Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:06:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47052 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #240 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:19:07 pm »


        Khi nói đến cuộc nổi dậy và khởi nghĩa, chủ yếu là nói đến phong trào cách mạng của quần chúng có kết hợp với một phần của lực lượng vũ trang để nổi dậy giành chính quyền.

        Hồi ấy ở Sài Gòn, chúng ta sử dụng chủ lực chỉ có một phần, còn phần lớn là đặc công và biệt động, không khí nổi dậy của quần chúng. Đánh như vậy thì chỉ đạt được kết quả như vậy thôi. Thực tiễn đó đã chứng tỏ ta không thể đạt được mục đích chiến lược đề ra từ lâu. Ngay như ở Huế, dù đợt 1 ta giành thắng lợi như thế mà quần chúng có nổi dậy khởi nghĩa được đâu. Ngay cả khi đã chiếm thành phố một thời gian rồi, quần chúng cũng đã sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa đâu? Theo tôi, suốt 15 năm chiến tranh chống Mỹ, thực tế không có trường hợp nào mà quần chúng ở các đô thị nổi dậy TKN được. Xem như khi đã giải phóng Buôn Ma Thuộc, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và nhiều thành phố, tỉnh ly khác thì cũng đủ biết là ở những nơi đó không hề có phong trào quần chúng nổi dậy TKN. Cho nên nhìn vào phong trào quần chúng ở các đô thị mà không phân tích cho kỹ thì rất dễ bị lầm. Chẳng hạn ở miền Nam lúc đó, bên cạnh phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên còn có một số cuộc biểu tình, một số cuộc rối ren giáo phái nổ ra phần lớn là do mâu thuẫn tôn giáo và do bàn tay đạo diễn của địch. Ngày ấy, bọn địch thường dùng lực lượng này ép lực lượng kia để nắm chắc hơn bọn tay sai của chúng. Vì vậy, khi thì chúng dùng Phật giáo chống lại Công giáo, khi thì chúng dùng Công giáo chống lại Phật giáo. Những cuộc đụng độ ấy nhiều khi rất găng. Có cả những vụ tự thiêu của Phật tử nữa. Đôi lúc ta cũng lợi dụng những mâu thuẫn này lôi kéo một số quần chúng yêu nước để gây phong trào và làm cho địch thêm khó khăn.

        Tuy nhiên, đó chỉ là biểu hiện những mâu thuẫn nội bộ của bọn tay sai địch chứ chưa phải là phong trào quần chúng cách mạng đã sẵn sàng nổi dậy TKN ở đô thị.

        Hồi Tết Mậu Thân, phong trào quần chúng của chúng ta lưới ở mức như thế, trong khi lực lượng địch còn mạnh như thế, thì làm sao mà tiến hành TCK, TKN để giành chính quyền ở đô thị được? Hơn nữa, chúng ta còn có chủ trương đôn quân ở xã, huyện lên để giải phóng đô thị. Vì thế bị thiệt hại khá nhiều. Thế là nông thôn bị yếu đi, địch quay lại bình định. Tình thế của ta lúc ấy khó khăn thế nào các anh đã biết. Thế mà sau đó chẳng những ta liên tục mở mấy đợt tiến công; mất yếu tố bất ngờ rồi mà vẫn mở hết đợt này đến đợt khác mà lại đánh vào đô thị. Đến tận cuối năm 1968 mà ta vẫn ra nghị quyết TCK, TKN như lúc đầu. Như vậy, rõ ràng là ta đã rất chủ quan, không thấy rõ được thực tế lúc đó.

        Bây giờ tổng kết lại thì thấy rằng: ngày đó nếu mục đích trong cuộc TCK, TKN Tết Mậu Thân mà chúng ta đề ra chỉ là đánh địch thiệt hại nặng, nhất là nhằm vào những vị trí ở trung tâm đầu não địch để chúng phải ngồi vào đàm phán thì ta có cần phải mở cuộc TCK, TKN giành chính quyền như ta đã đề ra để đến nỗi bị tiêu hao quá nhiều lực lượng như thế không? Cái giá ấy quá đắt. Vì thế, sau này thảo luận về Tết Mậu Thân, có ý kiến của nhiều anh em cho rằng: chỉ cần mở một cuộc tập kích chiến lược hoặc là một cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên cả ba vùng chiến lược, nhằm mục tiêu như đã đề ra thì cũng làm cho địch thiệt hại nặng nề và đủ để buộc địch phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán. Cho nên sau Tết Mậu Thân, tôi thấy các anh em không dùng cụm từ "Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” trong tài liệu và báo chí nữa mà chỉ nói là Tổng tiến công và nổi dậy. Như vậy là đúng. Đó là vì các anh đã cảm thấy khuyết điểm, sai lầm của ta. Tuy nhiên, cũng chưa ai phân tích cái đúng, cái sai của Mậu Thân cho rõ ràng. Tôi cho rằng như thế là chưa phải, có gì đúng ta nói đúng, có gì sai ta nói sai. Mãi đến Nghị quyết 21 Trung ương mới nhận định rõ rằng: việc đề ra các nghị quyết trong cuộc TCK, TKN trong Tết Mậu Thân là chủ quan tuy có giành được thắng lợi lớn. Đúng là chỉ vì chủ quan mà chúng ta đã bị thiệt hại và gặp nhiều khó khăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #241 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:20:39 pm »


        Phải chăng chúng ta đã rập khuôn một cách máy móc theo những kinh nghiệm cũ về khởi nghĩa ở đô thị trong Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Mười mà không hiểu được rằng điều kiện và hoàn cảnh khởi nghĩa của hai cuộc cách mạng ấy là khác hẳn với thực tế của chúng ta lúc bấy giờ ở chiến trường miền Nam. Thực tế của chúng ta lúc bấy giờ là đang ở trong cuộc chiến tranh ác liệt. Thực tế cho thấy rằng: trong hoàn cảnh chiến tranh, không thể có điều kiện nổ ra TKN ở các đô thị - vì điều kiện khởi nghĩa và nổi dậy ở các đô thị khác với điều kiện khởi nghĩa và nổi dậy ở nông thôn (tôi sẽ phân tích ở phần nói về cuộc Tổng tiến công Xuân 1975). Thực tiễn trong 15 năm chiến tranh, ở đô thị đã không diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa hoặc nổi dậy như vậy. Chúng ta cần nhớ rằng ngay đến năm 1972, sau khi Mỹ đã buộc phải "Việt Nam hoá chiến tranh" rồi mà ta cũng phải dùng chủ lực mới đánh vào được thị trấn Quảng Trị - mà cũng còn phải giành đi giật lại mãi, nhưng cuối cùng chỉ giải phóng được Đông Hà. Đến sau Hiệp định Pa-ri, thế ta đã mạnh, Mỹ đã rút ra, so sánh lực lượng đã thay đổi căn bản mà ta cũng phải dùng chủ lực mới đánh được Phước Long và sau đó còn phải tiến hành nhiều chiến dịch tháo gỡ đồn bốt, giải phóng từng khu vực suốt trong hai mùa khô nữa, mới tạo ra được thế mạnh và đến năm 1975 mới dùng toàn bộ chủ lực mở các chiến dịch đánh vào các đô thị miền Nam, nhất là Sài Gòn thì mới có thể kết thúc được chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thế mà, trong Mậu Thân với tương quan lực lượng lúc đó mà ta toan làm một cuộc TCK, TKN để giành chính quyền ở đô thị, nhất là Sài Gòn, thì làm sao làm được?

        Cho nên trong chiến tranh, đã đánh vào đô thị thì phải có chủ lực mạnh mới giải phóng lớn được. Mà ngay khi có chủ lực mạnh rồi mà đánh chác lôi thôi, lằng nhằng cũng khó mà thắng nổi. Khi ta đánh Buôn Ma Thuộc, quân Mỹ đã rút ra rồi mà ta vẫn phải dùng tới 4 sư đoàn trong lúc địch chỉ có hơn một trung đoàn thôi. Đánh Huế - Đà Nẵng cũng phải dùng chủ lực mới chiếm được. Khi đánh vào Sài Gòn cũng vậy, chúng ta đã phải huy động một lúc gần 5 quân đoàn kết hợp với những đơn vị đặc công và biệt động mới phá được tuyến phòng thủ của địch và mới đánh chiếm được Sài Gòn. Đương nhiên là mỗi khi chúng ta đánh vào đô thị, khi quân địch đã có nguy cơ tan rã, chúng ta thường vẫn được quần chúng ở các cơ sở Đảng, quần chúng tiến bộ hỗ trợ.

        Cho nên trong chiến tranh, cuối cùng phải có chủ lực đánh vào đô thị, nhất là cơ quan đầu não về quân sự và chính trị của địch mới kết thúc được chiến tranh, giải phóng được hoàn toàn đất nước. Thực tế cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 đã chứng tỏ điều đó.

        Khi nghiên cứu để tổng kết về Tết Mậu Thân, có anh em lại hỏi tôi là: trong Tết Mậu Thân, khẩu hiệu ”công nông binh liên hiệp" có phù hợp không?

        Vấn đề này thì tôi thấy rằng: ngay từ những năm 1930, khi chưa nắm được chính quyền, cũng có lúc Đảng ta đề ra khẩu hiệu này; và trong lịch sử đã có những cuộc binh biến hoặc khởi nghĩa của binh lính nổi lên đánh Pháp như Đớ Lương, Thái Nguyên hay Yên Bái; ở Liên Xô, vào năm 1917, khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp" cũng đã được đề ra. Tuy nhiên, những khẩu hiệu đó ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử hoàn toàn khác lịch sử hồi Tết Mậu Thân. Vì không nghiên cứu kỹ nên trong Tết Mậu Thân chúng ta đưa ra khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp", xem đó như là khẩu hiệu chiến lược. Theo tôi như vậy là không đúng. Bởi vì trong thời kỳ bọn thực dân Pháp cai trị nước ta, bên cạnh các đội quân chính quốc và Lê dương, bọn chúng còn tổ chức thêm các loại lính khố đỏ, khố xanh... để đàn áp cách mạng. Song lực lượng binh lính bản xứ này thường bị chúng bạc đãi, bóc lột và khinh rẻ, đánh đập. Một số anh em lính có một phần ý thức dân tộc đã nổi lên chống lại chúng. Chính vì thế mà khi chưa nắm được chính quyền, nhất là trong thời kỳ bí mật vận động cách mạng (1930) có những lúc Đảng ta đề ra khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp". Khẩu hiệu ấy mang tính chất chiến lược, nhằm thức tỉnh anh em binh lính quay súng khởi nghĩa làm binh biến. Bởi vì vào những năm đó, Đảng ta xem anh em binh lính này như một bộ phận quần chúng nông dân nghèo khổ bị thực dân Pháp trực tiếp chỉ huy và cũng bị chúng áp bức bóc lột, kìm kẹp, nên có thể kêu gọi họ là quần chúng nổi dậy khởi nghĩa đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập Còn ở Nga thì vào những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất, do nước Nga thua trận, anh em binh lính bất mãn căm ghét Sa hoàng, bỏ ngũ hàng loạt, chống chiến tranh, đòi hoà bình. Đảng Bônsêvích Nga lúc đó đã đưa ra khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp" để tập hợp lực lượng này vào đội ngũ quần chúng cách mạng để tham gia khởi nghĩa. Số binh linh ấy đã thật sự liên hiệp với công nhân và nông dân Nga làm lên Cách mạng Tháng Mười. Nhưng sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công thì xảy ra cuộc nội chiến. Bọn Bạch vệ được các nước đế quốc ủng hộ nổi lên đánh phá cách mạng. Khi đó khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp" không còn tác dụng nữa. Học tập kinh nghiệm cách mạng Nga, trong Xô viết Nghệ - Tĩnh, chúng ta cũng đề ra khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp". Song thời gian của Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra quá ngắn và cũng chỉ ở một địa phương nên không đủ thực tiễn để đánh giá hiệu lực của khẩu hiệu này trong lúc đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #242 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:21:58 pm »


        Vì không nghiên cứu đầy đủ các kinh nghiệm lịch sử cụ thể đó, nên trong Tết Mậu Thân chúng ta cũng đề ra khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp" như một khẩu hiệu chiến lược là không thích hợp. Bởi vì, quân ngụy Sài Gòn lúc đó là một đội quân được Mỹ tổ chức lại từ đội quân ngụy của Pháp. Bọn chúng bao gồm những phần tử địa chủ, phản động chống phá cách mạng quyết liệt, theo chân Pháp chạy vào Nam. Đến thời Mỹ, đội quân này lại được bổ sung thêm một bộ phận lực lượng phản động trong các giáo phái ở miền Nam. Những phần tử này mang nặng hận thù giai cấp với cộng sản do bản chất giai cấp của chúng, cộng thêm những khuyết điểm của ta trong cải cách ruộng đất và chính sách đối với tôn giáo lúc đầu kháng chiến chống Pháp gây ra. Đế quốc Mỹ còn xây dựng bồi dưỡng trong ngụy quân một đội ngũ sĩ quan chỉ huy độc ác từ trên xuống dưới và khét tiếng chống cộng. Bọn CIA dùng chiến tranh tâm lý nhồi sọ tinh thần quốc gia chống cộng để nắm chặt đội ngũ này. Với chính sách mua chuộc, nuôi dưỡng, cưng chiều, Mỹ đã làm cho bọn sĩ quan ngụy trở thành một giai tầng quyền quý, phụ thuộc chặt vào Mỹ, trở thành công cụ và tay sai đắc lực trung thành với Mỹ và phần nhiều là những phần tử tôn giáo chống cộng. Vì vậy, Mỹ hết dùng Diệm lại đến Thiệu.

        Điều đó giải thích vì sao suốt cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng ta không thấy có một cuộc binh biến nào. Không có một đơn vị binh lính nguỵ nào chạy ra theo cách mạng mà chỉ có một số ít đo ta địch vận hoặc làm nội ứng cho ta để đánh đồn bốt.

        Phản ứng giai cấp của nguỵ quân gay gắt đến mức trong mùa Xuân 1975, trước những đòn tiến công quyết liệt của ta, có những tên tướng ngụy thà tự sát chứ không chịu đầu hàng. Khi chúng bị tan rã mà không có đơn vị nào làm binh biến khởi nghĩa để hưởng ứng cuộc tổng tiến công của ta, trừ trường hợp ta đánh bại chúng, chúng phải tan rã mới chịu đầu hàng.

        Vì thế, trong Tết Mậu Thân, việc đề ra khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp" là không sát hợp. Nhưng ngay sau đó, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm, bỏ khẩu hiệu trên. Đối với binh lính địch, ta chỉ còn đặt thành vấn đề địch vận mà thôi. Công tác địch vận được anh em đặt trong phương thức tác chiến, gọi là "hai chân, ba mũi". Hai chân là quân sự và chính trị; ba mũi là quân sự, chính trị và địch vận. Hai chân là chiến lược, ba mũi là chiến thuật.

        Tôi nói thêm về một khuyết điểm nữa trong Tết Mậu Thân mà các anh hỏi. Đó là vấn đề muốn giành thắng lợi dứt điểm trong một thời gian tương đối ngắn, trong lúc tương quan lực lượng quân sự và chính trị giữa ta và địch lúc đó chưa cho phép, chưa thể nào TCK, TKN ở các đô thị để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn như thế được.

        Thực ra, trong chiến tranh, vấn đề đánh ngắn hay đánh dài không phụ thuộc vào su.y nghĩ hoặc ước muốn chủ quan của chúng ta. Chúng ta không thể lấy nguyện vọng thay cho khả năng thực tế được. Tiến hành cuộc chiến tranh, chúng ta ai cũng muốn kết thúc trong một thời gian tương đối ngắn cho đỡ tổn thất xương máu. Song tương đối ngắn là thế nào kia, chứ kể từ khi Mỹ nhảy vào miền Nam cho đến năm 1968 thì mới là 3 năm. Lúc đó số binh lính Mỹ ở miền Nam đã lên đến mức cao nhất, và thực tế sau Tết Mậu Thân, ta còn phải đánh 7 năm nữa mới kết thúc được chiến tranh, trong khi đó lực lượng chính trị, quân sự và phong trào quần chúng của chúng ta còn nhiều hạn chế như thế thì chưa thể nào có điều kiện để thực hiện TCK, TKN ở đô thị để giải phóng miền Nam trong một thời gian ngắn được. Mà sau khi đã ngồi vào đành phán rồi, phải 5 năm nữa chúng ta mới đuổi được quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và phải 2 năm nữa mới đánh đổ được ngụy quân và hàng mấy ngàn cố vấn Mỹ còn lại sau Hiệp định Pa-ri, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ ở miền Nam. Như thế là dài chứ không phải là ngắn mà giải quyết được vấn đề...

        Hôm nay, nhân các đồng chí hỏi một số vấn đề về cuộc Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa trong Tết Mậu Thân, tôi có dịp suy nghĩ và đối chiếu lại giữa nghị quyết với thực tiễn đã diễn ra nhằm làm rõ hơn cái đúng, cái sai để chúng ta cùng rút kinh nghiệm. Nghị quyết cũng có lúc sai hoặc chưa đầy đủ.

        Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng Lê-nin không bao giờ nói và làm sai. Nay mới biết là Lê-nin cũng có lúc chủ trương sai. Đó là sau nội chiến, Lê-nin muốn chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội ngay không qua thời kỳ quá độ. Nhưng chỉ mấy tháng sau, Lê-nin thay đổi ngay, đề ra chủ trương kinh tế mới rất táo bạo và độc đáo. Đó là thiên tài của Lê-nin. Vì thế cái quan trọng của lãnh đạo không phải là đề ra chủ trương không bao giờ sai hoặc lúc nào cũng đúng ngay. Điều đó khó lắm. Mà vấn đề là ở chỗ có thấy được cái sai mà chuyển kịp thời hay không. Có khi vừa đưa ra, thấy không đúng là phải sửa ngay, giành chủ động làm chuyển biến tình hình ngay. Vấn đề là ở chỗ đó.

        Hôm nay, chúng ta tổng kết và phân tích những cái đúng, cái sai của Tết Mậu Thân cũng như những sự kiện khác trong hếch sử cũng chỉ là nhằm rút ra những bài học lịch sử để cùng nhau nghiên cứu, học tập thôi. Biết rút ra những thiếu sót như thế cũng là biểu hiện sự trưởng thành của tất cả chúng ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #243 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:31 pm »

       
        Về cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972

        Xung quanh cuộc tổng tiến công và nổi dậy chiến lược năm 1972 nổi lên một vấn đề mà anh em hỏi tôi là: Trong cuộc tiến công ấy, ta có bỏ lỡ thời cơ chiếm Huế không? Và nếu là bỏ lỡ, phải chăng đó là sai lầm có ý nghĩa chiến lược của ta?

        Khi nói về Tết Mậu Thân, tôi đã nói rằng: sau năm 1968, tuy có thắng lợi lớn là buộc địch phải ngồi vào đàm phán song vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhưng ta đã kịp thời lợi dụng sai lầm chiến lược của Mỹ trong việc lật đổ Xihanúc, xây dựng chính quyền Lonnon thân Mỹ, đưa lực lượng ta sang đó giúp Bạn đánh để giải phóng nhiều vùng ở Campuchia, vừa xây dựng lực lượng, tạo thêm căn cứ cho bạn và chỗ đứng chân cho ta. Sau đó Mỹ, ngụy đưa quân sang đánh Campuchia hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Nhưng chúng đã thất bại, phải kéo quân về. Đến năm 1971, Mỹ - nguỵ lại sai lầm kéo quân ra Đường 9 - Nam Lào hòng chặt đứt đường tiếp tế qua đường mòn Hồ Chí Minh của miền Bắc vào miền Nam, bị ta đánh cho thiệt hại nặng đến nỗi Nguyễn Cao Kỳ khi ra Vĩ tuyến 17 đã phải tuyên bố rằng đó là trận Điện Biên Phủ thứ hai, đến nỗi ở Hội nghị Pa-ri, Kít-xinh-giơ phải thú nhận rằng: Mỹ không ngờ mạng lưới phòng không của Việt Nam ở Đường 9 - Nam Lào lại dày đặc như vậy. Thất bại ở Đường 9 - Nam Lào bước đầu đã làm phá sản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Ních-xơn. So sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi có lợi cho ta.

        Trước tình hình Mỹ và Trung Quốc đã ký tuyên bố chung Thượng Hải và nhân đà thắng lợi của Đường 9 - Nam Lào, ta chủ trương mở một cuộc tổng tiến công chiến lược và nổi dậy trên toàn tuyến miền Nam vào mùa khô năm 1972. Mục đích của cuộc tổng tiến công và nổi dậy này nhằm tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng dân, mở rộng vùng giải phóng, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định, buộc Mỹ - ngụy phải chấp nhận một giải pháp chính trị đi vào ký hiệp định Pa-ri.

        Đầu năm 1972, cuộc tiến công chiến lược đã mở ra trên chiến trường miền Nam. Ta đã tiến công địch ở Trị - Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu. Tôi không nói toàn bộ cuộc tiến công chiến lược mà chỉ trả lời những điều các anh hỏi trên đây.

        Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 là một chiến dịch mang tính chất chiến lược diễn ra trong thời điểm chính trị hết sức quan trọng, phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao để kết thúc chiến tranh. Đây là một chiến dịch hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn nhất, dài ngày nhất từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến lúc ấy của ta (tháng 10-1972), tác chiến trên các loại địa hình phức tạp; là một cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch chủ lực ta đọ với một lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ và lực lượng tổng dự bị ngụy), đọ sức toàn diện cả về ý chí, tiềm lực thời gian, cường độ và năng lực hành động.

        Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự mạnh bậc nhất của địch, giải phóng hoàn toàn một tỉnh (Quảng Trị), tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng lớn địch, bảo vệ vùng giải phóng trong điều kiện rất khó khăn.

        Đợt 1 của chiến dịch đã giành được thắng lợi giòn giã, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Vĩ tuyến 17. Đợt 2 chiến dịch, ta thu thắng lợi lớn, giải phóng Quảng Trị. Sau khi giải phóng Quảng Trì, địch ở Huế rất hoang mang nên anh em có ý kiến là lúc đó đã xuất hiện thời cơ để giải phóng Huế hay chưa? Nếu đã có thời cơ mà ta bở lỡ thì đó có phải là sai lầm không? Tôi thấy rằng không hẳn như vậy. Bởi vì, lúc đó trên thực tế, địch mới hoang mang giao động, chứ chưa định rút khỏi Huế. Khả năng của ta muốn chiếm Huế cũng chưa được. Vì sao? Vì lúc đó quân Mỹ mới bắt đầu rút ra một phần, còn ở Đà Nẵng chúng đã rút hết đâu? Không quân Mỹ và Hạm đội 7 vẫn còn trực tiếp yểm trợ cho ngụy. Chúng dùng không quân, pháo hạm chặn ta dữ dội lắm. Hơn nữa, sau khi đánh chiếm được Quảng Trị, lực lượng của ta cũng bị hao tổn nhiều. Và tại đây ta và địch còn giằng co rất quyết liệt, hai bên đều tổn thất rất lớn. Lúc đó, Mỹ cũng đã ném bom trở lại miền Bắc rất ác liệt. Cuộc chiến đấu ở Quảng Trị quyết liệt lắm, thậm chí chỉ có một cái Thành Cổ mà giành đi giật lại nhiều lần nên sau này ở Pa-ri, Kít-xinh-giơ nói với tôi: đứng về quân sự mà nói thì cả hai bên đánh nhau đề giành giữ một cái thành cổ như vậy thì không ai đánh như thế cả. Thế mà cả hai bên cứ đánh nhau mãi!

        Tôi trả lời: Đó là vấn đề chính trị, đánh để giành thế mạnh về chính trị trong đàm phán thôi chứ, còn đứng về quân sự thì không một ai vì một mảnh đất nhỏ đổ nát mà đánh như thế. Các ông phải nhớ tinh thần chiến đấu của quân đội chúng tôi là dũng cảm như thế đó.

        Bởi thế cho nên khả năng ta đánh chiếm Huế lúc đó là chưa được. Đây không phải là sai lầm về chiến lược mà phải thấy là tình hình lúc đó chưa cho phép nên ta mới dừng lại ở bên này sông Thạch Hãn để tổ chức phòng ngự chứ không cho địch phản công trở lại.

        Vì thế, khi nghiên cứu về chiến dịch Quảng Trị, anh em vẫn còn băn khoăn về vấn đề phòng ngự này, e trái với tư tưởng chiến lược tiến công. Vấn đề này các anh bàn thêm vì về quân sự các anh thạo hơn tôi. Theo tôi, tư tưởng tiến công là tư tưởng chỉ đạo chiến lược. Còn đánh nhau thì phải có tiến công, phòng ngự, phản công, thậm chí có lúc còn rút lui nữa chứ. Nhưng phòng ngự hay rút lui không phải chỉ là để phòng ngự hay rút lui đơn thuần, mà là để chuẩn bị điều kiện tiếp tục tiến công. Vấn đề đánh thế nào đảm bảo thắng lợi đâu có phải ngại ngần chữ phòng ngự, không nên nhầm lẫn tư tưởng chiến lược tiến công với phương thức phòng thủ tác chiến tiến công hay phòng ngự
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #244 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:34 pm »


        Sau hiệp định Pa-ri

        Anh em có hỏi là: Sau khi ký Hiệp định Pa-ri chúng ta có chuệch choạc không?

        Theo tôi thì cũng có một số bộ phận anh em cán bộ nhận định chuệch choạc, song sự chuệch choạc này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Bởi vì ta có kinh nghiệm của Hiệp định Giơ-ne-vơ nên sau Pa-ri, Trung ương cho rằng tình hình cũng giống như Giơ-ne-vơ, nghĩa là khó có sự thi hành nghiêm chỉnh. Sau khi ký, các đồng chí tham gia đàm phán ở Pa-ri có họp rút kinh nghiệm trước khi tôi về nước, anh em đều nhất trí nhận định rằng: phải chuẩn bị tích cực đối phó với địch không chịu thi hành Hiệp định. Hôm đó, tôi có nói: miền Nam chưa được giải phóng thì có chết chúng ta cũng không nhắm mắt được.

        Nói chung, Trung ương và Bộ Chính trị không có ảo tưởng là địch sẽ nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Nhưng đã ký Hiệp định thì chúng ta một mặt phải thi hành, mặt khác phải tích cực chuẩn bị đối phó với khả năng xấu. Tình hình chính trị trong nước và trên thế giới lúc ấy đều muốn có ổn định và trong miền Nam cũng có lực lượng muốn thi bành Hiệp định. Vì thế, một mặt ta vẫn phải tiến hành những việc để đối phó với địch phá Hiệp định, và phải tích cực đánh địch lấn chiếm, song một mặt nữa vẫn phải tiến hành những việc để chuẩn bị thực hiện Hiệp định.

        Chuẩn bị đối phó như thế nào? Chúng ta không còn ấu trĩ như hồi Giơ-ne-vơ năm 1954 nữa nên khi đó ta tranh thủ thời cơ để chuyển nhiều vũ khí đạn dược vào miền Nam. Và mặt khác, ta vẫn phải tiếp tục đánh địch khi chúng lấn chiếm vùng giải phóng.

        Song cũng phải thấy tình hình thực tế là sau khi ta ký Hiệp định Pa-ri, vì cho là có hoà bình rồi, cả Liên Xô và Trung Quốc đều không viện trợ quân sự cho ta nữa. Liên Xô chỉ viện trợ kinh tế để ta xây dựng. Còn Trung Quốc thì cắt luôn cả viện trợ kinh tế và có ý đồ khác như chúng ta đã biết.

        Ta vừa chuẩn bị vừa triển khai thi hành Hiệp định, cử đại biểu vào phái đoàn bốn bên. Trong khi ta triển khai thì địch khiêu khích. Ta rút luôn các tổ liên hiệp đình chiến ở các địa phương về, chỉ còn để lại phái đoàn ở Tân Sơn Nhất. Sau một thời gian, cán bộ chủ chốt ở phái đoàn bốn bên cũng rút về, chỉ để lại một số người.

        Lúc đầu còn thi hành Hiệp định như vậy, nhưng khi địch lấn chiếm, càn quét, đánh phá, ta chủ động đánh trả quyết liệt và tích cực chuẩn bị về quân sự để tiến công địch. Đó là điều quan trọng nhất.

        Tuy nhiên, lúc đầu cũng có sự chuệch choạc trong nhận thức và hành động của một số đồng chí. Chẳng hạn ngày ấy có một số đồng chí cán bộ cao cấp vào miền Nam đã giải thích tình hình và nhấn quá nhiều vào khả năng hoà hoãn để xây dựng, nên ngay từ ngày ấy và đến bây giờ cũng còn có những anh em thắc mắc. Vì vậy, mới có tình trạng là ngày ấy có chỗ địch đánh, anh em ta chỉ giữ và rút chứ không đánh lại.

        Nhưng rồi thực tiễn cho thấy là sau đó anh em ta cứ đánh. Khu 9 và một số nơi khác đã đánh nên giành được nhiều thắng lợi. Khu 9 trước không có Mỹ, chỉ có ngụy mà ta còn đánh mạnh như vậy thì ở nơi khác trước kia vốn có Mỹ, sau Hiệp định Pa-ri, Mỹ lại đã rút đi làm sao ngụy mạnh hơn ta được. Kinh nghiệm của Khu 9 giúp anh em nhận thức được tương quan lực lượng càng rõ hơn. Đến Hội nghị Trung ương tháng cuối tháng 6 đầu tháng 7 và tháng 10 năm 1973 thì chúng ta đã bàn và đã có được nghị quyết chủ động đánh địch lấn chiếm và quyết tâm giải phóng miền Nam.

        Nhờ có đánh địch như thế mà từ 1973 đến 1974, anh em càng đánh giá được tình hình địch rõ hơn và đến trước khi mở đợt tiến công 1975, ta lại giải phóng được Phước Long, anh em mới càng thấy rõ Mỹ đã rút rồi, ngụy mất chỗ dựa, tương quan lực lượng trên chiến trường đã thay đổi về cơ bản và một khi Mỹ đã thua rút ra rồi thì không thể nào trở lại được. Đó là quá trình đánh giá địch và hiểu đúng thực tế tình hình.

        Cũng cần phải nói rõ là Bộ Chính trị chưa có một nghị quyết nào nói là ta phải hoà hoãn với địch. Việc giải thích của một số đồng chí cán bộ nói trên bị anh em miền Nam phản ứng ngay từ dạo ấy cũng chứng tỏ anh em ta qua đấu tranh trong thực tế chiến trường đã rất nhạy bén với thực tiễn của tình hình. Chính vì không thông với cách giải thích đó nên anh em ta dạo đó tiếp tục đánh. Tuy cũng có một số nơi chuệch choạc, nhưng sự chuệch choạc này không rộng và cũng không lâu. Nhìn chung, miền Nam đã sớm nhận rõ tình hình, và tháng 10 năm 1973, Trung ương đã có nghị quyết đánh địch để giải phóng miền Nam. Nhờ đó quá trình đánh địch ở đồng bằng sông Cửu Long và nhiều nơi ở Khu 5 rồi đến Phước Long mới giúp ta đánh giá được tình hình, tương quan lực lượng, thấy được sự thay đổi cơ bản ở chiến trường và Mỹ không thể nào trở lại. Không phải sau Hiệp định Pa-ri ta đã nhận định được đầy đủ về tương quan lực lượng trên chiến trường như thế, mà phải trải qua một quá trình chiến đấu mới rõ được.

        Mặt khác, Mỹ cũng chủ quan cho là sau 15 năm chiến tranh, ta đã mệt mỏi và với sự viện trợ về quân sự, kinh tế của Mỹ cho quân ngụy và hàng nghìn cố vấn Mỹ còn lại ở miền Nam thì lực lượng ta trong đó yếu hơn ngụy, không thể làm gì được ngụy. Và Mỹ tưởng lúc đó ta quan tâm nhiều đến việc xây dựng kinh tế miền Bắc hơn là giải phóng miền Nam.

        Tóm lại, thời kỳ sau Hiệp đinh Pa-ri, lúc đầu cũng có ý kiến này ý kiến khác cũng có suy nghĩ thế này thế khác, nhưng những cái đó chỉ xảy ra rất ngắn ở một số đồng chí, và khi đã thấy rõ tình hình, anh em đã chuyển ngay kịp thời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #245 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:53 pm »

         
       Về Đại thắng mùa Xuân 1975

        Về Đại thắng mùa Xuân 1975 đã có nhiều sách báo, tài liệu nói rồi. Ở đây tôi chỉ nói thêm mấy vấn đề theo các câu hỏi của các anh để làm cho một số điểm cụ thể về tình hình lúc ấy.

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta có thể chia thành 4 giai đoạn chiến lược: Giai đoạn thứ nhất là lúc nhân dân miền Nam bắt đầu nổi dậy vũ trang chống Mỹ cho đến khi Mỹ thấy không thể thắng được trong chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt" phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh Cục bộ". Giai đoạn thứ hai: Mỹ bắt đầu tiến hành "Chiến tranh Cục bộ" cho đến khi ta Tổng tiến công Tết Mậu Thân, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán, bắt đầu một bước ngoặt cơ bản về mặt chiến lược trong cuộc "Chiến tranh Cục bộ" của Mỹ ở miền Nam. Giai đoạn thứ ba: Mỹ bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Hiệp định Pa-ri. Ở giai đoạn này, ta đã đánh bại Mỹ trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô ở Campuchia và Đường 9 - Nam Lào. Đến năm 1972, ta mở cuộc tổng tiến công đánh bại một bước nghiêm trọng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút toàn bộ quân Mỹ, quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh Cục bộ" của đế quốc Mỹ đối với miền Nam Việt Nam. Giai đoạn thứ tư: sau khi ký Hiệp định Pa-ri cho tới lúc ta mở cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, đánh bại hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" với hơn một triệu quân ngụy và hàng ngàn cố vấn Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong mỗi giai đoạn lại có nhiều đợt chiến đấu, nhiều chiến dịch và đánh theo mùa mùa khô và mùa mưa); mà mỗi giai đoạn có chấm dứt bằng đỉnh cao của những chiến thắng lớn của ta. Nhưng trong 4 giai đoạn thì có 2 giai đoạn quan trọng nhất, có tính chất quyết định, làm chuyển biến tình hình. Đó là giai đoạn ba: đánh rồi ký Hiệp định Pa-ri, đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ (giai đoạn đánh cho Mỹ cút); và giai đoạn bốn: sau Hiệp định Pa-ri liên tiếp diễn ra nhiều trận chiến đấu, mở nhiều chiến dịch, tiếp tục tiến công địch cho đến đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, đánh sập ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam giai đoạn "đánh cho ngụy nhào" giải phóng miền Nam).

        Bốn giai đoạn chiến lược này liên quan mật thiết với nhau, giai đoạn trước tạo điều kiện thắng lợi cho giai đoạn sau.

        Chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng bạo lực đã được nêu ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Mọi việc chuẩn bị được xúc tiến và ngày càng khẩn trương. Nói chung là nhất trí. Khi vạch kế hoạch chiến lược để giải phóng miền Nam, chúng ta đã dự kiến sẽ đánh trong hai mùa khô. Mùa khô 1975, giải phóng Tây Nguyên và Huế, mùa khô 1976, sẽ giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn và toàn bộ miền Nam. Trong việc chọn hướng tiến công chiến lược, hướng chủ yếu của Xuân 1975, mọi người dễ dàng đồng ý khi mở đầu chiến dịch không đánh Bắc Tây Nguyên mà đánh Nam Tây Nguyên. Thế nhưng khi bàn cụ thể, trận then chốt sẽ đánh mở màn ở đâu thì thảo luận rất găng. Có hai ý kiến: Một là, đánh Đức Lập trước rồi mới đánh Buôn Ma Thuột để mở đường vận chuyển vào Nanh Bộ. Hai là, đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột trước rồi mới đánh Đức Lập, vì nếu đánh Đức Lập trước thì khi đánh Buôn Ma Thuột sẽ mất yếu tố bất ngờ. Ý kiến đánh Đức Lập trước là do đánh giá tình hình thực tế địch - ta trên chiến trường lúc bấy giờ. Còn ý kiến đánh Buôn Ma Thuột trước là căn cứ vào nhận định của chúng ta: đây là nơi địch tương đối yếu, sơ hở và bất ngờ nhất. Trước đây, nếu có đánh, thường thì ta chỉ đánh vào Công Tum, Plây Cu, chứ chưa hề đánh vào Buôn Ma Thuột. Nếu giải phóng được Buôn Ma Thuột, chúng ta sẽ có thêm một vùng đất nối liền với Phước Long, tạo thành một địa bàn rộng lớn, làm chỗ đứng chân của chủ lực để mùa khô năm sau đánh vào Sài Gòn. Đây còn là một địa bàn thuận lợi, dễ cơ động lực lượng: muốn đánh vào Sài Gòn cũng được; muốn đánh lên Công Tum, Plây Cu cũng được; muốn đánh xuống miền Trung cũng được; và sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ chiến trường. Hơn nữa, ở Buôn Ma Thuột địch chỉ có hơn một trung đoàn, trong khi ta có 4 sư đoàn thì làm sao ta không đủ sức mạnh để giải phóng. Song, một đồng chí chưa thông với kế hoạch chọn Buôn Ma Thuột để đánh mở màn. Trong Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, có đồng chí còn cho rằng: Nếu đánh, giải phóng được Buôn Ma Thuột, trong lúc Tây Nguyên đang thiếu gạo, thì lấy gạo đâu mà tiếp tế nuôi dân? Thế nhưng, trên thực tế, sau khi giải phóng được Buôn Ma Thuột, chẳng những nạn thiếu gạo không xảy ra, mà chúng ta lại đỡ vất vả hơn trong việc tiếp tế gạo vào những ngày sau đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #246 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:24:23 pm »


        Thực ra, khi đồng ý đánh mở màn ở Buôn Ma Thuột, chưa mấy ai dự đoán được rằng việc đánh vào nơi này lại tạo nên được sự thối động, làm rung chuyển toàn bộ chiến trường thiên Nam đến như vậy.

        Đến khi chiếm xong Buôn Ma Thuột, cắt đứt được các đường số 19, 21, 22, buộc địch phải rút khỏi Plây Cu, Công Tum, sau đó ta giải phóng Huế, tạo ra thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam trong một mùa khô thì chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của sự chọn điểm mở màn Xuân 1975 là Buôn Ma Thuột nó to lớn là vậy. Thực ra, khi thảo luận đã nhất trí là vậy mà trước khi anh Văn Tiến Dũng vào trong đó, còn có đồng chí vẫn chưa nhất trí là đánh Buôn Ma Thuột đâu. Cho nên, trong một cuộc họp của Quân ủy và cơ quan tham mưu, chúng tôi lại phải thảo luận thêm một lần nữa và vẫn quyết định dứt khoát là đánh Buôn Ma Thuột. Do còn có đồng chí phân vân như thế, nên Bộ Chính trị đã cử anh Văn Tiến Dũng vào chiến trường; vì cho rằng đánh một trận then chốt như vậy cần phải có một đồng chí chỉ huy có đủ quyền hạn, cương quyết chấp hành ý định chiến lược của cấp trên.

        Chính vì thế mà anh Dũng được cử vào trong đó. Anh Dũng vào thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên cùng với Bộ Tư lệnh B (Tây Nguyên) và sử dụng các đơn vị chủ lực và địa phương của B3 để thực hiện ý định chiến lược của Bộ Chính trị: đánh Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên.

        Việc anh Dũng lên đường được hết sức giữ bí mật, vì nếu địch thấy một Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng vào chiến trường ắt chúng sẽ đoán được ý đồ chiến lược mà chuẩn bị đối phó; và như vậy sẽ đẻ ra nhiều vấn đề khó khăn.

        Vào đến Tây Nguyên, anh Dũng đã thấy B3 chuẩn bị xong kế hoạch tác chiến, bố trí lực lượng đánh Đức Lập rồi. Trước tình hình đó, anh Dũng đã quyết định vẫn cương quyết theo ý đồ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh Buôn Ma Thuột, nhưng đồng thời đánh luôn cả Đức Lập.

        Quả nhiên, sau khi đánh xong Buôn Ma Thuột, địch bị rung chuyển lớn, rút chạy khỏi Tây Nguyên, khỏi Huế, Bộ Chính trị đã nhận thấy thời cơ lớn để giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa khô 1975 đã đến, nên đã kịp thời quyết định phải tập trung lực lượng thần tốc, táo bạo hơn nữa, nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong thùa khô 1975.

        Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, thời cơ lớn đã đến, có một vấn đề là Nam Bộ xin thêm quân, mà các anh hỏi, tôi nói rõ thêm: Tôi còn nhớ có hai lần B (Nam Bộ) xin quân. Lần thứ nhất, lúc chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, B2 xin thêm quân cốt là để tăng cường lực lượng chứ chưa phải là để giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi thấy việc tập trung lực lượng để đánh Nam Tây Nguyên đã đủ rồi, thì có thể điều cho Nam Bộ một số lực lượng theo yêu cầu của anh em. Chuyện đó được giải quyết không có vướng mắc gì. Nhưng đến khi đánh xong Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên và địch bỏ chạy ở Plây Cu, Công Tum rồi, thì B2 lại xin quân lần thứ hai. Mục đích xin quân lần này có khác lần trước. Bởi vì lúc đó các đồng chí ấy thấy rằng nếu với lực lượng hiện có của miền Nam mà xin thêm được Quân đoàn 3 về giúp Quân đoàn 4 thì có thể đủ chủ lực để giải phóng Sài Gòn. Thế nhưng lúc đó Bộ tư lệnh chiến trường thấy sau khi thắng Buôn Ma Thuột lại muốn dùng lực vừa đánh Buôn Ma Thuột xong để đánh xuống Khánh Hoà - Phú Yên, nhằm chia cắt miền Trung về chiến lược, không cho địch co cụm lại ở đó, rồi sau mới chuyển quân vào đánh Sài Gòn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí với ý kiến này, đồng thời giao nhiệm vụ cho anh Lê Trọng Tấn cùng với Quân đoàn 2, sau khi cùng với Bộ tư lệnh và các lực lượng Khu Trị Thiên và Khu 5 giải phóng xong Huế - Đà Nẵng, thì nhanh chóng đánh dọc theo miền Trung phối hợp với các sư đoàn chủ lực và địa phương của Khu 5 và Khu 6 phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang, tiến về giải phóng Sài Gòn. Lần xin quân thứ hai này, B2 muốn xin thêm cả một quân đoàn, nếu không được thì xin thêm một sư đoàn để đánh Sài Gòn, cụ thể là xin Sư đoàn 316. Vì ý định chiến lược đánh như trên, ngoài này không thể đáp ứng yêu cầu của B2 được, nhưng trước đề nghị nhiều lần đó, cũng điều cho các anh ấy Sư đoàn 341 là một sư đoàn mới tổ chức lại. Khi vào đến nơi, sư đoàn này vẫn còn xộc xệch, cũng chưa tham chiến được ngay. Mà dù lúc đó có đưa thêm Sư đoàn 316 vào cùng với Quân đoàn 4 và các lực lượng khác ở miền Nam thì cũng không thể giải phóng được Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #247 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:24:49 pm »


        Sau hai lần B2 xin quân thì tôi vào chiến trường, gặp lúc hội nghị Miền cũng vừa kết thúc. Tôi được nghe anh em báo cáo lại là đã bàn về việc đánh Xuân Lộc. Tôi có tham gia với anh Dũng và các đồng chí rằng: Vội gì mà phải đánh Xuân Lộc vào lúc này? Hiện nay ta đang điều quân và các cánh quân cũng đang hành quân gấp. Đợi khi hình thành xong thế chiến dịch đánh vào Sài Gòn đã, rồi cùng đánh luôn có hơn không? Đánh Sài Gòn thì các nơi khác tự tan rã và tạo điều kiện rất thuận lợi cho chúng ta đánh địch. Anh Văn Tiến Dũng nói: Tôi cũng thấy như vậy. Nhưng anh em đã quyết định rồi. Tôi mới vào, chưa nắm được cụ thể tình hình. Thôi, cứ để anh em đánh. Lúc ấy, tôi cũng được biết trước đó theo chủ trương của Miền, anh em đã đánh Thủ Thừa, đường số 4, nhưng bị thiệt hại nặng, không giải quyết được chiến trường. Do đó, tôi mới có ý toan bàn với các đồng chí ngừng đánh Xuân Lộc lại. Nhưng nghe anh Dũng nói, tôi cũng nghĩ có thể mình mới vào chưa rõ hết tình hình, cứ để các đồng chí đánh vậy. Kết cục là anh em ta cũng không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra. Thực tế diễn biến chiến đấu sau đó chứng tỏ việc đánh Xuân Lộc lúc ấy là chưa cần thiết. Khi cánh quân của anh Lê Trọng Tấn (gồm Quân đoàn 2 với lực lượng cả Khu 5 và Khu 6) phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang, tiến về Bình Tuy, Bà Rịa thì Sư đoàn 18 ngụy hoảng loạn rút bỏ Xuân Lộc.

        Lúc ấy, các đồng chí miền Nam đã có chủ trương "xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh". Tôi liền bàn với anh Phạm Hùng và Trung ương Cục hãy thôi chủ trương đó, chờ ta mở chiến dịch đánh chiếm Sài Gòn - cơ quan đầu não của địch, thì ngụy quân ngụy quyền ở các tỉnh khác sẽ bị suy sụp tan rã. Lúc này, chỉ nên dùng chính trị, địch vận và đánh tiêu hao địch, chưa đủ chủ lực chưa đánh vào các thành phố và thị trấn vội. Như vậy sẽ đỡ tốn xương máu hơn. Sau đó anh Phạm Hùng đã bàn với các đồng chí Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền thôi kế hoạch trước.

        Chúng ta có thể xem việc đánh Buôn Ma Thuột là một quả đấm làm rung chuyển cả chiến trường miền Nam. ý nghĩa thắng lợi của trận đánh Buôn Ma Thuột đối với chiến trường cũng giống như ý nghĩa thắng lợi của trận Sta-lin-grát của Liên Xô trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1941-1945). Trận đánh Sta-lin-grát là một thắng lợi lớn, làm rung chuyển cục diện chiến tranh. Nhưng để tới Béc-lin - sào huyệt của Hít-le, Liên Xô phải mở thêm nhiều chiến dịch nữa. Chúng ta cũng vậy: đánh xong Buôn Ma Thuột buộc địch rút khỏi Tây Nguyên làm rung động cả chiến trường miền Nam, ta còn phải mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, và cuối cùng mới hình thành chiến dịch giải phóng Sài Gòn - chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Để chỉ huy chiến dịch cuối cùng này, Bộ tư lệnh chiến dịch được thành lập, kết hợp với Bộ tư lệnh Miền, cùng với các quân đoàn, phối hợp với các lực lượng chủ lực lực và địa phương miền Nam đánh chiếm Sài Gòn. Bộ tư lệnh Miền chỉ huy các tỉnh phối hợp với chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Về Đảng, Bộ Chính trị chỉ thị ba đồng chí ủy viên thay mặt Bộ Chính trị chịu trách nhiệm tập thể trực tiếp lãnh đạo chiến dịch lịch sử này.

        Chúng ta đều biết chiến dịch này phải có thời gian để tổ chức lực lượng. Phải hình thành những cánh quân lớn, gần 5 quân đoàn, từ 6 hướng cùng đánh vào Sài Gòn. Một cánh quân (Quân đoàn 2 với chủ lực Khu 5 và Khu 6), sau khi đánh Huế, giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, đánh dọc theo miền Trung, phá vỡ phòng tuyến Phan Rang, đánh vào đông Long Thành và căn cứ Nước Trong. Một cánh quân từ Tây Ninh (Quân đoàn 3) đánh vào Đồng Dù; một cánh quân (Quân đoàn 1) đánh vào Thủ Dầu Một; một cánh quân nữa (Quân đoàn 4) đánh vào Biên Hoà; và một cánh quân nữa gồm 3 sư đoàn phía Nam Sài Gòn từ Long An, Cần Đước, Cần Giuộc và đường số 4 đánh lên. Cùng lúc ấy, ở nội thành những đơn vị đặc công, biệt động chiếm giữ các cầu lớn, bảo đảm đường tiến quân của các quân đoàn chủ lực tiến vào trung tâm thành phố được thuận lợi; đồng thời đánh phá một số mục tiêu trong thành phố, làm cho địch càng thêm rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực ta tiến vào đánh chiếm các cơ quan đầu não về quân sự, chính trị của ngụy quân, ngụy quyền ở nội thành trong tình thế địch đã suy sụp nên không gặp khó khăn cản trở gì. Trong khi chủ lực tiến vào nội thành và quân địch bị tan rã thì các tổ chức Đảng và quần chúng chiếm giữ các quận lỵ và một số cơ sở của địch, không gặp sự xung đột phản kháng nào đáng kể.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #248 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:05 pm »


        Sau khi hình thành thế bao vây chiến dịch, phá vỡ tuyến phòng thủ xung quanh Sài Gòn, phối hợp với đặc công, biệt động thành, các cánh quân lớn của chúng ta tiến vào thành phố đánh chiếm các cơ quan đầu não về quân sự và chính trị của địch. Sau đó, cánh quân của anh Lê Trọng Tấn đã tiếp- vào Chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ chính quyền Trung ương của ngụy, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng và kêu gọi binh lính ngụy hạ vũ khí, nộp cho Quân giải phóng. Tuy vậy có hướng bọn địch ngoan cố chống cự, như trận đánh vào Đồng Dù, Nước Trong là các trận đánh ác liệt, thương vong của ta không phải ít. Trong khi các cánh quân lớn của ta đánh vào nội thành thì không quân của ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và hải quân thì đánh chiếm các đảo như Phú Quốc, đảo Vây, Trường Sa...

        Phải hình thành các cánh quân lớn như thế, kết hợp với bộ đội địa phương và các đơn vị đặc công, biệt động ém sẵn trong nội thành thì mới đánh nhanh vào Sài Gòn được. Có làm như vậy thì chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mới thắng nhanh, thắng gọn và mới đánh chiếm nguyên vẹn một thành phố lớn, đông dân như thế này được.

        Bây giờ tôi nói sang vấn đề khác, theo câu hỏi của các anh.

        Có ý kiến cho rằng đánh Xuân Lộc là bắt đầu mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Nói như vậy là không đúng. Quân đoàn 4 đánh Xuân Lộc bị thương vong nặng rồi ngừng thì làm sao lại có thể nói bắt đầu chiến dịch từ đây. Cũng không phải đánh vào Phan Rang là mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó chỉ là phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn của địch để cùng các cánh quân khác tiến vào Sài Gòn. Mãi đến ngày 26 tháng 4, mới hình thành rõ thế bao vây chiến dịch để đánh vào Sài Gòn cùng một lúc.

        Thời gian ấy, đế quốc Mỹ đã hai lần có ý đồ can thiệp vào Việt Nam: lần thứ nhất, Kít-xinh-giơ qua con đường ngoại giao yêu cầu gặp ta để đàm phán mong cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Ta bác bỏ, không nhận gặp. Lần thứ hai, CIA tung tin: nếu ta đánh vào Sài Gòn thì Mỹ sẽ can thiệp. Khi được tin ấy, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập cán bộ chỉ huy các quân đoàn, phân tích tình hình và nhận định rằng: đây chỉ là đòn tâm lý chiến của bọn CIA tung ra. Bọn Mỹ không có một phương cách gì để can thiệp, cứu vãn nổi tình hình suy sụp của bọn ngụy Sài Gòn trong lúc này. Mà dù Mỹ có can thiệp bằng cách này hay cách khác, với mức độ nào đi chăng nữa thì ta cũng quyết tâm đánh, không một chút do dự trù trừ và nhất định thắng.

        Anh em hỏi về chuyện có chiến dịch thứ tư là nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long không? Theo tôi, phải hiểu nội dung nổi dậy chủ yếu là dùng lực lượng chính trị kết hợp với một phần quân sự, tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, để giành và giữ chính quyền. Do đó, ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng nông thôn toàn miền Nam, trong quá trình chống Mỹ có nhiều nơi nổi dậy ở đô thị, thị trấn, đến nỗi coi nổi dậy ở đồng bằng sông Cửu Long là đòn quyết định đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền ở đó lúc bấy giờ, nên anh em mới cho đó là chiến dịch thứ tư. Thực ra, anh em không thấy toàn bộ cục diện chung của chiến trường, mà chỉ nhìn thấy ở địa phương thôi. Thực tế là, khi các cánh quân lớn của ta tiến vào đánh chiếm Sài Gòn - cơ quan đầu não về quân sự, chính trị của ngụy quân, ngụy quyền và làm cho chúng sụp đổ thì lực lượng quân sự của địch ở các nơi bị hoang mang tan rã hầu hết. Quân đoàn 4 ngụy tuy còn đông song hết hy vọng chống cự. Lúc ấy ta dùng chính trị để kêu gọi chúng đầu hàng, chiếm các quận lỵ và thành phố còn lại mà không bị địch chống cự, đỡ phải đổ thêm xương máu, chỉ có một số ít nơi phải dùng áp lực quân sự mà thôi. Do đó, sau này, có ý kiến cho rằng: việc giải phóng đồng bằng sông Cửu Long là chiến dịch thứ tư, không cần có chủ lực, mà nổi dậy chỉ cũng giành được quận lỵ, tỉnh lỵ là không đúng với thực tiễn diễn ra của toàn bộ cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Những anh em có ý kiến như thế là chỉ nhìn thấy tình hình cục bộ của một vùng, của riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà không thấy được tác động của sự sụp đổ của ngụy quyền Trung ương ở Sài Gòn đã ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ chiến trường Nam Bộ, làm tan rã mau chóng ngụy quân, ngụy quyền ở các cấp, tạo điều kiện thuận lợi rất cơ bản cho đồng bằng sông Cửu Long giải phóng. Cũng ví như trong chống Pháp, tuy quân ta không đánh vào Hà Nội nhưng chủ lực lớn của ta đã đánh vào Điện Biên Phủ, nơi tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất của Pháp. Địch bị thất bại nặng, tuy có hoang mang nhưng 3 tháng sau mới chịu ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, ta giải phóng được nửa nước. Nếu ta đánh vào Thủ đô Hà Nội, cơ quan đầu não của địch bị sụp đổ thì chúng sẽ còn bị hoang mang, tan rã ở nhiều nơi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #249 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:37 pm »


        Hoặc như trong Cách mạng Tháng Tám, nếu ta chỉ chiếm được vùng rừng núi và nông thôn, mà chưa khởi nghĩa chiếm được Hà Nội thì chưa thể dẫn đến việc giành chính quyền trong cả nước.

        Cho nên, trong chiến tranh, cuối cùng muốn kết thúc được muốn giành toàn thắng phải dùng chủ lực mạnh, đồng thời tùy nơi kết hợp một phần với đặc công, biệt động ở nội thành, đánh vào các thành phố, đô thị, nhất là thủ đô, cơ quan đầu não về quân sự, chính trị của chúng.

        Thực tiễn trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược không thể có các cuộc nổi dậy và khỏi nghĩa để giải phóng các thành phố, đô thị. Thực tế đã diễn ra như vậy.

        Ở thành phố chỉ có các cuộc biểu tình, đấu tranh của học sinh, sinh viên, bãi công đòi tăng lương của công nhân, hoặc hoạt động của đặc công, biệt động đánh vào một số vị trí quan trọng của địch. Những cái đó không phải là nổi dậy, mà là những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng và những trận chiến đấu của một số đơn vị đặc công, biệt động trong nội thành, nhằm tiêu hao một phần lực lượng địch. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng ta có đề ra và dự kiến đến khởi nghĩa, đến nổi dậy. Nhưng thực tế đã không diễn ra ở các thành phố miền Nam như vậy. Tại sao? Vì trong chiến tranh, ở các đô thị, địch tập trung lực lượng quân sự và bộ máy kìm kẹp khá mạnh với mòi thủ đoạn lừa bịp nham hiểm, mà cơ sở của ta lại yếu, hoạt động quân sự của ta trong nội thành bị hạn chế nhiều. Song, ở nông thôn, lực lượng địch vừa mỏng, vừa yếu, mà lực lượng chính trị và quần chúng của ta ở đây lại mạnh hơn. Vì thế, khác với đô thị, nhiều vùng ở nông thôn, ta có thể nổi dậy kết hợp với công kích, tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công, và cũng phải giành đi giật lại, giằng co giữa ta và địch nhiều lần, ta mới giữ được. Vì không hiểu được một cách toàn diện tình hình diễn biến của cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 đã diễn ra từ Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên đến Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh như tôi đã nói ở trên, cho nên có anh em mới cho rằng việc giải phóng đồng bằng sông Cửu Long là do nổi dậy. Có anh em còn cho rằng nói như vậy là nói đúng với nghị quyết đã đề ra. Như vậy, cũng là không đúng, vì có khi nghị quyết và thực tiễn khách quan diễn ra lại khác nhau.

        Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua, ngoài việc Trung ương Cục, Khu ủy Khu 5 và Khu ủy Trị - Thiên trực tiếp chỉ đạo chiến tranh ở miền Nam, Bộ Chính trị còn chỉ định mấy đồng chí trước đây phụ trách miền Nam, do anh Ba chỉ đạo, chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị. Sau Hiệp định Pa-ri, Bộ Chính trị lại tổ chức Ban miền Nam để theo dõi tình hình miền Nam và nghiên cứu, đề xuất những vấn đề trong tình hình mới đặt ra. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (đa số cũng là các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị cả) vạch ra những chủ trương lớn và từng chiến dịch, trực tiếp chỉ đạo cụ thể, nhất là Tổng tiến công Xuân 1975. Sau khi có chủ trương của Bc Chính trị và Quân ủy Trung ương thì Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu triển khai kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện.

        Thắng lợi mùa Xuân 1975 là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn và sáng tạo của Trung ương Đảng ta, đứng đâu là Bác Hồ và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

        Đó là kết quả của 15 năm chống Mỹ, cứu nước, của sự hy sinh chiến đấu dũng cảm vô bờ bến của đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào trong cả nước. Đó là thắng lợi của cả hai miền đất nước, của mọi người, của toàn dân đánh giặc, của cả tiền tuyến và hậu phương, của sự liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt của nhân dân ba nước Đông Dương, của sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô, Trung Quốc và cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Những sự giúp đỡ quốc tế đó là hết sức quan trọng và to lớn. Sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là của Liên Xô và Trung Quốc đã góp một phần trong việc quyết định thắng lợi của chúng ta.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM