Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:44:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47049 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:31:46 pm »


        Trung tướng Nguyễn Năng nhấn mạnh, trên thực tế các đơn vị trực tiếp tham gia đánh trận then chốt quyết định Buôn Ma Thuột gồm Sư đoàn 316, các trung đoàn 198 đặc công, 95B bộ binh, 24, 66, và nhiều trung đoàn binh chủng xe tăng thiết giáp, pháo cao xạ, pháo mặt đất, công binh, thông tin, vận tải (khoảng 17 trung đoàn) chưa kể thê đội  (Sư đoàn 10 (thiếu) và Sư đoàn 320). Thắng lợi của trận đánh là kết quả của cả quá trình thực hiện rất thành công nghệ thuật nghi binh, chuẩn bị kế hoạch tác chiến và thế trận cho chiến dịch của Bộ Tư lệnh chiến địch. Thử hỏi trước ngày 10 tháng 3, nếu các đơn vị tham gia chiến dịch như Sư đoàn 968 không thành công trong hoạt động thu hút kìm chân địch ở Thanh An, Thanh Bình (Tây thị xã Plây Ku), Trung đoàn 95A và các lực lượng vũ trang địa phương Gia Lai không đánh cắt giao thông trên đường 1 (Tây đèo Mang Yiang); Sư đoàn 320 không đánh cắt giao thông ở Ea H'leo, đường 14, tiến công giải phóng quận lỵ Thuần Mẫn (Bắc thị xã Buôn Ma Thuột 80 km, ngày 8-3); Sư đoàn 10 không tiến công và làm chủ được quận ly Đức Lập, Đắc Song (Nam thị xã Buôn Ma Thuột 50 km, ngày 9-3); Trung đoàn 25 không đánh cắt giao thông đường 21 ở phía Tây Khánh Dương (Chư Cúc) đông thị xã Buôn Ma Thuộc 60 km)... đẩy thị xã Buôn Ma Thuột rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn, thì làm sao các đơn vị tác chiến ở mục tiêu tiến công chủ yếu có thể giải phóng được thị xã Buôn Ma Thuột. Vì vậy khi đánh giá thành tích của các đơn vị đã lập công xuất sắc ở thị xã Buôn Ma Thuột, không thể không kể tới công lao của các sư đoàn 968, 320, 10, các trung đoàn 95A, 25 và nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật khác - đã vượt qua không ít gian khổ hy sinh, để tạo dựng thế trận cho trận then chốt quyết định đầu tiên của chiến dịch Tây Nguyên...

        Hai là, hướng tiến công và xử lý tình huống trong chiến đấu.

        Đối với hai bài báo "Giải phóng Buôn Ma Thuột" (Đặc san Sự kiện và nhân chứng số 131, tháng 11-2004) và “Ký ức Buôn Ma Thuột" (Tạp chí Văn nghệ quân đội số 618, tháng 3-2005), Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch) đã phê phán "những hồi ức" lồng ghép ý kiến chủ quan cá nhân, thiếu khách quan trong những bài báo kể trên. Sư đoàn bộ binh 316 và nhiều đơn vị tham gia chiến đấu giành thắng lợi ở Buôn Ma Thuột là công sức trí tuệ của cả Mặt trận Tây Nguyên, xa hơn nữa là của cả chục năm trời dồn nén, tích tụ tạo dựng. Do đó, khi nhắc tới thắng lợi không nên chỉ thấy "cái cụ thể" mà không thấy "cái toàn thể"; chỉ thấy hướng Sư đoàn 316 trong trận đánh Buôn Ma Thuột mà không thấy ba, bốn sư đoàn khác và nhiều trung đoàn độc lập của Mặt trận đã tạo thế thuận lợi cho mình chiến đấu giành thắng lợi. Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Cần (nguyên Chủ nhiệm Phòng không chiến dịch) đã tỏ rõ chính kiến không nhất trí với một số chi tiết cụ thể trong các bài viết nêu trên. Chẳng hạn như trong các bài viết tác giả cho rằng, hướng tiến công chủ yếu trong trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột là Tây Nam là sai. Hướng này tuy tạo bất ngờ, địch có nhiều sơ hở, nhưng việc đưa binh khí kỹ thuật cơ giới vượt sông Sê Rê Pốc luồn sâu sẽ gặp khó khăn. Nên Bộ Tư lệnh chiến dịch chọn hướng Bắc - Tây Bắc làm hướng tiến công chủ yếu là chính xác. Hướng này tuy địch có đề phòng, nhưng ta tập trung được binh, hoả lực mạnh, đánh bằng thế áp đảo, quân địch đã mau chóng tan rã... Đồng thời, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cũng không nhất trí với ý kiến cho rằng "Trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột chỉ có bốn mũi tiến công của 4 trung đoàn" (Trận đánh nở hoa trong lòng địch" - báo Quân đội nhân dân số 15757 ngày 10-3-2005). Hồi ức của tác giả đã quên hẳn một mũi tiến công quan trọng bằng bộ binh cơ giới hợp thành do Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24) làm chủ công. Mũi tiến công này phát triển từ hướng Tây đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và là một trong năm mũi đột phá mạnh nhất trong hai ngày 10 và 11-3.

        Điều đáng lưu ý nữa là, trong diễn biến trận đánh Buôn Ma Thuột, khi gặp tình huống bất ngờ "Trung đoàn 174 báo cáo đã giải quyết xong sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy" nhưng "cơ quan tham mưu chiến dịch phát hiện thấy sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy vẫn còn liên lạc với các đơn vị ở vòng ngoài". Để giải quyết tình huống này (bài báo viết), đồng chí Sư đoàn phó Sư đoàn 316 đã đề nghị Bộ Tư lệnh chiến dịch cho xuống kiểm tra và sau đó lập phương án tác chiến tiến công sở chỉ huy địch là thiếu khách quan, không đúng thực tế và không đúng thẩm quyền.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:38:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:44:35 pm »


GÓP BÀN VỀ NGÀY GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN-HUẾ XUÂN 19751

TRẦN VĨNH TƯỜNG       

        Tháng năm, cứ đến dịp ngày 26 tháng 3, nhân dân Thừa Thiên-Huế nô nức tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như một sinh hoạt tinh thần đầy ý nghĩa. Đây không chỉ là hoại động kỷ niệm mang tính chính trị mà đã trở thành nét văn hóa của người dân xứ Huế... Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, trong thực tế, Thừa Thiên-Huế được giải phóng vào ngày nào, ngày 26 hay ngày 25 tháng 3 năm 1975? Thiết nghĩ, với lịch sử cần phải khách quan và công bằng. Trên tinh thần đó, tôi xin có đôi điều mong góp phần xác định thêm cho rõ ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế.

        Trong cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, có ghi: “Ngày 26-3-1975, sư đoàn 1 ngụy bị tiêu diệt, thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Thắng lợi đó đã tạo thế uy hiếp từ hướng Bắc đối với quân địch ở Đà Nẵng" (Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2001, tr. 263). Trong thực tế, sư đoàn 1 ngụy không phải đến ngày 26 tháng 3 mới bị tiêu diệt.

        Trong cuốn Thừa Thiên-Huế kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), viết: “Trong khi 2 cánh quân Nam và Bắc của ta đã tiến vào Huế, thì ở cánh phía Tây, Trung đoàn 6 trung đoàn Phú Xuân) - con đẻ của Quân khu Trị-Thiên, trước khi bước vào chiến dịch được Quân khu giao nhiệm vụ cắm cờ chiến thắng ở thành phố Huế, nhưng trên đường về Huế gặp khó khăn. Đến 6 giờ sáng ngày 26 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 6 mới chính thức kéo lá cờ lớn dài 12m, rộng 8m lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn toàn được giải phóng” (Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế - Thừa Thiên-Huế kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr. 356. 355). Cũng trong cuốn sách này, các tác giả khẳng định: "Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, lá cờ chiến thắng được các chiến sĩ giải phóng cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu, phần phật bay báo tin vui với nhân dân Cố đô Huế. thành phố Huế được giải phóng" (Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế - Thừa Thiên-Huế kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr. 356. 355).

        Trong cuốn Thừa Thiên-Huế Xuân 1975, Trung tướng Lê Tự Đồng - nguyên Bí thư Khu ủy Trị Thiên-Huế, viết: "Các đơn vị từ phía Nam đánh lên vừa lùa địch bên ngoài thành phố, vừa cho những đơn vị nhỏ thọc vào thành phố. Từ 8 giờ sáng đến khoảng 13-14 giờ ngày 25-3 các đơn vị không hẹn mà gặp nhau tại thành phố giải phóng đang nồng nặc mời thuốc súng" (Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế - Thừa Thíên-Huế Xuân 1975, Nxb Thuận Hoá, 2000, tr. 50).

        Đồng chí Vũ Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế viết: "Ngày 25-3-1975, từ hai hướng Nam và Bắc Huế, các lực lượng đi đầu của Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương Quảng Trị, được tự vệ dẫn đường tiến vào nội thành Huế. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, lá cờ giải phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế đã được giải phóng” (Tỉnh ủy Thừa Thìên-Huế - Thừa Thiên-Huế Xuân 1975, Nxb Thuận Hoá, 2000, tr. 70).

        Đồng chí Nguyễn Vạn - nguyên Bí thư Tinh ủy Thừa Thiên-Huế, người đã từng chiến đấu lâu năm ở chiến trường này kể: "... ngày 23 tháng 3 đến ngày 25 tháng 3, đồng chí Hoàng Lanh - Bí thư Thành ủy chỉ huy lực lượng bí mật bên trong cùng lực lượng biệt động đặc công thành phố ở ngoài vào huy động cơ sở cách mạng và quần chúng nổi dậy chiếm các nhà máy điện, nước, bưu điện, đài phát thanh, đài truyền hình và những cơ quan công sở quan trọng, bảo vệ an toàn thiết bị, vật tư tài liệu... tạo thuận lợi cho việc tiếp quản thành phố nhanh gọn, sớm ổn định. Một số cốt cán thành phố do đồng chí Nguyễn Huy Ngọc chỉ huy đã ra tận cửa An Hòa đón Tiểu đoàn 8 Quảng Trị vào thành, cùng vào có một đơn vị của Quân đoàn 2, hai đơn vị này đã treo cờ ở Phu Văn Lâu và Ngọ Môn.

        Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 6 vào tiếp quản nội thành Huế, treo cờ giải phóng rộng 8m, dài 12m lên Kỳ đài Thừa Thiên-Huế đã hoàn toàn giải phóng" (Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Thừa Thiên-Huế Xuân 1975, Sđd, tr. 91-93).

        Thượng tướng Nguyễn Hữu An - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, viết: "Sau khi giải phóng Phú Bài và Hương Thủy, Trung đoàn 101, tiếp theo là Trung đoàn 3 bộ binh có xe tăng đi cùng, được nhân dân địa phương giúp phương tiện... vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3, Tiểu đội phó Tiểu đội trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm cờ chiến thắng lên Phu Văn Lâu.

        Một bộ phận của Trung đoàn  (Sư đoàn 324) cùng xe tăng, chiều ngày 25 tháng 3 đã tiến vào sở chỉ huy Quân đoàn 1 ở Mang Cá và tới giải phóng cho hơn 2.000 tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ.

        Cùng chiều hôm đó, các lực lượng của Quân khu Trị - Thiên từ hướng Bắc cũng tràn vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố" (Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Thừa Thiên-Huế Xuân 1975, Sđđ, tr. 124).

        Từ những mô tả trên của các vị lãnh đạo và chỉ huy chiến trường lúc bấy giờ có thể nhận thấy rằng có một điều chưa thống nhất là thời điểm cắm cờ giải phóng trên Phu Văn Lâu. Nhiều người cho là cờ được cắm vào 10 giờ 30 phút ngày 25-3, có người nói là 13 giờ cùng ngày. Nhưng tất cả các ý kiến đó đều thống nhất ở những điểm sau.

        - Lá cờ giải phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu vào trưa ngày 25 tháng 3 năm 1975.

        - Đơn vị cắm cờ là Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị.

        - Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá bị quân ta đánh chiếm vào ngày 25-3.

        - Thành phố Huế được giải phóng ngày 25 tháng 3 năm 1975.

        Vậy tại sao lấy ngày 26 tháng 3 làm ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế? phải chăng đây là ngày cả tỉnh được giải phóng? Chúng tôi xin dẫn ra đây ý kiến của các đồng chí chỉ huy chiến trường, tham gia giải phóng Thừa Thiên-Huế.

---------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 4-2005)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:44:58 pm »


        Thượng tướng Nguyễn Hữu An viết: "Rạng sáng ngày 23, Trung đoàn 101 đã phá vỡ căn Cứ Lương Điền, mở được cửa phía Nam về Huế, đồng thời hỗ trợ cho Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 tiêu diệt địch ở 303, núi Bông, núi Nghệ, Mỏ Tàu… Trung đoàn 18 tiến công vào căn cứ Mũi Né... Nắm thời cơ địch đang hoảng hốt, Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Lẫm cho Tiểu đoàn 3 truy theo và đánh thẳng vào chi khu Phú Lộc. Tới 19 giờ ngày 23, Trung đoàn 18 diệt xong chi khu và đánh tan tiểu đoàn 128 bảo an, rồi đưa tiếp Đại đội 7 phối bợp với Tiểu đoàn 21 bộ đội địa phương chiếm cửa Tư Hiền... chiều 23 tháng 3, các trung đoàn 1 và 2 (Sư đoàn 324) đã chiếm cửa Thuận An, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) cùng bộ dội địa phương đã áp sát cửa Tư Hiền.

        Phía Bắc Huế, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3, bộ đội địa phương Quảng Trị có Đại đội 7 xe tăng (Lữ đoàn 203) yểm hộ đã quét một loạt căn cứ, quận lỵ như Thanh Hương, Đại Lộc, Hương Điền rồi vượt sông Mỹ Chánh tấn công Phò Trạch, Lương Mai, tiếp đó hình thành hai mũi; một mũi đánh chiếm Bao Vĩnh, một mũi đánh chiếm bờ Bắc Thuận An.

        Tảng sáng ngày 25 tháng 3, Tiểu đoàn 3 đã nổ súng đánh chiếm quận ly Lương Thủy, cùng lúc, Trung đoàn 101 đánh vào Phú Bài. Địch bị bất ngờ tháo chạy hỗn độn, bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy" (Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Thùa Thiên-Huế Xuân 1975, Sđd. tr. 91-92 , 122-123).

        Đồng chí Nguyễn Vạn viết: "Chiến trường Bắc Thừa Thiên có khó khăn mới, nhưng trong tình thế địch bị hoảng soạn, tinh thần rêu rã, dù co cụm đông đặc cũng không giữ được sẽ bị quân ta đánh tan. Chấp hành lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch không để địch co cụm vào Huế, không để địch xúc dân, tối 23-3-1975, toàn bộ mặt trận đồng bằng phát động cao trào tấn công nổi dậy...

        Như vậy là 3 huyện Bắc Thừa Thiên-Huế đã hoàn toàn được giải phóng trong 2 ngày 24 - 25-3-1975" (Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Thùa Thiên-Huế Xuân 1975, Sđd. tr. 91-92 , 122-123).

        Theo đồng chí Vũ Thắng: "Phối hợp với đòn tiến công quân sự, Đảng bộ và nhân dân các huyện và thành phố Huế đã nổi dậy giải phóng quê hương. Ngày 24 tháng 3, giải phóng các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Ngày 25 tháng 3, tiếp tục giải phóng Phú Vang, Quảng Điền, thành phố Huế và huyện Phú Lộc” (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd, các tr. 71-72, 281, 242-243).

        Từ những trình bày trên có thể nhận thấy rằng, các huyện của Thừa Thiên-Huế đều được giải phóng trong các ngày 24 và 25 tháng 3 năm 1975. Để cụ thể hơn, chúng tôi dẫn ra đây ý kiến về ngày giải phóng các huyện. Đồng chí Võ Nguyên Quảng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Đến ngày 25-3, nhân dân 18 xã trong huyện đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền. Huyện Hương Thủy hoàn toàn giải phóng (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd, các tr. 71-72, 281, 242-243).

        Đồng chí Nguyễn Hữu Hường - nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Trà kể lại: "Đồng chí Lành và đơn vị xuất phát tử 5 giờ sáng ngày 25-3-1975 vào tới thành phố lúc 6 giờ sáng... thì được biết Hương Trà không còn địch... Gặp tôi đồng chí Dương Bá Nuôi bắt tay, ôm hôn tôi rất chặt: "Hoan hô Hương Trà đã giải phóng sớm..." (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd, các tr. 71-72, 281, 242-243).

        Ở Phong Điền, "Ngày 24-3 một tiểu đoàn của Quảng Trị đánh chiếm Mỹ Chánh rồi tiến thẳng vào Phò Trạch, An Lỗ hướng về Huế. Các lực lượng Phong Điền chớp thời cơ giải phóng ngay quận lỵ. Cùng lúc ấy Tiểu đoàn 812 từ Hải Lăng tràn sang. Các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương đồng loạt nổi dậy giành chính quyền làm chủ huyện. Huyện Phong Điền được hoàn toàn giải phóng” (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd, các tr. 71-72, 281, 242-243).

        Tại Quảng Điền, đồng chí Nguyễn Trung Chính - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, kể: "Ngay đêm ấy (24-3), anh Hoàng Điền liên lạc được với bộ đội ở Phong Chương rồi chỉ đạo ngay mũi công tác của huyện và các đội công tác xã phát động quần chúng nổi dậy tiến công giải phóng các xã Quảng Thái, Quảng Hưng (nay là Quảng Lợi, Quảng Phước - TVT) và quận lỵ Quảng Điền. Đúng 15 giờ ngày 25, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa quận trưởng, chi khu quân sự Quảng Điền" (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd , các tr. 222, 268).

        Đồng chí Lê Viết Phong - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phú Vang viết: "Thừa thắng xông lên, lực lượng vũ trang của huyện... lấy xe và lái xe của địch (GMC)... tổ chức tiến lên vùng trên (Ân - Tài - Thiện) hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, bao vây tiêu diệt quận lỵ Phú Vang... Ngày 25-3-1975, toàn huyện Phú Vang được giải phóng, một số xã tiến hành mít tinh mừng giải phóng và ra mắt Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời" (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd , các tr. 222, 268).

        Từ thực tế chiến trường mà các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp đã phản ánh trong bài viết của mình gần đây nhất, có thể nhận thấy toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế được giải phóng ngày 24 và 25 tháng 3 năm 1975. Như đã dẫn ở trên, đồng chí Vũ Thắng viết: "Ngày 24-3, giải phóng các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Ngày 25-3, tiếp tục giải phóng Phú Vang, Quảng Điền, thành phố Huế và huyện Phú Lộc".

        Có thực tế là "Trung đoàn 6 bộ binh Quân khu là đơn vị con đẻ của Trị-Thiên, được Quân khu giao nhiệm vụ cắm cờ chiến thắng ở thành phố Huế, thì đúng 6 giờ 30 phút ngày 26-3- 1975 mới chính thức kéo cờ lớn (dài 12 m, rộng 8 m) lên cột cờ phu Văn Lâu..." (Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1985, tr. 256). Theo đồng chí Nguyễn Vạn thì “Ngày 26-3-1975, Trung đoàn 6 vào tiếp quản nội thành, treo cờ giải phóng" (Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế - Thừa Thiên - Huế Xuân 1975, Sđd. các tr. 93). Nói tiếp quản, bởi vì thành phố Huế đã được giải phóng và cờ giải phóng đã được Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị và một đơn vị của Quân đoàn 2 cắm trên Phu Văn Lâu trước đó một ngày (25-3-1975).

        Từ những trình bày trên, mà chủ yếu là dẫn ý kiến từ các bài viết của chính các nhân chứng lịch sử, những vị lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu trực tiếp ở chiến trường Trị-thiên-Huế trong chiến dịch Xuân 1975, theo chúng tôi có thể khẳng định, thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được giải phóng ngày 25 tháng 3 năm 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:10 pm »

       
VỀ LỰC LƯỢNG THAM GIA GIẢI PHÓNG ĐÀ NẴNG1

LÊ HỮU ĐỨC        

        Qua 20 ngày Tổng tiến công và nổi dậy, chủ lực ta trên chiến trường chính Tây Nguyên cùng quân dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung thuộc Quân khu 5 đã cơ bản tiêu diệt và làm tan rã lực lượng quân khu 2 - quân đoàn 2 ngụy, giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên; đập tan tuyến phòng thủ Tây Nam thị xã Tam Kỳ, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng thời gian trên, lực lượng Quân khu Trị-Thiên và Quân đoàn 2 đã tiêu diệt và giải phóng vùng còn lại của tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa - Thiên, gồm cả thành phố Huế. Lực lượng địch trên chiến trường Trị-Thiên gồm Sư đoàn bò binh 1, sư đoàn mạnh nhất của quân ngụy; Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến; 2 liên đoàn biệt động quân số 14 và 15, các thiết đoàn xe tăng thiết giáp, các tiểu đoàn pháo binh và toàn bộ lực lượng bảo an đều bị diệt và tan rã, lực lượng địch có hơn 4 vạn tên, bỏ chạy về Đà Nẵng gần 1 vạn 6. Trên chiến trường miền Đông, ta đang bao vây tiến công Sư đoàn 18 ngụy ở Xuân Lộc, các quân khu 8 và 9 cũng giành thắng lợi liên tiếp.

        Trước thắng lợi to lớn, có tính quyết định của chiến trường Tây Nguyên, thắng lợi giòn giã ở Trị-Thiên, thắng lợi dồn dập của Quân khu 5, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã mở ra một cục diện mới, thời cơ mới. Nói cách khác, chỉ trong một thời gian ngắn, quân dân ta trên các chiến trường đã thực hiện đúng nhận định sáng suốt của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương trong hội nghị chính thức thông qua lần cuối cùng kế hoạch giải phóng miền Nam hai năm, đã chọn phương án thứ nhất "Tổng tiến công thực hiện đòn tiêu diệt chiến lược đi trước một bước, tích cực thúc đẩy nhanh chóng điều kiện nổi dậy ở các thành phố trung tâm". Vì ưu điểm lớn nhất của phương án I là: "bảo đảm trong một thời gian ngắn, thực hiện được đòn tiêu diệt chiến lược lớn có thể từ 1 đến 2 quân đoàn và một số sư đoàn chủ lực ngụy, tương đương 1/3 đến 1/2 toàn bộ lực lượng quân ngụy, kể cả chủ lực và địa phương, giải phóng dân và một số tỉnh miền Nam, tạo điều kiện tích cực, vững chắc cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở thành phố và chủ động xử trí mọi tình huống phức tạp, ngay cả trường hợp Mỹ can thiệp vào".

        Trước thời cơ lớn, ngày 18 tháng 3, Bộ Chính tr!, Thường trực Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm "chuyển cuộc tiến công chiến lược, thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch 2 năm: 1975 và 1976 ngay trong năm 1975". Hội nghị còn quyết định rất kịp thời, khẩn trương "chuyển qua phương án đón thời cơ"; thực hiện đúng phương châm: "khẩn trương, táo bạo, bất ngờ" (Võ Nguyên Giáp - Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hả Nội. 2000. tr. 226-240).

        Ngày 25 tháng 3 năm 1975, trên hai khu vực bàn đạp Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và Nam Ngãi ở phía Nanh, bộ đội ta nhanh chóng tiến công căn cứ hên hợp quân sự Đà Nẵng.

        Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch mang tên 475. Đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng, được cử làm Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5, được cử làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Vì thời gian quá gấp, không thể họp Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch để bàn bạc kế hoạch, hai đồng chí phụ trách chính trao đổi nhận định, thống nhất phương án tác chiến qua điện đài. Mọi công tác điều hành bộ đội hành quân, bảo đảm vật chất kỹ thuật đều do Bộ Tổng tham mưu phụ trách. Thực chất, đây là một chiến dịch tiến công trong hành tiến.

        Quá trình thảo luận phương án tác chiến, trước khi đồng chí Tấn lên đường vào chiến trường, tại Tổng hành dinh ngày 26 tháng 3 năm 1975, đồng chí Tấn đề nghị tiến công Đà Nẵng trong 5 ngày, nhưng đồng chí Bộ trưởng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chấp nhận "vì chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao" và chỉ thị đánh Đà Nẵng trong 3 ngày.

        Trong bức điện số 1 ĐBTK hồi 8 giờ 30 phút ngày 26 tháng 3 gửi đồng chí Chu Huy Mân, Đại tướng viết: "Đánh Đà Nẵng nên:

        - Hướng An sẽ tiến công phía Bắc và Tây Bắc theo đường Quốc lộ 1a và Quốc lộ 14.

        - 711 từ Tây Nam đánh lên, trước mắt diệt lữ 369.

        - Đề nghị anh chuẩn bị cho Sư 2 và Lữ 52 đánh theo đường 1 về Mỹ Khê (đông Đà Nẵng) bịt đường rút lui bằng đường thủy của địch" (Tất cả các bức điện trên đây trích từ sách "Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các trang 243, 244, 245. Hướng An - tức quân đoàn 2, Tư lệnh là Nguyễn Hữu An, còn 711 là khu Thượng Đức, khu trú quân của Sư đoàn 711 Quân khu 5 và Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 khi tiến công Thượng Đức. Hoà là Tư lệnh Quân đoàn 1 Nguyễn Hoà.

-----------------------
       1. (Tạp chí LSQS số 6-2004)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:15 pm »


        Điện trả lời của đồng chí Chu Huy Mân:

        "1. Nhất trí với ý định của "Cậu Vũ”.

        2. Chúng tôi đã chuẩn bị cho Sư 2 và Lữ 52 tiến công từ hướng Nam ra, đánh chủ yếu theo đường núi Quế ra Vinh Điện; cánh thứ yếu theo đường Đèo Le qua núi Mạc ra Đường 100 để phối hợp với lực lượng "Cậu Vũ” từ ngoài tỉnh vào tiêu diệt địch ở Đà Nẵng.

        3. Đang tích cực chuẩn bị, chậm nhất là 29 tháng 3 có một trận địa pháo có thể bắn vào núi Quế.

        (Cậu Vũ là bí danh của Bộ Tổng tư lệnh).

        Ngay ngày hôm sau: ngày 25 tháng 3, đồng chí Tấn lại điện cho đồng chí Mân: "Phúc điện số 320 hồi 16 giờ của anh:

        1. Hoàn toàn đồng ý về hướng tiến công, mục tiêu tiến công của Sư 2 và Lữ 52.

        2. Lực lượng của An và một số sư của Hoà tiến công theo 2 trục:

        - Mũi thứ nhất theo đường 14, Mũi Trâu, Lệ Mỹ vào sân bay chính.

        - Mũi thứ hai từ Lăng Cô đến Hải Vân, Liên Chiểu, Nam Ô, đồng thời đánh từ Lộc Mỹ lên đỉnh đèo Hải Vân diệt lữ 258.

        3. Lực lượng của 711 tiến công Trung đoàn 57 ở Đại Lộc và vòng đằng sau Lữ 369.

        4. Pháo binh triển khai được một trận địa ở Mũi Trâu bắn vào sân bay chính, cảng Sơn Trà và tàu biển. Đề nghị anh cho triển khai ngay một trận địa pháo nòng dài bắn vào sân bay Nước Mặn, nếu có pháo 85 càng tốt để đánh tàu biển bốc quân ở Mỹ Khê".

        Ngày 27 tháng 3, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Quân đoàn 2 và Quân khu 5: "Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương. Cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thông vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất" (Điện số 3ĐB/TR ngày 27-3-1975, dẫn theo Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2, Nxb QĐND, Hà Nội, 1994, tr. 527).

        Do nhiều khó khăn, nhất là cầu cống dọc đường số 1 bị đánh phá, tình hình lại diễn biến quá nhanh, đêm 27 tháng 3, pháo binh chiến dịch mới tổ chức được 1 trận địa 4 khẩu 130 ly ở Mũi Trâu và Lăng Cô, gồm 14 khẩu (6 khẩu 130 ly). Ở phía Nam, Quân khu 5 mới có 4 khẩu 130 ly ở Sơn Khánh.

        Đúng 5 giờ 30 ngày 28 tháng 3, tất cả các khẩu pháo dồn dập bắn vào thành phố. pháo 130 ly, Đ74, ĐKB bắn mãnh liệt vào Hoà Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn và các mục tiêu quân sự khác. Đòn tập kích hoả lực của pháo binh ta làm cho địch đã hoang mang càng thêm hoảng loạn. Chúng không hiểu nổi vì sao quân đội ta lại có sức cơ động cao như vậy, đánh vào thành phố nhanh và sớm như vậy. Sân bay Đà Nẵng chưa bị thiệt hại lớn đã phải đóng cửa. Cũng như ở Huế, chúng hy vọng vào con đường biển nhưng lần này thì chúng không thoát được.

        Từ hướng Bắc, theo Đường số 1, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2, được tăng cường 1 đại đội xe tăng PT-85 và được Trung đoàn 84 pháo binh yểm hộ, sáng 29 tháng 3, tiến công địch trên đèo Hải Vân, đập tan các chốt phòng ngự của 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 258, chiếm kho xăng Liên Chiếu. Đến 10 giờ, bộ phận đi đầu đã đến ngã ba trung tâm thành phố, nhanh chóng tiến ra bán đảo Sơn Trà, cắm cờ Tổ quốc lên căn cứ chỉ huy địch trên bán dạo lúc 11 giờ ngày 29 tháng 3.

        Hướng Tây Bắc, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 hành quân cơ giới theo trục đường 14, đập vỡ tuyến ngăn chặn của Sư đoàn 3 ngụy, vượt qua núi Phước Tường, Hoà Khánh, chiếm Toà thị chính lúc 13 giờ và tiến ra bán đảo Sơn Trà.

        Hướng Tây Nam, Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9), đánh tan lực lượng địch ngăn chặn ở Ái Nghĩa, truy kích tàn quân của lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 369 trên đoạn đường dài hơn 30km, chiếm Trung tâm huấn luyện Hoà Cầm và tiến vào sân bay Đà Nẵng lúc 12 giờ 30 ngày 29 tháng 3.

        Hướng Nam và Đông Nam, Sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5, Trung đoàn 95 bộ đội địa phương Quảng Đà nhanh chóng chiếm các vị trí bàn đạp ở Nam sông Thu Bồn, phát triển vào thành phố. Khoảng 14 giờ ngày 28 tháng 3, máy bay địch đánh phá cầu Câu Lâu và cầu Bà Rén, ngăn chặn quân ta tiến công. Lãnh đạo địa phương phải huy động hàng trăm thuyền chở bộ đội qua sông, nên tốc độ có bị chậm. Đến 3 giờ sáng ngày 29 tháng 3, đội hình của Sư đoàn 2 mới qua đượm sông. Xe tăng, pháo còn ở bờ Nam sông. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 quyết định đánh chiếm ngay thị xã Vểnh Điện không chờ binh khí kỹ thuật. Các trung đoàn Ba Gia và 31 nhanh chóng vượt sông, tiến vào trung tâm thành phố, đánh chiếm căn cứ Bộ tư lệnh sư đoàn không quân và Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy. Trung đoàn 38 đánh chiếm sân bay Nước Mặn, sau đó tiến ra Sơn Trà, bắt liên lạc với bộ đội Quân đoàn 2 lúc 15 giờ ngày 29 tháng 3. Cùng lúc, các trung đoàn 93. 96 tỉnh Quảng Đà tiến công giải phóng thị xã Hội An, khu Non Nước, khu An Đồn, căn cứ hải quân ngụy, cùng Trung đoàn 38 đánh chiếm sân bày Nước Mặn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:33 pm »


        Đến đây, sau đúng 25 ngày chiến đấu, quân dân Quân khu Thừa Thiên-Huế, Quân khu 5 cùng Quân đoàn 2 đã tiêu diệt, làm tan rã, xoá sổ hoàn toàn 2 quân khu - quân đoàn địch, trong đó có quân khu 1 - quân đoàn 1 là quân khu - quân đoàn mạnh nhất trong 4 quân khu - quân đoàn của ngụy. Riêng ở quân khu 1 - quân đoàn 1 có Bộ chỉ huy Quân đoàn 1, sư đoàn thủy quân lục chiến, Liên đoàn biệt động quân số 15, các đơn vị binh chủng và lực lượng còn lại của các sư đoàn 1, 2, 22, 23, đã bị tiêu diệt, bị bắt và tan rã. Ta thu và phá hủy 69.000 khẩu súng các loại, có 109 khẩu pháo từ 105-175 ly, 138 xe tăng bọc thép, 115 máy bay, 47 tàu chiến...

        Chiến dịch Huế - Đà Nẵng mở đầu ngày 21 tháng 3, đã kết thúc giòn giã bằng trận tiến công giải phóng Đà Nẵng vào chiều 29 tháng 3 năm 1975. Riêng trận tiến công giải phóng căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng bắt đầu lúc 5 giờ 30 ngày 28 tháng 3 và kết thúc sau 33 giờ chiến đấu.

        Qua diễn biến, theo báo cáo và tài liệu của Quân đoàn 2, Quân khu 5, Quân khu Trị - Thiên và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã chứng minh đầy đủ, rõ ràng việc tiến công giải phóng Thừa Thiên-Huế là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng vũ trang Quân khu Trị-Thiên và Quân đoàn 2. Còn tiến công giải phóng căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng Quân khu 5 và Quân đoàn 2.

        Qua thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng, quân đội ta "có những tiến bộ mới về tổ chức chiến dịch tiến công gấp rút khi có thời cơ thuận lợi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chỉ huy, nghệ thuật tác chiến và phát triển tiến công trong chiến dịch. Sau gần 1 năm thành lập, Quân đoàn 2 đã tiến bộ rất nhanh chóng về tổ chức và trình độ chiến đấu, tăng thêm vũ khí trang bị thu được của quân địch, trở thành 1 cánh quân lớn binh chủng hợp thành, có khả năng cơ động nhanh, sức đột kích mạnh. Lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 tiến bộ vượt bậc, đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm địa phương mới giải phóng và đã cử nhiều đơn vị, động viên nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật - tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định" (Đầu năm 1975, tổng số quân địch trên toàn Miền là 1.351.000 tên (trong đó có 415.000 chủ lực), 381.000 phòng vệ dân sự (theo Đại tướng Văn Tên Dũng - Đại thắng mùa xuân, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 49-50). Riêng Quân khu 1 - Quân đoàn 1 ngụy có 5 sư đoàn bộ binh (1, 2, 3, sư đoản dù và thủy quân lục chiến), 4 liên đoàn biệt động quân (11, 12, 14, 50); 50 tiểu đoàn, 5 đại đội bảo an; 6 chi đội xe tăng thiết giáp (449 xe), 21 tiểu đoàn, 4 đại đội và 14 trung đội pháo (418 khẩu); 1 sư đoàn không quân; hải quân có 165 tàu. Tổng số địch ở Quân khu 1: 134.000 tên (84. 000 chủ lực), 50.000 địa phương quân và 137.000 phòng vệ dân sự (theo Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội 1994, tập 2, tr. 510). Quân khu 1 của địch gồm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi.) Quân khu 2 gồm 3 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc) và 7 tỉnh: Bình Định. Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đút, Lâm Đồng. Lực lượng địch ở quân khu 2 - quân đoàn 2 gồm 2 sư đoàn bộ binh (22, 23), 7 liên đoàn biệt động quân; 14 tiểu đoàn và 1 3 chi đội xe tăng thiết giáp: 477 xe; 2 sư đoàn không quân (138 máy bay chiến đấu); 36/38 tiểu đoàn bảo an. Tổng số địch bị diệt và tan rã của 2 quân khu - quân đoàn ngụy là 7/13 sư đoàn 11/18 liên đoàn biệt động quân; 36/86 tiểu đoàn bảo an; 35/64 tiểu đoàn và một số đại đội pháo: 800/1.556 khẩu pháo; 10/19 thiết đoàn và 51 chi đội xe tăng thiết giáp: 954/2102 xe; 3/5 sư đoàn không quân (234/556 máy bay chiến đấu)).

        Chính đồng chí Võ Chí Công - nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Khu ủy Khu 5, trực tiếp tham gia chỉ đạo cuộc tiến công vào Đà Nẵng, đã xác nhận: "Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng - Đà và Quân đoàn 2 được tăng cường tiếp sức cùng quân dân Quân khu 5 tiến công Đà Nẵng". Chỉ một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã 2 quân khu - quân đoàn địch, có căn cứ liên hiệp quân sự mạnh nhất, hiện đại nhất, xoá sổ gần 1/2 lực lượng vũ trang kể cả chủ lực địa phương của địch (Dẫn theo Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 50), tạo điều kiện tập trung được lực lượng cả nước sẵn sàng cho cuộc tiến công chiến lược cuối cùng nhằm đập tan đầu não chính trị - quân sự địch: Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác Hồ kính yêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:18:14 pm »


GÓP MỘT SỐ Ý KIẾN VỚI BÀI KÝ SỰ "CỰC NAM TRUNG BỘ, THÁNG TIẾN CÔNG1

PHẠM HOÀI CHƯƠNG         

        Tôi đã đọc bài ký sự dài "Cực Nam Trung Bộ, tháng tiến công" của tác giả Trần Hữu Tòng (THT), đăng trong các số báo Quân đội nhân dân ngày 8, 9, 10, 11 tháng 4 năm 2005, viết về các sự kiện chiến đấu, sinh hoạt của những vùng đất, con người mà tác giả đã đến, đã gặp ở Cực Nam Trung Bộ (CNTB) - Khu 6. Tuy nhiên, bài viết có rất nhiều điểm không đúng sự thật lịch sử đã diễn ra ở đây từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1975. Tôi là người quê ở Bình Thuận, CNTB - Khu 6, đã chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ điên chiến trường này và cũng đã đi qua Khu 10, miền Đông Nam Bộ. Trong mùa Xuân 1975, tôi chiến đấu ở Hoài Đức - Tánh Linh, Phan Thiết, Bình Tuy, La Gi, biết nhiều cán bộ ở lại miền Nam đấu tranh chính trị, cán bộ tập kết rồi về lại miền Nam chiến đấu ở Bình Thuận, Khu 6. Vì vậy, tôi phát hiện nhiều chỗ viết chưa đúng sự thật trong bài báo nói trên. Xin được đóng góp một số ý kiến về những chỗ sai sót ấy như sau:

        1. Ở số báo Quân đội nhân dân ngày 8 tháng 4 năm 2005, từ cột 1 dòng 1 xuống, THT viết: "Đoàn phóng viên báo Quân đội nhân dân chúng tôi đến trạm dân chính ở Bù Đốp để về Khu 6... Đây là con đường tắt gần nhất để tiếp cận chiến trường. Chúng tôi gặp anh Ba - Phó Bí thư Khu ủy... Sau khi hỏi chúng tôi đôi điều về tình hình hậu phương, hỏi việc ăn Tết trên đường giao liên, anh nói:... Quý hoá quá, các anh vào đây đúng dịp đó, nhân dân Khu 6 mong các anh viết lên báo để bà con cả nước biết về vùng cực phía Nam này, gian truân lắm mà cũng kiên cường bất khuất lắm... Anh vui vẻ đọc mấy câu thơ khái quát sự gian truân của vùng đất này: Rừng Ô Rô những năm tắm lửa và củ nần lá bép thay cơm. Khu 6 gian lao thế đấy. Sau Mậu Thân có thời kỳ địch đẩy ta lên rừng sâu, lên chỏm núi đá. Cơ sở ta thành vùng trắng, ta mất đất mất dân. Phải tắm lửa. Các anh có hiểu không Vì không có nước, giặc bao vây các vùng nước rồi, các chiến sĩ ta trong rừng Ô Rô, trên núi đá phải đốt lửa lên hơ cho nóng người cho mồ hôi toát ra để kỳ cọ ghét rồi lấy áo lau đi. Thời kỳ đó không có gạo ăn, muối ở dưới Cà Ná bị giặc chặn đường lên, anh em phải ăn lá bép gần giống như lá rau ngót ở ngoài Bắc ta đó, ăn củ nần như củ khoai môn rừng và ăn măng lồ ô để sông mà đánh giặc. Anh cười, thế mà quân dân vùng Cực Nam này vẫn sống, vẫn đánh thắng và gây được cơ sở cách mạng như hôm nay đó". THT không cho biết rõ là đến Bù Đốp ngày nào, có thể là cuối tháng 2 năm 1975 vì Đoàn của anh ăn Tết trên đường giao liên. THT cũng không viết rõ tên anh Ba - Phó Bí thư Khu ủy, này là gì, vả lại ở Khu 6 không có Phó Bí thư Khu ủy mà chỉ có Bí thư Khu ủy, các Thường vụ Khu ủy và các Khu ủy viên thôi. Theo như tác giả thì "anh Ba - Phó Bí thư Khu ủy" này cũng biết một số tình hình Khu 6 nhưng lại nói nhiều chỗ không đúng.

        Rừng Ô Rô thì có ở Khu Lê Hồng Phong - một vùng rừng cát gần biển của tỉnh Bình Thuận, nhưng việc tắm lửa ở Ô Rô chỉ có trong nhưng năm 1946- 1947 - thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mà thôi. Không hề có việc tắm lửa ở Ô Rô sau Mậu Thân 1968. Thêm nữa, việc phải ăn củ nần cũng chỉ một thời gian ngắn đầu chống Pháp, chứ không phải là thời kỳ sau Mậu Thân. Lá bép chỉ có ở miền núi Bình Thuận, Lâm Đồng, Tuyên Đức, chứ không có ở rừng Ô Rô. Miền núi Bình Thuận, Lâm Đồng, Tuyên Đức thì lại không có củ nần; chỉ có củ mài, củ từ, củ chụp. Đã từng ở Ô Rô, Kha Lê từ năm 1946 đến năm 1949, nên tôi biết rõ việc tắm lửa ở Ô Rô, mà cũng chỉ có ở cơ quan trong căn cứ, rừng sâu, chứ bộ đội chúng tôi thì không có tắm lửa đâu! Và bộ đội cũng không đói đến nỗi phải ăn củ nần, lồ ô thay cơm.

-----------------
        1. (Tạp chí LSQS số 10-2005)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:32 pm »


        Mậu Thân 1968, tôi là Phó Chính trị viên tỉnh đội Bình Thuận, làm Chỉ huy trưởng 1 trong 3 cánh quân đánh vào thị xã Phan Thiết. Sau đợt 1, địch phản kích, ta có rút ra nông thôn và lên căn cứ củng cố một thời gian ngắn rồi lại xuống đồng bằng. Đợt 2 (tháng 5 tháng 1968), chúng tôi đánh mạnh ở nông thôn và đánh đặc công vào uy hiếp đầu não địch ở Phan Thiết. Đợt 1, Bình Thuận vẫn mở nông thôn, giải phóng 35.000 dân, không có chuyện "mất đất, mất dân" "thành vùng trắng", rồi “lên núi cao tắm lửa, ăn củ nần, lá bép" như “anh Ba - phó Bí thư Khu ủy" nào đó nói với nhà báo. Trung ương, Trung ương Cục, Khu ủy Khu 6 vẫn chỉ đạo thông suốt đến tỉnh, huyện, xã, tuy có khó khăn nhưng không như THT mô tả. Tôi biết các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tuyên Đức, Phước Long của Khu 6 có khó khăn nhưng cũng không đến nỗi mất đất, mất dân, thành vùng trắng, lên chỏm núi tắm lửa, ăn củ nần...

        - Ở cột 2, dòng 16 dưới lên, THT viết: "Chúng tôi về trạm khách chờ giao liên đón. Hiện tại Sư đoàn 7 của ta đang vây đánh Bình Long, chiếm núi Bà Rá. Địch cố thủ trong hầm ngầm chống trả. Ngầm sông Bé, tàn quân ngụy đang phục kích. Chiến sự ở căn cứ Đồng Xoài đang ác liệt nên đường chưa thông"... ở đây THT đã nhầm Phước Long với Bình Long, núi Bà Rá và ngầm sông Bé đều thuộc tỉnh Phước Long chứ không phải tỉnh Bình Long. Vả lại, Sư đoàn 7 vây đánh Bình Long - An Lộc là vào năm 1972, còn lúc này là tháng 2 năm 1975, Quân đoàn  (có Sư đoàn 7) chủ lực Miền giải phóng Đồng Xoài từ 26 tháng 12 năm 1974 và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long từ ngày 9 tháng 1 năm 1975 rồi. THT sau Tết mới đến Phước Long thì Phước Long đã được giải phóng gần 2 tháng, làm sao còn có "địch đang cố thủ trong hầm ngầm, đang phục kích ở ngầm sông Bé", cũng làm gì có Đồng Xoài đang có chiến sự ác liệt nên đường chưa thông"? Đây là một nhầm lẫn đáng tiếc.

        - Ở cột 6, dòng 22 dưới lên, THT viết: "Chúng tôi đến bờ sông Đồng Nai (trên thượng nguồn) thực ra nó như một dòng suối lớn… Một chiếc thuyền giao liên đã chờ ở đó, đưa chúng tôi xuôi dòng... Mái chèo khua nhẹ, chị giao liên chèo thuyền dặn chúng tôi: Em chạy sát bờ. Các anh sẵn sàng. Động em ghé vào. Oánh. Đoạn này thường có thám báo". Tôi thấy THT viết đoạn này cũng không chính xác. Ở bờ sông Đồng Nai nơi mà THT đến thì đâu phải là thượng nguồn, thượng nguồn còn rất xa trên phía Bắc, mà có ai dại gì lại phải đi đến thượng nguồn sông Đồng Nai để về H50? Tôi đã đi đoạn này hồi đầu năm 1974, lúc đưa đoàn Anh hùng Chiến sĩ thi đua Quân khu 6 về Miền dự Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn Miền. Lúc đó, chúng tôi đã đi com-măng-ca từ Miền đến Bù Đốp, từ Bù Đốp đi xe ô tô vận tải quân sự của Khu 6 đến sông Đồng Nai, từ sông Đồng Nai đi thuyền máy cả ngày đêm mới đến H50. Tiếng động cơ nổ dòn, vang xa, vui tai, làm gì có "mái chèo khua nhẹ" bí mật và có động thì đánh vì thường có thám báo. Năm 1974, đây đã là vùng chân cứ giải phóng từ lâu rồi, sao đến năm 1975 gần giải phóng thiền Nam mà THT vẫn còn đi bộ vất vả và đi thuyền với “mái chèo khua nhẹ", đề phòng thám báo?

        - Ở cột 3, dòng 9 trên xuống, THT viết: "năm, tháng các chị (chị em H50-PHC) chỉ ăn ngô ăn sắn, ăn lá bép, củ nần, họa hoằn lắm mới được một bữa cơm". Điều này THT viết cũng không đúng sự thật. Làm sao đến năm 1975 mà các chị quanh năm suốt tháng chỉ ăn ngô sắn, củ nần lá bép? Ăn như vậy thì làm sao các chị quanh năm suốt tháng mang hàng nặng đến 50 - 60kg, chị Thích còn mang đến cả trăm kilôgam, mấy chục lần đạt danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng! Tôi có đi, về trên đoạn đường H50 mang hàng, các năm trước có gian khổ nhưng cũng không đến nỗi "chân xiêu, mắt hoa, đom đóm xanh vàng toé ra phía trước" như THT viết. Đến đầu năm 1975, gần ngày toàn thắng mà THT còn trải qua gian nan đến như vậy sao?

        - Ở số ra ngày 10 tháng 4 năm 2005, cột 2, dòng 5 dưới lên có kể việc vào đầu năm 1975 địch đưa vào vùng H50, Lâm Đồng đến 500 - 700kg chất độc, ai có thể biết được số liệu này? Việc 4 người ăn mì tôm chết cả 4, một gia đình mua cá khô về ăn chết cả gia đình, 30 người mua bột về làm bánh ăn cả 30 người đều chết, rồi Trường Thiếu sinh quân Khu mua đường về nấu chè, 18 em cứu không kịp đã chết hết... Theo tôi biết, Trường Thiếu sinh quân Quân khu 6 đến Mậu Thân 1968 đã không còn nữa, thì làm gì có chuyện 18 em bị ngộ độc chết vào đầu 1975 được? Ở Bình Thuận, ở một số đơn vị bộ đội, cơ quan, có chuyện bị ngộ độc chết nhưng đó là vào các năm 1963-1964, chứ những năm 1974-1975 không còn bị nữa, có chăng cũng chỉ bị lẻ tẻ, chứ không bị ngộ độc cả gia đình, cả mấy chục người chết như THT viết. Có thể THT chỉ nghe kể lại chuyện xảy ra đã lâu rồi vận vào đầu năm 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:50 pm »


        - Ở Cột 5 dòng 16 xuống, THT viết: Bộ Tư lệnh Quân khu 6 đóng trong một hang đá lớn đào luồn sâu trong lòng núi là không chính xác. Từ sau Hiệp định Pari, cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 6 đã dời về chỗ mà đoàn THT đến (có thể là đầu tháng 3 năm 1975), tuy cũng ở chân núi rừng rậm, nhưng chỉ cách xã Hàm Thạnh đồng bằng vài giờ đi bộ, không phải ở trong hang núi đá ngút ngàn như núi ông ở Tánh Linh hay núi Tà Đùng ở tây bắc Đà Lạt. Tôi là Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu đã ở căn cứ cơ quan Quân khu, không hề ở trong hang đá đào luồn sâu vào lòng núi như THT viết.

        - Ở phần này, THT có kể chuyện làm việc với Tư lệnh Quân khu Nguyễn Trọng Xuyên và Cục trưởng Chính trị Ba Thiệp (Đĩnh Sĩ Uẩn). Theo tôi, THT làm việc với Tư lệnh Quân khu 6 Nguyễn Trọng Xuyên thì có, nhưng với Cục trưởng Chính trị (Ba Thiệp) thì không, vì Ba Thiệp (Đinh Sĩ Uẩn) đã đi công tác Tuyên Đức - Đà Lạt từ giữa năm 1974 đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới về lại Quân khu. THT có thể gặp Ba Thiệp ở Đà Lạt sau giải phóng, chứ không thể gặp cùng với Nguyễn Trọng Xuyên ở căn cứ cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 6 được.

        - Ở cột 4 dòng 12 xuống số báo ngày 9 tháng 4, có một chuyện nhỏ mà THT viết cũng không đúng, đó là cây đèn "ló thụt" ở miền Nam. Có lẽ THT ngay cả khi vào chiến trường miền Nam cũng chưa hề thấy cây đèn ló thụt nên mới viết: nó là một cái chai nút kỹ, có dùi một lỗ nhỏ ở nắp để nó cháy bông tẩm dầu trong chai. Cây đèn như tác giả mô tả thì đâu phải là đèn ló thụt. Đèn ló thụt được làm bằng một chai Alcooldementhe, đựng đầy dầu lửa, tim luồn trong một ông thiếc có lò xo để khi nhấn xuống thì tim ló lên, cháy ngọn lớn sáng hơn, khi đậy nắp đèn thì tim thụt xuống, như vậy mới gọi là đèn ló thụt.

        - Ở số báo ngày 11 tháng 4 năm 2005, cột 2 dòng 5 xuống, THT viết căn cử Tỉnh đội Bình Tuy đóng ở núi ông cũng không đúng. Thực tế thì nó đóng ở một vùng rừng cát Biển Lạc, cách núi ông hàng chục kilômét. Từ khi tỉnh Bình Tuy được thành lập năm 1968 đến 30 tháng 4 năm 1975 chưa bao giờ căn cứ tỉnh Bình Tuy đóng ở núi Ông cả.

        Ngoài ra, đoạn này, THT còn viết mâu thuẫn về thời gian, như: "tôi lên ngay mặt trận Tánh Linh - Hoài Đức rồi theo các đơn vị xuống giải phóng Bình Tuy, Hàm Tân, La Gi". THT không nói đến Tánh Linh - Hoài Đức ngày nào và đến ngày nào thì theo các đơn vị nào giải phóng Bình Tuy. Vì nếu THT đến Tánh Linh - Hoài Đức khoảng ngày 15 tháng 3 năm 1975 thì ngày 16 tháng 3, Trung đoàn 812 Quân khu 6 tiêu diệt chi khu Hoài Đức, ngày 23 tháng 3 giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Đức, rồi tiếp tục tiến lên Di Linh - Đà Lạt chứ không xuống Bình Tuy, mà chỉ các đơn vị địa phương tỉnh Bình truy mới tiến xuống Lộ 1, Lộ 2 và đến ngày 22 tháng 4 năm 1975 mới đánh Tiểu khu Bình Tuy, La Gi. Vậy, THT có theo Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy đi Lộ 1 để một tháng sau tham gia giải phóng Bình Tuy không?

        - Ở cột 4, dòng 15 dưới lên, THT lại viết: "tôi theo cánh quân tiến vào giải phóng Đà Lạt thì anh Hà Đình Cẩn đã ở đây rồi. Chúng tôi chỉ kịp giơ tay chào nhau bên Hồ Xuân Hương rồi anh Cẩn theo đơn vị tiên về phía Bảo Lộc - Dầu Giây vào Sài Gòn. Tôi lại đi cùng đơn vị xuống giải phóng Hàm Tân, Bình Tuy. Mặt trận mở ra như những cơn lốc lôi cuốn chúng tôi theo... Tôi đến thị xã Bình Tuy và theo một phân đội Quân giải phóng vào giải phóng nhà tù..." ở đây, không hiểu THT đang nói từ Tánh Linh - Hoài Đức rồi theo các đơn vị xuống giải phóng Bình Tuy, Hàm Tân, La Gi, bỗng nhiên lại nói theo cánh quân tiến vào giải phóng Đà Lạt, gặp Hà Đình Cẩn. Không rõ THT ở Bình Tuy theo cánh quân nào lên Đà Lạt, vì cuối tháng 3, chưa giải phóng Bình Tuy, cũng không có cánh quân nào lên giải phóng Đà Lạt cả, thì THT đi với cánh quân nào và làm sao THT lên Đà Lạt được? Lên Đà Lạt ngày nào, với ai, THT nói không rõ và không có lý lẽ thuyết phục. Cũng không có cánh quân nào sau khi giải phóng Đà Lạt từ đây tiến xuống giải phóng Bình Tuy. THT xuống lại Bình Tuy ngày nào, với đơn vị nào? Đà Lạt ta tiếp quản ngày 3 tháng 4 còn địch rút chạy bỏ Đà Lạt ngày 2 tháng 4. Còn Bình Tuy thì đến ngày 22 tháng 4, một bộ phận Quân đoàn 2 cùng lực lượng địa phương Bình Tuy mới đánh. Mà Quân đoàn 2 là từ Phan Thiết vào chứ không phải từ Đà Lạt xuống. Tôi là Phó Chính ủy chiến dịch Tánh Linh - Hoài Đức, đánh giải phóng Hoài Đức, xong tôi về lại Bình Thuận chứ không lên Đà Lạt. Tôi cũng là Phó Chính ủy Bộ chỉ huy giải phóng Bình Tuy, cùng Quân đoàn 2 từ Phan Thiết vào đánh Bình Tuy, chứ không phải từ trên Đà Lạt tiến xuống. THT thoắt đến Tánh Linh - Hoài Đức, thoắt xuống Bình Tuy, thoắt lên Đà Lạt rồi thoắt xuống lại Bình Tuy một cách lạ kỳ, khó hiểu. Tôi là người trong cuộc còn khó hiểu thì các độc giả khác làm sao hiểu được và chắc sẽ thắc mắc làm sao mà THT tham gia giải phóng Bình Tuy hai lần?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:12 pm »


        - Ở cột 2, THT viết: "Anh Loan - Tỉnh đội trưởng Bình Tuy... có dáng người cao gầy, da xanh, vành môi tái nhợt. Cơn sốt rét vừa giày vò anh. Anh là dân đánh cá ở cửa biên Hàm Tân, quen vào lộng ra khơi, lượn quăng sóng ném, giông người Cửa Hội quê tôi (quê THT) nên tính cách táo bạo, nói năng thoải mái. Anh tâm sự: sau ngày tiễn bạn đi tập kết, anh ở lại bám trụ giữ cơ sở. Năm chúng tố cộng diệt cộng theo luật 10/59 khốc liệt, cơ sở bị vỡ, anh lẩn vào núi Ông để gây dựng lại phong trào. Rồi anh được đưa ra Bắc đào tạo và trở về nhận công tác ở Tỉnh đội cho đến nay. Anh Loan đã 3 lần mổ vết thương, 3 lần chết hụt trong hầm bí mật, 1 lần bị giặc bắt, anh trốn thoát...". Nhân vật "Anh Loan - Tỉnh đội trưởng Bình Tuy" mà THT miêu tả thật ly kỳ, đặc biệt nhưng lại là một nhân vật không có thật. Tỉnh đội trưởng Bình Tuy từ khi tỉnh mới được thành lập năm 1968 cho đến năm 1975 - khi THT đến, không có Tỉnh đội trưởng nào tên Loan, quê Hàm Tân, B trụ (tức không đi tập kết, ở lại miền Nam đấu tranh chính trị)…

        Xin nói rõ về Tỉnh đội trưởng Bình Tuy như sau: Anh là Nguyễn Thanh Đức (Tư Thanh) quê ở La Gàn, nay là xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, phía Bắc tỉnh Bình Thuận. Tư Thanh cũng dân biển nhưng người to lớn, mập mạp, da đen, môi thâm chứ không tái nhợt vì sốt rét. Anh hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, chứ không ăn to nói lớn. Anh là Đại đội phó Đại đội độc lập 216 Bắc Bình, đi tập kết tháng 9 năm 1954, đến năm 1959 về lại miền Nam chiến đấu, là Đại úy Tiểu đoàn trưởng, đã làm Chủ nhiệm Hậu cần Tỉnh đội Bình Thuận, có thời gian làm Bí thư Huyện ủy Tuy Phong. Khi tỉnh Bình Tuy thành lập (8-1968), Tư Thanh làm Tỉnh đội trưởng Bình Tuy cho đến ngày miền Nam giải phóng. Năm 1976, Tư Thanh công tác ở Sư đoàn kinh tế Quân khu 5. Anh nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và đã mất ở quê nhà hơn chục năm nay. Như vậy, Tỉnh đội trưởng Bình Tuy không phải tên Loan, quê ở cửa biển Hàm Tân mà là Nguyễn Thanh Đức (Tư Thanh) quê ở Tuy Phong. Tư Thanh tập kết rồi về lại miền Nam chiến đấu, chứ không ở lại miền Nam đấu tranh chính trị, do vậy không có việc khi bể vỡ cơ sở thì lên núi ông gây dựng lại phong trào. Thêm nữa, núi Ông là vùng rừng núi, căn cứ của huyện Tánh Linh trong kháng chiến chống pháp, không có dân, thì làm gì có chuyện lên đó dựa vào dân để gây dựng lại phong trào? Tư Thanh cũng không có ra lại miền Bắc một lần nữa để đào tạo, không có chết hụt ở hầm bí mật, không bị thương nên không mổ vết thương 3 lần, không bị địch bắt nên cũng không có việc trốn thoát.

        Cả 5 đồng chí cán bộ (Tỉnh đội trưởng, Tỉnh đội phó, Chính trị viên, Phó chính trị viên) Tỉnh đội Bình Tuy đều không có một "Anh Loan - Tỉnh đội trưởng Bình Tuy" nào như THT gặp và mô tả đến đặc biệt như thế. Tôi biết rõ và rất quen thuộc với cán bộ chủ chốt của Tỉnh đội.

        - Ở đầu cột 3, THT viết: "Chúng tôi cùng ngồi dậy, anh Loan kể cho tôi nghe đôi điều về núi Ông đang mùa mai vàng này (thật ra thì mai vàng chỉ có trong dịp Tết âm lịch chứ đến tháng 3 năm 1975 thì không còn mai nở nữa - PHC)... Tôi cử suy nghĩ miên man: Sao ở đây, Tánh Linh có tên là núi Ông. Ở Yên Bình - Yên Bái lại có tên thác Bà, thế thì từ xa xưa cái tên núi Ông với thác Bà có liên quan gì với nhau không?". THT không biết chứ ở Tánh Linh ngoài núi ông còn có núi Bà và thác Bà nữa. Ở Tánh Linh có một huyền thoại rất thú vị về Ông, Bà, Cậu (Cậu là con của Ông, Bà). Ông có đền thờ trên núi Ông, Bà có đền thờ trên núi Bà, nay vẫn có dinh thờ Cậu ở chân núi Ông về phía Đông Bắc. Thác Bà hiện là một thắng cảnh du lịch của Tánh Linh, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Ở Hàm Thuận còn có một núi Bà nữa. Vậy thì núi ông ở Tánh Linh có liên quan gì với thác Bà ở Yên Bái có lẽ chỉ là một suy nghĩ của THT mà thôi!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM