Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:56:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ một quyết tử quân  (Đọc 20405 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:46:17 am »


        Bom nổ đằng sau, bom nổ đằng trước. Mặt đường sáng như ban ngày. Đường đoạn này thẳng và trống trải, hai bên đường lúa đang thì con gái xanh rờn. Lái xe tăng tốc định chạy nhanh kịp đến chỗ rừng thông tìm chỗ ẩn nấp. Tiếng máy bay lao xuống ràn rạt. Tôi nhìn mặt đồng hồ: kim đã chỉ hết số "110 km/h ", chưa bao giờ tôi ngồi trên xe chạy với tốc độ lớn đó. Bánh xe không bén mặt đường, xe chạy như bay. Một tiếng bom nổ gần phía sau. Lái xe hơi hoảng, tay lái ngoằn ngoèo... Thế là xe bay luôn xuống ruộng! Tất cả đều văng ra khỏi xe: cả người, cả ba lô, cả mấy quả mít. Chúng tôi lóp ngóp trong bùn nước tìm gọi nhau. Vẫn đủ cả nguyên vẹn tay chân. Không ai hề hấn gì. Xe ôtô vẫn đứng nghiêm, bốn bánh ngập trong bùn giữa ruộng. Mất mục tiêu, máy bay cũng mất hút. Bầu trời yên ắng. Phía biển bắt đầu rạng đông. Lái xe lên thử máy. Máy vẫn nổ ròn. Chỉ cần xe không hư hỏng, chạy tốt là không khổ rồi!

        Chúng tôi chia nhau một tốp vào làng xa đường gần cây số kiếm lá ngụy trang xe. Số còn lại cùng lái xe tìm cách cho xe lên mặt đường. Chật vật rồi cũng xong, may là nhờ có tiểu đội bộ đội địa phương đi tuần tra về qua hỗ trợ. Đã sáng rõ mặt người. Chúng tôi chạy ra phía rừng thông Hoàng Mai giấu xe. Nghỉ ngơi, chia nhau đi nấu ăn, phơi phóng quần áo, giấy tờ, làm sạch bùn dính ba lô và cả mấy quả mít. Bảo đừng mó tay, thế mà vẫn phải mó tay vào mấy quả mít!

        Tối hôm ấy chúng tôi về đến Hà Nội an toàn. Mít được chuyển đến cho cô Hoa. Từ bấy đến nay tôi chưa bao giờ hỏi và kể chuyện "Tình sử quả mít" ấy cả. Nếu biết, chắc khi ăn, ngoài hương vị tình yêu của anh Vũ Lăng chồng chị, chị cũng nhận ra còn có cả hương vị tình bạn mới làm nên quả mít ngọt ngào ấy.

        4. Bẵng đi mười năm. Sau giải phóng miền Nam, tôi gặp lại anh Vũ Lăng. Năm 1976, anh trở về làm Viện trưởng Học viện Quân sự Đà Lạt. Tôi đang làm giáo viên Khoa Trinh sát của học viện. Gặp tôi, anh ngờ ngợ một lát rồi nhận ra ngay. Anh bắt tay:

        - Cậu ở đây lâu chưa?

        - Báo cáo anh đã mười bốn năm.

        - Thế thì quý lắm đó!

        Học viện đang lâm vào tình trạng dao động: Xây dựng Học viện ở Đà Lạt hay lại ra Hà Nội? Tất cả các giáo án, tưởng định bài tập, thao trường cho đến đối tượng tác chiến đều phải nghiên cứu lại, sửa lại, làm mới. Sự có mặt của anh Vũ Lăng chẳng những đã ổn định tư tưởng cho lớp cán bộ kỳ cựu của học viện, mà còn ổn định dần nền nếp công tác, cơ sở huấn luyện của học viện. học viện Quân sự Đà Lạt mở thêm cơ sở phụ ở Long Bình - Sài Gòn. Chúng tôi gặp mặt làm việc trực tiếp với anh Vũ Lăng thường xuyên. Dần dần tôi nhận ra những điều anh em nói về anh không có gì quá đáng. Anh đã từng qua các cương vị lớn như: Cục trưởng Cục khoa học quân sự, Cục trưởng Cục Tác chiến, đã chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn,quân khu... Anh là Tư lệnh Quân đoàn 3 trên một hướng tiến công giải phóng Sài Gòn mùa Xuân năm 1975. Nay anh trở về làm Viện trưởng, Giám đốc Học viện Quân sự thì quả là sau anh Hoàng Minh Thảo, không ai có thể hơn anh về cương vị này. Tôi cũng thấy được cái tính dễ nổi nóng của anh. Trong những buổi họp thông qua bài giảng, tưởng định, bài tập..., anh thường truy hỏi giáo viên chuẩn bị còn sơ hở sai sót. Anh hay lướt lại vấn đề để xem giáo viên có nắm vững không. Bởi thế nhiều giáo viên luống cuống toát mồ hôi là phải! Cộng với vẻ mặt lúc nổi nóng trong cũng dữ tướng "Lăng xồm, thì ai yếu bóng vía cũng hãi là phải! Có một thủ trưởng "hắc" trong công việc như Lăng mới làm cho mỗi chúng tôi phải động não, phải cố nâng cao trình độ, đổi mới hàng ngày. Đây là ý đồ của anh Vũ Lăng khi nổi nóng. Qua thái độ không thành kiến của anh, đó là một "nổi nóng vô tư". Làm việc với anh quen dần, chúng tôi đều nể trọng và quý mến anh. Dưới thời anh Vũ Lăng, tôi đã từng thông qua giảng mẫu, trình bày phương án đánh địch, phương án trinh sát trước Giám đốc Học viện Vũ Lăng. Tôi cũng bị anh "vặn hỏi". Như một học viên tự tin trong sát hạch vấn đáp, tôi trả lời bình tĩnh và trôi chảy, chưa phải để anh nổi nóng nặng lời. Trong con mắt anh Vũ Lăng, có lẽ tôi được xếp vào loại một trong những giáo viên có tay nghề ổn định, nên anh có vẻ có thiện cảm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:47:20 am »


        5. Một chiều Đà Lạt, tôi đang dạo bước trước khu ở của giáo viên qua khu hiệu bộ ra khu biệt thự của Ban Giám đốc học viện. Có những chiều thứ bảy, nhớ Hà Nội, nhớ nhà tôi thường một mình đi như thế. Dọc đường, qua các dãy bờ rào, vườn hoang, gặp những bông hoa dại xinh xinh, tôi hái về cắm lọ để bàn. Tôi ưa thích những bông hoa dại, những bông hoa bé nhỏ ngây thơ như chẳng biết mình cũng là hoa đẹp. Tôi ngắm nhìn những vòng hoa bìm bìm leo quanh các vòng dây thép gai, từng vòm lá xanh hoa tím nở đều đặn.

        Đang "thơ thẩn", trước sân hiệu bộ rộng mênh mông, thì gặp chị Hoa. Đã lâu lắm, dễ đến mười lăm năm, mới lại gặp chị, tôi rất mừng. Chị cũng mừng, thân thiện khoác tay tôi, vừa đi vừa nói chuyện:

        - Anh ở đây à?

        - Vâng, là giáo viên Khoa Trinh sát, chị vào khi nào vậy ?.

        - Mới hôm qua.

        - Trông chị hơi đẫy người hơn, chứ không khác xưa mấy. Chị làm tôi bất ngờ quá. Trông chị vẫn xinh đẹp như xưa, tôi không nịnh chị đâu!

        - Thế là anh có nịnh rồi!

        - Nịnh đúng thì không phải là nịnh, người ta bảo thế.

        Chị cười.

        - Chị có định vào ở hẳn Đà Lạt không?

        - Để xem đã, Đà Lạt thì có lẽ không, nhưng có lẽ vào Sài Gòn. Trên này rét quá mà buồn quá.

        - Đúng như vậy, tôi ở đây đến năm thứ hai mươi hai rồi mà vẫn thấy rét, thấy buồn, nhớ Hà Nội lắm, chỉ muốn ra thôi?

        - Bây giờ anh đi đâu?

        - Tôi về Khoa giáo viên.

        - Tôi xuống thăm chỗ các anh ở luôn.

        - Thế thì tốt quá!

        Nhiều anh em giáo viên biết chị đều đến thăm hỏi chị tíu tít. Từ khu ở của giáo viên qua hiệu bộ đến nơi Ban Giám đốc ở cách xa nhau gần cây số. Tôi tiễn chị Hoa về. Thấy anh Vũ Lăng đứng ở cổng, tôi mau mồm:

        - Chị lạc xuống khu giáo viên, tôi đưa về trả anh đây!

        Anh cười :

        - Cám ơn, vào nhà uống nước đã.

        - Tôi đã xong nhiệm vụ, anh cho phép tôi về luôn để chuẩn bị tối còn sinh hoạt.

        - Thế thì cậu về, hôm nào rỗi tới chơi nhé .

        Anh bắt tay, chị Hoa cũng bắt tay tạm biệt.

        Từ đó, tôi thấy ở anh Lăng một người bạn.

        6. Cuối năm 1978, tình hình trong nước ta rất căng thẳng. Đòn tiến công làm sụp đổ chế độ Pôn Pốt ở Phnôm Pênh khiến nhiều người chịu không nổi. Chiến tranh chắc sẽ xảy ra ngày một, ngày hai. Theo lệnh của Bộ, học viện cử một đoàn giáo viên có kinh nghiệm ra Bộ gấp, giúp Bộ xây dựng bài tập chiến dịch phòng thủ - tiến công của lực lượng bảo vệ biên giới phía Bắc. Chúng tôi ra đi từ giữa tháng 11 năm 1978. Trong số hơn hai mươi cán bộ giáo viên ra Bộ công tác, có tôi. Anh Vũ Lăng gặp đoàn, dặn dò công việc, gợi ý một số phương án tiến công của đối phương, phương án tác chiến và sử dụng lực lượng của ta. Anh dặn:

        - Phải suy nghĩ cho sát thực tế chiến đấu. Thế nào hướng tiến công chủ yếu cũng sẽ là Cao Bằng - Lạng Sơn, sử dụng rất đông quân. Phải dùng các chót chặn cầm chân tạo điều kiện cho các lực lượng tiêu hao địch. Chú ý mũi vu hồi lớn và sâu của đối phương có thể nhiều sư đoàn. Ta cần chọn đúng hướng phản công lớn có thể tiêu diệt gọn từ một đến hai sư đoàn thậm chí đến cả quân đoàn, buộc chúng không thể tiến sâu sợ đội hình bị kéo dài, khó tiếp tế, dễ bị chia cắt tiêu diệt từng bộ phận. Tổ tiên ta đã từng chém Liễu Thăng ở Chi Lăng, đánh cho Thoát Hoan chui ống đồng tháo chạy1. Lần này ta cũng phải cố làm được như thế! Công tác rất khẩn trương. Phải giúp Bộ và các đơn vị tập huấn và diễn tập thật tốt. Tất cả được đi máy bay ra Bộ cho kịp.

        Dưới sự chỉ đạo của Bộ, chúng tôi nghiên cứu thực địa, xây dựng phương án diễn tập và tập bài, tham gia tập huấn và diễn tập cho các đơn vị, kéo dài cho đến giáp Tết mới xong. Bộ cho phép chúng tôi nghỉ về sau cùng. Do có việc nhà cần ở lại thêm năm ngày, biết anh Vũ Lăng đang có mặt tại Hà Nội, tôi đến gặp anh tại nhà riêng tại Lý Nam Đế. Nghe tôi trình bày xong, anh nở nụ cười đôn hậu:

        - Ừ cho cậu ở lại hẳn một tuần. Nhưng đừng nói cho ai biết mình cho cậu ở lại về sau nhé !

        Tôi cũng khẽ cười theo anh, và lại biết thêm con người Vũ Lăng: một con người tình nghĩa, đôn hậu.

        Tôi rời Hà Nội trên chuyến bay sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, cùng ngày biên giới phía Bắc bị tiến công. Thế là bài tập cũng được đem ra thực hành! Lại một cuộc chiến tranh nữa đổ xuống đầu nhân dân Việt Nam ta! Tâm trạng cán bộ giáo viên chúng tôi lúc ấy thật khó tả: Muốn được có mặt tại chiến trường. Muốn ra các đơn vị chiến đấu.

-------------------------
        1. Để tôn trọng tác giả cũng như tôn trọng lịch sử, chúng tôi xin được để nguyên văn.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:47:14 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:46:48 am »


        7. Tháng 3 năm 1979, theo lệnh của Bộ, học viện cử một số cán bộ ra tăng cường cho Quân đoàn 7 mới thành lập của Bộ. Tôi được quyết định ra làm Trưởng phòng quân báo quân đoàn. Được ra đơn vị chiến đấu, chúng tôi vô cùng háo hức nhận lệnh đi gấp. Tôi không ngờ cuộc đời giáo viên ở học viện tính vừa tròn mười bốn năm lại được kết thúc nhanh gọn như thế. Cứ như mơ!

        Anh Lăng gặp mặt anh em, như thường lệ, anh dặn dò:

        - Phía bắc ta có Quân đoàn 1, Quân đoàn 2. Quân đoàn 3 ở Cam-pu-chia, Bộ đã điều ra, chỉ để lại Quân đoàn 4 ở biên giới Tây Nam. Nay, Bộ xây dựng thêm Quân đoàn 7 để tăng cường sức mạnh dự bị chiến lược. Trong chiến dịch phản công, đòn quyết định ta có thể tung ra một lúc hai đến ba quân đoàn, tạo thành một quả đấm mạnh diệt gọn từ hai sư đoàn đến một quân đoàn địch. Ra đơn vị phải chú ý vận dụng lý luận trường lớp với thực tế cho nhuần nhuyễn. Anh em phải đoàn kết với nhau làm việc, không để hổ danh là "Thầy" ở Học viện Quân sự.

        Có chụp ảnh chung, có liên hoan tạm biệt. Ngày mai tôi sẽ ra khỏi Đà Lạt, để lại sau lưng thành phố sương mù -Thành phố Hoa - và cả Học viện rộng bát ngát bên hồ "Thở than"... Ra đi, mang theo cái sự nghiệp mười bốn năm giáo viên học viện mà lòng buồn như vương vấn... Tôi muốn tự mình gặp chào tạm biệt anh Vũ Lăng, bằng hành động này thầm cám ơn anh đã cho tôi ra đơn vị. Buổi trưa, tôi chào tạm biệt anh tại nhà ở Ban Giám đốc. Lại gặp chị Hoa đang ở thăm anh. Có lẽ hai người có "hội ý" với nhau, anh mời tôi chiều lên ăn cơm cùng vợ chồng anh. Chiều hôm ấy, trong bữa cơm chỉ có ba người, anh Vũ Lăng rót rượu ra mấy cái ly nhỏ, cùng nâng cốc chúc sức khỏe. Chị Hoa ân cần tiếp thức ăn cho tôi. Anh còn hói tôi có ý kiến gì trước khi đi xa học viện không. Tôi nhớ mình đã hăng hái nói với anh rằng:

        - Nguyện vọng thứ nhất là nâng cao trình độ kiến thức cho giáo viên cả chiều rộng, chiều sâu. Hiện nay quá nửa số giáo viên trình độ văn hóa không được cơ bản, đến viết còn lỗi ngữ pháp và chính tả nói gì đến các chuyện khác. Đã làm thầy phải mẫu mực, phải đáng bậc thầy. Tôi nghĩ hàng năm nên có một đến hai tháng nghỉ hè, hai tháng tập trung học theo chương trình nâng cao, ai chưa học cho nợ. Cứ hai đến ba năm có một đợt kiểm tra sát hạch cấp bằng hoặc chứng chỉ, kèm nâng lương, nâng bậc, phụ cấp khuyến khích. Làm được như thế cần có một ban hay nhóm "trí thức quân sự" hàng đầu giúp Ban Giám đốc thì chỉ trong vòng sáu, bảy năm sẽ có chuyển biến lớn trong đội ngũ giáo viên. Thứ hai là món ngon ăn mãi cũng chán. Bài bản lên lớp lặp đi lặp lại năm này qua năm khác thì thầy dễ làm biếng mà trò thì chán. Nguyện vọng của tôi là cải tiến phương pháp dạy và học, lấy phương pháp học viên tự học, tự nghiên cứu, tự thuyết trình là chính, giáo viên hướng dẫn, lên lớp là phụ, rất phụ. Có thế mới tránh được lối mòn khuôn sáo... Cuối cùng là chúc anh cùng Ban Giám đốc và toàn thể Học viện ta luôn mạnh khỏe, đạt được nhiều thành tích.

        Anh Vũ Lăng chậm rãi:

        - Ừ ý kiến cậu đúng hướng đấy. Đội ngũ giáo viên là quyết định chất lượng đào tạo các thế hệ cán bộ cho đơn vị. Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Đó là quy luật - Anh cười khẽ và nói tiếp - Thế chuyến này ra quân cậu có tâm tư gì không?

        - Dạ có, rất phấn khởi. Quân đã rút rồi không dễ gì lại đánh lại Không có chiến tranh thì tốt hơn, song nếu bị tiến công nữa, chắc chắn ta sẽ thắng to anh ạ! Tôi hiểu rằng ta phải luôn sẵn sàng!

        Tôi thực sự cảm động trước tình thân mến của anh chị Vũ Lăng dành cho tôi trong bữa cơm gia đình để chia tay với tôi hôm ấy. Qua cung cách tiếp đãi của chị, qua ánh mắt và nụ cười của anh lúc trò chuyện với tôi, tôi nhận ra Vũ Lăng là một con người bình dị và giàu tình cảm biết bao. Con người như thế thì không bao giờ xơ cứng được. Trong tình cảm từ đáy lòng mình, anh Vũ Lăng vừa là cấp trên, là thầy, là bạn, là anh em thân thiết... Tất cả hòa trộn với nhau khó có thể tách riêng ra được.

        Từ đó đến ngày anh ra đi mãi mãi, tôi không gặp anh nữa. Tin anh mất làm tôi bâng khuâng mãi mỗi khi nhớ đến anh. Đến bây giờ cũng vẫn còn cảm giác đó. Những gì tôi có về anh, tôi nhớ về anh, tuy ít ỏi như tôi đã kể, cũng đủ để anh còn mãi trong lòng tôi.

        8. Một ngày giữa tháng 10 năm 1993, quả đất xoay tròn thế nào mà tôi lại gặp chị Hoa của anh Vũ Lăng tại Thanh Xuân, Hà Nội. Chị đến thăm chị Lợi bạn thân của chị từ hồi chiến khu Việt Bắc. Vợ chồng tôi cũng là bạn của anh chị Lợi, nhà ở gần nhau. Qua chị Lợi, phát hiện ra tôi ở gần, thế là chị bắt chị Lợi đưa đi thăm tôi.

        Tôi xuống đường đón chị. Chị vừa đến. Gặp chị tôi hơi ngỡ ngàng. Ở tuổi gần bảy mươi, người chị đẫy ra, nước da Sài Gòn rám nắng, chị mang kính màu, tôi nhận ra chị nhờ nụ cười. Tôi vừa mừng, vừa cảm động, mở rộng vòng tay ôm chị, tôi nhận ra tình cảm quen thuộc của mình, tôi đã nhìn thấy anh Vũ Lăng trong chị. Qua chị mà tôi yêu quý anh Vũ Lăng, rồi qua anh Vũ Lăng mà tôi yêu quý chị. Đó là tất cả những gì mà con người Vũ Lăng, tuy đã ra đi vẫn còn mãi để lại và đọng mãi trong tôi.

L.N                   
Thanh Xuân Bắc           
Xuân Canh Thìn 2000           
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:54:16 am »


ĐÓN GIAO THỪA TRONG SỞ CHỈ HUY

Đại tá NGUYỄN CẦN         

        19 giờ ngày mồng một Tết, tôi đang phân vân muốn đến chúc Tết Tư lệnh Vũ Lăng vào buổi tối không biết có thuận không. Trôi qua ngày đầu Xuân thì không phải đạo. Đến vào buổi đêm có thể phiền thượng cấp. Dầu sao, đã có lời chúc Tư lệnh trên điện thoại. May quá ! "có điện trực tiếp của Tư lệnh triệu tập", đinh ninh có điều gì bị "sửa gáy". Tôi vội vã lấy sổ và mang theo bản đồ công tác. Một vấn đề cần phải báo cáo ngay là điện của Bộ Tổng Tham mưu thông báo: "Quân chủng Phòng không - Không quân tăng cường cho sở chỉ huy phòng không chiến dịch một đoàn cán bộ và một đại đội do đồng chí Nguyễn Luân chỉ huy đã lên đường vào Tây Nguyên".

        Lòng vui mà lo nhiều hơn, vì Tư lệnh đã trực tiếp gọi điện thoại là có chuyện.

        Tư lệnh đón chúng tôi từ ngoài hiên. Nhìn Tư lệnh mặc quần áo "hơi sang", bộ râu đã cạo sạch trẻ lại như thanh niên sung sức. Tư lệnh bắt tay từng người nói với âm điệu hoan hỷ:

        - Hãy dành cho chúng mình đôi chút thư thái. Phong lan Nguyễn Cần1 tặng hôm trước đẹp tuyệt vời, nở trúng dịp Tết. Đúng là hoa lan tai trâu đấy - Vừa nói, anh vừa chỉ chùm hoa lan nở rộ, hương tỏa dịu.

        Tư lệnh là một người sành hoa. Đi trinh sát hướng Nậm Lia gặp rừng phong lan, Tư lệnh hái nhặt chùm này, lại bỏ chùm kia. Gặp từng loại, anh giảng giải cho bọn tôi như một nhà khoa học thực thụ. Anh dùng tên khoa học phân biệt chủng loại.

        - Hà Nội không thể có vườn phong lan này được. Tìm cách nào cho nó hành quân theo, mình gom dần sẽ đứng đầu bảng. Hiện giờ chỉ thua vườn phong lan của Nguyễn Cần. Chọn thời cơ, tôi "xọc ngang" nhắc tên chị Hoa (vợ anh):

        - Thưa anh... vẫn không bằng "Hoa Hà Nội" được.

        Lừ đôi mắt, anh nhìn tôi không trả lời. Mời chúng tôi ngồi quanh bàn, tự tay anh pha nước mời khách rất thân tình. Đầy đủ phong cách người Tràng An. Mở gói mứt sen, mứt thập cẩm, mứt gừng, anh mời từng người thưởng thức hương vị Tết. Tất cả chúng tôi đều biết gói quà hôm trước chị Hoa nhờ anh Lê Ngọc Hiền mang vào. Gói quà vẫn giừ nguyên tem, hôm nay mới mở.

        - Dành thết các bạn. Thoải mái với nhau nhé .

        Tướng Vũ Lăng gọi chúng tôi đến chia "lộc". Không khí ban đầu cởi mở làm cho tất cả phấn khởi, nguồn vui tăng dần. Anh tuyên bố:

        - Hôm nay không phải ngày làm việc, các vị "Tư lệnh" (anh vẫn thường gọi cán bộ đầu ngành binh chủng là Tư lệnh) đặt bản đồ sang bàn bên, vui Xuân với tôi.

        Nguyễn Quýnh, Chủ nhiệm pháo binh với chai rượu định mở nút, chủ nhân giành lại quyền chủ động rót rượu mời tất cả nâng cốc:

        - Chúc sức khỏe, chúc Xuân chiến thắng.

        Lời chúc đầy tự tin mà sôi động.

        Cơ quan và Tư lệnh phó chiến dịch Vũ Lăng đang làm khâu tổ chức hiệp đồng đánh "MTA"2, tôi gợi sáng kiến:

        - Chúc rượu hiệp đồng tác chiến.

        Tất cả hiểu ý ngay - tán thành chúc theo phương án hiệp đồng tác chiến trên bàn Tư lệnh. Những tiếng cười vang lên.

        Anh Vũ Lăng nâng cốc: "Giờ G bắt đầu".

        Chủ nhiệm công binh thò tay nhón mứt sen, miệng hô: "Công binh mở đường".

        Chủ nhiệm xe tăng chọn miếng sô-cô-la hô tiếp: "Tắc - bùng - xe tăng diệt hỏa điểm".

        "Pháo binh bắn thử" - Anh Quýnh nhặt ba loại kẹo - có ý thực hiện theo chỉ tiêu phát thứ ba pháo binh bắn trúng mục tiêu.

        "Bắn cấp tập" - Anh Lăng hạ lệnh.

        Tiếp đó, chủ nhân hô: "Cấp tập hai" - rượu lại rót - cốc phạm cốc.

        Chủ nhiệm công binh phát hiện "nghệ thuật" làm động tác giả nhiều hơn "thực ẩm" đã xoay về phía tôi tiến công:

        - Không thấy cao xạ bắn?

        - Thưa rằng, giờ G có thể 02 đến 04 giờ, sương mù không có máy bay, cao xạ bắn ít, trúng nhiều.

        Tôi đã chủ tâm chuyển sang phía anh Lăng nhằm chọc "trúng huyệt". Sự thể là hôm một cán bộ tham mưu từ Bộ vào đưa một phong bì "mệnh lệnh tác chiến" - còn giúi vào túi Tư lệnh Vũ Lăng hai phong bì. Ai cũng nhìn thấy đều hiểu là Tư lệnh đã nhận thêm một bức thư cuối năm của "lệnh bà".

        - Một người duy nhất chỉ có anh Lăng nhận được bức thư hồng chúc Tết Xuân chiến trường.

        - Xin được nghe đọc thư của phụ nữ buổi đầu Xuân thì còn tuyệt hơn hương vị phong lan.

        Chủ nhân chủ động "mời cà phê" và cũng chấp nhận lời thỉnh cầu. Nhấc gọng kính, anh gật gù đọc mấy câu thơ:

                                 Xuân sắc muôn mầu náo nức tươi
                                 Gió như ngừng thổi, nước ngừng trôi.
                                 Hồn em ngây ngất trong say đắm
                                 Ôm ấp tình xuân, trước gió cười

        Tưởng là thơ chị Hoa gửi, mọi người rộn lên tiếng khen. Tư lệnh như đang say đắm với hương vị  Xuân, anh đọc tiếp :

                                 Thời gian hỡi, ngừng bay theo gió
                                 Hãy khoan trôi, Xuân thắm của đời ta

        Tư lệnh vừa ngừng, tiếng cười lại rộn lên.

        Tôi phát hiện ra đó là đoạn thơ trích của nữ thi sĩ Vân Đài.

        - Thơ của Vân Đài, không phải thơ của "người phương xa" chúc Xuân chiến trường. Tư lệnh đã chuẩn bị trước, đối phó tình huống dự kiến xảy ra.

        - Thằng ranh, nhà thơ Vân Đài cũng là phụ nữ chứ.

        Buổi vui không muốn dừng, chúng tôi ai cũng phấn chấn quên đi những mệt nhọc cuối năm. Trước khi ra về, anh Vũ Lăng khuyên chúng tôi phải tự bố trí đêm nay dành cho đôi mắt giấc ngủ ngon.

        Biết bao nhiêu ấn tượng buổi đầu Xuân. Chúng tôi chia tay vội vã trở về cơ quan, chong đèn soát xét lại công việc tiếp tục chuẩn bị cho giờ nổ súng nay mai.

N.C       

------------------------------
        1. Nguyễn Cần: Nguyên Chủ nhiệm phòng không chiến dịch Tây Nguyên (3-1975).

        2. "MTA": Mật danh của Buôn Ma Thuột.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2016, 12:57:58 am »


ÔNG LIÊM HÀN SÌ

Thiếu tướng TRẦN VĂN GIANG Phó đô đốc Hải quân.         

        Tôi gặp anh Vũ Lăng từ rất sớm, tháng 10 năm 1945 tại lớp quân sự ở Việt Nam Học xá do đồng chí Trần Tử Bình làm hiệu trưởng. Khi vào tuyển sinh, tôi thấy một thanh niên râu xanh, mắt sâu, da đen sém chen sau lưng tôi hỏi: "Cậu Việt Minh vùng nào?". Tôi đáp: "ở Hải Dương".

        Khi tôi vào vấn đáp, giáo viên hỏi hoạt động của Việt Minh, tôi nghe sau lưng: "ái cha cha chết thật". Thì ra tiếng của anh Vũ Lăng. Khi giáo viên hỏi hoạt động trong nông dân, ngày 3 tháng 8 thì khẩu hiệu là gì, tôi đáp: "Khẩu hiệu là chống sưu chống thuế". Tôi lại nghe Vũ Lăng thốt lên:"Cậu này giỏi". Từ đó chúng tôi làm quen và thân nhau, thường đãi nhau bún bò của bà bán hàng người Huế. Thời trai trẻ, anh Vũ Lăng rất vui vẻ nghịch ngợm. Anh thường lên sân khấu đóng vai Hàn Xì - đã râu quai nón lại ria mép vểnh ra, anh diễn kịch rất giỏi. Sau lớp đi Nam tiến, rồi về Trung đoàn Thủ đô. Đến năm 1949, ở mặt trận nam sông Nhuệ, ở Đan Phượng, Hoài Đức, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Lúc đó anh Hồng Sơn là chỉ huy trưởng, anh Vũ Lăng phó và tôi - Văn Giang là chính trị viên. Hôm đó ở tiểu đoàn 54, tôi thấy anh Lăng quần áo xốc xếch, thân hình gầy gò, đen hốc hác. Tôi bảo anh:

        - Nghe nói cậu hơi nóng tính phải không?

        - Cậu cũng biết à (cười).

        Lần ấy ở bên nhau có hai hôm. Khi đánh trận Bồng Lai, chỉ gặp nhau mươi mười lăm phút ở bến đò...

        Lần thứ ba gặp nhau là năm 1951, tôi đang đạp xe ở Phú Hộ - Phú Thọ thì nghe tiếng gọi:

        - Văn Giang.

        - Ồ Liêm Hàn Xì

        - Đòm! Đòm!

        Anh nấp vào một bụi cây. Tôi cũng xuống xe nấp vào một bụi cây.

        - Đoàng! Đoàng!

        Bắn trả bằng mồm, gặp lại nhau thật vui. Thế là chiêu đãi nhau chè đậu đen.

        Sau đó, chúng tôi lại mỗi người một ngả.

        Năm 1952, anh Vũ Lăng đi chiến dịch Tây Bắc, tôi đi học ở Trung Quốc, không gặp nhau.

        Năm 1973, sau khi về Hà Nội, đang ngồi trên xe jeep đến gần Thư viện Trung ương, tôi nghe thấy tiếng anh Vũ Lăng gọi, bèn dừng xe lại. Anh than thở:

        - Báo cho cậu tin buồn. Tớ sạt nghiệp rồi. Phong lan của tớ ở Lý Nam Đế mất trộm sạch rồi. Chắc là con mấy ông ở xung quanh. Hẳn chúng phải lấy xe chở. Tớ thành vô sản phong lan rồi.

        Tôi nói đùa:

        - Hoa rừng mất, nhưng Hoa trong nhà vẫn còn đấy thôi.

        Anh nhe răng cười.

        - Thôi cút! - Anh cười ha hả.

        Hơn mười năm sau gặp lại, anh bị ốm lặng, mặt mày hốc hác, râu dựng lên. Anh đấm vào lưng tôi:

        - Thôi mày ơi, cái số tao, viêm tiền liệt tuyến thượng thận nặng, chắc bị "cái số ta" rồi (ung thư)!

        - Sao anh không ra nước ngoài chữa?

        - Ai cho đi mà đi !

        Lo cho sức khỏe của anh, tôi có viết thư gửi cấp trên đề nghị thêm cho anh ra nước ngoài chữa bệnh. Anh được đưa sang Liên Xô chữa, nhưng cũng không khỏi. Nghe nói trước khi mất anh nói: "Giá ở nước nhà còn được gặp vợ con". Vì lúc đó sắp mất ở Liên Xô, anh phải cách ly, không được gặp chị Hoa và cháu Vũ Anh.

        Lúc đó tôi lại ân hận về việc có đề nghị cho anh được đưa ra nước ngoài chữa bệnh.

        Nhưng rồi lại tự an ủi: "Nếu anh được điều trị khỏi thì sao?"

        Kể từ lần gặp đầu tiên đến lần gặp cuối cùng là năm mươi sáu năm. Anh quả là một vị tướng có đức và có tài, lập rất nhiều chiến công trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Gặp anh ở Bệnh viện 175, anh cũng có nhiều nỗi niềm tâm sự. Ấn tượng sâu đậm trong tôi đó là một Vũ Lăng vui tính, rất sắc sảo, lạc quan, yêu đời, là người bạn tốt có tấm lòng với anh em, chỉ có nhược điểm nóng tính là vểnh râu lên quát, nhưng nhắc khéo thì anh lại cười. Anh là con người tháo vát nhanh nhẹn, cưa đứt đục suốt, không ưa lề mề, được đồng đội bạn bè quý mến

T.V.G       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:47:55 am »


VŨ LĂNG

Thiếu tướng PGS DŨNG CHI1       

        Lúc tôi về Sư đoàn 316 thì trước đó vài tháng anh Lăng từ Đại đoàn 308, Trung đoàn Thủ đô về Trung đoàn 98. Trung đoàn 174 mà tôi làm tiểu đoàn trưởng vốn là một trong vài ba trung đoàn nổi tiếng về diệt cứ điểm, trong khi Trung đoàn 98 vào thời điểm đó (1952) chưa có gì để gọi là tiêu biểu. ấy thế mà sau trận Bản Mo mở thông đường xuống Mộc Châu, Trung đoàn 98 của anh Lăng bất đầu là một hiện tượng "đột phá nhanh, táo bạo thọc sâu " - một đặc điểm trong cách chỉ huy của anh Lăng. Trung đoàn 174 của tôi vẫn là đơn vị chủ công, luôn chiến thắng, nhưng giải quyết không nhanh bằng Trung đoàn 98. Đương nhiên Bản Mo so sao được với Mộc Châu trong chiến dịch Tây Bắc.

        Nhưng rồi chiến dịch Điện Biên Phủ lại chứng minh cho cái khác cố hữu của hai trung đoàn. Chiều 30 tháng 3 năm 1954, mở màn cho đợt tiến công khu đông Điện Biên, khi Trung đoàn 174 còn đang trong giao thông hào tiến dần đến chân đồi A1 thì khoảng 17 giờ 30 phút, quân anh Lăng đã chiếm được đỉnh đồi C1. Nhìn cờ của Trung đoàn 98 bay trên đỉnh C1, mà tôi ấm ức. Thế là Trung đoàn 174 vẫn đi sau Trung đoàn 98.

        Đương nhiên đồi A1 khác xa đồi C1. Dưới chân A1, vài bước qua sông Nậm Rốm là sở chỉ huy của Đờ cát-xtơ-ri. Ba ngày ba đêm, Trung đoàn 174 chiếm gần nửa đồi A1 rồi bỏ hẳn sau khi san bằng phần lớn công sự đã chiếm được, lui về phòng ngự ở đồi Cháy sát A1. Quân anh Lăng mới chỉ chiếm nửa đồi C1.Dẫu sao thì Trung đoàn 98 cũng "khá "hơn Trung đoàn 174 của chúng tôi. Nghĩ mà "ấm ức" với anh Lăng.

        Song, cũng không lấy gì làm lạ để "ấm ức", vì sau hội nghị "sấm sét" sơ kết ở Mường Phăng (Sở chỉ huy chiến dịch), trong đó có anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã "xát xà phòng"2 các bộ tư lệnh đại đoàn, các ban chỉ huy trung đoàn chủ chốt, khi kiểm tra "hữu khuynh tiêu cực", anh Lê Thiết Hùng, đại diện Tổng quân ủy cạnh Đại đoàn 316 rỉ tai cho tôi hay:

        - Anh Văn bảo trong số các trung đoàn trưởng chỉ huy, chỉ có Vũ Lăng là ít vấp váp nhất.

        Chừng ấy cũng đủ nói lên phẩm chất chỉ huy quân sự của anh Vũ Lăng.

        Tôi trực tiếp làm việc với anh Vũ Lăng sau chiến dịch Điện Biên Phủ khi nửa nước mới được giải phóng. Tôi lên Trung đoàn phó, có đôi chút "văn hóa" và "mồm miệng", về đại đoàn làm Trưởng ban Tác chiến, còn anh Lăng là Tham mưu trưởng Đại đoàn, một chức vụ khá cao thời bấy giờ khi cả nước chỉ có tám đại đoàn. Thế là có dịp trả đũa, tôi nhắc:

        - Ông nên nhớ là sáng mùng 7 tháng 5, tôi mà không "lấy xong A1, bắn vào sườn lính viện của Tây lên C2 thì "ông" có mà còn mệt!

        Vui vậy cho nó đỡ "ức", cũng để cho anh Lăng phải "gờm" đôi chút thuộc hạ của mình.

        Bẵng đi, anh Lăng đi Liên Xô, còn tôi đi Trung Quốc. Cho đến năm 1964 lại gặp nhau trong những cuộc "khẩu chiến" về nghệ thuật quân sự tại Cục Nghiên cứu khoa học quân sự do Cục phó Vũ Lăng điều hành. Những người thích cãi và hay cãi lúc nào cũng gặp nhau được và muốn gặp nhau.

        Chống Mỹ, tôi ở Sư đoàn 304, đi B trước. Cho đến khi anh Văn thành lập Viện Khoa học quân sự, Viện phó Vũ Lăng lại triệu tôi về, gặp nhau, lại tranh luận, nghiên cứu diễn tập, tổng kết. Cùng anh Nguyễn Xuân Hoàng - "cây lý luận" như lời anh Văn - anh Vũ Lăng với kinh nghiện dày dặn và khá "cấp tiến", đã đóng góp không nhỏ vào những "vây lấn tiến công diệt cụm cứ điểm Mỹ bằng hiệp đồng binh chủng", "tiêu diệt chiến đoàn ngụy"..., kết quả của những buổi khẩu chiến kinh khủng giữa các vị tướng "lớn tiếng" nhất của quân đội: Vũ Yên, Hồng Sơn, Nam Long, Hoàng Cầm, Nguyễn Hòa ("Hòa điếc") mà chỉ có tướng Vương Thừa Vũ mới ra tay "dẹp loạn" được.

-------------------------
        1. Nguyên Cục phó Cục Khoa học quân sự Bộ Tổng Tham mưu.

        2. Tiếng lóng của bộ đội có nghĩa là "phê bình".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:48:57 am »


        Chỉ tiếc là không bao lâu anh Lăng về Cục Tác chiến. Chiến tranh ở giai đoạn gay go nhất, từ năm 1971 trở đi. Đôi khi ở B ra gặp anh Lăng ở "Sân Rồng"1 - nơi giao ban chiến sự hằng ngày - anh Lăng vỗ vào đầu đã bắt đầu thưa tóc bảo:

        - Mày có đẻ con ra, lớn lên đừng có bảo nó làm tác chiến, nhớ chưa! Lấm hết đầu!

        Anh rỉ tai cho biết những cơn thịnh nộ của các anh trên.

        Nhưng rồi anh Lăng cũng "thoát" được Sân Rồng, để làm Tư lệnh Tây Nguyên, rồi Tư lệnh Quân đoàn 3. Gặp tôi ở Sài Gòn ngay vào ngày giải phóng, anh bảo: "Tao vướng cái thằng bộ tổng tham mưu (ngụy) ông Z giao cho, chứ không làm gì Hữu An và Hoàng Đan2 vào được Dinh Độc Lập trước!". Tôi từng được nghe kể, 6 giờ rưỡi chiều ngày 29 tháng 4, anh Văn Tiến Dũng gọi điện cho anh Lăng nói: "Cậu đã ở Hóc Môn? Vậy cậu là người đầu tiên đặt chân vào Sài Gòn đấy nhé".

        Chiến tranh kết thúc. Anh Vũ Lăng cũng như các anh có công trạng khác được giữ những chức vụ và quân hàm cao. Duy chỉ tiếc anh Vũ Lăng là không về Hà Nội, ở cơ quan đầu não để phát triển hơn. Anh đùa: "Tao ở cái ốc đảo một cái "oasis", mày thấy không.

        Chị Hoa đưa cho tôi xem ảnh anh Lăng chụp năm 1952. Trông cũng khá " kẻng ". Ấy thế mà người ta bảo: "Hoa ở trong rừng, mở mắt ra chỉ thấy có Vũ Lăng nên mới theo". Nói cho công bằng, trông anh Vũ Lăng người vừa phải, theo ngày nay thì hơi thấp, nét mặt hơi dữ, nhiều râu hơn người Việt Nam bình thường, vài ngày không cạo và đeo đôi giày "xăng đá"3  ngày xưa buộc chung vào cổ, có thể đóng làm tù binh Tây trong phim thời sự được. Theo anh Nguyễn Kiệm - Chủ nhiệm chính trị Đại đoàn 316, hồi chỉnh quân năm 1953 ở Cẩm Thủy, trước khi đi vào kiểm điểm cá nhân ghi vào hồ sơ cán bộ, dao cạo râu, dao nhíp phải thu tập trung theo lệnh Chính ủy Mân, trông anh Lăng gần giống ông Bảy Xồm (toàn quyền Pôn đu-me của Tây cũ).

        Song, con người vậy mà hiền, dễ gần thôi. Thích tán gẫu, chuyện trên trời dưới đất. Thích rượu Tây, từ Mác-ti-ni đến Gin, cả rượu Tầu như Mao Đài, về sau cả rượu ta - rượu hồng Đà Lạt do anh Lăng và vợ tự chế, hai anh em uống từ 7 giờ đến 11 giờ đêm hết cả lít tại Đà Lạt. Thích sưu tầm tẩu thuốc (pipe), cán thẳng, miệng tẩu tròn, lục giác; thích dao cạo râu Gi-lét chính hiệu, thích nước hoa Pháp... Uống cà phê thì phải bưng cả chén tách, khuấy  đường nhẹ rồi uống như mốt "đàn ông Pa-ri" - ai mà dùng thìa quấy keng keng, anh Lăng bĩu môi chê ngay. Kể cũng lạ hồi 1955 - 1956 còn siết chặt, mà anh Vũ Lăng đảm nhiệm" mang thư tình của tôi gửi cho người yêu - là vợ tôi - bà Phương Chi, phát thanh viên kỳ cựu Đài Tiếng nói Việt Nam sau này - mỗi lần đi họp Bộ Tổng.  Đổi lại, đẻ thằng con đầu, lúc anh Lăng đi Tây học, tôi đưa chị Hoa - vợ anh Lăng đi... đẻ từ Nho Quan bằng ca nô - lên Phủ Lý, chuyển qua ôtô khách rồi " phò"về Hà Nội, cứ như Quan Vân Trường phò Nhị Tẩu4

        Chao ơi! Giữa tôi và anh Vũ Lăng, lắm chuyện anh em, thầy trò một thuở.

        Chỉ tội một điều: sao "ông" ấy nhớ dai vậy? Tết năm 1963, vợ chồng tôi mời vợ chồng anh Lăng ăn cơm mồng hai Tết, song vì bị mất trộm sạch hôm ba mươi Tết nên quên bẵng. Hai ông bà bị một bữa đói, nhớ đời. Hơn hai mươi năm sau, ra Hà Nội, mời anh xơi cơm theo hẹn, anh chối quầy quậy: "Thôi, thôi, xin kiếu kẻo lại đói".

        Anh Lăng vẫn giữ nguyên lối sống ngày xưa: ăn uống, nói năng kiểu cách, không thể "hòa mình ăn xổi, nói tục" như mọi người được. Và anh không thể nào khoan dung với người dưới mình phạm lỗi qua mặt mình, mà người đó vốn "ăn tục, bổ báng". Tôi nghĩ, âu cũng là "bản chất conngười" như xưa từng nói, cũng như tôi bị Chính ủy Đại đoàn nhận xét ngày xưa.

        Anh Vũ Lăng mới vào tuổi cũng là cổ lai hy. Song, với kẻ khác, tôi nghĩ là hơi sớm. Giá anh ấy sống thêm được  chục năm, về Học viện Quốc phòng như đã dự kiến - để truyền đạt cho thế hệ sư đoàn sau này những kinh nghiệm chiến dịch, chiến lược. Giờ đây cũng có người dạy đấy, sao vắng anh?

D.C       

-------------------------
        1. Tức là Điện Kính Thiên, nơi bậc thềm lên điện có hai con rồng bằng đá.

        2. Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2 và Hoàng Đan - Phó Tư lệnh chỉ huy Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn từ hướng đông nam.

        3. Tiếng Pháp "Soldat", nghĩa là lính. Giày xăng đá là giày của lính, khác với giày của sĩ quan Pháp.

        4. Lấy tích trong Tam Quốc chí kể về Quan Vân Trường hộ giá hai bà vợ của Lưu Bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 05:53:32 am »


ANH VŨ LĂNG VỚI TÂY NGUYÊN

Trung tướng - PGS NGUYỄN NĂNG         

        Tôi nguyên là Tư  lệnh phó B3 , Tư lệnh phó chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh phó Quân đoàn 3 cùng công tác với đồng chí Vũ Lăng, xin nêu một số kỷ niệm sâu sắc với đồng chí Tư lệnh Vũ Lăng.

        Từ Quân khu 5, tôi được lệnh của Bộ lên làm Phó Tư lệnh B3, vào Đảng ủy B3.

        Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1972, ta đã sử dụng binh chủng hợp thành tiến công thị xã Kon Tum nhưng không thành công.

        Từ đó, ở Ban tham mưu Quân khu 5 có tổ chức một bộ phận nghiên cứu do anh Võ Thứ phụ trách, qua nhiều lần thảo luận đều thống nhất nếu mở chiến dịch tiến công ở Tây Nguyên thì nên chọn Đắc Lắc và mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột.

        Đến Tây Nguyên, tôi vào sở chỉ huy B3 gặp anh Vũ Lăng đang làm việc với anh Quyết - Bí thư Kon Tum. Vốn quen biết trước, anh Quyết liền hỏi:

        - Đồng chí Việt (bí danh của tôi) lên đây chuẩn bị đánh lớn chứ ?

        Anh Vũ Lăng trả lời ngay:

        - Phải đánh lớn để giải phóng Tây Nguyên.

        Trong quá trình nắm tình hình, họp Đảng ủy B3, họp Bộ Tư lệnh chuẩn bị cho nhiệm vụ lần 1, lần 2, anh Vũ Lăng trao đổi với tôi:

        - Đánh Đức Lập hay đánh Gia Nghĩa, nhưng phải nghĩ tới đánh Buôn Ma Thuột, nếu đánh Buôn Ma Thuột thì đánh thế nào?

        Tôi trả lời cũng nghĩ như anh. Thật là tâm đầu ý hợp.

        Anh Vũ Lăng đi kiểm tra Đức Lập, tôi chuẩn bị Gia Nghĩa xong, ngày mồng 9 tháng 1 năm 1975, nhận được điện báo mục tiêu chủ yếu là A (Buôn Ma Thuột). Trên cương vị là Tư lệnh B3, anh Vũ Lăng đã chủ trì nhiều cuộc  họp thảo luận xây dựng phương án tác chiến "chiến dịch Tây Nguyên 1975". Khi thảo luận chung, khi thảo luận riêng, giữa tôi và anh Vũ Lăng có nhiều trao đổi rất căng thẳng, vì tôi vừa là cán bộ chiến đấu, vừa là cán bộ huấn luyện chiến dịch, nên khi lập phương án tác chiến thường có hai  phương án đề ra, phương án vẫn phải lật đi lật lại để tìm phương án tối ưu nhất. Trong mười ngày đầu, phương án tác chiến đã được hoàn thành. Chiến dịch có hai trận then chốt: một là đánh thị xã Buôn Ma Thuột; hai là đánh địch phản kích, phản đột kích tái chiếm Buôn Ma Thuột. Trận tiến công Buôn Ma Thuột có hai phương án :

        - Đánh địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự Buôn Ma Thuột (đã phòng ngự dự phòng).

        - Đánh địch chưa tăng cường lực lượng cho Buôn Ma Thuột (chưa phòng ngự dự phòng).

        Kết quả trên, công lao to lớn chính thức thuộc về anh Vũ Lăng.

        Ngày 21 tháng 1 năm 1975, Tổng Tham mưu phó Lê Ngọc Hiền vào phổ biến nhiệm vụ chính thức cho B3. Sau đó anh Vũ Lăng thay mặt Bộ Tư lệnh B3 và Đảng ủy B3 báo cáo phương án chiến đấu đã được chuẩn bị sẵn cho anh Lê Ngọc Hiền và đoàn cán bộ cục Tác chiến đi cùng.

        Anh Vũ Lăng dẫn đầu đoàn trinh sát thực địa đi nghiên cứu sở chỉ huy cơ bản của chiến dịch Tây Nguyên và kiểm tra lại Đức Lập. Còn tôi, dẫn đoàn đi trinh sát thực địa hướng ở phía bắc thị xã Buôn Ma Thuột - hướng tiến công chủ yếu đánh Buôn Ma Thuột.

        Khi thông qua phương án tác chiến chiến dịch Tây Nguyên và phương án đánh Buôn Ma Thuột, tôi được biết cấp trên không đồng ý phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột của Tư lệnh B3. Anh Vũ Lăng tâm sự với tôi: Nếu trận đánh Buôn Ma Thuột thắng thì chớ, nếu không thắng thì tôi (Vũ Lăng) và anh sẽ chết trước, vì chúng ta đề ra phương án, còn các đồng chí khác không việc gì đâu.

        Tôi trả lời:

        - Nhất định chúng ta sẽ thắng và chúng ta dùng mười sáu trung đoàn đánh một trung đoàn địch (16/1). Tục ngữ có câu " hai đánh một, không chột cũng què ", còn ta dùng mười sáu đánh một thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng.

        Anh cười. Là Tư lệnh nhưng anh rất tôn trọng ý kiến cấp dưới và ý kiến đồng cấp, đã kết hợp được trí tuệ tập thể để xây dựng phương án tác chiến chính xác, phù hợp, nên đã giành thắng lợi.

        Khi thực hành chiến dịch, anh Hoàng Minh Thảo được chỉ định làm Tư lệnh, anh Vũ Lăng trực tiếp chỉ đạo Sư đoàn 10, tham gia chi huy chung với sở chỉ huy cơ bản. Sau đó trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 10 phát triển theo đường đèo Phượng Hoàng, phát triển đánh sở chỉ huy quân đoàn 2 nguỵ  và cùng địa phương giải phóng Khánh Hòa - Cam Ranh. Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên 1975 giành thắng lợi vang dội, chỉ trong hai mươi ngày đêm giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

        Thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên 1975 đã đạt được những mục tiêu chiến lược như sau :

        1. Tiêu diệt về chiến lược (quân đoàn 2 ngụy).

        2. Giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

        3. Chia cắt chiến lược (cắt Tây Nguyên ra khỏi vùng địch còn kiểm soát).

        4. Đánh bại chiến lược co cụm ở đồng bằng Khu 5 (địch chạy đến đường 7 ) .

        5. Góp phần đánh bại hoàn toàn chiến lược phòng thủ miên Nam của Mỹ ngụy đã thực thi trên 20 năm.

        6. Tạo lực mới thế mới, thời cơ mới, bước ngoặt cho cách mạng miền Nam và tạo ra thời cơ trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Quân đoàn 3 được thành lập, trên cương vị Tư lệnh, anh Vũ Lăng trao đổi về nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và phân công tôi chuẩn bị chiến trường, dẫn đầu đoàn cán bộ Quân đoàn 3 đi nghiên cứu địa hình, nghiên cứu địch, nghiên cứu địa phương trên hướng tây bắc Sài Gòn là hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Từ kinh nghiệm của chiến dịch Tây Nguyên 1975, anh Vũ Lăng đã vận dụng kinh nghiệm vào chiến dịch Hồ Chí Minh, đã xây dựng phương án tác chiến cho Quân đoàn 3 tham gia tiến công trên hướng chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh: sáng tạo, phù hợp kết hợp tổ chức thọc sâu cấp sư đoàn tăng cường (Sư đoàn 10) tiến công theo đường 1 đánh các cứ điểm và căn cứ địch như khu Quang Trung, tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất và cùng các đơn vị bạn đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, sử dụng Sư đoàn 320, Sư đoàn 316 tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công ở hướng chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Trong tổng kết chiến dịch, các đồng chí Văn Tiến Dũng và Lê Quang Hòa đã nêu: " B3 - Quân đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - đặc biệt xuất sắc".

        Anh Vũ Lăng với cương vị Tư lệnh B3, Quân đoàn 3 đã cùng Bộ Tư lệnh và Đảng ủy đưa B3 - Quân đoàn 3 tiến công hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - chiến dịch Tây Nguyên và hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột - trận then chốt quyết định, trận điểm huyệt, trận mở đột phá khẩu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng về ta, đã ghi một mốc son vào lịch sử chống đế quốc Mỹ của dân tộc.

N.N       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 09:08:21 pm »


NGƯỜI CHỈ HUY SẮC SẢO
NGƯỜI VIỆN TRƯỞNG UYÊN THÂM

Thiếu tướng GS-TS Nhà giáo nhân dân HUỲNH NGHĨ       

        Tôi gặp anh Vũ Lăng vào năm 1974, trước khi bước vào chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Anh Vũ Lăng vào thay anh Hoàng Minh Thảo, làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Còn tôi, thôi giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, về làm Trưởng phòng quân huấn Mặt trận. Nói thật, ban đầu gặp anh tôi rất ngại, vì thấy anh rất nghiêm khắc. Trong những buổi giao ban, tuy anh không ghi chép gì cả nhưng không bỏ qua một sơ suất nào của cấp dưới.

        Khi vào Buôn Ma Thuột chuẩn bị chiến dịch Nam Tây Nguyên, tôi được đi cùng đoàn với anh trên những chiếc xe U-át từ miện Bắc mới trang bị cho Tây Nguyên. Tuy đã bước sang mùa khô, nhưng đường quân sự làm gấp vẫn lầy lội nhiều đoạn phải đi trên những tấm gỗ lát gập gánh xóc lộn cổ. Thế mà chúng tôi vẫn ngủ ngon lành vì lần đầu tiên được đi chuẩn bị chiến trường bằng ôtô. Chiều hôm sau, chúng tôi đến phía bắc đường 14, đoạn đường phía tây cầu Sê-rê-pốc. Trinh sát đưa chúng tôi lên đài quan sát, đồi toàn cây le, dốc đứng, trinh sát phải đẩy anh Lăng mới lên được đỉnh đồi. Đây là đoạn trận địa phục kích của Sư đoàn 316. Sau khi duyệt xong phương án, chúng tôi tiếp tục đi trinh sát phía sau. Trên đường bỗng gặp đoàn xe cưa gỗ đoàn tạm lánh vào rừng để tránh. Sau đó đoàn tiếp tục đi nhưng sau đó kiểm tra lại thì thấy thiếu một bác sĩ của đoàn. Anh Vũ Lăng rất lo lắng về chuyện mất tích của đồng chí bác sĩ. Nếu bị địch bắt thì mọi kế hoạch vỡ hết.

        Đoàn phải tạm lánh vào rừng già, phái các toán trinh sát đi tìm bác sĩ. Suốt đêm hôm đó, ai cũng thao thức không ngủ được, nhất là anh Vũ Lăng. Mãi 8 giờ sáng hôm sau trinh sát mới tóm được bác sĩ và lôi anh ta về. Té ra lúc đoàn lánh vào rừng tránh đoàn xe kéo gỗ, thì bác sĩ lần mò xuống suối rửa chân, khi lên thì đoàn đã đi xa, nên bác sĩ bị lạc suốt đêm trong rừng.

        Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên, với cương vị là Tư lệnh Mặt trận, anh Vũ Lăng là người thiết kế chính của chiến dịch. Tôi hết sức kính phục anh trong việc giải quyết những tình huống phức tạp, cũng như khi anh kết luận các vấn đề tranh luận khá gay gắt. Anh là người chỉ huy sáng suốt và quyết đoán. Ví như khi trung đoàn 45 ngụy sục sạo vào vị trí của Sư đoàn 320 ở  Ea H'leo, anh đã cho phát đi một bức điện với nội dung là quân khu 2 ngụy đã bị ta lừa nên cho trung đoàn 45 vào Ea H'leo. Trong quyển sách mang tên "khoảng cách thời gian vừa phải", Phrau-cơ Snép, chuyên viên tình báo chiến lược thừa nhận: bức diện đó đã đánh lừa tất cả tình báo Mỹ ngụy ở quân khu 2. Hoặc khi anh đi cùng Sư đoàn 10 xuống đèo Phượng Hoàng, thì lừ đoàn dù số 3 quân ngụy cùng hai mươi bốn khẩu pháo đã chiếm đèo, hình thành lá chắn thép ngăn chặn không cho Sư đoàn 10 phát triển xuống Nha Trang, anh đã chỉ đạo cách đánh cho Sư đoàn 10 là tập trung diệt các trận địa pháo địch trước, phá chỗ dựa của lữ đoàn dù, sau đó gom nó lại và lần lượt tiêu diệt chúng. Bằng cách đánh đó, Sư đoàn 10 đã nhanh chóng tiêu diệt lữ đoàn dù 3, sau đó đã tiến xuống đánh Nha Trang và Cam Ranh.

        Vào Sài Gòn, Quân đoàn 3 nhận nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Quyết tâm của Bộ Tư lệnh Quân đoàn là sử dụng Sư đoàn 316 cắt đường số 22, Sư đoàn 320 đánh chiếm Đồng Dù, Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng đến ngày 25 tháng 4, Sư đoàn 10 mới về đến vị trí tập kết. Do vậy, có ý kiến khêu gợi giao nhiệm vụ khác cho Sư đoàn 10. Nhưng anh Vũ Lăng vẫn kiên quyết để Sư đoàn 10 đánh sân bay Tân Sơn Nhất Khoảng 2 giờ sáng ngày 30 tháng 4,  Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh bổ sung nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 đánh chiếm thêm bộ tổng tham mưu ngụy (vì trong đêm 29, Sư đoàn 10 đã đến ngã ba Bà Quẹo). Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, anh Vũ Lăng đã bổ sung thêm nhiệm vụ cho Trung đoàn 28 Sư đoàn 10 thọc nhanh vào thành phố cùng Sư đoàn 320 Quân đoàn 1 đánh chiếm bộ tổng tham mưu nguỵ.

        Số phận đã khiến tôi về sống với anh Lăng ở Học viện Lục quân, khi anh làm Viện trưởng ở đó. Khi tôi mới về, anh Vũ Lăng gọi tôi lên. Sau khi thăm hỏi, anh khêu gợi tôi muốn nhận nhiệm vụ gì, tôi xin anh làm giáo viên. Như thường lệ, mỗi khi cấp dưới có ý kiến khác, anh rê cặp kính xuống tận sống mũi nhìn tôi và nói:

        - Ở đây là học viện, người ta xem thường loại thầy giáo làng như cậu lắm, tớ muốn cậu về Phòng Kế hoạch tốt hơn.

        Thú thực, tôi rất ngại ở cơ quan nên kiên trì xin anh làm giáo viên. Nói vậy nhưng anh vẫn phân tôi về khoa phụ trách nghệ thuật chiến dịch. Anh Vũ Lăng là con người như vậy. Mới gặp thì rất khó gần, nhưng sống lâu mới biết anh là con người rất nhân hậu, thủy chung.

        Tôi còn nhớ trong một buổi giao ban, một trưởng khoa phát biểu ý kiến là một trăm phần trăm cán bộ giáo viên không muốn học viện ở trên đất Đà Lạt.

        Anh Vũ Lăng đứng lên nói:

        - Anh trừ tôi ra!

        Những năm đầu, học viện mới di chuyển từ miền Bắc vào đời sống cán bộ và giáo viên hết sức khó khăn. Anh Vũ Lăng đã đóng góp công sức rất lớn, cùng Đảng ủy lãnh đạo học viện trụ vững trên đất Đà Lạt, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trung đoàn cho toàn quân. Anh hết sức coi trọng kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, đồng thời rất quan tâm công tác đào tạo sau đại học. Khi  tôi được anh chọn làm nghiên cứu sinh với ba đồng chí khác, anh theo dõi rất chặt chẽ. Tuy không phải là người hướng dẫn khoa học, nhưng luận án của tôi được anh đọc khá kỹ và chỉ ra nhiều nội dung quan trọng và bổ ích.

        Học viện ở xa Trung ương, nhiều vấn đề học thuật Hội đồng khoa học tự giải quyết. Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng, anh thường xuyên có những ý kiến có sức thuyết phục cao.

        Những ngày anh lâm bệnh, đêm đêm tôi thường đến thăm anh. Trong cái giá rét của Đà Lạt, anh trầm ngâm nhắc lại những ngày tháng ở chiến trường Tây Nguyên, chiến trường Đường 9 - Khe Sanh và cả những kỷ mềm thời kháng chiến chống Pháp như muốn gửi gắm lại cho tôi. Có một lần anh nói: "Tớ có những chuyện sống dể bụng, chết mang theo, nhưng hôm nay tớ kể cho cậu..."

        Anh thường nói vui: "Bộ Tổng Tham mưu xuống dưới ấy chỉ còn thiếu tác chiến, có khi các cụ lại gọi tớ xuống cho đủ bộ". Và các cụ đã gọi anh thật. Anh ra đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè đồng chí.

H.N                     
Mùa Xuân năm 2000       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2016, 09:17:13 pm »


ĐÍCH THỰC ANH LÀ MỘT GIÁO SƯ

Đại tá NGUYÊN BÁ HÀO       

        Học viện Lục quân, với bề dày lịch sử của mình, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung cao cấp của quân đội ta. Thượng tướng Vũ Lăng trong một thời gian dài làm Viện trưởng, đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đó.

        Là Trưởng phòng huấn luyện của học viện, tôi được tiếp xúc làm việc nhiều với anh. Còn giữ mãi những cảm nghĩ những kỷ niệm sâu sắc để mãi mãi nhớ anh.

        Trong kháng chiến chống Pháp đến chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là trung đoàn trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, anh đã trải qua các cương vị: Cục trưởng cục Tác Chiến Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tư lệnh Quân khu và Tư lệnh Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Anh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong chiến thuật, chiến dịch và rất am hiểu về chiến lược. Kinh nghiệm về vốn sống phong phú ấy được anh vận dụng trong nghiên cứu khoa học, giáo dục bồi dưỡng giáo viên, đào tạo học viên.

        Được đào tạo cơ bản ở trong các nhà trường, học viện trong và ngoài nước, quá trình làm việc lại không ngừng học tập, nghiên cứu, anh có năng lực tư duy lý luận sắc bén, toàn diện. Anh có tài phân tích, tổng hợp kinh nghiệm và rút ra kết luận, biện pháp xử lý chính xác. Với năng khiếu diễn đạt khúc chiết, rõ ràng, anh chuyển tải thông tin đến người nghe một cách chính xác, ngắn gọn, đầy sức thuyết phục.

        Khi Học viện Quân sự chuyển thành Học viên Lục quân (1982), chúng tôi có cố vấn Viện trưởng và cố vấn Trưởng phòng huấn luyện. Các cố vấn Liên Xô đã giúp đỡ học viện được nhiều việc có hiệu quả: xây dựng quy chế, tổ chức phương án huấn luyện, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị huấn luyện... Tuy nhiên, Bạn cũng có những hạn chế do không hiểu biết cơ sở vật chất của ta. Vấn đề thường vướng mắc là vận dụng cách đánh trong chiến thuật, chiến dịch. Bằng kinh nghiệm, năng lực và uy tín của mình, với tư cách Viện trưởng, anh xử lý tinh tế, thuyết phục được bạn chấp nhận theo ý kiến của ta. Trong việc xác định khối lượng kiến thức, chương trình môn học, tuy đối tượng đào tạo là cán bộ chỉ huy quân sự, nhưng ta rất chú trọng trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, về công tác đảng, công tác chính trị, không xem nhẹ chính trị, giữ tỷ lệ thích đáng giữa quân sự và chính trị.

        Trong chiến thuật, chiến dịch, chú trọng huấn luyện cách đánh truyền thống của quân đội ta, có chú ý đến sự phát triển của chiến tranh với binh khí kỹ thuật hiện đại. Ngoài cách đánh của bộ đội chủ lực, còn chú trọng sự kết hợp tác chiến giữa ba thứ quân.

        Sự chỉ đạo xuyên suốt của anh là: luôn luôn quán triệt đường lối của Đảng, đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quốc phòng toàn dân.

        Trong công tác nghiên cứu khoa họe, anh chỉ đạo biên soạn hệ thống tài liệu, với khối lượng lớn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ huấn luyện học viên tấm chuyên ngành binh chủng lục quân. Những tài liệu được Hội đồng khoa học học viện thông qua, có nhiều ý kiến đóng góp và kết luận sâu sắc của anh. Những tài liệu ấy không chỉ dùng nghiên cứu sử dụng trong học viện, mà còn được sử dụng rộng rãi trong các nhà trường, đơn vị của toàn quân.

        Để nâng cao chất lượng huấn luyện, anh đề xuất nhiều ý kiến mới về tổ chức phương pháp dạy và học.

        Trong diễn tập chỉ huy tham mưu, anh yêu cầu phải "đạo theo diễn", nghĩa là đạo diễn theo người tập. Chuẩn bị diễn tập phải có nhiều phương án, phương án tối ưu và phương án có thể. Khi diễn tập, nếu người tập xứ lý tình  huống không phù hợp, người đạo diễn không được gò ép buộc họ theo phương án của mình, cần phát ra những tình huống bổ sung để người tập suy nghĩ phân tích tìm cách xử trí cho thích hợp. Các cuộc diễn tập do anh trực tiếp chỉ đạo tình hình luôn sôi động khẩn trương, chúng tôi trong ban chỉ huy cũng phải suy nghĩ, động não nhiều.

        Anh đề xuất việc tổ chức diễn tập chỉ huy tham mưu hai cấp trung đoàn, sư đoàn hợp tuyển tám chuyên ngành binh chủng cho học viên năm thứ ba. Học viện có hai cơ sở: Đà Lạt và Long Bình (Đồng Nai). Học viên các binh chủng: xe tăng, pháo binh, phòng không, công binh, thông tin, hóa học đều ở Long Bình, phải hành quân trên ba trăm cây số về diễn tập ở Đà Lạt. Với quyết tâm cao, tổ chức chuẩn bị chu đáo, cuộc diễn tập đạt kết quả tốt. Từ đó kiểm tra, đánh giá được việc huấn luyện học viên các binh chủng đã đúng mục tiêu chưa, giữa bộ binh và các binh chủng có gì không ăn khớp, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung. Trong hệ thống học viện, nhà trường của toàn quân, chỉ có Học viện Lục quân mới có điều kiện tổ chức diễn tập đầy đủ các binh chủng của lục quân. Đây là một lợi thế đã được sử dụng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM