Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:32:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47308 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #220 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:57:43 pm »

 
        Hiện nay, Thư viện Trung ương quân đội tại Hà Nội cũng như nhiều thư viện trong nước ta đều có lưu trữ những hồi ký của cựu Toàn quyền Decoux, cựu Tổng tư lệnh quân đội Mordant, các tướng Pháp Alessandri, Sabattier và cả nhiều tờ báo hằng ngày xuất bản ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945 đều nói kỹ về sự kiện này. Tiếc rằng tác giả đã không tham khảo và tra cứu.

        Về việc đánh giá quân đội Nhật Bản

        Trang 66, tác giả viết: “ấn tượng và cảm tưởng đầu tiên của nhân dân Huế (với quân đội Nhật Bản) là một đội quân có tổ chức, có kỷ luật, không cướp của, giết người, không chọc ghẹo phụ nữ, ức hiếp dân". Trang 72, tác giả viết thêm: "Dù sao quân đội Nhật Hoàng cũng để lại trong lòng nhân đần Việt Nam những ấn tượng đẹp: có kỷ luật nghiêm minh, có tinh thần chiến đấu dũng cảm". Đến trang 73, tác giả đưa ra lời khuyên có tính kết luận: "Chúng ta phải thán phục và học tập tinh thần thượng võ, sự dũng cảm, dám hy sinh cả tính mệnh cho Tổ quốc của họ".

        Rõ ràng, đây là những ý nghĩ và nhận thức của riêng cá nhân tác giả, và có thể là của một số người gần gũi với tác giả nhưng tuyệt đồi không vì thế mà viết, đây là “ấn tượng và cảm tưởng" của "nhân dân Huế", "nhân dân Việt Nam", thậm chí còn gộp cả mọi người trong danh tử "chúng ta". Bởi vì:

        - Ngay từ năm 1937, trước khi Nhật Bản tiến quân vào Đông Dương, đã có nhiều người Trung Hoa từ Thượng Hải, Quảng Châu, Nam Kinh chạy sang Hà Nội, Hải Phòng... lánh nạn, kể lại nhiều tội ác dã man của đạo quân Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Báo chí hằng ngày ở Việt Nam đều có tường thuật, bình luận, đưa tin, đăng ảnh. Vì vậy, "ấn tượng và cảm tưởng đầu tiên" của nhân dân ta với quân đội phát-xít Nhật Bản là sự căm ghét chứ không phải "có ấn tượng đẹp" như tác giả suy diễn.

        - Sát ngày Nhật Bản tiến quân vào Đông Dương và trong những ngày Nhật Bản chiếm đóng nước ta, từ tờ báo Việt Lập đến Cứu Quốc, Cờ giải phóng của Đảng đều vạch rõ chân tướng, bản chất của quân đội Nhật Bản. Dù những tờ báo này lưu hành bí mật, nhưng vẫn được tuyên truyền trong nhân dân, kể cả trong giới học sinh, sinh viên. Chính vì vậy, sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, Đảng phát động "cao trào kháng Nhật cứu nước", đã được sự hưởng ứng rộng rãi, nhiệt liệt của nhân dân. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa, ở các thành thị đều có rất nhiều học sinh, sinh viên tham gia, không mấy ai "thán phục", khiếp sợ, đánh giá cao quân đội Nhật Bản như tác giả viết.

        - Trong Thư viện Trung ương quân đội, bên cạnh nhiều văn kiện, sách, báo của Đảng ta viết về quân đội Nhật Bản, còn có nhiều cuốn sách của nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản viết về chính "quân đội của Thiên Hoàng" thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong phạm vi bài báo này, chỉ xin dẫn chứng một cuốn của Giáo sư sử học Nhật Bản Saburo Ienaga, xuất bản năm 1978, bản tiếng Anh nhan đề The Pacifc war, ký hiệu 355N/A10763 cũng có thể thấy và hiểu rõ thế nào là "tinh thần thượng võ" và "tinh thần hy sinh vì Tổ quốc" của quân đội Nhật thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, thông qua các văn bản, điều lệnh, huấn thị, phương pháp giáo dục tư tưởng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, do chính các nhà sử học Nhật Bản sưu tầm, phân tích, chứ không phải suy diễn theo cảm tính.

        Về những chiến công trên Đường số 4

        Nhiều người, nhất là các cựu chiến binh Việt Bắc, các cán bộ đã từng công tác tại cơ quan Bộ Tổng tư lệnh cũng như cơ quan Liên khu  (gồm mười tỉnh Việt Bắc và Trung du) đều nhớ rất rõ, sau khi thực dân Pháp bị thất bại trong trận tiến công lên Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, thì từ cuối năm 1948 - đầu năm 1949, ta tiến hành một loạt chiến dịch trên Đường số 4 và đến tháng 10 năm 1950, là chiến dịch lớn Cao - Bắc - Lạng, còn gọi là chiến dịch Biên Giới.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:09:31 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #221 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:01 pm »


        Trung đoàn 174, mà đồng chí Đặng Văn Việt được cử làm Trung đoàn trưởng hồi mới thành lập, là một trong những trung đoàn chủ lực có nhiều thành tích chiến đấu, ghi được nhiều chiến công. Tuy nhiên, bên cạnh Trung đoàn 174 còn có những trung đoàn khác, trong đó có cả Trung đoàn Quân Tiên phong, tiền thân của Đại đoàn chủ lực 308, từ năm 1949 cũng đã chiến đấu nhiều lần ở mặt trận Đường số 4. Đến chiến dịch Biên Giới, Đại đoàn chủ lực 308, trong đó có 3 trung đoàn 102, 88, 36 tiếp tục lập thêm nhiều chiến công to lớn, đã được ghi rõ trong các bản tổng kết chiến dịch cũng như trong sử sách.

        Tuy nhiên, trong Phần ba mươi hai, nhan đề 174 - Trung đoàn của tôi, tác giả viết: "... là đơn vị luôn là chủ công trong một số trận lớn có tính chất then chốt quyết định... Tiêu diệt 2 binh đoàn Le Page - Charton (trong chiến dịch Biên Giới 1950)... Tiêu diệt Đồi A (trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954), trận then chốt, quyết định De Castries phải treo cờ trắng, đầu hàng, kết thúc thắng lợi chiến dịch...".

        Viết như vậy, dễ làm cho người đọc, nhất là lớp trẻ và cả một số người bình thường, ít nghiên cứu lịch sừ quân sự, có thể hiểu nhầm là Trung đoàn 174 đã tiêu diệt 2 binh đoàn Le Page - Charton, trong khi trên thực tế, trực tiếp truy kích, vây đánh 2 cánh quân này là Đại đoàn 308, có Trung đoàn 209 phối hợp. Tác giả còn viết: "Hai binh đoàn Le Page - Charton, đã chiến đấu đến người cuối cùng" (trang 325) trong khi thực tế là trên đường bị truy đuổi, hơn một trăm binh sĩ của 2 cánh quân trên đã xin hàng, ngay cả các chiến sĩ cấp dưỡng của quân ta cũng bắt được nhiều lính Âu - Phi xin nộp vũ khí để đổi lấy "cơm nắm". Trong trận Cốc Xá, toàn bộ Ban chỉ huy của Le Page, rồi tiếp đó là Charton, đã xin hàng, nộp vũ khí cho Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.

        Lối viết trên của tác giả còn khiến cho một số người đọc, có thể hiểu nhầm là "chỉ có Trung đoàn 174 là đơn vị duy nhất tiến công, tiêu diệt Đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Trong khi trên thực tế, trận đánh gay go, quyết hệt, dài ngày này có nhiều đơn vị tham gia.

        Có thể khẳng định, không chỉ nhiều đơn vị bạn, mà ngay cả các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174, là một trung đoàn có nhiều chiến công, nhiều thành tích, cũng không tán thành lối viết "vơ vào” như "người lính già Đường số 4" đã viết trong hồi ức của mình.

        Vài lời đề nghị

        Từ nhiều năm nay, một loạt hồi ký, hồi ức, hồi tưởng và suy ngẫm... về đề tài chiến tranh cách mạng của nhiều tướng lĩnh và cán bộ các cấp trong quân đội ta đã lần lượt được xuất bản và được đông đảo người đọc hoan nghênh. Nhìn chung, đây là loại sách tốt, trong đó có nhiều cuốn hấp dẫn, bổ ích, có tác dụng giáo dục truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ. Hơn nữa, đây là những lời kể lại của các nhân chứng lịch sử, vì vậy có nhiều đóng góp quý báu cho các nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước. Có những cuốn sách của cấp chỉ huy rất cao trong quân đội, viết rất khiêm tốn, luôn nêu cao vai trò và sự chỉ đạo của Đảng, của Bác Hồ, sự đóng góp to lớn của nhân dân, công lao của tập thể, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được phẩm chất, tài trí của người chỉ huy và các nhà nghiên cứu tìm thấy trong trang sách nhiều tư liệu sống động chính xác.

        Tuy nhiên, cũng do có một số hồi ký được viết sau khi những sự kiện đã lùi vào dĩ vãng quá lâu, người viết cũng đã cao tuổi, thêm một số nguyên nhân chủ quan khác, nên đã có nhiều sự việc bị nhầm lẫn hoặc không chính xác. Hơn nữa, nếu kèm theo những tư liệu thiếu chính xác, người viết lại "suy ngẫm" thiếu thận trọng thì sẽ có kết quả xấu.

        Dù sao, hồi ký về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn luôn là một thể loại rất cần thiết, rất cần được cổ vũ, khuyến khích, phát huy, và nhất là cần được góp ý xây dựng để nâng cao hơn nữa, xứng với tầm vóc cách mạng và kháng chiến của toàn dân tộc .
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:09:56 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #222 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:38 pm »


ĐÔI ĐIỀU VỚI TÁC GIẢ SÁCH
QUAN HỆ VIỆT - Mỹ 1939-1945
1

LÊ KIM       

        Với 284 trang sách khổ 14,5 x 20,5cm, cuốn Quan hệ Việt Mỹ 1939-1945 của Tiến sĩ Phạm Thu Nga (PTN), Hội Giáo dục lịch sử, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2004, là một công trình nghiên cứu công phu, có nhiều tư liệu bổ ích. Nhưng rất đáng tiếc là trong công trình này có nhiều điểm cần "Sửa lại cho đúng - bàn thêm cho rõ". Trong phạm vi bài báo này, người góp ý (LK) chỉ xin tập trung vào một điểm: đó là quan hệ Việt - Mỹ, hoặc đúng hơn là quan hệ giữa Mặt trận Việt Minh - đứng đầu là Hồ Chí Minh với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) của Mỹ, từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1945. Đây là một vấn đề gần gũi, khá quen thuộc, nhiều tư liệu đã công bố, nhiều sách báo đã đề cập nhưng tiếc rằng tác giả PTN đã để xảy ra quá nhiều sai sót trong sưu tầm tư liệu, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu họ tên các nhân vật, thậm chí cả việc dịch thuật. Bên cạnh đó, việc giải thích, lập luận cũng có nhiều nội dung mà theo chúng tôi là cần phải đính chính.

        Trước hết, không rõ căn cứ vào đâu (vì không thấy ghi nguồn xuất xứ từ văn bản, tài liệu, sách báo nào hoặc theo lời kể của ai) mà tác giả cuốn sách đã đưa ra nhận định: chuyến đi của Hồ Chí Minh tới Trung Quốc lần thứ hai này đã "vượt xa những dự đoán ban đầu của Người" (Sđd, tr.123). Hơn thế nữa, tác giả Còn viết, qua những cuộc tiếp xúc với người Mỹ ở Côn Minh, Hồ Chí Minh đã nhận được từ người Mỹ ở Trung Quốc "những cái được vô giá".

        Quả là những nhận định quá táo bạo và có tính chất suy diễn.

        Bởi vì, muốn đánh giá đúng đắn, chính xác kết quả chuyến đi của Bác Hồ sang Trung Quốc hồi tháng 2 năm 1945 thì phải biết rõ mục đích chuyến đi này là gì để đối chiếu với kết quả đã gặt hái được. Về vấn đề này, tốt nhất, rõ nhất, cụ thể nhất là hỏi ngay những người Mỹ mà Bác Hồ đã tiếp xúc, đã trực tiếp đề ra những yêu cầu và phía Mỹ đã đáp ứng ra sao.

        Archimedes Patti hồi đó là Đại úy Trưởng phòng Đông Dương (Tháng 8-1945 được thăng cấp Thiếu tá; năm 1982 trở lại Việt Nam với cấp bậc Đại tá, đã nghỉ hưu) thuộc cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (Office of Stragic Service, viết tắt là OSS) đặt trụ sở tại côn Minh, là một quan chức Mỹ đã gặp gỡ và nói chuyện rất lâu với Bác Hồ. Trong cuốn hồi ký nhan đề Tại sao Việt Nam do nhà xuất bản Calìfornia ở Mỹ xuất bản năm 1980 (Năm 1995, Nxb Đà Nẵng đã dịch sang tiếng Việt), Patti đã tiết lộ rõ, mục đích chuyến đi này của Hồ Chí Minh là nhằm "tìm kiếm sự công nhận chính thức" của Mỹ đối với Mặt trận Việt Minh. Cụm từ "tìm kiếm sự công nhận chính thức" đã được in chữ đậm trong tiêu đề nhỏ của chương 6, nhan đề: "Người Mỹ phát hiện ra Hồ Chí Minh". Patti cũng đã kể lại khá tỉ mỉ cuộc đối thoại kéo dài nhiều giờ với Hồ Chí Minh tại một bản nhỏ gần biên giới Hoa Nam và ghi nhận: "Tôi biết, mục tiêu cuối cùng của ông Hồ (trong chuyến đi này) là giành được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp của nước Việt Nam tự do". Tuy nhiên, Patti cũng thừa nhận là, mặc dù bản thân cá nhân Patti cảm thấy có thể tin cậy ông Hồ như một Đồng minh chống Nhật Bản nhưng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhân vật trong Sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ ở Trung Quốc. Cuối cùng, cơ quan tình báo chiến lược Mỹ ở Côn Minh chỉ được phép "hợp tác với Việt Minh chống Nhật Bản" chứ không được chính thức công nhận Việt Minh. Cho mãi tới khi Việt Minh đã hoàn thành cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Patti lúc đó là Thiếu tá, Trưởng phái đoàn quân sự Mỹ ở Đông Dương, nhận được giấy mời chính thức của Hồ Chí Minh, lúc này đã là Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tới dự lễ mừng ngày tuyên bô độc lập nhưng Patti vẫn không dám đi với tư cách là một quan chức Mỹ (vì không được phép) mà chỉ mặc thường phục, cùng với các nhân viên khác trong nhóm OSS, đứng dưới lễ đài rồi la cà ở ngoài phố, quay phim, chụp ảnh.

        Rất rõ ràng, từ chuyến đi tiếp xúc với Trung tướng Claire Chennault là Tư lệnh lực lượng không quân số 14 của Mỹ và Đại úy Archimedes Patti là Trưởng phòng Đông Dương thuộc cơ quan tình báo chiến lược Mỹ ở Hoa Nam, cho tới khi lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được độc lập, Mặt trận Việt Minh vẫn chưa được Mỹ công nhận, dù ở cấp thấp nhất. Như vậy, căn cứ vào đâu mà tác giả PTN lại nhận định chuyến đi đó là "thu được thắng lợi lớn vượt xa nhưng dự đoán ban đầu” của Bác Hồ được?

--------------------
        1. (Tạp Chí LSQS số 8-2005)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #223 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:57 pm »


        Một điều cần lưu ý là, ngay trong cuốn sách này, tác giả cũng viết: "Trung tuần tháng 8 năm 1944, một số cán bộ Việt Minh đang hoạt động ở Trung Quốc đã gặp các sĩ quan Mỹ, nhờ chuyển thư tới Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh, yêu cầu giúp Việt Nam cùng Đồng minh chống Nhật. Nhưng viên Tổng lãnh sự Mỹ ở Côn Minh Landon đã không tích cực đáp lại" (tr.118). Đến trang 121, tác giả lại viết thêm. "Trong chuyến đi này, Hồ Chí Minh bày tỏ ý định của Việt Minh muốn hợp tác với Mỹ cùng chống Nhật và yêu cầu có một sự công nhận chính thức ở mức cao nhất (LK nhấn mạnh) của Mỹ đối với tổ chức cách mạng của Việt Nam. Nhưng vì chấp hành chỉ thị của Tổng thống Mỹ về việc không được phép quan hệ với bất cứ tổ chức kháng chiến nào ở Đông Dương trong thời gian này, nên những sĩ quan đó chưa thể quyết định được điều gì mà Người đề nghị".

        Thực tế phơi bày rành rành như vậy, thế mà tác giả vẫn cứ cho là Bác Hồ "đã nhận được từ người Mỹ ở Trung Quốc những cái được vô giá" (LK nhấn mạnh). Quả là không thể hiểu nổi, mặc dù sau đó tác giả có giải thích, nhưng vẫn thiếu tính thuyết phục. Ví dụ:

        - Tác giả viết, việc Bác Hồ tiếp xúc với người Mỹ ở Côn Minh đã (...) "hạn chế sự phá hoại của Quốc dân đảng Trung Hoa đang ráo riết chuẩn bị thực hiện kế hoạch "Hoa quân nhập Việt" sau chiến tranh" (tr.119).

        Như mọi người điều biết, sự phá hoại của Quốc dân đảng Trung Quốc đối với Việt Minh kéo dài từ khi Bác Hồ bị bắt giữ trong chuyến đi Trung Quốc năm 1942 và cho mãi đến tháng 10 năm 1945, khi Việt Nam đã giành được độc lập, đặc phái viên của Tưởng Giới Thạch là Hà Ứng Khâm khi tới Hà Nội còn mang theo chỉ thị mật "diệt Cộng, cầm Hồ", tức là "tiêu diệt Đảng Cộng sản, bắt giữ Hồ Chí Minh". Sở dĩ chúng không thực hiện được mưu đồ đó là do bản lĩnh và trí tuệ của chính Bác Hồ, sức mạnh của Mặt trận Việt Minh (có thực lực là cơ sở rộng khắp), sức mạnh của quảng đại nhân dân ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Bác Hồ, chứ đâu có phải vì được Mỹ che chở nên Quốc dân đảng Trung Quốc "sợ bóng sợ vía" Mỹ mà không thực hiện được các mưu đồ phá hoại của chúng đối với cách mạng Việt Nam!

        Dĩ nhiên, trong chuyến đi trên, Bác Hồ cũng gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong quan hệ với cơ quan tình báo chiến lược Mỹ ở Côn Minh, đứng đầu là Patti, được cơ quan này giúp đỡ súng đạn, thuốc men, điện đài, huấn luyện viên quân sự... Nhưng, trong đề mục này nếu tác giả PTN không có những đoạn viết nào cần "bàn thêm cho rõ" thì lại có nhiều chỗ cần "sửa lại cho đúng". Ở đây, cũng chỉ xin tạnh nêu vài dẫn chứng:

        Charles Fenn, viên sĩ quan Mỹ đầu tiên (trước cả Chennault và Patti), tiếp xúc với Bác Hồ tại Côn Minh nhưng sau đó đã không nhảy dù xuống Việt Bắc cùng đồng đội và mãi tới năm 1995 mới đặt chân tới Việt Nam lần đầu tiên sau khi Bác Hồ đã đi xa (Người viết bài này (LK) đã có dịp được gặp và trực tiếp hỏi chuyện Charles Fenn tại Hà Nội năm 1995, không chỉ được nghe mà còn được đọc một số hồi ký của Fenn). Theo tự thuật cũng như theo lời lẽ của Charles Fenn, thì người nhảy dù xuống Việt Bắc hồi đó, cũng là trung úy, nhưng tên là Phelan chứ không phải là Fenn. Trong cuốn "Quan hệ Việt - Mỹ 1939-1945", tác giả PTN đã có một sự nhầm lẫn là liên tục nhầm Fenn với Phelan (trong phần viết có liên quan).

        Cũng theo lời kể và cả các bài viết của Charles Fenn, thì Trung tướng không quân Claire Chennault gặp Bác Hồ ngay tại trụ sở Bộ Tư lệnh lực lượng không quân số 14, chứ không phải "tại quán cà phê Đông Dương của ông Tống Minh Phương" như tác giả đã viết trong trang 122. Charles Fenn kể lại rất tỉ mỉ, hôm gặp Hồ Chí Minh, tướng Chennault mặc quân phục đại lễ, ngực đeo đầy huân chương”. Dĩ nhiên, một vị tư lệnh oai vệ trong bộ đồ quân phục như thế này, không thể nào ngồi la cà trong một quán cà phê nhỏ của người Việt Nam giữa khu phố náo nhiệt, đầy bụi ở Côn Minh được. Người gặp ông Hồ ở quán cà phê này chính là trung úy Fenn, mặc thường phục, chứ không phải là Trung tướng Chennault!

        - Tác giả PTN còn viết: "Để tỏ lòng biết ơn việc làm đầy tính nhân đạo của Việt Minh (trong việc cứu phi công Mỹ), Tướng Chennault đã tặng Hồ Chí Minh một tấm ảnh cá nhân dưới có đề dòng chữ "Bạn chân thành của ông - C.Lai L.Chennault" (tr.122).

        Sự thật hoàn toàn không đúng như vậy. Bởi vì, Charles Fenn là một “nhân chứng lịch sử" có mặt trong buổi tiếp này, đã viết: “Khi đã kết thúc cuộc gặp, đúng lúc chia tay, lúc đó ông Hồ mới nói, có một lời đề nghị với tướng Chennault. Tất cả chúng tôi đều cau mày, lo ngại người mới được tiếp kiến này có một yêu sách gì không suôn sẻ đây. Nhưng ông Hồ đã mỉm cười và khẽ nói: "Tôi muốn có một tấm ảnh chân dung của tướng Chennault kèm theo chữ ký". Nét mặt Chennault đang rắn lạnh như tạc vào đá núi, bỗng sáng lên vì nụ cười rạng rỡ. Tướng quân lập tức cho gọi cô thư ký riêng, chỉ thị cho cô chọn một tấm ảnh chân dung rồi tự tay ký rõ cả họ tên cùng với câu "thân tặng" trao cho ông Hồ” (Xem Historia, số 436, tháng 3 năm 1983).

        Charles Fenn còn kể thêm, ông ta rất ngạc nhiên và khâm phục, không hiểu Bác Hồ đã "điều tra nghiên cứu như thế nào, tìm hiểu qua những người nào” để biết rõ tướng Chennault rất thích tặng ảnh chân dung nên đã đưa ra lời đề nghị này vào đúng lúc (khi đã kết thúc cuộc họp, chứ không phải lúc mới mở đầu câu chuyện). Hơn nữa, với tấm ảnh chân dung có ghi chữ "thân tặng" của tướng Chennault, ông Hồ còn có một "báu vật" thay cho giấy thông hành, để ông đi lại thoải thái trên đất Trung Hoa, không sợ bị bắt giữ như lần trước! (Xem Bác Hồ đấu trí với tình báo phương Tây, Nxb CAND. Hà Nội, 2004).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #224 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:42 pm »


        Rất rõ ràng, cần viết và phải viết như Charles Fenn mới nêu bật được bản lĩnh và trí tuệ của Bác Hồ. Còn nếu viết như PTN thì không những không đúng sự thật lịch sử mà còn mô tả Chennault như một viên tướng lịch sự, lịch thiệp và làm lu mờ hình ảnh Hồ Chí Minh.

        - Trong những trang 126, 127, 128, về quan hệ giữa Hồ Chí Minh với toán điệp viên Mỹ Con Nai nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc giúp Việt Minh đánh Nhật, tác giả PTN nêu lên một vài sự việc nhằm dẫn chứng, những sĩ quan tình báo Mỹ này vẫn không biết Hồ Chí Minh là Cộng sản, thậm chí "Phen cũng khẳng định chắc chắn rằng Hồ Chí Minh không phải là một cộng sản".

        Trước hết, cần nói ngay, tác giả nhầm lẫn Fenn với Phelan. Đây là Trung úy Phelan, chứ không phải là Trung úy Fenn (mà tác giả PTN phiên âm là Phen). Nội dung mà tác giả PTN nêu lên trong sách không đầy đủ. Toàn bộ sự việc là như thế này: Phelan được thay Fenn nhảy dù xuống căn cứ Việt Bắc nhằm xác minh xem Hồ Chí Minh có đúng là Cộng sản không? Sau một thời gian trực tiếp quan sát, tiếp xúc với Bác Hồ, Phelan điện về trung tâm: "Hồ Chí Minh chẳng cộng sản một tý tẹo nào". Trung tâm bác bỏ nhận xét này và cung cấp cho Phelan nhiều tài liệu chứng minh Hồ Chí Minh đúng là Cộng sản. Phelan lại điện về trung tâm: "Nếu Hồ Chí Minh là cộng sản, thì đúng là một người cộng sản đáng mến".

        - Trong trang 128, tác giả PTN nêu lên chính kiến của mình: "Phải chăng, thái độ nhân hậu, lịch thiệp của Hồ Chí Minh đã khiến người Mỹ có cái nhìn đầy thiện cảm đối với Người cũng như lực lượng kháng chiến của ta?" Cách "đặt vấn đề” như thế này theo chúng tôi là không khoa học.

        Theo tướng Trương Phát Khuê, trong những ngày quản thúc Bác Hồ tại Liễu Châu, cả Trương Phát Khuê lẫn Tiêu Văn đều biết rất rõ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc (Trong phạm vi bài báo này, chỉ có thể viết vắn tắt, xin mời đọc thêm bài Bản lĩnh và trí tuệ Hồ Chí Minh trong những lần đối mặt với mật vụ quốc tế, đăng trong Tạp chí Lịch sử quân sự số 161, tháng 5-2005). nhưng vẫn cứ trả lại tự do cho Bác Hồ để Người trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Nhật Bản, chuẩn bị cáo "Hoa quân nhập Việt", và "Trương Phát Khuê đã không hề hối tiếc về việc này". Nếu Trương Phát Khuê đã biết rất rõ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, thì cơ quan tình báo chiến lược Mỹ ở Côn Minh và nhất là Patti cũng biết.

        Tuy nhiên, trong những lần đối thoại với Trương Phát Khuê, rồi Patti, mặc dù biết Hồ Chí Minh đúng là Cộng sản, nhưng cả Quốc dân đảng Trung Quốc lẫn cơ quan tình báo chiến lược Mỹ đều biết thêm, ở Việt Nam lúc này chỉ có Mặt trận Việt Minh do Cộng sản làm nòng cốt là tổ chức duy nhất có thực lực, có cơ sở khắp đất nước, có vùng giải phóng bao gồm 6 tỉnh thượng du (theo điều tra của tình báo Mỹ). Muốn chiến thắng Nhật Bản, nhất thiết phải dựa vào Việt Minh của Hồ Chí Minh. Ngoài ra, không còn bất cứ một tổ chức nào có khả năng hợp tác với Mỹ chống Nhật Bản.

        Hơn nữa, từ năm 1941 - tức ngay sau khi trở về nước, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Trung ương VIII, ra nghị quyết đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, xoá bỏ vấn đề Liên bang Đông Dương, lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở công - nông liên minh, đẩy mạnh đấu tranh giành độc lập, xây dựng một nước Việt Nam mới... Bác Hồ đã trình bày cương lĩnh Mặt trận Việt Minh ngay trong buổi đầu tiên gặp Patti và đã hoàn toàn thuyết phục được Patti cũng như trước đó thuyết phục được Trương Phát Khuê, vì bản cương lĩnh này rõ ràng "không theo đường lối của Quốc tế cộng sản, không rập khuôn theo Nga Xô, chứng tỏ Đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh có đường lối sáng suốt", và Hồ Chí Minh rõ ràng không phải là "tay sai của Mátxcơva", như Patti và các cộng sự viên đã nhận xét, đã tranh luận với "những đầu óc thành kiến trong Sứ quán Mỹ tại Trùng Khánh". Tóm lại, dù đã biết rất rõ Hồ Chí Minh là Cộng sản nhưng cơ quan tình báo chiến lược Mỹ vẫn hợp tác và giúp đỡ Việt Minh, vì những lý do vừa trình bày trên, chứ không phải vì Hồ Chí Minh đã "khéo giữ bí mật, khéo chan hoà thân thiện với Mỹ" như tác giả PTN trình bày.

        - Trong phần họ tên, lai lịch một số nhân vật trong sách, tác giả PTN đã viết nhầm hoặc hiểu sai. Không phải là tướng C. Lai L. Chennault như tác giả viết, mà là Claire Chennault ~tr.222). Đến trang 225, tác giả lại viết: “Mỹ đã phái Frank Tan (người Mỹ gốc Hoa) và Maxim (người Trung Quốc) đi Việt Bắc”. Đúng ra, phải viết là Mac Shin chứ không phải là Maxim và chú giải "cũng là người Mỹ gốc Hoa như Frank Tan" chứ không phải là "người Trung Quốc".

        Đây không phải là những nhầm lẫn nhỏ, vụn vặt, mà chính là do tác giả đã không chịu khó dày công tìm kiếm các văn bản gốc (bằng tiếng Anh là ngôn ngữ hiện đang phổ cập và có lưu trữ trong các thư viện nước ta), mà ngược lại chỉ lướt nhanh qua các bản dịch tiếng Việt rồi đưa nguyên xi vào sách. Những tài liệu dịch sang tiếng Việt đã sai, công trình nghiên cứu của Tiến sĩ PTN dựa vào đó cũng sai nốt, và rồi những "công trình" tiếp theo - nếu vội vã tham khảo cuốn Quan hệ Việt - Mỹ 1939-1945 này - cũng lại tiếp nối thành một chuỗi sai dây chuyền. Không phải chỉ riêng cuốn sách này mà nhiều cuốn khác hiện đang lưu hành cũng cùng chung tình trạng như vậy.

        Chính vì lẽ đó nên người viết bài này mạnh dạn đề xuất một vài ý kiến xin được trao đổi cùng tác giả PTN.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #225 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:25 pm »

           
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỔNG KẾT CHIẾN TRANH VÀ BIÊN SOẠN LỊCH SỬ QUÂN SỰ1

LÊ ĐỨC THỌ        

        LTS: Thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tổng kết chiến tranh, biên soạn lịch sử quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã đề nghị nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng trong chỉ đạo chiến tranh, chỉ đạo chiến lược và những sự kiện lớn mà giới sử học và cả dư luận chung chưa thống nhất. Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 12 năm 1 (tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) và ngày 5 tháng 2 năm 1 (tại Văn phòng Trung ương Đảng), đồng chí Lê Đức Thọ lúc đó là Uỷ viên Bộ Chính tri, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trò truyện với một số cán bộ nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội về một số vấn đề nêu trên.

        Trước khi nói đến một số vấn đề về tổng kết chiến tranh và viết lịch sử quân sự theo yêu cầu nội dung mà các anh đề ra, đáng lẽ tôi phải đọc lại một số nghị quyết, tài liệu nhưng không có thời gian. Vì vậy tôi nhớ đến đâu, nói đến đó. Tất cả những sự kiện này tôi được may mắn tham gia cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị chỉ đạo kể từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay. Nhưng cũng chỉ nhớ lại sự việc để nói, cho nên tôi chưa thể nói được đầy đủ. Hơn nữa, đáng lẽ những vấn đề lớn như thế này phải có một hội nghị, ít nhất của Bộ Chính trị chứ chưa nói tới của Trung ương, để tổng kết từ Cách mạng Tháng Tám rồi đến thời chống Pháp, chống Mỹ. Đó là tổng kết về đường lối chính trị, đường lối quân sự, chứ chưa nói những vấn đề chiến dịch, chiến đấu mà anh em là những người trực tiếp nghiên cứu. Những vấn đề đó Bộ Chính trị chưa tổng kết, nên có thể có một số ý kiến còn khác nhau; chưa phải là thống nhất hết. Đây chỉ là ý kiến của tôi, không thể nói là ý kiến của Bộ Chính trị, hay là đại diện của bất kỳ đồng chí nào. Đây là ý kiến của tôi, suy nghĩ của tôi trong quá trình tham gia với Bộ Chính trị, từ Cách mạng Tháng Tám đến nay. Biết thế nào tôi nói như thế, có thể chưa đầy đủ và khó nói đúng được hoàn toàn. Có những vấn đề trước đây chưa thấy, bây giờ nhìn lại mới thấy rõ được. Việc ấy phải nhờ trí tuệ tập thể mới có đúng được, còn trí tuệ của từng người có thể có cái đúng, có thể có cái chưa đầy đủ. Các anh nên tập hợp ý kiến của các nơi, xin ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị. Theo suy nghĩ riêng, tôi cho đó là cách làm tốt.

        Đây là lần đầu tiên tôi phát biểu tương đối hệ thống với các anh về vấn đề này. Lần phát biểu với một số anh ở Viện Lịch sử Đảng cũng chưa đầy đủ. Lần này, tôi đi sâu vào những câu hỏi cụ thể của các anh.

        Một số quan điểm và phương pháp luận lịch sử

        Tôi mới xem bản dự thảo tổng kết các anh gửi cho, thấy các vấn đề các anh nêu ra rất đúng. Còn các vấn đề các anh thắc mắc, tôi thấy rất tốt. Nó chứng tỏ sự nghiên cứu sâu và thận trọng của các anh nên các anh đã đặt ra được những câu hỏi đi vào trọng tâm của những vấn đề cần giải đáp. Thực ra trong suốt quá trình cách mạng mấy chục năm qua, chúng ta làm được rất nhiều, đúng rất nhiều; đúng là chủ yếu mới dẫn đến thắng lợi của cuộc cách mạng như ngày nay. Nhưng chúng ta cũng có mấy cái sai lớn. Điều này cũng là dễ hiểu. Bởi vì mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, chuyển hướng, không dễ gì mà nắm bắt đúng ngay thực tiễn, lường trước được thực tiễn, những cái đúng, cái sai thường là bộc lộ ở những thời điểm này. Cho nên, nếu có sai lầm vấp váp cũng là khách quan, là khó tránh khỏi trong quá trình cách mạng, dĩ nhiên, phần chủ quan vẫn là chính. Chúng ta thừa nhận có những cái không đúng. Chúng ta nói đến sai lầm khuyết điểm chẳng qua chỉ để rút kinh nghiệm, để thấy mà sửa. Như thế là nghiêm khắc với mình, là trong sáng bình thường chứ không phải e ngại gì. Rồi đây, anh em nghiên cứu lịch sử sẽ căn cứ vào tài liệu, tài liệu của Trung ương, tài liệu sống, lại căn cứ vào thực tiễn tình hình lúc đó, tổng hợp lại để đối chiếu và phân tích thì tôi tin rằng ta cũng tìm ra được cái đúng, cái sai. Chúng ta phải làm như vậy để tìm ra kết luận. Tôi tin rằng có thể tìm ra được những kết luận đúng đắn.

-----------------
       1. (Tạp chí LSQS từ số 1 đến số 8-1988)
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:10:38 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #226 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:43 pm »


        Trước hết, tôi nói về những vấn đề các anh đã nêu lên mà theo tôi còn phải có những nhận định cho sát đúng hơn. Chẳng hạn có nghị quyết chúng ta đưa ra khác, nhưng trên thực tế lại diễn ra khác. Cũng dễ hiểu thôi, là vì nghị quyết đưa ra bao giờ cũng căn cứ vào tình hình chung và tổng hợp những kinh nghiệm rồi nêu ra những mục tiêu, phương hướng chỉ đạo giải quyết nhiệm vụ cụ thể. Nhưng có thể do ta không nắm bắt được đầy đủ những tình hình cụ thể, hơn nữa thực tiễn diễn biến rất khách quan, rất động, thành thử có những nghị quyết đưa ra lúc đầu đúng, nhưng khi thực hiện thì thực tiễn còn diễn biến mà ta phải kịp thời nhanh nhạy biết những thực tiễn đó để bổ sung cho nghị quyết. Cũng có khi không nắm bắt đúng được thực tiễn cho nên đề ra nghị quyết sai. Vậy cuối cùng thì ta vẫn phải lấy thực tiễn để tổng kết thành lý luận và đường lối. Thực tiễn quan trọng ở chỗ đó Thực tiễn chứng minh nghị quyết có đúng hay không. Điều này rất quan trọng. Phải nhận thức và làm như vậy chúng ta mới không ngại mỗi khi nói về những cái sai. Ví dụ, thời kỳ chống Pháp, nghị quyết về chiến lược quân sự có-nói chia ra "ba giai đoạn", nhưng trên thực tế, theo ý kiến tôi, thì diễn biến cũng không hoàn toàn đúng như vậy. Tại sao? Là vì lúc đầu ta chưa có thực tiễn, thậm chí chưa hiểu hết "phòng ngự”, "cầm cự", "tổng phản công” là thế nào. Lúc đó, đã mấy ai biết về quân sự mà đi vào nội dung, mà hình dung ra tết cả? Bấy giờ vừa Cách mạng Tháng Tám xong, lao ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đã hình dung nó thế nào đâu. Chúng ta đề ra như vậy cũng là dễ hiểu thôi. Đương nhiên, ngày ấy khi Trung ương đã ra nghí quyết rồi thì ta phải thi hành. Nhưng chúng ta đã sớm biết rút kinh nghiệm, biết giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tiễn đã đặt ra nên chúng ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ vang.

        Cũng một ví dụ khác như trong chống Mỹ, anh em có nêu ra một vấn đề là có "tổng công kích", "tổng khởi nghĩa" không? Khái niệm, nội dung, thực tiễn của nó diễn ra trên chiến trường như thế nào? Nói tổng khởi nghĩa tức là nói khởi nghĩa vũ trang của quần chúng diễn ra rộng khắp, đặc biệt là ở đô thị, nhất là ở thủ đô của địch để đạp đổ bộ máy chính quyền của chúng, giành chính quyền về tay nhân dân. Nói đến khởi nghĩa là nói đến phong trào cách mạng của quần chúng kết hợp với vũ trang, ví như Cách mạng Tháng Tám... Vậy trong chống Mỹ có tổng khởi nghĩa ở đô thị không?

        Những vấn đề này chúng ta sẽ lần lượt trao đổi cụ thể. Song trước hết chúng ta cần thống nhất với nhau là nghiên cứu lịch sử phải hết sức khách quan, trong sáng, không để bị bóp méo, xuyên tạc. Lịch sử là hếch sử. Đó là sự thật diễn ra. Lịch sử đó là những con người, những văn bản, những sự việc của nó. Tức là nó tổng hợp lại những việc đó để chúng ta nghiên cứu nó, chứ đâu có phải là một bài thơ, hoặc một cuốn tiểu thuyết mà tác giả nhiều khi "hư cấu” được? Lịch sử không thể hư cấu được. Lịch sử đó là thực tế. Cho nên nghiên cứu lịch sử, chúng ta phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, thực sự cầu thị, tổng hợp nhiều mặt của cả thực tiễn và cả các văn bản, các tài liệu sống... , trên cơ sở đó mà phân tích thì mới đúng được... Tôi cho rằng chúng ta nghiên cứu lịch sử phải làm như vậy.

        Nghiên cứu lịch sử lại còn phải nhìn thấy sự liên tục của nó. Chúng ta phải trải qua 30 năm của chiến tranh giải phóng dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám đến chống Pháp, chống Mỹ. Nói như thế tức là không lúc nào chúng ta được ngừng nghiên cứu, không được để lịch sử có quãng trống mà không được nghiên cứu một thời gian dài. Sau khi giành chính quyền trên toàn quốc được một tháng, Nam Bộ bắt đầu kháng chiến. Nam Bộ bắt đầu kháng chiến thì ngoài này chúng ta Nam tiến đưa quân và cán bộ vào để đánh Pháp trong Nam, rồi đến Toàn quốc kháng chiến, đến Giơ-ne-vơ, sau đó độ vài năm lại "Đồng khởi", lại bắt đầu đánh. Đấy, lịch sử nó liên tục như vậy. Tất nhiên, mỗi cuộc chiến tranh chúng ta sẽ tổng kết riêng, nhưng khi phân tích chúng ta phải phân tích toàn bộ 30 năm của chiến tranh. Không có Cách mạng Tháng Tám, không có khởi nghĩa thành công thì không có kháng chiến chống Pháp. Không có chống Pháp thì  hông có chống Mỹ. Thực tiễn là như vậy. Cho nên chúng ta phải thấy hết tính liên tục của lịch sử và điều kiện lịch sử của mỗi giai đoạn để đánh giá nó. Nhiều khi tách ra từng cái lột, có thể đó là do nội dung khoa học, do đề tài. Vì mỗi đề tài, mỗi giai đoạn lịch sử có cái riêng của nó; mỗi cuộc chiến tranh có đối tượng của nó. Nhưng đã đi vào những đề tài cụ thể thì lại phải có một cái nhìn quán xuyến, toàn diện, xa rộng mới mong phản ánh được thực tiễn khách quan. Nói như thế để ta thấy rằng vì sao anh em chúng ta có lúc, có nơi nhìn sự kiện lịch sử không đúng với bản thân nó. Cho nên, tôi cho rằng nghiên cứu lịch sử cần có thái độ như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #227 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:09 pm »


        Trong nghiên cứu lịch sử cũng cần có so sánh. Nhưng nên so sánh như thế nào cho đúng. Có một phóng viên Mỹ hỏi tôi: Thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ nào khó khăn nhất? Tôi nói khó so sánh, vì mỗi thời kỳ có khó khăn khác nhau. Nhưng nếu gọi là ác liệt, thắng lợi lớn nhất, ảnh hưởng lớn nhất thì phải nói là chống Mỹ. Thực ra nếu nói đến khó khăn trong buổi đầu chống Pháp thì quả thật lúc ấy ta tưởng khó mà nói còn gì là khó khăn hơn thế. Lúc ấy lực lượng ta còn yếu, 5 năm trời ta chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, trong lúc cách mạng Trung Quốc chưa thành công. Với ba khẩu súng lấy được của Pháp, thế mà dám đứng dậy đánh, có biết bao nhiêu khó khăn của buổi ban đầu. Tuy nhiên lúc đó Pháp cũng vừa thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nên lực lượng cũng còn yếu. Bước qua thời kỳ chống Mỹ, chúng ta đã giải phóng được một nửa nước, chúng ta đã có một hậu phương rộng lớn đang xây dựng chủ nghĩa xã hội; cán bộ quân sự của ta đã được trưởng thành qua chống Pháp và được huấn luyện cả về quân sự và chính trị hùng hậu... Chúng ta có cả một tuyến đằng sau là hệ thống xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, không những Liên Xô, Trung Quốc mà còn có những nước anh em khác. Trước đây khi đánh Pháp, phải mấy năm về sau Trung Quốc mới giúp được ta. Sau chống Pháp, chúng ta có hậu phương miền Bắc, hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa thì chúng ta lại phải đánh một tên đế quốc đầu sỏ là Mỹ. Bởi thế không thể so sánh cái khó khăn này với cái khó khăn khác, những khó khăn lần này hơn những lần kia... Chúng ta phân tích đánh giá tình hình phải căn cứ vào thời gian, không gian của lịch sử, không làm rõ như vậy chúng ta nói sẽ không đúng lắm.

        Tôi muốn nói thêm về vấn đề này. Đứng về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, theo tôi có thể chia thành hai giai đoạn. Một giai đoạn chống phong kiến Trung Quốc; một giai đoạn chống đế quốc chủ nghĩa, giai đoạn mà chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc, thò vòi vào các nước thuộc địa. Hai giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác nhau. Giai đoạn trước là chống phong kiến. Lúc đó phong kiến Trung Quốc đã là một nước có dân số đông, vậy mà chúng ta dám đánh và đánh thắng bao nhiêu trận: nhà Trần ba lần chống Mông - Nguyên; rồi Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Một nước nhỏ như nước ta, ở trong một phạm vi còn có phong kiến trên toàn thế giới mà dám đánh phong kiến Trung Quốc thì anh hùng lắm. Nhưng chiến tranh lúc đó chỉ là kiểu chiến tranh phong kiến, chiến tranh ở từng khu vực. Nhưng đến khi chủ nghĩa tư bản trở thành chủ nghĩa đế quốc, chúng ta đã chống Pháp, rồi chống Mỹ thắng lợi. Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới. Những chiến công đó có ảnh hưởng lớn lắm. ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đã lan ra khắp thế giới, như tấm gương của một nước nhỏ bé đầu tiên dám đánh bọn thực dân cũ, làm cho hệ thống của chúng cũng bị rung chuyển. Nhưng đến chống Mỹ, ta đã đánh thắng một tên đế quốc đầu sỏ, có chiến lược toàn cầu cực kỳ phản động, do đó có ác liệt hơn và thắng lợi của ta có ảnh hưởng lại càng rộng lớn hơn, lan rộng hơn và thế của ta cũng mạnh hơn. Nhưng không nên vì thế mà nói rằng thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là thắng lợi lớn nhất trong mấy ngàn năm lịch sử. Vì chống phong kiến là ở giai đoạn khác, mình không thể so sánh được. Hai giai đoạn, đối tượng và tương quan lực lượng khác nhau. Ngày xưa chống phong kiến thì kẻ thù đông như thế, mình nhỏ như vậy, nó chỉ có vũ khí thô sơ, mình cũng chỉ có vũ khí thô sơ. Nhưng đến bây giờ, bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thì mình cũng đã lớn mạnh và phạm vi không chỉ bó hẹp trong một nước, bị bưng bít như thời cổ xưa. Chúng ta có cả Liên Xô, Trung Quốc, hệ thống xã hội chủ nghĩa, cả loài người tiến bộ, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ.

        Thành thử, nếu chúng ta nói cuộc chống Mỹ là thắng lợi lớn nhất trong mấy ngàn năm lịch sử là chúng ta không có quan điểm thời gian, không gian của lịch sử. Tôi nói như thế không biết các anh nghiên cứu lịch sử có nhất trí với tôi không? Phải suy nghĩ để nắm quan điểm lịch sử và biện chứng như vậy.

        Nhưng đến khi chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc rồi so sánh với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lớn nhất thế giới. Nhất, là ở chỗ so với cuộc đấu tranh khác của các dân tộc bị áp bức, chứ không phải so với thắng lợi của Liên Xô chiến thắng phát-xít Đức - Nhật. Còn so sánh khó khăn của chống Mỹ và của chống Pháp thì đánh Mỹ, thắng Mỹ cũng có cái khó; đánh Pháp và thắng Pháp cũng có cái khó của nó. Cho nên khi so sánh cũng phải có quan điểm và phương pháp đúng thì mới có khoa học và có sức thuyết phục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #228 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:18 pm »


        Chúng ta thường nói trong chống Mỹ, chúng ta có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo, nói như vậy là hoàn toàn đúng. Nhưng cũng phải thấy rằng sự sáng tạo đó dựa trên cơ sở kinh nghiệm của chống Pháp mà nâng cao lên. Trong chống Pháp có sáng tạo không? Có. Nhưng theo tôi, chúng ta chưa thấy hết cái sáng tạo trong kháng chiến chống Pháp, mà có khi thường chỉ chú ý đến khía cạnh sai lầm ở điểm này điển nọ. Tuy có cái sai, nhưng có cái sáng tạo. Ví dụ: chúng ta có phần nào giáo điều nói đến ba giai đoạn về chiến lược quân sự nhưng trong chỉ đạo thực tế thì diễn biến lại khác, không chia ra những giai đoạn như vậy. Lúc đó chúng ta cũng chưa hiểu biết về quân sự, chúng ta rập khuôn đề ra như thế thì cung là lẽ tất nhiên, khó mà tránh khỏi. Đến năm 1950, chúng ta chủ trương tổng phản công là không đúng. Ngay lúc đó ở miền Nam, anh Ba cũng không tán thành, vì điều kiện chưa đầy đủ. Khi trao đổi, Thường vụ Xứ ủy cũng nhất trí với anh Ba. Trong kháng chiến chống Pháp, chủ trương không phải hoàn toàn rập khuôn như Mao Trạch Đông. Về mặt chiến lược, chúng ta còn nói đến kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi, kháng chiến toàn dân toàn diện: quân sự, chính trị, kinh tế. Lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp của Bác cũng phản ánh quan điểm chiến tranh nhân dân. Về mặt chiến dịch và chiến đấu, Đảng ta cũng có sáng tạo như cách đánh đặc công, như chiến dịch Điện Biên Phủ đánh chắc, tiến chắc, đánh lấn. Đó là những sáng tạo của ta trong chống Pháp. Đến chống Mỹ sau này, rút kinh nghiệm trong thời kỳ chống Pháp, có những vấn đề chúng ta sáng tạo thêm và có những vấn đề được hoàn chỉnh và nâng cao lên một bước mới. Như về mặt quân sự với tư tưởng chiến lược tiến công, chiến lược chiến tranh nhân dân, đánh cả ba vùng, đánh toàn diện trên cả bốn mặt quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao kết hợp vừa đánh vừa đàm. Sự sáng tạo này cũng phải từ cơ sở, từ kinh nghiệm đã có trước mà nâng cao lên, mà sáng tạo thêm trong điều kiện mới. Nói sáng tạo mà tách rời khỏi các kinh nghiệm lịch sử, cô lập sáng tạo này với sáng tạo kia, và đồng thời coi cái kia như không có sáng tạo là không đúng. trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân mình, dân mình có biết bao nhiêu sáng tạo. Người lãnh đạo không phải chỉ đề ra nghị quyết mà phải qua thực tiễn, lấy thực tiễn là cơ sở và tiêu chuẩn chân lý rút ra kết luận rồi đúc kết kinh nghiệm của mình, học tập thêm kinh nghiệm của bạn mới mong có sáng tạo được. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không phải chúng ta dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm của Trung Quốc đâu. Chúng ta có những sáng tạo của chúng ta như đề ra kháng chiến toàn dân, toàn diện. Đó là về chiến lược, còn về cách đánh ta sáng tạo đánh đặc công biệt động nên đánh vào lòng địch như đánh cả sân bay Gia Lâm, sân bay Cát Bi, kho xăng Phú Thọ... Đấy cũng chỉ là những trận đánh ở ven đô chứ không phải đánh ở nội thành của đặc công, biệt động như trong kháng chiến chống Mỹ. Trong chống Mỹ, đặc công đã trở thành binh chủng chiến lược. Thành thử thực tế trong chiến đấu đẻ ra sáng tạo. Tôi nói như vậy để cho chúng ta có cái nhìn khách quan, công bằng với lịch sử, đúng với lịch sử, thấy cái sáng tạo của lịch sử.

        Trong chống Pháp, chúng ta ai cũng được nghe thấy trường kỳ kháng chiến; kháng chiến toàn dân, toàn diện; được nghe lời kêu gọi của Bác: "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm"... tức là toàn dân đứng lên kháng chiến, đó cũng là biểu hiện quan điểm của chiến tranh nhân dân mà ngày nay ta vẫn nói. Ngày ấy, nếu không có sự sáng suất của Bác, của anh Trường Chinh và Trung ương thì chắc gì chúng ta đề ra được khẩu hiệu chiến lược ấy? Mà ngay khi có khẩu hiệu rồi, có phải mỗi lúc mà ta hiểu ngay đâu? Bản thân tôi lúc ấy cũng chưa hình dung nổi. Nhưng khi các đồng chí lãnh đạo vạch ra rồi mới thấy sáng tỏ. Thế thì, trên cơ sở của những sáng tạo thời chống Pháp, chúng ta mới đúc kết kinh nghiệm để đến lúc chống Mỹ lại có sáng tạo mới và hoàn chỉnh hơn.

        Tôi muốn làm sáng tỏ thêm một ý nữa trước khi đi vào những vấn đề mà anh em hỏi: Trong mọi sự việc, cần nhớ rằng ưu điểm hay khuyết điểm, thắng lợi hay thất bại đều do cả tập thể của chúng ta chịu trách nhiệm. Phải luôn luôn nhớ như vậy. Không vì một đồng chí nào mà phủ nhận tập thể. Nhưng ngược lại, cũng không chỉ thấy tập thể mà không thấy trách nhiệm vai trò của cá nhân. Nguyên tắc của Đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phải luôn luôn nhớ như thế. Cho nên khuyết điểm, ưu điểm là của tập thể. Nhưng trong tập thể lại có cá nhân phụ trách. Cá nhân phụ trách theo cương vị được phân công mà chịu trách nhiệm quan trọng về nhiệm vụ mà tập thể đã giao cho. Trường hợp tự cá nhân quyết định không có tập thể thì cá nhân phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Khi phân tích thành công hay thất bại chỉ thấy cá nhân mà không thấy tập thể, hoặc là thấy tập thể rồi mà không thấy trách nhiệm của cá nhân, là không toàn diện. Ví như trong đánh giặc, Bộ Chính trị hay Quân ủy Trung ương quyết định tập thể, rồi phân công cho từng cá nhân phụ trách thì mặt trận đó thành công hay thất bại trong chấp hành quyết định, cá nhân phải có trách nhiệm quan trọng của mình, chứ không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho cấp trên khi gặp thất bại. Khi phân tích đánh giá tình hình, phải luôn luôn nhớ mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và tập thể, không nên đặt một người nào ngoài tập thể mà nhận xét. Khi đánh giá ưu, khuyết điểm về những vấn đề chung, cũng như cá nhân của con người trong lịch sử thì phải thấy mặt gì là cơ bản, là chủ yếu, không nên lẫn lộn và cũng không nên thổi phồng một chiều, mà phải đánh giá một cách toàn diện cho đúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #229 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:34 pm »


        Tất cả những cái đó khi chúng ta làm tổng kết, biên soạn lịch sử phải phân tích và nắm cho vững. Như thế thì tự nhiên ta sẽ có những nhận định đúng đắn, công bằng, không phải băn khoăn gì cả, có ưu điểm thì nói ưu điểm, có khuyết điểm thì nói khuyết điểm. Tôi thường nói với các đồng chỉ là phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói, phải trung thực với sự thật. Chúng ta không ngại những khuyết điểm, chúng ta chỉ sợ không thấy mà sửa chữa thôi. Làm cách mạng phải có ưu điểm và khuyết điểm chứ, ai mà đúng được tất cả. Cái quan trọng là phải thấy nhận ra khuyết điểm và sửa chữa nó. Ý chung về vấn đề này, tôi muốn nói với các anh là chúng ta cần tổng kết, viết lịch sử là để rút kinh nghiệm và nêu lên những bài học lịch sử là chính. Trong các sự kiện lịch sử cần đi từ chủ trương, đường lối, thực tiễn tình hình để xem xét, đánh giá từ sự lãnh đạo đến phong trào quần chúng không bao giờ quên vai trò quần chúng vẫn là vai trò của những người làm nên lịch sử, dẫn chứng cá nhân là cần thiết, song không bao giờ xem nhẹ vai trò của quần chúng.

        Bây giờ tôi phát biểu lần lượt từng giai đoạn và từng sự việc theo những câu hỏi của anh em. Có chỗ nào tôi nói chưa đủ hoặc còn thiếu, anh em cứ nhắc, mà thậm chí tôi nói nửa chừng, anh em thấy cái gì chưa đúng thì cứ phát biểu. Anh em có thể vặn lại tôi, có như thế mới làm sáng tỏ các vấn đề mà chúng ta đề cập tới. Nếu tôi nói, anh em cứ ghi, có thắc mắc cũng không hỏi lại, chốc nữa tôi về, chúng ta không trao đổi gì được với nhau thì buổi nói chuyện sẽ mất hứng thú và chưa làm sáng tỏ được vấn đề. Tôi nêu ý kiến của tôi, anh em có thắc mắc là lẽ thường; có trao đổi ý kiến mới thống nhất được.

        Trước và sau Cách mạng Tháng Tám

        Các anh chỉ đặt ra những câu hỏi trong hai cuộc kháng chiến, như vấn đề cải cách ruộng đất, Hội nghị Giơ-ne-vơ, Tết Mậu Thân, Hiệp định Pa-ri..., nhưng tôi thấy cần nói thêm một ít, ngắn thôi về những bước đi dẫn chúng ta đến Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền trong toàn quốc. Theo tôi đây là một vấn đề rất lớn, nhưng chúng ta chưa tổng kết được đầy đủ đâu Cũng có thể là các anh đã làm rồi mà tôi chưa được đọc. Nếu chúng ta không tổng kết đầy đủ được giai đoạn này là một thiếu sót lớn. Bởi vì có thấy rõ giai đoạn này, ta mới thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Bác và anh Trường Chinh lúc ấy là Tổng Bí thư, đã chèo lái con thuyền cách mạng qua bao nhiêu thác ghềnh như thế nào, để đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, và từ đó mà dẫn dắt, chúng ta viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc. Lịch sử là một sự liên tục, tiếp nối. Chính vì vậy, thắng lợi của chúng ta suốt mấy chục năm qua là sự kế thừa những di sản quý báu mà Bác và Đảng ta đã đem lại từ những ngày đầu giành chính quyền.

        Ở đây tôi chỉ ôn lại với các anh hai giai đoạn: một là, từ Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) đến Cách mạng Tháng Tám; hai là, từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946).

        Ở giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám, tình hình Đảng ta ra sao? Sau Mặt trận Dân chủ là khởi nghĩa Nam Kỳ và Bắc Sơn; trước sự khủng bố của địch, Trung ương cũ gần như không còn, cơ sở Đảng bị nhiều tổn thất. Đảng ta phải lập lại Trung ương mới. Sau Hội nghị lần thứ 8, bầu xong Trung ương thì Bác đi công tác nước ngoài. ít lâu sau, Bác bị bọn Tưởng bắt, các anh ở trong nước cũng bị bắt một số. Trước Cách mạng Tháng Tám, khi chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa, chỉ có Bác, anh Trường Chinh, 3 đồng chí Trung ương và 5.000 cán bộ, đảng viên ưu tú thôi. Ấy vậy, mà vẫn lãnh đạo tạo nên phong trào cách mạng ở cả rừng núi, nông thôn, thành thị - nhất là phong trào ở Hà Nội và làm nên Tổng khởi nghĩa. Như thế là giỏi lắm. Trong Tổng khởi nghĩa, việc sớm giành được chính quyền tại Hà Nội - cơ quan đầu não của kẻ thù là rất quan trọng, vì nó làm rung chuyển cả nước, ngụy quyền sụp đổ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa thành công trong toàn quốc.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 11:11:16 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM