Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:45:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47050 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:34:25 pm »



"CHUYẾN ĐI VÀ CÁI CHẾT CỦA TRUNG TƯƠNG NGUYỄN BÌNH" ĐÔI ĐIỀU CẦN NÓI RÕ1

PHÙNG ĐÌNH ẤM       

        Tạp chí Lịch sử quân sự số ra tháng 4-1996 có đăng bài "Chuyến đi và cái chết của Trung tướng Nguyễn Bình". Nội dung bài viết nói về việc tổ chức đoàn bảo vệ Trung tướng Nguyễn Bình, năm 1951, xuất phát từ Chiến khu Đ, theo đường Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào để đi về Trung ương, có đoạn kể về trường hợp hy sinh của đồng chí Nguyễn Bình khi đã vượt sông Sê-rê-pốc để qua bên kia đường 19 gặp một bộ phận của bộ đội Hạ Lào đón đưa đi tiếp.

        Theo tác giả Nguyễn Văn Sĩ - nguyên Đoàn trưởng và là Phó Bí thư chi bộ đơn vị bảo vệ Trung tướng thì hôm ấy, đoàn bảo vệ căng ni lông nghỉ trong rừng. Khoảng 14 đến 15 giờ, nghe tiếng súng nổ ở ngoài phẩm, anh em phán đoán đồng chí Nguyễn Bình đi cùng đồng chí Bốn ra phẩm, nên tất cả súng cầm tay chạy đi tiếp ứng. Khi ra đến nơi, thấy địch, đơn vị đồng loạt nổ súng. Địch bỏ chạy. Anh em bổ đến thì thấy Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh vì bị trúng 3 viên đạn ở đầu gối và 2 viên đạn súng ngắn ở đầu, phán đoán là địch bắn đồng chí Nguyễn Bình bị thương, nhưng chưa chết, chúng lấy súng ngắn của đồng chí bắn 2 phát vào đầu ... Khi lấy được thi hài của đồng chí Nguyễn Bình, đoàn hành quân vượt sông Sê-rê-pốc. Trở lại đóng quân ở địa điểm cũ... thương lượng mua ván, đóng hòm tổ chức mai táng đồng chí trong bìa rừng. Trong khì đoàn tổ chức mai táng đồng chí Nguyễn Bình thì đồng bào nổi lửa và bắt đầu rời bỏ phum ... đi tìm nơi ở mới. Ngay trong đêm đoàn hành quân trở về Nam Bộ...

        Đồng chí Nguyễn Bình hy sinh cách đây đã 50 năm, Quân khu 5 và Tổng cục Chính trị đã hai lần tổ chức tìm mộ nhưng không thành công. Gần đây, theo quyết định của Bộ Quốc phòng ta và được sự chấp thuận của Nhà nước Campuchia, một đoàn công tác đặc biệt lần thứ ba đi tìm hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình. Được sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và lực lượng vũ trang quân đội Hoàng gia Vương quốc Campuchia, đoàn đã đến nơi Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh tại phum Kpal Rômía (làng đầu con tê giác), gặp  được cụ Nhoi Sâm, 73 tuổi, là người đã trực tiếp cùng đoàn bảo vệ khiêng thi hài đồng chí Nguyễn Bình vượt sang bờ Nam sông  Sê-rê-pốc và cùng tham gia mai táng đồng chí. Qua sự gợi ý của Đoàn, cụ lần lượt kể câu chuyện dài của 49 năm về trước. Cụ nói rằng, cái năm Trung tướng Nguyễn Bình đến làng, cụ vừa 24 tuổi và là đội trưởng dân quân2, bộ đội Việt Nam đến ở trong làng hai đêm, không biết người chỉ huy tên gì, cấp gì, theo thói quen đồng bào gọi người chỉ huy cao nhất đó là "Lục Thum" (tức là ông Lớn - cũng có người gọi là ông Sáu, tức quan Sáu - cấp tướng). Ông cụ cho Lục Thum biết ở đây bọn lính Com-măng-đô gác cầu thỉnh thoảng vào làng "ba trui" bắt heo, bắt gà, bộ đội Việt Nam ở phải đề phòng. Không ngờ, bất thình lình bọn chúng đến làng, phát hiện Lục Thum đang ở ngoài chòi ruộng hóng mát và xem phong cảnh, chúng đã nổ súng và Lục Thum đã bị đạn hy sinh. Hôm đó ông cụ đưa đường cho tiền trạm của đoàn bảo vệ đi liên lạc với anh em hương Hạ Lào xuống ở làng Sray-kô, khi trở về thì sự việc đã xảy ra. ông cụ bảo: "Tôi vô cùng đau đớn thương tiếc Lục". Lập tức tôi và Rom Chum cùng một dân quân nhà cùng với bộ đội Việt Nam khiêng xác Lục Thum đi vòng làng khoảng 6 cây số, dùng thuyền độc mộc vượt sang bờ Nam Sê-rê-pốc. Tội nghiệp Lục Thum, người cao to như Tây, hỏng con mắt trái, miệng có răng vàng, chết lúc còn trẻ quá3. Để chôn cất, tôi phải đốt đuốc bằng tre nứa để soi sáng cho bộ đội Việt Nam đào hố thật rộng, sâu đến ngực, khi chôn xong thì đã một giờ sáng.

----------------------
        1 Tạp chí LSQS số 2-2001.

        2. Dân quân của Ít-xa-rắc, lực lượng kháng chiến của Campuchia

        3. Đồng chí Nguyễn Bình hy sinh năm 43 tuổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 01:54:48 am »


        Lúc đó còn mùa mưa, nước sông dâng cao, nghe bộ đội Việt Nam nói là tháng 9 của năm 1951. Sau đó, bộ đội Việt Nam rút về phía Nam, chừng ba ngày sau ông Vàng cùng anh em trở lại đắp nấm mộ thật cao, không biết có lấy xác đi chưa?

        Nếu chưa thì xác còn đấy. Ngôi mộ nằm gần con đường lên xuống bến nên hằng ngày bà con trong làng đi qua, đi lại thấy mộ vẫn còn nguyên, năm nào đồng bào cũng phát dọn cây cối xung quanh không cho chúng mọc lấp thành rừng!".

        Ông cụ Nhoi Sâm là người dân tộc Muông, bản chất thật thà, chúng tôi tin lời ông kể, nhưng để bảo đảm chính xác chúng tôi đưa hình Trung tướng Nguyễn Bình được phóng lớn ra. Vừa thấy, ông cụ chắp tay xá tấm hình và reo lên: "Đây rồi, hình Lục Thum đã chết đây rồi?". Chúng tôi hỏi: Khi chôn Trung tưởng Nguyễn Bình có hòm ván gì không? ông cụ vẻ ngậm ngùi và bảo: Đồng bào thương Lục Thum nên đã cho chiếc chiếu đan bằng mây để bó khiêng đi, đến lúc chôn, cũng chôn luôn với chiếc chiếu mây đó chứ không có hòm ván gì cả ông cụ còn cho biết,từ đó đến nay, kể cả thời Pôn Pốt, dân làng vẫn ở nguyên chỗ cũ, mộ của Lục Thum gần đường lên xuống bến và cách làng chừng dìm ngược dòng sông Sê-rê-pốc. Những người già trong làng trông chừng mãi không thấy bộ đội Việt Nam đến tìm, nay đã 49 năm... Có điều rất may là thổ nhưỡng ở đây rất tốt, đã 49 năm qua nhưng hình dáng ngôi mộ vẫn còn lùm lùm hiện rõ trên mặt đất và nhờ sự chăm sóc của đồng bào nên không bị cây rừng bao phủ. Khi mộ được bốc lên, hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Có đủ xương sọ, xương hàm, xương quai xanh, xương sống, xương chậu và xương tứ chi. Đặc biệt là đầu của Trung tướng không suy chuyển, có đủ con mắt giả bằng thủy tinh và hàm răng có mấy chiếc răng vàng. Nhìn cái xương đầu lâu còn nguyên vẹn, không có tỳ vết gì, cả Đoàn đều khẳng định Trung tướng Nguyễn Bình không bí phát đạn nào bắn vào đầu cả. Căn cứ vào nhân chứng sống và những điều tai nghe, mắt thấy trong chuyến đi tìm hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình, người viết bài này cũng mong nói lại vài điểm chưa thật chính xác trong bài "Chuyên đi và cái chết của Trung tướng Nguyễn Bình" và cũng để góp phần hoá giải những tin đồn đại thất thiệt về cái chết của đồng chí, đến gần đây nó vẫn còn âm ỉ trong một số người. Tháng 9 năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giỗ của Liệt sĩ Trung tướng Nguyễn Bình, tác giả Phùng Đình Cung có viết bài đăng trên báo Sài Gòn giải phóng, nêu lên công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Bình đối với nền độc lập tự do của dân tộc nói chung và Nam Bộ nói riêng, đặc biệt đối với Quân khu 7 và Sài Gòn - Gia Định. Trong bài báo, tác giả có hai đề nghị: một là đề nghị đặt tên Nguyễn Bình cho một con đường của thành phố Hồ Chí Minh, hai là, đề nghị Bộ Quốc phòng tổ chức đi tìm hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình. Bài báo vừa được đăng trên trang 4 của báo Sài Gòn giải phóng ngày 28 tháng 9 năm 1996 thì ngày 5 tháng 10 năm 1996, Mai Ngọc Khuê, một cán bộ hưu trí ở tỉnh Sông Bé, tự xưng là người có những "chức danh đặc biệt": nguyên Trinh sát chính trị miền Đông Nam Bộ, thành viên Ban Giám đốc Quốc gia tự vệ thuộc tỉnh Gia Định... đã viết thư (bức thư đánh máy số l099) gởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Viện Lịch sử Đảng, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương Đảng, Thành ủy và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thành phố Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn giải phóng. Trong thư ông Khuê nêu lên một số điểm bất bình với đồng chí Nguyễn Bình và một số điểm hoài nghi xung quanh cái chết của đồng chí.

        Kể từ sau cuộc đi tìm mộ và khai quật hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình thì chuyến đi và cái chết của đồng chí đã sáng tỏ như ban ngày, với đầy đủ nhân chứng, vật chứng không còn nghi ngờ gì nữa.

        Chiều ngày 29 tháng 2 năm 2000, hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình đã được đưa về đến Quân khu 7, nơi hơn nửa thế kỷ trước, đồng chí làm vị Tư lệnh đầu tiên (lúc đó gọi là Chiến khu 7). Lễ cải táng đồng chí được tiến hành theo nghi thức trọng thể do Thượng tướng Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm chủ tang. Hàng ngàn đồng chí, đồng đội từng công tác và chiến đấu bên cạnh đồng chí, những nhân sĩ, trí thức cùng thời, những người mến mộ, tưởng nhớ công lao của đồng chí và những người thân, đồng hương... đến viếng và tiễn đưa đồng chí đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của vị tướng tài ba được Bác Hồ tin tưởng, Nhà nước ta đã truy tặng đồng chí Nguyễn Bình, vị Trung tướng đầu tiên của quân đội ta, phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:02:19 am »


TRẬN LẠC SONG "ĐÔI ĐIỀU CẦN NÓI LẠI1

THẾ TRƯỜNG       

        Chiến thắng Lạc Song ngày 22 tháng 12 năm 1951 (trong chiến dịch Hoà Bình) đã đi vào lịch sử quân đội ta như một dấu son chói lọi. Đây là trận phục kích thắng lợi giòn giã của Đại đội sơn pháo 756 thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn pháo binh 675 Đại đoàn 351, chỉ trong vòng 20 phút đã diệt gọn một đoàn tàu địch gồm 1 tàu chiến và 4 ca nô trên đường từ thị xã Hoà Bình đang xuôi sông Đà về Hà Nội. Ngay chiều hôm trận đánh kết thúc (22-12-1951),Hồ Chủ tịch đã gửi điện cho Đại đội 756: "Bác rất hân hoan vui mừng khi được báo cáo về chiến thắng Lạc Song của các chú. Bác và Chính phủ quyết định tặng cho đơn vị các chú một lá cờ, tùy các chú chọn tên cho lá cờ ấy". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gửi thư khen. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba cho Đại đội. Ngày nay, ai đã đến thăm Bảo tàng Quân đội hoặc Bảo tàng Binh chủng Pháo binh đều thấy một kỷ vật vô cùng quý giá đối với các chiến sĩ “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng": Đó là lá cờ nhỏ nổi bật trên nền đỏ phía góc phải có thêu dòng chữ "Hồ Chủ tịch khen thưởng Đại đội 756 Trung đoàn 675". Giữa lá cờ, dưới ngôi sao vàng nổi bật bốn chữ to đậm: Chiến thắng Lạc Song.

        Là người trực tiếp chiến đấu ở Lạc Song từ đầu đến cuối trận đánh, gần đây có dịp đọc cuốn ký sự Đại đoàn Quân Tiên phong (Nxb QĐND, Hà Nội, 1978) ở những chương mục viết về chiến dịch Hoà Bình trong đó có chiến thắng Lạc Song thì tôi không khỏi băn khoăn khi không thấy được một chữ nào, dòng nào nói đến phiên hiệu của Đại đội 756, đơn vị duy nhất đã lập nên chiến công xuất sắc này. Đọc hai trang 402 và 403 của cuốn ký sự, nếu không phải là người trong cuộc đã chiến đấu ở Lạc Song thì ai cũng dễ coi đây là chiến công của đơn vị ĐKZ nào đó chứ không phải của các chiến sĩ sơn pháo 75 ly của Đại đội 756. Một điều cần nói cho rõ thêm là tiểu đoàn súng ĐKZ (đại bác không giật) đầu tiên của quân đội ta mãi đến giữa chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mới được thành lập,chứ cuối năm 1951 chúng ta đâu có súng ĐKZ.

        Đi vào tường thuật trận đánh, cuốn ký sự viết có những đoạn theo tôi cần nói lại cho rõ. Ví dụ như trang 402 đã mô tả: Chiếc ca nô thứ ba cố dạt sang bờ bên kia để tránh đạn nhưng cũng không thoát. Nó bị thương tụt lại phía sau chuệnh choạng như thằng say rượu... Nhưng thực tế ra sao, ta hãy đọc trang 198 cuốn sách Pháo binh nhân dân Việt Nam - Những chặng đường chiến đâu (Nxb QĐND, Hà Nội, 1982) khi giới thiệu về trận Lạc Song đã viết rất chính xác đúng như diễn biến mà những người đánh trận này đã được tận mắt chứng kiến là: Chiếc ca nô thứ ba phóng vượt lên với tốc độ rất lớn, khẩu đội 1 sơn pháo 75 chờ nó vào đường tim kính ngắm 15 ly giác rồi chỉ cần một phát đạn đã làm cho buồng lái vỡ toác. Khẩu đội 3 lại bồi thêm cho nó một phát nữa giữa bụng. Máy chết, tàu cháy trôi vật vờ thêm một đoạn ngắn rồi chìm mất hút giữa lòng sông sâu. Như vậy, chiếc ca nô thứ ba không chỉ bị thương mà đã bị bắn đắm bởi hai phát đạn đại bác 75 ly. Và trước đó khi đoàn tàu đã vào đến trận địa phục kích thì ba chiếc ca nô chạy đầu đã bị pháo binh ta bắn chìm trong vòng 5 phút, số đạn pháo tiêu thụ chưa đến 10 viên. Khẩu đội 2 đã bắn tiêu diệt chiếc thứ 4 và nhấn chìm nó tại chỗ. Như vậy, 4 ca nô của địch xuôi sông Đà hôm đó, tất cả đều bị sơn pháo bắn chìm chứ không hề có đơn vị ĐKZ nào nổ súng như trong cuốn ký sự Đại đoàn Quân Tiên phong đã viết. Chi tiết viết chưa đúng nữa ở trang 402 cuốn ký sự là chỉ còn lại chiếc tàu Mônito điên cuồng dùng tiểu pháo 20 ly bắn mở đường và cố lê cái thân nặng nề đầy thương tích lượn sát vào bờ sông tả ngạn mong qua thoát được cửa ải thử hai... nhưng ba khẩu súng 75 ly ở trận địa cuối cùng đã chờ sẵn. Chiếc tàu chiến vừa lù lù hiện ra ở đầu khuỷu sông thi liên tiếp 8 phát đạn đã nổ quyêt định sô phận nó.... Đến đây tuy đã công nhận pháo 75 đã tiêu diệt chiếc tàu chiến nhưng theo cách diễn đạt này thì hình như chiếc tàu LCM đã bị một đơn vị nào đó bắn bị thương nặng trước khi bị 3 khẩu pháo 75 ly bắn tiêu diệt. Là người trực tiếp tận mắt quan sát trên mặt sông Đà hôm đó thì diễn biến trận đánh không phải như vậy. Được biết cách trận địa của Đại đội 756 khoảng 2km về phía thượng nguồn cũng có một đơn vị pháo 70 ly làm nhiệm vụ đón đánh địch trên sông nhưng khi đoàn tàu từ thị xã Hoà Bình xuôi về ngang qua trận địa, đơn vị pháo 70 ly này đã nổ súng nhưng vì pháo đặt ở đồi cao, lại lui về phía sau, cự ly xa quá nên bắn không trúng. Đoàn tàu địch vượt qua được trận địa đó xuôi nhanh về phía Trung Hà khi đì vào trận địa Lạc Song - Đồng Việt do Đại đội 756 bố trí phục kích thì bị đánh. Bốn ca nô đi đầu lần lượt bị pháo ta bắn chìm tại chỗ. Chiếc tàu chiến đi sau cũng bị 3 khẩu đội 75 ly tập trung hoả lực bắn trúng nhiều phát đạn vào sườn trái làm thân tàu vỡ toác. Nó phải cố lết vào bãi cát bồi ở gần bờ hữu ngạn (chứ không phải bên tả ngạn vì tả ngạn là trận địa của quân ta) để cho bọn quân lính còn sống sót nhảy ào xuống bãi cát, chạy thục mạng lên bờ hòng tẩu thoát. Nhưng, không kể những tên địch bị chết trong tàu, bị đạn bắn thẳng của quân ta tiêu diệt khi chúng chạy lên bãi cát bồi hoặc bơi giữa sông, hơn ba chục tên khác đã bị lực lượng dân quân địa phương làm nhiệm vụ bủa lưới và bắn tỉa bên hữu ngạn sông Đà bắt tại trận. Chi tiết này quan trọng, cuốn ký sự Đại đoàn Quân Tiên phong chưa đề cập đến, cũng cần nói thêm cho rõ, cho đủ.

        Và sau trận đánh, địch phản ứng không phải bằng 200 phát đạn pháo 150 ly từ vị trí Pheo bắn tới như trong cuốn ký sự đã viết. Thực tế không có phát đạn nào của địch bắn tới mà chúng đã dùng hàng chục máy bay chiến đấu từ Hà Nội bay lên quần đảo bắn phá trong 3 giờ, ném 38 quả bom na-pan gây nên nhiều đám cháy dữ dội bên bờ trái sông Đà khi Đại đội 756 đã kịp rút về hậu cứ an toàn. Đại đội phó 756 Lê Đức Tùng chỉ huy trận Lạc Song, hiện nay là Đại tá ở đường Trường Chinh (Hà Nội); Chính trị viên Đại đội là anh Cao Văn Chấn hiện là Thiếu tướng, ở khu tập thể Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô; Chính trị viên phó Đại đội là anh Trần Hữu Khiêm hiện là Đại tá, ở tổ 17 phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Các anh đều đã nghỉ hưu và là những nhân chứng quan trọng của chiến thắng Lạc Song.

        Tường thuật một trận đánh, nếu có viết thiếu, viết chưa rõ chưa đúng về quá trình diễn biến chiến đấu cũng là điều bình thường. Vì vậy, việc nói lại cho rõ, bổ sung thêm cho đủ làm sao để sự việc được mô tả đúng như khi nó có, bảo đảm tính chân thật, chính xác của lịch sử cũng là điều bình thường và cần thiết trong công việc nghiên cứu khoa học.

        Việc nói lại đôi điều trong trận đánh Lạc Song 46 năm về trước cũng nằm trong trường hợp đó.

------------------------
        1. Tạp chí LSQS số 6-1997
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:08:59 am »


BÀN THÊM VỀ KẾ HOẠCH NAVA1

VŨ LÂM       

        Nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên (7/5/1954  - 7/5/1999) từ Thông tin Cựu chiến binh số 69, xuất bản tháng 4 có biên soạn "Đề cương tuyên truyền" về ngày kỷ niệm lịch sử này, được đăng suốt 13 trang báo (từ trang 20 đến trang 32). Trong phần viết về bản Kế hoạch Na-va, Đề cương cho biết:

        ..."Mục tiêu của kế hoạch Na-va là. trong vòng 18 tháng tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, biến Việt Nam vĩnh viễn thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Pháp và Mỹ."

        Thực ra, mục tiêu của bản kế hoạch do Hăng-ri Na-va (Henri  Navarre), nguyên Tổng chỉ huy các lực lượng Pháp ở Đông Dương thời kỳ đó vạch ra, không hoàn toàn đúng như vậy Chính Na-va, trong hai cuốn sách có tính chất hồi ký nhan đề Đông Dương hấp hối (xuất bản năm 1960) và Thời điểm của những sự thật (xuất bản năm 1979) đều thừa nhận, vào thời điểm mà Na-va được phái sang Đông Dương (tháng 5- 1953) thì cả thế và lực của Pháp ở Việt Nam đều đã rất yếu, Pháp không thể nào thắng được cuộc "chiến tranh toàn dân" do Việt Minh chỉ đạo. Vậy thì không thể nào mơ tưởng đến chuyện "kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam" được cũng như việc không thể nghĩ đến chuyện "biến Việt Nam vĩnh viễn thành thuộc địa".

        Toàn văn bản Kê/hoạch Na-va, lần đầu tiên được công bố trong cuốn Chúng tôi đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ, xuất bản năm 1984, do thiếu tá Giăng Pu-giê là thư ký riêng của Na-va những năm 1953-1954, không có câu chữ nào như bản "Đề cương tuyên truyền" nói trên đã viết. Những tài liệu mật của Pháp được công bố 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, cho biết cụ thể thêm: cuối tháng 10 năm 1953, những kiến nghị trong bản kế hoạch chiến lược do tướng Na-va soạn thảo đã được Quốc hội Pháp thông qua với 315 phiếu thuận, 251 phiếu chống, kèm theo quyết nghị 3 điểm:

        1- Phát triển quân đội người bản xứ nhằm tuần tự thay dần quân Pháp ở Đông Dương.

        2- Chuẩn bị sẵn sàng bước vào thương lượng để tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Đông Dương.

        3- Hoàn tất việc trao trả độc lập cho các thuộc địa cũ ở Đông Dương dưới hình thức "các nước liên kết trong khối Liên hiệp Pháp" .

        Phần nói về Việt Nam trong Kế hoạch Na-va không phải là "bình định và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ!' mà chỉ là cố giành lại chủ động, tạo thế cân bằng tiến tới thế mạnh để Pháp có thể "rút lui trong danh dự'!. Na-va dự định, trong giai đoạn 1953-1954 củng cố thế phòng ngự, giữ vừng các vùng đang kiểm soát để chờ viện binh từ Pháp sang đi đôi với việc phát triển nguy quân; năm 1955 mới tiến công quân chủ lực Việt Minh, làm suy yếu lực lượng kháng chiến để tạo thế thạnh cho thương lượng; đến cuối năm 1956 mới tuần tự rút quân Pháp về nước. Pháp đặt hy vọng, nếu phải thương lượng với Việt Minh thì sẽ thương lượng trên thế mạnh; trong cái chính phủ được Pháp trao trả độc lập, Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng, Việt Minh chỉ được vài ghế bộ trưởng là cùng.

        Thế nhưng, khi phát hiện thấy Đại đoàn 316 của ta tiến quân lên Tây Bắc, Na-va vội vã cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ trong cuộc hành quân Ôổ bộ đường không từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11  năm 1953, tiếp đó tăng thêm binh lực, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm. Na-va bộc lộ trong Hồi ký: căn cứ lớn nhất Đông Dương này sẽ là một tấm lá chắn bảo vệ cho các vị trí của Pháp ở Thượng Lào, một bàn đạp vững chắc ở khu vực Tây Bắc uy hiếp Việt Minh, đồng thời cũng nhằm "thu hút lực lượng Việt Minh, nhằm ngăn chặn hoặc làm giảm bớt sức tiến công của quân chủ lực Việt Minh đánh vào phòng tuyến của Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ".

        Hành động này nằm ngoài Kế hoạch Na-va, là một phản ứng đối phó bị động của thực dân Pháp, mở đường cho thảm bại to lớn sau đó của Pháp ngay tại Điện Biên. Như nhiều người đã rõ, sau khi được tin Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên, ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở khu vực này. Tiếp theo Đại đoàn 316, nhiều đại đoàn khác cũng được lệnh cấp tốc hành quân lên Tây Bắc. Mới đầu, trận tiến công mở màn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được ấn định vào ngày 25 tháng 1 năm 1954, sau đó lui lại 24 giờ (tức ngày 26-1)  nhưng liền sau đó lại tạm hoãn để chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

        Bản Đề cương tuyên truyền của tờ Thông tin Cựu chiến binh viết: "Sau một thời gian chuẩn bị lại, 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954 quân ta nổ súng tiến công giữa lúc địch chủ quan cho rằng ta đã từ bỏ ý đỉnh đánh Điện Biên phủ": Viết như vậy, hoặc nói như vậy, dễ làm người đọc, người nghe, nhất là thế hệ trẻ ít biết về trận Điện Biên lịch sử, hiểu không đầy đủ có thể nghĩ rằng trận tiến công mở màn đã được tiến hành một cách bí mật, hoàn toàn bất ngờ đối với địch.

        Nhìn lại cả hai thời điểm (ngày 25-1-1954 và ngày 13-3-1954) địch đều biết trước có đợt tiến công. Trận dự định tiến công chiều ngày 25 tháng 1, do có một chiến sĩ bị địch bắt nên đã lui sang ngày 26 tháng 1 và sau đó, do chuyển phương châm tác chiến, mãi đến 13 tháng 3 mới lại tiến hành. Những tư liệu của phía Pháp được tiết lộ sau khi chiến tranh kết thúc, cả những lời khai của tù binh bị bắt tại trận đều cho biết:

        Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3 năm 1954, đích thân tướng Na-va cùng với nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, Pháp đã liên tục đáp máy bay lên tận Điện Biên trực tiếp quan sát, chỉ thị tăng cường phòng ngự. Trước khi ta nổ súng tiến công, tướng Mỹ Ô Đa-ni-en đã tới Điện Biên (ngày 2-2); Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Plê-ven và một loạt các tướng Tổng tham mưu trưởng, Tổng thanh tra quân đội Pháp... ngày 19-2); riêng Na-va liên tiếp tới Điện Biên 4 lần, kiểm tra từng công sự. Nếu trong số tướng Pháp có kẻ chủ quan thì đó là chủ quan sẽ đánh thắng, chứ không phải chủ quan nghĩ rằng đối phương "đã từ bỏ ý định đánh Điện Biên Phủ". Riêng Na-va, có nhiều băn khoăn, lo lắng, không tin chắc có thể chiến thắng (theo tiết lộ của Giăng Pu-giê, thư ký riêng của Na-va).

        Do thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", ta phải cấu trúc trận địa bao vây và tiến công. Ngày 10 tháng 3, địch đã phát hiện thấy nhiều đoạn chiến hào ta gần sát các vị trí của chúng, nhất là phía cao điểm Him Lam. Từ ngày 12 tháng 3, các vị trí địch ở Điện Biên đều được lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu. Sáng 13 tháng 3, chỉ huy trưởng Đờ Cát còn nhắc các đơn vị dưới quyền là cuộc tiến công của Việt Minh "sẽ bắt đầu vào 17 giờ hôm nay" (tức 13-3-1954) và tăng cường báo động...

        Thấm thoắt gần nửa thế kỷ đã trôi nhanh kể từ ngày chiến thắng Điện Biên, rất nhiều tài liệu mật của phía Pháp đã được công bố. Một số sách như Trận Điện Biên Phủ của Giuyn Roa (Jules Ruy), cựu đại tá không quân Pháp; Thời điểm của những sự thật của tướng Hăng-ri Na-va... đều đã được dịch sang tiếng Việt, có thể dùng để tham khảo. Toàn văn bản Kế hoạch Na-va cũng đã được dịch sang tiếng Việt.

        Đặc biệt, cuốn Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên ra mắt bạn đọc vào năm 1958 tới nay đã được tái bản tới 7 lần, có bổ sung thêm nhiều tư liệu phong phú và bổ ích. Những cuốn sách này đều có lưu trữ ở Thư viện Trung ương Quân đội và nhiều thư viện khác, có thể tìm đọc dễ dàng để hiểu biết sâu sắc hơn về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

----------------
        1. Tạp chí LSQS số 3-1999
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:14:31 am »


TRAO ĐỔI VỀ BỨC ẢNH "BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG BÀN CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢCTRONG ĐÔNG - XUÂN 1953-1954"1

TRẦN QUANG VỸ       

        Tháng 5 năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngành Bưu điện phát hành một bộ tem trong đó có mẫu với nội dung "họp Bộ Chính trị", các mẫu tem do hoạ sĩ Huy Toàn thiết kế dựa trên các tư liệu chính thức nên đã được in ấn và phát hành. Mẫu tem này có hình ảnh 5 người.

        Xem lại một số sách báo, chúng tôi thấy có 4 bức ảnh khác nhau đều được chú thích ở dưới: "Buổi họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch Đông Xuân 1953-1954" hoặc "Buổi họp của Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ".

        Các bức ảnh này có thể đã chụp cùng một buổi, ở cùng một địa điểm vì trang phục và vị trí đứng hoặc ngồi của các nhà lãnh đạo quanh bàn họp đều như nhau, có khác chỉ là người nhiếp ảnh chụp từ những góc độ khác nhau và trong những thời khắc khác nhau.

        Ba bức ảnh có hình 4 người mà ai cũng có thể nhận ra, từ trái sang phải là đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Những bức ảnh này được in trong nhiều sách báo như ở Tạp chí "Hình ảnh Việt Nam" (tr. 2, số 2, tháng 12-1954), cuốn quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng", Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh xuất bản 1954 (Phụ bản sau tr. 4), cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb QĐND, Hà Nội, 2000 (Phụ bản sau tr. 16).

        Bức ảnh với hình 5 người mà Ngành Bưu điện chọn đưa vào tem, có trong cuốn "Sức mạnh Việt Nam", Nxb QĐND, 1976 phụ bản sau tr. 296). Bức ảnh này còn thấy ở Bảo tàng Thái Nguyên và trong phim "chiến thắng Điện Biên Phủ". Ngoài bốn vị lãnh đạo như ở trong các bức ảnh 4 người, còn một người thứ 5 đứng bên tay phải đồng chí Phạm Văn Đồng.

        Một số độc giả và người nghiên cứu lịch sử muốn biết đồng chí này là ai? Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội cũng không có bức ảnh đó. Để giải đáp thắc mắc của độc giả, tháng 1 năm 1996, Ban Biên tập Tạp chí Tem tìm hiểu một số cơ quan hữu trách, có công văn hỏi Bảo tàng Bắc Thái (khi đó còn là tỉnh Bắc Thái) và được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái và Bảo tàng Bắc Thái trả lời, nội dung như sau:

        "Bức ảnh lịch sử "Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954" được chụp tại An toàn khu ở bản Tin Keo, xã phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Bắc Thái, tháng 12 năm 1953.

        Những người trong ảnh từ trái sang phải là đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị2; đồng chí Phạm Văn Đồng - Phó Thủ tướng; Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng chí Trường Chinh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tr. 18 Tạp chí Tem, số 17 , tháng 3- 1996) .

        Đồng thời, một nguồn tư liệu từ các cơ quan có liên quan cũng xác định: "Tấm ảnh được chú thích là Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết đinh chủ trương tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 đã được sử dụng trên nhiều sách báo; trong ảnh cả 5 người đều đứng (khác với ảnh 4 người ngồi), người đúng thử nhất từ trái sang là đồng chí Đặng Tính - Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu".

        Một lần, tình cờ chúng tôi giở cuốn "Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng", trong các phụ bản có một bức ảnh chân dung đồng chí Hoàng Anh - Phó Tổng Tham mưu trưởng (1954) có những nét giống trong bức ảnh 5 người nên chúng tôi tìm gặp đồng chí Hoàng Anh và được biết thời gian đó đồng chí là Bí thư Liên khu ủy 4, đang lên Việt Bắc công tác và được Bộ Chính trị mời đến để báo cáo về tình hình bảo đảm hậu cần của Liên khu 4 cho Mặt trận, nên mới có bức ảnh này.

        Ngoài tình tiết về bức ảnh, còn một chi tiết khác cần nói rõ thêm:

        Có một đoạn phát trên chương trình VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam năm 2001, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ như sau: "Ngày 6-12-1953, Hồ Chủ tịch chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và nghị quyết mở chiến dịch Điện Biên Phủ tại ngôi nhà ở lưng chừng đèo De, nơi Người ở và làm việc. Đèo De cao 700 mét, thuộc xã Thanh Định, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên".

        Để nói một cách chính xác hơn, thì từ Đại hội Đảng II (1951), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã được thay bằng Bộ Chính trị và đèo De ở bản Tin Keo, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hoá.

        Về mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi đọc ở cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thấy như sau: Ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 1953, địch đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh sáu tiểu đoàn dù (tr. 45)... Ngày 6 tháng 12 năm 1953, tờ trình của Tổng Quân ủy được gửi lên Bộ Chính trị nêu thời gian tác chiến ỏ Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày (tr. 50)... Hạ tuần tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954 (tr. 59).

        Như vậy, các bức ảnh có hình 4 người là ảnh Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954, in ở cuốn "Điện Biên Phủ  Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ bản sau tr. 16). Còn bức ảnh có hình 5 người cũng chụp tại cuộc họp trên, khi đồng chí Hoàng Anh - Bí thư Liên khu ủy 4, báo cáo về kế hoạch Liên khu 4 đảm bảo công tác hậu cần cho Mặt trận Điện Biên.

-------------------------
        1. Tạp chí LSQS số 2-2002

        2. Tổng cục Chính trị được thành lập theo Sắc lệnh số 121/SL, ngày 11-7-1950. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị theo Sắc lệnh số 122/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:21:02 am »


LIỆU CÓ THỂ THAY ĐỔI PHƯƠNG CHÂM TÁC CHIẾN TRƯỚC NGÀY 26-1-1954?1

TRẦN TRỌNG TRUNG         
        Như chúng ta đã biết, ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại hang Thẩm Púa, hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ đã nhất trí phương châm tác chiến là "đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Hói nghị nhận định rằng, quân ta đang sung sức, còn địch thì mới chiếm đóng, lực lượng của chúng chưa được tăng cường, bố trí còn tương đối sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố.

        Với phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", ta dự kiến ngày 20 tháng 1 nổ súng và trận đánh sẽ kéo dài 3 đêm 2 ngày. Do công tác chuẩn bị chậm, bộ đội không kịp nổ súng vào ngày quy định. Đến ngày 26, phân tích tình hình mọi mặt, chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã cùng Đảng ủy Mặt trận quyết định thay đổi phương châm tác chiến thành "đánh chắc, tiến chắc".

        Thực tế lịch sử đã khẳng định: thay đổi phương châm tác chiến là một quyết định quả đoán và chính xác, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của người cầm quân. Nhưng vấn đề đặt ra để tìm hiểu và trao đổi thêm là liệu có thể quyết định sớm hơn, hay nhất thiết phải vào thời điểm mà bộ đội đã sẵn sàng nhận lệnh nổ súng? Hai vấn đề cần nghiên cứu phân tích thêm là tình hình địch trên cánh đồng Mường Thanh và công tác chuẩn bị chiến đấu của bộ đội tháng 1 năm 1954.

        Tình hình địch tháng 1 năm 1954 như thế nào, có phải chúng bộc lộ những "sơ hở của một kẻ địch mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa" không? Phải chăng công tác nắm địch thiếu chính xác và toàn cục đã dẫn đến đánh giá không đúng tình hình địch lúc đó?

        Từ khi Na-va hạ quyết tâm “chấp nhận giao chiến" (3-12- 1953) đến ngày ta họp hội nghị Thẩm Púa (14-1-1954), địch đã trải qua hơn 40 ngày xây dựng tập đoàn cứ điểm. Nhịp độ vận chuyển phương tiện chiến tranh từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ lúc đó là 50-60 chuyến đa-cô-ta với chừng 150 tấn mỗi ngày. Mức cao nhất là gần 200 tấn/ngày. Đầu tháng 12, khi chúng bắt đầu xây dựng Béatrice (Him Lam) thì lực lượng địch ở Mường Thanh đã lên tới 11 tiểu đoàn. Qua cuốn Trận Điện Biên Phủ của Giuyn Roa và hồi ký của J.Pu-giê - thư ký riêng của Na-va, thì nhịp độ xây dựng các trung tâm đề kháng được triển khai khá nhanh: Béatrice 4-12-1953; Isabelle: 6-12-1953; Claudine Eliane: 7-12-1953; Gabrielle: 1-1-1954; Huguette: 24-1-1954. Như vậy là trừ cứ điểm Huguette (tây sân bay) được xây dựng sau ngày 14-1, còn 7 trung tâm đề kháng khác đều được xây dựng trước hội nghị Thẩm Púa của ta ít nhất là nửa tháng, kể cả cụm cứ điểm đồi Độc Lập (Gabrielle, 1-1-1954).

        Đến ngày 22 tháng 12 năm 1953, khi Na-va ra chỉ lệnh thứ 3 (quyết giữ vững tập đoàn cứ điểm), lực lượng địch ở Điện Biên Phủ đã bao gồm 12 tiểu đoàn bộ binh và dù. Mệnh lệnh tác chiến ngày 16 tháng 1 năm 1954 của Bộ chỉ huy chiến dịch cũng nói "địch có khoảng 13 tiểu đoàn". Trong cuốn Điện Biên Phủ (tái bản năm 1979), đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng viết rằng trước ngày ta tiến công (13-3-1954), lực lượng địch gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo cối... Cụ thể hơn về trang bị kỹ thuật, theo Pu-giê, xe tăng M-24, cối 120 và pháo 105, 155 bắt đầu được đưa lên Điện Biên từ ngày 18 tháng 12 năm 1953 và chừng nửa tháng sau, đại bộ phận đã triển khai xong trên cánh đồng Mường Thanh. Từ tháng 1 năm 1954, quân Pháp chờ đợi cuộc tiến công của đối phương vì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "đã chật cứng những tiểu đoàn, mọi việc chuẩn bị đã kết thúc". Trong hồi ký của mình, Pu-giê nhắc lại nội dung bản báo cáo tình hình tháng 1 năm 1954, nói rằng: "ở miền thượng du, các công trình phòng ngự ở Điện Biên Phủ đã hoàn tất và chỉ còn sửa sang những chi tiết vụn vặt mà thôi". Những nhận xét trên đây phù hợp với cách đánh giá của Giuyn Roa (sách Trận Điện Biên Phủ) và Pi-e Rô-côn (sách Tại sao Điện Biên Phủ). Tập ký sự Chiến thắng Điện Biên Phủ (Nxb QĐND, 1970) cũng nhắc lại ý của Na-va đánh giá tình hình cuối tháng 12 năm 1953, nói rằng: "Mọi việc cần thiết phải làm để tổ chức phòng ngự Điện Biên Phủ đều đã xong xuôi một cách hoàn hảo...".

        Tóm lại, toàn bộ tình hình địch từ khi Na-va hạ quyết tâm chấp nhận giao chiến đến giữa tháng 1 năm 1954, cả về xây dựng và củng cố các trung tâm đề kháng (trừ Huguette) và về tăng cường binh lực (quân số và trang bị kỹ thuật), cho phép rút ra kết luận:

        1- Vào ngày ta họp hội nghị Thẩm Púa (14-1), địch không còn ở trạng thái lâm thời chiếm lĩnh trận địa, không phải binh lực của chúng chưa được tăng cường, thế phòng ngự chưa được củng cố. Việc nắm địch thiếu chính xác đã dẫn đến việc chọn phương châm tác chiến có thể dược quyết định sớm hơn chứ không phải đợi đến ngày 26 tháng 1 năm 1954.

        2- Trong khoảng thời gian 12 ngày (từ 14 đến 26-1), binh lực địch và thế bố trí của chúng không có sự thay đổi to lớn đột ngột (trừ việc hình thành cụm Huguette). Nói cách khác tình hình địch mà ta phát hiện ngày 26 tháng 1 (địch tăng cường lực lượng, trận địa phòng ngự, tổ chức trận địa phòng ngự khá vừng chắc...) thực chất và căn bản vẫn là tình hình trước đó 12 ngày mà ta chưa nắm được đầy đủ và chính xác.

-----------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 1 - 1994)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:21:40 am »


        Về phía ta, ngay từ ngày kéo pháo đầu tiên (ngày 16-1, kéo thử một khẩu lựu pháo và một khẩu cao pháo để rút kinh nghiệm), thực tế đã cho thấy cần cân nhắc: Liệu có thể chuẩn bị mở màn chiến dịch đúng thời gian kế hoạch? Liệu có thể thực hành chiến đấu theo phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh? Hai ngày tiếp theo, với tốc độ kéo pháo trên nhiều đoạn đường dốc có lúc chỉ đạt 150-200mét/giờ, ta đã có thể kết luận là việc kéo pháo không thể hoàn tất sau ba ngày đêm (16 đến 18-1-1954) như kế hoạch ban đầu. Do không thể nổ súng đúng ngày quy định (20-1), Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định lui lại 5 ngày. Vậy mà ngày 24 pháo vẫn chưa vào hết trận địa. Trên hướng Bắc dự kiến đưa vào 12 khẩu nhưng vẫn còn một nửa đang trên đường vào. Dân công chuyển đạn cũng chưa được bao nhiêu. Sau khi một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị địch bắt, thời gian nổ súng được lui lại thêm 24 giờ, tức là vào 17 giờ ngày 26 tháng 1.

        Việc kéo pháo vào trận địa gặp khó khăn đã làm nảy sinh những băn khoăn đối với cán bộ, cả bộ binh và pháo binh. Pháo chiếm lĩnh trận địa chậm, chuẩn bị phần tử bắn vội vã liệu có ảnh hưởng đến mức chính xác? Công sự pháo chưa được củng cố, chưa đủ mức chịu đựng phi pháo địch oanh kích. Trong chuẩn bị chiến đấu (chưa có phản ứng đáng kể của địch), pháo cơ động chiếm lĩnh trận địa đã khó khăn như vậy thì khi thực hành chiến đấu, nếu cần di chuyển trận dịa, pháo sẽ cơ động như thế nào...

        Ngoài những băn khoăn về hợp đồng bộ pháo quy mô lớn (chưa trải qua diễn tập), nhất là chi viện bộ binh chiến đấu tung thâm, còn có không ít vướng mắc xung quanh cách đánh. Bộ đội chưa quen đánh ban ngày, nhất là trên cánh đồng bằng phẳng trong điều kiện địch phát huy uy lực của xe tăng, máy bay và pháo binh. Đại đoàn hướng Tây phải đột phá liên tiếp 3 - 4km để tiếp cận sở chỉ huy địch và khi đã vào tung thâm thì hàng loạt vấn đề phải giải quyết: nắm quản, nắm tình huống, giải quyết thương binh tử sĩ, tiếp tế đạn dược...

        Ngay từ hội nghị Thẩm Púa, những thắc mắc về cách đánh đã xuất hiện ở một số ít cán bộ, những người chưa tin là có thể đánh nhanh giải quyết nhanh. Nhưng trong không khí sôi nổi của hội nghị và tiếp đến là những ngày ráo riết chuẩn bị bước vào chiến dịch, những băn khoăn không có điều kiện bộc lộ công khai. Ngày 23 tháng 1, khi xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của đơn vị, đồng chí Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái mới được nghe một số cán bộ nói đến những lo lắng về chiến thuật. 30 năm sau, trong hồi ký Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử, đồng chí Thái kết luận: "những băn khoăn trong hội nghị Thẩm Púa đã được thực tế chứng minh là có cơ sở”.

        Thế nhưng hồi đó, do không nhạy bén, không sớm phát hiện những thực tế trên đây, cho nên qua ngày 18 rồi ngày 22 (tức là đã trải qua 3 ngày rồi một tuần không đưa được pháo vào trận địa), cơ quan tham mưu chiến dịch đã không tính toán lại để có phương án giải quyết thoả đáng hơn là đề đạt thay đổi vị trí trận địa để rút ngắn chặng đường kéo pháo  (Một nửa số pháo còn lại không vượt đèo vào Bản Nghịu nữa mà tập trung ở cả khu vực Nà Hi, Nà Ten. Và một băn khoăn mới của cán bộ pháo binh lại xuất hiện: Trận địa pháo tập trung cả ở phía Bắc đồi Độc Lập 4km có lợi không?). Thực tế cho thấy, dù đường kéo pháo đã rút ngắn được vài ba ngày nhưng đến ngày 25 tháng 1 pháo vẫn chưa vào hết trận địa.

        Chính vì không nắm chính xác tình hình địch và công tác chuẩn bị chiến đấu của ta để kịp thời đặt vấn đề thay đổi phương châm tác chiến vào khoảng thời gian thích hợp nhất, tức là từ ngày 18 đến 20 tháng 1, cho nên ngày 26 mới quyết định tạm ngừng tiến công vào lúc bộ đội đã sẵn sàng nhận lệnh nổ súng, một việc mà 35 năm sau, đồng chí chỉ huy trưởng chiến dịch gọi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình.

        Với quyết định khó khăn nhưng chính xác và táo bạo đó, cấp chiến dịch sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới do việc thay đổi phương châm tác chiến đặt ra: từ việc lui quân và kéo pháo về vị trí tập kết an toàn đến việc làm lại hầu như toàn bộ công tác chuẩn bị chiến đấu (cả về lãnh đạo tư tưởng, động viên quyết tâm và giải quyết những tồn tại về kỹ thuật, chiến thuật), từ việc chuẩn bị kế hoạch tiến công theo phương châm tác chiến mới đến việc lo hậu cần tiếp tế cho mấy vạn quân chiến đấu dài ngày khi những cơn mưa đầu mùa sắp kéo đến.

        Dù thấy trước những khó khăn thử thách mới, nhưng quán triệt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lên đường ra mặt trận, đồng chí Chỉ huy trưởng cùng Đảng ủy chiến dịch tạo yếu tố quyết định đầu tiên cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:26:20 am »


CÓ HAY KHÔNG HẦM NGẦM CỐ THỦ VÀ KHỐI BỘC PHÁ 960kg TRÊN ĐỒI A11

NGUYỄN ĐÔN TỰ         

        Đồi A1 giữ vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía đông Mường Thanh và Chỉ huy sở của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Về phía ta, quyết tâm tiêu diệt Cứ điểm A1 của Bộ chỉ huy chiến dịch cũng rất cao: sử dụng Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Trung đoàn 102 (đại đoàn 308) là hai trung đoàn thuộc loại mạnh nhất của các đại đoàn chủ lực. Nhưng rồi cả hai trung đoàn trong trận đầu đều không hoàn thành nhiệm vụ mà còn bị thiệt hại nặng. Vì sao? Đó là câu hỏi day dứt. Nào là do hào tiến công của Trung đoàn 174 đào không tới hàng rào dây thép gai nên khi vượt qua bãi trống, bộ đội bị thương vong nhiều; nào là do trục trặc về thông tin nên tấn công chậm 30 phút so với giờ tổng công kích, để cho địch kịp tập trung pháo binh đối phó. Cuối cùng, một lý do nữa được chấp nhận là do địch có một hầm ngầm kiên cố, nếu không phá được thì không thể giành thắng lợi. Bởi vậy mà cấp đại đoàn và tham mưu chiến dịch phải nghiên cứu cách đánh hầm ngầm trong đợt tấn công tới.

        Khi Trung đoàn 102 rút khỏi A1 ngày 2 tháng 4 năm 1954 thì Tiểu đoàn 255 có nhiệm vụ thay thế và có trách nhiệm tổ chức phòng ngự trên 1/3 quả đồi mà quân ta đã chiếm được. Trên một bãi chiến trường tan hoang, pháo hai bên đã san bằng các giao thông hào, bộ đội phải đào một hệ thống trận địa mới. Địch ở địa thế cao hơn, giữa ta và địch chỉ cách nhau có 20-30 mét, không có dây thép gai ngăn cách. Đến giữa tháng 4, có lệnh của trên là sẽ đào một đường hầm để tiếp cận và đặt một khối bộc phá 1.000kg bên dưới hầm ngầm của địch để phá tung căn hầm này. Tiểu đoàn 255 có nhiệm vụ bảo vệ không cho địch tấn công sang phá cửa hầm, cho đến khi quả bộc phá nổ. Một đại đội công binh được giao nhiệm vụ đào đường hầm này.

        Vấn đề quan trọng bậc nhất là xác định vị trí hầm ngầm, từ đó xác định cửa đường hầm, hướng và cự ly đào. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An, Tham mưu trưởng Đức Y và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 255 Nguyễn Đôn Tự đã trực tiếp quan sát, bàn bạc rất cụ thể các phương án trước khi đi đến quyết định. Đề phòng hoả lực bắn thẳng của địch, chiều dài đường hầm được xác định tối thiểu là 50 mét. Còn hướng bắn thì cứ nhằm vào phía đỉnh đồi vì quan sát không thấy rõ đâu là hầm ngầm.

        Từ ngày 20 tháng 4 năm 1954, công binh bắt đầu đào. Để che mắt địch, phải làm sao giữ được bí mật cửa hầm, gây tiếng động tối thiểu khi đào; đất phải cho vào bao tải đưa ra phía sau đồi để đổ. Phải có hoạt động nghi binh ở phía Bắc (cửa hầm ở Đông Nam) để địch khó phán đoán. Cán bộ công binh, phái viên của cấp trên và Trung đoàn trưởng trực tiếp thường xuyên kiểm tra hướng đào.

        Đến ngày 5 tháng 5 năm 1954, công binh đào xong 50 mét đường hầm và hoàn tất buồng trong cùng để chứa được 1.000kg thuốc nổ (50 gói x 20kg). Phải dùng cả hai cách gây nổ: bằng điện và bằng giây cháy chậm. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định lấy tiếng nổ của quả bộc phá làm hiệu lệnh tấn công toàn mặt trận (21 giờ ngày 6-5-1954). Từ trên xuống dưới ai cũng nghĩ sẽ có một tiếng nổ long trời, nhưng thực tế chỉ có một tiếng "ục" to như quả bom thường, rồi đất đá tung lên trời và rơi xuống lả tả (lúc đó tôi ở ngay chân đồi).

        Sau tiếng nổ, quân báo của ta nghe và ghi lại mạng thông tin thoại của địch như sau:

        21 giờ 00: A1 báo cáo bị một tiếng nổ gầm mạnh, không rõ là gì, mọi người đều bị uể oải, rã rời (s'énervent). Phát hiện Việt Minh từ chân đồi lên nhiều. Chiến hào đông A1 bị pháo kích mạnh.

        21 giờ 07: A1 báo cáo tất cả đều như quay cuồng. Xin pháo sáng. Xin bắn vào Pomloi. Phát hiện Việt Minh có súng phun lửa.

        21 giờ 17: A1 báo cáo một trung đội phía Đông bị tiếng nổ mạnh thương vong nhiều.

        21 giờ 25: Việt Minh đang xung phong mạnh. Chiến hào Đông bị đảo lộn. 2e BPC báo cáo tình hình nguy ngập. Xin pháo bắn lập tức.

        21 giờ 40: Lệnh một đại đội lê dương lên phản kích ngay. Sẽ đánh lên đỉnh đồi...

        Trong hồi ký của Trung tá Pu-giê, người chỉ huy cứ điểm A1, viết về quả bộc phá như sau: "Lúc 21 giờ đêm mìn nổ. Trước tiên một sự rung rinh chạy suốt mỏm đồi, đất đá rung chuyển và một tiếng nổ át cả các tiếng động khác. Tiếng gầm kéo dài vài giây trong lòng đất với âm lượng trầm. Đỉnh đồi bị vẹt, vị trí của Đại đội 2 mất tăm. Quân Việt Nam lọt vào cửa mở, chúng chiếm miệng phễu trên đỉnh bên trên chúng tôi. Một lúc sau tôi mới hiểu rõ tình thế”.

        Tên sĩ quan Pháp bị bắt làm tù binh trên đồi A1 đã khai với Tham mưu trưởng Trung đoàn Đức Y: "Dãy cao điểm phía Đông bị mất thì sở chỉ huy không giữ được. Ở sở chỉ huy đang có cuộc họp bàn việc rút chạy hoặc đầu hàng".

        Như vậy, có thể thấy:

        1. Quả bộc phá 1.000KG (thực ra chỉ có 960 kg) đã tiêu diệt được đại đội 2 bố trí ở hệ thống công sự giáp ta, trong đó có một hầm dã chiến kiên cố có sức chứa cỡ trung đội - hiện vẫn còn dấu vết: rộng 4 mét, dài 6 mét, liền mép nổ của quả bộc phá về phía quân ta, nắp đã bị bay - và một số ụ súng hai bên hầm này. Chính tuyến này đã ngăn chặn có hiệu quả cuộc tấn công của Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102, bằng súng bắn thẳng sát mặt đất và bằng hoả lực mạnh phản kích có xe tăng yểm trợ. Quả bộc phá đã giải quyết được của mở để hai tiểu đoàn của Trung đoàn 174 tấn công vào trung tâm, chiến đấu khá ác liệt, đến 4 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954 thì hoàn toàn làm chủ đồi A1.

        2. Không có hầm ngầm cố thủ trên đồi A1. Trên đỉnh đồi A1 hiện nay có một hầm nổi có nắp, chỉ có một lối vào, không có lỗ châu mai, không có chiến hào để xuất kích, thực chất đó là hầm để rượu của toà nhà Châu Ún trước đấy, nhà đã bị phá từ lâu, còn lại cái hầm được sửa lại để làm kho, để quân nghỉ ngơi... không phải là hầm chiến đấu, tất nhiên không phải hầm để cố thủ. Đồng chí Thiếu tướng Cao Pha, lúc đó là Trưởng phòng Quân báo của chiến dịch, sau khi toàn thắng, có đến ngay Đồi A1 để kiểm tra hầm ngầm, đã kết luận ngay là không có hầm ngầm mà chỉ là hầm rượu của nền nhà cũ.

        Theo tôi, có thể đánh giá hiệu quả của quả bộc phá như sau (dựa vào sự đánh giá của địch và thực tế chiến đấu của ta): "Quả bộc phá 960 kg đã làm nổ tung tuyến phòng thủ phía trước của địch, một đại đội địch tan xác, nhiều tên khác bị choáng váng, sau nhiều phút mới có thể chiến đấu lại được".

        Đồng thời xác định là không có hầm ngầm, do đó đề nghị bỏ tấm biển "Hầm ngầm cố thủ” trước cửa hầm trên đỉnh Đồi A1 và sửa lại tấm biển sơ đồ Đồi A1 đặt ở chân đồi theo tinh thần trên. Nếu cần có thể triệu tập và tham khảo ý kiến của các đơn vị và cá nhân liên quan đến sự kiện trên để có kết luận thống nhất.

--------------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 3-2000)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:36:46 am »


XUNG QUANH TRẬN CHIẾN ĐẤU 38 NGÀY ĐÊM TRÊN ĐỒI A1 TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ1

NGUYỄN VĂN KHIẾU         

        Năm 1992, trong quá trình đi sưu tầm tư liệu để biên soạn cuốn lịch sử của Trung đoàn 174 trong kháng chiến chống Pháp, tôi được anh Nguyễn Hữu An, lúc đó là Giám đốc Học viện quân sự cấp cao - nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, sau đó là Trung đoàn trưởng 174 (từ giữa chiến dịch Tây Bắc đến Điện Biên Phủ) cung cấp nhiều tư liệu, trao đổi về nguyên nhân thành công, thất bại của Trung đoàn 174 trong một số trận đánh quan trọng, trong số đó có trận chiến đấu trên đồi A1.

        Vào trận đánh mà Trung đoàn trưởng vẫn chưa nắm được đồi A1 có hầm cố thủ hay không và cũng chưa đánh giá hết tầm quan trọng của A1 trên dãy cao điểm phía Đông Điện Biên.

        + Đồi A1 là một cứ điểm của địch nằm trên dãy cao điểm phía Đông lòng chảo Điện Biên. Khác với vị trí C1, C2, D, E nằm cùng trên dãy cao điểm phía Đông và các vị trí Hin Lam, Độc Lập, công sự A1 dựa vào đồn cũ của Pháp xây dựng từ trước 1940. Năm 1945, Nhật chiếm Điện Biên, đã tu sửa thêm. Ngày 20 tháng 11 năm 1953, Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, cải tạo củng cố tiếp, xây dựng A1 thành một cứ điểm vững chắc.

        Khác với các vị trí ở khu Đông, từ đồi D trở lên phía Bắc (E, Him Lam, Độc Lập) chỉ được sự yểm hộ của trận địa pháo, cối Mường Thanh, cứ điểm A1 (cả C1, C2) đều được sự chi viện hoả lực của hai trận địa pháo Mường Thanh và Hồng Cúm, và của các trận địa cối ở khu Trung tâm, các hoả khí bắn thẳng của vị trí A3, C2, đại liên, xe tăng bên bờ tây sông Nậm Rộm. Điều quan trọng là khi bị tấn công, A1 sẽ được các lực lượng cơ động của khu Trung tâm đến ứng cứu nhanh chóng.

        + Ta chỉ phát hiện chính xác địch có hầm cố thủ là sau trận đánh lần thứ nhất của Trung đoàn 174 (đêm 30-3) và được kiểm nghiệm lại sau trận đánh lần thứ 2 (đêm 1-4) của Trung đoàn 102. Qua khai thác tù binh, ta biết rõ: địch đã sửa tầng chìm của căn nhà ăn cũ (nơi chứa rượu vang và đồ đạc), đào sâu xuống và xây lại, củng cố cải tạo lỗ châu mai, đắp thêm ụ súng, đào thêm chiến hào và giao thông hào xung quanh. Bên trong xây thành các khu ngăn cách, có hầm chỉ huy thông tin, nơi cố thủ chứa được khoảng một trung đội.

        + Đối với địch, A1 có tầm quan trọng bậc nhất trong các vị trí ở dãy cao điểm phía Đông, nó chỉ cách trung tâm chỉ huy của Đờ Cát khoảng 500 mét theo đường chim bay. Nếu ta chiếm được A1, rồi đến C2, C1, đặt trận địa sơn pháo 75, đại liên, ĐKZ, có thể uy hiếp trực tiếp sở chỉ huy của Đờ Cát, diệt xe tăng và trận địa đại liên, bảo vệ cho quân ta vượt cầu Mường Thanh, đánh chiếm hầm chỉ huy của Đờ Cát một cách dễ dàng.

        Địch lấy dãy cao điểm phía Đông làm tấm lá chắn bảo vệ lòng chảo Điện Biên, lấy cứ điểm A3, A1, C2, C1 làm bức tường chắn cho chỉ huy sở của tướng Đờ Cát. Để mất A1 và C1 thì coi như số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được định đoạt.

        Chính vì thế hai lần ta đánh A1, địch đều phản kích quyết liệt. Từ đêm 1 tháng 4 đến ngày 4 tháng 4, ta và địch mỗi bên giữ được nửa đồi A1. Ngày 9 tháng 4, Đờ Cát mở cuộc phản kích quyết liệt để chiếm lại đồi C1 (đã bị Trung đoàn 98 chiếm sáng 2-4), đánh bật quân ta, nhằm cải thiện thế đứng cho điểm cao A1, C1.

        Hai lần tiến công A1 không dứt điểm (lần thứ nhất đêm 30-3 của Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, lần thứ hai đêm 1 tháng 4 của Trung đoàn 102, Đại đoàn 308) đều có khuyết điểm cơ bản giống nhau:

        + Cách đánh tuy có điểm mũi (phía Đông) và diện (mũi phía Đông Nam) nhưng khi tác chiến, hai mũi lại xích lại gần nhau, hình thành cách đánh vỗ mặt. Trong khi đó lại thiếu một mũi vu hồi ở phía Tây Nam (phía sau lưng). Chính vì vậy mà không chặn được quân viện của địch từ A3, Mường Thanh lên tiếp viện.

        Trong thực hành chiến đấu của Trung đoàn 174: tại hướng chủ yếu, việc tập trung pháo bắn thẳng diệt các hoả điểm của địch chưa phục vụ đắc lực cho bộ binh ta xung phong, việc mất liên lạc với Đại đoàn đã làm chậm giờ nổ súng của đơn vị.

        + Quá trình điều tra nắm địch, ta không phát hiện được địch có hầm cố thủ nên không có kế hoạch đánh chiếm. Địch dựa vào đây ngăn chặn, kết hợp với quân tăng viện và pháo binh ở Hồng Cúm sát thương quân ta ngay trên tuyến xuất phát xung phong và khu vực triển khai tiến công.

        + Về đánh giá vị trí A1, ngay ở cấp chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng chưa thấy hết tầm quan trọng, vị trí then chốt của nó đối với toàn cục. Sau này, khi tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch, có viết: "Về mặt chỉ huy chiến dịch có thiếu sót là chậm xác định những trận then chốt và trận then chốt quyết định".

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng chiến dịch, trong một lần nói chuyện về chiến dịch Điện Biên, có nói: Trận A1 là chìa khoá vàng trong chiên dịch Điện Biên Phủ.

        Sau hai lần đánh không thành công, Bộ chỉ huy Đại đoàn 316 mới nhận thức được A1 là vị trí có tầm quan trọng bậc nhất ở dãy cao điểm phía Đông. Nếu phân tích một cách cặn kẽ, tỷ mỹ thì việc đánh giá không đúng tầm quan trọng của vị trí A1, trách nhiệm phần lớn thuộc về Đại đoàn 316, bằng chứng là:

        - Trong lúc chuẩn bị tiến công theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", Đại đoàn đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 98 đánh A1, Trung đoàn 174 đánh C1, C2. Sau khi rút ra thực hiện phương châm: "đánh chắc, tiến chắc", Đại đoàn mới đổi lại: giao nhiệm vụ đánh A1 cho Trung đoàn 174, sau khi có đề nghị của đồng chí Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98. Có lẽ lúc đầu do đánh giá cứ điểm C1 quan trọng hơn cứ điểm A1 nên Đại đoàn mới giao cho Trung đoàn 174, một đơn vị có truyền thống đánh công kiên, đảm nhiệm mục tiêu này, mà để Trung đoàn 98, chưa kịp củng cố sau khi bị thương vong ở Nam phần Bắc Ninh, đánh A1.

        - Sau khi đã phân công lại nhiệm vụ (giao cho Trung đoàn 174 đánh A1) việc chỉ đạo giữa đánh A1 và C1 vẫn dàn đều thiếu tập trung (tăng cường đại đội sơn pháo và hoả lực trợ chiến như nhau, hoả lực pháo binh 105 ly chi viện mỗi nơi 1 đại đội).

---------------------------
        1. (Tạp chí LSQS số 3-2002)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 02:37:07 am »


        Trong trận tiến công A1 lần thứ nhất của Trung đoàn 174, khi phê duyệt kế hoạch tác chiến, Đại đoàn đã không phát hiện thấy thiếu mũi vu hồi, đã không đề nghị với trên tăng cường cho Trung đoàn hoả lực bắn thẳng (sơn pháo 75 ly, ĐKZ), đã không tập trung hoả lực pháo binh ở Pú Hồng Mèo kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm, tổ chức thông tin liên lạc trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng chưa phù hợp với trận đánh lớn thiếu dây, không mắc được xuống chỉ huy sở của Trung đoàn, lại không cho dùng Moóc làm tín hiệu nhận lệnh nên làm chậm giờ nổ súng của Trung đoàn).

        Để chuẩn bị cho trận đánh dứt điểm, tiêu diệt A1 (đêm 6-5), Đại đoàn đã khắc phục được khuyết điểm cũ và đã chỉ đạo Trung đoàn 174:

        - Đào một đường hầm hình chữ T chứa 986 kg thuốc nổ (Trong số 8238 báo Quân đội nhân dân ra ngày 10-5-1984, đồng chí Đại tá Nguyên Phú Xuyên Khung - nguyên là cán bộ chỉ huy tổ công binh thân gia đào hầm đánh bộc phá hầm cố thủ ở đồi A1 cho biết số thuốc nổ có 986 kg, chia thành 56 gói, với hơn 400 kíp nổ các loại. Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 viết bài đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự, số 3 năm 2000 ghi khối bộc phá nặng 960 kg) để đánh hầm.

        - Đào một con hào ở phía tây nam A1 lượn theo đồi Cháy và đồi E, thọc ra đường 41, quặt về phía A1, hình thành một mũi vu hồi phía Tây Nam, thực hiện cắt đường tiếp viện từ Mường Thanh qua A3 lên cứu A1, bịt hẳn đường rút của A1. Nhờ vậy, đợt tấn công lần 3 của Trung đoàn 174 vào A1 tuy vẫn ác liệt nhưng đã thuận lợi hơn nhiều (chiến đấu từ 20 giờ 30 ngày 6 tháng 5 đến 4 giờ 30 ngày 7 tháng 5, Trung đoàn 174 đã làm chủ vị trí A1).

        + Cuộc chiến đấu trên đồi A1 (bao gồm 3 đợt tấn công và 1 đợt 31 ngày phòng ngự), là trận đánh dài ngày nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Tổng cộng trận chiến đấu trên đồi A1 kéo dài 38 ngày đêm (Cuộc chiến đấu trên Đồi C1 , C2 cũng có tiến công và phòng ngự, kéo dài 31 ngày đêm).

        Để thực hành trận đánh đồi A1, quân ta đã phải đào 27km chiến hào và giao thông hào, phải đào sâu vào lòng đồi A1 suốt 16 ngày đêm khoét được một giao thông hào hình chữ T đặt 56 gói bộc phá và hơn 400 kíp nổ (cứ hơn 2kg thuốc nổ có 1 kíp), phải đào 200 mét giao thông hào cách địch 200 mét, nằm dưới làn hoả lực của địch. Đường hào này lượn dưới chân đồi Cháy, lợi dụng khe suối cạn ra Đường 41, quặt về phía Tây Nam Ai để thực hiện mũi vu hồi.

        - 38 ngày đêm chiến đấu, ta đã phải đánh 12 trận phản kích quyết liệt. Đây cũng là trận đánh mà tỷ lệ thương vong giữa ta và địch xấp xỉ 1/1 (chỉ có khác ta bị thương nhiều, còn địch chết nhiều). Số cán bộ chỉ huy trận đánh bị phê bình và kỷ luật nhiều (Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 174 bị phê bình, Trung đoàn phó 174 bị cách chức xuống làm Trợ lý tác chiến Đại đoàn, một tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 102 bị truy tố ra toà án binh).

        Nói thêm về chiếc xe tăng trên đồi A1

        Trung đoàn 102 tấn công A1 lần 2 đêm 1 tháng 4 năm 1954 (lúc 22 giờ 30). Trung đoàn 102 có 4 đại đội đánh theo cửa mở hướng Đông (mũi của Tiểu đoàn 249 Trung đoàn 174 đánh lần 1). 2 đại đội của Tiểu đoàn 251 Trung đoàn 174 đánh theo cửa mở hưởng Đông Nam.

        5 giờ ngày 2 tháng 4, địch chia làm 2 cánh phản kích. Ở cánh phải, chúng bị các đơn vị của Trung đoàn 102 chặn đứng lại. Ở cánh trái (Đông Nam), địch cho xe tăng mở đường đánh xuống trận địa Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174. Bộ đội ta anh dũng bám chắc trận địa, dùng tiểu liên chia cắt bộ binh địch, yểm trợ cho hai đồng chí dùng Bazôca bắn cháy tại chỗ chiếc xe tăng đi đầu. Mất chỗ dựa, bộ binh địch hoảng hốt tháo chạy.

        Chính xác là, trong trận đánh của Trung đoàn 102, Đại đội 674, Tiểu đoàn 251 của Trung đoàn 174 đến phối thuộc, đã diệt tại chỗ chiếc xe tăng trên đồi A1 hiện nay.

        Sau 41 năm, Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn đã được minh oan.

        Thực ra, nếu lúc đó chỉ huy Trung đoàn 174 không chủ động, cứ máy móc ngồi chờ Đại đoàn ra lệnh, ngồi lại ở chỉ huy sở cơ bản mà không lên chỉ huy sở tiền phương ra lệnh tấn công A1 thì trận đánh chưa biết sẽ ra sao?

        Một sự thật khách quan là khi địch bắn đứt dây thông tin liên lạc nên Trung đoàn 174 không nhận được lệnh của Đại đoàn. Có ý kiến của Ban tác chiến đề nghị đồng chí Vũ Lập - Tham mưu trưởng, cho phép Trung đoàn sử dụng điện thanh nhận lệnh bằng tín hiệu "Moóc" nhưng không được, vì sợ vi phạm quy định của Mặt trận: "Không được sử dụng điện đài trước giờ nổ súng".

        Tóm lại, trận đánh đồi A1 kéo dài, bị thương vong nhiều có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân nổ súng chậm là do đường dây thông tin liên lạc từ Đại đoàn xuống bị đứt, không nối lại kịp, khuyết điểm đó thuộc về Đại đoàn.

        Về nguyên nhân đánh đồi A1 không thành công cũng như đánh giá khuyết điểm của cán bộ chỉ huy Trung đoàn 174, sau này, ngày 12 tháng 6 năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xác nhận: "Trận tiến công cứ điểm A1, mở đầu đợt 2 chiến dịch Điện Biên, đã không thành công vì nhiều nguyên nhân. Trong các nguyên nhân đó, việc Trung đoàn 174 nổ súng chậm, do không nhận được lệnh của Đại đoàn 316, dẫn đến hậu quả không hoàn thành nhiệm vụ. Việc không chuyển đạt lệnh kịp thời thuộc về trách nhiệm của Đại đoàn, không phải là khuyết điểm của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An và Chính ủy Trần Huy" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét sau khi trao đổi ý kiến với đồng chí Trần Huy và đồng chí Nguyễn Đôn Tự, có đồng chí Chu Huy Mân tham dự tại cuộc họp ngày 12-6-1995).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM