Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:41:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47047 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #200 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:36:53 pm »


        3. Một vài suy nghĩ về từ “bộ đội” được ghi trên sách báo.

        Sơ bộ nghiên cứu một vài tư liệu như trên và một số sách báo hiện nay, chúng tôi có suy nghĩ sau:

        - Từ bộ đội đã được định nghĩa trong cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh trong giai đoạn nước ta còn bị thực dân Pháp xâm chiếm là quân đánh bộ, nhưng không thấy sử dụng để nói về quân đội của đế quốc hoặc quân đội các nước khác trên sách báo.

        Trong bài "Gọi bộ đội Cụ Hồ bằng anh, không ai gọi bằng chú” của tác giả Dương Xuân Đống (Dương Xuân Đống - Từ cây giáo đến khẩu súng, Nxb QĐND, Hà Nội. 1998, tr.215-218) có viết: "Về lý luận, bộ đội là tên gọi chung các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên trong nhiều quân chủng, trừ không quân và hải quân". Theo chúng tôi nghĩ cũng không đúng với thực tiễn của thời điểm mà nó được ghi lên báo lần đầu tiên bởi vì Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi mới thành lập là một trung đội mới có 34 người, nhưng bài báo của Việt Nam độc lập (ngày 5-1-1945) đã gọi là bộ đội.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr.140) cũng dùng từ bộ đội ở sự kiện lịch sử này.

        - Từ bộ đội xuất hiện và dùng để chỉ lực lượng vũ trang cách mạng của nước ta trước Cách mạng Tháng Tám. Nếu không kể tới thông tin về cụm từ bộ đội du kích Bắc Sơn ngày 14 tháng 2 năm 1941 (đã nói ở trên) và đoạn viết về Cứu quốc quân có dùng từ bộ đội (Bài "Thời kỳ thành lập quân đội và cao trào đấu tranh vũ trang trong sách "Quân đội Nhân dân Việt Nam anh dũng", Tổng cục Chính trị, 1954, tr.9) vì chúng tôi không tìm được văn bản gốc khác nên theo các bài viết trên báo Việt Nam độc lập, từ bộ đội đã được nói tới khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tức là các ngày cuối của năm 1944 ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng. Cũng trong bài “gọi bộ đội Cụ Hồ bằng anh... “, tác giả Dương Xuân Đống có viết: "Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì ở từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang là bộ đội ông Ké (Ông Ké tiếng Tày là ông Cụ) hay bộ đội ông Cụ ("Ông Cụ” là chỉ Bác Hồ khi ở chiến khu. Cuốn Nhớ Nguồn, tác giả Bích Tùng, Lý Đào, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1993, tr.207). Nói như vậy cũng rõ thêm từ bộ đội được dùng khi lực lượng vũ trang của cách mạng được thành lập.

        Trong tiềm thức của người Việt Nam (ở cửa miệng nhân dân và ngay cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) khi nói đến bộ đội là nói tới quân đội của nước ta, quân đội của Đảng và Bác Hồ đã xây dựng rèn luyện, mặc dầu đó là một từ rất chung để chỉ đội quân của bất cứ một nước nào.

        Sở dĩ như vậy, theo chúng tôi, trước Cách mạng Tháng Tám, báo chí chưa bao giờ sử dụng cụm từ này. Khi đội quân cách mạng thành lập để giải phóng dân tộc thì trên báo Việt Nam độc lập đã lấy từ này để thông tin về Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân hạ đồn Phai Khắt, rồi từ đó từ bộ đội đã gắn liền với truyền thống cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta - những người không ngại gian khổ, không sợ hy sinh không tiếc xương máu, chiến đấu để giành và giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, sự tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

        Ngay trong các văn bản của các đồng chí lãnh đạo nước ta cũng sử dụng từ bộ đội. Thí dụ ở một bản báo cáo của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng về việc giáo dục chính trị cho quân đội năm 1952 (Bài giác ngộ cách mạng là sức mạnh vô địch", trong sách "Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng", Sđd, tr.30): “Bộ đội ví như mũi mác dùng để giết quân địch. Mũi mác cần phải nhọn, phải sắc. Nên phải ra sức mài dũa, ra sức chỉnh huấn quân đội. Phải chăm lo cái ăn, cái mặc, vũ khí và cách đánh của bộ đội, nhưng cái phải chăm lo trước hết là tư tưởng bộ đội. Nên lúc này phải lấy việc chỉnh đốn tư tưởng, giáo dục chính trị cho bộ đội lành một việc làm chính".

        Tác giả Dương Xuân Đống giải thích: "Tại sao mà lực lượng vũ trang của ta với từ bộ đội vào những ngày đầu cuộn kháng chiến chống Pháp lại mang tính cách mạng rõ rệt?". Trong bài "gọi bộ đội Cụ Hồ bằng anh...", có viết: "Theo nếp suy nghĩ cố hữu, lúc bấy giờ, mọi người không có thiện cảm với tử quân đội. Ai cũng ngờ rằng "Tập đoàn người vũ trang này chính là nơi tụ tập những tên lính khố xanh, khố đỏ, những tên lính lệ, lính dõng, những kẻ nợ máu truyền kiếp của nhân dân và đem so sánh với những chiến sĩ vì nhân dân quên mình, để rồi đặt niềm tin vào họ, những người được mệnh danh là bộ đội".

        Theo chúng tôi, việc sử dụng từ bộ đội (troop) chính là do quy mô của lực lượng vũ trang lúc bấy giờ, mà không dùng từ quân đội (army). Khi mới thành lập, chúng ta chỉ có một trung đội gồm 34 chiến sĩ theo nhiệm vụ được giao như trong chỉ thị của Bác Hồ:

        1. Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền...

        2. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong chóng có những đội quân đàn em khác...

        Trung đội này nhanh chóng phát triển thành một đại đội, rồi tiến về các nơi; ngày 15 tháng 5 năm 1945 thống nhất với Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác lấy tên là Việt Nam giải phóng quân, như Bác Hồ đã nói: "Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt tử Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập  (1930-1945), Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.508).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #201 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:37:56 pm »


        Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước nhà, bộ đội ta tuy đã phát triển nhưng vẫn là các đơn vị bộ binh, được đổi thành Vệ quốc đoàn, Vệ quốc quân, chưa dùng đến từ quân đội.

        Năm 1946, có nhiều binh chủng được thành lập như Thông tin liên lạc (9-9-1945), Công binh (25-3-1946), Pháo binh (29-6-1946)... và sau đó lực lượng vũ trang được thay tên thành Quân đội quốc gia Việt Nam; năm 1954, đổi thành Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày nay.

        Như vậy, khi quy mô của lực lượng vũ trang nước ta đã phát triển thành một quân đội thì từ bộ đội không thể mang đầy đủ ý nghĩa, nội dung của một phạm trù quân đội được.

        4. Bộ đội, đội quân đánh bộ, nếu theo nghĩa hẹp (bộ: bước đi) thì chỉ là bộ binh (infantry), nếu theo nghĩa rộng thì gồm các binh chủng của lục quân (land forces) như bộ đội cơ giời, bộ đội thiết giáp, bộ đội vận tải... Tuy vậy, nhiều khi nhân dân còn dùng các cụm từ "bộ đội không quân” (không phải nói riêng về quân đổ bộ đường không), hoặc "bộ đội hải quân” (không phải nói riêng về linh thủy đánh bộ) và dùng từ Bộ đội để chỉ tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ ở mọi quân, binh chủng của quân đội nhân dân Việt Nam. Như thế, định nghĩa từ bộ đội trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt viết là "người trong quân đội" (Nguyễn Như Ý (Chủ biên) - Đại từ điển tiếng Việt, Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 187) là đúng.

        Cách gọi này lại còn đúng cả vời bản chất của bộ đội vì những cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đều là những người dân mặc áo lính, đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

        Cũng cần nói thêm rằng từ bộ đội không có nghĩa chỉ là con người mà nó còn bao hàm ý nghĩa của một tổ chức, một đơn vị gồm cả con người và trang thiết bị, phương tiện khí tài để chiến đấu nữa.

        5. Từ bộ đội là chỉ một đội quân, một tập thể, nhưng chúng ta cũng còn sử dụng nó ở một số trường hợp như là một cá thể. Thí dụ gọi anh bộ đội, đồng chí bộ đội tức là coi như cá thể đó đã hoà quyện vào tập thể mà muôn triệu người như một, cùng sống với nhau với nghĩa tình đồng đội, cùng chiến đấu cho một mục đích chung: bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu để giữ vững chủ quyền đất nước mà tổ tiên đã xây dựng và giao phó lại.

        Về cụm từ Anh bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi đã viết một bài đăng ở Tạp chí LSQS số 1 năm 2003. Ở đây, chúng tôi muốn bàn về cụm từ Anh bộ đội Cụ Hồ và Chú bộ đội mà bài của Dương Xuân Đống nêu lên trong bài "Gọi Bộ đội Cụ Hồ bằng anh, không ai gọi bằng chú” trong sách Từ cây giáo đến khẩu súng Nxb QĐND, Hà Nội, 1998, tr.215-218. Sau khi nói, bộ đội tuyệt đại đa số là nam giới, những thanh niên trên dưới đôi mươi, tác giả viết: "Như vậy, người ta gọi bộ đội bằng anh cũng là thoả đáng. Vì đại từ này vừa chỉ lứa tuổi, chỉ giới tính lại vừa thể hiện sự kính trọng của xã hội đối với lớp người đã mạnh khoẻ lại dũng cảm, đem xương máu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Họ là thế hệ thanh niên đầu tiên tham gia quân đội theo chế độ tình nguyện...".

        Rồi tác giả Dương Xuân Đống nói đến lớp thanh mến vào bộ đội theo chế độ nghĩa vụ quân sự ở thời gian sau này và từ đó cụm từ chú bộ đội ra đời chủ yếu dùng để chỉ chung cho tất cả mọi quân nhân thuộc các thế hệ con cháu của lớp người đi trước. Tác giả viết: "Rõ ràng là từ giữa những năm 60 trở lại đây khi mà các thế hệ kế tiếp những bộ đội Cụ Hồ gia nhập quân đội, người ta vẫn gọi những lớp chiến sĩ trẻ này là chú bộ đội mà ít khi gọi là anh bộ đội mặc dù tuổi đời của họ cũng hệt như ông, cha họ trước đó mấy chục năm. Khác chăng ở chỗ, một bên nhập ngũ theo chế độ tình nguyện và một bên theo chế độ nghĩa vụ quân sự. Đây tựa như một sự ưu ái của ngôn tử, một sự quy ước chung của xã hội. Người ta chỉ chấp nhận để đại từ anh với tính khái quát rất cao trước cụm từ bộ đội Cụ Hồ. Hình như ai nấy đều cho rằng, đặc biệt là thế hệ anh bộ đội Cụ Hồ mới xứng đáng là anh là cha anh, còn tất cả mọi thế hệ bộ đội kế tiếp mãi mãi là em, là con, là cháu”.

        Theo chúng tôi, ý nghĩa của cụm từ anh bộ đội Cụ Hồ tuy ban đầu chỉ là một cụm từ rất dân dã, xuất phát từ cửa miệng nhân dân nhưng nó đã trở thành một danh hiệu mà mọi người tôn vinh tất cả các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập, đến ngày nay và mãi mãi về sau.

        Các từ ghép anh bộ đội và chú bộ đội đều có nghĩa là những người lính trẻ, người sinh ra trước và người sinh ra sau mà không phải là hàng cha chú mà là hàng con cháu.

        Trong thực tế cuộc sống, các cụm từ anh bộ đội và chú bộ đội thường gặp trong việc xưng hô khi giao tiếp theo lứa tuổi của những người đối thoại. Chúng tôi là lớp người bước vào quân đội từ những ngày đầu của đất nước độc lập, cũng đã được nhân dân gọi bằng anh bộ đội, đồng chí bộ đội khi đồng bào chưa biết tên mình. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng còn có người gọi bằng anh, có người gọi bằng chú, nhưng dần dần cách xưng hô bằng anh, em không còn nữa mà là chú, cháu hoặc là bác, cháu (ngoại trừ các bạn bè, đồng chí cùng lứa tuổi).

        Ngược lại, đối với các chiến sĩ nghĩa vụ trẻ măng, trên dưới 20 tuổi, các người lớn tuổi hơn thì gọi họ bằng chú bộ đội, nhưng với các thanh niên, nhất là đối với các cô thiếu nữ chắc không ai có thể gọi họ bằng chú ngoài việc xưng hô bằng anh, em (trừ phi là các cháu nhỏ).

        Trên các sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng ít thấy sử dụng cụm từ chú bộ đội. Khi nêu gương người tốt, việc tốt của các cựu chiến binh (những cán bộ, chiến sĩ tình nguyện của thế hệ trước) cũng như của các chiến sĩ nghĩa vụ hiện nay, thì đều được nêu là đã phát huy truyền thống cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, những người con thân yêu của Tổ quốc, đã được Đảng, Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, được nhân dân cưu mang, đùm bọc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #202 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:20 pm »


HÃY THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG TƯ LIỆU LỊCH SỬ VIẾT VỀ LÃNH TỤ1



BÙI PHAN KỲ       

        Trong tờ nguyệt san "Công an nhân dân" số tháng 9-1999, mục "Kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ", trang 4, tác giả Thanh Tùng viết bài "Nhớ Bác... ngày tiễn biệt" với ý tưởng "tính ngày, nhớ việc, đã thấy bao điều xúc động tâm can, biết bao sự việc phải trân trọng ghi nhớ, là những kỷ niệm về Người". Nhưng đáng tiếc là bài viết có nhiều tư liệu chưa chính xác cần được đính chính, trao đổi:

        - Sự kiện mở đầu, người đọc không còn tin ở mắt mình khi đọc câu: "Việc đầu tiên khi về nước trực tiếp lãnh đạo công cuộc cách mạng, ngày ấy 8-9-1941, Bác tổ chức, thành lập "Việt Nam cách mệnh đồng minh hội", gọi tắt là "Việt Minh" đã khẳng định tư tưởng lớn của Người về sức mạnh và vai trò quần chúng trong đấu tranh cách mạng" (người viết bài này viết nghiêng những từ cần lưu ý). Ai cũng biết mùa xuân 1941 Bác Hồ về nước đã Chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ  (Khoá I) họp từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941 mà Nghị quyết có câu nổi tiếng. "... Lúc này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được (Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương , Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 1997, tập 1, tr.307). Hội nghị đã quyết định thành lập “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh" gọi tắt là "Việt Minh".

        Còn "Việt Nam cách mệnh đồng minh hội" là tổ chức thành lập ở Trung Quốc vào tháng 10 năm 1942, được viên tướng của quân đội Tưởng Giới Thạch là Trương Phát Khuê ủng hộ. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, tổ chức này đã theo gót Quân đoàn 62 thuộc đoàn quân Lư Hán vào Việt Nam từ hướng Cao Bằng - Lạng Sơn. "Việt Nam cách mệnh đồng minh" gọi tắt là "Việt Cách" do Nguyễn Hải Thần cầm đầu, về Hà Nội đóng trụ sở ở phố Hàng Bún. Cùng thời gian đó, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam cầm đầu "Việt Nam Quốc dân đảng" theo chân cánh quân Tàu vào Việt Nam từ Lào Cai xuống Việt Trì, lập căn cứ ở Vĩnh Yên, đặt trụ sở ở phố Quán Thánh, Ngũ Xã, Ôn Như Hầu... (Hà Nội). Đoàn quân Lư Hán còn bao gồm Quân đoàn 93 do Chu Phúc Thành, Tiêu Văn chỉ huy từ Vân Nam về Hà Nội. Dựa vào thế quân Tàu, "Việt Cách" và "Việt Quốc" điên cuồng chống phá cách mạng. Mặc dù trước khi đưa quân vào Việt Nam, Trương Phát Khuê (là Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu, đại diên Quốc dân đảng Trung Quốc) có mời Hồ Chí Minh tham gia Ban trù bị Đại hội Việt Nam cách mệnh đồng chí hội, được Bác uốn nắn thành "Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng Việt Nam" họp ở Liễu Châu tháng 3 năm 1944, nhưng không thể vì thế mà lẫn lộn với Việt Minh được.

        - Tác giả Thanh Tùng viết tiếp: "Cũng lại ngày 8 tháng 3 năm 1946 Bác phát động chiến dịch diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm - mở ra phong trào bình dân "i-tờ" và lập hũ gạo tiết kiệm (phần để cứu đói, phần dành để nuôi quân đánh giặc) và Bác thực hiện đầu tiên việc bớt phần gạo hàng ngày làm gương cho mọi người noi theo". Không rõ sự khái quát này tác giả dựa vào tư liệu nào? Nếu dựa vào "Lời kêu gọi chống nạn thất học" của Hồ Chủ tịch thì nó được công bố từ tháng 10 năm 1945 trong đó có câu: “những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà nội 1970, tr.63, 61, 81), sau khi sắc lệnh thành lập Bình dân học vụ được ký ngày 8 tháng 9 năm 1945, “Lời kêu gọi chống nạn đói" của Hồ Chủ tịch cũng được công bố vào thời gian gần đó, từ 194 (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà nội 1970, tr.63, 61, 81); còn ba câu "Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm" thì được Bác viết trong "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc" ngày 11 tháng 6 năm 194 (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà nội 1970, tr.63, 61, 81). Nếu tôn trọng thực tế thì việc chống dốt, chống đói gắn với chống ngoại xâm được Hồ Chủ tịch đặt ra ngay sau khi nước nhà được độc lập, chỉ sau Tổng khởi nghĩa không quá hai tháng. Đó cũng không phải là một chiến dịch mà là một phong trào thi đua yêu nước được toàn dân hưởng ứng trong suốt hai cuộc kháng chiến... Còn viết Bác Hồ "lập hũ gạo tiết kiệm... bớt phần gạo hàng ngày làm gương" là không chuẩn xác. Trong lời kêu gọi nhường cơm sẻ áo để cứu đói của Hồ Chủ tịch có câu: "... Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo" (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà NộI, 1960, tr.229), thì không phải Bác “bớt phần gạo hàng ngày" như tác giả viết. Sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam vận động nhân dân mỗi bữa bớt một nắm gạo bỏ vào hũ, lấy tên là “Hũ gạo kháng chiến", còn gọi là “Hũ gạo nuôi quân” (Xem Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1996. tr.385)...

-----------------
        1. (Tạp chí LSQS số 5-1999)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #203 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:35 pm »


        Cũng trong bài viết trên tác giả Thanh Tùng còn viết: "Trong cuộc kháng chiến 9 năm, nhưng ngày tháng 9-1950, Bác đích thân đi chiến dịch Biên Giới - chiến dịch mở đầu giai đoạn tổng phản công. Là người Việt Nam, ít nhất cũng một lần thấy hình ảnh của Bác, quần xắn cao, tay cầm ông nhòm chiếu thẳng về Đông Khê, chỉ huy đến tận giờ phút 2 binh đoàn Sác-tông và Lơ-pha-giơ bị tiêu diệt gọn". Người đọc không hiểu tác giả muốn nói đến hình ảnh nào của Hồ Chủ tịch? Nếu quả có một hình ảnh như tác giả mô tả thì nhiều người chưa thấy. Nhưng nếu là hình ảnh quen thuộc đã được in trên nhiều văn kiện (và vẽ thành tranh sơn mài) với chú thích Hồ Chủ tịch trên đài quan sát trận Đông Khê, trong chiến dịch Biên Giới (năm 1950), là tấm ảnh Bác đang ngồi trên tảng đá, tay phải chống nạnh, cánh tay trái tì trên đùi, hai ngón tay cặp điếu thuốc cháy dở, đầu đội mũ cát, đôi mắt tinh tường đang nhìn thẳng, còn người cầm ông nhòm đang quan sát là một chiến sĩ đứng bên trái Bác (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Sđd, ảnh in giữa tr.80, 81). Chúng ta biết trận Đông Khê (mở đầu chiến dịch) diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 9 năm 1950. Gần hai chục ngày sau, quân Sác-tông mới bị tiêu diệt tại điểm cao 47 (thuộc vùng núi giữa Đông Khê và Thất Khê) vào buổi chiều 7 tháng 10 năm 1950, còn quân Lơ Pa-giơ bị tiêu diệt ở vùng núi Cốc Xá (cách tây nam Đông Khê khoảng từ 6 đến 7 km) vào buổi chiều ngày 8 tháng 10 năm 1950. Trong chiến dịch này, ngoài các đơn vị pháo binh và công binh của Bộ, lực lượng bộ binh ta có Đại đoàn 308, hai trung đoàn 174 và 209 cùng với ba tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc. Do tầm quan trọng của chiến dịch thở thông biên giới, Bác thân hành ra mặt trận cùng Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ dạo, nhưng Bác không làm thay Tư lệnh chỉ huy chiến dịch lúc đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

        Còn một số chi tiết nữa mà tác giả đưa ra cần được tiếp tục làm rõ: "Khi đế quốc trùm sỏ hùng mạnh nhất vào xâm lược nước ta (1965), trong những bài nói của Bác, hiệu triệu của Bác nhân ngày Quốc khánh đã nhấn mạnh ý chí kiên cường, tinh thần quyết thắng. "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, ta còn phải chiến đấu cút sạch nó đi" và "Không gì quý hơn độc lập tự do". Bác khẳng định "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn". Hồ Chủ tịch có đức tính viết không thừa, không thiếu. Ba câu trích của tác giả không câu nào nằm trong "những bài nói" hoặc "hiệu triệu của Bác nhân ngày Quốc khánh" như tác giả khẳng định. Câu "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi" (tác giả trích thiếu 3 từ, sai 1 từ), Bác viết trong "Lời kêu gọi ngày 3 tháng 11 năm 1968", sau khi Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr. 319, 282, 328). Câu "Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Bác viết trong "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" ngày 17 tháng 7 năm 1966 sau khi giặc Mỹ bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr. 319, 282, 328). Còn câu cuối trích từ Di chúc mà các tư liệu đều ghi ngày 10 tháng 5 năm 196 (Hồ Chí Minh - Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr. 319, 282, 328).

        - Đoạn chốt của bài, tác giả viết: "Nhớ Bác, cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay không gì hơn là lấy những chỉ định cụ thể của Bác trong bài viết 30 năm về trước (3-2-1969) làm tiêu chí để từng cấp ủy, mỗi đảng viên cán bộ tự kiểm điểm và phê bình. Đó là - "Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm khắc trong Đảng bác viết là nghiêm chỉnh) - Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ đảng viên (đến đây tác giả bỏ sót một câu quan trọng: Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc) - kỷ luật của Đảng phải thật nghiêm minh (tác giả thêm từ thật) - Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ - Mỗi cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết..." (Bác viết: lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân...). Đoạn này trích trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" Bác viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, sau Nhà xuất bản Sự thật in cùng 6 bài khác của Bác viết từ 1952, 1959, 1961, 1963, 1965 thành một tập sách lấy đầu đề đó, phát hành ngày 1 tháng 5 năm 1969. Đối chiếu với nguyên bản có từ bị đổi, bị thêm, bị đảo lại, có đoạn bị cắt bỏ mà không có dấu...).

        Người xưa nói "thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ" (kể lại không thêm bớt điều xưa (mà) ta tin chuộng), ý tưởng "trân trọng ghi nhớ" về Bác của tác giả rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu hiểu và trích dẫn "tam sao thất bản" như vậy sẽ ảnh hưởng đến bạn đọc, nhất là với thế hệ trẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #204 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:41:02 pm »

         
ĐÔI ĐIỀU VỚI TÁC GIẢ SÁCH “VIỆT NAM - NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH"1

TRỊNH VƯƠNG HỒNG        

        Cuốn Việt Nam - những trận đánh quyết định của tác giả Mỹ, Giôn Pim-lốt (J.Pim-lốt: Việt Nam - Những trận đánh quyết định, Nxb Mac Millan, New York, 1990. Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ - Môi trường Bộ Quốc phòng dịch và ấn hành, 1997. Người dịch: Lê Mỹ, Lý Văn Sáu, Trần Minh) là cuốn sách chứa đựng những tư liệu đáng chú ý. Đây là cuốn sách đã cung cấp “một số tư liệu tham khảo trong công tác nghiên cứu tổng kết... giúp bạn đọc thấy được "cuộc chiến tranh nhìn từ phía bên kia" như thế nào.

        Nội dung chính của cuốn sách dành giới thiệu về 17 trận đánh, mà Pim-lốt cho là "những trận đánh quyết định", trong đó có 1 trận thuộc thời kỳ kháng chiến chững Pháp và 16 trận còn lại thuộc thời kỳ lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Pim-lốt có quan niệm về "trận đánh" và "trận đánh quyết định" cùng phong cách trình bày riêng của mình. Có những điểm trùng hợp với nhận thức của chúng ta; cũng có nhiều điểm khác biệt. Đó cũng là điều dễ hiểu.

        Do Pim-lốt đề cập phạm vi nội dung rộng, gồm các mục: Hồ Chí Minh - Người soi sáng; Hai vị tư lệnh đối địch nhau: De Castries và Tướng Giáp; Quân Anh ở Việt Nam; Chiến tranh theo đường lối của Mao; Việt Minh; Chính sách của Mỹ ở Việt Nam 1945-1954; Hiệp định Giơ-ne-vơ và cuối cùng là liệt kê Các mốc thời gian, nên cũng có nhiều vấn đề và chi tiết lịch sử cần nêu lên trao đổi. Dưới đây chúng tôi chỉ nêu hai vấn đề liên quan đến thời kỳ 1945-1946:

        1. Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào thời điểm Việt Nam giành được độc lập

        Pim-lốt viết: "Ngày 2-9-1945, ông Hồ vào Hà Nội và được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, đã tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà" (tr.12).

        Sự thật lịch sử hoàn toàn không phải như Pim-lốt viết. Điều này đã được làm rõ từ lâu, trong đó có đóng góp của nhiều người đồng hương với tác giả.

        Như ta đã biết, trong chuyến đi Côn Minh (Trung Quốc) đầu năm 1945 để giải quyết nhiều công việc cách mạng, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với một số người Mỹ thuộc Cơ quan cứu trợ không quân (AGAS); Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI); tướng Sê-nôn, Tư lệnh không đoàn 14 của Mỹ ở Hoa Nam; trung úy Sác-lơ Phen, người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo OSS đang hoạt động trên đất Việt Nam lúc đó... Qua những người này, Hồ Chí Minh đã chuyển một số yêu cầu của cách mạng Việt Nam đến các đại diện chính thức của Mỹ. Đầu tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi thư cho A.Pát-ti cùng hai tài liệu đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Hội nghị Liên hợp quốc, kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Ít ngày sau, Người gửi tiếp một tài liệu nữa kèm mảnh giấy nhỏ hỏi A. Pát-ti xem các văn kiện trên đã gửi đi Xan Phran-xi-xcô chưa? Giữa tháng 5, Người lại gửi "Bản sách đen" và một tập ảnh chụp nhân dân Việt Nam trong nạn đói ở Bắc Kỳ cho Pát-ti và yêu cầu ông ta chuyển cho Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh để gửi về cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngày 15 tháng 8, Người nhờ trung úy Giôn gửi về Tổng hành dinh của ông ta  bức điện yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng Việt Nam đã đứng về phía Liên hợp quốc chống Nhật; nay Nhật hàng, yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập.

        Đáng tiếc, mọi yêu cầu về nền độc lập của Việt Nam đều không được phía nhà nước Mỹ phúc đáp.

        Để thêm sức nặng cho lập luận của mình, Pim-lốt dẫn ra rằng trong chiến tranh chống Nhật, "Hoa Kỳ cung cấp cố vấn và vũ khí, khi ông Hồ tuyên bố độc lập của Việt Nam ngày 2 tháng 9 năm 1945, thì các sĩ quan Mỹ cũng có mặt" (tr.20).

        Đúng là vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai, do nhu cầu kháng Nhật của Việt Nam thống nhất với nhu cầu nắm thông tin về phát xít Nhật và cứu trợ phi công Mỹ bị bắn rơi trên đất Việt Nam của phía Mỹ, Đội "Con Nai" (thuộc OSS) được phép hoạt động trên tuyến đường số  (Thái Nguyên - Cao Bằng). Vào đầu tháng 8 năm 1945, họ giúp huấn luyện khoảng 200 du kích Việt Nam sử dụng vũ khí thông thường. Trước đó họ cũng hướng dẫn một số người được chọn lọc để sử dụng điện đài. Và như thế, việc những người trong Đội "Con Nai" có mặt ở Hà Nội dịp ngày 2 tháng 9 và chia tay Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi họ kết thúc một nhiệm vụ của thời chiến, không có nghĩa là nhà nước Hoa Kỳ "ủng hộ" nền độc lập của Việt Nam, như cách hiểu (hoặc cố tình hiểu) của Pim-lốt.

---------------------
       1. (Tạp chí LSQS số 5-1998)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #205 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:41:52 pm »


        Còn thời điểm sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời thì sao? Bạn đọc hẳn đã biết đến 4 bức thư (có tài liệu viết là 8 bức thư) của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các nhà chức trách Mỹ. Đó là thư gửi Tổng thống Mỹ, Tru-man ngày 17 tháng 10 năm 1945; gửi Quốc vụ khanh Mỹ, Bai-nét ngày 22 tháng 10 năm 1945 và ngày 1 tháng 11 năm 1946, gửi tiếp cho Tru-man ngày 16 tháng 2 năm 1946. Trong các thư trên, Người đều bày tỏ thiện chí và mong muốn của Việt Nam hợp tác với nhân dân Mỹ, trước hết là lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

        Người khẳng định: "Chúng tôi yêu cầu nước Mỹ-có bước quyết định ủng hộ nền độc lập của Việt Nam... Mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với Mỹ" (thư gửi Tổng thống Mỹ Tru-man ngày 16-2-1946).

        Rất tiếc là các bức thư trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhà cầm quyền Mỹ lúc đó, đã không nhận được một hồi âm nào. Bình luận về điều này, Giô-dép Am-tơ, luật gia Mỹ, trong cuốn Lời phán quyết về Việt Nam, viết: "Một cách lý tưởng mà nói thì nếu có sự ủng hộ của Mỹ, Cụ Hồ Chí Minh đã thành lập một Chính phủ ở Việt Nam, mà mặc dù là Cộng sản, vẫn có quan hệ hữu nghị với Mỹ... Nếu Mỹ ủng hộ Cụ Hồ vào lúc đó, thì Mỹ có thể đã tránh khỏi được một cuộc chiến tranh tốn kém, bi thảm ở Việt Nam trong nhiều năm về sau”.

        Pim-lốt đã bất chấp thực tế và bỏ qua kết luận trên của G. Am-tơ.

        2. Pim-lốt cũng đề cập đến hàng loạt vấn đề liên quan đến nhiều phía vào thời điểm năm 1946

        Tác giả viết: "... Việc quân Anh đổ bộ vào Sài Gòn cùng với thế yếu của ông Hồ trong việc giữ miền Nam đã làm cho tiệc tái lập quyền kiểm soát của người Pháp là điều khó tránh khỏi" (tr.12).

        Sen-bai Xten-tơn nguyên là sĩ quan Mỹ từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam đã viết trong Lời nói đầu rằng cuốn sách của Pim-lốt là "sự phản ánh xuất sắc thực tế chiến trường", rằng nó "bổ sung rất nhiều nhận xét sáu sắc". Nhưng thật lạ lùng là tác giả không nhớ, hoặc  cố tình quên rằng quân Pháp theo chân quân Anh trở lại Sài Gòn từ hồi đầu tháng 9 năm 1945 là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, xâm lược một nước độc lập có chủ quyền. Cả thế giới đều biết Pháp đã trao quyền thống trị Đông Dương cho Nhật từ tháng 3 năm 1945 và chính nhân dân Việt Nam đã đấu tranh tự mình giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945.

        Pim-lốt cũng cố tình không nhắc đến việc quân Anh, lấy danh nghĩa lập lại trật tự, buộc bộ đội Việt Nam rút khỏi thành phố, đòi đặt công an Việt Nam dưới quyền chỉ huy của họ. Đồng thời, họ thả và trang bị cho tù binh Pháp bị Nhật giam trước đây, sử dụng quân Nhật giúp Pháp, để Pháp trương cờ Anh trên xe, trên tàu thủy Pháp xâm chiếm các tỉnh Nam Bộ... Nhờ đó quân Pháp mới có điều kiện nhanh chóng mở rộng đánh chiếm ra Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

        Tác giả viết tiếp: “... Ở phía Bắc, quân Trung Hoa tràn vào, mặc dầu họ không can thiệp vào Chính phủ của ông Hồ, nhưng hành động của họ cũng làm giảm lòng tin của dân chúng" (tr.12).

        Sự thật là quân Trung Hoa dân quốc vào Việt Nam đã kéo theo đủ loại tay sai. Tuy nhiên, lúc ấy nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, chính quyền cách mạng đã được thiết lập từ Trung ương xuống cơ sở, khiến quân Tưởng không thể đưa tay sai lên lập chính phủ quân sự như dự định. Tuy nhiên, để tỏ thái độ không công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, trong giao dịch, họ không dùng công hàm của Chính phủ Trung Hoa dân quốc mà chỉ dùng Bị vong lục không có tiêu đề tên nước. Ngày 4 tháng 10 năm 1945, Hà Ứng Khâm đến Hà Nội, chỉ thị cho Lư Hán, Tiêu Văn thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá Việt Minh, giúp tay sai đánh đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ phản động. Toàn bộ âm mưu và hành động của quân Tưởng đã được ghi lại trong hồi ký của Lăng Kỳ Hàn - một nhà ngoại giao trong bộ máy của Lư Hán, có mặt ở Hà Nội lúc bấy giờ (Xem Lăng Kỳ Hàn. Đằng sau việc tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản tại Hà Nội, Nxb Tri thức thế giới, Bắc Kinh, 1984).

        Pim-lốt viết tiếp: "Tháng 2-1946, ông Hồ yêu cầu người Pháp giúp đỡ, chấp nhận nền độc lập hạn chế của Việt Nanh trong khuôn khổ một Liên bang Đông Dương do Pháp kiểm soát để đổi lấy áp lực buộc quân Trung Hoa rút đi" (tr.12).

        Thực ra, quan hệ giữa Pháp, Tưởng và Nhà nước Việt Nam khi ấy phức tạp hơn cách hiểu của Pim-lốt nhiều, và cũng không phải như tác giả đã viết.

        Đến tháng 2 năm 1946, quân Pháp đã xâm chiếm miền Nam, vấn đề tiếp theo là làm thế nào đưa được quân ra miền Bắc. Họ chuẩn bị cả phương án tiếp cận và bất ngờ đánh chiếm Thủ đô Hà Nội. Phương án này lại tuỳ thuộc vào các nhà chức trách Tưởng Giới Thạch.

        Để mở lối thoát, người Pháp ra sức tìm kiếm sự đồng loã của chính quyền Tưởng bằng cách trao đổi quyền lợi giữa hai bên trên lưng dân tộc Việt Nam. Hiệp ước Pháp - Hoa ra đời ngày 28 tháng 2 năm 1946 là kết quả của sự mua bán đó.

        Nhưng cả Pháp và Tưởng không thể không tính đến người chủ thực sự của xứ sở này là nhân dân Việt Nam với chính quyền cách mạng của mình. Bởi vậy, ngày 5 tháng 3, hạm đội Pháp tới ngoài khơi Hải Phòng, quân Pháp nóng lòng đổ bộ lên đất liền, nhưng quân Tưởng kiên quyết ngăn cản khi chưa có được sự thoả thuận của Việt Nam. Quân Pháp sợ cùng một lúc phải đương đầu với cả cách mạng Việt Nam và quân Tưởng và điều nguy hiểm hơn là như vậy sẽ dẫn đến sự can thiệp của Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #206 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:42:55 pm »


        Vào những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1946, Xanh-tơ-ni, Uỷ viên Cộng hoà Pháp, đại diện Chính phủ Pháp đã có nhiều cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm một giải pháp. Tuy nhiên, do lập trường thực dân của phía Pháp, nên bế tắc chưa được khai thông.

        Sáng sớm ngày 6 tháng 3, chiếc tàu đổ bộ đầu tiên của Pháp vừa đến cửa sông Cấm thì bị quân Tưởng bắn cháy. Quân Pháp bắn lại làm cháy kho vũ khí của quân Tưởng.

        Ngay từ tối hôm trước, cả đại diện Tưởng và sau đó là Pháp liên tiếp tới thương lượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong muốn đạt được thoả thuận có lợi cho họ.

        Để tránh đương đầu với cả Pháp, Tưởng cùng một lúc và gạt Tưởng về nước, mặc dầu không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, Chính phủ ta vẫn ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, đưa cách mạng ra khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã và cam go, tạo thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến.

        Thực tế là như vậy. Không có cái gọi là Việt Nam "yêu cầu người Pháp giúp đỡ" như kiểu đảo ngược phải trái của Pim-lốt.

        Khép lại năm 1946, Pim-lốt viết: "Quân Pháp lật đổ chính quyền của ông Hồ ở Hà Nội ngày 19 và 20-12-1946. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ" (tr.12).

        Phải nói rằng trong nhiều khía cạnh, sự kiện mà Pim-lốt đã viết ẩu, thì đây là chỗ ẩu nhất. Sự kiện ngày 19 tháng 12 năm 1946, ngày mà quân và dân Việt Nam chủ động mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đã quá rõ với độc giả. Không kể trong nước, nhiều tác giả nước ngoài đã đề cập đến sự kiện này trong các công trình của họ như Ph. Đơ-vi-le (Pháp), S. Tôn-nét-sơn (Na Uy), Kinh C. Chen (Mỹ gốc Hoa), He-ri-xơn (Mỹ)... với sự nhìn nhận khá khách quan. Và, không có chính quyền nào, cả Trung ương và địa phương, ở Hà Nội và nơi khác, "bị lật đổ" cả. Khi khả năng. thương lượng với Pháp không còn, chiến tranh không thể tránh khỏi, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo thống nhất, quân và dân Việt Nam ở đô thị Bắc Vĩ tuyến 16 đã nhất tề nổ súng tiến công địch. Điều này được ghi vào lịch sử như một nghệ thuật mở đầu kháng chiến. Đây cũng không là mốc khởi đầu chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Nếu viết như Pim-lốt thì từ ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi quân Pháp khởi hấn ở Nam Bộ, rồi Nam Trung Bộ và tiến hành các hoạt động xâm chiếm của họ cho tới trung tuần tháng 12 năm 1946, cùng cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam suốt thời gian đó, là gì vậy?

        3. Điểm lại diễn biến những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến, Pim-lốt còn nêu một số sự kiện, số liệu và nhận định không đúng hoặc thiếu chính xác

        Ví như, tác giả cho rằng Bộ chỉ huy quân Pháp tổ chức cuộc hành quân Ca-xto, bắt đầu từ ngày 20 tháng 11 năm 1953, là nhằm biến "Điện Biên Phủ thành một điểm thả neo để tiến công các tuyến tiếp tế của Việt Minh... quét sạch căn cứ địa phương của Việt Minh" (tr. 15).

        Thực ra, một số tướng lĩnh Pháp có ý định chiếm đóng Điện Biên Phủ từ khá sớm. Tuy nhiên đến cuối năm 1953, họ vẫn còn tranh cãi chưa quyết cho một thời điểm thực hiện ý đồ trên. Bỗng... Na-va nhận được tin tình báo rằng Đại đoàn 316 của Việt Minh từ ngày 15 tháng 11 sẽ di chuyển từ phía nam Hoà mình lên xứ Thái... Na-va quyết định đi trước một bước và ngày 20 tháng 11 cho ném 6 tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ. Na-va đã bị động phải xé lực lượng cơ động đang tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ ứng phó với việc điều binh của Bộ, chỉ huy tối cao Việt Nam.

        Pim-lốt còn viết bừa rằng Việt Nam Quốc dân đảng đã "góp phần tạo nên một hình thức kháng cự tập trung... Hình thức này đã được Đảng Cộng sản Đông Dương kế thừa và phát triển" (tr.11).

        Đây là một nhận xét rất sai lầm. Tác giả, không biết căn cứ vào đâu lại viết (tr.11) Việt Minh được thành lập vào tháng 3 năm 1941; sau đó (tr.21) lại viết Việt Minh thành lập 10 tháng 5 năm 1941 (??). Tác giả cũng giải thích rằng sở dĩ đại diện Mỹ không ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 vì cho rằng: Không có gì bảo đảm chắc chắn tính chất "tự do" của các cuộc bầu cử ở Việt Nam sau đó (tr.21). Ai cũng biết sự thực không phải như vậy.

        Trên đây là đôi điều trong số những điều mà Pim-lốt đã viết cần phải nói lại cho rõ. Nói như một danh nhân phương Tây: "Khoa học là một chuỗi sai lầm luôn luôn được sửa chữa". Nếu đó là sai lầm do khách quan hoặc vô ý thì có thể còn xem xét. Chúng ta hoan nghênh Pim-lốt đã giới thiệu lịch sử Việt Nam ở nước ông, nhưng lại thấy khó hiểu và khó tìm được sự thông cảm với Pim-lốt vì ông đã viết trái ngược hẳn nhiều vấn đề đã rất rõ, ngay cả với nhiều tác giả phương Tây. Mà những điều trái ngược ấy đều là những đánh giá khái quát mang ý nghĩa bào chữa, bênh vực cho chủ nghĩa thực dân và không đúng với lịch sử kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #207 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:44:29 pm »


VỀ NHỮNG SAI SÓT ĐÁNG TIẾC TRONG MỘT CUỐN TỪ ĐIỂN LỚN1

HỒ SĨ THÀNH         

        Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh là một cuốn từ điển lớn bao trùm nhiều lĩnh vực của một thành phố lớn nhưng còn rất trẻ với lịch sử 300 năm. Tập từ điển này do Thạch Phương và Lê Trung Hoa chủ biên cùng với 18 cộng tác viên. Với độ dày 1.140 trang, nó chứa đựng 9 nội dung: sự kiện, nhân vật, địa danh, đường phố, kinh tế, văn hoá - xã hội, báo chí xuất bản, tác phẩm, thành phố - những điểm đáng nhớ.

        Đây là tập từ điển được biên soạn khá công phu và phong phú về tư liệu, hấp dẫn và có ích đồi với nhiều đối tượng, nhất là những người làm công tác nghiên cứu, biên khảo... Trong đó, phần nhân vật và đường phố không chỉ giới hạn trong phạm vi thành phố mà còn mở rộng ra các tỉnh thành trong cả nước.

        Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sai sót và nhiều lỗi rất phô thông không đáng có đối với một công trình có quy mô như tập từ điển này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi chủ yếu đề cập những mục từ liên quan đến lĩnh vực quân sự.

        Chúng ta đều biết rằng lịch sử 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử đấu tranh anh hùng của Đảng bộ và nhân dân thành phố, trong đó, một phần quan trọng nằm trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, những sự kiện quân sự in đậm dấu ấn trong các giai đoạn lịch sử được thể hiện trong từ điển. Tiếc rằng ở đây, những người biên soạn phần chiến tranh và lực lượng vũ trang có lẽ thiếu am hiểu vấn đề hoặc chưa nghiên cứu đầy đủ tư liệu trước khi viết.

        Đơn cử ở phần "Thành phố - Những điểm đáng nhớ”, mục quân sự vần T, từ điển đưa vào "Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng (tr.1.035)", theo tôi là thiếu chọn lọc hoặc là một sự nhầm lẫn (?). Như ta đã biết, Tiểu đoàn nữ Lê Thị Riêng là đơn vị được thành lập cấp thời trong Tết Mậu Thân 1968 nhằm khuếch trương thanh thế của ta. Trên thực tế chỉ có khoảng 30 người, chủ yếu làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng và binh vận. Đơn vị chỉ trực tiếp chiến đấu trong đợt  (5-1968), chừng gần một ngày ở khu vực đường Cô Giang, hẻm 83 Đề Thám (Quận 2 cũ). Sau khi các đồng chí chỉ huy hy sinh và bị bắt thì "tiểu đoàn" tự giải thể và không còn tồn tại từ giờ phút ấy. Ở đây cũng cần nói thêm, đơn vì này, Quân khu 7 và Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận không có trong hệ thống lực lượng vũ trang.

        Chúng ta trân trọng những thành tích của Tiểu đoàn Lê Th! Riêng, đã đóng góp công sức, xương máu vào chiến thắng lịch sử Xuân Mậu Thân 1968. Nhưng một đơn vị như vậy không thể là sự kiện tiêu biểu "đáng nhớ" cho 300 năm thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh. Trong lúc đó, vần T, từ điển lại bỏ sót những đơn vị rất tiêu biểu như Tiểu đoàn Quyết tử 950, Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng anh hùng, Tiểu đoàn 6 Bình Tân, Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4. Đây là những đơn vị có bề dày truyền thống, từng lập được những chiến công xuất sắc qua hai cuộc kháng chiến.

        Cũng ở vần T, từ điển còn bỏ sót nhiều trận đánh vang dội tại trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn, gây chấn động trong và ngoài nước như trận tiến công Đại sứ quán Mỹ (30-3-1965), diệt 150 quan chức cao cấp Mỹ và chư hầu; trận cường tập của F100 biệt động vào sân bay Tân Sơn Nhất (4-12-1966); trận đưa pháo vào sát Sài Gòn pháo kích tan tác lễ quốc khánh ngụy (1-11-1966)...

        Ở vần C, tuyệt nhiên không thấy "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968", một sự kiện rất quan trọng, góp phần tạo bước ngoặt chiến tranh, buộc địch phải đến Hội nghị Pa-ri bàn việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Một sự kiện mang tầm vóc như thế mà không "lọt" được vào "những sự kiện đáng nhớ" của từ điển thì thật là đáng tiếc.

------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 5-2001)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #208 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:44:45 pm »


        Về phần nhân vật và tên đường liên quan đến quân sự, sai sót còn rất nhiều. Phần lớn là sai về thuật ngữ, quan niệm, đánh giá, thời gian, tên tuổi, cấp chức... Những cái tưởng chừng nhỏ nhặt, vô hại, đã thực sự làm giảm chất lượng của cuốn từ điển. Chỉ cần dẫn ra một số thí dụ cũng đủ thấy bất ổn, như cụm từ "Phó Chính ủy lực lượng vũ trang Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn", trong câu này thừa hẳn nhóm từ lực lượng vũ trang. Hay sách in: "Nguyên Thượng tướng Trần Văn Trà" là sai căn bản. Ta thường dùng chữ “nguyên" để chỉ chức vụ đã qua, còn cấp bậc trong quân đội là vĩnh viễn. Dùng như vậy có thể hiểu gây ngộ nhận là bị tước quân hàm hay quân tịch. Hoặc "đưa rước cán bộ" thì viết là "chuyển" rước... Từ điển còn giải thích rằng đường "Giải phóng" là do "biến cố” 30- (!) Tại sao có thể dùng từ một cách cẩu thả như vậy? Mọi người đều biết trước đây địch thường dùng chữ "biến cố” để làm giảm ý nghĩa thắng lợi của ta, như "biến cố Mậu Thân, Xuân - Hè 1972". Giải thích tên Chí Hoà thì viết rằng: "Nơi đây quân đội Pháp đã chiến thắng quân ta"... Với những cách "kiến giải" như trên thì đối tượng là học sinh, sinh viên (như trong Lời giới thiệu sách) làm sao có thể tiếp nhận lịch sử một cách đúng đắn, để nâng cao lòng tự hào dân tộc?!

        Theo tôi, những sai sót có thể tránh được nếu như người viết cẩn thận hơn và chịu khó cập nhật thông tin tư liệu thì trong từ điển không thể có chuyện Nguyễn Văn Trỗi (tr.28) hy sinh ngày 17 tháng 10 năm 1 (viết đúng là 15-10-1964). Anh hùng Phạm Văn Hai (tr.475) hy sinh năm 1966, lại viết là "tham gia nhiều trận đánh suốt hai cuộc kháng chiến”. Đội 5 biệt động F100 được tuyên dương Anh hùng một lần thì in sai là hai lần; ngày tuyên dương: ngày 20 tháng 11 năm 1969 thì in là 1989... Nữ Anh hùng Nguyễn Thanh Tùng (Điểm) đồng thời là Bà mẹ Việt Nam anh hùng rất xứng đáng được đưa vào mục từ Nhân vật, nhưng không thấy; trong khi nhiều người chưa thật tiêu biểu lại có tên (!).

        Ở phần Địa danh - đường phố cũng rất nhiều sai sót và bất cập trong cách kiến giải. Như đường Huỳnh Văn Chính (tr. 436) có câu: "... là đại đội phó biệt động vùng 3". Trong lịch sử biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định không bao giờ có vùng 3. Vùng 3 là từ mà chính quyền ngụy dùng để chỉ Sài Gòn và vùng phụ cận, tức "Vùng 3 chiến thuật". Các địa danh Bến Súc, Gót Chàng, Gò Đình, Tây Trắc... từ điển đều giải thích rằng "đây vốn là tên cũ của vùng này". Thực ra đây là những vùng căn cứ rất ác liệt, gắn liền với chiến công của Tiểu đoàn Quyết Thắng và các anh hùng Phạm Văn Cội, Tô Văn Đực, Lê Văn Đạm... Đặc biệt bưng Sáu Xã là căn cứ rất quan trọng của huyện Thủ Đức trong hai cuộc kháng chiến, đã trở thành vùng đất lịch sử, vậy thì khi mang tên đường đâu phải chỉ đơn thuần là một địa danh bình thường "có sẵn" như trong sách dẫn giải? Chỉ cần một câu bình ngắn gọn là ý nghĩa của con đường được nâng lên ở cấp độ cao hơn.

        Ngoài ra còn nhiều con đường viết sai tên khó chấp nhận như Lương Như Học thì viết là Lương Như Hốc, Trương Quốc Dung thành Trương Quốc Rụng, Láng The thành Láng Thé... Trong một câu thì trên là Quảng Lợi, dưới là Quán Lợi (tr.157)...

        Điểm nổi cộm đáng bàn cuối bài viết này là cuốn từ điển đã không cập nhập tên các tỉnh thành nên trong sách còn nhan nhản những tên như Nam Hà, Nghệ Tĩnh, Hà Bắc, Sông Bé, Nghĩa Bình... trong khi các tỉnh này đã tách ra và trở lại tên cũ từ năm 1997 về trước.

        Tóm lại, cảm giác chung khi đọc lướt qua đã có thể thấy "Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh" còn gợn lắm "cát sạn", riêng phần quân sự chỉ nhặt ra chừng ấy đã thấy khó chấp nhận. Nguyên nhân có nhiều, nhưng có lẽ cái chính là do sự thiếu cẩn thận và không tham khảo các cơ quan khoa học quân sự. Chính vì vậy mà cuốn từ điển đã có nhiều sai sót không lợi cho việc tìm hiểu, tra cứu, học tập của nhiều đồi tượng, làm sao "bạn đọc dễ dàng chia sẻ đồng cảm và lượng thứ" như Lời nói đầu của cuốn sách?.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #209 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:46:25 pm »

         
ĐÔI ĐIỀU CẦN NÓI VỀ MỘT CUỐN SÁCH QUÝ1

TRẦN TRỌNG TRUNG        

        Almanach-những nền văn minh thế giới (Almanach-những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1999) là một cuốn sách quý, vì nó mang nội dung bác học, giúp cho người đọc có những hiểu biết toàn diện về lịch sử nền văn minh nhân loại từ những buổi đầu khai thiên lập địa. Chỉ cần đọc qua mục lục cũng đủ thấy đây là một công trình nghiên cứu công phu, kết quả lao động dài ngày của một tập thể các nhà khoa học để có được trên 2.000 trang sách khổ lớn. Có điều đáng tiếc là cuốn sách có khá nhiều thiếu sót, làm giảm lòng tin của người đọc, cả về nội dung sự kiện, số liệu lịch sử, ngôn từ, cách thể hiện... Trong phạm vi một bài viết và trong tầm hiểu biết của mình, tôi xin nêu một số ý kiến để cùng các tác giả trao đổi.

        Thứ nhất: Nội dung các mục, các bài, làm cho người đọc nhận thấy thiếu sự thống nhất giữa các tác giả về mục đích biên soạn, nội dung, yêu cầu và phương pháp thể hiện. Xin nêu một vài dẫn chứng:

        1. Viết về danh tướng thế giới:

        Tôi cho rằng mục đích chủ yếu là để người đọc thấy được phương thức tổ chức xây dựng lực lượng, bản lĩnh cầm quân, . tài thao lược của từng vị tướng trong các thời điểm có ý nghĩa quyết định bước ngoặt quan trọng của chiến tranh. Trong cuốn sách, nội dung và cách viết về Giu-cốp (Joukov) là phù hợp. Và như vậy, những điểm dưới đây cần được nghiên cứu thêm:

        + Đầu đề giới thiệu tên của mỗi vị tướng, không nên kènmtheo mấy lời đánh giá của người viết (ví dụ: Đại nguyên soái Su-vô-rốp (A.V.Souvorov), vị danh tướng bất khả chiên bại). Nên thống nhất chỉ có họ tên, không nên vị tướng này thì có lời đánh giá, vị tướng khác thì không. Cần tránh những đầu đề tuỳ tiện, lạc lõng, không đồng dạng (như Vó ngựa xâm lăng Thành Cát Tư Hãn). Ta viết về danh tướng, muốn phê phán đầu óc xâm lược của họ, ta viết trong phần nội dung, không nên cho lên đầu đề.

        + Nội dung viết về một danh tướng không nên đi sâu, viết quá nhiều về gia thế, thời thơ ấu, chuyện thê thiếp và những giai thoại không liên quan đến sự hình thành và phát triển thiên tài quân sự của vị tướng đó (điển hình như trong trường hợp Thành Cát Tư Hãn). Tu-kha-sép-xki (Toukhatchevski) là một ví dụ khác. Sau mấy dòng về thân thế sự nghiệp, bài viết chỉ tập trung nói về nỗi oan uổng của viên tướng (do bọn Đức làm hồ sơ giả khiến Ban lãnh đạo Liên Xô mắc lừa và kết án tử hình ông về tội phản bội Tổ quốc). Không có nội dung gì chứng minh lời đánh giá của Giu-cốp (được dẫn ở cuối bài viết) rằng Tu-kha-sép-xki là một người khổng lồ của tư tưởng quân sự, một ngôi sao lớn nhất trong những chỉ huy ưu tú của Hồng quân. Đặc biệt đáng chú ý là bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta. Những mốc chiến lược quan trọng nhất trong 30 năm chiến tranh, trong đó Võ Nguyên Giáp thể hiện thiên tài quân sự của ông, là gì? Hoặc không rõ, hoặc sai và thiếu. 1- Riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trước hết cần làm rõ về chiến dịch Điện Biên phủ: Trong chiến dịch này, nếu ông không quyết đoán khi thay đôi phương châm tác chiến chiến dịch thì đâu có thắng lợi? Có phải khi địch mới đổ quân xuống Điện Biên Phủ và bị bao vây Phương châm tác chiến chiến dịch là “đánh nhanh giải quyết nhanh" với yêu cầu đánh tiêu diệt và đánh chắc thắng (như tác giả viết ở trang 328?). 2- Sao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ thấy Đại tướng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân - Hè 1975? Thế còn vai trò của ông trong những thời điểm lịch sử khác trên cả hai miền đất nước từ 1955 đến 1974 thì sao? 3- Sao tác giả dễ dàng đồng tình với người nước ngoài gọi ông là vị tướng 5 sao của quân đội Bắc Việt? Quân đội ta không có quân hàm 5 sao. Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh của quân đội cả nước. Những điều giản đơn đó, nếu người viết thận trọng hơn một chút thì cuốn sách sẽ được tôn giá trị lên biết bao?

-----------------------
       1. (Tạp chí LSQS số 1-2002)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM