những phẩm chất cao quý của anh mà tôi lĩnh hội được là:

        - Một tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn nhận những nhiệm vụ nặng nề khó khăn về mình, bao giờ cũng cố gắng làm nhiều hơn, làm tốt hơn những công việc mà cấp trên giao cho.

        - Một sự hiểu biết rộng rãi và sâu sắc những tri thức về cuộc sống, về xã hội, đặc biệt về lĩnh vực khoa học quân sự và những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp quân sự, nghề nghiệp nhà giáo của mình.

        - Một tác phong kiên quyết, quyết đoán trong công việc bao giờ cũng rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, không bao giờ chần chừ, do dự.

        - Một tấm lòng chân thành trung thực với bạn bè, đồng khí, với cấp trên và cấp dưới, với đồng bào và chiến sĩ.

        - Luôn đòi hỏi nghiêm khắc với cấp dưới, nhưng cũng rất thương yêu bồi dưỡng, giúp đỡ.

        Với tôi anh Vũ Lăng là một vị tướng của cơ quan chiến lược của các chiến dịch và trận chiến đấu, vị tướng - nhà khoa học, nhà trí thức quân sự, vị tướng - người thầy, nhà giáo dục, vị tướng nóng như lửa nhưng cũng rất mực yêu thương cấp dưới, vị tướng - người anh kính mến của tất cả giáo viên và học viên Học viện Lục quân.

H.L       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2016, 01:07:23 am »


MỘT CON NGƯỜI CƯƠNG TRỰC


Trung tướng PGS-TS ĐỖ TRÌNH       

        Từ sau Cách mạng tháng Tám, tôi có nhiều dịp được công tác với anh Vũ Lăng.

        Cuối năm 1945, tôi học tập và sinh hoạt trong cùng một tiểu đội với anh Vũ Lăng ở khóa 5 Trường Quân chính Việt Nam, mở tại Việt Nam Học xá, Hà Nội. Hồi đó, chúng tôi quen gọi anh là Đỗ Liêm. Anh Vũ Lăng và tôi đã cùng trình diễn một tiểu phẩm hài kịch gọi là "Chuyện hàn xì", phỏng theo vở "Lão hà tiện"1 của Pháp.

        Năm 1959, tôi là Cục trưởng Cục Khoa học quân sự Bộ Tổng Tham mưu. Anh Vũ Lăng được Bộ điều về làm Cục phó.

        Đầu năm 1968, tôi được bổ nhiệm thay anh Lăng làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng mặt trận Khe Sanh. Anh Vũ Lăng bàn giao cho tôi các công tác ở cương vị đó tại sở chỉ huy mặt trận tại phía tây bắc Tà Cơn.

        Những năm đầu của thập kỷ 70, tôi là Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương, anh Vũ Lăng là Cục trưởng Cục Tác chiến. Hai cơ quan chúng tôi cùng đóng ở khu thành Hà Nội, có quan hệ công tác rất mật thiết với nhau. Đây là thời gian tôi cộng tác với anh Vũ Lăng dài nhất.

        Giữa năm 1975, tôi dẫn đầu đoàn cán bộ của Viện Khoa học quân sự, vào tham gia tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh. Chỗ dừng chân đầu tiên và lâu nhất là Quân đoàn 3 do anh Vũ Lăng làm Tư lệnh, lúc đó đang đóng ở Bình Dương. Năm 1986, tôi được cử làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo "Kỳ thi tốt nghiệp" năm học đó của Học viện Lục quân, lúc đó anh Vũ Lăng làm Viện trưởng.

        Trong hơn bốn mươi năm kết bạn, công tác, tôi học tập ở anh Vũ Lăng rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", của người đảng viên cộng sản Việt Nam, của một vị tướng trong quân đội nhân dân.

        Trước hết phải nói anh có tinh thần trách nhiệm chính trị rất cao đối với công tác. Điều đó biểu lộ nổi bật trong thời gian anh làm Cục trưởng Cục Tác chiến. Nắm địch, nắm ta trên cả hai miền đất nước, đánh giá tình hình trước mắt, dự kiến khả năng phát triển sắp tới của chiến tranh, làm trung tâm hiệp đồng các cơ quan, chuẩn bị các phương án chỉ đạo chiến lược cho Bộ thống soái, giúp Bộ điều hành thực hiện các phương án đó. Đó là những công việc rất nặng nề làm căng thẳng đầu óc ngày cũng như đêm của người Cục trưởng Tác chiến. Trong lãnh đạo ý kiến thường thống nhất, đó là một ưu điểm lớn và một nhân tố lớn bảo đảm thắng lợi của chúng ta. Nhưng cũng khó tránh khỏi trên những vấn đề nào đó, cũng có lúc có ý kiến khác nhau. Anh Vũ Lăng thường tâm sự với tôi: phải cân nhắc mọi mặt, suy nghĩ ngày đêm trước khi đến báo cáo tình hình và phương án với từng đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị, trong Quân ủy Trung ương, làm sao các đồng chí đó nắm chắc tình hình, hiểu rõ ý kiến của nhau, sớm đi đến nhận thức và hành động. Tuyệt đối không hề có xu hướng bỏ mặc, cốt nhẹ cho mình một cách vô trách nhiệm hoặc lợi dụng vài điều chưa nhất trí giữa vài đồng chí lãnh đạo để mưu lợi cho mình. Anh Vũ Lăng cùng các cán bộ khác trong Cục Tác chiến đã góp phần rất quan trọng trong bảo đảm và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo kháng chiến.

        Anh Vũ Lăng là người cương trực, đúng sai phân biệt rõ ràng, trình bày thẳng thắn đối với cấp dưới cũng như cấp trên. Đó  là tinh thần chí công vô tư rất đáng quý. Khi tôi vào chấm thi ở Học viện Lục quân, mùa hè năm 1986, có xảy ra một việc trục trặc. Một cán bộ cơ quan huấn luyện của học viện đó, bằng biện pháp kỹ thuật làm lộ đáp án cho một số học viên có tình cảm với mình. Sự việc đó xảy ra trong lúc anh Vũ Lăng, Viện trưởng đang đi công tác ở Bộ. Hội đồng chấm thi đã bàn bạc nhất trí với lãnh đạo học viện, quyết định kỷ luật nghiêm đối với cán bộ cơ quan huấn luyện và với các học viên đã chép đáp án. Những học viên đó bị đình chỉ không được tiếp tục dự cuộc thi năm ấy.

        Khi anh Vũ Lăng đi họp ở Bộ về và nắm được tình hình, gặp ngay hội đồng chấm thi. Trước sự ngạc nhiên của các ủy viên hội đồng, anh Vũ Lăng không hề phàn nàn gì và nói với chúng tôi: "Tôi rất cảm ơn Hội đồng giám khảo của Bộ đã có quyết định đúng. Điều đó giúp cho học viện giữ nghiêm kỷ luật. Nếu hội đồng xử nhẹ hoặc bỏ qua thì học viện chúng tôi không những không giữ nghiêm được kỷ luật mà còn mang tiếng là tư túi với cơ quan các cấp" .

        Anh Vũ Lăng đã từ biệt chúng tôi mười bốn năm.

        Nhưng mãi còn sáng ngời trong trái tim của bạn bè, đồng chí tấm gương về tinh thần trách nhiệm, ý thức đoàn kết, phẩm chất thẳng thắn, cương trực, chí công vô tư của anh, người đảng viên cộng sản, Bộ đội Cụ Hồ, người thủ trưởng trong quân đội...

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2000       
Đ.T                               

----------------------------
        1. "Lão hà tiện" tác phẩm của G.B. Mô-li-e, soạn giả hài kịch Pháp (1622-1678) được đưa vào chương trình học tiếng Pháp tại các trường trung học dưới thời Pháp thuộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:15:57 am »


MỘT TƯỚNG TRẬN MẠC CÓ TÀI, CÓ BẢN LĨNH

Đại tá NGUYỄN VĂN HIẾU       

        Tôi quen Thượng tướng Giáo sư Vũ Lăng từ tháng 10 năm 1945, khi chúng tôi cùng học tại Trường Quân chính Việt Nam khóa 5 tại Việt Nam Học xá ở Hà Nội. Tôi còn nhớ vai kịch "hàn xì" của anh trong một đêm lửa trại của nhà trường.

        Tháng 11 năm 1945, khóa học kết thúc, anh và tôi cùng có mặt trong đoàn cán bộ Nam tiến lên đường vào Nam Bộ. Khi vừa hành quân đến Buôn Ma Thuột, đoàn cán bộ chúng tôi bị địch tập kích bất ngờ, chúng tôi bị một số tổn thất và phải quay lại Ninh Hòa (Khánh Hoà). Sau đó anh lại gặp tôi ở đảo Hòn Khói, khi đó tôi là cán bộ trung đội.

        Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi gặp anh trong mấy chiến dịch lớn ở Việt Bắc như chiến dịch Biên Giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Thời gian này, tôi chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn rồi về Phòng Bí thư thuộc Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh, anh chỉ huy tiểu đoàn rồi trung đoàn chủ lực.

        Năm 1957, tôi theo cấp trên đi làm việc ở Liên Xô, tôi lại có dịp hàn huyên với anh, lúc đó anh đang học ở một học viện của Quân đội Xô Viết.

        Trong những năm đầu của thập kỷ 60, chúng tôi cùng làm việc ở cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, thường bàn công việc với nhau, nhiều lần bàn bạc với nhau chuẩn bị tài liệu phục vụ cấp trên .

        Những năm kháng chiến chống Mỹ, anh chỉ huy mặt trận Tây Nguyên rồi quân đoàn, lập nhiều chiến công, đặc biệt là tham gia chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột và chỉ huy một cánh quân lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi làm Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng và Văn phòng Quân ủy Trung ương, rồi Phó Giám đốc Học viện Quân sự. Tôi thường gặp anh trong những hội nghị lớn của Bộ.

        Tháng 5 năm 1977, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Quân sự ở Đà Lạt, lúc đó tôi là Phó Giám đốc. Tôi làm việc với anh khoảng mười năm ở Học viện Quân sự (từ đầu năm 1982 đổi tên là Học viện Lục quân). Trong việc chung, anh và tôi giữ đúng cương vị là người "trưởng" và người "phó". Trong quan hệ riêng, chúng tôi giữ gìn và phát huy tình đồng chí và tình bạn thân thiết lâu năm.

        Chúng tôi trải qua nhiều ngày vui và cũng có những lúc buồn: Chúng tôi thường tâm sự với nhau về những ngày đã qua và hiện tại, về con người và sự kiện, về đạo lý và chuyện đời thường, về công việc và gia đình, về tình đồng chí, về tình bạn và tình người. Anh thường nói: "Về nhiều vấn đề, nhận thức và tình cảm của hai chúng ta là giống nhau, hoặc gần nhau.

        Anh và tôi đã công tác với nhau bằng lương tâm và trách nhiệm, chân thành đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung.

        Với chức vụ là Giám đốc Học viện kiêm Bí thư Đảng ủy anh đã đề xuất nhiều chủ trương đúng đắn và có nhiều công sức trong chỉ đạo xây dựng Học viện Lục quân. Anh đã cùng Đảng ủy tổ chức sinh hoạt chính trị cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, nhằm quán triệt tình hình và nhiệm vụ, sửa chữa những nhận thức và tư tưởng không đúng, xác định quyết tâm xây dựng học viện lớn mạnh lâu dài ở Đà Lạt.

        Anh là người khởi xướng và chỉ đạo đắp đập làm hồ  Chiến Thắng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Anh chỉ đạo xây dựng khu gia đình, làm nhà trẻ mẫu giáo, xây dựng hội trường lớn, làm nhà truyền thống, làm phim "Một ngày ở Học viện Lục quân".

        Anh chủ trì chỉ đạo nghiên cứu tiêu chuẩn học viên, xây dựng chương trình "chuẩn", biên soạn tài liệu huấn luyện quân sự, xây dựng tưởng định chiến thuật, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn phương pháp làm bài tập chiến thuật trên bản đồ và ở địa hình thực tế, chỉ đạo diễn tập người chỉ huy và cơ quan một cấp và hai cấp, tổ chức thi tốt nghiệp quốc gia.

        Về bảo đảm đời sống, anh chỉ đạo thiết bị nhà bếp dùng nồi hơi, tổ chức tiếp phẩm từ đồng bằng sông Cửu Long và Nha Trang, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tại chỗ và xây dựng nông trường.

        Anh coi trọng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, cơ quan quân sự của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt; chủ động đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau với Trường Đại học Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Xí nghiệp in bản đồ Đà Lạt... Thượng tướng Giáo sư Vũ Lăng là một đảng viên kiên định, cương trực, năng động, nhạy bén; là một tướng trận mạc có tài, bản lĩnh, có cách nhìn toàn diện, có tác phong kiên quyết và cụ thể, quan tâm đến đời sống và gia đình của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên...

        Đối với tôi, anh là người đồng chí và người bạn lâu năm nhất, là tình bạn thân thiết nhất hơn bốn mươi năm, một người trung trực, thẳng thắn, yêu cái đẹp, ghét cái xấu để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Hà Nội, ngày 1 tháng 5 năm 2000       
N. V. H                             

--------------------------
        1. Đại tá Nguyễn Văn Hiếu:  Nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:17:23 am »

       
SUY NGHĨ VỀ ANH VŨ LĂNG

        Phát biểu của Nhà báo HOÀNG PHONG trong buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm Thượng tướng Giáo sư VŨ LĂNG

        Thưa quý vị đại biểu,

        Thưa các đồng chí và các bạn!

        Mới đây tôi đã vui mừng thấy đồng chí Vũ Lăng được ghi nhận trong danh sách các danh nhân lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, in trong bộ Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân rất đồ sộ do Nhà giáo nhân dân, Giáo sư - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo chủ biên và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành. Hôm nay tôi lại được vinh dự tham dự buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm Giáo sư - Thượng tướng Vũ Lăng do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban Liên lạc Truyền thống quyết tử quân Liên khu 1 anh hùng tổ chức. Thật là một buổi sinh hoạt rất có ý nghĩa.

        Tôi xin phép được nói đôi lời để tỏ lòng cảm phục và thương nhớ đồng chí Vũ Lăng, một người bạn thân thiết và cũng là một người anh em trong nhà.

        Thưa các vị và các bạn.

        Tôi có may mắn được gặp đồng chí Vũ Lăng ngay trong những ngày đầu kháng chiến trong Liên khu 1 Hà Nội. Lúc đó tôi là một cán bộ biên tập của báo Cứu Quốc được đồng chí Xuân Thủy phân công làm phóng viên chiến tranh trong nội thành, đã cùng sống và chiến đấu với các chiến sĩ Thủ đô ở đình Phất Lộc, trong đó có đồng chí Vũ Lăng - một chiến sĩ Nam tiến mới trở về Hà Nội. Cuối tháng 12 năm 1946, tôi được lệnh rút ra ngoài; chính đồng chí Vũ Lăng, lúc ấy hình như là đại đội trưởng, đã tổ chức và đưa chúng tôi từ đình Phất Lộc ra Cột Cờ và tiễn chúng tôi dưới chân cầu Long Biên, lúc đó quân Pháp đang chiếm giữ và tuần tra nghiêm ngặt ở trên cầu.

        Cuối năm 1950 đến giữa năm 1951, tôi được tham gia liên tiếp ba chiến dịch cùng với Sư đoàn 308: Trung Du, trên đường số 18 và ở Hà - Nam - Ninh, chủ yếu là đi với Trung đoàn Thủ đô và gặp lại bộ đội Vũ Yên - Vũ Lăng - Hoàng Thế Dũng. Trong sổ nhật ký của tôi còn ghi lại những lúc đến với Trung đoàn 102, anh Vũ Yên kể lại chuyện cũ, nhắc lại những ngày tác chiến trong Thủ đô và cuộc rút lui thần kỳ của trung đoàn những người "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Rồi được dự hội nghị kiểm điểm của trung đoàn trong chiến dịch và dự đêm vui của hội nghị hôm 29 tháng 1 năm 1951, nhớ đến bộ ba Yên - Lăng - Dũng đồng ca mở màn bằng - bài ca "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Vũ Lăng "đột kích", kéo tôi ra hát góp vui với bộ đội…

        Sau đó, tôi không đi chiến dịch nữa, mà phải "trấn thủ lưu đồn", ở lại cơ quan làm nhiệm vụ thư ký tòa soạn. Nhưng duyên trời run rủi, anh Vũ Lăng lại lấy cô Hoàng việt Hoa, em ruột vợ tôi. Thế là tôi và anh Lăng ngoài tình bạn, tình đồng chí lại có thêm mối quan hệ "cọc chèo". Do đó mà chúng tôi luôn luôn có dịp liên hệ với nhau, biết được những hoạt động của nhau trong suốt ba mươi năm kháng chiến cứu nước, cả chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 cũng như trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Qua những chiến dịch đó, càng thấy rõ tài thao lược của anh Vũ Lăng. Tôi thoáng nghe có người nói anh Vũ Lăng có tác phong hét ra lửa" đối với cấp dưới; nhưng ngược lại, tôi thấy anh rất thương yêu bộ đội, cán bộ thuộc quyền mình. Như lần tại chiến dịch Hà - Nam- Ninh, nghe tin anh Phúc Ánh hy sinh anh Vũ Lăng đã không cầm được nước mắt thương xót người đồng đội của mình (anh Phúc Ánh hình như lúc ấy là cán bộ chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 102; tôi có quen biết anh từ trước khởi nghĩa). Tôi biết anh Vũ Lăng là một người quả cảm, thẳng thắn, nhưng cũng là người sống rất tình cảm với đồng đội, bất kể là cấp nào. Ngoài ra, anh còn có nhiều quan hệ thân quen với các nhà văn, nhà báo như với các anh Nguyễn Huy Tưởng, Huyền Kiêu, Lưu Trọng Lư mà tôi thường thấy lui tới trò chuyện với anh Lăng. Nhiều ngày 27 tháng 3 năm 1988, tôi vào Bệnh viện 108 thăm anh Vũ Lăng, nằm tại khu A1, phòng 22. Trông anh già sọm đi nhiều quá. Tóc bạc phơ. Trán kín các nếp nhăn hằn sâu. Cái hào hoa của người lính Hà Nội năm 1946 chỉ còn vang bóng. Chúng tôi đã dành hồi lâu để hàn huyên tâm sự với nhau. Tôi không ngờ đây lại là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Anh đi Liên Lô chữa bệnh, và chưa đầy bảy tháng sau, ngày 23 tháng 10 năm 1988, anh Vũ Lăng vĩnh biệt chúng ta. Nhưng sự nghiệp của anh thì mãi mãi còn lại.

        Thượng tướng Vũ Lăng là một trong những vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trải qua kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi chỉ huy bộ đội trên chiến trường cũng như khi giảng dạy học viên trong Học viện Quân sự, đồng chí đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

        Hình ảnh đồng chí Vũ Lăng khắc sâu trong tâm khảm mỗi chúng ta.

Ngày 18 tháng 12 năm 2003       
H.P                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2016, 12:19:42 am »


THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG
VỊ TƯỚNG TÀI NÀNG CỦA ĐẢNG

Đại tá TRẦN BICH1       

        Đồng chí Vũ Lăng, tên thật là Đỗ Đức Liêm, sinh ngày 4 tháng 8 năm 1921, tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, năm mười sáu tuổi, đồng chí làm thợ, sau làm y tá tại bệnh viện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được cử đi học ở trường Quân chính Việt Nam (khóa 5). Tháng 11 năm 1945, theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí tham gia đoàn quân Nam tiến, vào Nam Trung Bộ chiến đấu, được cử làm chỉ đạo viên trung đội, sau đó làm phó ban huấn luyện Khu 6, rồi phó ủy viên quân sự Ninh Hòa. Tháng 6 năm 1946, đồng chí ra Bắc được cử làm đại đội phó bảo vệ Bắc Bộ Phủ (Hà Nội). Trên cương vị mới, đồng chí luôn gương mẫu, lãnh đạo đơn vị một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội, đồng chí đã có nhiều thành tích và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 2 năm 1947.

        Từ năm 1947 đến năm 1954, đồng chí tham gia các chiến dịch Việt Bắc, Sông Thao, Biên Giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà - Nam - Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Trên các chiến trường, với nhiều cương vị khác nhau - tiểu đoàn trưởng, trung đoàn phó, trung đoàn trưởng - đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo chỉ huy các cấp xây dựng đơn vị không ngừng lớn mạnh và chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, lập chiến công xuất sắc trên các chiến trường. Ở vị trí chỉ huy, đồng chí luôn thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo trong hoạch định kế hoạch tác chiến, góp phần vào thắng lợi của nhiều chiến dịch quan trọng. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316.

        Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đầu năm 1956, đồng chí Vũ Lăng được Đảng và Nhà nước cử đi học ở Học viện Bộ Tổng Tham mưu (Liên Xô) mang tên Vô-rô-si-lốp. Đồng chí đã cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Cuối năm 1959, về nước, đồng chí được cử làm Cục phó Cục Nghiên cứu khoa học quân sự (Bộ Tổng Tham mưu).

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, trên các cương vị công tác khác nhau, lúc ở Bộ Tổng Tham mưu, khi ở Bộ Tư lệnh chiến trường, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ quân sự có năng lực tư duy sáng tạo, nhạy bén trong tổ chức chỉ huy và tính quyết đoán chịu trách nhiệm cao trước tập thể, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị. Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1967), đồng chí được Bộ Quốc phòng điều động vào làm Phó Tư lệnh Quân khu 4 (2-1965). Đến với chiến trường đang diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại rất ác liệt của đế quốc Mỹ, đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Tư lệnh quân khu xây dựng phương án tác chiến, đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu danh thắng máy bay và tàu chiến Mỹ. Bên cạnh đó, đồng chí còn cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đào tạo được nhiều cán bộ chỉ huy bổ sung cho chiến trường miền Nam.

        Thực hiện chủ trương của Đảng về kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy cao cấp trong quân đội, cuối năm 1967, đồng chí được Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tin cậy giao trọng trách làm Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến. Trên cương vị công tác ở cơ quan tham mưu chiến lược, với tư duy khoa học, năng động, sáng tạo và dày dạn kinh nghiệm, đồng chí đã đầu tư trí tuệ và có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng các phương án tác chiến, góp phần vào thắng lợi lớn của quân đội ta trên hai miền Nam - Bắc.

        Năm 1974, theo yêu cầu của chiến trường, Thiếu tướng Vũ Lăng được cử vào giữ chức Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Đầu năm 1975, đồng chí là Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, rồi Tư lệnh Quân đoàn 3. Ở cương vị mới trên chiến trường, đồng chí luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, các chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên, giữ vững tính nguyên tắc, chỉ huy bộ đội chiến đấu dũng cảm, lập chiến công xuất sắc. Cùng với tập thể Bộ Tư lệnh chiến dịch, đồng chí dã có những cống hiến xuất sắc trong trận then chốt Buôn Ma Thuột lịch sử.

----------------------------
        1. Đại tá Trần Bích:  Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 01:30:52 am »


        Tiếp đó đồng chí đã chỉ huy Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy, góp phần quan trọng giải phóng Sài Gòn và giải phóng toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

        Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1977, trên cương vị mới là Viện trưởng và Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân, đồng chí đã cùng Đảng ủy và Ban Giám hiệu Học viện lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng học viện đi vào nền nếp và ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Với kinh nghiệm về xây dựng quân đội đã tích luỹ được trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu đào tạo, bổ túc cán bộ trung đoàn và nghiên cứu phát triển khoa học quân sự.

        Đồng chí chỉ đạo biên soạn một hệ thống tài liệu với khối lượng lớn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho công tác huấn luyện của tám chuyên ngành binh chủng lục quân. Những tài liệu của Hội đồng khoa học học viện thông qua có nhiều ý kiến đóng góp và kết luận rất sâu sắc của đồng chí, góp phần rất quan trọng trong nghiên cứu giảng dạy ở học viện và ở các nhà trường quân đội.

        Trong công tác huấn luyện, đồng chí rất coi trọng khâu diễn tập chỉ huy tham mưu, yêu cầu cán bộ chỉ huy phải "đạo theo diễn", nghĩa là đạo diễn theo người tập. Quá trình chuẩn bị diễn tập phải xây dựng nhiều phương án, trong đó có phương án tối ưu. Khi diễn tập, nếu người diễn tập xử lý tình huống không phù hợp, người chỉ huy không được gò ép buộc họ phải theo phương án của mình, mà phải đưa ra những tình huống bổ sung để người tập suy nghĩ, phân tích chọn cách xử trí thích hợp. Trong những năm công tác tại Học viện Lục quân, đồng chí đã đem hết khả năng, trí tuệ của mình cùng với Ban Giám đốc Học viện triển khai nghiên cứu thành công nhiều công trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng có tác dụng thiết thực đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại. Trên cơ sở những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, đồng chí được phong quân hàm Trung tướng năm 1980, Thượng tướng năm 1986 với nhiều huân chương cao quý khác. Thượng tướng Vũ Lăng đã được Nhà nước phong học hàm Giáo sư khoa học quân sự.

        Qua hơn bốn mươi năm liên tục chiến đấu và công tác trong quân đội, trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Vũ Lăng đã thể hiện phẩm chất cao quý của người đảng viên cộng sản, người cán bộ quân đội cách mạng, tuyệt đối. trung thành với Đảng, với nhân dân, dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy trong công tác, được cán bộ và chiến sĩ yêu mến. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Vũ Lăng là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, một vị tướng được trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều cương vị, là cán bộ chỉ huy luôn chịu trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước. Trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, nhất là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên các cương vị được giao, đồng chí luôn bám sát tình hình chiến trường, từng bước tổng kết kinh nghiệm, hoàn chỉnh về lý luận và chỉ đạo tác chiến trong các chiến dịch; đồng thời mạnh dạn đưa ra các phương án đánh địch táo bạo, bất ngờ đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch nói riêng của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

        Đồng chí đã cùng với Ban Giám đốc Học viện có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực lý luận, tư duy mới về nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ; các quan điểm nhiệm vụ xây dựng quân đội, quân sự, quốc phòng, từng bước xây dựng học viện vững mạnh toàn diện. Trong công tác, đồng chí luôn bám sát thực tiễn, đơn vị, nhà trường, thao trường, kiểm tra, đôn đốc, chân tình chỉ bảo, giúp đỡ, biểu dương, phê bình cấp dưới kịp thời. Đồng chí đã có nhiều chỉ thị, hướng dẫn quan trọng về đổi mới công tác giáo dục, huấn luyện bộ đội xây dựng chính quy. Đến nay, những nội dung đó học viện đang tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và tư duy nghiên cứu khoa học quân sự sắc sảo, năng động, những năm công tác ở Học viện Lục quân, đồng chí đã cùng Đảng ủy và Ban Giám đốc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng học viện trở thành cơ sở đào tạo bổ túc cán bộ quân sự có trình độ đại học và sau đại học, một trong những trung tâm nghiên cứu quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đánh giá về vai trò của Thượng tướng Vũ Lăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: "Đồng chí Vũ Lăng không những là vị tướng quân sự giỏi, mà còn là nhà nghiên cứu khoa học quân sự sắc sảo, trí tuệ sáng tạo, quyết tâm cao, bất cứ trong hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

        Thượng tướng Vũ Lăng đã có nhiều công lao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Là một vị tướng có uy tín trong quân đội, công lao và những thành tích xuất sắc của Thượng tướng đã được Đảng, Nhà nước và quân đội ta ghi nhận. Lịch sử mãi mãi ghi đậm hình ảnh một vị tướng tài về quân sự, nhà nghiên cứu khoa học quân sự giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam.

T.B       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2017, 09:17:51 am »


CÁN BỘ ĐẠI ĐOÀN 316 VIẾT VỀ THỦ TRƯỞNG VŨ LĂNG

        Lê Quang Tuấn        

        Tôi biết anh Vũ Lăng khi thay anh Ngô Tử Vân làm Trung đoàn trưởng. Chỉ biết thôi cũng chưa được tiếp xúc nhiều Đến chiến dịch Tây Bắc, trận Bản Mo, anh Y đi trinh sát về báo cáo, anh Vũ Lăng chưa hài lòng, anh gạt đi và đích thân cùng anh em đi trinh sát lại đồi Bản Mo, vào đến tận nơi sờ được hàng rào thứ nhất. Tôi mới nghĩ: "À, ông Trung đoàn trưởng này có khác. Trực tiếp quan sát xem cách lô cốt thứ nhất của nó bao nhiêu mét làm căn cứ để tính toán bắn  ĐKZ". Chính nhờ lần trinh sát thứ hai mà đánh Bản Mo rất nhanh, chưa đầy một tiếng đồng hồ.

        Sau trận Bắc Ninh, trung đoàn coi như tan tác không biết bao giờ mới củng cố lại được. Vậy mà trong thời gian ngắn đã chiến thắng Bản Mo, nâng cao tinh thần anh em lên rất lớn, do anh Vũ Lăng là người rất sâu sát. Đấy là ấn tượng thứ nhất về anh Vũ Lăng.

        Khi đánh đồi C1 ở  Điện Biên Phủ, Trung Quốc viện trợ cho mình phóng lôi là loại bộc phá phá hàng rào. Tiểu đoàn chúng tôi là tiểu đoàn chủ công đánh đồi C1. Lúc đó tôi là đại đội trưởng đại đội 36 của tiểu đoàn, ông giao nhiệm vụ: "Bây giờ các cậu thí nghiệm bắn phóng lôi". Lúc bấy giờ chỉ quen bắn cối 60mm, không bắn gì khác. Tôi ở Trung Quốc về cũng hơi biết một chút tiếng Trung Quốc, tôi đọc tài liệu, tôi đề xuất phương án bắn cách xa cỡ một hai trăm mét, cách xa hơn không được. Tôi đề nghị tập trung cho tôi toàn bộ súng cối 60mm của trung đoàn gồm mười hai khẩu. Tôi bố trí bắn hai đợt. Hầu như phóng lôi bắn tan hoang hàng rào, có thể hai xe tải Mô-lô-tô-va1 tiến thẳng vào được, nên đánh rất nhanh, chỉ mấy phút đồng hồ đã phá xong, vào được lô cốt số 1 chỉ hết bốn mươi lăm phút đồng hồ. Chúng tôi chưa kịp rút quân đã nghe điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống tặng Huân chương Quân công hạng ba cho Trung đoàn 98 vì đã giải quyết C1 .

        Khi về, anh Vũ Lăng gọi tôi lên sở chỉ huy sư đoàn.

        - Vào đây! Vào đây! Hôm nay "vu"2   (cậu) bắn khá lắm! ông mở đồ hộp chiêu đãi cà phê, rượu "rum" của Pháp, nói tiếp:

        -Cậu phải về làm báo cáo để tớ báo cáo sư đoàn, để phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị sử dụng phóng lôi.

        Đến năm 1989, năm 1990 gì đấy, tôi ở Viện Lịch sử quân sự trong Nam rồi. Anh Vũ Lăng đến làm việc, tôi hỏi:

        - Anh có nhớ tôi không? Mấy chục năm trước anh có bảo tôi: "vu"  bắn khá lắm, anh nhớ không?

        - À,  mày bắn phóng lôi, tao nhớ rồi.

        Từ năm 1953 đến năm 1990, gần bốn mươi năm mà anh vẫn nhớ.

        Còn một kỷ niệm nữa ở Điện Biên Phủ. Lúc đó trung đoàn tổ chức súng cối về một đơn vị, thành mấy trận địa. Đơn vị tôi nằm ngay trên đồi C1. Địch thả dù thực phẩm, chúng tôi cũng lượm được. Anh Vũ Lăng lệnh cho hậu cần.

        Bên đó nói:

        - Tớ hết quân rồi, các cậu chuyển hộ.

        -Các anh có đơn vị tải thương mà sao hết quân?

        - Hết thật rồi.

        Anh Vũ Lăng lệnh thùng nào vỡ thì cho anh em, cái nào lành thì đưa về. Mỗi anh em cũng được mấy hộp để dưới hầm. Có lệnh báo trung đoàn sẽ kiểm tra trận địa.

        Tôi bảo:

        - Thôi chết rồi.

        Xưa nay ở chiến trường ở nơi giáp địch như thế, ít khi có trung đoàn trưởng nào lại đến sát đồn địch, giỏi lắm chỉ cấp tiểu đoàn đến thôi, cách địch có ba bốn chục mét, lại giữa ban ngày ban mặt. Ai ở C1 rồi đều biết đường đi lên C1 nó bắn dữ dội liên tục, một đồng chí cấp dưỡng đơn vị chúng tôi gánh cơm lên đồi C1 đã bị nó bắn hy sinh mất xác, coi như đi qua cửa tử. Thế mà trung đoàn trưởng dám lên thì có tác dụng động viên anh em rất lớn. Tôi nhắc anh em:

        - Cất giấu chiến lợi phẩm cẩn thận, ông ấy kiểm tra thấy thừa ra là kỷ luật nặng đấy.

        Lúc kiểm tra xong, ông vào ngồi ở hầm chỉ huy, bảo:

        - Này các cậu có tút thuốc lá nào đem ra chiêu đãi Trung đoàn trưởng đi !

        Chúng tôi báo cáo:

        - Lệnh trên mỗi người, và hai người mới được một hộp, lấy đâu ra.

        Ông bảo :

        - Thôi đừng che mắt thánh. Moi ra! Moi ra!

        - Đây là những cái vỡ…

        Chúng tôi nói vỡ là vỡ những cái lớn, rồi lấy ở dưới sàn ra. Ông chỉ nói:

        - Các anh là ghê lắm đấy nhớ!

        Ông chỉ nói thế thôi, chẳng có kỷ luật gì cả, thông cảm với anh em ở sát địch, chẳng biết sống chết lúc nào. Cái chính là ông kiểm tra trận địa xem bố trí thế nào, chứ không phải kiểm tra về ăn uống. Anh Vũ Lăng là con người rất sâu sát. Thời chống Pháp, Trung đoàn trưởng lên sát địch như thế phải nói là đếm trên đầu ngón tay, làm cho anh em ở dưới cũng phải sâu sát hơn. Nghe nói anh ấy nóng, nhưng tôi chưa trực tiếp bị anh ấy nóng lần nào. Thấy tôi đối với anh em thoải mái, đánh thắng xong, ông chiêu đãi cho anh em đánh chén luôn. Không phải ông là con người quá gắt gao như người ta thường nghĩ, mà rất tình cảm. Tôi cũng đi đóng kịch như anh Phúc. Một lúc ông ấy thông báo hai đại đội trưởng đi đóng kịch. Tôi báo cáo lên tiểu đoàn. Tiểu đoàn bảo: Trung đoàn chỉ đích danh cậu phải đi!

-------------------------
        1 "Mô-lô-tô-va", đọc phiên âm theo tiếng Nga, ký hiệu ô tô tải do Liên Xô sản xuất mang tên Mô-lô-tốp, nhà ngoại giao Liên Xô.

        2. Tiếng Pháp đọc là "vu": ngôi thứ hai số ít.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM