Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:53:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47069 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:49 pm »


NHỮNG TÊN NGƯỜI CHÉP SAI TRONG “HỊCH TƯỚNG SĨ” VÀ “BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO”62

NGUYỄN LƯƠNG BÍCH       

        Những văn thơ của ta thời xưa, truyền lại đến ngày nay, phần lớn là do truyền miệng và sao chép tay, nên những sai sót câu chữ và tình trạng "tam sao thất bản" là không thể tránh được. Những bản "thiên cổ hùng văn" như Hịch tướng sĩ và Bình Ngô đại cáo, sử sách ghi chép luôn, nên ít sai sót, nhầm lẫn, nhưng cũng có một số tên người nước ngoài, những bản văn hiện lưu hành, ghi chép chưa chính xác, nên xem lại và có thể nên sửa lại.

        Trong Hịch tướng sĩ có một đoạn nói về mấy viên tướng nước ngoài đương thời, chủ yếu để nhấn mạnh về những người tỳ tướng đã hết lòng chiến đấu theo gương chủ tướng. Đoạn văn như sau: "Việc cũ đời xưa, hãy tạm không bàn. Nay ta lấy việc thời Tống, Thát mà nói. Vuông Công Kiên là người thế nào, tỳ tướng Nguyễn Văn Lập của ông lại là người thế nào, mà lấy thành Điếu Ngư chỉ bằng cái đấu đương đầu với trăm vạn quân Mông Kha, khiến sinh linh nước Tông đến nay vẫn còn nhớ ơn. Cốt Đãi Ngột Lương là người thế nào và người tỳ tướng Cân Tu Tu, lại là người thế nào, dám xông pha lam chướng hàng vạn dặm đường để đánh bại Nam Chiếu trong khoảng vài tuần khiên vua Thát còn lưu danh đến nay"(63).

        Đoạn văn này có tên bốn tướng: hai tướng là người Tống và hai tướng là người Mông Thát:

        Tướng Tống thứ nhất ở đây chép tên là Vương Công Kiên. Chính là Vương Kiên, thừa chữ Công đệm ở giữa. Tướng Tống thứ hai là tỳ tướng của Vương Kiên, bài Hịch chép tên là Nguyễn Văn Lập. Theo Tống sử, Vương Kiên không có người tỳ tướng nào tên là Nguyễn Văn Lập. Người tỳ tướng của Vương Kiên mà bài Hịch nói đây chính là viên phó tướng của Vương Kiên tên là Trương Ban. Vương Kiên làm trấn thủ Hợp Châu, đóng quân doanh tại thành Điếu Ngư. Năm 1259, đại quân Mông Thát tới vây đánh thành Điếu Ngư. Vương Kiên cùng phó tướng Trương Ban anh dũng chiến đấu trong năm, sáu tháng liền, giữ vững thành Điếu Ngư và đánh chết Đại hãn Mông Thát là Mông Kha, tức vua Nguyên Hiến Tông ngay tại trận, buộc quân Mông Thát phải rút chạy. Sau chiến thắng này, Vương Kiên bị tên tể tướng hèn nhát của triều đình Tống là Giả Tự Đạo điều đi nơi khác và tìm cách giết chết, Trương Ban thay Vương Kiên làm trấn thủ Hợp Châu, đóng quân ở Điếu Ngư. Năm 1267, mấy vạn quân Nguyên (tức quân Mông Thát) tiến đánh Hợp Châu và Trùng Khánh, nhưng phải rút chạy trước sức kháng cự kiên cường của Trương Ban. Năm 1275, quân Nguyên lại tới vây đánh Trùng Khánh, Trương Ban đem quân từ Hợp Châu tới giải vây cho Trùng Khánh, đầu năm 1277 đánh lui được giặc. Năm 1278, Trương Ban chết trong chiến đấu. Vương Lập-không phải Nguyễn Văn Lập-lên thay làm trấn thủ Hợp Châu. Nhưng Vương Lập hèn nhát, đầu năm 1279 ra hàng quân Nguyên, dâng thành Điếu Ngư và cả vùng Hợp Châu cho giặc. Như vậy, không nên làm lẫn lộn tên người anh hùng chống giặc là Trương Ban với tên kẻ đầu hàng giặc là tên tướng hèn nhát Vương Lập. Chép là Nguyễn Văn Lập thì không có nghĩa.

        Cặp tên thứ hai là tên hai tướng Mông Thát đã đánh chiếm nước Đại Lý ở Vân Nam. Tên tướng thứ nhất, bài Hịch chép là Cốt Đãi Ngột Lương, chính là Ngột Lương Hợp Thai, phiên âm la-tinh là U-riang-kha-đai. Phần đầu "U-riang" của tên này phiên âm Hán-việt là Ngột Lương. Vậy Ngột Lương phải đặt lên trước. Tên này, các sách thường phiên âm khác nhau ở phần cuối tên: như Ngột Lương Cáp Thai, Ngột Lương Cáp Đãi, Ngột Lương Hợp Đái, Ngột Lương Hợp Đãi..., tôi nghĩ rằng tên này các sách đã chép quen là Ngột Lương Hợp Thai thì bài Hịch cũng nên chép như thế.

        Còn tên tướng Thát thứ hai, bài Hịch chép là Cân Tu Tư hoặc Xích Tu Tư. Trong chữ Hán, chữ Cân và chữ Xích chỉ khác nhau một cái chấm. Không chấm là Cân, có chấm là Xích. Tên Cân Tu Tư hay Xích Tu Tư viết như thế là đúng hay sai, tôi chưa tra vấn được. Chỉ biết rằng theo Nguyên sử, khi đánh chiếm Đại Lý, Ngột Lương Hợp Thai có một tỳ tướng là Triệt Triệt Đô, khi sang đánh Việt Nam phải tự tử vì thua trận. Nhưng hai tên phiên âm Cân Tu Tư và Triệt Triệt ĐÔ khác nhau nhiều quá, không lẽ lại là một người.

        Vậy ở bài Hịch tướng sĩ có ba tên, biết chắc là chép sai:

        - Vương Công Kiên, chính là Vương Kiên

        - Nguyễn Văn Lập, nên sửa là Trương Ban

        - Cốt Đãi Ngột Lương, nên sửa là Ngột Lương Cột Đãi hay Ngột Lương Hợp Thai.

        Về bài Bình Ngô đại cáo, chỉ có một tên người chép sai là tên Triệu Tiết trong đoạn văn:

                                       Cố Lưu Cung tham công nhi thủ bại
                                       Triệu Tiết hiếu đại nhi xúc vong

                                       (Cho nên Lưu Cung tham công mà thất bại
                                       Triệu Tiết hám lớn phải tiêu vong).


        Ý ở đây Nguyễn Trãi muốn nói đến hai tên vua hiếu chiến. Câu trên nói về vua Nam Hán cho quân xâm lược Việt Nam bị Ngô Quyền đánh bại. Tên vua Nam Hán là Lưu Cung.

        Câu dưới nói đến vua Tống cho quân xâm lược Việt Nam bị Lý Thường Kiệt đánh bại. Tên vua Tống là gì, nhầm lẫn là ở đây Bài Đại cáo viết theo thể văn biền ngẫu. Mà trong văn biền ngẫu, ở câu trên là tên vua thì ở câu dưới phải là tên một vua khác. Vua Tống trong lúc này là Tống Thần Tôn cũng họ Triệu, nhưng không phải là Triệu Tiết. Triệu Tiết chỉ là một tên phó tướng trong đoàn quân xâm lược Việt Nam. Vậy không thể đặt một viên phó tướng đối xứng với tên một ông vua. Cũng có người thấy chép Triệu Tiết là sai, nên chép thành Triệu Oa, Triệu Quá. Như thế vẫn là sai. Vua Tống Thần Tôn, chính tên là Triệu Húc. Tên Triệu Tiết trong Bình Ngô đại cáo phải sửa lại là Triệu Húc mới đúng:

                                      Cô Lưu Cung tham công nhi thủ bại
                                       Triệu Húc hiếu đại nhi xúc vong

                                       (Cho nên Lưu Cung tham công mà thất bại
                                       Triệu Húc hám lớn phải tiêu vong).


        Trên đây là mấy tên người chép sai trong hai bài văn cổ Hịch tướng sĩ và Bình Ngô đại cáo, nếu sửa được thì chữ dùng chính xác và ý nghĩa sáng rõ hơn.

-------------------------------
        62. Tạp chí LSQS số 1-1988.

        63. Theo bản dịch của Nguyễn Lương Bích trong Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng, NXB QĐND, Hà Nội, 1981.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 10:44:42 pm »

         
VỀ BẾN CỔ CHƯƠNG DƯƠNG VÀ TRẬN CHƯƠNG DƯƠNG THÁNG TƯ NĂM ẤT DẬU (1285)64

LÊ ĐÌNH SỸ        

        Hiện nay, ở Hà Nội có cầu Chương Dương (ở ngay bến phà Chương Dương trước đây) và cạnh đó là phường Chương Dương có phố Chương Dương độ (thuộc quận Hoàn Kiếm). Chính vì thế, không ít người, kể cả người ở Thủ đô, đã nhầm tưởng đó chính là bến Chương Dương nơi đã diễn ra trận Chương Dương vào tháng Tư năm Ất Dậu (1285) trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên (thế kỷ XIII). Mặt khác, người ta cũng đã ngợi ca nhiều về trận then chốt quyết định Thăng Long, khiến tướng giặc Thoát Hoan bạt vía kinh hồn, mà quên đi ý nghĩa lớn lao của chiến trận Chương Dương trước đó. Vậy, trên thực tế, bến cổ Chương Dương ở đâu và trận Chương Dương đã diễn ra như thế nào? Vị trí, ý nghĩa của trận thắng đó ra sao?

        Lật lại những trang sử cổ, chúng tôi thấy cuốn sử sớm nhất của nước ta chép về địa danh Chương Dương là Việt sử lược tác giả khuyết danh đời Trần (thế kỷ XIV): Năm 950, Ngô Xương Văn giáng truất Dương Tam Kha xuống làm Chương Dương sứ, cho hưởng lộc ở thực ấp đó65. Sang thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và Ngô Thì Sỹ (thế kỷ XVIII), trong sách Đại Việt sử ký tiền biên, cũng đều chép tương tự sự kiện nói trên và có chú thêm: "Nay là Chương Dương độ"66. Các sử gia triều Nguyễn (thế kỷ XIX), trong sách Việt sử thông giám cương mục cũng theo lời chua của Đại Việt sử ký toàn thư nói rằng: "Chương Dương, nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây"67.

        Thực ấp của Dương Tam Kha đã được xác định thuộc địa bàn xã Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Nơi đây hiện còn có đền thờ Dương Tam Kha. ông có công khai khẩn ruộng hoang lập ấp, được tôn vinh làm Thành hoàng của làng Chương Dương. Đền thờ còn lưu giữ nhiều tài liệu quý như: Bản thần tích, 28 đạo sắc phong cho Bột Hải Đại Vương (tước hiệu của Dương Tam Kha) và một số tài liệu văn tự Hán Nôm khác.

        Gần đây, ông Chu Huy công bố bài viết về địa danh lịch sử và di sản Hán Nôm có liên quan đến làng Chương Dương, coi đây là một vùng đất cổ trong lịch sử dựng nước.

        Vào thế kỷ X, vùng đất Chương Dương vẫn còn hoang vắng, thưa thớt cư dân, với những bờ lau trắng, rừng sậy khô, đầm nước vắng. Vùng đất ấy còn mang tên Chân Giang, nghĩa là vùng đất nằm kề bên sông, khi nước lên thì ngập lụt và khi mùa khô nước rút, lộ ra vùng đất ven sông để cày cấy và trồng trọt.

        Thời ấy, đê sông Hồng chưa có, nên việc ra vào mỗi mùa sông nước là thực tế. Chữ "Chân Giang" ở đây có thể là một cách diễn đạt như "chân mạ", "chân màu” theo như cách nói của nông dân đồng bằng Bắc Bộ, nên "Chân Giang" cũng có nghĩa là "chân sông", bên sông, gần sông. Có người cho rằng "Chân Giang" có thể đọc láy thành "Chương Dương", điều này còn khó chấp nhận.

        Tuy còn hoang vu thưa thớt nhưng ngay từ buổi đầu giành được độc lập, ở đây đã có "ấp", tức là đã có cư dân sinh sống và ấp đó đã có tên gọi là Chương Dương. Vì thế mới có sự tích Ngô Xương Văn tha tội chết cho kẻ "thoán nghịch" Dương Tam Kha và phong là Chương Dương Công (ông già đất Chương Dương) rồi bắt phải về hưu trí, một hình thức cải tạo lao động ở một vùng đất mới được khai phá, còn hoang vu, cách khá xa kinh đô CỔ Loa thuở ấy. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng viết: "Bến cổ Chương Dương ở địa phận huyện Thượng Phúc. Sử chép, Ngô Xương Văn đem đất này phong cho Dương Tam Kha làm đất ăn lộc"68.

        Như vậy, cho đến nay, đất Chương Dương đã được khai phá trên 10 thế kỷ. Đó là một vùng đất cổ của nước ta. Tuy lúc đầu là một ấp nhỏ, nhưng đến thời Lý-Trần, cùng với việc đắp đê nơi đây trở thành một vùng trù phú cạnh kề kinh thành Thăng Long của nước Đại Việt. Đến thế kỷ XIX, Chương Dương đã là một tổng gồm 7 làng: Chương Dương, Chương Lộc, Bộ Đầu, Cát Bi, Yên Cảnh, Kỳ Dương và Thư Dương. Tổng Chương Dương chạy theo đê sông Hồng hơn chục cây số và trong suốt 10 thế kỷ, dưới nhiều triều đại, làng Chương Dương đã phát triển và là vùng đất ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nơi sinh ra nhiều danh nhân của đất nước.
--------------------------------
        64. Tạp chí LSQS số 4-2003.

        65. Việt sử lược, bản dịch của Trần Quốc Vượng, NXB Sử học, H, 1960, tr. 42.

        66. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. NXB KHXH, H, 1983, tr. 200; và Đại Việt sử kýliền biên, NXB KHXH. H.1997, tr. 144.

        67. Việt sử thông giám cương mục, tập 1, NXB Giáo dục, H, 1998, tr. 226.

        68. Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB KHXH. H, 1971, tr. 185.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 10:46:52 pm »


        Địa danh Chương Dương còn được nhắc đến nhiều trong các bộ sách lịch sử địa lý, trong các bộ địa chí và cả trong các thi phẩm của nhiều thi nhân đời sau. Tên Chương Dương, theo ghi chép về thần tích đền xã Chương Dương, tổng Chương Dương, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (thời Nguyễn) có câu: "Kính xét, Thường Tín xưa gọi là lộ Quốc Oai. Chương Dương nguyên là Trương Dương sau đổi tên như ngày nay". Sách Việt sử thông giám cương mục chép: "Trương Dương, tức bến đò Chương Dương, nay thuộc huyện Thượng phúc"69. Thượng Phúc là tên châu đời Trần thuộc Đông Đô. Thời Minh đổi thành Bảo Phúc. Năm 1831 là huyện Thượng phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng, tỉnh Hà Nội. Sách Các tổng trấn xã danh bị lãm chép thời Gia Long: "Xã Chương Dương, tổng Chương Dương, huyện Thượng phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng". Thượng Phúc sau được đổi thành huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Như vậy, theo các sử liệu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, bến cổ Chương Dương thuộc vùng đất ăn lộc của Dương Tam Kha, tức địa bà n xã Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây ngày nay.

        Bến Chương Dương (Chương Dương độ) gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai (1285). Lúc đó, tại bến Chương Dương, quân dân nhà Trần đã lập nên một chiến công vang dội, sử gọi đó là trận Chương Dương (4-1285).

        Vào tháng Tư năm ất Dậu (tức khoảng tháng 5-1285), cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai chuyển sang giai đoạn phản công chiến lược. Lúc đó, Hưng Đạo Vương đã tấn công A LỖ (ở sông Luộc), tiêu diệt cụm quân của Vạn hộ Lưu Thế Anh, rồi lập tức dẫn một đạo quân tiến thẳng ra Vạn Kiếp, bố trí thế trận mai phục chuẩn bị đón đánh quân Nguyên tháo chạy theo hướng này. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng Nguyễn Khoái đánh giặc ở Tây Kết. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ huy đánh giặc ở Hàm Tử.

        Sau chiến thắng Tây Kết và Hàm Tử, các tướng của nhà Trần, như: Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Trung Thành vương (không rõ tên) và Nguyễn Khoái tiến lên áp sát Chương Dương, chuẩn bị đánh giặc ở Chương Dương-Thăng Long. Chính lúc đó, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cũng đã được lệnh từ Thanh Hoá ra, để kịp chỉ huy đánh trận Chương Dương-Thăng Long.

        Chương Dương nằm cách Thăng Long khoảng 20 km về phía nam, ở sát sông Hồng, phía đối ngạn sông là Hàm Tử (Hưng Yên). Chương Dương cùng với Hàm Tử là nơi quân Nguyên xây dựng hai trại quân lớn, tạo thành hai lá chắn bảo vệ mặt nam Thăng Long.

        Bị mất Hàm Tử, giặc Nguyên vội tăng quân ở Chương Dương, mục đích là bảo vệ bằng được đồn trại này: nếu để mất Chương Dương thì Thăng Long sẽ nguy khốn, quân Nguyên ở đây sẽ bị cô lập, tiến thoái lưỡng nan. Quân nhà Trần cũng quyết tâm hạ đồn Chương Dương để mở đường tiến lên bao vây, giải phóng Thăng Long.

        Về chiến trận ở Chương Dương, chính sử của ta chép như sau: ngày 10 tháng Tư năm ất Dậu "có người từ chỗ giặc trốn về đến ngự doanh báo: Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ kinh thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn Thát tử Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô"70. Sách Đại Việt sử ký tiền biên chép: "Vua rước Thượng hoàng và tiến quân đến Đại Mang đánh cho Toa Đô nhà Nguyên bị đại bại ở Tây Kết, chém được nó. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn đuổi theo đánh úp Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Quân Nguyên tan vỡ, chạy về phía Bắc. Trước đấy, Thượng tướng là Quang Khải, Hoài Văn hầu là Quốc Toản, cùng với Trần Thông và em Nguyễn Khả Lạp là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại giặc ở các xứ kinh thành; Chương Dương"71. Sách Việt sử thông giám cương mục chép: "Trước đây, Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản đem quân dân các lộ đánh bại được quân Nguyên ở Chương Dương, thu phục kinh thành"72.

        Rất tiếc là sử sách cũ lại ghi chép quá ít về trận đánh này. Nhưng điều chắc chắn, đây là một trận kịch chiến. Cả ta và địch đều quyết tâm. Tuy nhiên, lúc đó, thế của quân ta rất mạnh, quân nhà Trần vào trận với khí thế rất hăng. Trong trận này, quân ta chiến đấu anh dũng, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc và thu nhiều vũ khí của chúng. Bởi vì, sau đó ít ngày, khi chiến tranh kết thúc, Thượng tướng Trần Quang Khải theo hai vua Trần trở lại Thăng Long, đã cảm khái làm bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư, trong đó có câu: “Đoạt sáo Chương Dương độ”, tức là: Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương. Nếu không tiêu diệt được nhiều giặc và không thu được nhiều vũ khí của quân Nguyên thì Trần Quang Khải không viết như vậy.

--------------------------------
        69. Việt sử thông giám cương mục, Sđd , tr. 226.

        70. Đại Việt sử ký toàn thư, lập 1 , Sđd, tr. 54.

        71. Ngô Thì Sỹ. Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, tr. 368.

        72. Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Sđd. tr. 524.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 10:47:28 pm »


        Đối với Trần Quang Khải, lúc đó, sự kiện Chương Dương hãy còn tươi rói, chỉ mới trước khi ông làm bài thơ không lâu. Trận thắng Chương Dương và Hàm Tử diễn ra làm cho quân Nguyên kinh hoàng và đó là hai chiến công oanh liệt dẫn đến trận Thăng Long lịch sử. Bài thơ xuất hiện trong không khí khải hoàn của cả dân tộc.

        Ta hạ đồn Chương Dương là đã tiêu diệt một bộ phận rất quan trọng của giặc Nguyên, phá tan lá chắn của chúng ở phía nam Thăng Long, mở toang cửa ngõ tiến về giải phóng kinh thành. Từ Chương Dương, đại quân do Trần Quang Khải chỉ huy, nhanh chóng vây hãm và tiêu diệt địch ở Thăng Long.

        Cuộc chiến ở Thăng Long cũng hết sức quyết liệt, vì đây là trận then chốt, quyết định sự thất bại của quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy. Sử nhà Nguyên viết rằng: "Quân thủy bộ (Đại Việt) đến đánh đại doanh; vây hãm nhiều vòng. Quan quân tức (quân Nguyên) cố đánh từ sáng đến tối, mệt mỏi, thiếu thốn, khí giới đều hết" và "người Giao Chỉ chống đánh quan quân. Tuy mấy lần bị thua, nhưng quân tăng viện ngày càng đông. Quan quân mệt mỏi, chết và bị thương nhiều. Quân mã không thể nào thi thố được tài năng".

        Như vậy, trận thắng ở Chương Dương có quan hệ trực tiếp đến thắng lợi giải phóng kinh đô Thăng Long. Nhiều nhà sử học còn gắn Chương Dương với Thăng Long và coi trận Chương Dương-Thăng Long là trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285).

        Vì ý nghĩa của trận Chương Dương rất lớn nên dư âm của nó còn lưu lại mãi về sau. bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải sống mãi trong ký ức mọi người, đem lại niềm bồi hồi, xúc cảm cho nhiều thế hệ, trong đó có các địa danh Chương Dương, Hàm Tử rất đỗi tự hào. Sau này, trong thơ của các nhà thơ Ninh Tốn và Đoàn Nguyên Tuấn cũng đều nhắc đến chiến thắng Chương Dương. Ninh Tốn đỗ Tiến sĩ năm 1778, trong lời tiêu dẫn bài thơ Chương Dương dạ bạc (Chiều đậu thuyền ở bến Chương Dương), đã viết: "Thuyền Long bút đậu ở bến Chương Dương, nhân đọc câu thơ Đoạt sáo bỗng nghĩ: Khoảng niên hiệu Trùng Hưng nhà Trần, quân Nguyên sang xâm lược, may được một Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vì nước hết sức, vì nghĩa khởi xướng, nên đã quét sạch bụi Hồ, khôi phục lại giang sơn". Trong bài thơ của ông có bốn câu như sau:

                                               “Chương Dương thủy thanh liên,
                                               Thảo, thụ, yên hà cổ.
                                               Nhân tụng "đoạt sáo" thi,
                                               Hốt tưởng Đông A tộ…"

                                               (Nước Chương Dương gợn sóng xanh,
                                               Cỏ, cây khói, ráng như xưa
                                               Nhân đọc câu thơ "đoạt sáo"
                                               Bỗng nghĩ tới cơ nghiệp nhà Trần…).


        Nhà thơ Đoàn Nguyên Tuấn trong bài thơ Quá Nhĩ Hà quan Bắc binh cố Luỹ (Qua Nhĩ Hà xem lại luỹ xưa của quân phương Bắc) có câu:

                                               “Hồn giặc bay về Ngũ Lĩnh hàng muôn dặm,
                                               Nghìn năm chuyện cũ nhớ Chừng Dương”.

     
        Nhân dân địa phương còn truyền tụng thơ về Chương Dương:
   
                                               "Gốc đa hoa gạo nơi này
                                               Chương Dương chợ họp ở ngay bên đường
                                               Cả thủy lục thông thương đều tiện
                                               Bến Chương Dương kỷ niệm còn ghi...".


        Nhiều sử sách xa xưa của ta đã nhắc đến địa danh Chương Dương và ca ngợi chiến công lớn ở Chương Dương độ. Sách Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn có chép lời cẩn án rằng: "Trận đánh ấy, thắng được ở Chương Dương, thu phục được kinh thành là chiến công to nhất thời bấy giờ".

        Như vậy, Chương Dương hay Chương Dương độ ở huyện Thường Tín, Hà Tây là một địa danh lịch sử lẫy lừng và mãi mãi chói sáng, nơi ghi tạc chiến công oanh liệt của quân dân nhà Trần, đó là chiến thắng Chương Dương trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước vĩ đại hồi thế kỷ XIII.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:09:55 pm »

         
BÀN THÊM VÊ SỰ KIỆN LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ CỦA NGUYỄN HUỆ TẠI PHÚ XUÂN (22-12-1788)73

HUỲNH CÔNG BÁ        

        Về ngày lên ngôi của vua Quang Trung, tất cả các sử sách cũ của ta đều ghi là ngày 25 tháng Một74 năm Mậu Thân (tức là ngày 22-12-1788).

        Sách Hoàng Lê nhất thống chí viết: “Ngày 20 tháng ấy (tức là tháng Một năm Mậu Thân). Sở (Ngô Văn Sở) lui về Tam Điệp, thì ngày 24 Tuyết (Nguyễn Văn Tuyết) đã vào đến thành Phú Xuân. Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng các người đến họp đều nói: "Chúa công với vua Tây Sơn tức Nguyễn Nhạc) có sự hiềm khích, đối với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh, càng dễ sinh ra ngờ vực hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, rồi sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa là muộn”.

        Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần Sông, thần Núi: chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi Hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788)75. Ở đây có lẽ chép nhầm tháng Một ra tháng Chạp.

        Sử của triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện cũng viết “Nguyễn Huệ được cáo cấp, mắng to: "Chó Ngô là quân gì mà dám tung hoành". Nguyễn Huệ liền hạ lệnh cất quân. Các tướng đều khuyên : "Trước tiên nên chính ngôi vị để kết chặt lòng người”. Nguyễn Huệ bèn cho đắp đàn ở phía nam núi Ngự Bình, lấy ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân (1788) tự lập làm Hoàng đế, đổi niên hiệu là Quang Trung. Liền ngày ấy, vua Quang Trung đem các tướng sĩ thủy bộ cùng tiến ra Bắc"76.

        Trên cơ sở các nguồn tư liệu ấy, trong cuốn Quang Trung-Anh hùng dân tộc (1788-1792), tác giả Hoa Bằng đã viết: “Oai hùng giữa cảnh sông Hương, núi Ngự, Bắc Bình Vương đương chú mắt vào thời cục Bắc Hà, thì Nguyễn Văn Tuyết từ núi Tam Điệp, vâng lệnh Ngô Văn Sở, phi ngựa trạm, đưa tin khẩn cấp vào thành Phú Xuân (ngày 24 tháng Một năm Mậu Thân-1788): Tôn Sĩ Nghị lót miệng bằng tiếng "cứu Lê" đã kéo binh sang chiếm Thăng Long, giày đạp dân chúng! Khí diệm quân Thanh đang mạnh! Thú binh ở Bắc của ta không sao địch nổi, đã phải rút lui, đóng giữ từ Thanh Hoá trở vào.

        … Bấy giờ các tướng tá ai cũng khuyên Vương: nên hãy trước chính vị hiệu để ràng buộc lấy lòng người Nam, Bắc, rồi sau sẽ ra bắt sống quân hùm beo ấy.

        Chiều ý chư tướng, Bắc Bình Vương sai chọn ngày lập đàn Giao ở Bân Sơn, phía nam núi Ngự Bình, làm lễ tế trời, đất và các thần Sông, Núi, rồi với bàn tay đanh thép như Nã Phá Luân thứ nhất, Vương tự làm lễ "gia miện" lấy. Thế là từ ngày 25 tháng 11 năm ấy, được mang cái hiệu Quang Trung nguyên niên (1788) thay vào hai niên hiệu: Chiêu Thống thứ 2 và Thái Đức thứ 11.

        Ngày hôm đăng quang, vua Quang Trung tự làm tướng, cầm đầu đại binh, đốc thúc các tướng sĩ ở tế đàn, kéo cả quân bộ, quân thủy rầm rộ ra Bắc Hà với cái tiêu khí đang tưng bừng, bồng bột"77.

        Gần đây, trong tác phẩm Tìm hiểu thiên tài quân sụ của Nguyễn Huệ…, các tác giả Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng cũng viết: "Ngày 20 tháng Một năm Mậu Thân, Ngô Văn Sở đưa quân về tới Tam Điệp thì cũng ngay ngày hôm ấy Ngô Văn Sở cử đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa vào Phú Xuân cấp báo Nguyễn Huệ. Chỉ bốn ngày sau, tức 24 tháng Một năm Mậu Thân (21 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Văn Tuyết tới Phú Xuân. Nghe báo cáo đầy đủ tình hình, Nguyễn Huệ quyết định ngay ngày hôm sau 25 tháng Một năm Mậu Thân (tức ngày 22 tháng 12 năm 1788) xuất quân tiến ra Bắc"78.

        Như vậy là tất cả sử cũ và mới đều nói ngày lên ngôi Hoàng đế của Nguyễn Huệ tại Phú Xuân là ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân (tức 22-12-1788). Song có một điều gây ra thắc mắc: tại sao trong Chiếu lên ngôi của Nguyễn Huệ lại ghi là ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân (tức là ngày 19- 12- l788), trước ngày ghi trong các tài liệu sử sách 3 ngày. Bản chữ Hán của Chiếu lên ngôi (in trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 11) viết như sau:

        “Trẫm ứng thiên thuận nhân, bất khả lao chấp tôn nhượng, di kim niên thập nhất nguyệt, nhị thập nhị nhật, tức thiên tử vị , kỷ nguyên vi Quang Trung nguyên niên”79.

--------------------------
       73. Tạp chí LSQS số 3-1989.

        74. Tức tháng Mười Một âm lịch, theo cách truyền thống.

        75. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí (bản dịch), NXB Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 359-360.

        76. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch), trích từ tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 9-10 (1968), tr. 94.

        77. Hoa Bằng. Quang Trung-Anh hùng dân tộc (1788-1792), NXB Hoa Tiên, Sài Gòn, 1974, tr. 157-158.

        78. Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ-con người và sự nghiệp, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986, tr. 32.

        79, 80. Tuyển tập thơ văn Ngô thì Nhậm, Q. 11, NXB Hà Nội, Hà Nội, 1978, tr. 105, 108.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:14:22 pm »


        Mai Quốc Liên dịch như sau.

        "Trẫm ứng mệnh trời thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng Một năm nay (tức năm Mậu Thân) lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung nguyên niên80.

        Giáo sư Phan Huy Lê, trong tác phẩm Quang Trung-con người và sự nghiệp cũng đã xác nhận sự chênh lệch về ngày tháng đó. Tác giả viết:

        "Tại Phú Xuân, 24 tháng Một năm Mậu Thân (21-12-1788), Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo. Ngày hôm sau, ngày 25 tháng Một, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung (theo Chiếu lên ngôi thì Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ngày 22 tháng Một) rồi lập tức ra lệnh xuất quân"81.

        Tại sao có sự chênh lệch đó?

        Chúng tôi nghĩ rằng việc ghi chiếu ngày 22 tháng Một là một việc làm rất có tính toán, cân nhắc của Nguyễn Huệ. Phải chăng lễ lên ngôi đã được tổ chức vào ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân (22-12-1788), nhưng khi viết chiếu, Quang Trung vẫn phải để niên hiệu của mình chính thức bắt đầu từ ngày 22 tháng Một năm ấy (19-12-1788) đã khẳng đinh hơn nữa tính chất chính thống của triều đại mình (mà vốn từ lâu nó đã có đủ tư cách đó), hoàn toàn đập lại tính chất ngụy trá của chức "An Nam quốc vương" do nhà Thanh phong cho Lê Chiêu Thống cũng vào ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân.

        Hoàng Lê nhất thống chí cho biết nhà Thanh đã thụ phong cho vua Lê vào ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân82.

        Tại sao Nguyễn Huệ đã không đề chiếu trước ngày 22 tháng Một hoặc sau ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân? Nếu đề chiếu trước ngày 22 tháng Một thì tức là trái với chủ trương "phù Lê" mà Nguyễn Huệ đã ban bố trước đây, mặc dù ông rất biết cái bất tài vô lực của vua Lê lúc bấy giờ. Song yêu cầu lúc đó cần thiết phải sử dụng chủ trương "Phù Lê" để đoàn kết lực lượng giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất, tức là vấn đề Nguyễn Ánh ở Gia Định và vấn đề đời sống của nhân dân trong cả nước. Đó cũng là mục tiêu ngay từ đầu của phong trào nông dân Tây Sơn. Còn nếu đề chiếu sau ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân thì tức là thừa nhận cái việc làm sai trái của nhà Mãn Thanh và hành động bán nước của Lê Chiêu Thống và khi bộ máy ngụy chức đã được củng cố ổn định thì tình hình sẽ càng trở nên phức tạp.

        Còn ngày thực tế làm lễ lên ngôi thì đúng là ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân (22-12-1788). Bởi vì điều kiện thông tin liên lạc lúc bấy giờ không cho phép Nguyễn Huệ có thể biết được kịp thời trong ngày, để làm lễ lên ngôi cùng một ngày với việc nhà Thanh phong vương cho Lê Chiêu Thống. Cũng có thể có trường hợp trùng hợp một cách ngẫu nhiên, song khả năng đó không thể xảy ra vì trái với chủ trương "Phù Lê" đã nói ở trên. Mặc dù ngay từ tháng Bảy năm ấy, tức là 4 tháng trước đó, Lê Chiêu Thống đã cử Lê Duy Đán và Trần Danh Án sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tính chất bán nước của Lê Chiêu Thống lúc bấy giờ chưa lộ rõ và đối với dư luận phức tạp của quần chúng khiến cho Nguyễn Huệ chưa thể nghĩ đến điều đó. Và như sau này trong nội dung của Chiếu lên ngôi cho thấy Nguyễn Huệ đã hết sức trung thực và thận trọng trong vấn đề này.

        Một điều thắc mắc thứ hai là như các tài liệu đã dẫn ở trên cho thấy, sau khi nhận được tin cấp báo của Nguyễn Văn Tuyết vào ngày 24, lập tức ngày hôm sau, 25 tháng Một năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ cho làm lễ lên ngôi và sau khi lễ xong, cùng trong ngày hôm đó, ông đã lập tức chỉ huy đại quân hàng vạn người lên đường Bắc tiến, tiêu diệt quân xâm lược Thanh. Như vậy là chỉ sau có 12 tiếng đồng hồ, với phương tiện thông tin, liên lạc và vận chuyển hồi đó làm sao có thể tập hợp được 6 vạn binh sĩ có mặt tại lễ đàn với đầy đủ trang bị, tinh thần chiến đấu để kịp thời lên đường? Đây có phải là một điều bí ẩn không thể hiểu nổi hay không?
---------------------
        81. Phan Huy Lê. Quang Trung-Nguyễn Huệ-con người và sự nghiệp. Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình, xuất bản 1986, tr. 32.

        82. Hoàng Lê nhất thống chí, Sđd, tr. 359.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:24 pm »


        Sách Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ… viết: "Mới nghe thì tưởng như lệnh xuất quân có vẻ nóng vội. Nhưng thật ra, lệnh xuất quân ấy đã dựa trên những cơ sở thực tế của nó. Từ nhiều tháng trước, những đạo quân ở Phú Xuân của Nguyễn Huệ đã được huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ chu đáo, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đợi lệnh lên đường xuất trận để đối phó với mọi tình hình bất trắc xảy ra, dù là ở phía nam hay ở phía bắc. Nếu không có một sự chuẩn bị chu đáo, một tư thế sẵn sàng chiến đấu như thế, thì không có một đội quân nào gồm trên dưới chục vạn người có thể ngày hôm trước được tin giặc đến mà lập tức ngày hôm sau đã xuất phát lên đường đi hàng ngàn dặm để đánh giặc"83.

        Ghi chép của các giáo sĩ phương Tây đang giảng đạo ở Việt Nam lúc bấy giờ cũng đã cho biết: “Từ khi Tân Vương (tức Nguyễn Huệ) trở về lại Phú Xuân (tức từ tháng 4 năm 1788) ông ấy rất bận việc phòng ngự, ông đã xây một bức tường cao 20 piê84 xung quanh dinh của ông, hình như ông gấp lắm. Ông bắt mọi người làm việc suốt đêm không nghỉ"85.

        Đoạn trích vừa rồi là từ một bức thư của linh mục La Bartette viết tại Dinh Cát (Quảng Trì) vào ngày 23-7-1788.

        Trong một bức thư gửi cho Bá Đa Lộc, giáo sĩ Doussain cũng đã viết: Tại Phú Xuân, toàn dân đều học tập quân sự86.

        Theo linh mục Sérard, lúc bấy giờ ở Thuận Hoá "đàn ông thì đi lính, đàn bà và trẻ con thì làm tạp dịch, kẻ thì cày cấy, người thì xây thành đắp luỹ"87. “Tất cả đàn ông từ 15 đến 60 tuổi đều tham gia việc quân” 88. “Tất cả (quân đội của Nguyễn Huệ) đều quyết tử”89. "Tất cả đều thực hiện khẩu hiệu "Tận xuất vi binh"90 của Nguyễn Huệ". "Cả dân tộc này đều làm lính cho họ chẳng sót một người nào"91.

        Rõ ràng qua thư từ của các giáo sĩ, cho thấy lúc bấy giờ binh sĩ của Nguyễn Huệ đã được động viên, huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ và đang sẵn sàng ở tư thế đợi lệnh xuất quân chiến đấu. Theo Doussain, số quân đó đã lên tới trên 6 vạn người92.

        Đi đôi với quá trình chuẩn bị về lực lượng quân đội, Nguyễn Huệ còn có những sự chuẩn bị khác, nhất là về mặt chính trị để kịp thời ứng phó với sự thay đổi của tình hình. Theo tài liệu nhật ký của các giáo sĩ phương Tây đang giảng đạo ở địa phận Đàng Ngoài lúc bấy giờ (từ tháng 10-1788) cho biết Nguyễn Huệ đã dự định lên ngôi Hoàng đế vào ngày 11 tháng Mười năm Mậu Thân (tức là ngày 8-11-1788), trước ngày các sử sách của ta ghi chép gần một tháng rưỡi. Và trong một bản sắc lệnh gửi cho các tướng sĩ ở Bắc Hà của Nguyễn Huệ ban bố vào ngày 6 tháng Mười năm Mậu Thân (tức ngày 3-11-1788), cũng do các giáo sĩ phương Tây cung cấp cho biết lúc bấy giờ Nguyễn Huệ có giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ soạn thảo một bộ luật trong vòng một đến hai tháng để kịp thời ban bố trong ngày khởi đầu triều đại của ông.

--------------------------------------
        83. Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài..., Sđd, tr. 215.

        84. Pied: 0,324 mét.

        85. Tài liệu của Archives Missions Étrangèrcs Cochinchine (viết tắt A.M.E.C). Voi 801. tr. 177

        86. Thư của Doussain viết ngày 6-6-1787, dẫn theo Cadière trong Documents relatifs à l’époque de Gia Long. B.E.F.E.O, N07, 1912, p. 212.

        87. Thư của La Bartette gửi Letondal ngày 11-6-1788, tài liệu A.M.E.C. Vol. 801, tr. 177.

        88. Trong bức thư đề ngày 16-5-1788, Doussain đã tự viết hai chữ "tận xuất" bằng tiếng Việt.

        89. Thư của Doussain viết ngày 16-6-1788, tài liệu A.M.E.C. Vol. 746, tr. 22.

        90. Thư của Doussain viết ngày 6-6-1 787, dẫn theo Cadière, tài liệu đã dẫn.

        91. Trích trong Alexis Faure, Les Francais en Cochinchine au XVIIIe siècle... challamel, Paris, 1891.

        92. Thư của Sérard viết ngày 12-7-1789, tài liệu A.M.E.C đã dẫn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:16:35 pm »


        Đoạn mở đầu của bản Sắc chỉ đó viết như sau:

        “Bởi sắc chỉ này ta cho các tướng Đại tư mã, Đại đô đốc và các sĩ quan khác biết rằng từ trước tới nay các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hoà bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra một bộ luật để dân chung sống trên đất đai ta nghiêm ngặt tuân theo. Vì thế ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất tác phẩm đó trong 1, 2 tháng”93.

        Theo chúng tôi, có thể chưa phải Nguyễn Huệ dự định lên ngôi vào ngày 11 tháng Mười năm Mậu Thân như tài liệu của giáo sĩ trên cung cấp, do chủ trương "Phù Lê" mà chúng tôi đã nêu ra ở trên, song có thể trong khoảng trước sau của thời gian này, Nguyễn Huệ đã có sự chuẩn bị về mặt luật pháp như trong bản Sắc chỉ nói trên đã cho biết. Sự phân tích tình hình chính trị-quân sự lúc bấy giờ cho thấy có thể có khả năng đó.

        Một là, ngay từ tháng Bảy năm Mậu Thân (tức tháng 8- 1788), Lê Chiêu Thống ngầm sai bọn Lê Duy Đán và Trần Danh Án sang Trung Quốc cầu cứu triều đình nhà Mãn Thanh, rước quân nước ngoài về giày xéo đất nước.

        Hai là, sau khi làm chủ được một vùng đất đai rộng lớn ở Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc tự lấy làm thoả mãn, ung dung hưởng lạc, từ bỏ ngọn cờ cứu nước, cứu dân, phó mặc Gia Định cho sự bất tài của Nguyễn Lữ. Điều đó đã tạo ra một sự sơ hở lớn để Nguyễn Ánh tấn công đánh chiếm lại Gia Định. Nguyễn Lữ mắc mưu bỏ chạy về Quy Nhơn. Ngày 8 tháng Tám năm Mậu Thân (tức ngày 7-9-1788) Nguyễn Ánh chiếm được Sài Gòn, thủ phủ của Gia Định. Tướng của Nguyễn Lữ là Phạm Văn Tham buộc phải rút lui về Hàm Luông dựa vào sự giúp đỡ của người Chân Lạp. Nguyễn Ánh một mặt cho quân bao vây quân của Phạm Văn Tham, mặt khác lo tổ chức việc cai trị ở Gia Định. Và cũng có thể nói từ đây trở đi quân Tây Sơn đã mất hẳn Gla Định.

        Ba là, từ ngày 1 tháng Một năm Mậu Thân (tức ngày 28-11-1788), 29 vạn quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị chỉ huy, đã chia làm ba đạo, ồ ạt kéo vào dết nước ta với mưu đồ xâm lược. Trước kẻ địch đông gấp bội, Ngô Văn Sở theo lời đề nghị của Ngô Thì Nhậm tạm thời rút quân về giữ Tam Điệp. Ngày 20 tháng Một năm đó (ngày 16-12-1788) quân Thanh vào đến Thăng Long. Tôn Sỹ Nghị buông lỏng cho quân lính mặc sức hoành hành, cướp bóc, hãm hiếp nhân dân. Bọn Lê Chiêu Thống bám gót quân Thanh, được vua Thanh phong làm "An Nam quốc vương". Y đã tỏ ra là một tên bù nhìn ươn hèn, đốn mạt. Đối với quân thù thì bọn chúng qụy lụy đến khốn nạn. Đối với nhân dân trong nước thì bọn chúng tàn nhẫn đến dã man. Dựa vào thế quân Thanh, chúng trả thù báo oán rất ti tiện và ra sức vơ vét thóc gạo, cướp bóc của cải để cung đốn cho quân xâm lược.

        Nhiệm vụ lịch sử lúc bấy giờ đặt ra cho phong trào Tây Sơn là không được dừng lại ở việc giải quyết những nhiệm vụ giai cấp mà còn phải vươn lên để giải quyết nhiệm vụ của dân tộc.

        Đứng trước tình hình đó, những người lãnh đạo chân chính của phong trào Tây Sơn không có cách nào khác là phải phá bỏ cái quan điểm "phù Lê", "diệt Trịnh", lập ra một triều đại mới để tập hợp quần chúng chống ngoại xâm. Với một khả năng mẫn cảm sâu sắc về chính trị, Nguyễn Huệ không thể không nhận thức ra được sự tất yếu này và chuẩn bị cho nó. Sự chuẩn bị về luật pháp nói trên là một ví dụ. Các quan lại, tướng sĩ của ông cũng đã nhiều lần dâng biểu khuyên mời ông sớm lên ngôi định vị hiệu.

        Song, sự phức tạp của tình hình lúc bấy giờ đòi hỏi Nguyễn Huệ phải xử sự một cách hết sức khéo léo và tế nhị. Bởi vì, mặc dù với một tấm lòng trung thực và xuất phát từ lợi ích của cả dân tộc nhưng việc Nguyễn Huệ lên ngôi xoá bỏ nhà Lê cũng có thể sẽ là một cơ hội để cho những phần tử phản động nhân đó dựng cờ phù Lê chống Tây Sơn, thậm chí những người tốt cũng có thể nghi ngờ về tính chất chính nghĩa của phong trào Tây Sơn. Đấy là nói chung. Riêng trong nội bộ của phong trào Tây Sơn cũng có những cái phức tạp của nó. Mặc dù Nguyễn Huệ là người lỗi lạc, có nhiều cống hiến xuất sắc, nhưng về danh nghĩa lâu nay, người cầm đầu phong trào vẫn là Nguyễn Nhạc. Bây giờ tự nhiên Nguyễn Huệ tuyên bố lên ngôi sẽ không tránh khỏi dị nghị trong dư luận. Cuộc đấu tranh tư tưởng này đòi hỏi Nguyễn Huệ phải hết sức thận trọng. Ở đây không chỉ có sự trung thực mà cần phải có sự khéo léo nữa94. Chính vì thế, Nguyễn Huệ đã cân nhắc hết sức thận trọng.

-----------------------
        93. Nhật ký về những sự kiện đáng ghi nhớ trong địa phận giáo hội Bắc Kỳ về chính trị, dân sự, tôn giáo từ tháng 10-1788 cho tới cuối tháng 7-1789, tài liệu lưu trữ tại Hội truyền giáo hải ngoại Ba-lê (Đặng Phương Nghi sưu tầm và dịch, tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 9-10 (1968), tr. 214).

        94. Nguyễn Lộc. Văn học Tây Sơn, Sở Văn hoá-Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986, tr. 62.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:10 pm »


        Sự thận trọng đó của ông thể hiện rất rõ trong nội dung của Chiếu lên ngôi. Mở đầu bài chiếu, vua Quang Trung nhấn mạnh, việc thay đổi triều đại trong lịch sử không có gì trái với đạo trời, mà chính là để làm tốt đạo trời. Qua thực tiễn lịch sử nước ta, việc thay đổi các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần chứng tỏ "Thánh nhân dấy lên không phải một họ".

        Sau đó, vua Quang Trung nói rõ lý do ông tham gia phong trào nông dân khởi nghĩa là vì sự phẫn nộ trước những thối nát của triều đại phong kiến lúc bấy giờ, là mong muốn có một trật tự xã hội tốt đẹp để cho dân chúng yên ổn, “rồi sau đó trả nước cho họ Lê, trả đất về Đại huynh (tức Nguyễn Nhạc), Trẫm sẽ dùng hia thêu đỏ ngao du hai miền để làm vui mà thôi”.

        Nhưng lịch sử không dừng lại ở đó: Vua Lê thì bất lực, Hoàng Đại huynh thì mệt mỏi, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn; nguyện vọng của nhân dân là mong mỏi Nguyễn Huệ đứng ra gánh vác công việc, nhà vua dù muốn từ chối cũng không thể từ chối được.

        "Trẫm nghĩ: nghiệp lớn rất trọng, ngôi trời khó khăn. Trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình trẫm. Đó là ý trời, há phải việc người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi được...". Và vì thế nhà vua buộc phải lên ngôi. Với tư cách một vị hoàng đế, nhà vua tuyên dương "Nhân, Nghĩa, Trung, Chính", quyết tâm "lấy giáo hoá trị thiên hạ". Nhà vua tin tưởng con đường mình đi là con đường chí thuận, sẽ vãn hồi được thánh trị, kéo dài được phúc lành cho tông miếu xã tắc, "cùng dắt dìu dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân".

        Bài chiếu với lời lẽ hùng hồn, lập luận chặt chẽ thể hiện một tấm lòng trung thực của ông vua áo vải cùng với quyết tâm xây dựng lại giang sơn đất nước95.

        Sự thận trọng của Nguyễn Huệ còn biểu hiện ở việc lựa chọn ngày lên ngôi như đã chứng minh ở trên. Đoạn trích sau đây từ Khâm định Việt sử thông giám cương mục có khác đôi chút với đoạn trích từ Hoàng Lê nhất thống chí ở trên cho thấy một sự quyết định sáng suốt, có dự đoán và chuẩn bị của Nguyễn Huệ:

        “…Ngày 24 tháng Một năm Mậu Thân, khi tin cấp báo về đến Phú Xuân, trước vẻ hớt hải lo lắng của Nguyễn Văn Tuyết và nỗi hoang mang của các tướng sĩ, Nguyễn Huệ bình tĩnh và tươi cười nói: “Việc gì mà cuống quít lên vậy, chúng nó tự đi đến chỗ chết mà thôi, ta hãy lên ngôi làm cho danh nghĩa quang minh chính đại, để ràng buộc lấy lòng người trong Nam ngoài Bắc trước đã, rồi sẽ ra bắt sống chúng nó cũng chưa muộn nào...”96. Thế rồi lập tức ngày hôm sau, 25 tháng Một năm Mậu Thân (22-12-1788), Nguyễn Huệ cho tập trung các quan cùng với 6 vạn binh sĩ lên đỉnh núi Bân, làm lễ tế cáo trời đất, tuyên chiếu lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung và sau đó tuyên bố luôn lệnh xuất quân”.

        Với một nhãn quan chính trị nhạy bén, tinh tế, ông đã kết hợp một cách tài tình tuyệt đẹp giữa một sự kiện chính trị trọng đại với một sự kiện quân sự trọng yếu, giữa việc lên ngôi Hoàng đế với việc xuất quân đại phá quân Thanh. Sự tác động tương hỗ giữa hai sự kiện chính trị và quân sự nói trên đã nâng cao rất lớn uy tín của Nguyễn Huệ, giải quyết một cách gọn ghẽ cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ nhân dân lúc bấy giờ, tập hợp và phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, làm tiền đề cho một chiến công hiển hách đang chờ đợi.

        Sách Lê quý kỷ sự viết: "Làm lễ đăng quang xong, Huệ đưa hết các tướng sĩ ở lễ đàn, vượt qua sông Hương, không ngoái lại nữa, lên đường nhằm Bắc Hà thẳng tiến"97.

        Họ ra đi từ Phú Xuân vào ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân để có mặt ở Thăng Long vào sáng ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu, đón năm mới bằng chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa oanh liệt, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược.

--------------------
        95. Nguyễn Lộc. Văn học Tây Sơn, Sđd, tr. 61.

        96. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Chính biên, quyển 47, tr. 40. Dẫn theo Đỗ Bang, Đàn Nam giao Tây Sơn tại Huế, Kỷ yếu Tây Sơn-Nguyễn Huệ, Ty Văn hoá-Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1978, tr. 303.

        97. Nguyễn Thu. Lê quý kỷ sự (bản dịch), NXB KHXH , Hà Nội, 1975, tr. 120.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:25:02 pm »


VỀ “HƯỚNG TIẾN QUÂN CỦA NGUYỄN HUỆ…” TRONG “ĐỐI THOẠI SỬ HỌC”98

LÊ ĐÌNH SỸ       

        Cuốn sách "Đối thoại sử học"99 (ĐTSH) ra đời gây ra không ít dư luận. Nhiều người "bán tín bán nghi" đâu là chân lý, đâu là sự thật? Là một người đã nhiều năm nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam cổ trung đại, tôi luôn quan tâm tới những phát hiện mới trong lĩnh vực chuyên sâu của mình, thường tìm hiểu thông tin hai chiều về lịch sử dân tộc và hoan nghênh một không khí học thuật mới, tiến bộ. Tuy nhiên, sau khi đọc ĐTSH, tôi thấy ở đó chứa đựng nhiều kết luận vội vàng, thiếu khoa học. Riêng trong lĩnh vực lịch sử quân sự, thấy còn nhiều vấn đề sai lệch, cần phải trao đổi với nhóm tác giả. Ở đây, xin nêu mấy ý kiến về hướng tiến quân của Nguyễn Huệ trong chiến dịch Thăng Long (1789) mà ĐTSH đã đề cập tới.

        1. Đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ có tập kết ở Tam Điệp không?

        Trong ĐTSH, cả hai tác giả Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh từ chỗ hiểu sai "khái niệm về một phòng tuyến quân sự" đã đi đến phủ nhận vai trò của phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, đánh giá thấp tài năng quân sự của Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Huệ.

        Từ chỗ phủ nhận vị trí chiến lược của Tam Điệp-Biện Sơn, Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh cũng phủ nhận luôn cuộc hội quân của Quang Trung tại Tam Điệp. Bùi Thiết viết: "Chúng tôi đã chứng minh rằng đại quân của Quang Trung không tập kết ở Tam Điệp như sự trình bày trong các sách vở lịch sử và việc ở Tam Điệp có 5 mũi tiến quân ra Bắc như giả định hiện nay không có tư liệu chứng minh..."(trang 443). Lê Trọng Khánh dựa vào tài liệu của một giáo sĩ Pháp khẳng định: "Quang Trung đã tiến đến Kẻ Vôi (Hoà Bình)" và "đã chọn Kẻ Vôi làm địa bàn tập kết đại quân" (trang 447)(?)

        Chúng ta đã biết, là người chỉ huy tối cao, Nguyễn Huệ và Bộ chỉ huy Tây Sơn luôn theo dõi sát tình hình Bắc Hà, đã lường trước mọi mưu đồ của kẻ thù, vì vậy, mọi việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến được tiến hành chu đáo và gấp rút từ mấy tháng trước. ông đã khai thác triệt để tiềm năng trong nước để chuẩn bị lực lượng chống quân Thanh xâm lược ở phía Bắc và đối phó với quân Nguyễn Ánh ở phía nam. Ông cho triệu tập binh lính về Phú Xuân, thường xuyên luyện tập xây dựng nhiều đồn luỹ ở các cửa khẩu và dọc theo bờ biển, mộ thêm binh sĩ, chuẩn bị lương thảo, luyện tập quân sự sẵn sàng đánh giặc. Sau khi nghe cấp báo tình hình quân Thanh và ý đồ của chúng, Nguyễn Huệ đã dự liệu một kế hoạch hành binh chớp nhoáng để đánh tan 29 vạn quân Thanh trong dịp Tết Kỷ Dậu 1789.

        Do đã có kinh nghiệm của các lần hành quân vào Nam diệt quân Xiêm (1785), ra Phú Xuân, sông Gianh và Thăng Long diệt tập đoàn phản động nhà Trịnh (1786) bằng cả đường thủy và đường bộ, nên chỉ một ngày sau khi được cấp báo, Nguyễn Huệ đã quyết định xuất quân ngay.

        Tất cả các quan điểm về đường hành quân của quân Tây Sơn, đến nay vẫn còn là giả thiết. Quan điểm của Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh là Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn chỉ hành quân theo một trục đường, đó là đường thượng đạo, tức là đường trên miền Tây Quảng Bình-Nghệ An-Thanh Hoá-Hoà Bình, không theo đường thiên lý qua Tam Điệp; điểm tập kết đại quân là Kẻ Vôi và Nguyễn Huệ nghỉ lại ở đó để chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho đại quân và thức ăn cho voi, ngựa, trước khi tiến ra Thăng Long.

        Bấy giờ quân xâm lược đã chiếm đóng Thăng Long, quân Tây Sơn còn ở xa, thời gian chuẩn bị gấp. Nếu Quang Trung hành quân theo đường thượng đạo thì hẳn khó mà bảo đảm kịp thời gian. Đường rừng xưa khác nay, vừa xa lại rất khó đi, thời gian lúc này là vốn quý, là lực lượng, không thể chậm trễ được. Lúc ấy, đường Thiên lý (gần như quốc lộ A1 ngày nay) đã hình thành, Tây Sơn đã lật đổ tập đoàn phản động họ Trịnh, đất nước đã được thống nhất; đó là điều kiện để Quang Trung cơ động lực lượng nhanh chóng bằng con đường ngắn nhất, tiện nhất, với tốc độ thần tốc. Đó là đường biển cho thủy binh và đường bộ-đường Thiên lý cho bộ binh, đồng thời quân Tây Sơn cũng có đủ khả năng để khắc phục những hạn chế do địa hình, thời tiết gây nên và được nhân dân ủng hộ, bảo vệ.

        Nguyễn Huệ đã tuỳ theo số lượng quân sĩ, trang bị và theo khả năng phương tiện để tổ chức đội hình hành quân, bảo đảm thông suốt, thuận lợi và bí mật. Có thể từ Phú Xuân ra Nghệ An, rồi từ Nghệ An ra Thanh Hoá và Tam Điệp, quân Tây Sơn chia thành hai đạo. Đạo chủ yếu đi theo đường bộ-đường Thiên lý, gồm bộ binh, kỵ binh và một bộ phận tượng binh. Đạo đường thủy dành cho thủy binh, tượng binh, pháo binh là những lực lượng và phương tiện nặng nề, cồng kềnh. Qua nghiên cứu các tài liệu, việc phân chia các chặng đường hành quân với các mốc thời gian ghi trong sử sách, chúng ta thấy các cung trạm và bảo đảm hành quân có thể thực hiện được theo hai trục đường đó. Chính vì vậy, đại quân Nguyễn Huệ có điều kiện thuận lợi để mau chóng vượt qua một chặng đường dài, trong một thời gian không lâu, để qua Nghệ An, qua Thọ Hạc (Thanh Hoá) và tới địa điểm tập kết đại quân ở Tam Điệp và Biện Sơn.

----------------------------------
        98. Tạp chí LSQS số 3-2000.

        99. Bùi Thiết-Đỗ Văn Ninh-Lê Trọng Khánh... Đối thoại sử học, NXB Thanh niên, H, 2000.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM