Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:09:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47070 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #190 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:59:03 pm »


        Ở phương Tây, bên cạnh việc công bố các tài liệu gốc có lợi cho Anh, Mỹ trong việc xuyên tạc các hội nghị Tê-hê-ran, I-an-ta, Pốt-xđam, nhiều công trình nghiên cứu đã bóp méo lịch sử. Không ít sách quy nguyên nhân của CTTG thứ hai là do "sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội ở Nga" đe dọa hoà bình và an ninh thế giới. Họ tìm cách hạ thấp vai trò của Liên Xô trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, khuếch đại ảnh hưởng, vai trò thắng lợi của Mặt trận thứ hai. Một số tác giả lại khẳng định rằng chiến thắng của Liên Xô là do được Đồng minh phương Tây giúp đỡ và sau khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại lại mong dựng lên "chế độ độc tài cộng sản" trên thế giới.

        Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cũng đã nêu ra nguồn gốc và diễn biến của CTTG thứ hai một cách khá khách quan. Han-xơ A-đôn-phơ Gia-cốp-ben trong quyển "1939-1945: Chiến tranh thế giới thứ hai - Biên niên sử và tư liệu”, ở phần "Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra như thế nào", đã cho rằng hoạt động mở màn cho chiến tranh là việc thực hiện âm mưu của chủ nghĩa phát xít muốn thống trị thế giới. Theo tác giả: "Ngày 31 tháng 8 năm 1939, khi Hít-le ban bố lệnh cuối cùng về cuộc tấn công thì đúng 4 giờ 45 phút sáng ngày 1 tháng 9, các sư đoàn Đức tấn công ngay Ba Lan. Song đây là sự bắt đầu trong thực tế âm mưu đã được thực hiện của Hít-le trong việc chiếm đóng Pra-ha trước đó. Đây thực sự là khởi đầu của bước ngoặt quyết định dẫn tới chiến tranh... Lúc bấy giờ, Hít-le đã nhìn đến Ba Lan" (tr.10). Cho nên "khi Hít-le có ý thức gây ra cuộc chiến tranh chống Ba Lan thì cũng chính thức gây ra cuộc CTTG thứ hai" (tr.11).

        H.A Gia-cốp-ben, ở phần thứ II, khi trình bày "Những hồ sơ tư liệu, về “Con đường dẫn đến chiến tranh, 1933-1939", "Chính sách và việc tiến hành chiến tranh 1939-1942", "Chính sách và tiến hành chiến tranh 1943-1945", "Bất chấp truyền thống" và "Tục lệ Đức trong thời chiến", đã nêu rõ ý đồ gây chiến tranh xâm lược thống trị của bọn cầm đầu nước Đức phát xít.

        Kế hoạch và tiến trình chiến tranh xâm lược do Hít-le vạch ra, chứng tỏ rằng "việc tấn công Liên Xô đã được định ra từ trước" (tr.34) (Những con số trong vòng ngoặc đơn chỉ số trang mà chúng tôi trích dẫn theo quyển "Chiến tranh thế giới thứ hai. Hai quan điểm", Nxb Mư- xli, Mát-xcơ-va, 1995). Theo H.A. Gia-cốp-ben, "...việc Đức tấn công Liên Xô năm 1941 không phải là cuộc chiến tranh phòng ngừa. Quyết định của Hít-le tiến hành cuộc tấn công này không phải là nỗi lo sợ một cuộc tấn công sấm sét từ phía Liên Xô vào Đức, mà là sự kế tục của đường lối xâm lược đã bắt đầu từ năm 1939 và ngày càng bộc lộ công khai" (tr.34). Một trong những nguyên nhân thất bại chủ yếu của phát xít Đức ở Liên Xô là "không đánh giá đúng điều kiện, hoàn cảnh nước Nga, đặc biệt không đánh giá được sức người, sức của và dự trữ của Liên Xô" (tr.36).

        A.J.P Tay-lo, trong quyển "Chiến tranh thế giới hai" nêu rõ: do đã suy ngẫm trong 30 năm nên ông có đủ thời giờ để trình bày quan điểm của mình về cuộc CTTG (tr.375). Tác giả xác định rằng: "khi viết quyển sách này, tôi không đứng về phía một nước tham chiến, hay một liên minh nào, mặc dù tôi nghĩ rằng đất nước tôi đã chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa. Vì vậy, khi nêu ý kiến của mình về các vấn đề đang tranh cãi tôi đã cố hiểu kỹ tất cả nguồn thông tin có được" (tr.378).

        Tác giả cho rằng "người ta đã nhìn thấy trước CTTG nổ ra, nhưng trong quá trình diễn biến nó đã thay đổi tính chất và vai trò quyết định của những thành viên tham gia chiến tranh... Bản chất của cuộc CTTG thứ nhất được xác định là cuộc xung đột giữa các quốc gia của hai liên minh, hai khối Anh - Pháp - Nga và áo - Hung - Đức. Cuộc chiến tranh diễn ra giữa các nước cùng một chế độ xã hội" (tr.379). CTTG thứ hai phức tạp hơn về nguyên nhân bùng nổ, về lực lượng tham gia, về tiến trình, về hậu quả. Theo tác giả, chiến tranh nổ ra là một cuộc "đấu tranh về kinh tế" của Mỹ, Anh chống lại "Hít-le muốn xác lập sự thống trị của mình ở châu Âu”. Đây lại là một cuộc "đấu tranh giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, đối địch nhau; có lúc phải liên minh với nhau” (tr.382-386). Từ nhận thức như vậy, A.J.P Tay-lo đã nêu những điều không thống nhất, mâu thuẫn, ngay trong nội bộ lỗi phe. Mút-xô-li-ni thường hoạt động riêng rẽ, muốn độc quyền làm chủ vùng Địa Trung Hải. Đức và Nhật thường không hành động phối hợp với nhau được. Giữa Mỹ và Anh tuy có quan hệ chặt chẽ với nhau về kinh tế, quân sự, nhưng có lúc sự hợp tác cũng là hình thức. Liên minh giữa Liên Xô với Anh và Mỹ chỉ về danh nghĩa. "Các nhà lãnh đạo Xô-viết nhiều lần đề nghị (các nước Đồng minh) cùng nhau tấn công kẻ thù, nhưng lời kêu gọi của họ chưa lần nào được chấp nhận. Các chính khách phương Tây cho rằng, Nga muốn gây nên sự rối loạn ở châu Âu, còn các nhà chính trì Xô-viết lại tố cáo các cường quốc phương Tây đẩy mình vào cuộc chiến còn họ thì đứng ngoài... Song phương Tây không đánh giá đúng khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang nước Nga Xô-viết..." (tr.385).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #191 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:26:22 pm »


        Về kết thúc chiến tranh, nổi lên vấn đề về vai trò của Mỹ và Liên Xô trong việc buộc Nhật Bản đầu hàng không điều kiện.

        Các nhà nghiên cứu tư sản, chủ yếu là Mỹ, đã khẳng định việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki là đòn quyết định thủ tiêu chế độ quân phiệt Nhật, kết thúc CTTG thứ hai, đã được bắt đầu bằng việc phát xít Hít-le đầu hàng không điều kiện (9-5-1945). Các nhà sử học Xô-viết và các nhà sử học tiến bộ đã chứng minh việc Mỹ ném bom là để "răn đe" Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới; Mỹ đã phạm tội ác lớn. Một số nhà nghiên cứu phương Tây cũng đã nêu rõ sự thực về việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật.

        A.J.P Tay-lo đã nêu rõ sức mạnh của Liên Xô khi tấn công tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức. "Sta-lin đã không mất thì giờ”, khi quân Anh, Mỹ đổ bộ lên đất Pháp. "Cuộc tấn công theo kế hoạch sẽ tiến hành vào ngày 20 tháng 1 năm 1945, nhưng được bắt đầu từ ngày 12 tháng 1. Lúc bấy giờ Nga phải đối đầu với 170 sư đoàn của kẻ thù, so với 70 sư đoàn (của Đức) ở mặt trận phía Tây, trong số này có 30 sư đoàn rải ra dọc duyên hải Ban-tích... Người Nga có quân số đông hơn (quân Đức) 5,5 lần, vũ khí gấp 7,8 lần, xe tăng hơn 5,7 lân, máy bay gấp 17,6 lần" (tr.536).

        Trước sức mạnh từ hai phía Liên Xô và quân Đồng minh Anh - Mỹ, nhất là cuộc công phá Béc-lin của Hồng quân, sau khi giải phóng các nước Trung, Đông Âu, quân Đức phải đầu hàng. Các nước phương Tây xem ngày 8 tháng 5 là ngày chiến thắng phát xít, họ gọi đó là "ngày chiến thắng châu Âu”; còn đối với Liên Xô (nay là Nga) "ngày chiến thắng là ngày 9 tháng 5". Thực ra, "ngày các đơn vị Đức đầu hàng ở châu Âu không giống nhau. Ở Na-uy, số quân Đức lên tới 350.000 người, nhưng chưa bao giờ tham chiến, đã đầu hàng ngày 8 tháng 5. 20.000 quân Đức ở vùng Noóc-măng-đi (Normandie) đầu hàng vào ngày 9 tháng 5. Cuộc chiến tranh còn kéo dài đến ngày 11 tháng 5 và ngày 12 tháng 5 quân đội Xô-viết mới vào Pra-ha" (tr.541).

        Sau khi Đức đầu hàng, quân phiệt Nhật chỉ có thể tồn tại một thời gian ngắn, và khi đội quân Quan Đông bị Hồng quân Liên Xô đánh tan thì giờ đầu hàng đã điểm. Mỹ đã "muốn Nhật đầu hàng không có thương lượng" nên quyết định đánh "đòn phủ đầu”. Mỹ đã "chuẩn bị 3 quả bom nguyên tử. Một quả được thử ngày 16 tháng 7 ở A-la-mô-gô-đô thuộc bang Niu Mê-hi-cô. Quả bom thứ hai ném xuống Hi-rô-si-ma ngày 6 tháng 8, trong nháy mắt giết 71.000 người, làm nhiều ngàn người bị thương. Khi được tin bom nguyên tử đã ném xuống Hi-rô-si-ma, Tổng thống Mỹ Tơ-ru-man (Truman) vui mừng nói "Đây là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử!". Quả bom thứ ba ném xuống Na-ga-sa-ki ngày 9 tháng 8; 80.000 người đã chết.

        Cùng với việc Hồng quân đánh tan đội quân Quan Đông, việc Mỹ ném bom nguyên tử đã buộc Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô quyết định "phải đầu hàng ngay, không được chậm trễ". Ngày 14 tháng 8, Nhật quyết định đầu hàng không điều kiện; trên thực tế vẫn có một điều kiện - giữ lại Thiên hoàng. Sáng sớm ngày 15 tháng 8, lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô truyền đi trên đài phát thanh” (tr.548).

        Chủ nghĩa phát xít hoàn toàn bị đánh bại. Nhân loại ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc do bọn đế quốc hiếu chiến gây ra.

        Ngày 21 tháng 11 năm 1941, trên báo "Việt Nam độc lập", số 113, Hồ Chí Minh đã viết bài "Thế giới đại chiến và phận sự dân ta", Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân nắm lấy thời cơ chuẩn bị lực lượng đấu tranh giải phóng. Người đã đoán định: "Lịch sử loài người từ trước đến nay đã qua mấy cuộc chiến tranh, mấy cuộc cách mạng cho tới cuộc cách mạng này. Người đoán độ 4-5 năm nữa, ở ta chiến tranh sẽ tới bước quyết định và lúc ấy là cơ hội rất tốt cho cách mạng ta" (Võ Nguyên Giáp - Hồ Chủ tịch, người cha của quân đội cách mạng Việt Nam, trong quyển “Bác Hồ", Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr.187). Lời dự đoán của Hồ Chí Minh đã được lịch sử xác nhận.

        Trong CTTG thứ hai, Đảng ta đã xác định tính chất chiến tranh, hiểu rõ bản chất của các nước tham chiến, đứng về phía Đồng minh, hướng về cuộc chiến đấu của quân dân Liên Xô đã kết hợp cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc với cuộc đấu tranh chống phát xít, góp phần đáng kể vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #192 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:28:14 pm »


VỀ CHỦ TRƯƠNG THÀNH LẬP ĐỘI QUÂN VIỄN CHINH PHÁP Ở VIỄN ĐÔNG1


LÊ KIM       

        Nhiều năm nay, trong khi đề cập đến đội quân viễn chinh của Pháp ở Viễn Đông, có nhiều bài báo thậm chí một số cuốn sách đã nhận định lực lượng này được thành lập từ năm 1945, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã kết thúc, nhằm chiếm lại Việt Nam và toàn bộ thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Dương. Có tác giả viết: "Nghe tin Việt Minh đã giành được chính quyền tại Hà Nội, Chính phủ Pháp vội vã thành lập một đạo quân viễn chinh, giao cho tướng Lơ-cléc chỉ huy...".

        Sự thật hoàn toàn không đúng như vậy.

        Theo những tài liệu hiện đang lưu trữ tại Pháp thì chủ trương thành lập đội quân này đã có từ trước năm 1945, trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, và nhiệm vụ của đạo quân này cũng không chỉ dừng lại trong việc "tái chiếm Đông Dương" mà còn lớn hơn nhiều. Đồng thời tướng Lơ-cléc cũng không phải là người đầu tiên được chỉ định làm tư lệnh đạo quân này.

        Năm 1992, nhà xuất bản Đờ-nô-en ở Pháp đã cho ra mắt bạn đọc cuốn "Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương" do tướng I-vơ Gra biên soạn (Genéral Yves Gras - Histoire delagurre d'Indochine, Nxb Denoel. Paris. 1992) dày tới 610 trang, khổ 21 x 30 cm. Trong cuốn sách này, quá trình thành lập đội quân viễn chinh Pháp ở Viên Đông được đề cập với nhiều chi tiết cụ thể, trích dẫn từ các văn bản tài liệu chính thức của Pháp.

        Như nhiều người đã biết, sau khi Quốc trưởng Pê-tanh đầu hàng Hít-le thì tướng Đờ Gôn lập tức bay sang Luân Đôn (Anh) thành lập lực lượng kháng chiến Pháp bên cạnh Đồng minh. Năm 1942, lực lượng này đã tham gia chiến đấu bên cạnh liên quân Mỹ, Anh, Canada tại châu Phi.

        Ở Viễn Đông, Nhật Bản đưa quân vào Đông Dương từ tháng 9 năm 1940, đến tháng 12 năm 1941 thì phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, chiếm một loạt thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan. Năm 1943, quân Đồng minh bắt đầu phản công. Chính trong thời điểm này tướng Đờ Gôn chủ trương thành lập một đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, gọi tắt là CEFEO (Corps expéditonnaire Francais en Extrême Orient), có nhiệm vụ tham gia chiến đấu bên cạnh Đồng minh tương tự như lực lượng kháng chiến Pháp đang chiến đấu ở châu Phi. Như vậy, chủ trương thành lập đội quân này đã có từ trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, trước cả khi Nhật Bản tiến hành đảo chính Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), và tất nhiên là trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ.

        Tuy nhiên, do thiếu quân nên suốt năm 1943 và gần hết năm 1944 đội quân này vẫn chưa tổ chức được. Cuối năm 1944, nước Pháp được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức nhưng các lực lượng vũ trang kháng chiến của Pháp vẫn tiếp tục chiến đấu bên cạnh Đồng minh trên lãnh thổ nước Đức Cho đến khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, tướng Đờ Gôn lúc này đã là Chủ tịch Chính phủ lâm thời của Pháp mới có thể rút ra một số quân để đưa sang Viễn Đông. Ngày 4 tháng 6 năm 1945, Chính phủ lâm thời của Pháp chính thức quyết định thành lập đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Hai sư đoàn bộ binh thuộc địa ở châu Phi được chỉ định biệt phái sang Viễn Đông. Nhưng đến ngày 15 tháng 6 năm 1945, Chính phủ Pháp lại quyết định chỉ đưa sang Viễn Đông những đơn vị ở châu Âu đã được tôi luyện trong chiến tranh chống phát xít Đức. Đó là Sư đoàn bộ binh thuộc địa số  (9e DIC) đang đóng trên đất Đức, do Thiếu tướng Va-luy chỉ huy và một đoàn xe bọc thép thuộc Sư đoàn xe bọc thép số  (đã đi đầu khi tiến vào Pa-ri hồi tháng 8 năm 1944) do Trung tá Massu chỉ huy. Còn các sư đoàn bộ binh thuộc địa số 1 và 2 đóng ở châu Phi mà trước kia dự định đưa sang Viễn Đông thì nay được lệnh loại bỏ các binh sĩ da đen, chỉ giữ lại những binh sĩ da trắng, biên chế lại thành một sư đoàn, gọi là Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 do Thiếu tướng Ny-ô chỉ huy.

        So với số quân tham gia kháng chiến chống Đức (1 tập đoàn quân) thì cái gọi là "đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông" chỉ vẻn vẹn có 2 sư đoàn bộ binh và một binh đoàn xe bọc thép. Từ năm 1943, tướng Đờ Gôn đã chỉ định Thiếu tướng Blaizot chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Nhưng đến tháng 6 năm 1945, Chính phủ Pháp lại thay đổi quyết định, cử tướng Lơ-cléc làm Tư lệnh CEFEO. Lơ-cléc chính là người đã chỉ huy Sư đoàn xe bọc thép số 2 tiến vào Pa-ri hồi tháng 8 năm 1944.

---------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 3-1993)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #193 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:28:36 pm »


        Sau khi đã ổn định tổ chức, biên chế, Chính phủ Pháp liền báo tin đặt đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ Mac Arthur - Tư lệnh lực lượng Đồng minh ở Viễn Đông để cùng tham gia chiến đấu chống Nhật Bản. Theo nhận định của tướng I-vơ Gia thì, sau khi nhận được thông báo này "Chính phủ Mỹ chấp nhận trên nguyên tắc" nhưng không cung cấp cho Pháp các phương tiện để chở quân. Tướng Đờ Gôn nhận thức rõ Pháp đang bị bạn đồng minh Mỹ bỏ rơi vì tại một loạt cuộc hội nghị, ở Cai-rô, Tê-hê-ran rồi Pốt-xdam đều không có đại diện của Pháp. Vì vậy, ông càng xúc tiến việc cử đội quân viễn chinh đi tác chiến ở Viễn Đông, vì chỉ có góp xương máu vào việc đánh Nhật Bản mới có thể được chia phần sau khi chiến tranh kết thúc. Do Mỹ quá chậm trễ trong việc cung cấp phương tiện chở quân, tướng Đờ Gôn phải vật nài Anh là nước tạo điều kiện cho ông thành lập lực lượng kháng chiến chống Đức. Lời đề nghị của Pháp được Anh chấp nhận. Đô đốc Mounbatten - Tư lệnh lực lượng Anh ở Viễn Đông đồng ý tiếp nhận lực lượng CEFEO của Pháp. Một kế hoạch phối hợp tác chiến được vạch ra: lực lượng CEFEO của Pháp sẽ tập kết ở Ấn Độ. Sau khi Anh chiếm lại Sinh-ga-po, lực lượng này sẽ được "ưu tiên" đổ bộ lên bán đảo Đông Dương. Lúc này, các nhà chiến lược Mỹ, Anh đều dự đoán đến năm 1946 chiến tranh mới kết thúc.

        Khó khăn chủ yếu của Pháp vẫn là phương tiện chở quân. Toàn bộ tàu buôn của Pháp (chạy thoát khỏi tay Đức) đều đã đặt dưới sự điều động của Đồng minh và còn đang sử dụng để vận chuyển quân đội của Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan trên chiến trường Thái Bình Dương rộng lớn. Cho mãi tới ngày 16 tháng 8 năm 1945, sau khi Nhật Hoàng chính thức tuyên bố xin hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và sau khi Chính phủ Pháp đã liên tục đề nghị, lúc này Mỹ mới đồng ý trao lại cho Pháp một số tàu biển. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Hội đồng Chính phủ Pháp lập tức họp bàn và quyết định, căn cứ vào số phương tiện vận chuyển ít ỏi hiện đang nắm được trong tay, sẽ đưa dần lực lượng viễn chinh pháp sang Viễn Đông làm ba đợt, trong tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 1945. Mục tiêu lúc này không còn chiến đấu chống Nhật nữa mà là khôi phục chủ quyền của Pháp trên bán đảo Đông Dương. Cũng trong ngày 17 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Pháp quyết định cử tướng Đắc-giăng-li-ơ làm Thượng sứ Pháp ở Đông Dương. Thiếu tướng Lơ-cléc vẫn giữ chức Tư lệnh lực lượng CEFEO.

        Vẫn theo I-vơ Gra, ngày 18 tháng 8 năm 1945, tướng Lơ-cléc lập tức đáp máy bay lên đường làm nhiệm vụ, trong khi các tàu biển đang từ các nơi kéo về tập trung tại bến cảng Tu-lông để chuẩn bị chở quân. I-vơ Gra viết: "Khi máy bay cất cánh, tướng Lơ-cléc vẫn chưa biết tình hình gì đã xảy ra tại Đông Dương cho nên ông dự định bay thẳng đi Sài Gòn. Khi máy bay đáp xuống Ca-ra-si để tiếp nhiên liệu, lúc đó Lơ-cléc mới nhận được điện của Đô đốc Mounbatten mời tới Cô-lôm-bô, thủ phủ Xây-lan (là Srilanca) là nơi đặt tổng hành dinh của Anh để "phổ biến tình hình". Ngày 22 tháng 8 năm 1945, Lơ-cléc tới Cô-lôm-bô mới biết, Đồng minh đã quyết định tạm chia Đông Dương thành hai khu vực với đường ranh giới là Vĩ tuyến 16. Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) tiếp quản khu vực phía Bắc vĩ tuyến, Anh tiếp quản khu vực phía Nam để tước vũ khí quân đội Nhật Bản. Quyết định của Đồng minh không nói gì đến vai trò và nhiệm vụ của quân Pháp ở Đông Dương cả.

        Để vận chuyển 70.000 quân và trang bị của đội quân viễn chinh từ Pháp tới Đông Dương với quãng đường dài 14.000 hải lý, Pháp cần 145 tàu biển nhưng trong số đó chỉ có 12 tàu được mang cờ Pháp, số còn lại vẫn mang cờ Đồng minh vì "chưa làm xong các thủ tục để chính thức trao lại cho Pháp" (!) Vì vậy cuộc chuyển quân tiến hành rất chậm và kéo dài. Suốt tháng 8 năm 1945, tướng Lơ-cléc nằm chờ "đại quân" mà chưa thấy tới. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Lơ-Cléc nhận được chỉ thị của Chính phủ Pháp trao cho nhiệm vụ đặc biệt: thay mặt nước Pháp tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản trên tàu chiến Mít-su-ri ở Vịnh Tô-ki-ô. Dự lễ xong, Lơ-cléc quay trở về Ấn Độ khẩn khoản đề nghị bạn đồng minh Anh cho phép được "cùng đưa quân vào Sài Gòn, dù chỉ là một số đơn vị tượng trưng". Đô đốc Mounbatten đồng ý cho Pháp được đưa một đại đội bộ binh đi cùng với quân Anh vào Sài Gòn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tướng Anh Đu-glát Grê-xi. Đại đội này rút từ Trung đoàn bộ binh thuộc địa số  (5e RIC) đang túc trực ở Ấn Độ. Ngày 5 tháng 9, đại đội này cùng đi với đội tiền trạm của Anh tiến vào Sài Gòn.

        Mấy ngày sau, 1.500 quân thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 1 (11e RIC) nằm trong số quân của Pháp bị Nhật Bản tước vũ khí và bắt giam sau vụ đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945 được các thế lực phản động của Anh bí mật tiếp tế vũ khí, gây nhiều vụ khiêu khích tại Sài Gòn, chiếm đóng các công sở của ủy ban nhân dân. Các lực lượng tự vệ của ta lập tức chống lại. Ngày 21 tháng 9 năm 1945, Tư lệnh quân Anh là Grê-xi tuyên bố lệnh thiết quân luật ở Sài Gòn. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chiến tranh bùng nổ.

        Mãi tới ngày 5 tháng 10 năm 1945, tức hơn một tháng sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, tướng Lơ-cléc - Tư lệnh CEFEO mới đáp máy bay tới Tân Sơn Nhất giữa lúc cuộc kháng chiến đang bùng nổ tại Nam Bộ. Cuối tháng 11 năm 1945, toàn bộ trung đoàn bộ binh thuộc địa số  (5e RIC) và sư đoàn bộ binh thuộc địa số  (9e DIC) mới tới Nam Bộ. Cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta ở miền Nam buộc tướng Lơ-cléc phải suy nghĩ. Ông báo cáo về Pháp, đề nghị: vừa điều đình với Trung Quốc (Quốc dân đảng) vừa điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh để đưa quân đội Pháp vào miền Bắc, thay quân đội Tưởng Giới Thạch. Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hiệp định Sơ bộ được ký. Sư đoàn bộ binh thuộc địa số  (9e DIC) được rút từ miền Nam đưa ra miền Bắc...

        Giai đoạn đầu của đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn đông là như vậy. Cuốn “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương" của I-vơ Gra cung cấp cho ta một số tư liệu bổ ích, mặc dù trong cuốn sử này còn có một số quan điểm cần tranh luận. Chúng ta ghi nhận chủ trương của Đờ Gôn sớm thành lập đội quân viễn chinh để chiến đấu chống phát-xít Nhật Bản, nhưng không thể nào đồng ý với việc Pháp sử dụng đạo quân này để chiếm lại Đông Dương, mặc dù Đờ Gôn ngày 24 tháng 3 năm 1945 đã tuyên bố sẽ "cho 5 xứ trong Liên bang Đông Dương được "tự trị".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #194 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:30:07 pm »

           
QUỐC KỲ VIỆT NAM: CỜ ĐỎ SAO VÀNG NĂM CÁNH1


TRẦN QUANG VỸ        

        Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, biểu tượng của nước Việt Nam trên chính trường quốc tế, là niềm tự hào của nhân dân ta, vì chính nhân dân ta đã phất cao lá cờ này trong những năm tháng hào hùng đấu tranh gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh để giành Độc lập - Tự do - Thống nhất cho dân tộc trước đây và phấn đấu để đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ngày nay.

        Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc và làm rõ thêm vài chi tiết trên Quốc kỳ, chúng tôi xin cung cấp với độc giả một đôi điều vừa mới được sưu tầm.

        I. Về nguồn gốc của lá cờ đỏ sao vàng

        Trong công trình nghiên cứu Lịch sử cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940), công trình khoa học cấp Nhà nước đã dược nghiệm thu, đánh giá xuất sắc, Hội đồng chỉ đạo và chủ nhiệm công trình gồm phần lớn là các đồng chí đã tham gia cuộc khởi nghĩa này và các thời kỳ cách mạng nối tiếp, hiểu biết tình hình mọi mặt (trong đó có 9 đồng chí nguyên là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2 đồng chí là Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) đã khẳng định "cờ đỏ sao vàng năm cánh, lần đầu tiên được dùng trong cuộc khởi nghĩa, đã được giương cao trong cùng thời gian ở nhiều nơi nổi dậy thuộc 18 tỉnh như Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thủ Dầu Một, Bến Tre... diễn ra từ đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940 đến ngày 14 tháng 1 năm 1941.

        Pháp đã bắt được cờ đỏ sao vàng đem về để trong góc phòng tra tấn ở Sở Mật thám đường Ca-ti-na (Catinat) thành phố Sài Gòn và bắt được cả cờ đỏ sao vàng trong căn cứ Mớp Xanh - Bo Bo. Một số sách, báo có nói tới đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (Đồng chí Nguyễn Hữu Tiên (1910-1941) người thôn Lũng Xuyên xã Yên Bắc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, một nhà giáo đã sớm tham gia cách mạng. Năm 1927, được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí là người đầu tiên thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của huyện Duy Tiên. Năm 1931, đồng chí phụ trách in lại tờ báo "Búa Liềm", sách "Bước đầu của Chủ nghĩa Cộng sản và xuất bản tờ báo "Đỏ" của Đảng bộ Hà Nam. Cùng năm, đồng chí bị địch bắt và phải lĩnh án tử hình. Khi ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) đồng chí tham gia viết bài cho "Lao tù Tạp chí”. Năm 1932, đồng chí chống án tử hình và được giảm xuống án khổ sai chung thân, bị đưa giam ở nhà tù Sơn La, rồi bị đưa đi đày ở Côn Đảo năm 1933. Năm 1935, qua hai lần vượt biển mới thoát khỏi nhà tù Côn Đảo trở về đất liền, hoạt động tại các tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá), sau đó hoạt động xây dựng cơ sở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, là Xứ ủy viên Nam Kỳ. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đến năm 1941, bị toà án thực dân Pháp kết án tử hình cùng một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ. Ngày 26-8-1941, địch đưa đồng chí ra xừ bắn tại Hóc Môn (Gia Định)) là người thiết kế lá cờ này, vẽ mẫu từ năm 1939.

        Hiện nay, tại thôn Lũng Xuyên xã Yên Bắc, thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam là quê hương của ông, có nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến. Ở đó có bức chân dung của ông bằng sơn dầu do nhạc sĩ Văn Cao (người sáng tác bài Tiến quân ca, Quốc ca của Việt Nam) vẽ vào năm 1981 khi nhạc sĩ Văn Cao về thăm, đã dựa theo bức ảnh từ thời Pháp thuộc còn lại của Sở Mật thám Pháp.

        Vài tư liệu có nói rằng: khi Xứ ủy Nam Kỳ họp quyết định khởi nghĩa, Hội nghị có bàn đến việc quần chúng cách mạng sẽ dùng cờ gì (không dùng cờ búa liềm của Đảng), đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy đã cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến... quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ khởi nghĩa. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến lúc bấy giờ phụ trách cơ quan ấn loát của Xứ ủy được phân công thể hiện lá cờ đó.

        - Có tài liệu cho rằng cờ đỏ sao vàng đã được phổ biến cho các đại biểu các tỉnh trong các cuộc hội nghị ở Tân Hương (tháng 7) và Xuân Thới Đông (tháng 9 năm 1940) của Xứ ủy Nam Kỳ.

        - Trong cuốn "Nguyễn Hữu Tiến - truyện" của Sơn Tùng, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1981, ở mục 15 với tiêu đề "Vẽ cờ Tổ quốc", tác giả viết Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm văn học chứ không phải là sách nghiên cứu về khoa học lịch sử.

        - Một lão đồng chí trên 90 tuổi đời Nguyễn Văn Cung - người từng sống chung với đồng chí Nguyện Hữu Tiến trong nhà tù, nói: "Đồng chí Nguyện Hữu Tiến đoán biết địch sẽ xử tử đồng chí. Đồng chí dạy tôi lý luận, kể cho tôi biết nhiều chuyện. Tôi chưa hề nghe đồng chí nói về việc đồng chí là người vẽ sáng tạo lá cờ đỏ sao vàng".

---------------------
       1. (Tạp chí LSQS số 5-2002)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #195 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:31:09 pm »


        Uỷ  ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam có Tờ trình số 207/TT-UB ngày 21 tháng 3 năm 2001 gửi Bộ Văn hoá - Thông tin về việc công nhận đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc.

        Bộ Văn hoá - Thông tin đã giao trách nhiệm cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm, tập hợp, phân tích các nguồn tài liệu có được về vấn đề này.

        Đến ngày 18 tháng 4 năm 2001, Bộ đã có công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu ký phúc đáp Tờ trình của UBND tỉnh Hà Nam, trong đó có đoạn như sau:

        “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng; tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người đã vẽ lá cờ Tổ quốc. Gần đây nhất, công trình khoa học cấp Nhà nước đã được nghiệm thu, đánh giá với kết quả xuất sắc, cũng không khẳng định tác giả vẽ cờ đỏ sao vàng là ai..."

        Nói tóm lại, qua phân tích các nguồn tài liệu hiện có, Bộ Văn hoá - Thông tin không thể chứng minh được đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ đỏ Tổ quốc và do vậy cũng không thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ ghi nhận công trạng này của đồng chí. Hơn nữa, việc xác định các nhân vật lịch sử, nhất là các nhân vật có liên quan đến lịch sử Đảng lại là việc của Viện Lịch sử Đảng chứ không phải là của Bộ Văn hoá - Thông tin.

        II. Nguồn gốc ý tưởng của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh

        Theo chúng tôi thì nền cờ màu đỏ, biểu tượng cho sự đấu tranh đã có trong một số cuộc khởi nghĩa hoặc cách mạng. Trước đó, trên thế giới, hoặc cờ của Quốc tế Cộng sản (3-1919) hoặc quân hiệu trên mũ của Hồng quân Nga (2-1918) hay Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (8-1927) đều là ngôi sao màu đỏ.

        Vì vậy về nguồn gốc của ý tưởng, một vài ý kiến cho rằng đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, khi ở trong tù (năm 1931) đã nói tới cờ màu đỏ, có ngôi sao vàng.

        Trước đó nữa, phải chăng là ý tưởng ban đầu của Bác Hồ từ khoảng năm 1925, khi Người, với tên là Lý Thụy, đến Quảng Châu (Trung Quốc) sáng lập Việt Nam Cách mạng thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất bản tuần báo Thanh niên (21-6-1925) do Người trực tiếp chỉ đạo. Vi-nhét cạnh tên tờ báo có hình ngôi sao năng cánh biểu tượng của tờ báo, cũng là biểu tượng của Việt Nanh Cách mạng thanh mến.

        Hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh đã biểu hiện trong cả giấc ngủ của Bác qua bài thơ "Không ngủ được" mà Bác viết trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (Năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh. Thảng 8 năm đó, Người sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng chống Nhật của người Việt Nam ở đó nhưng vừa qua biên giới, Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ qua nhiều nhà tù ở Quảng Tây. Trong thời gian này, Người viết tập thơ "Nhật ký trong tù”. Tháng 9-1943, Người được trả lại tự do).

                                “… Canh bôn, canh năm vừa chợp mắt
                                Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh"

        Một câu chuyện về Bác giải thích ý nghĩa của năm cánh sao vàng do tác giả Trần Văn Hà viết mới đây (Giáo sư Trần Văn Hà - Cách mạng mùa Thu, ấn tượng sâu sắc, báo Sức khoẻ và Đời sống, số 102, ngày 24 tháng 8 năm 2002), đại ý như sau:

        “Năm 1946, Hội Liên hợp quốc dân Việt Nam được thành lập thay cho Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Hoàng Hữu Nam, là Chủ tịch Hội, một hôm bảo ông Hà, khi đó là Tổng thư ký, chuẩn bị tổ chức đoàn đại biểu của Hội ở Thủ đô Hà Nội vào chào Bác. Đoàn gồm đủ đại diện các giới: sĩ, nông, công, thương, binh. Bác nói chuyện rất thân tình và hỏi: "Các cụ, các cô các chú có biết ý nghĩa của sao vàng năm cánh là gì không?". Im lặng. Bác xoè bàn tay chỉ vào từ ngón cái đến ngón út và nói: "Đây là sĩ, nông, công, thương, binh. Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn, đủ năm ngón kết lại một thành bàn tay". Rồi Bác nắm chặt bàn tay lại, đưa ra phía trước và nói tiếp: "Đoàn kết, đại đoàn kết mới có sức mạnh, mới thành công được"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #196 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:31:34 pm »


        III. Về quá trình lịch sử của Quốc kỳ

        Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác Hồ với tên gọi là Già Thu về nước, ở hang Pắc Bó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người có mang theo một lá cờ bằng lụa đỏ, ở giữa đính ngôi sao vàng năm cánh bằng giấy và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (tháng 5-1941), quyết định thành lập Mặt trận Việt minh và lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ chính thức của Mặt trận (19-5-1941).

        Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và lấy cờ Việt Minh làm ngọn cờ khởi nghĩa. Tại Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1945, ta đã biến cuộc mít tinh của Tổng hội công chức của Chính phủ thân Nhật thành diễn đàn của cách mạng và thành cuộc biểu tình tuần hành ủng hộ Việt Minh. Một lá cờ đỏ sao vàng rất to từ bao lơn tầng gác Nhà Hát Lớn buông xuống phủ kín cả một khoảng mặt tiền của Nhà Hát, rồi cờ Việt Minh đã cùng quần chúng diễu hành ở các phố lớn trước mặt lính Nhật đứng im không dám giở trò gì.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội, cũng như các cuộc khởi nghĩa ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước (từ 18-8 đến 28-8-1945) nhân dân ta, với biển người, biển cờ đỏ sao vàng đã làm cuộc cách mạng long trời lở đất, giành lấy chính quyền về tay mình.

        Ngày 2 tháng 9 năm 1945, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại lễ đài ở Quảng trường Ba Đình khi Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ đó cờ đỏ sao vàng trở thành Quốc kỳ của nước ta.

        Một chi tiết cần lưu ý là sự thay đổi về hình múi ngôi sao được quy định ở Quốc kỳ nước ta, theo văn bản Nhà nước là múi sao phình ra cánh sao góc thẳng rộng) và múi sao thon lại (ngôi sao có cánh thon).

        Theo các nhân chứng lịch sử thì lá cờ năm 1940 tại cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa có cánh sao thon như Quốc kỳ hiện nay, có cờ lại đặt vị trí ngôi sao không ở chính giữa. Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh và khi họp Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (lá cờ còn lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng) thì cờ có múi sao rộng hơn.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945, trong cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thì ngôi sao trên các lá cờ của quần chúng cách mạng cũng như trên lá cờ được buông xuống trước Nhà Hát Lớn có lá cờ thì sao múi rộng, có lá lại là sao múi thon.

        Để chuẩn hoá Quốc kỳ, ngày 5 tháng 9 năm 1945, sau ngày Độc lập, Sắc lệnh số 5 do dộng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó, ký thay Chủ tịch Chính phủ lâm thời về Quốc kỳ, có quy định:

        - Bác bỏ cờ quẻ ly.

        - Cờ hình chữ nhật màu đỏ và vàng tươi, bề ngang bằng 2/3 chiều dài. Ngôi sao có 5 góc lồi và 5 góc lõm.

        - Ngôi sao ở trung tâm nền cờ.

        Mẫu cờ này được Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I, tháng 11 năm 1946 biểu quyết thông qua.

        - Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá I tháng 9 năm 1955, Bộ Tuyên truyền thay mặt Chính phủ báo cáo lên Quốc hội xin sửa đổi chi tiết về ngôi sao vàng trên Quốc kỳ như sau:

        “Múi sao phình ra bây giờ sửa lại múi sao thon lại. Năm góc thẳng đều nhau, như vậy vẽ dễ hơn, đơn giản hơn".

        Quốc hội giao cho một Tiểu ban nghiên cứu về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, do Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng làm Trưởng tiểu ban và báo cáo của Tiểu ban đọc trước Quốc hội có đoạn như sau:

        "Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Chính phủ quy định rằng: hình những cánh sao của Quốc kỳ sẽ thon lại. Năm nét thẳng đều nhau những nét vẽ thẳng trông đẹp hơn, khoẻ hơn là những cánh sao góc thẳng rộng). Nhân dân từ trước đến nay vẫn vẽ ngôi sao với cánh thon".

        Quốc hội đã nhất trí thông qua quy định này về Quốc kỳ. Như vậy, chính thức là ngôi sao cánh rộng đã ghi dấu ấn trên khắp nẻo đường của Tổ quốc trong những sự kiện lịch sử từ tháng 9 năm 1945 đến cuối năm 1955.

        Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 2 tháng 7 năm 1976 tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã nhất trí đặt quốc hiệu "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, cùng với Quốc ca và Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

        Xin nói thêm về Quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam, được Hội đồng Chính phủ chính thức duyệt y ngày 25 tháng 12 năm 1954. Vì vậy, ngôi sao vàng trên Quân kỳ khi đó cũng là sao múi rộng và phải đến sau khi Quốc hội thông qua sao có cánh thon (9-1955) thì mới như Quân kỳ hiện nay.

        Lịch sử dân tộc khẳng định cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện từ thời kỳ cách mạng còn đang trứng nước, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã hy sinh biết bao xương máu, bao người con yêu quý của đất nước đã ngã xuống để giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #197 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:33:18 pm »


NGUỒN GỐC CỤM TỪ "ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ”1


TRẦN QUANG VỸ         

        Cách đây độ 5, 6 năm, các thầy, cô giáo dạy môn lịch sử ở một số trường phổ thông đã viết thư đến Đài Truyền hình Việt Nam hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa cụm từ "Anh bộ đội Cụ Hồ".

        Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) gửi công văn sang cơ quan chức năng nghiên cứu về lịch sử Quân đội nhờ giải thích, và sau đó đã phát bài trả lời gửi các thầy, cô giáo dạy lịch sử trên toàn quốc, với những ý như sau:

        a- Bác Hồ là người cha thân yêu của quân đội. Tháng 12 năm 1944, Bác trực tiếp thảo ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, trong đó Người nêu rõ "vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân". Tuân theo chỉ thị này, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ được cử hành.

        b- Từ nhân dân mà ra, Quân đội nhân dân Việt Nam (ĐNDVN) đã được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, có nhiệm vụ chủ yếu là cùng toàn dân chiến đấu thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, bảo vệ Tố quốc đồng thời quân đội là một đội quân công tác, tham gia tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng, phát triển cơ sở chính trị, xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở và lực lượng vũ trang địa phương, là một đội quân sản xuất, cần cù sáng tạo.

        c- Vì vậy, "Bộ đội Cụ Hồ" là một danh hiệu mà nhân dân suy tôn, nói lên đức tính cao đẹp của những người dân mặc áo lính, xứng đáng với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong dịp lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội (22-12-l964): "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" (Các chữ vàng này đã có từ trước. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, Bác đã cho thành lập Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Bác đã bảo đồng chi Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Bộ Quốc phòng chuẩn bị một lá cờ thêu có 6 chữ vàng Trung với nước, hiếu với dân để Bác tặng trường làm cờ truyền thống". Ngày 26-5-1946, tại lễ khai giảng khoá đầu tiên của trường, sau lễ chào cờ, Bác Hồ từ lễ đài bước xuống sân đi thẳng tới hàng quân danh dự. Bác dừng lại trao lá cờ thêu 6 chữ vàng trên nền sa tanh đỏ cho học viên Bùi Bình Tâm, chiến si Nam Bộ (theo cuốn Lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1, xuất bản 1-1955).

        Nội dung của bài trả lời trên đúng với bản chất của những cán bộ và chiến sĩ quân đội, đã được Đảng và Bác tổ chức, lãnh đạo, giáo dục rèn luyện, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng đã cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành nhiệm vụ giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

        Nhưng theo những điều mà chúng tôi tìm hiểu được, ở đây chúng tôi muốn đề cập tới nguồn gốc cụ thể của cụm từ "Anh bộ đội Cụ Hồ". Nó ra đời trong những hoàn cảnh, điều kiện nào? Để các bạn đọc cùng trao đổi.

        Lần đầu tiên tôi đã được nghe nghĩa là gọi "Anh bộ đội Cụ Hồ" vào ngày 6 tháng 2 năm 1946, khi đó tôi nhập ngũ vào Ban Y tế Vệ Quốc đoàn "được cử lên Bộ phận Y tế Vệ Quốc đoàn ở trên Bắc Kạn. Lúc nhập ngũ được đeo quân hiệu trong vành vàng và sao vàng thêu bằng chỉ trên nền đỏ của miếng nỉ (được gọi là cán bộ cấp úy). Từ phố Phủ Doãn đi bộ sang bến xe Gia Lâm ở gần cầu Chui để lấy vé xe khách lên Bắc Kạn. Lúc đó ở bến xe chỗ ra vào có 1 tên lính Tàu Tưởng khoác súng trường đứng để kiểm soát đi lại. Tôi ra xe thì anh phụ lái nói "các bà con ngồi thu lại để “Anh bộ đội Cụ Hồ" lên. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ này.

        Nhưng theo chúng tôi, cụm từ này được nhân dân lao động dùng vào cuối năm 1945.

        Về mặt ngôn ngữ, cụm từ này rất dân dã. Từ "Cụ Hồ" được dùng phổ biến vào những tháng năm đầu sai khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập được khai sinh. Trong thời gian này, cũng như trong thời kỳ còn bị Pháp thuộc, những người trên dưới 50 tuổi trở lên được nhân dân tôn kính gọi bằng Cụ. Hồ Chí Minh khi đó đã 55 tuổi, nên mọi người dân đều gọi bằng Cụ Hồ vừa để tôn vinh về tuổi tác vừa để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người. Từ “Bác Hồ" chỉ được nhân dân dùng nhiều hơn về sau này (Hồ Chủ tịch chỉ xưng Bác với những người thân cận trong thời gian đầu và bút danh "Bác Hồ" lần đầu tiên xuất hiện ở trên bài báo Bác viết vào tháng 10 năm 1946) (Ngay đến thời kỳ đầu Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức mật điện vào cho Trung đoàn Thủ Đô ở Liên khu 1 còn dùng "các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh..." chứ không dùng chữ các chú).

        Để phân tích nguồn gốc của cụm từ “Anh bộ đội Cụ Hồ", chúng tôi thấy cần thiết điểm lại những sự kiến đáng lưu ý ở khu vực và nước ta những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946.

        Đó là những ngày tháng lịch sử, cả nước Việt Nam sục sôi khí thế cách mạng nhưng cũng là những ngày tháng mà chính quyền cách mạng còn non trẻ, vận mệnh đất nước đứng trước những thử thách to lớn:

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, đến ngày 28 tháng 8 năm 1945, thắng lợi trong cả nước.

        Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Tổ quốc và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (VNDCCH).

-------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 1-2003)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #198 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:33:39 pm »


        Từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 9 năm 1945, hàng vạn quân Tưởng kéo vào chiếm đóng các vị trí xung yếu, các cửa ngõ của Thủ đô; kiểm soát, khám xét, bắt giữ người, ngăn cản sự đi lại của nhân dân như một đội quân chiếm đóng nước ngoài. Bám gót quân Tưởng là hàng trăm tay sai phản động trong các tổ chức yêu nước giả hiệu: Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng Đồng minh hội, Phục quốc đảng do Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam cầm đầu.

        Trong khi đó, ở miền Nam, quân Pháp, được sự hỗ trợ của quân Anh, kéo vào gây hấn ở Sài Gòn, rồi lần lượt mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nên từ ngày 23 tháng 9 năm 1945, đồng bào miền Nam đã phải tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến.

        Tình hình đất nước cực kỳ khó khăn, nền độc lập của nước nhà bị đe dọa bởi các thế lực phản cách mạng bên trong lẫn bên ngoài. Trong khi đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ còn phải lo toan đối phó với tình hình kinh tế tài chính, xã hội hết sức nguy nan: nạn đói còn dai dẳng, hết lụt lại đến hạn, sức dân kiệt quệ, đồng ruộng bỏ hoang. Kho bạc của chính quyền cũ để lại chỉ còn 1 triệu 23 vạn đồng, quá nửa là tiền hào rách.

        Lúc bấy giờ, ở Hà Nội có 3 lực lượng mặc quân phục: trước hết là bộ đội và tự vệ chiến đấu của ta, quân của Trung Hoa dân quốc và các phần tử đảng phái phản động.

        Chợ Đồng Xuân là một chợ lớn ở trung tâm thành phố, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho nhân dân, cũng là nơi mà cả 3 lực lượng trên đều cử người đến mua, nhất là bộ đội ta đóng rải rác trong Liên khu 1, quân Tưởng đóng ở trong thành và một số vị trí trên đường bờ sông. Lực lượng phản động có sào huyệt ở Quán Thánh, Đỗ Hữu Vị, nay là phố Cửa Bắc, Ngũ Xã...

        Bọn lính Tưởng, bọn phản cách mạng đến chợ với thái độ ngông nghênh, chòng ghẹo phụ nữ, mua quệt, phá quấy, ăn nói sàm sỡ, trái ngược hoàn toàn với các bộ đội và tự vệ của ta, nên những người buôn bán ở chợ đều nhận rõ. Vì vậy, bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân bảo nhau cất giấu những thực phẩm tươi, ngon xuống gầm bàn và nói nếu “Anh bộ đội Cụ Hồ" đến mới đưa ra.

        Cụm từ "Bộ đội Cụ Hồ" và "Anh bộ đội Cụ Hồ" nhằm chỉ những anh lính rất trẻ, đội mũ ca-lô có quân hiệu tròn bằng nỉ màu đỏ với ngôi sao vàng thêu bằng chỉ (Vệ quốc quân) hoặc quân hiệu vuông (Tự vệ chiến đấu) mà bản chất tốt đẹp thể hiện bằng lời ăn tiếng nói, bằng cử chỉ thái độ, bằng nét mặt nụ cười, ánh mắt của các anh.

        “Anh bộ đội" là cụm từ thân thương, trìu mến mà chị em tiểu thương, những người lao động nghèo của Thủ đô gọi bộ đội cách mạng, đối lại với các từ "bọn lính, lũ lính, tên lính, thằng lính" để chỉ bọn phản cách mạng. Như vậy, cụm từ "Bộ đội Cụ Hồ" và "Anh bộ đội Cụ Hồ" xuất phát từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng mà tác giả của nó không rõ là Của một người cụ thể nào đó trong số bà con buôn bán ở chợ Đồng Xuân lúc bấy giờ.

        Cụm từ này càng được phổ biến trong nhân dân Thủ đô khi quân Tưởng và các đảng phái phản động ra sức chống phá chính quyền của ta, gây ra những vụ lộn xộn.

        Đến tháng 6 năm 1946, quân Tưởng rút hết về nước theo quy định của Hiệp ước Pháp - Hoa (28-2) và Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) một số bọn phản động chạy theo quân Tưởng về Trung Quốc, số còn lại quay làm tay sai cho thực dân Pháp. Bọn Việt Nam quốc dân đảng và bọn Đại Việt quốc dân dáng (lập ra từ khi quân Nhật kéo vào Việt Nam vốn là tay sai của Nhật) thống nhất với nhau thành Quốc dân đảng Việt Nam để chống lại cách mạng. Không còn công khai mặc quân phục, đeo súng, nhưng câu kết với Pháp, đã tổ chức vũ trang ở 132 Bùi Thị Xuân, số 7 ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều) tiến hành các vụ bắt cóc, tống tiền, ám sát cán bộ, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng vào ngày 14 tháng 7 năm 1946. Nắm được âm mưu này ngày 12 tháng 7 năm 1946, ta bất ngờ tiến công vào số nhà 132 Bùi Thị Xuân, tóm gọn bọn phản động. Đến ngày 13 tháng 7 năm 1946, ta đã diệt sào huyệt số 7 phố ôn Như Hầu.

        Khi bọn phản động ở Thủ đô và các nơi khác (Việt Trì, Vĩnh Yên, Yên Bái, Bắc Ninh) bị trấn áp và tan rã, sau đó, cụm từ "Anh bộ đội Cụ Hồ" không còn được bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân dùng để phân biệt bộ đội ta với bọn phản động mặc quân phục nữa. Tuy vậy, cụm từ này, vẫn còn lưu truyền nơi cửa miệng dân gian trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp (Những năm kháng chiến chống Pháp, trên các nẻo đường ở Việt Bắc, Thanh - Nghệ - Tĩnh, người ta thầy các quán hàng "Quán Quân nhân, Quán Mẹ chiến sĩ, Quán Bộ đội Cụ Hồ" do Hội Mẹ chiến sĩ các địa phương tổ chức để các anh bộ đội hành quân. hoặc đi công tác qua dừng chân ăn uổng không phải trả tiền vì khi đó hàng quán rất thưa thớt (có khi là quán của đồng bào Thủ đô tản cư dựng lên)) gian khổ nhưng rất hào hùng. Điều này, nói lên sự tôn vinh của quần chúng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cụm từ "Bộ đội Cụ Hồ" hoặc “Anh bộ đội Cụ Hồ" vẫn được luôn nhắc đến để nói lên bản chất tốt đẹp của những người dân mặc áo lính, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, từ thế hệ này đến thế hệ khác, đã được Đảng, Bác Hồ tổ chức lãnh đạo, giáo dục, nhân dân cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng, như lời giải thích của cơ quan chức năng về lịch sử quân đội đã trả lời trên Đài THVN trước đó.

        Đến nay, những "Anh bộ đội Cụ Hồ" thuộc thế hệ mà bà con buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) gọi một cách trìu mến trong những ngày đầu của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ nhiều người đã hy sinh hoặc đã mất, người còn sống đã thành cụ, thành ông bà, nhưng các thế hệ "Anh bộ đội Cụ Hồ" vẫn nối tiếp truyền thống của ông, cha, và cụm từ này vẫn đọng mãi mãi trong con tim và khối óc của nhân dân ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #199 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2016, 10:35:31 pm »


TÌM HIỂU THÊM VỀ TỪ "BỘ ĐỘI” VÀ “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”1


TRẦN QUANG VỸ       

        1. Định nghĩa về từ “Bộ đội”

        Từ ghép "Bộ đội" là từ Hán Việt, trong cuốn "Hán Việt từ điển" của Đào Duy Anh xuất bản năm 1943 thì: chữ "bộ” là bước đi "đội” là một đội quân, có nghĩa là đội quân đánh trên bộ.

        Tìm xuất xứ chữ Hán, chúng tôi thấy ở cuốn từ điển "Từ Nguyên" xuất bản ở Bắc Kinh (Trung Quốc), năm 1998, thì nó được dùng đầu tiên ở sách "Tân Đường thư binh chi”' (sách ghi về việc binh nhà Đường mới) từ cuối đời Đường vào thế kỷ thứ IX.

        Chúng tôi không tìm thấy từ này được sử dụng trong sách báo thời kỳ Pháp thuộc (như báo Đông Pháp...) mà người viết chỉ dùng chữ "quân đội, lục quân, bộ binh, đạo quân...", còn nhân dân thì thường nói là "lính, lính Tây, lính lê dương (để chỉ quân chiếm đóng người Âu), lính khố đỏ, lính khố xanh (để chỉ người Việt đi lính cho Pháp vì họ có thắt lưng vải để vạt ở trước bụng màu đỏ (lính chính quy), màu xanh (lính bản xứ: garde indigène), lính cơ, lính lệ (lính gác của Nam Triều)…

        Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở các vùng bị tạm chiếm, hầu như từ "bộ đội" cũng không dùng trên sách báo mặc dầu trong các cuốn từ điển xuất bản trong vùng này, các tác giả đã dịch từ bộ đội ra tiếng Pháp, tiếng Anh, trong khi đó từ bộ đội lại dùng rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong giao tiếp dân dã tại các vùng tự do.

        Chúng tôi xin nêu một dẫn chứng. Cuốn Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng của Tổng cục Chính trị xuất bản năm 1954, trong bài “tình cá nước", ở trang 27 có đoạn viết. Nhân dân ta biết ơn bộ đội, các cụ già thường nói "thương dân như bộ đội cụ Hồ. Lòng yêu mến bộ đội không khác tình “ruột thịt"...

        2. Thời điểm mà từ bộ đội được thấy trên sách báo

        Chúng tôi muốn tìm xem từ bộ đội được viết trên sách báo từ lúc nào. Trong cuốn "Sức mạnh Việt Nam", Nxb QĐND, Hà Nội, năm 1976, bài "Ba mươi một năm phấn đấu làm tròn chức năng của Đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất", trang 457 có đoạn viết: "Từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) đã ra đời đứa con "đầu lòng của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam": Đội "Du kích Bắc Sơn", phát triển lên thành "bộ đội du kích Bắc Sơn" (14-2-1941) rồi thành "Cứu quốc quân" (5-1941)...

        Chúng tôi có đọc hết các số của báo "Việt Nam độc lập" (Báo Việt Nam độc lập, phát hành từ năm 1941 đến năm 1945. Lúc đầu là Cơ quan tuyên truyền Việt Minh của tỉnh Cao Bằng. Khi căn cữ địa mở rộng, Việt Nam độc lập trở thành cơ quan của Liên tỉnh Hội Việt Minh Cao Bằng, Bắc Kạn, rồi sau thành cơ quan của 3 tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Toàn bộ bộ sưu tập báo có 171 số Bảo tàng Cách mạng còn lưu trữ được 156 số bản gốc. Bác Hồ là người chỉ đạo trực tiếp báo "Việt Nam độc lập", là Tổng biên tập và là người viết nhiều bài nhất cho báo) lưu trữ tại Bảo tàng Cách mạng để tìm chữ bộ đội được viết trên báo này và thấy rằng:

        Từ đầu năm 1943, Việt Minh khu căn cứ Cao Bằng - Bắc Kạn đã tuyên truyền việc chống khủng bố, việc thành lập các ban xung phong chống khủng bố, các đội tự vệ thường, đội tự vệ chiến đấu để biến thành đội du kích…

        Tuy vậy, trên các trang báo cho đến số 200 ra ngày 15 tháng 12 năm 1944 (tức là một tuần lễ trước khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân) chưa xuất hiện từ bộ đội, còn đối với quân của các nước Đồng minh và các nước phát xít vẫn dùng các từ "quân đội, Hồng quân hay lính Nhật"...

        Số 201 ra ngày 5 tháng 1 năm 1945, báo đưa tin ngay trên trang đầu "Chào mừng năm 1945". "Đội tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân xuất hiện", rồi ngay sau đó là "Thông báo số 1" như sau: "Ngày 11 tháng 11 là ngày 25-12 tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, bộ đội gì không rõ, kéo đến Phai Khắt, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình. Sau đó, người cai tây và tất cả 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng c.m đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất..." (Theo chúng tôi, lời viết giản dị, mộc mạc này có thể là của Bác Hồ viết để đồng bào, đồng chí độc giả dễ hiểu, và nhất là Bác lại là "Tổng biên tập" của tờ báo, như vậy phải chăng Bác Hồ là người đầu tiên đã sử dụng từ "bộ đội" trên báo. - Chữ c.m là viết theo nguyên văn của bài).

        Từ bộ đội còn thấy ở các số báo Việt Nam độc lập tiếp theo, số 21 (ra ngày 10-4-1945), 21 (ngày 12-4-1945), 21 (ngày 21-4-1945), 21 (ngày 10-5-1945), 21 (ngày 31-5-1945).

        Số 2 (ngày 20-7-1945 là số cuối của báo Việt Nam độc lập có từ "bộ đội" trong mục "chú ý", có nhắc đến: “Cán bộ đi lại, nhất là bộ đội phải có giao thông quen đưa (thư từ-TQV) mới nhận, trừ người thật quen...".

--------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 6-2003)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM