Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:35:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47292 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:35:51 pm »

        
CÓ MỘT TRẬN QUYẾT CHIẾN TRÊN SÔNG BẠCH ĐẰNG MÙA XUÂN TÂN TỴ (981)57

LÊ ĐÌNH SỸ        

        Cho đến nay, trong giới sử học, còn tồn tại khá nhiều ý kiến khác nhau về cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất và về chiến sự trên sông Bạch Đằng mùa Xuân năm Tân Tỵ (981). Chỉ riêng về trận Bạch Đằng, hiện đang là một vấn đề tranh cãi, ý kiến rất khác biệt. Không ít nhà nghiên cứu đã nghi ngờ hoặc phủ nhận chiến công này, dẫn đến tình trạng một số sách hoặc từ điển khi viết về truyền thống Bạch Đằng đã không đề cập đến. Vì vậy, câu hỏi: "Có hay không một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng?" thời đó, rất cần được giải đáp thoả đáng.

        Một số nhà sử học đã dựa vào một vài sử liệu trong đó có sách Đại Việt sử ký toàn thư, chứng minh rằng, đầu năm 981, quân Tống chia làm ba đạo tiến vào Đại Cồ Việt. Đạo chủ lực là bộ binh, do Hầu Nhân Bảo chỉ huy, vượt Nam Quan vào Lạng Sơn. Đạo thứ hai là thủy binh, do Lưu Trừng cầm đầu, từ biển tiến vào sông Bạch Đằng rồi vào sông Lục Đầu, liên lạc với bộ binh của Hầu Nhân Bảo, đánh chiếm vùng tả ngạn sông Hồng. Đạo thứ ba cũng là thủy binh, do Trần Khâm Tộ điều khiển, tiến vào sông Hồng vừa tiến công các cánh quân của Lê Hoàn xuất phát từ Hoa Lư, vừa chiếm một số vùng châu thổ sông Hồng, trong đó có cả thành Đại La, làm bàn đạp đánh chiếm kinh đô Hoa Lư và cả nước Đại Cồ Việt. Theo cách hiểu này thì Hầu Nhân Bảo đã bị quân ta chặn đánh và giết chết ở ải Chi Lăng(?). Cũng có ý kiến căn cứ vào bản dịch sách Việt sử lược và một số tư liệu khác, chứng minh rằng Hầu Nhân Bảo vượt biên giới tiến qua Ngân Sơn (Cao Bằng), qua Thái Nguyên, rồi bị quân ta đánh tiêu diệt ở Bình Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội). Theo hai cách lý giải trên, cánh chính binh Hầu Nhân Bảo không đi theo đường thủy qua Bạch Đằng. Như vậy, đối tượng tác chiến của Lê Hoàn trên hướng Bạch Đằng không phải là đoàn quân Hầu Nhân Bảo và trận Bạch Đằng nếu có chỉ là trận ngăn chặn đạo quân của Lưu Trừng mà thôi.

        Gần đây, một số nhà sử học đã chứng minh và hiểu theo cách mới, cho rằng Hầu Nhân Bảo không tiến hướng bộ Lạng Sơn hoặc Ngân Sơn, mà theo hướng Lãng Sơn (Quảng Ninh), qua sông Bạch Đằng và liên lạc với đạo quân bộ ở Lãng Sơn và Hoa Bộ rồi bị đánh và bị tiêu diệt trên sông Bạch Đằng (981). Quan điểm này cho rằng thủy binh Hầu Nhân Bảo đến trước và thủy binh Lưu Trừng đến sau đều tập kết ở sông Bạch Đằng; còn cánh quân bộ từ Ung Châu qua Qủy Môn quan, qua Tô Mậu tiến vào, gồm các tướng Tôn Toàn Hưng, Hắc Thủ Tuấn, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng...

        Sự phản ánh của sử liệu quá ít ỏi, tản mạn, không rõ ràng và còn trái ngược nhau dẫn đến nhận thức lịch sử rất khác nhau và kết quả là chúng ta chưa xây dựng được một bức tranh khả dĩ đầy đủ và chân xác về diễn biến chiến sự trên sông Bạch Đằng (981) và thậm chí cũng chưa trình bày được những nội dung cơ bản, những nét khái quát nhất về diễn biến chiến trận ấy một cách hợp lý, lôgic làm cơ sở cho những thể hiện tiếp theo về bức tranh đó.

        Chúng tôi thấy rằng, cách chứng minh Ngân Sơn chính là Lãng Sơn và Hầu Nhân Bảo chủ tướng giặc chỉ huy đạo quân tiến theo đường thủy qua sông Bạch Đằng là tương đối hợp lý hơn, phù hợp với nhiều sử liệu của nước ta và sử liệu của Trung Quốc đương đại. Đây là mũi, hướng tiến công chính cửa quân Tống, do đó đã thu hút sự quan tâm của Lê Hoàn và được Lê Hoàn tập trung lực lượng chủ yếu của mình để ngăn chặn và tiêu diệt.

        Việc Lê Hoàn cho đóng cọc trên sông Bạch Đằng chống binh thuyền Hầu Nhân Bảo là có thật, là sự kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền; nhưng Lê Hoàn đã không thực hiện được trận mai phục bằng sự kết hợp giữa phục binh và trận địa cọc ngầm. Chiến sự lần này diễn ra không được mau lẹ, thuận lợi như trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán (938). Thực tế, chiến sự trên sông Bạch Đằng trong kháng chiến chống Tống lần thứ nhất diễn ra nhiều lần, nhiều đợt với những trận đánh khác nhau kể từ tháng Chạp năm Canh Thìn (980) đến tháng Ba năm Tân Tỵ (4-981).

        Sử liệu Trung Quốc, sách Tống sử liệt truyện, Tống sử bản kỷ, Tục tự trị thông giám trường biên, Đông đô sử lược v.v… đều chép rằng: "Năm Thái Bình hưng quốc thứ năm, mùa Đông… quan quân tiến đánh, phá được giặc" (Tống sử liệt truyện) và "Năm Thái Bình hưng quốc thứ năm (980), tháng Chạp ất Dậu (981) (?) Giao Châu hành doanh đánh nhau với giặc, phá được quân giặc" (Tống sử bản kỷ). Sách An Nam chí lược của Lê Trắc chép: "Mùa Thu năm ấy (980) tiến quân đánh. Mùa Đông tháng Chạp đánh nhiều trận phá được hàng vạn quân Giao Chỉ. Sang mùa Xuân năm sau lại phá được giặc ở sông Bạch Đằng".

-----------------------
        57. Tạp chí LSQS số 2-2001.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:32 pm »


        Sử của ta, Việt sử thông giám cương mục cho biết, sau khi Lê Hoàn cử sứ giả sang Tống làm kế hoãn binh, bị vua Tống cự tuyệt thì "Nhà vua tự làm tướng, ra kháng chiến; sai quân sĩ đóng cọc ở sông Bạch Đằng để ngăn địch. Quan quân Tống đông lắm. Quan quân ta đánh bất lợi: Hai trăm thuyền đều bị địch lấy mất cả. Hầu Nhân Bảo đem tiền quân tiến lên trước". Ngoài Tống sử và chính sử nước ta, nhiều thần tích ở Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương còn phản ánh chiến sự xảy ra trên đường tiến của Hầu Nhân Bảo; nhưng các trận đánh buổi đầu đó, quân ta gặp khó khăn, không chặn nổi giặc, thủy binh Hầu Nhân Bảo đã chiếm được sông Bạch Đằng và các làng mạc xung quanh, chúng đã đặt "Giao Châu hành doanh" tại đó.

        Như vậy, việc đóng cọc ở sông Bạch Đằng chỉ có tác dụng ngăn cản phần nào bước tiến của thủy binh Tống, chứ không đủ khả năng chặn đối phương tạo nên một thắng lợi quyết định ngay từ đầu như thời Ngô Quyền chống Nam Hán (938) hoặc không giống như thời Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên (1288). Điều này giúp ta lý giải, vì sao sử sách của ta xưa khi bàn về bí quyết thành công của Lê Hoàn không đề cập đến tác dụng của trận địa bãi cọc. Lê Văn Hưu đánh giá cao tài năng quân sự của Lê Hoàn, nhưng không nói gì đến trận địa cọc Bạch Đằng. Trần Hưng Đạo trong Di chúc năm 1300 chỉ ca ngợi việc Đắp thành Bình Lỗ để phá giặc, không nói gì đến tác dụng của trận địa cọc ngầm chống Tống của Lê Hoàn. Do đó, không nên mô tả trận đánh trên của Lê Hoàn giống như các trận Bạch Đằng khác của Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn; và cũng không nên vì thế mà cho rằng trên hướng sông Bạch Đằng không diễn ra trận quyết chiến nào khác của Lê Hoàn sau đó.

        Mục tiêu của nhà Tống tiến quân xâm lược Đại Cồ Việt, trước hết nhằm chiếm kinh đô Hoa Lư để thủ tiêu nhà nước do Lê Hoàn xưng Hoàng đế, biến nước ta thành một lộ của nước Tống do quan lại Tống trực tiếp cai trị. Việc vua Tống phong Hầu Nhân Bảo chức "Giao Châu Lộ kế độ chuyển vận sứ" có lẽ là dự kiến nhân sự cho bộ máy cai trị về sau, một khi đã bình định được Giao Châu của người Việt.

        Muốn chiếm được Hoa Lư thì các đạo quân thủy, bộ nhà Tống phải phối hợp được với nhau ở khu vực lưu vực sông Nhị Hà (sông Hồng). Nhưng lúc đó, do sự đánh trả quyết liệt của quân và dân ta, các đạo quân Tống không thể liên lạc với nhau, không hội quân được. Tôn Toàn Hưng buộc phải đóng lỳ ở Hoa Bộ. Hầu Nhân Bảo không thể chờ được viện quân của Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ, đã quyết định cùng Quách Tiến kéo toàn bộ quân thủy bộ dưới quyền tiến từ sông Bạch Đằng đến sông Luộc để vượt thành Bình Lỗ đánh Hoa Lư. Kết quả là tại đây Hầu Nhân Bảo đã bị quân ta giáng một đòn mạnh, bị tổn thất nặng nề, phải quay binh thuyền rút về sông Bạch Đằng. Trần Hưng Đạo đã đánh giá cao trận đánh này rằng: "Thời Đinh-Lê dùng được người tài giỏi… xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống...".

        Sau thất bại Lỗi Giang, trở lại sông Bạch Đằng, đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo đã gặp quân của Lê Hoàn và trận quyết chiến, trận đánh quyết định số mệnh Hầu Nhân Bảo và đoàn quân xâm lược, đã diễn ra giữa quân dân ta với quân Tống ngay trên sông Bạch Đằng vào tháng Ba năm Tân Tỵ (tức tháng 4-981).

        Tống sử chép: "Thái Bình Hưng quốc năm thứ sáu (981), mùa Xuân, tháng ba ngày Nhâm Tuất (1-5-981), Giao Châu hành doanh lại phá được giặc Giao Chỉ ở sông Bạch Đằng, cướp được 200 chiến hạm... Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo bị giết ở trận này" (Tống sử bản kỷ). Giả Thực truyện trong Tống sử ghi: "Lê Hoàn giả vờ xin hàng, Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật, chẳng lo phòng bị, nên thua to...".

        Sách Tục tự trị thông giám trường biên của Lý Đào chép: “Thái Bình hưng quốc năm thứ sáu, tháng Ba ngày Kỷ Mùi (28-4-981), Giao Châu hành doanh phá được 15.000 quân của Lê Hoàn ở sông Bạch Đằng, chém hơn 1.000 thủ cấp, lấy được 200 chiến hạm, thu nhặt được hàng vạn mũi tên, áo giáp. Cũng trận này, giặc giả hàng để dụ Nhân Bảo. Nhân Bảo cả tin, liền bị giặc giết hại".

        Tống sử liệt truyện ghi: "Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh Hầu Nhân Bảo. Nhân Bảo bị giết chết" và "Nhân Bảo bị giặc vây bị giết ở giữa sông".

        Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng, phần chép về Hầu Nhân Bảo ở trận Bạch Đằng tháng Ba năm Tân Tỵ cho biết thêm: "...Nhân Bảo đem vạn quân xông lên trước, thế giặc rất mạnh, viện quân phía sau đến không kịp, trận thế bị vây hãm nên Nhân Bảo bị loạn quân giết chết, quẳng xác xuống sông. Vua Tống nghe chuyện lấy làm thương tiếc, truy tặng rất ưu hậu”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:40:17 pm »


        Sách Việt sử lược (nguyên bản Tứ khố toàn thư) chép: Năm Tân Tỵ, năm đầu niên hiệu Thiên Phúc, mùa Xuân, tháng Ba (4-981), quân Hầu Nhân Bảo đến (theo đường) Lãng Sơn, quân Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, quân của Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng, sai quân đóng cọc chặn sông… Quân Tống lui giữ Ninh Giang, vua sai trá hàng dụ Nhân Bảo. Quân Tống thua, ta bắt chém Hầu Nhân Bảo; bọn Khâm Tộ nghe tin quân Bảo thua, liền tháo chạy". Sách Đại Nam nhất thống chí và rất nhiều thần tích ở vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng), ở Kim Môn, Chí Linh (Hải Dương) đều phản ánh trận Bạch Đằng năm 981 là một chiến công vang dội, lẫy lừng của quân dân ta trong kháng chiến chống Tống.

        Diễn biến chiến sự trên sông Bạch Đằng mùa Xuân Tân Tỵ cho thấy, việc đánh tan quân Tống, giết chết Hầu Nhân Bảo là việc không mấy dễ dàng. Bởi vậy, Lê Hoàn mưu tính dùng kế trá hàng để làm kiêu lòng địch, hy vọng giết được chủ tướng giặc. Cách xử sự khôn khéo của Lê Hoàn đã được Tống sử chép: "Lê Hoàn giả vờ xin hàng mà Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật...". Vì thế, ngày 28-4-981, tướng Hầu Nhân Bảo bị giết tại sông Bạch Đằng và toàn bộ đạo quân Tống ở đây bị đánh bại. Cho dù chính sử nhà Tống có khuếch trương là giết được nhiều quân Lê Hoàn, thu được nhiều binh thuyền, giáp trụ của ta, nhưng cũng không che giấu được cái thực tế cay đắng là Hầu Nhân Bảo bị mắc mưu và bị giết, quan quân Tống đại bại.

        Trên thực tế, trận Bạch Đằng ngày 28-4-981 được Lê Hoàn tính toán kỹ. Với mưu lược tài giỏi, ông đã chỉ huy các tướng lĩnh, binh sĩ và dân binh thực hiện một trận quyết chiến, đánh trận phản công quyết định vào quân viễn chinh Tống. Có thể hình dung trận này như sau: Lê Hoàn đã chọn một khúc sông hiểm yếu bố trí sẵn phục binh, sau đó cho một cánh quân khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt thì quân ta giả thua chạy, quân Tống "thừa thắng" đuổi theo. Khi binh thuyền địch lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn tung quân đánh và đã giành được thắng lợi lớn. Hầu Nhân Bảo bị giết trong loạn quân. Tuy chưa có đủ tư liệu để dựng lại trận thủy chiến này một cách hoàn hảo như trận Bạch Đằng thời Trần Hưng Đạo tiêu diệt Ô Mã Nhi (1288), nhưng có thể coi đây là một trận quyết định diễn ra rất ác liệt và thắng lợi rất vẻ vang. Với vũ công này, quân và dân ta đã giết được tên chủ tướng nguy hiểm, hiếu chiến nhất của giặc và đánh bại hoàn toàn đạo thủy quân Tống. Thắng lợi to lớn của Lê Hoàn và các tướng sĩ thời Tiền Lê trong trận Bạch Đằng Xuân Tân Tỵ được nhân dân trăm họ ngợi ca và tiếng vang lưu truyền hậu thế. Đôi câu đối ở đền thờ Lê Đại Hành (Phủ Diễn, Thanh Trì) có viết:

                                         “Đế đô tích tại Hoa Lư động,
                                         Thánh vũ kim tồn Bạch Đằng giang”

                                         (Động Hoa Lư tráng lệ Đế đô,
                                         Sông Bạch Đằng lưu truyền chiến tích).


        Được tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, Tôn Toàn Hưng cho quân tháo chạy, đạo quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết lo sợ rút lui, bị quân ta truy kích, tiêu diệt đến quá nửa. Các tướng giặc Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân bị bắt giải về Hoa Lư. Cuộc chiến tranh giữ nước dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn đã giành thắng lợi.

        Chiến thắng của quân dân ta mùa Xuân năm Tân Tỵ (981), trong đó có trận quyết chiến Bạch Đằng tháng Ba năm Tân Tỵ (28-4-981), là bất ngờ lớn nhất đối với nhà Tống. Đây là đòn cảnh cáo quyết liệt có ý nghĩa lâu dài, làm sụp đổ hoàn toàn tinh thần và ý chí của đối phương, buộc nhà Tống phải ra lệnh rút quân, từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Cồ Việt. Chúng ta không nên phủ nhận hoặc hạ thấp chiến công này. Và cũng chính vì thế, nhân dịp kỷ niệm 1.020 năm kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng mùa Xuân Tân Tỵ (981).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:46:01 pm »


VÌ SAO TÊN LÊ ĐẠI HÀNH ĐƯỢC ĐẶT CHO MỘT ĐƯỜNG PHỐ HÀ Nội?58

LÊ VĂN LAN       

        Hà Nội hiện có một đường phố (và một ngõ phố) mang tên Lê Đại Hành.

        Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, phố Lê Đại Hành dài 450m, chạy trên phần đất của hai thôn Hậu Phong Vân và Long Hồ, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương ngày xưa. Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp lại thành thôn Vân Hồ, thuộc tổng Kim Liên (là tên mới đổi, cũng vào lúc này, của tổng Tả Nghiêm). Còn ngõ Lê Đại Hành thì nối đường phố này với phố Thái Phiên, xưa thuộc khu vực đàn Nam Giao đời Lê. Chứng cứ ngôi nhà bia, có tấm bia "Nam Giao điện bi ký" (khắc năm 1679), trước năm 1926 năm người Pháp mở đường qua khu vực này, phá nhà bia, đem bia về đặt ở khu Bảo tàng Lịch sử bây giờ) thì bia và nhà bia vẫn ở chỗ đó.

        Chúng tôi muốn trình bày đôi điều về tên gọi Lê Đại Hành, được đặt cho con đường và ngõ phố vừa giới thiệu qua trên đây.

        Vẫn theo cụ Nguyễn Vinh Phúc thì, thời Pháp thuộc, chỗ này là "phố Hoàng Cao Khải". Tên Lê Đại Hành được thay cho tên Hoàng Cao Khải, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Và, nguyên thủy của tên Lê Đại Hành, là (nguyên văn sách "Phố và đường Hà Nội", Nxb Giao thông vận tải, H, 2004, tr.336) như sau: "Đại Hành được coi là miếu hiệu (chúng tôi gạch chân) của Lê Hoàn".

        Vì sao, trước hai chữ "miếu hiệu', mà chúng tôi gạch chân, lại có ba chữ "được coi là"?

        Mọi người đều biết: miếu hiệu, tên để thờ ở Thái miếu, hoặc thụy hiệu, tên đẹp, của các bậc vua chúa ngày xưa, thường chỉ có (tức: ra đời, được đặt định) vào lúc kết thúc thời gian "quàn" (có thể nhanh chóng hoặc lâu dài, thậm chí dài đến cả năm trường) cái thân xác đã băng hà của các vị ấy ở toà điện thiêng nơi Cấm thành. Chẳng hạn như vua Lê Thánh Tông, băng hà ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497) nhưng đến ngày 24 tháng Chạp năm ấy, mới có việc, như trong Đại Việt sử ký toàn thư chép, "dâng tôn hiệu cho Đại Hành Hoàng đế là: Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu, Thuần Hoàng Đế, miếu hiệu là: Thánh Tông", để rồi đến cuối Xuân năm sau (Mậu Ngọ 1498) tháng Ba ngày 8, đưa quan tài về Lam Kinh, an táng vào ngày 28 tháng ấy!”

        Trong đoạn sử bút vừa được dẫn nguyên văn, có mấy chữ đáng chú ý, là: "dâng tôn hiệu cho Đại Hành Hoàng đế”, “tức thị”; lúc được "dâng tôn hiệu” (vào ngày 24 tháng Chạp, cuối năm Đinh Tỵ) thì lúc ấy (tức thị: từ ngày 30 tháng Giêng đầu năm, chính thức băng hà, cho đến khi ấy) trong thời gian được quàn ở cung Bảo Quang, tên để gọi Lê Thánh Tông không phải là Thánh Tông) mà là Đại Hành!

        Sử thần nổi tiếng ở thế kỷ XIII là Lê Văn Hưu đã có lời giải thích rõ ràng về cái tên "Đại Hành" này: "Thiên tử và Hoàng hậu, khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành Hoàng đế, Đại Hành Hoàng hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên, thì họp bầy tôi, bàn xem đức hạnh hay hay dở, để đặt thụy hiệu, không gọi là Đại Hành nữa". Như vậy, rõ ra một quy luật nhân xưng, của và cho các đấng bậc trưởng thượng ngày xưa, rằng: Đại Hành chỉ là một cái tên dùng tạm, trong lúc các vị đã băng hà mà chưa được an táng, thế thôi.

        Vậy thì, Lê Hoàn, mất năm 1005, đến nay đã là đúng được 1.000 năm, cớ sao lại vẫn cứ phải mang mãi cái tên tạm thời là Lê Đại Hành thế?

        Lại vẫn chính Lê Văn Hưu ở thế kỷ XIII đã có lời giải thích như sau: "Lê Đại Hành thì (lại khác người mà) lấy Đại Hành làm thụy hiệu để truyền mãi đến nay là cớ làm sao? Vì: Ngọa Triều là con bất tiếu, lại không có bề tôi Nho học, để giúp đỡ mà bàn về phép đặt thụy hiệu, cho nên thành ra là thế!".

----------------------------
        58. Tạp chí LSQS số 10-2005.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:46:26 pm »


        Như vậy, theo Lê Văn Hưu, có hai nguyên nhân khiến Lê Hoàn vẫn cứ mãi phải mang cái tên đặt tạm lúc mới mất.

        Về nguyên nhân “không có bề tôi Nho học giúp đỡ mà bàn về phép đặt thụy hiệu”, khi nhấn mạnh điều này, vị Bảng nhãn khoa thi Nho học năm 1247 Lê Văn Hưu, hẳn là muốn thiên về việc quảng bá cho đạo Nho, ở giữa một triều đại đương thời sùng Phật là nhà Trần, hơn là muốn chê trách sự thể không đủ trình độ tri thức ở thời Tiền Lê. Bởi vì thực tế, chắc chắn sử quan họ Lê biết, điều mà Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rõ, là Lê Hoàn từng có dưới bệ rồng những bậc đại sư, như Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, đặc biệt là Thái sư Hồng Hiến-"người phương Bắc, thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt, làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc".

        Thế thì, cái nguyên nhân “Ngọa Triều là con bất tiếu” có phần chính xác hơn. Vì đúng là kẻ kế vị chiếc ngai vàng hoàng đế nước Đại Cồ Việt của Lê Hoàn này, không xứng đáng, “không giống ông cha" (tức: "bất tiếu")!

        Tuy nhiên, nói cho đầy đủ, thì Ngọa Triều dù sao cũng chỉ là một đầu mối-chắc chắn là đầu mối chính-của tình thế cực kỳ rối ren, sau khi Lê Hoàn mất. Và chính cái đại cuộc rối ren nghiêm trọng ấy, mới đích thực là nguyên nhân và hoàn cảnh khiến cho cả triều đình Hoa Lư và các tôn vương kế vị-đầu là Trung Tông (Long Việt) sau là Ngọa Triều (Long Đĩnh)-không còn lòng dạ nào mà nghĩ đến việc đặt cho Lê Hoàn một miếu hiệu (thụy hiệu) để dùng lâu dài nữa!

        Xem xét cho sâu kỹ hơn chút nữa, có thể thấy thêm rằng: nếu cái đại cuộc rối ren sau khi Lê Hoàn mất mà có đầu mối chính, quy về cho kẻ “bất tiếu” Long Đĩnh (Ngọa Triều), thì chỗ và lúc sinh ra cái đầu mối ấy, có thể và dường như, lại chính là... Lê Hoàn! Bởi vì, hệ thống lại tất cả công việc và công tích mà Lê Hoàn đã để tâm và tiến hành trong 24 năm “ở ngôi” ta thấy: ông đã tính và làm rất tốt, thậm chí cực hay, việc quân sự, ngoại giao, nội chính (tức dẹp loạn), kinh tế đặc biệt là nông nghiệp: cày tịch điền, giao thông-thủy lợi (kênh nhà Lê), cả văn hoá nữa (khôi phục tục bơi chải)... Nhưng về phương diện chăm lo cho thế hệ thứ hai trong gia đình (hoàng tộc, quý tộc) của mình nói chung, và nói riêng là việc giáo dục dạy dỗ chúng, thì ông hầu như không có động thái gì ngoài việc ban phát quyền lợi cho chúng hưởng thụ (tức: cho đứa này được hưởng "đóng ở" miền đất này, đứa kia được hưởng "đóng ở" miền đất kia). Sử thần Lê Văn Hưu, hơn 200 năm sau Lê Hoàn, có nói đến-nguyên văn-một "lỗi ở Đại Hành là không sớm đặt thái tử”, thật ra, chỉ là nói theo công thức, một điều cụ thể trong tổng thể phương thức ứng xử với con cái của Lê Hoàn mà thôi.

        Bởi thế, chính ở chỗ yếu này của Lê Hoàn, ta thấy sử thần tài danh họ Lê ở thế kỷ XIII đã tìm được một cách so sánh rất hay, giữa Lê Hoàn (Lê Đại Hành) và Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) để rút ra và nêu lên kinh nghiệm và bài học lịch sử rất có giá trị, về việc cần rèn tạo sắp đặt chặt chẽ, chỉn chu lực lượng và đội ngũ kế vị để chuyển giao việc triều chính, quốc gia đại sự, từ đời trước cho đời sau. Xin đọc kỹ lại đoạn sử bút sau đây của Lê Văn Hưu ở thế kỷ XIII, được Ngô Sĩ Liên dẫn lại vào thế kỷ XV: "Có người hỏi: Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành (là người) có công lao gian khổ hơn. Nhưng về tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ (là người) biết lo tính lâu dài hơn".

        Như vậy, Lý Công Uẩn "biết lo tính lâu dài hơn" trong việc “để phúc cho con cháu”, vì là người đã được học hành, rèn tạo tri thức và trí tuệ rất kỹ (cho nên cũng dạy dỗ con cháu rất kỹ). Còn Lê Hoàn, cực kỳ vĩ đại, với căn cốt là một võ tướng bẩm sinh, một người bình dân trở thành Thiên tử, mê mải thực hành và thực hiện vô cùng nhiều việc thực tế lớn lao, nhưng lại để nhãng mất việc gia đình và con cái. Do đó mà có đứa con "không giống ông cha" (bất tiếu), cũng do đó mà sự nghiệp cái thế thì xuất chúng, nhưng không khỏi bị thiệt thòi, ở chỗ, dù chỉ là một cái tên gọi Đại Hành thôi, mà cũng phải mang tạm, "được coi là miếu hiệu” mãi đến cả nghìn năm sau. Và ở ngay trên đất kinh kỳ-Thủ đô ta. Khổ thế!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:50:30 pm »

         
CÙNG TÌM HIỂU BÀI “NAM QUỐC SƠN HÀ” VÀ “PHẠT TỐNG LỘ BỐ VĂN”DƯỚI THỜI NHÀ LÝ59

BÙI PHAN KỲ        
       Trong các bài thơ văn viết bằng chữ Hán từ thế kỷ thứ X, bài Quốc tộ (Vận nước) của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận viết vào khoảng năm 981, in trong Thiền uyển tập anh, bài Phạt Tống lộ bố văn của Lý Thường Kiệt, viết năm 1075, in trong Việt điện u linh, bài Nam quốc sơn hà, cùng tác giả, viết năm 1077, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, là những áng văn thơ in đậm tinh thần tự tôn dân tộc, có vị trí mở đầu nền văn học chữ viết của Việt Nam. Qua bài Vị trí danh dự của Nam quốc sơn hà, tác giả Văn Hiến viết trong tạp chí Giáo dục và thời đại số42 (461), ngày 19-10-2003, xin mạn phép tham gia cùng tìm hiểu:

        Tác giả Văn Hiến đã phát hiện những mâu thuẫn về bài Nam quốc sơn hà trong phần đọc thêm của sách Văn học 9: “Nam quốc sơn hà là bài thơ của Thần, do Thần đọc giúp Lý Thường Kiệt cổ vũ tướng sĩ khi chống Tống ở sông Cầu năm 1076 (tr.28)... Bài thơ đã được Thần đọc nhiều lần, lần thì giúp Lê Hoàn chống Tống (981), lần thì giúp Lý Thường Kiệt chống Tống... ở đây tạm để tên Lý Thường Kiệt là theo tương truyền... nên coi đây là bài thơ Thần-khuyết danh hoặc vô danh-thì mới phù hợp với tư liệu hiện còn (những chữ in nghiêng là do người viết bài này nhấn mạnh).

        Xin nhiệt liệt hoan nghênh ý kiến của tác giả và xin cung cấp thêm tư liệu trước khi nêu chính kiến: Bài Nam quốc sơn hà được in nguyên văn chữ Hán trong bản gốc Đại Việt sử ký toàn thư, truyền qua các đời, đều khẳng định là của Lý Thường Kiệt, hiện được đặt trang trọng trong Bảo tàng lịch sử, được nhiều tác giả tra cứu thận trọng trước khi sử dụng. Đoạn trích dưới đây của học giả Dương Quảng Hàm, vị giáo sư, hiệu trưởng đầu tiên của trường trung học Chu Văn An của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã biên soạn bộ Việt Nam văn học sử yếu từ năm 1941, được coi là cuốn văn học sử phổ thông đầu tiên bằng quốc ngữ, cũng là bộ sách giáo khoa văn học bậc trung học đầu tiên của Việt Nam, đã nói rõ về phương pháp biên soạn trong bài Biên tập đại ý mở đầu bộ sách: "Nay chúng tôi lấy tài sơ học thiển soạn ra quyển Việt Nam văn học sử yếunày, cũng tự biết là làm một việc quá bạo và chắc rằng tác phẩm của chúng tôi còn nhiều điều thiếu thốn, phải đợi công cuộc khảo cứu tra tầm của các học giả sau này mà bổ khuyết dần. Dù sao chăng nữa, trong việc biên tập, chúng tôi đã hết sức cẩn thận. Khi xét về một vấn đề nào, trước hết sưu tập các tài liệu tản mạn ở các sách, các báo rồi khảo sát suy nghĩ: điều gì xác thực chắc chắn mới chép, điều gì còn hồ nghi thì để huyền, điều gì có nhiều thuyết tương đương thì giãi bầy rõ ràng để sau này có thể nghiên cứu thêm mà quyết định. Tóm lại, chúng tôi lấy sự thực làm trọng, không khi nào dám lấy ý riêng mà giải quyết một nghi vấn theo cách võ đoán, cũng không hấp tấp theo liều những ý kiến thông thường, nhiều khi sai lầm hoặc thiên lệch…" (Dương Quảng Hàm, tháng 6 Tây năm 1941, Sđd, Quốc gia Giáo dục xuất bản, H, 1950, tr. 3-4).

        Với quan điểm thận trọng như vậy, Nam quốc sơn hà được in dưới đầu đề: "Bài thơ của Lý Thường Kiệt làm khi chống nhau với quân nhà Tống" ở thiên thứ hai, chương thứ tư (tr. 232). Trước bài thơ, Lý Thường Kiệt được xếp vào mục Thi gia đời Lý, được giới thiệu... "là một bậc danh tướng triều Lý đã có công đánh quân nhà Tống (1075-1078), khi chống nhau với quân địch, có làm một bài thơ để khuyến khích tướng sĩ, lời lẽ thật là khảng khái" (Sđd, tr. 225).

        Tổng tập văn học Việt Nam do Bùi Văn Nguyên chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, H, 1957, tập 1, in bài Nam quốc sơn hà trước bài Quốc tộ, viết trong tiểu dẫn: "Bài Nam quốc sơn hà do Lý Thường Kiệt làm năm 1077 trong khói lửa của cuộc chiến đấu quyết liệt chống giặc Tống xâm lược trên bờ sông Như Nguyệt...". Đoạn sau, giới thiệu Lý Thường Kiệt, tác giả Phạt Tống lộ bố văn, lại khẳng định rất dài về bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt “có một sức mạnh kỳ lạ cổ vũ quân sĩ nức lòng xông lên với tất cả khí thế quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ xâm lược" (Sđd, tr.270).

        Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam xuất bản năm 1996, Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản gần đây, khi biên soạn, về danh tướng Lý Thường Kiệt đều khẳng định ông là tác giả bài Nam quốc sơn hà(60).

------------------------
        59.Tạp chí LSQS số 1-2004.

        60. Từ đến Bách khoa quân sự Việt Nam xuất bản năm 2005, mục từ "Lý Thường Kiệt” và "Nam quốc sơn hà" vẫn ghi Lý Thường Kiệt "tương truyền là tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà và Phạt Tống lộ bố văn" (chú thích của Ban biên soạn).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:51:22 pm »


        “Sổ tay ngữ văn THCS 7” của các tác giả Tạ Đức Hiền, PGS. Nguyễn Kim Hoa, TS. Lê Thuận An, Nxb Hà Nội, 2003, tự giới thiệu là "cuốn sách đã hội tụ, kết tinh và hệ thống những kiến thức cơ bản nhất, tinh chắc nhất về Ngữ văn 7 theo chương trình cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm học 2003-2004”, in bài Nam quốc sơn hà trong phần 1, Văn học, tên tác giả Lý Thường Kiệt và cũng giới thiệu hoàn cảnh ra đời trong cuộc chiến đấu dữ dội và ác liệt chống quân Tống xâm lược (tr. 59, 60).

        Như vậy, luồng chính thống công nhận Lý Thường Kiệt là tác giả bài Nam quốc sơn hà đã trải qua từ Lê Văn Hưu soạn Đại Việt sử ký (1272), Phan Phù Tiên soạn Đại Việt sử ký tục biên (1455) làm nền cho Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký toàn thư (1479), rồi thông qua Lê Quý Đôn soạn Đại Việt thông sử, Ngô Thì Sĩ (1726-1770) viết Anh ngôn thi tập, Phan Kế Bính soạn Đại Nam nhất thống chí (1916,1917), Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược (1926), Nguyễn Văn Ngọc soạn Nam thi hợp tuyển (1927)... cung cấp tư liệu cho Dương Quảng Hàm biên soạn Việt Nam văn học sử yếu (l941), Bùi Văn Nguyên soạn Tổng tập văn học Việt Nam (1997)… đến nay, Lý Thường Kiệt vẫn được công nhận là tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà. Sự truyền lại qua chính sử và văn học sử đó, gọi là tương truyền cũng chưa thoả đáng.

        Luồng nghi vấn được tìm thấy rõ trong Văn học 10 của các tác giả Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đồng Minh, Lê Thị Diễn, tái bản năm 2000, trong phần Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX (tr. 80), khi kể đến Nam quốc sơn hà đã đặt dấu hỏi sau câu "thường được coi là của Lý Thường Kiệt(?)”. Văn học 9 của các tác giả Đỗ Quang Lưu, Nguyễn Lộc, Nguyễn Sĩ Cẩn, Nxb Giáo dục, in Nam quốc sơn hà ở phần đọc thêm, cũng in tên Lý Thường Kiệt trước dấu hỏi(?), dùng tiểu dẫn giới thiệu ông là "tướng lĩnh nhà Lý cầm quân đánh Chiêm Thành và giặc Tống xâm lược". Với đoạn này, tác giả Văn Hiến yêu cầu "phải ghi rõ Thái úy Lý Thường Kiệt Tổng lĩnh chư quân trong sự nghiệp đánh Tống, bình Chiêm".

        Chúng tôi đồng ý không nên dùng thuật ngữ tướng lĩnh để chỉ vị Phụ quốc Thái úy thời nhà Lý vì tướng lĩnh chỉ có nghĩa là tướng chỉ huy quân đội như bất kỳ vị tướng chỉ huy nào, nhưng chúng tôi chưa hiểu rõ thuật ngữ Tổng lĩnh chư quân của tác giả Văn Hiến. Nếu dùng để chỉ công việc thống lĩnh binh quyền nhà Lý thì thuật ngữ đó vừa mang ý nghĩa Hán, vừa không chuẩn xác. Nếu dùng để chỉ một chức phẩm của Lý Thường Kiệt thì ông chỉ được phong các chức phẩm: Phụ quốc Thái phó, Phụ quốc Thái úy, Thượng trụ quốc, Phụ quốc Thượng tướng quân, (tuớc) Khai quốc công, Tể tướng...chứ không có chức phẩm Tổng lĩnh chư quân.

        Văn học 9 cho rằng đó là bài thơ của Thần, khi nước ta đã có sử và văn học bằng chữ viết là đẩy chính sử về với dã sử, cổ vũ chủ nghĩa thần bí, trái định hướng của nền giáo dục Việt Nam. Cho rằng bài thơ đó đã có từ thời Lê Hoàn, chúng tôi sợ không phù hợp với tư liệu lịch sử: nước ta sau thời Bắc thuộc, kể từ đầu thời tự chủ, Ngô Quyền và các người kế tiếp vẫn xưng vương. Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành khi lên ngôi dù xưng Hoàng đế nhưng vẫn nhận tấn phong của nhà Tống làm Giao Chỉ quận vương. Riêng Lê Hoàn đã ba lần nhận sắc phong của Tống Thái Tông: "Năm Canh Dần (990) nhận phong tước Đặc tiên, năm Quý Ty (993) nhận phong tước Giao Chỉ quận vương, năm Đinh Dậu (997) lại nhận tước Nam bình vương. Điều đó chứng minh dưới thời Lê Hoàn, tư tưởng đối ngoại không nhấn mạnh yêu cầu xưng đê. Chỉ đến đời nhà Lý, vua Nhân Tông là vị vua có đầu óc tự cường tự lập, năm Giáp Ngọ (1054) đặt tên nước là Đại Việt, không được nhà Tống chấp nhận vẫn không chịu thần phục, quyết thực hiện hoài bão xây dựng một quốc gia hùng mạnh, sánh với thiên tử nhà Tống. Năm 1068, Tống Thần Tông giúp vua Chiêm Chế Củ (Rudravarman III) thuyền, ngựa, binh khí đem quân đánh Đại Việt ở phía Nam, đồng thời chuẩn bị cuộc tiến công sang Đại Việt từ phía Bắc. Cuộc chiến đấu “phạt Tống, bình Chiêm" của nhà Lý với vai trò lịch sử của Lý Thường Kiệt xuất hiện vào thời kỳ đó. Tư tưởng Nam quốc sơn hà nam đê cư tất cũng xuất hiện trong giai đoạn đó (nhà Lý, cho tới đời vua thứ 7 là Lý Cao Tông mới chịu nhận sắc phong là An Nam quốc vương vào khoảng năm 1174).

        Vả lại dưới thời Lê Hoàn, người giỏi chữ Nho tập trung vào mấy vị thiền sư: Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, có tác phẩm nào đều được lịch sử Phật học ghi rõ. Còn thơ về Nam quốc sơn hà tất phải do người Đại việt sáng tác, vào thời kỳ không khó tìm tác giả, bởi vậy không nên coi là vô danh hoặc khuyết danh. Đương nhiên, trong lịch sử có thể xuất hiện sự ngộ nhận kéo dài như trường hợp coi Triệu Đà là một triều vua Việt, có đủ bằng chứng xác thực thì cải chính, nhưng phải được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xác nhận, không nên kéo dài tình trạng mỗi giới một phách.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:52:26 pm »


        Với đoạn viết về Văn lộ bố khi đánh Tống của Văn học 9, tác giả Văn Hiến giải thích: "Trong dịp này, ông viết một số bài lộ bố gửi đến nhân dân các châu Ung, Khiêm, Liêm… thực ra lộ bố văn chỉ bao gồm lời tuyên bố rõ ràng". Châu Khiêm cần sửa là Châu Khâm, và Phạt Tống lộ bố văn chỉ là một bài duy nhất còn in trong Việt điện u linh mà Tổng tập văn học Việt Nam đã sao lại cả nguyên bản, phiên âm và bài dịch của Trần Văn Giáp: bản chữ Hán chia thành 4 đoạn, 13 câu, 145 chữ, không có “một số bài” như tác giả Văn Hiến khẳng định.

        Đi sâu vào nội dung, tính chất của bài văn, có thể hiểu hình thức công bố trước nhân dân Trung Quốc các tỉnh vùng biên thời đó, không phải là "gửi tới nhân dân các châu”... Câu cuối cùng (chữ Hán) bài viết tự xác định: Hịch văn đáo nhật, dụng quảng văn tri. Thiết tự tư lường, mạc hoài chấn bố (Lời hịch truyền đến, mọi người nghe biết. Hãy tự đắn đo, chớ mang lòng sợ hãi). Vậy Phạt Tống lộ bố văn là một bài hịch, Hán Việt tự điển (Thiều Chửu, Nxb Tp. HỒ Chí Minh, 1933, tr. 314) định nghĩa Hịch: lời hịch, lời văn của các quan đòi hỏi, hiểu dụ hay trách cứ dân gọi là hịch, có việc cần kíp thì viết vào mảnh ván cắm lông cánh gà vào gọi là vũ hịch để tỏ cho biết là sự cần kíp. Trong cuộc hành quân này, hịch văn là bài hịch viết ra để kể tội vua Tống và tể tướng Vương An Thạch, trực tiếp trấn an nhân dân Trung Quốc vùng biên, nơi có quân ta đánh tới, chứ không phải "một số bài lộ bố gửi đến nhân dân Trung Quốc các châu Ung, Khâm, Liêm".

        Xét các câu khác trong lộ bố văn, thấy rõ những nội dung này phải công bố lúc nào, dưới hình thức nào để phục vụ đắc lực cho mục tiêu tiến công phá hủy các căn cử hành quân của giặc Tống, ở đó riêng trong thành Ung Châu đã tập trung 6 vạn quân Tống, dưới quyền chỉ huy của tướng Tô Giám. Đoạn trước đó của Hịch văn viết rõ "Bản chức phụng quốc vương mệnh, chỉ đạo Bắc hành; dục thanh yêu nghiệt chi ba đào, hữu phân thổ, vô phân dân chi ý; yếu tảo tình uế chi ô trọc, ca Nghiêu thiên, hưởng Thuấn nhật chi giai kỳ" (Bản chức phụng mệnh quốc vương, chỉ đường Bắc tiến; muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ phân biệt đất (nước), không phân biệt (chúng) dân; phải quét sạch bẩn thỉu hôi tanh cho dân hưởng những ngày tháng yên vui dưới thời Nghiêu Thuần). Đoạn này viết sau hai đoạn mở đầu và tiếp nối kể tội vua Tống và tể tướng Vương An Thạch tham tàn, vơ vét của dân, khiến trăm họ lầm than, suy kiệt.

        Những nội dung trên đây cho phép ta hiểu rõ, bằng lộ bố văn, Lý Thường Kiệt báo cho nhân dân những nơi có quân ta đánh tới ý định trừng phạt quan quân nhà Tống chứ không phân biệt nhân dân Trung Hoa với nhân dân Đại Việt. Ông đứng trên cương vị mệnh quan của triều đình Đại Việt, vâng lệnh quốc vương, viết hịch hiểu dụ nhân dân các tỉnh vùng biên chứ không ra tuyên bố đối ngoại với vua quan nhà Tống. Nội dung đó chỉ có thể công bố ngay trên đường hành quân, không thể gửi đến trước sẽ mất yếu tố bất ngờ, gửi đến sau sẽ mất tác dụng trấn an. Vả lại, cụm từ gửi đến nhân dân các châu… là rất mơ hồ, gửi tới địa chỉ nào, bằng con đường nào để tới nhân dân các châu là một đối tượng vừa rộng lớn vừa không xác định?

        Hịch văn thời cổ thường viết trên mảnh ván. Nay làm thế sẽ rất cồng kềnh, bất tiện. Chính vì vậy nó mới được viết rõ trên vải để tiện cuốn vào, trương ra trên các chặng đường tạm dừng. Tất nhiên người này đọc được sẽ truyền đạt cho người khác, trong khi quân ta giữ rất nghiêm kỷ luật hành quân, kỷ luật chiến trường, khi đánh phá thành Ung còn chia thóc cho dân.

        Trong văn bản chữ Hán dùng chữ lộ nghĩa là phơi ra, trương ra chứ không dùng chữ lộ là nhằm chỉ đường (như quốc lộ tỉnh lộ), chữ bố nghĩa là vải, dệt bằng sợi gai, sợi bông (như bao bố). Lộ bố văn là bài (hịch) viết trên vải, trương ra cho mọi người đều đọc.

        Xếp trong toàn bộ bài hịch, thì từ văn ở đầu bài đã thay cho thuật ngữ Hịch văn trong câu cuối Hịch văn đáo nhật… Đã là hịch văn thì chẳng cần từ bố đặt trước cũng đủ hiểu đó là lời hiểu dụ, khuyên bảo của quan trên với dân chúng. Nếu dịch bố văn là lời tuyên bố thì không hợp với bất cứ một thể văn nào đã được xác định trong nền học vấn bằng chữ Hán dưới thời phong kiến, bao gồm các thể: thơ, phú, kinh nghĩa, văn sách, chiếu, chế, biểu, hịch, cáo... Kêu gọi, răn bảo thì dùng hịch; tuyên bố, thông báo thì dùng cáo, không có dạng nào gọi là bố văn cả. Trong cách hành văn bằng chữ Hán, không dùng tính từ lộ để diễn đạt sự rõ ràng, mà phải dùng từ minh (như minh bạch, phân minh). Ai cũng biết tất cả các thể văn bằng chữ Hán kể trên, tự nó đã phải rõ ràng, nhất là các thể văn chính luận như hịch, cáo, chiếu, chế, biểu. Thông báo việc trọng đại thì gọi là đại cáo, thông báo rộng rãi thì gọi là bá (không phải báo) cáo, bố cáo, công bố, không ai dùng cụm từ lộ bố, lộ cáo, lộ hịch để diễn đạt lời tuyên bố rõ ràng. Nếu buộc phải dịch đúng cụm từ đó sang chữ Hán thì người ta sẽ dịch là minh ngôn công bố, minh ngôn thông báo, minh ngôn tuyên cáo... chứ không dùng cụm từ lộ bố văn . Trong ngữ cảnh này của đầu đề bài hịch (hịch văn) chỉ có thể dịch là: bài văn (bài hịch) đánh Tống viết trên vải, trương ra (cho mọi người cùng đọc). Tổng tập văn học Việt Nam, do Bùi Văn Nguyên chủ biên, cũng chú thích dưới bài Phạt Tông lộ bố văn: “lộ bố: Một bài văn viết trên vải trương ra truớc công chúng, trên đó nêu rõ tội ác của địch hoặc chính nghĩa của ta”. Phải chăng đó là lời chú thích chuẩn xác?

        Mấy ý lạm bàn, mong được các bậc túc nho chỉ giáo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:54:44 pm »


VỀ NĂM SINH CỦA HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRÂN QUÔC TUẤN61

LÊ ĐÌNH SỸ       

        Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) đã cho chúng ta biết rõ thời gian qua đời của Trần Quốc Tuấn. Đó là ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Năm nay (2000), cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 700 năm ngày mất của vị anh hùng dân tộc. Thế nhưng, Trần Quốc Tuấn sinh năm nào, cho đến nay vẫn chưa rõ. Vấn đề năm sinh của Hưng Đạo Đại Vương hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau. Xin nêu lên một số sách tiêu biểu:

        - Trần gia ngọc phả (Thư viện Hán Nôm, ký hiệu A 2046) chép ông sinh năm Quý Dậu (1213);

        - Trần triều thế phả hành trạng (Thư viện Hán Nôm, ký hiệu A 663) và sách Dược sơn kỷ tích (thư viện Hán Nôm, ký hiệu A 709) đều chép năm Nhâm Tý Nguyên Phong thứ 2 (1252);

        - Trần Đại vương bình Nguyên toàn biên và Trần vương truyện khảo (thư viện Hán Nôm, ký hiệu A 3095) cùng ghi, ông sinh ngày 10 tháng Chạp năm Bính Tuất, niên hiệu Kiến Trung thứ 2 đời Trần Thái Tông (1226).

        Các sách sử thời hiện đại cũng phán đoán và ghi chép năm sinh của Trần Quốc Tuấn rất khác biệt, ví dụ:

        - Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đưa ra niên đại giới hạn từ năm 1228 đến năm 1231;

        - Lịch sử Việt Nam, tập 1 , của ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, dè dặt đặt dấu hỏi khi nêu năm sinh 1213(?);

        - Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1 , của Trần Văn Giáp, ghi năm sinh 1226;

        - Binh thư yếu lược, phụ Hổ trướng khu cơ, bản dịch của Viện Sử học, phần Tiểu sử ghi Trần Quốc Tuấn sinh khoảng từ năm 1226 đến năm 1229;

        - Kế sách giữ nước thời Lý-Trần của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chép Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228;

        - Trần Hưng Đạo, Tiểu sử, Sự nghiệp, Tác phẩm, Nguyễn Khắc Thuần chủ biên, đã ước đoán Trần Quốc Tuấn sinh vào khoảng dăm năm sau khi triều Trần dựng nghiệp, tức khoảng 1231;

        - Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam cho là năm 1229;

        - Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, ghi năm 1226...

        Và rất nhiều các bài nghiên cứu trên các tạp chí, kỷ yếu khoa học ghi chép một cách không thống nhất về năm sinh của Trần Quốc Tuấn.

        Một số tài liệu nêu trên chứng tỏ tính phức tạp của vấn đề tuy nhiên nó cũng chứng tỏ vấn đề đó đã được rất nhiều người quan tâm đến. Vậy, Trần Quốc Tuấn sinh năm nào? Giả thiết nào đáng tin cậy hơn cả?

        Trước hết, trong số các niên đại nêu trên, chúng ta có thể dễ dàng loại trừ hai niên đại 1213 và 1252. Sách ĐVSKTT cho biết, Trần Liễu (bố Trần Quốc Tuấn) sinh năm 1211 và thọ 41 tuổi; gia phả họ Trần ở làng Nhị Khê cho rằng, Trần Liễu sinh năm 1213. Như vậy, chúng ta không thể lấy năm 1213 là năm sinh của Trần Quốc Tuấn được. Sử cũ phản ánh rõ năm 1257, trước cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đã ra lệnh cho Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế chỉ huy các tướng đem quân thủy bộ ngăn giặc ở biên giới phía Bắc, như vậy năm sinh của ông là 1252 cũng hoàn toàn không chính xác. Còn lại trong các niên đại từ 1226 đến 1231 thì năm nào là hợp lý nhất?

----------------------------
        61. Tạp chí LSQS số 5-2000.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 10:55:10 pm »


        Nếu nói rằng, Trần Quốc Tuấn sinh năm 1226, lúc cha ông-Trần Liễu 16 tuổi (theo ĐVSKTT); Trần Quốc Tuấn lấy vợ năm 1251, lúc 26 tuổi và ông thọ 75 tuổi thì năm sinh đó không hợp lý. Bởi vì việc lập gia đình so với vương vị của ông và nhất là với phong tục tập quán đương thời rõ ràng là quá muộn (Trần Liễu lúc 14 tuổi đã lấy Thuận Thiên công chúa), trừ phi chúng ta cho rằng do cuộc tư ước thầm lén của Trần Quốc Tuấn với Thiên Thành công chúa nên ông phải chờ đợi lâu, thậm chí như trong sử chép là phải vượt qua lễ giáo? Mặt khác, theo Trần gia ngọc phả căn cứ vào năm sinh, tuổi của Trần Liễu và bà Nguyệt (vợ kế của Trần Liễu) thì Trần Quốc Tuấn phải sinh muộn hơn. Cái mốc 1226 có thể là do các tác giả nói trên đã căn cứ vào năm sinh của Trần Liễu (1211) làm cơ sở để ước tính khả năng sinh con sớm nhất lúc 16 tuổi âm của nam giới: 1211+15 (tức 16 tuổi âm lịch) = 1226 và coi đó là năm sinh của Trần Quốc Tuấn. Như vậy là không hợp lý và chúng ta có thể loại trừ năm sinh 1226 và một vài năm sau đó.

        Sử Chép Về Thiên Thành công chúa là em gái vua Trần Thái Tông, con Thượng hoàng Trần Thừa (1184-1234). Như vậy bà Thiên Thành chỉ có thể sinh muộn nhất vào năm 1234. Bà lấy Trần Quốc Tuấn năm Tân Hợi (1251), khi đó ít nhất phải là 18 tuổi. Nếu cho rằng, lúc này bà dưới tuổi 20, thì bà sinh vào khoảng trong các năm từ 1231-1233. Giả định Trần Quốc Tuấn bằng tuổi vợ thì ta có mốc giới hạn muộn nhất về năm sinh của ông là 1233.

        Hiện nay, về năm sinh và năm mất của bà Nguyệt (mẹ Trần Quốc Tuấn) cũng không chính xác, nhiều tài liệu phản ánh rất khác nhau, do đó cũng ảnh hưởng đến việc đoán định năm sinh của Trần Quốc Tuấn. Nếu giả thiết cho rằng, Trần Quốc Tuấn lấy vợ lúc 19 - 20 tuổi thì năm sinh của ông có thể là 1231 hoặc 1232.

        Sách Tuệ trung thượng sĩ hành trạng cho biết, người anh trai của Trần Quốc Tuấn là Hưng Ninh Vương Trần Tung mất năm Trùng Hưng thứ 7, tức năm 1291, thọ 62 tuổi (tuổi âm lịch). Vậy Trần Tung phải sinh vào năm 1230. Nếu đúng như vậy, thì sớm nhất Trần Quốc Tuấn chỉ có thể sinh vào các năm 1231 hoặc 1232. Ngọc phả Trần Quốc đại vương nói rằng, Trần Quốc Trấn em cùng cha khác mẹ của Trần Quốc Tuấn sinh ngày 3 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1232). Chính vì thế, chúng ta có thể coi những thông tin về năm sinh 1231 là hợp lý hơn cả. Cả ba cuốn Trần triều thế phả hành trạng (ký hiệu A 663), Dược sơn kỷ tích (A 709) và Trần vương truyện khảo (A 3095) đều thống nhất ghi ngày sinh của ông là mồng 10 tháng Chạp, tuy khác nhau về năm. Nếu ngày tháng ấy chính xác thì đó là ngày 10 tháng Chạp năm Canh Dần, tính ra dương lịch là ngày 14-1-1231.

        Trong điều kiện tư liệu hết sức hiếm hoi, lại trong tình trạng "tam sao thất bản", chúng ta rất khó đoán định một cách chính xác năm sinh của vị anh hùng dân tộc. Theo cách lý giải trên, chúng tôi cho rằng, có thể lấy các năm 1231 hoặc 1232 làm năm sinh của Trần Quốc Tuấn là tương đối hợp lý. Trong hai năm đó, chúng tôi đề nghị lấy năm 1231 là năm sinh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nếu quả đúng như vậy thì ông lấy vợ năm 20 tuổi (1251), làm Tiết chế chỉ huy các tướng năm 26 tuổi (1257), được phong Quốc công tiết chế (Tổng chỉ huy quân đội) lúc 52 tuổi (1283) và hưởng thọ 69 tuổi, tức 70 tuổi âm lịch )1231-1300). Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi tư liệu chính xác thì việc đoán định năm sinh nói trên vẫn chỉ là một giả thiết để tham khảo mà thôi.

        Nếu Trần Quốc Tuấn ra đời năm 1231 hoặc 1232 thì cũng có nghĩa là ông sinh ra trong bối cảnh quyền lực của dòng họ tông thất Trần đã ổn định. Là con một quý tộc tông thất (An Sinh Vương), Trần Quốc Tuấn hẳn được thừa hưởng nhiều ưu đãi cũng như sự tôn vinh mà vương triều Trần và xã hội đã dành cho dòng dõi hoàng tộc. Tuy nhiên, tuổi thơ của vị anh hùng đâu được hoàn toàn viên mãn, bởi Trần Quốc Tuấn đã sớm mồ côi mẹ. Ông được cô ruột là Thụy Bà công chúa-chị ruột Thiên Thành công chúa, nhận làm con nuôi và sau này việc hôn nhân giữa Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành cũng do Thụy Bà xếp đặt, lo liệu. Cuộc đời ông qua một lần gia biến, ba lần quốc nạn, nhưng ông đều đã vượt qua và lập công xuất sắc, nổi tiếng là bậc hiền lương anh hùng.

        Tuy công lao và sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn rất vẻ vang, nhưng cuộc đời ông đã phải trải qua rất nhiều gian nan mà sử sách ngày nay chưa thể phản ánh hết. Cũng như vậy, năm sinh của vị anh hùng vẫn đang là một bài toán khó giải, chưa thể tìm ra một đáp số chuẩn xác. Chúng tôi rất mong đợi những phát hiện mới và hợp lý hơn của các đồng nghiệp quan tâm đến vấn đề này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM