Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:28:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47358 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #230 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:52 pm »


        Nếu nói giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám thì khoảng thời gian từ ngày 9 tháng 3 năm 1945 đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám, tôi cho là khoảng thời gian sôi động nhất. Thời gian sôi động này được đánh dấu bằng cái mốc của Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng khai mạc vào đêm 9 tháng 3, trong đó có chỉ thị rất sáng suốt của Trung ương Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị này đã đánh giá đúng tình hình và thời cơ để có chủ trương hành động cách mạng kịp thời. Cho nên, sau chỉ thị đó, ngoài chiến khu Việt Bắc là khu căn cứ lớn nhất, mấy chiến khu nữa trong toàn quốc được thành lập. Có nhưng vùng nông thôn đã nổi dậy tước vũ khí của địch ở một số huyện, tổ chức các đội du kích và cứu quốc quân, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, thành lập đội du kích đầu tiên ở miền Trung. Nhiều cuộc đấu tranh và nổi dậy của quần chúng phá các kho thóc của địch để giải quyết nạn đói - lấy giải quyết nạn đói làm khẩu hiệu trung tâm để phát động quần chúng. Đây là khoảng thời gian ngắn chưa đầy sáu tháng, nhưng có thể vì nó sôi động chẳng khác gì tám tháng trước Cách mạng tháng Mười Nga mà Lê-nin đã nói tám tháng đó bằng hàng chục năm bình thường. Hội nghị ngày 9 tháng 3 được triệu tập trước khi Nhật đảo chính Pháp song lại họp đúng vào ngày chúng nó đảo chính nhau. Nhưng địa điểm bị lộ, phải chạy sang Đình Bảng để họp. Lúc bấy giờ Bác còn ở biên giới, đương cùng một số đồng chí lo xây dựng căn cứ Việt Bắc. Lúc đó Bác có một sách lược lợi dụng mâu thuẫn giữa Nhật và Mỹ - Đồng minh chống phát-xít một cách rất khôn khéo để lấy vũ khí Mỹ góp phần xây dựng đơn vị chủ lực đầu tiên để chống Nhật ở dưới này anh Trường Chinh đã thay mặt Trung ương triệu tập Hội nghị Trung ương mở rộng (có một số đồng chí Xứ ủy tham gia). Hội nghị này đã ra chỉ thị có ý nghĩa lịch sử nói trên. Có thể nói, không có chỉ thị này ta sẽ bỏ lỡ thời cơ khi Nhật - Pháp bắn nhau và không chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới Tổng khởi nghĩa khi Nhật bị thất bại.

        Sau Hội nghị trên, còn có hai cuộc hội nghị nữa đáng chú ý: Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ để thống nhất hai lực lượng quân sự: Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu Quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Hội nghị của Xứ ủy Bắc Kỳ để phổ biến chỉ thị của Trung ương về vấn đề Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta và bàn kế hoạch thực hiện.

        Đến Hội nghị Tân Trào thì ý nghĩa lịch sử của nó lại càng đặc biệt. Hội nghị có đại biểu của cả nước về dự. Nhưng lúc đó tình hình đã biến chuyển rất mau lẹ nên Trung ương đã quyết định Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ cử một mình đồng chí Bí thư Xứ ủy - đồng chí Nguyễn Văn Trân - đi dự, còn có các anh Xứ ủy viên khác được phân công, ở lại phụ trách các tỉnh trọng điểm và địa phương để đón thời cơ khi Nhật đầu hàng thì nổi dậy khởi nghĩa - như phân công anh Nguyễn Khang - Quyền Bí thư Xứ ủy phụ trách khởi nghĩa ở Hà Nội... Như vậy ta đã không bỏ lỡ thời cơ khởi nghĩa và khi chúng tôi dự Hội nghị Tân Trào về nửa đường thì Hà Nội đã giành được chính quyền. Trước Hội nghị Tân Trào còn có Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng. Cùng với Hội nghị đó thống nhất lực lượng của Đảng trên toàn quốc, thông qua kế hoạch và lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, thành lập Chính phủ lâm thời, tổ chức Tổng bộ Việt Minh, bổ sung Trung ương... Lần đầu tiên trong lịch sử, kể từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đến Hội nghị này Bác mới chính thức ra mắt toàn Đảng, toàn dân. Hội nghị lịch sử Tân Trào khẳng định sự thống nhất ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân từ Bắc đến Nam.

        Như vậy, trong bốn cuộc Hội nghị bấy giờ thì Hội nghị ngày 9 tháng 3 và Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng là hai hội nghị quan trọng nhất. Nếu không có những cuộc hội nghị như vậy thì cuộc Cách mạng Tháng Tám không thể nào thành công được.

        Đặc biệt trước ngày Nhật đảo chính Pháp, có nhiều anh em đã vượt ngục được. Sau ngày ấy nhiều anh em lại phá ngục, ra hoạt động bên ngoài, hăng hái lao ngay vào công tác. Đó là những cán bộ đã được rèn luyện, thử thách, rất dày dạn. Nếu không có một đội ngũ cán bộ vượt ngục ra đông như thế thì cũng không đảm bảo cho các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương được thực hiện một cách tốt đẹp. Cũng như ở miền Nam, do Cách mạng Tháng Tám thành công, tất cả những anh em ở nhà tù Côn Đảo được đón về ngay, trong đó có anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), anh Hùng (đồng chí Phạm Hùng), anh Bảy Linh (đồng chí Nguyễn Văn Linh), và nhiều đồng chí cán bộ ưu tú khác. Nếu không có những cán bộ như vậy thì làm sao cuộc kháng chiến chống Pháp lại có thể vượt qua nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Vì các anh đó đều là cán bộ lãnh đạo của Đảng. Anh Ba làm Tổng Bí thư 26 năm nay, ngày ấy cũng là người ở Côn Đảo về. Chúng ta phải đánh giá tất cả cái này cho đúng thì mới thấy được sự nắm bắt kịp thời cơ, xoay chuyển tình thế của Đảng ta trong những bước ngoặt lịch sử nhanh nhạy đến như thế nào để làm nên Cách mạng Tháng Tám.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #231 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:38 pm »


        Còn giai đoạn từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến thì tôi thấy rõ có bốn sự kiện lớn của lịch sử, ta cần phải phân tích cho rõ, để rút ra những bài học kinh nghiệm. Đó là: giải tán Đảng; Hiệp định Sơ bộ 6-3; Tạm ước 14-9 và Toàn quốc kháng chiến.

        Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta lúc ấy chỉ có chừng 5.000 đồng chí, quân đội ta còn non trẻ, lực lượng nòng cốt của ta là các đội du kích tập hợp lại, hậu quả của nạn đói do Pháp - Nhật gây ra chưa được giải quyết thì quân Tưởng kéo hàng mấy chục vạn vào miền Bắc; quân Anh vào miền Nam. Bọn phản động "Việt Quốc" dựa vào quân Tưởng phá ta dừ dội và chiếm một số tỉnh ở phía Bắc. Lúc đó bọn Tàu Tưởng bắt ta phải giải tán Đảng; phải thay đổi Quốc kỳ; thay đổi Quốc ca và cho bọn Việt Quốc tham gia vào chính quyền. Chúng bắt ép ta đủ điều, thậm chí có lúc đã giữ Bác một ngày. Nếu chúng ta không có sách lược khôn khéo, đối phó kéo dài với nó, mãi đến tháng 11 năm 1945 ta mới tuyên bố giải tán Đảng. Sau đó ta nhân nhượng cho nó một số ghế ở Quốc hội và Chính phủ. Nhưng đại bộ phận chính quyền ở trong nước từ trên xuống dưới vẫn do Đảng ta lãnh đạo và vẫn điều hành cả nước. Còn Quốc kỳ, Quốc ca ta không thay đổi.

        Thực hiện chỉ thị của Bác, Đảng tuyên bố giải tán và lấy tên là "Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác". Giải tán Đảng chỉ là hình thức bên ngoài, chứ còn toàn Đảng vẫn hoạt động bình thường, các tổ chức của Đảng ở Trung ương và các địa phương vẫn công khai hội họp. Tờ báo của Đảng vẫn là tờ báo Cộng sản, chỉ thay đổi tên gọi một cách hình thức: trước là tờ báo của "Đảng Cộng sản Đông Dương", nay là tờ báo của "Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác". Như vậy, thực chất Đảng ta vẫn còn nguyên vẹn, tiếp tục củng cố và phát triển. Tuy nhiên, lúc đầu cũng có một số ít cán bộ đảng viên hiểu sai, tưởng đâu như giải tán Đảng thật, nhưng được giải thích thì không có cán bộ đảng viên nào hiểu sai mà dẫn đến việc giải tán Đảng ở chỗ này, chỗ kia. Thật ra, lúc đó cũng có một vài anh em do không hiểu cho nên không tán thành ý kiến của Bác và Trung ương Đảng, không làm như vậy thì khó cứu vãn được tình hình. Chính quyền ta còn non trẻ mà lực lượng địch thì mạnh, nó có thể bắt cán bộ của ta, lật đổ chính quyền của ta, đưa bọn Quốc dân đảng lên, lập cái chính phủ và thể chế gì đó thì sẽ gây cho ta nhiều khó khăn lắm. Sự nhân nhượng khôn khéo như vậy, sách lược khôn khéo như thế của Bác cốt là để cho chúng ta rảnh tay hơn mà xây dựng lực lượng và củng cố chính quyền. Đồng thời Bác cũng biết là quân Tàu Tưởng chỉ đóng một thời gian để giải giáp quân đội Nhật rồi trở về nước. Nếu chúng ta không hiểu cái đó mà phê phán thế này, thế kia thì không đúng đâu. Quyết định của Bác và Trung ương, tôi cho là sáng suốt lắm.

        Về Hiệp định Sơ bộ 6-3, ta nhớ rằng ngay từ cuối tháng 2 năm 1946, Pháp và Tưởng đã ký Hiệp định "buôn bán chính trị" với nhau: Tưởng cho Pháp vào miền Bắc Việt Nam, Pháp trả lại cho Tưởng những quyền lợi của Pháp mà chúng đã chiếm từ trước ở Trung Quốc. Tình thế đó đặt chúng ta trước hai con đường: hoặc là tạm thời hoà hoãn với Pháp để đẩy Tưởng ra mau; hoặc là đánh Pháp khi nó vào miền Bắc? Có thế thôi. Lợi hại thế nào, chúng ta phải phân tích bối cảnh lịch sử lúc đó. Trong Nam, ta đang kháng chiến chống Anh - Pháp; ngoài Bắc còn có 20 vạn quân Tưởng, bọn Quốc dân đảng đã chiếm một phần trong Quốc hội và một vài nơi. Lúc đó tuy có cao trào cách mạng, nhưng chính quyền của ta còn non trẻ... Nếu bấy giờ chúng ta đánh Pháp thì bọn Tưởng lấy cớ chưa yên để ở lại. Tình thế buộc ta phải đương đầu với hai kẻ thù trong một lúc. Bởi thế, lúc bấy giờ sách lược của ta là phải làm sao đẩy Tưởng ra mau. Muốn vậy, ta phải tạm thời nhân nhượng cho Pháp về một số điều khoản như Hiệp định Sơ bộ đã nói. Trong điều kiện lúc đó mà không có sách lược khôn khéo như vậy thì chính quyền của ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Cho nên, sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3, ngay khi quân Pháp vào thì Bác cho tổ chức ngày sinh của Bác để biểu dương lực lượng cả nước, động viên toàn quốc về chính trị. Đó là một cách đồi phó rất tài tình, gây áp lực với địch, làm cho Pháp thấy, không phải nó kéo quân vào rồi là yên đâu, vi Hiệp định có điều khoản là 5 năm nó sẽ rút, đóng quân ở đâu chỉ đóng đấy thôi...
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:14:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #232 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:53 pm »


        Sau Hiệp định Sơ bộ, Pháp lại đòi ta phải ký một hiệp định chính thức. Lúc ấy có thể chọn 3 địa điên để ký: Một là Sài Gòn, hai là Hà Nội, ba là Pa-ri. Nếu sang Pa-ri, ta sẽ có cái lợi để gây thanh thế của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong nhân dân Pháp và trên trường quốc tế mà lúc bấy giờ có mấy ai biết đến. Nhưng cũng có điều bất lợi là ta phải họp trên đất đối phương. Hơn nữa lúc đó Pháp còn có lợi thế là đã kéo quân vào nước ta thì dễ gây sức ép với ta. Vả lại phái đoàn Chính phủ do Bác dẫn đầu mà ở trên đất nó, nó muốn khấu lưu lúc nào thì nó khấu lưu ( Thực ra phái đoàn ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dăn đầu (BBT)). Mặc dù phân tích lợi hại như vậy, nhưng chúng ta vẫn đi Pa-ri để ký. Ai cũng biết lần đi này Bác đã ký Tạm ước 14-9 nhân nhượng cho bọn Pháp thêm quyền lợi về kinh tế, văn hoá, tài chính, ngoại giao... coi như quyền lợi của nước ta không còn bao nhiêu nữa. Buộc phải ký như vậy, Bác phải suy nghĩ rất dữ. Đêm cuối cùng trên đất Pháp, Bác biết rằng nếu không ký nó sẽ giữ lại, vì cảnh sát đã vào ngay chỗ Bác để làm áp lực Thành thử Bác cốt sao ký xong để mà về. Vào khoảng trung tuần tháng 10, vừa về tới nhà, Bác bảo: không còn nhân nhượng gì nữa, chỉ còn cách đánh thôi. Không còn cách nào khác. Cho nên chỉ trong vòng hơn hai mươi ngày, sau hôm về nước, Bác đã ra chỉ thị nói phải đánh và Bác bảo những việc phải làm để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Theo chỉ thị của Bác, sau gần 2 tháng chuẩn bị kháng chiến, đến ngày 17 tháng 12 năm 1946, ta đã họp Hội nghị Thường vụ Trung ương ở Vạn Phúc. ở hội nghị này, theo sự chỉ đạo của Bác, anh Trường Chinh ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến và Bác viết ngay tại chỗ Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cũng ở Hội nghị đó, Bác phân công chúng tôi mỗi người một việc, người thì lo về quân sự; người thì lo triệu tập Hội nghị Xứ ủy để phổ biến chỉ thị và tổ chức phân chia các khu; và theo địa giới quân sự, thành lập khu ủy, các quân khu và bàn kế hoạch kháng chiến. Những việc lớn như vậy đã được chuẩn bị trong vòng hai tháng kể từ khi Bác về. Ngay cả việc chuyển các cơ quan, các máy móc ra khỏi Hà Nội, chúng ta cũng đã làm theo chỉ thị của Bác và Trung ương. Chứ còn đợi đến lúc có lời kêu gọi kháng chiến, tức là bắt đầu chiến tranh rồi, thì chuyển làm sao kịp được nữa? Chúng ta đã chuyển ra căn cứ địa đầu tiên ở Hà Đông và bước thứ hai mới lên Việt Bắc. Trung đoàn Thủ đô còn đánh hai tháng nữa ở trong lòng thành phố. Và đồng thời quân ta còn vây địch ở Hà Nội. Nếu không có thời gian chuẩn bị trước, làm sao chúng ta làm được những việc to lớn như vậy?

        Lịch sử đã diễn ra như vậy. Phải nhạy bén lắm, khôn khéo lắm và tài giỏi lắm Bác mới ký Hiệp định Sơ bộ 6-3. Cho nên trong giờ phút lịch sử ấy, quyết định của Bác thật là vô cùng quan trọng. Nhờ có ký Hiệp định Sơ bộ 6-3; Pháp mới chập chững ở Nam Bộ trong một thời gian. Chúng ta cần nhớ rằng, khi ấy ở Nam Bộ, chúng ta vừa cướp được chính quyền ngày 25 tháng 8 thì ngày 23 tháng 9 Pháp đã gây hấn rồi. Nó đưa hàng vạn quân vào đánh ta ngay. Ban đầu chúng cũng làm cho ta gay go chứ? Nhưng Hiệp định Sơ bộ 6-3 đã khiến nó chập chững và tạo điều kiện cho chúng ta củng cố lại lực lượng ở trong đó và ở ngoài này để chúng ta có thời gian chuẩn bị thêm. Những Hiệp định như thế làm ta một mặt thoát khỏi tình trạng một lúc phải đương đầu với hai kẻ thù, mặt khác lại có thời gian củng cố lực lượng để kháng chiến. Đó là những Hiệp định vô cùng sáng suốt và hoàn toàn đúng đắn. Thời gian này, Bác, anh Trường Chinh cũng như các đồng chí Trung ương không ai ảo tưởng với bọn Pháp cả. Có người hỏi về bài diễn văn công khai Bác đọc lúc mới ở Pháp về. Thực ra đó là để đối phó ngoại giao mà thôi. Vì trong diễn văn đó, Bác nhấn mạn một câu: "Nhất định chúng ta độc lập, nhất định chúng ta tự do", nghĩa là chúng ta bước vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Vì thế bài diễn văn khi Bác ở Pháp về tuy là lời kêu gọi đồng bào bình tĩnh và thực hiện những điều đã ký kết, nhưng đó chỉ là sách lược ngoại giao. Thật ra lúc đó chúng ta đã đi vào chuẩn bị kháng chiến. Và quả nhiên một tháng sau chỉ thị đó, Hội nghị Thường vụ Trung ương quyết định toàn quốc kháng chiến và Bác ra "lời kêu gọi". Không có lừng chừng, ảo tưởng gì trong giai đoạn này cả. Nếu lừng chừng, ảo tưởng thì đâu có chuẩn bị được như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #233 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:14 pm »


        Tôi cho thời kỳ này là thời kỳ khó khăn, ngàn cân treo sợi tóc. Tôi có thể nói đứng về mặt chính trị và ngoại giao, từ ngày chúng ta giành chính quyền cho đến khi ta giải phóng hoàn toàn miền Nam thì đây là thời kỳ khó khăn nhất, về mặt chính trì, ngoại giao chứ không phải về mặt quân sự. Thời kỳ ấy phải đối phó với nhiều mâu thuẫn phức tạp và rất nhiều cái ngoắt ngoéo quanh co. Chứ còn bắt đầu chống Pháp đến Điện Biên Phủ thì vấn đề chính trị, ngoại giao không có khó khăn gì nhiều như thời kỳ đó. Sau chống Pháp đến chống Mỹ củng vậy, về mặt chính trị, ngoại giao không có gì phức tạp, tuy rằng về quân sự thì rất gay go, rất ác liệt và cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Pa-ri kéo dài 5 năm rất căng thẳng. Có thể nói rằng: Bác là người đi nước ngoài nhiều, Bác hiểu Tàu, Bác lại hiểu Pháp, Bác mới có những sách lược và ngoại giao rất tài giỏi, rất đúng lúc như thế. Phải nói rằng lúc ấy chúng ta mới có chính quyền chỉ trên một năm. Nếu không có sách lược đúng đắn lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tàu Tưởng thì không có thời gian để mà đối phó với tình hình đói rét, để phát động được phong trào, để xây dựng cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị kháng chiến, thì làm sao chúng ta đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp một cách chủ động như thế được. Điều kiện tạo ra những sự kiện lịch sử đó là rất khách quan. Nhờ có Bác, anh Trường Chinh và Trung ương nắm chắc tình thế để điều hành, chúng ta mới có được những thắng lợi như vậy.

        Bản thân tôi lúc đó vừa hoạt động bí mật ra, cũng chỉ có thể am hiểu những việc làm như công tác chinh trị, vận động quần chúng, xây dựng Đảng... còn những cái gọi là sách lược mềm mỏng đối ngoại như thế này, có thể nói cũng chưa hiểu được bao nhiêu. Ngay anh Trường Chinh dạo đó trình độ giỏi hơn chúng tôi, nhưng cũng chưa thạo về đối sách ngoại giao khôn khéo như vậy. Đó là một sự thật. Bác ở Trung Quốc lâu, hiểu bọn Tưởng nhiều, hiểu rất kỹ cả Tiêu Văn là đại diện của Tưởng vào giải giáp quân phiệt Nhật. Cho nên bao nhiêu biện pháp để đối phó với nó chủ yếu do Bác nghĩ, Bác làm. Đến ngay như việc giải tán Đảng lúc đầu có phải ai cũng đồng ý cả đâu. Hay như Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9 cũng vậy có những ý kiến chưa nhất trí với Bác. Nhưng thấy Bác đã quyết vì hoàn toàn tin vào Bác mà chấp hành một cách nghiêm túc. Nhờ thế mới thắng được trong tình hình rất phức tạp gay go. Cho nên nếu các đồng chí nghiên cứu lịch sử mà không thấy hoàn cảnh lịch sử như vậy, không thể hiểu được đâu. Thực tiễn là như vậy.

        Đúng là trong vòng 30 năm từ ngày Cách mạng Tháng Tám đến khi giải phóng miền Nam, thì thời kỳ Tổng khởi nghĩa đến Toàn quốc kháng chiến là thời kỳ về mặt chính trị, ngoại giao là khó khăn, phức tạp nhất. Cho nên tôi mới nói trong các cuộc hội nghị ngoại giao thì Phông-ten-nơ-blô là khó khăn hơn Giơ-ne-vơ và Pa-ri là như vậy. Hội nghị Pa-ri găng thì găng thật, căng thẳng ghê gớm thật, nhưng không có áp lực của địch đối với mình ngay trên đất của nó. Hơn nữa chúng ta đang ở trên đà thắng lợi và được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và của phong trào tiến bộ rộng rãi trên thế giới, kể cả của nhân dân Mỹ. Lúc còn tiến hành Hội nghị Giơ-ne-vơ, ta đương ở thế thắng Điện Biên Phủ, tình hình thế giới cũng đang thuận lợi cho ta: Trung Quốc giải phóng đã hình thành phe xã hội chủ nghĩa; thắng lợi ở Điện Biên Phủ ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc. Còn với Hiệp định 6-3 và Phông-ten-nơ-blô thì ta ở cái thế vừa có Tàu Tưởng, vừa có Quốc dân đảng, vừa có Pháp. Phải đối phó với hai, ba kẻ thù cùng một lúc, tuy phong trào quần chúng lúc đó đang có khí thế, nhưng chính quyền còn non trẻ, quân đội mới tập hợp từ du kích lại, chưa có bao nhiêu, lực lượng Đảng còn yếu. Mặt khác, lại phải tổ chức các đội Nam tiến chi viện cho miền Nam đánh giặc. Tình hình quốc tế cũng chưa có thuận lợi cho ta như ở Giơ-ne-vơ và Pa-ri, ta còn bị bao vây và cô lập. Tình hình lúc ấy căng thẳng như thế đó. Cho nên, tôi nghĩ rằng các đồng chí cần nghiên cứu sâu hơn và phải làm cho rõ hơn thời kỳ 16 tháng nắm chính quyền ban đầu của Đảng ta. Đó là thời kỳ lịch sử gay go, khó khăn, thử thách nhất về mặt chính trị, ngoại giao. Nhưng Đảng và Bác Hồ đã giải quyết một cách thật sáng suốt.

        Tóm lại, kể từ Hiệp định Sơ bộ 6-3 cho đến Tạm ước 14-9, tuy rằng ta nhượng bộ đến như thế đấy nhưng cũng là lúc địch nó đẩy ta đến chân tường rồi. Không đánh không được nữa, chỉ còn một cách là đánh thôi. Cho nên trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ mới nói: "Chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới". Phải vùng dậy mà đánh thôi. Ngày nay, chúng ta phải phân tích cho thật sâu thật kỹ về tình hình chiến lược, sách lược lúc đó...
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:14:54 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #234 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:25 pm »


        Về tình hình sau chiến thắng Điện biên phủ và hiệp định Giơ-ne-vơ

        Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, ta và Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Việc ký kết này là tất yếu thôi. Nhưng về phần ta giành được ở Hiệp nghị này thì hiện vẫn còn một số anh em đặt ra những câu hỏi. Có người cho rằng ta dừng ở Vĩ tuyến 17 có thể là chưa phản ánh đúng lực lượng so sánh trên chiến trường lúc ấy chăng? Liệu ta tiếp tục đánh dấn lên trong một thời gian nữa thì có thể giành thắng lợi hoàn toàn được không? Tôi cho rằng: nếu chúng ta kiên trì đàm phán, kéo dài hơn và có kinh nghiệm hơn thì cũng có khả năng chúng ta giành thắng lợi nhiều hơn, không loại trừ có thể đạt tới Vĩ tuyến 13 chẳng hạn. Đó cũng là một khả năng, bởi vì lúc ấy nếu chúng ta kéo dài cuộc đàm phán sau khi chúng ta đánh thắng Điện Biên Phủ, rồi đem lực lượng đánh sâu xuống dưới, không ngại gì Mỹ can thiệp vào, thì ta có thể giành thắng lợi hơn nữa. Thế nhưng lại có anh em còn đặt ra câu hỏi khác là: liệu ta nhân đà chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh luôn một thời gian nữa, không vội ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ thì đã có thể giải phóng toàn quốc rồi không. Tôi cho rằng không hẳn đã là như vậy. Vì cuộc chiến tranh nào cũng vậy, tình hình nào cũng vậy, ta phải phân tích mặt khách quan, mặt chủ quan của nó. Về mặt chủ quan, chúng ta lúc bấy giờ có những vùng tự do khá lớn như Việt Bắc, Thanh-Nghệ-Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và có cả những vùng khá lởn ở miền Nam; đồng thời lại có vùng mới giải phóng cũng khá rộng. Lúc đó nếu chúng ta xây dựng thêm lực lượng để đánh thêm một thời gian nữa thì về điều kiện chủ quan, chúng ta có khả năng đánh như vậy. Nhưng chúng ta còn phải tính đến tình hình khách quan lúc đó. Tình hình quốc tế lúc đó có những mặt làm ta phải suy nghi. Lúc ấy Mỹ đứng về phía Pháp, giúp Pháp rất nhiều. Khi ấy Pháp thua, vì đang rất sợ con bài "Đô-mi-nô" đổ, Mỹ đã càng can thiệp sâu vào Đông Dương, tìm cách thay chân Pháp, giữ con bài "Đô-mi-nô" khỏi đổ. Đến trước năm 1975 chúng nó cũng rất lo con bài "Đô-mi-nô" đổ. Sau này, Việt Nam thắng rồi, không thấy con bài "Đô-mi-nô" đổ, nó mới bàn với nhau là cách mạng mỗi nước có một vẻ, nước nào có phong trào thì mới nổi dậy được, đâu có phải dễ đổ theo kiểu "Đô-mi-nô"' Nhưng lúc bấy giờ nó sợ "Đô-mi-nô" thật. Nhất là bấy giờ Trung Quốc đã thắng lợi, phong trào cách mạng thế giới đã hình thành một thế mạnh và vững chắc. Cho nên Mỹ doạ can thiệp, dọa ném bom nguyên tử. Chúng hung hăng lắm vì tự xem mình là kẻ chiến thắng ở Triều Tiên. Ta cũng chưa hiểu khả năng của Mỹ can thiệp như thế nào và chưa tính được hết. Không thể loại trừ khả năng Mỹ can thiệp vào vì nó rất sợ để mất Đông Dương thì sẽ mất cả Đông Nam Á. Điều này về sau càng rõ... Cho nên sau Giơ-ne-vơ, Mỹ bèn lập ra khối SEATO. Sau khi đánh Triều Tiên, nó hung hăng lắm, vì nó biết Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chưa trị được nó. Xem như vậy thì cũng có thể lúc bấy giờ Mỹ can thiệp vào Việt Nam và thay chân Pháp. Nếu mà chúng ta đánh dồn dập thì không loại trừ khả năng Mỹ nhảy vào chia cắt và giữ ít nhất nếu không phải cả miền Nam thì cũng là B (Đông Nam Bộ). Cũng cần phải thấy thực tế lúc đó lực lượng quân sự của mình ở Nam Bộ còn yếu. Tuy gọi là quân chủ lực đấy, nhưng thực ra chỉ có mấy tiểu đoàn (như Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 338). Còn phần lớn là du kích cả. Trong tình hình ấy nó can thiệp vào thì cuộc chiến tranh sẽ kéo dài nhiều năm dù rằng cuối cùng chúng ta cũng thắng thôi.

        Còn một thực tế khách quan nữa là trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng lúc ấy, sự giúp đỡ quốc tế là vô cùng quan trọng. Lúc ấy Trung Quốc mới giải phóng, từ năm 1949 đến năm 1954, mới được 6 năm, trong đó, họ lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, viện Triều mất 3 năm, tổn thất cũng lớn nên họ lo xây dựng mất nước sau nhiều năm chiến tranh. Đó là chưa kể đến họ còn nghĩ đến lợi ích dân tộc và có thể cho rằng: một nửa nước Việt Nam giải phóng cũng đã đủ để làm hàng rào bảo vệ sườn phía Nam của họ. Giúp ta giải phóng tiếp thì họ không tranh thủ được thời gian xây dựng đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh. Nếu để Mỹ can thiệp vào thì họ phải dính líu thêm vào, phải đụng đầu với Mỹ, họ sẽ có khó khăn và trái với lợi ích của họ. Còn Liên Xô lúc ấy, thực tế cũng mới qua thảm họa phát-xít hơn 8, 9 năm, đất nước đang còn đầy rẫy khó khăn cũng cần phải có thời gian củng cố xây dựng. Chúng ta phải hiểu chủ nghĩa quốc tế vô sản là kết hợp hai mặt lợi ích của quốc tế và lợi ích dân tộc, không thể chỉ nghĩ về mình được. Hoàn cảnh riêng của anh em lúc ấy còn có những khó khăn như vậy, chả lẽ mình cứ đòi hỏi anh em vì mình mãi sao? Không thể không quan tâm đến lợi ích của Liên Xô, Trung Quốc lúc bấy giờ, thành thử nếu nhờ anh em giúp đỡ để đánh nữa thì có những cái khó khăn khách quan của nó. Và thật sự là Liên Xô và Trung Quốc lúc đó không thể giúp ta đánh nữa. Cho nên đều chủ trương ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #235 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:16:02 pm »


        Trong kháng chiến chống Mỹ vừa qua cũng thế thôi. Nếu chúng ta không khéo đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế thì chúng ta cũng không thể thắng được, không thể nào thắng to như thế được.

        Tôi xem các kết luận tổng kết của các anh thì thấy các anh nói chưa đầy đủ phần quốc tế giúp đỡ ta. Nên nhớ rằng phần này quan trọng ở chỗ tình hình quốc tế lúc bấy giờ rất phức tạp. Nếu chúng ta không khéo đoàn kết, tranh thủ được tất cả sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của phong trào cách mạng thế giới thì trong chống Pháp và cả trong chống Mỹ, chúng ta không thể thắng to như thế được. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quyết định thắng lợi. Cho nên trong chống Pháp không có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em giúp mà mình cứ đánh thì đánh sao được? Trong tình hình khách quan lúc đó, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ là đúng. Nếu không phân tích tình hình thực tế của quốc tế và của chúng ta khi ấy, nếu chỉ nhìn vào chúng ta mà thôi thì chưa đủ. Phân tích cho ra những yếu tố chủ quan, khách quan như thế chúng ta thới thấy được không có cách gì khác, chúng ta phải chủ trương như vậy. Cũng có khả năng là nếu lúc bấy giờ chúng ta uyển chuyển hơn ngồi vào bàn đàm phán rồi nhưng cứ đánh thêm ít lâu nữa thì có thể chiếm thêm được ít vĩ tuyến nữa, mà không chỉ dừng lại ở Vĩ tuyến 17. Nhưng hy vọng không ký Hiệp định Giơ-ne-vơ mà cứ đánh tiếp một thời gian nữa để giải phóng cả nước lúc bấy giờ là không thực tế.

        Tình hình lúc đó như vậy, quan hệ Việt - Xô - Trung như anh em một nhà chúng ta không thể nào mà làm trái lại với lợi ích của Liên Xô, Trung Quốc. Lúc đó, chúng ta không thể giải quyết tiếp tục chiến tranh như ý muốn chủ quan của chúng ta được, mà phải tính đến lợi ích của Liên Xô, Trung Quốc, đến tình hình khách quan như trên đã nói.

        Từ nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng đến Chiến tranh Cục bộ

        Theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, thì sau 2 năm phải tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc. Lúc đó có nhiều anh em tin như vậy và phải nói trong chúng ta cũng có phần nào còn nhận thức mơ hồ, cho nên khi đi tập kết, có nhiều anh em đã giơ hai ngón tay hò hẹn ngày trở về.

        Trong lúc đó, ở miền Nam, Trung ương Cục có nhận định thêm, cho rằng sẽ có hai khả năng. Một là, địch sẽ thi hành Hiệp định, sẽ có tổng tuyển cử. Hai là, chúng sẽ xé Hiệp định và chiếm lấy miền Nam. Khi đồng chí Lê Duẩn ở miền Bắc vào (sau Hiệp định Giơ-ne-vơ), chúng tôi có trao đổi ý kiến. Đồng chí Lê Duẩn hoàn toàn nhất trí với nhận định của Trung ương Cục về hai khả năng và cũng nhất trí với chúng tôi cho rằng phải chuẩn bị cho khả năng xấu nhất. Vì vậy, đồng chí và Trung ương Cục đã quyết định phải để phần lớn cán bộ và vũ khí lại.

        Được sự phân công của Trung ương Cục, tôi phổ biến Nghị quyết của Trung ương và Trung ương Cục về việc thành lập Xứ ủy Nam Bộ, sắp xếp lại bộ máy tổ chức và bố trí cán bộ cho phù hợp với tình hình, chủ trương mới. Đại đa số cán bộ trung cao cấp dân - chính - đảng và một số cán bộ quân sự trung cao đều ở lại.

        Trước khi ra miền Bắc, tôi bàn với đồng chí Lê Duẩn là sẽ đưa thêm một vài đại đội có đầy đủ vũ khí tốt vào vì số súng ống để lại không tốt lắm. Ra đến Đồ Sơn, tôi bàn với anh em tổ chức và trang bị cho một đại đội để đưa trở lại làm lực lượng bảo vệ căn cứ địa của Xứ ủy.

        Ở Khu 5, tình hình có khác Nam Bộ. Lúc đó, Khu ủy và các cấp ủy hầu hết đều đi tập kết, đến cấp xã nhiều người cũng không ở lại. Súng ống, đạn dược đều mang đi. Tình hình lúc đó có nhiều khó khăn. Sau một thời gian, Bộ Chính trị có quyết định thành lập lại Khu ủy và đưa các đồng chí Khu ủy và một số cán bộ và vũ khí nhẹ trở lại Khu 5. Đến khi có Nghị quyết 15 thì đại bộ phận cán bộ trung cao cấp của Khu 5 trở lại chiến trường và đưa vũ khí vào.

        Như vậy, sau khi ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, chúng ta phải thành thật nhận rằng lúc đầu đã có phần ảo tưởng, cho rằng địch sẽ thi hành Hiệp nghị, nên đã chú trọng về đấu tranh chính trị. Tuy nhiên phải thấy rằng nhận thức cho đúng tình hình lúc này không phải là dễ. Trong một cuộc hội nghị cán bộ để phổ biến nghị quyết của Trung ương sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, khi tôi thay mặt Trung ương Cục nói là sẽ có hai khả năng và chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với khả năng xấu nhất, thì có đồng chí cán bộ cao cấp trong quân đội cho rằng tôi đã nhận định trái với Nghị quyết của Trung ương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #236 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:10 pm »


        Tôi phải giải thích cho rõ: đành rằng Trung ương không nói hai khả năng như thế, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cả hai khả năng và sẵn sàng đối phó với khả năng xấu nhất. Lý lẽ của Trung ương Cục lúc đó là tình hình và kinh nghiệm của Triều Tiên đã cho chúng ta thấy rằng mặc dù đã có Hiệp định chia Nam - Bắc song sau đó chiến tranh vẫn nổ ra. Vì thế chúng ta phải chuẩn bị và phân bố lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp với tình thế mới để đề phòng khả năng xấu nhất. Như vậy, cũng không có gì trái ngược với Nghị quyết của Trung ương. Vì vậy theo chỉ thị của Trung ương Đảng, chúng ta đã thành lập Xứ ủy thay cho Trung ương Cục. Các đồng chí Xứ ủy ở lại trực tiếp chỉ đạo trong Nam. Anh Ba lúc đó ở lại làm Bí thư Xứ ủy.

        Trong những năm 1954-1956, cũng có một số đồng chí nhận định được âm mưu xảo quyệt của địch, nhưng cũng có những đồng chí chưa thấy ngay được. Phải trải qua thực tiễn một thời gian để quần chúng nhận biết được sự lật lọng của địch, phải có thời gian chín muồi mới phát động được quần chúng. Vì thế nên lúc đó ta có súng đạn nhưng cũng chỉ để làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị và bảo vệ căn cứ, sẵn sàng đối phó với địch nếu chúng khủng bố. Tuy thế cũng không phải là dễ. Ví như ở Khu 5 có nơi anh em chạy lên rừng, tuy có vũ khí trong tay, mà những ngày đầu gặp địch khủng bố, anh em đề nghị cho đánh vẫn chưa được chấp nhận.

        Trải qua đấu tranh, thấy địch xé bỏ Hiệp định, cán bộ và quần chúng đã có thực tiễn, lập tức chúng ta phát động đấu tranh là đúng. Hai năm đấu tranh hiệp thương đã diễn ra như thế. Có điều, đáng lẽ ra, chúng ta cần phải chuẩn bị cho khả năng thứ hai - tức là khả năng xấu nhất sớm hơn.

        Đến những năm 1957, 1958, khi chính quyền Diệm đã dẹp xong giáo phái thân Pháp rồi, chúng bắt đầu khủng bố rất dữ. Lúc đó, anh em ở miền Nam mới thấy rõ là không thể sống nổi dưới chế độ Diệm. Ngô Đình Diệm tàn bạo hết sức, chúng lê máy chém khắp nơi. Vì thế có những cuộc nổi dậy mà ta gọi là "Đồng khởi" cũng nổ ra những cuộc vũ tráng đánh đồn bốt địch ở Khu 7, ở miền Đông Nam Bộ và giành được một số thắng lợi.

        Có đồng chí hỏi là vì sao, tình hình ở miền Nam trong những năm 1957, 1958 đã khác những năm 1954-1956 mà mãi đến năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương mới ra được? Nghị quyết ra như thế có dúng với tình hình thực tiễn lúc đó không? Có phải là muộn không? Có tác dụng gì không? Nhìn lại giai đoạn này chúng ta sẽ thấy thực tế là lúc đó Trung ương ở xa miền Nam. Bác và nhiều đồng chí Trung ương chưa ở miền Nam. Tôi và một vài đồng chí tuy đã ở miền Nam nhưng do chưa nắm đầy đủ tình hình nên những ý kiến nêu ra chưa được đầy đủ. Phải chờ đồng chí Lê Duẩn - người trực tiếp phụ trách miền Nam, nắm được tình hình mọi mặt trong đó ra báo cáo, Bộ Chính trị và Trung ương mới có được Nghị quyết 15 vào năm 1959. Khi thảo luận đề ra Nghị quyết 15, trong Hội nghị Trung ương cũng có hai ý kiến: Một là, phải xây dựng căn cứ và phát động chiến tranh du kích. Hai là, hãy vũ trang tuyên truyền, xây dựng căn cứ đã.

        Song, trên thực tế khi Nghị quyết 15 ra đời thì cũng là lúc miền Nam đã có những cuộc nổi dậy và đã có những trận đánh rồi. Thế nhưng dù là chậm và chưa đầy đủ, song với sự phát triển của tình hình, Nghị quyết 15 vẫn có những tác dụng rất quan trọng. Nhờ có Nghị quyết đó, miền Nam đã nhất tề đứng dậy, anh em ta như có cái gậy để nắm lấy, xông vào cuộc đấu tranh vũ trang. Trung ương đã cho đấu tranh vũ trang thì phải đánh, không có cách nào khác. Cho nên, không thể nói là Nghị quyết 15 không đúng và không có tác dụng gì như một số anh em nói.

        Sau Nghị quyết 15, vào năm 1960 để đối phó với chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam, chúng ta lại có một cuộc thảo luận giữa hai ý kiến. Có ý kiến cho rằng: đây là lúc chúng ta cần xây dựng bộ đội chủ lực ngay, áp sát vào Sài Gòn để thực hiện ý định chiến lược lâu dài thắng địch trong "chiến tranh đặc biệt". Ngược lại, có ý kiến cho rằng: lúc này cơ sở Đảng và quần chúng của ta còn yếu, lực lượng du kích mới bắt đầu phát triển, phải có thời gian mới có thể xây dựng được bộ đội tập trung. Và nếu như chỉ với lực lượng ở miền Nam và sự chi viện cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc thì cũng khó mà thắng được "chiến tranh đặc biệt". Vì chưa hiểu nhau nên anh em đã thảo luận rất găng. Về sau, khi đã hiểu nhau, chúng ta đã nhất trì là phải từng bước mới có thể xây dựng được lực lượng đánh cả ba vùng chiến lược và phải từng bước mới có thể xây dựng được lực lượng tập trung lớn để thực hiện ý đồ chiến lược là: thắng Mỹ trong "Chiến tranh Đặc biệt", và đồng thời đề phòng "Chiến tranh Cục bộ" như Nghị quyết của Trung ương sau này đã nói.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #237 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:24 pm »


        Một vấn đề nữa cần nói thêm là sau đó chúng ta đã bổ sung Nghị quyết 15, đưa thêm cán bộ, vũ khí vào miền Nam để thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang toàn diện theo như chủ trương chiến lược đã định.

        Trong vấn đề "Chiến tranh Đặc biệt" dạo đó, do chủ trương thắng Mỹ ngay trong "Chiến tranh Đặc biệt", trong chúng ta đã có một chủ trương không đúng cũng cần nhắc lại Đó là chủ trương cho rằng: hãy để miền Nam tự đánh thắng trong "Chiến tranh Đặc biệt" là chính. Còn miền Bắc chỉ ủng hộ, chiếu cố bằng cách giúp đỡ vũ khí, cán bộ mà thôi - chứ không đưa chủ lực vào.

        Chủ trương đó không đúng. Miền Bắc phải là hậu phương lớn để giúp đỡ, chi viện miền Nam mới đúng, chứ sao lại "chiếu cố miền Nam"? Sao lại hạn chế việc chống "Chiến tranh Đặc biệt" chỉ trong phạm vi miền Nam mà thôi?

        Sở dĩ có chủ trương không đúng như thế là vì chúng ta cho rằng nếu đưa quân ở miền Bắc vào đánh ở miền Nam thì Mỹ sẽ trực tiếp nhảy vào và chiến tranh sẽ lan ra miền Bắc. Thực tiễn đã không diễn ra như vậy, vì Mỹ đã rút kinh nghiệm ở Triều Tiên. Khi Mỹ nhảy vào Triều Tiên thì Trung Quốc trực tiếp đưa quân để chống Mỹ, viện Triều, và Mỹ đã thất bại. Cho nên khi Mỹ đã tăng cường vũ khí trang bị và đã đưa hàng vạn cố vấn Mỹ để xây dựng lực lượng cho chính quyền Diệm, thì tại sao ta lại chủ trương "chiếu cố miền Nam", hạn chế đưa đơn vị chủ lực vào chi viện để chiến tranh khỏi lan ra miền Bắc? Khi Mỹ đã giúp Diệm tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang lớn, đưa hàng vạn cố vấn Mỹ vào giúp thì ta cũng phải đưa quân vào, vừa xây dựng, vừa đánh chứ? Quả nhiên sau khi ta mới thắng ấp Bắc, Bình Giã, Mỹ đã thấy không thể thắng ta trong "Chiến tranh Đặc biệt", nên chúng đã chuyển sang "Chiến tranh Cục bộ". Tình hình thực tiễn diễn ra như vậy chứng tỏ rằng chủ trương thắng địch trong "Chiến tranh Đặc biệt" với lực lượng quân sự của miền Nam và chi viện về quân sự của miền Bắc là không thể thực hiện được. Nhận rõ tình hình, ta cũng kịp thời chuyển ngay từ chống chiến lược "Chiến tranh Đặc biệt" sang chống 'Chiến tranh Cục bộ". Năm 1963, Mỹ lật đổ Diệm. Vì sác chúng lại thay ngựa giữa dòng như thế Vì Diệm không muốn đưa quân Mỹ vào, chỉ muốn Mỹ giúp đỡ vũ khí và cố vấn thôi. Lật đổ Diệm thì Mỹ mới có thể chuyển sang “Chiến tranh Cục bộ" để đem quân can thiệp trắng trợn vào miền Nam.

        Trên thực tế, khi Mỹ chuyển sang "Chiến tranh Cục bộ", ta cũng đã kịp thời chuyển sang chủ trương chiến lược vừa xây dựng chủ lực phát triển, vừa đánh. Và chúng ta đã sớm nhận thức là phải chi viện lớn cho miền Nam không một chút lưỡng lự, không một chút hạn chế hay "chiếu cố" gì nữa.

        Có một vấn đề nữa mà anh em hỏi là: Nếu ta chủ trương đón thời cơ Diệm đổ, lại có chuẩn bị thì liệu có thể giành thắng lợi ngay vào năm 1963, nghĩa là có thể thắng Mỹ ngay trong "Chiến tranh Đặc biệt" không?

        Theo tôi, không thể được, vì có hai nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về phía chủ quan, lúc đó ta chưa có chuẩn bị gì và lực lượng của ta còn yếu, chưa đủ khả năng để làm việc đó; về phía khách quan, ta phải thấy hết được ý đồ chiến lược của Mỹ. Ai cũng rõ là sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, khi Pháp đi rồi thì Mỹ nắm ngay miền Nam như nắm một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của chúng. Vì xem là chiến lược như thế nên Mỹ đã đưa Diệm về sau khi đã diệt những tay sai của Pháp. Mỹ biết trong số Công giáo có một bộ phận rất phản động. Bọn này rất trung thành với chúng. Vì thế Mỹ hết dùng Diệm lại dùng Thiệu và ra sức xây dựng những lực lượng cho chúng ở miền Nam với những vũ khí, trang bị hiện đại của Mỹ. Với một ý đồ chiến lược như thế thì khi thấy không thể thắng được trong "Chiến tranh Đặc biệt", Mỹ lập tức chuyển sang "chiến tranh cục bộ". Điều đó chứng tỏ rằng khi Diệm đổ, điều kiện khách quan và chủ quan không cho phép ta chớp thời cơ mà giành thắng lợi trong "Chiến tranh Đặc biệt” được.

        Tóm lại, tình hình sau Hiệp định Giơ-ne-vơ rất phức tạp, không dễ gì nhanh chóng nắm bắt chính xác được thực tiễn - nhất là lúc đất nước đang còn bị chia cắt, Trung ương thì ở xa, Mỹ - Diệm điên cuồng tố cộng, diệt cộng, phong trào nhiều nơi bị tan rã. Vì thế việc chúng ta ra Nghị quyết 15 có chậm và chưa đầy đủ so với sự phát triển của thực tiễn đấu tranh ở miền Nam lúc ấy là điều dễ hiểu. Hoặc sau đó chúng ta hy vọng giải quyết hoàn tất nhiệm vụ cách mạng miền Nam ngay trong "Chiến tranh Đặc biệt" là có phần chủ quan, cũng là dễ hiểu thôi.

        Nhưng, vẫn phải thấy rằng điều quan trọng là chúng ta đã sớm nhận rõ tình hình, nên đã kịp thời chuyển hướng chiến lược từ chống "Chiến tranh Đặc biệt" sang chống "Chiến tranh Cục bộ", đẩy mạnh đấu tranh vũ trang làm cho Mỹ thấy rằng chiến lược "Chiến tranh Đặc biệt" của chúng có nguy cơ thất bại. Còn chúng ta, chúng ta đã sẵn sàng đón đánh Mỹ khi chúng chuyển sang "Chiến tranh Cục bộ", đưa cách mạng tiến lên những bước phát triển mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #238 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:18:29 pm »

 
        Mấy vấn đề về Tết Mậu Thân

        Thất bại trong "Chiến tranh Đặc biệt", buộc phải chuyển sang "chiến tranh cục bộ" trong mấy năm liền mà vẫn bị thiệt hại nặng trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô và ngày càng bị sa lầy, đế quốc Mỹ đã đưa cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên đỉnh cao. Mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ ngày càng trở nên gay gắt, trong năm bầu cử tổng thống. Phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam của nhân dân Mỹ ngày càng lên cao.

        Trước tình hình đó, ta chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược vào Tết Mậu Thân 1968 bằng phương pháp tổng công kích (TCK) và tổng khởi nghĩa (TKN), kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng ở các đô thị - nhất là Sài Gòn, nhằm đánh sập chính quyền ngụy, tiêu diệt bộ phận quân Mỹ, giành chính quyền về tay nhân dân; đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán để rút quân. Vì thế, nhân dịp ngày Tết Mậu Thân, ta lợi dụng lúc bất ngờ, mở cuộc tiến công vào các đô thị trên toàn miền Nam mà điểm chủ yếu là Sài Gòn.

        Ở Sài Gòn, ta dùng đặc công biệt động đánh vào một số cơ quan ở nội thành như Toà Đại sứ Mỹ và Đài phát thanh. Ở Huế, ta giành thắng lợi giữ được Thành nội trong gần một tháng. Ngoài ra, ta không đánh chiếm được bất kỳ một quận, huyện hay một thị trấn nào khác. Nhưng sau đó, địch tập trung lực lượng phản công. Mục tiêu (TCK, TKN) ở đô thị của ta không đạt được. Sau đó ta lại liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công nữa vào các thành phố, nhất là Sài Gòn, nhưng bị tổn thất nặng. Từ đó, những ý kiến khác nhau về chủ trương chiến lược của đợt tiến công Tết Mậu Thân được anh em đặt ra để tranh luận.

        Theo tôi, nhìn toàn cục thì cuộc TCK và TKN Tết Mậu Thân là một cuộc tiến công bất ngờ, táo bạo và rất dũng cảm; đã giành được thắng lợi lớn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải giải quyết cuộc chiến tranh bằng chính trị chứ không thể bằng quân sự được, nên đã bắt đầu phải ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri. Đó là bắt đầu một bước ngoặt cơ bản về mặt chiến lược trong cuộc "Chiến tranh Cục bộ" của Mỹ ở miền Nam. Tuy sau đó Mỹ còn tiếp tục leo thang mở các cuộc tiến công lớn vào những năm 1970, 1971; sang Campuchia và Đường 9 - Nam Lào, bị ta đánh cho thiệt hại nặng; nhưng đó chỉ là những cuộc tiến công để mà xuống thang chiến tranh. Đến năm 1972, ta mở cuộc tiến công và nổi dậy đánh chiếm được Thành Cổ Quảng Trị, giải phóng Lộc Ninh và đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng; đồng thời ở Lào chúng ta đã thắng lớn trong chiến dịch đánh ở Cánh Đồng Chum; buộc địch phải ký kết Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; đánh dấu sự thất bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh Cục bộ" của đế quốc Mỹ. Đó là một thắng lợi rất lớn của ta về mặt chiến lược; tương quan lực lượng giữa ta và địch ở chiến trường miền Nam đã thay đổi về cơ bản, tạo điều kiện rất thuận lợi cho ta giành toàn thắng trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, đánh thắng hoàn toàn chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ.

        Cuộc TCK và TKN Tết Mậu Thân là đỉnh cao của quá trình chống Mỹ - kể từ khi Mỹ đem quân vào miền Nam nước ta cho đến lúc phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy vậy cuộc Tổng tiến công đã mắc sai lầm là: chủ quan, đánh giá không đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, đánh giá quá cao về phong trào quần chúng nổi dậy và khởi nghĩa ở đô thị. Vì thế chúng ta đã đề chủ trương lấy TCK và TKN để giành chỉnh quyền toàn miền Nam. Mặt khác chúng ta đã xem TCK, TKN là một giai đoạn, một quá trình nhằm kết thúc chiến tranh nên đã nhằm vào đô thị, liên tiếp mở hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác, để bị tổn thất nhiều mà không đạt được mục tiêu đã định. Đến cuối năm 1968, khi lực lượng ta đã tổn thất nhiều, yếu tố bất ngờ không còn nửa, thế mà ta vẫn còn chủ quan sai lầm ra nghị quyết về TCK, TKN vào đô thị như hồi Tết Mậu Thân. Vì thế, địch đã tập trung lực lượng bình định ở nông thôn và đối phó với ta ở đô thị, gây cho ta khó khăn trong giai đoạn 1969, 1970.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #239 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:18:46 pm »


        Từ khi đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp vào miền Nam, chưa bao giờ chúng ta gặp nhiều khó khăn như 2 năm này: cơ sở ở nông bị tổn thất; phong trào quần chúng bị sa sút một bước, căn cứ bị thu hẹp ở nhiều nơi, chủ lực của ta bị tổn thất không còn chỗ đứng chân ở miền Nam, phải trú quân trên đất bạn.

        Nhưng sau đó, đế quốc Mỹ đã mắc sai lầm trong việc lật đổ Xihanúc, dựng lên chính quyền Lon non thân Mỹ và đem quân sang đánh Campuchia, hòng tiêu diệt chủ lực và cắt đứt đường tiếp tế chiến lược của ta trên đất bạn. Lợi dụng sai lầm chiến lược của Mỹ, chúng ta đã chủ động kịp thời xoay chuyển thế trận, phối hợp với lực lượng của bạn Campuchia, tiến công tiêu diệt địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, vừa tạo điều kiện cho cách mạng Campuchia tiến lên vừa lấy lại được chỗ đứng chân của chủ lực ta trên chiến trường liền Nam, hình thành thế trận ba nước Đông Dương cùng đánh giặc.

        Những vấn đề trên đây đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 21 phân tích một cách cụ thể... vấn đề như chủ trương TCK, TKN hay khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp" trong Tết Mậu Thân mà chúng ta đề ra khi ấy, đúng hay sai thế nào...

        Chúng ta đều biết rằng, trong các Nghị quyết của Đảng từ trước, phương hướng đi lên của cách mạng miền Nam để giành thắng lợi là: đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, vừa đánh, vừa đàm, giành thắng lợi từng phần rồi tiến tới TCK, TKN để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thế nhưng trong dịp Tết Mậu Thân, xét về tương quan lực lượng, liệu chúng ta đã có thể TCK, TKN ở các đô thị để giành chính quyền trong lúc đó hay chưa?

        Trước hết, tôi cho rằng chủ trương đánh một đòn chiến lược vào đầu Xuân 1968 là đúng và táo bạo. Song về chủ trương, chúng ta TCK, TKN để mong dứt điểm cuộc chiến tranh, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, là chủ quan. Bởi vì, về mặt quân sự, khi đó Mỹ vừa đưa lực lượng của chúng lên tới mức cao nhất: hơn 50 vạn quân Mỹ và chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, quân ngụy có hơn 1 triệu và ngày càng trang bị hiện đại; không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày một ác liệt nhưng bị ta đánh cho thiệt hại nặng. Trong khi đó ở miền Nam tuy ta đã xây dựng được một số đơn vị chủ lực, đã tiến hành chiến tranh nhân dân, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở cả ba vùng chiến lược... nhưng cũng chưa thể xem lực lượng quân sự của ta lúc ấy là đủ mạnh để mở một cuộc TCK, TKN ở các đô thị với mục đích như thế. Còn về mặt chính trị, trong phong trào quần chúng, tuy đã có những cuộc biểu tình đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn hay các cuộc đụng độ giữa các giáo phái, trong hàng ngũ địch, bọn ngụy quyền có những lục đục lăm le đảo chính lẫn nhau. Nhưng đó chỉ là những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng, những mâu thuẫn nội bộ giữa các giáo phái hoặc tay sai địch, chứ chưa phải là tiền đề của phong trào cách mạng của quần chúng sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa.

        Từ sự đánh giá tương quan lực lượng và phong trào quần chúng không đúng như thế mà ta lại còn đặt và lợi dụng yếu tố bất ngờ - lơ là của địch nhân dịp Tết để TCK, TKN nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Vì thế chúng ta đã chủ trương một kế hoạch là: vào dịp Tết dùng lực lượng quân sự kết hợp với nổi dậy khởi nghĩa, bất ngờ đánh vào các đô thị - đặc biệt là Sài Gòn, thì làm sao mà làm được.

        Trong đợt 1, do nắm được yếu tố bất ngờ, lúc đầu ta đã làm cho địch bàng hoàng, bối rối. Song sự thật, ngày ấy ở Sài Gòn, phần lớn lực lượng đánh trong thành phố là đặc công và biệt động, còn chủ lực chỉ có một số và cũng chỉ đánh được ở ven đô, nhưng đã bị thiệt hại nặng. Còn ở Huế, tuy chủ lực đã đánh vào thành phố, chiếm giữ được thành Nội gần một tháng, song lại cũng phải rút và bị thiệt hại nhiều. ở Khu 5, bộ đội chủ lực hành quân vào đến ven Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng khi thấy khó đánh vào được đã rút ra, và kịp thời chuyển hướng cách đánh cho thích hợp. Đáng lẽ sau đợt 1, ta phải biết ngừng và chuyển hướng hoạt động chiến đấu để chống địch bình định mới đúng; trái lại ta còn hên tiếp mở đợt 2, đợt 3. Và cuối năm còn ra nghị quyết tiếp tục TCK, TKN.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM