Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:08:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47073 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:30 am »


        Về phía Đảng ta và cụ thể Tổng Bí thư Trường Chinh hồi đó, đã nhận định về việc "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" như thế nào?

        Nếu đọc lại một loạt bài viết của đồng chí Trường Chinh đăng trên tờ Cờ giải phóng, lưu hành bí mật trong những năm 1943, 1944 và những ngày đầu năm 1945 trước khi bùng nổ cuộc đảo chính Nhật-Pháp, chúng ta thấy:

        Trên báo Cờ giải phóng số ra ngày 28 tháng 7 năm 1944, có đăng bài xã luận nhan đề Phải tiến gấp (sau này được biết rõ là do đồng chí Trường Chinh viết), trong đó nhấn mạnh: "Cả Đông Dương như một cánh đồng cỏ khô, tàn lửa cách mạng động rơi vào đâu cũng có thể bốc cháy. Hai quân thù Nhật, Pháp cầm cự, giữ miếng nhau… (nhưng) Nhật, Pháp sẽ bắn nhau...". Nhận định này xuất phát từ tình hình lực lượng Đồng minh đang phản công thắng lợi ở Philippin, đối diện ngay bán đảo Đông Dương, lúc đó là chiếc cầu nối tiền tuyến với hậu phương Nhật Bản. Nếu lực lượng Đồng minh đổ bộ lên chiếc cầu này thì nhất định quân đội Pháp ở Đông Dương sẽ đánh vào phía sau lưng quân đội Nhật Bản đang chiếm đóng xứ này. Mặt khác, đứng trước tình hình đó, quân đội Nhật Bản cũng nhất định không chịu rơi vào thế bị động và rất có thể sẽ ra tay trước, thanh toán lực lượng Pháp trước khi quân Đồng minh đổ bộ để trừ hậu hoạ. Đó là những phân tích rất khoa học mà Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và giữ trọng trách Tổng Bí thư là đồng chí Trường Chinh, đã thể hiện trên một loạt bài báo tiếp theo. Vấn đề là phải hành dộng như thế nào để kịp đón bắt thời cơ.

        Trong bài viết nhan đề Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, số ra ngày 28 tháng 9 năm 1944, đồng chí Trường Chinh đã đi từ nhận định "Nhật-Pháp sẽ bắn nhau” đến khẳng định "Nhật-Pháp nhất định sẽ bắn nhau”, để đưa ra lời kêu gọi: "Hỡi quốc dân đồng bào… Hỡi các chiến sĩ cứu quốc!... Phải kíp mài gươm, lắp súng để mai đây Nhật-Pháp bắn nhau kịp nổi dậy tiêu diệt chúng, giành lại giang sơn Tổ quốc...".

        Trên cơ sở một loạt bài đăng trên Cờ giải phóng trong nửa cuối năm 1944 (mà hai bài trên chỉ là tiêu biểu), có thể nói Tổng Bí thư Trường Chinh hồi đó đã rất trăn trở xoay quanh sự kiện "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Với sự trăn trở này, dứt khoát không thể chờ đến khi Nhật, Pháp bắt đầu bắn nhau mới tính đến chuyện hành động, mà phải tính toán từ trước. Thêm một dẫn chứng nữa để xác minh rõ:

        Từ năm 1991, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản một cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu rất quý chung quanh sự ra đời của bản chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Đây là một cuốn sách nhỏ, khổ 13x19cm, gồm hai tập, dày tổng cộng 358 trang, nhan đề "Đồng chí Trưởng Chinh", do đồng chí Đức Vượng biên soạn, đồng chí Hoàng Tùng hiệu đính. Đây là một cuốn tư liệu đáng tin cậy vì không chỉ dựa vào các văn bản gốc mà còn dựa vào "những lời kể của chính đồng chí Trường Chinh” hiện còn lưu trữ (sách đã dẫn, tập 2, trang 136). Những tư liệu kể trên cho biết: đồng chí Trường Chinh "quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương (mở rộng) vào một ngày đầu tháng 3 năm 1945” chứ không phải đến tối ngày mùng 8 hoặc sáng ngày 9 (thậm chí có bài báo còn viết là ngày 10 tháng 3 năm 1945) mới triệu tập. Thời điểm họp "được ấn định vào ngày 7 tháng 3 năm 1945", tức là trước khi Nhật Bản tiến hành đảo chính.

        Cuốn sách cho biết thêm: "trong lúc chờ đợi các đồng chí về dự họp, đồng chí Trường Chinh tranh thủ viết báo cáo để trình bày tại hội nghị" và "cắm cúi khởi thảo chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tại một cơ sở bí mật ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, sau đó mới rời Vân Nội sang chùa Đồng Kỵ để họp" và đồng chí "đã đến chùa Đồng Kỵ thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vào lúc hoàng hôn ngày 7 tháng 3 năm 1945. Căn cứ vào giấy triệu tập thì ngày 7 tháng 3 anh em sẽ có mặt tại chùa Đồng Kỵ. Song, do khó khăn về việc đi lại, nhiều đồng chí ở xa, mãi tới lúc xâm xẩm tối ngày 9 tháng 3 những người được triệu tập mới có mặt đầy đủ (tr. 43).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:51 am »


        Cuốn sách kể lại rất tỉ mỉ: “Đồng chí Trường Chinh là người đến sớm hơn cả. Đồng chí rất nóng ruột, ra ngóng vào trông, chờ mãi anh em mới tới. Thời kỳ bí mật, các đồng chí không thể họp đông, nhưng được gặp nhau lúc ấy mà đủ mặt là điều đáng mừng" (tr. 44). Sách còn chú thích rõ "Bác Hồ và đồng chí Hoàng Quốc Việt-ủy viên Thường vụ Trung ương, lúc này đang công tác tại Trung Quốc. Các ủy viên Trung ương khác do Hội nghị Trung ương tháng 5 năm 1941 bầu ra, có người bị địch bắt, có đồng chí bị hy sinh, có đồng chí ở xa nên vắng mặt. Dự Hội nghị Thường vụ Trung ương lần này chỉ có: đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng, chủ trì hội nghị; Nguyên Lương Bằng-ủy viên Trung ương bổ sung cuối năm 1943; Lê Đức Thọ-ủy viên Trung ương bổ sung cuối năm 1944; Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị-đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ".

        Vẫn theo tường thuật trong sách, "đồng chí Trường Chinh vừa mới nói được mấy câu khai mào hội nghị thì có động. Từng người một phải lần lượt lủi ra vườn sau, lách qua khóm tre thoát ra cánh đồng. Một lát sau chợt thấy từ phía Hà Nội loé lên những ánh chớp. Rồi, tiếng súng lớn, súng nhỏ thi nhau nổ. Một vài đám cháy bốc lên. Rõ ràng, Hà Nội lúc này đang có biến… ".

        Với những tư liệu trên (ghi theo lời kể của đồng chí Trường Chinh ngày 15-7-1987 và biên bản cuộc toạ đàm ngày 10-8-1988, hiện còn lưu trữ), có thể khẳng định, Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng) đã được triệu tập từ sớm, ít nhất giấy triệu tập cũng đã được gửi đi trước một tuần và ngày họp cũng đã được ấn định.

        Với tiến trình này, có thể khẳng định thêm, mục đích ban đầu của Hội nghị là thảo luận nhận định do đồng chí Trường Chinh khởi thảo, với nội dung chủ yếu là "Nhất định Nhật, Pháp sẽ bắn nhau. Chúng ta phải làm gì để đón bắt thời cơ này?" . Tiếng súng đảo chính bùng nổ một cách trùng hợp hồi 20 giờ 45 phút tối ngày 9 tháng 3 giữa lúc hội nghị vừa khai mạc (muộn hơn dự định hai ngày) đã như một cái "đanh đóng cột" chứng minh hùng hồn nhận định vô cùng sáng suốt nhạy bén, kịp thời của Đảng ta. Trong cuộc họp tiếp theo (phải di chuyển địa điểm thêm hai lần nữa), dĩ nhiên hội nghị không bàn đến chuyện Nhật, Pháp sẽ bắn nhau nữa, mà chuyển sang chủ đề "Nhật, Pháp đã bắn nhau rồi đấy" và từ đó thảo luận quyết nghị về những hành động của chúng ta.

        Do nhiều lần chuyển địa điểm, cho nên mãi "đến khoảng 11 giờ trưa ngày 12 tháng 3 năm 1945 hội nghị mới kết thúc trong niềm phấn chấn lạ thường" (tr. 53). Đồng chí Trường Chinh từ Đình Bảng trở về cơ sở cũ ở Vân Nội, bắt tay vào việc hoàn chỉnh bản chỉ thị lịch sử của Thường vụ Trung ương gồm gần 4.000 từ, chứa đựng trong 6 mục: Nhận xét tình hình; Điều kiện mới do tình thế mới nảy sinh; Chiến thuật của Đảng thay đổi; Thái độ của ta đối với việc kháng chiến của Pháp và việc lập Mặt trận Dân chủ chống Nhật ở Đông Dương; Những công việc cần kíp; Sẵn sàng hưởng ứng quân Đồng minh" (tr. 55). Bản chỉ thị này đề ngày 12 tháng 3 năm 1945 là thời điểm kết thúc Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, nhưng thực tế đến ngày 14 tháng 3 mới in xong để phát hành.

        Toàn bộ diễn biến và sự ra đời của bản chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta là như vậy. Rất đáng tiếc là, nếu như cuốn sách xuất bản năm 1991 chứa đựng nhiều tư liệu gốc rất đáng tin cậy thì những cuốn xuất bản năm 1995, 2002... lại có khá nhiều sự nhầm lẫn. Đó cũng là điều khó tránh vì thời gian càng lùi xa, các nhân chứng lịch sử càng tuổi cao, sức yếu, dễ quên, dễ nhầm là chuyện rất bình thường. Có điều, sách không viết chính xác thì sẽ kéo theo một loạt bài báo (chủ yếu của thế hệ trẻ) cũng lại viết nhầm lẫn, thậm chí còn kèm theo những bình luận, suy luận không xác đáng. Vì vậy, rất cần phải dày công nghiên cứu để sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ, nhất là đối với những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:35:48 am »


TRAO ĐỔI THÊM VỀ NGÀY THÀNH LẬP CHIẾN KHU TRẦN HƯNG ĐẠO VÀ GIẢI PHÓNG TỈNH LỴ QUẢNG YÊN1

VŨ TRỌNG HOAN       

        Trong cuốn "Chiến khu Trần Hưng Đạo" do Bộ tư lệnh Quân khu 3 chỉ đạo biên soạn và NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 1993, ở phần Lời nói đầu có ghi: "... ngày 8 tháng Sáu năm Ất Dậu (1945) trên đất Đông Triều, Chí Linh đã nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang và thành lập Đệ Tứ chiến khu Trần Hưng Đạo" và sau đó chú thích như sau: "Chiến khu Trần Hưng Đạo thành lập ngày 8 tháng Sáu năm Ất Dậu (tức ngày 16 tháng 7 năm 1945 dương lịch)". Chúng tôi (tức các tác giả sách) đã thẩm định và được các nhân chứng lịch sử của Chiến khu Trần Hưng Đạo thừa nhận. Những ngày đánh chiếm Uông Bí, Bí Chợ, tỉnh lỵ Quảng Yên đều lấy theo ngày âm lịch… "2.

        Qua nghiên cứu một số ấn phẩm lịch sử do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 xuất bản, bài viết này xin được trao đổi một số ý kiến như sau:

        Như chúng ta đã biết, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945 tại Hiệp Hoà (Bắc Giang), do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, đã quyết định xây dựng 7 chiến khu trong cả nước, trong đó có Chiến khu Trần Hưng Đạo. Sau đó, đồng chí Lê Thanh Nghị-Xứ ủy viên, ủy viên Thường vụ ủy ban quân sự Bắc Kỳ, được phân công chỉ đạo việc thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo.

        Thực hiện chủ trương của Trung ương, Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương họp tại Đông Thôn (Thanh Miện) cuối tháng 4 năm 1945 đã quyết định xây dựng căn cứ chống Nhật tại vùng rừng núi Chí Linh-Đông Triều và giao cho hai tỉnh ủy viên là Trần Cung và Hải Thanh đang phụ trách phong trào hai huyện này trực tiếp xúc tiến công tác xây dựng căn cứ, sau đó tăng cường thêm đồng chí Nguyễn Bình và một số đồng chí khác.

        Ngày thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo được xác định là ngày đánh thắng bốn đồn địch (Đông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê), diễn biến tóm tắt của sự kiện này như sau:

        Sau thời gian củng cố tổ chức Đảng, phát động phong trào quần chúng, chuẩn bị lực lượng vũ trang, tối ngày 7 tháng 6 năm 1945, tại nhà hội viên cứu quốc Nguyễn Kim Ngọc (làng Đạm Thủy, trong khu căn cứ Đông Triều-Chí Linh), ban lãnh đạo khu căn cứ họp bàn bổ sung lần cuối nhiệm vụ đánh chiếm các vị trí của địch cho từng bộ phận:

        - Đồng chí Nguyễn Bình phụ trách lực lượng du kích đánh đồn Đông Triều, phối hợp có lực lượng làm nội ứng của Nguyễn Hiền.

        - Đồng chí Hải Thanh chỉ huy lực lượng du kích phối hợp với quân phỉ của Lương Đại Bân đánh đồn Chí Linh.

        - Đồng chí Trần Cung, có lực lượng của Nguyễn Văn Đài phối hợp, đánh đồn Tràng Bạch và tước vũ khí của bọn chủ mỏ Mạo Khê.

        - Sư Tuệ sử dụng lực lượng Việt Minh tại chỗ tước vũ khí của quân địch ở phủ lỵ Kinh Môn.

        Đêm 7 rạng ngày 8 tháng 6 năm 1945 đã diễn ra 4 trận đánh vào các vị trí Đông Triều, Chi Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê. Do làm tốt công tác địch vận, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng du kích, lực lượng làm nội ứng và quần chúng nhân dân, nên ở cả bốn vị trí, quân địch đều nhanh chóng đầu hàng và giao nộp toàn bộ vũ khí cho quân cách mạng. Chỉ có nhiệm vụ tước vũ khí ở phủ Kinh Môn là chưa thực hiện được (ngày 10 tháng 6 năm 1945 ta mới hoàn thành được nhiệm vụ này).

        Ngày 9 tháng 6 năm 1945 trong cuộc mít tinh được tổ chức tại sân đình Hổ Lao, đồng chí Trần Cung, thay mặt ban lãnh đạo khởi nghĩa, tuyên bố thành lập chiến khu kháng chiến. Đồng chí Nguyễn Bình, đại tiện ủy ban quân sự cách mạng, long trọng đọc 7 điều kỷ luật của du kích cách mạng quân. Với thành tích đánh thắng bốn đồn địch, ngày 8 tháng 6 năm 1945 được lấy làm ngày chính thức ra đời Chiến khu Trần Hưng Đạo.

        Về mốc thời gian trên, sách "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam", tập 1 (NXB QĐND, H, 1994) và lịch sử các địa phương đều xác định là ngày 8 tháng 6 nhưng không chú thích như cuốn "Chiến khu Trần Hưng Đạo" của Quân khu 3, nên độc giả vẫn hiểu đó là ngày dương lịch.

----------------------------------
        1. Tạp chí LSQS số 6-2002.

        2. Bộ Tư lệnh Quân khu 3. Chiến khu Trần Hưng Đạo, NXB QĐND, Hà Nội, 1993, tr. 5.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:36:29 am »


        Do âm lịch và dương lịch chênh nhau 38 ngày (theo cuốn “Lịch thế kỷ XX” do Bộ Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1992) nên khi đổi từ ngày âm lịch sang ngày dương lịch, đã nảy sinh một số ý kiến khác nhau:

        - Có ý kiến cho rằng: Nếu coi việc chính thức ra đời Chiến khu Trần Hưng Đạo có tác động mạnh mẽ nhiều mặt đến việc xây dựng phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn Chiến khu giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng Tháng Tám như các cuốn sử đã nêu, thì có lẽ ngày 8 tháng Sáu âm lịch (16-7 dương lịch) là hơi muộn vì một khoảng thời gian ngắn như vậy khó có thể tiến hành được hàng loạt công việc, đặc biệt là xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, dù rằng ở Chiến khu và một vài địa phương ta đã có một số đội du kích. Về vấn đề này, theo chúng tôi có thể cắt nghĩa được, bởi trên thực tế, việc xúc tiến thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo đã được thực hiện ngay sau Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương. Quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng, ta đã phát triển được nhiều tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng cách mạng và nhiều đội du kích làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh ở các địa phương, nên khi tuyên bố chính thức thành lập Chiến khu, ta đã có sẵn lực lượng trong tay để hành động. Như vậy, về mặt thời gian, ta vẫn hoàn toàn có thể bảo đảm việc tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

        - Về việc đánh chiếm bốn đồn đích trong đêm 7 rạng ngày 8 mà quân Nhật không có phản ứng gì đáng kể… Theo chúng tôi, trong bối cảnh lịch sử lúc đó, khi mà phát xít Đức đã đầu hàng Hồng quân Liên Xô, quân Nhật bị thua đau ở mặt trận Thái Bình Dương, nên ở Đông Dương, binh lính Nhật bị tác động tinh thần rất mạnh. Trên chiến trường Việt Nam, do thiếu quân, nhiều nơi chúng đã phải co về cố thủ trong các thành phố, thị xã. Nhiều đồn bốt trước đây do quân Nhật chiếm đóng, nay hoàn toàn do binh lính người Việt canh giữ. Số binh lính này rất hoang mang dao động, nên khi được ta tuyên truyền vận động, đã sẵn sàng ngả theo cách mạng. Hơn nữa từ sau ngày 15 tháng 5 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập, đã mở rộng hoạt động ra các khu vực xung quanh Bắc Ninh, Bắc Giang-một địa bàn gần sát với Chiến khu Trần Hưng Đạo và tiến xuống các tỉnh phía Nam. Ở Chiến khu Quang Trung, nhiều đội du kích ra đời đang tích cực hoạt động đánh địch ở các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá. Do thế và lực của ta đã mạnh, nên ở nhiều nơi, trước các hoạt động ráo riết của Việt Minh, quân Nhật chỉ án binh bất động hoặc phản ứng nhỏ giọt, khả năng ứng cứu giải toả các đồn binh khi bị ta tấn công rất hạn chế. Việc ta đánh bốn đồn binh ngày 8 tháng Sáu (trước khi nổ ra Tổng khởi nghĩa khoảng 1 tháng) hoàn toàn có thể thực hiện được bởi các đồn này đều do binh lính người Việt canh giữ, số binh lính này tinh thần đã rất hoang mang rêu rã, lại được ta vận động giác ngộ từ trước (đồn Đông Triều lớn nhất thì đồn trưởng Nguyễn Hiền là nội ứng của ta), nên chẳng những lính địch không chống cự mà còn phối hợp, giúp đỡ quân du kích chiếm đồn và thu vũ khí. Sở dĩ nêu vấn đề này vì có ý kiến cho rằng lúc đó quân địch còn đang mạnh, chúng sẽ phản ứng quyết liệt và việc đánh bốn đồn của ta không diễn ra dễ dàng như vậy.

        Gần đây, theo tài liệu của thân nhân đồng chí Đại tá Nguyễn Huy (nguyên là Chánh Văn phòng của Đệ tứ chiến khu trước đây) thì ngày 8 tháng Sáu năm 1945 là ngày âm lịch vì lúc đó mọi công văn của Chiến khu do đồng chí phụ trách đều ghi và sử dụng theo ngày âm lịch. Cũng theo đồng chí Huy thì hôm thành lập Đệ tứ chiến khu là ngày phiên chợ Bác Mã, mà ngày 8 tháng Sáu (âm lịch) mới là ngày phiên chợ.

        Trong hội thảo ở Chí Linh, đồng chí Trần Cung cũng cho biết sau khi đánh đồn Thiên (đồn Chí Linh) ít lâu, đồng chí đã xử một số tên phản động ở chợ Ngát. Các đồng chí ở Ban chỉ huy quân sự huyện Chí Linh cho biết thân nhân của những người bị xử hiện vẫn làm giỗ vào ngày 15 tháng Sáu (ârn lịch).

        Như vậy, ngày thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo là ngày 8 tháng Sáu âm lịch (tức 16-7-1945 dương lịch) là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

        - Về ngày giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên, sự kiện này có thể được tóm tắt như sau: Chiều ngày 20 tháng 7 năm 1945, sau khi các thuyền của ta đã tập kết lực lượng chiến đấu ở bãi sú (bên Phụng Cốc-Hà Nam) sẵn sàng đợi lệnh thì được tin có 4 thanh niên Đại Việt từ Hải Phòng sang, bọn này vào dinh Tỉnh trưởng dùng súng uy hiếp định ép Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thanh bàn giao chính quyền cho chúng. Trước tình hình đó, Nguyễn Bình cùng một số đồng chí vào dinh Tỉnh trưởng thuyết phục đám thanh niên Đại Việt, buộc chúng phải rút ra ngoài, đồng thời quyết định đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên ngay trong đêm 20 tháng 7.

        19 giờ ngày 20 tháng 7, các đơn vị ta đổ bộ lên phố Chợ rồi chia làm hai hướng nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu được giao. Tiểu đội Ký Con tiến về phía phà Rừng, các đơn vị khác tiến vào đồn Bảo an binh. Trong thị xã, tổ trinh sát do các đồng chí Quách Lĩnh, Hùng Phong chỉ huy, cắt đứt dây điện thoại của địch liên lạc với Hải Phòng, Hòn Gai, rồi tiếp cận kho bạc. Nguyễn Bình cùng Sơn Vi vào đồn gặp viên quan một tên là Tiếp, yêu cầu hắn ra lệnh cho binh lính hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Cùng thời gian này, Tiểu đội Ký Con tiến vào huyện Yên Hưng tước khí giới của bọn lính cơ. Như vậy, trận đánh tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng diễn ra nhanh gọn ngay trong đêm ngày 20 tháng 7 năm 1945. Trận này ta thu được 500 khẩu súng các loại và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng.

        Nếu mốc thời gian (20-7) là ngày âm lịch thì khi đổi ra dương lịch đã là ngày 27 tháng 8 năm 1945, khi đó hầu hết các tỉnh thuộc Chiến khu Trần Hưng Đạo và trong cả nước đã giành được chính quyền, như vậy sẽ không phù hợp với nhận đinh tỉnh lỵ Quảng Yên "là tỉnh lỵ đầu tiên mà quân cách mạng đã chiếm được trong thời kỳ tiền khởi nghĩa": đã “tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhanh chóng lực lượng vũ trang và đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến lên giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở vùng duyên hải Đông Bắc" mà lịch sử các địa phương và chính các tác giả cuốn “Chiến khu Trần Hưng Đạo" đã đưa ra.

        Do vậy theo chúng tôi, chỉ có ngày 8 tháng Sáu đánh chiếm bốn đồn (Đông Triều, Chí Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê) là ngày âm lịch, còn ngày giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên (20-7) lại là ngày dương lịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:41:09 am »


MẤY Ý KIẾN NHỎ GÓP VÀO BÀI TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA BÁC HỒ TRONG TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP1

TRỊNH VƯƠNG HỒNG       

        Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 là một văn kiện lịch sử vô giá, một áng vặn chương bất hủ. Đã từ lâu, bản Tuyên ngôn nổi tiếng đó đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước, ở các góc độ khác nhau, nghiên cứu toàn diện và sâu sắc. Riêng lời mở đầu bản Tuyên ngôn-câu trích trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, theo chúng tôi biết, cũng đã có nhiều công trình đề cập tới2.

        Gần đây, tác giả Trần Cư trong bài Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ trong Tuyên ngôn độc lập, đăng trên Nghiên cứu Lịch sử quân sự, số 18, tháng 9 năm 1985, đã đề cập trở lại vấn đề trên. Mặc dầu tiêu đề bài như trên, song tác giả chỉ khoanh vào phạm vi "một đối tượng đặc biệt” Bác Hồ đã nhằm khi viết Tuyên ngôn độc lập3.

        Nghiên cứu, cho dù chỉ ở vài khía cạnh nào đó, về bản Tuyên ngôn do vị lãnh tụ thiên tài và kính yêu của nhân dân ta thảo ra là rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Song, ở một số khía cạnh, nhất là trong cách lập luận và lý giải việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, của bài nói trên, chúng tôi thấy có điểm cần phải bàn thêm.

        Với động cơ tha thiết cùng tác giả trao đổi về một số khía cạnh mà bài viết đã nêu lên để đi đến một cách hiểu đúng, thống nhất, chúng tôi mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ, mong được sự đồng cảm của tác giả.

        Như đã biết, vấn đề mà tác giả chú tâm tìm hiểu, cũng được một số nhà nghiên cứu nước ngoài đề cập với những cách giải khác nhau.

        Phi-líp Đơ-vi-le, trong Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, viết:

        “Bản Tuyên ngôn kỳ lạ mở đầu bằng một câu trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và trích dẫn Tuyên ngôn nhân quyền Pháp năm 1791. Song tiếp theo lời dạo đầu đầy hứa hẹn như vậy là bản cáo trạng mạnh mẽ bất công đối với chế độ thuộc địa của Pháp và tuyên bố sự tan vỡ của nó...

        Bản Tuyên ngôn không hề nhắc gì về Liên Xô.

        Việt Minh đã giành được chính quyền nhưng họ còn phải đưa cách mạng đến thắng lợi… Đối với họ lúc bấy giờ là bảo toàn những thắng lợi đó khi quân Đồng minh đến đấy; hơn nữa những thắng lợi này có lẽ cũng còn mong manh khi những lãnh tụ của nó trên thực tế cũng còn xa lạ đối với dân chúng Việt Nam"4.

        Thật ra, ngay từ giữa tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ta họp ở Tân Trào đã chỉ ra "mâu thuẫn giữa hai phe đồng minh Anh-Pháp và Mỹ-Trung Quốc về vấn đề Đông Dương”5 và đề ra chủ trương đối phó với quân Đồng minh khi chúng kéo vào nước ta6. Vậy nên, việc trích Tuyên ngôn độc lập Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp không phải là một thủ thuật, càng không phải là để lấy lòng quân Đồng minh sẽ kéo đến khi chính quyền của ta còn non trẻ. Đặt vấn đề như Đơ-vi-le là không đúng sự thật.

        Ý kiến của giáo sư Nhật Bản Sin-gô Si-ba-ta cũng khiến chúng ta suy nghĩ. Trong bài Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng, cũng viết: "… Cụ Hồ Chí Minh còn có một đóng góp quan trọng về mặt lý luận và tư tưởng. Người đã đặc biệt làm sâu thêm lý luận về vấn đề dân chủ, quyền dân tộc tự quyết và những quyền dân tộc cơ bản. Trong lĩnh vực này, chúng ta không được xem nhẹ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Cụ Hồ Chí Minh thảo ra và đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945.

---------------------------------
        1. Tạp chí LSQS số4-1986.

        2. Xem: Phi-líp Đơ-vi-le: "Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952", Pa-ri, 1952, tr. 143.

        3. Do Trần Cư nhấn mạnh. Kể từ đây, những đoạn trích không có chú thích đều ở bài Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ trong Tuyên ngôn độc lập, Nghiên cứu lịch sử quân sự, số 18, tháng 9 năm 1985.

        4. Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, Sđd, tr. 143.

        5, 6. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Văn kiện Đảng (1930-1945), H, 1977, tập 3, tr. 413.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:42:06 am »


        Những lời trích dẫn trên cho thấy rằng những tư tưởng thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng là tư tưởng của Cụ Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam là sự kế thừa tư tưởng của cuộc cách mạng độc lập ở Mỹ và cuộc cách mạng Pháp (chữ nghiêng trong bản in-TVH) . Tính chất độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã kế thừa những tư tưởng này và mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc trong nền dân chủ tư sản, quyền lợi của con người, quyền lợi của cá nhân được coi như là cơ sở cho quyền lợi của cách mạng. Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc”7.

        Như chúng tôi đã có dịp trao đổi với ý kiến trên8, Chủ tịch Hồ chí Minh sử dụng Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ cũng như Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp không phải là việc phát huy tư tưởng cách mạng tư sản về quyền con người và mở rộng thành quyền lợi dân tộc. Ở đây chỉ là việc sử dụng một cách tài tình, nhuần nhuyễn các nguyên tắc của cách mạng tư sản để phục vụ cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là một sách lược cách mạng. Tư tưởng về dân tộc và thuộc địa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng của Lê-nin về quyền dân tộc tự quyết mà Người đã tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng và làm cho phong phú thêm.

        Trong bối cảnh nêu trên, việc đặt vấn đề theo hướng của tác giả Trần Cư là rất cần thiết và đáng hoan nghênh. Theo tác giả, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn độc lập Mỹ chính là do nhằm vào "một đối tượng đặc biệt" là đế quốc Mỹ.

        Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng, khi đưa câu trích Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào bản khai sinh của nước Việt Nam mới tuyên bố trước thế giới và đồng bào về nền độc lập của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhằm nói với nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Song quá nhấn mạnh như cách đặt vấn đề của Trần Cư, e có phần khiên cưỡng.

        Hãy đọc những dòng tác giả Trần Cư đặt vấn đề: “Xin lưu ý câu này của Trần Dân Tiên: Cụ Hồ nói "Trong đời Cụ viết đã nhiều nhưng đền bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như thế”9.

        Tôi hiểu là, vẫn lời tác giả, "suốt 30 năm, đối tượng duy nhất Bác nhằm viết là thực dân Pháp. Nhưng đến bây giờ, do tình hình phát triển, đã xuất hiện một đối tượng mới là đế quốc Mỹ.

        … Vậy thì phải tiến công nó, ngay khi viết bản Tuyên ngôn này".

        Và đây là những dòng cuối bài, dường như là cảm hứng của tác giả: "Như vậy là: Rõ ràng trong bản Tuyên ngôn độc lập, ngoài đối tượng khác, Bác Hồ có dụng ý nhằm một đối tượng đặc biệt cần nêu lên lúc bấy giờ: Đế quốc Mỹ.

        Vì nhằm đối tượng như thế, nên Bác đã viết nó như thế. Do đó mà có câu vui sướng: "Cụ Hồ viết đã nhiều nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như thế”.

        Luận điểm của tác giả về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh "tiến công" vào một đối tượng đặc biệt "là đế quốc Mỹ", qua lời mở đầu Tuyên ngôn độc lập, có nhiều chỗ cần phải bàn cả về nội dung và phương pháp đưa tác giả tới luận điểm. Song, do phạm vi bài viết, chúng tôi xin chỉ trao đổi trên một số khía cạnh.

        Thứ nhất, nếu cho rằng đối tượng duy nhất (chắc tác giả muốn nói là kẻ thù?) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm viết suốt 30 năm trước khi viết Tuyên ngôn độc lập chỉ là thực dân Pháp, thì quả không ổn. Điều này có lẽ miễn phải chứng minh nhiều.

-----------------------
        7. Trích trong Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Sđd , tr. 225-226.

        8. Xem Nghiên cứu Lịch sử, số 144 tháng 5 và 6 năm 1972.

        9. Trần Cư nhấn mạnh.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:43:43 am »


        Mọi người đều biết rằng, là một nhà hoạt động xuất sắc trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế từ những thập kỷ đầu của thế kỷ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, trong đó có đế quốc Mỹ. Qua hoạt động lý luận, đương nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc những dòng mà Các Mác, F.Ăng-ghen và nhất là V.I Lê-nin viết về Mỹ; đặc biệt, qua hoạt động thực tiễn, lại từng ở nước Mỹ, nhận thức của Người về đế quốc Mỹ càng sinh động, cụ thể. Những ngày sống và tận mắt chứng kiến chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ đã để lại ở Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều ấn tượng đặc biệt sâu sắc như hành hình kiểu Lyn-sơ và hoạt động đầy tội ác của đảng 3K, những cuộc bãi công chống chiến tranh, đòi tăng lương của công nhân Mỹ. Gần chục năm sau, vào năm 1924, các ấn tượng sâu sắc ấy sống lại trong những bài báo có giá trị đặc biệt của Người về các chủ đề trên. Và, năm 1918, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới tên Nguyễn Ái Quốc, đã gửi đến Hội nghị Véc-xay bản yêu sách gồm 8 điểm đòi độc lập cho Việt Nam, những yêu cầu khá gần với 14 điểm của Uyn-xơn10 và trong một mức độ nhất định dường như là sự vận dụng cụ thể vào Việt Nam11. Yêu cầu 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc không được bọn đế quốc chú ý. Từ những tri thức thực tiễn đến việc nhận thức tính chất giả dối trong 14 điểm của Uyn-xơn đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh dần dần hiểu một cách sâu sắc bản chất của chủ nghĩa đế quốc nói chung, đế quốc Mỹ nói riêng, như Người đã viết: "...Nhưng sau một thời gian theo dõi nghiên cứu chúng (tức 14 điểm tuyên bố của Uyn-xơn, TVH) tôi nhận thấy rằng "chủ nghĩa Uyn-xơn chỉ là trò bịp lớn", vì vậy "đối với chủ nghĩa đế quốc, ngoài con đường cách mạng đấu tranh đến cùng, không thể có con đường nào khác"12.

        - Bài “Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng" của giáo sư Nhật Bản Sin-gô Si-ba-ta, đăng trong: Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, NXB ST, H, 1971, tập III, tr. 225-226.

        - Phan Ngọc Liên và Trịnh Vương Hồng. Lịch sử nước Mỹ trong tác phẩm của Hồ Chủ tịch, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 144 tháng 5 và 6 năm 1972.

        Tiếp đó, còn có một loạt bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến đế quốc Mỹ. Ví như Người phân tích thái độ phản động của Mỹ đối với nước Nga Xô-viết trẻ tuổi khi cùng với Nhật "đã cho quân đổ bộ lên Vơ-la-đi-vô-xtốc"13, để giúp bọn bạch vệ; về việc Mỹ cùng các nước thắng trận chia chiến lợi phẩm của cuộc chiến tranh thế giới mới do chủ nghĩa đế quốc gây ra mà Mỹ là một phần tử tích cực nhằm tiêu diệt nước Nga Xô-viết và dập tắt phong trào cách mạng thế giới14

        Xem thế đủ biết không phải suốt 30 năm trước 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ "nhằm một đối tượng" là Pháp.

        Thứ hai, rất thú vị với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn độc lập Mỹ, Trần Cư cho đây là "một đòn" gậy ông đập lưng ông "tuyệt diệu” tuy còn đôi chút băn khoăn bởi suy luận chủ quan của mình. Bỗng "may thay" khi xem Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình, tác giả nghe được lời của chính Pát-ti thú nhận. Chưa tin, Trần Cư cẩn thận xem đi xem lại đến “ba lần". Và, câu của Pát-ti được Trần Cư coi là “một bằng chứng chính xác và hùng hồn cho lập luận" của mình. Nhưng tiếc thay, theo chúng tôi, câu nói của Pát-ti, không hề củng cố, chứ chưa nói là có thể làm cơ sở cho lập luận của tác giả.

        Câu nói của Pát-ti (trong phím đã dẫn) như sau: "Khi nghe thấy dịch câu mở đầu bản Tuyên ngôn là trích trong bản Tuyên ngôn của nước Mỹ thì tôi không còn tin ở tai tôi nửa".

        Pát-ti ngạc nhiên khi nghe lời mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam lại là một câu trích từ Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. Nhưng đó chỉ là về cảm xúc-tức là hiện tượng. Còn nguyên nhân-bản chất của cảm xúc đó, tức là ông ta ngạc nhiên vì lẽ gì thì bản thân câu trên không nói lên điều gì cả. Chúng tôi nghĩ rằng Trần Cư đã cố tình giải thích cảm xúc của Pát-ti theo ý mình, cho rằng với việc trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đích danh, hơn nữa đã "tiến công" một kẻ thù, tiến công một "đối tượng mới" là đế quốc Mỹ.

--------------------
        10. Tổng thống Mỹ.

        11. Theo bài của Sác-lơ Phuốc-ni-ô trong Hồ Chí Minh, Notre Camarade, Éditions Sociales, 1970, tr. 23.

        12. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng biên soạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, H, 1960, tr. 8-9.

        13. Xem bài "Đông Dương và Thái Bình Dương" trong Hồ Chí Minh tuyển tập, Sđd, tr. 37.

        14. Xem Nguyễn Ái Quốc, Lên án chủ nghĩa thực dân, NXB ST, H, 1959, tr. 142.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:45:30 am »


        Thật ra, điều này khá phức tạp và tế nhị. Giải thích cho rõ ràng tư tưởng cũng cần tới bao công phu và giấy mực. Nhưng dầu sao, cũng không thể hiểu giản đơn, "thẳng đuột" một chiều như Trần Cư trình bày.

        Như đã biết, dẫu rằng ở phe Đồng minh chống phát-xít, đế quốc Mỹ vẫn là kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp của phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ giàu lên và vươn tới địa vị sen đầm quốc tế. Do phải tập trung lực lượng đối phó ở Châu Âu, nên với Việt Nam, chúng đã thông qua Tưởng Giới Thạch để thực hiện chính sách bành trướng. Ngoài đế quốc Pháp, cả Mỹ, Tưởng và Anh đều có những âm mưu riêng đối với Việt Nam. Ngay hồi đó, điều này đã được Đảng ta chỉ rõ qua nhiều nghị quyết của mình. Để tập trung lực lượng đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp, với quân Đồng minh, Đảng chỉ rõ "tránh xung đột, giao thiệp thân thiện”15, tạo điều kiện cho họ giải giáp phát-xít Nhật và sớm rút ra khỏi nước ta.

        Riêng với Mỹ, ta đã có giao thiệp từ sớm-ngay khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang tiếp diễn. Việc ta giúp đỡ Trung úy Sao (Shaw)-phi công Mỹ bị nạn ở Việt Nam16, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thương lượng với phái bộ Đồng minh (tức Mỹ) ở Trung Quốc17… tất cả là sự thực hiện một sách lược có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, chứ hoàn toàn không làm sai lạc việc nhận thức về bản chất chủ nghĩa đế quốc nói chung, đế quốc Mỹ nói riêng và âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Dương. Vậy là, trong điều kiện phức tạp trong năm đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, chúng ta ra sức trung lập Đồng minh và tìm cách để họ sớm rút khỏi nước ta, tránh bị rơi vào thế "một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh"18.

        Mặt khác, nếu chúng ta lưu ý cuốn sách của Pát-ti "Tại sao Việt Nam?” đặc biệt những dòng trích dịch đăng ngay trong Nghiên cứu Lịch sử quân sự, số 18, chúng ta sẽ càng băn khoăn về lập luận của Trần Cư. Đương nhiên không phải mọi điều Pát-ti viết đều dáng tin cậy, song trong đoạn trích dịch đó, ông ta đã miêu tả tỉ mỉ cuộc tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay buổi chiều "trước ngày độc lập" và những lời của Người, thông qua Pát-ti để chuyển tới Chính phủ Mỹ. Sự miêu tả trên đây của Pát-ti về vấn đề này phù hợp với những tư liệu mà chúng ta đã có.

        Khi chúng tôi đang viết bài này thì có sự kiện Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn các nhà kinh doanh Mỹ thăm Việt Nam (tháng 10-1985). Tại cuộc tiếp đó, xuất phát từ bản chất yêu hoà bình và quý trọng tình hữu nghị giữa các dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng cho biết nhân dân ta sẵn sàng đặt quan hệ với các nước khác, kể cả những nước khác ta về chế độ chính trị, miễn là họ thực sự tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Đó là lập trường nhất quán của ta. Ở thời điểm 1945 cũng vậy. Chính vì thế, khi trả lời đoàn Mỹ về việc lập quan hệ với Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng nói: "Tôi cần nói rõ rằng nhân dân Việt Nam muốn có mối quan hệ nhiều mặt đối với nhân dân Mỹ. Đáng lẽ việc này phải làm từ lâu rồi. Các ông hãy nhớ lại rằng chúng ta có cơ hội để thực hiện điều này từ năm 1945 (chúng tôi nhấn mạnh-TVH). Đó là cơ hội mà các ông đã bỏ lỡ"19. Vấn đề thế là rõ.

        Vậy phải chăng phản ứng của Pát-ti khi nghe lời mở đầu Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 là phản ứng mừng vui hoà trộn với những tâm trạng phức tạp khác? Và nếu giả thiết này đúng thì lập luận của Trần Cư quả thực cần được xem lại.

        Thứ ba, ngoài câu nói của Pát-ti được tác giả xem là cơ sở tư liệu quan trọng, quyết định lập luận của mình, thì chúng ta thấy Trần Cư đã khi ông trích cả câu, lúc dẫn từng ý lời của Trần Dân Tiên xem là cứ liệu quan trọng. Trần Cư viết: "Vì nhằm đối tượng là như thế (tức Mỹ-TVH), nên Bác đã viết nó như thế. Do đó mà có câu vui sướng…" (tiếp đó là câu của Trần Dân Tiên như đã biết). Nhưng, không rõ vô tình hay hữu ý, Trần Cư đã bỏ qua những dòng tiếp đó của Trần Dân Tiên-những dòng giải thích hoàn toàn rõ ràng là tại sao "Cụ Hồ không giấu nổi sự sung sướng. Cụ Hồ nói trong đời Cụ, Cụ đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy"20. Trần Dân Tiên viết: "Thật vậy, bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Véc-xay mà Cụ Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Cụ Hồ đã viết năm 1941. Hơn nữa bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản Tuyên ngôn khác của tiền bối… của bao nhiêu sách báo, truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn tám mươi năm nay… Là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh...

        Là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam…

        Là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hoà"21.

        “Cụ Hồ không giấu nổi sự sung sướng"… và "cho đến bây giờ mới viết được bản Tuyên ngôn như vậy" là vì những lẽ đó.

----------------------------------
        15. Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 416.

        16. Theo Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn học, H , 1970, tr. 100.

        17. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd. tr. 90.

        18. Văn kiện đảng, Sđd, tr. 413.

        19. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng nói chuyện với đoàn các nhà kinh doanh Mỹ thăm Việt Nam, xem báo Nhân dân, số 11475, ngày 3 tháng 12 năm 1985.

        20. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Sđd, tr. 109.

        21. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd. tr. 110.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:46:22 am »


        Vậy, nên hiểu vấn đề tác giả đặt ra như thế nào?

        Chúng tôi rất nhất trí tiêu chuẩn mà Trần Cư nhắc lại từ sách "Cách viết" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đầu bài báo, lấy đó làm căn cứ suy nghĩ, nghiên cứu. Trần Cư viết: Vấn đề viết cho ai, vào lúc nào là một vấn đề quan trọng, cần phải nắm rõ thì mới hiểu được tại sao Bác đã "viết như thê".

        Ta hãy cùng theo ánh sáng của những lời dạy của Bác Hồ để thử tìm chân lý.

        Theo chỗ chúng tôi hiểu, có thể chưa đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng "Tuyên ngôn độc lập" Mỹ không dưới ba lần và mỗi lần đều trong những hoàn cảnh và mục đích cụ thể.

        Đoạn trích trong Tuyên ngôn độc lập 1945 là lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng Tuyên ngôn độc lập Mỹ-lần thứ nhất khi giới thiệu "Lịch sử kách mệnh Mỹ" trong tài liệu Đường kách mệnh và lần thứ ba vào năm 1964 khi Người trả lời tạp chí Mai-rô-ni-ti Ôp-oăn.

        So sánh đoạn trích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phần “Lịch sử kách mệnh Mỹ" và trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, chúng ta thấy có sự khác nhau. Cái khác ở đây không phải là lời văn dịch-đoạn trích dịch ở Đường kách mệnh chưa được gọt giũa bằng đoạn trích ở Tuyên ngôn độc lập 1945, nhưng cả hai đều đảm bảo đúng tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ. Có chăng, cái khác ở đây chủ yếu là ở liều lượng trích dẫn. Trong Đường kách mệnh, câu trích như sau. "Trời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn sung sướng… Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng thì dân chúng phải phá đổ chính phủ ấy đi và gây nên chính phủ khác"22. Sau khi trích dẫn như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rằng: "Nhưng bây giờ Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai nói đến kách mệnh, ai đụng đến chính phủ”, nên nhân dân Mỹ bây giờ "vẫn cứ lo tính lách mệnh lần thứ hai"23. Việc trích dẫn và giải thích như vậy về cách mạng Mỹ rất có ý nghĩa với cách mạng Việt Nam lúc đó. Từ việc trích và giải thích như trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với nhân dân ta rằng chúng ta có quyền sống độc lập tự do, nhưng lại bị thực dân Pháp thống trị, cho nên chúng ta phải đứng lên đánh đuổi chúng. Lời trích Tuyên ngôn độc lập Mỹ ở đây có hiệu lực một lời kêu gọi, cổ vũ nhân dân ta có ý thức về quyền lợi của mình mà đứng lên đấu tranh cứu nước, cứu nhà.

        Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ trích dẫn câu: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh  phúc"24. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giải thích: "suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"25. Câu trích đó và tiếp theo là câu trích trong Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp được sử dụng khi nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền, Chúng ta khẳng định với thế giới rằng chúng ta có quyền hưởng và bảo vệ nền độc lập tự do mà nhân dân ta "đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay"26. Hiệu lực của câu trích dẫn và lời giải thích này khẳng đinh về mặt pháp lý là "những lẽ phải không ai chối cãi được"27 đã ghi trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp.

------------------------------
        22, 23. Đường kách mệnh, Bị áp bức dân tộc liên hiệp với hội Tuyên truyền bộ ấn hành 1927, phần II, tr. 8.

        24,25,26,27. Hồ Chí Minh tuyển tập, Sđd, tr. 205 và 207.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:47:04 am »


        Trong bài trả lời Tạp chí Mai-rô-ri-ti Ôp-oăn do một nhóm nhân sĩ trí thức Mỹ xuất bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam không bao giờ lầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi từ mười năm nay. Chính những kẻ đang phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc chúng tôi, cũng là những kẻ đã phản bội bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, trong đó đã nêu cao chân lý "tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng", và nêu cao quyền bất khả xâm phạm của con người: "quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"28. Lời trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ lần này để nói với nhân dân Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khơi dậy trong lòng họ "những truyền thống tốt đẹp", nguyện vọng "muốn sống hoà bình và hữu nghị với các dân tộc khác" để họ đứng lên chống lại bọn cầm quyền Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược gọi là "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam-cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Chính phủ Mỹ không những gây tang tóc, đau thương cho nhân dân Việt Nam mà còn làm hao người tốn của của nhân dân Mỹ, bôi nhọ thanh danh nước Mỹ. Cũng qua đó, Người tố cáo giới cầm quyền Mỹ đã phản bội lại lời tuyên bố trịnh trọng của tổ tiên họ trước kia.

        Ba lần nhắc đến Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 trong ba hoàn cảnh lịch sử khác nhau với những đối tượng và mục đích khác nhau, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm rất vững tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập này, Người đã khéo vận dụng nó trong những điều kiện khác nhau để phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc ta một cách có hiệu quả.

        Từ việc thấm nhuần phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sử liệu như vậy, chúng tôi nghĩ rằng cách hiểu của Trần Cư còn có phần khiên cưỡng.

        Còn nhiều khía cạnh khác trong bài của Trần Cư cần được trao đổi. Song, do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ xin nêu vắn tắt mấy điểm.

        Ví như Trần Cư dẫn đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích (mà tác giả gọi là lời bình) sau khi trích Tuyên ngôn độc lập Mỹ: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống sung sướng và quyền tự do" và Trần Cư cho rằng ở tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh "đã vượt xa Giép-phéc-xơn".

        Chúng tôi không nghĩ rằng tất cả những người ở thế hệ sau, thời đại sau đều nhất nhất vượt những người ở thời đại trước. Song nhìn chung, thế hệ sau bao giờ cũng tiên tiến hơn người sống ở thời đại trước. Nếu sự so sánh thường khập khiễng, thì ở đây, sự so sánh của tác giả lại càng khập khiễng hơn. Bởi lẽ, nếu so điều gì đó ở Nguyễn Ái Quốc với Giép-phéc-xơn khi Nguyễn ái Quốc chưa đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, thì còn tạm chấp nhận được. Đằng này, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một người cộng sản nổi tiếng, một đại biểu lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế mà đem so với một Giép-phéc-xơn, dầu tiến bộ đến mấy, cũng là đại biểu của ý thức hệ tư sản, thì thật là... kỳ cục. So với thời đại ông, tư tưởng Giép-phéc-xơn không thể thoát khỏi chính hoàn cảnh lịch sử mà ông sống và quan điểm giai cấp của mình. Mặt khác, chúng ta không nên quên lời dạy của Lênin về tính hạn chế của các giáo lý tư sản: "Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, qua những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào đó có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng… bị người khác lừa dối và tự lừa dối mình về chính trị”29.

        Xin nêu một ví dụ khác. Sau khi phân tích nhiều khía cạnh cho là lý thú của những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích các câu trích, Trần Cư cho đây là "một thứ" "uy-mua" rất phớt ăng-lê, cộng với cái vẻ "i-rô-ni" rất Pháp, cả hai trộn lại thành ra cái trào lộng rất Hồ Chí Minh, mà cũng rất Việt Nam" (chúng tôi nhấn mạnh-TVH).

        Điều này thuộc một lĩnh vực khác, tôi ít am hiểu, không dám bàn ở đây, chỉ xin nêu để tác giả xem lại.

        Tất nhiên, trong quế trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tiếp thu những tinh hoa của nền văn hoá thế giới. Song từ đó mà đưa ra hằng đẳng thức: Uy-mua Anh + (cộng, trộn) I-rô-ni Pháp = ( thành ra) cái trào lộng rất Hồ Chí Minh, thì thiển nghĩ không còn gì liều hơn. Chẳng lẽ yếu tố văn hoá dân tộc không là một thành phần cơ bản trong việc hình thành phẩm chất văn hoá ở một lãnh tụ thiên tài như Chủ tịch Hồ Chí Minh...

        Nếu ví Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngôi sao sáng thì cũng có thể nói ở thời điểm 1945-1946, khi đất nước đầy những hiểm nghèo với những mâu thuẫn đan chéo, phức tạp, những kẻ thù bên trong và kẻ thù từ ngoài đến, ngôi sao ấy đã bừng lên sáng ngời. Người đã cùng Đảng ta dắt dẫn nhân dân vượt mọi thác ghềnh giành thắng lợi; đặc biệt đối sách với các đế quốc, trong đó có Mỹ và tay sai của Mỹ là Tưởng Giới Thạch, được xem "như một mẫu mực tuyệt vời về sách lược Lê-nin-nit"(30).

        Và như thế, đề tài mà Trần Cư nêu ra, mới chỉ được trình bày và trao đổi chưa phải là rộng rãi trên một vài khía cạnh. Rồi đây, cũng có thể sẽ có những ý kiến chuẩn xác và sâu sắc hơn. Tôi không dám chắc những điều trao đổi với tác giả, tất thảy đều là đúng, chỉ xin nêu một số cứ liệu và đôi ba ý kiến để chúng ta cùng suy nghĩ về "Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ trong Tuyên ngôn độc lập", sao cho thấu hiểu được chân xác một trong những tác phẩm vĩ đại của Người. Bởi chính sinh thời Người đã dạy, đại ý: khen mà không đúng chưa hẳn đã có ích.

-----------------
        28. Hồ Chí Minh. Về nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, NXB ST, H, 1967, tr. 41.

        29. V.I. Lê-nin: Mác-Ăngghen, Chủ nghĩa Mác, NXB Tiến bộ. Mát-xcơ-va, 1976 (bản tiếng Việt), tr. 60

        30. Lê Duẩn. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vi độc lập tự do vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB ST, H, 1979, tr. 31.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM