Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:52:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ  (Đọc 47341 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:26:13 pm »


        Kết luận này cũng phù hợp với những phản ánh trong sử sách xưa nay. Các sử gia Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Ngay ngày hôm ấy (22- 12-1788), Văn Huệ lùa hết tướng sĩ ở tế đàn vượt sông ra Bắc. Khi qua Nghệ An và Thanh Hoá lấy thêm quân lính đến 8 vạn người, bèn tạm đóng quân ở Thọ Hạc, trước hãy sai người ruổi ngựa đưa thư đến Sĩ Nghị để xin đầu hàng. Lời lẽ trong thư rất là nhũn nhặn, khiêm tốn”100; và “đến đây, quân Văn Huệ kéo đến đèo Ba Dội (Tam Điệp sơn), nhà vua (tức Lê Chiêu Thống) được tin, lấy làm lo sợ, hỏi Sĩ Nghị về mưu kế”101. Tác giả Nguyễn Thu, trong sách Lê quý kỷ sự có chép: "Huệ xuất phát từ Phú Xuân, qua Nghệ An đến Thanh Hoá, vừa đi vừa thu nhặt thêm binh lính: Quân dưới cờ được đến 8 vạn người. Làm lễ thệ sư ở Thọ Hạc, Huệ cưỡi đầu voi, ra lệnh (...) Huệ nói dứt lời, các quân dạ ran như sấm, rung động cả hang núi, làm cho trời đất biến đổi cả cảnh sắc. Rồi chiêng trống vang rền... Quân lính gấp đường kéo ra. Khi đến Sơn Nam (Tam Điệp), Huệ viết thư mắng Tôn Tổng đốc là thằng điên"102. Trong hồi ký của một giáo sĩ người Pháp có mặt ở nước ta thời đó là Đờ la Bít-xa-se (De la Bissachère) có viết: Khi được tin quân Thanh sang xâm lược, Nguyễn Huệ lập tức đưa quân ra Bắc Hà, "ông ấy đi suốt ngày đêm, dọc đường dùng quyền lực thu nạp tất cả những người có thể cầm được vũ khí, ông không có lương thực nào khác ngoài lương thực tìm thấy trong các làng mà ông đi qua"103.

        Mấy tài liệu trên chứng tỏ, Nguyễn Huệ hành quân qua những vùng đông dân, qua Nghệ An, Thanh Hoá và đã tập kết tại Tam Điệp-nơi mà đạo quân của Ngô Văn Sở đã lui về trấn giữ từ trước.

        Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15-1-1789), đại quân của Nguyễn Huệ đã tới Tam Điệp-Biện Sơn. Kể từ khi được tin cấp báo của Ngô Văn Sở, do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa mang vào (21-12-1788) đến ngày tập kết ở Tam Điệp, quân Tây Sơn đã hành quân mất 25 ngày. Trong điều kiện thời bấy giờ, trên một quãng đường dài, vừa đi vừa tổ chức lực lượng, đó quả là một cuộc hành quân táo bạo, thần kỳ, chứng tỏ nghệ thuật dụng binh thiên tài của Nguyễn Huệ.

        Vậy là, việc Nguyễn Huệ tập kết đại quân ở Tam Điệp vừa được phản ánh trong sử sách, vừa phù hợp với khả năng hành quân của quân đội Tây Sơn. Ý kiến cho rằng đại quân của Nguyễn Huệ tập kết ở Hòa Bình, không qua Tam Điệp, của Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh cũng chỉ là một giả thiết không có cứ liệu chính xác. Theo tôi, đã không dựa trên một cơ sở tư liệu tin cậy thì các tác giả ĐTSH không nên vội vã đưa ra kết luận của mình để phủ định toàn bộ những thành quả nghiên cứu trước đây.

        Từ chỗ cho rằng, đạo chủ lực của Quang Trung không hội quân ở Tam Điệp, Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh đi đến phủ nhận hai vấn dề: một là, không có việc từ Tam Điệp, quân Tây Sơn chia thành 5 mũi tiến quân ra Bắc như sử sách đã nói; hai là, Nguyễn Huệ không tiến quân theo hướng nam Thăng Long, không tham gia đánh Hà Hồi và Ngọc Hồi, mà ông chỉ huy quân chủ lực tiến theo hướng tây nam, đánh vào Khương Thượng-Đống Đa. Trong bài "Góp phần nhận thức lại nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ trong chiến thắng Đống Đa", Lê Trọng Khánh viết rằng: "Nguyễn Huệ chủ trương đột phá vào thành Thăng Long từ hướng Đống Đa bằng cánh quân chủ lực tinh nhuệ nhất của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, trong đó có khoảng 1 vạn quân do Đô đốc Đặng Văn Long, tức Đô đốc Long, chỉ huy làm quân tiên phong, có nhiệm vụ chủ yếu là nhanh chóng làm tê liệt 3 vạn quân của Sầm Nghi Đống ở Đống Đa, mở đường cho Nguyễn Huệ thọc sâu vào tiêu diệt lực lượng chủ lực do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy" (trang 450). Theo Lê Trọng Khánh, cánh quân tiến công theo hướng phía nam Thăng Long, do Ngô Văn Sở chỉ huy, là cánh thứ yếu, chỉ nhằm nghi binh, lôi kéo sự chú ý của quân Thanh mà thôi.

        Ý kiến này hoàn toàn ngược lại với những kết luận trước đây của nhiều nhà sử học. Nếu lý giải theo Lê Trọng Khánh, tức là từ Kẻ Vôi (Hoà Bình), Quang Trung chia quân thành 5 đạo tiến theo 5 mũi vào Thăng Long thì quả là không có sức thuyết phục. Nếu đại bản doanh của Nguyễn Huệ đóng ở Hoà Bình thì rất khó liên lạc với các đạo quân khác của Tây Sơn ở cả Biện Sơn và Tam Điệp. Do vậy, vị trí tập kết của đại quân Nguyễn Huệ, như nói ở trên, là hợp lý và từ Tam Điệp, Nguyễn Huệ mới có điều kiện thuận lợi họp chư tướng dưới quyền để chỉ đạo thực hiện kế hoạch tác chiến của mình. Theo chúng tôi, cách lý giải trước đây là phù hợp lô-gic. Chỉ có từ Tam Điệp, Quang Trung mới có thể hội họp các tướng và phân chia quân thành 5 đạo, với những lực lượng và nhiệm vụ khác nhau, đồng loạt tiến ra Bắc để thực hiện một nhiệm vụ chiến dịch-chiến lược quan trọng nhất của cuộc chiến tranh như ông đã nói "việc được thua đều quyết định ở trận này".

-------------------
        100, 101. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, NXB Giáo dục, H, 1998, tr. 845, 846.

        102. Nguyễn Thu. Lê quý kỷ sự, NXB Khoa học xã hội, H, 1974, tr. 122.

        103. Ch. May bon. La relation sur le Tonkin ét la Cochinchine de M. De la Bissachère, Paris, 1920. p. 132.

        2. Nguyễn Huệ chỉ huy cánh quân nào trong chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa xuân Kỷ Dậu (1789)?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:20 pm »


        Điều đó cũng phù hợp với những ghi chép của Ngô gia văn phái trong Hoàng Lê nhất thống chí rằng: "Tại Tam Điệp, vua Quang Trung mở tiệc khao quân, chia quân sĩ ra làm 5 đạo hôm đó là ngày 30 tháng Chạp. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng; Ta với các ngươi làm lễ cúng Tết trước đã. Đến 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các người nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác. Sau đó nhà vua truyền lệnh: các viên tướng ở trung quân thuộc về doanh vua sai phái là Đại tư mã Sở; nội hầu Lân đốc suất tiền quân làm tiên phong; Hám hổ hầu đốc suất hậu quân làm đốc chiến; Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đốc suất tả quân, trong đó gồm cả thủy quân vượt biển vào sông Lục Đầu; rồi Tuyết vẫn kinh lý vùng Hải Dương để tiếp ứng mặt Đông; còn Lộc thì đi gấp lên các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Thế để chặn đường về của quân Thanh; Đại đô đốc Bảo, Đô đốc Long đốc suất hữu quân, trong đó gồm quân voi và quân kỵ mã: Long xuyên qua huyện Chương Đức, theo đường tiến thẳng đến Nhân Mục, huyện Thanh Trì để đánh ngang vào đồn quân Điền Châu; Bảo thì thống đốc quân voi do đường Sơn Minh ra làng Đại áng, huyện Thanh Trì để tiếp ứng cánh hữu. Cả 5 đạo quân đều lạy vâng mệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc"104.

        Dẫu rằng Hoàng Lê nhất thống chí là một bộ tiểu thuyết lịch sử, nhưng nó được viết ra gần với thời gian xảy ra sự kiện, các tác giả lại thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Trong điều kiện sử liệu rất hiếm hoi thì những điều mô tả trên của Ngô gia văn phái rất đáng để chúng ta tham khảo. Các sách khác như Lê quý kỷ sự, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, v v. đều phản ánh tương tự. Không hiểu tại sao Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh không tham khảo mà lại phán đoán và trình bày ý kiến của mình một cách khiên cưỡng, có tính áp đặt, thiếu sức thuyết phục, thiếu chứng cứ khoa học... để bác lại những điều mà sử sách trước đây đã viết?

        Phủ nhận hướng tiến công phía nam do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, Bùi Thiết còn cho rằng, sử sách trước đến nay đã cường điệu những trận đánh từ Thanh Quyết đến Ngọc Hồi, vì đó đâu phải là "cú đánh chiến lược"; những người viết sử trước đây đã chưa hiểu trọn cách dùng binh của Nguyễn Huệ; công nhận các trận từ Thanh Quyết đến Ngọc Hồi do Quang Trung tự thân đốc chiến là vô hình chung hạ thấp tài ba của Hoàng đế Quang Trung(?).

        Thực tế không như Bùi Thiết suy đoán. Việc Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy cánh quân chủ lực đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ mạnh nhất của quân Thanh ở phía nam Thăng Long là điều quá rõ, vừa được phản ánh trong sử cũ, vừa phù hợp với cách hành binh của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ. Tài dụng binh của Nguyễn Huệ đã nổi tiếng mà chính kẻ thù cũng phải thừa nhận ông "là tay anh hùng lão luyện có tài cầm quân". Trong cuộc đời chinh chiến của mình, bao giờ Nguyễn Huệ cũng rất táo bạo, trực tiếp chỉ huy những đạo quân chủ lực đánh hướng chính diện, vào những vị trí quan trọng nhất của địch, tập trung binh lực tốc chiến tốc thắng, khiến quân thù không kịp trở tay và nhanh chóng thất bại. Cả hai chủ tướng Nguyễn Huệ và Tôn Sĩ Nghị đều coi mặt trận nam Thăng Long là quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định. Ở đây, khi được tin Nguyễn Huệ chuẩn bị tiến công, Tôn Sĩ Nghị đã lo tăng cường lực lượng phòng thủ. Trong số năm tướng nanh vuốt nhất thuộc đạo quân chủ lực của mình, Tôn Sĩ Nghị đã điều ba người về Ngọc Hồi và mặt trận phía nam là: Đề đốc phó tướng Hứa Thế Hanh, chỉ huy quân tiên phong, Tổng binh Trương Triều Long và Tổng quản Tả dực quân Thượng Duy Thăng. Chỉ huy tiến quân trên hướng chính diện, đánh vào cụm quân quan trọng nhất của địch, không ai khác đó là Nguyễn Huệ. Khẳng định sự thật lịch sử này quyết không phải "hạ thấp tài ba của hoàng đế" như Bùi Thiết nói, mà ngược lại càng nâng cao uy tín của Quang Trung-Nguyễn Huệ.

        Việc Nguyễn Huệ tự mình chỉ huy chiến đấu ở Hà Hồi và Ngọc Hồi là hoàn toàn đúng sự thật. Sách Việt sử thông giám cương mục đã mô tả diễn biến trận Ngọc Hồi như sau: "Hồi trống canh năm hôm sau tức mồng 5 Tết Kỷ Dậu), Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khoẻ đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc (Nguyễn Huệ) lại lùa voi xông đến. Quân Thanh trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong luỹ để cố thủ. Bốn mặt đồn luỹ quân Thanh đã cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc (Nguyễn Huệ) dùng những bó rơm ướt to lớn để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các luỹ quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy… Quân Thanh bị chết và bị thương quá nửa. Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long và Tả dực Thượng Duy Thăng đều chết trận"105.

---------------------
        104. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, tập 2, NXB Văn học, H, 1984, tr. 1 82.

        105. Việt sử thông giám cương mục, Sđd, tập 2, tr. 847.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:27:57 pm »


        Sách Lê quý kỷ sự cũng chép: "Ngày mồng 5, trời còn chưa sáng. Nguyễn Huệ thân chinh đốc chiến, cho hơn trăm voi đực tiến lên trước, quân cứng mạnh tiến theo sau, đánh kịch liệt hồi lâu. Quân kỵ bên Thanh đều cưỡi ngựa. Ngựa trông thấy voi đều hí lên, quay đầu chạy. Bộ binh nhà Thanh bị voi chà đạp bèn rút vào đồn trại, giữ rào luỹ, bắn súng ra để tự thủ. Giặc (Nguyễn Huệ) lùa voi, xông pha tên đạn, nhổ rào luỹ tiến lên. Hứa Đề đốc, Trương tiên phong và Thượng Tả dực đều chiến đấu mà chết. Các quân nhà Thanh đổ vỡ tan tành"106. Sách Hoàng Lê nhất thống chí viết: "Vua Quang Trung truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm ướt dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng lính khoẻ mạnh, cứ mười người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn; hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ "nhất"; vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến đến sát đồn Ngọc Hồi..."107. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập của triều Nguyễn, các sách An Nam quân doanh kỷ yếu, Minh đô sử, Thánh vũ ký, Thanh sử lược... của Trung Quốc cũng đều ghi chép khá chi tiết về trận Ngọc Hồi của quân Tây Sơn, do Nguyễn Huệ trực tiếp đốc chiến. Thế xung trận của đội quân Nguyễn Huệ như triều dâng bão cuốn mà chính quân địch cũng phải thừa nhận: "Quân giặc (quân Nguyễn Huệ) họp lại đông như kiến cỏ, thế lên ào ạt giống như nước thủy triều dâng lên"108.

        Nguyễn Huệ không những đã đích thân chỉ huy đạo quân chủ lực tiến công hướng chính diện vào mặt trận phía nam Thăng Long mà chính ông còn là người trực tiếp đốc chiến trong trận then chốt quyết định ở Ngọc Hồi-Đầm Mực, đánh tan quân Thanh, mở thông cửa ngõ phía nam vào giải phóng Thăng Long. Trận tiêu diệt chiến lược này có ý nghĩa rất lớn đối với thắng lợi của toàn chiến dịch Thăng Long (1789), càng thể hiện tài năng quân sự kiệt xuất của Nguyễn Huệ, chứ không phải như tác giả của ĐTSH nói là hạ thấp tài ba của Nguyễn Huệ.

        Thực tế lịch sử trên đây đã được các nhà sử học xưa nay đều công nhận, vậy tại sao Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh cố tình làm lơ để đi tìm một cách chứng minh khác và phủ nhận những thành quả đạt được của sử học nước ta? Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh coi "Ngọc Hồi chỉ là một trận đánh mang tính sách lược", cho rằng trận Đống Đa chính là "quả đấm thép" do Nguyễn Huệ đích thân thực hiện trên hướng chủ yếu từ phía tây nam Thăng Long. Những phán đoán này không những không có cơ sở sử liệu mà còn không phù hợp với cách đánh của Nguyễn Huệ.

        Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong bài "Đánh bằng chính binh, thắng bằng kỳ binh-Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Quang Trung" và Giáo sư, Trung tướng Hoàng Phương trong bài "Cách đánh của Nguyễn Huệ trong chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa" đều đã phân tích một cách có lý về nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ109. Thắng lợi to lớn trên hướng tiến công chủ yếu của quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, đưa đến việc uy hiếp lớn mặt nam Thăng Long-hướng phòng ngự chủ yếu của địch. Điều này rất quan trọng, vì nó là tiền đề không thể thiếu được trong mưu lược sâu xa của Quang Trung, là tạo điều kiện cho cánh quân của Đô đốc Long (Đặng Tiến Đông) đánh vào đồn Khương Thượng-Đống Đa. Trong hoàn cảnh phải lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít dịch nhiều, Quang Trung đã có được nghệ thuật tìm, chọn, xác định hướng, mục tiêu tiến công và phương pháp, thủ đoạn tác chiến đánh nhanh, tiêu diệt gọn, làm tan rã lớn, nhanh chóng phá vỡ đội hình và ý định tác chiến của địch. Cách đánh của Quang Trung là cùng một lúc, bằng nhiều mũi, trên nhiều hướng, bất ngờ tiến công vào toàn thế trận của quân Thanh, đánh thẳng vào Thăng Long, nơi đầu não của địch, khiến chúng không kịp trở tay và thất bại. Hướng tiến công của Nguyễn Huệ vào Ngọc Hồi là hướng chính binh, hướng tiến công của Đô đốc Long đong Tiến Đông) là hướng kỳ binh. Hướng phía nam đánh chính diện; hướng phía tây nam đánh vu hồi, thọc sâu và đã tiêu diệt nhanh chóng cụm quân Sầm Nghi Đống, cô lập cụm quân Hứa Thế Hanh, đặt Tôn Sĩ Nghị vào tình thế hoàn toàn bị động, không thể chống đỡ nổi.

        Đó là cách giải thích hợp lý. Thiết nghĩ rằng, Bùi Thiết và Lê Trọng Khánh không nên sáng tạo ra một cách lý giải khác khi chưa có một cơ sở khoa học, chưa có tư liệu để chứng minh.

-----------------
        106. Lê quý kỷ sự, Sđd, tr. 123.

        107. Hoàng Lê nhất thống chí, Sđd, tr. 183.

        108. Trần Nguyên Nhiếp. An Nam quân doanh kỷ yếu, bản chép tay do Trần Văn Giáp sưu tầm.

        109. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Quang Trung-Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, NXB QĐND, H, 1992, tr. 17, 20.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:45:57 pm »

           
BÀN VỀ NGÀY MẤT CỦA VUA TÔI QUANG TRUNG110

LÊ THÀNH LÂN        

        Một số ngày tháng, nhất là khi chúng được đổi sang dương lịch còn chưa ổn. Dường như các tư liệu mà nay ta có cũng đủ để xác định một cách chính xác hơn, chẳng hạn năm sinh, ngày mất của Quang Trung, ngày mất của Ngô Thì Nhậm và ngày mất của Phan Huy Ích.

        Về ngày mất của vua Quang Trung.

        Năm 1946, ngày giỗ của vua Quang Trung được tổ chức trọng thể vào ngày 29 tháng Chín âm lịch. Ngày tháng đó được ghi trong Đại Thanh thực lục và Đại Nam chính biên liệt truyện111 là các bộ sử lớn của Trung Quốc và Việt Nam. Cadie (L.Cadière) là một người Pháp sớm nghiên cứu kỹ niên biểu Việt Nam112 cũng xác định như vậy.

        Liến sau đó, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết trên báo Dư luận (số 28 năm 1946) nêu các cứ liệu xác đáng để bác ý kiến trên và đưa ra kết luận là: "Vua Quang Trung mất ngày 29 tháng Bảy năm Nhâm Tý vào giờ Dạ Tý, tức là ngày 16 tháng 9 dương ích năm 1792, vào khoảng 11 giờ đến 12 giờ khuya". Bài báo đó sau được trích in vào cuốn La Sơn phu tử113. Từ đó hầu hết mọi người thừa nhận như vậy.

        Về âm lịch thì đúng như vậy, nhưng còn có thể nói một cách khác, ta sẽ bàn thêm cho hết mọi nhẽ, còn về dương lịch dường như có chệch một chút. Có điều là toàn bộ cứ liệu và biện dẫn lại để đưa đến một kết luận chính xác.

        Theo chúng tôi, tài liệu đáng tin cậy nhất là của Phan Huy Ích. Ông là một trong những bầy tôi gần gũi của Quang Trung. Khi ấy, ông đang ở kinh đô Phú Xuân và sau cái tang này, ông làm bài thơ Thu phụng quốc tang cảm thuật. Sau này, ông đưa bài thơ đó vào tập Dụ am ngâm tập114. Bên dưới bài thơ ông chú "Thất nguyệt hối, long ngự thượng tân" nghĩa là "ngày cuối tháng Bảy, nhà vua cưỡi rồng về chầu trời". Chữ "hối" chỉ ngày cuối tháng, có thể là ngày 29 hay ngày 30 tuỳ theo tháng Bảy này thiếu hay đủ. Hoàng Xuân Hãn dựa vào một bản Bách trúng kinh mà ông được đọc, đã cho biết lịch Tây Sơn tháng Bảy đó thiếu115. Sau khi hiệu đính lại cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh116, chúng tôi117 cũng nhận thấy như vậy. Thế là theo Phan Huy Ích, Quang Trung mất vào ngày 29 tháng Bảy năm Nhâm Tý. Cuốn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam118 đã dịch đúng như vậy. Nhưng cũng cần nhắc đến là trong cuốn Thơ văn Phan Huy Ích119 ngày “hối” đó lại dịch thành ngày 30 và người dịch còn ghi chú rằng có nhiều tài liệu cho biết Quang Trung mất ngày 29, khiến cho người đọc hiểu lầm.

        Các tài liệu khác như Quốc triều toát yếu, Đại Nam thực lục120, Lữ Trung Ngâm121, Lê Triều dã sử122 đều thống nhất với Phan Huy Ích, khi viết rằng Quang Trung mất vào tháng Bảy âm lịch, tuy không ghi cụ thể ngày nào.

-------------------------------------
       110. Tạp chí LSQS số 4-1998.

        111. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sơ tập, quyển 30. Tạ Quang Phát dịch in trên Tập san Sử Địa, số đặc biệt Xuân Mậu Thân 1968.

        112. Cadière, L.Tableau Chronologique des dynasties Annamites. B.E.F.E.O, tập 5, 1905, tr. 77-145.

        113, 115. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Minh Tân xuất bản, 1952, tr. 159.

        114. Phan Huy Ích. Dụ am ngâm tập. Ký hiệu A. 603 ở kho sách Hán-Nôm, thuộc Viện Hán-Nôm UBKHXH.

        116. Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Ký hiệu A.1237 Kho sách Hán-Nôm, Viện Hán-Nôm, UBKHXH.

        117. Lê Thành Lân. Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Tạp chí Hán-Nôm, số 2 (3) 1987, tr. 40-48.

        118. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 3, NXB Văn học, H, 1978, tr. 277.

        119. Thơ văn Phan Huy Ích, tập 2. NXB KHXH, H, 1978, tr. 73.

        120. Đại Nam thực lục, tập 21 NXB Sử học, H, 1962. tr. 159.

        121. Hoàng Xuân Hãn. Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm. Tập san Sử Địa số 21, 1971.

        122. Lê Triều dã sử, ký hiệu A.17 và A.2703, khảo sách Hán-Nôm, UBKHXH.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:47:09 pm »


        Lê quý dật sử cũng ghi là Quang Trung mất vào tháng Bảy, nhưng lại cho là vào ngày 30123. Như đã dẫn giải ở trên, tháng Bảy này không có ngày 30. Chắc là có một sự nhầm lẫn về lịch nào đó. Đáng tiếc, cuốn sử chép tay này chỉ có một bản chữ Hán ở thư viện Viện Sử học124 nên không thể khảo dị thêm. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Bùi Dương Lịch là tác giả cuốn sử này. Ông đỗ Hoàng Giáp và làm Huấn đạo thời Lê Chiếu Thống và có làm việc cho Tây Sơn ở Sùng Chính viện.

        Hai người Pháp là ông Ghêra (Guérard) lúc đó đang ở miền Bắc và ông Labútxơ (Labousse) lúc đó đang ở miền Nam nước ta, một năm sau đó đều viết thư về Pháp, nói rằng Quang Trung mất vào tháng 9 dương lịch125. Ta biết rằng tháng 9 này sánh với âm lịch, rơi vào khoảng từ 15 tháng Bảy đến 15 tháng Tám. Vậy cũng phù hợp với Phan Huy Ích.

        Các sách Dã sử nhật ký và Hoàng Lê nhất thống chí126 lại ghi rằng Quang Trung mất vào tháng Tám âm lịch. Liệu hai sách này có viết sai không? Rất có thể là không sai. Nếu ta khéo luận lý thì, từ đó, ta còn có thể xác đinh được giờ mất của Quang Trung.

        Ta biết rằng có hai cách quan niệm khác nhau về giờ bắt đầu của một ngày âm lịch; các nhà tính lịch thì coi ngày âm lịch và ngày dương lịch đều bắt đầu từ 12 giờ khuya (cách tính bác học) 127, còn người dân thì thường coi ngày âm lịch bắt đầu từ 11 giờ khuya của ngày dương lịch trước (cách tính dân gian128). Thế là hai quan niệm đó chênh lệch nhau 1 giờ, từ 11 giờ đến 12 giờ khuya. Nếu ta coi rằng Quang Trung mất vào khoảng thời gian chênh lệch đó thì theo cách tính bác học là vào giờ cuối cùng của ngày 29 tháng Bảy, còn theo cách tính dân gian thì cũng lúc ấy nhưng vào giờ đầu tiên của ngày mồng 1 tháng Tám năm Nhâm Tý. Vậy là Dã sử nhật ký và Hoàng Lê nhất thống chí đã ghi theo cách tính lịch dân gian, mà điều đó có nhẽ lại hợp với dã sử và tiểu thuyết lịch sử. Lúc đó, theo dương lịch vào khoảng từ 11 giờ đến 12 giờ khuya ngày 15 tháng 9 năm 1792. Ông Hoàng Xuân Hãn, trong khi viết ở trang trước rằng "ngày 29 tháng Bảy ăn vào ngày 15 tháng 9 năm 1792"129 thì ở trang sau ông lại kết luận là "ngày 16 tháng 9 dương lịch năm 1792 vào khoảng 11 đến 12 giờ khuya"130. Kết luận này không thoả đáng vì lúc đó đang chuyển từ ngày mồng 1 sang ngày mồng 2 tháng Tám âm lịch.

        Nếu từng ấy chứng cứ đủ để độc giả tin vào điều chúng tôi đã khẳng định thì cũng đủ để phủ định tính đúng đắn của các tư liệu cho rằng Quang Trung mất vào ngày 29 tháng Chín âm lịch. Tuy vậy, ta cũng cần lý giải thêm một chút. Quang Trung là linh hồn của phong trào Tây Sơn, là vua, đồng thời cũng là một vị tướng tài ba, bị mất đột ngột giữa tuổi 39, để lại cơ nghiệp cho Quang Toản, lúc đó mới 9 tuổi, là một tổn thất không gì bù đắp được. Để dàn xếp nội bộ, để đối phó với thù trong (Nguyễn Ánh) và giặc ngoài (nhà Thanh), chắc là triều đình Phú Xuân đã phát tang và báo tang chậm lại 2 tháng. Bởi vậy mới có chuyện Đại Thanh thực lục và Đại Nam chính biên liệt truyện căn cứ vào đó mà ghi nhầm thành 29 tháng Chín âm lịch. Đó chính là lập luận của ông Hoàng Xuân Hãn. Mãi về sau, ông viện dẫn thêm lời thư của Lông-giê (Longer) viết năm 1793: "Cái chết của tiếm vương Quang Trung được giữ bí mật gần 2 tháng trời"...

---------------------
        123. Lê quý dật sử, NXB KHXH, H, 1987, tr. 108.

        124. Lê quý dật sử, Bản chữ Hán chép tay, ký hiệu Hv 195 thư viện Viện Sử học.

        125. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Sđd, tr. 157.

        126. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, H. 1982, tr. 208.

        127. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 1982.

        128. Nguyễn Xiển, Nguyễn Mậu Tùng, Lê Minh Triết và Lê Thành Lân. Tìm hiểu âm lịch nước ta, NXB Khoa học và Kỹ thuật, H, 1985, tr. 39.

        129, 130. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Sđd, tr. 158, 160.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:47:42 pm »


        Hai nhà sử học nhà Thanh là Ngụy Nguyên và Từ Diên Húc viết rằng Quang Trung mất vào tháng Ba âm lịch131. Hoàng Xuân Hãn cho rằng hai nhà sử học này, người nọ viết theo người kia và không chú tâm viết về việc này, chỉ nhắc qua nhân một việc khác nên có sai sót. Ngụy Nguyên còn có một chỗ nhầm lẫn nữa mà chúng tôi sẽ nói ở dưới. Chúng ta còn có các cứ liệu để khẳng định rằng Quang Trung còn sống ít nhất cũng đến trung tuần tháng Bảy. Đó là 3 văn bản còn lại có đóng ấn của Quang Trung. Một là đạo sắc phong cho Phan Huy Ích làm Thụy Nham Hầu đề ngày 18 tháng Tư nhuận năm Nhâm Tý132. Hai là tờ chiếu gửi cho Nguyễn Thiếp đề ngày 1 tháng Sáu âm lịch năm đó nhắc nhở về việc dịch sách133. Ba là tờ Hịch truyền quan lại, quân dân các phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn đề ngày 10 tháng Bảy âm lịch được dẫn theo tư liệu của Đờ la Bítxase (de La Bissachère) 134.

        Một tài liệu xuất bản gần đây ghi rằng Quang Trung mất vào tháng Bảy nhuận năm Nhâm Tý135. Sau những thảo luận trên, ta thấy ngay điều này không đúng. Cặn kẽ hơn, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng năm Nhâm Tý đó không có tháng Bảy nhuận. Lịch Trung Quốc nhuận tháng Tư136. Lịch Nguyễn nhuận tháng Hai. Điều này có thể thấy ở Đại Nam thực lục137 hoặc theo Hoàng Xuân Hãn138. Lịch Tây Sơn nhuận vào tháng Tư. Tháng nhuận này có ghi trong hai văn bản. Một là đạo sắc của Quang Trung phong cho Phan Huy Ích đã nêu trên. Hai là tờ truyền của triều đình Tây Sơn gửi cho Nguyễn Thiếp, ghi ngày 14 tháng Tư nhuận năm Quang Trung thứ 5 (tức là năm Nhâm Tý)139. Qua khảo cứu sơ bộ140, chúng tôi cũng nhận thấy lịch Tây Sơn có tháng Tư nhuận vào năm đó.

        Vậy là Quang Trung mất vào khoảng từ 11 đến 12 giờ khuya ngày 15 tháng 6 năm 1792, theo âm lịch, có thể coi là giờ cuối cùng của ngày 29 tháng Bảy năm Nhâm Tý, theo các nhà làm lịch; và cũng có thể coi là giờ đầu tiên của ngày 1 tháng 8 theo cách tính dân gian.

--------------------
       131. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Sđd, tr. 17.

        132,133. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Sđd, tr. 141, 151. 253, 265, 289, 344; Quốc văn đời Tây Sơn, Nhà sách Vĩnh Bảo. 1950, tr. 96.

        134. Nguyễn Lương Bích… Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, NXB QĐND, H, 1971, tr. 424: UBKHXH-Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB KHXH, H, 1971. tr. 367.

        135. Văn Tân,... Ngô Thì Nhậm, con người và sự nghiệp. Ty Văn hoá Thông tin Hà Tây xuất bản, 1974, tr. 91, 99; Cao Xuân Huy,... Tuyển tập thơ vãn Ngô Thì Nhậm. Quyển 1, NXB KHXH, H, 1978, tr. 53; Mai Quốc Liên, Ngô Thì Nhậm trong văn học Tây Sơn, Ty Văn hoá-Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1985, tr. 57.

        136. Tiết Trọng Tam, Âu Dương Di. Lưỡng thiên niên Trung Tây lịch đối chiếu biểu, Bắc Kinh, 1959.

        137. Đại Nam thực lục, NXB Sử học, H, 1962, tr. 154.

        138. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 1982, tr. 87.

        139. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Sđd, tr. 151, 253, 289.

        140. Lê Thành Lân. Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh.Tạp chí Hán-Nôm, số 2(3) 1987, tr. 40-48.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:50:31 pm »


        Về năm sinh của Quang Trung.

        Hoa Bằng viết Quang Trung sinh năm Quý Dậu, tức năm 1752141. Năm Quý Dậu ăn vào khoảng từ ngày 3 tháng 2 năm 1753 đến 22 tháng 1 năm 1754, không có ngày nào ăn vào năm 1752. Rõ ràng ở đây có nhầm lẫn.

        Đại Nam chính biên liệt truyện142 cho biết Quang Trung mất ở tuổi 40. Đó là "tuổi ta" có tính cả "tuổi mụ'. Vậy là lúc đó quang Trung 39 tuổi, đúng như cuốn Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học xã hội đã ghi143. Ta tính ra Quang Trung sinh năm Quý Dậu, tức là năm 1753.

        Trên Tạp chí Bách khoa số 229, Ngô Bá Lý viết theo lời kể của nhân dân địa phương rằng Quang Trung sinh vào giờ Thìn ngày 5 tháng Năm năm Quý Dậu (1753); còn Thiên Lương cũng viết theo dân gian nhưng lại cho rằng Quang Trung sinh vào giờ Tuất ngày 5 tháng Năm năm Nhâm Thân (l752). Trong bài Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn và chân dung anh em họ, Tạ Chí Đại Trường đã nêu các lý lẽ xác đáng để bác lại việc coi ngày 5 tháng Năm là ngày sinh của Quang Trung144.

        Tóm lại, chúng ta vẫn chưa biết được ngày sinh mà chỉ mới biết được năm sinh của Quang Trung.

        Về năm sinh của Quang Toản.

        Theo Mai Quốc Liên145 thì Quang Toản lên ngôi lúc 15 tuổi, nên theo cách tính tuổi hiện nay thì Quang Toản sinh năm 1777. Chúng tôi không biết chắc, nhưng đoán rằng Mai Quốc Liên theo tài liệu của Ngụy Nguyên. Trong Càn Long chinh vũ An Nam ký146, Ngụy Nguyên viết rằng: Quang Toản lên ngôi lúc 15 tuổi, tất nhiên tính theo "tuổi ta", tức là sinh năm 1778. Nhưng, như ở trên chúng tôi đã nhắc đến, sử gia này nắm không chắc và đã từng viết sai ngày mất của Quang Trung. Một phần vì Ngụy Nguyên không để tâm chuyên khảo về chuyện này, ông lại là người Trung Quốc, sinh sau những sự kiện lịch sử này vài năm. Chúng tôi ngờ rằng có thể Ngụy Nguyên đã nhầm Quang Toàn với Quang Thùy, một người con khác của Quang Trung, từng sang sứ Trung Quốc cùng Quang Trung "giả", nửa đường bị ốm phải quay về. Lúc đầu vua Càn Long cũng từng nhầm Quang Thùy là Thái tử (Quang Toàn). Tạ Chí Đại Trường147 cho rằng Quang Thùy nhiều tuổi hơn Quang Toản. Một điều nữa cũng đáng băn khoăn: giả như lúc Quang Toàn có tuổi đó, thì khá "cứng cáp" chẳng đến nỗi để Bùi Đắc Tuyên phụ chính và chuyên quyền. Vào thời đó, ở tuổi này, Nguyễn Ánh đã tự mình gánh vác sự nghiệp.

        Theo chúng tôi thì lúc Quang Trung mất, Quang Toản 9 tuổi nghĩa là sinh vào năm 1783. Bằng chứng là có 4 tài liệu cùng chung ý ấy:

        Tạ Chí Đại Trường148 viết theo Lông-giê, Quang Toàn sinh năm 1783.

        Lê quý dật sử149 và Hoa Bằng150 viết rằng Quang Toản lên ngôi lúc 10 tuổi, chắc là theo "tuổi ta". Hoàng Xuân Hãn151 lại viết rằng vào năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795) Quang Toản 12 tuổi tức là sinh năm 1783.

-------------------
        141. Hoa Bằng. Quang Trung-Anh hùng dân tộc, Bốn phương xuất bản, 1951, tr.27.

        142. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sơ tập, quyển 30. Tạ Quang Phát dịch, in trên Tập san Sử Địa, số đặc biệt Xuân Mậu Thân 1968.

        143. UBKHXH. Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB KHXH, H. 1971, tr. 367.

        144. Tạ Chí Đại Trường. Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn và chân dung anh em họ, Tập san Sử Địa, số đặc biệt Xuân Mậu Thân 1968.

        145. Mai Quốc Liên. Ngô Thì Nhậm trong văn học Tây Sơn, Sđd, tr. 57.

        146. Ngụy Nguyên. Càn Long chinh vũ An Nam ký, do Hoàng Xuân Hãn dịch, in trên Tập san Sử Địa. số đặc biệt Xuân Mậu Thân 1968.

        147, 148. Tạ Chí Đại Trường. Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn vả chân dung anh em họ, Tlđd.

        149. Lê quý dật sử, NXB KHXH. H, 1987, tr. 108.

        150. Hoa Bằng. Quang Trung-Anh hùng dân tộc, Sđd, tr. 333.

        151. Hoàng Xuân Hãn. La Sơn phu tử, Sđd, tr. 163.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2016, 11:52:18 pm »


        Về ngày mất của Ngô Thì Nhậm.

        Trong câu chuyện riêng, Giáo sư Phan Huy Lê có gợi cho chúng tôi việc đính chính lại ngày mất của Ngô Thì Nhậm. Chúng tôi đọc thấy:

        Đầu tiên, Lê Thước152 căn cứ vào gia phả cho biết Ngô Thì Nhậm mất ngày 16 tháng Hai năm Quý Hợi và đổi sang dương lịch thành ngày 7 tháng 3 năm 1803.

        Sau đó, Tảo Trang153 dùng cuốn lịch Trung Quốc của P.Hoàng đổi sang dương lịch ngày 9 tháng 3 năm 1803.

        Gần đây hơn, Mai Quốc Liên cho rằng "Ngô Thì Nhậm bị đánh bằng trượng đến chết (có thuyết nói, về nhà được ít lâu thì chết). Hôm đó là ngày 16 tháng Hai năm Quý Hợi, tức là ngày 9 tháng 3 năm 1803"154.

        Chúng tôi thấy nhận định ấy chưa ổn. Để lý giải đúng, ta cần xem lại lịch. Năm Quý Hợi này, lịch Trung Quốc có nhuận tháng Hai155, còn lịch nhà Nguyễn có nhuận tháng Giêng156. Khảo cứu sơ bộ về lịch nhà Nguyễn qua cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh157, chúng tôi158 cũng nhận thấy như vậy. Tháng nhuận này còn thấy ghi ở Đại Nam thực lục159. Như vậy, hai lịch khác nhau kéo dài trong 2 tháng Ngô Thì Nhậm mất đúng vào khoảng thời gian đó.

        Bây giờ ta xem lại tài liệu cũ:

        Đại Nam thực lục160 ghi “ngày Canh Thìn, đóng gông giải bọn thượng thư Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan đến Bắc Thành... Kể tội ở học đường phủ Phụng Thiên (tức là Quốc Tử Giám nhà Lê cũ) mà đánh đau. Nhậm bị đánh chết".

        Đổi ngày Canh Thìn ra dương lịch thì không phải ngày 9 tháng 3 năm 1803 mà có thể hoặc là 6 tháng Hai hoặc 6 tháng 4 năm 1803. Theo âm lịch Trung Quốc thì tháng Hai không có ngày Canh Thìn. Dùng lịch Việt Nam161 để đổi thì đó ngày 1 tháng Hai năm Quý Hợi). Sử biên niên, tuy theo trật tự thời gian nhưng khi đề cập đến một việc nào đó thì lùi về trước nói cả xuất xứ, nguyên nhân và tiến về sau để nói hậu quả. Bởi vậy chữ "Nhậm bị đánh chết" chưa hẳn là bị đánh chết ngay tại trận đòn.

        Ngô gia thế phả162 cho biết Ngô Thì Nhậm mất vào giờ Hợi (từ 21 đến 23 giờ ngày 1 tháng Hai năm Quý Hợi). Rõ ràng ông mất tại nhà vào ngày hôm sau. Dùng lịch Việt Nam ở các tài liệu163 đổi sang dương lịch thành ngày 7 tháng 4 năm 1803.

        Khớp hai tài liệu trên lại, ta thấy rằng: ngày 15 tháng Hai năm Quý Hợi là ngày Canh Thìn, Ngô Thì Nhậm bị vua quan nhà Nguyễn đành đòn tại Văn Miếu. Sau đó, gia đình đón ông về nhà. Vì tuổi cao, không chịu nổi trận đòn thù dã man, hôm sau là ngày 16 tháng Hai năm Quý Hợi, tức là ngày 7 tháng 4 năm 1803 vào khoảng từ 9 giờ đến 11 giờ khuya, ông đã mất tại nhà.

       Về ngày mất của Phan Huy Ích

        Các sách đều viết rằng ông mất vào ngày 20 tháng Hai năm Nhâm Ngọ164, rồi đổi sang dương lịch thành ngày 12 tháng 3 năm 1822165. Có tài liệu chỉ ghi ngày âm lịch.

        Chúng tôi nhận thấy ngày âm lịch và dương lịch trên không khớp với nhau. Có thể ngày âm lịch là đúng.

        Đổi một cách chính xác, ngày 20 tháng Hai năm Nhâm Ngọ là ngày 13 tháng 3 năm 1822.

        Chúng tôi hy vọng rằng việc xác định lại những ngày kỷ niệm về các danh nhân thuộc triều đại Tây Sơn này đáp ứng kịp thời lễ kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-1989) vào đầu năm tới và lễ kỷ niệm 185 năm ngày mất của Ngô Thì Nhậm (1803-1988) vào đầu năm nay.

-----------------------
       152 . Lê Thước. Ngô Thì Nhậm, Tạp chí Tổ quốc, số 304.

        153. Tảo Trang. Bước đầu tìm hiểu về một nhà văn trong Ngô gia văn phái, Tạp chí Văn học, số 5- 1 973 .

        154. Cao Xuân Huy,... Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm. quyển 1, NXB KHXH, H, 1978, tr. 53.

        155. Tiết Trọng Tam, Âu Dương Di. Lưỡng thiên niên Trung Tây lịch đối chiếu biểu. Bắc Kinh, 1959.

        156. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 1982.

        157. Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Ký hiệu A.1237. Kho sách Hán-Nôm, Viện Hán-Nôm, UBKHXH.

        158. Lê Thành Lân. Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Tạp chí Hán-Nôm, số 2(3) 1987, tr. 40-48.

        159. Đại Nam thực lục, tập 3, NXB Sử học, H, 1962, tr. 104.

        160. Đại Nam thực lục,tập 3, NXB Sử học, H, 1962, tr. 108.

        161, 163. Hoàng Xuân Hãn. Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học Xã hội, Paris, 1982.

        Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh. Ký hiệu A.1 237. Kho sách Hán-Nôm, Viện Hán-Nôm, UBKHXH.

        Lê Thành Lân. Đọc và hiệu đính cuốn Lich đại niên kỷ bách trúng kinh, Tạp chí Hán-Nôm, số 2(3) 1987, tr. 40-48.

        162. Ngô gia thế phả. Ký hiệu VBV 1345, kho sách Hán-Nôm, Viện Hán-Nôm, UBKHXH, tờ 35a.

        164,165. Thơ văn Phan Huy Ích, NXB KHXH, H, 1978, tập 1 , tr. 9; Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán-Nôm, tập 1, NXB Văn hoá, H, 1984, tr. 203; Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy, Ty Văn hoá thông tin Hà Sơn Bình xuất bản, 1983, tr. 320.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:02:29 am »


GÓP THÊM TƯ LIỆU LÀM SÁNG TỎ DANH TƯỚNG ĐẠI TƯ MÃ NGÔ VĂN SỞ THỜI TÂY SƠN166

ĐỖ BANG       

        Triều đại Tây Sơn kết thúc nhưng không để lại bộ chính sử của mình là một thiệt thòi lớn, là một khó khăn, phức tạp khó khắc phục cho công tác sử học của chúng ta. Diện mạo lịch sử đất nước thời Tây Sơn khó khôi phục đúng đắn và đầy đủ, các sự kiện và nhân vật lịch sử thời Tây Sơn bị xuyên tạc, bóp méo, ngộ nhận hoặc không rõ ràng đã gây ngờ vực, tranh cãi trong nhiều năm qua như trường hợp Đô đốc Long: Đô đốc Long hay Đô đốc Mưu trong chiến thắng Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789); tướng Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Dũng hay VÕ Văn Dũng đi sứ nhà Thanh năm 1792. Phức tạp hơn là việc tranh cãi về Đại tư mã Ngô Văn Sở và một viên tướng Ngô Văn Sở khác của Tây Sơn đầu hàng Nguyễn Ánh, sau nhận chức Khâm sai Chưởng cơ dưới triều Gia Long.

        Năm 1976, Tạ Ngọc Liễn với bài Đại tư mã Ngô Văn Sở, một danh tướng của Tây Sơn xác định quê quán ông ở làng Trảo Nha, Thạch Hà, Nghệ An, là cựu thần của Lê-Trịnh167. Năm 1987, trên Tạp chí Sông Hương, số 25, bằng tư liệu điền dã có tính phát hiện công phu, tác giả Phan Thuận An đã có một nhận định lý thú: Đã có hai nhân vật lịch sử cùng họ, cùng tên, cùng chữ lót và cùng làm tướng trong một thời kỳ lịch sử (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX) nhưng hai người phục vụ cho hai thế lực chính trị khác nhau: tướng Ngô Văn Sở nhà Nguyễn, người gốc Gia Định và danh tướng Ngô Văn Sở của nhà Tây Sơn, người gốc Nghệ An. Đây là một trường hợp hy hữu trong lịch sử Việt Nam và thế giới168.

        Năm 1988, sau khi tiếp xúc với trang tư liệu về nhân vật lịch sử Ngô Văn Sở trong Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 25, tác giả Phan Thuận An lại có bài Tư liệu mới về Ngô Văn Sở trên báo Văn hoá và Đời sống (số 15-10-1988, Sở Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên) và bài Thử đưa ra một kiến giải mới về nhân vật lịch sử Ngô Văn Sở thời Tây Sơn trong Hội thảo khoa học Phú Xuân-Thuận Hoá trong phong trào nông dân Tây Sơn vào tháng 12 năm 1988. Sau đó lại được giới thiệu trên Tạp chí Sông Hương (số 41, năm 1990), với tiêu đề Thử đưa ra một kiến giải mới về nhân vật lịch sử Ngô Văn Sở. Nhân vật Ngô Văn Sở được chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 25, được dịch như sau:

        Ngô Văn Sở, trước người huyện Đăng Xương, phủ Thừa Thiên, sau vào ngụ ở Gia Định. Lúc đầu theo ngụy triều giũ chức Đô úy, sau đầu hàng theo quân đi đánh giặc. Do lập được nhiều chiến công nên thăng chức làm Vệ úy vệ Hùng nhuệ. Năm Kỷ Mùi (1799), theo Võ Tánh giữ thành Bình Định. Khi tướng giặc là Trần Quang Diệu vây thành, các hàng tướng là Võ Văn Sự, Nguyễn Bá Phong mở cửa Bắc ra hàng giặc. Tánh sai Sở chặn cửa thành lại. Từ đó những kẻ phản bội không dám ra nữa. Khi thành bị chiếm, Sở trốn về  triều. Vào thời Gia Long thăng Khâm sai Chưởng cơ, lãnh quản đạo Thanh Hoa ngoại, có tội bị cách chức rồi chết. Năm Minh Mạng thứ 3(1822) truy phục chức Chưởng cơ, lại hậu ban cho con cháu. Con trai là Thắng làm quan chức Cai đội169.

        Sau khi khảo sát và đối chiếu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tác giả Phan Thuận An đã dè dặt kết luận: Có lẽ chỉ có một tướng Ngô Văn Sở chứ không có hai như trước đây chúng tôi đã lầm tưởng. Ông gốc người Thừa Thiên, vào ngụ tại Gia Định, theo quân Tây Sơn đi đánh Nguyễn Ánh, nhưng sau vì ở trong thế bức bách đe doạ đến tính mạng, cho nên ông bỏ trốn chạy vào Nam gia nhập lục lượng Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn. Nhờ chiến công, ông được thăng chúc Vệ úy, rồi khi Gia Long xưng đế, ông thăng Chưởng cơ và được trọng dụng giữ chức Trấn thủ Thanh Hoa ngoại. Nhưng sau đó, trong thời Gia Long (1802-1819) hay đầu thời Minh Mạng (1820-1840), hoặc bị một lỗi lầm gì đó, hoặc bị truy tội là đã man khai tông tích, nên ông bị cách chức. Tuy nhiên, sau khi chết có thể vì già hoặc bệnh, ông vẫn được truy phục nguyên hàm nhờ có con gái đầu là Ngô Thị Chánh được vua Minh Mạng thương yêu170.

---------------------------------------
        166. Tạp chí LSQS số I-2002.

        167. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4(169), 1976, tr. 56.

        168. Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là danh tướng, Tạp chí Sông Hương, số 25, 1987, tr. 91.

        169. Tham khảo bản dịch của Phan Thuận An trong bài Thử đưa ra một kiến giải mới về nhân vật lịch sử Ngô Văn Sở, Hội thảo khoa học Phú Xuân-Thuận Hoá trong phong trào nông dân Tây Sơn tháng 12-1988. tr. 86; Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 25, Thuận Hoá, 1993, tập 2. tr. 436.

        170. Phan Thuận An, Tlđd, tr. 91-92.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 12:04:17 am »


        Cũng trong hội thảo khoa học Phú Xuân-Thuận Hoá trong phong trào nông dân Tây Sơn vào tháng 12 năm 1988, tác giả Trần Viết Điền có bài Về tướng Ngô Văn Sở ấy khá sắc sảo và công phu. Sau khi khảo sát điền dã các nơi có liên quan đến nhân vật Ngô Văn Sở ở Thuận Nhơn, Hà Lỗ, Châu Chữ để đọc các bản gia phả, tiếp xúc với hậu duệ, khảo sát các khu mộ táng, nhà thờ tộc Ngô… rồi đối chiếu lại sử sách, tác giả Trần Viết Điền đi đến kết luận:

        1. Không thể nhập hai tướng Ngô Văn Sở làm một được, vì lẽ:

        - Nếu "Tướng Ngô Văn Sở ấy" là "danh tướng Ngô Văn Sở" thì hoá ra Quốc sử quán triều Nguyễn đã thiếu nhất quán khi soạn bộ Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 25 chép Ngô Văn Sở còn sống sau năm 1802, còn quyển 30 lại chép sự kiện Ngô Văn Sở bị dìm chết ở sông trong cuộc đảo chánh ở Phú Xuân năm 1795.

        - Nếu "Tướng Ngô Văn Sở ấy" là "danh tướng Ngô Văn Sở' thì tại sao sử triều Nguyễn không chép chức vụ cao nhất của Ngô Văn Sở là Đại tư mã, Đại tổng lý khi ra hàng, lại viết ông giữ chức Đô úy của ngụy triều?

        2. Khả năng hợp với lôgic cũng như khớp với tư liệu hiện có là tồn tại hai tướng Ngô Văn Sở cùng phục vụ triều Tây Sơn. Một tướng nổi tiếng với chức vụ cao sau đó bị dìm chết ở sông, tướng còn lại chỉ giữ chức Đô úy khi phục vụ Tây Sơn và sau đó ra hàng Nguyễn vương…171.

        Cuối năm 1992, trên Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ của Ban Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên-Huế, tác giả Trần Đại Vinh có bài Thương xác về Đại tư mã Ngô Văn Sở. Sau khi phân tích tư liệu về nhân vật Ngô Văn Sở trong Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển 25 và kiến giải về những điều chưa hợp lý của tác giả Phan Thuận An cho rằng chỉ có một Ngô Văn Sở, tác giả Trần Đại Vinh cho rằng hoàn toàn không có chuyện Đại tư mã Ngô Văn Sở về hàng lại khai là Đô úy172.

        Công việc sưu tầm tư liệu để xác minh về Đại tư mã Ngô Văn Sở đã được Các nhà nghiên cứu ở Huế tìm tòi với một khả năng cao nhất nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoả mãn độc giả và những người quan tâm. Đó cũng là điều mà chúng tôi bận tâm để tìm hiểu trong nhiều năm qua.

        Trong các năm 1996, 1997 và gần đây, nhờ có nhiều dịp đi khảo sát thực địa để biên soạn Lịch sử thành phố Quy Nhơn và Địa chí tỉnh Bình Định nên tôi đã tìm được quê quán của Đại tư mã Ngô Văn Sở nay là thôn Bình Thạnh, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Tại đây có hơn 30 gia đình tộc Ngô, từ đường, lăng mộ, phổ đồ, tộc phổ và bản tiểu sử nhà họ Ngô…

        Bản tiểu sử cho biết:

        - Đại tư mã Ngô Văn Sở thuộc chánh phái-Ngô Văn Ngữ, Ngữ Luận hầu thuộc thứ phái. Chánh quán làng Bình Thạnh, tổng Dương An, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chánh phái theo vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Thứ phái theo Nguyễn Phúc Ánh-Gia Long. Bản tiểu sử cho biết: Ngô Văn Sở là con của ông Ngô Văn Diễn, giữ chức Khinh xa Vệ úy và bà Nguyễn Thị Mỹ. Ngô Văn Sở có các bà vợ là: Nguyễn Thị Quý, Đặng Thị Vây, Trương Thị Trà, Trần Thị Ngoạn, Trần Thị Yên, Huỳnh Thị Lan.

        Có các em: Ngô Thị Nghé, Ngô Văn Tri, Ngô Thị Điệt, Ngô Văn Ngữ, Ngô Văn Dần.

        Ngô Văn Sở có các con trai: Ngô Văn Đắc, Ngô Văn Nhật. Có các cháu trai: Ngô Văn Trương, Ngô Văn Kỳ.

        Bản tiểu sử còn cho biết Đại tư mã Ngô Văn Sở phò vua Quang Trung. Hưởng ứng hiệu triệu của ba anh em Tây Sơn lên tòng quân ở núi Tây Sơn, rồi theo đoàn quân Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra trú ở Thuận Hoá. Sau khi Ngô Văn Sở bị giết thảm hại, rồi gia đình, vợ con ở lại tỉnh Bắc Ninh. Từ đó không còn liên lạc được với bà con ở Bình Định nữa173.

        Tác giả Quách Tấn cũng xác nhận Ngô Văn Sở người làng Bình Thành (Tuy Phước). Ông là người khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ, thông binh pháp, đã cùng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng kết bạn thân174.

        Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Huân, Ngô Văn Sở kết nghĩa với Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu trước khi tham gia khởi nghĩa Tây Sơn. Thân phụ Bùi Thị Xuân hứa gả cháu của mình là Băng Tâm cho Ngô Văn Sở175. sau đó cả ba người đều theo Tây Sơn và thành danh tướng của cuộc khởi nghĩa. Tư liệu này cho phép chúng ta xác nhận quê quán của Ngô Văn Sở là ở phủ Quy Nhơn và Ngô Văn Sở tham gia cuộc khởi nghĩa ngay từ đầu, năm ông khoảng 20 tuổi.

------------------
        171. Trần Viết Điền, Tlđd, tr. 77-78.

        172. Trần Đại Vinh. Thương xác về Đại tư mã Ngô Ván Sở đăng trên Thông tin Khoa học và Công nghệ của Ban Khoa học và kỹ thuật Thừa Thiên-Huế, số 2, 1992, tr. 52.

        173. Các tài liệu được các ông Ngô Đình Cường (sinh năm 1928) và Ngô Văn Cự (sinh năm 1925) cung cấp. Bản tiểu sừ còn cho biết: Hậu quân Ngô Văn Ngữ có một em gái tiến cung làm thứ phi cho vua Gia Long, không con. Sau bị bệnh chết, quan tài được đưa về chôn ở quê là thôn Bình Thạnh, xứ Gò Lăng, tục gọi là mả Bà Vua, được cấp tự điền. Hậu quân Ngô Văn Ngữ mất năm Nhâm Thìn (1832). Bia mộ bà Ngô Thị... ở xứ Gò Lăng cho biết bà mất vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), bia mộ do Ngô Văn Ngữ phụng lập năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Như vậy, Đại tư mã Ngô Văn Sở cũng có một người em làm phi dưới triều vua Gia Long. Tương truyền chợ Dinh ở đây là do bà lập nên.

        174. Quách Tấn. Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr. 69.

        175. Nguyễn Bá Huân, Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện, Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1978, tr. 63-65-66.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM