Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:06:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47057 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #180 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:31 pm »


        - Cũng ở cột 3, THT viết tiếp: "Sáng sớm anh Tỉnh đội trưởng đưa tôi xuống Tánh Linh (cũng không nói ngày nào). Các sư đoàn chủ lực Miền đã đánh chiếm cao điểm Lồ Ô đang tiến vào chi khu quân sự (Tánh Linh - PHC). Một đơn vị khác đang vây đánh đồi Bảo Đại và bắn phá hủy diệt sự phòng thủ của địch ở Chi khu Võ Đắc (tức chi khu Hoà Đức - PHC). Bà con các xã Lạc Tánh, Võ Xu, vùng Biển Lạc đang bừng bừng khí thêm nổi dậy diệt ác ôn. Bà con ở Bắc Ruộng, ở Gia Khiêm cùng Quân giải phóng truy bắt tàn quân"... Tường thuật chỗ này, THT đã có sự nhầm lẫn lớn về hai thời kỳ của chiến dịch Tánh Linh - Hoài Đức. Như trên đã nói, các sư đoàn chủ lực Miền chỉ chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4 của Miền, đánh giải phóng Phước Long (6-1-1975) chứ không có các sư đoàn chủ lực Miền nào đánh chiếm cao điểm Lồ Ô và đang tiến vào chi khu Tánh Linh cả. Đánh Lồ Ô do Tiểu đoàn 200c đặc công Quân khu 6 đánh diệt đêm 10 tháng 12 năm 1974, mà Lồ Ô chỉ có 1 đại đội địch tăng cường thôi. Sau đó 1 đại đội của ta chiếm Lồ Ô, bắn phá chi khu Tánh Linh, giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh. Đêm 9 tháng 12, ở chi khu Hoài Đức, Sư đoàn  (thiếu) của Quân khu 7 phối hợp với Quân khu 6 tiến hành chiến dịch Tánh Linh - Hoài Đức, đánh Hoài Đức không dứt điểm, Tiểu đoàn 19 đặc công Sư đoàn 6 diệt đồi Bảo Đại và bắn phá hủy diệt chi khu Hoài Đức. Sau hai lần tiến công chi khu Hoài Đức (Võ Đắc) không dứt điểm. Chủ lực Miền đã giải phóng Phước Long xong, ngày 10 tháng 1 năm 1975 Miền cho kết thúc đợt 1 chiến dịch Tánh Linh - Hoài Đức, rút Sư đoàn 6 về lại Quân khu 7. Tôi có mặt ở Tánh Linh - Hoài Đức thời gian này. Vậy khi THT đến Tánh Linh, Hoài Đức, sau Tết khoảng 3 tháng thì Tánh Linh đã được giải phóng hơn 2 tháng rồi, nhân dân Tánh Linh sững yên ổn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm (không có xã Gia Khiêm) là căn cứ ở Bắc sông La Ngà từ năm 1965 nên không có chuyện tưng bừng nổi dậy diệt ác ôn ngày 24, 25 tháng 12 năm 1974 như xã Lạc Tánh. Chỉ có các xã Võ Xu, Trà Tân, Đức Chính mới nổi dậy phá ấp chiến lược ngày 23 tháng 3 năm 1975 lúc bộ đội giải phóng chi khu Hoài Đức và quyện Hoài Đức. Biển Lạc là địa danh của rừng Cát Lớn, có hồ Biển Lạc là căn cứ của các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Bình Tuy, không có dân. THT viết xã Biển Lạc là không đúng vì không có xã Biển Lạc.

        THT không phải là người địa phương, mới đến cực Nam Trung Bộ - Khu 6 lần đầu, không nắm chắc các địa danh, ngày giờ của các sự kiện nên viết sai sự thật lịch sử. Đã vậy, tác giả không đối chiếu kỹ bài viết của mình với các nguồn tư liệu lịch sử trong thời gian từ cuối năm 1974 đến tháng 3 năm 1975 đã có đầy đủ trong các tài liệu, sách, báo của Trung ương và địa phương. Đối với tôi và những ai ở và biết về cực Nam Trung Bộ - Khu 6 - Bình Thuận đều có thể thấy rõ bài viết "cực Nam Trung Bộ, tháng tiến công" của THT có nhiều chỗ chưa đúng với sự thật lịch sử như tôi đã nêu trên đây. Và chính điều này vô hình dung làm giảm tính thuyết phục của bài báo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #181 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:09 pm »

     
PHẦN IV


TÌM HIỂU MỘT SỐ HUYỀN THOẠI VỀ MƯU LƯỢC CỦA GIA CÁT LƯỢNG TRONG "TAM QUỐC DIỄN NGHĨA”1

HOÀNG ĐAN        

        L.T.S: Giữa một công trình lịch sử và một cuốn tiểu thuyết lịch sử có sự khác nhau. Tiểu thuyết lịch sừ có những tình tiết hư cấu xung quanh cái "nhân” của sự thực sự kiện lịch sử mà các nhà sử học và bạn đọc có thể rút ra, từ những sự kiện trong những tiểu thuyết đó, những điều bổ ích. Toà soạn xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Đan để bạn đọc tham khảo.

        Đọc Tam quắc diễn nghĩa của La Quán Trung, chúng ta không khỏi nghi vấn sự thật một số huyền thoại về Gia Cát Lượng, nổi lên ba huyền thoại chính:

        - Gia Cát cầu phong.

        - Trận đồ bát quái.

        - Trâu gỗ, ngựa máy.

        Chúng tôi đưa vấn đề này hỏi một số giáo sư ở Học viện Quân sự Trung Quốc tại Nam Kinh trong lần sang Trung Quốc để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa hai Học viện quân sự Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi được các giáo sư lọc viện quân sự Trung Quốc giới thiệu như sau:

        Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết của La Quán Trung. Người viết tiểu thuyết có quyền hư cấu theo sáng tạo của họ. Ba vấn đề các đồng chí Việt Nam tìm hiểu thì khoa học ngày nay chứng minh đó là câu chuyện hư cấu của người viết tiểu thuyết, không thể đúng với thực tế.

        1. Gia Cát cầu phong

        Mượn gió Đông nảy sinh trong đại chiến Xích Bích, tức tạo yếu tố quyết định thắng bại của trận đánh, Gia Cát Lượng liệu có thể hô phong hoán vũ được không? Đáp án khoa học đương nhiên là không thể được. Cũng có không ít nhà khoa học cho rằng Gia Cát Lượng thấu hiểu thiên văn học và khí tượng học, nên có thể dự đoán được sẽ có gió Đông Nam. Thực ra, khả năng có gió Đông Nam là rất ít. Những nhân vật cổ xưa, không ít người hiểu được thiên văn học và khí tượng học. Nếu Gia Cát Lượng biết được thì trong quân đội viễn chinh của Tào Tháo tất nhiên cũng có người biết được. Huống chi theo ghi chép của sử sách, Gia Cát Lượng sinh ở Lãng Nha (thuộc tỉnh Sơn Đông) lớn lên ở Nam Dương (tỉnh Hà Nam) cách Trường Giang mấy nghìn dặm. Vào thời ấy, giao thông và tin tức chưa thuận lợi, Gia Cát Lượng chẳng thể có khả năng thấu hiểu địa hình và tư liệu khí tượng của khu vực Trường Giang.

        Các nhà khoa học Trung Quốc đã đi tới vùng xảy ra trận Xích Bích và đi đến kết luận: do đặc điểm địa hình vùng Xích Bích, tuy vào thời điểm tháng Một, gió Tây Bắc là chính, nhưng thỉnh thoảng cũng xuất hiện gió Đông Nam. Đó là gió địa hình tạm thời, mỗi lần xuất hiện chỉ một, hai ngày; thậm chí một, hai giờ, tư liệu khí tượng cũng không ghi chép. Vì vậy chỉ có những người sống ở vùng này lâu năm mới nắm được Gió Đông Nam xuất hiện tạm thời ở vùng Xích Bích vào tháng 11 chỉ là do người trong đội quân Chu Du nắm được. Thực tế Chu Du cũng chỉ biết có thể có gió Đông Nam, nhưng cụ thể ngày nào gió Đông Nam xuất hiện thì Chu Du cũng không thể nắm chắc. Điều đó chứng minh khi Hàm Trạch đưa thư của Hoàng Cái xin làm nội ứng cho Tào Tháo, khi quân Ngô xuất quân đánh quân Tào, Tào Tháo hỏi vặn Hàm Trạch tại sao trong thư không ghi rõ ngày giờ hành động, Hàm Trạch nói rằng: "Hoàng Cái chẳng phải là thống soái, làm sao biết được ngày giờ Đông Ngô xuất quân". Bởi thế, hai bên cùng xác định lấy cờ hiệu có vẽ sông làm tín hiệu. Như vậy, có thể kết luận: lợi dụng gió Đông Nam để đánh hoả công diệt quân Tào là công của Chu Du, Gia Cát Lượng không tham dự vào việc này.

--------------------
       1. (Tạp chí LSQS số 6-1998)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #182 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:47 pm »


        2. Trận đồ bát quái

        Tam quốc diễn nghĩa chép: Lục Tốn đã giành được đại thắng, dẫn quân đuổi đến phía Tây. Cách Quí Quan không xa, Lục Tốn chợt nhìn thấy ở bãi sông phía trước một trận địa sát khí đùn lên, giật cương ngựa quay lại báo các tướng rằng: "Trước mặt ắt có mai phục, ba quân không được tiến bừa". Lục Tốn sai thám mã đi xem xét, báo lại rằng không có quân đóng ở đấy. Qua nhiều lần quan sát không thấy quân Thục, chỉ thấy sát khí bốc lên, Lục Tốn cho rằng đó là thuật mê hoặc người nên dẫn quân xông vào trận đá. Trời sắp tối, Lục Tốn dẫn quân về, đột nhiên cuồng phong nổi lên ầm ầm. Trong phút chốc cát bay, đá chạy trùm cả trời đất, lại thấy quái thạch cao chót vót, tua tủa như kiếm, bãi cát dưới chân dựng thành luỹ như núi. Lục Tốn vội vã trở về mà không tìm cược lối ra. Sau nhờ một trưởng lão ở vùng đó dẫn ra và qua trưởng lão mới biết đó là Bát trận đồ do Gia Cát Lượng bày ra. Nhà viết tiểu thuyết miêu tả tình tiết này thực thần kỳ, song lấy quan điểm lịch sử mà xem xét, có thể nói là hoang đường.

        Các nhà khoa học Trung Quốc qua khảo sát đi đến kết luận: có Bát trận đồ nhưng chẳng phải thuật thần kỳ môn độn giáp như miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa. Như vậy rốt cục Bát trận đồ là gì?

        Qua khảo sát nơi Lục Tốn vấp phải Bát trận đồ thuộc huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên thấy ở đây vẫn còn di tích. Các nhà khảo cổ cho đó là những khối đá xếp thành Bát trận đồ Trận đồ bát quái ở Phụng Tiết còn thấy ở hai địa phương khác, một nơi ở huyện Miễn Tính, tỉnh Thiểm Tây gần với phần mộ Giá Cát Lượng; một nơi thuộc huyện Tân Quận, tỉnh Tứ Xuyên. Các nhà khảo sát kết luận đây chỉ là nơi Gia Cát Lượng xếp đá bày trận để luyện quân.

        Căn cứ vào trận đá còn lại và qua nghiên cứu tài liệu do các nhà sử học, các tướng lĩnh ghi chép lại, thì Bát trận đồ thực chất là cách bày quân theo một thế trận nhất định, dùng khi chiến đấu phòng ngự và khi đóng quân, đề phòng đối phương tập kích.

        Trận đồ này lấy trận lớn ôm lấy trận nhỏ, hình thành một khu vực phòng ngự vòng tròn, có thể đánh được địch tiến công bất kỳ hướng nào. Trận nhỏ nhất, cơ sở của toàn bộ trận đồ được bố trí gồm 8 phân đội đứng 8 góc (thực chất đã hình thành vòng tròn). Ngoài 8 phân đội bố trí 8 góc (8 phương) còn có một phân đội cơ động bố trí ở giữa bảo vệ cơ quan chỉ huy, vừa để cơ động ra hướng bị uy hiếp. Lực lượng cơ động này di chuyển bằng một loại xe bốn phía đều có gỗ che đê tránh mũi tên của địch sát thương khi phải rời trận địa ở giữa để tiến ra một hướng nào đó. Các trận nhỏ xung quanh cộng với lực lượng cơ động, hình thành một trận lớn. Cứ thế, số quân càng nhiều, trận càng lớn. Di tích ở Phụng Tiết có 64 trận nhỏ (trận cơ sở). Di tích ở Tân Quận có 128 trận. Cách bố trí như trên thực chất là phòng ngự vòng tròn có chiều sâu có lực lượng dự bị bố trí bên trong. Bên tiến công rất khó phá vỡ loại thế trận như trên. Vì vậy, Gia Cát Lượng đã nói: "Bát trận đã thành, từ nay việc quân không lo thất bại nữa”. Cùng thời với Tam Quốc, tại Việt Nam, Thục An Dương Vương xây Loa Thành bao gồm ba lớp thành vòng tròn. Triệu Đà đã đánh vào đấy nhiều lần nhưng đều thất bại. Cuối cùng Triệu Đà phải dùng gián điệp mới thắng được Thục An Dương Vương. Tổ chức phòng ngự ở Cổ Loa cũng là một cách của lấy trận lớn ôm trận nhỏ.

        3. Trâu gỗ, ngựa máy

        Cần nói ngay không thể có trâu bằng gỗ và thời Tam Quốc cũng không thể có ngựa máy. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đi đến kết luận: trâu gỗ, thực ra là một loại xe có bánh tròn bằng gỗ, do người đẩy. Xe chở được lượng lương thực cho một người ăn trong một năm (khoảng 200kg), tốc độ di chuyển là tốc độ của người đi bộ. Đầu xe có hình trâu tròn nên gọi là trâu gỗ. Xem hình cũ miêu tả trong nhà bảo tàng Học viện quân sự Nam Kinh, chúng tôi thấy nó giống như loại xe mà người Nghệ Tĩnh dùng phổ biến trước năm 1945, gọi là xe cút-kít, chở được 150kg - 200kg.

        Ngựa máy thực chất là một loại xe có bốn bánh cũng bằng gỗ chở được nhiều hơn trâu gỗ, có thể do người kéo và đẩy, hoặc do trâu kéo. Nhưng để có tốc độ cao hơn, Gia Cát Lượng còn dùng ngựa kéo, vì vậy gọi là ngựa máy. Xem hình vẽ thiêu tả chẳng khác xe bò ta dùng hiện nay là mấy, có khác là xe có hai trục bốn bánh, không phải một trục hai bánh.

        Gần đây, đọc quyển sách Gia Cát Lượng Khổng Minh đại truyện do Trần Vân Đức biên soạn, Nguyễn Quốc Thái dịch, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 1998), cũng thấy nói về Gia Cát cầu phong, Bát trận đồ, trâu gỗ, ngựa máy giống như các giáo sư Học viện quân sự Nam Kinh giới thiệu. Chúng tôi thấy những nội dung trên đã được các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu, có thể tin cậy được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #183 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:41:06 pm »


AI LÀ TÁC GIẢ ĐÍCH THỰC CỦA KHẨU SÚNG AK47 HUYỀN THOẠI1

LÊ MINH QUANG       

        Khẩu súng trường mang nhãn hiệu "AK" cho đến hôm nay vẫn là vũ khí bộ binh tốt nhất thế giới và nhiều người vẫn tin rằng Ka-la-xnhi-cốp là tác giả của sáng chế lịch sử này. Chữ "A" trong nhãn hiệu này là viết tắt chữ cái đầu tiên của từ “Auftomat" có nghĩa là súng trường), còn chữ "K" là chữ cái đầu tiên của từ "Ka-la-xnhi-cốp" là họ của người sáng chế ra súng. Nhưng sự chân thực về sự ra đời khẩu súng này và vai trò của Ka-la-xnhi-cốp trong lịch sử đó như là một nhà thiết kế đầu tiên thì chưa có một tài liệu nào xác nhận. Trên thực tế việc thiết kế, chế tạo khẩu súng huyền thoại này liên quan đến rất nhiều các công trình sư Xô-viết đầy tài năng trường lĩnh vực súng bộ binh. Trong đó, người đóng vai trò chủ yếu là kỹ sư quân sự Va-xi-li Phê-đô-rô-vích Liu-tưi. Vậy, Liu-tưi là ai và ông có quan hệ thế nào với khẩu súng huyền thoại này?

        Va-xi-li Phê-đô-rô-vích Liu-tưi sinh năm 1918 ở làng Ut-xtơ La-bin-xcai-a, xứ Cu-ban (Nga). Năm 1941, sau khi tốt nghiệp Học viện Pháo binh của Hồng quân vào loại xuất sắc ông được điều đến phục vụ tại Trường Thử nghiệm nghiên cứu khoa học về vũ khí bộ binh và súng cối của Tổng cục Pháo binh ở làng Xu-rô-vô (tỉnh Mát-xcơ-va) với cương vị là kỹ sư thử nghiệm. Trong những năm chiến tranh, ông phụ trách các công trình thử nghiệm vũ khí bộ binh trong điều kiện chiến đấu.

        Lịch sử khẩu súng trường nổi tiếng bắt đầu từ ngày 15 tháng 7 năm 1943, khi Hội đồng kỹ thuật của Bộ Dân ủy Trang bị tiến hành nghiên cứu hàng loạt chiến lợi phẩm của quân Đức, trong đó có súng và đạn của khẩu MP-43. Trong một thời gian rất ngắn, tại Văn phòng thiết kế số 44, Tổng công trình sư E-li-za-rốp và kỹ sư trưởng Ri-a-za-nốp đã nghiên cứu thiết kế thành công một kiểu đạn của Nga để bắn súng của Đức. Bộ phận công nghệ do kỹ sư Xê-men phụ trách. Sau đó, các công trình sư Liên Xô bắt đầu nghiên cứu thiết kế một kiểu vũ khí bộ binh hoàn toàn mới để bắn loại đạn này. Một cuộc thi thiết kế, chế tạo súng bộ binh của Liên Xô, có sự tham gia của 15 công trình sư, đã được tổ chức. Trong hai năm đầu, chưa có tên Ka-la-xnhi-cốp trong danh sách những người này. Tất cả các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành tại trường thử Xu-rốp. Chỉ huy bộ phận thử nghiệm hồi đó chính là Thiếu tá Va-xi-li Phê-đô-rô-vích Liu-tưi. Còn người trực tiếp tổ chức toàn bộ hoạt động thử nghiệm là Thiếu tá Đây-kin, người của Tổng cục Trang bị Pháo binh Mẫu thử nghiệm đầu tiên của khẩu súng, do Ka-la-xnhi-cốp thiết kế, chỉ được thử nghiệm sau đó vài năm, vào giữa năm 1946. Trong biên bản kết luận thử nghiệm kiểu súng của Ka-la-xnhi-cốp, do Thượng úy Pơ-chê-lin-xép, cấp dưới của Liu-tưi, có ghi rõ: "Hệ thống không hoàn thiện và không nên tiếp tục cải tiến". Theo lời kể của Liu-tưi, hồi đó Ka-la-nhi-cốp là kỹ sư thuộc bộ phận do Liu-tưi chỉ huy và Ka-la-xnhi-cốp có đề nghị ông giúp đỡ, xem xét lại nội dung kết luận chính thức do Pơ-chê-lin-xép soạn thảo. Liu-tưi viết trong hồi ký: “Tôi rút ra kết luận là gần như phải làm lại toàn bộ bản thiết kế của Ka-la-xnhi-cốp. Căn cứ vào nhận xét của tôi, mọi người đã tiến hành thay đổi kết luận của Pơ-chê-lin-xép trong bản báo cáo và đưa ra chỉ định tiếp tục cải tiến khẩu súng của Ka-la-xnhi-cốp. Sau đó, trong quá trình cải tiến và hoàn thiện mẫu súng của Ka-la-xnhi-cốp, có sự tham gia của một đồng chí của tôi, một kỹ sư có kinh nghiệm và đầy tài năng. Đó là Vla-đi-mia Đây-kin mà chúng tôi đã từng cùng làm việc với nhau trong nhiều năm để thiết kế chế tạo súng bộ binh. Cả ba chúng tôi cùng làm việc đến năm 1947 để chế tạo khẩu súng trường mới. Tôi đích thân thử nghiệm khẩu súng đó".

        Liu-tưi thay đổi kết luận của Pơ-chê-lin-xép trong bản báo cáo, đề ra 18 nội dung sửa đổi có tính căn bản và cần thiết, đồng thời đề nghị cải tiến mẫu súng trường tự động của Ka-la-xnhi-cốp. Trong khi đó, bộ chỉ huy lại hy vọng vào súng trường tự động của Thiếu tá Xu-đai-ép, 36 tuổi. Lúc đó, khẩu súng của Xu-đai-ép đã được thử nghiệm đến lần thứ ba. Nhưng Xu-đai-ép bị chết đột ngột và Ka-la-xnhi-cốp thay vào vị trí của anh.

-------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 1-2004)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #184 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:41:33 pm »


        Ka-la-xnhi-cốp đến nhà máy quân khí để chuẩn bị chế tạo mẫu súng trường tự động đã được cải tiến căn bản. Theo nhận xét của kiến trúc sư trưởng Đi-mi-tơ-ri Xi-ria-ép, Viện nghiên cứu khoa học trung ương chế tạo máy chính xác của Nga, một tổ chức hàng đầu trong thiết kế, chế tạo súng bộ binh, thì trên trường thử nghiệm hôm đó, trong phân đội do Liu-tưi phụ trách có 15 mẫu súng trường tự động của các kiến trúc sư khác nhau. Kết luận thử nghiệm về từng khẩu súng dự thi, kể cả súng của Ka-la-xnhi-cốp, phụ thuộc không nhỏ vào ý kiến Đây-kin, người chỉ huy Trường thử nghiệm và là biệt phái của Tổng cục Trang bị Pháo binh. Như vậy, trong cuộc thi đó có sự tham gia của những người, mà xét theo chức vụ và quyền hạn, cần phải là những người trung lập. Các giai đoạn của cuộc thi được giữ bí mật. Những người đạt kết quả đầu tiên là Xpa-gin và Đe-gơ-chia-ép. Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc thử, vào tháng 1 năm 1947, có ba khẩu súng trường tự động được lọt vào chung kết là TKB-415 của Bun-kin, KBP-520 của Đê-men-chép và KBP-580 của Ka-la-xnhi-cốp.

        Theo kết luận thử nghiệm, khẩu súng trường tự động của Bun-kin được xếp đầu bảng. Nhưng Bun-kin là con người có tính cách rất kỳ dị, có thể nói là khó chịu, luôn phê phán ý kiến nhận xét của các nhà quân sự. Vì thế, kiến trúc sư đầy tài năng này đã bị loại khỏi danh sách. Còn Ka-la-xnhi-cốp là một người có tính cách dễ hòa hợp hơn. ông biết lắng nghe những người đi trước đầy kinh nghiệm và có quân hàm cao hơn. Vì thế, trong cuộc thử nghiệm cuối cùng, Ka-la-xnhi-cốp đã tính đến tất cả những mong muốn của các kiến trúc sư đầy kinh nghiệm như Đây-kin và Liu-tưi. Và thế là Ka-la-xnhi-cốp đã đạt được kết quả. Trong số các văn bản còn lưu giữ đến ngày nay, theo kết luận của ủy ban vào ngày 10 tháng 1 năm 1948, kiểu súng trường AK-47 của Ka-la-xnhi-cốp đã được lựa chọn. Lẽ ra, khẩu súng này không nên được đặt tên là "AK", mà nên đặt tên là "LĐK" (gồm tác giả ba người là Liu-tưi, Đây kín và Ka-la-xnhi-cốp). Nhưng lịch sử đã không diễn ra như thế.

        Nhưng khi giở lại những trang trong cuốn "Ghi chép của một kiến trúc sư vũ khí bộ binh" của tác giả Ka-la-xnhi-cốp, trong đó chỉ có một vài từ nhắc lại về Liu-tưi, đã từng đóng vai trò nhất định trong số phận của khẩu AK: "Va-xi-li Phê-đô-rô-vích là một người khéo nói, rất thích đùa, nhưng đằng sau những câu nói vui vẻ của anh, chúng tôi đều nhận thấy quan điền nghề nghiệp rất nghiêm túc". Không rõ vì nguyên nhân gì Liu-tưi, người thầy của Ka-la-xnhi-cốp, lại bị buộc tội và bị bắt vào năm 1951. Chỉ sau khi Xta-lin qua đời, vào năm 1954, Liu-tưi mới được phục hồi danh dự. Theo đề nghị của viện sĩ Bơ-la-gôn-ra-nốp, Liu-tưi được điều động trở lại vào quân đội và làm việc ở Viện nghiên cứu khoa học số 3 của Tổng cục Trang bị Pháo binh. Được nhận quân hàm Trung tá, kỹ sư Liu-tưi tiếp tục hoạt động nghiên cứu thiết kế trong lĩnh vực vũ khí bộ binh. Về giai đoạn này, Ka-la-xnhi-cốp có nhắc lại về ông. Trong những năm 1956-1957, các công trình nghiên cứu thiết kế mới của Liu-tưi chính là cơ sở kỹ thuật chủ yếu để chế tạo khẩu súng AK kiểu mới, gọi là AKM. Khẩu súng này đã thể hiện độ ổn định rất cao của hệ thống súng trường tự động có nhịp bắn tối ưu và với kết quả này, Liu-tưi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Về sau, ông đã tham gia nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ hợp các tên lửa phòng không "Xtrê-la-1", "Xtrê-la-2". Năm 1969, Liu-tưi về hưu và làm công tác giảng dạy với chức danh Phó Giáo sư ở Trường đại học Bách khoa Ki-ép. Còn từ năm 1982, ông làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học thiết kế các công trình dân sự quốc gia ở Ki-ép.

        Chỉ đến khi đã về già và trở thành một con người ốm yếu, Liu-tưi mới quyết định kể hết sự thật về thời gian đó. Vào giữa những năm 1990, một tạp chí ở U-cơ-rai-na đã đăng bài phỏng vấn ông, trong đó có đoạn viết. "Theo một số nguyên nhân mà chỉ có Liu-tưi được biết, trong cuốn hồi ký cũng như trong rất nhiều các bài phỏng vấn, Ka-la-xnhi-cốp không bao giờ nhắc đến tên các thầy giáo và đồng nghiệp của mình. Những cuốn sách của Ka-la-xnhi-cốp không phản ánh lịch sử chân thực về chế tạo súng trường tự động của Liên Xô. Ngoài ra, lịch sử chế tạo súng trường tự động đã bị bóp méo quá nhiều. Không có một lời nào nhắc đến tên nhà thiết kế vũ khí đầy tài năng Đê-men-chép, trong khi đó, trong lần thử cuối cùng vào năm 1947, những người ủng hộ Ka-la-xnhi-cốp khó khăn lắm mới đánh bật được Bun-kin và Đê-men-chép ra khỏi danh sách lựa chọn lần cuối".

        Sau nhiều cuộc phẫu thuật năm 1990, Liu-tưi đã qua đời. Hiện nay Ka-la-xnhi-cốp đã là tên gọi của một hãng công nghiệp vũ khí. Đây là một hãng của Nga mang tên "AK", ẩn giấu trong đó lao động và trí tuệ của rất nhiều các nhà sáng chế đầy tài năng của Liên Xô đã bị lãng quên một cách không công bằng. Những cứ liệu công bố ở đây là một quan điểm bất ngờ về lịch sử chế tạo khẩu súng nổi tiếng AK, nhưng cũng chỉ là một nỗ lực nhỏ nhằm lập lại sự công bằng trong khoa học.

        Theo báo “Sự thật" (Nga)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #185 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:47:05 pm »


VỀ THỜI ĐIỂM BÙNG NỔ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI (1939-1945)1

LÊ KIM         

        Vừa qua, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít Đức (9.5.1945 - 9.5.2005) một số bài viết đăng trên các báo khi đề cập đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đều cho là: ngày 1 tháng 9 năm 1939 phát xít Đức tiến công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.

        Không riêng gì báo chí Việt Nam, mà trước đây một số sách, báo phương Tây, thậm chí cả những loại sách lịch sử, sách giáo khoa, cũng cho rằng: Ngày 1 tháng 9 năm 1939 là ngày bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó thì nhiều công trình nghiên cứu lại ghi ngày bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai là 3 tháng 9 năm 1939 chứ không phải 1 tháng 9 năm 1939, đồng thời cũng nhấn mạnh, đây không phải là chuyện ghi sai, viết nhầm "con số 3 thành số 1" mà rõ ràng là sự ngộ nhận có tính chất lập trường, quan điểm. Những người cho rằng Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 dù vô tình hay cố ý vẫn làm cho người đọc thuộc những thế hệ sau nghĩ rằng ngay sau khi Hitler mở cuộc tiến công quân sự đánh chiếm Ba Lan thì lập tức vấp ngay phải sự giáng trả quyết liệt của Anh, Pháp làm cho chiến tranh thế giới bùng nổ ngay trong ngày 1 tháng 9 năm 1939.

        Vậy thực tế lịch sử đã diễn ra như thế nào?

        Chỉ cần lướt qua biên niên sử cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai do chính các cơ quan nghiên cứu lịch sử các nước phương Tây, chủ yếu là Anh, Pháp ghi chép và công bố công khai trên toàn thế giới từ nhiều năm nay mà rất nhiều người còn nhớ và biết rõ, ta sẽ thấy ngay.

        Hồi 4 giờ 35 phút sáng 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Hitler bất ngờ nổ súng tiến công Ba Lan, nhưng mãi đến 11 giờ ngày 3 tháng 9, tức hơn hai ngày sau, Chính phủ Anh mới tuyên bố trên đài phát thanh lệnh "tuyên chiến với Đức". Chinh phủ Pháp mãi đến 17 giờ cùng ngày mới ra tuyên bố tương tự. Đến 10 giờ sáng 4 tháng 9, công hàm "tuyên chiến" của Anh và Pháp mới chính thức chuyển tới Đức qua đường ngoại giao.

        Cho mãi tới lúc này cũng mới chỉ có một mình Đức "đánh nhau” với Ba Lan. Tại Tây Ban Nha, trùm phát xít Franco tuyên bố "trung lập". Tại I-ta-li-a, trùm phát xít Mussolini tuyên bố "không tham chiến" cùng với Đức ở Ba Lan.

        Như vậy là, nếu tính vào thời điểm 1 tháng 9 năm 1939 thì lúc đó mới chỉ là cuộc xung đột vũ trang tay đôi, gọi là cuộc chiến tranh láng giềng, chiến tranh cục bộ giữa Đức và Ba Lan, không thể nào hoặc chưa thể nào gọi là "chiến tranh thế giới bùng nổ" được!

        Đi ngược dòng thời gian xa hơn nữa, ta tiếp tục nhận thấy (qua những tài liệu lịch sử do chính các nước phương Tây biên soạn):

        Năm 1933, Hitler lên cầm quyền ở Đức, công khai tuyên bố chương trình "phục thù rửa hận" sau thảm bại trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), ngang nhiên bác bỏ những "điều cấm" trong Hiệp định Versailles, ráo riết tái vũ trang rồi trắng trợn tiến quân vào lưu vực sông Rhin, tiếp đó lại thôn tính toàn bộ nước Áo. Trước hàng loạt hành động này, Anh - Pháp và Hội Quốc liên (tiền thân của Liên hợp quốc) chỉ "phản kháng bằng miệng" hoặc "tuyên bố trên giấy” mà không có biện pháp thiết thực để ngăn chặn. Thậm chí Anh, Pháp còn mưu toan ký kết với Đức và I-ta-li-a một "Hiệp ước tứ cường" gồm Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a nhằm chĩa mũi nhọn chiến tranh của Đức sang Liên Xô.

        Nhưng trước khi tiến đánh Liên Xô, phát xít Đức cần phải tăng cường lực lượng, bành trướng thế lực ở ngay trên mảnh đất của tư bản phương Tây. Năm 1938, sau khi nuốt chửng ngon lành nước Áo mà không cần phải động binh, Hitler lại công khai tuyên bố đòi sáp nhập phần đất Sudetes ở miền Nam Tiệp Khắc (nay là Cộng hoà Séc) vào lãnh thổ Đức. Anh, Pháp “đối phó" bằng cách "hoà giải" với Đức.

        Ngày 29 tháng 9 năm 1938, Hội nghị cấp cao Anh, Pháp, Đức I-ta-li-a họp tại Muchen (ta thường phiên âm theo tiếng Pháp là Hội nghị Muynich) công nhận "chủ quyền" của Đức tại Sudetes và Bohemia gồm 1/5 lãnh thổ và 1/4 số dân Tiệp Khắc). Lúc này chỉ có một mình Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố phản đối và cảnh cáo Đức. Mỹ tuyên bố trung lập.

        "Được đằng chân, lân đằng đầu”, ngày 15 tháng 3 năm 1939, Đức tiến quân chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Séc.

        Trước sức ép của nhân dân trong nước, đồng thời cũng thẳm tránh bẽ mặt trước nhân dân thế giới, hai chính phủ Anh và Pháp ra tuyên bố cam kết "sẽ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ và đường biên giới hiện tại của Ba Lan, Ru-ma-ni, Hy Lạp nếu những nước này bị "một thế lực bên ngoài xâm chiếm".

        Chính vì những lý do đó cho nên khi Ba Lan bị Đức tiến đánh vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 và chính phủ các nước Anh, pháp bị quốc hội chất vấn, lúc đó Thủ tướng Anh Chamberlain và Thủ tướng Pháp Daladier mới "tuyên chiến" với Đức ngày 3 tháng 9 năm 1939. Nhưng mặc dù đã tuyên chiến với Đức, cả quân đội Pháp lẫn quân đội Anh đóng trên đất Pháp vẫn "án binh bất động" tới gần 8 tháng, không dám tiến đánh Đức (Việc “tuyên chiến nhưng không tiến đánh" đã bị ngay những binh sĩ Pháp mỉa mai gọi là Drole de guerre, tức "chiến tranh kỳ cục" và danh từ "chiến tranh kỳ cục" này sau đó đã được ghi nhận trong các từ điển quân sự và chiến tranh của Pháp' Anh, Mỹ...) để rồi cuối cùng bị Đức quật lại bằng việc tiến đánh một loạt nước Tây Âu trong đó có Pháp. Nhưng đó là một sự kiện mãi tới ngày 10 tháng 5 năm 1940 mới diễn ra. Còn từ ngày 1 tháng 9 năm 1939 đến ngày 9 tháng 5 năm 1940 chiến tranh vẫn chỉ xảy ra trên lãnh thổ một nước Ba Lan.

---------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 6-2005)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #186 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:47:29 pm »


        Đó là những sự kiện đã rõ ràng mà cho tới nay, rất nhiều người cao tuổi trên thế giới và cả Việt Nam đều nhớ. Còn một số chứng cứ nữa ít được biết hơn, đó là những chủ trương hành động của Hitler trong tập "Hồ sơ mật từ Tổng hành dinh Quốc trưởng Đại Đức Adolf Hitler" lần đầu tiên được xuất bản năm 1965, tức 20 năm sau ngày chiến tranh kết thúc (Người viết bài báo này (LK) rất tiếc chưa tìm được bản dịch tập tài liệu này nên đành phải trích dẫn từ các công trình nghiên cứu của nhà sử học Liên Xô, Tiến sĩ lvan Kobliakov trong tạp chí Sinh hoạt quốc tế xuất bản tại Liên Xô, tháng 2 năm 1980 và một số từ điển lịch sử chiến tranh của Pháp). Tập tài liệu mật này cho biết:

        Kế hoạch đánh chiếm Ba Lan được đích thân Hitler đề xuất từ ngày 1 tháng 4 năm 193 (tức là trước khi thật sự tiến công vào ngày 1-9) kịch bản vẫn tương tự như kế hoạch đã thôn tính áo và Séc. Tức là: yêu sách về đất đai, đòi hỏi về khoảng "không gian sinh tồn", lấy cớ để bảo vệ những kiều dân Đức và gốc Đức sinh sống tại các nước nhằm mục tiêu chiếm đóng. Cụ thể đối với Ba Lan là: đòi quyền được sử dụng quân cảng Dantzig và lập một hành lang đường bộ nối Đức với vùng đất Silesie của Ba Lan mà sau này khi đã chiếm đóng, Đức sáp nhập luôn vào lãnh thổ Đức, gọi là Đông Phổ. Nhưng, mặc dù chính Anh và Pháp liên tục gây sức ép, khuyên Ba Lan nên nhân nhượng Đức để cứu vãn hoà bình, Ba Lan vẫn nhất định không chịu nhượng bộ. Đó là lý do chủ yếu đồng thời cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến Hitler phải tiến đánh Ba Lan sau khi bản "tối hậu thư" cuối cùng bị Ba Lan bác bỏ.

        Hồ sơ mật của Đức tiết lộ: khi họp bàn tại Tổng hành dinh kế hoạch đánh chiếm Ba Lan, "nhiều” sĩ quan cấp cao tỏ ý lo ngại vì "việc tiến đánh Ba Lan có thể sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của cả Ba Lan lẫn Anh, Pháp". Như vậy, Đức sẽ phải đói phó với sự "giáp công" của ba nước: Ba Lan ở phía trước mặt Pháp ở phía sau lưng, Anh ở phía biển trên đầu. Binh lực của ba nước này, nhất là của bộ binh Pháp, hải quân và không quân Anh, gộp lại sẽ hơn hẳn binh lực Đức đang trong thời kỳ tái vũ trang chưa hoàn chỉnh. Hitler đã giải thích: "Tại Hội nghị Muchen (ngày 29-9-1938) tôi đã trực tiếp gặp và nhìn thấy tận mắt Daladier (Thủ tướng Pháp) Chamberlain (Thủ tướng Anh). Những con giun đất này không dám đánh lại Đại Đức quốc xã đâu. Phản ứng quyết liệt nhất của bọn hèn nhát này, bất quá chỉ là một bản tuyên bố chung "cấm vận" Đại Đức là cùng" (trích dịch nguyên văn trong biên bản cuộc họp tại Tổng hành dinh của Hitler).

        Hồ sơ mật của phát xít Đức cũng ghi nhận, chính Hitler đã đề ra chiến lược "chiến tranh chớp nhoáng": tập trung lực lượng bộ binh cơ giới, xe tăng, máy bay tiến đánh Ba Lan bất thình lình, thật mạnh, thật nhanh nhằm giải quyết xong thục tiêu Ba Lan trước khi Anh, Pháp có phản ứng thật sự về quân sự.

        Bản kế hoạch cũng như dự kiến: nhất định trước khi mở cuộc tiến công phản ứng nhằm bảo vệ Ba Lan, phía Anh, Pháp theo truyền thống sẽ ra tuyên bố chung lên án, gửi công hàm phản đối, hạ tối hậu thư đe dọa... Trong trường hợp đó, Đức sẽ chấp nhận tiếp xúc, thương lượng nhưng vẫn đẩy mạnh nhịp độ tiến công cho tới khi hoàn thành các mục tiêu đã định.

        Rất rõ ràng, qua tập hồ sơ mật của phát xít Đức có thể khẳng định: khi tiến đánh Ba Lan, chính nước Đức phát xít vẫn chưa sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại nhiều nước trên nhiều mặt trận. Bản thân Hitler tuy quyết tâm đánh chiếm Ba Lan nhưng vẫn cố giới hạn cuộc chiến tranh trong phạm vi một cuộc đối đầu giữa hai nước, chỉ có hai nước Đức - Ba Lan mà thôi. Vì vậy, càng có cơ sở để nhấn mạnh: ngày 1 tháng 9 năm 1939 chưa phải là ngày bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến tranh Đức - Ba Lan mới chỉ là "châm ngòi nổ" chứ chưa phải là nổ bùng, và từ khi đầu dây cháy chậm bật lửa vẫn còn một thời gian nhất định rồi "quả mìn Chiến tranh thế giới thứ hai" mới nổ. Trong cuốn đại từ điển chuyên đề về chiến tranh của nhà xuất bản Larousse (Pháp), những người biên tập đã rất có lý khi viết: "Cuộc chiến tranh này (tức Thế chiến thứ hai 1939- 1945) có nguồn gốc xuất phát từ châu Âu từ năm 1939 nhưng thật sự chỉ trở thành chiến tranh thế giới vào năm 1941 khi Liên Xô, Nhật Bản, Mỹ bước vào vòng chiến".

        Mặc dù vậy, nhiều nhà sử học vẫn khẳng định, đứng về mặt pháp lý và chính thức thì Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu từ ngày 3 tháng 9 năm 1939, khi Anh và Pháp tuyên chiến với Đức (mặc dù trước đó đã xảy ra chiến tranh giữa Đức và Ba Lan từ ngày 1-9). Cũng theo nhiều nhà sử học, Chiến tranh thế giới thứ hai đứng về mặt pháp lý và chính thức kết thúc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày lực lượng Đồng minh chống phát xít chính thức làm lễ công nhận Nhật Bản đầu hàng mặc dù trước đó vua Nhật Bản đã công khai tuyên bố trên đài phát thanh Tokyo, hoàn toàn chấm dứt chiến tranh, đình chỉ mọi hoạt động quân sự trên biên, trên không và trên đất liền từ ngày 15-8-1945).

        Như vậy là, đứng về mặt "pháp lý và chính thức", Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu từ ngày 3 tháng 9 năm 1939, kết thúc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, kéo dài suốt 6 năm chẵn. Trên thực tế, sau ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô vẫn còn phải chiến đấu quyết liệt với quân đội Nhật Bản từ miền Đông Bắc Trung Quốc tới Xakhalin, Kurin... mãi tới ngày 1 tháng 9 năm 1945, chiến sự mới thật sự chấm dứt.

        Như vậy là, với một loạt dẫn chứng trên đây, dù tính theo cách nào thì ngày 1 tháng 9 năm 1939 vẫn không thể nào gọi là ngày bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #187 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:52:08 pm »


VỀ TUYẾN BỐ CỦA HỘI NGHỊ PỐT-XĐAM ĐÒI NHẬT BẢN ĐẦU HÀNG KHÔNG ĐIỀU KIỆN1

PHAN VĂN THUẬN         

        Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, những người đứng đầu các cường quốc trong phe Đồng minh chống phát xít đã tổ chức Hội nghị tại Pốt-xđam, một thành phố ở miền Nam nước Đức, để xác định đường lối chung của các nước tham gia chống phát xít, về giải quyết vấn đề nước Đức và kế hoạch đánh bại Nhật Bản. Hội nghị được tiến hành tại cung điện cũ của các vua Phổ ở thành phố này.

        Xta-lin dẫn đầu đoàn đại biểu Liên Xô. Tham gia hội nghị, về phía quân đội Liên Xô có các đồng chí G.K. Giu-cốp, N.G. Cu-dơ-nét-xốp, Ph.I. Pha-la-lê-ép, S.G. Cu-dơ-rốp...

        Đoàn đại biểu Mỹ do Tổng thống G. Tơ-ru-man dẫn đầu. Đoàn đại biểu Anh lúc đầu do Thủ tướng Sớc-sin làm trưởng đoàn, nhưng phần cuối của hội nghị lại do Át-li, lãnh tụ của Công Đảng, thắng phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh, lên thay làm Thủ tướng và làm trưởng đoàn đàm phán.

        Hội nghị họp từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945. Các nước Đồng minh thông qua hiệp nghị quy định việc phi quân sự hoá và dân chủ hoá nước Đức, bồi thường cho những nước bị phát xít xâm lược, xác định biên giới giữa các quốc gia. Nhiều vấn đề khác có liên quan đến nước Đức tương lai và hoà bình ở châu Âu cũng được giải quyết. Các nước tham gia hội nghị cũng đã cam kết nỗ lực tập trung sức mạnh để đánh bại phát xít Nhật. Hội nghị đã phân chia địa bàn tác chiến và giải giáp quân đội Nhật Bản cho các nước tham chiến.

        "Trong ngày họp đầu tiên, Liên Xô xác nhận là phía mình đã sẵn sàng hoàn thành trách nhiệm chiến tranh với Nhật. Tướng An-tô-nốp đã thông báo tỉ mỉ những kế hoạch của Liên Xô ở Viễn Đông" (X.M. Stê-men-cô, Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Nxb QĐND, Hà Nội, 1971, tr. 400). Sau một tuần làm việc, G. Tơ-ru-man mới thông báo cho Xta-lin biết là Mỹ đã chế tạo được bom nguyên tử có sức mạnh khủng khiếp, sau khi đã thoả thuận trước với Sớc-sin. Tại hội nghị, Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch đã ký kết bản Tuyên bố chung theo hình thức tối hậu thư, đòi Nhật Bản đầu hàng không điều kiện.

        Đề cập đến Hội nghị Pốt-xđam và bản Tuyên bố chung đòi Nhật Bản đầu hàng không điều kiện, tác giả Lê Kim trong bài "Về thời điểm Cách mạng Tháng Tám", đăng trong Tạp chí Lịch sử quân sự, số  (tháng 7 và 8-1995), có viết: “Từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945, những người đứng đầu ba nước Liên Xô, Mỹ, Anh lại gặp nhau ở Pốt-xđam là một thành phố miền Nam nước Đức vừa mới bại trận để thảo luận việc tập trung nỗ lực đẩy mạnh chiến tranh chống Nhật Bản và phân chia địa bàn giải giáp quân đội Nhật Bản. Những người dự hội nghị đã ký một bản Tuyên bố chung đòi Nhật Bản đầu hàng không điều kiện. Sau đó, chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc cũng tham gia bản tuyên bố này".

        Trong vấn đề này, có thể tác giả Lê Kim đã có một số nhầm lẫn. Thứ nhất, tham gia Hội nghị Pốt-xđam không phải chỉ có những người đứng đầu ba nước Liên Xô, Mỹ, Anh mà còn có cả một số nước Đồng minh khác, trong đó có Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch. Thứ hai, Tuyên bố chung đòi Nhật Bản đầu hàng không điều kiện lúc đầu chỉ có Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch ký chứ chưa có Liên Xô. Trước khi bắt đầu chiến tranh với Nhật Bản, Chính phủ Liên Xô mới tham gia ký vào bản Tuyên bố chung với tư cách là thành viên thứ tư.

        Điều này tưởng chừng như vô lý, bởi vì Liên Xô là một trong ba cường quốc Đồng minh chống phát xít. Mọi sự kiện trọng đại của thế giới trong giai đoạn này đều do Liên Xô, Mỹ và Anh quyết định. Vậy mà với bản Tuyên bố chung của Hội nghị Pốt-xđam đòi Nhật Bản đẩu hàng không điều kiện Liên Xô lại không phải là một trong những nước ký kết đầu tiên, mà chỉ sau đó mới tham gia với tư cách là thành viên thứ tư. Nhưng nếu nghiên cửu một cách kỹ lưỡng thì ta thấy điều này hoàn toàn phù hợp thực tế lịch sử.

        Chúng ta đều biết rằng: trước Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ít lâu, để tránh phải đối phó cùng một lúc với nhiều kẻ thù, Liên Xô đã ký với Nhật Bản Hiệp ước trung lập, không xâm phạm lẫn nhau. Mặc dù ngày 5 tháng 4 năm 1945, Chính phủ Liên Xô đã tuyên bố Hiệp ước trung lập ký với Nhật Bản hết hiệu lực, nhưng điều đó không có nghĩa là Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Tháng 2 năm 1945, tại Hội nghị Crưm, Chính phủ Liên Xô cam kết sẽ: "tuyên chiến với Nhật Bản hai hay ba tháng sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu”. Đoàn đại biểu Liên Xô nêu ra trước hội nghị ba điều kiện:

        1. Bảo vệ sự tồn tại của nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ.

        2. Khôi phục những quyền lợi của Nga đã bị Nhật vi phân năm 1904: thu hồi Nam Xa-kha-lin; quốc tế hoá Đại liên và lập lại tô giới Lữ Thuận làm thành hải cảng quân sự của liên Xô; cùng với Trung Quốc khai thác các đường sắt Đông Bắc Trung Quốc và Nam Mãn Châu.

        3- Trả lại quần đảo Cu-rin cho Liên Xô" (X.M. Stê-men-cô. Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 375-376, 405).

-------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 4-2002)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #188 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:52:33 pm »


        Các nước Đồng minh đồng ý tiếp nhận những điều kiện trên của Liên Xô. Những cam kết của Liên Xô và những thoả thuận đạt được tại Hội nghị Crưm lúc đó vẫn chưa được công bố. Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Liên Xô trao cho đại sứ Nhật Bản ở Mát-xcơ-va bản tuyên bố của mình, nêu rõ: "từ ngày mồng 9, Liên Xô tự xem là ở trong tình trạng chiến tranh với Nhật. Ngay lúc ấy ở Viễn Đông tuyên bố có chiến tranh" (X.M. Stê-men-cô. Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 375-376, 405). Đúng 0 giờ 10 phút theo giờ địa phương, ngày 9 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô bắt đầu vượt biên giới tiến công đạo quân Quan Đông của Nhật Bản. Vì vậy, trong thời gian diễn ra Hội nghị Pốt-xđam thì Liên Xô và Nhật Bản vẫn còn trung lập với nhau. Nên hai nước không giao chiến và cũng chưa tuyên chiến với nhau thì không thể có việc nước này đòi nước kia phải đầu hàng không điều kiện.

        Mặt khác, Liên Xô không thể tham gia ký Tuyên bố chung ngay từ đầu vì muốn giành yếu tố bất ngờ khi bắt đầu chiến tranh với Nhật Bản. Mặc dù từ lâu, Nhật Bản vẫn tin chắc rằng chiến tranh với Liên Xô là không thể tránh khỏi, việc giành cho được bất ngờ chiến lược đối với Liên Xô là cực kỳ khó khăn, nhưng Liên Xô tin rằng nếu chuẩn bị chu đáo thì vẫn có thể thực hiện được. Yếu tố bất ngờ lúc bắt đầu chiến tranh phụ thuộc trước hết vào việc giữ bí mật về tình hình chuẩn bị chiến tranh của Nhà nước Xô-viết. Liên Xô chỉ có thể ký vào bản Tuyên bố này ngay trước khi bắt đầu chiến tranh với Nhật. Đại tướng X.M. Stê-men-cô, một cán bộ của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô cũng đã viết trong hồi ký của mình rằng: Mỹ, Anh và Quốc dân đảng Trung Quốc "ký kết ở Pốt-xđam bản Tuyên bố chung theo hình thức tối hậu thư, yêu cầu Nhật Bản đầu hàng không điều kiện. Ý nghĩa cơ bản của văn kiện ấy phù hợp với lợi ích của Liên Xô, nên trước khi bắt đầu chiến tranh với Nhật, Chính phủ chúng ta cũng tham gia vào bản Tuyên bố với tư cách là thành viên thứ tư" (X.M. Stê-men-cô, Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 401. 388, 414, 415). Việc Liên Xô không tham gia ký Tuyên bố chung của Hội nghị Pốt-xđam ngay từ đầu đã làm cho Nhật Bản hoàn toàn bị bất ngờ về thời điểm bắt đầu của cuộc chiến tranh. Bộ chỉ huy quân Nhật cho rằng Liên Xô thế nào cũng phải bắt đầu tiến công chậm lại, khi thời tiết đã sang hẳn mùa khô. Nhật Bản “phán đoán là đến giữa tháng 9" (X.M. Stê-men-cô, Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 401. 388, 414, 415). Liên Xô mới có thể tiến công được. "Tướng U-e-mua, Tư lệnh Tập đoàn quân số 4 của Nhật, bị bắt làm tù binh, khai rằng: việc thiết bị những tuyến phòng ngự phải tới tháng 10 năm 1945 mới có thể làm xong. Và tướng Xi-mít-du - nguyên Tư lệnh Tập đoàn quân số 5, cũng cho rằng việc xây dựng những trận địa phòng ngự của chúng, tức Liên Xô, còn đang dở dang" (X.M. Stê-men-cô, Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 401. 388, 414, 415). Bộ Tham mưu đạo quân Quan Đông cũng đã biết rằng: "từ tháng 3-1945, quân số của Liên Xô trên các biên khu giáp Mãn Châu vẫn thường xuyên được tăng lên; nhưng Liên Xô sẽ tuyên chiến vào thời gian cụ thể nào thì chưa biết" (X.M. Stê-men-cô, Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 401. 388, 414, 415). Tướng Tô-mô-ca-xu - nguyên Phó Tham mưu trưởng đạo quân Quan Đông của Nhật Bản thừa nhận rằng: "việc Liên Xô tuyên bố chiến tranh với Bộ tư lệnh đạo quân Quan Đông ngày 8-8 thực sự là hoàn toàn bất ngờ đói với chúng tôi" (X.M. Stê-men-cô, Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh, Sđd, tr. 401. 388, 414, 415).

        Việc Liên Xô có phải là một trong ba nước tham gia ký kết bản Tuyên bố chung của Hội nghị Pốt-xđam đòi Nhật Bản đầu hàng không điều kiện, ngay từ đầu hay không, hoàn toàn không quan trọng. Nhưng đây là sự kiện lịch sử, vì vậy nó phải được nhận thức một cách khách quan đúng như nó đã từng xảy ra. Dù chỉ là thành viên thứ tư ký vào bản Tuyên bố chung, nhưng Liên Xô vẫn là nước tiêu diệt đạo quân Quan Đông, có vai trò vô cùng to lớn trong việc đánh bại hoàn toàn phát xít Nhật Bản, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Nhân loại đời đời ghi nhớ công ơn của Đảng Cộng sản, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Liên Xô đã cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít, cả ở phương Tây lẫn phương Đông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #189 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:58:42 pm »

           
CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI (1939-1945) - NHỮNG QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU1

PHAN NGỌC LIÊN và TRẦN THỊ VINH        

        Cho đến nay, khi nói về những sự kiện lớn, các cuộc xung đột vũ trang trong thế kỷ XX, sách báo các nước đều nhắc đến cuộc Chiến tranh thế giới (CTTG) thứ hai (1939-1945) (X.S.M Ha-ri-xơn (Harrison), Xung đột quốc tế trong thế kỷ XX (World Conflict in the twentieth century), Mac Millan education. 1987). Đây là một sự kiện lớn không phải vì quy mô (76 nước tuyên bố tình trạng chiến tranh, so với 36 nước trong CTTG thứ nhất), về số người bị động viên vào quân đội (110 triệu so với CTTG thứ nhất là 74 triệu), về tổn thất người và của (60 triệu người chết và 4.000 tỉ đô-la so với 13,6 triệu và 388 tỉ đô la trong CTTG thứ nhất), mà là những hệ quả của nó. Đó là chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước trở thành một hệ thống thế giới; việc tổ chức lại trật tự mới của thế giới, sự xuất hiện cuộc chiến tranh lạnh, hai khối quân sự đối đầu, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai khối, sự kết thúc chiến tranh lạnh và sự hình thành trật tự thế giới mới với xu hướng "đa cực".

        Vì ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới trong và sau chiến tranh mà hơn 60 năm qua, từ khi CTTG thứ hai nổ ra đến nay, các nhà sử học, quân sự, chính trị, hoạt động xã hội... đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu sự kiện to lớn này. Dĩ nhiên, nhiều quan điểm khác nhau đã ra đời và gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt.

        Khối lượng tài liệu gốc ngày càng được công bố nhiều hơn, đầy đủ chính xác hơn. Ở Liên Xô trước đây, đã có bộ “Tài liệu và Văn kiện chiến tranh thế giới thứ hai" (2 tập, Mát-xcơ-va, 1948, tiếng Nga). Ở Mỹ đã xuất bản bộ "Quan hệ đối ngoại của Mỹ" (nhiều tập, tiếng Anh, 1959-1961). Ngoài ra, còn có những tập tài liệu về các chuyên đề như "Thư, điện trao đổi giữa Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ, Thủ tưởng Anh trong chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945" (2 tập Mát-xcơ-va, 1957, tiếng Nga) và tập “Âm mưu và sự xâm lược của Quốc xã" (Oa-sinh-tơn, 1947). Nhiều nhất là các công trình nghiên cứu về cuộc CTTG thứ hai, trên các lĩnh vực khác nhau.

        Ở Liên Xô trước đây, việc nghiên cứu CTTG thứ hai gắn với cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Xô-viết. Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô của phát xít Hít-le bắt đầu từ 3 giờ 30 phút ngày 22 tháng 6 năm 1941. Nó đã được chuẩn bị từ lâu, nhằm tiêu diệt chủ nghĩa xã hội và biến đất nước mênh mông, giàu tài nguyên này thành nơi cung cấp mọi nhu cầu của chiến tranh. Cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Xô-viết không chỉ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mình mà còn góp phần to lớn, có tính quyết định đối với chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Tiêu biểu cho loại công trình này của các nhà sử học Xô-viết là các tác phẩm: “Lịch sử của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô 1941-1945" (4 tập, Mất-xcơ-va, 1960-1962, tiếng Nga), "Chiến tranh thế giới thứ hai", do X.P Pla-tô-nốp chủ biên (Mát-xcơ-va, 1958, tiếng Nga). Số công trình nghiên cứu về cuộc CTTG thứ hai của giới sử học phương Tây cũng khá nhiều, tiêu biểu là bộ "Chiến tranh thế giới thứ hai" (The Second World War), gồm 6 tập của nguyên Thủ tướng Anh Sớc-sin (Churchill) được xuất bản từ 1948-1954; quyển "Sớc-sin, Ru-dơ-ven, Sta-lin" (Churchill, Roosevelt, Stalin) của H. Fây (H. Feis, New York, 1957), "1939-1945 Chiến tranh thế giới thứ hai - Biên niên sử và tư liệu” của Han-xơ A-đô-phô Gia-cốp-ben ("1939-1945, Der Tweite Walthrieg in Chronik und Dokumenten”, Hans Adolf Jacoben) và "Chiến tranh thế giới thứ hai" (The Second World War) của A.J.p Tay-lo (Taylor). Hai quyển sau này được dịch và xuất bản ở Nga, dưới nhan đề: "Chiến tranh thế giới thứ hai: hai quan điểm" (Mát-xcơ-va, 1995, tiếng Nga).

        Do quan điểm, phương pháp luận khác nhau, trái ngược nhau, nên kết quả nghiên cứu cũng không giống nhau trên nhiều lĩnh vực của cuộc CTTG thứ hai. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số vấn đề chủ yếu nhất.

        Trước hết là những vấn đề về nguồn gốc CTTG thứ hai. Các nhà sử học Xô-viết trước đây xuất phát từ quan điểm của V I Lê-nin về "Chủ nghĩa đế quắc còn tồn tại, chiến tranh còn nổ ra". Quan điểm này được Lê-nin trình bày trong một số tác phẩm nổi tiếng: "Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản", "Chủ nghĩa xã hội và chiến tranh", “Chiến tranh và cách mạng", "Chiến tranh và Đảng Xã hội Dân chủ Nga", "Về khẩu hiệu Hợp chủng quốc châu Âu”... Việc vận dụng quan điểm mácxít-lêninnít đã giúp cho những nhà sử học Xô-viết góp phần làm sáng tỏ rằng, chủ nghĩa đế quốc là thủ phạm của việc khởi xướng và tiến hành cuộc chiến tranh khốc liệt này. Quan điểm về chiến tranh nhân dân, về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử đã thể hiện khá đầy đủ về cuộc chiến đấu anh bùng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những lực lượng dân chủ tiến bộ để chiến thắng chủ nghĩa phát xít ở xiên Xô và tất cả các nước khác. Tuy nhiên, việc sùng bái cá nhân Sta-lin cũng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu cuộc CTTG thứ hai của các nhà khoa học Xô-viết. Ví như, quá đề cao vai trò của Tổng tư lệnh, Đại nguyên soái Sta-lin, có khi vượt qua trí tuệ của tập thể lãnh đạo Đảng, tinh thần và sức mạnh chiến đấu của quân, dân Liên Xô. Trong một số công trình, có những lời biện minh không đủ căn cứ tài liệu và sức thuyết phục đối với sự thất bại, rút lui của Hồng quân trước những cuộc tấn công bất ngờ, mạnh mẽ của phát xít Đức. Một số người chịu ảnh hưởng luận điểm của Sta-lin về sự tồn tại của các dân tộc xâm lược" và “các dân tộc yêu chuộng hoà bình" để thổi phồng "nguy cơ một cuộc chiến tranh mới", coi thường cuộc đấu tranh cho hoà bình của nhân dân các nước đế quốc tạo “bức màn sắt" giữa các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản.

----------------
       1. (Tạp chí LSQS số 4-2000)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM