Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:56:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47055 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 08:18:18 pm »


        - Tên sách: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2006
        - Số hóa: ptlinh, meofmaths, luc_thao.

        CHỈ ĐẠO CÔNG TRÌNH:

                                     THỦ TRƯỞNG VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM

        TỔ CHỨC BẢN THẢO:

                                   - TRẦN NGỌC LONG

                                   - PHAN SỸ PHÚC

                                   - ĐỖ MẠNH CƯƠNG

                                   - NGUYỄN HỒNG DUNG

                                   - NGUYỄN HÀ HẢI

                                   - NGUYỄN ĐĂNG TIẾN


CÙNG BẠN ĐỌC

        Năm 1989, trước yêu cầu đổi mới trong nghiên cứu lịch sử và ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc, bắt đầu từ số 37(3-1989), Tạp chí Lịch sử quân sự (LSQS) mở chuyên mục “Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ”. Từ đó đến nay, cứ đều đặn trên các số, với chuyên mục này, Tạp chí đã đăng tải hơn 200 bài viết liên quan đến các vấn đề lịch sử chiến tranh, lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, lịch sử quân sự thế giới, lịch sử tổ chức quân sự qua các thời kỳ từ cổ đại đến hiện đại; về Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh…”

        Đúng như tên gọi của nó, chuyên mục này đã góp phần trả lại sự thật hoặc làm sáng tỏ thêm một số sự kiện và nhân vật liên quan đến LSQS nói riêng, lịch sử nói chung. Ngay từ khi ra đời, chuyên mục “Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ” đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả. Từ gợi ý của nhiều nhà khoa học và đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc, Ban biên tập Tạp chí LSQS đã tổ chức tuyển chọn trong số các bài viết đã đăng trên Tạp chí thành cuốn sách “Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ” (Tuyển chọn từ Tạp chí Lịch sử quân sự).

        Cuốn sách giúp người đọc tiếp cận sự thật của một số sự kiện, nhân vật mà lâu nay, vì nhiều lý do, được phản ánh không đúng hoặc thiếu chính xác trên sách, báo và diễn đàn khoa học. Do số lượng bài viết của chuyên mục này rất lớn, đề cập tới nhiều vấn đề của LSQS và lịch sử nói chung, trong khi dung lượng cuốn sách lại có hạn, nên trên từng lĩnh vực chúng tôi chỉ tuyển chọn một số bài. Những bài có nội dung trùng lặp, những vấn đề sau khi được nêu trên Tạp chí đã được các cơ quan hữu quan, các tác giả tiếp thu, “sửa lại cho đúng” hay những vấn đề mà tính khoa học và tính thực tiễn còn hạn chế, đều không tuyển chọn đưa vào cuốn sách này.

        Để tiện cho việc theo dõi của độc giả, cuốn sách được sắp xếp nội dung theo trình tự thời gian: Một số vấn đề  “sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ” trước Cách mạng Tháng Tám 1945; trong kháng chiến chống thực dân Pháp; trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và một số vấn đề khác.

        Một số bài được viết cách đây gần 20 năm, văn phong sử học và phương pháp nghiên cứu, tiếp cận đến nay có thể có nội dung đã trở nên bất cập, song với tinh thần tôn trọng các tác giả; đồng thời để bảo đảm tính lịch sử nên nội dung các bài viết được tuyển chọn về cơ bản đều được giữ nguyên.

        Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng có điều kiện để nhìn nhận lại và tiếp cận tới sự thật lịch sử một cách khách quan, thấu đáo hơn; và “Lịch sử chỉ diễn ra một lần-viết sử phải viết nhiều lần”. Mục đích của những người tham gia biên soạn cuốn sách này cũng là nhằm góp phần trả lại và làm sáng tỏ hơn sự chân thực cho lịch sử.

        Việc tuyển chọn và biên soạn 88 trong tổng số gần 200 bài viết liên quan chuyên mục "Sửa lại cho đúng - bàn thêm cho rõ" đăng trên Tạp chí LSQS là một công việc khó khăn; đòi hỏi phải có sự cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng. Mặc dù những người thực hiện đã có nhiều cố gắng song chắc chắn cuốn “Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ” (Tuyển chọn từ Tạp chí Lịch sử quân sự) sẽ không tránh khỏi những hạn chế, sai sót. Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiên của bạn đọc để có thể sửa chữa, bổ sung cho lần tái bản sau.


VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM       
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:55:29 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 08:51:17 pm »

        
PHẦN I



VỀ VỊ TRÍ CỬA SÔNG HÁT NƠI HAI BÀ TRƯNG PHẤT CỜ KHỞI NGHĨA1

NGUYỄN QUANG NGỌC        

        Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa toàn dân vừa mang tính chất quy tụ, vừa mang tính chất toả rộng. Tại cửa sông Hát, Hai Bà Trưng bí mật tập hợp nghĩa quân nòng cốt mở hội thề rồi tiến đánh Đô úy trị (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), tiến xuống Tây Vu, đánh chiếm thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và mở cuộc tiến công quyết định giải phóng Luy Lâu (Lũng Khê, Thuận Thành, Hà Bắc) đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Hán ở Giao Chỉ. Mặt khác, do có sự chuẩn bị từ trước, nhân dân các địa phương đều đồng loạt nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hát Môn, giải phóng quê hương, làm cho cuộc khởi nghĩa thành công rất nhanh gọn. Do đó, nhắc đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, điều quan trọng trước tiên phải nói đến là cửa sông Hát. Đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm nhưng quả thực cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào xác định và mô tả tương đối cụ thể về một vùng cửa sông Hát, nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Bài viết này được hình thành trên cơ sở tư liệu khảo sát thực địa cách đây vừa đúng 10 năm, hẳn là không khỏi lạc hậu so với những thành tựu nghiên cứu mới, song chúng tôi vẫn xin mạnh dạn được trình bày.

        Sông Hát thực ra chỉ là một tên gọi khác của sông Đáy. Sách Đại Nam nhất thống chí chép “Sông Bạch Hạc: ở cách huyện Bạch Hạc 22 dặm về phía Tây, hoặc gọi là ngã ba do các sông Thao, Đà, Lô hợp dòng mà thành…lại chảy về phía Đông qua địa giới hai huyện Tiên Phong và Phúc Thọ gồm 28 dặm, đến bến Phù Nhi, lại chảy 24 dặm đến phía Nam xã Hát Môn, thì chia ra một chi làm sông Hát”2... “Sông Hát ở cách huyện Phúc Thọ 17 dặm về phía Đông, do hạ lưu sông Bạch Hạc chảy vào, cửa sông nông, về mùa đông và mùa xuân có thể lội qua được, về mùa hạ và mùa thu, nước lũ đổ đến, nước từ sông này chảy về phía Nam qua các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng và Yên Sơn, chảy quanh co 54 dặm đến địa phận huyện Chương Đức tỉnh Hà Nội thì hợp với sông Tích”3.

        Như thế, sông Hát (hay sông Đáy) nhận nước từ sông Hồng chảy qua địa bàn ba tỉnh Hà Tây, Nam Hà và Ninh Bình rồi đổ ra cửa biển Thần Phù.

        Sách Thủy kinh chú-cuốn sách ra đời cách đây khoảng 1.500 năm, khi mô tả đất Giao Chỉ cũng chỉ bám vào hệ thống sông Diệp Du (tức sông Hồng) và cho biết các nhánh sông khác tương đương với các sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Hát, khi ấy là những dòng sông lớn và là mạch máu giao thông quan trọng ở Giao Chỉ. Theo dòng sông Hát, người ta có thể đi từ Mê Linh qua Chu Diên và vào tận Cửu Chân (Thanh Hoá). Sông Hát trong thực tế là đường giao thông chính, cổ nhất và quan trọng nhất nối liền Giao Chỉ với Cửu Chân.

        Sông Hát, nơi kết tinh của nhiều huyền thoại mà bộ địa lý học lịch sử đầu tiên của nước ta đã không thể không nhắc đến “Hát Giang ở huyện Phúc Lộc. Tương truyền sông Hát phát nguyên từ Giang Hán, trong sông có cây chiên đàn cao hơn 10 trượng; lâu năm cây già, rễ cây xuyên thông với sông Giang Hán, cá anh vũ đi theo đấy về phía Nam. Các triều bắt cống cá ấy để cúng tế”4.

        Sông Hát cũng đã nhiều lần được tô đẹp bằng những áng thơ văn khiến cho người đọc khó lẫn, khó quên. Phạm Đình Hổ, cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã từng đứng trên đỉnh núi Viễn Sơn (Sơn Tây) mà nhìn "sông Hát Giang vòng quanh phía Đông như một dải lụa trắng, lại vòng từ phía Bắc ra phía Đông, nước chảy uốn éo quanh co. Lác đác như lá tre điểm xuyết trên tấm lụa, ấy là những chiếc thuyền đi trên mặt sông"5. Và sông Hát sống mãi với lịch sử đất nước bởi vì nơi đây là nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nơi chứng kiến những kỳ tích anh hùng của dân tộc cách ngày nay gần 2.000 năm.

        Cửa sông Hát bây giờ là nơi giáp giới giữa Trung Châu và Vân Nam cách Hát Môn 3 km về phía Đông Bắc. Đây là cửa sông mới đào vào cuối thế kỷ XIX. Theo trí nhớ của nhân dân địa phương và theo tài liệu khảo sát thực địa của một số nhà nghiên cứu đã công bố thì cửa sông Hát là cống Ba Xuân thuộc thôn Vĩnh Thọ xã Vân Phúc, cách đền Hát Môn 5 km về phía Tây Bắc. Dòng nước từ cống Ba Xuân chảy qua vùng bãi đất mới hình thành của Vân Nam qua Hát Môn. Chắc chắn cửa sông này cũng được hình thành muộn và không có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Vậy cửa sông Hát thời kỳ Hai Bà Trưng (hay có liên quan đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng) ở đâu?

        Sông Hồng vốn là một dòng sông có lưu lượng nước rất lớn và có độ dốc cao, nước chảy xiết. Mỗi mùa mưa lũ, dòng nước lại làm thay đổi địa hình hai bên bờ sông, thậm chí có làng trước mùa mưa lũ đang đông vui mà qua mùa mưa lũ đã thành lòng sông. Trái lại có chỗ vốn là lòng sông mà chỉ sau một vài năm đổi dời lại nổi lên thành bãi. Nhiều năm trước đây chúng tôi có dịp đi dọc theo bờ sông Hồng từ huyện lỵ Phúc Thọ xuôi xuống đến xã Liên Hà huyện Đan Phượng để tìm hiểu về tình hình tự nhiên, xã hội, các di tích lịch sử, địa danh, tình hình di dịch dân cư và vấn đề hình thành làng xã trên một đoạn dọc theo bờ sông Hồng dài 15 km và chúng tôi nhận thấy:

        1. Về địa danh các làng xã kéo thẳng từ Cẩm Đình (Phúc Thọ) xuống đến Liên Hà (Đan Phượng) hầu hết đều có các từ châu; hà, hồng, sa: thí dụ Trung Châu, Phú Châu, Nam Châu, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Nại Sa, Sa Khúc…Sở dĩ người ta đặt tên như vậy vì trước đó khu vực này là lòng sông hoặc bãi bồi. Nếu khảo sát lui vào phía trong đê thì hầu như không có các địa danh được gọi theo kiểu này. Nhân dân trong vùng phân biệt rất rõ ràng địa vực “trong đồng", "ngoài bãi"; xóm “trong đồng", xóm "trại"...

        2. Về chất đất ở phía bên trong đường ranh giới chúng tôi vừa nêu ở trên là đất thịt hay đất cát pha, còn phía ngoài thì hoàn toàn là đất phù sa, cát bồi.

        3. Các truyền thuyết về quá trình khai hoang lập làng cũng như các giấy tờ còn lại của các làng, các họ ở vùng phía ngoài đường ranh giới trên đều xác nhận: hầu hết họ có gốc ở bên kia sông, một số ít thì ở phía trong đường ranh giới chuyển ra.

        4. Hầu hết các đền miếu ở phía ngoài đường ranh giới đều mới lập và sao thần tích từ quê cũ ở bên kia sông hay ở phía trong đường ranh giới ra thờ vọng.

        Kết hợp tất cả các nguồn tư liệu có được, chúng tôi có thể xác định được ranh giới giữa vùng đất đã ổn định với vùng bãi bồi và qua đó có thể xác định được đã có một thời từ cách đây rất xa bờ sông Hồng chính là đường ranh giới này và đường ranh giới đó vẫn ổn định cho đến ngày nay.

-------------------
       1. Tạp chí LSQS số 4-1993. Tên các đơn vị hành chính trong bài viết vẫn được giữ theo thời điểm năm 1993 (Ban Biên soạn).

        2, 3. Đại Nam nhất thống chí, tập 4. NXB KHXH, Hà Nội. 1969, tr. 208, 209.

        4. Nguyễn Trãi toàn tập, NXB KHXH, Hà Nội, 1976, tr. 223.

        5. Phạm Đình Hổ. Vũ trung tùy bút. NXB Trẻ, Tp. HCM, 1989, tr. 17.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:00:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 08:54:56 pm »


        Điều này hoàn toàn trùng hợp với những di tích và truyền thuyết ở khu vực Hát Môn hiện nay.

        Đền Hát Môn như các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Đại Nam nhất thống chí cũng như tất cả các thần tích, ngọc phả viết về Hai Bà Trưng và tướng lĩnh của Hai Bà đều xác nhận là di tích chính và lâu đời nhất, được lập ra ở cửa sông Hát để thờ Hai Bà ngay từ khi Hai Bà mới mất6. Mặc dù từ khi xây dựng cho đến nay, đền đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhưng qua ký ức dân gian và các di tích, di vật còn lại thì có thể tin được rằng vị trí của đền chưa từng bị thay đổi, di chuyển. Nói một cách khác đền vẫn ở trên vị trí cũ từ khi mới khởi dựng cho đến nay.

        Về kiến trúc, đền Hát Môn không có gì đặc biệt. Phía trong tam quan có nhà tả mạc, hữu mạc, đại bái, nhà thiêu hương, hậu cung. Trong đền có bệ thờ hai cây quéo vì theo truyền thuyết thì Hai Bà khi bị bại trận đã chạy về Hát Môn gặp bà hàng nước và ăn quả quéo quê hương. Miếu thờ bà hàng nước đến nay cũng vẫn còn ở trước cửa đền ngay trên đê Cựu. Nét đặc biệt nhất là ở đền Hát Môn, bài vị Hai Bà Trưng và các đồ thờ đều sơn đen (cũng phải nói thêm là trong đền có một số đồ thờ màu đỏ là do người đời sau mới cung tiến, đấy không phải là đồ thờ gốc). Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Trong đền thờ Bà Trưng, phàm kỳ án và các đồ tự khí hết thảy đều sơn then, tuyệt nhiên không dùng màu đỏ… tương truyền thần mất vì binh khí, nên kiêng màu  đỏ giống máu”7. Như thế ở đền Hát Môn đến nay vẫn còn giữ được phong tục này, kết hợp với các di tích ở địa phương và các sách Hậu Hán thư, Thủy kinh chú, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh… chúng ta có thể tin được rằng Hai Bà Trưng đã hy sinh trong chiến đấu chứ không phải là hai bà "thất thế đành liều với sông" như quan niệm dân gian sau này.

        Ở Hát Môn hiện nay vẫn còn dấu tích con đê cổ và ranh giới trong đồng, ngoài bãi, khu tân dân cư và khu cựu dân cư được phân định rất rõ ràng. Khu cựu dân cư nay là nghĩa trang liệt sĩ, xưa có những chiếc cầu bằng đá, tục truyền đó là bến sông. Xóm phường nằm sát khu cựu dân cư vốn là xóm chài thờ đức thánh Thủy-tương truyền là ông thánh được Hùng Vương phái về trị thủy vùng cửa sông Hát. Dân Hát Môn xưa ở chỗ cựu dân cư (phía trong đê cổ) nhưng sau vì vỡ đê dân làng phải đắp con đê mới lui vào phía trong nên họ mới chuyển vào lập làng ở trong đồng (khu vực gần đền Hát Môn). Tình hình ổn định dần, dân làng kéo nhau ra ở Hát Môn trại và Hát Môn trại trở thành khu vực cư trú chính của dân Hát Môn bây giờ.

        Ở gần đền Hát Môn xưa có ghềnh Triệu là nơi nước chảy dữ dội, rất nguy hiểm với thuyền bè qua lại. Ký ức dân gian về một vùng cửa sông đầy nguy hiểm đó đã khiến người dân Hát Môn liên tưởng đến cái tên làng quê mình: một cửa sông gầm thét? Dấu tích dòng sông cổ chưa bị lấp hết nay vẫn còn ở Hát Môn các đoạn sông cụt và vũng Mắt Rồng rộng hơn chục héc ta, sâu có chỗ đến 3m và chỉ cách cửa đền Hát Môn khoảng 800m.

        Trong khi khảo sát tại địa phương, chúng tôi được ông Hoà (xóm Hát Môn) cho nghiên cứu và sao lại bản đồ của làng vẽ năm 1912 tỉ lệ 1/4.000. Tấm bản đồ này tuy mới vẽ cách đây hơn 80 năm nhưng cũng cung cấp được nhiều thông tin hữu ích về tình hình đất đai và cư dân của Hát Môn xưa.

        Từ những nguồn tư liệu ấy, chúng tôi cho rằng sông Hồng trước đây chảy đến sát cửa đền Hát Môn và chính khu vực cửa đền Hát Môn hiện nay mới là cửa sông Hát có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chắc chắn cái tên Hát Môn là cái tên cổ được dịch nguyên nghĩa từ cửa sông Hát mà ra. Cũng tại cửa đền Hát Môn nay vẫn còn dấu tích Bãi Cát dài và cồn đất cao hình con rùa cổ vươn dài vào gần cửa đền gọi là đồng Mu Rùa, xưa cây cối mọc um tùm-tương truyền là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội thề và xuất trận.

        Thiên Nam ngữ lục, thiên sử ca dân gian thế kỷ XVII, không chỉ cho biết rõ những lý do mục tiêu của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà còn mô tả cảnh quan vị trí của Hát Môn lúc đó:

        “Hát Môn có thế dụng binh

        Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà".

        Hai Bà Trưng đã chọn sông nước Hát Môn làm căn cứ, chọn rừng xanh Hát Môn làm nhà, chọn Bãi Cát dài trên đồng đất Hát Môn làm quảng trường lập đài thề đại hội non sông rồi toả ra giải phóng đất nước...

        Sông sâu Hát Môn từ lâu đã thành đồng bãi xóm làng, rừng xanh Hát Môn thậm chí không còn trong ký ức. Thế nhưng đền Hát Môn-đài kỷ niệm chính của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã gần 2.000 năm vẫn còn đây và mãi mãi còn đây trường tồn cùng đất nước, núi sông này.

------------------
        6. Đại Nam nhất thống chí, Sđd , tr. 222.

            Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. NXB KHXH, Hà Nội, 1983, tr. 147.

            Việt điện u linh. NXB Cửu Long, 1992, tr. 70.

        7. Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr. 222.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 08:58:18 pm »

     
QUÊ HƯƠNG VÀ NGÀY GIỖ CỦA LÝ NAM ĐẾ8

LÊ THÀNH LÂN        

        Trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân ta liên tiếp nổi lên khởi nghĩa chống lại ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc. Đất nước ta như một lò lửa đang nhen nhóm, lúc cháy âm ỉ, lúc bùng lên rực sáng. Cuộc khởi nghĩa trước chuẩn bị tiền đề, khơi nguồn cho cuộc khởi nghĩa sau nổ ra mạnh mẽ hơn, rộng khắp hơn. Lòng yêu nước căm thù giặc của thế hệ này hun đúc truyền lại cho thế hệ sau. Nhiều lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này là con em của các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa trước.

        Trong hàng ngàn cuộc nổi dậy có hai cuộc khởi nghĩa đã thành công và giành được độc lập dân tộc trong một thời gian ngắn, nhưng ý nghĩa rất to lớn, dư âm rất vang dội. Đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thế kỷ thứ I và cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thế kỷ thứ VI.

        Sau 4 năm độc lập dưới thời Hai Bà Trưng (40-43) là 5 thế kỷ bị Bắc thuộc, rồi mới đến thời Tiền Lý do Lý Nam Đế khai sáng, tồn tại được 59 năm, từ năm 544 đến 602. Tiếp theo đó lại là hơn 300 năm Bắc thuộc nữa mới tới thời tự chủ, bắt đầu từ họ Khúc (905-938). Cũng có thể tính rằng, phải mất gần 340 năm mới tới kỷ nguyên độc lập, mở đầu bằng việc Ngô Quyền xưng Vương vào năm 939.

        Sau 3 năm vừa khởi nghĩa giành chính quyền, vừa tiến hành hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương (541-543), Lý Bí xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên làm vua được 5 năm (544-548). Thực ra ông chỉ có một năm để xây dựng chính quyền, còn 4 năm sau là kháng chiến chống xâm lược.

        Ba nhà vua tiếp theo của triều Tiền Lý là Triệu Quang Phục-Triệu Việt Vương (Dạ Trạch Vương, 548-571), Lý Thiên Bảo-Đào Lang Vương (548-555) và Lý Phật Tử-Hậu Lý Nam Đế 555-602). Thời gian làm vua của các vị vua này có dài hơn, nhưng không quản lý được cả nước, chỉ cát cứ trên những vùng đất không rộng và luôn luôn phải kháng chiến, có lúc lại lục đục đánh nhau.

        Việc nghiên cứu về thời Tiền Lý cho đến nay còn chưa được nhiều. Lúc đó ta chưa thể có sử sách, ký ức dân gian bị hạn chế bởi hoàn cảnh trên, khiến cho việc nghiên cứu của chúng ta ngày nay gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc lúc đó vào thời Nam-Bắc Triều, rất rối ren; các cuốn sử của Trung Quốc như Lương thư, Trần thư có ghi chép được đôi điều về tình hình nước ta, nhưng cũng rất sơ lược.

        Đầu kỷ nguyên độc lập, chắc sử sách của các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê chưa chép được bao nhiêu; đến triều Lý, Trần thì đã chép được nhiều bản. Đáng tiếc là phần lớn các bộ cổ sử đó đã bị thất truyền, chủ yếu do sự hủy hoại và vơ vét của giặc Minh trong 20 năm thống trị, từ 1407 đến 1427, chúng thực hiện chính sách “dù một mảnh giấy, một nét chữ, cũng phải hủy diệt hết”. Chỉ còn cuốn Việt sử lược được viết vào đời Trần, mãi đến triều Thanh mới được in ra ở Trung Quốc. Sang triều Lê, khi viết sử, Ngô Sĩ Liên phải than rằng: "Sách vở cả nước thành đống tro tàn". Tình trạng thiếu tư liệu đó khiến cho khi viết về quá khứ xa xôi của dân tộc, nhiều chỗ không được rõ, có đôi chỗ thiếu nhất quán và không phải không có chỗ sai. Để bổ sung cho chính sử nhiều khi phải tham khảo thêm dã sử như truyền thuyết dân gian, ngọc phả, thần phả. Trong một chừng mực nào đấy, có nhẽ bây giờ chúng ta vẫn phải làm như vậy. Nhiều thế hệ các nhà sử học đã phát hiện và giải quyết được nhiều vấn đề nhưng vẫn còn những vấn đề đã được đặt ra nhưng chưa được lý giải một cách trọn vẹn và triệt để. Ở đây, chúng tôi muốn bàn về ngày giỗ và quê hương của Lý Nam Đế.

        Ngày nay, chúng ta chỉ còn biết tên Lý Nam Đế qua thư tịch cổ bằng chữ Hán. Chữ này có hai âm là Bôn và Bí. Lúc đầu khi phiên ra quốc ngữ, các nhà sử học dùng âm Bôn, sau này, do thấy các địa phương thờ ông đều gọi quả bí là quả bầu, có ý kiêng tên huý của ông, nên các nhà sử học đi đến khẳng định tên ông là Lý Bí 9. Trong bài viết, chúng tôi dùng chữ Bí, chỉ những chỗ trích dẫn, chúng tôi để nguyên chữ Bôn, nếu nguyên tác viết như vậy.

------------------
       8. Tạp chí LSQS số 11-1988. Tên các đơn vị hành chính trong bài giữ theo thời điểm năm 1988.

        9. Nguyễn Lương Bích. Những người trẻ làm nên lịch sử, NXB Thanh niên, 1974. tr. 149 và Lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 1971, tr. 113.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 08:59:52 pm »


        Ngày giỗ của Lý Bí.

        Theo Đại Việt sử ký toàn thư10, ông mất ngày Tân Hợi tháng Ba năm Mậu Thìn. Dùng cuốn Lịch và niên biểu 2000 năm11 do chúng tôi soạn mà đổi thì là ngày 20 tháng Ba năm Mậu Thìn, theo dương lịch là ngày 13 tháng 4 năm 548. Như vậy cũng khớp với Trần thư mà Lịch sử Việt Nam12 đã dẫn là ông mất vào tháng 3 năm Thái Thanh thứ 2 đời Lương Vũ Đế.

        Trước đây, khi soạn Lịch Văn hoá tổng hợp 1987-1990, chúng tôi đã dựa vào bài Di tích Lý Nam Đế của Minh Tú công bố sai rằng ông mất ngày mùng 2 tháng Năm Mậu Thìn, tức là ngày 24 tháng 5 năm 548. Bài đó dựa vào ngọc phả ở đình Giang Xá xã Đức Giang huyện Hoài Đức-tức là dựa vào dã sử, không thể xem là chính xác bằng chính sử. Vậy, nay chúng tôi xin đính chính lại.

        Vấn đề quê hương của Lý Bí.

        Việc xác định quê hương của ông có nhiều khó khăn, đã từng có thảo luận, đến nay chưa dứt điểm.

        Lúc đầu, phần lớn các nhà sử học đều coi quê ông là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện nay. Về sau, bắt đầu từ năm 1958, Đào Duy Anh viết trong cuốn Lịch sử Việt Nam rằng quê Lý Bí ở Sơn Tây. Năm 1964, phát triển ý này, ông đã bàn sâu hơn trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời. Tiếp theo là Đỗ Đức Hùng, năm 1980, trong bài Về tên đất Thái Bình-quê hương Lý Bôn13; năm 1983, Nguyễn Vinh Phúc trong bài Quê hương Lý Bí14 đã bàn một cách chi tiết theo hướng quê Lý Bí ở Sơn Tây. Gần đây, năm 1986, lại có bài của Phạm Thị Nết trong cuốn Danh nhân Thái Bình15 quay trở về với ý kiến coi quê ông ở tỉnh Thái Bình.

        Vậy là hình thành hai khuynh hướng cơ bản khác nhau: khuynh hướng 1 (KH1) coi quê Lý Bí ở tỉnh Thái Bình hiện nay; khuynh hướng 2 (KH2) coi quê ông ở tỉnh Sơn Tây cũ, nay là các huyện ngoại thành ở phía tây Hà Nội. Chúng tôi ủng hộ KH2.

        Quê hương Lý Bí không thể là tỉnh Thái Bình.

        Chúng tôi thấy lập luận của Phạm Thị Nết-đại diện cho KH1 có 4 nhược điểm sau đây:

        Một là, có thể Phạm Thị Nết chưa tham khảo hết các tài liệu có bàn đến vấn đề này. Chúng tôi không thấy chị dẫn ra cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh, cũng như bài Quê hương Lý Bí của Nguyễn Vinh Phúc. Có thể vì thế mà chị chưa nắm hết các lập luận chủ yếu của KH2.

        Hai là, khi Phạm Thị Nết viết rằng đa số các nhà nghiên cứu theo KH1, chị đã không chú ý đến một thực tế là một số lớn trong số đó đã thay đổi ý kiến, chẳng hạn như Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn (cùng với Phan Huy Lê và Lương Ninh) khi viết Lịch sử Việt Nam vào năm 1983 đã không còn theo KH1 như khi viết Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, năm 196316; cũng như Trương Hữu Quýnh (cùng với Phan Đại Doãn) khi viết Danh nhân lịch sử Việt Nam năm 198717, không còn theo KH1 như khi viết Lịch sử Việt Nam, năm 197018. Rất có thể các nhà nghiên cứu khác cũng đã bị thuyết phục mà thay đổi ý kiến, nhưng chưa có dịp biểu lộ ý kiến mới của mình.

        Ba là, Phạm Thị Nết có phê phán một chỗ trích dẫn Việt sử thông giám cương mục19 chưa thật chính xác của Đỗ Đức Hùng, nhưng theo chúng tôi, lỗi đó không quan trọng; điều quan trọng là chị đã không bàn thẳng vào các luận cứ cơ bản của KH2 mà chúng tôi nêu lại dưới đây.

------------------
        8. Tạp chí LSQS số 11-1988. Tên các đơn vị hành chính trong bài giữ theo thời điểm năm 1988.

        9. Nguyễn Lương Bích. Những người trẻ làm nên lịch sử, NXB Thanh niên, 1974. tr. 149 và Lịch sử Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 1971, tr. 113.

        10. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. NXB KHXH, Hà Nội, 1972, tr. 161.

        11. Lê Thành Lân. Lịch và niên biểu Việt Nam.

        12. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Lịch sử Việt Nam, tập 1. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 291.

        13. Đỗ Đức Hùng. Về tên đất Thái Bình, quê hương Lý Bôn, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 191, 1989, tr. 63-65.

        14. Nguyễn Vinh Phúc. Quê hương Lý Bí, báo Hànội mới, số 4797, ngày 17-7-1983.

        15. Phạm Thị Nết. Vấn đề quê hương Lý Bí và sự nghiệp dựng nước của ông, trong sách Danh nhân Thái Bình, tập 1, Sở VHTT Thái Bình. 1986, tr. 17-41.

        16. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam,tập 1, Hà Nội, 1963, tr. 1 42.

        17. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn. Danh nhân lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1987, tr. 23.

        18. Trương Hữu Quýnh. Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, 1970.

        19. Việt sử thông giám cương mục. Tiền biên, tập 2, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:02:06 pm »


        Để bác lại KH1, những người theo KH2 có hai lập luận cơ bản rất thuyết phục là:

        1. Nguyễn Vinh Phúc viết: "Nếu bảo huyện Thái Bình ở tỉnh Thái Bình ngày nay là quê hương Lý Bí thì e không hợp lý, vì huyện đó sau đổi là huyện Thái Ninh và gần đây là huyện Thái Thụy. Vậy mà đến thế kỷ X, biển vẫn còn vào tận thị xã Thái Bình, nơi có làng Kỳ Bá tức Kỳ Bố hải khẩu (cửa biển Kỳ Bô), chỗ đóng quân của sứ quân Trần Lãm. Ngược lên 4 thế kỷ, vùng Thái Thụy, hằn vẫn còn là biển hoặc bãi lầy, không thể là căn cứ của họ Lý là một họ đã từng 7 đời làm hào trưởng"20.

        2. Đỗ Đức Hùng viết: "Ngọc phả của đình (ở Thái Thụy, Thái Bình) không chép đây là quê Lý Bí mà chỉ kể rằng Lý Bí đi đánh giặc ở Hợp Phố có đi qua đây, cắm sinh từ để đóng quân, nên dân làng thờ"21.

        Khi ngả về KH2 này, Trần Quốc Vượng trong Lịch sử Việt Nam viết: "Hai làng Tử Các và Các Đông ở Thái Thụy, Thái Bình có hai đình thờ Lý Bí, nhưng vùng này chỉ cách biển 2 km, dân mới khai thác chừng vài năm nay, có lẽ thế kỷ VI còn là vùng biển hay vùng lầy. Dân gian cũng không cho đấy là vùng quê Lý Bí"22.

        Với hai luận cứ trên, ta có thể loại trừ khả năng coi quê Lý Bí ở tỉnh Thái Bình hiện nay. Còn để khẳng định quê ông ở các huyện ngoại thành phía tây Hà Nội thì khó hơn một chút, chúng tôi sẽ trình bày khi phân tích các thư tịch cổ.

        Bốn là, khi Phạm Thị Nết viết: "Về đại thể, nguồn thư tịch cổ chỉ cho biết: Lý Bí người Thái Bình thuộc Long Hưng"23, chị đã không phân tích chi tiết để thấy có sự khác nhau trong các thư tịch cổ và cả những mâu thuẫn và sai sót trong đó.

        a. Theo chúng tôi, tài liệu cổ nhất mà nay chúng ta còn có trong tay là Việt điện u linh, ta tạm coi tài liệu này có từ năm 1329, chỉ viết rằng: "Về đời Vũ Đế nhà Lương (nước ta thuộc Lương 502-540) ở huyện Thái Bình thuộc Giao Châu có ông Lý Bôn...”24. Huyện thời đó là một đơn vị hành chính quá lớn mà ta thì muốn biết cụ thể làng xã nào. Ngặt nỗi, xưa từng có hai huyện Thái Bình khiến người đời sau, chẳng hạn bắt đầu từ triều Lê, không rõ huyện Thái Bình nào, vì thế mà nhầm lẫn.

        b. Cuốn sử viết vào năm 1377 là Việt sử lược chỉ viết: "xưa người trong châu là Lý Bí…"25, thực ra không cho ta biết thêm điều gì.

        c. Trải qua bao biến cố, 300 năm sau, vào triều Lê Trung Hưng, mới xuất bản Đại Việt sử ký toàn thư (in năm 1697). Sách đó viết: "Vua họ Lý, huý Bôn, người Thái Bình, phủ Long Hưng"26. Theo đấy thì huyện Thái Bình, quê Lý Bí, thuộc phủ Long Hưng, tức là thuộc đất Thái Bình hiện nay. Có nhẽ bắt đầu từ đấy có sai sót. Dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ điều này.

        d. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: "Tiền Lý Nam Đế họ Lý, tên Bôn, là người làng Thái Bình (quận) Long Hưng"27 là theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng lại cho Thái Bình là làng, có nhẽ như vậy là thêm sai.

        e. Việt sử thông giám cương mục bắt đầu chú ý đến huyện Thái Bình, nhưng vì dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư nên lúng túng và thiếu nhất quán, Việt sử thông giám cương mục chua: "Sử cũ chép Lý Bôn là người Thái Bình, thuộc Long Hưng. Nay xét tên Thái Bình đặt từ năm Vũ Đức thứ 4 (621) triều Đường, tên Long Hưng đặt từ đời Trần (1225-1400). Đời Lương không có tên đất này. Sử cũ chỉ theo đó mà truy gọi thôi. Bây giờ ở xã Tư Đường, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Thái Bình), còn thờ Lý Bí"28.

-------------------
       20. Nguyễn Vinh Phúc. Quê hương Lý Bí, báo Hànộimới, số 4797, ngày 17-7-1983.

        21. Vấn đề quê hương Lý Bí và sự nghiệp dựng nước của ông, Sđd , tr. 17-41.

        22. Lịch sử Việt Nam, Sđd, tr. 285.

        23. Vấn đề quê hương Ly Bí và sự nghiệp dựng nước của ông, Sđd , tr.17-41.

        24. Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1960, tr.17.

        25. Việt sử lược, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960. tr.29.

        26. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 , NXB KHXH, Hà Nội, 1972, tr. 117.

        27. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1. NXB Sử học, Hà Nội. 1960, tr.155.

        28. Việt sử thông giám cương mục. Tiền biên, tập 2, NXB Văn Sử Địa. Hà Nội, 1957, tr.1.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:04:41 pm »

           
        Đoạn này có mấy ý cần nhấn mạnh:

        1. Sử cũ ở đây là Đại Việt sử ký toàn thư.

        2. Thời Lý Bí (503-548) chưa có Thái Bình, mà cũng chưa có Long Hưng.

        3. Tên huyện Thái Bình được đặt vào năm 621, ngay ở thế kỷ sau. Lê Quý Đôn viết trong Vân đài loại ngữ: nhà Đường lên làm vua năm Vũ Đức thứ 5 (622) (vua Cao Tổ), đặt ra An Nam đô hộ phủ, tên An Nam bắt đầu từ đây, gồm có 17 châu, phủ: 1-Giao Châu, thống trị 8 huyện: Tống Bình, Thái Bình, Giao Chỉ... 2-Phong Châu (xưa là Văn Lang)...29. Chú ý là huyện Thái Bình nay thuộc đất tỉnh Sơn Tây, như chúng tôi sẽ phân tích ở dưới.

        4- Đến đời Trần mới đặt quận Long Hưng. Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời viết: "Sử chép rằng nhà Trần (Thái Tông) đổi 24 lộ đời Lý làm 10 lộ, nhưng không chép rõ danh sách các lộ. Trong sử lại thấy chép tên 15 lộ là: Thiên Trường, Long Hưng... Phủ Long Hưng: huyện Ngự Thiên, huyện Duyên Hà, huyện Cổ Lan, huyện Thần Khê"(30). Đại Nam nhất thống chí có nói đến phủ Thái Bình và phân phủ Thái Bình rồi ghi rõ: "Đời Hán là đất Giao Chỉ, đời Lý là hương Thái Bình; đời Trần là lộ An Tiêm, đều là đất phủ Thái Bình cả; thời Minh là huyện Thái Bình lệ vào phủ Trấn Nam"31. Người dịch còn ghi chú phủ Thái Bình đó và phủ Kiến Xương sau thuộc tỉnh Thái Bình.

        Tỉnh Thái Bình được thành lập ở giữa thời Nguyễn: “năm Thành Thái thứ 6 (l894), lấy huyện Đông Quan, Thụy Anh, Quỳnh Côi, Phụ Dực của phủ Thái Bình; ba huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Tiền Hải của phủ Kiến Xương; hai huyện Duyên Hà, Hưng Nhân của phủ Tiên Hưng tỉnh Hưng Yên, đặt làm tỉnh Thái Bình, đổi phủ Thái Bình làm phủ Thái Ninh"32.

        5. Điểm mấu chốt là huyện Thái Bình năm 621 nêu ở điểm 3 khác với phủ Long Hưng hay huyện Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình nêu ở điểm 4.

        Chính Đại Việt sử ký toàn thư sai khi ghép huyện Thái Bình ở điểm 3 với phủ Long Hưng nêu ở điểm 4. Việt sử thông giám cương mục theo đó nên tiếp tục sai và có mâu thuẫn. Bây giờ chúng tôi lập luận để thấy rõ huyện Thái Bình nêu ở điểm 3 lập năm 621 là thuộc tỉnh Sơn Tây xưa hay thuộc các huyện ngoại thành phía tây Hà Nội nay. Có ba ý quan trọng sau đây:

        Ý thứ nhất: Đào Duy Anh đã lập luận rất rõ rằng huyện Thái Bình lập năm 621 này thuộc miền đất tỉnh Sơn Tây. Theo "Dã đàm ký" chép trong Tân Đường thư (nước ta thuộc Đường từ 621) nói rằng An Nam đô hộ phủ (Tống Bình) qua các huyện Giao Chỉ và Thái Bình hơn 200 dặm thì đến Phong Châu33. Ta lần lượt xác định 4 địa danh được nêu ở câu trên:

         - An Nam đô hộ phủ lúc đó là thành Tống Bình, mà Tống Bình ở đời Tuỳ là ở phía nam sông Hồng và sông Đuống (gồm cả Gia Lâm và nội thành Hà Nội nay), về sau nó chỉ nằm ở phía nam sông Hồng (Hà Nội nay), còn nam sông Đuống là huyện Long Biên34.

         - Phong Châu "là tên châu ở đời Tuỳ, Đường, đất huyện Mê Linh đời Hán"35. Nguyên đất Phong Châu, vua Hùng xưa đóng đô ở đấy, đời Lê Quang Thuận đặt tên là Bạch Hạc, lời chua trong Dư địa chí36 của Nguyễn Trài nói rằng: “có cây chiên đàn, chim hạc trắng đậu trên cây, nên đặt tên thế"37. Vậy Phong Châu là đất ngã ba Bạch Hạc (Vĩnh Phú), chỗ sông Lô đổ vào sông Hồng.

         - Huyện Giao Chỉ (thuộc quận Giao Chỉ đời Tuỳ, Đường) ở vào khoảng phía nam sông Hồng, quanh vùng Hoài Đức... Như thế thì quận Giao Chỉ đúng là ở phía tây Hà Nội, trên đường Sơn Tây38. Vậy tạm coi huyện Giao Chỉ là vùng xung quanh huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội nay.

         - Giờ ta thay An Nam đô hộ phủ, Phong Châu, Giao Chỉ bằng Hà Nội; Bạch Hạc, Hoài Đức thì ta thấy vị trí của huyện Thái Bình lập năm 621 phải ở vào khoảng tỉnh Sơn Tây.

----------------------
       29. Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ, tập 1, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1962, tr.173.

        30, 32. Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB KHXH, Hà Nội, 1964, tr. 94, 96, 105, 167.

        31. Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB KHXH, Hà Nội, 1971, tr. 313.

        33 ,34, 35, 38. Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr. 68, 67, 72, 15.

        36. Nguyễn Trãi Toàn tập, NXB KHXH, Hà Nội, 1976, tr. 220.

        37. Đại Nam nhất thống chí, tập 4, NXB KHXH. Hà NỘI, 1971, tr. 183.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:12:05 pm »

       
        Ý thứ hai: Đoạn trích sau đây cũng từ Việt sử thông giám cương mục nói về cuộc đụng độ của hai vị vua triều Tiền Lý vào năm 557 khẳng định huyện Thái Bình này thuộc đất tỉnh Sơn Tây. "Phật Tử kéo quân xuống phía Đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình, 5 lần giáp chiến chưa phân được thua. Quân Phật Tử phải lùi một ít rồi xin hoà. Việt Vương nghĩ Phật Tử là người họ với Lý Bôn trước, không nỡ tuyệt tình, mới lấy châu Quần Thần làm địa giới chia cho Lý Phật Tử ở về phía Tây nước mình. Lý Phật Tử mới đổi sang ở thành Ô Diên”.

        Lời chua: - Thái Bình: Tên đất. Thời bấy giờ Lý Phật Tử từ trong vùng Di Lạo kéo quân xuống phía Đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở đấy, sau cắt chia địa giới ở châu Quần Thần thuộc huyện Từ Liêm, thì Thái Bình phải thuộc Phong Châu xưa, tức là Sơn Tây bây giờ. Có thể khảo thêm Địa lý chí trong tân Đường thư mà lấy làm bằng chứng: "Huyện Thái Bình bị cắt đất ra làm Phong Khê". Lại nói: "Phong Khê thuộc Phong Châu”. Nhưng các sách chép không rõ, nên chưa biết đích xác ở đâu. Hai thôn Đường, Nguyễn thuộc Thái Bình sẽ thấy sau này có lẽ cũng là ở đấy. Còn nếu bảo đây là Thái Bình thuộc Sơn Nam thì không phải39. Vậy Việt sử thông giám cương mục khẳng định Phật Tử và Việt Vương đánh nhau năm 557 tại Thái Bình thuộc tỉnh Sơn Tây. Không lý gì mà huyện Thái Bình quê Lý Bí (503-548) lại thuộc tỉnh Thái Bình. Việt sử thông giám cương mục còn chú thêm rằng hai thôn Đường, Nguyễn thuộc Thái Bình, được nhắc đến ở thế kỷ thứ X, là Thái Bình thuộc Sơn Tây.

        Ý thứ ba: Về hai thôn Đường, Nguyễn đó, Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc đến:

        "Canh Tuất (950)... Tam Kha sai Xương Văn và hai sứ là họ Dương và họ Đỗ đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình"40. Chúng tôi đồng ý với Đỗ Đức Hùng rằng: "Hai thôn Đường Lâm (nay ở thị xã Sơn Tây) và Nam Nguyễn (nay ở Ba Vì) ở sát nhau cách thị xã Sơn Tây ngày nay 5 km dọc theo đường 11A"41. Theo chúng tôi, có thể sau Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha thoán đoạt đã gây bất bình trong họ hàng và nhân dân quê Ngô Quyền là người Đường Lâm và Nam Nguyễn. Nhân dân ở đấy đã nổi lên chống lại Dương Tam Kha, vì thế Tam Kha phải cử quân đi đánh hai thôn đó. Vậy hai thôn Đường, Nguyễn mà sử chép chính là hai thôn Đường Lâm và Nam Nguyễn gọi tắt thuộc huyện Thái Bình tồn tại từ thế kỷ thứ VII thời đường. Thôn Nam Nguyễn nay được gọi là Nam An thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội42.

        “Ất sửu năm thứ 15 (965)... Vua (Ngô Xương Văn) đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, vào đến cõi, đổ thuyền lên bờ đánh, bị nỏ của quân phục bắn trúng, chết”43. Vậy là Ngô Xương Văn đi thuyền theo sông Hồng lên mạn Sơn Tây, cập bến Hà Tân, đổ bộ lên Đường Lâm, Nam Nguyễn.

        Tóm lại, ta chỉ có thể hiểu được quê hương Lý Bí (503-548), trận địa giao tranh giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục (557) và hai thôn Đường, Nguyễn mà hai lần Ngô Xương Văn đến đánh dẹp (950-965), phải cùng một huyện Thái Bình, được lập năm 621-622 đời Đường thuộc ngoại thành phía tây Hà Nội hiện nay (tỉnh Sơn Tây trước đây). Vậy Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng huyện Thái Bình, quê hương Lý Bí là thuộc phủ Long Hưng được lập đời Trần, nay là tỉnh Thái Bình là không hợp với lý lẽ trên.

        Quê Lý Bí là huyện ngoại thành nào của Hà Nội?

        Nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ KH2, nhưng đi vào chi tiết vẫn có khác nhau, chúng tôi xin bình luận tiếp mấy ý sau:

        Một là, vấn đề "hai thôn Đường, Nguyễn" còn có những ý kiến khác nhau. Các nhà nghiên cứu đều nhất trí thôn Đường là Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây. Trần Quốc Vượng cho rằng "Nguyễn là Nguyễn Gia Loan, nơi cát cứ của Nguyễn Khoán, cũng tự xưng là Thái Bình (Nguyễn Gia Loan là tên núi Độc Nhũ hay Biện Sơn ở Vểnh Mô trước thuộc An Lạc, Vĩnh Yên, nay thuộc huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội44). Theo chúng tôi, có nhẽ Trần Quốc Vượng muốn nói đến Vĩnh Lạc thuộc tỉnh Vĩnh Phú hiện nay.  

        Chúng tôi ủng hộ ý kiến của Đỗ Đức Hùng đã nêu ở phần trên rằng Nguyễn là Nam Nguyễn (nay là Nam An thuộc Ba Vì) ngay cạnh Đường Lâm, vì nghĩ rằng cuộc nổi dậy thường nổ ra trên những địa điểm gần nhau và cùng một phía bên sông, ít khi ở hai thôn cách xa nhau và bị ngăn cách bằng một con sông lớn như sông Hồng. Việc Nguyễn Khoán lấy tên là Thái Bình chắc không phải theo địa danh vì sử đã ghi địa danh ông cát cứ là Tam Đái45, vả lại 11 sứ quân kia không ai đặt tên theo địa danh.

---------------------
       39. Việt sử thông giám cương mục. Tiền biên, tập 2, tr. 9.

        40. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Sđd, tr. 149, 151.

        41. Về tên đất Thái Bình, quê hương Lý Bôn, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 191, 1980, tr. 63-65.

        42. Bùi Thiết. Làng xã ngoại thành Hà Nội, NXB Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr. 30.

        43. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 , Sđd , tr.149, 151.

        44. Lịch sử Việt Nam, tập 1 , Sđd, tr. 285.

        45. Những người trẻ làm nên lịch sử, Sđd, tr. 151.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:40 pm »


        Hai là, ở huyện Ba Vì còn có làng Thái Bình thuộc xã Đông Thái, xưa thuộc xã Vật Lại46. Bùi Thiết có nhận xét: "Làng Thái Bình là một làng cổ, tên gọi này gợi cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm có phải đây là đất Thái Bình, quê hương của Lý Bôn thế kỷ thứ VI"47.

        Chúng tôi không tin vào điều này lắm, vì đây chỉ là một làng, chưa phải là một huyện như Việt điện u linh đã viết mà năm 621 nhà Đường đặt ra, thuộc Giao Châu là một trong 17 châu phủ48, huyện này lại phải chứa Đường Lâm, Nam Nguyễn.

        Chúng tôi còn tìm thấy trong Từ điển thôn xã Việt Nam do Ngô Vi Liễn soạn năm 1924 có huyện Thái Bình thuộc phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông49, nhưng vì Ứng Hoà ở phía nam của Hà Nội, không khớp với những lập luận trên, nên chúng tôi loại trừ ngay, không khảo cứu kỹ về lai lịch của huyện này.

        Ba là, cần bàn kỹ xem huyện Thái Bình đó là vùng nào ở ngoại thành phía tây Hà Nội.

        1. Kết luận của Đỗ Đức Hùng là: ”Giới hạn huyện Thái Bình thuộc vùng đất Giao Châu xưa (thế kỷ VI) nay (1980) là đất các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất và Ba Vì (tỉnh Hà Sơn Bình). Đây là miền đất được các nhà nghiên cứu coi là miền đất cổ, dân cư đã sinh tụ đông đúc từ lâu đời, là miền đất trung tâm của đất nước ta xưa”50. Theo những quy định gần đây nhất về đơn vị hành chính, thì miền đất Đỗ Đức Hùng xác định có lẽ thuộc huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức của Hà Nội cùng huyện Quốc Oai của Hà Sơn Bình nay.

        Liệu có thể thu hẹp phạm vi này lại được không?

        2. Nguyễn Vinh Phúc muốn giải quyết vấn đề đó ông cho rằng: Huyện Hoài Đức có tới năm làng thờ vị anh hùng này: Đại Tự (làng Thía), Lưu Xá (Chồi Lựu), Giang Xá (Chồi Giang), Di Trạch (làng ải), Miêu Nha (làng Ngà, nay thuộc Từ Liêm). Ở huyện Đan Phượng có hai nơi thờ Lý Bí: Phương Lang nội và Phương Lang ngoại. Vậy muốn tìm quê hương vị anh hùng này phải hướng về khu vực Đan Phượng, Hoài Đức. Đó là điều hợp lý hơn cả51.

        Chúng tôi đã đi tìm kiếm theo hướng đó, nhưng thật bất ngờ, kết quả là ngược lại.

        3. Khi về Miêu Nha (làng Ngà) xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, ở đấy có đình thờ Lý Nam Đế, chúng tôi được nhân dân địa phương cho biết: đây không phải là quê hương ông mà chỉ là nơi ông đóng quân và đánh giặc.

        Thần phả thôn Di Trạch (xưa là Di Ải, tên nôm là làng Ải), xã Di Trạch, huyện Hoài Đức52, thôn này cũng có đình thờ Lý Nam Đế, cũng ghi rằng quê ông ở Thái Bình, Long Hưng, tức là không phải ở Di Trạch.

        Thần phả làng Giang Xá chồi Giang), xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, nơi thờ Lý Nam Đế mà Minh Tú đã giới thiệu53 cũng không là quê ông.

        Vậy theo cách lập luận ngoại trừ, ta dễ nhận thấy Từ Liêm, Hoài Đức không phải là Thái Bình xưa và cũng không phải là quê hương Lý Bí.

        Chúng tôi còn được biết có năm địa điểm nữa ở Hà Nội có thờ Lý Nam Đế là:

        - Thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức.

        - Thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

        - Thôn Yên Bệ, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

        - Thôn Phương Lang nội, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.

        - Thôn Phương Lang ngoại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.

        Ở Hà Sơn Bình có xã Ngọc Than thuộc huyện Quốc Oai cũng thờ Lý Nam Đế.

        Trong danh sách này có thêm huyện Đan Phượng và huyện Quốc Oai. Tuy chưa có điều kiện đến tất cả các nơi trên, chưa được đọc các thần phả của các làng đó, nhưng bằng trực giác, chúng tôi có phỏng đoán rằng nhân dân các địa phương trên, cũng như thần phả ở đó sẽ không nhận nơi ấy là quê ông mà chỉ biết và nói quê ông ở Thái Bình. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nếu có một nơi nào nhận là quê ông thì đã có người phát hiện và chắc chắn giờ đây chúng ta không còn phải bàn đến. Còn một lý do nữa là phần lớn các thần phả được Nguyễn Bính soạn vào thế kỷ XVI, khi mà tác giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã nhầm rằng quê Lý Bí ở Thái Bình, Long Hưng, nên chắc rằng ông cũng chỉ có thể ghi như vậy.

--------------------
        46, 47. Ngô Vi Liễn. Từ điển thôn xã Việt Nam, 1924, tr. 60-94.

        48. Vân đài loại ngữ, tập 1, Sđd. tr.173.

        49. Ngô Vi Liễn. Từ điển thôn xã Việt Nam, 1924, tr. 15, 60-94.

        50. Về tên đất Thái Bình, quê hương Lý Bôn, Tlđd, tr. 63-65.

        51. Quê hương Lý Bí, Tlđd.

        52. Thần phả thôn Di Trạch, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lưu giữ tại Ban bảo vệ di tích lịch sử thôn.

        53. Minh Tú. Di tích Lý Nam Đế, Báo Nhân Dân số 1 1659, ngày 8-6-1986.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:15:40 pm »


        4. Chúng tôi còn được đọc cuốn Lý triều Trung thần Thẩm Động Quý vương Đại vương ngọc phả của trang Nguyên Xá, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây54 do Hàn Lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Đức nguyên niên. Thần phả nói về Trương Chủng (út Quý) quê ở địa phương được Lý Nam Đế phong làm Tiền tướng quân. Thần phả này cũng viết rằng quê Lý Bí ở Thái Bình, Long Hưng như Đại Việt sử ký toàn thư, nghĩa là cũng công nhận quê Lý Bí ở đó. Ở đây lại thêm huyện Thạch Thất không phải quê Lý Bí.

        Cũng có nhiều triển vọng rằng thần phả các làng có thờ các vị vua khác của triều Tiền Lý cũng như các vị tướng của triều đại này khi nhắc tới Lý Bí hoặc là như một người đồng hương, hoặc là không đồng hương của các vị thần làng cũng sê không nhận Lý Bí quê ở đó, mà chỉ ghi Lý Bí quê ở Thái Bình. Để tiên khảo cứu tiếp, chúng tôi xin liệt kê các địa danh này.

        Có năm nơi thờ Lý Phục Man:

        - Thôn Giá Lụa, xã Yên Sở (Cổ Sở), huyện Hoài Đức. Đây là quê của Lý Phục Man.

        - Thôn Mộc Hoàn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.

        - Thôn Phương Bằng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức.

        - Thôn Tiên Lệ sặt), xã Tiên Yên, huyện Hoài Đức.

        - Thôn Canh Nậu, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất.

        Có một nơi thờ Triệu Túc:

        - Thôn Dịch Vọng Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm.

        Có một nơi thờ các ông Trịnh, Đô, Hộ, Quốc là các tướng của Lý Nam Đế: thôn Đức Thượng, xã Đức Hoà, huyện Hoài Đức.

        Có một nơi thờ Lý Thiên Bảo: thôn Phù Long, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ.

        Có một nơi thờ Đô Bảo, tướng của Triệu Quang Phục: thôn Dịch Vọng Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm.

        Có ba nơi thờ Lý Phật Tử:

        - Thôn Dịch Vọng Hậu, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm.

        - Thôn Dịch Vọng Sở, xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm.

        - Thôn Mai Dịch, xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm.

        Tóm lại, ngoài Trương Chủng được thờ ở Thạch Thất, còn có năm nơi ở Hoài Đức, năm nơi ở Từ Liêm, một nơi ở Thạch Thất, một nơi ở Phúc Thọ có thờ các vị vua hoặc tướng thời Tiền Lý. Chỉ còn huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây là chưa được nhắc tới.

        5. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu mở rộng hơn một chút nữa, khảo cứu đến những nơi thờ Nhã Lang, con của Lý Phật Tử, rất có thể ta cũng thu được thêm những thông tin về triều đại này có liên quan đến quê hương Lý Bí. Chúng tôi thấy có năm nơi thờ Nhã Lang:

        - Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.

        - Thôn Chu Chàng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

        - Thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

        - Thôn Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Ba Vì.

        - Thôn Bằng Lũng, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì.

        6. Thần phả làng Giang Xá55 cho ta biết rằng Lý Bí mồ côi cha lúc 5 tuổi, mồ côi mẹ lúc 7 tuổi, sau làm con nuôi một vị sư khi Lý Bí 13 tuổi, vị sư này về đây tu hành, mang theo cả Lý Bí. Thế là Giang Xá, Hoài Đức trở thành quê hương thứ hai và là đất dấy nghiệp của ông.

        Nếu chi tiết có tính dã sử này đúng, thì có thể góp phần lý giải vì sao tại quê hương ông không có đền thờ ông. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sớm rời quê hương, ông lại chỉ làm vua 5 năm mà chỉ có 1 năm yên hàn, chưa đủ để củng cố chính quyền, triều Tiền Lý không dài, không ổn định, tiếp theo là 300 năm Bắc thuộc. Đó là lý do khiến cho ký ức dân gian về ông không còn gì ở quê hương.

        Nhân đây chúng ta có thể liên hệ đến trường hợp 12 vị tướng của Hai Bà Trưng có quê ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, đã chiến đấu và hy sinh ở những nơi khác, tại đó có đền thờ các vị, nhưng tại quê hương Đường Lâm không còn di tích gì.

        7. Bây giờ chúng ta quay trở lại biện luận một cách chặt chẽ hơn. Trong Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh viết: "Huyện Giao Chỉ-đầu đời Đường, năm 622, tách đất Tống Châu đặt hai huyện Giao Chỉ và Hoài Đức. Năm 627, lấy ba huyện Hoàng Giao, Hoài Đức và Giao Chỉ cho nhập vào huyện Tống Bình và đổi tên huyện Giao Chỉ sang cho châu Nam Từ. Chúng ta có thể đặt huyện Giao Chỉ mới ở đời Đường (huyện Nam Từ cũ) ở phía tây bắc Hà Nội, vào khoảng giữa Hoài Đức và thị xã Sơn Tây"56.

        Huyện Thái Bình đời Tuỳ, Đường so với huyện Giao Chỉ phải xa hơn nữa về phía Tây, tức là phải ở vào khoảng thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì hiện nay.

        Tất cả những phân tích trên đây cho phép chúng tôi tạm rút ra kết luận sau đây:

        Huyện Thái Bình được lập từ thời Tùy, Đường  là quê hương Lý Nam Đế, huyện Thái Bình này nhất thiết phải chứa Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây và huyện Nam Nguyễn (nay là Nam An) thuộc Ba Vì.

        Phạm vi của huyện Thái Bình có nhiều triển vọng là vùng đất của thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì hiện nay, trong một chừng mực nào đó, có thể bao gồm một phần đất huyện Phúc Thọ và huyện Thạch Thất của Hà Nội và một phần đất huyện Quốc Oai của Hà Sơn Bình, nhưng không thể là vùng đất thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức và Từ Liêm.
---------------------
        54. Lý triều Trung thần Thẩm Động Quý vương Đại vương ngọc phả lục, Chi đệ thất bộ (Quốc triều chính bản). Lưu giữ tại Ban bảo vệ di tích lịch sử thôn Nguyên Xá huyện Thạch Thất, Hà Nội.

        55. Di tích Lý Nam Đế, Tlđd.

        56. Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr. 75.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM