Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:14:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ một quyết tử quân  (Đọc 20403 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:38:16 pm »


TỪ TRƯỜNG QUÂN CHÍNH ĐẾN SƯ ĐOÀN 308

NGUYỄN VĂN BỒNG       

        Vũ Lăng và các bạn cùng thời lớn lên trong không khí đấu tranh chống phát xít, với nhiều biến cố trọng đại, trong đó có sự ra đời của tổ chức Việt Minh cứu quốc, trưởng thành qua Cách mạng tháng 8 năm 1945.

        Đầu năm 1941, Bác Hồ về Pắc Bó. Đảng vừa bị tổn thất nặng lề sau thất bại Nam Kỳ khởi nghĩa. Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Bác chủ trì, đã giải quyết đúng đắn quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành vấn đề số một của chương trình nghị sự.

        Cũng như các con nhà nghèo khác, mẹ mất sớm ( khi Vũ Lăng lên bảy tuổi ), bố đi làm thuê cho bác ruột, Vũ Lăng về ở với bà nội, bà nội rồi cũng không đủ nuôi nên anh phải ra ở với dì ruột là bà Mai Ngọc Thuyết (đảng viên năm 1936 ).

        Học đến Thành Chung năm thứ hai thì bị đuổi học vì hai lý do: nhà nghèo không có tiền đi học, thêm tội tham gia phong trào học sinh đi đón tù Côn Đảo được Mặt trận Bình dân Pháp can thiệp nên được trả về ( trong đó có cậu là Mai Lập Đôn, đảng viên năm 1934 ).

        Để kiếm sống, Vũ Lăng phải làm đủ nghề dù bất kỳ ở đâu, làm thư ký dây thép ở Lào Cai, dạy tư, nhưng nghề nào cũng không được lâu, cuối cùng phải xoay sang làm y tá  ở bệnh viện Phủ Lý. Khi phong trào Việt Minh nổi lên ở Phủ Lý, Vũ Lăng tham gia Việt Minh. Sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Minh tổ chức phá kho thóc để cứu đói, gây dựng phong trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Vũ Lăng được cử đi học Trường Quân chính khóa V (sau đổi tên thành Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam ).

        Học viên được chiêu sinh khóa này có năm trăm hai mươi lăm người, tổ chức thành một chi đội gồm bốn trung đội ( tức đại đội ). Ba trung đội được lựa chọn từ các đơn vị bộ đội và đoàn thể cứu quốc. Vũ Lăng và tôi ( Nguyễn Văn Bồng) thuộc diện Việt Minh cử đi học vào Trung đội 4 là trung đội gồm học sinh, sinh viên đại học. Đồng chí Trần Tử Bình làm Chính ủy kiêm Giám đốc. Chi bộ đầu tiên của trường được thành lập do đồng chí Trần Tử Bình làm Bí thư thuộc Đảng bộ Ủy ban quân sự toàn quốc. Việc bảo đảm vật chất vẫn còn  rất khó khăn, có bộ phận học viên vẫn phải mang gạo của nhà hoặc đoàn thể đến. Có khi do yêu cầu cấp thiết của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, phải ứng cả số tiền vài nghìn đồng còn lại trong ngân quỹ. Từ kiếp nô lệ hôm qua, nay  đã được đổi đời lên ghế Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng tôi còn vô cùng hạnh phúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai giảng.

        Người trực tiếp đi kiểm tra nhà ăn, nhà vệ sinh và thăm từng nơi ở của học sinh. Người khen nội vụ gọn gàng, riêng tôi ( Bồng ) có diễm phúc được Bác sửa lỗi chính tả tên tờ báo tờng: " Nhất chí " - Bác bảo - chú nào đây thay "chí " bằng " trí "... đi.

        Khi về tập trung ở hội trường, Bác đề cập đến vấn đề " Đoàn kết " trước tiên. Người nói đại ý: "Bây giờ đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Chúng ta là những nhà cách mạng, muốn làm việc lớn phải không giữ tiểu khí. Bọn Việt quốc, Việt cách núp sau bọn Tưởng ra sức nói dối, nói xấu, mưu đồ lật đổ chính quyền ta ". Tiếp đến Người căn dặn: " Làm cán bộ phải siêng năng... Người ta có hai mắt, hai tai, hai tay, hai chân nhưng chỉ có một mồm, nên nói ít, nói những điều cần thiết, mà đã cần thì nói đi, nói lại, trăm nghìn lần cũng phải siêng, càng có lợi cho cách mạng "1.

-----------------
        1. Sự kiện và bài nói này chưa có trong Hồ Chí Minh toàn tập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:39:17 pm »


        Một vinh dự nữa đối với khóa V là đúng ngày bế giảng - ngày 15 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ  Chí Mình lại về dự lễ. Bác nói: " Đáng lẽ tôi phải thường xuyên đến thăm các đồng chí mới phải, nhưng công việc nhiều thành thử tôi chỉ đến được hôm khai mạc và bây giờ làm lễ tốt nghiệp mà thôi... Tôi nghe anh em học rất chăm chỉ và tiến bộ, tôi mừng. Một tháng trời học tập của anh em là ít quá phải không. Nhưng cái ít đó cũng tạm để giúp cho anh em sau này học thêm. Anh em sẽ còn học mãi khi ra làm việc Khi thành công phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng phải lấy kinh nghiệm vì sao thất bại để mà tránh đi... Anh em phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ, dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là ở dân hết. Phải làm sao cho dân mến. Khi sắp tới dân mong, khi sắp đi dân tiếc. Chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh dân không ủng hộ"1.

        Học viên khóa V được phân đi các đơn vị và địa phương, số Nam tiến tăng gấp đôi. Vũ Lăng xung phong đi Nam tiến. Tôi (Nguyễn Văn Bồng) được giữ lại trường làm cán bộ khung cho các khóa sau.

        Với khí thế sục sôi của những ngày tháng Tám lịch sử, nay lại được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hai lần đến động viên, đôi bạn chúng tôi hồ hởi chia tay nhau...

        Chúng tôi không hẹn mà lại gặp nhau trong chiến dịch Thu đông Việt Bắc năm 1947, tuy mỗi người ở một đơn vị khác nhau nhưng cùng một nhiệm vụ " phải phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp " (Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15 tháng 10 năm 1947 ).

        Trung đoàn 79 (Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn - khóa II và khóa III) có nhiệm vụ bảo vệ Bản Thi - nơi tập trung cơ quan kháng chiến, và phá kế hoạch hợp điểm của hai gọng kìm của cuộc hành binh bước một lấy tên là Lê-a nhằm bao váy toàn bộ khu căn cứ địa của thực dân Pháp tại Bản Thi.

        Được Hiệu ủy Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn phân công, Nguyễn Văn Bồng cùng Hoàng Điền chỉ huy trận đánh tập kích đồn Yên Thịnh ( chợ  Đồn ), đêm 18 rạng ngày 19 tháng 10 năm 1947, nhằm chặt đứt đầu mũi gọng kìm binh đoàn B do Bô-phrê ( Beaufré ) chỉ huy tiến từ Cao Bằng xuống bắt liên lạc với cánh quân Pháp ở Bắc Cạn qua Chợ Đồn về hợp điểm với binh đoàn C do Com-muy-nan chỉ huy ở Bản Thi. Trận tập kích đồn Yên Thịnh đồng thời cùng ngày với trận vận động du kích Đầm Hồng - Chiêm Hóa của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn thắng lợi, góp phần nhỏ vào làm bại cuộc hành binh bước một ( Lê-a ) của giặc Pháp.

        Ngày 22 tháng 11, đại bộ phận binh đoàn Bô-phrê từ Bắc Cạn chuyển về Chợ Mới, sau đó hành quân về Thái Nguyên, cùng với lúc một tiểu đoàn luồn rừng qua Quán Vuông tiến về hướng Chợ Chu. Ngày 25 tháng 11, hai bộ phận, quân Bô-phrê  ở Chợ Chu và quân của Com-muy-nan ở Phú Minh, từ hai phía đang tới gần khu vực ngoại vi ATK của ta. Ở đây ta đã bố trí các đơn vị chủ lực mạnh do đồng chí Phạm Ngọc Mậu, đồng chí Thái Dũng, đồng chí Vũ Lăng chỉ huy để tiêu diệt các cánh quân tiến sâu của địch...

        Ngày 26 tháng 11, quân Bô-phrê rút về đến Chợ Chu, định tiến về Quảng Nạp. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 103: " Không cho địch tự do vào Quảng Nạp. Bất kể tình huống nào cũng phải nổ súng ". Kết thúc trận đánh, phóng viên Việt Bắc2 viết: " Bộ đội Vũ Lăng, một bộ phận của Trung đoàn Thủ đô sau mười hai ngày tìm địch mà đánh, mạnh lên trông thấy, về tinh thần, về kinh nghiệm, về quân trang vũ khí cướp được...".

        Chiến công đầu của đôi bạn chúng tôi giáp mặt với quân của binh đoàn Bô-phrê, người ở Bắc Cạn, kẻ ở Phú Minh trong chiến dịch Việt Bắc - Thu đông năm 1947, tô đậm thêm mối tình đồng đội khi cả hai chúng tôi được về hàng ngũ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong.

N. V. B.       
-----------------------
        1. Bài nói chuyện này đã công bố trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. NXBCTQ, H, 1995, tr 100-101.

        2. Một trong những bút danh của Thép Mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:45:56 pm »

        
BỘ ĐỘI VŨ LĂNG ĐÁNH TAN BINH ĐOÀN BÔ-PHRÊ

Phóng viên VIỆT BẮC1 ( Phóng viên Mặt trận )       

        Ngày 26 tháng 11 năm 1947, quân Bô-phrê rút về đoạn Chợ Chu, định tiến về Quảng Nạp. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho tiểu đoàn 103: "Không cho địch tự do vào Quảng Nạp. Bất kể tình huống nào cũng phải nổ súng". Tiểu đoàn đã chôn bom nhưng bom không nổ, địch vào được Quảng Nạp. Lập tức đêm hôm đó, tiểu đoàn chia làm nhiều mũi đánh thẳng vào vị trí địch, rồi rút. Suốt đêm 28, bộ đội ta vì khi rút lui không liên lạc được với nhau nên không tập trung tiêu diệt địch được: Ngày 29 tập trung, định 30 đánh thì sáng 30 tất cả binh đoàn Bô-phrê đã kéo nhau về Phú Minh. Theo đội hình hàng một, chúng rút đi, từ 8 giờ đến 11 giờ mới hết. Đội trưởng Vũ Lăng cầm một đại đội đuổi theo. Lúc ấy là 10 giờ đêm 30. Không biết địch tình, vừa đi vừa nghỉ nên tiến chậm. 5 giờ sáng đến quán Ông Già. Địch cách ba trăm thước, chúng vừa đi vừa nghỉ nên tiến cũng chậm. Chiều hôm trước chúng bị du kích đánh. Mấy du kích Cảnh Thịnh, có đâu bốn quả lựu  đạn, cũng can đảm rủ nhau ném vào địch, bốn quả nổ cả, giữa bọn Tây đang ăn. Bọn ấy chỉ là bọn tập hậu và bọn bị thương. Bộ đội Vũ Lăng gặp chúng liền rẽ vào xóm K.R, xã Cảnh Thịnh. Giặc biết, tiến vào hai trung đội, có moóc-chi-ê để dò lực lượng. Nó không biết chỗ quân ta nên bắn lung tung. Ta vừa bắn vừa ngủ gật. Thế mà cũng hạ được ba lính Pháp, một sĩ quan cưỡi ngựa trắng ở suối đi lên trúng đạn ngã xuống đất. Bắn nhau một lúc, ta rút. 10 giờ phản công thì giặc đã rút ra đóng quán Ông Già, án ngữ đấy đại bộ phận đánh Phú Minh. Chúng ở đây suốt ngày mùng 1.

        Đại đội Việt Hổ được lệnh xuống nhập với bộ đội Vũ Lăng. 2 giờ sáng ngày mùng 2, tiến quá Quảng Nạp ba cây số gặp địch từ Phú Minh đi lên, đánh ngay, ta chiếm được vị trí lợi hơn, từ trên đồi cao ném xuống bảy mươi quả lựu đạn. Địch tán loạn một lúc lâu. Trong ánh trăng, người ta đếm được một trăm tên địch ngã tại trận. Ngày hôm sau, máy bay hạ xuống cánh đồng Quảng Nạp. Xác lính được đút vào bao tải đem cho lên máy bay cùng với số bị thương. Xác lính da đen bị vùi nông bên đường. Nay còn cả mộ.

        Đêm mùng 3, ta đại tập kích Quảng Nạp. Phối hợp lém nên không có kết quả. Địch bắn dứ về phía B.N. Nghi binh để rút. Quả nhiên, sáng ngày mùng 4, chúng rút từ Quảng Nạp về Phú Minh, rút như bị đuổi.

        Vấn đề chăn áo cho binh sĩ thật là cần. Bộ đội ta suốt đêm phong phanh phục kích ở quán Ông Già, sương lạnh nhiều phát ho. 6 giờ sáng địch đến đây, nghe tiếng ho, đội tiền vệ bắn dừ cho đại bộ phận tiến. Ta thấy lộ, rút. Địch tiến ba cây số nghỉ lại ăn uống. Bộ đội ta ra đến nơi, thấy  chúng đang ăn. Phải tập kích, dù lúc ấy là 8 giờ rưỡi sáng. Ta bò lên chúng không biết. Còn đương mải ăn sáng thì lựu đạn ta nổ. Chúng vừa chạy vừa la, rút cả sang mé đường bên kia, đặt moóc-chi-ê ra bờ suối, câu sang vị trí phục kích. Ta rút nên không biết địch chết bao nhiêu. Dân quân địa phương nói địch khiêng đi sáu băng ca, một số lớn binh linh băng bó đầu, chân, tay. Ba bốn sĩ quan phải chống gậy. Một người bị bắt trốn ra về Phú Minh kể lại, chúng lấy vải bọc xác chết, thồ lên lưng ngựa.

        Bộ đội Vũ Lăng, trong khi ấy đánh địch trên đường Đại Từ. Ngày 7 tháng 12, bố trì phục kích ở Phục Linh, cách Đại Từ ba cây số về phía Cù Vân. Bô-phrê cho quân đóng từ dọc Ba Giăng về đến Đại Từ. Ở Đại Từ, địch ẩn nấp rất khéo, đóng ở chỗ người ta ít ngờ nhất: bụi tre, bờ ruộng. Trong khi ấy, thấy đội tuần tiễu của ta, chúng lại cho quân lên đồi sơn dập dìu để đánh lừa và ngày cho đoàn ngựa đi về An Huy để giả chiếm nhà thờ, đêm lại rút về Đồng thời bắn về phía Cát Nê, Kỳ Phú, Bản Ngoại làm như định dùng K.C đi về Đa Phúc, không phải qua Thái Nguyên. Thật khó mà phán đoán con đường hành quân của chúng. Bộ đội phục kích ở Phục Linh, tuy quyết tâm mà cũng sốt ruột. Đêm mùng 8, đột kích Đại Từ, mục đích tiêu hao. Kết quả tốt, nhưng đáng khen hơn cả là tinh thần xung phong của bộ đội, nhất là của đoàn trưởng Vũ Lăng, bao giờ cũng đi đầu và rút sau bộ đội.

        6 giờ sáng, quả như dự đoán, địch tiến về Cù Vân. Trước khi tiến, đội trung vệ của địch đánh vòng sau Đại Từ  ở phía nam để dồn bộ đội X. Ở Kh.G ra gặp đội tiền vệ cùng đi lên.

        Đáng lẽ đội tiền vệ ấy ít ra cũng bị sứt mẻ. Cách Đại Từ hơn cây số, một tiểu đội mìn độc lập chôn mìn. Song Việt gian giả làm nhân viên chỉ huy đến ra lệnh cất mìn, rút lui lập tức Tiểu đội ấy khờ khạo nghe theo. Hụt một phen tiêu diệt địch.

        Địch tiến về Phục Linh đến đầu trận địa phục kích. Một lần nữa cái rét và tiếng ho thật là phản phúc. Bộ đội đêm nằm rét, sáng húng hắng ho. Địch nghe thấy tiếng ho, lại trông thấy lối mòn lên đồn... Từ đấy, về Cầu Đuống chúng lại bị một trận thiệt hại nặng nữa.

        Thế là trong 12 ngày trời, bộ đội Vũ Lăng đã đánh Bô-phrê bảy trận. Con đường về Hà Nội không phải là một  cuộc đi chơi như giặc tưởng vậy. Đến đồn, lính Pháp thật là hoàn toàn mất tinh thần. Nếu ở đây, biết địch vận, chắc có kết quả. Dù sao phải nhận định binh đoàn Bô-phrê là một đội quân thiện chiến. "Thật là vinh dự cho chúng tôi được nghênh chiến binh đoàn Bô-phrê. Đánh kẻ thù mà phải học kẻ thù. Đấy là lời đoàn trưởng Vũ Lăng nói với chúng tôi. Thật thế, ta phải học Bô-phrê thuật nghi binh tài tình và cách liên lạc giữa các bộ phận. Trinh sát Việt gian nằm trong bụi cây gan dạ và khoa học, không điều tra đại khái như một vài nhà tình báo của ta. Khi bị uy hiếp, lính da đen chỉ rối loạn một chút rồi phản công rất liều. Chọi với một kẻ dịch khôn ngoan hơn, mạnh hơn, ta thấy có nhiều khuyết điểm. Tình báo của ta phải dõi địch hơn nữa. Sự phối hợp tác chiến phải chặt chẽ hơn nữa, tinh thần tự động trợ chiến giữa các bộ phận phải tích cực hơn nữa. Ở trận phục kích Phục Linh, ta sẽ diệt thêm nhiều địch nếu bộ đội X xông ra trợ chiến đánh tập hậu địch.

        Một sự thật nữa được phơi trần. Bộ đội đánh những trận vận động tiêu diệt. Phải có dân quân du kích khắp nơi để tỉa dần địch và bảo vệ bản làng. Để địch đi thong dong từ Chợ Mới đến Quảng Nạp là một sự trạng không thể có nữa. Đâu đâu cũng phải có người như ông Chủ tịch Tr, hay  đồng chí du kích ở Phục Linh (Chợ Chu) cầm dao đâm chết Việt gian, giằng khẩu "dóp năm"2 chạy. Có như thế núi rừng hiểm hóc Việt Bắc mới hoàn toàn trở nên mồ chôn giặc Pháp.

        Nhưng trên hết ta thấy gì? Bộ đội Vũ Lăng - một bộ phận của Trung đoàn Thủ đô - sau 12 ngày tìm địch mà đánh, mạnh lên trông thấy, về tinh thần, về kinh nghiệm, về quân trang võ khí cướp được. Binh đoàn Bô-phrê, trái lại sau 12 ngày đánh đỡ, thật hao binh tổn tướng. Ta là một sức mạnh đương lên. Địch nhất quyết suy yếu dần. Điều nhận xét ấy làm ta tin thêm ở tiền đồ kháng chiến.

(Thu đông 1947)        
-------------------------
        1. Một bút danh của Thép Mới.

        2. Súng trường Pháp có lắp băng đạn năm viên nên gọi là "dóp năm", lắp ba viên gọi là " dóp ba".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 12:06:58 pm »


"QUYẾT SAN BẰNG ĐẠI BỤC "

Trích "Đại đoàn Quân Tiên Phong" - NXBQĐND       

        …Trong ý thức, thật là một điều kỳ lạ, tất cả các chiến sĩ mới đều nghĩ rằng: mình cũng là những chiến sĩ Thủ đô. Có người chưa hề đặt chân lên hè phố Hà Nội một lần nào, nhưng cũng rất yêu mến Thủ đô anh hùng của Tổ quốc và anh em đã cảm động thực sự khi nghe đồng đội, những người cũ hát lên:

        " Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu. Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội... "

        Lúc này trên mũ sắt của những chiến sĩ tiểu đoàn 54 đều dán khẩu hiệu:

        " Giữ vững và phát huy truyền thống quyết tử  của Thủ đô ".
        " Quyết san bằng Đại Bục ".

        Mệnh lệnh của Ban chỉ huy mặt trận đưa xuống. Chiều ngày 19 tháng 5 năm 1949, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả hai tiểu đoàn 54 và 11 cùng nổ súng bước vào chiến đấu.

        Đêm 17, đại dội xung kích chủ công của tiểu đoàn 54 làm lễ động viên tinh thần chiến đấu, trao mác xung kích danh dự cho các chiến sĩ. Ban chính trị tiểu đoàn đôn sức giúp đỡ đơn vị, tiểu đoàn trưởng trực tiếp xuống động viên.

        Một đống lửa cháy sáng rực. Củi khô cháy nỏ, tàn bay đầy trời. Những lưỡi mác sáng loáng. Ngắm nhìn những người chiến sĩ hiên ngang với những ngọn mác thô sơ ấy, chính trị viên tiểu đoàn Lê Thọ bỗng thấy lòng mình tràn ngập một niềm xúc động, tự tin mến thương đồng đội: chính những chiến sĩ chất phác hiền từ này lại là tiêu biểu cho cả ý chí quật cường, không những của quân đội mà cả dân tộc ta, đang từ tay không gan góc dám đứng lên chống lại một đạo quân đế quốc nhà nghề trang bị tối tân.

        Toàn đại đội đứng xếp hàng thành hàng ngũ chỉnh tề, trước một bàn phủ vải đỏ thắm, bức chân dung Hồ Chủ tịch lung linh trước ánh lửa hồng. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng đứng lên trân trọng nhấc một ngọn mác đặt ngang trên chiếc bàn phủ vải đỏ, dùng hai tay trao cho một đại biểu của chiến sĩ. Đó là Hoàng Văn Sự. Khuôn mặt hồn hậu, tươi tắn, Sự giơ cao ngọn mác lên, thong thả nói như búa vạc vào đá:

        -  Với lưỡi mác này, trong trận tới, tôi quyết vào đồn trước nhất. Lưỡi mác của tôi nhất định sẽ phải nhuộm máu giặc Pháp. Dù có hy sinh, tôi càng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta nhất định chiến thắng!

        … Buổi chiều hôm sau, cả tiểu đoàn mặc quần áo mới ra trận, các chiến sĩ Thủ đô muốn chiến thắng trong bộ quân phục đẹp nhất. Sau một đêm trắng hành quân, toàn tiểu đoàn 54 tới sát nách đồn địch thì trời cũng vừa mờ sáng. Mặt trời mỗi lúc một lên cao, Đại Bục càng hiện rõ ra các hình khối, màu sắc chối mắt của nó. Ngoài cổng đồn treo lơ lửng một tấm biển "Biệt thự hoa hồng".

        9 giờ sáng, trinh sát theo dõi đồn báo cáo có hai tiểu đội lính ngụy do Tây chỉ huy từ đồn đi ra phía cổng chính. Vũ Lăng nhanh chóng vạch kế hoạch đánh chặn và kiềm chế không cho địch tiến đến trận địa pháo và sở chỉ huy của tiểu đoàn.

        Ở Tây Bắc lúc bấy giờ, đồn địch xây khá kiên cố, xung quanh là hào sâu với nhiều lớp hàng rào lông nhím, tường nhà là lô cốt bằng đất trình rất dày có lỗ châu mai, nhà nọ dính liền với nhà kia, quay lưng ra ngoài, tạo thành bức tường bao quanh từng khu đồn trên hai mỏm cao của một quả đồi đã bị phát trụi. Mỗi khu đồn làm theo hình tam giác.  Ở mỗi góc tam giác có lô cốt. Đặc biệt ở mỏm cao khu đồn A có lô cốt ba tầng, cao tới bảy, tám mét, tường ghép toàn tre , gỗ trong đổ đất nện kiên cố - đây là lô cốt cứng nhất hiểm yếu nhất. Ba lượt hàng rào tre vót nhọn cao tới hai mét bao quanh các nhà trong doanh trại lớp bằng tranh, tre, nứa... Vì vậy, Vũ Lăng dùng kế "Hỏa công''. Để chắc thắng, Vũ Lăng đi kiểm tra lại trận địa trợ chiến và các mũi xung kích, đặc biệt là mũi chủ công diệt lô cốt mẹ.

        16 giờ 25 phút, trên trận địa pháo binh, pháo thủ đã nâng quả đạn đưa vào ổ súng. Dưới chân Đại Bục, công binh đã dựng những quả phóng bom đầu nghển cao đen sì. Các đại đội xung kích đã bí mật, nhanh, gọn chiếm lĩnh các mũi xuất phát tiến công

        Thế trận địa đã sẵn sàng, Vũ Lăng đề nghị chỉ huy phó Cao Văn Khánh cho đánh sớm hơn giờ đã định.  6 giờ 30 phút, phát đại bác hiệu lệnh nổ đanh. Một cột khói phụt tung giữa đồi A. Tiếp đó, những quả đạn cối 81 mi-li-mét đồng loạt xả vào các điểm đã phân công. Quả phóng bom lần đầu ra trận nổ tung, phá sập một dãy nhà tạo một vầng chớp lớn, lửa phụt lên đỏ rực cả trận địa, thiêu cháy những mái tranh trong doanh trại.

        - A ha!  Phóng bom! Hoan hô phóng bom! Phốc-kê là một hàng binh người Đức - được vinh dự bắn quả phóng bom đầu tiên - sướng quá, giơ cả hai tay lên trời hô: "Việt Nam! Việt Nam muôn năm!".

        Trên khắp các trận địa ầm vang tiếng reo hò của linh Thủ đô
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 12:07:14 pm »


        Trong đồn giặc, lửa bốc theo chiều gió cháy ngùn ngụt, kèm theo tiếng nổ của tre bương khô, và các làn đạn tiểu liên trung hên, thủ pháo... Một số lính ngụy liều chết leo lên dỡ nhưng mảnh tranh trên mái nhà để chữa cháy.

        Nhưng những bóng giặc đó chỉ làm bia cho các xạ thủ đại liên của ta trên đồi trợ chiến xả đạn. Khẩu đại liên "Brô-ninh" trên lô cốt mẹ ba tầng cao vẫn còn hoạt động, từng băng đạn xả ra liên tiếp, hốt hoảng, không rõ mục tiêu...

        Ngoài sát chân rào thứ nhất, công binh tiểu đoàn đã chớp thời cơ tay chém tay đào, tay câu liêm giật lấy giật để. Nhưng hàng rào chắc quá, lay mãi, phá mãi vẫn chưa phá xong lối vào mở cửa.

        Trung đội trưởng Tám vừa tiến, vừa giục:

        - Nhanh lên các đồng chí ! .

        Nhưng vẫn sốt ruột quá, anh giằng lấy một cái câu liêm vừa đứng lên thì đã ôm chặt bả vai từ từ khuỵu xuống. Chính trị viên Tý vừa kịp chạy đến, anh cho cứu thương dìu Tám lui trở lại và ra lệnh:

        - Ét-xăng đâu? Chăn nữa! Mang ngay lên đây!

        Trong chớp mắt, ba bốn chiếc chăn trấn thủ thấm đẫm xăng được mang tới, ném vắt lên ngọn sào, tiếp đó là một mồi lửa. Chính trị viên hô tiếp:

        - Cháy rồi! Các chiến sĩ Thủ đô thề chết không lùi bước!

        Như vũ bão, đoạn rào vẫn còn đang rực lửa, công binh đã ào vào đạp sập xuống lấy lối xông vào hàng rào thứ hai, thứ ba …

        Trên sở chỉ huy tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng khoát tay ra lệnh:

        -Trống đi thôi!

        Từ bên kia sông, quân ta đã công phu khiêng cả một chiếc trống cái mượn của đồng bào để làm hiệu lệnh xung phong. Suốt đêm qua, nhiều lúc bực lắm chỉ muốn vứt nó đi cho rảnh, vì khiêng thì cồng kềnh, hơi chạm cây, chạm cành một chút là đã kêu rầm lên, rất "vô ý thức". Nhưng đến lúc này mới thấy tác dụng thật đáng yêu, đáng quý của nó. Khi tiếng trống vừa mới dõng dạc nổi dậy là cả chiến trường sôi nổi hẳn lên. Các đại đội xung phong cũng tiến ra đồng loạt. Địch hoảng loạn kháng cự yếu ớt. Chớp thời cơ, ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định tung đại đội xung kích 2 vào tiến công khu B cùng lúc với xung kích chủ công vào khu A, tạo thành hai mũi đột phá vào cả hai khu chia sẻ lửa thù. Tiếng trống xung phong nổi lên mỗi lúc một thêm vang vọng cả núi rừng.

        Từ trong đồn địch bật lên tiếng hốt hoảng:

        - Chúng mày ơi! Chúng nó đánh lớn rồi!

        Lửa cháy trùm khắp khu A, đại đội chủ công hình thành hai mũi đã tới sát hàng rào cuối cùng. Ở trước lô cốt cao ba tầng, mũi tiến công chính của đại đội cũng đã đặt ván, thang lên hàng rào, Hoàng Văn Sự cầm mác lao vút lên ngọn thang hô lớn:

        - Ai là anh hùng cứ điểm theo tôi ... !

        Nhưng lúc đó một băng tiểu liên từ trên tầng cao lô cốt mẹ lia tới.

        Chính trị viên Bạch Văn Liễn cùng đại đội trưởng Nguyễn Thiên Dụ vừa chạy tới nơi thì một băng tiểu hên nữa quạt thẳng tới chỗ hai người chỉ huy. Đại đội trưởng hô:

        - Khoan đã! Ba-dô-ca!

        Một tia lửa phụt dài về phía sau. Lô cốt ba tầng rung lên như một tiếng sét. Khói vừa tan, nhìn lại chỉ thấy một lỗ hổng to bằng cái nia ở tầng dưới. Trên tầng cao, tiếng súng vẫn nổ ràn rát. Duẩn gọi to: "Anh em ơi theo tôi! ". Duẩn thoăn thoắt bám lấy những thân tre ghép ngang leo lên tầng hai. Tiềm cùng anh em khác níu nhau vọt lên. Theo kinh nghiệm chiến đấu, một loạt lựu đạn ném vào bên trong tầng lô cốt. Tiếng nổ vừa dứt, sáu lưỡi mác cùng lao vào. Tiềm phóng thẳng lưỡi mác kết liễu đời tên Pháp còn lại, hai tên lính nguỵ ở tầng ba nhào xuống, đứng dậy giơ tay xin hàng. Lô cốt mẹ được giải quyết xong, không chậm trễ, toàn bộ xung kích tràn vào khu A. Mũi chính, mũi hụ gặp nhau cùng đánh tỏa sang các hầm, hào giao thông còn lại. Số địch sống sót chạy tháo thân sang khu B. Tiếng reo hò ầm ầm nổi lên:

        - Bắt được thằng chỉ huy rồi!

        Số đông xung kích đã lôi tên Pháp ra giữa sân đồn, hai cái lon đã gần đứt tuột khỏi cầu vai áo, cặp mắt xanh tròn xoe cứng lại, tên đồn trưởng há hốc miệng thở hồng hộc, chân tay co rúm lại khi một chiến sĩ dộng mạnh cán mác xuống nền đất…

        Đại đội trưởng Nguyễn Thiên Dụ dõng dạc:

        - Cắm cờ lên các đồng chí!

        Trong nháy mắt, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đỉnh cao giữa những đám cháy đang lụi dần...

        - Báo cáo! Bên khu B quân ta cũng đã giải quyết xong hoàn toàn.

        Đại đội trưởng Dụ quay lại nhìn sang đồi khu B. Ở giữa sân đồn, đại đội trưởng Cẩm Giàng đang cầm lá cờ đỏ đuôi nheo, quay tròn báo hiệu đã toàn thắng. Trời chạng vạng tối, gió núi rừng nổi lên, lửa ở  cả hai khu đồn bập bùng reo mừng chiến thắng.

        Chỉ huy phó mặt trận Cao Văn Khánh cùng các văn nghệ sĩ rời đài chỉ huy xuống thẳng lũng "yên ngựa" giữa hai khu A và B của Đại Bục. Các ngả, các ngách, xung kích Thủ đô nhanh chóng xếp thành hàng bao quanh các chỉ huy của họ để chụp mấy "bô" làm kỷ mềm.

        Đại Bục vẫn còn rực cháy dựng lên thành một bức "phông" hùng vĩ cho đoàn xung kích Thủ đô đêm nay dâng chiến công về mừng ngày thành lập Đại đoàn Quân Tiên phong - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Việt Nam anh hùng…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2016, 02:32:58 pm »


TIẾNG THÉT VŨ LĂNG

LÊ THỌ       

        Độ ấy chúng tôi vượt qua sông Thao vào cuối tháng 5 năm 1949. Mưa Việt Bắc tháng 7 mới bắt đầu nhưng thỉnh thoảng đã có mưa nguồn đột xuất, nước thượng nguồn sông Thao đã hơi đục và bên lở có chỗ nước xoáy rồ rồ. Bộ đội bắt đầu qua sông từ 3 giờ 30 phút chiều. Bộ đội 54, những anh lính Thủ đô mặt mày hớn hở, tất cả đều mặc những bộ đồ mới nhất vừa được phát như đi hội.

        Sắp thành lập đại đoàn, tất cả các trung đoàn sẽ báo công trong dịp thành lập binh đoàn mới, thế mà đứa con cưng (Trung đoàn Thủ đô) lại chưa có. Tổng tư lệnh thừa biết tính nết "đứa con" này, đông xuân 1948 - 1949 đã lệnh cho vượt sông Hồng về đánh đồn Bồng Lai trên đất Sơn Tây. Trận đánh hơi cập rập, chủ yếu dựa vào sự chuẩn bị của bộ đội địa phơng. Đêm  đen như mực, phóng bom rơi ngoài ruộng, đạn cối rớt bụi tre, bọc lôi không nổ, địa điểm súng máy bố trí toàn chỗ thấp,... nửa tiếng đồng hồ bắn hết số đạn sắp xung phong mà địch vẫn trơ trơ. Bộ đội ta thì rét cóng dưới mưa dầm gió bấc của đêm giáp tết, có anh không cầm nổi cò. Mặc dù xung kích đã bám sát chân rào, dân quân vẫn còn đang hăng hái, nhưng Vũ Lăng đã hạ lệnh rút quân. May sao đạn ta không viên nào trúng nhà dân, đạn địch bắn trả như sao sa, đến 4 giờ sáng, bộ đội ta cũng rút về Vĩnh Yên vô sự. Hôm sau kiểm điểm, chủ lực thì báo sơ đồ của địa phương chuẩn bị không chính xác địa phương thì cười khẩy nói: những anh lính cậu thế mà đánh cũng xoàng. Vũ Lăng tức lắm …!

        Hôm nay họ vượt sông Thao vào đánh Đại Bục. Đại Bục là một trong những đồn chủ chốt nằm trên phòng tuyến sông Thao của địch chắn đường quân ta tiến vào Tây Bắc. Trận Đại Bục sẽ mở màn chiến dịch Sông Thao. Ý đồ của Bộ Tổng về chiến dịch này là phải đánh gấp trước mùa mưa, phá vỡ cả hai phòng tuyến sông Thao và sông Chảy.

        Rút kinh nghiệm Bồng Lai, những chàng lính cậu bớt chủ quan. Vũ Lăng đích thân vác bộ sậu của mình đi chuẩn bị chiến trường.

        Phải nói lính quân báo Thủ đô là một đội quân hết sức tài tử và cũng rất tài tình. Từ chiến đấu nội thành, Pháp đã rất sợ sắc linh này. Chỉ huy đội là một cậu học trò rất trẻ, cực xinh trai, người cao dong dỏng, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, hàm răng đều trắng muốt, mắt cười rất đa tình, bẽn lẽn như cô con gái. Anh em thường gọi đùa anh là cô gái Bắc Kinh,  "con Tưởng Giới Thạch", bởi tên anh là Tường Phi Đằng. Để chuẩn bị trận này, Tường Phi Đằng đã đích thân đột nhập đồn nhiều tối. Anh đã từng chui vào hầm rượu, rình xem bọn chúng nhảy múa xòe hàng tiếng đồng hồ trong biệt thự Hoa Hồng.

        Ở Tây Bắc bấy giờ, địch chưa có điều kiện dựng boong-ke xi măng cốt sắt, đồn của chúng xây khá kiên cố, xung quanh thường có hào sâu với nhiều lớp hàng rào lông nhím, tường nhà và lô cốt là những tường trình bằng đất cốt gỗ rất dày, nhưng cột, kèo, mái lợp lại bằng tre nứa... vì vậy Vũ Lăng dự định đánh hỏa công và nghe anh trình bày trận đánh trên sa bàn ở Phủ Yên Bình trước Bộ Chỉ huy mặt trận, có cả anh Lê Trọng Tấn lúc bấy giờ làm chỉ huy trưởng mặt trận và anh Cao Văn Khánh, chỉ huy phó tham dự… Tất cả mọi người đều tin tưởng, phấn khởi... Đám lính tếu nhất của Thủ đô thường là lính ban chính trị Lương Ngọc Trác thì thầm với anh em: "Nếu tụi nó chết thì tớ chỉ tiếc nhất đội xòe, đội xòe đẹp lắm, chỉ toàn là những cô gái trắng toát như đầm". Nguyễn Tuân ngồi đấy cũng pha vào một câu rất tếu: "Các cậu cứ cố cứu sống một nửa là chúng mình cũng có lãi chán".

        5 giờ 30 phút chiều, nắng Tây Bắc cũng đã nhạt, bóng rừng rậm, núi cao đổ xuống mặt sông làm mặt sông sẫm lại chuyến thuyền cuối cùng của đoàn quân đã sang bờ. Cứ cánh quân nào sang sông xong là được lệnh hành quân ngay vào trận địa, cánh bao vây chặn viện, cánh xung kích công đồn, cánh trợ chiến, mỗi cánh tiến một đường. Cuối cùng là chỉ huy sở và pháo. Vũ Lăng vừa sửa soạn lệnh cho cánh quân này xuất phát thì ban tác chiến báo cáo còn bỏ quên trống ở nhà, tận mãi xóm người Dao trên lưng chừng núi. Ra trận mà quên trống trận. Mặt Vũ Lăng sa sầm lại, anh đã nổi nóng, muốn "quật" cho trưởng ban tác chiến một cái.

        Đã quy ước với tất cả các cánh quân: lệnh xung phong phát bằng trống (dùng trống để khỏi lẫn với kèn của địch), không thể thay đổi được, anh đành bấm bụng cử một nửa tiểu đội liên lạc thật thuộc đường trở về khiêng trống đuổi theo sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:09:56 am »


        Vũ Lăng người bé nhỏ, đẹp trai, râu quai nón, bình thường anh chơi diện, như một công tử hào hoa, sau mỗi chiến dịch trông anh già xọm, râu ria tua tủa. Tính tình nóng nảy, nhưng tụi lính cậu đâu có sợ, họ thường gọi đùa anh là "thằng quạo, thằng xồm". Tôi biết anh quyết chí đánh trận này bởi tính chất quan trọng của trận đánh đối với toàn bộ chiến dịch mà Tổng Tư lệnh và Bộ chỉ huy chiến dịch đã ủy thác cho anh, bởi nguyện vọng của anh em không chịu thua chúng bạn... Lại còn rửa cái hận Bồng Lai nữa. Anh tính toán rất kỹ, sử dụng từng người lính. Mấy cậu lính cận vệ kiên cường của ban chỉ huy lần này anh đều cho vác mác xung kích đi theo mũi nhọn vào đồn địch. Liên lạc ở chiến trường, ở rừng núi rất khó khăn bởi núi cao, rừng rậm không thể đánh hiệu bằng cờ, cũng rất khó kéo dây điện thoại. Việc quên trống cũng là khuyết điểm của chúng tôi, cũng vì sự lúng túng của trưởng ban tác chiến, dù rất nhanh nhẹn và thông minh, nhưng ở đời thường như thế, thông minh lại hay đãng trí. Anh nhớ chu đáo mọi việc chi tiết nhỏ nhặt, còn cái trống quan trọng mà chính Vũ Lăng trực tiếp giao cho anh, mãi đến lúc qua sông anh mới sực nhớ. Tôi nghĩ đến Phan Quân, một trí thức, một sĩ quan trong quân đội Pháp giác ngộ theo cách mạng, một trưởng ban tác chiến tuyệt vời của Trung đoàn Thủ đô. Cả trung đoàn không thấy ai tỉ mỉ và ghi chép kỹ lưỡng như anh, chuẩn bị cho trận đánh không bao giờ anh quên một cái đinh, sợi chỉ. Anh rất hiền lành và làm việc với ý thức phục tùng cao độ. Anh thường bị Vũ Lăng cáu gắt và không bao giờ cãi lại, nhưng anh cũng là người Vũ Lăng rất quý mến.

        Màn đêm sụp xuống núi rừng. Pháo lên vai, cánh quân cuối cùng xuất phát. Đi theo trận này, Nguyễn Tuân, Chính Hữu, Tô Hoài, Lương Ngọc Trác trong đội hình ban chính trị, hành quân với pháo, lại đường rừng nên rất chậm. Khoảng 8 giờ tối, trời chuyển mưa, chưa đến chính tiết mưa, sao trận mưa đêm nay to thế, đi dưới lá mà tôi cũng có cảm giác mưa như thùng nước dội trên đầu. Tối như bịt mắt, muốn di phải vịn vai nhau, hoặc lấy lá mục có lân tinh xát vào áo người đi trước mới khỏi bị lạc. Cứ như thế mưa đến hàng tiếng đồng hồ. Vũ Lăng vô cùng lo lắng, anh nói: Mưa thế này thì Phúc Ánh (tức đại đội trợ chiến) có thể mất đường vì đường trợ chiến nhiều đoạn phải đi dọc theo suối cái... Trợ chiến phải đến trước pháo và chỉ huy sở là điều đã được quy định vì trung đội bộ binh của trợ chiến vừa là khinh binh bảo vệ trợ chiến, lại vừa là nhiệm vụ bảo vệ pháo và sở chỉ huy.

        Cuộc hành quân quá chậm. Sốt ruột, Vũ Lăng lên đầu hàng xem pháo binh khênh vác thế nào. Tôi cũng sờ lần xuống ban chính trị. Tất cả đều ướt sũng. Anh Nguyễn Tuân, anh Tô Hoài... mỗi người đều được ưu tiên một miếng vải sơn dầu mới - sản phẩm độc đáo của cụ Nguyễn Sơn Hà, nhà tư sản yêu  nước đã tìm cách chế ra cho kháng chiến - mặc dù vậy, các anh cũng đều ướt sũng. Tuy nhiên, các anh vẫn lặng lẽ, mò mẫm bám hàng quân. Tôi hỏi Nguyễn Tuân: "Thế nào, Nguyễn có thấy vất vả lắm không?" (anh em cán bộ và lính Thủ đô lúc nào cũng coi anh như người đồng đội thân mật, chỉ gọi anh trống không là Nguyễn). Anh "hừ" một tiếng và cười nhẹ trong mưa rơi tầm tã, tôi vẫn nghe rõ tiếng cười hài hước của anh, tiếng cười như phê phán: câu hỏi thừa. Lối cười của Nguyễn ai mà không biết, một lối cười đầy kịch tính: khi cười thường ngửa mặt lên trời vênh vênh cái mũi sư tử, cười nhẹ cũng rung cơ bắp từ vai đến rốn. Lính Thủ đô rất hợp anh và yêu anh: một nhà văn tài năng. Cuối cùng rồi anh cũng trả lời tôi, một giọng nói nửa như ca cẩm, nửa như phớt đời: "Trận mạc thì nó phải thế".

        3 giờ sáng, pháo và chỉ huy sở tới chân đồi bố trí trận địa, trinh sát báo cáo vẫn chưa thấy đại đội trợ chiến tới nơi. Một tình thế đặt ra: pháo và chỉ huy không có bộ binh bảo vệ, liệu có tiến lên sườn đồi chiếm lĩnh trận địa không? Ban chỉ huy cùng đồng chí Cao Văn Khánh  hội ý cấp tốc nhất trí cứ lên đồi, và liên lạc cứ đi tìm Phúc ánh. Tôi thấy Vũ Lăng đứng lặng hồi lâu, hình như anh ôn lại trong đầu tính lại những tình huống có thể xảy ra cho trận đánh, rồi anh cử trong số năm liên lạc còn lại, hai người đi ngược đường tìm Phúc Ánh. Vũ Lăng quyết định thế vì anh rất tin vào Phúc Ánh, anh cho rằng Phúc ánh không thể lạc đường, dù có lạc đường cũng không quá chậm. Trong kế hoạch, Phúc Ánh đã trù liệu cả trường hợp phải mở đường để đi anh đã sắm hàng trăm dao quắm cho đại đội.

        Phúc Ánh là một trong những đại đội trưởng thông minh xuất sắc nhất của trung đoàn. Anh là Trần Phúc Ánh, hậu duệ đời thứ hai mươi của Trần Hưng Đạo. Đến đời bố anh nghèo, làm ông đồ dạy học, dạy được năm con trai, thấy Phúc Ánh thông minh, ông đồ bắt bốn đứa phải đi cày ruộng tập trung tiền cho Phúc Ánh ăn học. Năm hai mươi mốt tuổi đậu tú tài toàn phần, đang chuẩn bị thi vào ngành luật thì Cách mạng tháng Tám nổ ra, anh tình nguyện sưng vào Vệ Quốc đoàn, được cử làm trung đội trưởng giữ Tòa thị chính Hà Nội. Anh rất giống Phan Quân, thích chính quy. Người anh nhỏ nhắn, tính tình khảng khái, không thích mấy ông chính trị  chậm chạp lề mề, họp hành nhiều quá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:10:16 am »


        Một hôm thấy chi bộ họp hành nhiều quá, anh báo động làm cho chi bộ chạy toán loạn. Trận tập trung truy kích địch mười cây số trở về, ai cũng mệt phờ râu không còn muốn họp. Hôm sau anh nhận lỗi và nói: "Tôi thấy các đồng chí họp hành nhiều quá chừng hợp với chiến đấu".

        Đỉnh núi đã tan sương, vẫn chưa thấy đại đội của Phúc Ánh đâu Vũ Lăng đứng ngồi không yên, ruột gan như bị lửa đốt. Còn ba liên lạc, anh lại phải cử hai người mang lệnh điều một trung đội thuộc cánh quân chặn viện về để bảo vệ pháo và sở chỉ huy. Liên lạc đi một đỗi, có vài tiếng súng ở phía ấy, Vũ Lăng giật thót, anh mở to mắt như hỏi tôi: Chúng gặp địch à? Nhưng rồi không thấy súng nổ thêm, cả một vùng núi rừng lại im ắng trong chờ đợi.

        9 giờ sáng, trinh sát theo dõi đồi từ ngọn cây cao báo cáo có hai tiểu đội địch, lính ngụy có Tây chỉ huy xuất phát từ đồn ra phía cổng chính. Vũ Lăng tập hợp lực lượng: còn một liên lạc, nửa tiểu đội quân báo gồm năm người trong đó có Tường Phi Đằng, vài cán bộ thuộc ban tác chiến, ban chính trị khỏe mạnh cũng bắt ra chiến đấu, tất cả ước chừng một tiểu đội. Vũ khí mới gay: trưng dụng của cậu cận vệ của anh Cao Văn Khánh được một khẩu các-bin, của cận vệ đại đội trưởng một súng trường, tất cả tiểu đội có khoảng năm, sáu quả lựu đạn. Vũ Lăng trực tiếp chỉ huy, anh dẫn tiểu đội xuống núi. Kế hoạch của anh là trong lúc chờ quân cứu viện, đánh chậm, và kiềm chế không cho địch tiến đến trận địa pháo và chỉ huy sở của chúng ta đang ngổn ngang những bộ phận pháo còn tháo rời, những giỏ đạn đại bác nằm như những con lợn con và hàng trăm người tay không: dân quân, pháo thủ, nhăn viên chính trị, dân quân, kể cả hai anh Nguyễn Tuân và Tô Hoài mỗi người cũng chỉ có một túi xách và một cái gậy tuỳ thân. Vũ Lăng phân tôi quản bộ phận còn lại tìm cách tản ra, càng đi sâu vào rừng càng tốt, thậm chí trèo được sang mái núi bên kia càng hay. Tôi chạy đến chỗ anh Cao Văn Khánh đứng là nơi cao nhất, anh Cao Văn Khánh cũng lắc đầu: không còn có thể nhúc nhích được nữa. Từ chỗ sườn đồi đặt pháo và sở chỉ huy trở lên là rừng già trùng điệp ken đặc giang, tre, nứa chỉ có rắn hay chồn mới có thể luồn qua, dù có tiểu dội tay dao chặt hàng tiếng đồng hồ chưa chắc đã mở được dăm mười thước. Tôi giật mình nghĩ đến đại đội Phúc ánh có lẽ đang kẹt trong tình thế này chăng, nếu Phúc ánh không đến kịp, nếu liên lạc cầm lệnh điều quân cũng bị tắc thì tiểu đội Vũ Lăng sẽ chiến dấu như thế nào?

        Tôi hướng dẫn các bộ phận ngụy trang pháo đạn tìm nơi ẩn núp rồi quay lùi xuống, đến nửa chừng chân núi có tiếng súng nổ : thoạt nhiên là hai tiếng lựu dạn rồi kế tiếp hàng loạt Tôm-xông, Ten, Các-bin. Tôi hiểu: lựu đạn ta đã ném trước những loạt đại liên, tiểu liên của địch.

        Thế là cuộc chiến đấu dã bắt đầu, địch đã thọc đúng đồi đặt pháo và chỉ huy sở, chúng đánh đúng vào điểm yếu của ta đang lúc lạc quân, pháo và chỉ huy không có bảo vệ. Tiểu đội của ta với ba khẩu súng, sáu lựu đạn dưới sự chỉ huy của đoàn trưởng Vũ Lăng, chiến đấu rất kiên cường. Địch đông quân, nhiều súng, đạn tiểu liên xối xả, còn ta lâu lâu mới thấy một tiếng lựu đạn, tiếng tiểu liên nổ phát một, lúc đằng trước, lúc ngang sườn, lúc như sau lưng địch. Quần nhau hơn nửa tiếng đồng hồ, quân ta ít, đạn sắp hết, phải vừa đánh vừa rút lui, quân báo ta đã báo có lính bị thương, y tá đang băng bó bị chúng bắn chết, tình thế chiến đấu của chúng ta núng lắm rồi. Vũ Lăng đã lùi lên đến chỗ tôi, tôi đứng cũng chỉ cách đội quân tay không chừng mươi thước, nhìn lại sau lưng tôi thấy Tô Hoài nằm ép giữa hai rễ một gốc cây, người anh mỏng dính như xác cóc khô mắt trợn tròn xoe kinh ngạc, anh núp tương đối kín. Còn Nguyễn Tuân ở bên, xác to, bò lổm ngổm, giấu được đầu thì hở mông, được mông thì hở đầu, loay hoay lúng túng. Liên thanh địch lia đã gần lắm, đạn bay bên mang tai chiu chịu, cắm vỡ thân cây. Vũ Lăng cắn chặt hai hàm răng, gò má nhô cao, mặt anh sắt lại. Anh bảo Tưởng Phi Đằng chuyển nốt hai trái lựu đạn tôi mới vét thêm ở đằng sau cho các chiến sĩ đứng đằng trước và ra lệnh: nếu địch xung phong thì đánh giáp lá cà, cướp súng địch bắn lại Tưởng Phi Đằng đề nghị Vũ Lăng cho anh và một chiến sĩ liều đánh xuống mở đường. Vũ Lăng không nghe, nói: "Cậu phải ở bên tôi!". hiểu anh đã nghĩ đến trường hợp anh ngã xuống, phải có người chỉ huy vật nhau với địch, việc này phải linh quân báo mới thiện nghệ. Trong lúc gian nguy, anh thường quay lại tham khảo ý kiến tôi, lần này không thấy anh quay lại và tôi cũng lúng túng. Chiến đấu cùng nhau, Vũ Lăng thường tôn trọng ý kiến của tôi, tôi ít tuổi hơn anh, ít thực tế chiến đấu nhưng anh mến, nể vì tôi cũng dân học trò Hà Nội hiền lành, cẩn thận, tôi lại được học quân sự khá nhiều ở Trường Quân chính Bắc Sơn, toàn sĩ quan Nhật dạy, từ động tác cơ bản đến chiến lược, chiến thuật. Tôi từng được thực tập chỉ huy chiến đấu sư đoàn, quân đoàn trong đội hình tập đoàn quân với các binh chủng hợp thành trên sa bàn, trên trận địa giả. Cả vùng đồi núi quanh thị xã Thái Nguyên điểm cao nào cũng được chúng tôi đặt tên: Trâu, Bò, Lợn, Gà, Chó, Mèo, Dê, Khỉ... hơn nữa năm trước chúng tôi đã đánh trận giả vùng đồi núi, thuộc hết địa hình... giờ đây tôi đang cố ôn lại các binh thư đã học xem có chỗ nào dạy phá thế trận này không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2016, 01:11:03 am »


        Ở hàng cây trước mặt đã thấp thoáng sắc áo vàng cứt ngựa, chúng đang tản hàng ngang, thằng chỉ huy người Pháp khoát khoát tay thúc tụi đằng sau tiến, hai bên cùng không bắn, trận địa trải qua những giây phút im ắng...quyết tử hình như đã biết chúng tôi hết đạn và cũng biết chúng dồn chúng tôi tới chân tường... chúng chỉ chờ dàn xong thế hàng ngang là xung phong nhảy lên bắn áp đảo tiêu diệt chúng tôi. Mặt thằng Tây láo liến, sợ hãi, nó chưa kịp há miệng hô xung phong thì Vũ Lăng thét lên một tiếng làm nó rụng rời. Lựu đạn và súng chúng tôi nổ trước Hàng ngũ chúng chưa kịp xung phong, đứng tại chỗ, bắn loạn xạ. Đến tiếng xung phong thứ hai của Vũ Lăng thì cả quân ta đều hưởng ứng thét vang, hàng trăm người từ dân quân, pháo thủ, chính trị, tham mưu đến văn nghệ và tất cả đều thét lên hết cỡ, tiếng xung phong ầm rung như núi đổ, quân địch bỗng kinh hoàng, quay đầu chạy rào rào. Vũ Lăng hô tiếp: "Vây bắt lấy chúng nó", quân địch càng cắm đầu chạy thục mạng. Xuống chân núi, tập họp được nhau, chúng trụ lại vì chúng thấy quân ta không đuổi.

        Liệu chúng còn dám đánh lên không Tụi lính Pháp đóng ở Tây Bắc là tụi lính thiện chiến, không chịu đầu hàng Nhật, len lỏi trong rừng sâu nhiều năm, chúng có nhiều kinh nghiệm đánh rừng. Nhưng chúng chưa kịp hoàn hồn thì từ góc núi, phía đường mòn mở ra đường cái, một loạt đạn trung liên nổ dõng dạc, hai phát một, biết có quân ta đang vít lại sau lưng, chúng cõng nhau băng rừng chuồn thẳng.

        Nghe tiếng nổ trung liên, Vũ Lăng đổi sắc mặt, anh hớn hở quát to: Phúc Ánh tới.

        Mấy Phút sau, Phúc Ánh xuất hiện trước mặt chúng tôi. Qua một đêm tôi thấy Phúc Ánh gầy tọp chỉ còn một nửa. Anh quắt lại như một cành khô, chỉ còn đôi mắt sáng, chân vẫn đi ghệt, quần áo thẫm đẫm nước bùn và mồ hôi khô đi ướt lại cứng như mo cau, chiếc nón lưới tung ra nhiều chỗ. Biết mọi người vừa chết hụt, mặt Phúc Ánh tím tái anh đến trước Vũ Lăng đứng nghiêm, khi anh ngẩng thẳng mặt lên đưa tay chào quân sự, tôi thấy tròng mắt anh ứa đầy nước mắt. Anh báo cáo với Vũ Lăng dõng dạc:"Báo cáo, chúng tôi có tội". Vũ Lăng cũng đứng nghiêm,anh muốn cười nhưng môi khô, không nhếch được mép. Anh nói với Phúc Ánh rất ôn tồn: "Cho đại đội về vị trí chuẩn bị ngay". Phúc Ánh "rõ " một tiếng, chạy đi mau lẹ.

        Từ phút ấy thế trận thay đổi, bây giờ thì địch đang nằm trong vòng vây của ta.

        Quân ta  ráo riết chuẩn bị vào trận đánh. Vũ Lăng đi kiểm tra lại trận địa trợ chiến và các mũi xung kích, anh đến từng người một, 15 giờ 30 phút, anh về lại đồi chỉ huy,anh đề nghị anh Cao Văn Khánh cho đánh sớm, được đồng ý pháo ta 4 giờ chiều khai hỏa.

        Trận đánh diễn ra đúng như kế hoạch. Lô cốt địch sụp từng tầng một sau mỗi loạt đạn đại bác của ta, các cờ súng máy của địch hầu như câm họng. Chỉ sau 20 phút, đột phá khẩu đã mở, xung kích đã bám đến chân rào, một quả phóng bom rơi trúng giữa đồn, đồn địch cháy ngùn ngụt. Vũ Lăng ra lệnh xung phong. Trận đánh kết thúc sau 35phút - một kỷ lục diệt đồn nhanh gọn.

        12 giờ đêm hôm ấy, thu dọn chiến trường xong, quânta chuẩn bị rút qua sông.

        Chúng tôi về khu tập kết tại một quả dồi ở gần đồn,một bản dân vừa giải phóng, vừa sáng tưng bừng. Nhà sàn rộng rãi treo nhiều măng-xông và đèn đất, chật ních người. Ở đây vừa diễn ra cuộc liên hoan gặp mặt, vừa là cuộc chia tay cấp tốc của các anh bộ đội, chủ lực địa phương, dân quân du kích, các anh cán bộ vùng tự do, cán bộ vùng địch hậu, kẻ lưu vong, người bám trụ... Một góc sáng trưng, lính quân báo đang khui rượu Tây và Bít-cốt đãi mấy anh bạn hẩu: sĩ quan pháo binh, trợ chiến, nhân viên chính trị, tham mưu, trong đó có cả Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Có lẽ đã ngà ngà, Nguyễn ngửa mặt lên trời cười rung mái tóc, anh nói hồn nhiên: "Sáng nay tý nữa thì chúng nó xơi tái bọn mình, bấy giờ người tớ đã cứng hết ra, lịm đi như chết đứng, bụng còn nghĩ phen này thế là bỏ mạng sa trường, chỉ đến lúc Vũ Lăng hô xung phong tớ mới sống lại", anh em cười vang, anh lại nói tiếp: "Ra trận việc giấu mục tiêu quan trọng thật, mục tiêu càng nhỏ hoặc không có mục tiêu càng tốt... Thế mới biết tại sao thằng Tây dễ trúng đạn. Tớ cứ ghen với Tô Hoài, sao mà nó ẩn kín thế, chỉ cần vài cái rễ cây nhỏ đủ nó dung thân không đạn nào bắn được, chỉ có lưỡi lê sọc từ trên xuống nó mới chịu chết". Trong khi đó Tô Hoài lặng lẽ ngồi giữa đám pháo binh lực lưỡng, trông anh nhỏ bé như một thiếu mến cứ bẽn lẽn như cô gái xòe vừa bắt được, nhỏ nhẹ dịu hiền, cứ cần mẫn ngồi ghi chép.

        Thấy chúng tôi tới, các anh chia cho Vũ Lăng và tôi mỗi người một bát rượu Fi-péc-manh. Nguyễn lại ngửa mặt lên trời, cười rung mái tóc. Anh nói: "Chúng mình tự động khao quân rồi, bây giờ khao tướng". Anh hạ giọng ôn tồn chậm rãi như vừa nói, vừa lắng nghe lại từng tiếng nói của mình: "Lăng ơi, cậu thật là tướng! Tiếng hô của cậu thật thiên tài!". Anh gật gật đầu phong thái ung dung mỹ mãn như ông đồ đắc chí.

L.T                   
Tháng 10 năm 1993       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2016, 04:55:51 am »


TRÊN MẶT TRẬN SÔNG THAO

TÔ HOÀI       

        Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô. Các đơn vị quân chủ lực mở chiến dịch Sông Thao tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang của địch, lần lượt từ các đồn Đại Bục, Đại Phát, Khe Pịa, Ngòi Mác, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng.

        Tôi đi cùng Nguyễn Tuân - được làm quen với một nhà văn nổi tiếng trên đường ra trận. Nguyễn Tuân "sắm nắm"  quanh cái bi đông nước bọc dạ xanh của anh. Lần đầu tiên ở  mặt trận, đi chung với Nguyễn, tôi mới thấy quả anh có nhiều đức tính của người lên đường.

        Khỏe, vững. Hành trang không thừa, cũng không thiếu một thứ gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba lô Nhật. Một sợi dây nhỏ cũng có chỗ để rồi dùng đến sợi dây. Cuối cùng, mọi thứ giấy má lộ liễu của riêng mình đều phải để lại căn  cứ không được đem vào vùng dịch. Chỉ một cuốn sổ nhỏ, cái áo mưa, bỏ vào ba lô vừa phải. Một bao cơm nắm thêm cái lưng lương khô quấn chéo ngang mình. Dây bi đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ sóc.

        Trong nghề đi - nghề đi, nghệ thuật đi, chứ sao!  Nguyễn Tuân với đức tính cẩn thận đã thành thói quen cầu kỳ đến đam mê . Sửa soạn chu đáo đến thường thức cũng chu đáo, không phải cứ vừa đứng đắn, vừa khôi hài như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Ở Trường Lục quân bên Vân Nam về, anh Khoát dạy tôi cách đi đường giúp được dai sức của Bát lộ quân. Nhanh mười bước lại thong thả ba bước, cứ thế đi cả ngày chân không biết mỏi - anh bảo nhất định thế. Mọi thứ trên mình và trong ba lô đều gọi trành con số. Ví dụ cả thảy trong người có mười lăm thứ, thế là số mười lăm. Sáng ra, trước khi đếm nhẩm mới có mười bốn. Thế là còn thiếu một, phải tìm cho ra. Rõ thật buồn cười! Mọi cẩn thận của Nguyễn Tuân thiết thực hơn. Ngọn bút chì cài trên túi áo, ngồi đọc thỉnh thoảng rút ra ghi lên sách.

        "Không biết đến thế kỷ nào có cái hơn, chứ bút chì trên giấy nào cũng không bao giờ bị phai". Một tệp bìa cứng với cái bút chì. Lắm lúc thấy ông bạn đường của tôi chịu khó đến vậy, mình vừa để ý, vừa thích, vừa ngán ngẩm cho những chắt chiu khó nhọc của nghề đi: thật không biết thế nào là cùng Nguyễn Tuân là người lo cho việc đi: thích đi và biết hưởng thụ đi. Mải mê có thể quên ngày tháng, nhưng tính đến sửa soạn đi thì nhớ đến từng ly. Cái phóng khoáng của ông ấy không lẫn với buông tuồng, cẩu thả. Ở chiến dịch, Nguyễn Tuân đã gặp lại Két - chiến sĩ trinh sát mà lúc ấy Nguyễn Tuân hỏi tôi có còn nhớ không.

        Lần đầu tiên quân chủ lực mở trận phối hợp lớn, mặt trận dài suốt sang tận bên kia sông Chảy, lên giáp giới Lào Cai. Theo tiểu đoàn 54 - đơn vị chủ công của trung đoàn, Nguyễn Tuân bỗng gặp lại Két, thật bất ngờ khi qua bên kia sông.

        Chặp tối, tập kết ở thị trấn Mậu A. Các chiến sĩ đều quần áo bà ba đen như chúng tôi. Bộ đội được phát thế nào thì mặc nấy, áo nâu, áo đen, có khi nhuộm lá cây, nhuộm pin xanh sẫm, thâm xịt. Đã xế chiều, các chiến sĩ ngồi xúm xít đen ngòm trên sân đền Đông Cuông ngay bờ sông Hồng. Trung đội trưởng Két ở trong đám chiến sĩ. Người hầu bàn năm xưa đã trông thấy cái ông nhà văn hay uống "uýt-ky", "quăng-trô xếch"1 ở nhà Thủy Tạ lúc chặp tối sao ông ấy lại ở đây thế này. Mà đội mũ vải ka ki xám, mặt lành lạnh như phái viên cấp trên xuống. Trung đội trưởng Két đến trước mặt Nguyễn Tuân nói:

        - Ông...

        Nguyễn Tuân giơ cái gậy tre, nắm tay Két:

        - Anh Két! Đồng chí Két! Tôi cũng qua sông đêm nay. Đồng chí ở 54 à?

        - Vâng ạ.

        Chỉ một thoáng thế thôi rồi mọi người lại hối hả sửa soạn công việc xuống thuyền qua sông. Suốt chặng đường vào trong vùng địch, Nguyễn Tuân mong gặp lại Két, như còn bao chuyện mấy năm nay mà chưa nói hết. Suốt đêm ấy mù mịt bóng sương, hơi nước và lầy lội, hầm hập. Không biết bao nhiêu, liên tiếp từng chiếc thúng, chiếc "tam bản"2  của các Vạn chài cả mấy tỉnh từ Phú Thọ lên đưa bộ đội qua sông. Đi suốt đêm đến sắp sáng, qua mấy làng tề gần đồn Đại Bục, trông lên quả đồi lù lù đây rồi mà tiểu đoàn bộ đội với các đơn vị trực thuộc vẫn loanh quanh lố nhố dưới ruộng, chưa tìm ra nơi ém quân. Du kích địa phương dẫn lạc đường. Chúng tôi lõm bõm trên những cánh đồng mới cấy còn võng nước. Sau lưng anh nuôi quảy nồi chảo, va lôông côông nghe rợn người, như tiếng nhạc ngựa đồn Tây ra đuổi.

----------------------
        1 Cointreau (quãng-trô) một thứ rượu ngon Pháp, quãng-trô xếch nghĩa là chỉ uống rượu, không có thứ nhắm.

        2. Tam bản, tiếng Hán là "ba tấm", một loại đò, thuyền ghép lại từ ba tấm ván gỗ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM