Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:35:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47314 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #250 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:26:05 pm »

 
        Trong công tác tổng kết chiến tranh, viết lịch sử quân sự, các anh cần làm cho rõ những vấn đề này một cách chân thật, khách quan và khoa học.

        Tại sao từ trước đến nay, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn hoặc khi gặp một số vấn đề lớn chúng ta thường vấp phải một số chuệch choạc, vấp váp?

        Lịch sử đấu tranh cách mạng mấy chục năm qua đã cho chúng ta kinh nghiệm là: sau mỗi bước ngoặt của từng giai đoạn cách mạng, chúng ta thường mắc phải những vấp váp, chuệch choạc ở một mức độ nào đó trong việc đề ra chủ trương cách mạng hoặc một số vấn đề lớn do tình hình mới đặt ra. Các anh hỏi vì sao mà chúng ta đã mắc phải những vấp váp, chuệch choạc như thế?

        Trước khi tìm hiểu vấn đề này, tôi thấy cần phải khẳng định một điều là: kể từ trước Cách mạng Tháng Tám, qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì đường lối của chúng ta là đúng, có nhiều sáng tạo. Đường lối đó là kết quả của những kinh nghiệm hàng ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc và cả những kinh nghiệm của các Đảng anh em mà chúng ta đã chọn lọc, đúc kết lại. Cách mạng Tháng Tám có sáng tạo. Kháng chiến chống Pháp cũng có sáng tạo. Kháng chiến chống Mỹ lại có những sáng tạo mới.

        Suốt thời kỳ dài của lịch sử ấy, các Hồ là người lãnh đạo cao nhất. Bác là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, là lãnh tụ của toàn Đảng, toàn dân tộc...

        Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác, của đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Duẩn, tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ mà anh Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng trên 30 năm và với sự hy sinh lớn lao của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, chúng ta đã đạt được những thắng lợi hết sức to lớn mà đỉnh cao là giành được toàn vẹn độc lập, thống nhất trong cả nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa hếch sử và thời đại đó đã ảnh hưởng lớn tới phong trào cách mạng trên thế giới, xứng đáng là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức. Những thắng lợi rất to lớn đó còn là kết quả của sự giúp đỡ nhiệt thành của các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp năm châu, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và Đảng Cộng sản Pháp mà nhân dân ta mãi mãi nhớ ơn.

        Tuy nhiên, khi tiến hành tổng kết lịch sử quân sự, chúng ta không thể không nói đến các tướng lĩnh đã có thành tích của quân đội ta cả về quân sự và chính trị...

        Trong công tác tổng kết, chúng ta cần đánh giá cho thật đúng và ghi nhận công lao của những tập thể, những con người và đông đảo quần chúng đã làm nên lịch sử vẻ vang đó.

        Bây giờ nhìn lại, nếu như bên cạnh những thành công to lớn, những sự đúng đắn sáng suốt của Đảng ta trên đây' chúng ta thấy còn có một số khuyết điểm, vấp váp nào đó trong những bước ngoặt của cách mạng thì cũng phải thấy đó là tất yếu khách quan của lịch sử, khó mà tránh khỏi được. Bởi vì "có thắng lợi nào mà lại không có vấp váp hy sinh"? Hơn nữa, trong cuộc cách mạng kéo dài hàng mấy chục năm, không thể có đường lối, chủ trương nào đưa ra lại chỉ có đúng mà không hề có vấp váp gì. Điều đó không thể có được. Và cũng là điều khách quan thôi. Không ai có thể dự đoán được tất cả mọi diễn biến của tình hình thực tiễn để đề ra chủ trương đúng ngay được. Bây giờ nhân các anh nêu ra một số câu hỏi, tôi mời có dịp suy nghĩ sâu hơn về những ưu điểm và khuyết điểm trong các giai đoạn cách mạng của chúng ta suốt mấy chục năm qua, chứ không phải có những vấn đề dễ thấy ngay từ trước. Nhưng điều quan trọng là khi đã phát hiện ra một khuyết điểm hoặc vấp váp, chuệch choạc nào đó, đừng bao giờ chúng ta chỉ đổ lỗi cho khách quan, mà phải thấy từ phía chủ quan là chính, để rút kinh nghiệm, sửa chữa. Đó cũng là một thái độ khoa học trong việc xem xét vấn đề Bởi vì, nói như Lê-nin, nhận thức bản thân nó vốn là một quá trình từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều... để tiếp cận với chân lý. Không ai biết đầy đủ ngay hết mọi việc...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #251 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:26:53 pm »


        Thực tiễn bao giờ cũng là tiêu chuẩn của chân lý, hay nói theo tinh thần tư tưởng của Mác: giai cấp vô sản không thể nào giải quyết những vấn đề mà thực tiễn chưa đặt ra. Tôi nói như vậy cũng là để xác định rằng bao giờ chúng ta cũng phải nhìn thấy cái thực tiễn khách quan của mỗi sự vật làm sao cho kịp thời - và ngay cả trong khuyết điểm chủ quan của chúng ta, cũng có cái khách quan của nó.

        Tất nhiên, nguyên tắc của Đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nên bất cứ ưu điểm, khuyết điểm nào của tập thể, cá nhân cũng phải thấy được phần trách nhiệm của mình trong đó. Ngược lại, ưu điểm, khuyết điểm nào của cá nhân thì tập thể cũng có phần trách nhiệm, chứ không thể chỉ quy cho một cá nhân. Nhưng chúng ta phải thấy rõ trách nhiệm cá nhân có phần quan trọng của nó. Còn những vấn đề nào cá nhân độc đoán hoặc tự một mình quyết định mà không có sự bàn bạc của tập thể thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Mỗi khi có ưu điểm, khuyết điểm, không thể chỉ quy cho cấp trên mà không thấy trách nhiệm của cấp dưới, hay ngược lại. Thậm chí, mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng cũng phải thấy phần trách nhiệm của mình.

        Trên cơ sở những nguyên tắc của Đảng trên đây, trong công tác tổng kết, chúng ta cần tìm ra được những nguyên nhân chính của những ưu điểm, khuyết điểm để phát huy và rút kinh nghiệm sửa chữa.

        Theo tôi thì nguyên nhân của những thành công, cũng như những vấp váp, chuệch choạc, sai lầm mà chúng ta mắc phải gồm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng tôi chỉ muốn nói những nguyên nhân chính về mặt chủ quan sau đây để chúng ta cùng nhau suy nghĩ:

        Một là, chính trị và lý luận bao giờ cũng phải gắn liền với thực tiễn. Hai mặt đó có quan hệ hữu cơ với nhau. Khi nào chúng ta kết hợp được hai mặt đó và phân tích sự việc một cách khách quan khoa học thì chúng ta sẽ đề ra được những chủ trương, đường lối đúng đắn và sáng tạo.

        Hai là, mỗi khi chúng ta chỉ có lý luận mà không nắm được thực tiễn thì chúng ta sẽ vấp phải sai lầm. Ngược lại, nếu chúng ta nắm được thực tiễn mà lại không có trình độ lý luận để phân tích thực tiễn, thì chúng ta cũng đề ra đường lối chủ trương không đúng.

        Ba là, khi học tập kinh nghiệm của bạn, nếu chúng ta biết áp dụng kinh nghiệm đó vào thực tiễn của ta một cách chọn lọc thì chúng ta sẽ đề ra được đường lối, chủ trương có sáng tạo; ngược lại, nếu chúng ta không đào sâu suy nghĩ trên thực tiễn của ta, nhất là khi chưa có kinh nghiệm gì trước vấn đề mới nảy sinh, thì chúng ta sẽ dễ mắc phải giáo điều hoặc dập khuôn máy móc khi đề ra chủ trương, đường lối của mình.

        Bốn là, mỗi khi có những thắng lợi lớn, chúng ta thường say sưa với thắng lợi, chủ quan, tự mãn nên dễ vấp phải sai lầm.

        Năm là, sai lầm, khuyết điểm của chúng ta còn gắn liền với những vấn đề công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Công tác chính trị, tổ chức và cán bộ có tính chất quyết định đến sự thành bại của đường lối chính trị; ngược lại, đường lối chính trì của chúng ta đúng hay sai cũng sẽ ảnh hưởng quyết định đến phương hướng công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Đó là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau mà chúng ta cần phải chú ý trong quá trình tổng kết lịch sử.

        Đây là năm nguyên nhân về mặt chủ quan của chúng ta. Thường là sự vật thành hay bại đều do chủ quan là chính dù cho nguyên nhân khách quan cũng giữ vai trò rất quan trọng. Nhìn lại chặng đường lịch sử mấy chục năm qua, nếu có những lúc chúng ta đề ra những chủ trương nào đó đúng đắn, sáng tạo hoặc có những sai lầm, vấp váp, khi thì "tả", khi thì "hữu”, thậm chí có khi lại duy ý chí hay giáo điều dập khuôn một cách máy móc theo kinh nghiệm cũ, thì cũng là bắt nguồn từ năm nguyên nhân đó mà thôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #252 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:08 pm »


        Chẳng hạn:

        1- Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp

        Do chúng ta nắm tình hình thực tế chính xác, đón bắt thời cơ và đề ra chủ trương Tổng khởi nghĩa đúng lúc nên chúng ta đã ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12-3-1945) rất kịp thời và sáng suốt. Sau chỉ thị đó, chúng ta đã biết nắm và đề ra một khẩu hiệu trung tâm là chống nạn đói, nhằm phát động quần chúng nổi dậy phá các kho thóc của Nhật chia cho nhân dân. Khẩu hiếu này phù hợp và rất đúng với nguyện vọng của đại đa số nhân dân ta lúc ấy đang chịu một nạn đói khủng khiếp, nên được nhân dân hưởng ứng rất rầm rộ và đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi mạnh mẽ, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám. Cũng nhờ chỉ thị đó, chúng ta đã biết bố trí đúng lực lượng cán bộ mới ra khỏi các nhà tù đế quốc về các địa phương để kịp thời thực hiện nghị quyết Tổng khởi nghĩa của Đảng. Do vậy, phong trào cách mạng của quần chúng đã nổi lên trong toàn quốc mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội. Nếu như ngày ấy chúng ta chỉ cần bỏ lỡ thời cơ, để chậm khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thủ đô Hà Nội 15 ngày thôi, thì khi quân Tưởng vào miền Bắc và quân Anh vào miền Nam, chúng ta sẽ gặp khó khăn khó mà lường hết được. Nhưng khi quân Tưởng kéo vào, ta đã có chính quyền trong cả nước và đã có Tuyên ngôn độc lập rồi thì tình thế trở nên khác hẳn. Hay như, ngay sau khi giành được chính quyền, nếu chúng ta không đánh giá đúng tương quan lực lượng và có những chủ trương, sách lược mềm dẻo, khôn khéo đối với quân Tưởng và Pháp thì không thể nào chỉ có hơn một năm trời mà chúng ta lại vừa giữ vững được chính quyền, vừa đẩy được quân Tưởng ra, tích cực chuẩn bị đánh Pháp, và bước vào cuộc kháng chiến 9 năm một cách kịp thời và chủ động như thế.

        Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta ở trong tình thế bị bao vây, cô lập suốt 5 năm. Bởi vì, lúc đó, Trung Quốc chưa được giải phóng. Về mặt địa lý, chúng ta chưa nối liền được với phe xã hội chủ nghĩa. Cũng chưa bao giờ chúng ta tiến hành một cuộc chiến tranh lớn như vậy. Nhưng do chỗ ngay từ đầu, chúng ta nắm chắc được tình hình thực tiễn, lại phân tích tình hình một cách khoa học và đã kết hợp được với một số kinh nghiệm của các Đảng anh em để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của chúng ta, nên chúng ta đã đề ra được chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Pháp đúng đắn, sáng tạo. Chiến lược đó là "trường kỳ kháng chiến" và "kháng chiến toàn dân, toàn diện" cả về quân sự, chính trị và kinh tế.

        Về mặt quân sự, lúc đó chúng ta đã phát động một cuộc chiến tranh du kích toàn dân, toàn diện, xây dựng được ba thứ quân: tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập và du kích để đánh địch. Những đơn vị đặc công cũng bắt đầu xuất hiện và đã lập được những chiến công lớn đánh sâu vào lòng địch, như sân bay Cát Bi, Gia Lâm và kho bom Phú Thọ.

        Về chính trị, chúng ta đã tập hợp được một mặt trận hết sức rộng rãi để lôi kéo một bộ phận địa chủ, tư sản tham gia kháng chiến; tiến hành giảm tô, giảm tức, hiến điền, tập hợp mọi lực lượng đông đảo tham gia cuộc kháng chiến toàn dân.

        Về mặt kinh tế, lúc đó vùng giải phóng của chúng ta còn rộng, địch muốn bao vây kinh tế, nhằm ngăn cản sự giao lưu giữa vùng giải phóng và vùng tạm chiếm. Nhưng chúng ta đã phá vỡ vòng vây, tạo ra sự giao lưu kinh tế giữa hai vùng để bảo đảm việc cung cấp cho kháng chiến.

        Về mặt tổ chức, để thực hiện chủ trương chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Trung ương, chúng ta đã kịp thời chuyển hướng cho thích hợp với tình hình chiến tranh, tổ chức lại Khu ủy và các Bộ tư lệnh quân khu, bố trí lại cán bộ cho phù hợp với giai đoạn mới. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã có nhiều sáng tạo về chỉ đạo chiến tranh. Chúng ta đã tiến hành mấy chiến dịch lớn, cuối cùng đã kết thúc chiến tranh bằng chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, tạo điều kiện cho việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ một cách đúng lúc, phù hợp với điều kiện chủ quan và khách quan lúc đó...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #253 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:36 pm »


        Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã có phần nào giáo điều trong việc đề ra ba giai đoạn chiến lược quân sự không phù hợp với thực tiễn. Như tôi đã nói ở trên, thực tiễn đã không diễn ra ba giai đoạn chiến lược như vậy Việc đề ra ba giai đoạn như thế có mặt khách quan của nó là ngày ấy trong chúng ta chưa mấy ai có kiến thức gì về chiến tranh. Vì thế, việc đề ra chủ trương giáo điều đó cũng là một điều khách quan, khó mà tránh khỏi. Ngày đó cũng có một số anh em chúng ta còn bị ảnh hưởng tư tưởng "lấy nông thôn bao vây thành thị" và "trường kỳ mai phục". Nhưng thực tế cũng không diễn ra như vậy mà ở thành thị chúng ta vẫn luôn có phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Chủ trương "tiêu thổ kháng chiến" khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tôi, cũng là một chủ trương tả khuynh của chúng ta. Để thực hiện chủ trương này, trước khi ra vùng kháng chiến, chúng ta đã đốt phá nhiều nhà cửa, thành phố và động viên nhân dân tự phá nhà cửa, làm "vườn không nhà trống" để đi tham gia kháng chiến nhằm gây khó khăn cho địch. Nhưng trên thực tế, với phương tiện sẵn có, bọn địch đã xây dựng và làm những lán trại dã chiến rất nhanh. Việc đốt phá không những đã làm thiệt hại nhiều về tài sản mà lẽ ra sau giải phóng chúng ta đỡ phải xây dựng lại mà còn gây thêm một phần khó khăn cho ta trong việc dựa vào quần chúng để hoạt động trong lòng địch.

        Trong công tác xây dựng Đảng, chúng ta đã giáo điều, ghi cả tư tưởng Mao Trạch Đông vào trong Điều lệ Đảng, để lành phương hướng giáo dục tư tưởng cho cán bộ. Ngoài ra, còn những vấn đề như phương pháp giáo dục tư tưởng trong chỉnh huấn, chỉnh đảng, tiêu chuẩn đức, tài của cán bộ và vấn đề thành phần trong Đảng cũng dập khuôn theo chủ trương của Trung Quốc, không thích hợp với tình hình xây dựng Đảng ta. Đến Đại hội Đảng lần thứ III, chúng ta bắt đầu sửa chữa những khuyết điểm nói trên.

        Năm 1949, cũng do đánh giá tình hình không đúng nên chúng ta đã vội đề ra chủ trương tổng phản công, nhưng chỉ qua một thời gian ngắn thì chúng ta đã phát hiện ra chủ trương dó không đúng, nên tác hại của nó không nhiều.

        Về vấn đề cải cách ruộng đất, có đồng chí nói là trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã chậm tiến hành, nhưng trên thực tế không phải như vậy: ngay sau khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã có sách lược mềm dẻo để phân hoá địa chủ và đề ra chủ trương giảm tô, giảm tức, hiến điền, lấy ruộng hiến điền và ruộng của địa chủ vắng mặt chạy vào vùng địch chia cho nông dân - lúc đó có tới 70% ruộng đất của địa chủ đã được chia cho nông dân. Do sách lược đúng đắn đó của Đảng, nên chúng ta đã tập hợp được một bộ phận địa chủ tham gia đánh Pháp, đồng thời cũng động viên được giai cấp nông dân tham gia kháng chiến cứu nước. Nhưng sau đó, lúc tiến hành cải cách ruộng đất chúng ta đã giáo điều không phân tích được tình hình thực 'tiễn cải cách ruộng đất của chúng ta khác với Trung Quốc, do đó đã sai lầm cả về chính sách và phương pháp nên đã dẫn đến tổn thất nặng nề. Trong khi tiến hành cải cách ruộng đất, chúng ta lại bố trí một số cán bộ kém năng lực, trong đó có cả những cán bộ bất mãn, có sai lầm, khuyết điểm cốt để cho họ được cải tạo, giáo dục qua công tác, thậm chí có cả cán bộ không phải là đảng viên đi làm công tác chấn chỉnh tổ chức Đảng ở cơ sở, nên càng làm cho những sai lầm trong công tác này nghiêm trọng thêm. Khi phát hiện ra sai lầm, Trung ương đã tự phê bình và kiên quyết tiến hành công tác sửa sai. Từ trước đến nay chưa có lúc nào Trung ương tự phê bình khuyết điểm của mình một cách công khai, thẳng thắn và nghiêm túc đến như vậy.

        2- Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, Bộ Chính trị đã để anh Ba cùng nhiều cán bộ trung, cao cấp ở lại và bố trí lại tổ chức cho thích hợp với từng chiến trường để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam. Đến khi có kinh nghiệm thực tiễn ở chiến trường, Trung ương đã ra Nghị quyết 15, bắt đầu phát động cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Trong cuộc kháng chiến chững Mỹ, chúng ta đã tổng kết được kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nâng cao lên một bước và có những sáng tạo mới. Trong cuộc chiến tranh này, chúng ta phải đương đầu với đế quốc Mỹ, một tên đế quốc đầu sỏ trên thế giới. Chúng ta đã kịp thời đề ra được nhiệm vụ chiến lược chung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ có tính chất sáng tạo mới khác với thời kỳ chống Pháp. Chúng ta đã xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam; đồng thời, chúng ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc hòng ngăn cản việc tiếp tế của chúng ta cho chiến trường miền Nam. Chúng ta đã hoạch địch một chiến lược cho cuộc chiến tranh chống Mỹ không phải chỉ trường kỳ mà còn phải đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ toàn bộ bọn đế quốc và tay sai. Trong quá trình kháng chiến, chúng ta lại biết tranh thủ thời cơ vừa đánh vừa đàm đê giành thắng lợi một bước quyết định trong cuộc chiến tranh trường kỳ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #254 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:52 pm »


        Vì thế, về mặt quân sự, chúng ta đã đề ra chiến lược tiến công cho cuộc chiến tranh nhân dân. Trong vấn đề "chiến lược tiến công" này, lúc thảo luận tổng kết, anh em ta có hai ý kiến: một ý kiến cho rằng về mặt quân sự, không thể chỉ nói đến chiến lược tiến công mà còn phải nói tới chiến lược phòng ngự, phòng ngự để tiến công. Có ý kiến lại cho rằng trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, thì có chiến lược tiến công chứ không có chiến lược phòng ngự. Trong quá trình thảo luận đó, có anh em lại cho rằng: trong chiến tranh nhân dân, chúng ta chỉ nên nói tới tư tưởng chiến lược tiến công chứ không nên nói tới chiến lược tiến công.

        Theo tôi, cả ba ý kiến đó đều không đúng. Bởi vì, đứng về toàn cục mà nói, chiến lược của cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta là chiến lược tiến công; vì cái thế của cuộc chiến tranh nhân dân là cái thế của một cuộc chiến tranh rộng khắp toàn quốc. Nó không chỉ đánh địch bằng chủ lực mà còn đánh bằng bộ đội địa phương, dân quân du kích, đặc công, biệt động và nhiều hình thức chiến đấu phong phú của nhân dân tham gia đánh địch rộng khắp trên toàn quốc. Cuộc chiến tranh nhân dân này đánh địch ở bất cứ lúc nào, bất kể một hình thức nào và không thành một trận tuyến rõ rệt. Bởi thế, trong cuộc chiến tranh này, không có tiến công và phòng ngự mà chỉ có tiến công thôi. Nhưng xét riêng về lực lượng chủ lực, thì có khác: chủ lực đánh phải có hiệp đồng binh chủng, có bố trí trận địa, có tiến công, có khi phòng ngự để tiến công, có khi phản công, thậm chí có khi bất lợi phải rút lui để rồi lại tiến công.

        Cho nên, nhìn toàn cục, cuộc chiến tranh nhân dân của ta thì chiến lược của nó phải là chiến lược tiến công. Nhưng phải chú ý tới đặc điểm riêng của chủ lực. Không thể chỉ thấy cái chung của chiến tranh nhân dân mà quên mất cái riêng của chủ lực; ngược lại, cũng không thể chỉ nhìn thấy cái riêng của chủ lực mà quên mất cái tổng thể của cuộc chiến tranh nhân dân. Đó là cách hiểu đúng đắn khái niệm "chiến lược tiến công" của chúng ta trong cuộc chiến tranh nhân dân vừa qua.

        Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua, để căng địch ra mà đánh, chúng ta không chỉ chủ yếu đánh địch ở vùng nông thôn như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà chúng ta còn đề ra chiến lược tiến công đánh cả ở ba vùng, bằng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, kể cả đặc công và biệt động. Ở thời kỳ này, chúng ta đã nâng đặc công lên thành một binh chủng lợi hại đặc biệt và tổ chức ra những đội biệt động thành để phối hợp với chủ lực đánh địch. Bằng lực lượng nhỏ, những lực lượng đặc công biệt động này đã đánh những đòn rất hiểm vào cơ quan đầu não và lực lượng chỉ huy của địch, làm cho chúng bị thiệt hại về sinh lực và hoang mang giao động về tinh thần. Lực lượng đặc công biệt động tuy nhỏ, nhưng những thắng lợi của nó trong nội thành, nhất là Sài Gòn không kém gì chiến công đánh thắng một sư đoàn địch. Trong đánh địch, chủ lực của chúng ta lại đã biết căn cứ vào đặc điểm tình hình của đất nước mà đánh theo mùa. Với tinh thần chủ động tiến công, tuỳ theo tình hình mỗi lúc trên chiến trường mà biết khi thì tiến công, khi thì phòng ngự - phòng ngự để tiến công; có khi phản công, có khi rút lui để rồi tiến công và luôn luôn giành được thế chủ động trên chiến trường. Có những khi chúng ta ở vào thế bị động nhưng lại nhanh chóng chuyển thành chủ động để đánh địch.

        Trong chiến tranh chống Mỹ, chúng ta đã nâng cuộc chiến tranh nhân dân lên một bước phát triển mới, sử dụng được sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công - quân sự, chính trị, địch vận; công kích và nổi dậy; làm chứ để tiến công, tiến công để làm chủ... nên chúng ta đã phát động được cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân với các hình thức đánh địch bằng sự kết hợp cả ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, đặc công biệt động và các hình thức đánh địch phong phú khác của nhân dân ở cả nông thôn và thành thị, kể cả phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở đô thị. Đồng thời, về mặt chính trị, chúng ta đã thành lập thêm liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam để tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc chiến tranh này, chúng ta đã biết sử dụng sức mạnh tổng hợp của thời đại để đánh Mỹ, tranh thủ được sự đoàn kết ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng anh em; có sách lược phân hoá, lợi dụng triệt để những mâu thuẫn trong hàng ngũ đế quốc và trong nội bộ địch; kêu gọi động viên được phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ chúng ta, làm cho đế quốc Mỹ bị cô lập. Trong đấu tranh ngoại giao, chúng ta đã nắm vững nguyên tắc và có sách lược khôn khéo, kiên trì trong đàm phán và đã kết hợp với chiến trường để tiến công ngoại giao, phân tích được đúng tình hình để chấm dứt cuộc đàm phán đúng lúc một cách thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #255 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:28:12 pm »


        Về mặt tổ chức, để thực hiện chủ trương chiến lược chống Mỹ, cứu nước, Trung ương đã đưa các cán bộ cao cấp có đầy đủ năng lực ở Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào, để cùng với anh em miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến và đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam để đảm bảo thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Suốt quá trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã nắm sát - được tình hình của từng giai đoạn để chủ động tổ chức những cuộc tiến công có tính chất chiến lược hoặc phản công để giành lại thế chủ động. Đó là những cuộc tiến công chiến lược năm 1968, 1972, 1975 và những cuộc phản công 1970, 1971. Ấy là chưa kể biết bao cuộc chiến đấu của bộ đội địa phương, dân quân du kích, đặc công biệt động và các hình thức chiến đấu của nhân dân ta rộng khắp trên toàn quốc, phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu trong suốt mười mấy năm qua. 

        Hồi Tết Mậu Thân, do đánh giá được thế của địch sau ba năm chiến tranh cục bộ bị sa lầy và thiệt hại nặng, mâu thuẫn trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ rất gay gắt, lợi dụng thời cơ bất ngờ, ta đã mở cuộc TCK, TKN Tết Mậu Thân và giành được thắng lợi lớn, làm cho tinh thần quân đội Mỹ bị giao động và hoang mang. Nhân đà thắng lợi lớn đó, ta đã tiến hành tiến công ngoại giao kịp thời, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán, thực hiện được chủ trương vừa đánh vừa đàm của ta để đánh bại cuộc "Chiến tranh Cục bộ" của địch. Đó là một bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

        Nói đến đây, tôi nhớ đến ý kiến của một số đồng chí chúng ta dạo đó đã cho rằng: chưa phải ta đã buộc địch phải xuống thang chiến tranh. Bởi vì, sau đó địch còn mở những cuộc tiến công sang Campuchia và Đường 9 - Nam Lào. Các đồng chí đó đã không hiểu rằng đó chỉ là những cuộc tiến công mà địch muốn làm áp lực để giành lợi thế ở bàn đàm phán trong thế chiến lược xuống thang chiến tranh của địch mà thôi.

        Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng ta cũng có những vấp váp, khuyết điểm. Chẳng hạn, sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, do chúng ta xa thực tế, không nắm bắt được đúng tình hình và có phần chủ quan tự mãn sau thắng lợi, nên chúng ta đã vấp phải khuyết điểm như tôi đã nói ở phần trên. Khuyết điểm đó là ở chỗ chúng ta không chuyển biến kịp tình hình để tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam sớm hơn. Thực ra, những vấp váp mà chúng ta mắc phải sau Hiệp định Giơ-ne-vơ cũng còn là vì chúng ta có một phần bị ảnh hưởng ý kiến của bạn bè quốc tế, không muốn tiến hành đấu tranh vũ trang để tập trung đi vào xây dựng ở miền Bắc.

        Trong Tết Mậu Thân, cũng do chủ quan đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch không đúng, nên chúng ta đã đề ra chủ trương TCK, TKN với mục tiêu chiến lược không sát với khả năng thực tế. Việc dập khuôn, máy móc theo kinh nghiệm cũ về vấn đề tổng khởi nghĩa và nổi dậy ở các đô thị hồi Tết Mậu Thân đã dẫn đến những khuyết điểm, tổn thất ra sao, vừa qua tôi đã nói rõ. Những khuyết điểm trong việc đề ra mục tiêu quá khả năng của chúng ta lúc đó thực tế là cũng bắt nguồn tử tư tưởng chiến lược đánh thắng địch trong một thời gian tương đối ngắn. Trên thực tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã không đi đến thắng lợi trong một thời gian ngắn mà đã kéo dài 15 năm mới giành được thắng lợi. Điểm này tôi cũng đã phân tích kỹ khi nói về cuộc TCK, TKN trong Tết Mậu Thân...

        Đến năm 1971, địch mở cuộc tiến công ở Đường 9 - Nam Lào hòng cắt đứt đường tiếp tế của ta từ Bắc vào Nam qua đường Hồ Chí Minh. Ta đã phản công thắng lợi lớn. Địch thất bại nặng nề và phải rút lui. Sau chiến thắng giòn giã ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào, chúng ta đã thừa thắng, kịp thời chủ động mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa khô vào năm 1972 để làm áp lực trong cuộc đàm phán ở Pa-ri. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa khô năm 1972 đã giành thắng lợi lớn. Đây là lần đầu tiên trong chiến tranh chống Mỹ, ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn ở Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ. Đây cũng là năm đến nhiệm kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Mỹ gay gắt, phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam ở Mỹ lên cao. Đồng thời, cũng trong năm 1972 này, Mỹ và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung Thượng Hải gây ra những bất lợi cho ta. Do phân tích đúng được thuận lợi khó khăn của tình hình, ta đã ký Hiệp định Pa-ri đúng lúc, buộc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam, đánh bại chiến lược "Chiến tranh Cục bộ" của Mỹ. Sau khi ký Hiệp định Pa-ri cũng có một số đồng chí cho rằng đó không phải là một thắng lợi; vì đất nước vẫn còn chia cắt, quân ngụy vẫn giữ được chính quyền ở miền Nam: được Mỹ viện trợ, chúng vẫn tiến công quân sự, không đếm xỉa gì tới Hiệp định Pa-ri. Nhưng các đồng chí đó đã không nhìn xa thấy rộng: một khi quân Mỹ đã rút ra khỏi miền Nam và không thể quay lại được nữa thì quân ngụy không còn chỗ dựa như trước; tương quan lực lượng đã thay đổi về cơ bản. Do đó, đã tạo được thời cơ thuận lợi để chúng ta mở cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 đúng như chủ trương của Trung ương đã đề ra trước đó là: vừa đánh vừa đàm, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ toàn bộ Mỹ - ngụy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #256 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:28:41 pm »


        Đi đôi với cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, thì lực lượng của bạn cũng phối hợp với lực lượng của ta ở Lào, phản công đánh địch ở Cánh Đồng Chum - Mường Sủi, sau đó mở chiến dịch đánh vào căn cứ Long Chẹng của bọn Vàng Pao, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng của Lào. Đây là cuộc tiến công lớn nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Lào, đã giành được thắng lợi lớn và đã đưa đến việc buộc Mỹ phải ngừng bắn, rút quân đội Mỹ và Thái Lan ra khỏi Lào, mở Chính phủ liên hiệp ở Lào. Nhân việc miền Nam Việt Nam và Campuchia đã được giải phóng, bạn đã kịp thời nắm thời cơ khách quan rất thuận lợi, nhanh chóng mở cuộc tổng tiến công kết hợp giữa chính trị và áp lực quân sự để giải phóng toàn bộ nước Lào vào cuối năm 1975.

        Sau khi ký Hiệp định Pa-ri, tuy ta đã biết cụ thể tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi về cơ bản ở chiến trường, song phải trải qua diễn biến thực tiễn chiến đấu trong 2 năm 1973-1974 ở đồng bằng sông Cửu Long, Khu 7 và Phước Long, ta mới càng thấy rõ được đúng tình hình, thấy rõ thời cơ lớn đã tới, hạ quyết tâm giải phóng toàn miền Nam trong hai mùa khô 1975-1976, mà mục tiêu chiến lược của chúng ta trong giai đoạn này là tiến công chủ yếu vào các đô thị, mở đầu là đánh vào Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên và kết thúc bằng việc đánh vào đầu não của địch ở Sài Gòn, trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhưng đến năm 1975, khi bắt đầu mở cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, thấy được quân địch đã giao động đến cực độ, lập tức ta kịp thời chủ động chuyển ngay chủ trương trước đây, hạ quyết tâm chỉ đánh một mùa khô thôi và chỉ đánh trong 55 ngày là giải phóng được miền Nam. Trong khi mở cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, ta đã bố trí những cán bộ có năng lực chỉ huy để đảm bảo thắng lợi cho từng chiến dịch của cuộc Tổng tiến công...

        Về công tác tuyên truyền và viết lịch sử quân sự

        Về công tác này, tôi thấy chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm lớn nhất, theo tôi là chúng ta phải nói và viết sao cho đúng sự thật. Bởi vì, có nói và viết đúng thì mới có sức thuyết phục; nếu không, thì không những không thuyết phục được ai mà ngược lại có khi còn phản tác dụng. Nghĩa là nó phải thực, phải đúng, phải nói cả ưu, cả khuyết. Chúng ta tuyên truyền một sự kiện lịch sử, một đơn vị, một cá nhân cũng vậy, phải trung thực, phải đúng mức.

        Nói chung, về tuyên truyền mà nói, bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng phải nói và viết đúng với sự thật. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ trong tuyên truyền, có ba thứ khác nhau:

        a. Tuyên truyền chung về đường lối chủ trương của Đảng.

        b. Tuyên truyền về cá nhân trong lịch sử.

        c. Viết lịch sử có khác với tuyên truyền về cá nhân trong lịch sử.

        Khi tuyên truyền đường lối chủ trương công tác của đảng thì chúng ta phải tuyên truyền cả những mặt làm được và những mặt chưa làm được và rút ra kinh nghiệm để đề ra biện pháp sửa chữa thì mới làm cho cán bộ đảng viên biết cách để thực hiện. Chứ không chỉ nêu lên thành tích một chiều, từ đó làm cho người ta đánh giá tình hình sai lầm đi đến lạc quan giả tạo. Ngược lại, nếu tuyên truyền mà chỉ nêu những khuyết điểm mà không nêu ra được những phương hướng sửa chữa những khuyết điểm đó như thế nào thì có khi người ta lại sinh ra bi quan, không tìm ra lối thoát.

        Nhưng khi tuyên truyền về cá nhân thì lại khác. Đối với những đồng chí đã qua đời thì không những chúng ta chỉ nêu gương các đồng chí lãnh đạo mà còn nêu gương cả những cán bộ, chiến sĩ và quần chúng bình thường mà có những thành tích xuất sắc. Chúng ta cần chú ý nêu lên những đặc điểm cần học tập ở mỗi người về mặt tài năng, phẩm chất và thành tích khác nhau để giúp cho mọi người học tập truyền thống tốt đẹp đó, chứ không phải cứ viết theo cách kể lể như viết tiểu sử mà chúng ta thường làm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #257 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:29:01 pm »


        Còn đối với các đồng chí lãnh đạo còn sống, chúng ta chỉ nên tuyên truyền những hoạt động chính trị, ngoại giao trong, ngoài nước có tính chất quan trọng, những bài phát biểu có ý kiến hay, những chủ trương sáng suốt đúng đắn của các đồng chí ấy chứ không nên tuyên truyền tràn lan. Chúng ta cần phải hết sức tránh lạm dụng việc tuyên truyền một cách hình thức phô trương, thổi phồng, làm cho tự bản thân việc tuyên truyền ấy dẫn đến phản tác dụng. Từ trước đến nay, chúng ta đã có những kinh nghiệm về vấn đề này. Uy tín của một cán bộ đảng viên phải là thực chất hiệu quả của năng lực và phẩm chất của các đồng chí ấy chứ không phải cứ tuyên truyền là tạo nên được uy tín.

        Nhưng tuyên truyền về cá nhân không hoàn toàn giống với viết lịch sử. Trong công việc viết lịch sử, tất nhiên chúng ta phải kể đến ngày tháng, sự kiện lịch sử. Điều đó là rất cần nhưng không phải là điều chính yếu. Vấn đề quan trọng nhất trong khi viết lịch sử là phải phân tích cho được những chủ trương, đường lối đúng hay sai của Đảng trong sự kiện lịch sử lúc đó, để rút ra được những ưu điểm, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm của cá nhân và tập thể. Khi nói đến mỗi sự kiện lịch sử, chúng ta cần phải gắn liền sự kiện ấy với cá nhân và tập thể, chứ không thể chỉ nói tới cá nhân mà quên mất vai trò của tập thể. Gặp trường hợp có đồng chí trong một thời gian nào đó, có vai trò lịch sử tích cực, nhưng sau này lại có những sai lầm nghiêm trọng thì chúng ta không nên bỏ qua mà phải viết một cách trung thực về vai trò lịch sử tích cực của đồng chí đó trong giai đoạn lịch sử ấy, đồng thời chú thích rõ về khuyết điểm cụ thể của đồng chí ấy. Chúng ta có làm như thế mới là khách quan, là tôn trọng sự thật lịch sử.

        Bây giờ, tôi nói một vài sự kiện về mặt tuyên truyền và viết lịch sử quân sự mà theo chủ quan của tôi, lâu nay các đồng chí làm chưa được đúng.

        Như Hà Nội từ trước đến nay, kỷ niệm ngày tiếp quản Thủ đô rất to. Trong khi đó ngày kỷ niệm Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô thì lại gần như không làm gì. Sự thật thì khởi nghĩa ở Hà Nội hết sức quan trọng, có ý nghĩa rất lớn như tôi đã nói ở phần đầu, nhưng cuộc khởi nghĩa này lại không được kỷ niệm, không được tuyên truyền cho đúng với vị trí và ý nghĩa quan trọng của nó. Còn ngày 10 tháng 10 năm 1954 chỉ là ngày tiếp quản Thủ đô thôi; gọi là ngày giải phóng Thủ đô thì không đúng đâu. Ví dụ nữa như: ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng ta có một tấm gương rất quả cảm là: một trung đoàn Thủ đô mà dám bám trụ, đánh kìm chân địch ở tron thành phố Hà Nội được hai tháng trời, buộc địch chậm đánh lan ra ngoài thành phố. Nhờ đó, ta có thời gian để tiếp tục rút lực lượng nhân dân ra vùng tự do. Sau đó, theo kế hoạch rút lui khôn khéo, táo bạo và dũng cảm, Trung đoàn Thủ đô và các lực lượng vũ trang của thành phố rút ra ngoài được hết. Cuộc rút lui của cả quân và dân Thủ đô thắng lợi cũng là một chiến công. Chiến công dạo ấy của Trung đoàn Thủ đô đúng là một chiến công đáng phải tuyên truyền, đáng được nêu gương. Nhưng việc tuyên truyền về trung đoàn này chúng ta chưa làm một cách đúng mức.

        Một ví dụ nữa là, mỗi lần kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hay Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta tuyên truyền chưa toàn diện. Ở những trường hợp này chúng ta hay cắt khúc lịch sử ra và thường quên đi cả quá trình, chỉ nhấn mạnh riêng vào cái kết thúc; có khi chỉ thấy chủ lực mà không thấy địa phương quân, đặc công biệt động và lực lượng quần chúng. Chúng ta chỉ thấy ngọn mà quên đi cái gốc. Chẳng hạn, trong lúc tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ thấy rằng thắng lợi đó là đỉnh cao kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp mà không thấy đó là kết quả cuối cùng của một quá trình 9 năm chống Pháp Cũng như thế, cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 là kết quả của 15 năm đánh Mỹ, đó là điểm then chốt kết thúc 15 năm chiến - tranh chứ không thể coi như cuộc tổng tiến công đó làm nên tất cả Nếu quên đi cả một quá trình, chỉ nhấn vào cái kết thúc thì việc tuyên truyền của chúng ta sẽ dễ bị lệch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #258 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:29:46 pm »


        Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta phải trải qua nhiều chiến dịch như: Biên Giới, Đồng Bằng, Hà Nam Ninh, Hoà Bình, Tây Bắc... mới đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là rất lớn. Song ta tuyên truyền không toàn diện, làm cho người ta thấy hình như trong chống Pháp chỉ có chiến dịch Điện Biên Phủ thôi, cũng như trong chống Mỹ chỉ có chiến dịch Hồ Chí Minh thôi. Như thế là không đúng. Kết quả của cả quá trình 9 năm đánh Pháp mới tạo nên cái thế để đánh thắng ở Điện Biên Phủ; cũng như phải trải qua 15 năm đánh Mỹ mới tạo nên cái thế để chiến thắng lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh được Chúng ta phải đánh thắng địch từ "Chiến tranh Đặc biệt" đến "Chiến tranh Cục bộ"; phải qua biết bao chiến dịch và chiến đấu đánh Mỹ, đánh ngụy; không chỉ đánh riêng ở chiến trường miền Nam, mà còn đánh cả trên đất bạn Lào, Campuchia và chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc rất ác liệt mới tạo nên cái thế để thực hiện cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh được. Tất nhiên, chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh có vị trí và ý nghĩa lịch sử quan trọng về việc kết thúc chiến tranh của nó. Ngay như nói riêng việc tuyên truyền về cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 mà không chú ý cũng lệch rồi. Thí dụ: nói về thắng lợi này mà chỉ nói đến hai chiến dịch thôi thì anh em băn khoăn là phải. Nhưng nếu ta nói đến cả ba chiến dịch, đánh giá từng chiến dịch và vai trò, tác dụng của nó, thì anh em thấy đúng sự thật. Mỗi chiến dịch đều mang đặc điểm riêng của nó. Như thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên với trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột là thắng lợi của chiến dịch mở đầu có tác dụng thối động toàn bộ chiến trường miền Nam. Còn thắng lợi của chiến dịch Huế - Đà Năng làm tan rã quân ngụy ở gần hầu hết các tỉnh miền Trung. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch quyết định cuối cùng, đánh chiếm cơ quan đầu não của địch, làm cho toàn bộ quân ngụy ở các quân khu Nam Bộ bị tan rã nhanh chóng, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ở Việt Nam. Do đó mà chiến dịch được mang tên Bác. Trong viết lịch sử mỗi đơn vị đều có ý nghĩa và chiến công riêng của nó, ví dụ như đơn vị đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập bắt sống toàn bộ bọn cầm đầu ngụy quyền Sài Gòn. Anh em người ta muốn qua lịch sử để nhận đúng vị trì và tác dụng của từng chiến dịch, của từng đơn vị chiến đấu. Cái đó làm phấn khởi ngay cả chiến sĩ của từng đơn vị đã lập được những chiến công. Chứ không phải là vấn đề anh này muốn thế này, anh kia muốn thế nọ một cách chủ quan mà được. Chiến sĩ của chúng ta thực tế là như vậy, nhiều khi chúng ta đánh giá chưa đúng. Lúc đầu, ta cũng đánh giá chưa đúng lắm về từng chiến dịch. Gọi là chiến dịch Tây Nguyên, nhưng ta chỉ đánh có Buôn Ma Thuột. Khi vào đến Kon Tum, Plây Cu thì địch rối loạn bỏ chạy cả. Cho nên, chúng ta phải thấy tất cả chuyện này mà tuyên truyền cho đúng. Ngay cả việc viết về một sư đoàn thì cách đánh giá cũng thế. Làm sao phải nêu lên những nét tiêu biểu của các sư đoàn đánh giỏi thì mới có tác dụng tuyên truyền giáo dục được. Trong khi tuyên truyền những đơn vị chủ lực, ta không được quên những đơn vị đặc công, biệt động trong nội thành và vai trò quần chúng ủng hộ quân chủ lực.

        Có lúc chúng ta chỉ thấy vai trò của chủ lực mà quên đi vai trò của bộ đội địa phương, đặc công đã hỗ trợ đắc lực cho chủ lực; đặc công và biệt động đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh vào nội thành suốt thời kỳ chững Mỹ. Có những đơn vị đánh vào cư xá của sĩ quan Mỹ làm chúng bị thương vong hàng trăm tên sĩ quan. Giá trị của những chiến công đó không kém gì chiến công đánh thắng một sư đoàn Mỹ - ngụy mà ta lại ít thương vong.

        Ngay khi ta viết về vai trò của cá nhân trong lịch sử cũng vậy. Phải trung thực, phải đúng mức mới có tác dụng giáo dục. Ta phải viết ở mức độ đúng với vai trò của cá nhân đó trong lịch sử, đừng có làm quá sẽ dẫn đến sùng bái cá nhân, hoặc ngược lại, không làm đến nơi đến chốn thì rút cục lại viết vừa không đúng với thực tế, mà lại vừa thành ra phản lại tuyên truyền mà không có tác dụng giáo dục. Khi viết vai trò của cá nhân, phải gắn liền với vai trò của tập thể, của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Và ngược lại, khi tuyên truyền vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử cũng phải gắn liền với vai trò của lãnh đạo và những cá nhân tiêu biểu của lịch sử Người lãnh đạo là người nảy sinh ra từ trong phong trào của quần chúng. Không có người lãnh đạo thì khó có thể có phong trào quần chúng đi đúng hướng được. Chúng ta luôn luôn nhớ rằng, quần chúng làm nên lịch sử; một khi người lãnh đạo xa rời quần chúng thì không còn là người lãnh đạo nữa. Quan hệ biện chứng giữa lãnh đạo và quần chúng là như vậy. Tôi đến Thuận Hải, thấy một bà mẹ có bảy người con đi bộ đội hy sinh hết, bây giờ tỉnh làm nhà và nuôi bà mẹ đó Một bà mẹ có bảy người con hy sinh tất cả cho đất nước, bây giờ nuôi cháu. Những tấm gương như thế và những anh hùng như vậy thật là vĩ đại. Tôi có đề nghị phong anh hùng cho những bà mẹ như thế. Chúng ta có những bà mẹ rất đặc biệt và biết bao nhiêu tấm gương anh hùng liệt sĩ trong suốt 30 năm chiến tranh đã hy sinh anh dũng mà ta cần phải viết để giáo dục truyền thống. Cho nên, trong tuyên truyền, chúng ta phải làm sao viết và nói cho đúng với thực tiễn lịch sử và đúng với cái tạo nên nó. Lịch sử là thực tiễn khách quan. Không phải ngòi bút viết như thế nào thì đề cao được như thế ấy. Không phải đâu. Nói cho đúng mức là cái tốt nhất để đề cao các tấm gương của cá nhân mà học tập và làm gương sáng cho mai sau. Trong quân đội cũng vậy, khi đánh giá từng chiến dịch, từng quân đoàn, sư đoàn, từng đồng chí, chúng ta cũng phải đánh giá cho đúng. Đánh giá không đúng thì anh em người ta băn khoăn. Có khi là băn khoăn cá nhân, nhưng có khi lại là băn khoăn đúng. Vì sao? Vì tuyên truyền mà quên mất anh em sẽ làm người ta thấy không công bằng trong lịch sử. Người ta thấy làm sao không nói đến anh em. Tôi nói ví dụ như vậy. Viết cho đúng thì có sức thuyết phục lớn. Hễ viết không đúng thì sức thuyết phục không có. Sự thực là như vậy. Có những sự thực nếu ta quên đi thì không nên, quần chúng sẽ thắc mắc, có khi cán bộ cũng thắc mắc, nhưng đúng về cái chung thì ta phải chú ý. Vì không chú ý cái đó thì không công bằng, không có tác dụng giáo dục gì được cả.

        Ta cần nêu gương các anh hùng, các liệt sĩ, các tướng lĩnh, các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, đã hi sinh thân mình, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Ta nên lấy đó để đặt tên cho các đơn vị và cả tên địa phương, tên trường học... để nhắc nhở và để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

        Tôi nói thêm vài nét để chúng ta thấy rõ, để làm tốt hơn công tác tuyên truyền lịch sử quân sự cho đúng, để rút ra được những kinh nghiệm quý, những bài học hay để nêu gương, để giáo dục truyền thống. Mục đích tuyên truyền của chúng ta là như vậy, chứ không có mục đích nào khác.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM