Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:45:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ một quyết tử quân  (Đọc 20500 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2016, 11:46:16 pm »


        Cả sở chỉ huy sững sờ... Tiếng chuông điện thoại reo lên. Đồng chí Trần Văn Trân cầm ống nói. Bên kia đồng chí Lê Khắc Cần báo cáo đợt tiến công thứ hai đã diễn ra nhanh gọn, ta tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn căn cứ, đang tiếp tục truy bắt bọn vượt rào tháo chạy... Cả sở chỉ huy nhẹ nhõm. Để tháo ngòi căng thẳng, đồng chí Trần Văn Trân tuyên bố cuộc họp tạm dừng để nắm lại kết quả và phân công cơ quan đi giải quyết chiến trường, khắc phục hậu quả...

        Đêm đó khoảng 1 giờ sáng, tôi vẫn trực tại hầm ban tác chiến, tiếp tục nắm tình hình phía trước. Bỗng nghe tiếng sột soạt hai bên bờ rào sở chỉ huy, tôi hỏi:

        - Ai đấy? - Lúc ấy tôi vẫn tưởng là đồng chí trưởng ban quân báo qua báo cáo tình hình địch.

        - Tớ đây! Vũ Lăng đây! Cậu chưa ngủ à? Lúc sáng mình nóng với cậu, cậu thông cảm nhé? Có bi đông rượu đế của Côn Trên, Bí thư huyện ủy biếu mình, mình đưa cậu để chúng ta chúc mừng thắng lợi và để cậu bỏ qua nhé. Tôi thực sự xúc động trước cử chỉ rất tình đồng chí, rất thật của anh. Tôi nói:

        - Tôi biết anh tính rất nóng, nhưng anh không nên trước đông người.

        Thế là mọi việc đều bỏ qua, không khí vui vẻ thắm tình đồng chí lại trở lại. Tôi vội lấy chiếc ca "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ", rót đến nửa ca, mời anh uống trước, anh uống một ngụm và nói:

        - Mình không uống được nhiều, cậu uống giúp mình.

        Vốn tửu lượng khá, tôi làm một hơi là cạn. Anh vui vẻ dặn tôi tranh thủ ngủ một tý. Tôi liền nói

        - Anh yên tâm về nghỉ một lát, sáng mai, tôi tổng hợp tình hình và báo cáo cụ thể...

        Anh ra về, hầm ban tác chiến trở lại lặng lẽ …

        Và thế là lần thứ hai được gặp lại anh và được làm việc với anh trong một thời điểm khác xa với lần cùng làm việc lần trước.

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết định, gặp lại anh không phải là trên đường đi chống Mỹ, mà là ở thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ kết thúc chắc không xa. Hàn huyên mọi chuyện gia đình, tình hình chị và các cháu, tình hình gia đình tôi, trở lại chuyện cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh. Anh cho biết tình hình ở đây rất sôi động, Bộ Chính trị trực tiếp đến làm việc hằng ngày với cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, và từ chuyện chung trở lại chuyện cũ năm xưa. Anh nói với những gì từ đáy lòng, thấu hiểu nỗi niềm của những cán bộ tham mưu, nhất là ở những thời điểm phức tạp và sôi động. Anh nói:

        - Về làm việc tại Bộ Tổng Tham mưu bản thân mình cũng thường bị anh Văn, anh Dũng xạc luôn, mình lại càng thông cảm với cậu, cái nghề công tác tham mưu là thế.

        Tôi lại nói luôn:

        - Lần này lại làm tham mưu cho anh ( tôi được giao nhiệm vụ chủ trì cơ quan tham mưu chiến dịch Tây Nguyên ), tôi sẽ làm tốt hơn và mong rằng anh đừng có những cơn nóng...

        Anh cười vui, và tôi cảm nhận đây sẽ là một thời điểm mà chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc tốt hơn, hiểu nhau hơn, quý trọng nhau hơn và kết quả sẽ nhiều lần tốt đẹp hơn. Thế là chúng tôi bắt tay vào công việc. Anh tập trung tìm hiểu sâu tình hình Tây Nguyên: địch, ta, địa hình và mọi vấn đề liên quan với suy nghĩ ban đầu về nhiệm vụ  Tây Nguyên vào Xuân năm 1975 mà trước đó tại Bộ Tổng Tham mưu, anh đã hiểu được phần nào ý định lớn của Trung ương. Đây chính là điều thuận lợi cho chiến trường trong tiếp cận nhiệm vụ của mình, tuy chưa thật cụ thể, nhưng chắc chắn là vô cùng nặng nề và vẻ vang. Trong lúc này tuy không còn anh Hoàng Minh Thảo với cương vị Tư lệnh đầy trí tuệ và dày dạn kinh nghiệm sáng tạo trong những năm đấu trí, đấu lực với đế quốc Mỹ; nhưng được bù lại Tư lệnh mới, anh Vũ Lăng, đã được tích luỹ nhiều kinh nghiệm ác chiến trường qua thời gian côn g tác tại Bộ Tổng Tham mưu, đã bắt gặp được ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, cộng với kinh nghiệm dày dặn trong lãnh đạo công tác đảng, công tác chính trị và những kinh nghiệm nhất định về nghệ thuật tác chiến trên chiến trường của anh Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy Mặt trận.

        Sau này khi đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, anh Hoàng Minh Thảo lại được Bộ Chính trị quyết định về làm Tư lệnh chiến dịch cùng anh Đặng Vũ Hiệp, anh Vũ Lăng và cáo Phó Tư lệnh khác, càng chứng tỏ vị trí cực kỳ quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975, tăng thêm sức mạnh lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, tạo niềm tin chắc thắng cho chiến trường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:19:12 pm »


        Vào khoảng tháng 8 năm 1974, Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập một cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên ra nhận nhiệm vụ chiến dịch. Anh Lăng vừa mới từ Hà Nội vào đang tập trung tìm hiểu tình hình và cũng đã hiểu được một phần ý định của Trung ương, nên Bộ Tư lệnh cử tôi, lúc này là Phó Tham mưu trưởng Mặt trận, thay mặt Bộ Tư lệnh ra nhận nhiệm vụ. Đối với tôi đây là một nhiệm vụ hết sức  nặng nề, làm sao để thu nhận được đầy đủ, chính xác những ý định của Bộ Tổng Tư lệnh trong một chiến dịch lớn và quan trọng này.

        Được anh hướng dẫn, trao đổi cặn kẽ những vấn đề cần tập trung nắm vững khi làm việc với Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, cùng những vấn đề cần tranh thủ các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu..., tôi lên đường sau gần mười năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, được ra Bắc, lòng tôi vô cùng phấn khởi với vinh dự được thay mặt Bộ Tư lệnh nhận nhiệm vụ, xen lẫn ước ao được trở lại miền Bắc gặp lại người thân và hy vọng sẽ được nghỉ ngơi một thời gian.

        Nhưng khốn nỗi, mới về nhà được năm ngày thì có lệnh ra nhận nhiệm vụ gấp. Linh tính báo trước là tình hình rất khẩn trương rồi. Tôi vội "đả thông"1 cho gia đình và ra ngay Hà Nội. Đúng như dự đoán, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu cho biết tình hình rất khẩn trương, tôi phải nhận nhiệm vụ và vào ngay chiến trường. Tôi lần lượt làm việc với Cục Tác chiến, với Tổng Tham mưu phó Lê Ngọc Hiền, sau đó làm việc với anh Văn Tiến Dũng và cuối cùng làm việc với anh Văn tại nhà riêng. Sau khi kiểm tra thấy tôi đã nắm được nhiệm vụ, anh Văn, anh Dũng dặn vào báo cáo với anh Vũ Lăng là sau này sẽ có điện tiếp, anh Lê Ngọc Hiền sẽ vào nói rõ thêm nhiệm vụ. Thế là ba chân bốn cẳng với chiếc xe Zil 157 ỳ ạch trong cuối mùa mưa suốt đêm ngày để kịp vào báo cáo với Thường vụ Đảng ủy Mặt trận đang chờ ở nhà. Trước lúc vào chiến trường, tôi lại gặp chị Hoa vợ anh Vũ Lăng để nhận thư và quà. Chị dặn tôi vào cố giúp đỡ anh để anh có sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ. Sau mười ngày đêm, tôi đã trở về sở chỉ huy mặt trận vào khoảng 3 giờ sáng.

        Một ngày giữa tháng 10, tôi chuẩn bị ăn vội mấy bắp ngô luộc anh em đã chuẩn bị sẵn, xem lại tài liệu, mã dịch lại một số nội dung tuyệt mật, vào đúng 6 giờ 30 phút sáng thì Thường vụ Đảng ủy Mặt trận họp để nghe tôi báo cáo lại nhiệm vụ. Anh Vũ Lăng lúc này đang sốt ruột nhắc tôi báo cáo gọn, tập trung những vấn đề chính mà anh Dũng, anh Văn căn dặn. Tôi làm theo ý định một cách đầy đủ. Sau khi nghe báo cáo, Thường vụ trao đổi quán triệt nhiệm vụ và sơ bộ cho chủ trương triển khai công tác chuẩn bị. Lúc này một bộ phận cán bộ tiền trạm đã đi trước chuẩn bị khu vực bàn đạp để triển khai nghiên cứu chiến trường. Công tác triển khai rất khẩn trương, bộ phận đi chuẩn bị cho chiến trường do anh Vũ Lăng trực tiếp chỉ huy.

        Lần đầu tiên Mặt trận nhận một nhiệm vụ ngoài sức tưởng tượng của mình, nhưng lại rất phấn khởi vì sự tín nhiệm của Bộ Chính trị đối với chiến trường Tây Nguyên, với một vị trí quan trọng của nó. Quá trình phân công các bộ phận đi chuẩn bị rất khẩn trương, nhưng lại yêu cầu rất cao: " Tuyệt đối bí mật, không để địch xác định hướng chiến lược của ta ", vì lúc này, đầu mùa khô, địch đang săn lùng tìm ý định và lực lượng của B3. Qua hai tháng lặn lội, luồn rừng, suối tiếp cận các mục tiêu, tuy là một con người rất nóng tính, nhưng anh không hề gắt gỏng tý nào, trái lại ân cần chỉ bảo cho anh em những điều cần tập trung nghiên cứu, bổ sung những thiếu sót, gợi mở những vấn đề để cơ quan suy nghĩ. Bộ máy làm việc tuy rất vất vả, căng thẳng nhưng khá nhịp nhàng. Ban ngày tiếp cận mục tiêu, nghiên cứu địa hình, đêm về lại miệt mài suy nghĩ, và qua mỗi đêm anh lại gợi ý cho cơ quan nhưng vấn đề mới để bổ sung hoàn chỉnh về phán đoán ý đồ địch, về dự liến đối phó của ta, làm cho cơ quan luôn phải tìm tòi để tìm ra phương án tối ưu. Vì một lẽ tìm hiểu về địch đã khó mà tìm hiểu hết ý định của trên lại càng khó hơn.

        Trong quá trình chuẩn bị chiến trường, đã ba lần Quân ủy Bộ Tổng Tư lệnh bổ sung nhiệm vụ, vượt qua yêu cầu lúc ban đầu: " Tiến công tiêu diệt địch, giải phóng Tây Nguyên, mở đầu là trận then chốt giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến tranh ". Ý đồ chiến lược đã rõ, nhưng đặt trên vai của cơ quan chiến dịch làm sao đáp ứng được yêu cầu đó. Thực sự lúc này vai trò của anh Vũ Lăng có ý nghĩa quyết định trong quá trình chuẩn bị chiến trường, khi mà các ý kiến trong Bộ Tư lệnh và chỉ huy các sư đoàn còn rất khác nhau, và đó cũng là tất yếu khi mà mục đích chiến dịch vượt xa sự suy nghĩ của mỗi người.

        Trong cuộc họp Đảng ủy mở rộng tháng 2 năm 1975, sau ba ngày tranh luận gay gắt nhưng vẫn chưa ngã ngũ, với tư cách người phụ trách cơ quan tham mưu chiến dịch, tôi đề nghị anh Vũ Lăng có kết luận để cơ quan tham mưu có thời gian triển khai vì thời gian đã đến gần. Anh Vũ Lăng điềm đạm nói với tôi:

        - Kết luận thì dễ nhưng đây là nhiệm vụ rất lớn và nặng nề , phải tạo sự nhất trí cao trong lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch và các chỉ huy sư đoàn, phải có sự kiên trì, trao đổi thực sự thống nhất thì quyết tâm mới có cơ sở sức mạnh. Khẩn trương nhưng phải chính xác, táo bạo nhưng phải thận trọng...

--------------------------
        1. "Đả thông" là tiếng tắt của cụm từ "đả thông tư tưởng" trong quân đội giải phóng quân Trung Quốc, có ý nghĩa là "giải thích để hiểu rõ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:20:04 pm »


        Và cuối cùng đã đi đến thống nhất, Đảng ủy chấp nhận đề xuất của cơ quan tham mưu chiến dịch là: tuy có khó nhưng phải khắc phục, dùng cách đánh mạnh nhất, bất ngờ nhất, nhanh nhất, bỏ qua vòng ngoài, đánh thẳng vào đầu não trung tâm, làm tê liệt hệ thống chỉ huy, sẵn sàng đánh phản kích hòng chiếm Buôn Ma Thuột.  Được kết luận của Đảng ủy, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật khẩn trương triển khai kế hoạch, điều động lực lượng, bố trí đội hình, làm công tác chuẩn bị chiến trường trực tiếp và các công tác bảo đảm với yêu cầu khẩn trương, chính xác, tuyệt đối bí mật, tạo thế đánh địch trong tình huống địch không có phòng ngự dự phòng.

        Đây lại là thời kỳ hết sức căng thẳng vì lúc này địch đang ra sức lùng sục để phát hiện ý đồ chiến dịch của ta, mà quân ta thì có hàng vạn cán bộ chiến sĩ trên khắp địa bàn, làm sao tránh khỏi sơ hở? Thực tế có một vài tình huống xảy ra đã làm đứng tim của mọi người, nhưng cuối cùng mọi việc đều suôn sẻ cho đến giờ nổ súng, quân địch vẫn hoàn toàn bị bất ngờ về ý định và mục tiêu chiến dịch của ta. Sau này khi chiến dịch thắng lợi, ngồi trao đổi lại với nhau, anh Vũ Lăng đã thổ lộ rằng: " Mình làm cơ quan chiến lược đã nhiều, nhiều tình huống rất căng thắng, nhưng có lẽ lần này là lần căng thắng nhất".

        Mọi việc chuẩn bị chiến dịch tuy gặp không ít bất trắc, nhưng cuối cùng đã vượt qua, chỉ còn lại vấn đề lớn nữa là làm sao bảo vệ thắng lợi quyết tâm phương án chiến dịch trước đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng. Một ngày cuối tháng 2 năm 1975, trên dòng sông Đắc Đam thơ mộng đầy những dò phong lan đủ màu sắc trên các cây đại thụ hai bên bờ suối, được phân công của Bộ Tư lệnh, anh Vũ Lăng thay mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch báo cáo quyết tâm ( lúc này Bộ Chính trị quyết định anh Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, anh Vũ Lăng - Phó Tư lệnh, anh Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy cùng ba Phó Tư lệnh khác). Do quá trình lặn lội gần ba tháng trời ăn sương, nằm đất nên sức khỏe anh Vũ Lăng bị giảm sút. Trong buổi đầu mới báo cáo được tình hình chung thì anh lên cơn sốt cao 40 độ nên không dự họp được nữa. Bộ Tư lệnh phân công tôi báo cáo tiếp phần quyết tâm và phương án tác chiến chiến dịch. Vì tôi đã cùng anh Vũ Lăng trực tiếp suốt trong quá trình chuẩn bị.

        Ngày hôm sau hội nghị thảo luận, anh Vũ Lăng cố dự, lại là một lần trao đổi, tranh luận sôi nổi, phân tích lý lẽ để đại diện Bộ Tổng Tư lệnh có thể chấp nhận phương án, vì trong ý đồ tác chiến và sử dụng lực lượng cũng có phần hơi khác với ý kiến của các cơ quan chiến lược, nhưng cuối cùng đã được chấp thuận và sau này khi chiến dịch nổ ra thì càng thấy phương án của chiến dịch hợp lý, tạo bất ngờ cho chiến dịch ngay sau khi ta đã chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột. Nhận xét về công tác chuẩn bị chiến trường, anh Hoàng Minh Thảo khi về điều hành chiến dịch cũng đã khẳng định công lao lớn trong quá trình chuẩn bị chiến dịch là công lao của tập thể lãnh đạo và cơ quan chiến dịch, trong đó anh Vũ Lăng có vai trò to lớn và chúng tôi, những cán bộ tham mưu chiến dịch cũng đã khẳng định như vậy

        Từ thắng lợi to lớn có ý nghĩa quyết định của Tháng ba Tây Nguyên năm 1975, không thể không nhớ tới những kỷ niệm hào hùng của chiến trường Tây Nguyên - nơi một chiến dịch đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, một bước ngoặt trong sự trưởng thành của quân đội ta, của mỗi chúng ta, những người được vinh dự tham gia, được trực tiếp làm công tác chuẩn bị chiến dịch và thực hành chiến dịch đến toàn thắng. Trong ký ức sâu sắc của mỗi người chúng ta, không bao giờ quên vai trò lãnh đạo chỉ huy của tập thể Bộ Tư lệnh chiến dịch: anh Hoàng Minh Thảo, anh Đặng Vũ tiệp anh Vũ Lăng và các anh khác trong Bộ Tư lệnh, trong đó công đầu tiên của quá trình chuẩn bị chiến dịch thuộc về anh Vũ Lăng và tập thể cơ quan trực tiếp chuẩn bị chiến trường.

        Khi chiến dịch Tây Nguyên sắp kết thúc, ngày 26 tháng 3 năm 1975, tại sở chỉ huy Chư-xê trên trục đường thị xã Buôn Ma Thuột, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh công bố thành lập Quân đoàn 3 từ các lực lượng chủ yếu tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Sự ra đời Quân đoàn 3 là một tất yếu sau chiến thắng chiến dịch Tây Nguyên, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của  quân đội ta, của lực lượng vũ trang Tây Nguyên, sự chuyển hướng giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Trong cuộc họp vắng mặt anh Đặng Vũ Hiệp ( được quyết định làm Chính ủy ) đang trực tiếp đi cùng Sư đoàn 10 tiêu diệt lữ đoàn dù 3 ngụy ở đèo Phượng - Hoàng ), tôi và anh Nguyễn Thế Nguyên cán bộ tham mưu.

        Phát huy truyền thống lực lượng vũ trang Tây Nguyên, thừa thắng sau chiến dịch Tây Nguyên, Quân đoàn 3 dưới sự lãnh đạo chỉ huy của anh Vũ Lăng và anh Đặng Vũ Hiệp đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ lịch sử của mình trên hướng chủ yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi vẻ vang của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, được Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương đánh giá và biểu dương: " Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là đặc biệt xuất sắc ".

        Trong thành tích đó, chúng ta không bao giờ quên người Tư lệnh đã quá cố của chúng ta.

Xuân 2000       
N.Q.T           
       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:33:24 pm »


RẤT TRÂN TRỌNG Ý KIẾN CỤC TRƯỞNG VŨ LĂNG

Trung tướng LÊ  HỮU ĐỨC       

        Tôi biết anh Vũ Lăng từ kháng chiến chống Pháp. Anh Vũ Lăng là chủ lực của Bộ ở miền Bắc, tôi là chủ lực của Liên khu 5 miền Trung trong kháng chiến chín năm.

        Tháng Giêng năm 1954, tôi về Cục Tác chiến, sau đó lên Điện Biên Phủ giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi các chiến trường miền Nam: Liên khu 5, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Cao Miên. Anh Vũ Lăng lúc này là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 Sư đoàn 316. Thỉnh thoảng, hội nghị tổng kết từ cán bộ Trung đoàn trở lên, tôi có được dự, lúc đó tôi mới là rung đoàn phó. Tôi nghe nói ông này nóng tính lắm, có biệt danh là ông " Râu xồm". Đó là lúc anh ở đơn vị ấn tượng nhiều nhất với tôi là từ đầu năm 1972 đến đầu năm 1974, tôi làm Cục phó, anh Vũ Lăng làm Cục trưởng Cục Tác chiến. Tôi thấy khi quan hệ với cán bộ, anh là một con người rất bình tĩnh, dễ gần, cởi mở, sôi nổi, thẳng thắn, chân tình, có gì sẵn sàng trao đổi với nhau.

        Riêng với tôi, anh để lại nhiều kỷ niệm rất khó quên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta trong giai đoạn nỗ lực vượt bực để giành thắng lợi trọn vẹn. Khi tôi mới về cục, chỉ một tuần sau, anh Lăng bảo tôi:

        - Bây giờ đi họp.

        Tôi hỏi:

        - Họp cái gì hả anh?

        - Họp với Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.

        Lần đầu tiên được dự họp, anh Trường Chinh có hỏi tôi:

        - Đồng chí ở chiến trường nào về?

        Anh Lăng nói ngay:

        - Đồng chí Đức ở chiến trường Tây Nguyên, thổ công Tây Nguyên.

        Tôi được dự các hội nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trí với cương vị là thư ký hội nghị - Tổ thư ký gồm ba người: anh Vũ Lăng là Cục trưởng và hai cục phó là anh Võ Quang Hồ và tôi. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ do bản thân có chút kỉnh nghiệm chiến đấu, có chút vốn văn hóa. Nhưng sau này anh Lê Trọng Tấn ( Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách khối tác chiến ) cho biết: "Chính anh Vũ Lăng đề nghị cậu. Vũ Lăng nêu rõ: cậu có kinh nghiệm chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến, lại có trình độ lý luận, viết lách khá, trung thực, có ý thức giữ bí mật, có triển vọng. Vì thế tôi đồng ý, báo cáo lên các anh trên cũng nhất  trí ".

        Tôi thấy anh Lăng có trình độ về chiến lược, về công tác tham mưu xuất sắc, có nhiều sáng tạo. Nhất là đối với đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, anh ấy cũng thẳng thắn trình bày ý kiến của mình, mặc dù anh Văn đã kết luận rồi, anh ấy vẫn xin có ý kiến. Tôi nhớ một hôm giữa năn 1972, tôi với anh Võ Công Hồ, anh Vũ Lăng lên làm việc với anh Võ Nguyên Giáp gần ba tiếng đồng hồ, trao đổi sắp xong, anh Vũ Lăng xin phép về để giải quyết việc gì đó Anh mở cửa đi ra, chưa đầy một phút sau, anh quay lại gõ cửa.

        Anh Văn hỏi:

        - Ai đấy?

        - Vũ Lăng đây ạ .

        Anh bước vào nói:

        - Báo cáo anh, về vấn đề này tôi còn suy nghĩ và có ý kiến.

        Anh Văn cười bảo:

        - Đúng rồi, như thế là Vũ Lăng chưa nhất trí đâu. Trình độ các cậu khác năm 1945, năm 1946. Chúng tôi lãnh đạo phải lắng nghe các cậu, tất nhiên phải biết phân biệt đúng sai, nhưng mà hết sức lắng nghe, kết luận mới đầy đủ hơn, sáng suốt hơn.

        Tôi muốn nói rằng, tuy có những vấn đề trên đã có ý kiến, nhưng mà anh dám có ý kiến lại, thể hiện trình độ của anh, không phải như người khác là cấp trên nói thế nào cũng gật ngay. Tôi quý anh Lăng chỗ đó, học anh Lăng cũng chỗ đó. Đúng là cấp trên bao giờ cũng hơn mình nhiều mặt, mình phải chấp hành ý kiến ở trên, khi trên cho ý kiến thảo luận dân chủ thì phải phát biểu ý kiến của mình cho đến khi thỏa đáng.

        Trong ba năm tôi ở với anh, từ năm 1972 đến năm 1974, tôi chưa bao giờ thấy anh Vũ Lăng phát biểu dựa theo ý kiến người khác hoặc dựa theo ý kiến của trên. Cấp trên còn phát biểu, anh còn có ý kiến.

        Anh Lăng và anh Lê Trọng Tấn, hai đồng chí thường hết sức lắng nghe ý kiến cấp dưới, hết sức chủ ý gợi ý, khêu gợi những vấn đề để anh em bàn bạc. Đó là điều đặc biệt khác người khác.

        Qua làm việc trong hội nghị, thỉnh thoảng nói chuyện với các đồng chí trong Bộ Chính trị, mọi người đều đã nhận xét anh Vũ Lăng là một cán bộ tốt, có kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi được biết: Anh Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Đại tướng Tổng Tư lệnh; anh Song Hào, anh Lê Quang Đạo đối với anh Vũ Lăng rất trân trọng. Anh Võ Nguyên Giáp, anh Lê Trọng Tấn rất trân trọng những ý kiến của anh Vũ Lăng phát biểu về chiến lược, chiến dịch hay là chiến đấu. Nhiều khi anh Văn, anh Tấn, anh Cao Văn Khánh gợi ý cho anh Vũ Lăng phát biểu hết ý kiến của mình. Có ý kiến nào không đồng ý thì các anh nói rõ: " Chỗ này chưa nên, nhưng cậu phát biểu thế là tốt".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2016, 08:34:34 pm »


        Khi nắm chắc tình hình, chuẩn bị lập luận vững chắc, lô-gíc thì anh kiên trì trình bày với cấp trên. Lần đầu chưa được thì liên tiếp các lần sau. Khi được chấp nhận, trên nét mặt anh lộ một chút rất trẻ và khá ngộ nghĩnh.

        Thường anh tâm sự với tôi: " Nghề công tác tham mưu thì vinh quang cũng lắm, vinh dự cũng nhiều, nhưng tủi nhục không ít: Chỉ vì sự nghiệp chung thì trước sau cũng tìm được tiếng nói chung". Anh kết luận bằng câu tiếng Pháp có nghĩa là: vinh và nhục của cơ quan tham mưu mà.

        Anh Vũ Lăng nóng tính thật, nhưng trong giao ban, anh luôn chủ động ghìm mình lại chịu sự phê bình của cấp trên, đồng thời ghìm mình lại để không bộc lộ ra bằng thái độ hay lời nói. Cái đó chỉ chúng tôi biết và thủ trưởng trên anh - anh Vương Thừa Vũ, anh Lê Trọng Tấn qua mọi thời kỳ đều nhận xét như thế. Có lần, anh Vương Thừa Vũ họp xong ra vỗ vai anh Vũ Lăng:

        - Hoan nghênh Vũ Lăng nhé!

        Thế là anh Lăng cười - chúng tôi ra về .

        Những điều mà tôi nghĩ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt là lòng dũng cảm, vị tha của anh đối với một cộng sự khỉ bị cấp trên nhận xét, mặc dầu sự nhận xét chưa thật chuẩn xác.

        Năm 1972, biết Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu đã nhận xét cán bộ phụ trách Cục Tác chiến mà chủ yếu đối với tôi - thường các buổi giao ban bao giờ tôi cũng được cùng Cục trưởng Vũ Lăng dự họp - nhưng hôm ấy anh Vũ Lăng bảo tôi:

        - Đức hôm nay ở nhà, sẵn sàng sang báo cáo anh Ba và anh Tô1.

        Tôi cũng lại chưa thấy ai nói gì cả, bởi vì thường báo cáo như vậy là Văn phòng Trung ương hoặc Bí thư quân sự của anh Ba Duẩn hoặc anh Tô gọi sang. Tôi bảo:

        - Chưa thấy ai bảo gì cả.

        - Cậu cứ ở nhà, sẽ có người bảo.

        Tôi chờ cả buổi sáng không thấy gì. Giao ban về, tôi hỏi anh:

        - Giao ban hôm nay có gì không anh?

        Anh vẫn tỉnh khô trả lời:

        - Không có gì, vẫn bình thường như mọi ngày.

        Nhưng sau đó bốn năm hôm, qua nhiều người, tôi biết chuyện này, tôi hỏi, anh bảo:

        - Thôi đi làm gì, mình đi cho các cậu là được rồi.

        Tôi thấy khi cấp dưới khó khăn, anh sẵn lòng thay mình nhận khó khăn đó. Tôi cũng sống với nhiều cấp trên, có ít đồng chí có tác phong như vậy.

        Trước khi tôi đi học, anh căn dặn: Bây giờ cho đi học thì cố gắng học cho tốt, về sẽ đánh lớn hiệp đồng binh chủng. Mình cũng đã học ở Vô-rô-si-lốp. Nên đi học!

        Trong quá trình học, tôi được biết ở nhà, tổ chức cấp trên bố trí người thay anh Lăng.

        Đến ngày 21 tháng 1 năm 1974 tôi về, có liên lạc gọi ngay sang nhà anh Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng) làm việc. Anh giao nhiệm vụ thay anh Vũ Lăng ( lúc này anh Vũ Lăng được điều vào chiến trường Tây Nguyên làm Tư lệnh ). Lúc đầu, tôi từ chối vì thấy rằng khó quá, các Cục phó hiện nay đều là cấp trên của tôi trước đây: có đồng chí làm Trung đoàn trưởng khi tôi làm chính trị viên; có đồng chí làm tiểu đội trưởng khi tôi còn là chiến sĩ; có đồng chí được phong quân hàm trung tá thì tôi mới thiếu tá. Tôi cũng trình bày thật với anh Văn Tiến Dũng, anh Dũng nói đùa với tôi:

        - Theo đồng chí ai vào Đảng năm 1930, năm 1947, năm 1948 thì vào Trung ương, Bộ Chính trị cả chứ gì? Bây giờ quyết định chính thức rồi, cứ về làm, cố gắng phát huy anh em, có khó khăn gì gặp chúng tôi.

        Theo anh Tấn: "Cũng Vũ Xồm tiến cử cậu, tớ thì hiểu rõ cậu, tớ nhất trí vì các Cục phó khác kẻ thì có tuổi, kẻ thì đã xa chiến trường lâu quá. Cậu vừa có kinh nghiệm chiến đấu, vừa có kinh nghiệm công tác tham mưu, còn trẻ, hăng hái. Tớ bảo Lăng lên báo cáo trực tiếp với anh Văn Tiến Dũng - các anh cân nhắc và nhất trí".

        Như vậy là đã rõ. Ngay khi tôi mới về Cục, anh đã chọn lọc, cân nhắc, bồi dưỡng một cách khách quan, trung thực để có người thay thế. Mặc dầu tôi chỉ mới biết anh, làm việc với anh một thời gian ngắn.

        Tôi nghĩ anh Vũ Lăng rời Cục Tác chiến vào chiến Trường Tây Nguyên, là vào chiến trường trọng điểm của cuộc tiến công và nổi dậy. Điều đó thể hiện trên tín nhiệm anh - Anh là một Trung đoàn trưởng nhiều kinh nghiệm đánh chủ lực, đánh hiệp đồng binh chủng trong kháng ciến chín năm, rồi sau đó anh về phụ trách Cục Khoa học quân sự, Cục trưởng Cục Tác chiến từ năm 1965 mãi tới năm 1974: gần chín năm. Anh ra trận với trình độ nhãn quan chiến lược của anh nên cấp trên mới tín nhiệm anh làm Tư lệnh chiến trường B3 (Tây Nguyên). Khi chiến dịch Tây Nguyên, anh làm Phó Tư lệnh, anh Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh. "Chuẩn bị chiến trường Buôn Ma Thuột rất khó khăn, lần đầu tiên bộ đội đánh vùng rừng núi" như anh Quốc Thước đã nói. Nhưng anh Lăng có kinh nghiệm dày dạn với công tác tham mưu, nhiều kinh nghiệm đánh hiệp đồng binh chủng nên đã hướng dẫn cho anh em chuẩn bị chu đáo, giúp anh em nhiều bài học.

--------------------------------
        1. Đồng chí Lê Duẩn vả Phạm Vãn Đồng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 09:57:49 am »


        Đến chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 do anh làm Tư lệnh có vinh dự lớn nhận mũi đột kích chủ yếu. Vinh dự này vừa là của anh em, vừa là của đồng chí Tư lệnh được cấp trên giao nhiệm vụ. Tuy sau này anh không vào được Dinh Độc Lập sớm, vì nhiệm vụ của Quân đoàn 3 là chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, rồi chiếm bộ tổng tham mưu, tuy cũng có một bộ phận hướng vào Dinh Độc Lập. Quân đoàn 3 trên hướng tây bắc theo đường 22 ( bây giờ là đường số 1) vừa tiêu diệt địch ở Đồng Dù (Tây Ninh, Trảng Bàng) đồng thời thọc sâu, đúng tối 29 tháng 4 đã vào đến sân bay Tân Sơn Nhất. Chính anh đã đề xuất chiến dịch tiến công tiêu diệt địch ở hang ổ cuối cùng Sài Gòn - Gia Định nên lấy tên Bác là chiến dịch Hồ Chí Minh1.

        Trong những lúc giao ban theo dõi, tôi cũng thấy đồng chí Tổng Tư lệnh, đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng luôn biểu dương Quân đoàn 3 và nói rõ Quân đoàn 3 có Vũ Lăng làm Tư lệnh trưởng thì tốt rồi, rất chắc chắn, không có ý kiến gì. Có thể có ý kiến với quân đoàn này, quân đoàn khác, nhưng với Quân đoàn 3 thì nhiệm vụ giao đã hoàn thành xuất sắc. Đó là công lao to lớn của tập thể Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và tất cả cán bộ chiến sĩ, nhưng vai trò của đồng chí Vũ Lăng lúc này là Thiếu tướng thì rất rõ.

        Sau này, khi chiến tranh biên giới Tây Nam, trong những hội nghị do chúng tôi tổ chức, anh có lên nói chuyện với chúng tôi. Hội nghị Bộ Tổng Tham mưu lúc ấy tổ chức ở sở chỉ huy của trung tướng Minh - tư lệnh không quân ngụy, chúng tôi gọi là " nhà con ó ", anh cũng nói đùa với tôi:

        - Lên gặp Cục trưởng xem Cục trưởng có gì chỉ thị không.

        Tôi cười :

        - Gớm! Làm gì mà dám chỉ thị Tư lệnh.

        Nhưng thực ra, quan hệ của chúng tôi rất tốt. Có ý kiến gì về nhiệm vụ Tây Nam, anh đều có ý kiến. Anh hiểu khó khăn của nhiệm vụ Cục trưởng chúng tôi. Anh còn nói cho biết: " Khó khăn của quân đoàn tôi thế này, tôi chắc chắn các quân đoàn khác cũng như thế. Các anh báo cáo với cấp trên để giải quyết cho quân đoàn ".

        Anh gợi ý cho chúng tôi về chiến dịch, về chiến thuật mà khó nhất đánh Tây Nam là nắm địch. Anh là người có nhiều ý kiến giúp cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ở tiền phương về cách đánh địch và chỉ huy tác chiến.

        Sau ngày thống nhất, anh tiếp tục ở Quân đoàn 3, Giám đốc Học viện Quân sự Đà Lạt. Anh được phong Trung tướng và Thượng tướng. Anh là một trong sáu đồng chí được phong hàm Giáo sư đầu tiên của Quân đội vào năm 1986.

        Một buổi sáng, chúng tôi gặp nhau ở hiệu cắt tóc, số 33 Trần Phú. Lúc này anh ra Hà Nội để chuẩn bị đi chữa bệnh ở nước bạn. Hai chúng tôi ngồi dưới chân tượng đài Lê-nin tâm sự gần buổi sáng, từ công tác Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu đến chiến trường miền Nam và Tây Nam.

        Kết thúc buổi mạn đàm, anh nói:

        - Mình được đi chữa bệnh ở nước bạn, chắc sang đó có thời gian đọc. Lúc về, tớ và cậu cùng nhau viết lại những kinh nghiệm quý báu về công tác tham mưu chiến lược...quý lắm...Tớ  kể rồi cậu viết... Cậu còn nhớ câu "Ba ông thợ da"2  mà ông Văn cứ dặn chúng mình chứ?

        Tôi cũng tin vậy, khi nghe tin anh đau nặng nhưng sắc thái và đặc biệt là giọng nói còn rõ và rành mạch lắm.

        Không ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi gặp anh.

        Mỗi lần có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại lên nghĩa trang thành phố thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến anh, đền đáp một phần sự dìu dắt của anh.

        Trải qua ba mươi năm chiến tranh cách đây trên nửa thế kỷ, trong đời binh nghiệp, tôi đã đi qua nhiều đơn vị, công tác với nhiều đồng chí cấp trên trực tiếp từ tiểu đoàn,trung đoàn, sư đoàn, mặt trận, quân khu, học viện, nhưng mấy ai được như anh: biết chọn lọc, bồi dưỡng, dìu dắt cấp dưới một cách vô tư, chân thành, trong sáng.

        Nên mỗi lần nói đến anh, những buổi thảo luận kế hoạch tác chiến, những lúc trao đổi dốc hết bầu tâm sự và khi đoàn làm "phim" về anh, tôi không sao cầm được nước mắt.

L.H.Đ       

-------------------
        1. Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh xác định người đề xuất chiến dịch tiến công Sài  Gòn - Gia Định nên lấy tên Bác kính yêu là chiến dịch Hồ Chí Minh chính là đồng chí Vũ Lăng – Tư lệnh Quân đoàn 3. Đề xuất này được Bộ Tư lệnh chiến dịch chấp nhận ngày 12 tháng 4 năm 1975 và được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua ngày 14 tháng 4 nam 1975. (Trong buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào ngày 25 tháng 4 năm 2002).

        2. Trước anh Văn thường động viên chúng tôi phải đào sâu suy nghĩ. Anh nói: "Ba ông thợ da thành Gia Cát Lượng các cậu ạ".

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 10:44:14 am »

     
VÀI KỶ NIỆM VỚI THƯỢNG TƯỚNG VŨ LĂNG

Thiếu tướng HỒ ĐỆ1        

        1. Chuẩn bị trọng điểm ở hướng Đức Lập, là khu vực địch đã chiếm giữ lâu ngày, quân chủ lực thì ít nhưng vùng đông dân, biệt kích, thám báo, bảo an, dân vệ lại rất nhiều. Đi qua khu rừng bị phá bởi chất độc màu da cam, lại gặp phải những dãy đồi và sườn núi, dân địa phương chặt cây làm rẫy, cây cối đang đổ ngổn ngang. Đoàn cán bộ gồm hầu hết cán bộ cấp trưởng quân sự từ đại đội trưởng trở lên, chúng tôi vừa chui, vừa nhảy, vừa leo trèo, ban ngày thì dễ lộ, ban đêm thì rất khó đi, tận dụng ánh trăng đầu tuần, xước da, sưng trán không tránh được, không ít đồng chí bị bong gân, xước mặt. Ăn cơm nắm mấy ngày ròng rã, tất cả đều mệt nhoài, nhưng vẫn cố trèo lên đồi cao, sát địch để quan sát các vị trí cứ điểm của địch; trinh sát viên đi trước, cán bộ bám theo, thay nhau hết đợt đơn vị nọ đến đơn vị kia, trung đoàn cùng sư đoàn quan sát xong thì đến cấp tiểu đoàn, đại đội lên nghiên cứu, theo phân công cho từng đơn vị. Thời gian đi chuẩn bị chiến trường mất nửa tháng mới hoàn tất được công việc, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.

        Riêng có một câu chuyện tôi thấy cũng cần đáng nói, dù giờ đây kẻ còn, người mất, âu cũng là kỷ niệm trong chiến tranh. Đó là chuyện khi đi chuẩn bị chiến trường của một vị tướng trong chiến tranh.

        Đoàn đi cùng bộ phận cán bộ mặt trận do đồng chí Vũ Lăng - Tư lệnh B3 dẫn đầu (đồng chí Vũ Lăng sau là Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên). Dọc đường đi anh vẫn vui anh thích chơi hoa, gặp cụm hoa phong lan tai trâu nào đẹp là anh cố dừng lại nhìn một tý đã, Gần tết âm lịch nên ở những vườn cây còn sót lại, hoa phong lan nở rộ rất nhiều. Trong đoàn khoác lá ngụy trang, ai cũng đèo thêm một cành, người và hoa cứ quyện nhau mà tiến lên phía trước. Một hôm gặp phải mưa to gió rét ướt đầm đìa, đã mệt lại càng mệt hơn. Tôi vừa kịp leo lên đỉnh dốc, chưa kịp thở, thì anh Vũ Lăng cũng vừa tới. Mệt quá, anh nằm vật xuống, ngửa mặt lên trời, mắt lim dim, anh em lo cho anh bị cảm, râu mấy ngày không kịp cạo, vốn trước kia đã mệnh danh là "anh râu xồm" nay đã quá mức xồm mà người  ta tưởng. Y tá vội xoa dầu nóng cho anh thì anh mới tỉnh dậy, may lúc ấy gần sát đồn địch, không một phát súng của địch bắn vu vơ. Tôi mường tưởng lại hình ảnh của anh vừa rồi, thấy cũng vui và buồn cười, liền tức cảnh ngẫm nghĩ mấy đoạn, xin viết vào đây làm kỷ niệm:

                                 Đường ra phía trước nẻo xa.
                                Nậm Lia lộng gió bẻ hoa trên ngàn.
                                 Càng say vẻ đẹp phong lan gọi hồn.
                                 Hoa ơi, Em chớ có buồn.
                                 Trời sao nào biết lúc dồn bước đi.
                                 Râu hùm hàm én mà chi.
                                 Bóng trăng lốp ló, oanh gì, liệt đây.
                                 Nghĩ rằng, như thế mà hay.
                                 Để ta có dịp xuân này lập công

        Đọc thơ cho anh nghe, anh cười và đẩy xô tôi một cái rồi cùng nhau cười, bớt mệt. (Nậm Lia là tên núi, Hoa là tên vợ anh).

        2. Giữa lúc Sư đoàn đang triển khai chuẩn bị thì ngày 24 tháng 3 năm 1975, sư đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch như sau:

        " Nhiệm vụ của Sư đoàn 10 được tăng cường hai đại đội xe tăng, Trung đoàn 7 (thiếu) một đại đội công binh, một đại đội pháo binh Đ74 (ba khẩu), Trung đoàn cao xạ 234 (tám cơ cấu số A72), Trung đoàn bộ binh 25, có nhiệm vụ: Bước 1 từ bảy đến mười ngày lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn tiến tới tiêu diệt toàn lữ đoàn dù từ đèo Mađrắc đến Phượng Hoàng và tiêu diệt các lực lượng phản kích từ xa đến (nếu có). Bước 2 mở thông đèo Phượng Hoàng nhanh chóng tập trung lực lượng đánh chiếm Nha Trang. Sau khi chiếm Nha Trang phát triển xuống Cam Ranh hoặc ứng chiến tiến công xuống Cam Ranh trước, đồng thời có bộ phận vây Nha Trang, đánh chiếm sau...

        Thời gian bắt đầu nổ súng đánh lữ đoàn 3 vào ngày 27 tháng 3 năm 1975, đến ngày 2 tháng 4 năm 1975, thì diệt xong. Thời gian nổ súng đánh vào Nha Trang đầu tháng 4 năm 1975. Nhiệm vụ cụ thể, thời gian cách đánh của ta và giải quyết khó khăn, anh Vũ (Vũ Lăng) sẽ đến và giải quyết với sư đoàn ngày 26 tháng 3".

        Ký tên: Hoàng

        (Mật danh của đồng chí Hoàng Minh Thảo)

        Qua bức điện tôi thấy không những cấp trên giao nhiệm vụ một cách dứt khoát, rõ ràng, mà còn hướng dẫn cách đánh cụ thể cho sư đoàn. Tôi vui mừng, vì việc nghiên cứu chuẩn bị trước của sư đoàn rất ăn khớp với mệnh lệnh của cấp trên giao xuống. Suốt ngày 24, 25 và 26 tháng 3, chúng tôi đi sâu vào tính toán, giải quyết yếu tố cần thiết để khắc phục khó khăn cho trận đánh.

        Vì địa hình, chỉ có khu vực quận lỵ Khánh Dương bằng phẳng nhưng quá xa, sư đoàn phải tập trung lực lượng làm con đường kéo pháo dài tám cây số vào sát núi Chư Tô, mất rất nhiều công sức. Triển khai bộ đội bí mật xây dựng đường trục, đường nhánh để đưa quân vào bảo đảm làm sao trước sáng, bộ đội ta đã vào vây hãm được dịch tại chỗ, kịp có công sự trận địa chu đáo, có thể tránh được quân dù dùng thủ đoạn đèn cù sát thương ta bằng phi pháo. Khi sư đoàn đã ra lênh cho các đơn vị từ khu tập kết vào tuyến xuất phát, sẵn sàng khi có lệnh sẽ vào chiếm lĩnh thì rạng sáng ngày 27 tháng 3, đồng chí Vũ (Vũ Lăng) Phó Tư lệnh chiến dịch đến.

------------------------------
       1. Thiếu tướng Hồ Đệ:  Nguyên Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 10:45:09 am »


        Xa nhau mới khoảng một tháng mà trông đồng chí Phó Tư lệnh khác hẳn, gầy đi nhiều, dọc đường hình như quá vội nên vừa ngồi sát bờ suối, rửa mặt, chân tay và cạo râu, lại vừa liên tiếp hỏi tôi tình hình:

        - Nào đã biết lữ đoàn 3 dù đến đây từ lúc nào chưa?

        - Nào đã biết ta giải phóng thành phố Huế chưa?

        Vân vân và vân vân.

        Nhìn Phó Tư lệnh, tôi cứ nghĩ mãi: Quái ông này râu gì mà cứng thế. Mỗi lần cạo như thế này tốn bao nhiêu dao cạo và phải mấy mấy lần?

        Tôi hỏi:

        - Mỗi lần không kịp cạo, anh có khó chịu lắm không

        Anh trả lời:

        - Cũng hơi khó chịu - Rồi anh nói luôn - ấy vừa rồi trên đường đi bộ vào đây, lính của cậu gặp tớ, đã mắng tớ: Này bố già ơi, đất này là của bọn trẻ, ông già rồi còn vào đây làm cái gì, về mà ngủ đi. Ông khinh bọn trẻ này không làm trò trống mới mò đến đây à? Rồi anh ta còn sờ râu tôi chứ.

        - Thôi anh thông cảm. Chỉ có lính Sư đoàn 10 mới dám sờ đến râu Phó Tư lệnh chiến dịch như thế. Chắc có lẽ anh gặp lính Trung đoàn 66. Ngày xưa đói ăn, thiếu rau, nhạt muối, khi đi qua vườn rau của dân, liền nhổ sạch, còn để giấy lại viết mấy chữ "mượn tạm, trả sau", chấn chỉnh mãi mới thôi. Được phong là đơn vị anh hùng nên có bớt sai phạm đi đấy. .

        Cạo râu, rửa mặt xong, Phó Tư lệnh bắt tôi vào đề  ngay. Tôi hiểu, thủ trưởng tôi vốn người nóng tính, nên tôi cũng đã sẵn sàng chu đáo.

        Sau khi trình bày quyết tâm, ý định hành động của sư đoàn, tôi đi sâu vào giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

        Đại để lúc đó tôi đã trình bày như sau:

        - Trung đoàn 66 được phối thuộc tiểu đoàn 1 Trung đoàn 25 và xe tăng thiết giáp, pháo binh, cao xạ theo trục đường 21 có nhiệm vụ đánh tiêu diệt tiểu đoàn 5 dù ở tọa độ 02-633 trên tuyến của địch ở khu vực đèo Mađrắc.

        -Trung đoàn 28 được tăng cường đại đội pháo binh sư đoàn, súng máy 12,7mm có nhiệm vụ luồn sâu vào vây tiểu đoàn 6 dù ở tọa độ 97637 tuyến 2 của địch phòng ngự.

        - Trung đoàn 24 luồn theo sườn núi cao phía tây từ Chư Tô đi Chư Kni. Khi vào vây chỉ huy lữ đoàn 3 ở trại công chính tọa độ 87753, cắt đứt mối liên hệ của lữ đoàn 3 dù với các lực lượng phía sau của địch lên ứng cứu để tiểu đoàn 5 vào phối hợp tiểu đoàn 2 Trung đoàn 25 vây tiểu đoàn 2 dù từ phía tây. Sư đoàn tận dụng mọi hỏa lực triệt phá các trận địa pháo binh địch trước khi tiến công, các sư đoàn đều phải phái ra lực lượng chốt giữ các cầu trên phạm vi nhiệm vụ được giao.

        Quá trình nghe tôi trình bày, Phó Tư lệnh Vũ Lăng đi rất sâu từng chi tiết và tỏ ý rất hài lòng. Cuối cùng Phó Tư lệnh suy nghĩ một lúc rồi quyết định sửa phương án một chút là điều cả Trung đoàn 24 vào vây chỉ huy sở lữ đoàn 3 dù, không cần để tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 vây tiểu đoàn 2 dù mà chỉ cân dùng tiểu đoàn 2 Trung đoàn 25 là đủ. Làm như vậy chia cắt  lữ đoàn 3 phía đông sẽ đủ lực lượng mạnh hơn, chắc tay hơn.

        Phương án chiến đấu cơ bản được thông qua. Song giữa tôi và Phó Tư lệnh Vũ Lăng còn đi sâu vào tình huống. Hai chúng tôi đều nhất trí đánh trận này làm sao tiêu diệt một cách giòn giã, đồng thời lo cho sư đoàn ít thương vong nhất để có sức làm tiếp nhiệm vụ chiếm Nha Trang – Cam Ranh một cách mạnh nhất, tốt nhất. Vì thế, nhiều câu hỏi đặt ra cùng nhiều suy nghĩ. Nào là khi ta đánh tiểu đoàn 5 dù thì địch có phản kích không? Trường hợp địch phản kích thì đánh ngay trước trận thứ hai, nhưng địch cố thủ thì cần điều chỉnh đội hình, lùi trong ngày 31 tháng 3 đánh hiệp đồng binh chủng cho chắc tay, như thế ngày 31 tháng 3 đánh tiểu đoàn 6, rồi phát triển đánh tiểu đoàn 2 dù luôn thì địch có thể chạy.

        Còn việc dùng pháo binh, chủ yếu là pháo binh của sư đoàn nhiều đạn 105 ly. Còn Đ74 ít đạn, chỉ bắn mục tiêu nào pháo sư đoàn không bắn tới. Phải quan tâm lực lượng địch từ phía Dục Mỹ lên ứng cứu lữ đoàn 3 dù. Cho nên việc Trung đoàn 24 cắt khóa phía đông phải làm thật tốt. Tính khả năng đêm 30 tháng 3, Trung đoàn 24 mới vào được phía đông lữ đoàn bộ dù, chắc tay là sáng ngày 31 tháng 3, do đó trận đánh nên bắt đầu sáng ngày 29 tháng 3, đánh sớm sẽ xảy ra khi địch chạy ta chưa kịp vây phía đông lữ bộ để diệt gọn!

        Trong mọi trường hợp phải tập trung lực lượng đánh cho chắc kể cả khi địch co cụm lại. Cuối cùng Phó Tư lệnh tuyên bố: "Quân ủy Trung ương cho một cán bộ chiến sĩ năm cân lương khô, một cân đường, một cân sữa làm quà Tết" .

        Tôi thầm nghĩ: Như thế là cấp trên muốn sư đoàn đánh trận này phải bảo đảm chắc tay là xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Bước vào trận sắp tới có quà của Quân ủy Trung ương như thế, còn gì bằng, khác hẳn xưa kia, ăn đói mà đánh giặc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2016, 10:45:30 am »


        Có một điều mừng nhất của tôi lúc ấy là việc đánh trung đoàn đã căn cứ vào quyết tâm của sư đoàn, đi nghiên cứu địa hình, trinh sát thực địa, tổ chức nắm địch và từng bước dịch chuyển đội hình tiếp cận theo mục tiêu đã phân công, đồng thời chuẩn bị mọi mặt đảm bảo cho trận đánh đúng theo kế hoạch hiệp đồng chiến đấu của sư đoàn. Đến giờ phút này, thông qua phương án với cấp trên cũng không phải thay đổi gì lắm, trừ việc điều động tiểu đoàn 5 Trung đoàn 24 đang hướng vây tiểu đoàn 2 dù, phải quay ra theo đội hình tập trung của trung đoàn. Đường dây liên lạc hữu tuyến đang bám theo trục hành quân của tiểu đoàn này nên cũng dễ điều chỉnh.

        Càng gần đến ngày nổ súng thì dịch càng phát hiện được những hiện tượng có lực lượng ta vào áp sát, nên chúng càng dùng hỏa lực pháo binh và máy bay đến oanh tạc dữ dội hơn. Lẻ tẻ ta có bị thương vong, nhưng đội hình chung cura ta van giữ được bí mật.

        Thông qua phương án xong, chúng tôi xin phép sáng ngày 28 tháng 3 di chuyển chỉ huy sở lên phía trước, trực tiếp cùng Trung đoàn 28; không ngờ tối 27 tháng 3 lại có điện gọi đồng chí Vũ Lăng về ngay sở chỉ huy chiến dịch.

        Sau này tôi mới biết lý do gọi đồng chí Vũ Lăng về là để thành lập Quân đoàn 3 do đồng chí làm Tư lệnh quân đoàn. Đồng chí Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh chiến dịch về Quân khu 5, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc để chuẩn bị cho quân đoàn tập trung tham gia chiến dịch đánh Sài Gòn. Bắt tay nhau để chúng tôi lên phía trước và đồng chí Vũ Lăng ở lại để đi về phía sau, không ngờ phút chia tay giữa chúng tôi với đồng chí Vũ Lăng lại sâu sắc đến thế. Anh nói:

        - Thế là mình không được đi cùng với sư đoàn để đánh trận này. Các anh đánh trận này cũng là để rửa hận cho mình đấy? Năm 1946 mình đã phải rút chạy trên mảnh đất này mất hàng ngàn con bò, lợn ở Ninh Hòa. Mình muốn đi cùng sư đoàn để rửa hận, mà thôi vì việc chung, mình mong các anh chiến thắng.

        Tôi hiểu đó là thời kỳ Nam tiến của anh và rõ ràng tôi thấy anh rất luyến tiếc, rất muốn đi cùng sư đoàn, nên tôi đã hứa:

        - Xin anh yên tâm, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ, rửa hận cho anh một cách trọn vẹn.

        Chia tay nhau mang nặng một tâm tư ngậm ngùi khôn xiết  Vừa lên tới sở chỉ huy phía trước, sáng ngày 28 tháng 3,khi tôi đang kiểm tra để nắm lại tình hình thì tôi được điện thoại báo là quân dù đã dùng pháo binh bắn phá rất dữ dội vào sở chỉ huy cũ làm ba vệ binh vẫn còn ở đó bị thương. Cây cối và kho tàng của ta ở đây đã bị pháo đạn địch bắn trúng. Tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng anh Vũ Lăng vẫn còn đang ở dấy. Nhưng sau kiểm tra lại mới biết anh Lăng đã rời sở chỉ huy cũ đó trước khi địch bắn pháo mười lăm phút, tôi mới yên tâm. Như vậy là càng ngày địch càng bắn phá oanh tạc đến những nơi ta đã bố trí. Do vậy chúng tôi rất sốt ruột chỉ mong đến giờ nổ súng. Có lẽ hầu hết mọi cấp chỉ huy trong chiến tranh ai cũng hiểu chính những giờ phút này là những giờ phút căng thẳng nhất. Trời đêm càng tối dần, dế kêu, muỗi cắn, lá rừng đang rủ xuống hình như đang che giấu một điều bí ẩn gì đó. Bộ đội ta vào chiếm lĩnh đúng kế hoạch và không xảy ra biến cố gì

        Mờ sáng ngày 29 tháng 3, hầu như mọi hướng đều đã vào vây hãm chặt, mà địch không hề hay biết. Trận tiến công tiêu diệt lữ đoàn dù 3 bắt đầu. Tôi ra lệnh đánh. Như vậy là nhờ sự có mặt trực tiếp của anh Vũ Lăng trong việc thông báo phương án tác chiến mà Sư đoàn 10, từ ngày 29 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 năm 1975, đã tiêu diệt hoàn toàn lữ đoàn 3 quân dù, tổng dự bị ngụy liên tiếp trong bốn ngày; tiếp đó phát triển tiến quân giải phóng được hai thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh. Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên vào ngày 1 tháng 4 năm 1975.

        Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kéo dài suốt ba mươi năm, từ kháng chiến chín năm chống Pháp rồi đến hai mươi mốt năm chống Mỹ, dân tộc ta đã ghi một dấu ấn vàng son và huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc.

        Trong một chiều dài lịch sử ấy, nhân dân ta, quân đội ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất tự hào sản sinh được những sĩ quan quân đội, những vị tướng lĩnh có tài. Trong những vị tướng như thế, có Giáo sư - Thượng tướng Vũ Lăng. Từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ, từ Đường 9 - Nam Lào đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh đã là một chỉ huy chiến dịch đánh giặc đầy khí phách hiên ngang, rất tận tụy với trách nhiệm của mình, gương mẫu sâu sát với cấp dưới, luôn luôn thực hiện quan điểm thực tiễn và tính khoa học sâu sắc. Đặc biệt trên cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và trên cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3, anh đã đóng góp công sức rất to lớn trong việc giải phóng Tây Nguyên và chỉ huy quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong đó có Sư đoàn 10 đánh thọc sâu chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu quân ngụy.

        Tưởng nhớ đến Giáo sư - Thượng tướng Vũ Lăng chính là tưởng nhớ đến vị tướng đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và đất nước ta.

H.Đ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 10:45:23 am »


NHỚ ANH VŨ LĂNG
Đại tá LÊ NGUYÊN       

        1. Vào quãng trước hay sau chiến dịch Biên Giới năm 1950, tôi đã biết có một Vũ Lăng cùng với Vũ Yên, Vũ Lập, Nam Long, Nam Thắng... là lớp cán bộ Trung đoàn trưởng của quân đội ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp mà tên tuổi được nhiều người biết.

        2. Tận mắt nhìn thấy Vũ Lăng, phải đợi tới năm 1963, khi tôi về học lớp bổ túc K2, Trường Cán bộ Trung cấp ở Bạch Mai, Hà Nội. Chuyện là thế này:

        Phòng phát thuốc và tiêm thuốc của tổ quân y đối diện với cửa phòng học của tôi. Chúng tôi đều quen cô Hoa dược sĩ làm việc ở đó. Có những chiều thứ bảy, khi chúng tôi chuẩn bị xếp cặp tài liệu đi gửi bảo mật, thì ông "Lăng xồm" - chúng tôi quen gọi anh như thế chứ chưa ai thấy bộ râu xồm của anh bao giờ - đến đón vợ về. Anh có vóc người trung bình, không to cao, tướng mạo "râu hùm hàm én", phong độ vui vẻ lịch sự, ăn mặc luôn nghiêm chỉnh, quân phục chỉnh đẹp luôn phẳng phiu, giày đen bóng, dáng uy nghi như một ông tướng. Còn cô Hoa, vợ ông là một thiếu phụ thon thả xinh xắn, mẫu "tiểu thư" của thời "ngựa hồng côn bát"1. Anh em bảo: Đó là một ông chịu chơi, có trình độ, biết chỉ huy, biết làm việc và cũng rất biết chiều vợ.

        3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu lan ra Bắc. Giôn-xơn ném bom. Từng bầy "Thần sấm", "Con ma" ào ạt xông vào đánh phá ác liệt. Có ngày trên một trăm máy bay từ các hướng bay vào, có hướng đếm được hơn bốn mươi chiếc. Dưới thấp, một lũ máy bay lồng lộn lùng sục trấn áp các trận địa pháo cao xạ, tiếng bom nổ ầm ầm. Cả miền Bắc vùng lên vào trận, vừa chi viện miền Nam, vừa đánh trả máy bay Mỹ. Cả Hà Nội nhộn nhịp đi sơ tán. Đâu đâu cũng chỉ thấy quyết tâm và hăng hái. Mỗi người đều lo làm tốt nhiệm vụ của mình góp phần đánh Mỹ.

        Trong bối cảnh chiến tranh đó, tháng 8 năm 1965, tôi lại có dịp gặp anh Vũ Lăng trong chuyến công tác vào tuyến lửa Khu 4 cùng đoàn cán bộ Cục Tác chiến và Quân huấn do anh Phi Long dẫn vào. Công việc đã xong. Anh Vũ Lăng - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu đón chúng tôi về dự bữa cơm thân mật trước khi về Bộ. Với anh em cán bộ từ cơ quan Bộ đến công tác, anh đều đối đãi thân tình bạn bè.

        Anh cùng chúng tôi đi chuyến đò ngang qua sông Lam sang nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thuộc huyện Thanh Chương. Bến sông Lam trong nắng chiều rực rỡ, sóng nước long lanh. Con đò gỗ chắc chắn, màu gỗ còn mới. Đây là con đò trực chiến của bộ đội, người chèo lái đều là bộ đội. Vừa bước xuống đò, anh cần vụ nhanh như xiếc rút ngay ra một vuông vải trải xuống mép ván phía lái cho anh ngồi khỏi lấm quần. Tôi ngồi phía mũi con đò, ngắm nhìn anh và chợt nghĩ ra quần áo anh vẫn phẳng phiu, giầy dép đen bóng... anh đang vui vẻ trò chuyện với anh em. Có ai đó nói với anh chuyện gì mà anh cười vang thoải mái. Cảnh "huynh đệ chi binh"2  trên chuyến đò thật là ấn tượng. Thế mà nghe anh em nói trong công việc anh rất "hắc", chặt chẽ và nóng tính. Nhiều anh sợ vã mồ hôi khi trực tiếp làm việc với anh. Tôi chẳng thấy có gì đáng sợ trên nét mặt của anh qua chuyện đò ngang năm ấy. Đò đến bờ. Tất cả vừa bước lên, vừa cười đùa râm ran. Cả đoàn đi về phía một làng nhỏ ở chân đồi, có nhiều nhà mái ngói thâm nâu ẩn sau vòm cây xanh sẫm.

        Sau bữa cơm chiều, chúng tôi về Hà Nội, đi ngay trong đêm để tránh máy bay. Anh lưu luyến bắt tay tạm biệt chúng tôi. Tôi đọc thấy trong mắt anh nỗi nhớ Hà Nội...Anh gửi chúng tôi đem quà về cho cô Hoa hai quả mít to.

        Chúng tôi đùa:

        - Mít gần chín khỏi phải đóng cọc.

        Anh cười:

        - Nhưng các cậu phải cẩn thận kẻo nhựa nó ra tay. Tất cả đều cười. Vũ Lăng là người biết đùa, rất bè bạn.

        Đêm ấy, ra đến phà Phương Tích, máy bay ập đến, pháo sáng xòe trên trời, soi rõ từng mặt người ngồi trong xe. Chúng tôi cho xe dạt vào vệ đường, dừng lại tản ra ẩn nấp. Một chùm bom nổ. Nghe có tiếng uỵch phía sau xe: một tảng đất lớn rơi xuống. Bom bi nổ lụp bụp. Chúng tôi gọi nhau. Không thiếu ai. Xe vẫn nguyên vẹn. Tất cả lên xe. Nổ máy chạy tiếp. Ra đến quá Cầu Giát chừng dăm cây số lại đụng máy bay. Không lẽ nó "bắt" được chiếc xe con đơn độc của chúng tôi đang chạy trên đường? Nó rải một lúc tám, chín cái pháo sáng treo lơ lửng trên dọc đường.

-------------------
        1. Cụm từ xuất hiện trên Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp để nói về một số cán bộ cưỡi ngựa, mang súng ngắn.

        2. Chữ Hán: "binh lính là anh em".

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM