Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:20:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38627 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #140 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:38:55 pm »


Nghị quyết của Đảng ủy vừa phổ biến đến toàn thể các đơn vị trong Binh trạm thì đúng vào lúc Bộ Tư lệnh 559 phát động đợt Tổng công kích. Theo lệnh của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: Binh trạm trưởng Binh trạm 32 dẫn đầu đoàn xe của Binh trạm xuất phát tiến công.

Đêm đó, tôi ngồi trên một chiếc xe Zil 130 đi đầu đội hình, xe đã vỡ kính, đoàn xe vượt ngầm N1 lao vào hướng Binh trạm 33, xe chạy hết tốc lực đến đoạn đường Binh trạm 33 rào bằng tre lồ ô, một loại tre để già vót nhọn sắc như dao. Đột nhiên, một cây tre lồ ô nhọn từ trên dàn ngụy trang lao vào chính trước mũi xe tôi, tôi nhanh tay hất nó sang bên phải, nó đâm vào nệm tựa, phát ra một tiếng "rạo", cây tre gãy đôi trước mắt tôi. Nếu không nhanh mắt, nhanh tay có lẽ tôi đã cầm chắc cái chết!

Cuộc mở màn Tổng công kích thành công tốt đẹp, 100% xe đến đích trên tuyến đường nửa hở, nửa kín. Lúc này trên chiến trường miền Nam, Mỹ - ngụy đang bị quân giải phóng tấn công tới tấp khắp nơi. Chúng phải tập trung đối phó, tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến chi viện Trường Sơn đẩy mạnh hoạt động vận tải.

Lâu lắm tôi mới được gặp lại anh Hoàng Xuân Điền, Đỗ Mạnh Chu, chuyện trò tâm sự vui vẻ. Đoàn xe chạy lấn sáng lấn chiều rồi quay trở về binh trạm ngay trong ngày.

Vấn đề cầu đường coi như đã giải quyết xong, còn vấn đề tác chiến bắn rơi máy bay AC 130 tại chỗ được đặt ra cấp bách. Tôi đến gặp anh Lê Lẫm - Trung đoàn trưởng Trung đoàn cao xạ 591 trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Tôi nói với anh: "Chưa có nơi nào mà lực lượng phòng không mạnh như ở khu vực này: Toàn bộ Trung đoàn 591 cao xạ, Trung đoàn 238 tên lửa và lực lượng cao xạ của Binh trạm 32 bằng một sư đoàn nhé. Vị chi ở đây ta có một sư đoàn phòng không kết hợp cao xạ và tên lửa. Thật là không thể tìm đâu ra một sư đoàn phòng không tổng hợp rất mạnh này! Chính ủy Sư đoàn khu vực 472 anh Lê Đình Trung vốn là Chính ủy sư đoàn phòng không; Tư lệnh Sư đoàn 472 nguyên làm Tham mưu trưởng phòng không Đoàn 559. Với "đội hình'' này, phải bắn rơi AC130 tại chỗ, B52 mò ra cũng phải bắn rơi. Ở đường 20 Quyết thắng chúng tôi đã lên quy mô tác chiến nhiều trung đoàn phòng không rồi. Cao xạ là Trung đoàn 224, tên lửa là Trung đoàn 275, ngoài ra còn mấy tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm, ở đó quân ta làm chủ cả mặt đất, cả trên không; bọn Mỹ hoảng sợ không dám làm mưa làm gió như trước”.

Lê Lẫm không tự ái, trái lại anh cười nói - Anh giao các tiểu đoàn cao xạ của anh cho em chỉ huy, em sẽ hợp đồng tác chiến với Trung đoàn tên lửa 238, nhất định em sẽ làm được lời anh nói. Thấy tôi cười xòa, anh nói tiếp: Anh nghĩ tôi không giao các tiểu đoàn cao xạ cho anh, thời đó Binh trạm nào cũng cố giữ lực lượng của mình, cứ giữ lấy, giữ để thôi. Đoàn 559 điều đi là khiếu nại cố xin giữ lại.

- Tôi giao ngay lập tức cho anh và tôi tin anh làm được. - Để chứng minh lời nói của mình là sự thật, tôi gọi điện thoại về sở chỉ huy Binh trạm trao đổi với anh Hiểu - chính ủy, anh Hợp - phó chính ủy. Thường vụ Đảng ủy Binh trạm cũng thống nhất, tôi tuyên bố chính thức: Từ hôm nay chúng tôi giao các tiểu đoàn cao xạ cho Trung đoàn 591 chỉ huy, Chính ủy Binh trạm đã thông báo quyết định của Thường vụ Đảng ủy Binh trạm 32 cho các đơn vị rồi, anh triệu tập tiểu đoàn trưởng, chính trị viên lên giao nhiệm vụ. Lê Lẫm vui sướng quá, anh ôm chồm lấy tôi, hôn vào má tôi chùn chụt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #141 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:39:14 pm »


Ngày hôm sau, Lê Lẫm mời các đơn vị thuộc Binh trạm 32 và thuộc Trung đoàn 591 họp bàn phương án bắn rơi tại chỗ AC 130. Trước khi đi họp, Tham mưu phó tác chiến Binh trạm hỏi tôi: Ý Binh trạm trưởng thế nào? Tôi nói: - Phải bắt thằng AC 130 đi vào cái trận địa mà ta phục kích sẵn ta mới bắn rơi tại chỗ. Muốn thế, các tiểu đoàn cao xạ Binh trạm 32 đánh máy bay một phía, các tiểu đoàn cao xạ Trung đoàn 591 chặn đánh một phía, buộc chúng đi vào hướng phục kích của ta, tên lửa bắt được mục tiêu đang bị bao vây, chắc chắn bắn rơi tại chỗ.

Hôm ấy, trời quang mây tạnh, trăng sáng vời vợi. Quân ta đã sẵn sàng thì trên bầu trời một thằng AC 130 nghênh ngang từ phía nam bay ra. Dọc đường bay nó nhả đạn 20 ly, 40 ly tới tấp. Từ mặt đất từng làn đạn cao xạ của các tiểu đoàn chặn đánh quyết liệt. Nó vội vã nâng tầm cao rồi ngoặt sang phải thì gặp ngay lưới lửa của Trung đoàn 591; nó chỉnh hướng để đi vào phía giữa, ở đây tên lửa đã phục kích sẵn.

Hai quả tên lửa phóng lên, trúng ngay mục tiêu, lập tức máy bay rơi tại chỗ, chín thằng giặc lái cháy thui. Lệnh của Bộ Tổng Tham mưu cho 6 xe tải chuyển thẳng ra Hà Nội để nghiên cứu gấp.

Tiếp sau đó một tuần, quân ta cũng theo phương án đánh bao vây tứ phía, lại bắn rơi thêm một máy bay AC130 ở khu vực Na Bo. Bị một đòn chí mạng, AC130 của Mỹ không còn dám hoành hành đánh phá khu vực vượt đường 9 - sông Sê Băng Hiêng như trước nữa. Bộ đội ta cho xe chạy ngày kết hợp chạy đêm, chạy đường kín kết hợp đường hở với đội hình tấn công tập trung, cấp tập.

Mùa khô 1971-1972 trên thực tế đã xuất hiện quy mô tác chiến tập trung của một sư đoàn phòng không trên một khu vực trọng điểm, cũng xuất hiện quy mô một sư đoàn vận tải ô tô đi đội hình tập trung cung dài vận chuyển hàng lên phía trước. Đó là tiền đề để sau đó ít lâu bộ đội Trường Sơn phát triển thành các sư đoàn binh chủng cho theo kịp với sự phát triển vô cùng nhanh chóng của cách mạng miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #142 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 03:58:51 pm »


CON ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG PHAI...
Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN
- Nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật
- Nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải
- Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn vận tải thủy 166
- Nguyên Chính ủy Trung đoàn công binh 551 Bộ Tư lệnh 559

Chúng tôi, những chiến sĩ lái xe thuộc Đoàn 3 ô tô vận tải (tiền thân của Tiểu đoàn 52), làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến Trường Sơn từ mùa khô 1961-1962. Hồi đó, ở tuyến Đông Trường Sơn, từ một căn cứ phía tây bắc thị xã Đồng Hới, cứ một giờ đêm, những chiếc xe được tháo biển số, phủ kín bạt chở quân vào Nam. Xe qua phà Long Đại (phà kéo bằng tay), chạy tiếp trên nền đường sắt cũ, rồi qua Mỹ Đức, tới Bang; xe vượt hai mươi cây số nữa qua Vít Thù Lù vào tới Làng Ho. Đến đây, hết đường ô tô, bộ đội xuống xe đi bộ vượt Trường Sơn.

Trên tuyến Tây Trường Sơn, đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển hàng theo đường 12; vượt đèo Mụ Giạ, Cổng Trời, qua Cha Lo sang nước bạn Lào, tới Lằng Khằng rẽ trái theo đường quân sự làm gấp (đường 129), qua Pác Pha Năng, Xóm Péng, Na Phi Lăng... ra đường 9, rẽ hướng Đông qua Mường Phin, đến tập kết hàng ở khu vực Thà Khống. Tại đây, tiểu đội chúng tôi do đồng chí Trần Minh Khâm là tiểu đội trưởng1, cùng Vương Hữu Hạnh lái một xe; tôi và Phùng Văn Tiếp lái một xe, được giao "chốt" lại làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp từ Thà Khống đi Bản Đông. Chúng tôi mặc quân phục bộ đội Pa-thét Lào, lái xe "không số", hàng ngày mỗi xe chỉ được giao chở 2 chuyến. Hàng hóa được đưa tới bờ sông Sê Pôn, từ đó bộ đội chuyển qua sông, rồi gùi, thồ vào phía nam...

Những năm tháng tiếp theo, yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn; những tuyến đường ngày càng được mở rộng, vươn xa. Lực lượng vận chuyển cơ giới cũng được phát triển không ngừng. Ngày 19 tháng 8 năm 1965 Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải được thành lập.

Từ năm 1966, Tiểu đoàn 52 đã làm nhiệm vụ vận chuyển trên đường 20 Quyết thắng - con đường đã đi vào lịch sử Đoàn 559 với những chiến công thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của đồng chí, đồng đội.

Khi đó Tiểu đoàn 52 trực thuộc Binh trạm 32, đóng quân ở Lùm Bùm. Đứng chân trên đất bạn Lào, cung đường vận chuyển của Tiểu đoàn 52 theo con đường chiến lược 128 vượt đường 9 đến Binh trạm 33 ở nam Tha Mé, vượt qua Sê Pôn đến Binh trạm 41 ở gần Bản Đông. Để tiếp nhận hàng vận chuyển, Tiểu đoàn 52 lùi cung về lấy hàng ở cụm kho C thuộc Binh trạm 14 ở Km 70-71 đường 20. Có thể nói, con đường 20 đã đi vào lịch sử Tiểu đoàn 52 từ ngày ấy.

Đó là một con đường mới mở, trơn lầy không sao kể xiết; cường độ đánh phá của địch ngày một ác liệt. Nhưng vượt lên bom đạn, mưa nắng, lượng hàng vận chuyển của Tiểu đoàn 52 ngày một tăng lên.

Cũng như tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Tiểu đoàn 52 căng đầy nhiệt huyết, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" sẵn sàng đương đầu với mọi gian khổ, hy sinh, ngày đêm bám đường, bám cung vận chuyển. Kết thúc mùa khô 1965-1966, Tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được Bác Hồ kính yêu tặng cờ thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
______________________________________
1. Đồng chí Trần Minh Khâm được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #143 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 03:59:22 pm »




Những ai đã từng là người lính vận tải trên con đường 20 trong những năm tháng đánh Mỹ đều quen thuộc với 3 chữ A-T-P - một tập đoàn trọng điểm bao gồm cua chữ A, hệ thống ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích.

Trước khi ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trên toàn tuyến, các binh trạm của Đoàn 559 đều phải "lùi cung" để "móc hàng" đưa sâu vào phía trong.

Bước vào mùa khô 1967-1968, Tiểu đoàn 52 được lệnh tiếp cận Chà Là, một đoạn đường độc đạo vắt qua dãy núi cheo leo ở phía tây đèo Phu La Nhích. Cung vận chuyển của Tiểu đoàn là vượt qua đèo Phu La Nhích, sông Ta Lê, các "cua" A lớn, A nhỏ, lấy hàng ở Binh trạm 14.

Nhanh chóng "đánh hơi" có đoàn xe qua đây, địch bắt đầu tập trung đánh hủy diệt, ngăn chặn với mật độ bom đạn rất cao. Hố bom cắt nát mặt đường. Ngầm bến bị bật lên, đứt đoạn. Những bụi le um tùm, những rừng săng lẻ, rừng khộp cho xe trú đậu bị san phẳng. Không ít lần bãi đỗ xe, đội hình hành quân vận tải của Tiểu đoàn 52 bị địch ném bom, bắn rốc-két, đạn 20 ly... Có thể coi tập đoàn trọng điểm ATP hình thành là một chiến trận mặt đối mặt với kẻ thù của các chiến sĩ công binh, cao xạ, tên lửa, vận tải và các đơn vị thanh niên xung phong. Tất cả vì sự sống của con đường, cho những đoàn quân ra trận, cho những chuyến hàng ra tiền tuyến...

Mùa khô 1967-1968, trong đội hình chiến đấu của Binh trạm 32 "Binh trạm vạn tấn", đánh dấu một bước trưởng thành mới của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp Tiểu đoàn 52. Việc tổ chức bộ đội hành quân vận tải trong điều kiện đường xấu, địch đánh phá với cường độ cao; đó là sự lớn lên về bản lĩnh, kinh nghiệm, sức sáng tạo cũng như độ chín, đức tính dũng cảm hy sinh hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện hoàn cảnh của các chiến sĩ lái xe toàn tiểu đoàn. Đêm 23 tháng 3 năm 1968 đoàn xe 48 chiếc của tiểu đoàn đang trên đường vận chuyển, vừa đến trọng điểm Văng Mu thì máy bay địch giăng pháo sáng trên toàn tuyến rồi đánh chặn đầu. Trong tình thế hiểm nghèo đó, Tiểu đoàn quyết định cho một chiếc xe trong đội hình bật đèn chạy sang hướng khác để thu hút, đánh lừa máy bay địch bám theo, bắn phá. Nhờ đó, đoàn xe vượt qua trọng điểm an toàn.

Kết thúc mùa khô này, Tiểu đoàn 52 được biểu dương là một trong những lá cờ đầu vượt cung tăng chuyến của toàn tuyến. Ngày 15 tháng 6 năm 1969, Đại đội 1 vinh dự được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #144 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 04:00:24 pm »




Đến mùa khô 1969-1970, Tiểu đoàn 52 được trang bị mới các loại xe Zil 157 (của Liên Xô), Hồng Hà (của Trung Quốc) và chuyển về trực thuộc Binh trạm 14. Tháng 9 năm 1969, khi bắt đầu vào chiến dịch vận chuyển thì được tin Bác Hồ qua đời. Giữa Trường Sơn mênh mông, trong nỗi đau thương vô hạn, toàn tiểu đoàn như dâng đầy một sức mạnh quyết tâm, nghị lực mới sao cho xứng với công lao trời biển của Bác kính yêu.

Càng vào chiến dịch, hiệu quả vận chuyển của Tiểu đoàn 52 càng cao. Ngày đêm nối tiếp nhau, các chiến sĩ lái xe Tiểu đoàn 52 sát cánh cùng các chiến sĩ lái xe Tiểu đoàn 781, liên tục cho xe lăn bánh trên đường 20, qua tập đoàn trọng điểm ATP - điểm ngăn chặn quyết liệt của không quân Mỹ. Biết bao lần bị chụp trúng xe, trúng đội hình mà Tiểu đoàn 52 vẫn không hề nao núng. Xe vẫn quay vòng nhanh, tăng chuyến, tăng hàng. Trong mùa vận chuyển, trung bình mỗi xe chạy 28 đêm, có tháng chạy 30 đêm; rất nhiều xe vượt cung, vượt chuyến. Trong mùa vận chuyển 1969-1970, có 65% số xe chạy 1 đêm/chuyến trên cung độ 2 đêm/chuyến. Tiểu đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch 17%, sớm trước 65 ngày.

Giờ đây, đọc lại trang sử của các đơn vị Anh hùng ngành xe quân đội, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 52 rất tự hào về những chiến công được tuyên dương: "222 lần máy bay địch bắn phá vào đội hình của tiểu đoàn, nhưng cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã anh dũng cứu xe, cứu hàng vượt qua khu vực hiểm nguy. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Trong mọi trường hợp tiểu đoàn luôn kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

... Còn nhớ đêm 30 Tết Tân Hợi năm 1971...

Chiều hôm đó, Tiểu đoàn tổ chức xuất phát từ Khe Tum. Khí thế "Mừng Xuân dâng Đảng" rạo rực khắp cánh rừng trú quân ngay bên trọng điểm. Tiếng còi, tiếng người hô, tiếng máy nổ râm ran. Trên 100 xe của 4 đại đội hàng đã chất đầy, ngụy trang chu đáo. Lái chính, lái phụ, thợ máy, cán bộ chỉ huy... ai nấy đều náo nức ý chí lập công. Không khí tưng bừng như mở hội.

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên cùng có mặt, kiểm tra, hỏi han khích lệ anh em. Các đồng chí chỉ huy Binh trạm đến từng đầu xe cổ vũ bộ đội. Đội văn nghệ xung kích Binh trạm đến biểu diễn động viên; Ban Hậu cần cử chị nuôi mang lương khô, bánh ăn đêm phát cho từng tổ lái, đầu xe; Ban Quân y còn có các loại xi-rô tăng lực, "kẹo chống ngủ" đưa đến trao tận tay các anh lái xe; những túi thuốc cấp cứu... cũng được phân phát không xe nào thiếu.

Lễ xuất phát tiến công cũng là dịp gặp gỡ nhau chúc Tết, mừng Xuân. Anh em được nhận nhiều món quà đậm đà hương vị quê hương như bánh nếp, chè, thuốc lá...

Thông thường, anh em lái xe, thợ máy có thói quen: ngại "gặp gái" lúc lên đường. Nhưng hôm nay, tiếp chị nuôi, văn công, y tá... đều là nữ mà anh em lại thấy như được nhân lên niềm phấn khởi, tin tưởng vào thành công. Có đồng chí lái xe lúc bắt tay đồng chí Tư lệnh Trường Sơn đã tự tin hứa: "Cứ khí thế này chắc chắn chúng em sẽ thắng to".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #145 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 04:00:50 pm »


Tôi là Chính trị viên phó tiểu đoàn, được giao nhiệm vụ chỉ huy đội hình đêm nay. Đại đội phó Đại đội 1, Anh hùng lực lượng vũ trang Kim Ngọc Quản được giao đi sau "chỉnh ngũ".

5 giờ chiều, rừng Trường Sơn đã sâm sẩm tối. Tiểu đoàn đồng loạt xuất quân. Trời đất yên ắng lạ thường. Kinh nghiệm sống như mách bảo rằng đằng sau cái tĩnh lặng đó là một tình huống dữ dội sắp xảy ra... Nhưng kinh nghiệm cũng mách bảo người chiến sĩ lái xe Tiểu đoàn 52 rằng, phút tĩnh lặng trên chiến trường chính là phút tiến công. Tranh thủ xuất phát sớm, "lấn sáng, lấn chiều", đánh vào từng giây phút lơi lỏng của địch trên bầu trời rừng núi Trường Sơn là chiến thuật đã được mọi anh em quán triệt, vận dụng sáng tạo.

Đoàn xe băng qua cột mốc biên giới, thần tốc vượt cua chữ A. Từ điểm cao Phu La Nhích, qua màn bụi đường đỏ au, vần vũ, thấy đội hình hàng trăm xe rải đều trên hai sườn dốc mà lòng bừng bừng vui sướng. Đến trạm chỉ huy mang tên "Tam Đảo" của Tiểu đoàn 33 công binh. Lúc này, Vũ Tiến Đề, Anh hùng lực lượng vũ trang đang chỉ huy đảm bảo giao thông trên đèo. Hình ảnh Vũ Tiến Đề với chiếc xe ủi, luôn túc trực, sẵn sàng cấp cứu các trường hợp xe ách tắc, hay bị địch đánh phá thật khó phai mờ trong ký ức mọi người. Chỉ huy đoàn xe đến bắt tay anh: "Chào người Anh hùng trên tập đoàn trọng điểm ATP. Xin chúc mừng năm mới!". Cùng cười vui chúc mừng năm mới nhưng Vũ Tiến Đề không giấu nổi lo âu: "Nghe chừng yên ắng thế này, thằng B52 sắp giở trò đấy!". Biết vậy và người chiến sĩ lái xe chiến trận Trường Sơn lúc này là xốc lại xe, hàng thật gọn gàng ngay ngắn, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, rồi căng mắt nhằm phía trước nhấn ga, lao tới. Anh em lái xe bình tĩnh, quyết tâm bởi niềm tin: mọi việc của con đường thì đã có công binh và thanh niên xung phong, bầu trời thì đã có các chiến sĩ phòng không, tên lửa.

Xe chỉ huy đã vượt qua đèo Phu La Nhích. Phần lớn đội hình đã xuống sườn dốc phía nam. Bỗng chình ình một chiếc xe đỗ trước mặt người chỉ huy. Anh gào to: "Sao đứng lại? Cố vượt lên ngay!". Từ trong buồng lái một cái đầu thò ra: "Báo cáo. Trước em, chúng nó phanh dồn cục hết. Chắc có tình hình...". Người chỉ huy nhảy xuống, chạy theo triền dốc đến đoạn đầu ách tắc. Đang thúc giục nhau cùng mau lẹ xử lý tình huống thì bỗng đất trời vần vũ, không kịp nghe thấy tiếng nổ; người nhoài xuống mặt đường, thấy tức như bị phang vào lưng, vào ngực. Tai ù đặc. Ruột gan như đảo lộn. Biết là bom đã dội trúng đội hình. Cây, đất đá đổ tung tóe, mù mịt. Tiếng bom vừa ngớt, vẫn còn tiếng nổ rải rác của các loại bom mìn khác. Rồi tiếng bọn "phản lực đi ăn hôi", tiếng đạn rốc-két từ trên cao trút xuống. Những chùm đạn xanh lè của súng phòng không ta vút lên. Không gian cứ lồng lộn như cuồng bão. Trên mặt đường, cán bộ chỉ huy và các chiến sĩ lái xe đã kịp thời xốc lại, kiểm tra ngay toàn đội hình. Từ các phía các chiến sĩ công binh cũng lao ra hỗ trợ... Rồi một kết cục kỳ lạ. Thằng Mỹ tốn mấy trăm tấn bom không rõ, nhưng xe của Tiểu đoàn 52 chỉ 7 chiếc (trong tổng số hơn 100 chiếc) bị hỏng nhẹ. Cái thì bẹp nắp ca-pô, cái thì bẹp két nước, cái thủng lốp. Người, không ai việc gì. Ngẫm lại, đây cũng là tất yếu, vì cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 52 đã bao phen dày dạn, hứng chịu những trận mưa bom trút xuống đội hình, có cả những mất mát thương vong đã không dễ gì tránh được. Rồi cứ vậy, kinh nghiệm xử lý xe, hàng, người khi B52 oanh kích đã thành "kỹ xảo" của anh em... Chúng tôi đang xử lý gấp thì từ trong một ngách núi, xe hộ tống của Tiểu đoàn 33 đã nổ máy lao ra hỗ trợ cho mấy cái bị bẹp. Những chiếc khác đã được anh em nhanh chóng co kéo nhau đâu vào đấy. Đội hình phía trước đã ầm ì xuống hết chân đèo. Có chiếc sắp vào khu trả hàng. Phía sau vẫn lục tục lao lên. Chỉ huy chiếc xe chỉnh ngũ, Đại đội phó Kim Ngọc Quản phút chốc đã nhảy khỏi buồng lái, giọng rành rọt: "Báo cáo anh, xe đã qua đèo hết". Có tiếng máy bay phản lực lao xèn xẹt phía sau. Pháo cao xạ ta tới tấp bắn trả. Đoàn xe đã được công binh hướng dẫn đi theo đường tránh QZ 25 vào khu kho Lùm Bùm.

Mặc dù bị máy bay B52 địch chặn đánh, song đoàn xe vẫn giao hàng đầy đủ, xe không bị bỏ lại chiếc nào trên đường. Đã thành nếp, khi vào khu kho trú đậu, lái xe, thợ máy lại ai làm việc nấy, lao vào khắc phục. Ngay đêm đó, nhiều xe đã quay về trước khi trời rạng sáng. Đó là thời điểm ít máy bay địch oanh tạc trên đường.

Về sau, trận này được đánh giá là một trận thắng điển hình của Tiểu đoàn xe 52 trên đường 20 Quyết thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #146 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 04:02:25 pm »


ĐÓN TƯ LỆNH "601"
NGÀY 19-5-1973
Thiếu tướng, AHLLVT NGUYỄN BÁ TÒNG
Nguyên Đại đội phó công binh
Trưởng đoàn 98 Đoàn 559

Giữa tháng 5 ở Trường Sơn mưa rào đã bắt đầu dày lên, những trận mưa rào như đổ nước đã làm nước sông Bung đục ngàu, cuồn cuộn từng đợt sóng, cuốn cả đất đá, cây cổ thụ đầu nguồn đổ về rất hung dữ. Thác sông Bung réo sôi ùng ục, tung những đám bọt trắng đục lên cao, rồi đổ xuống vực sâu phát ra những âm thanh ầm ầm, ào ào ghê rợn. Mặc dù mưa nguồn, suối lũ, đơn vị Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 98 mà tôi làm chính trị viên vẫn đảm bảo cho đường và phà Bung thông suốt cho xe ra vào ngày đêm an toàn.

Vào những ngày thi đua thực hiện: "Làm đường hạ dốc cho xe tăng tốc độ, giải phóng nhanh cho xe qua phà sông Bung" toàn đơn vị hầu như cả ngày lẫn đêm đều có mặt trên đoạn đường 12 kilômét và phà Bung. Chiều ngày 18 tháng 5, khi đang đi kiểm tra đường và phà thì công vụ gọi về nhận điện của Trung đoàn. Tôi nhấc máy nghe đầu dây bên kia Trung đoàn trưởng Đoàn Ngọc Lập thông báo: "Đúng 10 giờ 30 phút ngày 19 tháng 5 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến đơn vị đồng chí, chú ý báo cáo công việc đầy đủ và tổ chức cơm trưa cho Tư lệnh”.

Nhận được điện của Trung đoàn, tôi sung sướng như muốn reo to lên, bởi chưa bao giờ được gặp một cấp trên - một vị Tư lệnh nổi tiếng của Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Nhưng rồi tôi lại băn khoăn: sẽ báo cáo công việc thế nào đây? Tổ chức ăn trưa cho Tư lệnh ra sao? Tôi nhớ lại thời kỳ ở miền Bắc huấn luyện đi B, được thông báo tiểu đoàn trưởng xuống kiểm tra, là đại đội đôn đốc các trung đội dọn vệ sinh, xếp ba lô ngăn nắp. Khi tiểu đoàn trưởng đến cả đại đội tập hợp. Đại đội trưởng hô nghiêm, bước từ đoàn quân ra đứng cách tiểu đoàn trưởng năm bước báo cáo to, rõ, trông cả hai đều rất oai phong. Tác phong quân sự ấy làm tôi liên tưởng tới, thấy lo lắng cho buổi gặp Tư lệnh ngày mai. Chính vì lẽ đó dù trời chưa tối, chưa đến giờ họp bàn giao, tôi đã hội ý với đại đội trưởng và cho triệu tập cuộc họp từ cán bộ trung đội trưởng để phân công công việc và yêu cầu các trung đội ăn cơm tối xong tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, tuyệt đối không được bàn tán và giữ bí mật.

Bữa cơm tối của đại đội bộ xong, tôi nhìn đồng hồ đã chỉ 21 giờ kém 15 phút tôi nói với đại đội trưởng cho tiểu đội trưởng và chiến sĩ nuôi quân lên giao nhiệm vụ tổ chức bữa ăn trưa ngày mai. Sau đó, tôi đi kiểm tra các đơn vị trực đêm bảo đảm cho xe ra vào đêm nay. Tôi theo một xe ben của đơn vị đi một vòng đoạn đường đơn vị đảm nhiệm, về đến doanh trại xem đồng hồ thì đã 24 giờ đêm. Ngồi vào chiếc bàn làm việc kết bằng nứa và gỗ, đốt ngọn đèn dầu làm bằng ống thịt hộp 1kg, tôi mở cuốn sổ ghi chép nội dung báo cáo tư lệnh. Ý định ban đầu của tôi là sẽ viết một bản báo cáo thật hay để miêu tả khó khăn, thuận lợi và kết quả, rồi cứ thế mà đọc như báo cáo thành tích trước đại hội. Viết xong đọc lại thì thấy không nên, vì Tư lệnh đến chỉ làm việc và ăn trưa có một giờ thì đọc báo cáo như đã viết không ổn. Tôi suy nghĩ và quyết định sẽ báo cáo trực tiếp, ngắn gọn những công việc và kết quả đã làm. Mải suy nghĩ miên man, tôi nhìn lên đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng, nằm xuống giường đắp miếng dù chiến lợi phẩm, nhắm mắt lại nhưng vẫn không sao ngủ được. Niềm vui, nỗi lo cứ trải dài trong suy tưởng... Trời mới mờ sáng, tôi liền nhẹ nhàng xỏ chân vào đôi dép cao su Trung Quốc, theo lối nhỏ đi xuống bếp, ánh lửa bập bùng từ xa đã thấy ba bóng người, đó là tiểu đội trưởng Đức Tụ và hai chiến sĩ nuôi quân đang nhặt rau, mổ cá, gần tới bếp thấy cả y tá Thanh theo sau, tôi hỏi! "Các cậu dậy sớm thế?". Mấy anh em đều nói: "Không ngủ được thủ trưởng ạ". Tôi nghĩ cái tin vui ấy không chỉ riêng mình tôi mà tất cả đại đội đều có chung cảm xúc, chắc ai cũng nghĩ ngày mai mình sẽ được ngắm nhìn Tư lệnh - hình ảnh một con người được cả tuyến 559 kính yêu, mến mộ bởi sự sáng tạo, gan dạ, quyết đoán, thân tình. Một vị tướng đã góp phần quyết định tạo nên một thế trận từ không thành có, từ có đến mạnh và rất mạnh, tạo được niềm tin đối với Đảng, nhân dân hai miền Nam - Bắc, với quân đội và cả hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia về bộ đội Trường Sơn bất khuất kiên cường. Tôi rời bếp lửa hồng qua các trung đội xuống bến phà rửa mặt đánh răng đều đã thấy các trung đội thức giấc, vừa trò chuyện vui vẻ, vừa chuẩn bị công việc cho một ngày đặc biệt. Đúng là một đêm cả đại đội không ngủ mà tinh thần hoạt động tăng lên gấp bội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #147 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 04:03:11 pm »


Ăn sáng xong, tôi và đại đội trưởng Minh Đức phân công nhau đi triển khai công việc cho các trung đội và hẹn 9 giờ gặp nhau tại đầu đường đơn vị đảm nhiệm để đón tư lệnh. Đúng 10 giờ 20 phút chúng tôi thấy một chiếc Gát 69 còn khá mới bon bon lao tới mà không thấy xe nào hộ tống, đến gần chúng tôi và mấy chiến sĩ đại đội bộ, xe dừng lại, từ trong xe Tư lệnh cùng hai cán bộ bước ra. Chúng tôi chào tư lệnh theo nghi lễ quân sự. Xong chưa kịp mời Tư lệnh về đơn vị thì Tư lệnh nói ngay: "Hai đồng chí lên xe cùng đi", xe đi được trên 2 kilômét thì đột ngột dừng lại, thấy Tư lệnh ra khỏi xe cùng 2 cán bộ. Tôi và Minh Đức cũng ra theo, Tư lệnh ngắm lại phía sau và nhìn đoạn đường phía trước rồi hỏi: "Đường các đồng chí đảm bảo tốt như hai cây số vừa rồi cả chứ?". Chúng tôi đồng thanh trả lời "Vâng ạ", rồi Tư lệnh nói tiếp: "Ta ra chỗ tán cây và hòn đá to kia ngồi nghe đơn vị báo cáo". Tôi liền mời Tư lệnh về đơn vị uống nước và nghe báo cáo. Tư lệnh nói: "Ngồi ở đây mát, có nước đây". Rồi anh cán bộ cùng đi đưa ra một bi đông nước to để uống. Đại đội trưởng Minh Đức báo cáo về công việc của đại đội, tôi bổ sung và nói thêm về tư tưởng, quyết tâm của đơn vị. Nghe xong, Tư lệnh cười và nói: "Các đồng chí làm và bảo đảm đường cho xe chạv được như thế này là rất tốt, cần tiếp tục mở rộng cua, hạ độ dồc là mặt đường êm chút nữa thì tốc độ xe sẽ tăng. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khi vũ khí, khí tài và lương thực, thực phẩm vào được chiến trường càng nhiều thì chiến trường càng mở rộng để tạo một đòn quyết định cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời cơ đang đến rất gần với chúng ta". Tư lệnh còn nhắc nhở thêm: "Riêng phà Bung, cần lát đá tốt hai đầu bến, túc trực ngày đêm không để ùn tắc xe. Tôi còn nghe dân nói đồng chí đã dũng cảm cứu phà hôm lũ lớn, như vậy là tốt, nhưng phải đảm bảo an toàn người và cơ sở vật chất". Chúng tôi rất vui khi được ngồi cùng xe với Tư lệnh và được Tư lệnh khen ngợi, căn dặn những điều rất đúng, rất mới cả khi báo cáo và trên đường đưa Tư lệnh đi kiểm tra tuyến đường và trên đường về đại đội bộ. Riêng tôi từ lúc gặp Tư lệnh cảm nhận được sức cảm hóa lan tỏa của Tư lệnh rất hấp dẫn; từ phong cách đến lời nói, việc làm. Với dáng người cao to, vị Tư lệnh của chúng tôi đi đôi ủng, áo để trong quần, đầu đội mũ mềm theo nghi thức quân sự, dáng đi khoan thai chắc chắn, tự tin, gương mặt tươi sáng, gặp anh em các trung đội của tôi thi công trên đường, Tư lệnh đều dừng xe thăm hỏi, động viên, dặn dò giữ gìn sức khỏe, nắm bắt thông tin, biểu dương những kết quả việc làm tốt, ngay như việc cứu phà của tôi chưa ai báo cáo mà Tư lệnh đã biết. Đó là sự việc diễn ra vào sáng ngày 15 tháng 5, lúc 7 giờ 30 phút từ đầu bắc phà, anh em đưa tôi qua sông cùng 2 xe tải hàng Z130, sang đến bờ Nam anh em cột phà vào một gốc cây to cạnh bến phà, rồi ngồi dưới gốc cây nghỉ, lúc này nước sông trên đầu nguồn đang tràn về, dâng cao dần nhưng với tốc độ bình thường. Nhưng chỉ 5 phút sau tôi đã thấy các bè cây, cùng với màu đỏ ngầu của đất lao về nhanh hơn, tôi đứng dậy ngắm nhìn dòng nước và nhắc nhở anh em chú ý nước nguồn về mạnh phải để ý kéo phà lên theo mực nước dâng, chưa dứt lời thì thấy một mảng lớn gồm một cây cổ thụ cả cành lá, rễ cây cùng các loại rác ầm ầm lao tới, tôi hô: "Xuống phà", cả tốp người đứng bật dậy cùng chạy xuống phà, tôi chỉ còn cách khoang phà gần bờ năm, bảy bước chân thì nghe tiếng phựt, hai khoang phà phía ngoài bị bè cây cán làm đứt phăng dây néo trôi theo dòng nước lũ. Tôi chỉ kịp hô "Cứu phà" rồi để nguyên quần áo lao vụt theo phà. Do nước chảy xiết tôi chỉ bơi hai sải là bám được mép phà rồi lên trên phà, phà và người cứ trôi băng băng theo dòng nước, anh em đơn vị và dân bản chạy theo trên bờ gọi ầm ĩ, "Bỏ phà bơi vào bờ, sắp đến thác rồi". Một suy nghĩ vụt qua rất nhanh là làm sao cứu được phà. Tôi trở lại bình tĩnh tìm phương án cứu phà. Trước hết cởi hết quần áo dài, chỉ mặc quần lót cho nhẹ, xem lại đoạn dây neo còn lại, tính toán cự ly khi gặp vật cản neo phà. Phà và người cứ trôi theo dòng lũ, đó là những phút giây căng thẳng đứng một mình trên hai khoang phà mà không có cách gì cứu được, anh em chạy theo hai bờ sông cứ gào thét, có người đã bật khóc, vì phà chỉ còn cách Thác Bung vài chục mét, đúng lúc đó một dòng nước xoáy cuốn phà lệch vào bờ phải. Một cành cây to từ một cây cổ thụ xòe ra mặt sông, do nước lũ dâng cao chỉ còn cách mặt nước chưa đầy nửa mét. Tôi nhẩm đoán cự ly phà và cành cây cách nhau độ 5 mét. Xác định đây chính là thời cơ, tôi lao xuống nước, một tay cầm đầu dây phà bơi vài sải tay túm ngay được cành cây, cột dây phà vào cành cây, thì cũng là lúc xoáy nước đẩy phà ra giữa dòng thác, nhưng bị vướng dây neo, chiếc phà khựng lại. Sau giây phút giằng co giữa dòng nước xiết với dây néo và cành cây, nước không đẩy được phà, tôi tin chắc đã giữ được liền gọi anh em trên bờ hỗ trợ. Cùng một lúc thấy ba, bốn chiến sĩ lao xuống sông và đem theo dây cáp. Tôi nói với anh em buộc cáp vào phà rồi bơi vào bờ cùng anh em trên bờ kéo phà vào sát bờ, rồi lợi dụng nước dâng kéo phà về bến. Tôi lên bờ mặc quần áo, anh em đơn vị, cả một số cán bộ tiểu đoàn bộ, dân bản biết tin đều đến vây quanh tôi. Một số anh em cán bộ nói: "Anh liều thế". Một già bản nói: "Tao bảo với mọi người mày bị Hà bá, tức Thủy thần bắt rồi. Giỏi! Giỏi!". Tôi nói với anh em: "Phà cũng là vũ khí, để mất vũ khí là vi phạm điều lệnh quân đội; hơn nữa trước mắt không có phà đảm bảo cho ô tô hàng vào chiến trường, trong khi chiến trường đang rất cần vũ khí và lương thực thực phẩm để dự trữ mùa mưa là có tội, nên phải bảo vệ và cứu bằng được phà".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #148 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 04:03:32 pm »


Rồi bữa cơm trưa tiếp Tư lệnh cũng rất đáng nhớ. Sau khi đưa Tư lệnh đi kiểm tra tuyến về, anh em đưa nước để Tư lệnh rửa mặt, chân, tay. Tôi dẫn Tư lệnh vào nhà chỉ huy, mâm cơm đã được bày sẵn, các món ăn có thể nói rất Trường Sơn, món nộm được chế biến từ ngọn cây sắn ăn củ, măng luộc chấm nước mắm chế từ gạo rang, đầu cá nấu canh chua bằng lá me rừng, cá kho riềng đào trên rừng, rau giớn suối xào nước thịt hộp. Thời gian này đơn vị được lệnh triệt để tiết kiệm thực phẩm, các hộp thịt được cấp phát, đơn vị chỉ đạo đun nóng cho mỡ chảy ra ép lấy nước để xào nấu dần, còn thịt cho thêm muối, mì chính rang khô ăn dè từng bữa; còn tất cả rau, thực phẩm phải khai thác tại chỗ. Nhìn mâm cơm đơn giản nhưng cũng thật hấp dẫn. Bởi ở Trường Sơn cũng rất ít bữa được chuẩn bị như thế này. Tôi mời Tư lệnh dùng cơm! Tư lệnh bước vào nhà, đứng nhìn xung quanh rồi bước tới chiếc bàn làm bằng nứa để giao ban của đại đội, phía trên tường tôi treo ảnh Bác, bên dưới là đĩa quả lòn bon, dân cho tối qua, tôi đặt đó để tiếp Tư lệnh. Tôi thấy Tư lệnh bỏ mũ, đầu hơi cúi hai tay duỗi thẳng, không thấy nói gì, nhưng tôi nghĩ ngay là Tư lệnh đang khấn Bác, vì hôm nay đúng ngày 19 tháng 5. Những động tác của Tư lệnh khiến tôi thấy mình có lỗi, tuy không được lập bàn thờ nhưng làm như Tư lệnh không khó, không phải mê tín. Cũng từ đó mà thành lệ, cứ đến ngày sinh nhật Bác là chúng tôi tìm hoa, quả để dưới ảnh Bác lễ ba vái và cũng nghiệm thấy Bác phù hộ, nhiều việc khó đơn vị đều vượt qua khá tốt. Làm xong việc lễ Bác, Tư lệnh quay lại ngồi vào mâm cơm, lời đầu tiên Tư lệnh nói: "Các đồng chí làm gì mà sang thế, cá kiếm ở đâu? Không được dùng bộc phá đấy nhá". Tôi nói: "Không đâu ạ, ở đây nhiều cá anh em chỉ dùng lưới và câu thôi ạ". Tư lệnh khen: "Thế là tốt, cần cải thiện bữa ăn cho anh em, thiên nhiên ưu đãi chúng ta đấy". Trong bữa cơm, Tư lệnh hỏi thêm một số vấn đề về đơn vị như quê quán, anh em ở lâu, mới bổ sung, số đã có vợ, con, tâm tư anh em thế nào? Chúng tôi trả lời Tư lệnh, anh em rất quyết tâm, chỉ mong chóng hòa bình thống nhất đất nước để được ra Bắc về quê. Tư lệnh suy nghĩ giây phút rồi nói: "Các đồng chí thấy đấy, Trung ương quyết định mở cơ bản và mở rộng đường Đông Trường Sơn là có mục tiêu lớn vừa có tầm chiến lược, chiến thuật. Cứ động viên anh em làm tốt nhiệm vụ, còn mong muốn của anh em chắc không xa. Đường ta mở hướng này là xuyên vào yết hầu địch rồi. Mỹ lúng túng đối phó. Ngụy lo lắng, tinh thần sa sút, chỉ cần ta gắng sức là giành được thắng lợi". Những lời Tư lệnh phân tích làm cho chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng.

Thế rồi bữa cơm đơn giản tiếp Tư lệnh cũng nhanh chóng kết thúc. Tiễn chân Tư lệnh qua phà sông Bung vào huyện Giàng của tỉnh Quảng Đà, quay lại ngồi dưới tán cây Kơ nia bên Nam bến phà Bung, được cơn gió trưa hè thoảng qua, lòng tôi man mát xốn xang một niềm tin tất thắng. Những ước mơ của tuổi trẻ lại bùng lên, nếu sau này được ra Bắc sẽ tiếp tục học lên đại học, được về quê hương nơi mảnh đất yêu thương đầy hơi ấm của mẹ, lòng nhân ái của cha, tình yêu quý của các chị, các em, được tận hưởng mùi hương dịu mát của cánh đồng lúa, ngô, chạy dọc đôi bờ sông Thương với làn nước xanh trong ngọt ngào. Ngày đó đã đến rất gần như dự đoán của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Tối hôm đó, trong buổi sinh hoạt đại đội, tôi đã nhắc lại những vấn đề Tư lệnh phân tích và động viên anh em. Đại đội phấn chấn hẳn lên. Quân số đi làm hàng ngày đều đạt 100%, một số anh em sốt vẫn không nghỉ, có anh em ra đường sốt thì nằm nghỉ, cắt sốt lại tham gia lao động, năng suất chất lượng những ngày này rất cao, ai cũng nỗ lực phấn đấu lập thành tích kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng Cách mạng tháng Tám - ngày độc lập của dân tộc. Cả đơn vị như bừng lên một khí thế mới, sôi nổi, hào hứng, quyết tâm cùng toàn tuyến Trường Sơn đẩy nhanh lực lượng, hàng hóa vào phía nam, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam mau tới ngày toàn thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #149 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 04:04:21 pm »




Hôm nay sau gần 30 năm tôi có dịp trở lại đường 14 cũ đoạn Đắc Rông đi huyện Giàng tỉnh Quảng Nam, nay là đường Đông Trường Sơn; nhìn qua ô cửa máy bay thấy vùng đất A Lưới, một địa danh lịch sử chiến đấu mang dấu ấn người Anh hùng Hồ Vai và Kan Lịch. Cũng ở nơi đây, trong căn hầm ngay giữa lòng sân bay A Lưới, tôi và đồng đội đã từng cùng nằm dưới hầm nghe đài tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin tuyên dương các anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó có tên tôi, rồi một buổi liên hoan của đồng đội đón chào danh hiệu Anh hùng của tôi, bằng ba bánh lương khô và bi đông nước suối. Qua sông A Vương, thị trấn Trao nơi đại bản doanh của Trung đoàn bộ 98 và nơi đây đã diễn ra lễ đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của cả trung đoàn - một trong những đơn vị đầu tiên của bộ đội Trường Sơn được tặng thưởng danh hiệu cao quý. Qua sông Bung - một địa danh mang dấu ấn cuộc đời tôi, nơi đây tôi đã nhiều lần vượt qua tử thần và cũng là nơi chúng tôi được gặp người Tư lệnh có vốn sống và kinh nghiệm cách mạng dày dạn, có phong cách sâu sát công việc, có tình thương yêu cán bộ, chiến sĩ dưới quyền như người anh, người chú, người cha, để lại sâu nặng trong tôi hình ảnh người Tư lệnh bộ đội Trường Sơn bất khuất. Các địa danh tôi trở lại hôm nay đã biến đổi rất nhiều. Với sông A Vương, sông Bung đã mọc lên những nhà máy thủy điện có công suất lớn, sẽ góp phần hòa vào lưới điện quốc gia thắp sáng các khu công nghiệp và những bản làng xa xôi. Trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, cũng như vùng Tây Nguyên rộng lớn giàu đẹp. Sân bay A Lưới, Trao đã trở thành những thị trấn của người dân Pô Cô, một dân tộc kiên cường sống bằng sắn, ngô, thịt thú rừng nhưng rất mực thủy chung với cách mạng, với Bác Hồ để đánh Pháp, đuổi Mỹ. Người dân Pô Cô chính thức mang họ Bác Hồ, họ nâng niu gìn giữ họ "Hồ" như cội nguồn sinh trưởng của 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam. Thị trấn A Lưới, thị trấn Trao, nhà cửa được xây mới, người, xe đông vui lên rất nhiều, xóa dần đi một vùng chết không người, cây cối chết trắng cả vạt rừng rộng lớn do chất độc màu da cam - đioxin qủa Mỹ - ngụy tàn phá hủy diệt thời chiến tranh.

Trở lại địa danh đã qua một thời chinh chiến, gợi lại cho tôi nhớ lại kỷ niệm lần đầu gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, cùng những sự kiện - dấu ấn cuộc đời chiến đấu của bản thân và đồng đội, giống như những bài ca Trường Sơn mãi mãi ngân vang.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM