Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:17:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47059 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:10:40 am »


        Lời kết

        50 năm qua, kể từ khi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đến nay đã có hàng nghìn công trình, sách, bài viết của các nhà chính trị, quân sự, các vị tướng lĩnh, học giả, nhà nghiên cứu v.v.. trong và ngoài nước viết về sự kiện "chấn động địa cầu” này, theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ở trong nước, bên cạnh các công trình, bộ sách lịch sử mang tính chính thống, còn có các tập ký sự lịch sử, hồi ký, các bài viết của nhân chứng đăng trên các tạp chí chuyên ngành, các báo...

        Lịch sử Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng cựu chiến binh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn này mà còn của quân đội, của toàn Đảng, toàn dân ta. Việc các cựu chiến binh Trung đoàn 209 viết hồi ký, cung cấp tư liệu, tái tạo góp Phần làm đầy đủ hơn trang sử hào hùng của đơn vị là điều rất cần thiết, nhiều bổ ích. Đó là nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Xử lý các nguồn tư liệu nhân chứng, tìm giá trị đích thực của nó là trách nhiệm thuộc về các cơ quan chuyên môn, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử. Ý thức đầy đủ điều đó nên sau khi có đơn thư của các cựu chiến binh Trung đoàn 209 (đáng chú ý là của các đồng chí Ngô Trọng Bảo, Sơn Hà, Trần Quân Lập, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Duy Hàn) gửi tới nhiều cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, chúng tôi đã tập trung nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đối chiếu, thẩm định tư liệu, sự kiện và gặp gỡ nhân chứng v.v.. Trên từng vấn đề, chúng tôi đã có cố gắng, thận trọng phân tích, đánh giá. Có thể thấy các bài báo của đồng chí Bảo và các bài viết liên quan tới đồng chí Bảo có phần đúng, nhưng cũng còn có nhiều sai lệch. Nếu căn cứ vào các bài viết mà chúng tôi đã dẫn trên, xâu chuỗi lại, thấy nổi lên các "chiến công" của đồng chí Bảo như sau:

        - Chỉ huy trận Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ huy trận đánh cuối cùng (cứ điểm 507, 508, 509) trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

        - Người thứ hai, sau Anh hùng Tô Vĩnh Diện, cứu được một thẩu pháo ở mặt trận Điện Biên Phủ.

        - Ra lệnh cho đồng chí Tạ Quốc Luật chỉ huy đơn vi vượt cầu Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Ban tham mưu GONO.

        Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy không có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định những "chiến công" trên là có thật 100%, có chăng chỉ là một phần nhỏ.

        Trên tinh thần tôn trọng đối với nhân chứng lịch sử, Viện LSQSVN, sau khi tổ chức nghiên cứu thẩm định, ngày 8 tháng 7 năm 2004, đã tổ chức một buổi toạ đàm, mời các đồng chí có đơn thư và liên quan, đại diện các cơ quan hữu quan đến dự. Nhưng đáng tiếc, cả phía các đồng chí Bảo, Sơn Hà và phía các đồng chí Lập, Tài, Hàn không hoàn toàn thống nhất với những ý kiến của Viện LSQSVN đưa ra. Hai đồng chí Bảo và Sơn Hà vẫn giữ ý kiến như đã nêu trong đơn thư. Theo đồng chí Bảo: "Lịch sử về giờ chót của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn có chỗ nhầm lẫn lớn về trận đánh cuối cùng trong đợt tổng công kích bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và Bộ tham mưu địch", "nguyên nhân sâu xa của sự nhầm lẫn lịch sử này phải chăng là do 3 nỗi "hận" của Trung đoàn 209 từ Bản Vậy (Nà Sản, 1952) rồi cao điểm D2 đêm 30 tháng 4 năm 1954 đến cứ điểm 507 đêm 6 tháng 5 năm 1954, đã làm cho người chỉ huy Trung đoàn bị ám ảnh vì "cay cú” mà phủ nhận công tích của Tiểu đoàn 154 để bù đắp cho Tiểu đoàn 130", "sau khi chiến dịch kết thúc, Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 209 đã phạm sai lầm là tính toán, sắp đặt một kế hoạch báo cáo quân sự bằng những tình huống giả tạo trong đợt Tổng công kích tập trung trong cuốn hồi ức Chặng đường mười ngàn ngày của nguyên Trung đoàn trưởng 209, Thượng tướng Hoàng Cầm - TG) biến sự kiện lịch sử và chiến công này thành một thứ hàng hoá bao cấp nằm trong tay một vài người có chức có quyền để tùy tiện ban phát thiếu công bằng, phục vụ yêu cầu chính trị cục bộ của Trung đoàn là "rửa hận", gây sự dối trá, kéo theo một số người thiếu cảnh giác cùng đứng ra bảo vệ sự dối trá ấy, tiến hành bịt đầu mối và vô hiệu hoá "người trong cuộc", tạo ra một không khí lộn xộn mất đoàn kết trong nội bộ cựu chiến binh, đồng thời lừa dối cấp trên, lừa dối công luận suốt 50 năm qua" (trích đơn thư của đồng chí Ngô Trọng Bảo gửi Viện LSQSVN, gửi đông chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy quân sự Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy quân sự Trung ương, ngày 27 tháng 3 năm 2004).

        Treo chúng tôi, những điều đồng chí Bảo viết như trên là không đúng, bởi lẽ cuốn Lịch sử Trung đoàn bộ binh 209 (1947-1997) Nxb QĐND, Hà Nội, 1997, do một tập thể tác giả biên soạn, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn 209 (thời điểm 1997), Ban chỉ huy Trung đoàn thời kỳ điện Biến Phủ chắc chắn có vai trò nhất định trong việc cung cấp tư liệu sự kiện cho việc biên soạn. Những báo cáo tổng kết của Ban chỉ huy Trung đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ và những điều cựu chiến binh kể lại được Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 209 (năm 1997), tập thể viết cuốn Lịch sử Trung đoàn bộ binh 209 (1947-1997) tôn trọng, nghiên cứu cân nhắc thận trọng, đưa vào lịch sử những nội dung, sự kiện có cơ sở khoa học. Nếu cuốn sử trên còn có chỗ nào hạn chế, thiếu sót, thì đó thuộc về trình độ nghiên cứu, hoàn toàn không do mục tiêu "lừa dối công luận" như đồng chí Bảo phản ánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:34:53 am »

           
MỘT SỐ Ý KIẾN LIÊN QUAN ĐẾN TRUNG ĐOÀN 209 TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ 19541

TRẦN QUÂN LẬP - NGUYỄN HỮU TÀI       

        Nhân đọc loạt bài về "Một số vấn đề liên quan đến Trung đoàn 209 trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của các tác giả Trần Văn Thức và Nguyễn Mạnh Hà đăng trong chuyên mục Sửa lại cho đúng - Bàn thêm cho rõ của Tạp chí Lịch sử quân sự (từ số 153, tháng 9-2004 đến số 157, tháng 1-2005), chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao trước lịch sử của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Để làm rõ thêm bối cảnh trận đánh cuối cùng ở Mường Thanh, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu và có một số ý kiến sau:

        1. Về sử dụng lực lượng của Trung đoàn 209.

        Bướt vào đợt 3 chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 209 có nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A (Dominique 3), cửa ngõ vào tung thâm Mường Thanh. Trung đoàn đã sử dụng Tiểu đoàn 166 đánh Cứ điểm 505, tiểu đoàn 154 đánh Cứ điểm 505A. Cả hai vị trí này đều bị tiêu diệt đêm 1 tháng 5 năm 1954.

        Tiếp đó, Trung đoàn nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 507 cùng một lúc với các Trung đoàn 174 đánh A1 (Eliane 2), Trung đoàn 98 đánh C2 (Eliane 4), Trung đoàn 165 đánh Cứ điểm 506, Trung đoàn 102 đánh 311 (Huguette F). Thời gian nổ súng, thống nhất lấy hiệu lệnh là tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000 kg trên đồi A1 (20 giờ 30 đêm 6-5-1954).

        Trung đoàn đã sử dụng Tiểu đoàn 130 đánh Cứ điểm 507 (Eliane 10) nằm ngang giữa đường 41 đến bờ sông Nậm Rốm, ngăn chặn đường tiến công qua cầu sang Mường Thanh. Tiểu đoàn đã sử dụng Đại đội 363 đột phá, song vấp phải hàng rào bùng nhùng địch mới trải đêm 6 tháng 5 mà ta không phát hiện được. Bộc phá không cắt đứt được hàng rào bùng nhùng nên đội hình tiến công của ta bị ùn tắc. Trước hoả lực trung, đại liên dày đặc của địch (23 khẩu), Đại đội 363 bị thương vong, mất sức chiến đấu; Tiểu đoàn điều thê đội 2 (Đại đội 366) lên thay, đánh chiếm được một số đoạn giao thông hào, song Đại đội trưởng và Đại đội phó 366 đều bị thương. Trung đội trưởng Trần Can lên thay cũng bị hy sinh, buộc phải ngừng tiến công. Trước tình hình không có lợi, Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn củng cố trận địa dã chiến đề phòng địch phản kích khi trời sáng, bám sát trận địa, chấn chỉnh bộ đội chờ lệnh tiếp tục tiến công.

        Ngay sau đó, Đảng ủy Trung đoàn họp và nhất trí kết luận: Nguyên nhân của việc không tiêu diệt được Cứ điểm 507 là do ta không bám sát địch, tổ chức hoả lực tấn công rời rạc, không kiềm chế được hoả lực địch. Mặt khác, trong khi địch liên tục tăng cường chi viện phòng ngự thì quyết tâm của Trung đoàn là điều động lực lượng dự bị, tiếp tục tiến công đánh ban ngày. Điều này không phải do "cay cú” mà xuất phát từ tương quan lực lượng địch - ta lúc đó. Ta đã lần lượt chiếm được các cứ điểm A1, C2, 506, địch phản kích nhiều đợt, máy bay trút bom ồ ạt cũng không cứu vãn nổi. Nếu đánh ban ngày, có điều kiện quan sát tốt, ta sẽ không vướng phải những tình huống "bất ngờ" như đã xảy ra đêm 6 tháng 5.

        Quyết tâm này lúc đầu chưa được thông qua. Ý định của trên là chờ lệnh tổng công kích, cũng ở hướng ấy, tiến công một thể.

        Chúng tôi tiếp tục trao đổi, nhất trí đề nghị cho đánh ban ngày vì lực lượng của Trung đoàn vẫn còn đủ sức. Tình hình địch đã thay đổi. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, sau khi xin ý kiến của Tư lệnh chiến dịch, đã chuẩn y quyết tâm của Trung đoàn, ấn định giờ nổ súng là 14 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, chi viện hoả lực - 5 khẩu pháo.

        Trung đoàn đã điều động Đại đội 360 (đêm 6 tháng 5 là đơn vị dự bị cho Trung đoàn 165 đánh Cứ điểm 506) trở lại đội hình Tiểu đoàn 130 làm chủ công đánh Cứ điểm 507. Đồng chi Kim Mỹ - Phó Chính ủy trực tiếp xuống động viên, giao nhiệm vụ. Tiểu đoàn 154 sử dụng Đại đội 520, bố trí phòng ngự ở 505A, mở một mũi tấn công hỗ trợ (nơi tiếp giáp giữa 506-507).

        Kết quả như ta đã rõ, Cứ điểm 507 đã bị tiêu diệt nhanh gọn; sĩ quan, binh linh địch lũ lượt ra hàng. Cùng lúc đó, dọc sông Nậm Rốm xuất hiện nhiều cờ trắng, thời cơ lớn đã đến.

        Một mặt, Trung đoàn báo cáo lên Đại đoàn, mặt khác lệnh cho các tiểu đoàn 130, 154 đánh thốc lên các cứ điểm 508, 509, có điều kiện vượt sông Nậm Rốm đánh thẳng vào Chỉ huy sở Tập đoàn cứ điểm.

        Do vậy nên khi có lệnh tổng công kích vào trung tâng Mường Thanh (15 giờ ngày 7-5) thì các đơn vị của Trung đoàn 209 đang ở tư thế tiến công, có nhiều thuận lợi hơn các đơn vị khác, đã tiến vào trước hầm Đờ Cát-xtơ-ri).

------------------
        1. (Tạp Chí LSQS số 5-2005)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:36:36 am »


        2. Nói thêm về sự kiện bắt sông tướng Đờ Cát-xtơ-ri

        Đại đội 360 - đơn vị đã đánh chiếm 507-509 vượt qua cầu Mường Thanh bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm, là một đại đội có truyền thống bẻ gãy gọng kìm sông Lô năm 1947, lập nhiều chiến công trong nhiều chiến dịch lớn, song tâm tư vẫn không thoải mái vì sắp xếp thứ hạng trong đội hình của Tiểu đoàn, Đại đội 360 vẫn đứng sau các đại đội 366 và 363, chưa lần nào được giữ vai trò chủ công trong các trận đánh lớn. Lần này được Trung đoàn trao nhiệm vụ chính nên cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi, quyết tâm cao, mặc dầu một bộ phận bị bom vùi đất sáng 6 tháng 5. Đại dội trưởng Tạ Quốc Luật hứa: "Không thắng trận, không về gặp Trung đoàn", ý chí kiên cường cộng với tài chỉ huy linh hoạt của Tạ Quốc Luật đã được thể hiện trong việc ra lệnh cho Trung đội Chu Bá Thệ vượt cầu phao tại Cứ điểm 509 (Eliane 12) sang phía hữu ngạn sông Nậm Rốm để chia cắt các lực lượng địch với chỉ huy trung tâm. Việc tổ chức chỉ huy đánh chiếm cầu sắt Mường Thanh trong điều kiện khẩu pháo trọng liên 4 nòng vẫn liên tục nhả đạn, việc bắt tù binh dẫn đường đến hầm Đờ Cát-xtơ-ri và đặc biệt việc xử trí tình huống trong hầm Đờ Cát-xtơ-ri, vừa có tính chất quân sự, đúng luật, vừa có tính chất chính trị, chấp hành tốt chính sách tù - hàng binh của ta. Việc Đảng và Chính phủ ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 15 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân cho Tạ Quốc Luật đã danh giá đúng công lao, thành tích của cá nhân đồng chí đó nhưng đồng thời cũng khẳng định một sự thật lịch sử cách đây 50 năm của Trung đoàn 209.

        3. Về nguyên nhân của cái gọi là "nhầm lẫn lịch sử"

        Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, có một loạt bài báo nêu những sự kiện trái ngược với các văn kiện, tài liệu đã công bố trước đó liên quan đến Trung đoàn 209 trong trận đánh cuối cùng vào trung tâm Mường Thanh. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 154 Ngô Trọng Bảo cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự nhầm lẫn lịch sử phải chăng là do ba nỗi "hận" của Trung đoàn 209 từ Bản Vậy (Nà Sản, 1952), rồi Cao điểm D2 đêm 30 tháng 3 năm 1954 đến Cứ điểm 507 đêm 6 tháng 5 năm 1954, đã làm cho người chỉ huy Trung đoàn bị ám ảnh vì cay cú mà phủ nhận công tích của Tiểu đoàn 154 để bù đắp cho Tiểu đoàn 130?

        Vậy chúng tôi xin phân tích về ba nỗi “hận”.

        - Trận Bản Vậy là trận đánh của toàn Trung đoàn ngày 1 tháng 12 năm 1952. Đây là một cao điểm nằm trong tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Mai Sơn - Sơn La) mà quân Pháp vội vã thiết lập, tập trung các đội quân bị đánh đuổi trên mặt trận Tây Bắc co cụm lại. Quân ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, trình độ trang bị, nhất là về hoả lực tầm xa còn rất thấp. Các đơn vị bạn đánh Nà Xi, Pú Hồng cũng không thành công. Trận đánh này đã cho ta kinh nghiệm xương máu để đi tới thành công trong trận đánh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là nỗi "hận” của toàn quân đã được trả, chứ không riêng gì Trung đoàn 209.

        - Trận đánh Cao điểm D2 của Tiểu đoàn 130 (đêm 30-3-1954) không dứt điểm, sáng 31 tháng 3, địch ở D2 rút chạy về Mường Thanh. Đó là khuyết điểm của Tiểu đoàn 130, cần phải phê phán. Song trước đó, ngày 13 tháng 3 năm 1954, Tiểu đoàn 130 là mũi chủ công tiến công mỏm 3 trong cụm Him Lam, đã đánh nhanh chóng, diệt gọn trong vòng 1 giờ. Duyên cớ gì mà chỉ huy Trung đoàn phải “hận”, lấy “tiếng" của 154 bù đắp cho 130?

        - Còn về trận đánh Cứ điểm 501 thì như trên chúng tôi đã trình bày, có một sơ suất là trong cuốn Lịch sử của Trung đoàn 209 không ghi mũi tiến công phối hợp của Trung đội Lê Chí Duyên (Đại đội 520 - Tiểu đoàn 154) đánh Cứ điểm 507. Sự việc đó cần được bổ sung khi tái bản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:37:36 am »

       
MẤY Ý KIẾN VỀ CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH QUÂN SỰ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP1

TRẦN VĂN THỨC         

        1. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), cả nước ta được chia thành nhiều đơn vị hành chính - quân sự (HC-QS). Theo thời gian, cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến, các đơn vị HC-QS được thay đổi tên gọi và địa giới (Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới những sự điều chỉnh tương đối lớn về địa giới của các đơn vị HC-QS. Trong thực tế, chiến khu hàm chứa hai nội dung sau: a. Căn cứ địa cách mạng hoặc kháng chiến được vũ trang để tự bảo vệ và làm bàn đạp liến công của lực lượng vũ trang, làm chỗ dựa để tích luỹ và phát triển lực lượng về mọi mặt, nhất là quân sự, phục vụ cho khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ở nước ta, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có Chiến khu Việt Bắc (của trung ương), Chiến khu Trần Hưng Đạo, Chiến khu Đ... (của vùng, miền)..., Chiến khu Ngọc Trạo (của địa phương)... b. Tên gọi của đơn vì HC-QS thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp: Chiến khu 1, Chiến khu 2...) cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

        Tháng 10 năm 1945, Chính phủ quyết định thành lập các Chiến khu trên khắp cả nước. Theo đó, các Chiến khu lần lượt được hình thành.

        Chiến khu 1 gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, uyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên.

        Chiến khu 2 gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

        Chiến khu 3 gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh và thành phố Hải Phòng.

        Chiến khu 4 gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

        Chiến khu 5 gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai.

        Chiến khu 6 gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.

        Từ tháng 11 năm 1945, Chính phủ quyết định thành lập Khu 71 (Về tên gọi của các đơn vị HC-QS ở Nam Bộ trong giai đoạn 1945-1946, phần lớn các văn bản đều viết là Khu 7, Khu 8, Khu 9, rất ít khi viết là Chiến khu), Khu miền Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa, Chợ Lớn, Tây Ninh, Gia Định và thành phố Sài Gòn.

        Khu 8, Khu miền Trung Nam Bộ, gồm các tỉnh Bến Tre, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho và Sa Đéc.

        Khu 9, Khu miền Tây Nam Bộ, gồm các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liễu, Rạch Giá, Vĩnh Long và Trà Vinh.

        Tháng 10 năm 1946, trước Toàn quốc kháng chiến 2 tháng, Hội nghị quân sự do Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập tại Hà Nội đã quyết định phân chia lại các chiến khu. Một số chiến khu mới được thành lập và do đó, địa giới của một số chiến khu có sự thay đổi lớn. Chiến khu 1 tách thành 3 chiến khu 1, 10, 12. Bởi vậy địa bàn của Chiến khu 1 giờ đây chỉ còn các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên. Chiến khu 10 gồm các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên.

        Chiến khu 12 gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Ninh (Quảng Yên và Hải Ninh trước đó thuộc Chiến khu 3).

        Chiến khu 2 gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hoà Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Lai Châu, Sơn La. Gần đến ngày Toàn quốc kháng chiến, Hà Nội tách thành Khu đặc biệt (Khu 11).

        Chiến khu 3 gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An và Thái Bình.

        Chiến khu 4, 5, 6 và Khu 7, 8, 9 - địa giới vẫn giữ nguyên như trước.

        Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ít hôm1 (Có tài liệu viết là ngày 23-12, cũng có tài liệu viết ngày 24-12) Khu 11 (Hà Nội) được sáp nhập vào Khu 2, trở thành tiền phương của Khu này.

        Khoảng tháng 11 năm 1946, các đơn vị HC-QS trong cả nước được đổi tên thành Khu. Trong năm 1947, thành lập thêm 2 khu (14 và 15). Khu 14 được thành lập tháng 7 năm 1947 gồm tỉnh Lai Châu, Sơn La và châu Mai Đà của tỉnh Hoà Bình. Khu 15, được thành lập tháng 9-1947, gồm các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đến tháng 9 năm 1947, cả nước có 13 khu. Bắc Bộ có 6 khu (1, 2, 3, 10, 12, 14). Trung Bộ có 4 khu (4, 5, 6, 15). Nam Bộ có 3 khu (7, 8, 9).

-----------------
        1. (Tạp chí LSQS số 6-1999)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:38:27 am »


        Theo Sắc lệnh 120/SL ngày 25 tháng 1 năm 1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà (VNDCCH), một số Khu có liên quan về vị trí địa lý, quân sự... được hợp nhất lại thành Liên khu2 (Trong những ngày đầu kháng chiến, Hà Nội được chia thành 3 Liên khu. Thực ra, Liên khu này chỉ là sự hợp nhất của các khu phố mà thôi). Theo đó, các Liên khu lần lượt được thành lập.

        Liên khu 1 ra đời trên cơ sở hợp nhất Khu 1, Khu 12 và điều chỉnh địa giới, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh.

        Liên khu 2 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Khu 2 và Khu 3, gồm các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hoà Bình.

        Tháng 10 năm 1948, Liên khu 5 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Khu 5, Khu 6 và Khu 15, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.

        Theo Sắc lệnh 127/SL ngày 4 tháng 11 năm 1949 của Chủ tịch Chính phủ VNDCCH, Liên khu Việt Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10.

        Tháng 5 năm 1952, Trung ương quyết định thành lập Khu Tả Ngạn sông Hồng gồm Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Năm tỉnh này trước đó thuộc Liên khu 3.

        Tháng 7 năm 1952, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La được tách khỏi Liên khu Việt Bắc, hình thành Khu Tây Bắc.

        Từ sau khi thành lập Khu Tả Ngạn và Khu Tây Bắc (1952) cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, các đơn vị HC-QS không có sự thay đổi về tên gọi và địa giới.

        2. Việc thay đổi địa giới (tách, nhập) và tên gọi của các đơn vị HC-QS trong thời kỳ 1945-1954 diễn ra nhiều lân. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho không ít tác giả trong quá trình nghiên cứu, biên soạn đã có những nhầm lẫn đáng tiếc về sử dụng thuật ngữ các đơn vị HC-QS, cũng như phạm vi, địa giới của các đơn vị này.

        Ví như cuốn sách Quân khu 3 - Lịch sử kháng chiến chống Pháp (QK 3-LSKCCP), Nxb QĐND, Hà Nội, 1990 viết: "Địa bàn Khu 3 tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài gần 200 km. Trên đất liền, Khu 3 tiếp giáp các tỉnh Quảng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang ở phía Bắc; Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ ở phía Bắc - Tây Bắc; Sơn La ở phía Tây và Thanh Hoá ở phía Tây Nam" (tr. 9, 10); "Về địa lý quân sự, địa bàn Khu 3 chia làm 4 vùng rõ rệt: vùng rừng núi, trung du; vùng nông thôn đồng bằng; vùng ven biển, hải đảo và vùng thành phố, thị xã, thị trấn” (tr. 12).

        Viết như trên thì hoá ra, Khu 3 thời chống Pháp, về mặt địa lý và địa giới hành chính, tương đương với Quân khu 3 hiện nay. Thực ra không phải như vậy, Khu 3 ngày ấy chỉ bao gồm các tỉnh vùng Tả Ngạn sông Hồng là Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình mà thôi.

        Cũng trong cuốn sách nói trên, việc "xưng danh" các đơn vị HC-QS có nhiều chỗ mâu thuẫn khiến cho người đọc rất khó hiểu. Chẳng hạn, ở trang 347 viết: "Trong những ngày hè nóng bỏng năm 1952 này, quân và dân Liên khu 3 còn nhận được một quyết định quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ. Đó là... thành lập một Khu riêng - Khu Tả Ngạn... phạm vi của Liên khu 3 do vậy đã thu hẹp lại trong miền Hữu Ngạn sông Hồng"... Nhưng các trang 7 và 529 lại viết: “Hai năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (từ tháng 7-1952 đến 7-1954), Liên khu 3 lại được tách thành Khu 3 và Khu Tả Ngạn trực thuộc Trung ương"; "Đến tháng 5-1952, tách Liên khu 3 thành hai khu: Khu Tả Ngạn và Khu 3".

        Như vậy, cùng một sự kiện, với cách diễn giải, đề cập trên đây của cuốn sách, người đọc có hai cách hiểu khác nhau. Thứ nhất, sau khi thành lập Khu Tả Ngạn, Liên khu 3 chỉ bị thu hẹp địa giới mà thôi, còn tên gọi vẫn không có gì thay đổi. Thứ hai, Liên khu 3 tách thành Khu Tả Ngạn và Khu 3. Và bởi vậy, tên gọi Liên khu 3 không còn nữa!

        Trên cơ sở những trình bày ở trên, chúng tôi thấy rằng, viết như ở trang 347 (QK 3-LSKCCP-SĐD) mới chính xác. Do có sự lẫn lộn như đã nêu trên, nên rất nhiều chỗ trong các trang 9, 13, 40, 41, 45... của cuốn QK 3-LSKCCP đều viết là Khu 3 trong khi đúng ra phải viết là Liên khu 3.

        Thường thì một số đơn vị HC-QS được thành lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị HC-QS hoặc tách ra từ một đơn vị HC-QS. Do đó, xảy ra trường hợp có đơn vị HC-QS được "sinh ra" và có đơn vị HC-QS bị "mất đi". Thế nhưng về vấn đề này, đã không ít tác giả do nắm không chắc nên viết không chính xác. Ví như: "Liên khu 3 - trên cơ sở hợp nhất các Chiến khu 2, 3, và 11" (QK 3-LSKCCP-SĐD, tr. 9) và: "Liên khu 3, Liên khu đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp, thành lập theo Sắc lệnh 120/SL, ngày 25 tháng 1 năm 1948 của Chủ tịch Chính phủ VNDCCH trên cơ sở hợp nhất Khu 2, Khu 3 và Khu 11". (Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam của Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự - Bộ Quốc phòng, Nxb QĐND, H, 1996, tr. 447, mục từ Liên khu).

        Viết như trên hoá ra Khu 11 vẫn tồn tại cho đến trước khi Liên khu 3 ra đời. Đó quả là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Sự thực là, sau ngày Toàn quốc kháng chiến mấy hôm, Khu 11 đã được sáp nhập vào Khu 2, Mặt trận Hà Nội trở thành tiền phương của Khu 2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:39:08 am »


        Nhầm lẫn trên, không chỉ có ở 2 cuốn sách như đã dẫn, mà còn thấy trong một số sách khác. Cụ thể, cuốn Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) do Ban Tổng kết - Biên soạn lịch sử Bộ Tổng tham mưu, xuất bản năm 1991, cũng viết. "Các khu 2, 3 và 11 khu Hà Nội) bợp nhất làm một Liên khu lấy tên là Liên khu 3" (tr. 246); "ngày 4-10-1947, Bộ Tổng chỉ huy đã gửi cho các khu ở Bắc Bộ nêu lên phương hướng nhiệm vụ tác chiến trong Thu Đông.

        - Khu 2 và Khu 11 đánh thọc sâu vào Hà Đông hay Hà Nội" (tr. 188, 189).

        Thực tế, cuối năm 1949, Liên khu Việt Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10. Rõ ràng là với sự ra đời của Liên khu Việt Bắc thì từ thời điểm đó, Liên khu 1 và Liên khu 10 đã "đi vào lịch sử" chứ không còn tồn tại trong thực tế trên phương diện một tổ chức HC-QS nữa. Thế nhưng, khi viết lịch sử giai đoạn 1952, 1953, các tác giả cuốn QK 3-LSKCCP vẫn viết: "Vùng tự do của ta, tới đây đã bao gồm hầu hết các tỉnh miền núi rộng lớn thuộc Liên khu 1, 10, tỉnh Hoà Bình..." (tr. 423~ "đêm 8-10-1952, trong khi... và lực lượng vũ trang Liên khu 10 còn đang tiến vào " (tr. 379). Như chúng tôi đã trình bày ở trên, các đơn vị HC-QS thời kỳ 1945-1954 lúc thì gọi là chiến khu, khu, liên khu... Mỗi tên gọi gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định. Chẳng hạn, từ cuối năm 1946 đến cuối năm 1948, các đơn vị HC-QS được gọi là khu, không còn gọi là chiến khu như trước nữa. Vậy mà, nhiều tác giả khi trình bày về giai đoạn lịch sử này vẫn dùng thuật ngữ chiến khu. Ví như cuốn "50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam" của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (VLSQSVN), Nxb QĐND, H, 1995, tr. 49; Cuốn Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, H, 1994, tr. 263, 275; QK 3-LSKCCP, Sđd, tr. 112, 117, 118...

        Lại cũng có trường hợp, một đơn vị HC-QS được "xưng danh" khi trong thực tế nó chưa ra đời. Cuốn Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Những sự kiện, Nxb Văn hoá - Thông tin, H, 1997, có viết: "Năm 1947... từ 21 đến 24-5, Toà án quân sự Liên khu 3 đã xét xử...". (tr. 135). Sự thực, Liên khu 3 chỉ ra đời sau tháng 1-1948, do vậy làm gì đã có Liên khu 3 từ tháng 5 năm 1947!

        Cũng bởi sự tách, nhập nên số các đơn vị HC-QS cũng tăng giảm theo từng thời kỳ. Cụ thể, cuối năm 1945, cả nước có 9 chiến khu: Bắc Bộ 3 chiến khu (1, 2, 3); Trung Bộ 3 chiến khu (4, 5, 6); Nam Bộ 3 chiến khu (7, 8, 9). Vậy mà, ở trang 154, cuốn Thủ đô Hà Nội - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 (Nxb Hà Nội, 1986) lại viết: "Theo quyết định của Trung ương từ tháng 10- 1945, cả nước được chia làm 12 chiến khu. Hà Nội là Chiến khu đặc biệt - Chiến khu XI trực thuộc Trung ương".

        Vào thời điểm tháng 9 năm 1947, cả nước có 13 khu, trong đó, ở Bắc Bộ có 6 khu (1, 2, 3, 10, 12, 14); ở Trung Bộ có 4 khu (4, 5, 6, 15); ở Nam Bộ có 3 khu (7, 8, 9). Song, một số sách lại viết là 14 khu: “Từ 12 khu năm 1946, đến tháng 9 năm 1947, cả nước có 14 khu: Bắc Bộ có khu 1, 2, 3, 10, 11, 12, 14 (Lai Châu, Sơn La, một phần Hoà Bình, Phú Thọ). Trung Bộ có khu 4, 5, 6, 15 (Tây Nguyên). Nam Bộ có khu 7, 8, 9" (LSKCCTDP 1945-1954 của VLSQSVN, Nxb QĐND, Hà Nội 1994, tr. 284). Viết như thế này, có nghĩa là Khu 11 - Hà Nội vần tồn tại.

        Ở trang 444 cuốn Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam - Sđd, viết: “Khu, đơn vị HC-QS thường gồm một số tỉnh, thành phố tiếp giáp nhau thuận lợi cho chỉ đạo, chỉ huy tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp (cuối 1946). Cả nước có 14 khu: Bắc Bộ 7 khu 7 (1, 2, 3, 10, 11, 12, 14), Trung Bộ 4 khu (4, 5, 6, 15), Nam Bộ 3 khu (7, 8, 9)". Viết như trên vừa khó hiểu, vừa không đúng ở chỗ: số lượng 14 khu mà tác giả nêu trên là vào thời điểm nào? Nếu là cuối năm 1946, thì không đúng. Bởi lúc đó chỉ có 12 khu (chưa có Khu 14 và 15). Còn nếu như vào năm 1947, sau khi thành lập Khu 14 và 15 thì Khu 11 đã sáp nhập vào Khu 2, nên cả nước lại chỉ có 13 khu chứ không phải 14 khu như con số mà Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam nêu.

        Đôi điều chúng tôi trình bày và diễn giải trên đây, thực ra là một trong nhiều vấn đề hiện còn tồn tại và chưa được khảo chứng để giải đáp thoả đáng trong không ít công trình lịch sử về thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đã được ấn hành ở Trung ương và địa phương. Chính vì vậy, bàn thêm về đơn vị HC-QS, mục đích của chúng tôi là "sửa lại cho đúng - bàn thêm cho rõ". Và, rất có thể, ngay cả những điều trong bài viết này cũng lại sẽ được "sửa lại", "bàn thêm". Mong được sự chỉ giáo của bạn đọc và nhất là các tác giả của các cuốn sách mà chúng tôi lấy làm "vật chứng".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:39:49 am »

     
TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH - QUÂN SỰ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG NAM BỘ (1945-1954)1

TRẦN VĂN THỨC       

        Nam Bộ là nơi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra sớm nhất (23-9-1945). Suốt trong cả 9 năm (1945-1954), về tổng thể, đây là một chiến trường nằm sâu trong vùng địch hậu, bởi thế vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), xây dựng hậu phương căn cứ địa, tổ chức chiến trường... mang nhũng nét đặc thù riêng. Bài viết này đề cập tới vấn đề tổ chức chiến trường, các đơn vị hành chính-quân sự (HC-QS) của Nam Bộ, thế nhưng cũng chỉ ở một số khía cạnh trong rất nhiều nội dung của nó.

        1. Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến trong điều kiện các đơn vị HC-QS chưa được hình thành. LLVT tuy có số lượng đông, nhưng tổ chức thiếu chặt chẽ. Xứ ủy, ủy ban nhân dân, cấp ủy ở các địa phương chưa hoàn toàn quản lý, nắm bắt được LLVT. Đó là các yếu tố trong nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn tới khả năng tác chiến, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và ngăn chặn bước tiến quân của kẻ thù hung bạo.

        Chỉ một thời gian ngắn sau ngày Nam Bộ kháng chiến, đồng chí Nguyễn Bình - một cán bộ quân sự cao cấp, được Trung ương Đảng phái vào Nam Bộ. Sau khi tới tỉnh Thủ Dầu Một, ngày 20 tháng 11 năm 1945, đồng chí đã triệu tập Hội nghị quân sự Nam Bộ (thực ra chỉ có đại biểu của các đơn vị miền Đông Nam Bộ, tại ấp An Hoà, An Phú Xã). Hội nghị bàn việc thống nhất lực lượng, thống nhất chỉ huy, tổ chức lại bộ đội, vạch chương trình chống Pháp, diệt tề - trừ gian, đoàn kết quân dân, tiếp tế cho bộ đội, phân chia lại hoạt động cho các đơn vị vũ trang, chuẩn bị phát động phong trào chiến tranh du kích, thống nhất tên gọi các đơn vị Giải phóng quân và thành lập các chi đội. Hội nghị nhất trí cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, đồng chí Hoàng Đình Giong (Vũ Đức) làm Chính trị ủy viên.

        Sau hội nghị này, trên thực tế, các LLVT Nam Bộ vẫn chưa được thống nhất về tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, nhưng những vấn đề mà hội nghị quyết định đã có tác dụng bước đầu thống nhất LLVT trên danh nghĩa, tạo nên tinh thần kháng chiến, củng cố lòng tin của quân và dân Nam Bộ.

        Một tháng sau ngày họp Hội nghị An Phú Xã, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 10 tháng 12 năm 1945, Xứ ủy triệu tập hội nghị mở rộng tại một xã bên bờ sông Vàm Cỏ Đông (Về địa điểm họp, có nhiều ý kiến cho là ở bên bờ hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, tại xã Bình Hoà Nam. Tuy vậy, cung có ý kiến là ở Hoà Khánh, hoặc ở Hiệp hoà bên bờ là ngạn sông Vàm Cỏ Đông). Hội nghị quyết định một số vấn đề quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của cuộc kháng chiến đang ngày một lan rộng. Một trong những nội dung là bàn biện pháp thống nhất LLVT, phân chia các chiến khu theo chỉ thị của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo quyết định của hội nghị này, các chiến khu (thường vẫn gọi là khu) ở Nan Bộ được hình thành. Chiến khu 7, miền Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa, Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn1 (Theo miền Đông Nam Bớ kháng chiến, 1945-1975, Nxb QĐND, Hà Nội, 1990, thì "Chiến khu 7 gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định", tr.86). Khu bộ trưởng là Nguyễn Bình (Theo "Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, 1945-1975”, Sđd, thì sau khi dự Hội nghị Vàm Cỏ Đông, đồng chí Nguyên Bình ra thông báo bỏ chức Tổng Tư lệnh Giải phóng quân", tr.86). Chính trị ủy viên là Trần Xuân Độ. Khu bộ phó là Dương Văn Dương.

        Chiến khu 8, miền Trung Nam Bộ, gồm các tỉnh bến Tre, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Sa Đéc. Khu bộ trưởng là Đào Văn Trường. Chính trị bộ chủ nhiệm là Võ Sỹ. Khu bộ phó là Trương Văn Giàu.

        Chiến khu 9, miền Tây Nam Bộ, gồm các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Vĩnh Long và Trà Vinh. Khu bộ trưởng là Hoàng Đình Giong (Vũ Đức). Chính trị bộ chủ nhiệm là Phan Trọng Tuệ. Khu bộ phó là Nguyễn Ngọc Bích.

        Trong tiến trình của cuộc kháng chiến, địa giới hành chính, tên gọi của các đơn vị HC-QS, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy có sự thay đổi nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tế của cuộc kháng chiến. Về địa giới hành chính, tháng 10-1946, các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh (vốn thuộc Khu 9) được chuyển về Khu 8. Một năm sau đó, khoảng cuối năm 1947, hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc (thuộc Khu 9) được hoạch định lại thành tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Tỉnh Long Châu Tiền chuyển thuộc Khu 8. Như vậy, đến năm 1948, địa giới hành chính của Khu 8 được mở rộng thêm 3 tỉnh nữa là Vĩnh Long, Trà Vinh và Long Châu Tiền. Cả 3 tỉnh này vốn dĩ thuộc Khu 9, bởi thế địa giới hành chính của Khu 9 bị thu hẹp lại.

        Năm 1948 (Về thời gian thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, các tài liệu ghi khác nhau. Cuốn Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1996, tr. 144 viết ngày thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn là tháng 1-1948, trong khi đó cuốn Lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh, tr. 126 lại viết là tháng 12-1948), các tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn và Sài Gòn tách khỏi Khu 7 để thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn2 (Về địa giới Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, theo cuốn Lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh, tr. 126, thì chỉ có thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và huyện Trảng Bàng (thuộc Tây Ninh). Về tên gọi của Đặc khu Sài Gòn , có một số tài liệu vẫn viết là Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Bộ Tư lệnh đầu tiên gồm. Tô Ký - Tư lệnh, Phan Trọng Tuệ - Chính ủy, Huỳnh Văn Một - Phó Tư lệnh.

---------------
        1. (Tạp chí LSQS số 6-2000, xem thêm Tạp chí LSQS, số 6-1999)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:45:22 am »


        Đến giữa năm 1950, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, cuộc kháng chiến của quân và dân ta gặp nhiều khó khăn. Một trong những biện pháp để đẩy mạnh kháng chiến tiến tới của Xứ ủy Nam Bộ là tổ chức, sắp xếp lại chiến trường. Theo đó, thành phố Sài Gòn tách ra cùng các huyện vùng ven phía Bắc là Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh thành lập Đặc khu Sài Gòn. Bộ Tư lệnh đầu tiên gồm Nguyễn Thi - Tư lệnh, Nguyễn Văn Mười (Mười Cúc tức Nguyễn Văn Linh) - Chính ủy, Nguyễn Hộ và Đào Tấn Xuân - Phó tư lệnh, Trần Lương (Lương Đình Minh tức Trần Hải Phụng) - Tham mưu trưởng.

        Sau khi Đặc khu Sài Gòn được thành lập, địa bàn Khu 7 được mở rộng thêm do sáp nhập các tỉnh, huyện còn lại của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn cũ gồm Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh.

        Giữa năm 1951, Nam Bộ có sự thay đổi lớn về địa giới, tên gọi các tỉnh. 20 tỉnh của Nam Bộ sát nhập thành 10 tỉnh. Tháng 5-1951, giải thể các khu 7, 8, 9, chiến trường Nam Bộ được phân chia thành 2 phân liên khu đó là Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây (Về ngày tháng phân chia Nam Bộ thành 2 phân liên khu, sách Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954 - Những sự kiện, Nxb VH-TT, Hà Nội, 1997, tr.280, viết: theo chúng tôi, Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, không có lúc nào được gọi là Liên khu Nam Bộ, còn ngày thành lập là 12-10-1951, thì cần được nghiên cứu và thẩm định lại, bởi điều đó rất có thể là không chính xác). Phân liên khu miền Đông gồm các tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hoà và huyện Thủ Đức thuộc Gia Định), Gia Ninh (Gia Định, Tây Ninh và huyện Đức Hoà, Trung Huyện, khu Đông Thành thuộc Chợ Lớn), Bà Chợ (Bà Rịa, Chợ Lớn và huyện Long thành thuộc Biên Hoà, huyện Nhà Bè thuộc Gia Định), Mỹ Tân Gò (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công), Long Châu Sa (một phần Long Xuyên và Châu Đốc phía tả ngạn sông Hậu cùng Sa đức, Đạc khu Sài Gòn. Tư lệnh và Chính ủy đầu tiên là Trần Văn Trà và Phạm Hùng.

        Phân liên khu miền Tây gồm các tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Trà Vinh), Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long Châu Hà (một phần tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc ở hữu ngạn sông Hậu và Hà Tiên). Tư lệnh và Chính ủy đầu tiên là Phan Trọng Tuệ và Nguyễn Văn Vịnh.

        Cả hai phân liên khu này trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

        2. Ngoài việc tổ chức các đơn vị HC-QS, ở Nam Bộ còn có Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đây và một tổ chức chỉ có ở Nam Bộ, còn Bắc Bộ và Trung Bộ thì không có. Về vấn đề này, sách 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995. tr.65 viết: “Ngày 24 tháng 9 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị tổ chức Ban Quân sự Nam Bộ. Tên gọi và thành phần: để phù hợp với hệ thống chung, Ban Quân sự Nam Bộ gọi là "Bộ Tư lệnh Nam Bộ", "nhiệm vụ và quyền hạn trong Bộ Tư lệnh: 1. Về bàn việc, theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nghĩa là kế hoạch chủ trương phải đưa ra thảo luận trong Ban Thường vụ hay Bộ Tư lệnh tuỳ điều kiện. 2. Chính uỷ phải có quyền quyết định tối hậu. Nhưng trong lúc dùng quyền ấy, cần trọng uy tín của Tư lệnh và Phó Tư lệnh và không lấn át sáng viên chuyên môn".

        Cũng theo cuốn sách nói trên, trang 66 viết: "Tháng 10 (1948), thành lập Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tư lệnh Trung tướng Nguyễn Bình" (Theo sách Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975 thì sau khi Trung tướng Nguyễn Bình được điều ra Bắc, "đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy trực tiếp giữ chức Chinh ủy kiêm Tư lệnh Nam Bộ, đồng chí Dương Quốc Chính làm Phó Tư lệnh", tr. 172).

        Như vậy, vấn đề Bộ Tư lệnh Nam Bộ, theo sách 50 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, là rõ ràng, bởi lẽ:

        - Việc thành lập Bộ Tư lệnh Nam Bộ được căn cứ theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        - Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập vào tháng 10 năm 1948, một tháng sau ngày có chỉ thị.

        - Chỉ thị thành lập Ban Quân sự Nam Bộ, nhưng tên của tổ chức này lại là Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

        Thế nhưng, sách Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) - Những sụ kiện, Nxb VH-TT, Hà Nội, 1997, lại viết: "Ngày 21-3-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh, ông Trần Văn Trà giữ chức Phó Tư lệnh, ông Phạm Ngọc Thuần giữ chức Chính trị ủy viên Bộ Tư lệnh Nam Bộ", (tr. 195-196). "Tháng 4-1949 thành lập Bộ Tư lệnh Nam Bộ". Và, theo các sách Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, 1945-1975 và Lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh thì trước khi có chỉ thị thành lập Ban Quân sự Nam Bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Nam Bộ đã có Ban Quân sự Nam Bộ. Chứng cứ là, sách Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, 1945-1975, viết: "Ngày 12-12-1947, Ban Quân sự Nam Bộ được thành lập do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn làm Trưởng ban" (tr.135), “Tháng 6-1948, Chính phủ gửi điện vào công nhận Ban Quân sự Nam Bộ và cử Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức ủy viên Quân sự. Tháng 10, Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập thay cho Ban Quân sự Nam Bộ, do Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh" (tr. 150).

        Còn ở sách Lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh, lại viết Tháng 11-1947, Ban Quân sự Nam Bộ được thành lập do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn làm Trưởng ban" (tr. 110). "Tháng 10-1948, Bộ Tư lệnh được thành lập thay cho Ban Quân sự Nam Bộ, Trung tướng Nguyễn Bình được cử làm Tư lệnh, đồng chí Dương Quốc Chính được cử làm Chính ủy” (tr. 126).

        Trên đây là một số vấn đề về các đơn vị HC-QS ở Nam Bộ thời kỳ 1945-1954 đã được công bố rải rác ở một số công trình lịch sử quân sự. Nay chúng tôi sắp xếp lại, trên bình diện chung của chiến trường Nam Bộ, để bạn đọc tiện theo dõi. Kèm theo đó là một số điều còn nghi vấn, mong rằng bạn đọc, cùng giới nghiên cứu lịch sử, nhất là các bậc lão thành đã từng tham gia chiến đấu và công tác ở Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hiểu biết về vấn đề này, góp phần lý giải thêm cho sự kiện thêm sáng tỏ và chuẩn xác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:54:55 am »


PHẦN III


TRẬN TUA HAI, VÀI CHI TIẾT  CẦN XEM LẠI VÀ CHỈNH SỬA1


TRẦN PHẤN CHẤN       

        Với ý nghĩa vượt hơn một trận đánh tương đương "cấp tiểu đoàn tăng cường", trận Tua Hai ở Tây Ninh (đêm 25 rạng 26-1-1960) đã đi vào lịch sử như tiếng súng mở màn phong trào Đồng khởi ở miền Đông Nam Bộ, tạo ra một điển hình cho loại hình tiến công địch bắt đầu bằng tiến công quân sự kết hợp nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng. Chính vì ý nghĩa lịch sử như vậy, trận Tua Hai không chỉ được đưa vào danh mục nhiều sách biên niên lịch sử mà cả từ điển.

        Nhân đọc tuần san Sài Gòn giải phóng ngày 14 tháng 10 năm 2000, chúng tôi phát hiện trong mục "Bạn đọc đặt câu hỏi", khi báo giải đáp cho một bạn đọc hỏi về trận Tua Hai, đã căn cứ vào "Từ điển địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam" (TĐĐDLSVHVN, tác giả Nguyễn Văn Tân, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1.243). Chúng tôi đã tra tìm đúng sách này, đồng thời lại tra tìm đến "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" (TĐBKQS, Trung tâm từ điển Bách khoa Quân sự - Bộ Quốc phòng, Nxb QĐND, Hà Nội, 1996, tr.868).

        Cả hai cuốn sách trên đều có danh mục "Trận Tua Hai", song khi đối chiếu nội dung, chúng tôi thấy các yếu tố thông tin chủ yếu trong hai cuốn sách không thống nhất, thậm chí một số tài liệu khác nhau. Cụ thể:

        - Về vị trí căn cứ Tua Hai:

        TĐĐDLSVHVN ghi: "Cách thị xã Tây Ninh 5 km về phía Bắc".

        TĐBKQS ghi:  "Tây Bắc thị xã Tây Ninh 7 km".

        - Về cấp căn cứ và lực lượng địch trong căn cứ:

        TĐĐDLSVHVN: "Lực lượng Mỹ, ngụy ở đây gồm hai trung đoàn, một chi đoàn thiết giáp và một đại đội pháo binh”.

        TĐBKQS: "Căn cứ Tua Hai của Trung đoàn 32 quân đội Sài Gòn...", "Gồm 4 khu do 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn xe tăng chiếm giữ, xung quanh có 14 tháp canh và hệ thống phòng thủ cẩn mật".

        - Về lực lượng vũ trang của ta được sử dụng trong trận đánh:

        TĐĐDLSVHVN: "Một tiểu đoàn lực lượng vũ trang nhân dân ta và một đoàn quân giáo phái đã phối hợp tấn công..."

        TĐBKQS: "3 đại đội bộ binh (59, 70, 80), Đại đội đặc công 60 và 3 tiểu đội vũ trang Tây Ninh".

        - Về kết quả trận đánh:

        TĐĐDLSVHVN: "400 địch bị chết, 500 tên bị bắt sống, thu 1.200 súng các loại".

        TĐBKQS: "Diệt 500, bắt giáo dục thả tại chỗ 500 quân, thu 1.500 súng các loại".

        Từ điển là "chuẩn khoa học", chưa nói đến tính chuẩn xác thì sự khác nhau nói trên giữa hai sách đã gây sự nghi ngờ cho độc giả.

        Khách quan mà nói, do hoàn cảnh lịch sử, việc chỉnh sửa những thông tin do hai sách trên đưa ra thật không đơn giản. Trận đánh diễn ra cách nay đã hơn 40 năm, tư liệu “văn bản" phía ta còn lại chủ yếu là những dòng tin thông tấn được ta phát đi với tinh thần động viên, cổ vũ Đồng khởi thời đó; Phía địch còn lại một số mẫu báo cáo; phần chủ yếu còn lại hiện nay là nhân chứng trong đó chủ yếu là phía ta. Tỉnh ủy Tây Ninh đã hai lần tổ chức hội thảo về chiến thắng Tua Hai, lần thứ hai vào cuối năm 1999, đã in kỷ yếu (Chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng khởi ở miền Đông Nam Bộ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Nxb QĐNĐ, Hà Nội 1999). Nhưng ngay trong kỷ yếu này có rất nhiều số liệu khác nhau được đưa ra trong các bài tham luận. Mặc dù vậy, với những việc có thể làm được, kể cả việc tham khảo ý kiến nhân chứng phía bên kia, chúng tôi mạnh dạn đề đạt một số điểm cụ thể cần chỉnh sửa.

        - Về vị trí căn cứ Tua Hai: Theo khảo sát thực địa, số liệu do TĐBKQS đưa ra là phù hợp ("Tây Bắc thị xã Tây Ninh 7 km"); số liệu trong TĐĐDLSVHVN cần chỉnh lại.

        - Về địch ở căn cử Tua Hai: Với quá trình nghiên cứu tư liệu từ hai phía, chúng tôi cho rằng: Tua Hai là căn cứ của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn (như TĐBKQS đã nêu, lúc đó còn được gọi là thành Nguyễn Thái Học). Lực lượng thường xuyên ở đây gồm 3 tiểu đoàn bộ binh: (1, 2, 3), 1 đại đội trọng pháo (cối 81 và ĐKZ trở xuống), 1 đại đội quân xa, 1 đại đội chỉ huy công vụ.

        Nếu thừa nhận ý kiến này, thì nhiều chi tiết trong 2 sách cần xem lại để chỉnh sửa.

-------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 2-2001)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 03:55:23 am »


        Về chi tiết "Lực lượng Mỹ, ngụy ở đây gồm 2 trung đoàn...": Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ có 3 trung đoàn đóng ở 3 căn cứ riêng rẽ: căn cứ Trung đoàn 31 ở Bến Cát (Bình Dương), căn cứ Trung đoàn 32 ở Tua Hai (Tây Ninh), căn cứ Trung đoàn 3 ở Cẩm Giang (Tây Ninh). Riêng sư đoàn bộ đóng ở Bến Kéo (Tây Ninh). Vào thời điểm ta tiến công, không có việc địch tăng cường thêm 1 trung đoàn vào Tua Hai, chỉ có việc Trung đoàn 32 mới nhận về khoảng 300 tân binh (phần lớn là từ Bến Tre lên) để huấn luyện, nhưng trước giờ ta nổ súng, phần lớn lực lượng các tiểu đoàn 2, 3 đã tập hợp trước căn cứ (quân ta có phát hiện việc này và thoạt đầu tưởng là địch báo động) để lên xe hành quân về Trại Bí, thực hiện cuộc càn vào khu vực Kà Tum (trong vùng căn cứ của ta). Trong căn cứ Tua Hai còn lại tiểu đoàn 1, phần còn lại của các tiểu đoàn 2, 3, các đại đội pháo, quân xa, công vụ, sở chỉ huy trung đoàn (vắng mặt thiếu tá Phạm Văn Liễu - Trung đoàn trưởng). Tài liệu địch còn cho biết, Trung đoàn 32 vẫn cho nhiều lính về phép Tết bình thường.

        Về chi tiết "tiểu đoàn xe tăng", “chi đoàn thiết giáp", "tiểu đoàn pháo": đều không có căn cứ. Cho đến cuối năm 1959, trang bị cho một sư đoàn quân đội Sài Gòn chỉ có 2 tiểu đoàn pháo và 1 tiểu đoàn thiết giáp (Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ, nguỵ trên chiến trường B2, Phòng Tổng kết chiến dịch - Ban Tổng kết chiến tranh B2, Nxb QĐND, H, 1988) (so với trước đó, chỉ có 1 tiểu đoàn pháo và 1 đại đội thiết giáp), chưa nói gì đến xe tăng. Trong diễn biến trận Tua Hai cũng không thấy sự xuất hiện của tăng thiết giáp và không có tư liệu nào nói các đơn vị trên đóng ở Tua Hai (mà có tài liệu nói, có pháo cụm ở Bến Kéo, Cẩm Giang). Năm 1961, Mỹ đưa vào 268 xe cơ giới, trong dó phần lớn là thiết giáp M113 để xây dựng 4 tiểu đoàn cơ giới (Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Viện LSQS Việt Nam, Hà Nội. 1991), chưa thấy nói đến việc xây dựng đơn vị tăng thiết giáp.

        Về lực lượng ta được huy động trong trận đánh: Như TĐBKQS là đúng (tổng số 225 cán bộ, chiến sĩ, không kể 300 dân công); không có "đoàn quân giáo phái", đó chỉ là tên ngụy trang của Trung đội vũ trang Tây Nình tham gia trận đánh.

        Về thiệt hại của địch: Con số địch bị diệt (500), bị bắt (400 hoặc 500) đều được ước lượng, làm tròn, căn cứ báo cáo của các mũi tiến công, của chiến đấu viên. Về số súng lấy được (1.200-1.500 khẩu) có thể coi là tương đối chính xác do có thể "đếm được" khi mang ra, nhưng cần trừ lại một nửa (khoảng trên dưới 750 khẩu) vì ta có lấy quân xa của địch để chở, nhưng bị chúng phục kích, đánh lấy lại một nửa (việc này được cả hai bên thừa nhận). Nhìn chung, với kết quả trên, mỗi thành viên tham gia chiến đấu đều phải diệt, bắt gần 5 tên địch, thu gần 7 súng. Việc thu súng nhiều như vậy có thể hiểu được vì ta đánh trúng kho (cũng chính là quyết tâm của ta) mà địch lại tập trung súng vào kho khi chưa sử dụng. Về tỷ lệ diệt, bắt dịch như vậy là quá cao, nếu xét rằng bộ đội vào trận rất thiếu đạn (nên có chủ trương lấy đạn địch đánh địch ngay trong trận) và chỉ được trang bị thêm 76 thủ pháo. Địch tuy bị bất ngờ, chống cự yếu, nhưng vẫn có chống cự (gây cho ta 7 hy sinh, 25 bị thương). Đại tá Nguyễn Hữu Có Tư lệnh Quân khu 1 của địch thừa nhận (trong báo cáo ngày 1-2-1960): chúng chết và bị thương 76 người, mất tích một số. Con số này tương đối phù hợp với ý kiến của một số nhân chứng thuộc Trung đoàn 32 sống sót sau trận đánh: số chết là 49 (nhân chứng chính là người đi mua hòm chôn và cho biết thêm: số 300 tân binh bị đẩy vào thực hiện cuộc càn ở Kà Tum đều không dám trở về căn cứ Tua Hai, rã ngũ, phần lớn trốn luôn về Bến Tre, trùng hợp với ý kiến "mất tích một số” của Nguyễn Hữu Có). Căn cứ những tư liệu từ hai phía, có thể "tóm lại kết quả trận đánh: ta đã đánh chiếm, làm chủ căn cứ cấp trung đoàn của địch tại Tua Hai trong khoảng 1 giờ, diệt, bắt, giáo dục, thả tại chỗ và làm tan rã hàng trăng tên, thu trên 750 súng các loại và nhiều chiến lợi phẩm khác, gây thiệt hại nặng Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn.

        Việc ước lượng về số sinh lực địch bị loại như vậy (trong điều kiện chưa có chứng cứ cụ thể để đưa ra con số chính xác) tuy chưa đạt yêu cầu cụ thể về tính chuẩn xác, nhưng vẫn đúng, khoa học và vẫn hơn là đưa ra những con số quá cao mà không có sức thuyết phục.

        Và việc đánh giá kết quả như trên cũng như việc xem xét lực lượng địch cho đúng (theo hướng "ít" hơn) chẳng những không hạ thấp ý nghĩa, vị trí lịch sử của trận Tua Hai, như đã được đánh giá, mà trái lại, còn làm tăng tính thuyết phục, bởi vì sự nghi ngờ những số liệu đưa ra bao giờ cũng dẫn đến sự nghi ngờ về đánh giá. Với một lực lượng vũ trang được gom góp lại từ các bộ phận, được nhen nhóm, xây dựng để tự vệ tiến lên hỗ trợ đấu tranh chính trị, có bộ phận còn phải ngụy trang giáo phái, trang bị chắp vá... mà đã đánh trúng, đánh chiếm, làm chủ một căn cứ cấp trung đoàn của địch, diệt sinh lực, bắt tù binh, thu vũ khí... đó là một kỳ tích mà sau này khi lực lượng đã thành "Quân giải phóng" còn phải phấn đấu.

        Như vậy, việc chỉnh sửa danh mục "Trận Tua Hai" trong các từ điển và trong các công trình lịch sử là việc làm cần thiết. Làm rõ sự kiện lịch sử này không chỉ để bảo đảm tính khoa học mà còn làm tăng sức thuyết phục đối với những đánh giá từ trước đến nay về trận này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM