Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:40:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy  (Đọc 31592 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:53:32 am »


Câu hỏi27: Mặc dù trải qua nhiều năm phải chiến đấu ở vùng lau sậy, lại bị địch khủng bố đàn áp, bao vây rất dữ, nhưng nghĩa quân Bãi Sậy vẫn đảm bảo được lương thực trong quá trình chiến đấu. Cho biết những hoạt động tự cung tự cấp về sản xuất lương thực của nghĩa quân?
Trả lời:


Tổ chức của nghĩa quân Bãi Sậy có khác với một số nghĩa quân chống Pháp đương thời ở chỗ họ không sống tập trung trong những thành lũy, công sự hoặc trên vùng núi cao, hầu như tách rời khỏi sản xuất nông nghiệp. Trái lại, nghĩa quân Bãi Sậy sống ngay trong làng xóm cùng với nhân dân. Cho nên ngoài nhiệm vụ chủ yếu là chiến đấu, họ còn sản xuất thêm một phần lương thực để tự túc. Hoặc nói đúng hơn khi cần tập trung lực lượng để chiến đấu thì họ là nghĩa quân; nếu không họ lại là người nông dân cần cù sản xuất trên đồng ruộng. Ví như nghĩa quân Đinh Gia Quế đã khai phá được rất nhiều đất hoang ở cánh đồng vùng Bãi Sậy thường gọi là "vùng tam thiên mẫu" (3.000 mẫu) ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và trồng được nhiều thứ lúa. Đáng chú ý thêm là trong các thủ lĩnh dưới quyền họ Đinh lại có một người chuyên trách vấn đề khai hoang. Vì lúc ấy khắp cả vùng chỉ là những cánh đồng lau sậy hoang vu nên cần phải đốt sậy, khai phá đất hoang mới có thể trồng trọt được. Ông này được gọi là ông "Lãnh Sậy"1, ông lãnh binh chuyên việc đốt sậy.

Đến thời Nguyễn Thiện Thuật, nghĩa quân cũng trồng lúa, ví như ở cánh đồng làng Liêu Trung - Dịch Trì (huyện Yên Mỹ - Hưng Yên), ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên) nhân dân cho biết nghĩa quân đóng ở đây cũng trồng hàng chục mẫu rau muống, cũng đơm tôm bắt cá để ăn.

Nghĩa quân Bãi Sậy thực sự có chủ trương tự cung tự cấp về lương thực. Chính nhờ đó, mặc dù đã trải qua nhiều năm phải chiến đấu ở vùng lau sậy, lại bị địch khủng bố, đàn áp phong trào, bao vây kinh tế rất dữ; nhưng đời sống của nghĩa quân Bãi Sậy không đến nỗi khó khăn lắm mà vẫn đảm bảo được sức chiến đấu lâu dài.
____________________________________
1. "Lãnh Sậy" tên thật là Nguyễn Đình Mai, người làng Bình Quỹ (huyện Khoái Châu, Hưng Yên).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:54:09 am »


Câu hỏi 28: Không những tự cung tự cấp được lương thực mà nghĩa quân còn tự sản xuất, tự sửa chữa vũ khí thô sơ và hiện đại. Cho biết đôi nét về ý thức tự lực, tự cường của nghĩa quân trong lĩnh vực này?
Trả lời:


Ngoài sản xuất lương thực ra, nghĩa quân Bãi Sậy cũng chú trọng đến vấn đề sản xuất những thứ vũ khí các loại.

Trong thời ấy, ở từng vùng nhỏ, thậm chí ở một vài làng như ở huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, v.v... (Hưng Yên), nghĩa quân đã thành lập những lò rèn nhỏ lưu động để sản xuất những thứ vũ khí thô sơ tự trang bị cho mình. Những người thợ rèn, thợ đúc này được chiêu mộ ở ngay trong làng hoặc ở các làng xung quanh đến làm việc. Còn nguyên liệu do nhân dân quyên góp các thứ nông cụ, các thứ đồ vật bằng sắt, gang, đồng, v.v... bị hư hỏng hoặc do nghĩa quân đi mua ở các chợ xa.

Không những chỉ chuyên việc sản xuất những thứ vũ khí thô sơ mà có nhiều lò rèn còn kiêm cả việc sửa chữa một vài bộ phận đơn giản của súng trường bị hư hỏng nữa; ví như những lò rèn của nghĩa quân Đề Ban ở làng Nhân Đồng (huyện Ân Thi, Hưng Yên). Đề Ban lại có một nghĩa quân rất giỏi nghề đẽo báng súng bằng gỗ quê ở làng Bối Khê (huyện Ân Thi, Hưng Yên) chuyên việc sửa chữa các báng súng trường kiểu năm 1874. Ông này được mệnh danh là "Cai Binh".

Tuy nhiên, muốn đánh địch không thể chỉ có gậy gộc, giáo mác, thiết lĩnh, v.v... là đủ mà còn phải tìm cách tự sản xuất được các loại súng như của địch để tăng thêm hiệu lực chiến đấu. Nghĩa quân Hương Khê đã tự trang bị những khẩu súng trường kiểu năm 1874 do Cao Thắng sáng chế khiến kẻ địch rất khâm phục. Nhưng trước đó, nghĩa quân Bãi Sậy lần đầu tiên đã sản xuất được loại súng trường này rồi.

Trong nhiều lần đi càn quét ở Vạn Lai, Yên Tập, v.v... địch thường tìm thấy những nơi sản xuất súng trường kiểu năm 1874 của nghĩa quân Bãi Sậy. Hoặc chúng còn thấy có nơi nghĩa quân vừa sản xuất vừa sửa chữa vũ khí đạn dược như ở vùng Hai Sông. Nhận xét về những khẩu súng trường nói trên do nghĩa quân Bãi Sậy sản xuất thời ấy, Pháp đã phải thừa nhận rằng nếu đem so sánh với những khẩu súng trường kiểu năm 1874 của chúng thì súng của ta không thiếu một thứ gì từ cái quy lát di động được cho tới những đồ phụ thuộc của súng. Nhưng chỉ có một điểm khác là nòng súng của ta bằng đồng, độ bắn không được chính xác lắm và người ta lại có thể bắn nó bằng đạn của súng trường kiểu Gras. Địch phải thốt lên: "Qua việc này một lần nữa lại chứng tỏ trí thông minh và tài khéo léo của người thợ Việt Nam".

Rõ ràng việc tự sản xuất ra những vũ khí thô sơ và súng trường kiểu năm 1874 của địch cũng như việc tự sửa chữa lấy các loại súng đạn bị hư hỏng là những biểu hiện của ý thức tự lực tự cường của nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:57:04 am »


Câu hỏi 29: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tập hợp được đông đảo nghĩa quân, cũng như mở rộng được địa bàn hoạt động đó là công tác tuyên truyền chính trị trong quần chúng nhân dân. Cho biết đôi nét về hoạt động này của nghĩa quân?
Trả lời:


Từ khi mới trở về nước tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật đã đi khắp nơi để tuyên truyền trong nhân dân rằng kẻ thù chủ yếu của dân tộc ta lúc này là bọn thực dân Pháp. Chúng đến đất nước ta với mục đích duy nhất là để xâm chiếm Tổ quốc ta, thống trị nhân dân ta. Chúng chỉ gieo rắc những cảnh tàn phá cho đất nước ta và nhân dân ta mà thôi. Ông cũng kêu gọi nhân dân hãy đoàn kết nhau lại và tìm mọi cơ hội thuận lợi để diệt địch.

Đến năm 1886, vị lãnh tụ chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy ấy một lần nữa lại dán thông cáo ở các làng kêu gọi nhân dân hãy tích cực tham gia khởi nghĩa chống Pháp.

Sang năm 1887, cả vùng Bắc Ninh, Hải Dương đều bị mất mùa, nhân dân lâm vào cảnh đói khổ. Nhưng cũng chính nhân dịp này Nguyễn Thiện Thuật càng đẩy mạnh việc tuyên truyền chính trị trong nhân dân và phát động nhân dân khởi nghĩa.

Một người Pháp đã nhận xét về Tán Thuật như sau: Những lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nông dân. Chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc Kỳ vào cuộc đấu tranh dân tộc1.

Ngoài Nguyễn Thiện Thuật thì Đội Văn và Đốc Tích cũng là những thủ lĩnh rất chú ý đến việc tuyên truyền tinh thần yêu nước trong nhân dân, nêu bật lên chính nghĩa của nghĩa quân để giác ngộ nhân dân và đả phá luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch thường cho nghĩa quân chỉ là bọn "giặc cỏ".

Trong một bức thư gửi cho nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đề ngày 24 tháng 8 âm lịch năm Hàm Nghi thứ 5 (1889), Đội Văn đã nêu rõ mục đích chiến đấu của ông là nhằm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, khôi phục lại đất nước, mang lại hòa bình thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Cũng để đạt được mục đích trên, Văn đã chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức lực lượng quân sự chống Pháp. Văn còn kêu gọi nhân dân hãy tích cực ủng hộ nghĩa quân2.

Đốc Tích cũng hết sức chống lại luận điệu xuyên tạc của địch cho rằng nghĩa quân ông chỉ chuyên nghề cướp bóc và một lần nữa Tích đã khẳng định rằng mục đích khởi nghĩa của ông là vì nước, vì vua Hàm Nghi: "Tôi không bao giờ để nghĩa quân của tôi cướp bóc, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ trung thành cho Tổ quốc và nhà của tôi"3.
______________________________________
1. Theo Paul Isoart: Le phénomène national vietnamien (xuất bản ở Paris, năm 1961).
2. Theo bản dịch chữ Pháp bức thư của Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
3. Theo bản dịch chữ Pháp bức thư của Đốc Tích gửi Hoàng Cao Khải đề ngày 7-5 âm lịch năm Hàm Nghi thứ 5 (1889).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:00:20 am »


Đi đối với việc vạch trần dã tâm xâm lược nói trên của Pháp, nghĩa quân đã nêu cao quyết tâm chống Pháp đến cùng của họ để nhân dân càng thêm tin tưởng, ủng hộ.

Ví như năm 1888, khi thống sứ Pháp giết hại thân nhân của Nguyễn Thiện Thuật bị bắt làm "con tin" và viết thư định dụ hàng Nguyễn thì ông đã không vì tình riêng mà gác bỏ nghĩa chung, vẫn tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp.

Đội Văn cũng là một người có lòng yêu nước rất cao. Trong thời gian ông phải tạm thời trá hàng, Pháp đã hết sức dụ dỗ mua chuộc Văn1 để biến ông thành tay sai trung thành của chúng. Còn các báo chí, bọn thương gia và sĩ quan Pháp thì "phát ghen" lên với Văn vì những sự ưu đãi đặc biệt này2. Nhưng trái với âm mưu của Pháp, Văn đã biết "lợi dụng" thời gian trá hàng để học tập phương pháp tổ chức quân đội và chiến thuật địch, rồi khi có điều kiện thuận lợi ông lại nhanh chóng quay trở lại kháng Pháp với quyết tâm sắt đá hơn. Văn đã chiến đấu đến phút cuối cùng.

Đốc Sung, Đề Tính, Đốc Cập, Lãnh Điển, Đề Ban, v.v... cũng không chịu ra hàng địch và cuối cùng tử trận, bị bắt hoặc xử tử.

Bên cạnh việc tuyên truyền chính trị, nghĩa quân còn chú ý đáp ứng một số nguyện vọng, quyền lợi nhỏ của quần chúng nhân dân đương thời bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Xuất phát từ sự thông cảm với nỗi khổ của nhân dân vì thiên tai, địch họa nên mỗi khi cần đến lương thực, tiền bạc, nghĩa quân thường chỉ tổ chức quyên góp, dán yết thị để kêu gọi nhân dân ủng hộ chứ không dùng hình thức cưỡng bức. Những vụ "cướp" của "giặc Bãi Sậy" thời ấy như bọn địch vẫn thường rêu rao chính là những vụ nghĩa quân bắt bọn cường hào, địa chủ, bọn nhà giàu phải nộp quân lương cho họ. Vì bọn này đã không chịu giúp đỡ phong trào lại còn có những hành động cấu kết với giặc để phá hoại nghĩa quân.

Đối với quần chúng nông dân nghèo khổ, nghĩa quân Bãi Sậy không những không bao giờ cướp bóc, ức hiếp; trái lại mỗi lần "cướp" được thứ gì của bọn tổng lý, nhà giàu nghĩa quân đều chia một phần cho nông dân nghèo trong vùng và số còn lại thì dùng làm quân lương.

Kỷ luật của nghĩa quân cũng khá nghiêm minh, nếu ai vi phạm đều bị trừng trị. Lãnh Tiêm phải giết Phó Ruộm, một nghĩa quân thân tín của ông vì Ruộm chặt cả cây cau của nhân dân đem về nhà.

Những sự thực trên đây ngày nay vẫn được nhân dân Hưng Yên truyền tụng, ca ngợi.
_____________________________________
1. Sau khi Đội Văn ra hàng, địch đã trả lương tháng cho nghĩa quân ông như sau:
    - Mỗi nghĩa quân: 15 quan tiền.
    - Mỗi hiệp quản: 25 quan tiền.
    - Một số thủ lĩnh khác: 30 quan tiền.
    - Riêng Đội Văn: 100 quan tiền.
    Lại cấp phát cho: 50 khẩu súng.
    (Theo Báo cáo chính trị ngày 27-3-1889 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương), bản viết tay.

2. Theo Albert de Pouvourville: Le Tonkin actue! 1887-1890 (xuất bản ở Paris năm 1891) và báo Le Courrier d’ Hai Phong năm 1889.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:01:36 am »


Nhưng đáng chú ý nhất là có nơi nghĩa quân còn sung công ruộng đất "thừa" của bọn địa chủ để quân cấp cho nông dân nghèo. Nhân dân làng Dịch Trì (quê hương Đốc Sung) đã thuật lại rằng trong thời gian Đốc Sung đang khởi nghĩa chống Pháp, Sung có thi hành "chính sách đạc điền" tức là bắt bọn địa chủ ở Dịch Trì và các làng xung quanh phải khai báo lại diện tích ruộng đất của chúng. Sau đó, Sung "đạc điền", nếu còn thừa, ông sẽ tịch thu số ruộng đất này để làm công điền rồi chia đều cho nông dân nghèo. Nhờ biện pháp trên, Sung đã tịch thu được khá nhiều ruộng đất của bọn địa chủ trong vùng. Lúc ấy, sợ thế lực của Sung, bọn địa chủ không dám chống lại. Nhưng sau khi Sung chết, nông dân buộc phải trả lại ruộng đất cho địa chủ.

Nói tóm lại, nhờ có những công tác chính trị nói trên, nghĩa quân Bãi Sậy đã tranh thủ được sự ủng hộ tích cực của nhân dân với nhiều hình thức rất phong phú, nhiều mức độ khác nhau và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu quyết định cho sự tồn tại lâu dài của cuộc khởi nghĩa.

Ngoài việc tích cực tham gia nghĩa quân, nhân dân ba tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ và nhất là nhân dân Hưng Yên còn nộp thuế ruộng cho Đinh Gia Quế (Đổng Quế), Ngô Quang Huy (Tán Ngô), Phạm Văn Ban (Đề Ban), v.v... Trong một cuộc tuần tra, địch đã bắt được một toán nghĩa quân đang thu thuế của nhân dân làng Bình Cách (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Chính Pháp cũng phải thú nhận rằng cho đến cuối năm 1889 sau khi nghĩa quân Đội Văn tan rã, đây là lần đầu tiên kể từ khi Pháp xâm chiếm tỉnh Bắc Ninh, chúng mới thu thuế được đều đặn ở tỉnh này. Điều đó chứng tỏ là nhân dân Bắc Ninh đã không chịu nộp thuế cho Pháp, hoặc chỉ nộp một phần nào, số còn lại nộp cho Đội Văn.

Ở Hai Sông, có lần địch bắt được hàng chục thuyền của nhân dân chở đầy thóc gạo tiếp tế cho nghĩa quân Đốc Tích. Ngoài ra, ở chợ Mỹ Giang, nhân dân địa phương còn thường xuyên trao đổi mua bán lương thực với nghĩa quân.

Phụ nữ và những người già yếu còn tham gia cả việc xay giã, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân.

Trong những trận đánh ở huyện Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội), ở làng An Định (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), v.v... mỗi khi nghĩa quân đến đóng ở các làng xung quanh đồn địch trước lúc tấn công hoặc sau khi rút lui đều được nhân dân che giấu, bảo vệ rất chu đáo mà địch không thể nào phát hiện được. Nhân dân, nhất là phụ nữ còn là người cung cấp đắc lực nhất tình hình của địch cho nghĩa quân biết. Nhờ đó, trong nhiều trận đánh, do biết trước tin tức nên nghĩa quân đã bố trí sẵn lực lượng chờ địch đến hoặc rút lui an toàn trước khi địch đi càn quét.

Ở phủ Ninh Giang (Hải Dương) nhân dân không chịu tiếp tế lương thực và cung cấp tin tức cho địch.

Còn ở làng Xuân Dục (quê hương Tán Thuật), có một em thiếu niên 16 tuổi bị giặc bắt trói, đâm gươm vào mặt, tẩm dầu quấn vào người rồi đốt chỉ vì em không chịu chỉ phần mộ tổ tiên của Nguyễn Thiện Thuật để giặc đào bới. Em đã chửi thẳng vào mặt giặc: "Đồ ăn cướp! Quan Hiệp thống là người hết lòng vì nước, tao chỉ tiếc không được theo ngài, chứ có đâu tao lại giúp chúng bay làm bậy"1.

Sự ủng hộ của nhân dân thực phong phú, lớn lao, cảm động biết chừng nào!
_______________________________________
1. Theo Nguyễn Thượng Hiền: trích trong bài "Giọt lệ bể dâu".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:03:09 am »


Tình hình trên đây đã được phản ánh rất rõ trong một bức thông tri của Parreau, quyền tổng sứ Trung - Bắc Kỳ gửi công sứ các tỉnh vào tháng 10 năm 1888. Trong thông tri này, sau khi phải thừa nhận rằng nghĩa quân Bãi Sậy đang hoạt động mạnh ở các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Parreau còn cho biết chính quyền và nhân dân địa phương không chịu cung cấp tin tức của nghĩa quân cho địch mà thường bỏ trốn hàng loạt trước khi địch kéo đến làng. Nhưng đối với nghĩa quân thì nhân dân lại tích cực ủng hộ về lương thực, vũ khí, đóng góp thuế má, cung cấp người, v.v... Mỗi làng đều là nơi nghĩa quân có thể đóng lại, hoặc nghỉ ngơi.

Ngoài sự ủng hộ của nhân dân, thì ngay cả một số người tuy ra làm việc cho Pháp vẫn có cảm tình hoặc ủng hộ nghĩa quân.

Trước hết là một số tổng lý kỳ hào ở nông thôn là những người trực tiếp cai trị nhân dân ở địa phương mình thì thái độ chính trị của họ nói chung là có giúp đỡ ít nhiều cho nghĩa quân như nộp thuế má, đóng góp quân lương. Vả lại, đại bộ phận vùng nông thôn đều do nghĩa quân thực sự kiểm soát, cho nên dù muốn hay không, họ cũng phải tỏ ra có cảm tình với phong trào, có ý thức Cần Vương chống Pháp.

Chính thống sứ Bắc Kỳ cũng phải thừa nhận trong thời ấy đã có hình thức song song tồn tại của hai thứ "chính quyền bảo hộ" và "chính quyền bí mật" của nghĩa quân:

"Nghĩa quân, là chủ nhân thực sự của đất nước, đã thành lập một "chính quyền bí mật" song song tồn tại cùng với chính quyền của kẻ xâm lược. "Chính quyền bí mật" này được nhân dân rất phục tùng và kính trọng hơn hẳn chính quyền chính thức" (chỉ chính quyền bù nhìn do Pháp đặt tên)1.

"Huyện Mỹ Hào hoàn toàn do nghĩa quân chiếm đóng và không có một ông lý trưởng hoặc một ông chánh tổng nào lại không nghe theo mệnh lệnh cửa Tán Thuật"2.

Các ông chánh tổng, phó tổng, lý trưởng và kỳ hào đều được bầu ra ở các làng dưới áp lực của nghĩa quân, nên trước hết họ đều trung thành với Tán Thuật. Chính những người này đã hình thành nên một chính quyền cách mạng thực sự trong hệ thống chính quyền cấp dưới"3. Ngoài ra, có một số tổng lý kỳ hào còn trực tiếp tham gia nghĩa quân. Thí dụ có một kỳ hào trong nghĩa quân Đội Văn, khi bị địch bắt ở Hữu Thượng (huyện Yên Thế, Bắc Giang) đem ra tra hỏi, ông đã trả lời thẳng vào mặt chúng rằng vì Đội Văn kêu gọi khởi nghĩa vũ trang chống Pháp, như vậy nhiệm vụ của ông đã được vạch rõ nên ông phải tham gia hàng ngũ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đội Văn.

Lại có một số viên quan phủ huyện cũng ủng hộ nghĩa quân như cung cấp lương thực, báo cho nghĩa quân biết kế hoạch hành quân đàn áp của địch, v.v... như ở các huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đông Triều, Cẩm Giàng (Hải Dương), Yên Mỹ, Mỹ Hào (Hưng Yên), v.v... Trong số các viên phủ huyện yêu nước nói trên, có người đã bị Pháp xử tử vì "tội có liên quan với bọn phiến loạn”.
__________________________________
1-3. Theo Báo cáo chính trị tháng 3-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:06:51 am »


Câu hỏi 30: Một trong những nguyên nhân làm cho phong trào khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh, đó là công tác binh vận của nghĩa quân. Cho biết đôi nét về lĩnh vực này của nghĩa quân trong quá trình khởi nghĩa?
Trả lời:


Nghĩa quân Bãi Sậy đã tiến hành một số hoạt động ngụy vận trong anh em binh lính người Việt theo Pháp.

Năm 1886, Nguyễn Thiện Thuật cho dán yết thị ở khắp nơi kêu gọi ngụy binh hãy đào ngũ cùng với nhân dân tham gia khởi nghĩa chống Pháp, hãy lấy đầu bọn sĩ quan Pháp và quan lại Việt Nam để lập công với nghĩa quân1.

Đến năm 1891, Pháp cũng nói rằng vẫn xuất hiện những bản thông cáo của nghĩa quân Bãi Sậy luôn kêu gọi ngụy binh nổi dậy chống Pháp2.

Mỗi khi bắt được ngụy binh, nghĩa quân chỉ giữ lại giáo dục trong một thời gian rồi lại cho họ trở về quê hương gia đình; trừ những kẻ ngoan cố lắm mới bị giết. Nghĩa quân còn thông qua các gia đình ngụy binh để vận động gia đình khuyên bảo con em họ trở về quê làm ăn như cũ; hoặc nhờ ngụy binh mua giúp súng đạn của địch. Nói chung, công tác binh vận cũng đạt được một số kết quả nhất định.

Có ngụy binh đã lấy súng đạn của địch bán cho nghĩa quân. Thí dụ, vào tháng 8 năm 1888, Parreau đã kết tội 3 người ngụy binh là đội Nguyễn Văn Quyên, bếp Nguyễn Văn Khắc và lính Nguyễn Văn Trung đem giao cho tòa Nam án xử đày chung thân ra Côn Đảo và tịch ký gia sản của họ vì họ "phạm tội" lấy vũ khí bán cho nghĩa quân với giá 600 quan tiền. Parreau còn phải công nhận "sự kiện" trên rất quan trọng và đòi hỏi phải có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc nhất để ngăn ngừa sự tái diễn.

Tháng 3 năm 1889, sau khi Đội Văn ra hàng, trong một cuộc thẩm vấn Văn về những "nguồn cung cấp vũ khí, quân nhu" cho nghĩa quân, Đội Văn đã nói cho Pháp biết rằng một phần vũ khí, quân nhu của nghĩa quân là do ông mua của anh em ngụy binh. Thí dụ, có một nghĩa quân Văn đã mua lại của một người lính khố đỏ ở đồn Bạch 5 bao đạn với giá 3 đồng.

Nhưng không phải chỉ dừng lại ở đó, khi anh em ngụy binh đã được giác ngộ tinh thần yêu nước thì họ không những chỉ lấy vũ khí bán cho nghĩa quân mà tiến lên một bước cao hơn có người đã rời bỏ hàng ngũ địch mang theo cả vũ khí và trực tiếp tham gia hàng ngũ chiến đấu với nhân dân. Năm 1888, ở một đồn thuộc phủ Thường Tín (Hà Đông) có một người lính đã đánh lừa được tên lính gác cổng rồi bỏ trốn theo nghĩa quân. Nhưng khi ra khỏi đồn, anh bị bọn kỳ hào trong làng bắt được nộp cho Pháp. Sang năm 1889, ở đồn Kẻ Sặt (Hải Dương) lại có một người cai và một người lính cũng đào ngũ, mang cả vũ khí theo Bãi Sậy. Vào tháng 6 năm 1889, trong trận Vân Lai (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) bọn lính ở đồn Bần Yên Nhân đã bắt được một nghĩa quân đem ra tra hỏi nên mới biết trong hàng ngũ của Đốc Sung có một người lính khố đỏ nữa trong nghĩa quân Bãi Sậy. Nhưng đáng chú ý hơn cả là theo lời khai của De Clausade, một lính Pháp đào ngũ theo Đốc Tích trước tòa án quân sự Pháp năm 1889 thì trong tổng số nghĩa quân là 800 người đã có khoảng một phần ba là những người lính khố đỏ và lính cơ đào ngũ hoặc bị bắt đã được phóng thích, nay tự nguyện ở lại. Có một số người cũng nói được một chút tiếng Pháp và nhờ họ mà De Clausade giao thiệp được với nghĩa quân Tích cũng như hiểu biết tình hình chung.

Một nghĩa quân khác ở vùng Hai Sông bị địch bắt cũng khai rằng có khoảng 250 ngụy binh đi theo Đốc Tích. Họ được Đốc Tích vũ trang bằng súng và trong các trận đánh, họ bắn rất giỏi, rất dũng cảm.

Nghĩa quân Bãi Sậy đã thực sự khơi dậy được trong lòng một số ngụy quân tinh thần yêu nước chân chính quay súng lại đánh Pháp để khôi phục lại nền độc lập cho Tổ quốc.

Một ngụy binh ở Hà Đông đào ngũ khi bị bắt đem ra tra hỏi, trước mặt địch, anh vẫn công khai tuyên bố rằng anh đào ngũ để đi theo nghĩa quân Bãi Sậy. Địch bèn tập trung tất cả lính ta ở Hà Nội đến cửa Sơn Tây rồi đem anh ngụy binh này ra chém để uy hiếp tinh thần những người có mặt.

Cũng trong thời gian ấy, có ngụy binh còn dám sẵn sàng làm cả nội ứng cho nghĩa quân đánh vào đồn địch, rồi gia nhập luôn phong trào khởi nghĩa; ví như anh cai Tuyến ở Khoái Châu (Hưng Yên)3.
______________________________________
1. Dillemann: Province de Hải Dương, tài liệu đánh máy viết ngày 25-12-1932.
2. Theo Báo cáo chính trị tháng 3-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.
3. Theo Piglowski: sách đã dẫn và theo Báo cáo chính trị ngày 18-3-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:08:13 am »


Đặc biệt là còn phải kể đến hai người lính Pháp là Martin và De Clausade đóng ở đồn Đáp Cầu đã đi theo nghĩa quân Đốc Tích.

Vì không chịu đựng nổi sự trừng phạt bất công của tên thiếu tá Dumont đã nhiều lần bỏ tù họ nên tối ngày 23 tháng 3 năm 1889, lợi dụng lúc tên gác ngục sơ hở, Martin và De Clausade ở trong nhà tù đã trốn ra. Rồi nhờ quen biết trước một người phu tên là Nam vẫn làm việc ở trong đồn hướng dẫn nên mấy ngày sau họ được gặp viên lý trưởng làng Cao Quan là người thân cận của Đốc Tích. Sau nhờ ông này làm trung gian, ngày 3 tháng 4 năm 1889 họ được gặp Đốc Tích ở làng Trúc Động (Quảng Yên). Ngay trong buổi tiếp kiến đầu tiên, De Clausade đã cung cấp cho Đốc Tích biết rõ tình hình các đồn lính Pháp ở giữa Đáp Cầu và Bắc Ninh là những nơi mà anh đã đóng quân. Đốc Tích rất khen ngợi và cung cấp quần áo, thực phẩm cho họ. De Clausade còn tuyên bố rằng hai người cũng rất sẵn sàng đi theo Đốc Tích để chiến đấu chống Pháp và họ đã được toại nguyện. Thế rồi trong các trận đánh ở vùng Hai Sông vào ngày 16 và 27 tháng 7 và 2 tháng 8 năm 1889, chính De Clausade đã chiến đấu rất dũng cảm bên cạnh nghĩa quân và bắn hết 40, 50 viên đạn. Martin bị ốm không tham chiến. Ngoài ra cũng trong thời gian theo Đốc Tích, Martin và De Clausade còn giúp nghĩa quân sửa chữa vũ khí và sản xuất đạn dược. Khi ra hàng, Đốc Tích phải nộp Martin cho địch, còn De Clausade bị Pháp bắt ở đồn Yên Lưu (huyện Kinh Môn, Hải Dương).

Sau Martin ốm chết, Pháp bèn đưa De Clausade ra tòa án quân sự xét xử. Trong phiên tòa họp ngày 17 tháng 9 năm 1889, De Clausade đã bị kết án vào tội "đào ngũ theo nghĩa quân Đốc Tích", "phản bội lại tổ quốc" và "cầm súng bắn lại đồng bào ruột thịt của mình". Tên đại tá chánh án còn đe dọa De Clausade rằng chỉ có một cách cứu thoát khỏi tội chết, cứu lấy danh dự của gia đình và của bản thân anh nữa (hắn vin vào lý do là De Clausade có một người anh ruột hiện là thiếu úy trong quân đội Pháp và bản thân De Clausade cũng tình nguyện nhập ngũ) nếu anh chỉ cho Pháp biết địa chỉ và tên những người đã cung cấp vũ khí cho Đốc Tích. Nhưng mặc dù đã nhiều lần làm công tác trung gian về giấy tờ giữa Đốc Tích với Oberg và những người cung cấp vũ khí cho nghĩa quân, anh vẫn không chịu khai. Cuối cùng tòa phải tuyên án xử tử anh. Một lần nữa, anh cũng không thèm van xin lòng thương hại của bọn quan tòa. Vào một buổi sáng sớm tháng 10 năm 1889, địch dẫn anh ra pháp trường xử bắn. Anh đã chết với một thái độ vô cùng dũng cảm khiến kẻ địch hết sức ngạc nhiên. Năm ấy, anh ngoài 20 tuổi (1868-1889)1.
______________________________________
1. Tài liệu viết về Martin và De Clausade là dựa theo Clause de Bourrin, Piglowski, Daufès: các sách đã dẫn; các báo Le Courrier d' Hai Phong, L' Avenir du Tonkin và Journal 2è officiel de l'Indochine Française, 2è partie: Annam et Tonkin năm 1889 và năm 1890.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:09:45 am »

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Tập san Nghiên cứu lịch sử, Viện sử học, số 119, tháng 2 năm 1969.
2. Vũ Thanh Sơn, Tướng lĩnh Bãi Sậy, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.
3. Đại cương lịch sử Việt Nam, nhiều tác giả, tập 2, Nxb Giáo dục, 2006.


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM